Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

20150209. BÀN VỀ QUAN HỆ GIỮA VĂN HÓA VÀ KINH TẾ

ĐIỂM BÁO MẠNG
VĂN HÓA ĐẶT NGANG HÀNG KINH TẾ
Bài của TỪ KHÔI trên ĐĐK 8/2/2015
Dư luận gần đây ồn ã về việc đạo đức xã hội xuống cấp. Các giá trị văn hoá bị đảo lộn. Thực tế thì ai cũng có thể nhìn thấy qua những sự việc diễn ra hàng ngày. Nhưng đâu là nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ đạo thì ít ai suy xét đến. Có người cho rằng nguyên nhân do lối sống thực dụng chuộng vật chất gây ra, lại có người cho rằng luật pháp chưa đủ mức răn đe các hành vi phạm tội, lại có người cho rằng hiện trạng xuống cấp đạo đức do con người trong xã hội đang khủng hoảng lý tưởng, niềm tin…

 
Trong khi ngân sách đầu tư ít thì vẫn có những công trình văn hóa lãng phí (Ảnh minh họa)

Là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng cộng sản Việt Nam đã nhận thấy việc xuống cấp đạo đức trong xã hội. Vì vậy đã có chủ trương khắc phục và giải quyết tình trạng này trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương Đảng khoá XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 9/6/2014) về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. 
Quan điểm đầu tiên trong Nghị quyết số 33-NQ/TW đã khẳng định: "văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Xin hãy bàn riêng về khía cạnh coi "Văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” trong Nghị quyết này.
Dù chỉ một câu thể hiện quan điểm, nhưng Đảng đã chứng tỏ một bước tiến mới trong việc nhìn nhận về văn hoá. Nhìn lại quá trình từ ngày thành lập Đảng đến nay sẽ thấy rõ điều đó.
Bản "Đề cương văn hoá Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp khởi thảo năm 1943 có thể coi là dấu ấn đầu tiên về quan điểm của Đảng với vấn đề văn hoá dân tộc. Bản Đề cương văn hoá Việt Nam thể hiện rõ cách nhìn khác biệt với quan niệm của các triều đại phong kiến Việt Nam. Ngoài tính tất yếu của văn hoá là "dân tộc” thì bản đề cương còn thể hiện được quy luật phát triển là yếu tố "khoa học” và "đại chúng”. Trong giai đoạn này, văn hoá là động lực, là nền tảng để góp phần giải phóng tổ quốc. Tinh thần văn hoá phục vụ chính trị được thể hiện rõ khi Hồ Chủ tịch đúc kết thành câu nói "văn hoá soi đường cho quốc dân đi” và "kháng chiến hoá văn hoá, văn hoá hoá kháng chiến”. 
Hơn 20 năm sau khi đất nước thống nhất, đường lối lãnh đạo văn hoá chưa có nhiều thay đổi sau bản "Đề cương văn hoá Việt Nam” năm 1943. Cho đến khi Việt Nam mở cửa, phát triển kinh tế năm 1995 thì nhu cầu cấp bách đòi hỏi Đảng phải có quan điểm mới về văn hoá. Và Nghị quyết Hội Nghị Trung ương 5 khóa VIII (số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998, do Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ký) đã ra đời. Nghị quyết chỉ ra bất cập khi chưa lường được những tác động tiêu cực ảnh hưởng tới đời sống văn hoá, xã hội và "chưa đặt đúng vị trí của văn hóa…”. Nghị quyết cũng nêu những ảnh hưởng không tốt từ nội bộ Đảng dẫn tới tiêu cực trong xã hội: "Việc xử lý những phần tử thoái hóa biến chất trong Đảng và bộ máy Nhà nước chưa nghiêm. Tinh thần tự phê bình và phê bình sa sút ở nhiều cấp bộ đảng. Nội dung giáo dục tư tưởng, chính trị trong sinh hoạt đảng và các đoàn thể rất yếu. Những điều đó làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ, nhưng Trung ương và Bộ Chính trị, Chính phủ chưa có những biện pháp khắc phục hữu hiệu”.
Quan điểm chỉ đạo cơ bản đầu tiên của Nghị quyết Hội Nghị Trung ương 5 khóa VIII khẳng định: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội…”. 
Và thực tế, trong khoảng thời gian hơn 15 năm (từ 1998 đến nay), văn hoá đã là động lực mạnh mẽ để phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, việc đầu tư cho văn hoá còn nhiều hạn chế, không xứng tầm. Hạn chế chủ yếu là do trong quá trình thực hiện, việc phát triển kinh tế luôn giành được vị thế ưu tiên so với văn hoá. Nhiều di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng bị khai thác phục vụ mục đích kinh tế đến mức cạn kiệt, nguy hại nghiêm trọng mà chủ thể khai thác vẫn không bị xử lý, hoặc bị xử lý hành chính cho có. 
Khi kinh tế đã phát triển, mà những vấn đề văn hoá, đạo đức trong xã hội vẫn tiếp tục bị xuống cấp nghiêm trọng yêu cầu Đảng phải có Nghị quyết mới. Và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương Đảng khoá XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 9/6/2014) về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tiếp tục xuất hiện. 
Tại bản Nghị quyết này đã chỉ rõ nhiều mặt bất cập và hạn chế sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII: "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng. Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng…”. 
Quan điểm đầu tiên của Nghị quyết số 33-NQ/TW là coi "văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Có thể thấy, đây là lần đầu tiên, vai trò và vị trí của văn hoá được Đảng đề cao nhất. Từ vị trí "phục vụ chính trị” để góp phần giành độc lập dân tộc, tiếp đến là "động lực để phát triển kinh tế” thời mở cửa và đến nay văn hoá được xếp đứng ngang hàng với kinh tế. Tuy nhiên để thực hiện được thì vô cùng khó khăn. Điều này đòi hỏi nhiều vấn đề "đầu tư” cho văn hoá. Từ việc xây dựng chế độ, chính sách, ưu đãi thuế, cho đến đầu tư ngân sách thoả đáng cho văn hoá.
Thực tế cho thấy, ngân sách đầu tư cho văn hoá vô cùng hạn chế. Đơn cử so sánh việc đầu tư ngân sách cho ngành giao thông và đề án "Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật) giai đoạn 2012 – 2020” sẽ thấy rõ. Thông tin của Bộ Giao thông Vận tải ngày 12-12-2014 tại Hội thảo "Giải pháp thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông” tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Hà Nội, cho biết: Ngân sách và trái phiếu Chính phủ hàng năm cấp cho ngành GTVT vào khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Thực tế, ngành giao thông vận tải lại thu hút nhiều vốn từ nguồn khác. Cho nên mức dự kiến mức giải ngân năm 2014 của ngành GTVT vào khoảng 100 nghìn tỷ đồng. Thậm chí theo dự kiến, giai đoạn từ 2016-2020 sẽ có một nguồn vốn khổng lồ lên đến khoảng 235 nghìn tỷ đồng ngoài ngân sách đầu tư vào giao thông. Còn bây giờ hãy xem mức đầu tư ngân sách cho những công trình văn hoá ra sao (những mục đầu tư khác cho ngành văn hoá không thể bằng việc xây dựng các công trình văn hoá. Tại các nhà hát, hãng phim... tiền ngân sách phần lớn chỉ dùng để trả lương). Theo Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 9/1/2013 về việc phê duyệt Đề án "Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật) giai đoạn 2012 - 2020” thì: Tổng số nhà hát cần nâng cấp và xây dựng mới là 71 nhà hát; Tổng số rạp chiếu phim cần nâng cấp và xây dựng mới là 106 rạp; Tổng số nhà triển lãm cần nâng cấp và xây dựng mới là 66 công trình. Tổng số vốn đầu tư cho giai đoạn 2012 - 2020 dự kiến là 10.800 tỷ đồng. Dự kiến ngân sách đầu tư giai đoạn 2012 – 2015 là 3.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 1.780 tỷ đồng; Giai đoạn 2016 – 2020 dự kiến đầu tư 7.800 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 4.725 tỷ đồng.
Như vậy, tính ra thì đầu tư cho văn hoá mỗi năm trong giai đoạn từ 2012 đến 2015 ước tính chỉ vào khoảng 600 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Còn giai đoạn từ 2016 tới 2020, tính ra mỗi năm khoảng 945 tỷ đồng. Con số này chiếm chưa tới 1/1000 khoản thu ngân sách nhà nước hàng năm(Trang tin Bộ Tài chính cho biết: thu NSNN tính đến ngày 22/12/2014 là 831,19 nghìn tỷ đồng); và chưa đầy 0,1% dự tính chi ngân sách năm 2015 (Dự toán chi NSNN năm 2015 được Quốc hội quyết định là 1.147,1 nghìn tỷ đồng). 
Ngân sách đầu tư cho các công trình văn hoá lẽ ra là quá ít so với các công trình giao thông, thế nhưng nó có vẻ như đã trở nên quá nhiều khi hiệu quả sử dụng của một số công trình không cao. Thực tế nhiều nhà hát sau khi hoàn thiện lại trở thành nơi cho thuê để hoạt động kinh doanh ngành nghề khác không gắn gì với hoạt động văn hoá, nghệ thuật. Bởi thế, ngoài việc đầu tư về mặt cơ sở vật chất còn rất cần thiết đầu tư cho đội ngũ cán bộ, những nghệ sĩ, nghệ nhân, và những giá trị tinh thần, những nền tảng văn hoá trong bản thân mỗi con người Việt Nam. Việc đầu tư cho phát triển con người văn hoá, đào tạo cán bộ văn hoá, cho nghệ nhân, nghệ sĩ vô cùng cần thiết nhưng còn rất hạn chế, thậm chí bị xem nhẹ.
Việc triển khai quan điểm "văn hoá ngang hàng với kinh tế,chính trị, xã hội” sắp tới sẽ vô cùng khó khăn. Cái khó khăn nhất theo người viết có lẽ xây dựng cho được cơ chế ưu đãi đầu tư về văn hoá trên nhiều phương diện: nguồn vốn, cán bộ, cơ chế chính sách, ưu đãi thuế, quy định pháp luật... 
Từ Khôi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét