Thứ Hai, 28 tháng 11, 2022

20221129.QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP

 ĐIỂM BÁO MẠNG

NHỮNG THÔNG ĐIỆP VỀ TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP

TƯ GIANG/ TVN 24-11-2022

Có một điểm cần nhấn mạnh: tuyệt đại đa số trái phiếu doanh nghiệp là có tài sản đảm bảo hoặc được bảo đảm bởi các tổ chức tín dụng.

Thông điệp từ Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trong cuộc họp với đại diện của 39 công ty chứng khoán va doanh nghiệp phát hành trái phiếu ngày 23/11 là khá rõ: tiếp tục tìm giải pháp để củng cố niềm tin và tăng cường tính thanh khoản cho trị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ngay cả Nghị định 65/2022/NĐ-CP cũng sẽ được xem xét, sửa đổi, “điều chỉnh phù hợp” nhằm phát triển thị trường bền vững. Nghị định này, vừa được ban hành chỉ hơn 2 tháng trước, bị phàn nàn là “siết” chặt, làm thị trường rơi vào trạng thái ngủ đông đến mức Nghị quyết 143 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 10 đã yêu cầu sửa đổi.

Bộ trưởng tổng kết về thực tại: vừa qua có một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong phát hành bị xử lý hình sự, gây ra tâm lý hoang mang, dẫn đến nhà đầu tư đua nhau đi rút tiền, doanh nghiệp đi vay gặp khó khăn.

Như vậy, thông điệp của Bộ trưởng Tài chính là đã rõ, và các chính sách trong Nghị định 65 sẽ được điều chỉnh tới đây.


Bộ Tài chính phát đi thông điệp cần sửa Nghị định 65 chỉ hơn hai tháng sau khi ban hành vì các quy định quá chặt.

Song, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải lấy lại niềm tin thị trường, của các nhà đầu tư và của doanh nghiệp, tuyệt đối tránh tích tụ thành tâm lý đám đông.

Có một điểm cần nhấn mạnh: tuyệt đại đa số trái phiếu doanh nghiệp là có tài sản đảm bảo hoặc được bảo đảm bởi các tổ chức tín dụng.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 328,9 nghìn tỷ đồng. Trong số đó, 46,48% trái phiếu riêng lẻ có tài sản bảo đảm; 53,52% còn lại là không có tài sản bảo đảm nhưng chủ yếu là trái phiếu của tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong 2 tháng cuối năm 2022 là 56 nghìn tỷ đồng. Giá trị trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp bất động sản là 21,4 nghìn tỷ đồng, nhưng có tới 99,6% là có tài sản bảo đảm. Các tổ chức tín dụng chỉ có 15,6 nghìn tỷ đồng, các doanh nghiệp sản xuất là 10,6 nghìn tỷ đồng.

Những con số trên, nếu đúng, là rất thuyết phục để lấy lại niềm tin thị trường đang rất “chao đảo”. Xin nhấn mạnh là khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn là 152,5 nghìn tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2021. Điểm này cần được truyền thông tốt và hiệu quả hơn nữa để ổn định tâm lý thị trường, bên cạnh việc không hình sự hóa.

Hiện nay, các thị trường đều đang rất khó khăn. Đó là lãi suất tiền gửi ngân hàng lên cao; việc hút tiền từ lưu thông với khối lượng lớn làm các doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu; nhiều tổ chức tín dụng đã hết room; thị trường trái phiếu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc thanh toán các lô trái phiếu đến hạn; thị trường bất động sản đông cứng; thị trường chứng khoán mất điểm và tất nhiên là yếu tố tâm lý.

Vì thế, một hay vài giải pháp của riêng ngành tài chính sẽ ít hiệu quả với tình thế phức tạp đang diễn ra, mà đòi hỏi sự kết hợp chính sách rất chặt chẽ của các bộ ngành và địa phương.

Bộ Tài chính cam kết sẽ tổ chức họp giữa các cơ quan bộ, ngành, nhất là các ngành có liên quan mật thiết với thị trường như Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Xây dựng để cùng nhau đánh giá, xem xét của thị trường.

Các giải pháp này và hơn nữa hi vọng sẽ được xem xét nhanh chóng, có thể thực thi hiệu quả để giảm thiểu những điều không mong đợi.

Tư Giang

TIN LIÊN QUAN

ỨNG XỬ VỚI TRÁI PHIU DOANH NGHIỆP
TƯ GIANG /TVN 28-11-2022
Bức tranh đó cho thấy, người mua trái phiếu doanh nghiệp không có lý gì phải quá lo lắng. Nếu tất cả đổ xô đến “đòi lại” thì không một doanh nghiệp nào có thể trụ được chứ đừng nói là phát triển.

Bộ Tài chính đang gấp rút xem xét sửa đổi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp chỉ sau hơn 2 tháng phát hành do có quá nhiều rào cản kỹ thuật với doanh nghiệp.

Hiệp hội thị trường trái phiếu cho biết, từ đầu tháng 10 đến 4/11, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào được ghi nhận trên các sàn HNX và SSC.

Phát hành trái phiếu mới đóng băng đã lái nhiều doanh nghiệp đến nguồn vốn vay quốc tế. Theo công ty FiinRatings, các doanh nghiệp đã phát hành tổng giá trị 1.915 tỷ USD trong 10 giao dịch được công bố gần đây.

Khi dự thảo nghị định 65 được đưa ra lấy ý kiến, nhiều chuyên gia đã dự báo, với các quy định kỹ thuật đầy rào cản, khi ra đời thì văn bản này sẽ “siết chặt” việc phát hành.

Nó như cú phanh cực gấp cho cỗ xe đang đi tốc độ cao có trọng lượng 1,3 triệu tỷ đồng trong năm 2021 khi thị trường này bùng nổ. Đó là chưa nói đến yếu tố tâm lý của nhà đầu tư ít khi được tính toán trong quá trình thiết kế và thực thi chính sách.


Các nhà đầu tư cần bình tĩnh, tỉnh táo cho doanh nghiệp phát hành cơ hội sử dụng vốn để sản xuất kinh doanh theo kế hoạch và trả nợ đúng hạn và cam kết.

Xin trích dẫn một góc nhìn của một chuyên gia sau khi phân tích số liệu tổng hợp về bức tranh của trái phiếu doanh nghiệp đã được báo chí đăng tải.

Đầu tiên phải nói đến giá trị trái phiếu đáo hạn, tức là đến hạn phải thanh toán chứ không phải là phát hành để đảo nợ. Trong 2 tháng cuối 2022 phải thanh toán 59 ngàn tỷ đồng. Tính cả năm 2023, tổng số vốn trái phiếu doanh nghiệp phải thanh toán là 311 ngàn tỷ đồng.

Lượng trái phiếu doanh nghiệp trong 10 tháng năm 2022 là 328,9 ngàn tỷ đồng (trong tháng 10 chỉ có 5,8 ngàn tỷ). Xu hướng này không phải là doanh nghiệp không cần vay nợ nữa mà là báo hiệu hoạt động của doanh nghiệp đang giảm tốc, thu hẹp hoặc do phát hành trở nên khó khăn.

Trái phiếu phát hành năm 2022 có tài sản đảm bảo chiếm 46,5%. Số không có tài sản đảm bảo chủ yếu là của các tổ chức tín dụng. Khoảng 170 ngàn tỷ đồng trái phiếu có thời hạn 1-3 năm; gần một nửa là có thời hạn từ 3-10 năm và hơn 10 năm. Ngân hàng chiếm hơn 54% giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp, và doanh nghiệp bất động sản chỉ chiếm gần 21%.

Nền kinh tế tăng trưởng thì ngân hàng cũng tăng trưởng. Số dư vay của hệ thống ngân hàng thương mại trong nước là khoảng 8 triệu tỷ đồng. Người thì vay kinh doanh, người thì vay tiêu dùng, tất cả đều tạo ra cung và cầu của hoạt động kinh tế. Doanh nghiệp hoạt động cần vốn và trả lãi vay cho ngân hàng. Nhiều khi ngân hàng và người gửi tiền có lãi, còn doanh nghiệp chỉ hoà vốn hoặc lỗ.

Khảo sát số liệu 20 doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán 30/9/2022 thì vay ngân hàng chỉ 10%, phát hành trái phiếu 20% tính trên nợ phải trả của doanh nghiệp. 70% số nợ phải trả còn lại là nợ nhà cung cấp, nợ người lao động, nợ thuế và nhiều thứ nợ khác.

Bức tranh đó cho thấy, người mua trái phiếu doanh nghiệp không có lý gì phải quá lo lắng. Nếu tất cả đổ xô đến “đòi lại” thì không một doanh nghiệp nào có thể đứng vững được, trụ được chứ đừng nói là phát triển.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp như tam giác nối ba chủ thể là Nhà nước, doanh nghiệp và người mua trái phiếu. Nhà nước cũng chỉ là một chủ thể mà thôi. Nhưng để thị trường đến mức độ hiện nay có phải là do quản lý hay không?

Buông lỏng, siết chặt, rồi lại tháo gỡ và nhiều yếu tố khác là những bài toán đặt ra cho các nhà soạn thảo dự thảo thay thế nghị định 65 tới đây.

Tư Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét