Thứ Năm, 3 tháng 11, 2022

20221104. BÀN VỀ KIỂM SOÁT LẠM PHÁT

 ĐIỂM BÁO MẠNG


KIỂM SOÁT LẠM PHÁT: BỐI CẢNH GIỜ ĐÃ KHÁC

TS  VÕ ĐÌNH TRÍ/ KTSG 20-10-2022

(KTSG) – Những quyết định về tăng lãi suất điều hành, nới rộng biên độ tỷ giá, hoạt động tích cực trên thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gần đây đã có những đóng góp đáng kể trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Tuy vậy, hiệu quả của các chính sách tiền tệ luôn có giới hạn của nó vì sự đánh đổi. Trong khi lạm phát ở rất nhiều nền kinh tế đã tăng theo bối cảnh chung thì ở Việt Nam vẫn cố gắng duy trì quanh mục tiêu 4% và thậm chí với một số người thì càng thấp càng tốt.

Lạm phát mục tiêu bị thách thức

Kể từ năm 2016, mục tiêu lạm phát dưới 4% là một trong những chỉ số quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm của Việt Nam. Chính sách lạm phát mục tiêu đã được áp dụng ở nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới vì nó giúp cho kỳ vọng lạm phát được neo vào một con số cụ thể, chẳng hạn như một số nền kinh tế đã phát triển lựa chọn con số 2%.

Khi lạm phát được ổn định thì uy tín của ngân hàng trung ương được củng cố, lãi suất ổn định là điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế phát triển.

Việc tăng thêm lãi suất trong giai đoạn này sẽ mang lại nhiều bất lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: LÊ VŨ

Nhưng gián đoạn chuỗi cung ứng, xung đột địa chính trị đã khiến cho giá cả tăng nhanh ở khắp nơi trên thế giới giới. Lạm phát tăng nhanh và đột ngột ở Mỹ đã khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải tăng mạnh lãi suất liên tục trong thời gian vừa qua. Lãi suất ở Mỹ tăng kéo theo đô la Mỹ tăng giá, góp thêm một tay khiến cho lạm phát ở nhiều nền kinh tế tăng thêm.

Trong bối cảnh chung lạm phát tăng nhanh ở khắp nơi trên thế giới thì cứng nhắc với việc bám sát lạm phát mục tiêu sẽ gây khó khăn cho những chính sách khác.

Chẳng hạn vì lo sợ lạm phát vượt xa mục tiêu mà chính sách tiền tệ bị thắt chặt quá, cụ thể là tăng lãi suất và thắt chặt tín dụng. Và đây là điều dường như đang xảy ra khi dòng vốn luân chuyển trong nền kinh tế Việt Nam bị chậm lại, một số lĩnh vực bị thiếu hụt thanh khoản như chứng khoán, bất động sản. Không những thế, ở những quốc gia mà khả năng dự báo lạm phát còn hạn chế thì rủi ro chính sách trong việc bám sát lạm phát mục tiêu sẽ cao hơn.

Ngược lại, cũng vì đảm bảo mục tiêu lạm phát mà có thể ngân hàng trung ương gác lại việc hỗ trợ thông qua chính sách lãi suất khi nền kinh tế rơi vào giai đoạn khó khăn.

Còn nếu xem nhẹ mục tiêu lạm phát hơn thì sẽ duy trì chính sách tiền tệ mềm mỏng như Nhật Bản, Trung Quốc, hay như Thổ Nhĩ Kỳ đang làm.

Thêm không gian cho lạm phát

Theo báo cáo của Chính phủ ở Quốc hội ngày 20-10 vừa qua, mục tiêu của lạm phát năm 2023 sẽ vào khoảng 4,5%, tức đã có điều chỉnh tăng so với mục tiêu 4% hay ghi nhận của các tổ chức quốc tế. Nhưng với những điều kiện và khả năng hiện nay của Việt Nam, không gian lạm phát có thể nới rộng thêm để giảm áp lực cho các chính sách khác.

Việc tăng thêm lãi suất trong giai đoạn này sẽ mang lại nhiều bất lợi vì áp lực lãi vay của những doanh nghiệp đã vay và những doanh nghiệp có nhu cầu vay khiến họ càng khó khăn hơn trong bối cảnh nguồn vốn bị hạn chế và thận trọng hơn rất nhiều sau những vụ đổ bể trái phiếu doanh nghiệp cũng như thị trường chứng khoán bị sụt giảm mạnh.

Mặc dù Việt Nam vẫn có thể can thiệp tỷ giá không mấy khó khăn với lượng dự trữ ngoại hối hiện tại, cán cân xuất nhập khẩu cân bằng, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối nhưng việc nới lỏng lạm phát sẽ làm cho việc điều chỉnh tỷ giá sẽ tự nhiên hơn và trong tầm kiểm soát tốt hơn.

Với nhiều ngân hàng trung ương, lạm phát mục tiêu không phải là một con số cố định và phải đạt được nó trong tất cả các thời kỳ. Thay vào đó, đây là một mục tiêu trung hạn và trong từng giai đoạn có thể điều chỉnh tăng giảm với biên độ khác nhau.

Như trường hợp Fed trước đây đưa ra lạm phát mục tiêu 2%, nhưng sau đó vì thấy không khả thi nên đã đưa ra khái niệm lạm phát mục tiêu trung bình linh động (Flexible Average Inflation Targeting – FAIT). Và chính vì điều này mà Fed có thể linh động hơn rất nhiều trong các chính sách tiền tệ của mình.

Phần lớn tâm lý hiện nay của người dân và doanh nghiệp khắp nơi trên thế giới là lo sợ suy thoái, và hơn nữa là nền kinh tế rơi vào đình lạm (stagflation). Tuy vậy, tình hình thất nghiệp ở nhiều nước vẫn chưa đến mức phải báo động, và lạm phát được nhiều nghiên cứu mới cập nhật là đã ở vùng đỉnh và bắt đầu thoái trào.

Trong các kịch bản cho kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới trong vài năm sắp tới, có một kịch bản thiên về khả năng lạm phát vẫn ở mức cao và giảm chậm, nhưng tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục và có thể tăng mạnh sau năm 2023 vì chủ yếu nhờ vào các chính sách tài khóa. Trong trường hợp đó thì lạm phát và lãi suất vẫn ở mức cao như hiện nay hoặc thấp hơn một chút nhưng sẽ ổn định.

Các chính sách điều hành trong bối cảnh ngày càng có nhiều yếu tố bất định đòi hỏi sự linh hoạt và thích ứng nhanh. Và hiệu quả của các chính sách phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin của dân chúng, doanh nghiệp, và nhà đầu tư. Mà muốn vậy, cần thông tin nhanh chóng và rõ ràng các khả năng hiện có cũng như các giải pháp ứng phó của Chính phủ, của NHNN. Khi đó, các lo lắng sẽ được triệt tiêu đáng kể và sự ổn định của nền kinh tế sẽ quay trở lại.

Ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát vì vậy cần được nhìn ở một góc độ linh hoạt hơn. Ổn định trong một giai đoạn thế giới có nhiều biến động sẽ không giống như những giai đoạn bình thường trước đó và kiểm soát lạm phát không đồng nghĩa với việc bám sát một con số mục tiêu cụ thể. Kiểm soát lạm phát nên nhìn trong một tổng thể kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng, sức mua của người dân vẫn được đảm bảo, và nền kinh tế có đủ điều kiện để chống lại các cú sốc lớn.

Tài liệu tham khảo:
– https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chinh-sach-lam-phat-muc-tieu-duoi-tac-dong-covid-19-post285804.html
– https://thoibaonganhang.vn/nam-2023-chinh-phu-dat-muc-tieu-tang-truong-gdp-65-lam-phat-45-132525.html
BÌNH LUẬN:

Văn Cương: 

Khi bàn về CPI, các nhà nghiên cứu hay dùng cụm từ “bóng ma lạm phát” để phản ánh sức mạnh vô hình của tâm lý kỳ vọng. Sức mạnh này một khi chuyển hóa vào thị trường sẽ gây ra tác động cực kỳ lớn, nhất là trong bối cảnh môi trường kinh tế quốc tế đang diễn biến vô cùng phức tạp. Thực tiễn cũng cho thấy lạm phát là cái mà ta không thể muốn là được, và cũng không thể kiểm soát bằng những cách thức duy ý chí. Nhiều năm trước đây, NHNN đã từng tuyên bố giữ tỷ giá ổn định hàng năm không vượt quá 2%, rốt cuộc điều này đã bị thị trường bác bỏ, và may mắn là ta cũng nhanh chóng thích nghi với thực tế này. Thủ tướng Anh mới đây vừa từ chức, Liz Truss, chủ yếu cũng là do sự phản ứng mạnh mẽ của thị trường. Như vậy, chung sống và thích nghi với quy luật thị trường, tiến đến làm chủ được tình hình, vẫn là phương châm quan trọng nhất.



Tỷ lệ LP ở Mỹ thực sự là bao nhiêu? Là câu hỏi quan trọng đối với nền kinh tế và thị trường tài chính, nhưng lại không dễ trả lời.
Theo báo cáo của Bộ LĐ Mỹ, LP tại Mỹ trong tháng 9 là 8,2%, trong khi LP lõi – thước đo không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng vốn là 2 nhóm hàng hóa có mức độ biến động lớn – là 6,6%, mức cao nhất kể từ năm 1982. Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, có những lập luận tin cậy rằng LP tại Mỹ đang ở mức trên 8%, dưới 3% hoặc ở giữa 2 mức này.
Cái khó để trả lời câu hỏi trên là mức tăng giá cả – LP toàn phần có thể khác với mức tăng khi không tính tới các cú sốc, tức LP lõi.
LP lõi được thúc đẩy bởi các yếu tố KTVM chủ yếu là sự cân bằng giữa cung cầu. Còn LP toàn phần được thúc đẩy bởi các yếu tố KTVM có tác động tạm thời. LP lõi là gì ta mong đợi còn LP toàn phần là những gì ta nhận được.

LO NGẠI KIỂM SOÁT LẠM PHÁT GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN TỪ ĐẦU NĂM 2023

VÂN PHONG/ KTSG 25-10-2022

(KTSG Online) – Với dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại thời điểm cuối năm 2022 dự kiến vượt 4% so với cùng kỳ năm trước, Ngân hàng Nhà nước lo ngại việc kiểm soát lạm phát sẽ gặp nhiều khó khăn ngay từ đầu năm 2023, bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Đồ hoạ: Thu Trang

Báo cáo Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng áp lực lạm phát có xu hướng tăng với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại thời điểm cuối năm 2022 dự kiến vượt 4% so với cùng kỳ năm trước, gây thách thức đối với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm 2023.

Ngoài ra, việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức với 4 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh.

Thứ hai, lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng, chi phí vận chuyển tăng, nguồn cung gián đoạn và tác động trễ của chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng từ năm 2020.

Thứ ba, lãi suất cho vay đã giảm ở mức thấp và đang tăng trở lại chủ yếu do cầu tín dụng gia tăng khi kinh tế tăng trưởng trở lại; lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng.

Thứ tư, tỷ giá USD/VND có xu hướng gia tăng, gây sức ép lên lãi suất tiền đồng Việt Nam.

Cũng theo NHNN, áp lực lên vốn tín dụng ngân hàng tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế cần vốn để phục hồi nhưng các nguồn vốn khác diễn biến không thuận lợi.

Điển hình là việc thị trường vốn, gồm thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung cấp vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế; đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài so với cùng kỳ năm 2021 và kiều hối có xu hướng giảm.

Ngoài ra, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính. Theo đó, các tổ chức quốc tế như IMF, WB, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đều cảnh báo về tỷ lệ này của Việt Nam.

Cụ thể, WB cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trên thế giới. Moody’s cảnh báo tỷ lệ tín dụng trong nước/GDP và tỷ lệ tổng tài sản của ngân hàng trong nước/GDP đã tăng lên 124% và 17% – là mức cao nhất các quốc gia xếp hạng Ba và Baa, cảnh báo về rủi ro bất ổn vĩ mô.

Cũng theo NHNN, những năm gần đây, các khoản giải ngân của ngân sách nhà nước vẫn chậm so với yêu cầu dẫn đến tồn ngân ngân quỹ nhà nước, là các khoản ngân sách nhà nước thu từ nền kinh tế qua thu thuế, thu từ phát hành trái phiếu, hiện nay đang ở mức cao, ngày càng bị tích tụ chưa được sử dụng, làm giảm lượng tiền trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cung về vốn bị đọng tại ngân sách nhà nước, nhưng cầu về vốn vẫn ở mức cao phục vụ sản xuất – kinh doanh phục hồi kinh tế, khiến việc giảm lãi suất của nền kinh tế ngày càng khó khăn.

Về hoạt động điều hành 8 tháng đầu năm, NHNN cho biết đã điều tiết tiền tệ nhằm góp phần hỗ trợ ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu trước diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị.

Theo đó, trong những tháng đầu năm để hỗ trợ phục hồi kinh tế, cơ quan này thực hiện chào mua giấy tờ có giá với khối lượng, kỳ hạn phù hợp. Trái lại, từ giữa tháng 6-2022, trước những diễn biến bất lợi của thị trường quốc tế, NHNN đã phải kiểm soát chặt chẽ tiền tệ để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại hối thông qua việc phát hành tín phiếu và kiểm soát khối lượng chào mua qua nghiệp vụ thị trường mở.

Về điều hành lãi suất, trong 8 tháng đầu năm 2022, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh và áp lực lạm phát trong nước gia tăng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp. Chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.

Do chịu nhiều tác động tổng hợp từ diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước, mặt bằng lãi tiền gửi và lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống đến cuối tháng 8-2022 có xu hướng tăng so với cuối năm 2021.

Tuy nhiên, trong bối cảnh xu hướng lạm phát quốc tế tiếp tục ở mức cao, trong nước tác động vòng 2 tăng áp lực lên lạm phát, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhanh, mạnh và dự báo đạt mức 4,5-4,75% vào cuối năm 2023, để tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ.

Theo đó, ngày 23-9-2022, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng 1% lãi suất điều hành, tăng 0,3-1% lãi suất tiền gửi tối đa bằng đồng Việt Nam tại tổ chức tín dụng.

Về tỷ giá và ngoại tệ, từ đầu năm 2022 đến nay (đặc biệt là từ giai đoạn tháng 3 – PV), tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu áp lực lớn từ những diễn biến phức tạp, khó lường trên thị trường quốc tế do Fed đẩy mạnh lộ trình thắt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất ở mức độ lớn với tần suất cao, đồng đô la Mỹ quốc tế có thời điểm tăng đến hơn 19%, xung đột Nga- Ukraine làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn làm giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao. Điều này khiến cân đối cung – cầu trên thị trường ngoại tệ trong nước khó khăn, hệ thống tổ chức tín dụng bán ròng ngoại tệ cho khách hàng.

Trong bối cảnh đó, NHNN đã điều hành tỷ giá chủ động, phù hợp vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt hơn, hấp thụ cú sốc bên ngoài, vừa bán lượng lớn ngoại tệ can thiệp để bổ sung nguồn cung thanh khoản cho thị trường.

Vì vậy, đồng Việt Nam chỉ mất giá khoảng 4,8% so với đô la Mỹ sau 9 tháng đầu năm 2022, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, diễn biến thị trường ngoại tệ tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

BÌNH LUẬN:

Ở Việt Nam tỷ giá và lãi suất bình thông nhau nên buộc phải đánh đổi. Nếu neo vào tỷ giá thì lãi suất phải lên cao và ngược lại, để thả nổi cho tỷ giá thì lãi suất thấp. Nhưng để lãi suất cao trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp gặp khó khăn. Do đó, nghệ thuật trong điều hành là tìm điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá. NHNN điều hành lãi suất lên 1 chút, tỷ giá mất 1 chút. Đó là những điểm rất quan trọng. Nhưng NHNN còn có 1 công cụ nữa chưa dùng đến là công cụ lãi suất ngoại tệ. Không phải 0% nữa. Thời điểm sử dụng cần cân nhắc vì những biến động địa chính trị trên thế giới.


THANH GƯƠM NÀO ĐỂ GIỮ 'PHÒNG TUYẾN SÔNG CẦU' CHO TỶ GIÁ ?


TƯ GIANG, LAN ANH/ TVN 1-11-2022


Nếu chúng ta không lập phòng tuyến đó trong ý thức, và từ ý thức dẫn tới hành động, thì điều gì sẽ xảy ra, đặc biệt khi kim ngạch nhập khẩu hàng năm khoảng 300-400 tỷ USD?

 Chuyên gia kinh tế Trương Văn Phước trao đổi với Tuần Việt Nam.

Cách đây hơn 1 tháng, ông cảnh báo cần lập “phòng tuyến sông Cầu” cho tỷ giá VND/USD để chặn lạm phát. Lúc đó, tỷ giá VND/USD có biên độ ±3% nhưng biên độ đó đã được điều chỉnh lên ±5%. Bây giờ, ông nhìn nhận cảnh báo đó như thế nào?

Khi nói “phòng tuyến sông Cầu”, tôi muốn nhấn mạnh đến ý, “kẻ địch” mạnh - ở đây là tỷ giá - muốn tấn công, ta mới lập phòng tuyến phòng ngự. Còn ta mạnh, địch yếu thì phòng ngự làm gì!

Nếu chúng ta không lập phòng tuyến đó trong ý thức, và từ ý thức dẫn tới hành động, thì điều gì sẽ xảy ra, đặc biệt khi kim ngạch nhập khẩu hàng năm khoảng 300-400 tỷ USD? Đó là hiện tượng nhập khẩu lạm phát trong quý 4 và thậm chí nửa năm sau.

Câu hỏi đặt ra là các nước khác có biết vậy hay không? Họ biết cả đấy, nhưng vấn đề là giữa cái hiểu biết và hiện thực có khả thi hay không là chuyện khác. Suy cho cùng, tỷ giá vẫn là tỷ giá song phương, đồng USD so với VND, đồng Yên Nhật, đồng Bạt Thái, đồng Euro,... chứ không có tỷ giá giữa USD với 5, 6 đồng tiền.


Ông Trương Văn Phước: Cần linh hoạt tháo gỡ chính sách chống đô la hóa hiện nay

Vì thế, quá trình “song đấu” giữa đồng USD với các đồng tiền khác còn liên quan đến tương quan giữa các nền kinh tế, đến các biến kinh tế vĩ mô của các nước so với Mỹ. Các nước thừa biết, việc mất giá của đồng tiền của họ sẽ đưa lạm phát của thế giới tràn vào thông qua con đường nhập khẩu.

Với Việt Nam, “phòng tuyến” tỷ giá là một phương tiện để giúp chống lạm phát nhưng bản thân phòng tuyến cũng chính là mục tiêu. Để giữ được phòng tuyến đó thì anh phải làm gì, bằng những công cụ gì, bằng phương pháp gì trong thị trường ngoại hối.

Linh hoạt tháo gỡ chính sách chống đô la hóa

Ông có “vũ khí” gì để giữ “phòng tuyến” đó của ta khi FED đã và sẽ còn tăng lãi suất USD, hút tiền từ khắp nơi về Mỹ?

Cần linh hoạt tháo gỡ chính sách chống đô la hóa hiện nay.

Cách đây gần 30 năm, IMF cho rằng, những nền kinh tế mới nổi cần giảm lượng tiền gửi bằng ngoại tệ trên bảng tổng tiền gửi hệ thống ngân hàng. Khi tôi còn làm Vụ trưởng Vụ quản lí ngoại hối, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã giao tôi chắp bút đề án từng bước nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam và hạn chế hiện tượng đô la hoá. Đề án này đã được Thủ tướng Phan Văn Khải phê duyệt. 


Để giải quyết những vấn đề căng thẳng trên thị trường ngoại hối, kinh nghiệm là tăng cung và giảm cầu. Ảnh: Hoàng Hà

Tỷ lệ đô la/tổng tiền gửi từ mức 32% ngày đó giảm dần xuống 28% và về 1 con số đến nay. Năm 2015 NHNN đã quy định, tiền gửi bằng ngoại tệ trên hệ thống ngân hàng có lãi suất bằng 0%, khẳng định sự thành công của chính sách chống đô la hóa nền kinh tế. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tình thế đã thay đổi rất nhanh, đặc biệt khi FED tăng lãi suất đồng đô la Mỹ, khơi bùng dòng đô la quay lại Mỹ. Tiền sẽ đổ về nơi có lãi suất cao, đó là điều tự nhiên. Vì thế, chúng ta cần xem xét lại quan điểm hạn chế đô la hoá ở mức độ nào là phù hợp. Chính sách tiền tệ thận trọng nhưng linh hoạt cũng là có ý đó.

Trước đây, doanh nghiệp cần thanh toán nhập khẩu thì vay ngoại tệ của ngân hàng thương mại. Ngân hàng thương mại muốn có ngoại tệ cho vay thì phải huy động có lãi suất. Bây giờ, doanh nghiệp không vay được ngoại hối thì phải bỏ tiền đồng ra mua, sinh ra quan hệ cung cầu trên thị trường ngoại hối. Ngân hàng thương mại có ngoại tệ thì bán cho doanh nghiệp nhập khẩu thanh toán. Trường hợp không có ngoại tệ thì phải xin ngân hàng trung ương bán ra.

Đô la hoá biến các quan hệ vay, mượn đô la trở thành các quan hệ mua, bán ngoại hối. Đô la hoá là quá trình chuyển từ việc nhận, vay, gửi đô la thành việc mua, bán ngoại tệ với nhau. Muốn ngăn việc nhận, gửi, vay đô la thì cho lãi suất tiền gửi đô la xuống bằng 0.

Cho nên cần nhận thức lại đô la hoá, nhận thức lại đối sách trong tiến trình từng bước hạn chế đô la hoá. Chúng ta phải khẳng định, chính sách chống đô la hoá đã thành công, nhờ đó vị thế đồng Việt Nam vững mạnh hơn trong vòng 20 năm nay.

Tuy nhiên, trong tình thế này, cần điều chỉnh liều lượng (lãi suất) bao nhiêu đó. Có thể, người dân không nên gửi ngoại tệ nhưng với doanh nghiệp xuất nhập khẩu có nguồn thu ngoại tệ thì các tổ chức tín dụng cần xem xét cơ chế tỷ lãi suất nào đó để duy trì được lượng vốn ngoại tệ gửi vào ngân hàng làm cho tỷ lệ đô la hoá tăng lên.

Tăng cung, giảm cầu

Xin ông giải thích rõ thêm quan điểm linh hoạt tháo gỡ chính sách chống đô la hóa?

Để giải quyết những vấn đề căng thẳng trên thị trường ngoại hối, có một kinh nghiệm là tăng cung và giảm cầu. Đáp ứng cầu ngoại hối  không phải bằng hành động bán ngoại hối mà bằng hành động cho vay ngoại hối. Như vậy lượng mua sẽ ít đi. Người ta sẽ đặt câu hỏi là, mua hay vay ngoại hối thì nguồn ngoại hối đó đều là của nền kinh tế này, có khác nhau gì đâu mà lại đề xuất như thế?

Nhưng tôi xin lý giải. Dưới góc độ quốc gia, đây là ngoại tệ của Việt Nam để thanh toán cho nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, dưới góc độ cấu trúc của thị trường ngoại hối và nguồn lực của thị trường ngoại hối thì quan hệ này hoàn toàn khác nhau.

Khi ngân hàng thương mại huy động được lượng ngoại tệ qua mức lãi suất phù hợp, thì họ cân đối giữa nguồn huy động và cho vay.

Vì thế, cần linh hoạt điều chỉnh chính sách chống la hoá bằng công cụ lãi suất để tăng cung. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại vẫn có thể cam kết với doanh nghiệp (gửi đô la), nếu trường hợp anh không có ngoại tệ tới đây thì tôi sẽ bán cho anh theo tỷ giá đã được định trước theo một mức nào đó. Nghĩa là phát ra tín hiệu xu hướng của tỷ giá hối đoái để người ta có thể dự báo được. Điều này giúp tạo lập niềm tin vững chắc cho người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông có gợi ý thêm điều gì hay không?

Có nhiều cơ chế tỷ giá. Phương Tây thực hiện cơ chế thả nổi tỷ giá; một số quốc gia áp dụng cơ chế cố định tỷ giá. Việt Nam lựa chọn cơ chế thả nổi có điều tiết, tức là Ngân hàng Nhà nước cầm trịch tỷ giá trung tâm có điều tiết, biên độ tăng lên hay giảm xuống là do tôi.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần trách các cú sốc và cần tham chiếu lý thuyết ransom walk (lí thuyết bước đi ngẫu nhiên của tỷ giá). Các bước đi được thực hiện tự nhiên nhưng ra vẻ ngẫu nhiên dù vẫn đến đích đó. Cách thức đó hơn hẳn việc đi thẳng băng đến đích.

Tư Giang - Lan Anh

 'CÓ NƯỚC NÀO TĂNG TRƯỞNG GẤP ĐÔI LẠM PHÁT NHƯ VIỆT NAM?'

TƯ GIANG, LAN ANH/ TVN 3-11-2022

"Có nước nào mà tăng trưởng cao gấp đôi so với lạm phát như chúng ta hay không? Nói chừng đó thôi để thấy, kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn đứng vững trước những biến động của thế giới".

Tuần Việt Nam giới thiệu phần 2 cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế Trương Văn Phước.

Tăng trưởng cao, lạm phát thấp

Ông nhìn nhận như thế nào về nền tảng vĩ mô hiện nay của Việt Nam trong tương quan với thế giới?

Trước hết, tôi xin nhấn mạnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, tăng trưởng cao khoảng 8%, lạm phát thấp khoảng dưới 4%, các cán cân khá tốt…

Để ổn định lòng tin và tâm lý trong dân, cần truyền thông mạnh mẽ về yếu tố vững chắc, vững mạnh của kinh tế vĩ mô. Cần nói với các nhà đầu tư nước ngoài, nói với người dân và doanh nghiệp, là xem trên toàn thế giới có nước nào có tăng trưởng cao đến 8% mà lạm phát dưới 4% như Việt Nam không! Có nước nào mà tăng trưởng cao gấp đôi so với lạm phát như chúng ta hay không! Nói chừng đó thôi để thấy, kinh tế vĩ mô vẫn đứng vững trước những biến động của thế giới với các cơn bão giá, nguồn cung năng lượng đứt gãy và xung đột.

Thưa ông, rõ ràng tỷ giá và lãi suất đã biến động trong bối cảnh kinh tế vĩ mô khá ổn định. Điều này nên hiểu thế nào?

Tỷ giá và lãi suất gặp nhau ở cung cầu. Ai tạo nên cung cầu? Đó là những người tham gia vào thị trường, nhưng điều gì để cho họ tạo cung cầu? Đó là ý thức, là niềm tin của họ. Ý thức và niềm tin do đâu mà có? Xin thưa, từ thông tin mà có.


Ông Trương Văn Phước: Việt Nam là nền kinh tế có nền tảng ổn định vĩ mô cao, có tăng trưởng cao, lạm phát thấp

Nếu không nói về nền tảng vĩ mô ổn định trong giai đoạn hiện nay thì người ta có thể không đủ thông tin. Truyền thông phải đầy đủ, chính xác để lan toả đến mọi thành phần của thị trường.

Tôi băn khoăn, vì sao thị trường chứng khoán của ta lại như vậy? Có lẽ, niềm tin bị tác động bởi những vụ việc trên thị trường chứng khoán hay trái phiếu doanh nghiệp… Tuy nhiên, những vụ việc đó không mang tính quyết định cho thị trường tài chính và cả nền kinh tế nói chung.

Thủ tướng đã nói rồi, ai sai xử người đó, còn phải bảo vệ phần còn lại tuyệt đại đa số của thị trường. Các cụ ngày xưa có câu hay “Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi”, đừng vơ đũa cả nắm.

Vì thế mới cần có tiếng nói rõ ràng minh bạch rằng, những gì xảy ra là khiếm khuyết cần xử lý và không đại diện cho bức tranh tổng thể của nền tài chính Việt Nam.

Tương quan VND/USD

Ông nhìn nhận như thế nào về tương quan VND và USD trong tương quan vĩ mô của hai quốc gia, điều ông đã đề cập đến ở phần trước?

Tỷ giá là giá đối ngoại; lạm phát là giá đối nội. Khi đồng tiền mất giá, sức mua của đồng tiền đó mất đi thì phải bỏ ra nhiều tiền hơn để mua cùng một sản phẩm. Vậy sức mua đối nội và đối ngoại của đồng tiền phải có quan hệ với nhau.

Mặt khác, đồng tiền lại gắn liền với lãi suất. Nếu USD có lãi suất là 0% mà VND có lãi suất là 1% thì người ta phải chuộng VND hơn USD. Đó là lí do xác định các loại tỷ giá cần dựa vào chênh lệch lãi suất.

Từ cơ sở đó, có thể thấy một số điều như sau.

Thứ nhất, lạm phát của Mỹ 8-9%, lạm phát của Việt Nam là 3-4%. Mức chênh 5% đó làm giảm giá USD so với VND là 5%.

Thứ hai, lãi suất VND là 6-8% trong khi lãi suất USD là 3%, tức là chênh lệnh lên đến 3-5%, làm đồng USD suy yếu hơn VND hay làm cho USD ít nhất xuống giá 3-5% so với VND.

Vì sao lãi suất USD có 3% trong khi rất nhiều đồng tiền khác có lãi suất cao hơn mà tỷ giá của họ vẫn tăng ào ạt so với USD, mất giá rất mạnh. Mà tới đây, dự kiến FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất USD vào ngày 3/11 và 5/12 thì tình hình sẽ còn biến động thế nào?

Đó là vì bên cạnh yếu tố cung cầu tác động vào tỷ giá, như tôi đã nói, còn nhiều yếu tố khác như sự kiện Nga - Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nhiên liệu…

Ông nhận xét như vậy là có hàm ý như thế nào với trường hợp của Việt Nam?

Việc VND mất giá bao nhiêu so với USD phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không thể nhìn đồng Baht Thái mất giá bao nhiêu để ám chỉ cái đích của mình. Chúng ta thử nhìn sang Singapore. Tỷ giá đồng đô la Singapore (SGD) so với USD là năm 1.35-1.36, và bây giờ là 1.40, tức là mất giá có tí ti thôi. Tôi được biết, Singapore mong muốn kéo tỷ giá cuối năm xuống còn 1.37. Vậy bài học của Singapore làm Việt Nam phải suy nghĩ.

Tôi không hiểu có người cứ đeo đẳng mãi chuyện so sánh VND với đồng Baht Thái hay tiền đồng của vài quốc gia Asean khác để tạo ra một kì vọng mất giá như nó. Cơ sở của lập luận đó là gì, tôi không hiểu nổi, nhất là khi cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn có thặng dư.

Lãi suất VND cao quá

Vậy ông giải thích vì sao lạm phát của Việt Nam thấp như vậy mà lãi suất lại cao như vậy?

Tôi từng nói, tôi ủng hộ NHNN tăng lãi suất VND lên tại Diễn đàn kinh tế Quốc hội ngày 18/9. Để xem lãi suất VND cao hay thấp, hay lãi suất của một đồng tiền cụ thể cao hay thấp, cần dựa vào tương quan lạm phát, xem lãi suất là dương hay âm.

Ví dụ, năm nay lạm phát của Việt Nam dự tính khoảng 3,5-4% mà lãi suất bình quân 7-8%, vậy lãi suất gấp đôi, lạm phát là dương. Còn ở Mỹ, dù FED có tăng lên lãi suất 4-4,5% mà lạm phát 8%, nghĩa là lãi suất USD âm 4%.

Lãi suất thực dương đến 3-4% thì lãi suất VND cao quá, đó là chưa kể lãi suất tiền vay lên tới 10-12% và thậm chí cao hơn. Lãi suất VND đến nay rất cao vì lạm phát Việt Nam thấp.

Vì sao trong thời gian vừa rồi, huy động tiền gửi vào ngân hàng thương mại lại thấp so với mức độ cho vay? Huy động ít, vay nhiều không phải vì lãi suất ngân hàng thấp. Lý do là trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất cao quá so với lãi suất huy động của ngân hàng cho nên có một bộ phận người dân rút tiền tiết kiệm ra để mua trái phiếu. Hành động đó đúng, nơi nào có lãi suất cao thì dòng đầu tư sẽ chảy về đó.

Đảm bảo thanh khoản và lòng tin

Theo ông, đâu là vấn đề lớn hiện nay của nền kinh tế?

Làm sao tạo ra được thanh khoản của thị trường. Trước Đổi mới chúng ta từng ngăn sông cấm chợ, sau đó mới có chính sách phân phối lưu thông hợp lí và áp dụng cơ chế một giá vào thị trường để luân chuyển hàng hoá, đáp ứng cung cầu. Đó là bài học rất đáng giá. Các bộ, ngành cần quan tâm đến thanh khoản của thị trường. Giá vốn do cung cầu quyết định nhưng phải có thanh khoản.

Chính sách tiền tệ cần hướng dòng vốn đi vào khu vực sản xuất, kinh doanh trong nhóm ưu tiên. NHNN cần khuyến khích các tổ chức tín dụng thông qua các công cụ của chính sách tiền tệ như tái cấp vốn với chi phí thấp hơn. Ngược lại, ở những lĩnh vực nguy hiểm tạo bong bóng thì áp dụng các cơ chế không ưu tiên bằng cách tăng hệ số rủi ro lên. Song, dù thế nào cũng phải đảm bảo thanh khoản của thị trường.

Một lần nữa, tôi xin nhắc lại, Việt Nam là nền kinh tế có nền tảng ổn định vĩ mô cao, có tăng trưởng cao, lạm phát thấp, cán cân thanh toán thặng dư. Chúng ta lại đang kiên trì theo đuổi định hướng tăng trưởng cao bền vững với các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã xác định. Những yếu tố đó là nền tảng để tạo lập niềm tin.

 LA.TG

TĂNG LƯƠNG VÀ LẠM PHÁT

THANH ĐÀO/KTSG 4-11-2022

(KTSG) – Bấy lâu nay có một thực tế là khi Chính phủ tăng lương thì thường sau đó lạm phát cũng tăng lên tương ứng. Bởi vậy nên đã hình thành một ý niệm chung rằng tăng chi tiêu chính phủ (chẳng hạn như tăng lương hoặc tăng trợ cấp cho dân chúng và người lao động) sẽ dẫn đến lạm phát. Thế nhưng có hoàn toàn như thế?

·        Tăng lương: Nên ưu tiên hơn cho ngành y tế, giáo dục

·        Những điều cần lưu ý khi tăng lương tối thiểu



Việc tăng lương sẽ không làm tăng áp lực lạm phát ở Việt Nam. Ảnh: LÊ VŨ

Có lẽ bởi ý niệm này mà mới đây khi giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 1-1-2023 thay vì 1-7-2023, Bộ Tài chính cho rằng, trước nguy cơ lạm phát cao, việc cải cách chính sách tiền lương cần được thực hiện một cách thận trọng, hài hòa với các mục tiêu điều hành kinh tế – xã hội nói chung.

Chính phủ đã tiếp tục tham mưu các cấp thẩm quyền chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Quốc hội trong năm 2023. Thay vào đó, Chính phủ đề xuất thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%) từ 1-7-2023.

Bộ Tài chính cho rằng, việc tăng lương cơ sở thực hiện từ ngày 1-7-2023 chứ không phải từ đầu năm 2023 là do thời điểm đầu năm gần với Tết Dương lịch và Âm lịch, nhu cầu mua sắm sử dụng hàng hóa dịch vụ của người dân và doanh nghiệp tăng mạnh. Nếu thực hiện tăng lương vào thời điểm này “sẽ gây thêm sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá, gây khó khăn cho việc kiểm soát lạm phát”.

Việc lùi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 sau năm 2023, theo Bộ Tài chính, cũng là do “bối cảnh thế giới, trong nước đang chịu áp lực lạm phát lớn”(1).

Phần tiếp theo của bài viết sẽ phân tích mối quan hệ giữa tăng chi tiêu chính phủ (gồm tăng lương) và lạm phát. Xin lưu ý rằng bài viết không bàn đến tính hợp lý, thỏa đáng của đợt tăng lương sắp tới này.

Lạm phát luôn là hiện tượng tiền tệ

Như đã biết, lạm phát luôn là hiện tượng tiền tệ trên khía cạnh là tiền trong nền kinh tế đang có nhiều hơn tương đối so với hàng hóa và dịch vụ tại một mức giá nhất định, và giải pháp tiền tệ luôn là giải pháp căn cơ để trị lạm phát.

Tăng chi tiêu công, tăng lương không nhất thiết làm tăng lạm phát. Tuy nhiên, không phải là vô lý, vô cớ khi nhiều người lo ngại tăng lương sẽ làm tăng lạm phát ở Việt Nam.

Nói cách khác, dù Chính phủ có tăng chi tiêu, tăng lương cho người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nhưng nếu hành động này không làm tăng cung tiền (tiền trong nền kinh tế không nhiều lên một cách tương ứng) thì lạm phát sẽ không tăng lên.

Có khi nào chính phủ của một nước nào đó tăng chi tiêu sẽ làm/dẫn đến tăng cung tiền trong nước đó? Câu trả lời là “Có”. Đó là khi ngân hàng trung ương của nước đó “đồng hành” cùng chính phủ, cũng tăng cung tiền để đáp ứng mức độ tăng chi tiêu của chính phủ.

Lý do của việc “đồng hành” này có thể là chính phủ đang bị thâm hụt ngân sách nặng, khó hoặc không thể vay mượn được trên thị trường trong nước và quốc tế, hoặc nếu vay mượn được thì với chi phí đắt đỏ. Hoặc cũng có thể là khi ngân hàng trung ương đơn giản chỉ là muốn nới lỏng chính sách tiền tệ để (cùng với chính phủ) kích thích tăng trưởng kinh tế…

Tăng lương ở Việt Nam

Để biết tăng lương nói trên ở Việt Nam có dẫn đến lạm phát hay không thì trước tiên phải xem Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có phải là nguồn tài trợ cho việc tăng lương này không. Theo Bộ Tài chính, nguồn lực để triển khai tăng lương cơ sở được lấy từ nguồn tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi hàng năm(2).

Như vậy, rõ ràng là nguồn chi trả cho việc tăng lương không đến trực tiếp từ việc “in tiền” – tăng cung tiền – của NHNN, nên trên danh nghĩa, việc tăng lương (hay tăng chi tiêu công nói chung) sẽ không làm tăng áp lực lạm phát ở Việt Nam.

Tuy vậy, điều quan ngại và là rủi ro lớn nhất của việc tăng chi tiêu, tăng lương của Chính phủ là nó sẽ làm tăng nợ công, tăng thâm hụt ngân sách và dẫn đến kết cục là ở một thời điểm nào đó, NHNN, với tư cách là một cơ quan cấp bộ trong Chính phủ, phải tài trợ trực tiếp cho ngân sách sau khi việc vay nợ của Chính phủ diễn ra không suôn sẻ.

Dẫu rằng nguồn tài trợ cho tăng lương, theo giải trình của Bộ Tài chính, là từ nguồn tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi hàng năm, nhưng cũng cần lưu ý một thực tế rằng hiện ngân sách vẫn căng thẳng, Chính phủ đang phải tiếp tục đi vay ở quy mô lớn, một phần là để đảo nợ, và nợ công đang tăng lên trở lại cả về mặt tuyệt đối (giá trị nợ gốc và lãi phải trả) lẫn tương đối (dư nợ so với GDP) trong/từ năm nay.

Tóm lại, tăng chi tiêu công, tăng lương không nhất thiết làm tăng lạm phát. Tuy nhiên, không phải là vô lý, vô cớ khi nhiều người lo ngại tăng lương sẽ làm tăng lạm phát ở Việt Nam, như phân tích ở trên. Từ đây sẽ biết cần phải làm gì để tăng lương nói riêng hoặc tăng chi tiêu công nói chung mà không làm tăng lạm phát.

(1) https://thanhnien.vn/bo-tai-chinh-tang-luong-som-tu-112023-se-kho-kiem-soat-lam-phat-post1515128.html
(2) https://thesaigontimes.vn/ngan-sach-danh-60-000-ti-dong-cho-viec-tang-luong-tu-1-7-2023/

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét