Thứ Năm, 24 tháng 11, 2022

20221125. TÁC ĐỘNG KINH TẾ TỪ WORLD CUP QATAR 2022

ĐIỂM BÁO MẠNG

NHỮNG TÁC ĐỘNG KINH TẾ TỪ WORLD CUP QATAR 2022

LẠC DIỆP/ KTSG 24-11-2022

(KTSG) – 12 năm sau khi giành được quyền đăng cai World Cup, Qatar – quốc gia nhỏ bé nhưng giàu có tại vùng Vịnh đã chào đón những cầu thủ hàng đầu thế giới cùng người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt từ nhiều quốc gia. Bên cạnh việc giúp đưa hình ảnh Qatar trở nên nổi tiếng trên toàn cầu, giải bóng đá lớn nhất hành tinh dự kiến sẽ mang lại những lợi ích kinh tế đáng kể.

Những lợi ích kinh tế khổng lồ

Theo báo cáo thường niên năm 2020 của Liên đoàn Bóng đá quốc tế (FIFA), tổng doanh thu của FIFA World Cup Qatar 2022 dự kiến lên tới 4,66 tỉ đô la Mỹ. FIFA cũng đưa ra năm hạng mục doanh thu cốt lõi, trong đó, bản quyền phát sóng truyền hình là hạng mục đóng góp lớn nhất, chiếm 56% tổng doanh thu. Tiếp đó là bản quyền quảng cáo, chiếm 29%, trong khi 15% còn lại đến từ doanh thu khách sạn, bán vé, nhượng quyền thương hiệu và các nguồn thu khác. Trước đó, hai kỳ World Cup vào các năm 2014 và 2018 đã tạo ra doanh thu lần lượt là 4,82 tỉ đô la và 4,64 tỉ đô la.

Tuy nhiên, những lợi ích thực tế sẽ còn lớn hơn thế. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg, ông Nasser Al Khater, Giám đốc điều hành của FIFA World Cup Qatar 2022, cho biết Qatar sẽ thu hút 1,2 triệu du khách trong kỳ World Cup lần này. Điều này sẽ mang lại cho Qatar khoản lợi nhuận tài chính khổng lồ, ước tính lên tới 17 tỉ đô la, thông qua việc tạo ra những cơ hội đầy hứa hẹn cho các lĩnh vực kinh tế khác nhau, bao gồm bất động sản, thương mại, du lịch, hàng không, giao thông vận tải.

Theo Redseer Strategy Consultants, sự kiện này cũng sẽ tạo ra doanh thu 4 tỉ đô la thông qua chi tiêu của khách du lịch, trong đó khoảng 500 triệu đô sẽ dành cho các nước láng giềng của Qatar. Lượng người xem trực tuyến dự kiến sẽ đạt 5 tỉ lượt trong thời gian diễn ra World Cup, tăng 43% so với kỳ World Cup tổ chức tại Nga hồi năm 2018.

Những kết quả này được coi là hệ quả tất yếu sau những khoản đầu tư khổng lồ mà Qatar đã thực hiện để tổ chức sự kiện. Sau một thập kỷ dày công chuẩn bị, Qatar đã có thêm hàng loạt sân vận động, phòng khách sạn mới, đường tàu điện ngầm cùng gần 2.000 ki lô mét đường mới. Statista tính toán, nếu cộng tổng các chi phí, bao gồm chi phí xây dựng các sân vận động mới và cải tạo các sân vận động hiện có cũng như số tiền chi cho cơ sở hạ tầng, thì World Cup năm nay ở Qatar cho đến nay là kỳ World Cup đắt nhất mọi thời đại.

“Sau khi giành được quyền đăng cai World Cup 2022 vào năm 2010, Qatar đã công bố một chương trình cơ sở hạ tầng trị giá 200 tỉ đô la. Chi phí trực tiếp để xây dựng, sửa chữa các sân vận động đã được báo cáo là từ 6,5-10 tỉ đô, phù hợp với mức chi tiêu của các quốc gia đăng cai trước đây”, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết trong một báo cáo.

Cũng theo IMF, mặc dù số tiền bỏ ra tương đối lớn, lợi ích mà nó mang lại là rất lâu dài, bởi “hầu hết các khoản đầu tư được công bố là dành cho các dự án cơ sở hạ tầng chung, bao gồm xây dựng hệ thống đường sắt và tàu điện ngầm tích hợp, phát triển mạng lưới đường bộ và tiện ích, mở rộng sân bay và xây dựng hoàn toàn mới thành phố Lusail – nơi người nước ngoài được phép mua bất động sản”.

Tiềm năng phát triển đa dạng và bền vững

Bên cạnh những lợi nhuận tài chính, Qatar đặt mục tiêu tận dụng giải đấu để thay đổi nền kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững, đa dạng hơn với các lĩnh vực chính bao gồm du lịch và khách sạn được coi là trọng tâm trong các kế hoạch tăng trưởng.

Theo nghiên cứu của Công ty tư vấn bất động sản Knight Frank, quốc gia Trung Đông này có thể chứng kiến thị trường khách sạn tăng trưởng 89% lên hơn 56.000 phòng vào năm 2025. Việc xây dựng lượng phòng khách sạn này dự kiến sẽ tiêu tốn của Qatar 7 tỉ đô la.

“Khoảng 30.000 phòng khách sạn đã được bắt đầu đưa vào sử dụng từ cuối năm 2021, và thêm 3.800 phòng khác cũng sẵn sàng vào thời điểm bắt đầu World Cup”, ông Adam Stewart – trưởng chi nhánh tại Qatar của Knight Frank, cho biết. “Các con số sau World Cup còn tham vọng hơn nữa. Ngành du lịch và khách sạn dự kiến sẽ đóng góp khoảng 12% GDP của Qatar vào năm 2030, với tổng giá trị khoảng 55 tỉ đô và lượng khách du lịch hàng năm ước đạt 7 triệu người”.

“Ngành kinh doanh khách sạn Qatar đã phát triển không chỉ về số lượng phòng sẵn có mà còn về cả số lượng thương hiệu gia nhập thị trường. Điều này đang thiết lập một cơ sở vững chắc để xây dựng một điểm đến hấp dẫn, được nhiều người biết đến, với sự lựa chọn đa dạng về loại hình lưu trú và ngân sách. Đây là yếu tố quan trọng để Qatar có thể tham vọng đón 6 triệu du khách mỗi năm vào năm 2030”, Christian Hirt, Giám đốc điều hành của Raffles và Fairmont, Doha lưu ý.

Các lĩnh vực quan trọng khác cũng sẽ đạt được những bước tiến đáng kể. “Ngành ngân hàng của Qatar, vốn đóng vai trò then chốt trong việc tài trợ cho nhiều dự án liên quan đến World Cup, bao gồm việc cung cấp các chương trình ưu đãi khuyến mại, phát hành thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ đặc biệt, sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu tín dụng cao hơn và hoạt động chi tiêu mạnh mẽ hơn trong suốt thời gian diễn ra giải đấu. Lĩnh vực bán lẻ cũng sẽ hưởng lợi từ nhu cầu tăng vọt đối với các loại hàng hóa như áo đấu, thực phẩm và đồ uống cũng như đồ điện tử tiêu dùng”, Rituparna Majumder – chuyên gia kinh tế tại Frost & Sullivan, nhận định.

“Kể từ khi Qatar giành được quyền đăng cai World Cup vào năm 2010, nước này đã dần hướng tới sự đa dạng hóa nền kinh tế trong nước. Bằng chứng là việc tỷ trọng đóng góp của ngành dầu khí trong GDP đã giảm từ mức 53% hồi năm 2010 xuống còn 39% vào năm 2020”, chuyên gia Majumder nhận xét. “Hơn nữa trong những năm qua, Qatar cũng đạt được nhiều tiến bộ đáng chú ý trong các lĩnh vực khác như xây dựng, thương mại bán buôn và bán lẻ, tài chính, sức khỏe con người và công tác xã hội. Tỷ trọng của lĩnh vực xây dựng đã tăng từ mức 6% hồi năm 2010 lên 14,4% vào năm 2020, nhờ sự phát triển cơ sở hạ tầng liên quan đến World Cup”.

Các nền kinh tế khu vực hưởng lợi

Không chỉ Qatar, nhiều nền kinh tế tại vùng Vịnh cũng sẽ được hưởng lợi lớn. Một bộ phận không nhỏ khách du lịch được dự báo sẽ đổ bộ sang các quốc gia vùng Vịnh, trong bối cảnh khả năng tiếp đón của Qatar là có hạn. Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE), Kuwait, Bahrain, Ảrập Saudi và Oman đều đã sẵn sàng cung cấp các dịch vụ lưu trú hấp dẫn kèm với những chuyến bay đưa đón hàng ngày tới Doha, Qatar trong thời gian diễn ra World Cup.

Dubai (thuộc UAE) là một trong những nơi tích cực hơn cả, khi cung cấp thị thực nhập cảnh nhiều lần với mức phí tượng trưng 27 đô la. Hãng hàng không giá rẻ FlyDubai sẽ bay ít nhất 30 chuyến khứ hồi mỗi ngày tới Doha trong suốt thời gian diễn ra giải đấu để phục vụ khách xem World Cup. Thành phố cũng đã chuẩn bị các khu xem bóng đá ở công viên, bãi biển và khu trung tâm, với hy vọng thu hút những du khách vừa muốn thưởng thức bóng đá, nhưng đồng thời cũng muốn sử dụng đồ uống có cồn thoải mái hơn so với các quy định nghiêm ngặt ở Qatar.

Dòng khách du lịch cũng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực bán lẻ và thương mại điện tử tại các nước trong khu vực. “Chi tiêu bán lẻ từ khách du lịch dự kiến sẽ đạt hơn 400 triệu đô la”, Sandeep Ganediwalla, đối tác quản lý của RedSeer Strategy Consultants ở Trung Đông, dự đoán. “Năm nay, hai phần ba số người tiêu dùng địa phương sẽ tham gia World Cup cũng bày tỏ ý định chi tiêu nhiều hơn trong các lĩnh vực bán lẻ suốt thời gian diễn ra giải đấu. Điều này dự kiến sẽ nâng doanh số bán lẻ lên 2,8 tỉ đô la”.

Phân tích của RedSeer Strategy Consultants dự đoán rằng các khoản chi tiêu trực tiếp và gián tiếp sẽ nâng tổng doanh thu bán lẻ trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 11 lên 70 tỉ đô la, tăng đáng kể so với mức 61 tỉ đô trong cùng kỳ năm ngoái. Kết hợp với mức tăng trưởng tự nhiên, do sự phổ biến ngày càng tăng của các sự kiện giảm giá lớn như Thứ Sáu Đen và việc thương mại điện tử ngày càng phát triển, lĩnh vực bán lẻ của khu vực Trung Đông trong những tháng tới sẽ đối mặt với cơ hội lớn nhất từ trước đến nay.

Xu hướng đầu tư vào các sự kiện thể thao lớn

Chi tiêu của Qatar cho thể thao không chỉ giới hạn ở World Cup. Kể từ khi được trao quyền tổ chức sự kiện này bởi FIFA, quốc gia này đã mạnh tay chi tiền mua phần lớn cổ phần của Paris Saint-Germain (PSG), một trong những câu lạc bộ bóng đá hàng đầu của Pháp và 22% cổ phần của SC Braga, một câu lạc bộ của Bồ Đào Nha. Qatar cũng tổ chức một chặng đua xe F1 năm 2021, sau đó giành được quyền đăng cai môn thể thao tốc độ này trong 10 năm tới.

Đây cũng là xu hướng chung của nhiều nước láng giềng giàu có tại vùng Vịnh trong những năm gần đây. Khu vực này sẽ tổ chức bốn chặng đua F1 vào năm 2023, trong khi Ảrập Saudi và UAE, mỗi nước đều đang sở hữu một đội bóng tại Giải Ngoại hạng Anh. Ngoài ra còn có những dự án đầu tư ngày càng lớn vào golf, thể thao điện tử, các giải đấu quyền anh và võ tổng hợp. Tháng 10 vừa qua, hai đội bóng từ Giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA) đã chơi trận mở màn mùa giải mới ở Trung Đông.

“Với quy mô dân số khiêm tốn, sự giàu có của các quốc gia vùng Vịnh mang lại cho họ nhiều cơ hội thuận lợi đầu tư vào việc quảng bá hình ảnh. Những sự kiện thể thao nổi tiếng góp phần tạo nên uy tín cũng như thúc đẩy hình ảnh của các quốc gia này phổ biến hơn”, ông Dania Koleilat Khatib, học giả tại Viện Hoover thuộc Đại học Stanford, bình luận.

Đây được coi là bước đi quan trọng để các nước vùng Vịnh cải thiện hình ảnh của đất nước vượt ra khỏi dầu mỏ hay sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Ông Giorgio Cafiero, CEO tại Công ty tư vấn rủi ro Gulf State Analytics có trụ sở tại Washington (Mỹ), cho rằng việc đăng cai những sự kiện như World Cup “sẽ giúp củng cố hình ảnh của Qatar”, khiến đất nước này xây dựng hình tượng “có tư duy cầu tiến, tiến bộ và hướng ngoại”. Nói cách khác, Qatar sẽ trở thành nơi mà các doanh nhân đi công tác có thể thoải mái chiêu đãi khách hàng, các tổ chức thương mại có thể tổ chức hội nghị hay là nơi các gia đình có thể đến nghỉ ngơi vài ngày như Las Vegas, nhưng ít tệ nạn hơn.

Bên cạnh đó, các quốc gia xuất khẩu năng lượng tại vùng Vịnh cũng coi đây là giải pháp để bảo đảm tương lai nền kinh tế trong bối cảnh nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu ngày càng có xu hướng suy giảm. Trong khi Qatar đang hướng tới mục tiêu thu hút sáu triệu du khách mỗi năm, thì UAE cũng kỳ vọng nâng tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch trong GDP lên 15%.

Trường hợp điển hình hơn cả có thể kể đến Ảrập Saudi. Từ chỗ vẫn hạn chế cấp thị thực du lịch cho đến tận năm 2019, quốc gia này giờ đây dự kiến chi 1.000 tỉ đô la để thu hút du khách. Bên cạnh đó là kế hoạch xây dựng Neom, một thành phố công nghệ cao trên sa mạc cùng một khu nghỉ mát trượt tuyết nhân tạo.

Do vậy, theo Bloomberg, trong khi người dân Mỹ và châu Âu có xu hướng coi việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn là lãng phí, các quốc gia vùng Vịnh vẫn sẵn sàng chi tiền mạnh tay. Tháng 10 vừa qua, Ảrập Saudi đã giành được quyền đăng cai Đại hội Thể thao châu Á mùa đông 2029, và hiện đang cùng Hy Lạp và Ai Cập vận động để giành quyền đăng cai World Cup 2030. Ảrập Saudi và Qatar cũng đều quan tâm đến việc trở thành nước chủ nhà của Olympic với kỳ vọng đây sẽ là những cơ hội tốt để phát triển kinh tế và xã hội.

Nguồn: Gulf Business, Bloomberg, Washington Post, New York Times, Consultant Me

QATAR TẬN DỤNG WORLD CUP ĐỂ ĐA DẠNG HOÁ NỀN KINH TẾ, GIẢM PHỤ THUỘC VÀO DẦU KHÍ

LÊ LINH/ KTSG 25-11-2022

(KTSG Online) – Bằng cách bơm 300 tỉ đô la Mỹ vào các dự án hạ tầng trong thập niên qua, bao gồm khoảng 10 tỉ đô Mỹ để xây dựng các sân vận động phục vụ World Cup 2022, Qatar muốn đa dạng hóa nền kinh tế theo hướng giảm phụ thuộc vào dầu khí và thúc đẩy du lịch. Bên cạnh đó, một kỳ World Cup thành công cũng sẽ giúp Qatar xây dựng quyền lực mềm trong khu vực đồng thời củng cố sự ủng hộ của người dân đối với nền quân chủ lập hiến của nước này.

Rót tiền ồ ạt cho các dự án hạ tầng để thúc đẩy du lịch

Cựu danh thủ David Beckham xuất hiện trong một video ghi sẵn ở một lễ hội thanh niên ở Doha, Qatar hôm 17-11. Ảnh: Getty

Cựu danh thủ người Anh David Beckham đã rời xa bóng đá chuyên nghiệp trong gần một thập niên, nhưng anh đã có mặt khắp mọi nơi ở Doha, thủ đô của Qatar trước thềm Vòng chung kết World Cup 2022 của FIFA. Beckham xuất hiện trong các cuộc họp báo, trên bảng quảng cáo, chủ trì các buổi giới thiệu một điểm du lịch của Qatar trong 30 phút… Qatar đang tận dụng tất cả giá trị có thể thu được từ hàng chục triệu đô la Mỹ mỗi năm trả cho Beckham để trở thành đại sứ văn hóa của nước này. Beckham được cho là đã ký một thỏa thuận trị giá 150 triệu đô la Mỹ trong 10 năm để làm đại sứ của Qatar.

Tuy nhiên, khoản chi cho hợp đồng với Beckham chỉ là con số nhỏ so với hàng tỉ đô la Mỹ mà Qatar đã chi tiêu để giúp đất nước sẵn sàng cho World Cup 2022, bắt đầu bằng trận đấu giữa đội chủ nhà và Ecuador tối 20-11 theo giờ Việt Nam.

Cùng với ngân sách chính thức để xây dựng các sân vận động mới khoảng 10 tỉ đô la Mỹ, Qatar đã bơm thêm 290 tỉ đô la Mỹ vào các dự án cơ sở hạ tầng trong thập niên qua, xây dựng những con đường mới với tổng chiều dài 1.600 km, các trung tâm mua sắm, ga tàu điện ngầm và 20.000 phòng khách sạn mới. Những dự án này sẽ đóng vai trò quan trọng cho những nỗ lực thúc đẩy kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch của Qatar ở thời kỳ hậu World Cup.

Các quan chức ở Doha khẳng định phần lớn khoản chi tiêu này cũng sẽ xảy ra nếu không có World Cup. Họ xem đây là một phần trong nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế của đất nước để giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch.

Dù vậy, giải bóng đá hấp dẫn và lớn nhất hành tinh là một bài kiểm tra lớn, cả về khả năng của Qatar trong việc tổ chức các loại sự kiện lớn mà họ muốn diễn ra thường xuyên hơn, cũng như khả năng thuyết phục hàng triệu người đến bán đảo nhỏ bé, khô cằn nhô ra từ vùng vịnh Ba Tư này, từng bị tai tiếng là nơi chứa chấp các phần tử khủng bố Taliban.

Pat Thaker, Giám đốc khu vực Trung Đông và châu Phi tại Economist Intelligence Unit, nói: “Điều rất quan trọng đối với Qatar là tạo nên một kỳ World Cup thành công rực rỡ vì cả thế giới đang theo dõi họ”.

Nỗ lực cải thiện quyền lợi cho lao động nhập cư

Cho đến nay, sự chú ý đó đã khiến Qatar nhiều phen đau đầu. Kể từ tháng 12-2010 khi Qatar được FIFA chọn làm nơi đăng cai World Cup 2022, sự lựa chọn này đã bị chỉ trích rất nhiều.

Các nhóm nhân quyền nêu ra những lo ngại về cách đối xử của Qatar với lao động nhập cư và việc nước này hình sự hóa đồng tính luyến ái. Trong khi đó, những người khác lại đặt câu hỏi làm thế nào một đất nước có nhiệt độ thường xuyên lên tới 40 độ vào mùa hè lại có thể tổ chức một giải đấu bóng đá lớn mà bảo đảm cầu thủ không nhập viện vì kiệt sức do nắng nóng.

Giải quyết vấn đề nhiệt độ tương đối dễ dàng. Qatar và FIFA đã đồng ý chuyển giải đấu sang mùa đông và lắp đặt máy điều hòa nhiệt độ ở tất cả các sân vận động.

Giới quan sát dành sự ghi nhận cao hơn cho Qatar trong nỗ lực cải cách đối xử với lao động nhập cư. Hệ thống kafala, vốn bị chỉ trích như là chế độ nô lệ lao động hiện đại, đã bị loại bỏ. Hệ thống này bắt buộc người lao động nhập cư phải được sự đồng ý của người chủ để chuyển sang làm việc ở những nơi khác.

Trong một báo cáo trong tháng này, Tổ chức Lao động quốc  tế (ILO) đã ca ngợi những nỗ lực đáng kể của Qatar vì đã giúp “cải thiện điều kiện sống và làm việc cho hàng trăm nghìn người lao động”.

Các nhóm nhân quyền đang kêu gọi Qatar và FIFA làm nhiều hơn nữa để bồi thường cho hàng nghìn người lao động nhập cư bị thương hoặc tử vong trong những năm gần đây, cả trước và sau khi cải cách lao động bắt đầu. Nhưng bất chấp điều này, Qatar hiện được xem là nước dẫn đầu trong số các quốc gia vùng vịnh Ba Tư trong nỗ lực cải thiện quyền lợi của người lao động.

Nader Kabbani, giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Trung Đông về các vấn đề toàn cầu, có trụ sở tại Doha, cho rằng Qatar đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện vị thế và quyền lợi của người lao động nhập cư. Ông nói: “Giai đoạn hậu World Cup sẽ là cơ hội để Qatar chứng minh mức độ duy trì và cải thiện các cải cách lao động của nước này”.

Lo ngại các sự cố liên quan đến người hâm mộ

Sân vận động Al Bayt ở thành phố Al Khor, Qatar, sẽ là nơi diễn ra trận khai mạc World Cup 2022 giữa đội tuyển Qatar và đội tuyển Ecuador vào tối nay (20-11). Ảnh: Stabroek News

Điều đáng lo ngại hơn đối với Qatar là khả năng xảy ra các ồn ào hoặc tranh cãi liên quan đến người hâm mộ nước ngoài. Trong những tuần tới, khoảng 1,2 triệu người dự kiến sẽ đến Qatar để thưởng lãm các cuộc so tài trên sân cỏ World Cup 2022.

Đã có nhiều lời phàn nàn về chi phí quá lớn đối với du khách khi đến Qatar, với giá vé máy bay đắt đỏ và thiếu chỗ ở hợp túi tiền, cũng như những lo ngại về cách cảnh sát ở quốc gia Hồi giáo bảo thủ này sẽ xử lý du khách. Sử dụng rượu bia không bị cấm hoàn toàn ở Qatar, nhưng các nhà tổ chức World Cup đã gửi đi những thông điệp trái chiều về việc người hâm mộ túc cầu có thể uống bia rượu tự do như thế nào. Hôm 18-11, Qatar bất ngờ thông báo cấm bán bia ở các sân vận động phục vụ 64 trận đấu trong khuôn khổ World Cup 2022. Nước này chỉ cho phép bán và sử dụng bia ở các khu vực fanzone (những địa điểm ngoài trời có màn hình lớn phát trực tiếp các trận đấu phục vụ người hâm mộ) và những địa điểm đã được cấp phép khác.

Một điều rõ ràng là bất kỳ loại bia nào được cung cấp cũng sẽ rất đắt. Tại các fanzone, một lon bia Budweiser, thương hiệu bia tài trợ chính thức cho World Cup, có giá bán đến 50 riyal, khoảng 13,7 đô la Mỹ.

Các nhà tổ chức World Cup đã nói rằng người hâm mộ cần thể hiện sự tôn trọng luật lệ ở Qatar, họ không nên lo lắng quá mức đến các vấn đề uống rượu bia và các quy tắc về trang phục, vốn ít bảo thủ hơn so với nước láng giềng Saudi Arabia.

Dù vậy, một vụ bê bối liên quan đến người hâm mộ nước ngoài cũng có thể làm xao nhãng câu chuyện bóng đá, đặc biệt nếu nó xảy ra sớm trong giai đoạn vòng bảng. Điều này cũng có thể làm hỏng nỗ lực của Qatar trong việc sử dụng World Cup như là một chiến dịch quảng bá du lịch cho đất nước.

Khuếch trương quyền lực mềm

Qatar, cũng như các thành viên khác của Hội đồng Hợp tác vùng vịnh (GCC), đang tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Tổ chức thành công các sự kiện thể thao lớn là một phần quan trọng trong quá trình này. Qatar cũng sẽ đăng cai tổ chức Vòng chung kết cúp bóng đá châu Á 2023.

Hai nhà nghiên cứu Johan Fourie và Maria Santana Gallego, đồng tác giả của một báo cáo nghiên cứu tác động của các sự kiện thể thao lớn đối với du lịch, cho biết dù các chính trị gia thường đưa ra những dự đoán tích cực về tác động du lịch có thể xảy ra nhờ việc tổ chức các giải đấu thể thao lớn, hiệu quả thực tế vẫn còn gây tranh cãi.

Tuy nhiên, Qatar có thể ghi điểm về quyền lực mềm trong khu vực. Hiện tại, các nước vùng vịnh Ba Tư khác đang nhận thấy những lợi ích của việc tổ chức World Cup ngay trước cửa nhà của họ. Nhờ lợi thế cơ sở hạ tầng khách sạn lâu đời và quy mô hơn, Dubai, thành phố lớn nhất của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), dự kiến sẽ đón khoảng một triệu người hâm mộ đến xem giải đấu World Cup.

Pat Thaker, Giám đốc khu vực Trung Đông và châu Phi tại Economist Intelligence Unit, nhận định việc Qatar tổ chức World Cup thành công sẽ mang lại niềm tự hào chung cho các nước trong khu vực, từ đó giúp cải thiện quan hệ giữa họ. Một chiến dịch tẩy chay Qatar do Saudi Arabia dẫn đầu với cáo buộc Doha tài trợ cho các nhóm khủng bố cuối cùng đã chấm dứt vào năm ngoái.

Niềm tự hào của người dân Qatar về việc lần đầu tiên World Cup được đăng cai ở thế giới Arab cũng được kỳ vọng sẽ củng cố sự ủng hộ của người dân đối với chế độ quân chủ của Qatar. Điều này có khả năng giảm bớt áp lực cải cách chính trị ở Qatar trong tương lai gần, đặc biệt là khi nhu cầu khí đốt tự nhiên tăng đang thúc đẩy nền kinh tế của đất nước.

Theo The Globe and Mail


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét