Thứ Tư, 23 tháng 11, 2022

20221124. 100 NGÀY SINH CỦA CỐ THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT

 ĐIỂM BÁO MẠNG


DI SẢN TINH THẦN ÔNG SÁU DÂN: LÀ TẦM NHÌN, NHÂN CÁCH, 
SỰ HÀO SẢNG

BẢO ANH/TVN 23-11-2022
Bên cạnh những di sản có thể nhìn thấy bằng mắt mà ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt để lại, là di sản về tinh thần, đó là tầm nhìn, là nhân cách, sự hào sảng, nghĩa khí của một người cách mạng.

Những ngày qua, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022), nhiều chương trình kỷ niệm, hội thảo khoa học được tổ chức ở TP.HCM và một số tỉnh, thành.

Tại TP.HCM, ngày 22/11, diễn ra Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Đồng chí Võ Văn Kiệt - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”. 

Gần 90 tham luận được gửi đến Ban tổ chức và tại hội thảo có 9 bài phát biểu của các lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học, đại diện gia đình cố Thủ tướng.


Thủ tướng Võ Văn Kiệt với các kỹ sư, công nhân ngành điện. (Ảnh tư liệu gia đình Thủ tướng). Theo: Nhân Dân

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, các bài tham luận đã phân tích, luận giải để làm sâu sắc hơn về quê hương, gia đình, lý tưởng yêu nước, chí hướng cách mạng... của cố Thủ tướng, qua đó thể hiện lòng kính trọng và sự tri ân sâu sắc đối với ông, người có nhiều đóng to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc, trên các cương vị lãnh đạo, từ Bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (sau này là Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn là người khởi động và thúc đẩy quá trình đổi mới nền kinh tế. 

Qua đây, ông Dũng nhắc đến việc “xé rào” khi cố Thủ tưởng còn làm Bí thư Thành ủy TP.HCM. Đó là, năm 1977, TP.HCM rơi vào tình cảnh thiếu đói, ông Kiệt đã lập "tổ thu mua lúa gạo", chỉ đạo "xé rào", tổ chức thu mua gạo theo "giá thỏa thuận" để kịp thời đáp ứng nhu cầu gạo của người dân thành phố. Hành động này dù đi ngược các quy định đương thời, thậm chí có thể bị kỷ luật nặng, song được nhiều người dân ủng hộ. Việc này về sau trở thành ví dụ tiêu biểu cho "đột phá" cơ chế kế hoạch hóa tập trung trong phân phối hàng hóa.

Mọi việc làm của mình đều vì lợi ích của nhân dân

Trong cuốn “Võ Văn Kiệt - Trăm năm trong một chữ dân” (NXB Tổng hợp TP.HCM-2022) được phát cho các đại biểu tại hội thảo, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có bài viết về người lãnh đạo đi trước. Ông chia sẻ: “Đã có người hỏi tôi trên cương vị từng là Chủ tịch nước Việt Nam, tôi đánh giá thế nào về di sản của ông Võ Văn Kiệt với đất nước, với nhân dân, với Đảng. 

Theo tôi thì ông Sáu đã để lại nhiều di sản lắm. Những di sản có thể nhìn thấy bằng mắt mà ai cũng biết: thủy điện Trị An, thủy điện Thác Mơ, công trình đường dây tải điện 500kV Bắc Nam… Và còn nữa là những di sản tinh thần của ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt, đó là tầm nhìn, là nhân cách, là sự hào sảng, là nghĩa khí của một người cách mạng thuộc thế hệ đi trước. Hiếm hoi và quý giá. Có thể theo đó học mãi cùng với thời gian”. 


Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Hội thảo khoa học “Đồng chí Võ Văn Kiệt - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam” ngày 22/11, TP.HCM. Ảnh: Tùng Tin

Từng đảm nhận chức trách Bí thư Thành ủy TP.HCM, là lớp người đi sau, nguyên Chủ tịch nước bày tỏ: “Tôi học ở ông trước hết là phải gần dân, lắng nghe ý kiến của dân, tin ở dân và mọi việc làm của mình đều vì lợi ích của nhân dân. Đồng thời cũng phải sẵn sàng chịu trách nhiệm trước dân và trước đất nước”.

Trong tham luận gửi đến hội thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo lại chia sẻ những tâm tư, tình cảm trong bài viết: “Thế hệ thứ tư” luôn nhớ chú Võ Văn Kiệt.  

“Chú luôn động viên, tạo điều kiện cho thế hệ thứ tư - những người gánh vác xứ mệnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau ngày giải phóng. Chú gửi gắm nhiều sự trân trọng, nhiều kỳ vọng và luôn mời gọi họ tham gia các công trình lớn, các đại công trường thanh niên,… qua đó mà rèn luyện, trưởng thành”, bà Thảo viết.

Theo bà Thảo, nhiều người trong lứa trẻ hồi ấy vẫn nhớ như in sau cuộc nói chuyện của cố Thủ tướng với thanh niên ở công viên Tao Đàn là cuộc hùng binh của thanh niên ra biên giới và đi đến các công trình thanh niên.

"”Kính chào thế hệ thứ tư” là tất cả sự trao gửi, là thông điệp tin yêu mà chú Võ Văn Kiệt dành cho người trẻ", bà Thảo bày tỏ.

Bà Võ Hiếu Dân, con gái cố Thủ tướng chia sẻ, qua hội thảo, bà và gia đình đã hiểu hơn về một người cha, người ông tận trung với nước, tận hiếu với dân. Cuộc đời và sự nghiệp của ông như tấm gương soi sáng cuộc đời con cháu.

Con gái cố Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn đến sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dành thời gian, công sức và sự trân trọng, yêu thương để tổ chức chuỗi sự kiện tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt những ngày qua.


Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh: Sáu Dân; sinh ngày 23/11/1922, tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Ông mất ngày 11/6/2008. Năm 1938, ông tham gia hoạt động trong phong trào Thanh niên phản đế. Tháng 11/1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư Chi bộ, Huyện ủy viên và tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở huyện Vũng Liêm.

Trong sự nghiệp cách mạng, ông đã trải qua nhiều vị trí, làm Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, giữ các chức vụ Bí thư Thành ủy TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII, IX.


BẢO ANH


CỐ THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT-TẦM NHÌN VƯỢT THỜI GIAN

BẢO ANH/VNN 22-11-2022


Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết liệt ủng hộ những cách làm mới, tháo gỡ khó khăn, mở đường cho sản xuất, kinh doanh phát triển. “Dấu ấn Võ Văn Kiệt” đã in đậm trong những quyết sách lớn, công trình trọng điểm quốc gia.

Ngày 22/11, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Thành ủy TP.HCM và Tỉnh ủy Vĩnh Long phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Đồng chí Võ Văn Kiệt - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”. 

Dự và chủ trì hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh, hội thảo là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực để chúng ta cùng nhau ôn lại cuộc đời, sự nghiệp vẻ vang và tri ân những đóng góp to lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. 


Các vị lãnh đạo, đại biểu dự hội thảo về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: Tùng Tin

Đồng thời, qua đây đúc kết những bài học có giá trị lý luận và thực tiễn để giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lý tưởng cách mạng, góp phần đẩy mạnh sâu rộng và toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng chia sẻ: ““Dấu ấn Võ Văn Kiệt” đã in đậm trong những quyết sách lớn, những dự án, công trình trọng điểm quốc gia thời kỳ đầu đổi mới, giữa bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức lớn, góp phần đưa sự nghiệp đổi mới đạt được những thành tựu quan trọng, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. 


Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phát biểu

Tại hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn, đề nghị các nhà khoa học tập trung làm rõ việc cố Thủ tướng đã quyết liệt ủng hộ những cách làm mới, phá bỏ những rào cản của tư duy cũ, cơ chế cũ, tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, mở đường cho sản xuất, kinh doanh phát triển. 

“Với tầm nhìn vượt thời gian, đồng chí đã chỉ đạo triển khai những công trình kinh tế trọng điểm quốc gia, như: đường dây tải điện 500 kv Bắc-Nam; đường Bắc Thăng Long - Nội Bài; đường cao tốc Láng - Hòa Lạc; công trình thoát lũ ra biển Tây;… đã mang lại hiệu quả to lớn, là tiền đề quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước những năm sau này”, ông Thắng dẫn giải.


Nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước trò chuyện cùng Phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (ảnh phải). Ảnh: Tùng Tin

Đồng thời, ông Thắng cũng đề cập đến việc cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất chú trọng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân, vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng... Cố Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến xây dựng đội ngũ cán bộ, kiên quyết đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực, đặc biệt là tham nhũng, lãng phí và thất thoát tài sản công.

Bày tỏ tình cảm của người đứng đầu Thành ủy TP.HCM đối với vị tiền bối, Bí thư Nguyễn Văn Nên phát biểu: “Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã rời xa chúng ta 14 năm, để lại một gia tài đồ sộ, một khối di sản lớn lao mang ý nghĩa lịch sử và thời đại. Cuộc hội thảo hôm nay không chỉ tưởng nhớ nhân cách một con người chính trực, chân thành, khí khái, nhân hậu và lịch lãm; mà còn khâm phục một chiến sĩ cách mạng luôn có mặt khắp chiến trường nóng bỏng nơi đầu sóng ngọn gió, sẵn sàng dấn thân vì đất nước, vì nhân dân...”.

Theo ông Nên, hội thảo này chúng ta cùng nhau đi tìm những chất liệu nào đã tạo nên một nhà chính trị-văn hóa tầm cỡ Võ Văn Kiệt , những nhân tố nào đã tạo nên một con người tổng hợp từ thân thể, tâm hồn, trí tuệ, tinh thần như vậy.

86 tuổi đời, 70 năm hoạt động cách mạng liên tục và gần 70 năm tuổi Đảng, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã để lại những bài học vô cùng quý giá, là tấm gương sáng cho các thế hệ cách mạng Việt Nam hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

Ban tổ chức hội thảo cho biết, có gần 90 báo cáo, tham luận của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại biểu, nhà khoa học gửi đến.

BẢO ANH

'DẤU ẤN VÕ VĂN KIỆT' IN ĐẬM TRONG NHỮNG QUYẾT SÁCH LỚN

PHẠM BÌNH MINH/VNN 22-11-2022

PHÁT BIỂU KHAI MẠC CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ PHẠM BÌNH MINH
tại Hội thảo khoa học quốc gia kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt (23/11/1922 – 23/11/2022)
***

- Thưa các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước!

- Thưa các quý vị đại biểu và các nhà khoa học!

- Thưa thân nhân gia đình đồng chí Võ Văn Kiệt kính mến!

Hôm nay, tại thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, chúng ta trọng thể tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đồng chí Võ Văn Kiệt - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt - nhà lãnh đạo xuất sắc và có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; người chiến sỹ cách mạng kiên trung, suốt đời phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; người bạn chân thành và tin cậy của bạn bè quốc tế.

Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022) là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực để chúng ta cùng nhau ôn lại cuộc đời, sự nghiệp vẻ vang và tri ân những đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; đồng thời đúc kết những bài học có giá trị lý luận và thực tiễn để giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lý tưởng cách mạng, góp phần đẩy mạnh sâu rộng và toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thay mặt Bộ Chính trị và Chính phủ, tôi xin gửi những tình cảm chân thành và lời chúc tốt đẹp nhất tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện thân nhân gia đình đồng chí Võ Văn Kiệt và các đại biểu, khách quý, các nhà khoa học tham dự Hội thảo.

Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu!

Đồng chí Võ Văn Kiệt sinh ra tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long - một vùng đất văn hiến, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Với 86 tuổi đời, 69 tuổi Đảng, gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục trải qua nhiều hy sinh, gian khổ, gắn liền với những chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng và dân tộc ta, đồng chí Võ Văn Kiệt, với phẩm chất đạo đức cách mạng và tài năng của một nhà lãnh đạo xuất sắc, đã để lại những dấu ấn quan trọng và những cống hiến to lớn, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng giải phóng dân tộc, đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. 


Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Tùng Tin

Đồng chí Võ Văn Kiệt đã tiếp thu tinh thần yêu nước và truyền thống bất khuất của quê hương, sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng khi mới 16 tuổi và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi gần 18 tuổi. Trưởng thành từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, khi chưa đầy 20 tuổi, đồng chí trở thành cán bộ cốt cán của Huyện ủy Vũng Liêm, tích cực tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ (11/1940). Từ năm 1941 đến năm 1945, trên cương vị Ủy viên Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Rạch Giá, đồng chí Võ Văn Kiệt đã tham gia lãnh đạo phát triển lực lượng cách mạng, xây dựng căn cứ địa U Minh trở thành đầu não của phong trào cách mạng các tỉnh miền Tây Nam Bộ, chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Rạch Giá năm 1945. 

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở Nam Bộ (1945-1954), trên cương vị Ủy viên Chính trị dân quân cách mạng liên tỉnh Tây Nam Bộ, sau đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá (từ năm 1947) và Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu (giữa năm 1949), đồng chí Võ Văn Kiệt luôn tỏ rõ là người lãnh đạo tài năng, sáng tạo, bám sát thực tiễn, trực tiếp chỉ đạo đồng bào và chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân miền Tây Nam Bộ vượt qua biết bao khó khăn gian khổ ác liệt, lập nhiều chiến công to lớn, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên chiến thắng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình hình thành đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam; trực tiếp tham gia lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Trên cương vị Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư Liên Tỉnh ủy Hậu Giang; Bí thư Khu ủy T4 (Sài Gòn-Gia Định), Bí thư Khu ủy Khu 9 (T3), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có nhiều đóng góp vào việc khởi thảo Đề cương Đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam, tài liệu quan trọng là cơ sở cho việc ra đời Nghị quyết 15, thúc đẩy Phong trào Đồng khởi, góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. 

Trong những năm tháng gian khổ, ác liệt của cách mạng miền Nam, đồng chí Võ Văn Kiệt tỏ rõ là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn, kiên cường, bản lĩnh, mưu trí, sáng tạo, linh hoạt. Trên cương vị Bí thư Khu ủy, đồng thời là Chính ủy Quân khu 9, đồng chí đã có những quyết định mang tính chiến lược thể hiện tinh thần cách mạng tiến công, kiên quyết chống địch lấn chiếm, không để mất đất, mất dân. Mỗi bước phát triển đi lên của cách mạng miền Nam, những chiến công oanh liệt, vang dội của quân và dân miền Nam và đặc biệt là thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, có những dấu ấn của người chiến sĩ cộng sản - nhà lãnh đạo tài ba Võ Văn Kiệt.

Sau khi đất nước thống nhất, trên cương vị Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và sau đó là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, với tư duy đổi mới, trí tuệ mẫn tiệp, tinh thần sâu sát cơ sở, nắm bắt nguyện vọng của người dân, phát hiện nhân tố mới, đồng chí Võ Văn Kiệt đã cùng với Ban lãnh đạo Thành ủy kịp thời đưa ra những quyết sách năng động, phù hợp đưa Thành phố vượt qua khó khăn, khắc phục nhanh hậu quả chiến tranh, đi vào thế ổn định và tạo được nền tảng để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước. 

Trên các cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Chủ tịch Thường trực, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, với tư duy và hành động của một nhà lãnh đạo sắc bén, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng chí Võ Văn Kiệt đã cùng tập thể Chính phủ và Bộ Chính trị (từ khóa IV đến khóa VIII) hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đồng thời từng bước phá thế bao vây cấm vận của các thế lực thù địch, mở rộng quan hệ đối ngoại của Việt Nam. 

“Dấu ấn Võ Văn Kiệt” đã in đậm trong những quyết sách lớn, những dự án, công trình trọng điểm quốc gia thời kỳ đầu đổi mới, giữa bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức lớn, góp phần đưa sự nghiệp đổi mới đạt được những thành tựu quan trọng, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Thưa các đồng chí!

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt là tấm gương đạo đức cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo tài năng, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù bất cứ ở cương vị nào, cả khi cách mạng thuận lợi hay lúc khó khăn, đặc biệt trong những thời điểm mang tính bước ngoặt, trong những tình huống phức tạp, nghặt nghèo nhất, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với vai trò Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Võ Văn Kiệt vẫn luôn trăn trở và dành nhiều tâm huyết, trí tuệ đóng góp cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, giữ vững bản chất Đảng, giữ gìn uy tín, thanh danh của Đảng. 

Đồng chí là hiện thân tiêu biểu của người cộng sản đã trọn đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, là tấm gương sáng về lựa chọn lý tưởng sống và lẽ sống trọn đời vì nước, vì dân. Đồng chí là một mẫu hình nhân cách lớn của người đảng viên cộng sản, luôn đồng cam cộng khổ với nhân dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Với đạo đức, nhân cách, trí tuệ, tài năng và những cống hiến to lớn cho đất nước và dân tộc, đồng chí Võ Văn Kiệt đã để lại những tình cảm trong sáng, đẹp đẽ trong đồng chí, đồng bào, nhân dân ta và bạn bè quốc tế. 

Đồng chí Võ Văn Kiệt đã để lại cho chúng ta những bài học quý báu về tấm gương của một chiến sĩ cộng sản chân chính, một nhà lãnh đạo có tầm tư duy chiến lược, lý luận gắn liền với thực tiễn, dám nhìn thẳng vào sự thật, sâu sát cơ sở, luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; giữ vững nguyên tắc, kiên định lập trường, trí tuệ, bản lĩnh, mưu lược, tiên phong, không ngừng đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt hành động vì lợi ích chung để giải quyết những vấn đề bức thiết, những đòi hỏi của nhân dân và thực tiễn cách mạng, vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. 

Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu!

Tôi tin tưởng rằng, Hội thảo khoa học quan trọng này, với sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà hoạt động thực tiễn, những nhân chứng lịch sử, thể hiện lòng biết ơn và kính trọng đối với đồng chí Võ Văn Kiệt để làm sáng rõ hơn, sâu sắc hơn nữa, đầy đủ và sống động hơn nữa phẩm chất, tài năng, công lao, cống hiến to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt, cũng như rút ra bài học kinh nghiệm đối với tiến trình phát triển của Đảng và cách mạng Việt Nam, trước hết là thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc. 

Trên tinh thần đó, thay mặt Bộ Chính trị và Chính phủ, tôi tuyên bố khai mạc Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Đồng chí Võ Văn Kiệt - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”.

Xin chúc các đồng chí đại biểu, các nhà khoa học và thân nhân gia đình của đồng chí Võ Văn Kiệt sức khỏe, hạnh phúc và thành công! 

Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp./.

NHÀ LÃNH ĐẠO DÁM CHỊU TRÁCH NHIỆM 'PHÁ RÀO'

LAN ANH/TVN 22-11-2022

“Sử học không nên chỉ đánh giá một con người xem họ đạt đến đỉnh cao nào mà còn phải xem khi họ nằm xuống, đã có bao nhiêu dòng nước mắt”.

Câu nói đó của cố GS Đặng Phong càng thấm thía khi chúng ta chiêm nghiệm về con người và cuộc đời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu mạch bài về vai trò của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong công cuộc Đổi mới và tạo lậpnền tảng cho phát triển đất nước nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (23/11/1922- 23/11/2022).

Ông Bí thư “phá rào”

Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt được nhìn nhận là một người ủng hộ mạnh mẽ cho công cuộc cải cách, đổi mới. Ông đã dám chịu trách nhiệm “xé rào”, “bung ra” trong bối cảnh cơ chế quản lý đời sống kinh tế, xã hội những năm cuối thập niên 1970, từ đó mở đường cho công cuộc đổi mới đất nước sau này.

Bắt đầu từ những năm 1978-1979, cả nước thiếu lương thực nghiêm trọng, người dân TP.HCM phải ăn độn hạt bo bo, ông Kiệt khi đó là Bí thư Thành ủy.

Ông Lữ Minh Châu, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lúc đó là Giám đốc Ngân hàng Thành phố kể lại: “Một buổi sáng ông Kiệt gọi 4 người chúng tôi là Giám đốc Ngân hàng, công ty Lương thực, Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải đến ‘ăn sáng’. Khi mọi người đến đủ, ông khoá cửa lại cho ăn sáng và nói: Bây giờ có một việc hệ trọng, các anh phải bàn cho ra, nếu không giải quyết xong tôi không cho về.


Ông Võ Văn Kiệt phát biểu trước Quốc hội sau khi được bầu làm Thủ tướng Chính phủ ngày 23/9/1992 tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX. (Ảnh: Xuân Tuân/TTXVN)

Ông Kiệt nêu ra cách giải quyết vấn đề lương thực: Đi mua theo giá cao ở đồng bằng sông Cửu Long mang về. Sở Tài chính phải lo ngân sách. Ngân hàng phải lo tiền mặt. Giám đốc công ty Lương thực lúc đó là bà Ba Thi thì đưa tiền, đưa xe xuống các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để mua lúa theo giá sát giá thị trường, gấp 5 lần giá nhà nước, tức 2,5 đồng/kg. Bà Ba Thi lúc đó lo ngại nói với ông Kiệt: “Làm thế này là tôi dễ đi tù lắm, vì dám phá giá nhà nước, lại chuyên chở gạo trái phép”. Ông Võ Văn Kiệt nói: “Chị cứ làm đi, nếu chị phải đi tù, tôi đem cơm cho chị”. (1)

TP.HCM khi đó bị cuốn vào guồng máy kinh tế tập trung. Đến mùa thu hoạch, đồng lúa miền Nam chín vàng nhưng dân ngấp nghé nạn đói. Nhà nước áp giá lệnh 5,2 hào/kg trong khi thị trường là 1,5 đồng, người nông dân không chịu bán. Bí thư TP.HCM Võ Văn Kiệt chỉ đạo công ty Lương thực thu mua lúa của dân với giá tương xứng, cứu đói cho thành phố. Ủy ban Vật giá bèn “kiện” lên Trung ương rằng ông Kiệt phá rào. Bà Ba Thi bị triệu ra kiểm điểm, nhưng sau khi ông Kiệt ra báo cáo, thuyết phục, Tổng bí thư Lê Duẩn đã ủng hộ. Giá thu mua lương thực cả nước nhờ đó được điều chỉnh lên gần với giá trị thực. Đó là một trong những công cuộc “phá rào” thành công lúc bấy giờ.

Tấm lòng với trí thức cũ miền Nam

GS Đặng Phong kể ông Võ Văn Kiệt có một tấm lòng đối đãi với trí thức cũ miền Nam. Sau ngày thống nhất đất nước, trí thức miền Nam gặp rất nhiều khó khăn. Là Bí thư Thành uỷ, ông Kiệt đã mời họ nghiên cứu giúp việc cho Thành uỷ, biên soạn những đề án đóng góp với Chính phủ. Vào lúc đó, làm như vậy rất dễ bị chụp mũ là hữu khuynh, mất cảnh giác, mất lập trường… Hầu như tất cả các trí thức cũ miền Nam còn lại lúc đó, kể cả những người sau này xuất cảnh ra đi đều nghĩ tới ông như một trong những ân nhân của mình. (2)

Khi ông Kiệt ra Hà Nội giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông nghe nói một nhóm chuyên gia mà sau này gọi là “Nhóm thứ sáu” đang nghiên cứu các vấn đề về ngân hàng, chống lạm phát. Ông cho mời họ ra Hà Nội trình bày trước Chính phủ. Không những thế, ông còn tuyên bố đồng tình với những ý kiến của họ và trên rất nhiều lĩnh vực ông đã cho thực thi như đề án chống lạm phát, dự thảo pháp lệnh Ngân hàng, đề án xây dựng ngân hàng hai cấp… Sau đó, ông còn cử họ đi sang các nước phương Tây để tham khảo ý kiến của các chuyên gia quốc tế về cải cách hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên Trợ lý của ông Võ Văn Kiệt cũng kể lại, sau Đại hội Đảng 4 (năm 1976), ông Kiệt đã thấy có những vấn đề kinh tế cần sự tham gia của các chuyên gia có kinh nghiệm.

Văn phòng kinh tế của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt được thành lập gồm nhiều chuyên gia được đào tạo trong chế độ xã hội chủ nghĩa, một số chuyên gia từng làm việc trong chính quyền Sài Gòn cũ. Văn phòng này đã có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều kiến nghị có giá trị về chiến lược kinh tế, công nghiệp, tài chính - tiền tệ của Thành phố trong những năm đầu sau thống nhất cũng như của cả nước trong những năm sau đó. Tuy vào thời điểm đó, có những tư tưởng kinh tế của Văn phòng không được chấp nhận, nhưng riêng ông Kiệt vẫn rất trân trọng, khuyến khích anh em tiếp tục nghiên cứu.


Thủ tướng Võ Văn Kiệt trao đổi với các trí thức Việt kiều

Ông Kiệt cũng giao nhiều chuyên đề cho “Nhóm thứ sáu” nghiên cứu  và nhóm này đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng về các chủ trương và giải pháp cải cách giá - lương - tiền cuối những năm 1980.

Năm 1989, các ông Phan Chánh Dưỡng, Lâm Võ Hoàng và Huỳnh Bửu Sơn được mời ra Hà Nội để tham gia nhóm chuyên gia độc lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Võ Văn Kiệt soạn thảo hai pháp lệnh về tổ chức ngân hàng hai cấp (pháp lệnh về Ngân hàng Nhà nước và pháp lệnh về Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính). Đây là việc có ý nghĩa quan trọng thời đó để phù hợp với việc xoá bỏ hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh, tự do hoá lưu thông tư liệu sản xuất… tách bạch chức năng điều tiết chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương với chức năng kinh doanh của các ngân hàng thương mại.

Chuyên gia cải cách hành chính Diệp Văn Sơn cho hay, lần đầu ra Hà Nội, trước hơn 20 quan chức gồm Bộ trưởng, Thứ trưởng các bộ có liên quan đến tài chính, kinh tế, các vị trong Ban Kinh tế Trung ương, Ban Công nghiệp Trung ương, Viện Nghiên cứu Kinh tế và các chuyên viên có tầm cỡ, Nhóm thứ sáu quả quyết: “Việc ngăn sông cấm chợ đã làm lệch lạc hệ thống giá cả trong nền kinh tế. Việc cải cách tiền lương là đúng, nhưng những biện pháp không phù hợp tiếp theo đã triệt tiêu hiệu quả của cuộc cải cách tiền lương. Cuộc cải cách giá - lương - tiền có thể đã thành công nếu Nhà nước không đổi tiền”.

Sau đó, ông Võ Văn Kiệt đã có bức thư gửi “Nhóm thứ sáu”, trong đó có đoạn viết: “Tôi đánh giá cao những ý kiến đóng góp của anh em về nhiều lĩnh vực trong suốt những năm qua, không phải vì tất cả ý kiến đó đều mới mẻ, đúng đắn, khả thi. Có ý kiến, xét trên quan điểm tổng thể tầm quốc gia, chưa thực sự phù hợp với điều kiện, tình hình nước ta... nhưng tất cả đều xuất phát từ mong mỏi khát khao đưa đất nước vượt lên. Hơn nữa, đều là kết quả của công trình lao động trí tuệ công quả, trong khi cuộc sống và công việc thường nhật của anh em còn không ít khó khăn”.

Đổi mới tư duy

Ông Martin Rama - nguyên Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thừa nhận rằng, các thử nghiệm “phá rào” đã mở đường cho công cuộc cải cách toàn diện sau này được tiến hành bên lề hệ thống, trên làn ranh giới của sự hợp pháp. Tuy nhiên, những người tiến hành các cuộc thử nghiệm này đều giữ vững lòng tin vào Đảng, và đây là lý do vì sao họ nêu lên các vấn đề mà họ quan ngại với thái độ tôn trọng. Lãnh đạo Đảng đã phản hồi ngay và xem xét các mối quan ngại đó.

Ông Rama phân tích, một điều rõ ràng là không phải ai cố gắng đưa ra các thay đổi cũng thành công. Nhưng những khó khăn về kinh tế nảy sinh từ cơ chế cũ đã làm giảm sự phản đối đối với những người thử nghiệm “phá rào”. Do đó, hàng rào mới chỉ bị chọc thủng ở cấp cơ sở, song cuối cùng lại được dẹp bỏ ở cấp trung ương.


Đại hội 6 trong ngày làm việc thứ ba (17/12/1986)

Năm 1979, trên tinh thần hoàn toàn ủng hộ phong trào “phá rào”, hội nghị Trung ương 6 đã coi hành động phá giá quy định là “cởi trói sản xuất”. Năm 1980, chính quyền địa phương đã được phép xuất nhập khẩu trực tiếp, nhờ đó hợp thức hóa được các công ty “imex”.

Năm 1981, Ban Bí thư cho phép thực hiện khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Và cũng trong năm 1981, hệ thống 3 loại kế hoạch cho doanh nghiệp cũng  được hợp thức hóa, cùng với việc thúc đẩy mối quan hệ  giữa doanh nghiệp - doanh nghiệp và doanh nghiệp - thị trường.

Chủ trương Đổi mới và công cuộc cải cách kinh tế trên qui mô lớn đã được thông qua trong Đại hội Đảng 6 diễn ra năm 1986. Đến lúc ấy, tư duy chung đã thay đổi, và do đó có thể đạt được sự đồng thuận.

Trong sự đồng thuận này có cả sự nhất trí về việc Đảng cần đánh giá trên tinh thần tự phê những việc đã làm được trong phát triển kinh tế, chịu trách nhiệm về những thất bại, và đề ra biện pháp sửa chữa. Quyết định này là một sự đột phá có ý nghĩa lịch sử. Nó đánh dấu một bước ngoặt từ suy thoái sang hồi phục. Trên hết, nó đánh dấu sự khởi đầu của những thay đổi trong cơ chế quản lý kinh tế chủ chốt - chuyển từ kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường.

Tại Đại hội 6, ông Võ Văn Kiệt được bầu lại làm ủy viên Ban chấp hành Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị. Ông chịu trách nhiệm thiết kế 3 chương trình kinh tế lớn: Phát triển sản xuất lương thực; Sản xuất hàng tiêu dùng; Sản xuất hàng xuất khẩu. Ba chương trình được thúc đẩy đồng bộ, quyết liệt làm thay đổi cục diện kinh tế. Ba chương trình này chính là sự “sửa sai” đối với chủ trương chủ quan duy ý chí trong phát triển kinh tế trước đây, thiên về công nghiệp nặng.

Ông Vũ Quốc Tuấn cho biết thêm, sau Đại hội 6, khi vẫn còn xu hướng giằng co giữa đổi mới và cơ chế cũ, không ít người cho rằng tháo gỡ, đổi mới sẽ mất chủ nghĩa xã hội, ông Kiệt đã thực sự góp sức rất lớn vào việc kiên trì đường lối đổi mới bằng những hoạt động cụ thể.

Năm 1987, ông Võ Văn Kiệt kí ban hành một loạt nghị định cho phép kinh tế tư nhân, bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, giao quyền tự chủ sản xuất kinh doanh, đóng góp trong việc chỉ đạo soạn thảo dự án luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, quán triệt tư duy đổi mới đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Chú thích:

(1)  Theo sách “Ông Võ Văn Kiệt – người thắp lửa” của GS Đặng Phong

(2)  Theo sách “Ông Sáu Dân trong lòng dân”

Lan Anh

ÔNG SÁU DÂN VÀ ĐỔI MỚI THỂ CHẾ

LAN ANH/ TVN 23-11-2022

Ngày 9/8/1995, trước Đại hội Đảng lần thứ 8, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gửi một bức thư tâm huyết cho Bộ Chính trị nêu quan điểm, tư tưởng, khuyến nghị và cảnh báo về một số vấn đề có tầm chiến lược đối với đất nước vào thời điểm lịch sử đó.

Nội dung bức thư nêu một cách hệ thống những vấn đề quan trọng của đất nước phải giải quyết trong tình hình và nhiệm vụ mới.

Đổi mới tư duy để phù hợp với thực tiễn

Thư tập trung vào các chủ đề: Cần hiểu đúng và nắm vững xu thế vận động của thế giới - nhất là quá trình toàn cầu hoá kinh tế đang diễn ra, để từ đó lựa chọn cho đất nước con đường phát triển phù hợp và tranh thủ những thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế, cần xây dựng nhà nước pháp quyền dân chủ để triển khai và đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá đất nước, Đảng cần thay đổi chính mình về đường lối, tổ chức để thực hiện được trọng trách trong tình hình, nhiệm vụ mới của đất nước.

Bức thư nhấn mạnh phát huy những giá trị của tinh thần dân tộc và dân chủ để thực hiện được đại đoàn kết dân tộc và giải phóng được sức mạnh của quốc gia.  . 


Điều day dứt tâm can của ông Kiệt là nỗi lo và suy tư của ông về Đảng

Trả lời tạp chí Xây dựng Đảng năm 2005 trong cuốn sách “Võ Văn Kiệt: Người thắp lửa” của nhà xuất bản Trẻ, ông Kiệt đã nhận thấy, tình trạng thiếu dân chủ, quen “hành dân” và hành hạ lẫn nhau của bộ máy nhà nước các cấp là một thực tế nhức nhối. Vì không tạo được mối quan hệ gắn bó với dân nên nạn tham nhũng càng có điều kiện hoành hành.

Ông cho rằng không gì có thể lọt khỏi tai mắt của dân, nhưng vì một bộ phận không nhỏ đảng viên, kể cả đảng viên giữ những trọng trách, xa dân nên không tiếp nhận được ý kiến đóng góp của dân nhằm xây dựng Đảng, nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo để từ đó mà vun đắp, giữ gìn lòng tin của dân đối với Đảng.

Có hiện tượng đáng buồn, đáng phẫn nộ, đó là do sự thoái hoá, biến chất của một bộ phận không nhỏ đảng viên có chức, có quyền - cái mà người ta gọi là sự tha hoá của quyền lực, sự tha hoá của người cầm quyền.

Điều kiện tiên quyết là biết khởi động sức mạnh tiềm tàng trong toàn Đảng và trong nhân dân. Để phát huy sức mạnh đó, cần phát huy khả năng dám nghĩ, dám nói trong Đảng và trong dân bằng những chính sách cởi mở và đúng đắn, để mọi nguồn lực đều được khơi dậy, kể cả nguồn lực của đồng bào ta đang sống ở nước ngoài.

Kinh tế thị trường nói chung đã hàm chứa trong nó cả thời cơ và thách thức. Đối với đất nước ta, qua bài học kinh nghiệm từ sự nghiệp đổi mới, kinh tế thị trường là vận hội lớn nếu ta hiểu đúng và có chủ trương đúng. Chúng ta có khả năng phát huy đến mức cao nhất thế mạnh của thị trường, đồng thời cũng có khả năng hạn chế ở mức thấp nhất những khuyết tật của thị trường cùng những hiểm hoạ của một thị trường hoang dã.

Ông nhắc nhở mọi người mạnh dạn đổi mới tư duy để nhận thức đúng, kịp thời bối cảnh mới mà đất nước  đang phải đương đầu, đòi hỏi cán bộ đảng viên cần tỉnh táo và có bản lĩnh tạo mọi điều kiện cho sự bừng nở lành mạnh và rộng khắp các hoạt động của thị trường nhằm chuyển đổi diện mạo kinh tế, tạo sức bật mạnh cho tăng trưởng nhanh và bền vững.

Ông cho rằng trong xây dựng Đảng cần mạnh dạn nhìn thẳng vào vấn đề dân chủ trong Đảng, vấn đề công tác tư tưởng và công tác tổ chức của Đảng, để chỉ ra cho được những yếu kém nhằm mạnh dạn và kiên quyết khắc phục.  

Vào những dịp khác nhau, ông đề xuất cần áp dụng triệt để nguyên tắc tự do ứng cử, tự do đề cử và bỏ phiếu kín trong mọi việc bầu cử người vào các cơ quan của Đảng. Người được bầu phải là người có năng lực và phẩm chất xứng đáng nhất với nhiệm vụ được giao. Không lệ thuộc cơ cấu vùng miền, ngành và địa phương. 

Để thực sự phát huy dân chủ ở mức cao nhất, động viên ý chí và nâng cao tính Đảng của từng đảng viên tham gia gánh vác công việc của Đảng mà không xen lợi ích cá nhân vào, nên khuyến khích tự do ứng cử, đề cử những đảng viên không phải là đại biểu của đại hội. Đồng thời, khuyến khích người đề cử hay người ứng cử trình bày rõ về mình để đại hội có cơ sở cân nhắc và quyết định… Ông nhấn mạnh, với sự trung thực và chân thành lắng nghe tiếng nói của đảng viên và quần chúng, khách quan và thực sự cầu thị, nhất định sẽ chọn được những người ưu tú đủ năng lực và uy tín xứng đáng tham gia Ban chấp hành Trung ương… 

“Luôn đặt mình trong nguyên tắc của Đảng”

Trong cuốn sách Ông Sáu Dân trong lòng dân của nhà xuất bản Tri thức, nhà ngoại giao Nguyễn Trung - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan và CHLB Đức, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Kinh tế đối ngoại của Chính phủ, nguyên trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt  chia sẻ, những năm cuối đời, nhất là từ sau Đại hội 10, điều day dứt tâm can của ông Kiệt là nỗi lo và suy tư của ông về Đảng. Đôi lần ông tâm tình: Nếu coi điều day dứt này là thách thức phải đối mặt, thì đây là thách thức lớn nhất của cả đời mình kể từ khi lớn lên biết làm người. Mọi thách thức đã trải qua không ăn nhằm gì!

Ông Trung kể, chia sẻ điều trăn trở day dứt nhất này, không biết bao nhiêu lần ông mời các lính cũ của mình, lúc trong Nam, lúc ngoài Bắc, chỉ để nêu một câu hỏi: Phải đổi mới Đảng như thế nào? 


Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt xem xét quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố Vạn Tường, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) phục vụ dự án xây dựng nhà máy lọc Dung Quất (tháng 7/1995). Ảnh: TTXVN.

Trong các phát biểu chính thức trong Đảng, các bài viết, nhiều lần ông khẳng định: Đi vào thời kì xây dựng và bảo vệ đất nước trong hoà bình, nghĩa là trong tình hình mới và nhiệm vụ mới của quốc gia, Đảng phải đổi mới chính mình một cách triệt để về đường lối và về tổ chức. Đây là đòi hỏi tất yếu để thực hiện được vai trò lãnh đạo. Nhất nhất Đảng phải nắm vững phương châm: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng.

Ông Lê Đăng Doanh cũng chia sẻ trong cuốn sách “Ông Sáu Dân trong lòng dân”: Là người yêu tự do, có cá tính mạnh mẽ nhưng ông Sáu Dân luôn tự đặt mình trong nguyên tắc của Đảng. Một trong những ví dụ nổi bật là việc năm 1988, Quốc hội đồng thời đề cử ông Đỗ Mười và ông Sáu Dân để lựa chọn, bầu vào chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thay ông Phạm Hùng vừa tạ thế.

Ông Đỗ Mười được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng với đa số phiếu. Theo sự phân công của Bộ Chính trị, ông Sáu Dân giữ cương vị Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng bên cạnh ông Đỗ Mười. Không ít người đã lo lắng về khả năng hợp tác giữa hai ông, nhưng với tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, tính nguyên tắc của cả hai, cuối năm và cuối nhiệm kỳ, trong cuộc họp kiểm điểm của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng, mọi người đều bày tỏ vui mừng vì ông Sáu Dân đã hoạt động rất nghiêm túc và tôn trọng, đoàn kết với ông Đỗ Mười.

Ông Sáu Dân nói riêng với chúng tôi: Nhiều người quá khen tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tính nguyên tắc của mình, mình phải trả lời rằng tôi luôn là một đảng viên có kỉ luật, có ý thức trách nhiệm chứ có gì mà phải khen.

Ông Doanh cũng chia sẻ thêm, ông Sáu Dân luôn suy nghĩ, trăn trở, đọc nhiều, nghe nhiều và luôn lật đi lật lại những vấn đề mà nhiều người coi là “cấm kị”. Ông tôn trọng ý kiến tự do suy nghĩ của người khác. Trong năm 1995, ông Sáu đã phát biểu một số ý kiến rất quan trọng về hàng loạt vấn đề cốt lõi về con đường phát triển của Đảng và đất nước. Lúc đó, các ý kiến chưa được đa số chấp nhận, nhưng ngày nay, thực tế cho thấy đó là những vấn đề thực sự phù hợp với nguyện vọng của dân.

Bài 3: Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, nhà lãnh đạo cải cách tâm huyết

Chú thích:

[1] Toàn văn bức thư: https://dantri.com.vn/xa-hoi/thu-thu-tuong-vo-van-kiet-gui-bo-chinh-tri-20-nam-truoc-20150810100333362.htm

Lan Anh

CON GÁI THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT:TÔI TỰ HÀO VỚI TÊN GỌI 'HIẾU DÂN' CỦA MÌNH

VOV/VNN 23-11-2022

Bà Phan Hiếu Dân chia sẻ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thật ra không kỳ vọng lớn lao hay đặt mục tiêu gì lớn đối với con. Cách dạy của ông rất nhẹ nhàng và giản đơn. Ông hướng con cái vào những việc làm đúng, sống đúng...

Thủ tướng Võ Văn Kiệt có tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân. Nếu tên gọi Võ Văn Kiệt gắn với sự nghiệp cách mạng thì tên gọi thân thương "Sáu Dân" có lẽ là gắn với cái tình, cái nghĩa của ông với mọi người, với nhân dân. Bởi từ bí danh "Sáu Dân" trong thời kỳ hoạt động bí mật, cho đến sau này và tận bây giờ, người Nam bộ vẫn gọi ông là anh/chú/bác "Sáu Dân". Người của dân, vì dân mà chiến đấu và cống hiến, tất cả việc làm của ông là vì dân. Và con gái của ông cũng được ông đặt cho một cái tên rất đặc biệt "Phan Hiếu Dân".

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922- 23/11/2022), phóng viên VOV có cuộc trò chuyện với bà Phan Hiếu Dân xung quanh tên gọi đặc biệt ý nghĩa này.


Bà Phan Hiếu Dân tự hào với tên gọi của mình (ảnh: Tỷ Huỳnh)

PVThưa bà Hiếu Dân, bà được nghe kể như thế nào về tên gọi rất đặc biệt của mình ạ?

- Bà Phan Hiếu Dân: Thời điểm mẹ tôi sinh ra tôi, ba tôi đang giữ trọng trách trong Xứ ủy Nam bộ và bối cảnh lúc đó rất khó khăn, căng thẳng. Đặt tên tôi ngoài mong đợi đón nhận đứa con ra đời, ông còn muốn gửi gắm vào tên đặt cho con mình một ý chí mạnh mẽ, tinh thần sống và chiến đấu, trung với nước hiếu với dân.

Có bao giờ Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói về kỳ vọng của mình khi đặt tên con là"Hiếu Dân"?

Ông thật ra không kỳ vọng lớn lao hay đặt mục tiêu gì lớn đối với con. Cách dạy của ông rất nhẹ nhàng và giản đơn. Đó là ông hướng con cái vào những việc làm đúng, sống đúng bằng cách lấy thực tế cuộc sống, những câu chuyện rất đời thường để con tự suy ngẫm. Ông không can thiệp vào bằng cách nói con phải làm thế này thế kia, mà bằng cách rất tế nhị ông gửi gắm những mong muốn của ông đối với con cái mình. Nhưng như vậy không có nghĩa là ông không nghiêm khắc và không hiệu quả, mà chúng tôi là con rất hiểu ý của ông.


Bà Hiếu Dân trao đổi với phòng viên VOV (ảnh: Tỷ Huỳnh)

Trước đó, trong quá trình hoạt động cách mạng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chọn bí danh "Sáu Dân". Là người gần gũi Ba nhất, đã bao giờ bà hỏi ba mình về cái tên "Sáu Dân" mà ông lựa chọn? 

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của ông, ông có rất nhiều bí danh và bí danh Sáu Dân được ông dùng nhiều nhất. Ông có kể, chính họ Võ cũng là ông lấy họ của bà nội. Khi bà nội mất, cô Năm trước đó cũng mất sớm, gia đình còn người con gái duy nhất là cô Sáu và cô Sáu đã là người thay bà nội chăm lo cho các anh em trong nhà. Để nhớ tới cô, thương cô thì ba tôi đã lấy thứ Sáu của cô và tên Dân của con gái mình, ghép lại thành bí danh. Chứ thực ra trong gia đình ông là thứ Chín.

Và như chia sẻ của bà, Thủ tướng đã chọn tên con gái mình là "Hiếu Dân" để bày tỏ tấm lòng trung hiếu với nhân dân. Tư tưởng lớn của Ba đã có tác động như thế nào đến bà trong công việc cũng như lựa chọn lẽ sống cho mình?

Tôi tự hào với tên gọi của mình. Tất nhiên ông có tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần của tôi và các thành viên trong gia đình. Lẽ sống của tôi cũng khá bình dị và đơn giản. Nhưng tôi luôn luôn suy nghĩ là mình sống trong gia đình mình, trong hào quang như vậy, dù muốn hay không ông cũng là một nhà lãnh đạo, nên tôi tự răn mình luôn có thái độ sống đúng đắn, tích cực. Vì vậy mà trong hoàn cảnh khó khăn nào tôi cũng mạnh mẽ, tôi xa gia đình từ lúc 8-9 tuổi và tự thích nghi, tự chủ với bản thân.

Chính vì muốn tự chủ bản thân thì mình phải luôn luôn phấn đấu, luôn luôn lao động. Vì lẽ đó tôi mới có trách nhiệm được với gia đình, với xã hội. Sự quan tâm và sẵn sàng sẻ chia với người khác trong điều kiện, khả năng có thể luôn thường trực trong tôi, trong các thành viên của gia đình. Điều này làm cho Ba tôi rất hài lòng khi chúng tôi luôn biết quan tâm đến những người xung quanh.


Bà Hiếu Dân với những hình ảnh tư liệu về Thủ tướng Võ Văn Kiệt (ảnh: Tỷ Huỳnh)

Dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, rất nhiều hồi ức, kỷ niệm về ông được nhắc nhớ. Là con gái Thủ tướng, chắc hẳn bà Hiếu Dân cũng đầy ắp những xúc cảm như vậy?

Đúng vậy, rất nhiều cảm xúc, nhớ thương và có một chút hối tiếc. Rất may mắn là gia đình được phép làm mới lại Khu tưởng niệm ông ở Vĩnh Long. Tất cả các cơ quan ban ngành gửi về cho gia đình rất nhiều tư liệu. Dịp này gia đình dành nhiều thời gian tập trung vào công việc nên tôi thấy mình hiểu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về Ba tôi, hiểu được quá trình dấn thân làm cách mạng của ông trong gần 70 năm. Đó là điều mà gia đình tôi rất xúc động, đọc đến đâu xúc động đến đó. Nhất là đọc hơn hai mươi cuốn sổ tay của ông để lại thì mới hiểu ông mong muốn gì, ông chuẩn bị cho sự ra đi làm sao, ông kỳ vọng gì ở sự phát triển của đất nước, lo toan cho cuộc sống người dân thế nào…

Tôi thấy mình thật nhỏ bé và hối tiếc sao trước đây không để ý, không hiểu ông nhiều hơn. Tôi chỉ biết thầm hứa với ông sẽ tiếp tục làm một người tử tế, một doanh nghiệp tử tế, một công dân tốt, xứng đáng với những mong muốn âm thầm, lặng lẽ của ông.

Xin trân trọng cảm ơn bà Phan Hiếu Dân về cuộc trò chuyện rất ý nghĩa này!

Theo VOV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét