Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

20151129. KINH NGHIỆM CHỐNG GIAN LẬN TRONG KHOA HỌC

ĐIỂM BÁO MẠNG
MỘT TRƯỜNG HỢP GIAN LẬN KHOA HỌC HY HỮU
Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN/ BT 26/11/2015
Ranjit Chandra (ảnh trên internet)
Tôi mới đọc tập san BMJ số mới nhất, trong đó có bài viết về trường hợp gian lận khoa học liên quan đến Bs Ranjit Chandra (người gốc Ấn Độ), cựu giáo sư của trường Đại học Memorial (Canada) (1). Chandra còn là một nhà khoa học dinh dưỡng lừng danh thế giới. Nhưng tiếc thay, ông lại là một trong những "con cừu đen" (đen nhất) trong thế giới y khoa.
Chandra là một ngôi sao sáng trong thế giới dinh dưỡng học, người đi tiên phong trong lĩnh vực dinh dưỡng miễn dịch học. Tốt nghiệp bác sĩ ở Ấn Độ, Chandra sang làm postdoc ở London, và leo từng bước trong các thang bậc khoa bảng, lên đến chức giáo sư của Đại học Memorial ở Newfoundland (viết tắt là MUN). Chandra là tác giả của khoảng 200 bài báo khoa học, 190 bài tổng quan, và 22 cuốn sách (2). Với thành tích lừng lẫy như thế, ông được Canada trao huy chương AC. Chandra cũng từng được đề cử 2 lần cho giải Nobel y học. Có thể nói đó là một sự nghiệp chói lọi mà bất cứ ai làm khoa học cũng ngước nhìn với ánh mắt ngưỡng phục.
Thế nhưng ông lại là kẻ xây dựng sự nghiệp trên sự lừa đảo khoa học, và điều đó làm sốc biết bao nhiêu đồng nghiệp. Sự nghiệp của Chandra bắt đầu bằng một nghiên cứu công bố trên tập san y khoa lừng danh BMJ vào năm 1989. Trong nghiên cứu đó, Chandra báo cáo rằng trẻ em uống sữa mẹ ít bị eczma nếu bà mẹ tránh dùng đậu phộng và các chất gây dị ứng. Bài báo còn cho thấy trẻ em dùng sữa có công thức hypoallergenic cũng ít bị eczma hơn trẻ em dùng sữa bò hay sữa đậu nành. Từ đó, ông đề nghị dùng sữa hypoallergenic do công ti Mead Johnson bào chế. Nghiên cứu của ông cũng được bảo trợ bởi ... Mead Johnson! Từ đó, ông thực hiện hàng loạt nghiên cứu để chứng minh luận án về dinh dưỡng miễn dịch học (nutritional immunology) mà ông được xem là một "guru".
Đồng nghiệp bắt đầu nghi ngờ những kết quả quá đẹp của Chandra từ năm 2000. Dạo đó, Chandra nộp một bài báo cho BMJ về hiệu quả của bổ sung vitamin (mà ông là người giữ bằng sáng chế). Chandra cho rằng bổ sung vitamin này làm tăng trí nhớ ở người cao tuổi. Nhưng ban biên tập BMJ chất vấn công trình này, vì họ nghĩ tác giả không thể làm hàng loạt test như trong báo cáo. Còn một chuyên gia thống kê của BMJ thì nghi ngờ Chandra giả tạo dữ liệu. Thế là BMJ từ chối bài báo. Nhưng một năm sau khi bị từ chối, Chandra công bố bài báo trên tập san Nutrition (2001)!
Nhưng trong khoa học kết quả nào quá đẹp đều đáng ... nghi ngờ. Những kết quả của Chandra làm đồng nghiệp ngạc nhiên, và họ bắt đầu tìm hiểu cách ông làm. Qua phân tích dữ liệu, ví dụ như bài này (3), người ta bắt đầu nghi là Chandra đã giả tạo dữ liệu. Đến năm 2005 thì giới khoa học đã chắc chắn là Chandra làm bậy, gian lận. Cả bài báo trên BMJ 1989 và Nutrition năm 2001 đều bị rút lại.
Nhưng Chandra rất cố chấp; ông lập ra một tập san mới tên là Nutrition Research và tự phong mình làm tổng biên tập! Nutrition Research công bố một bài báo của tác giả "Amrit Jain" mà kết quả phù hợp với những công trình trước đây của Chandra. Người ta truy tìm Amrit Jain là ai, nhưng không tìm ra cái địa chỉ Medical Clinic and Nursing ở Ấn Độ, mà chỉ thấy cái hộp thư mướn ở ... Canada. Hoá ra, Amrit Jain chính là Bs Ranjit Chandra! Và, cái tên Amrit Jain có nghĩa là "Tôi là Ranjit".
Nhưng có một cái "twist" còn thú vị hơn nữa! Ngay từ 1995, tức sau bài báo lừng danh trên BMJ, Đại học Memorial (MUN) đã có điều tra về những nghiên cứu của Chandra, và qua kiểm tra hồ sơ, uỷ ban điều tra đi đến kết luận:
• Hoàn toàn không có dữ liệu thô và hồ sơ (“absolutely no raw data (or files) of any kind were exhibited”).
• Uỷ ban đều tra không tìm thấy ai đứng ra tuyển bệnh nhân (“the Committee cannot identify anyone who did the recruiting, cannot identify anyone who did or remembers a significant amount of work”).
• Các đồng tác giả không có hoặc ít liên quan đến bài báo (“the coauathors had little or very likely nothing to do with the work”).
• “it is unbelievable that there are essentially no hospital records to support the study in question”.
Ấy vậy mà MUN không báo cho BMJ, Nutrition, Lancet (những tập san mà Chandra từng công bố) biết kết quả! Khi BMJ hỏi tại sao MUN không báo cáo thì MUN trả lời rằng cuộc điều tra đó có nhiều vấn đề về qui trình, nên Trường không muốn công bố (4). Nhưng trong thực tế thì sau khi biết kết quả điều tra, Chandra doạ kiện MUN ra toà với một cái giá rất lớn (hình như là 132 triệu đôla). Vì thấy "khó ăn" nên MUN không làm gì với Chandra. Đến năm 2002, sau 27 năm làm việc ở MUN, Chandra nghỉ hưu, rời Canada và chuyển sang Thuỵ Sĩ sống.
Nhưng sự việc lại trở nên lùm xùm khi năm 2006 đài truyền hình CBC điều tra những nghiên cứu của Chandra. Thiên phóng sự "The Secret Life of Dr. Chandra" đi ngược về quá khứ, và khơi lại những sai sót của các tập san lừng danh như BMJ và Lancet để cho Chandra qua mặt. Chandra ngược lại kiện CBC ra toà về tội phỉ báng, và đòi bồi thường 137 triệu đôla. Sau nhiều năm xem xét và xử, cuối cùng thì toà án Ontario bác bỏ luận điểm của Chandra. Toà ra lệnh Chandra phải bồi thường cho CBC 1.6 triệu đôla về toà án phí và các chi phí liên quan. Thế là kết thúc một vụ kiện dai dẳng, làm mất thì giờ của rất nhiều phía. Riêng Chandra thì xem như sự nghiệp khoa học sáng chói của ông cũng đến hồi kết thúc, và ông đi vào lịch sử y khoa như là một kẻ gian lận lớn nhất.
Vụ việc này cung cấp cho chúng ta một số bài học đáng chú ý cho những em nghiên cứu sinh và cả những người đang làm khoa học ở Việt Nam. Tôi nghĩ đến những bài học thực tế như là:
• Khi làm nghiên cứu khoa học có liên quan đến con người, cần phải làm đúng qui trình, kể cả chuẩn mực y đức. Phải có sự hợp tác và giám sát của đồng nghiệp, chứ không được và không nên làm một mình mà không cho ai biết. Ranjit Chandra là người gian trá, nên hay giấu giếm đồng nghiệp, không cho họ biết ông làm gì.
• Tất cả các dữ liệu thô, kể cả hồ sơ bệnh nhân, kết quả xét nghiệm, hình ảnh, v.v. phải giữ cho kĩ và cẩn thận và bảo mật. Cái gian dối lớn nhất và cũng là cái tội lớn nhất là Chandra không hề lưu giữ dữ liệu thô, nên khi Trường điều tra, họ chẳng thấy đâu cả. Thật ra, đã làm gian dối thì làm gì có dữ liệu gốc.
• Nên minh bạch trong nghiên cứu với đồng nghiệp về tác giả. Thời đại ngày nay, một nghiên cứu qui mô về y khoa mà chỉ có 1 tác giả thì rất ít ai tin, mà thường là có một nhóm tác giả cùng làm. Nếu có nhóm tác giả phải tất cả bàn luận phải giữ làm hồ sơ, chứ không nên ôm đồm.
• Trường đại học phải có sẵn cơ chế để đối phó với các trường hợp gian lận khoa học. Trong trường hợp này (Ranjit Chandra) trường MUN bị phê bình gay gắt vì đã không có hành động và quyết định đúng đắn. Cựu tổng biên tập của BMJ là Richard Smith nói thẳng thừng rằng MUN đã thất bại thảm hại, và chính là "real villain" (côn đồ chính hiệu)! MUN biết người của họ là gian dối, mà không nói. Nói theo văn hoá ta là “Biết mà không nói là bất nhân", và đây chính là trường hợp của MUN.
Trong thời gian gần đây, gian lận trong khoa học càng ngày càng nhiều. Chẳng những nhiều, mà cường độ càng "mạnh", với những ca gian lận rất lớn. Có người phải rút lại hàng trăm bài báo khoa học! Nhưng lường gạt mà còn đe doạ kiện đại học, kiện tập san khoa học, và kiện luôn các cơ sở truyền thông thì từ trước đến nay chắc chỉ có Ranjit Chandra. Gian lận trong khoa học có nhiều lí do, kể cả áp lực công bố quốc tế, áp lực được nổi tiếng và giữ cái tiếng trên trường quốc tế, nói chung là danh vọng. Chính danh vọng làm cho người ta mờ mắt và lao vào những việc làm bất chính. Trong khoa học, gian dối một vài lần thì có thể qua mặt được vài người, nhưng về lâu dài thì khó qua mặt cộng đồng khoa học. Nói như Thánh John, "The truth shall make you free" (Sự thật sẽ giải phóng cho bạn), nhưng trước khi được giải phóng thì nạn nhân phải chịu đau khổ.
====

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét