Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

20151120. NGHĨ VỀ NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
TẢN MẠN 20/11: MỘT KIỂU PHẠT MẤT NHÂN TÂM
Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN/ BT 19/11/2015
Kết quả hình ảnh cho ngày nhà giáo việt nam 
Nhân ngày 20/11 này (*), có lẽ nên dành vài dòng để nói về sự kiện một cô giáo ở An Giang bị phạt 5 triệu đồng chỉ vì chị ấy viết ra cảm nhận cá nhân (trên facebook) về thái độ của ông chủ tịch tỉnh (1). Sự kiện chỉ làm cho cái khoảng cách giữa quan và dân ngày càng xa hơn. Ngân sách vốn đã èo uột của Nhà nước có thể giàu thêm 10 triệu, và ông chủ tịch có thể hả dạ vì thắng cuộc, nhưng cái hố căm ghét đã được đào sâu thêm. Và, phe thắng cuộc của ông chỉ thất bại trong việc thu phục nhân tâm.
Câu chuyện thật là lí thú (và cũng dễ giận), nhưng vì báo chí viết lung tung, nên rất khó hiểu đầu đuôi ra sao. Tôi phải tự sắp xếp lại dữ kiện cho dễ hiểu, trước là cho tôi, sau là chia sẻ cùng các bạn:
  • Ông chủ tịch tỉnh An Giang là Vương Bình Thạnh bị kiểm điểm vì yếu kém trong công việc;
  • Cô giáo Thuỳ Trang viết trên fb nhận xét về ông chủ tịch như sau: “Ông chủ tịch này kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang” (2);
  • Ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc là nhân viên điện lực vào fb nhấn nút “Like” cái note của cô Thuỳ Trang;
  •  Thế là bà Thuỳ Trang và ông Huy Phúc bị công an phạt. Mỗi người bị phạt 5 triệu đồng, vì tội “sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín, danh dự người khác.”
Nhưng một sự thật khác còn thú vị hơn và có thể liên quan hơn là nhà ông chủ tịch và nhà ba má ông Huy Phúc là kề cạnh nhau. Nhà ông chủ tịch là nhà cao tầng (4 tầng), còn nhà ba má ông Huy Phúc thì thấp hơn (2 tầng). Thời gian ông chủ tịch xây nhà làm hư hại và nứt tường nhà của ba má ông Huy Phúc, nhưng họ chẳng bồi thường gì cả, dù biên bản ghi rõ là ông chủ tịch có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình ông Huy Phúc. Ngoài ra, bên nhà ông chủ tịch còn gây ra vài phiền toái cho láng giềng, nhưng ba má ông Huy Phúc thì không dám phàn nàn ông chủ tịch (có lẽ vì sợ).
Câu chuyện là như thế. Phải nói là câu chuyện nghe qua có phần giống như kẻ bị trị, bị áp bức, phải sống và chấp nhận thân phận nhược tiểu trước giai cấp cai trị. Nó có cái motif của truyện của Nguyễn Công Hoan, và phần nào đó motif của vở cải lương Lá Sầu Riêng (mà trong đó con của tá điền phải lạy lục xin lỗi chủ điền). Nhưng sự việc đặt ra nhiều câu hỏi làm chúng ta phải suy nghĩ về xã hội ngày nay.
Thứ nhất là cái gọi là "xúc phạm". Tôi tự hỏi cái nhận xét “kênh kiệu, xa lánh dân” của cô giáo Thuỳ Trang có phải là “xúc phạm uy tính, danh dự” của ông chủ tịch? Khách quan mà nói, tôi chẳng thấy câu đó xúc phạm gì cả. Nếu cô Thuỳ Trang nói ông chủ tịch là tham nhũng hay ăn chận thì may ra có thể xem là xúc phạm. Còn ở đây, lời nhận xét đó chỉ là một nhận xét về thái độ và phong cách lãnh đạo, và nhận xét đó hoàn toàn mang tính cá nhân. Như thế thì không thể nói là xúc phạm danh dự được. Nên nhớ rằng ông chủ tịch đã bị tổ chức đảng khiển trách vì làm không tốt việc. Cộng thêm những xích mích với người láng giềng, cho thấy có lẽ nhận xét cá nhân của cô Thuỳ Trang không phải là cái gì quá đáng hay thiếu cơ sở.
Thật ra, cái nhận xét “kênh kiệu” mà đối chiếu với những gì các vị lãnh đạo và trí thức viết về đối thủ chính trị trên báo, thì quả thật câu nhận xét đó … quá hiền. Trong một thời gian dài, những người trong hệ thống tuyên truyền ngoài Bắc gọi những đối thủ chính trị trong Nam bằng "thằng" (thằng Thiệu, thằng Diệm), và dùng những lời chửi thô tục ngay trên mặt báo. Cho đến nay, họ vẫn thỉnh thoảng gọi các sĩ quan và viên chức trong Nam trước 1975 là "nguỵ". Đó mới là xúc phạm, nhưng chắc những người viết như thế không thấy xúc phạm (và người bị gọi như thế cũng chỉ mỉm cười). Ấy thế mà ông chủ tịch cảm thấy xúc phạm khi có người nhận xét là kênh kiệu và xa lánh quần chúng! Thật trớ trêu!
Thứ hai là cái vị thế và giai cấp của ông chủ tịch. Tôi tự hỏi nếu người mà cô Thuỳ Trang nhận xét không phải là ông chủ tịch, mà là một thường dân, thì có xảy ra vụ phạt hay không? Có lẽ là không, vì trong cái xã hội mà 9 người thì đã có 10 ý, chẳng ai quan tâm đến việc người ta nhận xét tốt hay xấu về mình. Một người làm đến chức chủ tịch tỉnh, tức là người của công chúng mà không có khả năng chịu đựng một nhận xét cá nhân, thì phải nói đó là biểu hiện của sự thiếu tin tưởng (lack of confidence). Vì thiếu tin tưởng, nên mới dùng biện pháp công an để làm khó người ta.
Ở đây còn có vai trò của công an. Ông chủ tịch chối là ông không có chỉ thị cho công an phạt cô Thuỳ Trang và ông Huy Phúc. Nhưng hình như khẳng định của ông không được mấy người thấy thuyết phục. Nếu người bị nhận xét tiêu cực không đến than phiền với công an thì làm gì có chuyện công an đến phạt tiền. Tương tự, nếu ông chủ tịch không phàn nàn hay nói công an biết, thì có lẽ công an chẳng phạt cô Thuỳ Trang. Do đó, ông chủ tịch chối rằng ông không có chỉ đạo cho công an thì rất khó thuyết phục dân chúng. Trong cái nhìn của dân chúng, công an hay toà án hay chủ tịch tỉnh đều là “họ” cả -- là giai cấp cai trị -- nên chỉ cần một cú điện thoại là xong. Do đó, vụ việc là một cảnh báo cho thường dân: Đừng có dại dột mà đụng đến chúng tao; chúng tao có đầy đủ phương tiện để làm cho chúng bây khổ suốt đời. Một cảnh cáo kiểu “giết gà để doạ khỉ”.
Thứ ba là cái vai vế xã hội của người phạt. Giả thuyết là cô Thuỳ Trang (và ông Huy Phúc) là những người thường dân hay nhân viên cấp thấp, nên bị quan chức ăn hiếp. Nhưng nếu họ là một nhà báo hay nhà văn nổi tiếng thì có bị công an phạt hay không? Có lẽ không. Chẳng hạn như có nhà báo trong nước viết hẳn một cuốn sách cho rằng ông cựu tổng bí thư Đỗ Mười mắc bệnh tâm thần, và nhiều thông tin động trời khác của giới lãnh đạo đảng. Nhưng hình như nhà báo này chẳng bị phạt tiền gì cả.
Đó là chưa kể đến những bài báo của đảng cộng sản Tàu trêu chọc, khiêu khích, đe doạ và xúc phạm cá nhân giới lãnh đạo Việt Nam, nhưng các lãnh đạo VN có nói gì đâu. Không nói là đúng, vì chẳng lẽ phải hạ mình để tranh luận với những kẻ mắc bệnh tâm thần mãn tính. Không tranh luận cũng là cách giữ vị thế của mình.
Có lẽ có sự phân biệt trong đối xử ở đây. Nó giống y chang như truyện Nguyễn Công Hoan viết trong truyện của ông về sự lạm quyền của kẻ có quyền: “Chà! chà! Béo ơi là béo! Béo đến nỗi giá có thằng dân nào vô ý, buột mồm ra nói một câu sáo rằng: 'Nhờ bóng quan lớn', là ông tưởng ngay nó nói xỏ ông. Tức thì, mặt bàn là một, mặt nó là hai, bị vả đôm đốp. Mà rồi thằng khốn nạn ấy, ông truy cho đến kỳ cùng, không còn có thể làm ăn mở mày mở mặt ra được. Bởi vì ông có sẵn trong tay hàng mớ pháp luật, thì ông ngại gì không khép thằng bảo quan béo vào tội 'làm rối cuộc trị an'." Ông chủ tịch An Giang sao mà giống với quan lớn trong truyện trên quá!
Do đó, công lí ở Việt Nam không đúng với ý nghĩa của danh từ đó, vì nó còn tuỳ thuộc vào “đối tượng”. Nói trắng ra là “dân đen” thì khó có thể có công lí trong cái hệ thống mà công lí là do đảng cầm quyền kiểm soát. Một ví dụ tiêu biểu là trường hợp ông Chu Văn Thưởng, giám đốc Sở Nông Nghiệp ở Hà Tây lái xe trong tình trạng say xỉn, gây tai nạn làm cho 2 người dân chết, vậy mà chỉ bị phạt 36 tháng tù, nhưng là … án treo! Lí do mà quan toà đưa ra là vì ông này có thành tích tốt và là ... đảng viên. Bản án này chẳng những hài hước, mà còn là một phát biểu rõ rệt nhất về vị trí đứng trên pháp luật của đảng.
Nhưng điều đáng báo động nhất là khoảng cách giữa người bị trị và người cai trị. Xã hội Việt Nam ngày nay có thể ví von như là một xã hội phong kiến, với bản sắc chủ nghĩa Mao và Stalin (kiểu nhà nước cảnh sát trị), nhưng cũng hoà quyện với văn hoá tiểu nông Việt Nam. Ba đặc điểm phong kiến - Mao Stalin - tiểu nông đó giúp tạo nên một giai cấp ăn trên ngồi trốc, xa rời quần chúng, đúng như nhận xét của một vị tướng trong quân đội: "Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa."
Có lẽ ông chủ tịch quên lời dặn cán bộ của Hồ Chí Minh là "tuyệt đối không được kiêu ngạo, công thần, tự cao, tự đại", và "Cán bộ đảng viên phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Phải kính yêu nhân dân. Phải tôn trọng thật sự quyền làm chủ của nhân dân." Ông cụ Hồ mà có sống lại và đọc được câu chuyện này chắc phải khóc. Thành quả của bao nhiêu năm "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm, gắn bó với Nhân dân" là đây.
Ông chủ tịch và các đồng chí của ông ở An Giang có thể hả dạ vì ghi bàn thắng 10 triệu đồng và đày đoạ được 2 cá nhân. Nhưng ở đời này, chẳng ai giàu ba họ và chưa ai khó ba đời; hôm nay ông có thể giàu và quyền thế, nhưng tiền và quyền đó sẽ không tồn tại mãi mãi. Mười triệu đồng có thể làm cho hai người dân kia đau khổ một thời gian và ngân sách An Giang giàu thêm một chút, nhưng số tiền đó cũng có hiệu quả rất tốt trong việc đào cái hố oán thù sâu thêm trong người dân, và khoảng cách giữa ông và người dân sẽ càng xa hơn. Nhìn như thế thì ông chủ tịch và cái hệ thống của ông là phía thua cuộc trong công cuộc thu phục nhân tâm. Và, đối với các nhà quan sát quốc tế, câu chuyện này là một minh chứng tuyệt vời cho cái khái niệm "tự do ngôn luận" của Việt Nam và chỉ có ở Việt Nam.
=====
(*) Đúng ra, Ngày Nhà Giáo Thế Giới (World Teachers' Day) là ngày 5/10 vì đó là ngày được UNESCO công nhận, và hơn 100 quốc gia trên thế giới tuân theo. Còn cái ngày 20/11 (cũng như nhiều "Ngày" khác) chỉ thuộc về phe xã hội chủ nghĩa cũ, tuyên truyền là chính, chứ nó không có ý nghĩa như người ta nghĩ.
Trích: “Nhà ông Thạnh xây cao, trời mưa nước tràn qua nhà tôi, hai vợ chồng già lấy thau lấy xô tát nước ra ngoài. Nhà mình thấp, đành chịu. Ông Thạnh trồng kiểng, nhưng không có thời gian tưới, nên phân tro trong các chậu kiểng bị khô nên bay tứ tung, tôi cũng không dám nói gì. Bên đó hay nướng thịt, khói bay qua nhà, chúng tôi cũng không nói gì vì nhà mình không kín, mà con cháu nướng chứ ông chủ tịch cũng không có nướng. Nhà cửa giờ hư hỏng, chúng tôi cũng chưa dám gửi đơn thì con trai lẫn con dâu đều bị phạt”  "Hai vợ chồng tôi muốn dẫn con qua nhà ông chủ tịch, xin lỗi ông, năn nỉ ông bỏ qua."
Trong đoạn trích trên, người dân dùng chữ "không dám" đến 3 lần để nói về vai vế thấp hèn của mình trước uy quyền của ông chủ tịch!

NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO NGHĨ VÊ DẠY MÔN HỌC LICH SỬ HIỆN NAY
 
Bài của HÀ SĨ PHU/ BVN 20/11/2015

Xuất thân là một thày giáo phổ thông, rồi giảng viên đại học, rồi viết về những vấn đề chính trị xã hội, tôi rất quan tâm đến cuộc tranh luận quyết liệt về xử lý môn học Lịch sử hiện nay.
Phía cơ quan chủ quản tức Bộ Giáo dục thì bảo vệ cho quan điểm cần “tích hợp” môn Lịch sử chung với 2 môn khác thành môn học “Công dân và Tổ quốc”, trong khi hầu hết các trí thức trong nước, ngoài bộ phận chủ quản nói trên, đều nói rằng làm như vậy thì "Thực chất là xoá bỏ môn Lịch sử trong nền giáo dục phổ thông", đây “là một việc làm không đúng, cần phải kiên quyết loại bỏ. Phải nghiên cứu lại một cách nghiêm túc với sự tham gia trực tiếp của các nhà khoa học”, “chương trình này sẽ dẫn đến hệ lụy làm “teo” môn lịch sử trong trường phổ thông, lớp trẻ không còn biết sự hy sinh của các bậc tổ tiên để có đất nước như ngày hôm nay”…(1)
1/ Ý kiến đã nhiều nhưng nỗi lo chưa hết
Trên công luận thì ý kiến trái chiều với Bộ Giáo dục tỏ ra áp đảo, nhưng đừng vội mừng, kinh nghiệm cho biết trong cơ chế vận hành hiện nay những ý kiến “trái chiều” dù có tình có lý rõ ràng, dù có lợi cho dân cho nước cũng “không là cái đinh gì” khi “Trên” đã quyết định, khi đã là chủ trương lớn của ĐCSVN, (và người ta có lý do để nghi ngờ, nếu điều này có bàn tay của Trung Quốc thì thật khó thoát ra như cái gông 16 chữ vàng rất êm ả mà tai quái). Vậy tuy đã có rất nhiều lời phân tích xác đáng song mối lo ngại bị “teo” dần môn Sử Việt vẫn không được phép nguôi ngoai, cho tới khi nào nguyện vọng chính đáng của nhân dân, mà đại diện là giới trí thức độc lập, được thành hiện thực.
2/ Ý nghĩa đặc biệt của môn Sử Việt và môn Sử Đảng:
Ý nghĩa chung thì đã rõ, mỗi dân tộc đều “lớn lên thành người” theo một quá trình riêng của dân tộc mình, quên cái quá khứ cụ thể ấy là lấy đi cáinền phát sinh sinh của con người, thì dân tộc ấy như người bị chặt cụt 2 chân, chỉ ngồi trên xe lăn để người ta đưa đẩy đi đâu cũng được. Không còn biết mình là ai thì mất hết sức mạnh tự thân.
Không ít người ngộ nhận, tưởng đang cùng thế giới chia sẻ những giá trị văn minh kỹ thuật hiện đại như nhau thì có nghĩa mọi dân tộc đã ngang hàng với nhau. Thực ra, cái tầm vóc NGƯỜI , đẳng cấp NGƯỜI tức cái hồn NGƯỜI bên trong vẫn có thể khác nhau nhiều lắm. Tầm vóc NGƯỜI là kết quả được tạo ra từ một quá trình lịch sử lâu dài và gắn chặt với một cộng đồng xác định gọi là Dân tộc.
Vậy trong trường hợp cộng đồng dân tộc Việt Nam, đặc điểm lịch sử quan trọng nhất là gì?
- Trong QUÁ KHỨ , VN là một dân tộc thuần hậu, đã còn nhiều lạc hậu lại phải sống cạnh một nước láng giềng khổng lồ đầy tham vọng và thâm hiểm. Nhưng dù có nền văn hóa rất gần nhau mà sau 1000 năm đô hộ, kẻ khổng lồ gian ác vẫn không đồng hóa được nước nhò này, giang sơn gấm vóc Việt Nam vẫn nguyên vẹn. Lịch sử Việt Nam ( gọi tắt là Sử Việt để phân biệt với môn Sử Đảng)chủ yếu là Lịch sử chống xâm lược Tàu, qua đó khẳng định một Dân tộc có sức sống và khả năng thích nghi mãnh liệt.
- Nhưng trong Lịch sử HIỆN TẠI tức mấy chục năm gần đây Việt Nam gặp một bước ngoặt bất ngờ. Kẻ thù cũ có dịp quay trở lại, nhờ tận dụng được một cơ hội mới quý như vàng, đó là Ảo tưởng Cộng sản đã nhốt chung con sói và bày hươu vào chung một chuồng, cái chuồng sơn son rất đẹp có tên “đại gia đình Xã hội chủ nghĩa, bốn phương Vô sản đều là anh em”.
Đã là XHCN thì mọi việc cứ do hai ĐCS ngồi với nhau quyết định, trong đó thế bất lợi luôn thuộc về cái ĐCS nhỏ và chịu ơn. Còn nhân dân bị trị thì bị nền CS toàn trị tước hết mọi vũ khí tinh thần và vật chất và khóa chặt, không còn điều kiện tối thiểu để tự đứng lên làm một sự nghiệp gì. Sự hỗ trợ quốc tế thì bị hạn chế tối đa bởi chủ trương chỉ đối thoại song phương, không chấp nhận nước thứ ba can dự và trì hoãn việc kiện ra Liên hiệp quốc. Nước nhỏ mà thực hiện ba điều ấy thì khác nào tạo “điều kiện cần và đủ để cho địch nhất định thắng-ta nhất định thua” như dọn cỗ cho kẻ xâm lược. Giai đoạn Lịch sử ngắn ngủi này là thời gian của Sử Đảng, tuy được viết rất hùng tráng song chính là giai đoạn làm cho Việt Nam chịu ơn Trung Quốc, thất thế trước Bành trướng Đại Hán và rước họ trở lại.
Nay trước vận nước lâm nguy, đúng lúc phải tăng cường Sử Việt để sống lại tinh thần Thoát Trung, và sửa những sai lầm của giai đoạn Sử Đảng đã giúp Đại Hán cơ hội trở lại thì giới cầm quyền Việt Nam đã khéo léo làm toàn những điều ngược lại: lấy cớ “giảm tải cho học sinh” để giảm dần Sử Việt truyền thống, đồng thời tăng cường môn Sử Đảngbằng mọi phương tiện, thử hỏi như vậy thì có lợi cho giặc hay có lợi cho dân tộc ta? Nếu có một tên Thái thú Tàu thì nó cũng chỉ mong làm được như vậy.
Còn nhớ hồi ông Lê Khả Khiêu đang làm Tổng Bí thư, có đoàn đại biểu Trung Quốc sang thăm, trao đổi về những vấn đề lý luận. Phía Việt Nam nói ĐCS Trung Quốc đảm nhiệm phần lý luận, VN chỉ nhiều kinh nghiệm thực hành. Phía Trung Quốc nói VN cần sửa lại Lịch sử của mình !
Dã tâm gian ác của giặc Bành trướng Đại Hán đã nằm trong gien của họ, đấy là việc của họ. Nhưng những người cùng được mang dòng máu Việt của những anh hùng cứu quốc trong Sử Việt mà nay bị cái “đại cục Ý thức hệ đầy lợi quyền lừa đảo” cuốn đi, cúi mặt làm tay sai, làm nhục tổ tiên thì sao mà tha cho được? Họ chỉ lo cho Đại Hán khi thấy tâm lý người Việt ghét xâm lược Tàu, họ hứa với Tàu sẽ đàn áp những cuộc biểu tình yêu nước, họ hứa sẽ sửa những trang lịch sử oanh liệt chống giặc Tàu…Chương trình “tích hợp” môn lịch sử kiểu này khác nào tiếp tục triển khai mật ước phục vụ ý đồ của giặc xâm lăng? Liệu có oan không, khi nhớ rằng ông Bộ trưởng bảo vệ cái đề án xóa nhòa môn Sử Việt này cũng chính là người mấy năm trước đã ra lệnh cấm học sinh sinh viên tham gia biểu tình yêu nước đấy! Chẳng có gì là ngẫu nhiên cả.
3/ Tích hợp thành môn “Công dân và Tổ quốc” gây hiệu quả tốt hay xấu?
Tích hợp kiểu này, môn Sử Việt sẽ bị phá nát
Có sự tích hợp là tốt, có sự tích hợp là xấu, tùy theo tính chất và tương tác của các môn hợp phần. TS Vũ Thị Phương Anh cho biết khi giảng về chủ đề "người dân tộc thiểu số ở VN", trong đó tích hợp luôn cả lịch sử, cả địa lý, và cả văn hóa vào nữa. Đó là ví dụ về sự tích hợp tốt làm tăng hiệu quả. Sự tích hợp có nhiều mức độ, có khi chỉ cần bổ sung hay minh họa bằng những bài đọc thêm kẻm theo bài chính.
Nhưng sự tích hợp môn Sử Việt với hai mônGiáo dục công dân và An ninh quốc phòng cho ta ví dụ ngược lại, nó sẽ “phá nát” môn Sử Việt(như lời GS Đỗ Thanh Bình - nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội). Bản thân môn Lịch sử (Sử Việt) với tư cách là một khoa học và ổn định, nhưng hiện nay đã bị nhiễm “tính Đảng”, bị chính trị hóa khá nhiều rồi (và đó là một nguyên nhân khiến môn Lịch sử bị áp đặt và khô khan), đã thế bây giờ lại ghép vào hai môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng là hai môn gắn chặt với thể chế chính trị trước mắt, chứa đầy “đảng tính” là yếu tố chính trị nhất thời, thì Lịch sử sẽ bị băm nát và biến tính ra sao, thiết nghĩ có thể biết trước.
Nếu chỉ vì tâm lý học sinh chán môn Sử mà phải tinh giảm thì còn đâu là chuẩn mực sư phạm? Lỗi không ở học sinh, không ở bản thân môn học, mà ở nội dung áp đặt chủ quan vô lý và người truyền đạtvô hồn.
Vướng ngay từ cái tên môn học
Việc “tích hợp” môn Sử Việt này vào một môn chung bị vướng ngay từ cái tên của môn chung đó: Công dân và Tổ quốcTổ quốc tên là gì vậy? Người dân Việt nào cũng hiểu đây là Tổ quốc Việt Nam, thế thôi. Nhưng xin thưa không phải thế, ĐCSVN đã đổi tên chính thức cho Tổ quốc là Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, nhiều khi chỉ gọi tắt là Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa. Tổ quốc có kèm một tính ngữ để định hướng, để đừng lầm với cái Tổ quốc cổ truyền. Tổ quốc cũng phải mang “tính Đảng”, phải chính trị hóa.
Trong bài ”Đôi điều suy nghĩ của một công dân”(1993) tôi đã viết như sau:
“Vượt lên trên mọi sự tranh giành giai cấp, vượt qua mọi thể chế, Tổ quốc chúng ta bao giờ cũng là Tỏ quốc Việt Nam thôi! Ta gọi những đồng bào ta ở nước ngoài muốn đem sức người sức của về xây dựng đất nước là 'Việt kiều yêu nước' nhưng họ có yêu Chủ nghĩa Xã hội đâu? Nếu ta chuyển cả Tổ quốc thành 'Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa' thì những đồng bào yêu nước ấy còn đâu nước để mà yêu? Tôi tin rằng sẽ có ngày chúng ta làm lễ trả lại 'tên khai sinh' cho Tổ quốc là Tổ quốc Việt Nam, thì sức mạnh của Người sễ tăng lên gấp bội, những con dân nước Việt sẽ rưng rưng nước mắt, nắm chặt lấy tay nhau mà reo hò”.
Phẩm chất người thày quyết định hiệu quả môn học
Tổng số tiết dạy tất nhiên là một yếu tố quan trọng nhưng nội dung giảng dạy và phẩm chất người thày quan trọng hơn nhiều. Nội dung môn học thì đã như trên phân tích. Phẩm chất người thày thì sao? Bên cạnh phương pháp, kỹ năng truyền đạt thì quan điểm, tư tưởng, nhiệt tâm và nhân cách của người thày là yếu tố quyết định. Người thày hiện nay ra sao, họ phải là những “cán bộ giáo dục của Đảng”, phẩm chất đầu tiên là không được có ý kiến khác với Đảng, nếu có sẽ bị loại trừ ngay. Nhà trường là nơi bị quản lý chính trị rất chặt, trong những trí thức có tư tưởng dân chủ tiến bộ, dám lên tiếng phản biện lâu nay hỏi có được mấy người là các nhà giáo? Các nhà giáo bị nhiễm độc CS (một cách tự nguyện hay bắt buộc) lại đứng trên bục, giảng cái gọi là môn Lịch sữ đã “tích hợp” bị nhiễm độc nặng nề thì nạn nhân là những người bị nuốt những thức ăn tinh thần độc hại đó là những con em chúng ta, những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ bị nhiễm độc hàng loạt, sẽ chết từ từ cả về trí tuệ và tâm hồn, đến lượt họ lại thành những người thày đi gieo chất độc thì xã hội chỉ còn là con thuyền lạc bến, buông trôi theo mật ước Thành Đô.
***
Để dứt lời, xin các thày giáo cô giáo, những đồng nghiệp của tôi miễn thứ cho tôi nếu có những lời làm quá đau lòng đồng nghiệp trước cái “đại cục” nhức nhối cho tương lai của giống nòi mình. Nhưng cũng thật mừng trong cuộc tranh luận về môn Sử Việt này, nhiều thày giáo cô giáo đã không thể im lặng, đã lên tiếng phản biện quyết liệt. Thương trò, thương mình và thương Dân tộc. Xin trích lời của Phó Gíáo Sư Vũ Quang Hiển (Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) làm một ví dụ:
“ Cắt ghép và xuyên tạc lịch sử vốn là cách làm của những người muốn bôi nhọ lịch sử dân tộc và nhân loại. Ngày càng có nhiều công bố trên phương tiện thông tin đại chúng làm lung lạc tinh thần thế hệ trẻ Việt Nam bằng cách lắp ghép và xuyên tạc lịch sử theo một logic chủ quan đã định trước, nhưng lại núp bóng "cách nhìn mới" về lịch sử. Vì vậy, việc giáo dục lịch sử thiếu tính hệ thống và toàn diện sẽ đặt thế hệ trẻ Việt Nam đứng trước hiểm họa thấy rõ”.
H.S.P.
20 – 11 - 2015
(1) Tham khảo
Tác giả gửi BVN

NHỮNG VÌ SAO TRONG ĐÊM DÀY

Bài của PHẠM TUẤN XA/ BVN 20/11/2015
Chủ trương tích hợp môn lịch sử với giáo dục công dân và an ninh quốc phòng đang trở thành thời sự nóng hổi được bàn thảo sôi nổi ở Quốc hội. Căn nguyên vần đề là ngành giáo dục muốn giải thoát tình trạng lâu nay học sinh chán học lịch sử. Tiến sỹ Địa Vật lý Nguyễn Thanh Giang, trong lời nói đầu tác phẩm “Đêm Dày Lấp Lánh” đã giải thích hiện tượng này như sau:
«Người ta cứ chê học sinh Việt Nam bây giờ rất dốt về sử, trong khi đầu óc các em bị nhồi nhét ngổn ngang không biết bao nhiêu địa danh chiến trận: xưa là Ải Chi Lăng, Gò Đống Đa ..., nay là Nà Ngần, Đông Khê, Vạn Tường, Đồng Xoài …; không biết bao nhiêu anh hùng, tướng sỹ: xưa là Hai Bà Trưng, Trần Quốc Tuấn…, nay, không chỉ Võ Nguyên Giáp mà phải nhớ cả Phan Đình Giót, Lê Văn Tám, Nguyễn Chí Thanh … Sao lịch sử Việt Nam chủ yếu lại chỉ là lịch sử của mấy ông vua (ngày xưa), mấy lãnh tụ (ngày nay) và mấy ông tướng cùng với các trận đánh ?!».
Ông phàn nàn: «Tạc sâu vào tâm trí học trò nếu không phải là những trận chiến chống ngoại xâm cam go thì cũng là chuyện thóan đoạt vương triều: Thái sư Trần Thủ Độ ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng, diệt Lý lập Trần …; chuyện nội chiến: Trịnh Nguyễn phân tranh …. Trong khi đó những cải cách xã hội qua từng triều đại, kể cả cuộc cải cách toàn diện đầu tiên trong lịch sử của Hồ Quý Ly với các chủ trương hạn điền, hạn nô … nhằm xóa bỏ đặc quyền và thế lực của tầng lớp quý tộc mở đường chấn hưng đất nước cũng rất mờ nhạt trong ký ức học trò».
Nguyễn Thanh Giang đòi hỏi phải nghiên cứu, phải dạy những vấn đề lịch sử chứ không phải giản đơn những sự kiện lịch sử, những nhân vật lịch sử.
Ông dày công xây dựng tác phẩm «Đêm Dày Lấp Lánh» đồ sộ với ý tưởng làm cơ sở cho việc hình thành bộ sách lịch sử về «Tiến trình Dân chủ hóa Việt Nam»
ĐÊM DÀY LẤP LÁNH hiện đang nằm trong tủ sách ở Quốc Hội Hoa Kỳ, trong thư viện Hàn Lâm New York, trong thư viện trường đại học Sorbone, đại học Paris Pháp.
Tác phẩm vô cùng quý giá nhưng chưa được nhà nước cho phép xuất bản chính thức nên tình cờ mãi hôm nay tôi mới được tiếp cận. Tôi đã phải dành khá nhiều thời gian đọc toàn bộ rồi lại đọc lại từng phần. Choáng ngợp trước kho tư liệu đồ sộ, mệt nhoài với kiến thức uyên thầm, xúc động trước lòng nhân ái cao cả của tác giả, dù không đủ trình độ để khảo luận, tôi vẫn thấy không thể không viết ra đây vài cảm nhận nho nhỏ gửi đến bạn đọc gần xa.
Những nhân vật cuốn sách đề cập tới là những trí thức đích thực đã từng quả cảm dấn thân  trong sự nghiệp dân chủ hóa đất nước. Họ là những người hoạt động xã hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, tuổi tác khác nhau, nhưng có chung một hoài bão lớn làm cho Tổ quốc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu. Xét theo viến kiến ấy, thời xa xưa, những cống hiến cho đất nước của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Trường Tộ, Phan Châu Trinh không hề kém vĩ đại hơn Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung …; thời nay, Trần Độ rất đáng tôn vinh như Võ Nguyên Giáp.
Phải nói rằng nước ta đã có rất nhiều anh hùng lẫm liệt, những tướng lĩnh tài ba chống ngoại xâm nhưng lại quá hiếm hoi những trí thức kiệt xuất dấn thân giải phóng dân tộc thoát khỏi đêm dày nô lệ của các triều thần độc tài, độc đoán, phi dân chủ. Xưa là các triều đại phong kiến, nay là chế độ cộng sản. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thú nhận với một nhà cách mạng lão thành Pháp: “Độc lập đã dành được, thống nhất đã thành công, nhưng vấn đề dân chủ vẫn nguyên vẹn chưa được giải quyết“, trong khi rất nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam ngày nay vẫn huênh hoang một cách kệch cỡm: “Chế độ XHCN của ta dân chủ gấp triệu lần TBCN’’.
Trong bài tiểu luận nẩy lửa “Đảng Cộng sản và dân chủ ở Việt Nam” Trần Độ đã vạch trần sự thật: “Đảng cộng sản lãnh đạo đã tạo ra và hình thành một xã hội dối lừa, làm ăn giả dối, bằng cấp giả dối, đến gia đình cúng lừa dối, lễ hội lừa dối, tung hô lừa dối, hứa hẹn lừa dối”.
Những trang viết của Nguyễn Thanh Giang đã cho tôi thấu hiểu để thêm tôn kính và ngưỡng mộ một vị tướng văn võ song toàn không chỉ lẫm liệt trong trận chiến chống ngoại xâm mà hơn thế nữa đã dũng cảm giương cao ngọn cờ dân chủ. Trong “Nhật ký Rồng Rắn” ông đã thốt lên đau đớn trước sản phẩm xã hội do chính ông tích cực tác tạo: “Đây là nỗi niềm cay đắng của một cuộc cách mạng và của một kiếp người” và đã gửi nỗi niềm cay đắng ấy vào bốn câu thơ:
“Những mơ xoá ác ở trên đời
Ta phó thân ta với đất trời
Ác xoá đi thay bằng cực thiện
Tháng ngày biến hoá ác luân hồi”.
Đọc xong ĐÊM DÀY LẤP LÁNH tôi đã trả lời được câu hỏi: Vì sao những người cộng sản nòi như Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà, Trần Đại Sơn, Nguyễn Hộ, Nguyễn Hữu Vinh, Vi Đức Hồi, Bùi Tín, Dương Thu Hương, Trần Anh Kim…lại quay lưng với đảng, phê phán đảng quyết liệt? Vì họ đã nhìn ra chân tướng chế độ hiện hành do ĐCSVN xây dựng như kết luận của tướng Trần Độ: “Cái chế độ XHCN Việt Nam tàn bạo hơn Tần Thuỷ Hoàng, dã man hơn phát xít Hit-le”.
Đọc ĐÊM DÀY LẤP LÁNH tôi càng trân trọng các nhà văn nhà thơ Trần Dần, Bùi Minh Quốc,  Trần Mạnh Hảo, Dương Thu Hương, Trần Khải Thanh Thuỷ….Những tác phẩm của họ vắng bóng trong các hiệu sách, trong các thư viện ở Việt Nam là sự thiệt thòi cho độc giả Việt Nam.
Trần Dần đã khẳng định và thiết tha kêu gọi: “Điều kiện tiên quyết để Sáng tạo là Tự Do”. Bùi Minh Quốc chia xẻ nỗi cay đắng và đau xót với Trần Độ:
“Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt
Lại đúc nên chính cỗ máy này”
Và biểu đồng tình cùng Trần Dần:
“Sống trong tôi là triệu người đã khuất
Đang thét đòi món nợ Tự Do
Giáo sư Phan Đình Diệu, nhà toán học, đại biểu Quốc hội thì nêu một phương trình rất ấn tượng: “Nước ta có một thứ toán học kỳ lạ: Tổng các số dương bằng một số âm…. Đó là bệnh thành tích dối trá đã trở thành “đạo lý” để thăng quan tiến chức của Nhà nước này”.
ĐÊM DÀY LẤP LÁNH còn biểu dương lớp trí thức trẻ mặc dù bị nhồi nhét mụ mỵ đầu óc với những lý thuyết Mác Lenin, những công lao trời biển của Đảng Bác … vẫn tỉnh táo cảm nhận sự bức bối ngột ngạt và đã dũng cảm đứng lên đòi quyền tự do, dân chủ và nhân quyền cho nhân dân như Lê Thị Công Nhân, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Chí Quang, Huỳnh Thục Vy, Phạm Thanh Nghiên, Phạm Hồng Sơn … Nhà báo Nguyễn Vũ Bình thì tự vấn: “Tự do hay là chết”. Anh đứng ra thành lập đảng “Tự do- Dân chủ”. Nhà toán học Ngô Bảo Châu mong ước: “Người anh hùng của hiện tại trước hết phải là người có trí tuệ, có trái tim, có tầm vóc văn hoá và có kỹ năng đối thoại với thế giới”. Luật sư Nguyễn Văn Đài đòi bỏ Điều 4 trong Hiến Pháp. Luật sư Lê Quốc Quân yêu cầu Nhà nước: “Đừng lũng đoạn luật pháp”. Luật sư đã phát hiện một tấn trò đời trong xã hội ta: “Điểm khác nhau giữa giang hồ và công chức là giang hồ không treo mặt nạ đạo đức giả”. Bắt chước Nguyễn Ái Quốc, ông vẽ bức tranh ai oán minh họa cho tờ Le Paria ngày nào: “Ta có thể hình dung Mẹ Việt Nam hằng ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng lại phải cõng trên lưng hai người rất béo, rất khoẻ và ông nào cũng đòi lãnh đạo”.
Thật vậy, chỉ có những trí thức đích thực có tâm và có tầm mới thấu hiểu nỗi khổ của nhân dân Việt Nam ngày nay đang phải một cổ hai tròng, nuôi một đội ngũ công chức rất đông đảo không chỉ của chính quyền cồng kềnh mà còn của Đảng đồ sộ. Những kẻ chức quyền không chỉ lương to bổng hậu mà còn tham nhũng vô độ. Vây quanh Đảng là đủ các hội, các đoàn: đoàn thanh niên, hội phụ nữ, công đoàn, mặt trận, ban dân vận…. Họ làm được những gì cho nhân dân? Họ mang danh đảng của giai cấp công nhân nhưng cái QĐ 176 ngày 9/10/1989 đã sa thải 855 000 lao động có công một cách nhẫn tâm, phi lý đến mức phải xem là hết sức dã man, tàn bạo. Ở các nước dân chủ văn minh xã hội làm ra luật để bảo vệ con người có hiệu quả (Society makes laws to protect the people - xã hội làm ra luật để bảo vệ con người), còn ở Việt Nam pháp luật không bảo vệ lẽ phải, không tôn trọng thực chứng nên oan khiên thường giáng lên đầu hàng vạn người chỉ vì ra sức bảo vệ cái chót sai của một vài người.
Nhà văn Phạm Đình Trọng gọi ĐÊM DÀY LẤP LÁNH là cuốn sách bia. Sách dựng 62 tấm bia, tương tự 52 bia Tiến sỹ ở Quốc Tử Giám để vinh danh những vì sao lấp lánh ánh sáng dân chủ, văn minh trong bầu trời Việt. Khoảng trống đáng tiếc của cuốn sách là đã bỏ sót một ngôi sao vào hàng sáng nhất trong các ngôi sao. Đó chính là tác giả, người mà tôi rất yêu mến, kính nể. Trong Nguyễn Thanh Giang có rất nhiều “nhà”, nhà Địa Vật lý, nhà chính luận, nhà thơ, nhà dân chủ, nhà nhân văn, “nhà” nào cũng tầm cỡ. Sự nghiệp khoa học tự nhiên của ông có một công tích lớn là đã phát hiện khả năng chứa uranium của tầng than Nông Sơn. ĐÊM DÀY LẬP LÁNH cũng là một công tích tương xứng trong khoa học xã hội và nhân văn. Đây là một biên niên sử có giá trị trong kho tàng sử sách nước nhà. Nhờ uyên thâm, uyên bác, nhờ tư chất khoa học, văn chính luận trong tập sách hàm súc và có sức thuyết phục cao. Chẳng những thế, tinh thần nhân văn và tình yêu thương thấm đẫm qua từng nhân vật trong tác phẩm đã làm tác phẩm có sức hấp dẫn cao. Mong sao ĐÊM DÀY LẤP LÁNH sớm được xuất bản công khai để đông đảo độc giả cùng được chiêm nghiệm một tác phẩm mang tầm lịch sử.
Hải Dương ngày 18 tháng 11 năm 2015
           Nhà giáo Phạm Tuấn Xa
31/207 Trương Mỹ, P. Phạm Ngũ Lão, Th phố Hải Dương

                     Mobi: 01644996929

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét