Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

20151008. BÀN VỀ DÂN CHỦ TRONG BẦU CỬ, BỔ NHIỆM

ĐIỂM BÁO MẠNG
"ĐÚNG QUY TRÌNH" NHƯNG ĐÃ "HỢP LÒNG DÂN"?
Bài pv PHẠM HUYỀN/TVN 7/10/2015
Giám đốc sở, 30 tuổi, quy trình, tư pháp, Góc nhìn thẳng
Việc bổ nhiệm cán bộ tại một số địa phương gây tranh cãi vừa qua được kết luận “đúng quy trình”. Nhưng việc này đã hợp lòng dân hay chưa?
Nhà báo Phạm Huyền:Thưa quý vị và các bạn, việc bổ nhiệm cán bộ tại một số địa phương thời gian qua đã gây ra nhiều tranh cãi lớn. Có việc, cơ quan chức năng đã kiểm tra và kết luận là “đúng quy trình”. Góc nhìn thẳng mời ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương để cùng trao đổi, làm rõ về câu chuyện này. 
Xin cảm ơn ông Vũ Quốc Hùng đã nhận lời tham gia chương trình.
Nhà báo Phạm Huyền:Thưa ông, quan sát các trường hợp bổ nhiệm cán bộ thời gian qua ở một số địa phương, gây tranh cãi nhất là những trường hợp con cái cán bộ được bổ nhiệm. Ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?
Ông Vũ Quốc Hùng: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết là có nhiều dư luận khác nhau xung quanh vấn đề bổ nhiệm này. Tôi thấy những ý kiến khác nhau cũng là điều tốt, tín hiệu tốt cho thấy xã hội ngày một phát huy dân chủ trên những vấn đề dư luận thấy cần đặt ra. Điều này, đòi hỏi công tác lãnh đạo quản lý nói chung và công tác nhân sự nói riêng phải thể hiện được dân chủ, công khai, minh bạch. Trong đề bạt phải đảm bảo được đúng tiêu chuẩn, đúng quy trình và hợp lòng dân.
Hợp lòng dân ở đây không phải là cái gì chung chung mà là việc đảm bảo công bằng. Tôi không được tham dự, không được tiếp xúc những văn bản cụ thể xem quá trình xét duyệt ra sao, nhưng tôi thấy tinh thần bây giờ là phải dân chủ, công khai, minh bạch, rõ ràng.
Thế nên vừa rồi rộ lên ở chỗ này chỗ khác. Như vụ việc ở Quảng Nam, tôi cũng phát biểu ý kiến. Khi dư luận nổi lên sẽ đặt ra vấn đề cho lãnh đạo ở Quảng Nam, và các lãnh đạoTrung ương phải vào cuộc xem xét để rút kinh nghiệm. Còn bây giờ vấn đề đề bạt các anh em trẻ là ý muốn của Bác Hồ, là chủ trương của Đảng. Bác Hồ luôn nói rằng đào tạo thế hệ trẻ cho ngày mai là việc rất quan trọng.
Nhà báo Phạm Huyền:Thực ra việc con em cán bộ đương nhiệm được bổ nhiệm chức vụ cao không phải điều mới mẻ ở nước ta. Tuy nhiên, theo ông nguyên nhân gây ra những ồn ã vừa qua có phải do số lượng con em cán bộ đương nhiệm được bổ nhiệm quá nhiều hay do người dân chưa có lòng tin vào cơ chế bổ nhiệm và cho rằng những người đó chưa xứng đáng?
Ông Vũ Quốc Hùng: Qua dư luận, tôi cũng thấy dư luận ồn ào về con ông nọ, con bà kia. Đó là điều mà tôi thấy các tổ chức Đảng cần quan tâm. Tôi nghĩ vẫn là phải đảm bảo công bằng trong xã hội, con lãnh đạo ở các cấp với con người dân phải làm sao khi tuyển chọn phải công bằng.
Hiện nay, chúng ta thấy nhiều nơi tiến hành tuyển chọn cán bộ rất ồ ạt, sôi nổi nhưng không có gì, như Quảng Ninh, như Bộ GTVT…tổ chức thi. Tất cả đăng ký thi. Cho nên, tôi nghĩ những vấn đề tiêu chuẩn là điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ là phải xem xét cả quá trình. Thứ đến là trong số nhiều người đủ tiêu chuẩn ấy thì tốt nhất là thi, và thi cũng phải công bằng. Nếu để tiêu cực trong thi nữa là không được. Và những tiêu cực trong thi cử cũng được báo chí phản ánh.Vậy công bằng là gì? Nghĩa là trong quá trình xem xét tuyển chọn, chúng ta có Đảng lãnh đạo, có quản lý của Nhà nước, có các cơ quan chuyên trách công tác cán bộ thì những người đó phải tìm hiểu, phát hiện, đào tạo, rèn luyện không kể người đó là con ai. Những người làm công tác tổ chức cán bộ phải công tâm, trong sáng, vô tư, nhưng phải có trình độ, bởi đánh giá một con người rất khó. Xem một sản phẩm sản xuất ra, làm OTK một sản phẩm đã khó. Giờ phát hiện hiền tài, chọn một con người để đào tạo trở thành người có ích cho nước cho dân thì càng khó.
Nhà báo Phạm Huyền:Như ông vừa phân tích thì việc bổ nhiệm cán bộ vừa phải đúng quy trình, vừa phải hợp lòng dân. Nhưng ở một số vụ việc vừa diễn ra thì cơ quan chức năng kết luận là “đúng quy trình”, nhưng một số ý kiến trong dân chúng vẫn tỏ ra bất bình. Theo ông cần giải quyết điều này thế nào?
Ông Vũ Quốc Hùng: Dư luận thì thường nhiều chiều. Vấn đề quan trọng là phải xem lại việc đó đúng quy trình, đó là quy trình theo thể thức hành chính. Còn một quy trình nữa là quy trình "hợp lòng dân", muốn vậy phải công khai minh bạch, làm thế nào để người ta biết vào cái ghế ấy có bao nhiêu người được tuyển chọn và vì sao các cơ quan chức năng lại tuyển chọn người đó, thì công khai ra. Một hình thức tốt nhất là tổ chức thi như Bộ GTVT, như tỉnh Quảng Ninh. Một thời gian tôi thấy các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin thi tuyển rất rầm rộ và sau đấy không thấy một lời phàn nàn nào cả.
Còn giả sử chưa tổ chức thi thì cũng phải công khai ra, thí dụ trong tỉnh, trong tổ chức ta có từng này ứng viên, sau khi xem xét, thấy rằng thế này, thế kia…Công khai những điều này cho ngay trong cơ quan ấy, tỉnh ấy, trong cả nước nữa. Khi đó, trong nội bộ họ thấy, à việc này là công tâm. Chứ còn bây giờ tự dưng mình đề bạt lên, không công khai, và nhiều khi vì không công khai, minh bạch mà làm tổn thương, gây nghi ngờ đến sự công tâm của tổ chức ấy và tổn thương chính người được đề bạt. Có thể họ là người chịu phấn đấu và có năng lực tốt, nhưng mà thế thành ra họ chịu búa rìu dư luận. Cho nên quay lại vẫn là việc gì cũng phải công khai, dân chủ, minh bạch và có những thiết chế để việc này được cụ thể chứ không phải là khẩu hiệu.
Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn ông đã nhận lời tham gia chương trình. Xin hẹn gặp lại quý vị ở chương trình Góc nhìn thẳng tiếp theo.
VietNamNet
NHẬN XÉT VỀ DÂN CHỦ TẠI ĐẠI HỘI ĐẢNG
Bài của gs NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/BVN 6/10/2015

Quy định ĐH chỉ được bầu người có trong danh sách do cấp ủy cũ chuẩn bị, không công nhận người được ứng cử hoặc đề cử trực tiếp tại ĐH là một quy định phản dân chủ. Tôi rất hy vọng vào việc tại ĐH XII sắp tới có được vài đại biểu đứng lên phản bác, đòi bỏ ngay điều vô lý, phản dân chủ ở trên để ĐH thảo luận và biểu quyết, vì ĐH có quyền cao hơn cả. Nếu ĐH không làm được việc này thì chỉ lộ rõ là toàn bộ đại biểu dự ĐH không có ai có được đồng thời trí tuệ và sự dũng cảm cần thiết. Một ĐH mà không có lấy nổi vài đại biểu có đồng thời cả trí tuệ và dũng cảm thì kết quả của nó liệu có đáng tin cậy.
Đại hội Đảng bàn nhiều vấn đề trong đó bầu ban lãnh đạo mới thuộc vấn đề thiết yếu nhất. Quyền dân chủ thể hiện trên nhiều lĩnh vực, trong đó quyền tự do trong bầu cử thuộc loại quan trọng nhất.
Ở Việt nam có chuyện lạ là chưa bầu cử nhưng nhiều người đã biết chắc ai sẽ trúng vào chức vụ gì. Vào năm 2011, khi Quốc hội chưa họp để bầu Chủ tịch nước và các chức danh chủ chốt thì nhiều người đã khẳng định “Sang Trọng Hùng Dũng”. Việc bầu người vào cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân) và các cuộc bầu cử trong các cơ quan đó đều theo lối “Đảng cử, dân bầu”, chỉ là dân chủ hình thức, thực chất là mất dân chủ, là bị áp đặt. Tưởng rằng việc như vậy chỉ xảy ra với nhân dân và cơ quan dân cử, không ngờ trong Đảng còn mất dân chủ hơn và trong Đại hội các cấp còn mất dân chủ hơn nữa. Mất dân chủ như vậy thì làm sao bầu ra được những người thực sự có năng lực, thực sự xứng đáng.
Đảng kêu gọi ĐỔI MỚI, nhưng những việc liên quan đến chính trị, đến thể chế thì cố duy trì cái cũ. Đổi mới quan trọng nhất là đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức, từ đó mới có đổi mới trong hành động. Với mỗi người thì đó là sự tự đổi mới tư tưởng, quan điểm, một việc rất khó, phải có được nhận thức cao, phải tự đấu tranh để chiến thắng bản thân. Với tổ chức thì đổi mới tư duy có thể theo và kết hợp hai cách: (1) Phát hiện và dùng những người có tư duy mới, thay thế người có tư duy cũ hoặc người tuy có đổi mới trong lời nói nhưng bản chất vẫn là cũ, họ nói muốn đổi mới chỉ để đánh lừa; (2) Dùng lại một số người cũ đã chứng tỏ tự đổi mới thực sự. Trong hai cách trên thì cách 1 có hiệu quả hơn, chỉ khi không tìm ra người như vậy mới buộc phải dùng cách 2 và kết hợp.
Xem xét ĐH các cấp thấy rằng ĐH cấp dưới phải chịu sự chỉ đạo chặt chẽ cuả cấp trên liền kề. Mà đó là cấp trên cũ, cấp trên sẽ được thay thế. Nếu gặp may (mà gặp may là rất ít), có được cấp trên đã tự đổi mới, biết tôn trọng cấp dưới, biết ủng hộ cái mới, biết tôn trọng dân chủ thì kết quả bầu cử có nhiều khả năng chọn được người có năng lực, có phẩm chất. Còn nếu gặp phải cấp trên nặng tư duy cũ, cấp trên cần phải thay đổi thì họ thường chỉ đạo để bầu ra những người theo cùng quan điếm, nhân dân thường gọi là Nguyễn Y Vân, Vũ Như Cẫn.
Trong một thư góp ý trước đây, tôi có đề nghị ở các ĐH cấp dưới nên bầu cử 2 vòng. Vòng 1 chỉ bầu đại biểu đi dự ĐH cấp trên và bầu cử trên nền tảng dân chủ thực sự, bầu ra người đại diện cho tư duy mới. Cấp trên có xuống dự thì chủ yếu là quan sát, theo dõi chứ không chỉ đạo bầu cụ thể. Vòng 2, sau ĐH trung ương sẽ bầu cấp ủy mới. Cách làm như vậy đã từng được thực hiện nhưng rồi bị bãi bỏ. Ý kiến của tôi chắc cũng nhanh chóng bị vứt vào sọt rác, chẳng ai thèm quan tâm, bị cho là “trứng đòi khôn hơn vịt”.
Quy định ĐH chỉ được bầu người có trong danh sách do cấp ủy cũ chuẩn bị, không công nhận người được ứng cử hoặc đề cử trực tiếp tại ĐH là một quy định phản dân chủ. Tôi rất hy vọng vào việc tại ĐH XII sắp tới có được vài đại biểu đứng lên phản bác, đòi bỏ ngay điều vô lý, phản dân chủ ở trên để ĐH thảo luận và biểu quyết, vì ĐH có quyền cao hơn cả. Nếu ĐH không làm được việc này thì chỉ lộ rõ là toàn bộ đại biểu dự ĐH không có ai có được đồng thời trí tuệ và sự dũng cảm cần thiết. Một ĐH mà không có lấy nổi vài đại biểu có đồng thời cả trí tuệ và dũng cảm thì kết quả của nó liệu có đáng tin cậy?
Hiện nay BCH Trung ương Đảng đang họp kỳ thứ 12 (nhiệm kỳ 11) để bàn một số việc, trong đó vấn đề nhân sự của ĐH là quan trọng bậc nhất. Tổng bí thư cho rằng đã qua 2 vòng đề cử, Bộ Chính trị đã có một danh sách đáng tin cậy để đưa ra cho TƯ thông qua. Danh sách bầu cử sẽ được TƯ chốt chặt lại. Đó là một cách làm vi phạm quyền dân chủ của các đại biểu, hạ thấp vai trò của Đại hội, càng làm mất thêm lòng tin của toàn Đảng, toàn dân. Tại ĐH VI từng có chuyện liên quan đến đổi mới là Dự thảo báo cáo đã viết xong, bị xóa bỏ để viết lại. Hy vọng ở ĐH XII này sẽ có gì đó tương tự xảy ra, danh sách bầu cử đã chốt rồi bị ĐH xóa bỏ để lập lại danh sách khác, phản ảnh được xu thế đổi mới về quan điểm chính trị, quan điểm về đổi mới thể chế, lấy lại phần nào lòng tin của toàn Đảng, toàn dân…
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét