Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2015

20151004. NGHĨ VỀ CHẤT LƯỢNG ĐẠI HỌC VIỆT

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐẠI HỌC VIỆT NAM KHÔNG SÁNH BẰNG BANGLADESH
Bài của LÊ THANH PHONG/ LĐ 3/10/2015
Ảnh minh hoạ.

Trong Bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới năm 2016 do Tạp chí Times Higher Education phối hợp với tổ chức Thomson Reuter thực hiện, tìm đỏ con mắt không thấy bóng dáng một trường của Việt Nam, cho dù kéo “con chuột” đi hết hàng 800.

Nhớ cách đây chừng 10 năm, Việt Nam tự tin bàn đến việc lọt vào “Top 200” đại học thế giới. Sau 10 năm, số lượng trường đại học, cao đẳng tăng gần gấp đôi, nhưng giấc mộng “Top 200” vẫn trong cơn mê chưa biết bao giờ tỉnh. Trường đại học nhiều để làm gì khi có những trường không nhận được sinh viên, vì càng ngày người ta càng nhận ra đó là trường cấp ba rưỡi. Trường đại học nhiều để làm gì khi cái bằng tốt nghiệp ở ngay chính trên địa phương mà nó sinh ra - dù là tỉnh lẻ - cũng không thừa nhận.
Đại học không phải là học đại, mà học để hành, để làm được việc cho bản thân và cho xã hội. Nhưng điều này dường như không phải là mục tiêu đào tạo đối với không ít trường đại học của Việt Nam hiện nay. Và tất nhiên trường nào không đáp ứng được nhu cầu thực tế của xã hội thì sẽ tự xóa tên, những cái chợ bán bằng khoác áo đại học dứt khoát sẽ đóng cửa.
Gạn đục khơi trong môi trường đại học trong nước để xây dựng một nền đại học theo kịp với các nước. Nhìn Trường Đại học Quốc gia Singapore lọt vào “Top 30” mà thấy xấu hổ, “tự kỷ” hơn khi thấy Bangladesh cũng có tên trong Top 800. Trong lúc đó, đại học Việt Nam đang loay hoay xem có được quyền tự phong giáo sư hay chờ sự ban phát của một hội đồng độc quyền của Nhà nước. Trong lúc đó, đại học Việt Nam chưa đủ trưởng thành để tự chủ, mà đang còn thí điểm.
Trong “Top 50” của bảng xếp hạng trên, gần 50% là trường của Mỹ, sau đó là Anh, Canada, Thụy Sĩ, Đức, Australia, Nhật Bản…. Rõ ràng những nước có nền giáo dục đại học phát triển tầm thế giới thì đó là nước giàu mạnh. Câu hỏi đặt ra là: Vì nước giàu mạnh mới có trường đại học chất lượng thế giới, hay vì có trường đại học chất lượng thế giới nên mới có được một nước giàu mạnh?
Câu trả lời là, để có nền giáo dục đại học phát triển không cần phải có nhiều tiền cho nên không cần phải giàu có như Mỹ hay Nhật Bản, nhưng khi có một nền giáo dục đại học phát triển thì chắc chắn sẽ có được một quốc gia phát triển.
Đại học Việt Nam chưa có trường sánh bằng đại học của Bangladesh thì chưa thể biến giấc mơ rồng, hổ thành hiện thực.

GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM LIỆU CÓ CẤT CÁNH NẾU THÊM NHIỀU "GIÁO SƯ"?
Bài của TS LƯU TIẾN HIỆP/ TS 3/10/2015
Năm 2014, có 59 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư và 585 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh Phó giáo sư. Trong đó, GS Phan Thanh Sơn Nam trẻ tuổi nhất (37 tuổi) và GS Lê Ngọc Canh cao tuổi nhất (81 tuổi).
TS Lưu Tiến Hiệp chia sẻ những suy nghĩ của ông về việc có nên trao quyền bổ nhiệm chức danh giáo sư cho các trường đại học hay không, xuất phát từ thông lệ quốc tế và bối cảnh Việt Nam.
Bổ nhiệm giáo sư và năng lực tài chính của trường. Ở các nước phương Tây (như Mỹ, Anh, Úc, Canada), chẳng phải đương nhiên những ai đủ tiêu chuẩn đều được phong giáo sư/phó giáo sư, mà phải “làm đơn”, nghĩa là có xét duyệt. Bên cạnh đó, việc bổ nhiệm giáo sư liên quan nhiều đến khả năng tài chính của trường, vì giáo sư/phó giáo sư là những người hưởng mức lương cao, trường giàu sẽ hào phóng hơn, còn không “hãy đợi đấy”. Điều này dẫn đến tình trạng có thầy/cô đợi lâu quá không đến lượt mình được phong, đành phải chuyển sang trường khác hoặc ngầm gây sức ép bằng cách dọa khéo sắp chuyển sang trường khác để trường phải tìm cách giữ lại, nếu các vị này thật sự sáng giá. 
Một số trường có thể lập ra những chức danh giáo sư đặc biệt, được gọi là Endowed Professor, theo yêu cầu của người hiến tặng. Chức danh này cũng thường mang tên người hiến tặng, thí dụ như “Rockefeller Professor of Microbiology David Smith”. Khoản hiến tặng phải khá lớn, đủ để trả lương lâu dài cho các vị giáo sư giữ chức danh.
Giáo sư chủ nhiệm. Thông thường, một vị giáo sư phụ trách một lĩnh vực học thuật (chair) được gọi là chủ nhiệm lĩnh vực học thuật đó, mục đích là để vị này cùng các đồng nghiệp cấp dưới phát huy lĩnh vực học thuật do mình phụ trách. Trường giàu có hai-ba vị giáo sư cho một lĩnh vực học thuật cũng là điều bình thường. Nếu chỉ có một vị giáo sư đứng đầu không khéo sẽ phát triển thành mô hình kim tự tháp, bởi vị giáo sư đứng đầu có khả năng sẽ chi phối toàn bộ kinh phí, định hướng lĩnh vực nghiên cứu - một hình thức gia trưởng làm thui chột những ý tưởng nghiên cứu khác, nhất là của giảng viên trẻ. 
Uy tín giáo sư. Chúng ta thường lầm tưởng rằng giáo sư/phó giáo sư của một trường khi chuyển sang trường khác sẽ không được công nhận. Điều này không đúng đối với các trường trong cùng một nước ở những nước phát triển. Trường A uy tín hơn trường B không có nghĩa uy tín giáo sư của trường A cao hơn đáng kể uy tín giáo sư trường B, bởi những trường “yếu” cũng có thể sàng lọc, xét chọn GS/PGS một cách nghiêm khắc, có khi chẳng phong giáo sư/phó giáo sư nào cả mà dùng những cách gọi chung thông thường như instructor.
Giáo sư khi được bổ nhiệm có cần có bằng tiến sĩ không? Tuyệt đại đa số là như vậy. Nhưng có những trường bổ nhiệm giáo sư mà không đòi hỏi bằng tiến sĩ nào hết. Những vị này thường được nể phục bởi các công trình nghiên cứu của họ. Chúng ta có thể tìm thấy những thí dụ như vậy ngay ở một số trường đại học danh tiếng như Oxford hay Cambridge. 
Bây giờ xin nói chuyện Việt Nam. Mới đây, việc Đại học Tôn Đức Thắng dự định tự tổ chức xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm giáo sư đã làm dấy lên những trao đổi không dứt. Tôi xin không đưa ra ý kiến phản bác hay ủng hộ mà chỉ nêu một vài suy nghĩ ban đầu. 

“Thuật ngữ” giáo sư/phó giáo sư khi được sử dụng vừa để chỉ học hàm vừa để chỉ chức vụ chuyên môn chắc chắn sẽ dẫn đến những nhầm lẫn và nhập nhằng khủng khiếp. Giá mà hai nhóm có tên gọi khác nhau thì sự việc đã không gây tranh cãi như vậy, nhưng tiếng Việt không đủ phong phú để làm việc đó. Chẳng lẽ để phân biệt giáo sư do trường A bổ nhiệm, chúng ta sẽ ghi: GS (chức vụ) Nguyễn Văn A, và GS (học hàm) Trần Thị B nếu được Bộ phong. Tôi chưa thấy nước nào dùng hai hệ thống song song như vậy. 
Trao quyền bổ nhiệm các chức vụ giảng dạy cho các trường là việc làm phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng việc này lại rất mới mẻ ở Việt Nam, thiết nghĩ cũng nên được thử thách bởi thời gian. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng nhiều người hẳn đã không quá lo xa khi e ngại việc trao quyền tự chủ bổ nhiệm sẽ dẫn đến những hệ quả vượt ra ngoài tầm kiểm soát, điều mà Bộ đã có không ít kinh nghiệm đau thương. Chẳng hạn, khi Bộ quy định số sinh viên cho một giảng viên, không ít trường đã dùng giải pháp “giảng viên ma”, tuyển vượt chỉ tiêu cho phép, hoặc gửi thư báo trúng tuyển khi chưa có ý kiến của Bộ… 
Nên chăng cần có phương án thí điểm để hai trường ĐH Quốc gia làm thử vì nguồn nhân lực của họ lớn. Sau đó, Bộ hay cơ quan kiểm định sẽ phân tầng trường. Trường nào thứ hạng cao sẽ được phép trao quyền bổ nhiệm, tránh tình trạng trình độ giáo sư trường này thấp hơn đáng kể trường kia trong cùng một nước. Biết đâu cái chúng ta nghĩ là đúng lại làm cho nhiều giáo sư thấy mặc cảm khi được bổ nhiệm. 
Tuy nhiên, trước mắt, nếu chưa trao quyền bổ nhiệm giáo sư cho các trường, Bộ cũng có thể làm được không ít việc nhằm cải thiện các tiêu chuẩn và quy trình xét phong giáo sư/phó giáo sư của mình, vốn lâu nay bị phê phán là “chẳng giống ai”, “thiếu tính công khai”, “phong cả cho những người không làm công tác giảng dạy”… Hãy làm cho hệ thống tiêu chuẩn xét phong giáo sư/phó giáo sư của chúng ta hội nhập quốc tế sâu hơn, tăng số giáo sư/phó giáo sư thực sự đứng trên bục giảng lên và giảm số giáo sư quan chức xuống. Đối với những nhà giáo có công với sự nghiệp giáo dục, chúng ta đã có danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” để xưng tụng trọn đời, thì cũng không cần thiết phải duy trì chức danh giáo sư/phó giáo sư một khi người được bổ nhiệm chức danh đó không còn làm công tác giảng dạy, giống như thông lệ quốc tế.
Số lượng giáo sư/phó giáo sư đã được phong của Việt Nam không hề thấp, ít nhất là so với các nước trong khu vực, nhưng nền đại học và nghiên cứu khoa học của chúng ta vẫn trì trệ. Chẳng nên vội vã cho rằng nếu các trường đại học được trao quyền bổ nhiệm giáo sư, nền giáo dục đại học của chúng ta sẽ cất cánh. Còn nhớ, khoảng 10 năm trước, nhiều nhà giáo dục, khoa bảng tuyên bố nếu áp dụng hệ thống tín chỉ thì chất lượng giáo dục đại học sẽ đi lên. Bây giờ, sau 10 năm thực hiện đào tạo theo tín chỉ, có ai dám khẳng định lại điều đó hay không? Cũng như vậy, việc trao quyền tự chủ phong giáo sư, thiết nghĩ, chẳng phải là cây đũa thần giúp cải thiện chất lượng nền giáo dục đại học hiện nay. Theo tôi, đổi mới về cách điều hành, chương trình, giảng viên, phương pháp giảng dạy, cải thiện việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp… đó mới là những vấn đề cốt lõi. Hãy cố gắng chờ đến khi nền giáo dục đại học Việt Nam được tạo mọi điều kiện tốt nhất để trưởng thành, biết đâu vấn đề trường tự bổ nhiệm giáo sư sẽ được giải quyết mà không cần những tranh cãi nảy lửa của ngày hôm nay.

CẢI THIỆN HỆ THỐNG BỔ NHIỆM CHỨC DANH GIẢNG VIÊN: TÌM MỘT LỐI RA ?

Bài của PHẠM THỊ LY/ TT 5/10/2015

Minh họa: DAD

Minh họa: DAD
TTCT - Tranh luận về việc có nên giao quyền tự chủ bổ nhiệm giáo sư từ trường hợp ĐH Tôn Đức Thắng vừa qua đã thể hiện nhiều luồng ý kiến khác nhau, đặt ra ít nhất hai vấn đề quan trọng: Tự chủ ĐH và cải thiện hệ thống bổ nhiệm chức danh giảng viên (thực chất là cải thiện cách quản lý và sử dụng lực lượng hàn lâm). Cả hai vấn đề này đều có ý nghĩa lớn trong việc đổi mới chất lượng giáo dục ĐH.
Nên có một thiết chế như thế nào để ghi nhận mức độ ưu tú, trình độ và kinh nghiệm của giới giảng viên, dựa vào đó xác định mức độ đãi ngộ, điều kiện làm việc và giao phó trách nhiệm? Ai nên là người có thẩm quyền quyết định công nhận mức độ đạt được và bổ nhiệm những chức danh học thuật cho giới giảng viên?
Kinh nghiệm một số nước
Trước hết là quan niệm về chức danh giáo sư (GS). Hầu hết các nước đều xem GS là vị trí trên đỉnh của thang bậc học thuật, và là một vị trí chuyên môn thuần túy gắn với một trường ĐH cụ thể.
Ở Pháp, sau một số năm trong cương vị hậu tiến sĩ, ứng viên có thể xin vị trí maître de conférences (MCF, tương đương phó GS) bằng cách nộp hồ sơ cho Hội đồng ĐH quốc gia (thành phần là các GS được bầu và được nhà nước bổ nhiệm).
Sau khi hội đồng này xem xét và chuẩn thuận, từng trường mới bổ nhiệm dựa trên quyết định của một hội đồng do nhà trường thiết lập, trong đó một nửa là GS trong trường và một nửa ngoài trường, chủ yếu bao gồm giới chuyên môn thay vì giới quản lý. Ưu điểm việc theo hai bước này là kết hợp được việc kiểm soát chất lượng ở cấp quốc gia và đảm bảo quyền tự chủ của từng trường.
Trong khi đó ở Úc và Mỹ, việc này được thực hiện hoàn toàn ở cấp trường. Các trường tự thiết lập tiêu chuẩn, quy trình, tự xây dựng thành phần hội đồng và xét duyệt. Cách làm này đề cao quyền tự chủ của các trường, do đó năng động và linh hoạt hơn, thích hợp với nhiều bối cảnh đa dạng hơn. Mặt trái của nó là tạo ra một bức tranh thượng vàng hạ cám: Mỹ là nơi có những trường ĐH tốt nhất thế giới, nhưng cũng có vô số lò cấp bằng dỏm.
Hệ thống Pháp duy trì một mức độ giám sát cao hơn của nhà nước, còn hệ thống Mỹ đề cao tự chủ và tin vào nguyên lý tự do của thị trường: tiền nào của nấy và ai cũng có quyền tự do lựa chọn. Nước Pháp có ít trường nổi tiếng như Mỹ, nhưng chưa nghe ai nói tới bằng dỏm. Nước Mỹ trái lại có tất cả mọi thứ và người học phải tự chịu trách nhiệm về quyết định lựa chọn của mình.
Những bất cập hiện tại
Việt Nam đang thực hiện hai bước theo mô hình Pháp. Trước đây việc công nhận chỉ thực hiện ở cấp nhà nước, nhưng từ năm 2012 Hội đồng chức danh GS nhà nước (HĐCDGSNN) chỉ xét công nhận đạt tiêu chuẩn, còn việc bổ nhiệm GS/PGS là thẩm quyền của các trường.
Nhưng mô hình theo kiểu Pháp không bảo đảm kết quả giống như người Pháp làm. Trong thực tế, tiêu chuẩn và quy trình để được công nhận chức danh GS/PGS của Việt Nam có khá nhiều điều không hợp lý.
Ví dụ, tiêu chuẩn chung được quy định là “Trung thực, khách quan và hợp tác với đồng nghiệp trong hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học công nghệ”, nhưng không thấy nói những tiêu chuẩn này sẽ được đo lường đánh giá bằng cách nào.
HĐCDGSNN cố gắng bảo đảm sự khách quan bằng cách lượng hóa các tiêu chuẩn chuyên môn một cách chi tiết. Tuy nhiên, cách tính điểm bài báo không phân biệt tạp chí trong nước và quốc tế, điểm tối đa cho một bài báo khoa học, dù cho đăng trên Nature hay Science là 2 điểm, trong lúc sách chuyên khảo (không trải qua bình duyệt đồng nghiệp) xuất bản trong nước có thể được tính đến 3 điểm.
Quy định cũng đòi hỏi ứng viên chỉ được nộp hồ sơ chức danh trong chuyên ngành mà mình được đào tạo tiến sĩ. Điều này tuy có cơ sở nhưng không phản ánh được thực tế sự phát triển của những khoa học liên ngành, cũng như sự nảy sinh những lĩnh vực nghiên cứu mới. Nếu một người được đào tạo ở ngành này nhưng lại đạt được thành tựu trong một ngành khác thì quả là không hợp lý nếu chúng ta không ghi nhận những thành tựu ấy.
Mặc dù quy định tiêu chuẩn rất ngặt nghèo và phải trải qua ba vòng xét chọn bằng bỏ phiếu kín: hội đồng cơ sở, hội đồng ngành và hội đồng nhà nước nhưng kết quả là, theo nhận xét của GS-TSKH Đỗ Trần Cát - tổng thư ký HĐCDGSNN, so với tiêu chuẩn quốc tế, 80% GS Việt Nam không xứng đáng với chức danh của mình.
Dân gian hiện đại có câu: “Đêm nằm nghĩ mãi không ra, Làm sao tay ấy lại là giáo sư”, phản ánh một thực tế đã được ghi nhận: hai phần ba GS/PGS không làm việc trong các trường ĐH và số bài báo khoa học trên mỗi GS/PGS thấp đáng kinh ngạc: trong khoảng thời gian 2009-2013, với 1.472 GS/PGS, Malaysia công bố 33.472 bài báo khoa học, tỉ lệ 22,7 bài/GS; còn Việt Nam công bố 7.727 bài báo khoa học với một lực lượng khoa học gồm hơn 9.000 GS/PGS, tỉ lệ 0,85 bài/GS, chỉ bằng 1/26 so với Malaysia.
Thay đổi thế nào?
Vậy liệu mô hình Mỹ sẽ mang lại kết quả ra sao?
Không nên quên rằng mô hình giao toàn bộ quyền tự chủ cho nhà trường đã được xây dựng trong một môi trường xã hội đề cao trách nhiệm giải trình và quyền tự do lựa chọn. Rõ ràng nó đã tạo ra điều kiện và động lực để các trường thể nghiệm nhiều sáng kiến đổi mới, tạo ra những thành tựu đỉnh cao.
Nhưng mặt trái của nó, như trên đã nói, là tạo ra tình trạng thượng vàng hạ cám. Dĩ nhiên thị trường sẽ tự biết đá biết vàng, nhưng liệu có nên nghĩ đến một giải pháp bền vững và phù hợp hơn với bối cảnh Việt Nam, thay vì sao chép y nguyên mô hình Mỹ?
Vấn đề là nhiều người không tin rằng một biện pháp kiểm soát chất lượng ở cấp trung ương có thể giúp hạn chế tiêu cực. Nhưng cũng có thể đặt câu hỏi ngược lại: điều gì đảm bảo các trường sẽ thực hiện tốt việc này mà không rơi vào tiêu cực hay tùy tiện?
Trước khi bàn đến giải pháp, nên thống nhất khái niệm về chức danh GS. GS là một vị trí trong thang bậc của nghề giảng dạy, nghiên cứu và là vị trí cao nhất, vì vậy đòi hỏi phải đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định.
Chức danh GS chỉ có ý nghĩa khi những người mang chức danh GS thật sự có được những thành tựu và kinh nghiệm nổi bật so với những người ở vị trí thấp hơn trong thang bậc học thuật. Ở Mỹ, trong 4.762 trường ĐH-CĐ có 1.540.000 giảng viên, số GS là 454.000, chiếm 29,5%, còn số PGS là 701.000, chiếm tỉ lệ 25,5%. Cần trả lại hai chữ “giáo sư” ý nghĩa phổ quát của nó và chấm dứt việc “phong GS” cho những người không làm việc trong các trường ĐH.
Có thể nghĩ đến giải pháp duy trì sự giám sát của nhà nước ở một mức độ hợp lý. Thay cho việc trực tiếp xét từng trường hợp, HĐCDGSNN có thể đề xuất chuẩn tối thiểu. Các trường dựa vào đó xây dựng tiêu chuẩn và quy trình của trường mình.
Bộ GD-ĐT cần yêu cầu các trường công khai tiêu chuẩn và quy trình này trên trang web trường, danh sách các GS/PGS được bổ nhiệm hằng năm, thành viên của các hội đồng xét chọn. Bộ GD-ĐT, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, cần có vai trò “hậu kiểm” khi cần, tức là không can thiệp vào quyết định của các trường, nhưng có thể và cần phải có tiếng nói khi các trường không thực hiện đúng những tiêu chuẩn và quy trình mà chính họ đã đề ra. Để làm được điều này, việc trước tiên là phải sửa lại điều 71 trong Luật giáo dục.
Các GS và giới hàn lâm nói chung được xã hội trao trọng trách gìn giữ ngôi đền học thuật. Không ai ủng hộ chợ trời diễn ra trong ngôi đền học thuật vì việc ấy không chỉ phá hủy ngôi đền, mà còn phá hủy cả nền tảng tinh thần của xã hội bởi trường ĐH vẫn được xem là một cột trụ quan trọng của nó.
Cải thiện hệ thống bổ nhiệm chức danh giảng viên là cải thiện cách thức đánh giá và sử dụng giới hàn lâm, mục đích cuối cùng nhằm ghi nhận những thành tựu và sự đóng góp của họ, để họ có thể phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp giáo dục và khoa học.
Vì thế, điều quan trọng là hệ thống đánh giá ấy phải công bằng, minh bạch, phản ánh đúng trình độ thực chất và những đóng góp cần được ghi nhận của từng người. Hệ thống này phải gắn với một chế độ đãi ngộ tương xứng và phù hợp với trọng trách của họ, ví dụ: ít nhất những người có chức danh GS phải được cung cấp phòng làm việc riêng trong trường ĐH để họ có thể tiếp xúc sinh viên, đồng nghiệp, làm việc nhóm, thực thi những trách nhiệm của mình với nhà trường và xã hội.
Hiện nay, GS/PGS chỉ là cái danh, không gắn với chế độ đãi ngộ nào ngoài một cái quyền rất chung chung là “được ưu tiên giao đề tài, đề án khoa học và các điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ được giao” (điều 5, QĐ 174/2008-QĐ-TTg). Thế mà nhiều người vẫn cố có được cái danh ấy dù không hề làm việc ở các trường. Thực tế này cần phải chấm dứt.■

Sức mạnh của quá khứ 
và định kiến

Trước năm 1975 ở miền Nam, chức danh GS chỉ là một vị trí công việc, vì vậy một người dạy cấp III đã được gọi là GS. Thực tiễn này nhất quán với thông lệ quốc tế.

Cần lưu ý ở Mỹ, “professor” có hai nghĩa: 1) dùng như danh từ chung, không viết hoa, để chỉ nghề giảng dạy nói chung ở bậc sau trung học; và 2) Professor viết hoa, như một trong các thang bậc của nghề hàn lâm. Cả hai nghĩa đều không mang ý nghĩa một phẩm hàm suốt đời như ta thấy hiện nay ở Việt Nam.

Chỉ từ năm 1976 (quyết định số 162-CP ngày 11-9-1976) của Hội đồng Chính phủ, Việt Nam mới bắt đầu có quy định chính thức của Nhà nước về hệ thống chức vụ khoa học và tiêu chuẩn các chức vụ khoa học, trong đó nói rõ có hai loại: tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn về chuyên môn. Từ đó, GS được xem như một “chức vụ khoa học” danh giá.

Năm 2001, Chính phủ ban hành nghị định 20/2001/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh GS/PGS và quyết định số 138/2001/QĐ-TTg, thành lập Hội đồng chức danh GS nhà nước (HĐCDGSNN). Từ đây, quy trình bổ nhiệm GS/PGS chia làm hai bước xét công nhận chức danh và bổ nhiệm vào ngạch GS/PGS. Xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS/PGS là thẩm quyền của HĐCDGSNN, còn bổ nhiệm chức danh GS/PGS là thẩm quyền của bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Từ năm 2012, theo quyết định số 20/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thẩm quyền này thuộc về các trường.

Những bước phát triển này nhằm làm chức danh GS/PGS gắn với các trường nhiều hơn. Như vậy từ năm 2012, thẩm quyền bổ nhiệm GS/PGS đã là thẩm quyền của các trường. Vấn đề là HĐCDGSNN vẫn là nơi cấp giấy công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh, một thứ giấy phép con, trước khi các trường có thể bổ nhiệm. Về nguyên tắc, chức danh có thể bị miễn nhiệm khi có sai phạm, nhưng trong thực tế người ta chưa chứng kiến trường hợp nào bị rút lại, vì vậy mọi người đều hiểu đó là một học hàm có giá trị suốt đời.


PHẠM THỊ LY



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét