Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

20151006. NGHĨ GÌ KHI ĐÀM PHÁN TPP KẾT THÚC ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐẠT THỎA THUẬN TPP: CƠ HỘI LỚN CHO HÀNG XUÂT KHẨU VIỆT NAM
Bài của pv N.BÌNH../TT 5/10/2015
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Akira Amari thông báo kết quả đàm phán - Ảnh: AFP
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Akira Amari thông báo kết quả đàm phán - Ảnh: AFP
TTO - Bộ trưởng thương mại 12 quốc gia tham gia cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Atlanta (Mỹ) đã đạt được thỏa thuận vào lúc tối nay 5-10 (giờ VN).
Ngay sau khi 12 quốc gia tham gia cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe khẳng định điều này sẽ đem lại lợi ích lớn cho toàn bộ khu vực.
Đàm phán TPP đã đi đến một thỏa thuận cuối cùng - Ảnh: Reuters
Đàm phán TPP đã đi đến một thỏa thuận cuối cùng - Ảnh: Reuters
“Đây là một kết quả lớn không chỉ với Nhật mà với cả tương lai của châu Á - Thái Bình Dương”
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe
Có mặt tại cuộc họp báo ở Atlanta, Bộ trưởng Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng khẳng định dù Việt Nam là nền kinh tế vào loại kém phát triển nhất TPP,nhưng vẫn cam kết sẽ thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ và quyền lợi của quốc gia mình trong TPP.

Còn tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng TPP sẽ “tạo sân chơi bình đẳng” cho giới công nhân và doanh nghiệp Mỹ.
Ông Obama nhấn mạnh Quốc hội Mỹ sẽ có nhiều tháng để nghiên cứu TPP trước khi ông ký thông qua thỏa thuận này thành luật. Thượng nghị sĩ Ron Wyden thuộc Ủy ban Tài chính Thượng viện, cho rằng TPP “có thể mở ra nhiều cơ hội mới quan trọng”. Bộ Thương mại Mỹ cho biết TPP bao gồm nhiều điều khoản hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb mô tả TPP là thỏa thuận quan trọng nhất mà các nước đạt được trong 20 năm qua. Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser cho biết với TPP, sẽ chỉ còn một số ít loại thuế tồn tại, bao gồm thuế của Nhật đối với thịt bò và một số loại thuế đánh vào mặt hàng bơ sữa.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Amari khẳng định các quy định thương mại do TPP đặt ra sẽ trở thành các tiêu chuẩn toàn cầu. Ông quả quyết TPP sẽ giúp tăng cường cả quan hệ kinh tế và an ninh của các quốc gia trong khu vực.
VN cam kết thực thi các quy định trong TPP
Cuộc họp báo thông báo hoàn tất đàm phán TPP diễn ra trễ hơn 20 phút so với dự kiến và kéo dài đúng một giờ đồng hồ. Các bộ trưởng 12 nước đã lần lượt trả lời những câu hỏi liên quan đến những cam kết thực thi thời gian tới cũng như sự quyết tâm thực hiện để đảm bảo TPP là một hiệp định chất lượng cao.
Bộ trưởng Úc nói các nước đã đi những con đường khác nhau nhưng cuối cùng cũng đã đến tại một điểm.
Trước câu hỏi VN sẽ làm gì để khắc phục những thách thức đối với nguồn gốc xuất xứ trong dệt may, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng: “Khi chúng tôi tham gia đàm phán TPP, ngành dệt may chắc chắn có cơ hội tăng trưởng cao và mang lại lợi ích cho người lao động vì đặc thù ngành này cần nhiều nguồn nhân lực lớn. Điều này có thể giúp rất nhiều người nghèo VN. TPP đã tạo điều kiện cho ngành dệt may VN rất nhiều.”
Một hiệp định với mục tiêu xóa bỏ phần lớn thuế quan cho hàng hóa giữa 12 nước TPP sẽ là con đường không thể tốt hơn cho hàng hóa xuất khẩu của VN tăng sức cạnh tranh về giá khi tiếp cận thị trường các nước đối tác TPP. Vấn đề được đặt ra là làm thế nào để phát triển nguồn nguyên phụ liệu ngay trong nước để hưởng lợi từ TPP trong vài năm tới.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề lao động tiêu chuẩn cao trong TPP, Bộ trưởng Hoàng cũng cho biết lao động là một trong những vấn đề phức tạp và nhạy cảm nhất trong quá trình đàm phán với VN. Tuy nhiên, các điều kiện trong TPP là theo quy định lao động của Tổ chức Lao động quốc tế mà VN cũng là một thành viên. Do đó, VN cam kết thực hiện theo những quy định này. “Chúng tơi đã sẵn sàng đối với vấn đề này”, Bộ trưởng Hoàng nói.
“Các quy định về lao động trong TPP không phải của Mỹ hay bất kỳ nước nào mà tuân theo các quy định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Chúng tôi là thành viên của ILO và cam kết thực hiện theo các quy định của ILO”
Trì hoãn vì sao?
Trước đó, quan chức thương mại Mỹ khẳng định các bộ trưởng đã thương lượng xong các vấn đề lớn của TPP và chỉ còn hoàn tất các chi tiết và duyệt dự thảo thỏa thuận rất dài.
Các nguồn tin từ Atlanta cho biết New Zealand đòi tiếp cận thị trường sâu hơn ở một số quốc gia và đây là vướng mắc gây khó cho đàm phán. 
Bộ trưởng thương mại 12 quốc gia TPP đã đàm phán marathon từ ngày 30-9.
Hồi rạng sáng 4-10 (giờ VN) Bộ trưởng Kinh tế Nhật Akira Amari thông báo các bên đã đạt được bước tiến bộ lớn trong lĩnh vực bảo hộ bản quyền thuốc sinh học.
Trên trang web của Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR), thông cáo về buổi họp báo cũng được đăng tải.
Vòng đàm phán tại Atlanta lần này thực sự là một cuộc chạy marathon, từ hai ngày kéo dài sang 3 ngày rồi 4 ngày và bây giờ là 5 ngày.
Câu hỏi là điều gì đã xảy ra vào thời điểm cuối cùng của cuộc đàm phán, khi trước đó ít lâu các nhà đàm phán đã gần như chắc chắn giải quyết những vướng mắc còn tồn đọng lại, sẵn sàng cho buổi họp báo buổi chiều ngày 4-10, giờ địa phương?
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, sự trì hoãn này được cho là xuất phát từ một yếu tố bất ngờ vào phút cuối, khi các thỏa thuận bên lề được công bố, nhà đàm phán các nước đã không muốn nhượng bộ cho những phát sinnh.
Có thể đã xảy ra tình huống: một vài thỏa thuận song phương, hay đa phương giữa một vài nước trong nhóm đàm phán đã không được thông báo cho tất cả thành viên.
Đây cũng là sự việc đã xảy ra tại vòng đàm phán ở Maui hồi tháng 7-2015 khi Hoa Kỳ và Nhật Bản có thỏa thuận song phương với nhau về vấn đề xe hơi nhưng cả Mexico và Canada đã không được thông báo và cuối cùng không đồng ý. Những phát sinh xuất hiện ngay thời điểm các nước ngồi lại với nhau để thống nhất tuyên bố chung đã làm cho các cuộc họp báo lần lượt bị dời lại.
Trong vấn đề sữa, vướng mắc ở việc mở cửa thị trường của Canada, hay New Zealand phút cuối tiếp tục đòi tiếp cận thị trường sâu hơn ở một số quốc gia dù hiện nay nước này chiếm 17% thị trường toàn cầu. Sữa đã là một vấn đề lớn với Canada, New Zealand, Mỹ, Nhật Bản ... 90% thị trường Canada hiện nay do các nông dân, doanh nghiệp nội địa chi phối, điều này vừa đảm bảo thu nhập cho người nông dân trong nước nhưng đang khiến giá sữa nội địa bị thao túng ở mức cao.
Một bất đồng nữa tưởng chừng như được thu hẹp ngày hôm trước là thời gian bảo hộ bản quyền các sản phẩm sinh học, thế nhưng cả Úc, Peru, Chile, Malaysia, New Zealand và Brunei tiếp tục phản đối nỗ lực của Hoa Kỳ muốn áp đặt khung thời gian giữ bảo hộ độc quyền 8 năm.
Các nước này cho rằng thời gian giữ độc quyền 5 năm là hợp lý đối với các chế phẩm sinh học. Đây chính là khó khăn lớn nhất của TPP bởi thực tế hiện nay Luật của Úc đang áp dụng bảo hộ 5 bản quyền năm nhằm đưa giá thuốc xuống nhanh, trong khi luật ở Nhật Bản và Canada là 8 năm riêng Hoa Kỳ là 12 năm.
Doanh thu hàng năm từ thị trường dược hơn 200 tỷ USD, và một nửa trong số đó là của các sản phẩm sinh học thế hệ mới. Chế phẩm sinh học đáp ứng nhu cầu điều trị ở những lĩnh vực mà các thuốc hóa dược không có hoặc ít có tác dụng và điều đặc biệt là các chế phẩm sinh học thường rất đắt.
Nhiều công ty công nghệ cao có tiếng nói bày tỏ quan điểm họ mức độ ủng hộ TPP tùy thuộc vào thời gian bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm sinh dược. Phía Hoa Kỳ cũng cho rằng việc bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ thời gian 12 năm cho phép các công ty dược phẩm có đủ chi phí đầu tư, khuyến khích sáng tạo không ngừng trong việc đưa ra sản phẩm mới ra thị trường.
N. BÌNH - TRẦN PHƯƠNG - NGUYỆT PHƯƠNG


TTP: GÓC NHÌN "TỈNH TÁO" CHO VIỆT NAM TỪ CHUYÊN GIA QUỐC TẾ

Bài pv của HOÀNG HƯỜNG/ TVN 7/10/2015

TPP, kinh tế, phát triển, nông sản
TS. Andrew Wells-Dang. Ảnh: Oxfam
Nếu một công ty VN muốn xuất khẩu dược phẩm mới đến Mỹ, họ phải xin giấy phép của Chính phủ Mỹ, và nếu vượt qua rào cản này, chắc các công ty Mỹ sẽ kêu là “bán phá giá”, trong khi kinh tế Việt Nam phải mở toàn bộ cho hàng hóa nhập ngoại.
LTS: Đàm phán Hiệp định hợp tác Thương mại Thái Bình Dương TPP vừa kết thúc. Đây sẽ là dấu mốc lịch sử mới cho hoạt động thương mại toàn cầu, đồng thời mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Phóng viên Tuần Việt Nam trò chuyện với TS. Andrew Wells-Dang, hiện là cố vấn cấp cao của Tổ chức Oxfam Việt Nam.
TPP sẽ mở rộng quyền lực độc quyền
Hoàng Hường: Đàm phán TPP vừa diễn ra khá căng thẳng thẳng tại Mỹ, từ những thông tin mới nhất, ông nhận định những tình huống mà VN sẽ đón nhận là gì?
Ông Andrew Wells-Dang:Hôm qua 12 quốc gia đã kết thúc đàm phán TPP, tuy nhiên hiệp định chưa thông qua. Các Quốc hội của 12 nước sẽ xem xét trong 3 tháng tới. Khả năng thông qua là lớn, đặc biệt vì Quốc hội Hoa Kỳ không có quyền sửa đổi nội dung, tuy nhiên chưa chắc chắn.
Một điểm quan trọng là sau khi hoàn tất đàm phán, các nước sẽ công bố nội dung của hiệp định. Đến giờ nội dung của TPP vẫn còn là bí mật nên chúng ta chưa biết chi tiết của 29 trong 30 chương. Chắc các chuyên gia kinh tế ở Việt Nam và các nước khác sẽ phải đọc bản văn rất kỹ trước khi các đại biểu Quốc hội quyết định có thông qua hay không.
***
TPP, kinh tế, phát triển, nông sản

Mặt hàng nông sản và nông dân cần được quan tâm nhất khi VN vào TPP.Ảnh: Hoàng Hường
Khi tham gia FTA nói chung và TPP nói riêng, Việt Nam sẽ phải mở cửa nhanh và mạnh thị trường nội địa của mình cho hàng hóa, dịch vụ từ các nước đối tác. VN sẽ được/mất gì từ việc mở cửa này?
Tính chất của TPP không phải là FTA. Theo các nhà kinh tế Mỹ như Paul Krugman và Joseph Stiglitz, hầu hết các lợi ích từ tăng cường thương mại và giảm thuế quan đã được hiện thực hóa qua WTO và bình thường hóa quan hệ thương mại rồi. Thay vì hiệp định thương mại tự do, TPP là hiệp định đầu tư quan tâm đến việc chiếm các thị trường đầu tư mới và bảo vệ sở hữu trí tuệ: “Nỗ lực của các doanh nghiệp lớn của Mỹ là để nhằm bảo vệ các khoản đầu tư quốc tế, bằng sáng chế và bản quyền của họ” (John Cassidy, The New Yorker, 16/6/2015*).
Như thế, Việt Nam và các nước đang phát triển khác sẽ phải mở cửa thị trường nội địa của mình trong khi các nước giàu vẫn có cách bảo hộ thị trường của họ (qua các “rào cản kỹ thuật”). Ví dụ đối với ngành y tế  – một trong các lĩnh vực được đàm phán nhiều nhất – TPP sẽ mở rộng quyền lực độc quyền và hạn chế cạnh tranh, đặc biệt về tiếp cận với dược phẩm.
Các công ty dược phẩm tư nhân được phép bán “sở hữu trí tuệ” của họ với giá cao trong thời gian từ 5-8 năm trước khi các nước khác được phép sản xuất dược phẩm cùng chủng loại với giá rẻ hơn. Nhưng nếu một công ty Việt Nam muốn xuất khẩu dược phẩm mới đến Mỹ, họ phải xin giấy phép của Chính phủ Mỹ, và nếu vượt qua rào cản này, chắc các công ty Mỹ sẽ kêu là “bán phá giá”. Đấy là cách các nước giàu bảo vệ thị trường của họ, trong khi kinh tế Việt Nam phải mở toàn bộ cho hàng hóa nhập ngoại (1).
Sản phẩm VN cần chú trọng nhất khi vào TPP
Đàm phán TPP, các quốc gia bạn ra sức bảo vệ sản phẩm chủ chốt, Mỹ là dược phẩm, Nhật là ô tô và nông sản, NZ là sữa... Đâu là sản phẩm VN cần phải tích cực bảo vệ? Hoặc là điểm nào VN cần tích cực thay đổi nhất khi tham gia vào cuộc chơi này?
Chắc chắn là ngành nông nghiệp – cơ sở của sinh kế ở các vùng nông thôn và ngành chiến lược trong phát triển bình đẳng. Trong một số lĩnh vực như chăn nuôi, các chuyên gia thấy giá cả ở Việt Nam cao hơn một số đói tác khác như Mỹ, New Zealand. Không chỉ nên hỏi tại sao giá Việt Nam cao mà còn nên hỏi tại sao giá nước ngoài lại rẻ như thế?
Theo TPP, Việt Nam sẽ phải nhận các sản phẩm như thịt gà nhập ngoại có giá rẻ vì sản xuất công nghiệp kiểu mấy nghìn con gà trong một trại, dùng quá nhiều hormones, hóa chất, nuôi bằng ngô biến đổi gen, sử dụng thuốc trừ sâu như glyphosate và thành phần của Chất độc màu da cam (đều do Tập đòan Monsanto sản xuất).
Phần lớn người dân ở Mỹ và Châu Âu không chấp nhận sản phẩm nông nghiệp như thế nên các tập đoàn muốn xuất khẩu đến các nước nghèo hơn. Chưa kể là các chi phí vận chuyển và tác động môi trường, khí hậu vẫn chưa được tính đến.
Vậy trong cuộc chơi này, nhóm đối tượng nào được lợi/tổn thương nhất? Cần chuẩn bị cho họ những gì, thưa ông?
Lợi ích và chi phí của TPP nên tính ở cấp ngành kinh tế, chứ không phải là cấp quốc gia. TPP được thiết kế để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp tại các quốc gia giàu có như Mỹ, Úc, Nhật Bản. Còn ở các nước khác tham gia TPP, một số ngành kinh tế sẽ được lợi, một số ngành khác thì không, và người lao động và nông dân sẽ mất nhiều nhất.
Theo Oxfam (2), các hiệp định đầu tư quốc tế chỉ có thể phát huy tăng trường, giảm nghèo nếu cân nhắc đến lợi ích của người nghèo, nông dân. TPP không theo định hướng lấy giảm nghèo và giảm bất bất bình đẳng là trung tâm, mà tập trung quá nhiều về lợi ích của doanh nghiệp.
Các cơ quan nhà nước nên ưu tiên lợi ích của nhà sản xuất địa phương, quy mô nhỏ, không nên ủng hộ các tập đoàn quốc tế. Như thế mới được gọi là cạnh tranh lành mạnh. Trong thị trường tự do, các tập đoàn vẫn có thể hoạt động, tại sao họ lại cần có hiệp định quốc tế đặc biệt để bảo vệ lợi ích của riêng họ?
Mảng dịch vụ bị coi là điểm yếu của VN, sắp tới, VN nên giải quyết vấn đề này thế nào?
Các doanh nghiệp Việt Nam không nên cạnh tranh về kỹ thuật công nghiệp, vì các đối tác khác luôn sẽ mạnh hơn. Thay vào đó, kinh tế Việt Nam nên cạnh tranh về chất lượng: phát huy thương hiệu, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, và đồng thời bảo vệ sức khỏe và môi trường.
Có rất nhiều ngành kinh tế không xuất nhập khẩu được, cả dịch vụ và hàng hóa.  Ví dụ, phần lớn thị trường thịt gà nội địa vẫn sẽ là gà nuôi bởi các nông hộ như gà ta, thịt gà không qua đông lạnh. Và ngày càng có nhiều người thấy rau hữu cơ thơm ngon hơn rau sản xuất với phân bón hóa học. Như vậy không cần bảo vệ sản phẩm Việt Nam bằng thuế quan nữa.
Các công ty và Chính nên nên phát động chiến dịch “mua nông phẩm Việt Nam” và minh bạch thông tin về thành phần và nguồn gốc của các sản phẩm nông nghiệp. Phát triển kinh tế như vậy sẽ là ổn định, bền vững hơn.
Theo nghiên cứu mới của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Việt Nam cũng nên “xây dựng cơ chế cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp… liên kết với người nông dân” và “đảm bảo hiệp hội phải có đại diện đầy đủ của doanh nghiệp tư nhân, chính quyền địa phương và nông dân…”
Hơn nữa, nhà nước có vai trò quan trọng là quản lý cạnh tranh để tránh bất cứ độc quyền nào trong ngành hàng hóa, dịch vụ.
Hoàng Hường(Thực hiện)
-----------------
1) R.I.P., Free-Trade Treaties?, John Cassidy, The New Yorker, 16/6/2015.
2) Fast Track and TPP Bad for Development, Oxfamamerica.org.

BÀ PHẠM CHI LAN: TPP SẼ GẶP PHẢI SỰ CHỐNG ĐỐI CỦA CÁC NHÓM LỢI ÍCH Ở VN
Bài của KHÁNH AN/ VOA/BVN 8/10/2015

clip_image002
Người lao động làm việc tại một xưởng may ở ngoại ô Hà Nội. Nhiều nhà sản xuất nổi tiếng như Lever Style, có nhiều thân chủ có uy tín như nhãn hiệu Hugo Boss và J. Crew đã bắt đầu chuyển khâu sản xuất của họ từ miền Nam Trung Quốc sang Việt Nam trong mấy năm gần đây.
VOA: Thưa bà Phạm Chi Lan, khi TPP thành công, bà có nghĩ rằng Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất không? Tại sao? 
Bà Phạm Chi Lan: Khi người ta nói Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất là do người ta dựa trên một vài nghiên cứu được công bố của các chuyên gia, chủ yếu là ở Hoa Kỳ, nói rằng khi tham gia TPP thì các nước thành viên đều có thể có sự tăng trưởng về xuất khẩu, về GDP… Khi so sánh với mức độ hiện nay, Việt Nam có thể có tỉ lệ tăng trưởng cao nhất. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu chỉ nhìn tỉ lệ tăng trưởng cao mà đánh giá Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất thì không đúng, không xác đáng. 
Việt Nam có được tỉ lệ cao chủ yếu là bởi vì Việt Nam có điểm xuất phát thấp. Ví dụ như GDP của Việt Nam hiện nay là quy mô nhỏ nhất, tính theo bình quân đầu người, trong 12 nước thành viên TPP. Cho nên Việt Nam có thể có tốc độ tăng cao so với chính mình, nhưng ngay cả có tăng với tốc độ cao thì khoảng cách giữa Việt Nam và các nước thành viên khác của TPP vẫn còn rất lớn. Mỗi 1% tăng trưởng của Việt Nam là rất nhỏ so với các nước thành viên TPP khác.
Khi người ta nói Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất là do người ta dựa trên một vài nghiên cứu được công bố của các chuyên gia, chủ yếu là ở Hoa Kỳ…Khi so sánh với mức độ hiện nay, Việt Nam có thể có tỉ lệ tăng trưởng cao nhất. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu chỉ nhìn tỉ lệ tăng trưởng cao mà đánh giá Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất thì không đúng, không xác đáng.
Bà Phạm Chi Lan, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Việt Nam, nói.
Cho nên tôi cho rằng khi nói Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất thì cần phải nói rõ là ‘nếu so sánh về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhất’ và cần phải nói thêm một vế nữa là ‘do Việt Nam có điểm xuất phát thấp nhất trong các nước thành viên TPP’ để tránh ngộ nhận là vào TPP, Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất.
VOA: Ngoài cái lợi như cơ hội về kinh tế, FDI đổ vào nhiều hơn, có luồng dư luận nói rằng nguy cơ ‘chết’ của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào TPP là có?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam vượt lên là hoàn toàn có. Nhưng có vượt lên được hay không và ai thắng, ai thua thì nó phụ thuộc rất lớn vào năng lực bản thân các doanh nghiệp Việt Nam.
Một khía cạnh khác nữa mà tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm là đối với đông đảo doanh nghiệp Việt Nam, cơ hội thắng thua còn phụ thuộc vào một phần không kém quan trọng là môi trường kinh doanh mà họ đang có ở đất nước Việt Nam. Điều tôi lo ngại là môi trường kinh doanh ở Việt Nam chưa tốt.
Một điều rất rõ từ trước tới nay là Việt Nam luôn luôn có một hệ thống chính sách, trong đó ưu tiên số 1 dành cho các doanh nghiệp nhà nước, thứ 2 là cho các doanh nghiệp nước ngoài, còn các doanh nghiệp trong nước thì chịu thiệt thòi về nhiều mặt. Bao nhiêu năm chính phủ Việt Nam năm nào cũng cam kết và đưa ra chính sách gọi là ‘tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp’, nhưng năm nào cũng phải nhắc đến ‘tháo gỡ khó khăn’, có nghĩa là những khó khăn đó về môi trường kinh doanh vẫn còn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. 
Những khó khăn về môi trường kinh doanh thì tự thân từng doanh nghiệp không làm được. Nó phụ thuộc vào nỗ lực của Việt Nam trong cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh tốt đẹp, thuận lợi và công bằng với các doanh nghiệp. Thành ra tôi lo cho doanh nghiệp Việt Nam là ở cái vế môi trường kinh doanh ở Việt Nam chưa thay đổi được như mong muốn. Do đó, nó gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam vốn dĩ đã tương đối yếu trong tương quan so sánh với các doanh nghiệp nước ngoài. Điều đó có thể làm cho một số doanh nghiệp Việt Nam không những không nắm được cơ hội mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác, mà họ lại chịu sức ép ngay trên ‘sân nhà’, tức là ngay ở thị trường Việt Nam.
VOA: Bà có nhắc đến vấn đề cải cách, theo bà, khả năng ràng buộc của TPP đối với vấn đề cải cách ở Việt Nam là như thế nào?
Bà Phạm Chi Lan: Đối với tôi, điều số một ý nghĩa của TPP đối với Việt Nam là chuyện cải cách thể chế. Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức rất lớn cho Việt Nam. Nói chung ai cũng biết TPP yêu cầu về nhiều mặt chứ không phải chỉ thương mại. Nó đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi khá nhiều các điều luật, quy định, chính sách hiện có trong nước. Thay đổi này cũng là nhu cầu tự thân của nền kinh tế Việt Nam. Cho nên đối với Việt Nam, TPP là cơ hội đầy ý nghĩa là nó đặt ra cho Việt Nam thêm yêu cầu về cải cách thể chế, không chỉ là làm cho thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam theo cách thị trường Việt Nam, mà nó đòi hỏi Việt Nam phải theo chuẩn mực chung của kinh tế thị trường theo quan niệm như các nước thành viên khác của TPP hiểu và đã đưa vào cam kết của hiệp định. Tôi cho đó là thuận lợi.
Nhưng thách thức nằm ở chỗ những điều kiện đó là những điều kiện rất khó đối với Việt Nam. Cải cách để có được thể chế kinh tế thị trường đầy đủ được nhiều chuyên gia coi là một cuộc đổi mới lần 2 mà Việt Nam cần tiến hành. Tuy nhiên, cuộc đổi mới lần 2 này muốn tiến hành hoàn toàn không dễ dàng vì nói gặp phải hàng loạt rào cản các mặt, kể cả tư duy, nhận thức của những người quyết định chính sách hoặc quyết định khuôn khổ luật pháp ở Việt Nam, đặc biệt có sự trở ngại của các nhóm lợi ích ở Việt Nam.
Trước đây khi Việt Nam bắt đầu cải cách cách đây 30 năm thì đổi mới đạt được sự đồng thuận cao bởi vì tất cả mọi người đều có thể được hưởng lợi từ sự đổi mới. Nhưng bây giờ, khi Việt Nam cải cách sang một hệ thống thị trường đầy đủ hơn, minh bạch hơn thì lợi ích của một số nhóm lợi ích hiện nay sẽ bị ảnh hưởng. Cho nên họ sẽ chống lại chứ không dễ dàng chấp thuận việc cải cách vì lợi ích chung của cả nền kinh tế hay vì lợi ích của đông đảo người dân.
Thực tế trong thời gian vừa qua, ngay cả các vị lãnh đạo cao nhất cũng thừa nhận tình trạng ở Việt Nam có các nhóm lợi ích nổi lên và nó trở thành một trở ngại cho phát triển. Thế thì Việt Nam phải vượt qua những lợi ích đó thôi chứ không có cách nào khác.
Chuyên gia nghiên cứu kinh tế Việt Nam Phạm Chi Lan nói.
VOA: Bà vừa nói đến các nhóm lợi ích ở Việt Nam, nhiều người xem TPP là một sân chơi mà Việt Nam mới gia nhập, bà dự đoán lối chơi của Việt Nam sẽ như thế nào trong điều kiện mà đội chơi của Việt Nam như bà nói là sẽ có sự phản kháng từ phía các nhóm lợi ích?
Bà Phạm Chi Lan: Mong muốn cải cách ở các nước, nhìn chung, là để cho đông đảo người dân được hưởng lợi. Tuy nhiên thế nào cũng có những nhóm nhất định bị tác động tiêu cực, họ bị ảnh hưởng, họ coi là họ bị thua thiệt trong cải cách. Nhưng như vậy là buộc phải đặt lợi ích của đông đảo người dân lên trên, lợi ích của toàn thể nền kinh tế lên trên để thực hiện được cải cách. Việt Nam cũng không loại trừ khỏi quy luật đó. Thực tế trong thời gian vừa qua, ngay cả các vị lãnh đạo cao nhất cũng thừa nhận tình trạng ở Việt Nam có các nhóm lợi ích nổi lên và nó trở thành một trở ngại cho phát triển. Thế thì Việt Nam phải vượt qua những lợi ích đó thôi chứ không có cách nào khác. Nếu không vượt qua được thì chính Việt Nam không phát triển nổi chứ chưa nói đến chuyện tham gia TPP một cách đầy đủ hơn.
VOA: Vâng. Người ta nói Hoa Kỳ dùng TPP như là một cách để ‘xoay trục về châu Á’, ‘đối trọng kinh tế với Trung Quốc’. Thế thì Việt Nam ở giữa 2 cường quốc lớn, theo bà, đường lối khôn ngoan của Việt Nam nên thực hiện là như thế nào?
Bà Phạm Chi Lan: Việt Nam với tư cách là một nước nhỏ, trong quan hệ với các nước lớn thì luôn luôn phải coi trọng quan hệ với từng nước lớn một, cố gắng làm sao để giữ quan hệ hòa hiếu, tốt đẹp với họ. Đồng thời, Việt Nam cũng rất cần phải quan sát các nước lớn đang quan hệ với nhau như thế nào, đang chơi với nhau như thế nào, để giữ quan hệ của mình hợp lý hơn. Việt Nam không chỉ có TPP, trước khi kết thúc việc đàm phán TPP, Việt Nam đã kết thúc được đàm phán FTA với Liên minh Châu Âu, với Nga. Đấy cũng là những đối tác chiến lược vô cùng quan trọng của Việt Nam. Ở đây, sự khôn ngoan của Việt Nam là biết chơi với nhiều nước khác nhau để tạo cho mình một vị thế tốt trong quan hệ với các nước lớn trên thế giới.
VOA: Vâng. Cám ơn bà Phạm Chi Lan đã dành thời gian cho đài VOA.
K.A.- P.CL.
Chuyên gia nghiên cứu kinh tế Việt Nam Phạm Chi Lan cho rằng Hiệp định TPP (Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương) vừa đạt được giữa 12 quốc gia đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện ‘cuộc cải cách lần 2’, và theo bà, cuộc cải cách lần này chắc chắn sẽ gặp phải sự chống đối từ các nhóm lợi ích, buộc Việt Nam phải cân nhắc giữa lợi ích của các nhóm này với lợi ích của đông đảo người dân. Mời quý vị theo dõi chi tiết trong cuộc phỏng vấn sau đây giữa Khánh An của Ban Việt ngữ đài VOA với bà Phạm Chi Lan, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét