Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2019

20190224. BÀN: KHI HIỆU TRƯỞNG KHÔNG CÒN LÀ CÔNG CHỨC

ĐIỂM BÁO MẠNG
HIỆU TRƯỞNG CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG CÔNG LẬP SẼ KHÔNG CÒN LÀ CÔNG CHỨC
BÙI NAM/ GDVN 18-2-2019
Theo quy định tại Điều 2, Nghị định 06/2010/NĐ-CP ngày 25/1/2010 của Chính phủ quy định những người là công chức nếu là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh, trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật, làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Nghị định này.
Theo đó, công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại khoản 1, khoản 4, khoản 5, Điều 11 Nghị định nêu trên như sau:
Đơn vị sự nghiệp công lập là các tổ chức được cơ quan có thẩm quyền của Đảng, cơ quan Nhà nước và tổ chức chính trị – xã hội thành lập và quản lý theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học, văn hóa, thể dục thể thao, du lịch, lao động – thương binh và xã hội, thông tin truyền thông và các lĩnh vực sự nghiệp khác được pháp luật quy định.

Từ 2020, Hiệu trưởng các trường phổ thông công lập sẽ không còn là công chức (Ảnh minh họa: vov.vn).
Vì vậy, hiệu trưởng nhà trường là công chức nếu nhà trường đó là đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động thuộc Tổng cục, Cục và tương đương trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; tỉnh ủy, thành ủy; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tổ chức chính trị – xã hội cấp tỉnh; huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh ủy; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Như vậy, có thể hiểu rằng, các hiệu trưởng tại các trường phổ thông công lập được nhà nước cấp kinh phí và thực hiện tự chủ theo Nghị định 43/NĐCP sẽ là công chức.
Nhưng, việc thực hiện chuyển xếp hiệu trưởng sang công chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện nhiệm vụ và chi trả chế độ.
Cụ thể, nếu chuyển xếp hiệu trưởng sang công chức thì hiệu trưởng chỉ hưởng phụ cấp chức vụ và phụ cấp công vụ 25% mà sẽ không được chế độ phụ cấp ưu đãi và phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Điều này rất thiệt thòi cho các hiệu trưởng, khi đó lương của hiệu trưởng tại các cơ sở giáo dục sẽ rất thấp so với giáo viên.
Trong khi đó, thực hiện thông tư 15/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông thì hiệu trưởng vẫn phải dạy 2 tiết/tuần.
Như vậy, hiệu trưởng vừa làm nhiệm vụ chuyên môn, vừa làm nhiệm vụ lãnh đạo nhưng xếp vào ngạch công chức và lương sẽ giảm xuống là một thiệt thòi rất lớn và nhiều hiệu trưởng sẽ từ chức để trở thành giáo viên.
Từ 2020, Hiệu trưởng sẽ là viên chức quản lý không còn là công chức
Nhận thấy bất cập trên nên Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến hoàn thiện và dự kiến trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến vào hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức và áp dụng từ ngày 01/01/2020.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 như sau:
“2. Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước”.
Điều này nhằm thể chế hóa chủ trương “không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị thực hiện phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước)” tại Nghị quyết 19/NQTW tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.
Dự kiến, Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.
Có nghĩa là khi đó hiệu trưởng các trường đơn vị sự nghiệp công lập sẽ không còn là công chức mà là viên chức quản lý, sẽ được hưởng các chế độ của viên chức.
Bên cạnh đó, từ năm 2020 viên chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm, hiệu trưởng được xếp ngạch viên chức là hoàn toàn phù hợp.
Khi đó bảng lương giáo viên, nhân viên của các trường học trong các đơn vị sự nghiệp công lập có 3 thang, bảng lương gồm bảng lương viên chức quản lý (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn), bảng lương chuyên môn của giáo viên đứng lớp và bảng lương của nhân viên (kế toán, văn thư, thư viện...).
BÙI NAM
HIỆU TRƯỞNG KHÔNG CÒN LÀ CÔNG CHỨC THÌ LÀM KHÔNG ĐƯỢC, CHO NGHỈ LUÔN
TRINH PHÚC/ GDVN 19-2-2019
Chiếu theo quy định trong dự thảo Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức mà Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến thì hiệu trưởng ở các trường phổ thông công lập không còn là công chức nữa.
Quy định mới này khiến nhiều người băn khoăn cho rằng, nếu hiệu trưởng không còn là công chức nữa thì những quyền hạn của hiệu trưởng có giảm bớt so với hiện nay không?
Hay khi hiệu trưởng không là công chức nữa thì có khích lệ, động viên được hiệu trưởng làm việc tốt hơn bây giờ?

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) ảnh nguồn giaoduc.net.vn.
Trước những ý kiến trên, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho biết, thầy rất hoan nghênh nội dung của dự thảo lần này.
Theo thầy Khang: “Việc hiệu trưởng không còn được xếp là công chức và được trả lương theo quy định: “Từ năm 2020 viên chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm” là điều tích cực.
Các trường công lập sẽ có 3 thang bảng lương khác nhau đó là: Bảng lương viên chức quản lý; Bảng lương giáo viên đứng lớp; Bảng lương nhân viên”.
Tâm sự thêm xung quanh vấn đề này, thầy Khang chia sẻ:
“Tháng 9/1996, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh (phụ trách khối Văn Xã) đến thăm trường Marie Curie, trường báo cáo cách thức trả lương của nhà trường.
Theo đó, trường trả lương vào việc mà không trả lương vào người. Nghĩa là đã có ba-rem tiền của các công việc, ai làm việc gì thì cộng tất cả tiền của các công việc đó lại thành lương.
Phó Thủ tướng nói: “Tuyệt vời, trường công cũng nên trả lương theo cách này!”.
Phân tích thêm về sự thay đổi và xu thế trong việc quản lý nhà trường phổ thông công lập hiện nay thầy Khang cho biết: “Nhà nước là chủ thể trường công, tất cả các thành viên (viên chức) hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên, nhân viên... đều được nhà nước “thuê” về làm việc cho trường.
Vì thế, ai làm được việc thì giữ, không làm được việc thì nghỉ... Hợp đồng lao động xác định rõ ràng quyền lợi và nghĩa vụ của chủ sử dụng lao động (Nhà nước) và người lao động”.
Cũng liên quan đến vấn đề này phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Vũ Đăng Minh, chánh văn phòng Bộ Nội vụ.
Ông Minh chia sẻ rằng, tới đây quy định công chức theo hướng chỉ áp dụng với các cơ quan hành chính nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ…còn lại các đơn vị sự nghiệp mang tính chất dịch vụ công thì sẽ là viên chức kể cả người đứng đầu.
Trường phổ thông bình thường hoàn toàn làm dịch vụ giáo dục nên hiệu trưởng không còn là công chức nữa mà là viên chức.
Cũng theo ông Minh:
“Mặc dù hiệu trưởng không là công chức nữa nhưng theo chức năng nhiệm vụ, tinh thần phân cấp thì hiệu trưởng vẫn nắm giữ vai trò quản lý.
Do chủ trương đẩy mạnh phân cấp, đi kèm với phân cấp là điều kiện nên tới đây còn giao quyền nhiều hơn cho hiệu trưởng.
Việc giao quyền tự chủ cho hiệu trưởng như trao quyền cho tướng quân tại ngoại.
Tức là tăng quyền tự chủ cho hiệu trưởng vì thế việc hiệu trưởng có là công chức hay viên chức thì không làm thay đổi vai trò chức năng của hiệu trưởng”.
Căn cứ vào bản giải trình của dự thảo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức thì quy định công chức bao gồm cả những người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập trên thực tế đã phát sinh một số vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Theo đó viên chức được bổ nhiệm vào bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập hầu hết không muốn chuyển sang giữ ngạch công chức.
Trong khi đó các trường hợp công chức được điều động sang làm lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập thì đương nhiên vẫn giữ ngạch công chức.
Điều này dẫn đến sự không thống nhất trong việc thực hiện chế độ, chính sách và áp dụng cơ chế quản lý đối với đối tượng này.
Đồng thời, việc quy định áp dụng Luật Cán bộ công chức đối với người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp cũng không phù hợp với thực tiễn và cơ chế hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là các quy định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đánh giá, thôi việc, kỷ luật đối với đội ngũ này.
Ngoài ra, để bảo đảm sự liên thông, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện giữa các quy định của Đảng và pháp luật trong công tác cán bộ, việc nghiên cứu, sử dụng thống nhất khái niệm cán bộ, công chức trong các văn bản của Đảng với quy định của Luật Cán bộ, công chức là cần thiết.
Vì thế trong dự thảo luật lần này đã quy định, Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện;
Trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng;
Trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Trinh Phúc
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
HIỆU TRƯỞNG CÓ THỂ MẤT ĐI VAI TRÒ ĐỨNG ĐẦU VÌ KHÔNG  LÀ CÔNG CHỨC

TRẦN PHƯƠNG / GDVN 23-2-2019

Theo quy định trong dự thảo Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức mà Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến thì hiệu trưởng ở các trường phổ thông công lập không còn là công chức nữa.
Quy định mới này khiến nhiều người băn khoăn cho rằng, nếu hiệu trưởng không còn là công chức nữa thì những quyền hạn của hiệu trưởng có giảm bớt so với hiện nay không?
Hay khi hiệu trưởng không là công chức nữa thì có khích lệ, động viên được hiệu trưởng làm việc tốt hơn bây giờ?
Trước những ý kiến trên, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Đinh Văn An, Hiệu trưởng Trường tiểu học Sủng Trái (Đồng Văn, Hà Giang) cho rằng:
“Theo ý kiến cá nhân của tôi, việc các nhà nghiên cứu dự thảo có lẽ cũng đã nghiên cứu kỹ và có thể sẽ có hướng tích cực. Tuy nhiên, với đặc thù hiện tại theo tôi còn có nhiều khó khăn ngay bước đầu áp dụng.
Nếu như hiện nay, hiệu trưởng không là công chức thì việc quản lý chung sẽ có nhiều khó khăn.
Một trong những công việc của Hiệu trưởng chính là quản lý và đánh giá cán bộ giáo viên.
Như vậy, nếu không còn là công chức, vai trò của người đứng đầu sẽ mờ nhạt. Việc quản lý các công việc chung sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bởi, theo quy định hiện hành, công việc của hiệu trưởng không bó hẹp mà nó còn nhiều công việc khác nhau trong đó phải chịu trách nhiệm cho chất lượng dạy và học của trường, phụ trách địa bàn của cả một cấp xã (đối với các trường phổ thông cơ sở, tiểu học)…”.
Trước ý kiến cho rằng vẫn có nhiều Hiệu trưởng có biểu hiện lộng quyền khi lạm dụng việc mình làm công chức để thực hiện các chức năng nhiệm vụ khác ngoài hiệu trưởng, thầy giáo Đinh Văn An:
“Hiện nay cơ chế dân chủ lấy phiếu tín nhiệm cũng đã và đang được thực hiện đầy đủ hàng năm. Đây cũng là hình thức đánh giá đầy đủ năng lực của Hiệu trưởng.
Nếu phát huy tốt cơ chế dân chủ tại cơ sở thì không có lý do gì chúng ta không làm tốt nhiệm vụ của Hiệu trưởng.
Bên cạnh đó cũng có rất nhiều tiêu chí để đánh giá năng lực làm việc của hiệu trưởng. Nếu làm tốt các tiêu chí thì sẽ không có việc bất cập về công chức hay viên chức”.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thuận, Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lũng Táo (Đồng Văn, Hà Giang) cho rằng còn có nhiều bất cập nhất là đối với giáo dục vùng sâu, vùng xa. 
Cũng tỏ ra băn khoăn trước ý kiến của dự thảo về việc hiệu trưởng không là công chức, thầy giáo Nguyễn Văn Thuận, Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lũng Táo (Đồng Văn, Hà Giang) cho rằng những quy định như vậy khi áp dụng vào thực tế có thể sẽ còn nhiều bất cập:
“Đặc thù công việc của Hiệu trưởng bao quát rất nhiều công việc khác nhau không chỉ là quản lý chất lượng giáo dục, nếu là viên chức, hiệu trưởng có thể chỉ thực hiện các công việc của một viên chức, ít chủ động sáng tạo trong quản lý các hoạt động của nhà trường”.
“Công việc của hiệu trưởng hiện nay là quản lý nhiều mặt khác nhau như xây dựng, tổ chức bộ máy nhà trường;
Xây dựng quy hoạch phát triển nhà trường…Quản lý nhân sự trong trường; Quản lý học sinh và các hoạt động của học sinh; Quản lý tài chính, tài sản của nhà trường…
Như vậy, nếu là viên chức, các quy định của hiệu trưởng sau này có quy định khác đi hay không?
Nếu giữ vững các quy định như hiện nay, cùng là viên chức như giáo viên, hiệu trưởng sẽ mất vai trò người đứng đầu.
Đối với trường công lập, hiện nay, việc quản lý tài sản của nhà trường là vai trò của hiệu trưởng, trách nhiệm của công chức sẽ rất quan trọng.
Nếu là viên chức, việc quản lý tài sản của nhà nước trong trường có đảm bảo các quy định hiện hành hay không?
Bên cạnh đó, ở các trường vùng sâu vùng xa sẽ rất khó khăn bởi, nếu là công chức, có biên chế, theo lệnh điều động họ phải đi.
Còn khi bỏ biên chế, sẽ khó có giáo viên nào tình nguyện đi đến các điểm trường vùng khó khăn”. Thầy Thuận cho biết.
Bên cạnh đó, cũng theo thầy Thuận nếu thực hiện việc hiệu trưởng không là công chức thì cũng cần phải có những quy định cụ thể về chức danh, nhiệm vụ, bổ sung những chính sách để đảm bảo quyền lợi cũng như công việc cụ thể của hiệu trưởng để đảm bảo công việc quản lý.
Đồng thời, thầy Thuận cũng tỏ ra băn khoăn, nếu quy định hiệu trưởng không còn là công chức viên chức thì các quy định về công việc của hiệu trưởng cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, như vậy mới đảm bảo quyền lợi và tạo động lực cho hiệu trưởng làm việc, thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo tại cơ sở.
Trần Phương
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét