Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

20190219. BỨC XÚC VỚI QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG DU LỊCH TÂM LINH

ĐIỂM BÁO MẠNG
XÂY CHÙA GẮN ĐỦ MỌI KỶ LỤC, NHƯNG CHUYỆN TIỀN NONG LẠI TÙ MÙ

LÊ TÙNG DƯƠNG/ GDVN 18-2-2019

Hàng năm, chùa Bái Đính thu hút rất nhiều khách du lịch. Ảnh: Tùng Dương.

Hiện nay, khá nhiều doanh nghiệp đang đổ xô vào xây chùa với quy mô lớn, diện tích lên đến hàng nghìn héc-ta. Và, chùa xây sau luôn cố gắng làm to hơn chùa trước.
Họ nhìn thấy lợi nhuận từ việc kinh doanh tâm linh nhiều hơn là lễ phật, điều đó đi ngược lại truyền thống của người Việt và giáo lí nhà Phật.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, kiêm viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam, cho biết: “Trước kia xây chùa là thể hiện đất nước hưng thịnh, nhưng bây giờ xây chùa bây giờ không chỉ là nơi thờ phật mà nó gắn liền với du lịch.
Nói chính xác nếu làm khu du lịch đơn thuần thì khó thu hút khách cho nên người ta xây thêm vào khu du lịch đó một ngôi chùa, quàng vấn đề tâm linh vào đó để dễ thu hút khách.
Những dự án đó đón đầu cho một trào lưu mới đang rất phát triển, du lịch tâm linh, một lĩnh vực kinh doanh siêu lợi nhuận.
Du lịch tâm linh đã và đang phát triển rất mạnh, một phần vì cuộc sống phát triển, càng nhiều biến đổi, càng nhiều bất an trong cuộc sống nên người dân lo sợ.
Ra đường thì lo bị tai nạn giao thông, đi xe thì sợ xe lật, đang ngủ thì xe ô tô cũng lao vào tận nhà, công nhân lo mất việc làm...
Tất cả những vấn đề đó tạo nên một xã hội bất an, người dân đành phải bấu víu vào thánh thần, đức phật để cầu mong bình an cho người thân và gia đình. Chính vì thế mà hiện tượng xây chùa như hiện nay sẽ còn phát triển rất mạnh trong tương lai, rồi tiếp đến sẽ xây đền, xây nhà thờ, xây miếu…”.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Ảnh: Tùng Dương.
Chùa giờ đây là hạt nhân chính quyết định sự sống còn của các khu du lịch mà cụ thể là chùa Bái Đính, khu du lịch Tràng An, chùa Tam Chúc… là một ví dụ thực tế.
Các nhà đầu tư đã tỏ ra khôn khéo khi gắn yếu tố tâm linh vào việc khai thác du lịch, đồng thời đi kèm là một loạt các dịch vụ khác như coi xe, cho thuê chỗ bán hàng, cho thuê xe điện... rất nhiều các dịch vụ siêu lợi nhuận.
Rồi bằng cách nào đó, người ta rỉ tai nhau rằng “khu chùa đó thiêng lắm” để gieo lòng tin, để có thêm nhiều du khách tìm tới.
Nhiều người tin rằng nên đến đó một lần trong đời để cầu cho bản thân và gia đình, thậm chí có người tự huyễn hoặc rằng đã đến xin rồi thì nên đến lễ tạ, cũng vì thế những khu du lịch đó ngày càng đông khách.
Thậm chí đã có những nơi khách phải trả tiền vé mới được vào thăm chùa và một loạt những chi phí dịch vụ khác, nhưng họ vẫn vui vẻ chấp nhận vì tin rằng khi cầu xin thì thần linh sẽ chấp nhận, sẽ phù hộ cho họ.
Theo truyền thống thì những ngôi chùa ở Việt nam đều có niên đại và bề dày văn hóa gắn liền với sự tích và tín ngưỡng khác hẳn với những ngôi chùa mới chỉ được cái to xác và chỉ là điểm nhấn cho quần thể du lịch với mục đính chính kiếm tiền.
Ngôi chùa xây trước với kỷ lục nhất Đông Nam Á thì ngôi chùa xây sau phải "nhất thế giới". Họ cố tạo ra những cái nhất để gây tâm lý tò mò, dụ khách đến để mà thu tiền, nhưng điều cốt lõi là lịch sử và truyền thống của những ngôi chùa đó thì không có.
Lý giải về việc xây chùa gắn với những kỷ lục, Tiến sĩ Sơn nhận định: “Đã là khu du lịch thì chủ đầu tư rất cần thương hiệu, họ xây thật to, cố lấy một cái nhất để làm thương hiệu.
Họ đánh vào tâm lý người dân sẽ đến xem cái nhất đó là gì và mỗi người chỉ đến 1 lần thôi đã đủ cho chủ đầu tư thu lãi rồi. Bài toán kinh tế là như vậy.
Vấn đề nữa là đạo Phật gắn liền với con người Việt Nam từ bao đời nay và bất cứ trong triều đại nào cũng được ủng hộ, vì giáo lý hướng thiện và quan trọng nhất là rất trung thành với truyền thống dân tộc”.
Vấn đề hiện nay là chúng ta phải xem lại luật về đầu tư và tích tụ ruộng đất, xem luật có cấm không và tích tụ ruộng đất nhiều như vậy thì phải thỏa mãn yêu cầu gì trong luật?
Để tránh những tiền lệ không đáng có về sau, phải gấp rút hoàn thiện luật, đặc biệt là tích tụ ruộng đất để làm du lịch núp bóng tâm linh.
Đã là chùa cổ thì chất thiêng, không gian thiêng của ngôi chùa đó không có gì thay thế được, chúng ta phải khẳng định như vậy, lịch sử càng dày thì không gian thiêng càng nhiều và đã là di tích thì phải có bề dày lịch sử.
Không thể vừa xây một ngôi chùa mới mà lại nói đây là di tích, điều đó hoàn toàn sai vì ngôi chùa mới đó không có bề dày lịch sử.

Chùa Tam Chúc chỉ rộng 144 héc-ta, trong khi đó diện tích đất được giao lên tới 5.100 héc-ta. Ảnh: TTXVN.
Từ đầu thế kỷ 21 xuất hiện một xu hướng mới về di tích: 
Thứ nhất nếu gọi là chùa cổ thì phải bóc tách rất nhiều lớp thời gian, có lớp cổ, có lớp vừa vừa và có lớp thì mới gần đây. Những lớp đó chồng xếp lên nhau tạo nên bề dày văn hóa.
Thứ hai là có xu hướng làm mới hoàn toàn và muốn để làm cho ngôi chùa mới đó có không gian thiêng, họ đặt vào đó xá lị phật.
Chùa này thỉnh từ Myanma về đặt vào thì chùa khác lại thỉnh từ Tây Tạng, có chùa lại cung thỉnh từ Sirilanka và có chùa lại thỉnh cây từ Ấn Độ.
Chùa Tam Chúc lại mua cả thiên thạch từ mặt trăng về để trưng bày tại chùa chắc cũng không nằm ngoài mục đích tạo khác biệt để thu hút du khách đến chùa, chứ thiên thạch và chùa Việt là hai phạm trù chẳng hề liên quan.
Họ cố tạo ra một ma trận để mê dụ phật tử bằng những cái nhất như vậy, nhưng cùng chung một mục đích thu lợi từ khách hành hương, trong số ấy có nhiều người đi theo phong trào chứ thực chất không có hiểu biết gì.
“Ta phải nhìn nhận thực tế hiện nay thì thu tiền không phải là xấu, nhưng người thu phải đóng thuế minh bạch, công khai, đúng mức phải đóng đó mới là điều quan trọng.
Trong một xã hội cơ chế thị trường thì cái gì cũng mất phí, cái gì cũng thu tiền. Nếu như nhà đầu tư nói không thu tiền là không đúng, ít nhiều cũng có thu tiền.
Trong quản lí lễ hội, nếu dùng tư thương mại hóa lễ hội thì bị xã hội lên án, nhưng đã là lễ hội là có dịch vụ. Chúng ta phải để cho nó vận hành theo đúng quy luật”, Tiến sĩ Sơn nói.
Đã là dịch vụ thì xã hội phải chấp nhận nó trở thành thương mại hóa nhưng không được phép quá đà như bóp nghẹt, ép dùng, chặt chém... và đặc biệt không thể để tình trạng bán vé vào chùa lễ phật. Đó mới là vấn đề cần lên án.

Chùa Ngọc trong quần thể chùa Tam Chúc. Ảnh: TTXVN.

Về vấn đề thu tiền vé vào chùa, ông Sơn nêu quan điểm:
“Thu vé là cái nhìn gần của nhà quảng lí, nếu tiền thu qua vé chỉ một trong khi người ta có thể thu được gấp nhiều lần ở các dịch vụ khác.
Thu vé vào chùa để lễ phật là hành vi phản cảm, trái với phong tục của người Việt Nam từ hàng nghìn năm nay, nó gây một làn sóng bức xúc trong dư luận. Đức phật là của nhân gian, của vũ trụ bao la chứ đâu phải của riêng của chủ đầu tư?
Đơn cử hiện nay có rất nhiều ngôi chùa mới, họ thổi phồng chất thiêng của chùa đó lên làm cho các phật tử đua nhau công đức, đó cũng là một nguồn lợi không nhỏ”.
Vấn đề ở đây là có nên thu vé vào chùa lễ phật? Đã là di tích, danh thắng thì phải theo quy định thu phí và lệ phí được hội đồng nhân dân thông qua và phê duyệt mức thu.
Vây dư luận cần câu trả lời những ngôi chùa như Bái Đính, Tam Chúc… có làm theo luật hay không?
Mức thu vé là bao nhiêu, vào những ngày lễ, tết cao điểm mức vé này và các khoảng dịch vụ có bị phụ thu hay không?
Trong luật di sản thì chùa hoặc di tích đó phải được trùng tu bằng nguồn thu này, chứ không phải để chia nhau hưởng lợi.

Hiện nay có rất nhiều ngôi chùa mới được thổi phồng chất thiêng làm cho các phật tử đua nhau công đức. Ảnh: Tùng Dương.
Các công ty bình thường thì phải minh bạch tiền thu chi, rồi tính toán lợi nhuận, để đóng thuế.
Còn đầu tư vào chùa thì không kiểm toán nổi, ai mà biết được tiền cúng, tiền công đức thật là bao nhiêu? Mà chùa thì tất nhiên không phải đóng thuế.
Đầu tư vào chùa siêu lãi như thế, mà tiền ra vào lại tù mù, miễn thuế, khỏi thanh tra, kiểm toán, thì đây đúng là thiên đường trốn thuế.
Khi cuộc sống bị tác động từ cơ chế thị trường, nó xoay chuyển toàn bộ nên buộc chúng ta phải xây dựng luật theo lối ứng xử của những việc thu phí đó một cách nghiêm túc.
Ta cần xây dựng các thể chế, chính sách  kịp thời vì hiện nay đang bị chậm, vấn đề chậm nhất là thượng tầng kiến trúc về văn hóa. Ta nên có luật về xây chùa mới một cách cụ thể, chi tiết.
Ví dụ như Chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc là những chùa lớn, hoành tráng, chiếm một khoản quỹ đất nhiều ngàn héc-ta.
Kiến trúc chùa lai tạo của nhiều quốc gia không mang dáng dấp chùa Việt, bên trong thờ phụng theo phái tiểu thừa chứ không theo phái đại thừa của miền Bắc.
Tuy nhiên phần xây dựng chùa chỉ chiếm phần nhỏ, còn lại là các công trình dịch vụ khác như khách sạn, vui chơi, nhà ở...Vậy tính thuế những phần khác đó thế nào?
Cơ quan thuế nên tách 2 phần cho minh bạch, tránh tình trạng trốn thuế vì lấy lý do tâm linh!
Thực tế hiện nay chúng ta đang rất thiếu bệnh viện, trường học và những nơi rèn luyện thể chất, đó mới là những việc có ích cho tương lai của đất nước
Ta nên khuyến khích những việc đó, trả lại minh bạch về thuế cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Lê Tùng Dương


TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

'PHÚ QUÝ TRUNG BÌNH SINH LỄ NGHĨA TĂM TỐI'

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 18-2-2019

Hàng nghìn người tràn ra vỉa hè, lòng đường cúng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh. Ảnh: Tienphong.vn
Hàng năm, cứ mỗi dịp tết, hầu hết các trang báo lại tràn ngập thông tin giới thiệu các địa điểm cầu may, cầu duyên, giải hạn,…
Một số tờ báo “tự chủ tài chính” phải dựa vào tin hot, tin giật gân để thu hút người đọc bởi nhờ đó họ mới ký được nhiều hợp đồng quảng cáo.
Vấn đề là cả những báo được nhà nước cấp kinh phí cũng không bỏ qua, cũng tranh thủ “thị phần tâm linh” được đánh giá là “béo bở” này, vì sao vậy?
Có báo là cơ quan ngôn luận của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có bài: 
“Gợi ý 10 địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn nhất ở Thủ đô Hà Nội”. [1]
“Địa điểm đi lễ cầu may ngày đầu năm mới ở Hà Nội”. [2]
Là cơ quan ngôn luận của Ủy ban Nhân dân thành phố, việc quảng bá cho dân chúng chuyện “cầu may” nằm trong chủ trường của cơ quan quản lý hay chỉ là của một vài cá nhân?
Mới đây, báo Tienphong.vn đưa tin:
Anh P.D.H cho biết sau khi đi lễ Đền Bảo Hà, anh đã tự tay chọn cho mình 6 dãy số để cầu may, trong đó có dãy số 03 – 04 – 06 – 38 – 39 – 43 trúng thưởng Jackpot (trị giá 25 tỷ)”.
Cũng tờ báo trên trong bài: “Chùa Phúc Khánh tấp nập người đăng ký dâng sao giải hạn” viết: 
“Cũng như mọi năm, đại lễ dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội) luôn thu hút hàng nghìn người đến đăng ký, dâng lễ và cầu bình an tại chùa…
Các sao hạn được nhà chùa cẩn thận in màu nổi để du khách dễ phân biệt”.
Việc đưa tin “sau khi đi lễ Đền Bảo Hà” thì anh P.H.D trúng giải có phải chỉ là sự vô tình hay một cách ngầm quảng bá cho Đền Bảo Hà - và cũng là cho các địa điểm “Tâm linh” khác nhằm khuyến khích mọi người dành thời gian, tiền bạc đi lễ cầu may?
Bài viết “Thời của ngành “công nghiệp không khói” ” đưa ra một thông tin thú vị, nửa đầu năm 2018, “Tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng; doanh thu du lịch lữ hành đạt 23,1 nghìn tỷ đồng”. [3]
Trong khi nhiều ngành kinh doanh “có khói” như luyện kim, nhiệt điện,… làm ăn khó khăn thì hình như các nhà quản lý, đặc biệt là chính quyền địa phương quên mất một ngành kinh doanh “có khói” nghi ngút quanh năm mang lại lợi nhuận khủng là “kinh doanh tâm linh”.
Trong vòng 11 năm, từ 2002 đến 2013, đền ông Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) mỗi năm chỉ nộp về ngân sách khoảng 1,5 tỉ đồng, thì sau khi thay đổi quản lý, số tiền nộp ngân sách lên tới 11 tỉ/năm. [4]
Tại Hà Nội, “Mỗi mùa lễ hội chùa Hương ước tính số tiền giao dịch lên tới 700 tỷ đồng, tuy nhiên số tiền thu về cho ngân sách rất khiêm tốn: Trong đó tiền vé thắng cảnh 60 tỷ đồng, tiền cáp treo nộp ngân sách 20 tỷ đồng”. [5]
Dễ hiểu vì sao thời gian gần đây, tại nhiều làng, các miếu thờ, đình chùa cũ với diện tích chỉ chừng vài chục mét vuông đã được gắn biển di tích, được mở rộng gấp nhiều lần so với ban đầu.
Bên cạnh đó các đại gia xây dựng các quần thể chùa chiền với quy mô hoành tráng hàng nhìn héc ta, có nơi được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á. 
Để xây chùa với quy mô hàng trăm, thậm chí hàng nghìn héc ta đất, chỉ có tiền là chưa đủ mà còn cần sự cấp phép (hoặc hiệp sức) của chính quyền, của lãnh đạo địa phương từ lúc hình thành dự án đến khi đi vào hoạt động.
Việc một số vị có trách nhiệm tham gia khai hội đền Trần, chùa Ba Vàng, chùa Tam Chúc,… nếu là chuyện riêng thì bình thường, nếu đại diện cho cơ quan nhà nước hoặc tổ chức chính trị xã hội thì lại là chuyện khác. 
Mọi người đều biết cấp bậc các vị lãnh đạo cắt băng khánh thành công trình cho thấy tầm cỡ của công trình đó, công trình tầm cỡ quốc gia thì người cắt băng phải tầm cỡ Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh trở lên.
Như vậy, việc một vị “tầm cỡ” xuất hiện, đánh trống khai hội tại một địa điểm tâm linh nào đó chắc chắn sẽ gieo vào tâm tưởng người dân sự háo hức, và đương nhiên sau đó người ta sẽ đổ xô về đó cầu tài, cầu lộc chứ không chỉ là vãn cảnh đầu xuân.
Mới đây, báo Lao động có bài viết về tình trạng “dâng sao giải hạn” tại chùa Phúc Khánh - Hà Nội.
Bài báo cho biết mỗi người muốn cúng sao giải hạn phải nộp 150.000 đồng, một gia đình 03 người nộp 400.000 đồng bị từ chối vì thiếu 50 ngàn đồng.
Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: 
Phật giáo có cúng cầu an, tụng kinh dược sư đầu năm chứ không có tổ chức cúng sao giải hạn.
Việc cúng cầu an này, là nhằm nguyện cầu cho quốc thái dân an để người dân có thêm niềm tin và sự an lạc trong cuộc sống.
Người dân và Phật tử có thể cúng dường theo tùy hỷ, chứ không có bắt buộc phải cúng và cũng không có quy định mức tiền cúng là bao nhiêu”. [6]
Phát biểu của vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo cho thấy “cúng sao giải hạn” là việc làm không phù hợp cả trong giáo lý nhà Phật lẫn chỉ đạo của Giáo hội Phật giáo.
Hơn thế, việc “cúng đường” là “tùy hỷ” chứ không bắt buộc như quy định tại chùa Phúc Khánh và không ít ngôi chùa khác.
Phải chăng không chỉ tại các “Đại chùa” do đại gia xây dựng mà trong nhiều ngôi chùa cổ cũng đang có sự lạm dụng tín ngưỡng nhằm thu lợi?
Bên cạnh việc cúng sao giải hạn, tại một số di tích văn hóa tâm linh hiện nay còn hoạt động gọi là “Mở phủ”.
Bài viết trên báo Pháp luật Việt Nam cung cấp thông tin:
“(Trước đây) Một lần mở chỉ mất vài chục triệu đồng, thậm chí có người được giúp không mất đồng nào, tuỳ theo từng hoàn cảnh.
Nhưng hiện nay, để mở phủ, mỗi người phải chi ít nhất hàng trăm triệu đồng”. [7]
Báo Phatgiao.org.vn, cơ quan của Giáo hội Phật giáo Việt Nam dẫn số liệu của tác giả Trần Thị Minh Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ:
Đến năm tháng 6/2011, “Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 46.459 tăng ni, 14.778 cơ sở thờ tự”.
Tuy nhiên trong vòng 9 năm qua, số cơ sở phật giáo đã tăng lên rất nhiều khiến có vị sư cùng lúc trụ trì vài ba ngôi chùa.
Về điều này lại xin dẫn ý kiến của Hòa thượng Thích Huệ Thông:
Chùa mà không có sư thì cũng khó để thực hiện công tác hoằng pháp, cũng như thực hiện đúng với quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.
Tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên một khi chính các vị lãnh đạo Phật giáo khẳng định việc “cúng sao giải hạn” tại các ngôi chùa không phù hợp với giáo lý nhà Phật thì cơ quan quản lý nhà nước có nên vào cuộc chấn chỉnh chứ không nên thoái thác như ý kiến của ông Trần Tấn Hùng - Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ:
Các ban ngành liên quan của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên vào cuộc chấn chỉnh và giải quyết sự thương mại hóa này, để tránh làm ảnh hưởng đến uy tín của Đạo Phật". 
Người xưa có câu: “phú quý sinh lễ nghĩa”, người Việt ngày nay được thế giới xếp vào hàng “thu nhập trung bình”, nghĩa là chưa thể “phú quý” đúng nghĩa.
Vậy có phải vì mới chỉ là “phú quý trung bình” nên chưa sinh được “lễ nghĩa”, nên mới sinh ra sự cuồng tín đến mức nhẹ thì giẫm đạp nhau tại lễ hội, giúi tiền vào tay tượng Phật cầu may, nặng thì phá hoại tài sản, giết người như trường hợp bà giết cháu vì nghe lời thày bói?
Cần phải thấy rằng những người duy tâm, mê tín, dị đoan đến mức cuồng tín cũng là những người không tin vào khoa học, mất niềm tin vào công lý và thể chế.
Trong một thế giới văn minh, trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4,… vì sao nước Việt lại có nhiều người vẫn còn trong tình trạng u mê, tăm tối, vì sao người ta vẫn sẵn sàng đầu độc đồng bào mình bằng các loại thực phẩm bẩn, tẩm hóa chất độc?
Phải chăng vì không ít người cho rằng những việc làm thất đức của họ đều sẽ được gột sạch sau khi nộp tiền giải hạn, cầu may?
Và phải chăng, cả cơ quan nhà nước lẫn Giáo hội Phật giáo đều không thể (hay không muốn?) can thiệp vào chuyện cúng sao giải hạn tại các chùa trong cả nước?
Đối với các đại gia xây dựng các địa điểm tâm linh, nhiều người cho rằng thu hoạch từ kinh doanh tâm linh là thu nhập khủng nhưng ít ai biết rằng, thu hoạch lớn nhất của họ ngoài tiền còn là sự lưu danh chừng nào các cơ sở này chưa thành phế tích.
Thiết nghĩ, với chủ trương cán bộ đảng viên phải nêu gương, việc xuất hiện với tần số cao của lãnh đạo tại các sự kiện cúng tế, khai hội,… nên được chọn lọc và giới hạn.
Lập lại kỷ cương trong lĩnh vực tín ngưỡng, tâm linh cũng chính là việc cần làm để chặn đứng đà suy thoái văn hóa đang làm một bộ phận không nhỏ người Việt mất phương hướng.
Làm sao để “Kinh tế phát triển như ngày nay, đạo đức xã hội bằng ngày xưa” không chỉ là yêu cầu được nêu trên diễn đàn Quốc hội mà còn là quyết tâm của gần 100 triệu người Việt, trước hết là của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://kinhtedothi.vn/goi-y-10-dia-chi-du-lich-tam-linh-hap-dan-nhat-o-thu-do-ha-noi-310179.html
[2]http://kinhtedothi.vn/dia-diem-di-le-cau-may-ngay-dau-nam-moi-o-ha-noi-218559.html
[3] http://thoibaonganhang.vn/thoi-cua-nganh-cong-nghiep-khong-khoi-78460.html
[4] http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tien-cong-duc-den-hoang-muoi-tang-10-lan-3322454/
[5] https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/mot-mua-le-hoi-chua-huong-thu-700-ty-284070.html
[6] https://infonet.vn/bi-tu-choi-giai-han-vi-thieu-le-giao-hoi-phat-giao-noi-gi-post290586.info
[7] http://baophapluat.vn/dan-sinh/nghi-le-hau-dong-noi-lo-bien-tuong-310163.html
Xuân Dương

ĐỪNG THÀNH 'TAY NỐI DÀI' KHIẾN LỄ HỘI THÊM  'VỠ TRẬN'
 
THIỆN VĂN/ TVN 19-2-2019
 Có lúc do vô tình, có khi cũng do cố ý mà báo chí đã khuếch trương, thổi phồng ý nghĩa tâm linh của một số lễ hội, đánh “trúng” vào tâm lý, thị hiếu tò mò của người dân. 
 
Truyền thông không đúng mực, lợi bất cập hại 
Đến hẹn lại lên, đầu xuân năm mới, mùa lễ hội truyền thống lại tưng bừng khắp mọi miền đất nước. Trên các trang báo đầu xuân, nhất là báo điện tử đưa thông tin, hình ảnh khá đậm nét về các lễ hội này, nhất là những lễ hội thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, như lễ hội đền Trần (Nam Định), Lễ hội đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ)… 
Báo chí với tư cách là cầu nối giữa lễ hội với người dân, đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, quảng bá và lan tỏa những giá trị tích cực của lễ hội đến đông đảo công chúng. Bên cạnh đó, báo chí cũng đã lên tiếng kịp thời, phản ánh nhanh nhạy về những hiện tượng thương mại hóa, tiêu cực trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, qua đó kiến nghị, đề xuất các giải pháp để đưa lễ hội vào nền nếp văn minh hơn. 
Tuy nhiên, những năm gần đây, hình ảnh phản cảm, biến tướng trong lễ hội xuất hiện ngày càng “dày đặc” trên nhiều ấn phẩm báo chí, nhất là báo điện tử. 
Cần phải nói ngay rằng, những bất cập đó trước hết là do công tác quản lý, tổ chức của chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng còn hạn chế, yếu kém, chưa theo kịp tình hình và chưa lường hết được những hệ lụy. 
Nhưng cũng thẳng thắn thừa nhận, báo chí, truyền thông cũng là một trong những “tác nhân” làm trầm trọng thêm sự quá tải, biến tướng này, nhất là với một số lễ hội lớn, lễ hội nổi tiếng hoặc có nghi lễ nhạy cảm. 
Lễ hội truyền thống của người dân trước đây thường được tổ chức trong phạm vi làng xã. Không khí tuy tấp nập, rộn ràng nhưng trong tâm thế bình yên, vui vẻ, tạo sự hứng khởi cho bà con trong những ngày đầu năm mới. 
Tuy nhiên, trong xã hội bùng nổ thông tin, do cách thức thông tin, tuyên truyền, quảng bá rầm rộ tập trung vào một thời điểm mà báo chí, truyền thông đã vô hình trung góp phần đưa nhiều lễ hội vượt ra khỏi ranh giới “lũy tre làng”, đặc biệt là các lễ hội mang tính tâm linh. 
Có lúc do vô tình, có khi cũng do cố ý mà báo chí đã khuếch trương, thổi phồng ý nghĩa tâm linh của một số lễ hội, đánh “trúng” vào tâm lý, thị hiếu tò mò của người dân. Nhiều người bỏ bê cả công việc đổ xô đến một số chùa chiền, lễ hội, gây sự quá tải cho công tác quản lý và tổ chức lễ hội của địa phương.  

Đừng thành ‘tay nối dài’ khiến lễ hội thêm ‘vỡ trận’
Cảnh mài tiền vào cột chùa Đồng, Yên Tử năm nay vẫn tiếp diễn. 
Điển hình nhất có lẽ là lễ hội đền Trần ở Nam Định. Lễ hội này vốn trước đây chỉ được tổ chức trong phạm vi cộng đồng làng xã, sau này tổ chức với quy mô ngày càng lớn. Do báo chí khai thác quá sâu, đưa tin quá đậm về “tính thiêng” của nó này mà người nọ rỉ tai người kia kéo đến ùn ùn để xin “lộc thánh”, gây nên sự “vỡ trận”, dẫn đến nhiều nguy cơ, hệ lụy. 
 
Hay như lễ hội đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh cũng vậy. Từng có tờ báo đưa những cái tin lập lờ, đại loại như: Tại sao đền Bà Chúa Kho lại linh thiêng như vậy? Đi lễ đền Bà Chúa Kho để cầu “mua may, bán đắt”, v.v… 
Không ít tờ báo thỉnh thoảng lại liệt kê những ngôi chùa thiêng nhất ở nước ta, có tờ lại mô tả chi tiết đến “chùa này, lễ hội kia” thì người dân nên làm gì... Kiểu đưa tin này đã vô hình trung “gây nhiễu ám thị” cho rất nhiều người dân vốn thiếu hiểu biết, lại chỉ tin vào những điều may rủi trong cuộc sống. 
Đừng thành “cánh tay nối dài” 
Đi lễ hội để cầu an, cầu lộc, cầu may là nhu cầu tín ngưỡng chính đáng của người dân. Nhưng nét đẹp truyền thống đó giờ đây đã ít nhiều bị mai một do nhiều người dân đến đền, chùa, di tích lịch sử - văn hóa sa đà vào những hành vi mê tín thái quá, lợi bất cập hại. 
Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ người Việt là dễ bị ảnh hưởng, thậm chí bị “kích động” bởi tâm lý đám đông. Điều này xuất hiện rất rõ ở một số lễ hội trong thời gian gần đây. Mặt trái của tâm lý đám đông trong lễ hội là dễ lôi cuốn nhiều người hành động theo bản năng, thiếu kiểm soát, gây ra những hình ảnh biến tướng, phản cảm. 
Báo chí cần nhận rõ đặc điểm này để có cách hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp, thận trọng, tránh phản ánh phiến diện, không vô tình “tiếp tay” cho người dân đi lễ hội chỉ vì niềm tin tín ngưỡng thái quá. Bên cạnh đó, báo chí cũng rất cần bình tĩnh, tỉnh táo để không làm “cánh tay nối dài” cho một số địa phương muốn thông qua truyền thông để tuyên truyền, quảng bá rầm rộ lễ hội cho địa phương mình chỉ vì mục đích kinh tế, lợi nhuận. 
Việc báo chí phản ánh, phê phán những bất cập, tiêu cực trong hoạt động lễ hội cũng rất cần thiết, nhưng phải qua lăng kính trung thực, khách quan, công tâm, tránh tình trạng “ít suýt ra nhiều”, “bé xé thành to”. 
Mặt khác, khi phản ánh về lễ hội nào, người làm báo cũng rất cần có hiểu biết đầy đủ, sâu sắc về lịch sử, nguồn gốc, nội dung, ý nghĩa của nó. Như vậy mới không sa vào tuyên truyền hời hợt, chỉ đề cập đến hình thức, nghi thức bên ngoài hay những hiện tượng nhất thời nảy sinh mà không hiểu hết giá trị cốt lõi và ý nghĩa đích thực của lễ hội, thành ra “thầy bói xem voi”. 
Việc báo chí tuyên truyền đúng mực, khách quan cũng là một trong những giải pháp thiết thực nhằm góp phần giúp người dân hiểu đúng bản chất, giá trị, ý nghĩa nhân văn của lễ hội truyền thống, trả lại môi trường trong lành cho hoạt động này. 
Thiện Văn
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

1 nhận xét:

  1. ứng dụng tư vấn luật qua điện thoại iura tư vấn mọi vấn đề như hôn nhân, nhân sư, dân sự, hình sư chỉ với 2 lần chạm hoàn toàn miễn phí

    Trả lờiXóa