Thứ Ba, 5 tháng 2, 2019

20190205. QUANH CHUYỆN LÌ XÌ NGÀY TẾT

ĐIỂM BÁO MẠNG
THỦ TƯỚNG QUAN TÂM, TRUNG ƯƠNG HỖ TRỢ, CHẲNG NHẼ KHÔNG 'ĐI TẾT' ?

ĐINH VĂN MINH / TVN 3-2-2019

Thay đổi cách ăn Tết bắt đầu từ chính mỗi người. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng
 Chưa bàn đến những nguyên nhân từ tiêu cực trá hình, nội cái tâm lý và thói quen lễ tết đã gây ra biết bao phiền lụy và đến lúc phải dần dần tháo bỏ.
Với người Việt Nam, cái Tết cổ truyền thật là quan trọng. Chẳng thế mà Tết gắn với đủ thứ vui buồn. Nào là “vui như Tết”, chờ đợi thứ gì thì “có mà đến Tết”, gặp điều xui xẻo coi như “mất ăn Tết”, v.v và v.v… Vì vậy mà chuẩn bị đón Tết luôn là mối bận tâm của mọi miền, mọi người.
Nhưng chuyện “lo Tết” xưa và nay cũng đã khác nhiều lắm. Đúng thôi, thời đại 4.0 là mọi thứ đều ngược so với trước, như ai đó đã ngẫm ngợi mà tổng kết.
Xưa nghèo lắm, cái Tết lại đúng dịp mưa phùn gió bấc, lạnh thấu xương. Lo cái Tết thời đó to nhất là nồi bánh chưng, mọi công việc xoay quanh nó, nào thịt nào đậu nào củi, lo sắp xếp mượn nồi luộc, rồi còn phải xếp hàng quanh vòi nước “rủ rỉ” đợi đến lượt có nước rửa lá nữa chứ… Nghĩ lại cứ ngỡ xa xôi như trong truyện cổ tích thời Tấm Cám, Thạch Sanh.
Sau mấy mươi năm đổi mới, đất nước đủ đầy, bây giờ cái Tết đâu chỉ quanh nồi bánh chưng. Chiếc bánh chưng vẫn ý nghĩa lắm và không thể thiếu, nhưng chủ yếu để lên ban thờ cúng tổ tiên. Đồ nếp, đồ mỡ người ta kiêng rồi, trước thì toàn bệnh thiếu (đường, mỡ, đạm), bây giờ thì chỉ lo thừa những thứ đó nên ra sức kiêng khem. Trước lo có cái gì để mà ăn, bây giờ lại lo biết ăn gì cho ngon miệng. Xem ra cái lo chẳng bao giờ hết dù là mỗi thời mỗi kiểu.
Nhưng cái lo lớn nhất bây giờ là chuyện “lễ tết”. Thời buổi kinh tế thị trường hình như mọi thứ đều được đo đếm bằng việc xưa nay gọi là “cảm ơn” trong dịp Tết. Chuyện quà cáp nghĩa tình thăm hỏi nhau trong dịp Tết đôi khi cũng thật khó phân biệt với chuyện người ta mượn cớ đầu tư quan hệ thông qua “công nghệ phong bì”, cái “vật ngang giá chung” vừa tiện, vừa nhẹ nhàng dễ sử dụng,
Thời 4.0 là kết nối và chia sẻ, trong một năm gặp gỡ biết bao người, có biết bao mối quan hệ phải cảm ơn. Vì thế mà đối với nhiều người thì cái lo nhất là chuyện lễ tết. Hà Nội cuối năm đường đã tắc lại càng tắc, một phần bởi người ta ngược xuôi quà cáp, lễ tết lẫn nhau. 
Cơ quan này chúc Tết cơ quan kia. Địa phương lễ tết Trung ương (người ta cấp kinh phí cho mình, phê duyệt dự án, hỗ trợ mình điều này điều nọ sao quên được). Rồi lo đến (các kiểu) thủ trưởng, người thì quan tâm bổ nhiệm hay đưa mình vào quy hoạch, người thì tạo điều kiện cho đi học hành nước ngoài nước trong. Rồi ông thầy đã tận tình chỉ bảo để hoàn thành luận án, luận văn…, thêm việc thăm cô chủ nhiệm cu lớn, cảm ơn thầy chủ nhiêm cu bé.
Đấy là chưa tính nhà nội miền ngược, nhà ngoại miền xuôi trong khi hai vợ chồng lại ở Thủ đô văn hiến. Quả thực là nan giải về thời gian đi lại ngay cả khi rủng rỉnh túi tiền.
Tết năm ngoái nhiều địa phương chắc thở phào khi nhận được cái trát không được lên lễ tết Trung ương. Có lẽ không có cái lệnh cấm nào được cấp dưới vỗ tay (ngầm) đến vậy. Chuyện nghiêm cấm quà cáp với cá nhân cũng có từ lâu và nghe đâu có những nơi báo cáo thành tích cả năm không có ai vi phạm. Nhưng đó là một số liệu mà ai cũng biết “báo cáo cho nó vui”.
Thực ra chuyện này cũng từ nhiều phía. Đôi khi thì không lễ không xong, mình được “ăn quả” chẳng lẽ không nhớ “kẻ trồng cây”. Nhưng cũng không ít người chủ động quà cáp để nhờ vả hoặc nhìn xa trông rộng mà đầu tư quan hệ lâu dài. Rồi cả chuyện thói quen, tâm lý nữa chứ, nhiều ông sếp chẳng ý tứ gì đâu, thậm chí còn tìm cách “trốn” nhưng Tết nhất không đến trình diện sếp là cứ thấy “sao sao”, chẳng yên tâm chút nào.
Nói thì dễ, nghĩ thì được mà thực hiện thật khó lắm thay! Mà chẳng phải chỉ mấy ông công chức lo cái Tết, những người “ngoài khu vực nhà nước” khối người cũng sợ cảnh tụ tập rượu chè chúc tụng đâm ra phải mượn cớ du lịch để “trốn” thật xa, để không bị trách cứ. Đúng là những nỗi khổ do “tôi và chúng ta” gây ra để rồi cùng nhau mà chịu đựng.
Chưa bàn đến những nguyên nhân từ tiêu cực trá hình, nội cái tâm lý và thói quen lễ tết đã gây ra biết bao phiền lụy và đến lúc phải dần dần tháo bỏ. Cái Tết cổ truyền quan trọng lắm, thiêng liêng lắm nhưng hãy để thời gian cho quê hương, cho Tổ tiên, gia đình, bạn cũ, làm sao từ chỗ phải lo “lễ tết” của những vị khách không mời trở thành những ngày vui Tết đoàn viên quây quần, ấm áp.
Và có lẽ cũng phải bỏ dần thói quen “no dần, đói góp” mọi sự đổ lên đầu cái Tết. Một ngày bình thường, có thời gian thư thả, con cái về với cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp đến thăm nhau, trò đến với thầy với chút quà quê, đơn giản là vài mớ rau sạch, miếng thịt ngon hay một thứ đặc sản vùng miền sẵn có. Đâu cứ phải chen chúc hối hả ngày Tết với chai rượu (mác) Tây, với cái phong bì vô tội mới là biết điều, chu đáo?
Cái gì đi từ trái tim thì sẽ đến được với trái tim. Để có những ngày Tết thật vui, thật hạnh phúc không phải quá khó nếu mỗi người đều cố gắng thay đổi từ cách nghĩ đến hành động ngay từ bây giờ. Điều đó phụ thuộc vào tôi, vào bạn và vào tất cả chúng ta!
TS. Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện chiến lược và Khoa học Thanh tra
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
ĐAU ĐẦU CHUYỆN LÌ XÌ NGÀY TẾT

LÊ TIÊN LONG /TVN 4-2-2019
 - Mỗi khi dịp Tết đến, điệp khúc “lì xì” lại làm đau đầu nhiều người, cả những người kinh tế không dư giả lẫn người rủng rỉnh tiền túi.

Từ chiếc phong bao
Nhớ lại trước đây, người miền Bắc chỉ nói “mừng tuổi” ngày Tết. Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, nhiều ngôn từ miền Nam được du nhập ra miền Bắc, như “nhậu”, “tám”, “xạo”… “lì xì” cũng là một từ như vậy.Ngày nay  cụm từ này được cả nước dùng.
Theo các nhà ngôn ngữ, “lì xì” là cách đọc âm tiếng Quảng Đông của từ có âm Hán Việt là “lợi thị”, tức là chúc vận may, tốt lành. Lì xì bắt nguồn từ phong tục của người Hoa ở miền Nam mừng tuổi nhau, rồi từ này lan ra cộng đồng người Việt, từ đó ảnh hưởng khắp miền Nam.
Theo phong tục của người Trung Quốc thuộc nhiều dân tộc khác nhau, ngày Tết thường chuẩn bị một phong bao đỏ đựng tiền mừng tuổi cho trẻ em và nó dần dần trở thành phong tục tiền mừng tuổi hay còn gọi là lì xì ngày Tết.
Ở miền Bắc, từ xưa đã thấy sách vở kể chuyện mừng tuổi đầu năm cho trẻ bằng những đồng xu mới. Thời bao cấp, kinh tế khó khăn, các gia đình vẫn thường tìm cách đổi những đồng tiền mới nhất “cạo râu được” để mừng tuổi cho trẻ mà không có phong bao. Khoảng trên mười năm gần đây, thói quen để tiền mừng tuổi vào bao “lì xì” mới phổ biến.
Phong tục tặng bao lì xì lan tỏa từ các vùng người Hoa sinh sống, ra khắp cả nước, trở thành một nghi thức không thể thiếu mỗi dịp Tết.., Khi thời khắc giao thừa đến, các gia đình lì xì cho người già, trẻ con đầu tiên. Phong bao lì xì thường là màu đỏ, là màu của may mắn, kèm theo những xu tiền lì xì ở bên trong.
Việc để tiền lì xì trong phong bao thể hiện sự kín đáo, khiến người nhận không so bì nhiều ít dẫn đến xích mích hay chuyện không vui.

Đau đầu chuyện lì xì ngày Tết
Đừng coi bao lì xì là những món nợ vật chất mà nên nhớ, đây là một món quà tinh thần, thể hiện truyền thống quý giá của dân tộc
Tất cả các phong cách lì xì thể hiện lời chúc may mắn, mang lộc tới nhà và dồi dào sức khỏe. Không chỉ lì xì cho trẻ em để chúc các cháu ngoan ngoãn, hay ăn chóng lớn, mọi người vẫn thường lì xì cho các cụ già để thay lời chúc các cụ khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi.
Người ta có thể lì xì cho nhau từ ngay lúc giao thừa cho tới tận ngày đầu tiên đi học, đi làm, hoặc ngày đầu tiên gặp nhau trong năm mới.
Mấy năm gần đây, trên thị trường bán nhiều loại bao lì xì mẫu mã độc, lạ, in những hình ảnh đẹp theo con giáp của năm mới cùng các thông điệp, lời chúc ngộ nghĩnh, được giới trẻ đón nhận rất tích cực.
Từ đó, các bà nội trợ lại bổ sung vào danh mục các đồ sắm Tết, một món đồ quan trọng: Các tập bao lì xì. Bao này đẹp để mừng tuổi ông bà. Bao này sang trọng để tặng sếp. Mấy bao in hình đáng yêu để mừng tuổi các cháu nhỏ và những mẫu ghi mấy câu ngộ, độc được dành để tặng các bạn trẻ.
Nếu lạc vào những cửa hàng văn hóa phẩm, với hàng trăm mẫu bao lì xì thì để chọn được đúng mẫu phù hợp với nhu cầu và cả túi tiền cũng đau đầu chứ không phải dễ dàng.
Đến chuyện lo “ruột” lì xì
Ngoài phần hình thức của bao lì xì, thì cái phần “nội dung” mới thật sự phức tạp.
Mà nguồn tiền mặt, nhất là tiền mới không phải lúc nào cũng sẵn. Có khi từ mấy tháng cuối năm, lĩnh lương về, nhiều nhà đã phải lựa những đồng tiền trông còn mới nhất để dành ra một chỗ cho nhu cầu mừng tuổi.
Sau Tết Dương lịch, những người có khoản tiền ra tấm ra món, thì có thể dành vài chục triệu trở lên để lo đổi những cọc tiền mới tinh. Cả năm mới có một lần, năm mới, mừng tuổi cho các cháu ruột cũng phải có tờ 500 nghìn mới xứng đáng. Tờ 200 nghìn cho các cháu họ hàng gần, tờ 100-50 nghìn cho các cháu con bạn bè, tờ 20-10 nghìn trở xuống để đi lễ chùa.
Có những người bày vẽ hơn, mừng tuổi người nhà, người thân phải đủ một bộ tiền mới cứng, từ tờ mệnh giá nhỏ nhất đếnlớn nhất. Riêng lo cho đủ từng ấy loại cũng đã kỳ công.
Đấy mới là loại tiền. Sau đó, phải cân đối số lượng cho đủ. Ví dụ,có người mừng cho con mình tờ 200 nghìn, mà số tiền 200-100 nghìn của mình hết rồi, để bốn tờ 50 nghìn không hay lắm. Hoặc đem theo có mấy tờ 50 nghìn, mà số cháu cần mừng tuổi lên tới cả chục, phải rút thêm mấy tờ 100 thì “lỗ vốn”.
Thành ra người có kinh nghiệm đi chúc Tết là bên cạnh những phong bao đã có sẵn tiền, cũng phải chuẩn bị sẵn xấp tiền mệnh giá tương đương kèm phong bao trống bên ngoài, hoặc tiền mệnh giá thấp hơn ở mức liền kề, để khi cần, dễ… ứng biến, ví dụ gộp hai tờ 50 nghìn thành 100 nghìn..
Nói đến những người thưởng Tết chỉ dăm ba triệu đồng mới thật sự mệt mỏi. Tiền tiêu Tết còn chưa đủ, lấy đâu mà đổi. Ấy là chưa kể hàng triệu người khác như giáo viên, Tết chỉ được thêm có vài trăm nghìn đồng, người lao động tự do không có thưởng Tết, hay các cụ về hưu…
Dù Tết không có thêm thu nhập nhưng  ai cũng phải trích ra một khoản tiền, nhờ người đổi tiền mới để mừng tuổi cho con cháu. Tết nhất các cháu đến chúc Tết không mừng tuổihoặc chỉ mừng từ 10-20 nghìn có vẻ khó coi.
Cũng có nhiều người tân tiến, quyết không mừng tuổi trẻ con nữa. Nhưng đó là người chưa có con thì dễ, chứ có con rồi, người ta cứ mừng tuổi con mình, chả lẽ lại bắt các cháu cũng kiên quyết không nhận. Hoặc nếu chỉ mừng tuổi vài tờ tiền bé “lấy may”thì chuyện trẻ con nhận bao lì xì xong mở ra xem, so sánh và bình luận, cũng không phải chuyện hiếm.  
Có không ít người quan niệm quan hệ càng thân thiết phải lì xì càng nhiều tiền. Tuy nhiên điều này hoàn toàn không phù hợp với văn hóa dân tộc và lối sống của mọi người. Số tiền bên trong bao lì xì ít nhiều không quan trọng, mà nó phải là thành ý, là lời chúc may mắn đầu năm dành cho nhau.
Đầu năm mới, mong rằng mọi người đều coi lì xì là một phong tục tốt đẹp, là món quà tinh thần dịp đầu năm, thay cho lời chúc an lành và sung túc tới gia đình, bạn bè của mình.
Đừng coi bao lì xì là nhữngmón nợ vật chất mà nên nhớ, đây là một món quà tinh thần, thể hiện truyền thống quý giá của dân tộc.
Lê Tiên Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét