Thứ Hai, 4 tháng 2, 2019

20190104. BÀN VỀ KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2019

ĐIỂM BÁO MẠNG
BẤT ỔN THẾ GIỚI VÀ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KINH TẾ VIỆT NAM 2019

PHẠM LONG/ TBKTSG 2-2-2019

Lãi suất đồng đô la Mỹ liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm 2019. Nguồn: Reuters   
(TBKTSG Online) - Trung Quốc liên tục giảm tốc trong các nỗ lực nới lỏng tiền tệ. Ngân hàng trung ương châu Âu ECB cuối năm 2018 còn tỏ ra lạc quan về triển vọng giảm dần các gói nới lỏng tiền tệ, thậm chí còn dự kiến tăng lãi suất sau quá trình dài thực hiện chính sách lãi suất âm. Cũng cuối năm 2018, sau dữ liệu tăng trưởng tốt, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục thì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng dự báo tăng 2-3 lần lãi suất trong 2019. Giờ đây, cục diện đã thay đổi, thận trọng, tiếp tục quan sát, đánh giá rủi ro là điều đang diễn ra trước bối cảnh kinh tế thế giới giảm tốc.
Những dấu hiệu bất ổn từ các đầu tàu kinh tế thế giới
Bất ổn trước tiên phải kể tới Trung Quốc – nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới. GDP của Trung Quốc đã liên tục giảm trong nỗ lực nới lỏng tiền tệ với những biện pháp mạnh. GDP quí 4-2018 của nước này chỉ đạt 6,4% (yoy), mức tăng trưởng thấp nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008. Đồng thời, chỉ số giá sản xuất PPI cũng như lạm phát cũng giảm trong quí vừa qua đang là những dấu hiệu của một cuộc suy thoái.
Tiếp theo là bất ổn của nền kinh tế Mỹ, với những rủi ro từ chính trị và chính sách tiền tệ. Mỹ đã 9 lần tăng lãi suất kể từ 2015 đến nay và dự kiến tăng thêm 2-3 lần nữa vào 2019. Tuy nhiên, chứng khoản đỏ lửa, đô la Mỹ liên tục mất giá so với vàng và yen là cách thị trường đang phản ứng với lộ trình tăng lãi suất của Fed cũng như các bất ổn kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, trong cuộc họp của Ủy ban thị trường mở liên bang Mỹ (FOMC) mới nhất vào ngày 30-1, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã bày tỏ về sự linh hoạt hơn trong chính sách tiền tệ, đồng thời giữ nguyên lãi suất mục tiêu trong tháng 1. Nhiều nhà kinh tế thậm chí đã đặt cược về sự nới lỏng từ Fed.
Nợ công của Mỹ đang ở mức rất cao, nếu cộng hưởng từ một sự thắt chắt tiền tệ quá mức về lý thuyết sẽ gây áp lực tăng lãi suất ngắn hạn và dài hạn, dẫn tới hiện tượng thoái lui đầu tư tư nhân và có thể đẩy kinh tế Mỹ vào một cuộc suy thoái. Việc tăng lãi suất có thể sẽ bóp nghẹt kinh tế Mỹ, trước bối cảnh kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy thoái. Đồng thời, rủi ro từ các chính sách của Tổng thống Donald Trump, chiến tranh thương mại cũng là những yếu tố khiến Fed cần quan sát và thận trọng hơn trong các quyết định tiền tệ.
Ngoài sự bất ổn từ 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ và Trung Quốc, cũng là 2 nhân tố ảnh hưởng lớn tới các biến số vĩ mô của Việt Nam, cần phải nói thêm về sự suy yếu từ khu vực Eurozone và Nhật Bản để thấy đà giảm tốc đang bao trùm kinh tế thế giới. Mục tiêu lạm phát 2% của Nhật Bản tiếp tục thất bại, một phần nguyên nhân do giá dầu thế giới giảm sâu trong nửa cuối năm 2018, làm giảm lạm phát từ chi phí đẩy. Trong khi đó, ECB bỏ ngỏ khả năng sẽ tăng lãi suất và giảm dần quy mô gói nới lỏng định lượng khi đầu tàu kinh tế Đức suy yếu, tăng trưởng âm trong quí 3-2018 (qoq), lần đầu tiên kể từ năm 2015, cùng với các bất ổn từ chính trị như Brexit và vấn đề nhập cư.
Áp lực tỷ giá
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) đã liên tục giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc suốt từ năm 2015 đến nay, và mới đây nhất đã có dự báo về việc hạ lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm (lãi suất benchmark) như một biện pháp mới để vực dậy nền kinh tế.
Cũng cần nói thêm, lãi suất chuẩn cho vay kỳ hạn 1 năm là công cụ mạnh, tác động tức thời tới lãi suất trên thị trường tiền tệ. Ngoài ra, tầm ảnh hưởng của công cụ này tới tỷ giá – vốn đã bấp bênh, biến động mạnh trong suốt năm 2018, do tác động từ chiến tranh thương mại là nhanh hơn nhiều so với các công cụ khác của chính sách tiền tệ. Lần cuối Trung Quốc hạ lãi suất benchmark là vào tháng 10-2015, với độ giảm 25 điểm cơ bản. Tỷ giá USD/CNY có ngưỡng cản tâm lý ở mức 6,9; việc giảm lãi suất có thể khiến tỷ giá vượt qua mốc này, và là nguy cơ lớn cho đà rút vốn khỏi quốc gia này.
Trung Quốc là thị trường xuất - nhập khẩu lớn của Việt Nam. Nếu Trung Quốc tiếp tục nới lỏng tiền tệ thông qua hạ lãi suất thì đây sẽ là áp lực lớn cho tỷ giá USD/VND và mục tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm 2019.
Sự dừng lại trong quá trình thắt chặt tiền tệ từ Fed nếu xảy ra sẽ hỗ trợ đáng kể lãi suất trên thị trường tiền tệ Việt Nam. Lãi suất đô la Mỹ liên ngân hàng đã tăng suốt trong năm qua theo các nhịp tăng lãi suất từ Mỹ. Hiện tại, lãi suất đô la Mỹ liên ngân hàng được giao dịch ở ngưỡng 2,45-2,7% kỳ hạn qua đêm; xoay quanh mức lãi suất mục tiêu của Fed là 2,5%, và tăng 1% so với hồi đầu năm 2018, gây áp lực tăng đáng kể cho chi phí vốn vay bằng tiền đồng cả trên thị trường vốn cũng như thị trường tiền tệ.
Điều này sẽ giảm áp lực cả cho tỷ giá, NHNN sẽ có nhiều dư địa hơn để tiếp tục ổn định vĩ mô, linh hoạt nới lỏng tiền tệ từng giai đoạn để hỗ trợ nền kinh tế, ổn định lạm phát.
Nhìn chung, sự bất ổn từ nhiều nền kinh tế thế giới có thể sẽ khiến cơ hội đầu tư tại Việt Nam tốt hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, song sự suy yếu từ Trung Quốc, Mỹ, hay EU lại ít nhiều gây áp lực lên thị trường xuất - nhập khẩu của Việt Nam. Sự thận trọng trong chính sách tiền tệ từ Fed, ECB sẽ giảm áp lực đáng kể cho nhà điều hành vĩ mô, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì kinh tế Việt Nam có độ mở lớn.
Hiện tại, việc Trung Quốc hạ lãi suất chuẩn là nguy cơ lớn nhất cho tỷ giá, lãi suất và lạm phát Việt Nam, tuy nhiên điều này vẫn chỉ dừng lại ở các dự báo. Ngay cả Trung Quốc, quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, cũng từng tuyên bố muốn một tỷ giá ổn định thay vì liên tục chứng kiến dòng vốn chảy khỏi quốc gia này.

KINH TẾ VIỆT NAM NHÌN TỪ CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI TRUNG-MỸ

HƯNG LONG /GDVN 3-2-2019

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu dự báo kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội bứt phá. Ảnh: HL.
Những tác động từ bên ngoài
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế nhận định, có những yếu tố bên ngoài và yếu tố bên trong tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Những yếu tố bên ngoài là cuộc chiến kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ chưa có dấu hiệu giải quyết được.
Nếu đến đầu tháng 3 tới, Trung Quốc và Mỹ không đi đến một thỏa thuận để chấm dứt cuộc chiến thương mại sẽ tác động lên nền kinh tế toàn cầu theo hướng tiêu cực, tức là giảm sự tăng trưởng của thế giới.
Tiến sĩ Hiếu nhận định, hai nền kinh tế này có ảnh hưởng nhiều tới kinh tế Việt Nam.
Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn và nhiều tiềm năng của Việt Nam hiện nay. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rất lớn hàng hoá của Việt Nam.
Vì vậy khi Mỹ - Trung không đạt được thoả thuận thì cả hai phía đều chịu thiệt hại và kinh tế Việt Nam cũng khó tránh khỏi những tác động tiêu cực từ suy giảm kinh tế hai nền kinh tế nói trên.
Bên cạnh đó có những vấn đề khác của thế giới như Brexit (Liên minh Châu Âu - PV). Cho đến bây giờ vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy nước Anh ra khỏi Brexit với thỏa thuận nào?
Nếu đầu tháng 3 tới, nước Anh ra khỏi Brexit mà không có thỏa thuận nào thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của Anh và nền kinh tế Châu Âu.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích, châu Âu là bạn hàng lớn hàng đầu của Việt Nam, vì vậy nếu khu vực này rơi vào khủng hoảng thì Việt Nam sẽ khó tránh khỏi những tác động xấu.
Đến những yếu tố bên trong
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu chỉ rõ, kinh tế trong nước vẫn còn lệ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp FDI (đầu tư trực tiếp bằng nguồn vốn nước ngoài). Hơn một nửa xuất khẩu của Việt Nam là do từ phía các công ty FDI.
Tiến sĩ Hiếu bình luận, sự lệ thuộc nhiều vào các công ty FDI lâu dài là không tốt cho nền kinh tế.
Đơn cử, các nhà đầu tư nước ngoài chuyển hướng chiến lược đầu tư hoặc một điều gì đó tác động để các công ty FDI rút ra khỏi Việt Nam thì tạo ra rủi ro rất lớn cho nền kinh tế.  
Năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,08% là rất cần ghi nhận, nhưng chất lượng tăng trưởng là vấn đề cần phải quan tâm.
Hiện nay môi trường ở nhiều nơi bị hủy hoại, năng lực của người lao động còn yếu kém và nhiều vấn đề như cơ sở hạ tầng, cầu cống, đường xá còn rất nhiều ngổn ngang cần phải được sớm giải quyết. Nếu những yếu kém này vẫn kéo dài thì sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, vấn đề tham nhũng, tiêu cực xảy ra cũng tác động xấu đến nền kinh tế. Thời gian vừa qua đã có nhiều vụ sai phạm, tiêu cực bị đưa ra xét xử, thu hồi một phần tài sản cho nhà nước. Bên cạnh việc xử lý sai phạm thì phải có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, kể cả tham nhũng vặt đang gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Song song với những khó khăn, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng tin rằng Việt Nam vẫn có những “điểm sáng” để kỳ vọng vào sự tăng trưởng trong năm 2019.
Năm nay, TPP (tức là: CPTPP – Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) có hiệu lực sẽ mở rộng cho Việt Nam thị trường xuất khẩu. Đồng thời, Việt Nam cũng buộc phải thay đổi để phát triển kinh tế trên một tầm cao mới.
Hưng Long
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
NGÂN SÁCH  2019 CÓ 'THU CÙNG DIỆT TẬN' NHƯ DỰ TOÁN ?

PHẠM CHÍ DŨNG/ BVN 4-2-2019

Một cách cầm chắc như niềm tin vào chủ nghĩa xã hội của ‘Tổng Chủ’ Nguyễn Phú Trọng không suy xuyển và ‘đất nước ta có bao giờ được như thế này không’ của cùng tác giả, Quốc hội đã cắm mặt gật đầu với dự toán thu ngân sách năm 2019 với số thu lên đến 1.411 ngàn tỷ đồng để phục vụ cho số chi ngân sách, trong đó có hơn 70% chi thường xuyên cho đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức chỉ tăng không giảm với 30% trong số đó ‘sáng cắp ô đi tối cắp ô về’ - lên đến 1.633 ngàn tỷ đồng.
Được đằng chân lân đằng đầu
Liên tiếp trong nhiều năm qua, dự toán thu ngân sách năm sau đều được ‘quyết’ tăng hơn nhiều so với năm trước – từ 10 đến 12% vào thời kỳ kinh tế còn chưa rơi hẳn vào cơn suy thoái nhưng vẫn vống đến 8 đến 9% trong những năm gần đây, bất chấp phản ứng gay gắt của dư luận xã hội và tiếng kêu than oán ‘doanh nghiệp và sức dân đã cạn’, mà bằng chứng thảm thiết nhất là tỷ lệ doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và phá sản cao hơn hẳn tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới.
Nhưng nếu số thu ngân sách năm 2018 vẫn cố ép thu và vẫn vượt dự toán khoảng 3%, thì số thu ngân sách năm 2019 đầy tham lam và duy ý chí sẽ rất có thể va phải bức tường kiên cố của tình trạng ‘thu không bền vững’ từ bất động sản, dầu khí và khối doanh nghiệp.
Nguy biến từ ‘nguồn thu không ổn định’
Kết quả thu ngân sách năm 2018 đối với khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đã bị giảm thu từ hơn 2% đến gần 3% so với dự toán, trong khi khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - một trong những niềm tự hào lớn nhất của ngành thuế Việt Nam trong nhiều năm qua - còn tồi tệ hơn nhiều: giảm thu đến 15% so với dự toán.
Trong khi đó, một bản báo cáo của cơ quan Kiểm toán Nhà nước Việt Nam được công bố vào tháng Mười năm 2018 đã phải thừa nhận rằng số thu vượt dự toán năm 2018 chủ yếu từ các nguồn thu về nhà, đất và dầu thô, trong đó nhà, đất tăng 35,9%, dầu thô tăng 53,2%.
Tuy nhiên, thu từ đất không ổn định còn thu từ dầu thô chủ yếu do giá dầu lập dự toán thấp hơn thực tế ($73,5/$50/thùng) và sản lượng ước tăng 450 nghìn tấn.
Nỗi lo lắng của cơ quan Kiểm toán Nhà nước về nguồn thu từ nhà đất và dầu thô “không ổn định” (hay còn được xem là “cấu trúc thu không bền vững”) cũng chính là tâm trạng lo sợ không nguôi của chính thể độc đảng ở Việt Nam: nếu trong năm 2019 và những năm sau đó mà hai nguồn thu này vẫn “không ổn định” theo chiều hướng suy giảm chứ không tăng vọt ồn ào như năm 2017 và 2018 - đặc biệt đối với thu thuế buôn bán nhà đất, ngân sách nhà nước và ngân sách đảng sẽ tìm đâu ra nguồn mới để bù đắp cho cái miệng rộng ngoác như hàm cá mập của quốc nạn bội chi ngân sách, chi xài lãng phí vô tội vạ cùng quốc nạn tham nhũng mà đang nhấn chìm xã hội Việt Nam xuống tầng dưới cùng của địa ngục thời hiện đại?
Và nếu quả bom bất động sản nổ, hoặc không nổ đột ngột thì sẽ phải xì hơi dần, chắc chắn mật độ thương vụ mua bán đất đai sẽ giảm dần hoặc giảm mạnh, kéo theo số thu thuế từ giao dịch đất đai sẽ giảm đáng kể trong những năm sau. Khi đó, ngân sách sẽ khó còn có nguồn thu tăng thêm từ tiền đất lên đến 60.000 – 70.000 tỷ đồng/năm, trong khi nguồn thu từ 3 khối kinh tế đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân vẫn không có gì khả quan hơn trong thời buổi kinh tế ngập ngụa suy thoái.
Thế tiến công ‘thu cùng diệt tận giai đoạn cuối’ của đảng và quốc hội Việt Nam còn bị giáng cho một cú thất thần: vào cuối năm 2018, giá dầu thô thế giới lao dốc thảm hại từ mức hơn 73 USD/thùng xuống chỉ còn chưa đầy 50 USD/thùng, tức sụt đến 30%. Dự toán thu ngân sách năm 2019 về dầu thô của Việt Nam cũng bởi thế rất có thể sẽ ‘trật đường rầy’ và mất đi một khoản tiền lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Trong lúc đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết nhu cầu dầu thế giới vẫn được dự báo sẽ vượt hơn 100 triệu thùng/ngày vào năm 2019. Trong lúc triển vọng nhu cầu yếu hơn, OPEC và Nga vẫn tăng sản lượng, và nguồn cung tại Mỹ cũng nhảy vọt.
Vào năm 2014 khi giá dầu thô thế giới còn ngất ngưởng ở vùng trên 100 USD/thùng, các cơ quan Việt Nam đã mạnh tay dự báo giá dầu sẽ còn tăng hơn nữa, hoặc có giảm cũng không đáng kể. Tuy nhiên sau khi lập đỉnh, giá dầu thô thế giới đã lao dốc không phanh, giảm đến hơn 50% và rơi về vùng 45 - 50 USD/thùng, khiến ngân sách Việt Nam bị ‘hụt thu’ đến 50.000 - 60.000 tỷ đồng/năm.
Rất có thể là khi dự báo giá dầu thế giới vào năm 2017, các cơ quan Việt Nam đã căn cứ vào tình hình thực tế khi đó là giá dầu chưa tăng mạnh mà vẫn chỉ quanh quẩn ở vùng 50 USD/thùng. Nhưng họ không ngờ là vào cuối năm 2017 và sang đầu năm 2018, giá dầu thô thế giới bắt đầu tăng rồi tăng mạnh, lên đến hơn 70 USD/thùng.
Còn giờ đây, dự báo về giá dầu thô của chính phủ Việt Nam lại một lần nữa phải… xuống theo thế giới. Giới quan chức ‘còn dầu còn đảng’ và ‘còn đảng còn mình’ chỉ mong ngóng giá dầu tăng để tăng thu ngân sách và do đó tiếp tục duy trì chính đảng độc trị được ngày nào hay ngày đó… có lẽ đang tràn trề thất vọng vì mất tiền.
Vậy ngân sách nhà nước năm 2019 sẽ lấy đâu ra tiền để nuôi đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức “còn đảng còn mình” mà có ít nhất 30% trong số đó ăn không ngồi rồi?
Lại in tiền ồ ạt?
Nhưng vào lúc này, ngay cả thao tác in tiền để “bù đắp khó khăn ngân sách” đang trở nên quá nguy hiểm trong bối cảnh lạm phát thực tế đã lên tới vài ba chục phần trăm mỗi năm chứ tuyệt đối không phải “được kềm chế dưới 5%/năm” như các báo cáo chính phủ bất cần biết dân chúng và dân sinh. Chỉ so sánh con số tổng dư nợ tín dụng cho vay vào thời điểm năm 2008 là 2,3 triệu tỷ đồng và vào năm 2017 lên đến khoảng 7 triệu tỷ đồng - tức gấp đến 3 lần, thì trong gần một chục năm qua Bộ Chính trị đảng và Ngân hàng Nhà nước rất có thể đã phải cho in tiền từ 400.000 - 500.000 tỷ đồng/năm, đặc biệt vào thời Nguyễn Tấn Dũng “tiền ra như nước Sông Đà”.
Chỉ còn cách tăng thuế.
Thuế, thuế và thuế!
“Việt Nam cần thúc đẩy tăng trưởng một cách bền vững về các nguồn thu Chính phủ và bảo đảm rằng các nguồn lực được đầu tư một cách có hiệu lực và được sử dụng có hiệu quả. Về vấn đề này, báo cáo nghiên cứu khuyến nghị Chính phủ tiếp tục mở rộng nguồn thu trong nước từ thuế như là một nguồn thu bền vững hơn và đáng tin cậy hơn” - theo một khuyến cáo được các chuyên gia đưa ra tại Báo cáo đánh giá tình hình tài chính cho phát triển bền vững tại Việt Nam, được công bố vào chiều 11/9/2018 tại Hà Nội.

Báo chí nhà nước cho biết ‘báo cáo này được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đặt hàng và do một nhóm chuyên gia biên soạn, với mục tiêu tổng quát là hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực cải cách việc huy động, sử dụng và quản lý tài chính cho phát triển, nhằm thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030’.
Nhưng ai có thể tưởng tượng rằng tổ chức Liên Hợp Quốc - lấy giá trị căn bản tồn tại là phát triển bền vững và công bằng giữa các giai tầng - lại khuyến khích chính thể độc đảng ở Việt Nam đè thuế lên đầu dân càng nhiều càng tốt để bảo vệ cho chế độ chỉ còn hơi thở lụi tàn ấy?
Hoặc chính là ‘các chuyên gia’ của chính thể độc đảng độc trị ở Việt Nam đã lợi dụng nguồn kinh phí được tài trợ từ UNDP để ‘nghiên cứu’ theo phương châm ‘lấy mỡ nó rán nó’: mở rộng diện thu thuế để tăng thu ngân sách trên danh nghĩa UNDP đứng phía sau khuyến nghị này.
Các mưu đồ tăng thuế lại xảy ra trong bối cảnh dân tình Việt ngày càng khốn khó trong một nền kinh tế đã rơi vào thảm trạng suy thoái đến năm thứ 10 liên tiếp, một xã hội bị acid đậm đặc bởi căn bệnh tham nhũng không còn cách gì cứu chữa. Thuế chồng thuế, chồng lên đôi vai gầy guộc của người nghèo. Hàng triệu bệnh nhân, vốn đã bị các bệnh viện “bóp cổ bóp họng” và “không có tiền thì chỉ có chết,” sẽ phải nuốt nước mắt vào lòng với biểu viện phí chất cao như núi…
Thói vô tâm, vô cảm và vô trách nhiệm của giới quan chức chính quyền đã tích tụ từ nhiều năm qua và mang tính hệ thống.
Tăng giá và thuế má là một trong những biểu đạt cực đoan nhất trong giai đoạn cuối của một cơ chế cưỡng bức và cưỡng đoạt. Một đảng Cộng sản ‘của dân, do dân và vì dân’ nhưng đang đẩy dân chúng vào cảnh tàn mạt bởi chế độ ‘thu cùng diệt tận giai đoạn cuối’.
Nhiều người dân ở các tỉnh đói nghèo ấy thốt lên: “Túi chẳng còn gì để nộp thuế nữa. Nếu nhà nước cứ tróc nã thì dân chỉ còn cách hoặc trốn đóng hoặc phản ứng tự vệ thôi”.
Thực tế ít nhất 1/3 trong số 63 tỉnh thành thu ngân sách không đạt kế hoạch năm 2018 là một bằng chứng sống động về thực tế ‘trong dân chẳng còn tiền để thu’. Thậm chí ngay cả ‘con bò sữa’ Sài Gòn cũng chỉ đạt kế hoạch thu ngân sách 2018 khoảng 98%.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét