Thứ Tư, 20 tháng 2, 2019

20190220. PHẢN BIỆN Ý KIẾN CỦA GS SỬ HỌC PHẠM HỒNG TUNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
LÀM CÁCH NÀO ĐỂ 'GIẢI ĐỘC' LỊCH SỬ CHIẾN TRANH

NGUYỄN QUANG DUY/ BVN 19-2-2019

Chiến tranh biên giới 1979 được dạy trong chương trình phổ thông mới ra sao?
GS Phạm Hồng Tung (Ảnh của Thanh Hùng trên VNN 13-2-2019)

Trên vietnamnet.vn (*), Giáo sư Sử học Phạm Hồng Tung, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, cho biết Việt Nam lâu nay đã “gạt quá khứ” sang một bên nên sách giáo khoa Lịch sử gói gọn 4 câu, 11 dòng ở lớp 12, báo chí lại ít nhắc đến Chiến tranh biên giới Việt-Trung.
Trung cộng thì vẫn tiếp tục tuyên truyền “chiến tranh phản kích chống Việt Nam để tự vệ” và trừng phạt “tiểu bá” Việt Nam vong ân bội nghĩa, tay sai của Liên Xô.
Sự khác biệt về nhận thức và cách trình bày lịch sử tạo ra những định kiến mang nặng tính chất kỳ thị và thù địch, nếu gặp những điều kiện thuận lợi, sẽ bùng phát thành hận thù và xung đột.
Nếu không hòa giải được nhận thức và cách trình bày về lịch sử thì đó là một liều thuốc độc mà tiền nhân để lại cho thế hệ sau, và để “giải độc” lịch sử Giáo sư Tung đề nghị:
Bây giờ chính là lúc giới sử học của hai nước Trung - Việt nên ngồi lại, thảo luận những nguyên tắc cơ bản để dạy về những vấn đề liên quan đến lịch sử hai nước”.
Giáo sư Tung tin rằng nhiều quốc gia cựu thù đã thành công trên con đường hòa giải lịch sử, cho nên người Việt Nam và người Trung Hoa cũng sẽ phải làm được điều này.
Giáo sư Phạm Hồng Tung hiện là Chủ biên chương trình Lịch sử giáo dục phổ thông tổng thể đang sửa soạn ra bộ sách giáo khoa Lịch sử nên đề nghị của ông cần được xem xét cẩn thận.
Trường hợp hai nước Pháp và Đức
Giáo sư Tung cho biết Đức và Pháp trong lịch sử cũng đã có những cuộc chiến tranh đẫm máu như Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, lần thứ hai, Chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870,… các nhà sử học, các nhà giáo dục hai nước đã tổ chức nhiều diễn đàn gặp gỡ nhau trước khi cùng nhau soạn một bộ sách giáo khoa Lịch sử chung.
Giáo sư Tung quên rằng Pháp và Đức là hai quốc gia tự do, các sử gia đều độc lập với hệ thống chính trị. Nên ngay thời Chiến Tranh Pháp-Việt vẫn có những sử gia Pháp công khai ủng hộ Việt Nam.
Báo chí Pháp và Đức được tự do thu nhặt và loan tin, nên thông tin đều đa chiều và dễ dàng đối chiếu.
Các cuộc phỏng vấn chứng nhân lịch sử được thường xuyên thực hiện. Các hồi ký được tự do phổ biến.
Các tài liệu lịch sử, các văn kiện và số liệu sau một thời gian đều được giải mật để mọi người có thể tìm hiểu.
Mỗi sử gia có cách nhìn riêng về lịch sử, chính môi trường học thuật tự do giúp họ nhìn nhận các sự kiện, nguyên nhân, diễn biến và hậu quả một cách khách quan hơn, trung thực hơn, gần với sự thật lịch sử hơn.
Các sử gia và các nhà giáo dục Pháp và Đức lại luôn có cơ hội tự do trình bày quan điểm và phát hiện mới trên các diễn đàn quốc tế, nên việc họ xuất bản sách giáo khoa chung, các công trình nghiên cứu chung, các sách tài liệu tham khảo chung là một việc hết sức bình thường.
Môi trường tự do và học thuật tự do hoàn toàn không có tại Việt Nam và Trung cộng.
Việt Nam là nước nhỏ lại luôn bị Trung cộng xâm lược. Chỉ trong vòng 14 năm, 1974-1988, Trung cộng đã 4 lần đánh chiếm lãnh thổ Việt Nam: Hoàng Sa (1974), Biên giới phía Bắc (1979), Vị Xuyên Hà Giang (1984), Gạc Ma (1988) và từ năm 1988 liên tục lấn chiếm Trường Sa và gây chiến ở Biển Đông.
Bởi thế việc so sánh với Chiến tranh Pháp và Đức là điều không thể chấp nhận được.
Giáo dục tự do
Giáo sư Phạm Hồng Tung còn cho biết vào năm 2003, Cộng đồng châu Âu cho thành lập những Nghị viện gồm các thanh niên đóng vai những nghị sĩ, cùng hội họp và bàn thảo đề tài “Nếu là nghị sĩ chúng ta sẽ quyết định những gì cho tương lai của đất nước”.
Nghị viện thanh niên của Pháp và Đức đều ra nghị quyết phải hòa giải lịch sử và phải soạn một sách giáo khoa Lịch sử chung cho cả hai nước, Nghị quyết được Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức ủng hộ.
Đến năm 2006, cuốn sách Lịch sử chung đầu tiên của Pháp và Đức đã ra đời. Những nội dung về chiến tranh đều được cả hai nước chấp nhận vì đó là sự thực trong quá khứ và bây giờ không nên sống với thù hận.
Ông Tung quên rằng tại Đức và Pháp giáo viên dạy sử chỉ giữ vai trò hướng dẫn học sinh thu thập, phê bình tài liệu lịch sử, phân tích làm rõ nguyên nhân, bản chất, ý nghĩa của các sự kiện và của diễn biến lịch sử.
Ngay từ trong học đường, học sinh được đào tạo tư tưởng độc lập và tự do trong học thuật.
Ngoài xã hội, ý kiến của người trẻ được lắng nghe, được tôn trọng, được áp dụng nếu ý kiến thực tế, khả thi và hữu ích.
Giáo dục để đào tạo học sinh thành người độc lập, tự do chưa có tại cả Việt Nam lẫn Trung cộng.
Chính trị bao trùm…
Việt Nam và Trung cộng là hai quốc gia cộng sản nên mọi thông tin đưa ra dù trên truyền thông, báo chí, sách đọc, sách giáo khoa đều được xem như các thông tin chính thức.
Các hình ảnh, lối trình bày mang tính gây hấn, biểu cảm, miệt thị, hay các ngôn từ biểu cảm, miệt thị, như “chúng”, “quân địch”, “giặc”, “dã man”, “tàn bạo”, “khát máu” được xem là dấu hiệu chính thống, dấu hiệu kích động của nhà cầm quyền cộng sản.
Chả thế ngay khi báo chí trong nước đưa tin về “cuộc chiến bảo vệ biên giới chống xâm lăng” và cho đăng lại các bài báo cũ trong thời chiến tranh, dư luận ngay tức thì cho là báo chí được “bật đèn xanh” và Hà Nội đang xét lại quan hệ với Trung cộng.
Chính trị hiện vẫn bao trùm mọi sinh hoạt ngay cả việc soạn sử hay soạn sách giáo khoa đều được định hướng bởi nhà cầm quyền cộng sản.
Hòa hợp hay hòa giải?
Nên việc giới sử học hai nước Trung-Việt có ngồi lại, thảo luận những nguyên tắc cơ bản để dạy về những vấn đề liên quan đến lịch sử thì tư duy “núi liền núi sông liền sông”, “anh em một nhà xã hội chủ nghĩa”… vẫn còn rất nặng.
Hậu quả là Việt Nam sẽ lấy sách sử Trung cộng mà dạy, một cách “hòa hợp” lịch sử.
Hòa giải lịch sử là mọi sự thật lịch sử của cả 2 nước được trình bày một cách minh bạch nhất, trung thật nhất, đúng đắn nhất.
Có hòa giải thì mới có thể tiến tới hòa hợp để giải độc lịch sử chiến tranh.
Người dân Việt nghĩ gì?
Ngày 17-2-1979, tôi vừa tròn 20 tuổi đời, tôi nhớ thông tin về chiến tranh biên giới đến với tôi rất sớm, bạn bè, gia đình, bà con lối xóm loan báo nhau: “cộng sản đánh nhau rồi”.
Khi đó người miền Nam chúng tôi gia đình nào hầu như cũng có người bị bắt đi cải tạo, nhiều người mất cơ nghiệp, bị bắt đi vùng kinh tế mới, bị truy đuổi, bị phân biệt đối xử,… nên xem chiến tranh biên giới chỉ là “cộng sản đánh nhau” là một điều dễ hiểu.
Cuộc chiến giữa nội bộ các đảng cộng sản: Đảng Cộng sản Việt Nam theo Liên Xô, phản bội Trung cộng, xâm lăng Campuchia, nên bị Trung cộng đánh.
Bộ đội và bà con vùng biên giới bị Trung cộng giết hại là nạn nhân của hai đảng Cộng sản Việt Trung.
Nhà cầm quyền Việt Nam biết rõ sẽ bị tấn công nhưng không di tản dân khỏi vùng biên giới để Trung cộng tấn công giết hại sẽ phải chịu thêm phần trách nhiệm trước lịch sử.
Chiến tranh Nam Bắc vừa chấm dứt, người dân lại phải gồng mình thiếu ăn, thiếu mặc hy sinh phục vụ chiến tranh. Thế hệ chúng tôi bị mang ra mặt trận và nhiều người bỏ xác ở Campuchia.
Đến nay, người dân vẫn chưa biết được vùng đất nào Việt Nam đã mất vào tay quân Trung cộng.
Trong trận Vị Xuyên, Cao điểm 1509 thuộc Núi Đất, Hà Giang cho đến chiều ngày 28/4/1984 vẫn thuộc Việt Nam, nhưng đến năm 1999 Hà Nội chính thức ký Hiệp định Biên giới, Núi Đất đã thuộc về Trung cộng.
Cho đến nay vẫn chưa ai chịu tìm hiểu cặn kẽ xem người dân Việt, người bộ đội năm xưa thực sự nghĩ gì về các cuộc chiến tranh.
Liệu Hà Nội có dám nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ để hòa giải dân tộc để viết lại lịch sử dạy cho con cháu không?
Thực tế đang xảy ra…
Tại Hà Nội ngày 17/2/2019, lực lượng an ninh, công an dày đặc khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ, nơi bà con đến thắp nhang cầu nguyện vào 17/2 hàng năm. Một số bà con đến đặt vòng hoa tưởng niệm ở đài chiến sỹ vô danh Bắc Sơn đã bị bắt về đồn công an.
Ở Sài Gòn lực lượng an ninh, thanh niên xung phong, công an chìm nổi dày đặc, xe rác, xe tải, bao cát, thùng rác… che kín tượng đài Trần Hưng Đạo, lư hương bị cẩu bỏ chỗ khác. Các thành viên Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng và bà con không thể đến thắp nén nhang tưởng niệm.
Ít hôm trước ngày 14/2/2019, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh Triết và bà con đã bị nhân viên an ninh quấy nhiễu khi đang đốt nhang tại nghĩa trang Vị Xuyên nơi những anh hùng tử sỹ nằm xuống để bảo vệ giang sơn bờ cõi.
Hòa giải với người dân chưa được thực hiện thì nói gì đến chuyện hòa giải lịch sử.
Lịch sử không còn nằm trong tay giới cầm quyền
Chính Giáo sư Phạm Hồng Tung phải nhìn nhận thế hệ trẻ ngày nay khi muốn tìm hiểu lịch sử liên quan đến chiến tranh Việt Nam và quan hệ Việt-Trung lại tìm đọc những công trình bằng tiếng Anh, tiếng Pháp do người Pháp, người Mỹ, người Đức hay người Úc viết.
Nhiều tài liệu còn được dịch ra tiếng Việt và được phổ biến rộng rãi trên không gian mạng.
Thế hệ trẻ không bị định kiến che lấp, trong khi trình độ nhận thức và phê bình càng ngày càng nâng cao.
Không có gì còn có thể dấu diếm hay che đậy, không còn tình trạng độc quyền thông tin và lịch sử không còn nằm trong tay giới cầm quyền.
Bởi vậy theo tôi việc đầu tiên và quan trọng nhất là Đảng Cộng sản cần thực tâm hòa giải dân tộc bằng cách công bố mọi sự thực lịch sử và nhận lãnh mọi trách nhiệm về các cuộc chiến.
Nhà cầm quyền cần chấm dứt quy kết những đảng viên cộng sản nhìn dám nhận sự thực lịch sử là tự diễn biến, tự chuyển hóa và quy kết người dân là “thế lực thù địch”.
Nhà cầm quyền cần trả lại mọi quyền tự do cho dân, tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội lập Hiến, soạn ra Hiến pháp mới, xây dựng một thể chế mới thực sự do dân, vì dân và của dân.
Đó chính là việc “giải độc” lịch sử, Đảng Cộng sản hòa giải cùng dân tộc và như thế dân mới giầu, nước mới mạnh, mới bảo vệ được bờ cõi do ông cha để lại.
Melbourne, Úc Đại Lợi
17-2-2019
N.Q.D.
(*) Xin xem bài trên vietnamnet.vn, Thuý Nga và Thanh Hùng phỏng vấn Giáo sư Sử học Phạm Hồng Tung: “Chiến tranh biên giới 1979 được dạy trong chương trình phổ thông mới ra sao?
Tác giả gửi BVN

ĐẤT NƯỚC CẦN NHỮNG 'CUỘC CHIẾN KHÁC'

UÔNG NGỌC DẬU/ TVN 20-2-2019
 40 năm, sau cuộc chiến chống thế lực bành trướng, bá quyền, chúng ta đã làm được gì để “giang sơn ngàn thuở vững âu vàng”?
Đất nước cần những “cuộc chiến khác”
40 năm sau cuộc chiến, TP Cao Bằng ngày nay đã hồi sinh, hiện đại, khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng cao. Ảnh: Đoàn Bổng.
Khắc ghi ngày lịch sử
Sau 40 năm, cuộc chiến chống thế lực bành trướng, bá quyền của nhà cầm quyền Trung Quốc trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam lần đầu tiên được kỷ niệm theo cách khá đàng hoàng và cởi mở.
Có thể, với mỗi người, lần KỶ NIỆM này vẫn chưa xứng tầm, khi còn nhiều điều cần nói, muốn nói, vẫn chưa thể nói; khi chúng ta mong muốn nhiều hơn những gì đã làm, đang làm, để chạm đến hai khái niệm công bằng và sòng phẳng với lịch sử; khi những gì chúng ta thực hiện trong tháng năm dài thời hậu chiến chưa thỏa lòng những người ngã xuống.
Đó đây, mặc cảm bị quên lãng, bỏ rơi vẫn đè nặng tâm trí những người từng tham gia cuộc chiến và người thân của họ.
Dù vậy, chắc hẳn từ đây, ngày 17 tháng 2 năm 1979, tức ngày 21 tháng giêng năm Kỷ Mùi, đã khắc ghi vào tâm trí người Việt Nam: Ngày nhà cầm quyền Trung Quốc đưa 60 vạn quân tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc, buộc quân và dân ta cầm súng chống trả, đánh đuổi họ về bên kia biên giới.
Đó là ngày lịch sử, ngày đáng nhớ, ngày nhắc nhớ rất nhiều bài học được viết bằng xương máu.
Lịch sử, trong từng giai đoạn, thói thường vẫn bị che mờ, khuất lấp bởi định kiến và sức ép thời cuộc, thế sự, nhưng không hề mai một, đứt đoạn.
Lịch sử, với mạch ngầm lòng dân vẫn tuôn chảy, hiển hiện, sống động. Rồi đây, khi càng có độ lùi thời gian cần thiết, định kiến dần được cởi bỏ, những thông tin đang bị phủ mờ tiếp tục được giải mật, sự kiện cuộc chiến 17 tháng 2 năm 1979 sẽ được chắp nối, tái hiện, sáng rõ như những gì đã diễn ra, cả trước, trong và sau đó.
Đừng oán trách lịch sử
40 năm trước, vị tướng một đời trận mạc- Tướng Hoàng Đan, vào thời điểm “tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”, khi nghe mãi cái điệp khúc “một lần nữa, lịch sử lại chọn đất nước ta để thử thách” đã không kìm được cảm xúc: “Lịch sử là gì mà làm lính tôi khổ thế!”.
Lịch sử là cái kết từ những biến cố, sự kiện. Chính con người tạo nên những biến cố, sự kiện, tạo nên lịch sử, và không thể khác, con người phải gánh chịu trách nhiệm trước lịch sử.
Tướng Hoàng Đan và những người lính của ông không oán trách lịch sử, không nhìn nhận lịch sử như một gánh nặng đè lên số phận mỗi người.
Chính họ, cùng hàng triệu đồng bào, chiến sỹ xung trận, đem máu xương ngăn giặc thù, giành lại đất đai sông núi. Họ đã hoàn thành sứ mệnh, trách nhiệm, nghĩa vụ trước nhân dân, dân tộc.
Điều mà họ cần, ở thế hệ hiện tại và mai sau, không phải là lặp lại lịch sử hay phản bội lịch sử, mà là xoay chuyển tình thế, tiếp nối lịch sử dân tộc bằng một cách thức khác, tâm thế khác.
Thay bằng câu hỏi: “Lịch sử là gì mà làm lính tôi khổ thế”, để xốc súng xung trận, thế hệ hôm nay, mai sau thường trực câu hỏi: Chúng ta là gì mà để nước nghèo, dân khổ mãi thế? Để rồi vắt óc, xắn tay hành động.
Một cuộc chiến khác
Từ cuộc chiến 40 năm trước, rất nhiều bài học đắt giá được rút ra. Bài học nằm lòng, dài lâu là đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, thêm bạn bớt thù, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, chung sống hoà bình với láng giềng.
Mấy chục năm qua chúng ta gắng gỏi thấm nhuần và vận dụng bài học đắt giá này. Bài học thường trực là bài học cảnh giác, không để Tổ quốc bất ngờ trước mọi âm mưu, thủ đoạn của ngoại bang hòng xâm lăng, cưỡng chiếm lãnh thổ.
Một bài học thực tiễn, bài học của mọi bài học, ở mọi giai đoạn lịch sử, là tranh thủ hoà bình dựng xây đất nước, sớm đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Lịch sử từng nhiều lần lặp lại, khi đất nước lâm vào khó khăn, khủng hoảng, nội bộ bất hoà, lòng dân phân ly, thì bạn bè xa lánh, ngoại bang dòm ngó, động binh. “Trong ấm ngoài êm” không chỉ là phương châm xử thế của mỗi gia đình, mà còn là của mỗi quốc gia.
Đất nước độc lập, giàu mạnh; nhân dân tự do, hạnh phúc; xã hội hài hoà, giang sơn ắt “ngàn thuở vững âu vàng”, thì kẻ xấu, thế lực thù địch hay kẻ thù truyền kiếp, dù muốn, cũng chẳng thể giơ nanh giương vuốt.
40 năm, sau cuộc chiến chống thế lực bành trướng, bá quyền, chúng ta đã làm được gì để “giang sơn ngàn thuở vững âu vàng”?
Đất nước chưa thể giàu mạnh khi trong bộ máy công quyền còn không ít bầy, lũ sâu mọt; khi một phần nguồn tài nguyên, đất đai, ngân khố, công sản quốc gia bị nhóm lợi ích chia chác, cưỡng đoạt, tiêu tán.
Nguồn lực đất nước chưa được khai thác, phát huy vì mục tiêu đất nước hùng cường.
Khi thế giới tự tin bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thì ở ta lại xuất hiện những loại hình kinh tế “không giống ai”- những “kinh tế ngầm”, “kinh tế đen”, “kinh tế đền chùa, lễ hội”... Không khi nào và không ở nơi đâu, loại hình kinh tế núp bóng văn hóa tâm linh buôn thần bán thánh để kiếm chác lợi lộc lại nở rộ như ở ta.
Khi một phần nguồn lực đất nước bao gồm trí tuệ, của cải đổ dồn vào loại hình kinh tế “không giống ai” này, thì tất yếu nó gây ra nhiều hệ lụy, làm thui chột tư duy, ý chí tự lực tự cường, làm méo mó bức tranh kinh tế xã hội của đất nước.
Nhưng, những biểu hiện đó không phải là mạch chính của dòng chảy vì Tổ quốc hôm nay.
Vào dịp tròn 40 năm cuộc chiến với người anh em phương Bắc thời hiện đại, có một câu chuyện liên quan đến tư duy thời hậu chiến, khá ấn tượng, được nhiều người quan tâm, chia sẻ. Đó là câu chuyện về ông Hoàng Nam Tiến, con trai Tướng Hoàng Đan.
“Suốt đời binh nghiệp của mình, Ba tôi đã mất 30.000 người lính”- Đó là con số khủng khiếp mang khuôn mặt chiến tranh ám ảnh doanh nhân thuộc tập đoàn FPT Software.
Thay bằng trĩu nặng mặc cảm mất mát vì chiến tranh, vị doanh nhân này “lập trình” một cuộc chiến khác, cuộc chiến không tiếng súng, thay đổi số phận dân tộc.
“Có rất nhiều người hỏi tôi về con số 30.000 đó, và tôi trả lời: Tôi muốn tự đặt cho mình một thứ vừa là trách nhiệm, vừa là sứ mệnh, vừa là thử thách.
Ba tôi đã mất đi 30.000 người lính suốt đời binh nghiệp của ông. Là con trai ông, tôi có nhiệm vụ đưa 30.000 bạn trẻ ra nước ngoài, cùng làm việc và cạnh tranh với những tập đoàn hàng đầu.
Đó thực chất cũng là một cuộc chiến khác: cuộc chiến góp phần thay đổi số phận của dân tộc này...30.000 nhân viên của tôi sẽ không phải cầm súng, không phải đổ máu và phải trả giá bằng sinh mạng của mình.
Vì tôi tin, bàn tay cầm đũa ăn cơm được thì cũng gõ bàn phím được. Bàn tay bóp cò súng được thì cũng bấm chuột được. Đất nước này không cần thêm bất kỳ cuộc chiến tranh nào nữa”.
Đất nước này không cần thêm bất kỳ cuộc chiến tranh nào nữa, trừ khi kẻ thù buộc ta phải cầm súng.
Đất nước này cần nhiều hơn những tư duy khác, “cuộc chiến khác” làm thay đổi số phận dân tộc.
Uông Ngọc Dậu
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
ĐẢNG, TRUYỀN THÔNG VÀ 40 NĂM CUỘC CHIẾN TRANH CHỐNG QUÂN XÂM LƯỢC TRUNG QUỐC 1979

QUÁCH HẠO NHIÊN/ viet-studies 19-2-2019

"Muốn biết chiến tranh là cái gì người cần hỏi ý kiến, người cung cấp định nghĩa chính xác nhứt không phải là các vị nguyên thủ quốc gia, các chính khách lẻo mép, và các vị thống chế, tổng tư lệnh không bị bom đạn làm trầy miếng da nào" mà nên "hỏi những người phụ nữ đẻ con cho thiên hạ đem đi nướng... hỏi những bà mẹ sau chiến tranh đi hết những nghĩa trang này đến nghĩa trang khác tìm nấm mộ đề tên con mình mà không gặp..."! (“Vết thương thứ mười ba” – Trang Thế Hy).

Vì sao “Đảng ta” lại bất ngờ “bật đèn xanh” ?
Thật  bất ngờ là năm nay cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc năm 1979 được các cơ quan truyền thông nước nhà thuật lại một cách rầm rộ và khá chi tiết đến mức nhiễu loạn ngay sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Tuy vẫn chưa có cơ sở vững chắc nào để khẳng định việc “bật đèn xanh” này có phải là bước tiến thật sự trong nhận thức đặc biệt là trong vấn đề “Thoát Trung” của những lãnh đạo cao nhất của đất nước hiện nay hay không nhưng trước hết, hãy cứ tạm vui mừng trước đã. Không vui sao được vì đã hơn 30 năm qua (tính từ ngày cuộc chiến này kết thúc (1989) và mật ước Thành Đô (1990) được bí mật kí kết) gần như tất cả mọi vấn đề có liên quan đến cuộc chiến khốc liệt và đẫm máu này hoàn toàn bị bưng bít, che giấu (thậm chí những ai cả gan nhắc đến cuộc chiến tranh này có khi còn bị kết tội là “phản động” hay “kích động lòng thù hận”, “gây chia rẻ tình hữu nghị” của hai Đảng hai dân tộc Việt - Trung). Minh chứng rõ nhất là, toàn bộ sự kiện lịch sử đau thương này chỉ được đề cập một cách sơ sài trong SGK lịch sử để dạy cho các em học sinh phổ thông vỏn vẹn mấy dòng. Trong khi đó với cuộc kháng chiến “chống thực dân Pháp” và “đế quốc Mỹ” thì không biết cơ man nào là sách, báo, tài liệu cùng với đó là vô số các cuộc mít tinh tuyên truyền, kỷ niệm vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Đáng nói hơn, ở chiều ngược lại, bên kia biên giới “người bạn vàng”, “người anh em”, người “đồng chí 4 tốt” của “Đảng ta” vẫn không thôi tuyên truyền với con dân của họ rằng đây là cuộc chiến tranh nhằm “tự vệ, phản kích” trước một Việt Nam “vong ân bổi nghĩa”! Từ đây, một câu hỏi mà rất những ai nếu quan tâm đến chính trường cũng như các vấn đề xã hội Việt Nam hôm nay không thể không đặt ra là tại sao năm nay “Đảng ta” lại đột ngột thay đổi thái độ như vậy? Trong cái nhìn tích cực nhất, tôi thử nêu ra 3 lý do cơ bản để lý giải cho sự “bẽ kèo” rất đột ngột này của “Đảng ta” như sau:
Một, phải chăng đây là một trong những điều khoản thỏa thuận trong mật ước Thành Đô năm 1990? Nghĩa là sau thời hạn 40 năm kể từ ngày cuộc chiến khởi phát các bên mới được công khai về cuộc chiến này cho dân chúng mình? Một thỏa thuận như một điều kiện để “bình thường hóa quan hệ” với chiêu bài “câu giờ” nhằm đánh lạc hướng dư luận quốc tế đồng thời cũng là giữ thể diện cho kẻ xâm lược vốn là đồng chí, lãng giềng hữu hảo... 
Hai, sức ép từ Hoa Kỳ (nhất là từ thời tổng thống D. Trump) trong vấn đề đối ngoại vì thời gian qua so với Trung Quốc “Đảng ta” đã quá thiên vị, chỉ tuyên truyền một chiều và dĩ nhiên là rất không công bằng với Hoa Kỳ trong cái nhìn về các cuộc chiến tranh? Tuy lúc nào cũng nói “gác lại quá khứ hướng đến tương lai” nhưng lại lên án, mạt sát Hoa Kỳ rất nặng nề vào mỗi dịp 30/4 hay bất cứ khi nào Đảng thích; ngược lại với Trung Quốc thì lại rụt rè, sợ sệt, im lặng đến đáng ngờ? Trong khi đó, hiện nay nếu không có sự tuyên bố mạnh mẽ cùng sự hiện diện của Hòa Kỳ ở Biển Đông thì rất có khả năng Trung Quốc đã động binh gây khó dễ hơn cho Việt Nam trong vấn đề tranh chấp chủ quyền các đảo ở Trường Sa, Hoàng Sa. Không những vậy, trong chính sách tuyên truyền lúc nào cũng xem Hoa Kỳ là “thế lực thù địch” còn Trung Quốc tuy luôn ức hiếp ở biển Đông thì lại là “bạn vàng” và “đồng chí 4 tốt”?
Ba, đây là một trong những kịch bản quan trọng trong công tác chuẩn bị của “Đảng ta” cho cuộc gặp gỡ thượng đỉnh lần 2 giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đang cận kề vào cuối tháng. Trong tình hình dân chúng nhất là các lực lượng tiến bộ trong xã hội đang có nhiều bất đồng và mất niềm tin với Đảng; cộng với đó là sự bất ổn khi nhìn sang tình cảnh nổi giận của người dân Venezuela nên “Đảng ta” không thể không phòng bị từ xa về những tình huống bất ngờ và xấu nhất có thể xảy ra?
Khi truyền thông thay việc của các sử gia
Như đã nói, cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc diễn ra cách đây đúng 40 năm nhưng có hơn 30 năm “Đảng ta” không cho bất kỳ ai đề cập đến sự kiện này. Vậy mà đùng một cái, năm nay Đảng lại “bật đèn xanh” cho giới truyền thông báo chí đưa tin thoải mái mà không ngăn cản gì. Chưa kịp vui mừng vì sự đột ngột thay đổi thái độ này của Đảng thì lại thấy vô cùng quan ngại cho cách đưa tin ồ ạt như xả lũ của các cơ quan báo chí, truyền thông nước nhà trong những ngày qua. Có thể nói, ngoài một số báo có bề dày truyền thống và kinh nghiệm như Tuổi trẻ, Thanh hiên, Vnexpress... nên bài vở về chủ đề này được chuẩn bị khá công phu, kỹ lưỡng cả về nội dung lẫn hình thức trình bày thì còn lại đa phần có vẻ đang có biểu hiện của sự tùy tiện, mạnh ai nấy nói chẳng khác gì một trận địa ngỗn ngang không có tướng lĩnh đủ dũng khí để và bản lĩnh để chỉ huy?
Qua việc này mới thấy, việc “Đảng ta” đã “cấm khẩu” dân chúng suốt 30 năm qua cũng như việc tước đoạt quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong xã hội hôm nay nó nguy hiểm đến mức thế nào. Tuy giờ đây, “Đảng ta” đã “bật đèn xanh” cho giới truyền thông nhưng rõ ràng “Đảng ta” cũng đang rất bị động vì hoàn toàn không có một sự chuẩn bị nào cho giới sử học nước nhà suốt 30 năm qua về  cuộc chiến tranh này. Vì nói cho cùng, đây mới là thành phần duy nhất đủ tư cách và uy tín nói để nói về lịch sử dân tộc trên tinh thần khoa học chứ không phải đội ngũ truyền thông, báo đài hiện nay vốn chỉ có nhiệm vụ đưa tin theo định hướng và chỉ thị. Bàn về sự kiện lịch sử rất quan trọng đã xảy ra cách nay 40 năm nhưng đa phần chỉ là dân ngoại đạo; lại thiếu sự đầu tư, chuẩn bị nhất là về tư duy về khoa học lịch sử, không những vậy còn để cho cảm xúc nhất thời chi phối và lấn át thì rất khó thuyết phục người khác về tính khách quan, khoa học, nhân văn, nhân ái hay xa hơn là hòa giải lịch sử...
Chiến tranh nói cho cùng là sự bất bình thường của tâm lý con người trong những thời điểm oan nghiệt nhất của lịch vì đã bất đắc dĩ fải tàn sát lẫn nhau. Đã trót bắn giết lẫn nhau thì cũng nên biết sám hối chứ không nên chỉ có tự hào. Đồng ý là cần phải sòng fẳng và minh bạch lịch sử nhưng khi chiến tranh đã qua rồi cũng phải hết tỉnh táo và cẩn trọng trong khi nhắc lại nhất là cho thế hệ con cháu nghe. Bài học kinh nghiệm cho mọi cuộc chiến tranh đẫm máu trong lịch sử không nên chỉ dừng lại ở chuyện “ta anh hùng, nhân hậu; địch man rợ, dã man” mà quan trọng hơn là sự phòng bị và cảnh giác để tốt nhất là dừng bao giờ để xảy ra chiến tranh thêm một lần nào nữa. Một dân tộc mà suốt chiều dài lịch sử lại ngập chìm trong những cuộc chiến tranh đẫm máu (dù là với tinh thần chống xâm lược rất chính nghĩa đi nữa) thì nhất định cũng phải xem lại thái độ ứng xử và nội lực của dân tộc ấy trong những thời điểm hòa bình. Mình phải làm sao và như thế nào để hết lần này đến lần khác bị ngoại bang xâm lược để rồi con đường vinh quang của dân tộc lại là con đường “xây xác quân thù” đầy bạo lực như thế?
Thế nên, “tôn trọng sự thật khách quan của lịch sử nhưng không kích động sự thù hận” là quan điểm đúng về mặt lý thuyết nhưng thực tế là vấn đề rất khó khăn và phức tạp khi trình bày. Nếu không phải là một sử gia chân chính, không có cách tiếp cận khoa học, nhiều chiều thì rất dễ tự biến mình thành “sử nô” hoặc cùng lắm cũng chỉ là ăn theo nói leo cho sướng miệng mà thôi!
Thay lời kết
Trong ba giả thuyết liên quan đến việc bất ngờ “bật đèn xanh” của “Đảng ta” về cuộc chiến tranh năm 1979 (như đã trình bày ở trên) cá nhân tôi thiên về giả thuyết cuối cùng nhiều hơn. Có hai lý do tôi thiên về giả thuyết này là:
Thứ nhất, mặc dù cho đến nay tuy đã bật đèn xanh cho giới truyền thông thoải mái đưa tin (đến nhiễu loạn) nhưng có thể thấy vẫn không có một cuộc mít tinh tchính thức nào từ phía trung ương hay địa phương để tưởng nhớ những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ tổ quốc trong cuộc đối đầu với quân xâm lược Trung Quốc năm 1979 giống như những cuộc mít tinh vảo mỗi dịp 30/4 hàng năm.
Thứ hai, tuy thời gian qua “Đảng ta” đã có những thay đổi và biến chuyển tích cực trong vấn đề lãnh đạo và điều hành đất nước, nhưng, có thể thấy hiện nay lực lượng bảo thủ trong Đảng vẫn đang chiếm thế thượng phong. Bảo thủ ở đây không phải là “bán nước” hay “thân Trung Quốc” mà trước hết là do sự hạn chế, lạc hậu trong nhận thức và tư duy trước những vấn đề mới của xã hội và trên thế giới. Điều này thể hiện rõ nhất ở cách nghĩ máy móc, ấu trĩ “còn Đảng còn mình” của rất nhiều người. Với những người này, “còn Đảng” cũng đồng nghĩa những quyền lợi về vật chất (tiền tài, danh vọng, địa vị, chức tước...) mà Đảng đã ban cho không bị mất đi hay phổ biến hơn là lợi dụng những chủ trương chính sách của Đảng để móc ngoặt và tham nhũng, vun vén cho cá nhân mình. Vậy nên, dù cho Đảng có tệ hại đến mấy đi nữa thì họ cũng nhân danh hay bênh vực trong sự mù quáng và ích kỷ. Nói cho cùng, chính thành phần này chứ không phải ai khác mới là rào cản, là trở ngại lớn nhất cho sự phát triển và phồn vinh của đất nước. Với tầm nhìn hạn hẹp, sự ích kỷ và cực đoan đã ăn vào máu, những người này đã và đang tạo sức ép lên số ít những cá nhân có tư duy tiến bộ trong Đảng, thật sự vì dân tộc và đất nước.
Thời gian qua, những tranh cãi nẩy lửa xung quanh sự ra đời của quyển sách “Gạc Ma vòng tròn bất tử” mà trong đó với cái nhìn bảo thủ, hẹp hòi nhiều tướng lĩnh quân đội về hưu đã lên án phản đối, thậm chí mạt sát và chụp mũ chính trị những người đã đấu tranh để quyển sách ấy ra đời là một minh chứng cụ thể và rõ ràng nhất. Hay cũng chính họ đã lên tiếng phản đối và gây sức ép lên những người lãnh đạo cao nhất của đất nước khi biết được thông tin các nhà sử học sẽ tổ chức biên soạn lại bộ sách Lịch sử Việt Nam trên tinh thần và cái nhìn cởi mở, tiến bộ, hòa giải. Đặc biệt là về vấn đề bỏ cách gọi quân đội và chính quyền Việt Nam cộng hòa trước đây bằng cụ từ “ngụy quân, ngụy quyền” như trước đây.
Tóm lại, việc bất ngờ “bật đèn xanh” cho truyền thông nước nhà công khai nói về cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc cách nay 40 năm, rất có thể đều nằm trong kế hoạch phòng bị từ xa của “Đảng ta” đặc biệt và trước hết là để đảm bảo tuyệt đối về mặt an ninh chính trị cho cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai chính khách hàng đầu thế giới D. Trump và Kim Jong Un. Xa hơn nữa là nhằm khơi thông và hạ nhiệt những “cái đầu nóng” của người dân vốn đang rất bức bối về nhiều vấn đề bất công và tiêu cực trong xã hội và đất nước hiện nay. Rất có thể việc “bật đèn xanh” này trong nhất thời sẽ làm Bắc Kinh nổi giận nhưng đây chính là phương án tối ưu nhất trong hoàn cảnh gấp rút và phức tạp này. Cùng lắm sau đó “Đảng ta” sẽ giải thích qua con đường ngoại giao bằng chiêu bài “ý thức hệ”. Điều này dù sao vẫn tốt hơn là để cho những ức chế, dồn nén của người dân nếu bùng nổ ra thì sẽ phản ứng không kịp? Bài học Venezuela đang rành rành trước mắt nên chắc chắn “Đảng ta” sẽ không bao giờ chủ quan. Trong cái nhìn này, dù muốn dù không cũng phải thừa nhận “Đảng ta” đã rất “tài tình và sáng suốt”! Dĩ nhiên “tài tình và sáng suốt” trong sự độc tài, độc đoán, vì sự tồn vong của Đảng, của chế độ này hơn là vì sự tồn vong của quốc gia, dân tộc.  
CT, 17/02/2019
Q.H.N
 Tác giả gởi cho viet-studies ngày 17-2-19

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét