Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2019

20190203. VIẾT VỀ 89 NĂM THÀNH LẬP ĐẢNG CSVN

ĐIỂM BÁO MẠNG
4 BÀI HỌC GIÚP ĐẢNG CSVN LÃNH ĐẠO ĐẤT NƯỚC NGÀY CÀNG PHÁT TRIỂN

NGUYỄN XUÂN THẮNG/ TGVN/ GDVN 3-2-2019

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định giương cao ngọn cờ “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”.
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, khát vọng về một đất nước Việt Nam “độc lập - tự do - hạnh phúc”, Đảng Cộng sản Việt Nam hiệu triệu khơi dậy lòng yêu nước của lớp lớp người Việt Nam vùng lên lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân;
Chiến đấu, lao động và học tập quên mình; không quản ngại gian khổ, hy sinh, giành thắng lợi vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong cuộc chiến đấu kiên cường bảo vệ Tổ quốc và trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. 
Xuất phát từ điều kiện lịch sử cụ thể và thực tiễn phát triển của Việt Nam, phù hợp với quy luật và xu thế phát triển chung của nhân loại, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới mà trước hết là “đổi mới về tư duy kinh tế”, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Công cuộc đổi mới trở thành sản phẩm sáng tạo, trí tuệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, của nhân dân Việt Nam mang tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Việt Nam, của Việt Nam và do nhân dân Việt Nam thực hiện.
Đổi mới đặt ra những vấn đề lý luận và thực tiễn rất mới, có những vấn đề thậm chí trước đây chưa từng có.
Đó là sự lựa chọn mang tính lịch sử, là một quá trình đổi mới sâu sắc cả về phương diện tư duy, nhận thức lý luận, cả về đường lối lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội và công tác chính trị, tư tưởng của Đảng.
Từ một nền kinh tế khép kín, tự cấp tự túc, bị bao vây, cô lập, cấm vận, Việt Nam đã tiến hành mở cửa, trở thành thành viên của ASEAN, APEC, WTO và nhiều tổ chức quốc tế khác, tham gia nhiều định chế thương mại tự do, trong đó có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu, đồng thời, mở rộng hội nhập ra tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh và văn hóa - xã hội,v.v..
Từ chỗ chỉ là thành viên tham gia các định chế quốc tế, Việt Nam đã chủ trương “chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương”, trở thành “đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.


Từ chỗ phủ nhận cơ chế thị trường trong thời kỳ trước Đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thống nhất nhận thức rằng, kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công không thể không phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đây cũng chính là mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng trong tiến trình lãnh đạo công cuộc đổi mới.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường; là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. [1]
Định hướng xã hội chủ nghĩa được thể hiện nhất quán trên các phương diện của nền kinh tế - xã hội.
Trong mục tiêu phát triển, đó là: lấy con người làm trung tâm, vì mọi người và do con người, nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trong phương thức phát triển, đó là phát triển bền vững, bao trùm và hội nhập.
Gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường trong từng bước đi và từng chính sách phát triển.
Trong quản lý nền kinh tế, đó là phát huy đầy đủ vai trò chủ thể của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, mọi người dân được tham gia và mọi người dân được hưởng lợi; đảm bảo vai trò quản lý nền kinh tế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chủ trương phát triển kinh tế tư nhân cũng là một quá trình đổi mới tư duy táo bạo.
Vượt qua những tư duy cố hữu, thậm chí có ý kiến cực đoan muốn xóa bỏ kinh tế tư nhân, Đảng đã xác định kinh tế tư nhân có vị trí “quan trọng lâu dài”, “bộ phận cấu thành quan trọng” trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng đã khẳng định mạnh mẽ và dứt khoát rằng, kinh tế tư nhân - “một động lực quan trọng của nền kinh tế”, là bước đột phá về nhận thức so với giai đoạn trước, khi Việt Nam chỉ coi kinh tế tư nhân là “một trong những động lực của nền kinh tế”.
Những thay đổi nhận thức như vậy đã lan toả mạnh mẽ trong đời sống xã hội, tạo ra một sức sống mới cho nền kinh tế.
Từ một nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ bé, với GDP chỉ 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 250 USD trong những năm đầu đổi mới, Việt Nam đã thoát ra khỏi tình trạng đói nghèo, chuyển sang thực hiện và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đến năm 2018, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 245 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 2.580 USD, khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam với các nước đã được thu hẹp đáng kể.
Trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng khu vực nông nghiệp giảm xuống còn 14,8%; tỷ trọng các khu vực công nghiệp, dịch vụ tăng lên 85,2%.
Đặc biệt, tỷ lệ người nghèo đã giảm mạnh, từ mức trên 60% vào những năm đầu đổi mới xuống dưới mức 7% hiện nay.
Nền kinh tế Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá có triển vọng tốt, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới.
Nếu duy trì được đà tăng trưởng như 3 thập niên qua thì đến năm 2045 - kỷ niệm mốc lịch sử 100 năm Việt Nam độc lập (1945 - 2045), quy mô GDP của Việt Nam ước sẽ đạt khoảng 2.500 tỷ USD, còn thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 18.000 USD.
Có được những kết quả ấn tượng trên là nhờ Đảng đã định hướng ngày càng rõ mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Từ chỗ tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và lực lượng lao động có tiền công thấp, Đảng đã chủ trương chuyển sang thực hiện phát triển kinh tế bao trùm và bền vững, tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, hoàn thiện mô hình tăng trưởng đồng bộ trên cả phương diện kinh tế - kỹ thuật, kinh tế - xã hội và kinh tế - sinh thái, thúc đẩy phát triển trên nền tảng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế.
Càng đi sâu vào quá trình đổi mới, đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam càng ý thức được rằng, cần phải chú trọng lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng ngay trong mỗi bước đi và trong từng chủ trương, chính sách, nhằm tạo ra sự thống nhất về hành động với quyết tâm cao trong toàn hệ thống chính trị.


Uy tín của Đảng; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đối với sự nghiệp cách mạng; sự bền vững, ổn định của chế độ, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa muốn thành công đều bắt nguồn từ kết quả của các công tác này.Xuất phát từ yêu cầu phát triển trong giai đoạn 2016-2020, Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng xác định: “phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt”.
Trước hết, sự lãnh đạo của Đảng vững vàng bằng lý luận và trên nền tảng lý luận đúng đắn - coi đây là linh hồn của công tác lãnh đạo về chính trị, tư tưởng của Đảng.
Đảng đi tiên phong trong việc thiết kế, định hướng tầm nhìn và khát vọng phát triển cho dân tộc.
Lý luận của Đảng có vững, quyết tâm chính trị mới cao; việc xây dựng và ban hành đường lối, chủ trương mới chắc; công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân mới thông; việc bảo vệ nền tảng tư tưởng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc đường lối của Đảng mới kiên định và kiên quyết.
Đảng lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội và công tác chính trị, tư tưởng dựa vào lý luận và bám sát thực tiễn.
Trên nguyên tắc lấy thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, Đảng coi trọng tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận, tháo gỡ những vướng mắc trong nhận thức tư tưởng, phát hiện ra những kinh nghiệm hay, những mô hình tốt, mạnh dạn, chủ động kịp thời có chủ trương xử lý hiệu quả những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn;
Giải quyết tốt, đảm bảo hài hòa các mối quan hệ lớn về chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ, môi trường, v.v.. phản ánh quy luật đổi mới và phát triển ở Việt Nam.
Xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn sinh động luôn thay đổi không ngừng trong bối cảnh mới của thế giới, khu vực và đất nước, Đảng lãnh đạo đổi mới tư duy phát triển Việt Nam phù hợp với xu thế phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, phát triển bao trùm và bền vững,v.v..;
Khai thác có hiệu quả những thành tựu phát triển của thế giới, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
Tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiến bộ của nhân loại về phát triển toàn diện con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, do con người và giải phóng con người,v.v.. phù hợp với triết lý phát triển của dân tộc Việt Nam và với bản chất nhân văn cao đẹp của chủ nghĩa xã hội.


Thứ hai, 
chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng thông qua Nhà nước phải được thể chế hóa, trước hết, phải đổi mới có hiệu quả tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đây là một trong những điểm mới, nổi bật trong việc tăng cường sự lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng và nằm trong số 6 nhiệm vụ trọng tâm của Đảng Cộng sản Việt Nam được xác định từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII.
Đảng lãnh đạo với quyết tâm cao để thực hiện thắng lợi chủ trương đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị một cách khoa học, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với tình hình mới từ Trung ương tới địa phương, các ngành, các cấp.
Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng xây dựng một tổ chức bộ máy tinh gọn, khoa học;
Tăng cường thể chế hóa việc xây dựng và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương, nghị quyết, nhất là công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết, đánh giá dựa trên hiệu quả công việc và sản phẩm đầu ra có định lượng để đưa nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống.
Đặc biệt, Đảng tiến hành cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, thể hiện quyết tâm làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, cho cả hệ thống chính trị vận hành đồng bộ, có kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh.
Đóng vai trò hạt nhân của hệ thống chính trị, Đảng không bao biện, làm thay mọi việc cho Nhà nước, mà thông qua lãnh đạo bộ máy chính quyền nhà nước để thể chế hóa các chủ trương, đường lối và thực hiện sự lãnh đạo của mình.
Đảng không đứng trên ra lệnh, không hoàn toàn đứng bên cạnh để giám sát mà Đảng “hóa thân” vào Nhà nước.
Đây là đặc trưng nổi bật, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khoa học và hiệu quả trong phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền.
Xây dựng Đảng vững mạnh gắn liền với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vững mạnh của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, theo những chuẩn mực quản trị tốt, phục vụ phát triển và có khả năng xử lý, ứng phó linh hoạt với những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn.
Đồng thời, trong điều kiện Đảng duy nhất cầm quyền thì việc phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và sự tham gia rộng rãi của quần chúng nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội là cần thiết và hết sức quan trọng.
Thứ ba, sự lãnh đạo của Đảng trí tuệ, tinh thông bởi đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài, đáp ứng yêu cầu mới của đất nước.
Tư duy, trí tuệ và bản lĩnh lãnh đạo của Đảng nằm trong và thể hiện ở đội ngũ cán bộ, đảng viên - những người gương mẫu, đi đầu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng.
Công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, tư tưởng của Đảng trong nhân dân được thực hiện không gì tốt bằng sự gương mẫu của các cán bộ, đảng viên, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. [2]
Do vậy, Đảng luôn chú trọng công tác xây dựng và phát triển cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng - coi đây là “then chốt” của “nhiệm vụ then chốt”.

Hội thảo Lý luận lần thứ 14 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc
Trong thời gian qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ; lựa chọn đội ngũ cán bộ, đảng viên hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội theo vị trí thích hợp, đúng quy trình, quy định, đúng năng lực sở trường.
Đảng vừa bổ sung, hoàn thiện các cơ chế đánh giá, giám sát cán bộ, quan tâm hơn tới chính sách đãi ngộ và tiền lương; vừa yêu cầu phát huy vai trò nêu gương của người cán bộ - đảng viên và cán bộ có chức vụ càng cao lại càng phải gương mẫu; đồng thời, chú ý phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng cán bộ, trọng dụng nhân tài.
Thứ tư, sự lãnh đạo của Đảng luôn bền chặt, gắn bó mật thiết với nhân dân. Tư tưởng “dân là gốc” là truyền thống đạo lý muôn đời của dân tộc Việt Nam luôn được các bậc tiền nhân vận dụng trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Trong công việc của Đảng, của Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. [3]
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn ý thức được rằng: phải luôn vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đảng lấy lợi ích của nhân dân để định hướng mục tiêu lãnh đạo; lấy niềm tin của nhân dân làm chỗ dựa cho hành động; và lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo kết quả.
Người dân ở vị trí trung tâm ở mọi khâu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo mọi người dân tham gia, mọi người dân hưởng lợi từ quá trình phát triển, vừa là mục tiêu, vừa là thuộc tính của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Thành phố Hải Phòng trao quà tết, động viên công nhân lao động Hải Phòng tham dự chương trình Tết sum vầy 2019. Ảnh: Sơn Tùng
Việc xây dựng đoàn kết, thống nhất trong Đảng gắn liền với sự đồng thuận trong nhân dân.
Đảng vừa lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhất là những ý kiến giám sát, phản biện mang tính xây dựng; vừa tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, đồng thời quyết liệt đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc đường lối của Đảng, xử phạt nghiêm minh các hành vi chống phá chế độ, vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đang lãnh đạo đất nước phát triển bền vững, bao trùm và hội nhập dựa trên đổi mới sáng tạo; đổi mới đồng bộ, hài hòa thể chế kinh tế với thể chế chính trị và thể chế xã hội mà trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể chế Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và thể chế dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Xây dựng Đảng vững bằng lý luận, mạnh bằng thể chế, trí tuệ bằng đội ngũ cán bộ có đức, có tài và bền chặt với nhân dân là những yêu cầu tiên quyết, điều kiện thành công cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong tình hình mới.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội lần thứ XII, Văn phòng trung ương Đảng, H, 2016.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, H, 2002, t.1, tr.263.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H, 2002, t.12, tr. 212.
* Bài viết lược đăng từ phát biểu đề dẫn tại Hội thảo trao đổi lý luận - thực tiễn lần thứ 4 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Cu Ba, ngày 14 và 15/11/2018 tại Thủ đô La Habana, Cộng hòa Cu Ba
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương,
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Tuyengiao.vn
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
DÂN ƠN ĐẢNG ? ĐẢNG ƠN DÂN ?

UÔNG NGỌC DẬU/ TVN 3-2-2019

Dân ơn Đảng? Đảng ơn Dân?
Có ở quốc gia nào mà nhân dân tin tưởng, nghĩa tình với đảng cầm quyền như ở Việt Nam? Ảnh: Lê Anh Dũng.
Có ở quốc gia nào mà nhân dân tin tưởng, nghĩa tình với đảng cầm quyền như ở Việt Nam?

Khi Đảng mắc sai lầm, khuyết điểm, hư hao, có lúc quên dân, xa rời dân, thì dân vẫn không quay lưng với Đảng, vẫn mong Đảng sửa sai, để lại xứng đáng là “đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”.
Dân ơn Đảng
Không biết tự thời nào, người dân, thành thói quen, cất lời là “ơn Đảng, ơn Chính phủ”. Được mùa, sắm thêm con trâu cày, “ơn Đảng, ơn Chính phủ”. Có con đỗ đại học, có công ăn việc làm, “ơn Đảng, ơn Chính phủ”. Sinh thêm con, đẻ thêm cháu, cũng không quên “ơn Đảng, ơn Chính phủ”. Có thêm cây cầu, đoạn đường, con đập, mái trường, người dân cởi lòng ngợi ca Đảng, “Đảng tốt thật”.
Vài ba chục năm lại đây, mỗi khi Đảng ban hành chủ trương chính sách mới, ích nước lợi nhà, người dân cho tới cộng đồng doanh nghiệp được cởi trói, ăn nên làm ra, đều không tiếc lời “nhờ ơn Đảng, nhờ ơn Chính phủ”...
Một giai đoạn lịch sử dài lâu, dân ta sống trong cảnh nô lệ, nước mất nhà tan, một cổ hai tròng, binh đao máu lửa. Từ khi Đảng phất cờ, tập hợp toàn dân làm cuộc cách mạng thành công, nhiều điều trước đây không nghĩ, không tưởng và không thể, những “trời cao, đất rộng bao la”, những “bát cơm, tấm áo, hương hoa, hồn người” thành hiện thực. Cũng từ lâu, một thời, cái câu “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” trở thành câu nói hàng ngày, rất hiện thực, cụ thể, sinh động.
Dân ơn Đảng cũng có cái lý của nó.
Dân ơn Đảng một cách vô tư, hồn nhiên, khi cuộc sống ngày ngày mang đến cho đại đa số dân chúng nhiều hơn những cơ hội học hành, mưu sinh, nuôi ước mơ tương lai.
Nhiều khi những thành quả, nguồn lợi có được không liên quan mấy đến vai trò của Đảng, Chính phủ, nhưng người dân vẫn không quên nghĩ đến công ơn của người lãnh đạo trực tiếp, toàn diện - đứa “con nòi, xuất thân từ giai cấp lao động”. Cả khi bị lũ cường hào ác bá cũ, mới chèn ép, hiếp đáp hay gặp chuyện oan khuất, người dân thường chỉ còn nghĩ đến Đảng, trông cậy vào Đảng, luôn nghĩ chỉ có Đảng mới đem lại công bằng cho họ.
Có được nhân dân nghĩa tình, son sắt niềm tin như thế, làm sao Đảng không một đời tận tuỵ, phấn đấu hy sinh vì dân vì nước!
Thời Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống, thậm chí một thời gian dài sau khi Người qua đời, mỗi khi có được những thành công trong cuộc sống hay được hưởng thành quả của chế độ, người dân vẫn không quên cất lời “ơn Cụ Hồ”.
Cụ Hồ là biểu tượng, là hình ảnh tiêu biểu của Đảng, của chế độ vì nước vì dân, “ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”.
Đảng mang nặng ơn dân
Trong rất nhiều diễn văn kỷ niệm ngày thành lập Đảng, tôi ấn tượng với diễn văn mà Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Hồ Chí Minh đọc tại buổi lễ mừng Đảng tròn 30 tuổi cách nay 59 năm.
Ấn tượng không hẳn ở văn phong một bài diễn văn rất chính luận nhưng giản dị, ngắn gọn, hình ảnh mà hàm súc, mà chính là câu chuyện nghĩa tình giữa Đảng với Dân. Ngay những dòng đầu tiên của diễn văn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “thay mặt Đảng gửi lời khen ngợi và cảm ơn toàn thể đồng bào”. Người nhắc đến vai trò của Đảng: “Đảng ta vĩ đại vì nó bao trùm cả nước, đồng thời vì nó gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta”.
Người nhắc đến nhiệm vụ rất cụ thể của Đảng: “Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hoá lạc hậu của nước ta thành nền kinh tế, văn hoá tiên tiến; đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hàng ngày của nhân dân”. Lại đề cao trách nhiệm của Đảng trước số phận người dân: “Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ”.
Vì đâu người đứng đầu của Đảng, của nước đau đáu nhiệm vụ, trách nhiệm trước dân? Phải chăng từ khi Đảng ra đời đã mang nặng món nợ ơn dân? Phải chăng sức mạnh của dân tạo nên sức mạnh Đảng?
Nhà thơ Việt Phương từng nhìn ra cội nguồn sức mạnh của Đảng: “Đảng là máu,nước mắt, mồ hôi dân nghèo mình tụ lại/Thành những cánh rừng vùng lên đi, những ruộng đồng bừng lên nói (...)Đảng là sức đau tận cùng nỗi đau người nghèo khổ/ Sức dâng của nước và sức bừng của lửa”( Đảng/ Cửa mở/ Việt Phương)
Cũng vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Tố Hữu, nhà thơ lớn của đất nước- “Người phát ngôn của Đảng” có bài thơ dài “Ba mươi năm đời ta có Đảng”. Đó thực sự là cuốn lịch sử Đảng bằng thơ, với cảm hứng chủ đạo ngợi ca cội nguồn làm nên sức sống lâu bền của Đảng, đó là Lòng dân.
Rất nhiều ký ức được khơi dậy, nhắc nhớ: “Nhớ những lúc hầm sâu địch hậu/ Nhớ những đêm theo dấu đường dây/ Giặc lùng giặc quét giặc vây/ Có dân có Đảng đêm ngày vẫn vui”. Còn nữa: “Chín năm nắng núi mưa ngàn/ Có dân có Đảng cơ hàn vẫn vui”. Và đây nữa: “Con chim biết nhớ đàn nhớ tổ/ Ta nhớ người đau khổ nuôi ta/ Thương người như mẹ như cha/ Lòng dân yêu Đảng như là yêu con”.
Đâu chỉ dân mang ơn Đảng. Đảng thực sự mang nặng ơn dân!
Dân tặng Đảng huân chương
Có ở quốc gia nào mà nhân dân tin tưởng, nghĩa tình với đảng cầm quyền như ở Việt Nam? Đảng trưởng thành, lớn mạnh, giữ vững phẩm chất “là đạo đức là văn minh”, dân tin tưởng, đã đành. Khi Đảng mắc sai lầm, khuyết điểm, hư hao, có lúc quên dân, xa rời dân, thì dân vẫn không quay lưng với Đảng, vẫn mong Đảng sửa sai, để lại xứng là “đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”.
Trọng dân là chìa khoá tạo nên sức sống lâu bền của Đảng.
Có một câu khẩu hiệu, mỗi năm vào dịp tết đến xuân về, vẫn được trưng lên khắp nơi, từ công sở tới phố phường, thôn quê. Đó là câu “Mừng Đảng, mừng Xuân”. Sao lại chỉ là mừng Đảng mừng Xuân? Phải là “Đón Xuân, mừng Đất Nước đổi mới, mừng Nhân Dân hạnh phúc, mừng Dân Tộc trường tồn” chứ? Câu khẩu hiệu cũ mòn không phản ánh bản chất nghĩa tình, trọng dân của Đảng ta, lại khiến nhân dân cả nghĩ, chạnh lòng.
Gần 20 năm trước, Đài Tiếng nói Việt Nam phát một phóng sự có đầu đề Tặng cho Đảng cái bằng khen của nhà báo Trần Thiên Nhiên.
Phóng sự kể câu chuyện về ông Tư Ngán, một nông dân vùng Đồng Tháp Mười mở lòng khen Đảng có chủ trương đổi mới, cởi trói, kinh tế hộ gia đình phát triển, mùa vụ bội thu. Ông nhắn gửi nhà báo: “Bây về Hà Nội nhờ nói giùm, đề nghị Quốc hội tặng cho Đảng cái bằng khen”.
Nhà báo hỏi: “Sao lại bằng khen, phải huân chương chứ?”, thì ông già Nam Bộ lý giải: “Đảng có công đổi mới, đua đất nước đi lên. Nhưng Đảng cũng có lỗi, để dân khổ 10 năm. Trừ đi một nấc, bằng khen là vừa đó bây”.
Nhân dân đời nào cũng nghĩa tình, độ lượng và công bằng. Giờ đây, nếu ông Tư Ngán trong phóng sự gần 20 năm trước còn sống, với những thành công của Đảng trong công cuộc phòng chống tha hoá, tham nhũng, tiêu cực và ổn định chính trị, phát triển kinh tế, ông sẽ lại mở lòng khen Đảng, sẽ lại “uỷ quyền” cho Quốc hội tặng thưởng cho Đảng.
Nhưng là bằng khen hay huân chương đây?
Tôi nghĩ, nếu Đảng tiếp tục cầm trịch cuộc đấu tranh phòng chống tha hoá, tiêu cực, tham nhũng, thanh lọc đội ngũ đến cùng; nếu Đảng kiên trì tinh gọn bộ máy, cải cách thể chế, đổi mới tư duy, sớm thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; nếu Đảng biết dựa vào dân tinh tường chọn lựa lớp cán bộ thay thế vị trí rường cột nước nhà thật sự trí tuệ, xem “danh dự là điều thiêng liêng nhất”, xem “lợi ích quốc gia, dân tộc, của nhân dân, của Đảng là tối thượng”; nếu...; thì chắc chắn, không chỉ ông Tư Ngán, mà toàn dân, không chút đắn đo, tặng Đảng cái huân chương!
Uông Ngọc Dậu
ĐẢNG CS ĐÃ CẢN TRỞ SỰ PHÁT TRIỂN HIỆN NAY NHƯ THẾ NÀO ?
TRUNG KHANG /RFA 1-2-2019
Hằng năm cứ đến dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3 tháng 2, bộ máy tuyên truyền trong nước liên tục tung hô công lao của đảng trong việc dẫn dắt dân tộc đi tới tương lai tươi sáng.
Trong khi đó lâu nay, nhiều người từng lên tiếng cần phải xóa bỏ chế độ độc đảng và theo hướng dân chủ, đa nguyên, đa đảng thì mới có thê giúp đất nước phát triển được hết mọi tiềm năng và tránh khỏi bao trì trệ như lâu nay.
Cụ thể những ngày qua, trang thông tin của Đảng Cộng sản Việt Nam lặp lại rằng ngày 3/2/1930 là mốc son trong lịch sử của dân tộc với sự ra đời của Đảng. Cả dân tộc đoàn kết bền lòng nhờ sự lãnh đạo của Đảng và chủ nghĩa xã hội là đường lối đúng đắn, sáng tạo.
Không đồng tình, Nhà văn Phạm Đình Trọng, nguyên đại tá quân đội đã từ bỏ đảng, nhận xét:
“Từ khi đảng ra đời đã gây nhiều tội ác cho dân tộc, đã dìm dân tộc vào cuộc bạo loạn Xô viết Nghệ Tĩnh tháng 9 năm 1930, là khởi đầu của máu và nước mắt của dân tộc Việt Nam. Và suốt gần một thế kỷ, với việc đấu tranh gia cấp của đảng đã dìm dân tộc Việt Nam vào máu và lửa, đã bịt mọi con đường giải phóng dân tộc bằng đường lối hòa bình.”
Trong khi đó thì vào ngày 1 tháng 2 năm 2019, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về vấn đề này, Thiếu tướng Lê Kế Lâm, nguyên Chuẩn Đô đốc Hải quân Việt Nam, lại thừa nhận:
“Cái lớn nhất là đảng giải phóng được dân tộc khỏi ách đô hộ, giành được độc lập, thống nhất đất nước. Dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Nếu không có chủ trương đổi mới thì không có tình hình kinh tế như hiện nay. Ngày xưa người Việt Nam khổ biết bao nhiêu, bây giờ tất nhiên chưa bằng được các nước, nhưng so với trước kia thì có thể cách nhau rất lớn, được tự do, mọi người được đi học, cuộc sống chưa được ấm no lắm nhưng so với trước kia thì khá hơn rất nhiều. Nhân dân được tự do làm ăn, người dân thấy cuộc sống có nhiều thay đổi tốt đẹp.”
Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Đình Cống thì cho rằng tuyên truyền của đảng thì luôn đề cao vai trò của đảng, quang vinh, tuyệt vời, vĩ đại… nhưng đánh giá của nhân dân thì cũng khác nhau, đặc biệt là giới trí thức, những người có hiểu biết. Riêng ông thì đảng chiến thắng được cuộc chiến tranh, chiếm được miền nam, thống nhất đất nước, nhưng chỉ thống nhất được lãnh thổ, chứ không thống nhất được lòng dân. Ông cho rằng trong mấy chục năm qua, đảng có những nhầm lẫn rất lớn:
“Đảng chủ trương theo đường lối cộng sản, chủ nghĩa Mác Lênin. Rồi họ đánh thắng Pháp, chiến thắng miền nam, họ nhầm tưởng rằng là nhờ chủ nghĩa Mác Lênin nên họ thắng, nên bây giờ họ kiên trì theo chủ nghĩa Mác Lênin. Tôi cho đó là nhầm lẫn rất lớn, là vì cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin là đấu tranh giai cấp, công hữu hóa… Không phải đảng cộng sản nhờ những cái ấy mà thắng lợi. Vì mỗi lần bày ra những chuyện đó là đảng đều thất bại đem lại tai họa cho dân tộc, ví dụ như cải cách ruộng đất. Nhầm là nhầm như thế nào, trong chiến tranh, nhờ là nhờ vào người dân, lòng yêu nước của dân, chứ không phải nhờ chủ nghĩa Mác Lênin.”
Cơn quan ngôn luận của đảng cộng sản cho rằng, 89 năm qua kể từ ngày có đảng, là đảng đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam giành độc lập, và theo đảng là đưa một chủ nghĩa tiến bộ là chủ nghĩa cộng sản, đến với dân tộc Việt Nam. Sự thật như thế nào?

Ảnh minh họa chụp bên ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình ở Hà Nội trước đây.
Ảnh minh họa chụp bên ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình ở Hà Nội trước đây. AFP
Trong thời kỳ đổi mới từ năm 1986-1990 trở về sau, khi đất nước Việt Nam lâm vào tình trạng đói kém kiệt quệ, khi đó đảng phải mở cửa, cho phát triển kinh tế tư nhân, cho nước ngoài vào… thì theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống đó là sự sửa sai, chứ không phải đổi mới. Vì đảng bị buộc vào tình thế phải làm, mà dân làm chứ không phải đảng làm. Ông cho rằng, chẳng qua là trước đây đảng trói nông dân vào hợp tác xã, đảng phá nát nền công nghiệp và thương nghiệp của miền nam. Rồi bày trò ngăn sông cấm chợ làm cho dân đói. Bây giờ đảng mở trói cho người ta. Nhưng trước đây ai bắt đảng trói người ta?
Khi làm cách mạng, ngay ông Hồ Chí Minh cũng nói là lập quyền dân, đưa lại quyền cho dân, tạo dựng dân chủ. Nhưng theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, chính đảng đã cướp quyền dân. Đảng bày ra trò bầu cử là ‘đảng cử, dân bầu’ nhưng thật ra là của đảng hết. Đảng đã tự đặt mình lên cao hơn chính phủ, cao hơn quốc hội… cao hơn tất cả. Đảng cướp quyền của dân, muốn làm gì thì làm. Ông cho rằng đấy là những nhận thức nhầm lẫn của đảng cộng sản hiện nay.
Khi tung hô chào mừng kỷ niệm 89 năm ngày thành lập đảng cộng sản Việt Nam, tờ báo, trang tin nào của nhà nước cũng chỉ kêu gọi trung thành với đảng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến" "tự chuyển hóa" trong nội bộ đảng viên, chứ không nhắc đến việc điều gì đã ngăn cản sự phát triển của đất nước. Đó cũng là câu hỏi được nhiều nhân sĩ trí thức yêu nước từng nêu lên: “Đa nguyên, đa đảng cần thiết cho sự phát triển hiện nay của Việt Nam như thế nào?”
Liên quan câu hỏi này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mạc Văn Trang, một đảng viên đã từ bỏ đảng cho biết:
“Cái sự phát triển của xã hội loài người thì như chúng ta đều biết, nước nào đa nguyên, có đảng đối lập, tam quyền phân lập, thì họ sẽ phát triển nhanh và bề vững, dân trí, nhân quyền, nhân cách con người ngày càng được nâng cao. Ngược lại các nước độc tài toàn trị về hình thức ngắn hạn thì thấy có vẻ ổn định, nhưng về lâu dài thì không bền vũng được. Thứ hai là không có tự do thì làm gì có sáng tạo. Không được tự do suy nghĩ, tự do sáng tạo, tự do biểu đạt thì xã hội không thể phát triển được.”
Chúng tôi cũng nêu câu hỏi này với Thiếu tướng Lê Kế Lâm và được ông cho biết:
“Cái đó thì chưa thể nói được, tùy theo sự phát triển của xã hội, trình độ nhân dân. Chứ bây giờ mà nói ra thì không thể được, cái chuyện đó là nằm trong chủ trương của lãnh đạo nhà nước Việt Nam. Nói ý kiến cá nhân thì không thể nói được những chuyện như thế.”
Trong khi đó, nhà văn Phạm Đình Trọng thì cho rằng đa nguyên, đa đảng’ cần thiết cho phát triển hiện nay là điều đương nhiên. Nhưng sự cản trở lớn nhất cho sự phát triển của Việt Nam chính là sự tồn tại của đảng cộng sản, cản trở con đường đi tới của dân tộc. Theo ông, đa nguyên đa đảng là tất yếu phải có, phải đến, nhưng với sự tồn tại và độc tài của đảng cộng sản thì không thể có được. Bởi vì đa nguyên đa đảng cho người dân quyền chọn lựa đảng phái chính trị, thì đảng cộng sản đã cướp cái quyền đó thì không bao giờ có đa nguyên đa đảng cả.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mạc Văn Trang đề nghị giải pháp:
“Tôi nghĩ giải pháp bây giờ chỉ có Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, như cụ Phan Chu Trinh nói tức là người ta thấy được cuộc sống không chỉ sống ăn no mặc ấm, mà phải có nhân quyền, nhân cách, nhân phẩm. Con người được tự do suy nghĩ, tự do sáng tạo, tự do biểu đạt. Cái này thì phải dần dần, thì người dân mới có sự chuyển hóa, đặc biệt là thì thế hệ trẻ, người ta mới coi đó là giá trị thiêng liêng để đấu tranh bảo vệ.”
Giáo sư Nguyễn Đình Cống đưa ra lời khuyên, nếu muốn phát triển phải thay đổi từ một đảng cách mạng thành một đảng chính trị thì mới tồn tại được. Chứ như hiện nay không những đảng sẽ đem tai họa cho đất nước mà sự tồn tại của đảng cũng khó bền vững.

CƠ ĐỒ CỦA DÂN TỘC
QUÁCH HẠO NHIÊN/ viet-studies 2-2-2019
  1. Định mệnh và kiếp nạn?
Tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần, cũng không biết nói sao (cũng có thể là định mệnh và kiếp nạn của dân tộc này?) vì những ngày cận Tết cũng trùng với dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng. Năm nay “Đảng ta” đã bước qua “tuổi” 89 (03/02/1930 – 03/02/2019), lẽ thường, nếu là con người ở độ tuổi này sẽ rơi vào tình trạng lú lẫn, không kiểm soát được suy nghĩ và hành vi của bản thân, nhớ trước quên sau, không nói có, có nói không... Đây là quy luật của tạo hóa, không cãi được.
Thật lòng thì tôi cũng không thấy phiền toái gì lắm (như một vài người có những phản ứng khá cực đoan) về cái khẩu hiệu “Mừng Đảng, mừng Xuân” được giăng mắc khắp nơi mỗi độ xuân về. Trịnh Công Sơn nói “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”, thôi thì, ai vui được cứ vui, ai sướng được cứ sướng. Với tôi, đơn giản chỉ coi đây như là sự không may (vì Xuân và Đảng ở xứ sở này như đã nói ở trên, không hiểu sao định mệnh đã bắt “về” cùng một lúc) hay có khi là trò đùa của số phận. Nói không may là vì Xuân về Tết đến lẽ ra, phải được yên tĩnh và tự do thụ hưởng trọn vẹn niềm vui khi đất trời thì phải/bị nghe những lời dối gian (trong suốt một năm chưa bao giờ ngơi nghỉ). Giống như năm nay, nếu là người có lương tri, có tấm lòng với quốc dân đồng bào và nếu còn minh mẫn, tỉnh táo, không lú lẫn thì tôi tin nhiều người sẽ không tùy tiện cho phép mình mở miệng nhai đi nhai lại cái điệp khúc: “đất nước có bao giờ được như thế này không!?”; “giáo dục nước nhà chưa bao giờ được như bây giờ”; hay “cơ đồ dân tộc chưa bao giờ được như hôm nay?”...
Hãy nhìn mà xem, biển đảo cha ông rơi vào tay của người “bạn vàng” chẳng biết bao giờ mới lấy lại được; đồng bào thì hết Tiên Lãng – Hải Phòng lại đến Formosa – Hà Tĩnh, Đồng Tâm – Hà Nội, Cai Lậy – Tiền Giang, Thủ Thiêm – Sài Gòn... chẳng lúc nào được yên vậy mà khi tổng kết chỉ thấy nói về những thành tựu vượt bậc thì có phải sự dối gian đã ăn sâu vào máu rồi không? Về bản chất, nhìn nhận vấn đề như thế thì có khác gì các “thế lực thù địch” đã “nói xấu” và “xuyên tạc”, “chống phá”... mình theo chiều ngược lại. Nghĩa là bên này thì ra sức thổi phòng những “thành tựu” và che giấu những khuyết tật, còn bên kia thì thổi phòng các khuyết tật và lờ đi những “thành tựu” để công kích lẫn nhau.
Không dừng lại ở đó, cả nước sâu mọt đục khoét khắp nơi, lòng dân oán thán ngút trời, thế nhưng công cuộc “nhóm lò đốt củi” càng ngẫm chỉ càng thấy ngao ngán và thất vọng thêm hơn. Vì tất cả xét đến cùng cũng chỉ là những mưu toan nhằm triệt hạ vây cánh, “quân mày quân tao” để củng cố quyền lực và sự độc đoán của kẻ “thắng làm vua”. Hoặc không thì là tìm một vài “con chốt thí” để che mắt nhân dân. Kêu gào chống tham nhũng, chống suy thoái mà bật đèn xanh để cho các ông quan tòa chà đạp lên hệ thống luật pháp, lợi dụng sự lơ là không chú ý của người dân dịp xuân về để “xử chạy Tết” những kẻ sâu mọt nhưng có “nhiều đóng góp cho ngành công an”. Hóa ra, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chỉ có tác dụng với những người dân thường, ít học còn gần như hoàn toàn bất lực trước bọn quan tham – những kẻ có chức có quyền mà nhà thơ Nguyễn Duy gọi là “điếm cấp cao” (Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng/ Điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn)...
 “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”, những kẻ lãnh đạo nhân dân, lãnh đạo đất nước mà để cho lòng dân không yên hay thù hận, oán thán ngút trời (vì không “trừ bạo”) thì theo cụ Nguyễn Trãi đó là những kẻ vô đạo, thiếu lòng nhân và sự nghĩa tình. Cơ đồ, vận mệnh tương lai của dân tộc, của đất nước vì thế, đứng trước nguy cơ ngày một xấu đi hơn bao giờ hết. Nếu không lú lẫn thì cũng không nên hoang tưởng cho mình là sáng suốt hay đỉnh cao trí tuệ.
  1. Tai nạn giao thông và sự thất bại của nền quản trị quốc gia
Những ngày cuối năm 2018, trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ (ngày 27/12), ông Nguyễn Xuân Phúc - người đứng đầu Chính phủ đã rất vui mừng thông báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức kỷ lục trong nhiều năm qua. Thông tin nay được hầu hết các phương tiện truyền thông đưa tin và sau đó cũng được một số người bình chọn là một trong những điểm nhấn về tình hình kinh tế xã hội của đất nước trong năm 2018. Rõ ràng, nếu chỉ nhìn ở khía cạnh bài toán kinh tế đơn thuần thì không thể không ghi nhận nỗ lực và cố gắng của cả ê kip trong Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc. Thế nhưng, xét trong cái nhìn về mối quan hệ giữa sự phát triển kinh tế và xây dựng nền văn hóa đặc biệt là thảm trạng tai nạn giao thông hiện nay thì có nhiều vấn đề cần nhận thức và suy nghĩ lại. Nói khác đi, trong cuộc sống chúng ta cần nỗ lực và siêng năng lao động để kiếm tiền nhưng kiếm tiền xong rồi mà không được hoặc không kịp thụ hưởng thì mọi nỗ lực cố gắng cũng là vô nghĩa. Trong cái nhìn này, những người thuộc “Chính phủ kiến tạo và phục vụ” rõ ràng vẫn đang nợ người dân Việt Nam một lời xin lỗi vì thảm trạng tai nạn giao thông trong những năm qua vẫn không hề thuyên giảm cả là về số vụ lẫn tính chất và mức độ nghiêm trọng của nó.
Dĩ nhiên, tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn. Nhưng trong thời bình mà số người chết vì tai nạn giao thông trong một năm lên đến vài ngàn người (hơn cả thời chiến) thì dù muốn dù không phải thừa nhận đó là sự thất bại trong quản trị và điều hành quốc gia. Thế nên, ở góc nhìn văn hóa, nếu nói sinh mạng con người là quý nhất và cứu người như cứu hóa thì những người trong “Chính phủ kiến tạo và phục”thay vì sung sướng và tự hào về sự “tăng trưởng vượt bật” hay “đạt mức kỷ lục chưa từng có” của nền kinh tế hãy biết xấu hổ vì đã để trung bình mỗi ngày có gần 30 người dân thiệt mạng vì tai nạn giao thông.
Nói cho cùng, có hai nguyên nhân lớn và cơ bản nhất liên quan đến vấn đề tai nạn giao thông ở Việt Nam hiện nay đó là: cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế và ý thức, văn hóa của người dân khi tham gia giao thông. Trong hai nguyên nhân lớn này thì vấn đề cơ sở hạ tầng giao thông nếu muốn cải thiện khắc phục nhất định cần có lộ trình và nhiều yếu tố phức tạp khác như tầm nhìn về quy hoạch đô thị hay tiềm lực, sức sống của nền kinh tế đất nước... Dẫu vậy đây không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn thảm khốc và làm chết nhiều người như nguyên nhân thứ hai. Bởi lẽ, tuy vấn đề hạ tầng, đường sá còn nhiều hạn chế nhưng nếu ý thức và văn hóa giao thông của người Việt tốt hơn thì tin chắc rằng sẽ không có nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc và khủng khiếp như vừa rồi.
Có nhiều yếu tố liên quan đến ý thức và văn hóa giao thông của người Việt hiện nay, tuy vậy có hai vấn đề cụ thể và quan trọng nhất đó là: ý thức chấp hành luật pháp về giao thông và sự yêu thươngtôn trọng, nhường nhịn lẫn nhau của người Việt khi tham gia giao thông. Ở giác độ văn hóa, đây là hai vấn đề người Việt kém nhất. Từ thực tế các vụ tai nạn giao thông cho thấy, có những tài xế chỉ vì một tích tắc giành đường, vượt ẩu, hoặc sử dụng má tuy và uống rượu bia nhưng vẫn ngồi sau tay lái để rồi sau đó tông xe vào người khác... gây ra những cái chết rất thương tâm. Đây là gì nếu không phải là sự coi thường luật pháp và thiếu tôn trọng, không biết quan tâm, chia sẻ với những người xung quanh mình? Nhìn rộng ra, đây phải chăng cũng là biểu hiện của sự suy đồi và xuống cấp về đạo đức, văn hóa trong xã hội hiện nay – vấn đề mà đã rất nhiều lần các chuyên gia văn hóa, giáo dục đã lên tiếng cảnh báo. Một xã hội mà con người không có tinh thần thượng tôn pháp luật cũng như không biết yêu thương, nhường nhịn và tôn trọng lẫn nhau thì sự hỗn loạn, bấn lạon xảy ra âu cũng là một lẽ tất yếu.
            Như vậy, từ thảm trạng tai nạn giao thông có thể thấy, một “Chính phủ kiến tạo và phục vụ” mà chỉ lo, chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền mà bỏ qua hay gạt sang một bên vấn đề văn hóa (trong đó quan trọng nhất là giáo dục) thì cơ đồ dân tộc nhìn về tương lai có thể lạc quan và tin tưởng được không?
  1. Thay lời tết
Xuân về, Tết đến lẽ ra không nên nói những lời không hay, không may. Tuy vậy, cũng không nên vì những mong ước tốt lành gửi đến nhau mà chỉ toàn thốt ra những lời giả trá, dối gian. Một cá nhân tử tế thì không nên “tốt khoe xấu che”. Một lãnh đạo tử tế thì không nên mỵ dân bằng những lời chảy chuốt, giao điều, sáo rỗng... Một dân tộc tử tế thì không nên ảo tưởng về tầm vóc, trí tuệ của dân tộc mình. Tất cả phải chân thành và dũng cảm nhìn thẳng vào các khuyết tật của mình để từng bước khắc phục, thay đổi và phấn đấu. Đây là mới thật sự là, con đường, là điều kiện và cơ sở vững chắc để cái cơ đồ và tiền đồ của dân tộc, của đất nước thêm nhiều khởi sắc, hi vọng và lạc quan hơn.
Cần Thơ, 02/02/ 2019 (28 Tết)
Q.H.N
 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 2-2-19

CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN TRONG HIẾN PHÁP

ĐỖ THANH NHÂN/ BVN 3-2-2019

Nhân ngày thành lập đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 3 tháng 2, tìm hiểu về Chủ nghĩa Cộng sản trong một số bản Hiến pháp.
 
Bài này cố gắng viết đơn giản để tuyên giáo, dư luận viên và tầng lớp bình dân cũng hiểu được. Từ đó có cái nhìn về một chính thể không còn hiện hữu, không có nghĩa là “ngụy”. Hay mỗi khi muốn “ca ngợi đảng” cũng nên nhìn xa về thời gian và trông rộng về không gian trước khi “hót”.
 
Phân tích một điều trong Hiến pháp có liên quan đến chủ nghĩa cộng sàn, đảng cộng sản.
 
I. Hiến pháp
 
Mặc nhiên, mọi công dân đều phải hiểu: Hiến pháp văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật của một quốc gia, quy định các vấn đề cơ bản nhất của nhà nước như: hình thức và bản chất nhà nước, chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa xã hội; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước.
 
Mục tiêu của Hiến pháp là bảo đảm sự an toàn, tự do và hạnh phúc của mọi người dân.
 
Một điều ngẫu nhiên thú vị ở 2 Hiến pháp cuối cùng của Việt Nam cộng hòa (VNCH) và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CH XHCN VN) nằm ở Điều 4.
 
Hiến pháp Việt Nam cộng hòa năm 1967:
 
“ĐIỀU 4
 
1- Việt Nam Cộng hòa chống lại chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thức
2- Mọi hành vi nhằm mục đích tuyên truyền hay thực hiện chủ nghĩa cộng sản đều bị cấm chỉ”
(Kế thừa, phát triển từ Điều 7 Hiến pháp VNCH năm 1956)
 
“Điều 4
1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
 
2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.
 
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”
 
 
(Kế thừa, phát triển từ Điều 4 Hiến pháp CH XHCN VN năm 1992 và năm 1980)
 
Diễn giải Điều 4 của hai bản Hiến pháp có một nội dung đối lập nhau:
 
- Hiến pháp VNCH: công nhận đa nguyên, đa đảng; nhưng lại cấm duy nhất chủ nghĩa cộng sản (đồng nghĩa với đảng Cộng sản).
 
- Hiến pháp CH XHCN VN: (duy nhất) Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; không đa nguyên, đa đảng.
 
Hiến pháp là điều kiện cần thiết làm nền tảng kiến thiết xã hội phát triển. Tạm thời chưa kết luận cái hay, dở, tốt, xấu trong Điều 4 của cả hai Hiến pháp, trước khi tìm hiểu đối trọng so sánh. Sau đó bạn đọc tự kết luận.

II. Ba Lan

Ba Lan là một quốc gia nhỏ ở Trung Âu, nằm giữa các nước lớn như Nga (Liên Xô), Đức (Phổ); trong lịch sử đã từng bị các nước này xâm lược và phân chia. Ba Lan chịu ảnh hưởng rất lớn bởi hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ 20.
 
Ba Lan bị Đế quốc Nga cai trị hơn 100 năm từ 1815 đến 1915, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ Nhất hình thành Đệ nhị Cộng hòa Ba Lan. Năm 1939, Đức đánh chiếm Ba Lan mở đầu cho Chiến tranh thế giới thứ Hai. Kết thúc chiến tranh, Ba Lan được Liên Xô giải phóng và trở thành một nước Ba Lan cộng sản.
 
Sau 44 năm dưới chế độ cộng sản toàn trị, Ba Lan tổ chức tổng tuyển cử tự do đầu tiên:
 
- bầu Tổng thống vào tháng 09/1990;
 
- bầu cử Quốc hội vào ngày 27/10/1991 - cũng là ngày Đảng Cộng sản Ba Lan đại hội phiên cuối cùng tuyên bố giải tán.
 
Ngày 17/10/1997, Hiến pháp Ba Lan mới của Cộng hòa Ba Lan ra đời, trong đó có điều khoản cấm các hoạt động và tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản, đặt chủ nghĩa cộng sản ngang hàng với chủ nghĩa Nazi (phát xít) và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
 
Ông A. Kwasniewski, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao thời Cộng sản, làm Tổng thống Ba Lan hai nhiệm kỳ, 10 năm (1996 - 2005), đã xin lỗi toàn dân Ba Lan về những sai lầm và tội ác mà chế độ cộng sản đã gây ra cho Ba Lan, cũng là người đã ký Hiến pháp năm 1997, loại bỏ Chủ nghĩa Cộng sản ra khỏi đời sống chính trị - xã hội của Ba Lan.
 
Trong 16 năm xây dựng thể chế dân chủ, Ba Lan đã trở thành thành viên của NATO năm 1999, về an ninh, thoát khỏi áp lực nhiều thế kỷ nay từ phía Nga. Từ năm 2004, Ba Lan là thành viên Liên hiệp Âu châu (EU); người dân đi lại 25 nước châu Âu không cần thị thực, có thể tự do học tập, làm việc không cần giấp phép và hưởng mọi quyền lợi an sinh xã hội tại Anh, Thụy Điển, Na Uy, Ai len và nhiều nước khác của EU.
 
Cả nước Ba Lan hiện nay có hơn 80 đảng phái chính trị của mọi khuynh hướng. Tranh chấp quyền lãnh đạo chính trị giữa các đảng lúc nào cũng quyết liệt, thậm chí trong nội bộ các đảng chia rẽ, đấu đá nhau gay gắt, nhưng đất nước luôn luôn ổn định và phát triển kinh tế nhịp nhàng; không xảy ra tình trạng bạo động, bất ổn xã hội. Theo The Economist số 1/2006, tổng thu nhập quốc dân của Ba Lan trong năm 2006 sẽ đạt 315 tỷ USD, tăng gấp đôi trong vòng 16 năm.
 
Như vậy,
 
Từ một nước XHCN phụ thuộc vào Liên Xô, Ba Lan chuyển mình trở thành một quốc gia độc lập, phát triển trong khối EU. Điều kiện cần đầu tiên là nhân dân Ba Lan loại bỏ Chủ nghĩa Cộng sản ra khỏi Hiến pháp; xóa bỏ sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

III. So sánh Ba Lan và Việt Nam Cộng sản

Ba Lan và Việt Nam có những nét tương đồng:
 
- Vị trí địa chính trị, đều nằm sát những nước lớn (Nga, Trung Quốc) luôn có ý đồ thôn tính, bành trướng.
 
- Nhân dân hai nước đều phải trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh giữ nước.
 
- Từ 1945, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ Hai đều bị ảnh hưởng và theo Chủ nghĩa Cộng sản.
Tuy nhiên,
 
Hiến pháp năm 1997, Ba Lan loại bỏ Chủ nghĩa Cộng sản ra khỏi đời sống chính trị - xã hội; điều này đã tạo đà cho sự phát triển của đất nước Ba Lan vốn kiệt quệ.
 
Đến nay, so với Việt Nam Cộng sản thì Ba Lan đã phát triển quá xa (xem bảng so sánh):
 
- Tổng sản phẩm nội địa (GDP), hơn 24 bậc;
 
- Thu nhập bình quân đầu người, hơn 77 bậc, gần 6 lần;
 
- Quyền lực hộ chiếu, hơn 72 bậc;
 
- Chỉ số cảm nhận tham nhũng, hơn 81 bậc; ...
 
 
Trong khi Việt Nam là nước lớn hơn Ba Lan trên bản đồ thế giới: với diện tích tự nhiên lớn hơn 4 bậc; dân số lớn hơn 22 bậc.
 
Khác biệt quan trọng nhất là: Ba Lan loại bỏ Chủ nghĩa Cộng sản trong Hiến pháp. Còn Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn "là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" (duy nhất).

IV. Ba Lan và Việt Nam Cộng hòa

Giữa Ba Lan và VNCH khó có thể đưa về một hệ quy chiếu để so sánh; vả lại VNCH chỉ tồn tại hơn 20 năm với chiến tranh liên tục.
 
Ở đây lấy một chỉ tiêu so sánh là nhận thức lập hiến của hai quốc gia.
 
Trong khi Hiến pháp VNCH năm 1956 đã xác định “những hành vi có mục đích phổ biến hoặc thực hiện một cách trực tiếp hay gián tiếp Chủ nghĩa Cộng sản dưới mọi hình thái đều trái với các nguyên tắc ghi trong Hiến pháp.”; quan điểm này được phát triển tiếp ở Điều 4 Hiến pháp VNCH năm 1967.
Thì ở Cộng hòa Ba Lan đến Hiến pháp năm 1997 mới “loại bỏ Chủ nghĩa Cộng sản ra khỏi đời sống chính trị - xã hội.
 
Như vậy, có thể thấy tư duy lập hiến của VNCH khi nhìn nhận về “chủ nghĩa cộng sản” đi trước Cộng hòa Ba Lan đến 41 năm.
 
Hiến pháp là điều kiện cần thiết nhất của một nhà nước pháp quyền, cho một quốc gia phát triển; Ba Lan thay đổi Hiến pháp phù hợp với thời đại để đưa đất nước phát triển.
 
VNCH không còn trên bản đồ thế giới, nhưng người sống dưới chế độ VNCH và hậu duệ vẫn còn có sự tự hào là từng sống trong một quốc gia với một hệ thống lập hiến, lập pháp hướng đến một xã hội văn minh từ cách đây hơn nửa thế kỷ.

PS.

1. Các bạn tự kết luận cái hay, dở của hai bản Hiến pháp cuối cùng của VNCH và CHXHCN VN.
 
2. Những người muốn bỏ hay giữ Điều 4 Hiến pháp cần nói rõ là Điều 4 Hiến pháp nào?
 
Đ.T.N.
 

Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét