ĐIỂM BÁO MẠNG
- Quốc tế: Đất lành chim đậu (GD 10/2/2019)-Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 sẽ diễn ra ở Hà Nội (VNN 9/2/2019)-Ý nghĩa của Thượng đỉnh Trump – Kim lần hai đối với Việt Nam (NCQT 9/2/2019)-Lê Hồng Hiệp-Tại sao Mỹ phản đối mô hình kinh tế Trung Quốc? (GD 8/2/2019)-Thế giới đang trở nên bất định? (KTSG 8/1/2019)-Trung Quốc có từ bỏ chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước? (GD 7/2/2019)-Việt Nam, điểm đến tuyệt vời cho những quyết định quan trọng(GD 7/2/2019)-Việt Nam hoan nghênh Mỹ và Triều Tiên gặp Thượng đỉnh lần 2 (GD 6/2/2019)-Tết Kỷ Hợi và bài học Venezuela (GD 6/2/2019)- Nguyễn Quang Dy -Bản chất chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là về công nghệ (NCQT 6/2/2019)-
- Trong nước: Muốn an thân thì dễ nhưng lương tâm sẽ cắn rứt (GD 11/2/2019)-yk Lưu Bình Nhưỡng-Nhét tiền vào tay tượng Phật làm ô uế chốn linh thiêng (GD 11/2/2019)-Chiến tranh xâm lược biên giới, khúc quanh lịch sử trong quan hệ Việt - Trung (GD 11/2/2019)-đại tá Đặng Việt Thủy-Phía sau vụ cướp tại trạm thu phí Dầu Giây, những bí mật kinh thiên nào chưa lộ? (GD 10/2/2019)-Ông Ngô Văn Sửu: Năm nay, kẻ xấu có án binh bất động cũng không được yên (GD 10/2/2019)-Quân dân Sóc Hà đối phó ra sao với các thủ đoạn gây rối của Trung Quốc sau 1979? (GD 10/2/2019)-Một số mốc diễn biến chiến đấu đáng nhớ chống Trung Quốc xâm lược năm 1979 (GD 10/2/2019)-Đại biểu ấn tượng với sự kiện nào của Quốc hội năm qua? (GD 10/2/2019)-yk Lưu Bình Nhưỡng, Dương Minh Tuấn-Cán bộ cấp cao mà sa ngã về kinh tế, đạo đức thì giữ làm gì? (GD 9/2/2019)-yk Bùi Văn Xuyền-Bám đá chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược, giữ từng thước đất biên cương (GD 9/2/2019)-Kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (2019-1789) (GD 9/2/2019)
- Kinh tế: Việt Nam không thể nằm mãi ở đáy của chuỗi giá trị (TVN 11/2/2019)-Cần giải gấp bài toán thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt (GD 11/2/2019)-Cha - con và công nghệ (KTSG 11/2/2019)-Ông Ngô Trí Long: Gian lận thu phí BOT cần phải xử phạt thật nặng (GD 10/2/2019)-Cách nào để công đoàn luôn dám đứng về phía người lao động? (GD 10/2/2019)-Thế giới tìm cách thu thuế các đại gia công nghệ (KTSG 10/2/2019)-Sau Tết, giá lúa gạo nội địa tiếp tục lao dốc (KTSG 10/2/2019)-OPEC muốn bắt tay Nga để chi phối thị trường dầu (KTSG 10/2/2019)-Nỗi niềm quản lý rạp phim ngày Tết (KTSG 9/2/2019)-Đà Nẵng kêu gọi đầu tư vào công nghệ cao (KTSG 9/2/2019)-Đà Nẵng: Khách sạn hạng sang đắt khách dịp Tết (KTSG 9/2/2019)-Thái Lan thử nghiệm 5G của Huawei (KTSG 9/2/2019)-Hiến kế ngăn chặn tham nhũng BOT giao thông (GD 9/2/2019)-Loay hoay trước thềm bốn chấm (KTSG 9/2/2019)-Thoát khỏi sức ì (KTSG 9/2/2019)-Phát triển kinh tế tư nhân là một trong những trọng tâm đột phá (GD 8/2/2019)-Tàu biển đưa hàng chục ngàn khách đến Việt Nam dịp Tết (KTSG 8/2/2019)-Cuộc chuyển đổi chiến lược sang xe điện của Volkswagen (KTSG 8/2/2019)
- Giáo dục: Học sinh thời nay sướng chẳng khác gì...tiên (GD 11/2/2019)-Có nên để Phó hiệu trưởng nhà trường kiêm chức Chủ tịch công đoàn? (GD 11/2/2019)-Những học trò nghèo của tôi ngày ấy và bây giờ…(GD 11/2/2019)-Vụ nhà trường đổi nước nghi nhiễm khuẩn E coli, có tin được Sở Y tế Hà Nội? (GD 11/2/2019)-Làm sao để kéo học trò về với thực tại? (GD 11/2/2019)-
- Phản biện: Sòng phẳng với lịch sử không phải là kích động hận thù (GD 11/2/2019)-Nguyễn Thị Bình-Giáo dục: "Quyền rơm, vạ đá" (4) (GD 11/2/2019)-Giáo dục: "Quyền rơm, vạ đá" (3) (GD 9/2/2019)-Xuân Dương-Các thành phố ở ta giống như một cái làng to (TVN 9/2/2019)-Từ Nữ Triệu Vương-Ỉn Ất Hợi ụt ịt xuân Kỷ Hợi (viet-studies 7-2-19)- Nguyễn Trung-Năm Hợi tám chuyện lợn (GD 7/2/2019)-Trương Khắc Trà-Từ câu hỏi đầy trăn trở của Thủ tướng (TVN 6/2/2019)-Vũ Tiến Lộc-Dẫu vật đổi sao dời, vẫn là ...Vui như Tết (GD 5/2/2019)-Xuân Dương-Mong sao không có cường hào, ác bá đè đầu cưỡi cổ dân lành (GD 4/2/2019)-Xuân Dương-"Đảng ta là một Đảng cầm quyền, nước ta là nước dân chủ" (GD 4/2/2019)-Nguyễn Huy Viện-Đau đầu chuyện lì xì ngày Tết (TVN 4/2/2019)-Lê Tiên Long
- Thư giãn: Ngày xuân, khám phá “ngọn đồi 2 triệu đô la” ở An Giang (GD 11/2/2019)-Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (54) - Sống theo đam mê (GD 11/2/2019)-Độc đáo Hội rước “ông lợn” làng La Phù (GD 10/2/2019)-Bốn ngôi nhà cổ của một người chơi cổ vật (KTSG 10/2/2019)-
GIÁO DỤC-'QUYỀN RƠM, VẠ ĐÁ'
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 7~11-2-2019
Suốt thời gian dài, giáo dục được ca ngợi bằng nhiều mỹ từ, được các cấp lãnh đạo khen ngợi, động viên song cũng nhận không ít “mưa đá” từ dư luận. Ảnh minh họa: VTV
Suốt thời gian dài, giáo dục được ca ngợi bằng nhiều mỹ từ, được các cấp lãnh đạo khen ngợi, động viên song cũng nhận không ít “mưa đá” từ dư luận, trong đó phải kể đến những nhận xét không kém gay gắt từ một số đại biểu Quốc hội và cha mẹ học sinh.
Thời gian gần đây, xu hướng “ghét” hơn là “yêu” giáo dục có chiều hướng tăng cao, ghét vì chương trình nặng, ghét vì sách giáo khoa tốn tiền, ghét nhà giáo vì nạn dạy thêm, nạn phong bì ngày lễ, vì một số cư xử không phù hợp trong nhà trường, không ít trường hợp, ngôn từ sử dụng không còn là góp ý mà trở nên cay nghiệt.
Vậy ngành Giáo dục đáng bị chê trách hay cần một sự thông cảm, nói chính xác là cần một sự đánh giá công bằng, khoa học từ người dân, các phương tiện truyền thông và đặc biệt là từ những cơ quan có trách nhiệm định hướng dư luận như Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ sở phát thanh, truyền hình trung ương?
Người viết cho rằng câu thành ngữ “Quyền rơm, vạ đá” vận vào giáo dục không phải là không có cơ sở.
Trong tiếng Việt, từ “quyền” không đứng đơn lẻ mà thường gắn với các từ khác để tạo nên nhóm từ ghép, chẳng hạn “quyền lực, quyền hành, quyền năng,…”.
Quyền lực của bất kỳ cá nhân, hội đoàn hay thể chế chính trị phải gồm cả “thực quyền” và “thực lực”, tuy nhiên quyền lực lại luôn tiềm ẩn hai trạng thái, có “quyền” không có “lực” hoặc có “lực” không có “quyền”.
Có “quyền” mà không có “lực”, dân gian gọi là “quyền rơm”, nếu cơ quan công quyền rơi vào tình trạng “quyền rơm” thì không thể thực thi quyền lực, sớm hay muộn thực thể mang “quyền rơm” cũng trở thành công cụ bị các thế lực khác điều khiển.
Trong quản trị nhà nước, nếu trong một quốc gia hay vũng lãnh thổ nào đó quyền của dân chúng trở thành “quyền rơm” thì ở đó tồn tại một thể chế chuyên quyền, độc đoán, lực lượng lãnh đạo có nguy cơ đi ngược lại lợi ích của dân chúng, chống lại nguyện vọng của dân chúng, trở thành rào cản sự phát triển xã hội.
Trường hợp có “lực” mà không có “quyền” sẽ dẫn tới tình trạng hoặc là “mua quyền” hoặc là “cướp quyền”.
Khái niệm “Tư bản lũng đoạn” chính là minh chứng cho những thế lực kinh tế hùng mạnh lấn át nhà nước, biến nhà nước thành công cụ phục vụ cho lợi ích của nhà tư bản hoặc chí ít cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của nhà tư bản hoạt động.
Vậy vì sao nói “quyền rơm” gắn với Giáo dục?
Thứ nhất, các định chế quản lý giáo dục
Các khoản 2, 3, 4 điều 100, Luật Giáo dục 2005 quy định:
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo thẩm quyền.
4. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo sự phân cấp của Chính phủ và có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các trường công lập thuộc phạm vi quản lý, đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tại địa phương.
Như vậy bằng một đạo luật, Nhà nước chính thức chia quyền quản lý giáo dục cho ba chủ thể: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Các bộ, cơ quan ngang bộ và Uỷ ban nhân dân các cấp.
Điều này hoàn toàn khác so với cách thức quản lý độc quyền trong các ngành khác như Quân đội, Công an, Hải quan, Thuế,…
Trong Giáo dục, chiếm tỷ trọng lớn nhất là bậc phổ thông được giao cho địa phương quản một cách “toàn diện, triệt để” vì theo luật, Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về “đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học” - như khoản 4 điều 100 Luật Giáo dục quy định.
Giáo dục đại học gồm hai bậc học là Cao đẳng và Đại học, hiện gần toàn bộ khối cao đẳng (trừ một số trường cao đẳng sư phạm) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý. Phần lớn trường cao đẳng sư phạm địa phương lại do các tỉnh, thành phố quản lý.
Mảng giáo dục đại học ngoài công lập cũng không khác mấy. Theo quy định thì Hội đồng Quản trị các đại học ngoài công lập do Ủy ban nhân dân tỉnh nơi trường đặt trụ sở công nhận.
Không những thế, mục d, khoản 1, điều 22 “Điều lệ trường đại học” ban hành kèm theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg quy định:
“Chủ tịch hội đồng quản trị đại học ngoài công lập phải trình văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính cử đại diện tham gia hội đồng quản trị; đề nghị tổ chức Đảng, đoàn thể của trường cử đại diện tham gia hội đồng quản trị”.
Cách thức quản lý nhà nước nêu trên thực chất đã coi chính quyền địa phương là “chủ quản” của các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đảm nhận vai trò giám sát nội dung, chương trình chứ không quản lý nhà nước toàn diện về giáo dục với các đại học ngoài công lập.
Những điều nêu trên đã được Tiến sĩ Dương Xuân Thành, thành viên Ban Nghiên cứu và phân tích chính sách Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trình bày trong bài viết “Quan niệm sai lầm về “địa phương chủ quản” – thực trạng và kiến nghị” đăng trên website của Hiệp hội ngày 27/4/2017. [1]
Bộ Giáo dục và Đào tạo thực sự quản lý bao nhiêu cơ sở giáo dục và bao nhiêu nhân lực giáo dục? Câu hỏi này sẽ được trả lời ở phần sau.
Thứ hai, chia để quản lý
Nguyên tắc “Chia để quản lý” trong giáo dục không giống khái niệm “Chia để trị” thời thực dân - phong kiến nhưng có sự giống nhau kỳ lạ về kết quả mang lại, nó đều làm suy yếu cơ quan quản lý và đối tượng chịu sự quản lý.
Sự phân mảnh quyền quản lý nhà nước về giáo dục tạo nên sự độc lập của chính quyền địa phương, các bộ, ngành, đoàn thể với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngoại trừ mảng nội dung, chương trình, điều này chẳng những không tạo động lực phát triển mà ngược lại còn tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích biến giáo dục hay thành nơi kinh doanh, chẳng hạn qua việc sát hạch cấp chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ cho giáo viên phổ thông, buôn bán sách giáo khoa hay tuyển dụng viên chức giáo dục,…
Địa phương giàu như Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất miễn học phí cho bậc trung học cơ sở, yêu cầu có bộ sách giáo khoa riêng của thành phố,…
Địa phương nghèo thì để học trò học trong những căn phòng rách nát không thể gọi là lớp học theo nghĩa đơn sơ nhất.
Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục ra đời đã hơn 5 năm, những cơ quan rất hoành tráng được thành lập như “Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực”, “Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo”, “Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa” và nhiều thứ khoác áo “quốc gia” khác như đề tài quốc gia về triết lý giáo dục Việt Nam,…
Có một vấn đề đúng là mang tầm quốc gia, được khẳng định là “Quốc sách hàng đầu”, được nhấn mạnh trong Hiến pháp và cụ thể hóa trong Nghị quyết 29 của Trung ương là lương nhà giáo thì lại phải chờ đợi chưa biết đến bao giờ thực hiện.
Số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) được tác giả Bùi Nam dẫn lại trong bài: “Lương giáo viên Việt Nam so với đồng nghiệp toàn cầu” đăng trên Giaoduc.net.vn cho thấy ở cấp tiểu học, ba quốc gia trả lương cho nhà giáo thấp nhất là Slovakia 19.000 USD/năm (khoảng 40 triệu đồng/tháng), Cộng hòa Séc 22.000 USD/năm (khoảng 46 triệu đồng/tháng) và Hungary 25.000 USD/năm (khoảng 52 triệu đồng/tháng).
Mức lương này tương đương lương một năm của giáo viên tiểu học Việt Nam.
Ngoài Bộ Giáo dục và Đào tạo, có khá nhiều cơ quan, tổ chức có quyền tham gia định hướng giáo dục chẳng hạn: Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực và Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo…
Giáo dục được “quan tâm” như thế hay là buộc phải cõng trên vai những “cơ chế quyền lực” to như thế, nặng như thế?
Đặt câu hỏi này bởi khi dư luận đặt vấn đề xây dựng “Triết lý giáo dục Việt Nam” thì chỉ mới thấy Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ lên tiếng, các cơ quan liên quan hầu như chưa có ý kiến.
Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng nêu ý kiến về quản lý nhân sự ngành công an như sau:
“Các đồng chí nhớ trưởng Công an phường tham gia cấp ủy, về ngành dọc chúng tôi hoàn toàn có thể cách chức về mặt Đảng, phải chuyển, chứ không phải chờ ý kiến anh Khương (Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, ông Đoàn Duy Khương - NV)”.
Chủ tịch thành phố không thể cách chức Trưởng Công an phường nếu không có ý kiến Giám đốc Công an thành phố mà chỉ có thể “cách chức về mặt Đảng”.
Bộ Công an quản lý nhân sự của mình đến tận phường, xã; Bộ Quốc phòng quản lý đến từng chiến sĩ nhưng Bộ Giáo dục không quản lý toàn bộ khối giáo viên phổ thông và phần lớn giảng viên cao đẳng, đại học.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể kỷ luật Chủ tịch Hội đồng thi các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình vì để xảy ra gian lận thi cử trong kỳ thi quốc gia 2018?
Có thể kỷ luật những người để xảy ra sai phạm trong thi tuyển viên chức giáo dục tại Quảng Ngãi?
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể kỷ luật những quan chức Hà Tĩnh điều giáo viên đi tiếp khách tại nhà hàng?
Câu trả lời là không, bởi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo không có quyền.
Có ý kiến bi quan, rằng “quyền” của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ tồn tại đâu đó quanh trụ sở bộ và số ít trường do bộ này “chủ quản”, vậy làm thế nào để “quản lý nhà nước” về giáo dục?
Sự “chia để quản lý” này còn thể hiện trong quá trình đào tạo nhà giáo và phân bổ ngân sách giáo dục.
Theo Tờ gấp Giáo dục và đào tạo 2017, số giáo viên khối mầm non cả nước là 316.616 người; Khối tiểu học là 397.098 người; Khối trung học cơ sở là 310.953 người.
Phần lớn trong số hơn 1 triệu giáo viên này tốt nghiệp các trường cao đẳng sư phạm do địa phương quản lý.
Khối trung học phổ thông có 150.721 giáo viên, không ít trong số này tốt nghiệp các khoa sư phạm của các trường không thuộc quyền chủ quản của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc các đại học sư phạm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.
Cả nước có 5 Đại học Sư phạm Kỹ thuật thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý 3 trường (Nam Định, Vinh, Vĩnh Long).
Về ngân sách dành cho giáo dục, xin dẫn lại ý kiến của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ:
"Hiện nay, 20% ngân sách nhà nước cho ngành giáo dục chủ yếu phân bổ cho các địa phương cũng như các bộ ngành khác, phần ngân sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo làm đầu mối trực tiếp quản lý thực chất chỉ chiếm khoảng 4,8% trong tổng số…
Về mặt khoa học, liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo với tư cách là Bộ quản lý ngành có nên tham gia chỉ đạo phân bổ ngân sách của ngành hay không hay giao tất cả cho địa phương?". [2]
Căn cứ vào Nghị quyết số 50/2017/QH14 của Quốc hội về phân bổ ngân sách 2018 được báo Diễn đàn doanh nghiệp – Cơ quan của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam trích dẫn thì năm 2018 Ngân sách phân cho Bộ Công an 78.112 tỷ đồng, Bộ Quốc phòng 150.144 tỷ đồng, còn Bộ Giáo dục và Đào tạo được 7.322 tỷ đồng,… [3]
Phân bổ ngân sách giáo dục từ 2013 đến 2017 (Đồ họa: Xuân Dương)
Trong tống số 20% ngân sách dành cho giáo dục thì ngân sách địa phương trực tiếp quản lý, sử dụng khoảng 89%, ngân sách do các bộ, ngành, trung ương quản lý, sử dụng là 11%.
Trong 11% này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ trực tiếp quản lý, sử dụng khoảng gần 5%, các bộ ngành, cơ quan khác sử dụng 6%.
Về ngân sách giáo dục của địa phương, cho đến nay chưa thấy công bố chế tài bắt buộc các địa phương trong việc công bố công khai khoản cân đối ngân sách mà địa phương dành cho giáo dục có đúng 20% hay không.
Nhận định sau đây của Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam trong bài: “Ngân sách dành cho giáo dục được sử dụng ra sao?” nói lên điều gì:
“Đại biểu Quốc hội không biết cơ quan nào sẽ nắm được dòng tiền 20% ngân sách dành cho giáo dục được vận hành và sử dụng hiện nay ra sao…
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính không nắm được, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Chính phủ trong việc giao tổng số vốn cho các địa phương không giao chi tiết cho từng ngành, từng lĩnh vực”. [4]
Vì sao Quốc hội và Bộ Tài chính không thể công khai khoản ngân sách dành cho giáo dục trong gói ngân sách phân bổ về địa phương?
Phải chăng nếu công khai sẽ làm khó cho địa phương hay thực ra con số 20% chỉ là con số kỳ vọng?
Bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Ninh đặt vấn đề:
“Quốc hội cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục”. [5]
Có thể xem đây là tiếng nói hiếm hoi, khách quan, công bằng được cất lên từ diễn đàn Quốc hội nhằm minh chứng cho câu chuyện “Quyền rơm, vạ đá” của ngành Giáo dục.
Khi yêu cầu Quốc hội cần làm rõ “vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị” thì cũng có nghĩa là những cơ quan, bộ, ngành, địa phương tham gia chia phần “miếng bánh” giáo dục không thể thoái thác nghĩa vụ giải trình, không thể đứng ngoài nhìn ngành Giáo dục bị “ném đá”.
Nói cách khác, giáo dục xưa nay luôn phải ôm con số 20% ngân sách trong khi thực chất cả Bộ Giáo dục và Đào tạo lẫn Quốc hội đều không nắm được “20% ngân sách dành cho giáo dục được vận hành và sử dụng ra sao”!
Để hiểu rõ thêm xin dẫn chứng một số dữ liệu:
Theo số liệu trong “Tờ gấp giáo dục đào tạo năm 2017”, số giảng viên đại học cả nước là 72.792 người, giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông là 1.175.388 người.
Mảng giáo dục đại học, số liệu thu thập từ nhiều nguồn khác nhau cho thấy riêng khối công lập cả nước có 5 đại học trọng điểm (Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế; Đại học Đà Nẵng); 85 Đại học ngành và chuyên ngành (trong đó có 5 Đại học cấp vùng), 27 học viện và 27 Đại học địa phương, tổng cộng là 144 cơ sở (không kể khối trường quân sự và công an).
Một thống kê (đính kèm Công văn số 1279/BGDĐT-KHTC) của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy Bộ này chỉ “chủ quản” 37 cơ sở giáo dục đại học, chiếm 25,7%.
Một số đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ quản là trường lớn (Đại học Quốc gia) nên giả thiết số giảng viên do bộ này chủ quản chiếm khoảng 50% trên tổng số 72.792 người, nghĩa là 36.396 người.
Dễ dàng tính ra Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý chưa đến 3% tổng số giáo viên tất cả các cấp.
Những nơi quản lý tới 95% ngân sách giáo dục, quản lý tời 97% đội ngũ nhà giáo chẳng nhẽ không phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, bất cập của ngành này?
Làm sao để có thể thực hiện nhiệm vụ “Quản lý nhà nước về giáo dục” trong hoàn cảnh “hữu danh, vô thực” tức là gần như không quản cả kinh phí lẫn nhân sự?
Luật giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo “quản lý nhà nước về giáo dục” nhưng cũng chính luật pháp lại tước đi trong thực tế những quyền đó.
Những dẫn giải trên cho thấy nói “quyền rơm” của giáo dục e vẫn chưa mô tả hết sự thật mà phải dùng các từ dân gian gọi là “quyền hơi” hay “quyền gió”.
Thứ ba, tâm lý xã hội
Từ một nền giáo dục theo truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, “Không thày đố mày làm nên”, giáo dục Việt Nam chuyển thành nền giáo dục theo cách “Đào tận gốc, trốc tận rễ” những gì bị cho là tàn dư lạc hậu của nền giáo dục cũ, ảnh hưởng của chế độ thực dân, phong kiến.
Sự ngộ nhận này - vào những năm 60 của thế kỷ trước - làm xuất hiện trào lưu đả phá quan niệm “Tiên học lễ, hậu học văn”, hầu hết các cơ sở giáo dục đều không treo tấm biển này.
Dần dà, sự phê phán chuyển trọng tâm từ triết lý giáo dục cũ sang đối tượng cụ thể là nhà giáo, một trong những biểu hiện là đoạn phim “Nhặt xương cho thày” chiếu trên đài truyền hình quốc gia.
Cho đến những năm gần đây, chính định hướng sai lầm trong đối xử với nhà giáo là nguyên nhân xuất hiện tâm lý “Chuột chạy cùng sào” trong dân chúng và trào lưu đòi loại bỏ triết lý “Tiên học lễ, hậu học văn” của một số người được cổ xúy trên các diễn đàn chính thống và mạng xã hội.
Nếu phải nhắc lại hàng nghìn, hàng vạn lần người viết vẫn phải nói, rằng bản thân ngành Giáo dục không giữ vai trò quyết định trong việc định hướng dư luận xã hội.
Suy nghĩ của dân chúng luôn phụ thuộc vào những gì họ nhìn thấy, nghe thấy trực tiếp mặc dù đôi khi tâm lý đám đông cũng góp phần lèo lái dư luận.
Tâm lý xã hội đã khiến nhiều người có năng lực không chọn ngành sư phạm. Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn
Điều đầu tiên đập vào mắt các bậc cha mẹ và lớp trẻ là đời sống của nhà giáo.
Thời bao cấp, tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm của giảng viên đại học kém hơn nhân viên phòng thí nghiệm và công nhân xưởng thực tập những người này được xếp vào diện lao động nặng nhọc.
Tác động trực tiếp đến nhận thức của người dân là nhà giáo không thể sống bằng lương nếu không thu nhập thêm bằng cách khác trong đó có cả việc “dạy thêm tự nguyện”.
Tác động tiếp theo là sự nhũng nhiễu của không ít người thực hành công vụ trong các cơ quan tuyển dụng viên chức giáo dục.
Việc thi tuyển không công bằng, chạy tiền cửa sau khiến nhiều người đành từ bỏ nguyện vọng làm nhà giáo.
Hai nguyên nhân nêu trên khiến giới trẻ không mặn mà với nghề dạy học chỉ là những nguyên nhân cơ bản, còn tồn tại vô số nguyên nhân khác, chẳng hạn sự bấp bênh của nghề giáo khi các quyết định chấm dứt hợp đồng lao động luôn treo lơ lửng trên đầu…
Việc dư luận dễ bị kích động khi có nhà giáo vi phạm đạo đức trong khi các lực lượng thi hành công vụ khác vi phạm thì lại được xem là “chuyện nhạy cảm”, thậm chí còn được giấu nhẹm.
Hậu quả của tâm lý xã hội nêu trên là các trường sư phạm chỉ tuyển chọn được thí sinh học lực trung bình hoặc khá, rất ít học sinh giỏi chọn ngành giáo dục.
Một bài viết trên báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam có đoạn: “Nhiều ý kiến cho rằng, việc thí sinh chỉ cần 3 điểm/môn là đỗ ngành sư phạm là điều không thể chấp nhận. Đây chính là thảm họa của ngành giáo dục”. [6]
Biết là “thảm họa của ngành giáo dục” và cũng biết “thảm họa” này kéo dài nhiều thập niên vậy Nhà nước (chứ không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã làm gì để khắc phục?
Chính sách miễn giảm học phí nhằm thu hút thí sinh vào học tại các trường Sư phạm chỉ có tác dụng vài năm và giờ đây đã trở nên lạc hậu.
Chính sách tuyển dụng, đãi ngộ nhà giáo lại không do ngành giáo dục quyết định.
Vì sao cơ quan hoạch định chính sách chưa có những biện pháp quyết liệt nhằm thay đổi tận gốc nhận thức xã hội về nghề dạy học, chưa có những chính sách làm thay đổi về cơ bản thái độ “ghét” nghề dạy học của giới trẻ?
Chỉ cần thống kê lượng thí sinh đăng ký vào học các trường thuộc khối Quân đội, Công an, Y - Dược là có câu trả lời.
Không ít học sinh phổ thông cho rằng học sư phạm không có tiền đồ, dù phải “bán cháo phổi” vẫn không đủ trang trải cuộc sống bản thân chứ chưa nói nuôi gia đình, con cái, càng không bao giờ có thể trở thành tầng lớp trung lưu trong xã hội!
Khi giới trẻ thờ ơ, quay lưng với nghề dạy học nhưng lại đòi đội ngũ nhà giáo phải là những tấm gương mẫu mực về đạo đức, xuất sắc về chuyên môn có phải là vô lý, đặc biệt khi thể chế kinh tế của đất nước vận hành theo cơ chế thị trường, khi người ta thừa biết thời này là thời “Tiền nào của nấy”.
Thứ tư, ảnh hưởng từ ý thức hệ
Nếu những ngành khoa học tự nhiên như Toán học, Vật lý, Hóa học,… không thể bị chi phối bởi quan điểm chính trị hay ý thức hệ, bởi sự duy ý chí thì về nguyên tắc các ngành khoa học xã hội như Văn học, Lịch sử, Tâm lý Giáo dục,… cũng vậy.
Cho đến trước khi hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai hệ tư tưởng vô sản và tư sản, giữa các nước phe xã hội chủ nghĩa với các nước tư bản chủ nghĩa không phải là không ảnh hưởng đến giáo dục Việt Nam.
Có người ví giáo dục Việt Nam giống người cầm gậy dò đường, nhặt nhạnh bỏ vào bị những thứ tìm thấy đem về xào xáo lại.
Trước năm 1975, nhiều nhà khoa học Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô và Đông Âu, số sinh viên gửi sang đào tạo tại Trung Quốc cho đến khi cách mạng văn hóa nổ ra (năm 1966) đã rút về gần hết.
Giai đoạn này, hầu hết giáo trình giảng dạy bậc đại học là dịch từ tiếng Nga, ngoại ngữ dạy tại các đại học chủ yếu là tiếng Nga, những người tốt nghiệp tại các trường đại học Đông Âu, đặc biệt là Liên Xô được bổ nhiệm vào nhiều vị trí chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước trong đó có ngành Giáo dục.
Việc vắng bóng những mô hình giáo dục tiên tiến của phương Tây tại Việt Nam thời kỳ này không phải chỉ vì đất nước bị cấm vận, ít có tiếp xúc với nền khoa học giáo dục phương tây mà vì những lý do liên quan đến cuộc đấu tranh tư tưởng giữa hai phe.
Điều này có thể thấy rất rõ qua bài thơ “Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi” của nhà thơ Việt Phương:
Ta nhất quyết đồng hồ Liên-xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ,…
Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ…
Từ khi Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, khi nền kinh tế thị trường có định hướng được thừa nhận, khi những lớp người du học Âu – Mỹ (nhiều hơn tại Nga và Đông Âu) trở về thì giáo dục Việt Nam lại bắt đầu một cuộc thay đổi.
Sách giáo khoa phổ thông và đại học được biên soạn lại, tiếng Anh thay tiếng Nga trở thành ngoại ngữ chính ở các cấp học.
Những thay đổi mà chúng ta gọi là “Đổi mới giáo dục” dường như vẫn không làm biến mất hoàn toàn tàn dư của một thời bao cấp.
Thấp thoáng trong những cái gọi là “đổi mới giáo dục” không khó nhận ra bóng dáng và uy quyền của các ông X, Y, Z nào đó qua các mô hình “thí điểm đại trà” kéo dài hàng chục năm như VNEN hay Công nghệ giáo dục,…
Thay vì ca ngợi, dập khuôn theo nền giáo dục Xô Viết, giờ đây là tràng giang đại hải những “lời có cánh” về giáo dục Mỹ, Singapore, Nhật Bản,… dù ai cũng biết nền khoa học nước Nga - kế thừa nền khoa học của Liên bang Xô Viết - không hề tụt hậu, vẫn là một trong những nước đứng đầu thế giới về khoa học và công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng và chinh phục vũ trụ.
Nếu một lúc nào Mỹ và phương Tây không còn vai trò dẫn đầu, nếu một thế lực kinh tế chính trị ABC nào đó lãnh đạo thế giới, liệu có xảy ra câu chuyện lại dịch sách ABC, lại lấy tiếng ABC làm ngoại ngữ chính trong các cơ sở giáo dục từ phổ thông đến đại học?
Nếu coi Giáo dục là một khoa học thì điều căn bản là không để nó lệ thuộc vào ý chí chủ quan của bất cứ lực lượng nào.
Dưới bất kỳ thể chế nào, giáo dục cũng phải tiếp cận với nền văn minh nhân loại chứ không thể bị đặt trên đường ray theo cách mà một quan chức ví von là “Đoàn tàu giáo dục”.
Càng không thể xem 22 triệu thày trò chỉ là hành khách trên đoàn tàu giáo dục đó như lời nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận.
Quyền rơm mang theo vạ đá
Nếu “quyền rơm” bị biến thành “quyền hơi, quyền gió” thì “vạ đá” sẽ biến thành cái gì?
Vào khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, người viết bài này thực sự bị sốc khi chứng kiến tận mắt lực lượng chức năng đưa người và phương tiện đập phá khu vực cổng trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp) trên đường Đại Cổ Việt.
Nhìn những chiếc búa tạ vung lên, vôi vữa rụng xuống, người viết đã ngay lập tức nghĩ đến từ “vạ búa”, tiếc rằng mấy chục năm sau mới viết ra được điều này.
Ngày nay ngành giáo dục, đặc biệt là nhà giáo vẫn là đối tượng bị “vạ đá” từ những đối tượng thủ sẵn đá trong túi nhưng chưa biết ném vào đâu.
Xin trích đăng tiêu đề sáu bài báo:
Những vụ bê bối “chấn động” nền giáo dục hiện đại Việt Nam.
Những sự kiện giáo dục 'chấn động' năm 2018.
2018: Năm của những sự kiện giáo dục 'chưa từng có'.
2018: Giáo dục Việt Nam với những sự kiện có 1-0-2.
Những sự kiện giáo dục gây “chấn động” dư luận năm 2018.
3 vụ việc bê bối của ngành giáo dục đầu năm 2018.
…..
Trên Google, gõ cụm từ tìm kiếm “Cô giáo cho học sinh tát bạn hơn 200 cái” nhận được hơn 2 triệu kết quả (chính xác là 2.290.000 kết quả).
Trong khi đó cụm từ “Vung tay chạm má, đá chưa trúng người” chỉ nhận được 1.440.000 kết quả nghĩa là bằng khoảng 60%.
Cùng một hành vi đánh vào má, thế nhưng “ném đá” nhà giáo xem ra “thoải mái” hơn ném vào “lực lượng khác” mặc dù hành vi của “lực lượng khác” cũng không kém nghiêm trọng vì là “má” của phóng viên đang tác nghiệp tại hiện trường.
Cũng xin nói thêm, người viết dùng cụm từ “lực lượng khác” không phải là không dám chỉ đích danh mà chỉ vì không muốn Ban biên tập Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phải mất công chỉnh sửa.
Chỉ sau khi một cựu sếp ngân hàng BIDV - bị khai trừ, bị bắt giam người ta mới thấy lác đác thông tin việc người này “vung tay chạm má” một lãnh đạo cấp tỉnh, trước đó vì sao cả người bị “chạm” và truyền thông đều im lặng?
Dường như có một sự ngầm hiểu, rằng giáo dục là vùng “tự do ném đá” còn các lĩnh vực khác là “nhạy cảm” cần phải cân nhắc kỹ càng.
Tung vào giáo dục cả một trời “mưa đá” là giúp giáo dục hay chỉ đơn giản vì mắng mỏ thày cô giáo ít khi phải bị nhận những đề nghị “nhẹ nhàng” sau khi bài được đăng?
Nếu con số nhà giáo phạm lỗi chỉ là con số rất ít trong tống số hơn 1,2 triệu nhà giáo thì có nên xem đó chỉ là những hạt sạn trong quá trình “giã gạo”, dù với khoa học, kỹ thuật tiên tiến cũng không thể tránh khỏi.
Cuộc chiến chống tham nhũng đang tiến hành, chỉ trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa 12 đã có hơn 60 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xem xét, xử lý, trong số này có hơn 20 người cấp bậc từ thiếu tướng đến thượng tướng đã bị kỷ luật, một số bị khai trừ khỏi đảng, cách chức hoặc bị xử tù.
Nếu kể tiếp thì vụ mua bán AVG khiến ngân sách có nguy cơ thất thoát khoảng 7.000 tỷ đồng, vụ đưa xe biển xanh vào chân cầu thang máy bay đón người nhà lãnh đạo Bộ Công thương cũng phải xem là những “bê bối chấn động”.
Việc không hề có những tít bài đại loại “Những vụ bê bối chấn động ngành Công Thương” (hoặc Công an) phải chăng là minh chứng cho việc “Chọn mặt gửi… đá”?
Trước khi ném đá thầy cô và ngành giáo dục, hãy chậm lại vài giây. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh
Sự “vô tư” trong các bài viết đả kích giáo dục cho thấy mặt bằng bản lĩnh của nhiều đối tượng chứ không phải chỉ của tác giả các bài viết.
Dù dưới bất kỳ góc độ nào cũng phải khẳng định tuyệt đại bộ phận nhà giáo là người tốt, tuy cũng không thể phủ nhận thực tế, nhiều nhà giáo không phải là người giỏi.
Không phải người giỏi bởi cơ chế đã đẩy những người “chuột chạy cùng sào” vào ngành Sư phạm, họ không thể lựa chọn những ngành “thơm” hơn, “màu mỡ” hơn bởi sự ngẫu nhiên của tạo hóa, đâu phải lỗi của những người được sinh ra với chỉ số IQ trung bình.
Theo một báo cáo của Tiến sĩ Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ phụ nữ trong nghề giáo là 70%, cao nhất trong các ngành nghề xã hội. [7]
Nếu đánh giá những điều xảy ra trong kỳ thi quốc gia tốt nghiệp trung học phổ thông 2018 là “bê bối chấn động” thì phải chỉ đích danh Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình,…
Vai trò lãnh đạo nhân sự thuộc về Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh bởi Trưởng ban chỉ đạo và đa số thành viên Ban chỉ đạo là cán bộ địa phương.
Ngành Giáo dục, cụ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo liên đới chịu trách nhiệm chứ không phải nguyên nhân gây nên bê bối.
Nói “bê bối gây chấn động của ngành Giáo dục” là đánh bùn sang ao, là quýt làm cam chịu,…
Đảng bộ và chính quyền địa phương làm sao có thể vô can khi những người vi phạm tại các hội đồng thi do các cơ quan này đề bạt, bổ nhiệm, quản lý, chẳng liên quan gì về nhân sự với Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đổ lỗi cho giáo dục là thói xấu mà không ít đối tượng sử dụng nhằm trốn tránh trách nhiệm, tiếc thay điều này lại được sự phụ họa của một bộ phận không nhỏ những người làm truyền thông.
Nguyên nhân của những yếu kém
Thứ nhất: Mạch giáo dục truyền thống bị bẻ gãy
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, nền giáo dục Việt Nam ở hai miền đất nước định hướng theo những quan điểm không giống nhau.
Giáo dục miền Nam sau 1954 dựa trên ba nguyên tắc là "Nhân bản; Dân tộc và Khai phóng", đó được xem là “Triết lý giáo dục” thời kỳ từ 1954 đến năm 1975.
Giáo dục miền Bắc cho đến năm 1975 và cả nước đến năm 2019 này vẫn đang đi tìm “Triết lý giáo dục”, vẫn bàn luận và chưa có kết quả cuối cùng.
Các nguyên tắc “nhân bản, dân tộc, khai phóng” của giáo dục miền Nam trước 1975 đã được trình bày tỉ mỉ bởi tác giả Nguyễn Thanh Liêm. [8]
Tại miền Bắc, sau năm 1954 quan điểm dạy người thời phong kiến “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” (Đầu tiên là tu dưỡng bản thân, sau đó là đến gia đình mình rồi mới đến quốc gia và sự nghiệp mang tầm vóc “thiên hạ”) tuy không chính thức bị loại bỏ song trẻ em được dạy những đức tính hoàn toàn khác, “Tổ quốc, đồng bào” được đặt lên trên hết, không thấy nhắc đến bản thân hay gia đình.
Nói đến tình yêu tổ quốc, nhà văn Nga Ilia Erenbua viết:
“Dòng suối chảy vào sông, sông đổ vào đại trường giang Von-ga, con sông Von-ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”.
“Yêu nhà” nghĩa là yêu bản thân, bố mẹ, ông bà, họ hàng ruột thịt,… “yêu làng xóm, miền quê” nghĩa yêu con sông, bến nước, lũy tre, ngõ phố, là những người hàng xóm “tắt lửa tối đèn” có nhau. “Yêu” được như thế tự khắc “trở nên lòng yêu Tổ quốc”.
Triết lý “Gia đình là tế bào của xã hội” gần đây được đã được nhắc đến, chẳng hạn ngày 10/3/2017, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo “Xây dựng văn hóa gia đình trong xã hội đương đại”.
Tại Hội thảo các tham luận khẳng định:
“Gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người.
Gia đình cũng là nơi bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, chống lại các tệ nạn xã hội, xây dựng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. [9]
Có thể thấy chúng ta đã bị muộn khi nhìn lại cách giáo dục thế hệ trẻ, cách tiếp cận trước đây đã khiến cho mối dây liên kết trong gia đình bị phá vỡ, mạch giáo dục truyền thống bị bẻ gãy, đó là khúc ngoặt lớn đầu tiên khiến giáo dục mất phương hướng.
Mạch giáo dục truyền thống bị bẻ gãy lần thứ hai rõ nhất là sau năm 1975.
Quan điểm giáo dục “Tiên học lễ, hậu học văn” bị phê phán, bị xem là cổ hủ, cản trở sáng tạo.
Khi không được giáo dục nghiêm túc về “lễ” tức là đạo đức, cách đối nhân xử thế, giáo dục đã cung cấp cho đất nước một đội ngũ cán bộ không biết xấu hổ, không có văn hóa từ chức,…
Nói như một vị nguyên Chủ tịch nước, sản phẩm của giáo dục là “một bầy sâu” đang đục ruỗng cả kinh tế lẫn văn hóa và các giá trị truyền thống.
Vì không cần đến “lễ”, cũng chả cần gì “văn” nên mới hình thành nên một xã hội sính bằng cấp, dung túng sự không trung thực cả trong học sinh lẫn cán bộ, công chức.
Khi không được giáo dục nghiêm túc về “lễ” tức là đạo đức, cách đối nhân xử thế, giáo dục đã cung cấp cho đất nước một đội ngũ cán bộ không biết xấu hổ, không có văn hóa từ chức,…(Ảnh: laodong.com.vn)
Không lâu trước đây, ngày 28/09/2017, báo Laodong.vn có bài: “GS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT: Đã từng phát hiện 10.000 bằng giả trong 1 năm”.
Ông Phạm Minh Hạc còn cho rằng: “Cách đây hơn chục năm, đã phát hiện rất nhiều nhưng tôi nghĩ vẫn chưa hết. Con số đó vẫn còn tiếp tục tăng lên…
Để xảy ra điều này là lỗi, là sai lầm của bộ phận tổ chức. Không thể đổ lỗi do sơ suất bởi đây là những lỗi đã quá rõ ràng. Nguyên nhân có thể là do nể nang hoặc do tiêu cực… nên cố tình bỏ qua”. [10]
Không biết xấu hổ nên dù bị phát hiện dùng văn bằng giả, hoặc văn bằng thật, trình độ giả nhưng không ai chịu từ chức.
Dẫu có xếp hạng cuối cùng trong các cuộc bình chọn thì người ta vẫn xem đó là bình thường, chỉ là dịp để “rút kinh nghiệm”,…
Thật hoang đường khi một số ý kiến cho rằng gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình là lỗi của người lớn, không phải lỗi của thí sinh.
Những thí sinh làm bài kém bỗng nhiên nhận được điểm cao chót vót mà im lặng chấp nhận chính là kẻ dối trá, bảo vệ hay bênh vực các đối tượng này là đồng lõa với sự dối trá.
Thông tin một số trường học của Hải Phòng cho học sinh có học lực yếu nghỉ học để giáo viên thi giáo viên giỏi được Tổ công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo kết luận “Thông tin nhà trường cho học sinh yếu kém ở nhà là không có căn cứ”.
Thế nhưng cũng chính kết luận của Tổ công tác lại chỉ ra: “Kiểm tra thực tế tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng cho thấy việc phụ huynh phân vân khi có học sinh ở nhà, học sinh được đến lớp là hoàn toàn có thật và cần phải rút kinh nghiệm và chấn chỉnh đối với Ban tổ chức Hội thi”. [11]
Mâu thuẫn trong kết luận kiểm tra của Tổ công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ là một trong muôn vàn biểu hiện của sự giả dối.
Hơn 40 người bị gạch tên khỏi danh sách phong giáo sư, phó giáo sư gần đây không thể dùng từ nào khác ngoài sự giả dối.
“Lò ấp tiến sĩ, thạc sĩ” tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội là mảnh đất ươm mầm giả dối.
Sự dối trá dù che đậy bằng bất kỳ hình thức nào cuối cùng cũng bị lộ. Đáng tiếc không ít trường hợp cả những người/cơ quan mang trọng trách cũng không thật thà ngay cả khi làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra.
Tất cả những sự giả dối hiển hiện hàng ngày trong cuộc sống chính là do đánh mất chữ “lễ” trong giáo dục con người. Thói dối trá của một người khiến gia đình xấu hổ, thói dối trá của một thế hệ khiến cả quốc gia xấu hổ.
Xen giữa hai nhát cắt lớn nêu trên khiến Giáo dục đứng không vững là những cú “vung tay” vào chỗ hiểm mà một số người lãnh đạo thực hiện trong quá trình thực thi công vụ.
Cựu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng “Đổi mới giáo dục lần này là một trận đánh lớn", “Nhà giáo và học trò là hành khách trên đoàn tàu giáo dục”,…
Quan điểm coi cả thày lẫn trò đều là “hành khách” liệu có đồng nghĩa với việc họ chỉ là những thực thể thụ động, không có bất kỳ tác động nào tới việc “đoàn tàu giáo dục” chạy nhanh hay chậm, đổi hướng hay không đổi hướng?
Nói một cách hình tượng, khi cả thày và trò đều cùng trên đoàn tàu, thò cổ ra ngoài cửa sổ có nguy cơ mất mạng thì những hành khách bước chân xuống sân ga cuối cùng có còn đủ sức lực bước tiếp?
Nói cụ thể, cả thày và trò đều không được phép sáng tạo, đều phải theo một khuôn mẫu định sẵn: Thày dạy theo sách giáo khoa, trò chép bài theo những gì thày cô viết trên bảng.
Nền giáo dục của chúng ta đang biến học sinh thành những “Bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên” (Random access memory), mất điện là mất hết, rời khỏi mái trường là chữ trả thày.
Mang theo hành trang “cấm sáng tạo” từ phổ thông lên đại học rồi trở thành cán bộ, công chức, người ta sợ đủ thứ, sợ không dám cho tư nhân thử nghiệm tàu ngầm, máy bay, sợ người dưới quyền sáng tạo hơn mình, sợ đồng nghiệp thăng tiến nhanh hơn và kết quả cuối cùng mà đội ngũ cán bộ công chức “dám nghĩ, dám làm” là “hành là chính”!
Thứ hai: Triết lý giáo dục
Cách mạng tháng 8/1945 đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến đã làm thay đổi thể chế chính trị và kinh tế đất nước.
Cuộc cải cách ruộng đất được tiến hành một cách máy móc, dập khuôn đã dẫn tới những sai lầm đáng tiếc.
Đảng, Nhà nước đã tổng kết, Hồ Chủ tịch đã xin lỗi quốc dân đồng bào nhưng ít người cho rằng việc vội vàng bác bỏ những triết lý giáo dục được đúc rút qua nhiều thế hệ cũng mang lại hậu quả nặng nề không kém so với cải cách ruộng đất.
Bác bỏ truyền thống nhưng chưa kịp xây dựng triết lý giáo dục mới, hậu quả là hơn nửa thế kỷ chúng ta vận hành một nền giáo dục không có triết lý, nói chính xác là cho đến năm 2019 này vẫn chưa tìm ra “Triết lý giáo dục Việt Nam”.
Vì chưa tìm ta Triết lý giáo dục, những người lãnh đạo ngành đành phải vai đeo bị, tay cầm gậy dò dẫm, cóp nhặt những gì nhìn thấy trên con đường “quá độ”. Tinh hoa của nhân loại dường như nằm ở hành tinh khác mà chúng ta chỉ có tàu hỏa chứ chưa có tàu vũ trụ.
Cho đến tận hôm nay, những người được giao trọng trách lãnh đạo lĩnh vực văn hóa - giáo dục, những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ tham gia đề tài đi tìm “Triết lý giáo dục Việt Nam” vẫn cho rằng không thể diễn giải “Triết lý giáo dục” chỉ bằng một câu nói súc tích.
Thậm chí có ý kiến coi Nghị quyết 29-NQ/TW chính là “Triết lý giáo dục” của Việt Nam!
Chỉ một điều này thôi đã cho thấy đội ngũ gọi là “tinh hoa”, là “nguyên khí” của đất nước thực chất là thế nào.
Nghị quyết 29-NQ/TW đánh giá những thành tựu của giáo dục “Trước hết bắt nguồn từ truyền thống hiếu học của dân tộc; sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, của mỗi gia đình và toàn xã hội; sự tận tụy của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; sự ổn định về chính trị cùng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Nhận định thành tựu của giáo dục “Trước hết bắt nguồn từ truyền thống hiếu học của dân tộc…”cho thấy Trung ương đã thẳng thắn thừa nhận chúng ta chưa có một chiến lược dài hơi, một triết lý giáo dục khoa học kết hợp truyền thống với tinh hoa nhân loại.
Vậy “Truyền thống hiếu học của dân tộc” trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có còn phát huy tác dụng như là yếu tố “Trước hết”?
Nhìn thái độ học tập của một bộ phận học sinh, sinh viên hiện nay, nhìn cách kiếm tấm bằng tiến sĩ của không ít quan chức, liệu có thể yên tâm rằng người Việt thế kỷ 21 vẫn giữ được “Truyền thống hiếu học”?
Mọi quốc gia giáo dục đều có nhiệm vụ giống nhau là đào tạo nhân lực và nhân tài. Nhân tài chỉ chiếm một phần nhỏ, nhân lực chiếm số đông.
Vậy vì sao giáo dục Việt Nam mấy chục năm qua không tập trung nhân, tài, vật lực cho đào tạo nhân lực, đào tạo nên đội ngũ lao động tay nghề cao mà cứ khuyến khích học sinh phải thi đỗ đại học?
Kiến thức của nhân loại là vô hạn nhưng cuộc sống mỗi con người là hữu hạn, nhiệm vụ của giáo dục là dạy cho người bình thường những gì mà họ có thể tiếp thu để tìm một việc làm nuôi sống bản thân và gia đình.
Những người kiệt xuất, nhân tài cần sự giáo dục đặc biệt để trở thành người đứng đầu.
Làm được việc đó nghĩa là giáo dục đã hoàn thành sứ mệnh của mình.
Giáo dục phải chăng chính là “Cầu nối kiến thức và cuộc sống”?
Tài liệu tham khảo:
[1] http://avnuc.vn/quan-niem-sai-lam-ve-dia-phuong-chu-quan-thuc-trang-va-kien-nghi/
[2] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/20-ngan-sach-chi-cho-nganh-giao-duc-da-di-dau-394945.html
[3] http://enternews.vn/phan-bo-ngan-sach-nam-2018-chi-thuong-xuyen-gan-gap-3-chi-dau-tu-phat-trien-122843.html
[4] https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/ngan-sach-danh-cho-giao-duc-duoc-su-dung-ra-sao-831947.vov
[5] https://news.zing.vn/kien-nghi-lam-ro-hieu-qua-su-dung-20-ngan-sach-cho-giao-duc-post887048.html
[6]https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/dau-vao-su-pham-thap-chat-luong-giao-duc-se-ve-dau-658693.vov
[7] http://hoilhpn.org.vn/images_upload/files_260.pdf
[8]https://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%C3%A1o_d%E1%BB%A5c_Vi%E1%BB%87t_Nam_C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a
[9] http://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/de-gia-dinh-la-te-bao-cua-xa-hoi-429576.html
[10] https://laodong.vn/giao-duc/gs-pham-minh-hac--nguyen-bo-truong-bo-gddt-da-tung-phat-hien-10000-bang-gia-trong-1-nam-566972.ldo
[11] https://www.tienphong.vn/giao-duc/giao-vien-thi-day-gioi-thay-co-con-dien-day-hoc-sinh-the-nao-1367568.tpo
Xuân Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét