Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2022

20220228. ẢNH HƯỞNG CHIẾN SỰ NGA-UKRAINA ĐẾN VIỆT NAM ?

 ĐIỂM BÁO MẠNG

TÁC ĐỘNG CỦA CUỘC XÂM LĂNG CỦA NGA VÀO UKRAINE TỚI AN NINH 

CỦA VIỆT NAM

ÁI CHÂU/RFA/ BVN 26-2-2022


Người Ukraine sống ở Li Băng biểu tình trước đại sứ quán Nga ở Beirut phản đối Putin đưa quân xâm lược Ukraine hôm 24/2/2022. AFP

Nước Nga của Putin đã tổng tấn công vào một loạt thành phố của Ukraine, không chỉ vào hai tỉnh “ly khai” một phần. Trong đó, cuộc đổ bộ vào Odessa, thành phố đối diện với Istabul của Thổ Nhĩ Kỳ trên bờ biển Đen, phản ánh những tham vọng và ảo tưởng địa chính trị kiểu thế kỷ 19 của Putin. Bất kể Nga chỉ uy hiếp hay xóa sổ chính phủ Ukraine đương nhiệm, nhanh chóng rút quân hay chiếm đóng, bị sa lầy hay đè bẹp các lượng Ukraine nổi dậy, thì các cuộc trừng phạt, phong tỏa toàn diện của Âu Mỹ Nhật đối với Nga và các nước có quan hệ kinh tế và quân sự với các công ty quân sự và quốc doanh lớn của Nga là khá cao.

Nhìn vào sự tác động của sự biến này đến Việt Nam, chúng ta thấy có lẽ khí tài quân sự là việc ngay bây giờ Việt Nam cần phải xem xét, nhất là trong quan hệ với Trung Quốc.

Khí tài quân sự

Một khi Nga bị cấm vận, phong tỏa, những nước mua vũ khí Nga có khả năng cao cũng bị ngăn chặn nguồn cung thiết bị bảo dưỡng và vũ khí đi kèm phương tiện chiến tranh.

Việt Nam hiện nay phụ thuộc sâu vào vũ khí Nga. Máy bay chiến đấu, tên lửa, tàu ngầm đều cần có vũ khí chủ lực đi kèm và phụ tùng thay thế định kỳ, đi theo một hệ thống cố định.

Về không quân, theo báo cáo “World Air Forces 2022” của FlightGlobal, Việt Nam hiện có 34 máy bay Su-22, 43 máy bay Su-27 và Su-35 của Nga. Năm 2020, có thông tin Việt Nam dự kiến mua thêm 12 chiếc Su-30 nữa. Việt Nam hiện sở hữu Su-30 nhiều nhất thế giới.

Quân đội Việt Nam hiện sở hữu 34 máy bay Su-22. Theo thông tin của hãng Rosoboronexport (Russian Defence Export) thì Nga không còn sản xuất Su-22 và Su-27 nên chắc chắn Việt Nam cũng thiếu thiết bị, phụ tùng thay thế.

Đối với dòng máy bay Su-22 ở Việt Nam, ngay cả khi Nga chưa có xung đột sâu với phương Tây, thiếu phụ tùng thiết bị thay thế là vấn đề hiện tại, không còn là chuyện “tương lai” nữa. Các máy bay Su-27 của Việt Nam cũng đã dùng trên dưới 25 năm, đến lúc phải đại tu, nâng cấp, nếu muốn sử dụng hiệu quả trong chiến đấu.

Về hải quân, “Lữ đoàn tàu ngầm 189” là lực lượng tàu ngầm đầu tiên của Quân đội Việt Nam, được ra mắt năm 2013 tại Cam Ranh, 24/6/2013. Lực lượng này gồm 6 tàu ngầm, tất cả đều đặt hàng Nga sản xuất từ 2009, với trị giá ước tính khoảng 4,3 tỷ USD. Toàn bộ 6 tàu ngầm được bàn giao đầy đủ vào năm 2017.

Các con tàu này đều mới xuất xưởng, các thiết bị, phụ tùng trọng yếu có thể vẫn còn dùng tốt. Tuy vậy Việt Nam không chỉ cần nhập khẩu từ nhà sản xuất (Nga) các thết bị bảo dưỡng mà còn cần mua từ Nga các loại vũ khí đi kèm phương tiện chiến đấu này nữa.

Vũ khí chủ lực của sáu chiếc tàu ngầm mua từ Nga là tên lửa Klub-S, các loại tên lửa chống ngầm, tên lửa hành trình đối đất, tên lửa chống hạm. Đối với các dòng máy bay chiến đấu Sukhoi, hãng Rosoboronexport (Russian Defence Export) chào hàng 6 loại tên lửa không đối không cho các máy bay nói trên.

Tàu ngầm không có tên lửa đi kèm thì chỉ giống như tàu du lịch.

Nga không chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí. Việt Nam cũng không có khả năng tự copy được. Một số thiết bị khác có khả năng phải nhập khẩu định kỳ.

Những thiết bị, phụ tùng và đặc biệt là vũ khí đi kèm các loại máy bay, tên lửa, tàu ngầm Nga không tích hợp được với hệ thống của Mỹ.

Một khi Nga bị bị cấm vận, Âu Mỹ, Nhật Bản trừng phạt không chỉ Nga mà các nước kinh doanh với Nga, nhất là về khí tài quân sự, thì Việt Nam sẽ khó khăn khi không có nguồn khác thay thế.

Lúc này, các phương tiện chiến đấu chủ lực của Quân đội Việt Nam có nguy cơ thành “đồ chơi” hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng ngoại giao của Việt Nam với phương Tây.

Cuộc thách thức của Nga đối với các nước dân chủ Âu Mỹ Nhật có khả năng sẽ còn kéo dài ít nhất cho đến khi Putin không còn quyền lực, có lẽ cũng ít nhất trên dưới 10 năm nữa. Bây giờ nếu Trung Quốc tấn công Việt Nam thì tàu ngầm vẫn bơi được, máy bay Su vẫn bay được, vũ khí chắc hẳn vẫn còn để bắn, nhưng không ai chắc chắn vài năm sau tình hình thế nào.

Hồi kí "How we lost the Vietnam war?" của cựu Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ của Miền Nam Việt Nam có kể rằng, khi viện trợ Mỹ còn, mỗi lần phụ tùng máy bay chiến đấu bị hỏng, các kỹ sư VNCH đem ra bảo dưỡng, sửa chữa thì các kỹ sư Mỹ nói: Hãy nhìn xem, chúng ta còn trong kho rất nhiều, anh sửa làm gì, lấy cái mới ra thay. Hậu quả là kỹ sư Miền Nam Việt Nam bị quên các kỹ năng bảo dưỡng. Đến khi viện trợ Mỹ không còn, họ không sửa chữa được thiết bị cũ, máy bay có rất nhiều nhưng nằm “đắp chiếu” trong kho. Đến 1975, bộ binh và xe tăng Miền Bắc Việt Nam nối đuôi nhau chạy dài hàng cây số trên quốc lộ nhưng không quân VNCH bất lực.

Nếu chi tiết này là thật, điều đó có nghĩa là từ 1973 đến 1975, VNCH đã không kịp cho kỹ sư luyện lại tay nghề đã mất. Việt Nam ngày nay nếu không xử lý quan hệ quốc tế một cách khôn ngoan, máy bay tàu ngầm vẫn có đó, nhưng khả năng phải đắp chiếu một phần là có thể xảy ra. Việt Nam hiện nay vẫn còn thời gian để xử lý tình huống nhưng phải hành động, còn ngồi im thì rất dễ bị Trung Quốc bức tử.

Đối diện với một thế giới phân thành hai hệ thống

Các cuộc trừng phạt của Âu Mỹ và Nhật Bản đối với Nga có thể đẩy mối quan hệ Nga và Trung Quốc thêm sâu sắc, cục diện thế giới chia làm hai trục Mỹ Trung có khả năng trở nên áp đảo. Hai trục này sẽ tạo thành hai hệ thống riêng rẽ, có các chuỗi liên kết riêng về tài chính, vùng nguyên liệu, mạng lưới giao thông, thị trường.

Các quan hệ kinh tế, đặc biệt là chuỗi cung ứng, cũng có khả năng bị đảo lộn. Việt Nam là nước phụ thuộc vào xuất nhập khẩu nên sẽ bị ảnh hưởng lớn, xét về kinh tế.

Nói riêng về ngành năng lượng, Việt Nam phụ thuộc vào thiết bị của Nga, trong đó có Công ty Power Machines. Năm 2020, công ty Nga này bị Mỹ liệt vào danh sách cấm vận. Công dân Mỹ không được phép hợp tác. Công ty này có dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Dự án này bị ảnh hưởng tiến độ vì lệnh trừng phạt của Mỹ và họ muốn đẩy trách nhiệm cho PVN.

Câu chuyện Power Machines của Nga xảy ra trước cuộc xâm lăng vào Ukraine hiện nay. Nhưng nó báo trước những khó khăn trong ngành năng lượng của Việt Nam trong tương lai, nếu Việt Nam chưa kịp tìm được nguồn cung ứng thay thế.

A.C.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

CUỘC CHIẾN NGA-UKRAINE SẼ ĐẨY CHI PHÍ SẢN XUẤT TĂNG CAO

DŨNG NGUYỄN/ KTSG 27-2-2022

(KTSG Online) – Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine không chỉ đẩy giá dầu thô mà còn nhiều loại hàng hóa cơ bản khác trên thế giới tăng cao. Cộng với mối lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí sản xuất được dự báo tăng cao sẽ ảnh hưởng khó lường đến nền kinh tế Việt Nam.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, những đánh giá sơ bộ đầu tiên về khả năng tác động đến nền kinh tế Việt Nam đã được nhiều chuyên gia đưa ra, trong đó nhấn mạnh đến khả năng tăng giá hàng hóa và đứt gãy chỗi cung ứng.

Theo bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành Khối Đầu tư chứng khoán và trái phiếu của VinaCapital, rủi ro dễ thấy nhất từ sự kiện này là rủi ro lạm phát.

Ở phía nguồn cung, các lệnh trừng phạt và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm nhiều mặt hàng cơ bản, qua đó trực tiếp làm giá đầu vào của các doanh nghiệp tăng cao.

Ở phía nguồn cầu, lạm phát còn có thể làm cho tiêu dùng và tiến độ giải ngân đầu tư trong nền kinh tế (bao gồm cả đầu tư công) chậm lại, do mặt bằng giá tăng cao và biến động khó lường.

Đại diện VinaCapital cũng cho rằng các công ty chịu ảnh hưởng trực tiếp có thể bao gồm các doanh nghiệp lệ thuộc vào giá hàng hóa cơ bản làm nguyên liệu đầu vào nhưng không có khả năng tăng giá bán bù lại chi phí nguyên liệu, vận chuyển tăng cao. Rất nhiều các doanh nghiệp này là những doanh nghiệp thuần túy xuất khẩu.

Mặt khác, các doanh nghiệp lệ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu đầu vào sẽ có rủi ro khan hiếm nguồn cung trực tiếp, ví dụ như than (một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Nga), có thể bị ảnh hưởng lớn về lợi nhuận. Các hãng hàng không có thể chịu ảnh hưởng kép, khi chi phí giá dầu tăng cao và các đường bay bị gián đoạn.

Xăng dầu trong nước tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh tăng khi giá dầu thô thế giới tăng mạnh. Ảnh minh họa: TL

Tương tự, theo khối phân tích Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank (MIB), các tác động gián tiếp đáng kể đến Việt Nam chủ yếu đến từ giá năng lượng, kim loại và ngũ cốc tăng cao, đặt trong giả định là “một cuộc tấn công toàn diện” không xảy ra.

Theo thống kê, Nga nắm giữ 11% lượng dầu xuất khẩu toàn cầu, 8% lượng khí LNG, 18% than nhiệt, 8% thép, 14% nhôm, 5% đồng và 10% ngũ cốc.

MIB cũng cho rằng sự kiện này sẽ không có tác động lớn trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thương mại song phương với Nga năm 2021 chỉ bằng 1% tổng kim ngạch thương mại quốc tế của Việt Nam (tương đương khoảng 5,5 tỉ đô la Mỹ).

Dù vậy, Nga vẫn có những khoản đầu tư lớn vào ngành dầu khi Việt Nam, như  Vietsopetro JV (Nga góp 50% vốn) vẫn được coi là công ty thượng nguồn lớn ở Việt Nam. Tuy nhiên, đóng góp của dầu mỏ vào ngân sách nhà nước đã giảm đáng kể xuống chỉ còn 3% vào năm 2019, so với mức 25% vào đầu những năm 2000.

Trong khi đó, theo ông Phạm Vũ Thăng Long, Giám đốc nghiên cứu vĩ mô của HSC, thương mại hai chiều giữa Việt Nam với Ukraine chỉ chiếm trên dưới 1% tổng kim ngạch của Việt Nam, nên sẽ không có tác động trực tiếp đáng kể nào đến bức tranh thương mại đang tiếp tục khả quan của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam nhập khẩu lượng khá lớn than dầu mỏ từ Nga.

“Điều này dẫn đến ảnh hưởng sự thiếu nguồn cung ngắn hạn, đẩy chi phí lạm phát tăng cao bất thường trong một vài thời điểm. Đây là tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam”, ông Long đánh giá.

CHIẾN TRANH NGA-UKRAINE: BOM ĐẠN BÊN ẤY, 'KHÓI LỬA' BÊN NÀY

ĐINH HOÀNG THẮNG/ RFA/TD 27-2-2022


Hình chụp hôm 26/2/2022: Một xe thiết giám của Nga bị cháy trong trận chiến với quân Ukraine ở Kharkiv. Nguồn: AFP

Có cả đồng tình lẫn lên án Nga

Cuộc chiến bước sang ngày thứ ba. Thương vong từ hai phía không kiểm chứng được nhưng chắc là không nhỏ. Thế giới rúng động, các nước lên án Vladimir Putin, kể cả ngay trong lòng nước Nga. Một bộ phận lớn dân Ukraine bám trụ, cấm súng xuống đường.

Chiến trường bên kia cách Việt Nam 8.000 cây số, nhưng “khói lửa” của cuộc chiến bên ấy đang lan sang bên này, trên nền tảng các mạng xã hội ở Việt Nam cũng ác liệt không kém. Buổi Midnighttalks là một kiểm chứng (1). Sáng kiến của ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT của Alpha Books thật đáng hoan nghênh. Sáng kiến giúp xã hội Việt Nam quen với văn hóa tranh luận, ý kiến đa chiều, nhiều nhận định khác nhau.

Thật ra, vấn đề phân biệt giữa chiến tranh phi nghĩa-chính nghĩa đã được đặt ra trong  chiến dịch “Bão táp Sa mạc” Mỹ đánh Iraq (1991). Đấy là chưa kể đến cuộc chiến tranh Trung-Xô trên sông sông Ussuri (1969) hay cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Quốc (1979).

Bản thân cuộc chiến Ukraine sẽ vô cùng bi thảm, trước hết là đối với người dân Ukraine, nhưng cũng là đối với cả người dân Nga và trật tự toàn cầu nói chung.  Trước đây, anh em giết nhau vì ý thức hệ, giờ đây anh em giết nhau vì cái gì?

Những ngày qua, hàng vạn người Nga dũng cảm liều mình chịu bắt bớ, tù đày, đã xuống đường ở các thành phố lớn như St.Petersburg và Moscow để lên án cuộc chiến này, cho thấy sự phản đối sâu sắc đối với Putin và hành động của ông ta. Nhưng không chắc những động thái này sẽ làm lung lay quyết tâm của Putin trong việc nghiền nát nền dân chủ non trẻ Ukraine, ít nhất là trong tương lai gần. Cho đến khi Tổng thống Zalensky bị vô hiệu hóa (cầu Chúa cho điều này không xẩy ra), mấy ngày qua chúng ta chứng kiến quyết tâm của chính quyền và người dân Kiev dũng cảm tham gia vào một cuộc “trứng chọi đá” không ngang sức.

Người dân Kyiv, thủ đô của Ukraine chuẩn bị các chai nổ để chống quân Nga hôm 27/2/2022. Reuters

Rất nhiều ý kiến của người dân trong nước đã lên án Nga, nói rằng đây là cuộc chiến tranh phi nghĩa. Luật sư Trần Đại Lâm, từ Hà Nội nói với RFA rằng, Nga đã ngang nhiên chà đạp lên luật pháp và các quy ước quốc tế khi phát động một cuộc chiến mà ông cho là có tính chất xâm lược Ukraine.

Ông phân tích, Ukraine là một quốc gia có chủ quyền lãnh thổ, có chính quyền, có mối quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác và được thế giới công nhận là một quốc gia. Vì vậy, việc Nga thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, có nghĩa là Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế.

Ông nói: “Quan điểm của tôi trong cuộc chiến này là Nga đã xâm lược Ukraine và đây là một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Bởi vì Nga đã phá bỏ những luật lệ pháp luật và những điều ước quốc tế. Tôi cực lực lên án hành vi xâm lược của Nga và Ukraine vào thời điểm hiện nay”(2). Tất cả chúng ta, mỗi người hãy cứ giữ cái cảm quan, nhận xét và đánh giá của riêng mình về cuộc chiến, nhưng hãy cùng nhau suy nghiệm về những ảnh hưởng trực tiếp đến đất nước và khu vực chúng ta. Trước mắt, đó là những hệ lụy nhãn tiền sau đây:

Những tác động đối với Việt Nam

Một khi Nga bị cấm vận, phong tỏa, những nước mua vũ khí Nga có khả năng cao cũng bị ngăn chặn nguồn cung thiết bị bảo dưỡng và vũ khí đi kèm phương tiện chiến tranh. Việt Nam hiện nay phụ thuộc sâu vào vũ khí Nga. Máy bay chiến đấu, tên lửa, tàu ngầm đều cần có vũ khí chủ lực đi kèm và phụ tùng thay thế định kì, đi theo một hệ thống cố định. Không quân, hải quân và tàu ngầm… 90% vũ khí của ta mua của Nga. Các vũ khí cả mới lẫn cũ, các thiết bị, phụ tùng trọng yếu có thể vẫn còn dùng tốt. Tuy vậy, Việt Nam không chỉ cần nhập khẩu từ nhà sản xuất các thết bị bảo dưỡng, mà còn cần mua từ Nga các loại vũ khí đi kèm phương tiện chiến đấu này nữa (3).

Toàn bộ ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời quan hệ mọi mặt Nga – Việt. Câu chuyện tranh chấp giữa Tập đoàn dầu khí VN (PVN) với Power Machines của Nga xảy ra trước cuộc xâm lăng vào Ukraine hiện nay. Nhưng nó báo trước những khó khăn trong ngành năng lượng của Việt Nam trong tương lai, nếu Hà Nội chưa kịp tìm được nguồn cung ứng thay thế. Lúc Putin gặp ông Tập trong thế vận hội, hai bên thỏa thuận hàng trăm tỷ USD qua các Gazprom và Rosneft. Nếu nay mai, hai tập đoàn này của Nga, vì bị cấm vận, họ bán lại cho các Tập đoàn Trung Quốc cổ phần của họ tại các mỏ trên Biển Đông thì Việt Nam tính sao? (4)

Quan hệ kinh tế nói chung cũng sẽ ảnh hưởng lớn. Nguyên nhân của việc này theo giáo sư Thayer, Nga xâm lược Ukraine như hiện nay thì bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề. Bất cứ nước nào làm ăn với Nga đều bị cấm vận lây, do vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và xứ sở bạch dương. Chúng ta đang nói đến khả năng về một cuộc xung đột giữa những nền kinh tế lớn nhất thế giới, với Hoa Kỳ và Châu Âu liên minh chống lại Nga, và nếu Trung Quốc quyết định ủng hộ Nga thì chắc sẽ dẫn đến thảm hoạ. Và với Việt Nam đó là viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy ra. Việt Nam phụ thuộc vào nền kinh tế, an ninh, và sự ổn định toàn cầu. Nếu những điều đó bị gián đoạn thì sẽ làm trật bánh chiến lược kinh tế của Việt Nam, cụ thể là tham vọng đưa nước này trở thành quốc gia có thu nhập cao hơn (5).

Vấn đề Biển Đông sẽ trở nên nan giải hơn. Liệu Trung Quốc có kế hoạch mở một cuộc tấn công trên Biển Đông hay không, hay là họ sẽ cho Việt Nam thấy sự thay đổi về mặt tình hình thực tế, khi mà Hoa Kỳ sẽ không thể đóng vai trò quyết định ở khu vực nữa vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, hay nói cách khác là Việt Nam sẽ không thể dựa vào Mỹ để đối phó với Trung Quốc. Nếu vậy thì Việt Nam có phải nhượng bộ thêm và để Trung Quốc làm chủ tình hình, cũng như tránh đối đầu? Giáo sư danh dự chuyên về nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc gia Australia Hugh White cho rằng cách thức ứng phó của Mỹ đối với những tham vọng của Putin ở châu Âu sẽ định hình bước đi tiếp theo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với Đông Á và Đông Nam Á (6).

Bất kỳ cuộc chiến nào trong thời đại toàn cầu hóa này đều sẽ gây ra những hệ quả tổng hợp sâu rộng đối với phần còn lại của thế giới, ngay cả đối với ASEAN. Sự kết nối của Đông Nam Á với thế giới rộng lớn hơn, trong đó sự phục hồi kinh tế xã hội Việt Nam sau đại dịch COVID-19 đòi hỏi các biện pháp ổn định toàn cầu. Cuộc chiến ở Ukraine sẽ là một bước thụt lùi đáng kể trong vấn đề này. Ngoài ra, cuộc xung đột nếu không làm giảm các nỗ lực của Mỹ trong việc tái can dự vào khu vực thì cũng sẽ gây sao nhãng. Và nếu hành động của Putin không bị ngăn chặn, điều gì có thể ngăn cản Trung Quốc không tìm cách thử thách Mỹ? (7)

______

Tham khảo:

1. https://youtu.be/ADiX97u6bT4

2. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/contradictory-views-of-vietnamese-people-on-the-situation-in-ukraine-02252022125741.html

3. https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/ReadersOpinions/how-does-russia-invasion-affect-vn-security-02242022071923.html

4. https://vnexpress.net/nga-trung-ky-thoa-thuan-dau-khi-hon-117-ty-usd-4424092.html

5. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-may-make-concessions-to-china-on-scs-issues-when-russia-ukraine-war-occur-02152022062355.html

6. https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/russia-invades-ukraine-experts-worry-scs-tension-02242022080148.html

7. https://www.project-syndicate.org/commentary/economic-consequences-of-ukraine-war-by-jason-furman-2022-02?barrier=accesspaylog

NHỮNG BÀI HỌC VỀ UKRAINE

NGUYỄN QUANG DY/TD/ BVN 28-2-2022



Tuy tình báo Mỹ và phương Tây đã cảnh báo về khả năng Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào, nhưng nhiều người vẫn hoài nghi và bất ngờ khi chiến sự nổ ra. Điều gì phải đến đã đến. Rạng sáng ngày 24/2 (giờ Moscow), Tổng thống Putin đã tuyên bố “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm “phi quân sự hóa” Ukraine. Ngay lập tức, quân đội Nga đã đồng loạt bất ngờ tấn công Ukraine từ ba hướng: phía Đông, phía Bắc, và phía Nam.

Tuy Putin nói “Nga không có ý định chiếm đóng Ukraine”, nhưng Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tin rằng “Nga có ý định lật đổ chính phủ Zelensky” để lập một chính phủ mới thân Nga tại Ukraine. Việc Nga chiếm Chernobyl không chỉ để kiểm soát cơ sở hạt nhân này mà còn mở đường để dễ dàng đánh chiếm Kiev. Tổng thống Biden điều động 7.000 quân không phải để bảo vệ Ukraine chống Nga, mà để bảo vệ các nước NATO giáp Nga.

Chiến dịch “quân sự đặc biệt” của Putin tại Ukraine mới bước sang ngày thứ ba nên còn quá sớm để đánh giá về cuộc chiến này. Tuy lúc này không ai có thể làm gì để ngăn được chiến sự đang diễn ra, nhưng có thể rút ra mấy bài học kinh nghiệm.

Cuộc chiến của Putin ở Ukraine có tác động to lớn và khó lường đến thế giới, nên các nước phải tìm cách không để xung đột lan rộng và tác động đến các nơi khác như Đài Loan và Biển Đông.

Nga bất ngờ tấn công

Ngay sau khi các cố gắng ngoại giao cuối cùng không tháo gỡ được bế tắc, Putin đã tuyên bố: “để thực hiện hiệp ước hữu hảo tương trợ với ‘Cộng hoà nhân dân Donetsk’ và ‘Cộng hoà nhân dân Luhansk’, đã được Hội đồng Liên bang phê chuẩn, tôi quyết định áp dụng hành động quân sự đặc biệt”. Chính quyền Ukraine tuy cảnh giác nhưng cho rằng “nguy cơ Nga xâm lược toàn diện là thấp”. Có lẽ đây là cuộc khủng hoảng về an ninh lớn nhất Châu Âu, sau chiến tranh lạnh với nguy cơ đối đầu giữa Nga với các cường quốc phương Tây.

Có thể nói các nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Pháp Micron và Thủ tướng Đức Scholz nhằm cứu vãn tình thế đã không ngăn được Nga tấn công Ukraine, mà chỉ phục vụ mục tiêu tranh cử của Tổng thống Pháp. Trong khi đó, cuộc vận động của Tổng thống Biden với lãnh đạo các nước đồng minh về các biện pháp trừng phạt kinh tế để răn đe Nga cũng không ngăn được Putin. Có lẽ các cố gắng đó là “quá ít và quá muộn” (too little too late).

Trong khi hàng trăm tên lửa hành trình và đạn đạo của Nga bất ngờ tấn công các mục tiêu xung yếu, thì không quân và lính dù của Nga tấn công và chiếm các vị trí then chốt như sân bay gần thủ đô Kiev và cơ sở hạt nhân Chernobyl. Xe tăng và bộ binh Nga đã chọc thủng tuyến phòng ngự phía đông Ukraine. Đây không phải là một bộ phim tư liệu chiến tranh hay một cuộc tập trận, mà Nga đang xâm lược Ukraine, bất chấp luật pháp quốc tế.

Đây không phải là một cuộc chiến tranh nổ ra do nhầm lẫn hay sơ suất (accidental) mà có chủ ý, được Nga chủ động chuẩn bị rất kỹ. Mấy tháng qua, Nga đã tập trung 190 ngàn quân gần biên giới Ukraine không phải chỉ để tập trận. Putin cho rằng chính quyền Biden yếu và NATO khó thống nhất, nên Nga có thể dùng hành động “bên miệng hố chiến tranh” để bắt chẹt, nhằm đạt được các yêu sách của Nga (để không cho Ukraine vào NATO).

Trong chiến dịch quân sự này, Nga dự định lập một chính phủ thân Nga ở Kiev. “Cuộc chiến giả vờ” đã kết thúc. Cuộc chiến thực sự đã bắt đầu. Phương Tây giờ đây phải phản ứng thật. Trong vài tuần qua, Chính phủ Mỹ và Anh đã tin rằng Putin có ý định thực hiện một cuộc xâm lược toàn diện nhắm vào Ukraine, và điều này hiện đang xảy ra. (Putin’s war will shake the world, Gideon Rachman, Financial Times, 24 February 2022).

Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Boris Johnson đều cho rằng Nga nhắm đến Kiev, thủ đô Ukraine. Các lãnh đạo NATO cũng đồng tình với đánh giá của Mỹ và Anh, nhưng họ không muốn chiến tranh với Nga. Một số chuyên gia cho rằng lẽ ra Mỹ nên nhẹ nhàng với Putin để Nga không liên kết chặt chẽ với Trung Quốc, để Mỹ có thể “xoay trục sang Châu Á” theo tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhưng đã quá muộn.

Nếu Nga thắng và giành được quyền kiểm soát Ukraine hoặc tìm cách gây mất ổn định trên quy mô lớn, thì một kỷ nguyên mới sẽ mở ra cho Mỹ và châu Âu. Các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu sẽ phải đối mặt với “thách thức kép” trong việc cân nhắc lại vấn đề an ninh châu Âu và cố gắng để không bị cuốn vào một cuộc chiến lớn hơn với Nga. Tất cả các bên sẽ phải xem xét khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc đối đầu trực tiếp. (What if Russia Wins? Liana Fix and Michael Kimmage, Foreign Affairs, 18 February 2022).

Tại sao Nga xâm lược Ukraine?

Nga đã chiếm và sát nhập Crimea (2/2014), công nhận Donestk, Lugansk là các “quốc gia độc lập”, và đem quân vào Donbass (tháng 2/2022). Putin đã đọc một bài diễn văn đầy tâm trạng như để chuẩn bị chiến tranh (tối 21/2), và đã gửi “tối hậu thư” cho Ukraine (22/2) với 4 yêu sách: (1) công nhận Crimea của Nga; (2) từ bỏ ý định gia nhập NATO; (3) giải quyết vấn đề Donbass theo thỏa thuận Minsk; (4) phi quân sự hóa Ukraine.

Nếu không đạt được thỏa thuận đó, Nga sẽ tấn công Ukraine. So sánh lực lượng, Ukraine không phải là đối thủ của Nga, nhưng Zelensky chủ quan dựa vào phương Tây, tưởng Mỹ và NATO sẽ bảo vệ. Các chuyên gia cho rằng Washington và đồng minh “coi thường Putin” (failed to take him serious), nên khi Nga tấn công, Ukraine không được Mỹ và NATO bảo vệ vì chưa phải là thành viên NATO, và không phải là lợi ích cốt lõi của Mỹ.

Tổng thống Ukraine Zelensky không phải là một chính khách chuyên nghiệp. Ông đã cố gắng gọi điện cho Putin vào phút chót nhưng Putin im lặng. Tại một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Tổng thư ký Antonio Guterres kêu gọi Putin không tấn công Ukraine, mà “cho hòa bình một cơ hội”. Đã quá muộn. Các quan chức an ninh cảnh báo rằng Putin đang thực hiện một cuộc xâm lược nhằm lật đổ chính phủ Ukraine.

Vì cô lập và “bị bỏ rơi” trước cuộc tấn công áp đảo của Nga, ông Zelensky buộc phải xuống thang và tuyên bố “sẵn sàng đối thoại với Nga về “quy chế trung lập” (neutral status) cho Ukraine. Nhưng sau đó, Zelensky lại tỏ ra cứng rắn hơn vì Mỹ và phương Tây đã tăng cường viện trợ và cung cấp vũ khí cho Ukraine, trong khi quân Ukraine cầm cự được với quân Nga tại Kiev. Hãy còn quá sớm để khẳng định bên nào sẽ thắng.

Theo các nhà bình luận, việc Putin buộc phải tấn công Ukraine chứng tỏ ông thừa nhận thất bại, vì sau khi chiếm được Crimea (2014) ông không làm gì được Ukraine. Nhưng đánh Ukraine là một nước cờ thế (gambit) chưa chắc sẽ thắng. Tuy Nga ở thế áp đảo mạnh hơn Ukraine về quân sự, nhưng yếu hơn phương Tây nhiều lần về kinh tế. Nga càng bị cô lập hơn trước các đòn trừng phạt về kinh tế và ngoại giao, biến Nga thành “tội đồ” (pariah state) và Putin thành tội phạm (persona non grata) trên trường quốc tế.

Theo một báo cáo về an ninh, các cơ quan tình báo Nga đã mở rộng đáng kể hoạt động của họ ở Ukraine trong năm qua để xác định những người dân địa phương nào có thể cộng tác trong thời gian Nga chiếm đóng, và để xác định những người dân nào có thể lãnh đạo phong trào kháng chiến. Rõ ràng Nga đã chuẩn bị kỹ với mục đích làm suy yếu tính chính danh của Ukraine. Mọi thứ có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát một cách nhanh chóng.

Theo ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken (24/2) “mấy tháng qua, Nga đã giả vờ đàm phán ngoại giao và nhấn mạnh rằng họ không có ý định xâm lược Ukraine. Trong lúc đó, Kremlin đã chuẩn bị một cuộc tấn công máu lạnh, với quy mô chưa từng thấy ở Châu Âu sau Đại chiến II”. Các thành viên cộng đồng châu Âu và cộng đồng quốc tế nay đã thấy rõ rằng “Nga đã hoàn toàn vứt bỏ các cam kết với thế giới, và chúng ta không bao giờ quên”.

Putin coi việc mở rộng NATO là “một mối đe dọa”, và triển vọng Ukraine tham gia liên minh quân sự phương Tây là “một hành động thù địch”. Theo Putin, “Ukraine là một phần của Nga về văn hóa, ngôn ngữ, và chính trị”. Putin coi người Nga và Ukraine là “một dân tộc”, và cho rằng phương Tây đã làm tha hóa Ukraine và lôi ra khỏi quỹ đạo của Nga bằng cách ép phải thay đổi danh tính”. Cố gắng của Putin để đưa Ukraine về quỹ đạo của Nga đã gặp phải sự chống đối. Ngày 22/2, Putin nói rằng “thỏa thuận Minsk không còn tồn tại”.

Hệ quả Nga xâm lược Ukraine

Ngày 22/2/2022, Ngoại trưởng Phần Lan cảnh báo rằng hành động của Putin “dựa trên một số ý tưởng muốn phục hồi Liên Xô”. Nếu Putin thành công ở Ukraine, ông ta có thể quyết định lập một hành lang nối Kaliningrad với Belarus và Nga, chạy qua Litva hoặc Ba Lan. Điều đó có nghĩa là sẽ có một cuộc chiến tranh lớn hơn giữa Nga và NATO”. Nga và Mỹ đã thăm dò cơ sở hạ tầng của nhau trong nhiều năm, bao gồm các lĩnh vực nhạy cảm. Mục đích của Nga là phải ngăn NATO tham gia vào một cuộc chiến tranh ở Ukraine”.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cảnh báo rằng một cuộc chiến tranh lớn sẽ làm “xuất hiện đột ngột từ 3 đến 5 triệu người tị nạn”. Mấy ngày qua, người tị nạn Ukraine đã bắt đầu vượt biên giới phía Tây với các nước NATO như Poland, Hungary, Slovakia, Romania. Trong đó, một triệu người tị nạn có thể tràn vào Ba Lan. Lính Mỹ triển khai đến Ba Lan có thể giúp những người tị nạn này. Các quan chức Chính phủ Đức cũng hứa giúp đỡ.

Chiến thắng của Nga sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến chiến lược của Mỹ ở châu Âu, châu Á và Trung Đông. Thắng lợi của Nga ở Ukraine đòi hỏi Washington phải “xoay trục sang châu Âu”, vì Mỹ có lợi ích thương mại rất lớn ở châu Âu. Mỹ và EU là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của nhau. Tổng giá trị thương mại hàng hóa và dịch vụ đạt 1,1 nghìn tỷ đô la (năm 2019). Nếu châu Âu mất ổn định, Mỹ sẽ đơn độc hơn trên trường quốc tế. (What if Russia Wins? Liana Fix & Michael Kimmage, Foreign Affairs, February 18, 2022).

Các quan chức NATO đang soạn thảo một “khái niệm chiến lược” mới. Đó là một kế hoạch cho các ưu tiên của liên minh trong những năm tới. Mỹ cũng đang soạn thảo một chiến lược an ninh quốc gia và một bản đánh giá lại tư thế hạt nhân của Mỹ. Một cuộc chiến ở Ukraine sẽ làm ảnh hưởng đến tất cả những nỗ lực đó. Một số điểm sẽ phải làm lại từ đầu, tính đến mối đe dọa ngày càng cao từ Nga. Nếu phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề hơn, Nga có thể sẽ đáp trả theo những cách làm tăng nhiệt độ hơn nữa.

Mấy tuần qua, các quan chức ngoại giao Mỹ và châu Âu đã thỏa thuận về các biện pháp trừng phạt phối hợp để triển khai trong những ngày tới, trong đó có trừng phạt về tài chính, về công nghệ và cá nhân. Các ngân hàng Nga sẽ bị cắt khỏi hệ thống tài chính, các quan chức Nga không thể đi sang các nước phương Tây, và tài sản tại các ngân hàng phương Tây sẽ bị đóng băng. Nga sẽ bị chặn tiếp cận các công nghệ tiên tiến như chất bán dẫn và các bộ phận máy bay. Tác động đối với nền kinh tế của Nga có thể sẽ rất sâu sắc. Nhưng điều đó không có khả năng làm cho Putin chuyển hướng khỏi con đường ông ta đã lựa chọn

Goldman Sachs ước tính tổn thất thương mại do nhu cầu của Nga giảm 10% sẽ khiến khu vực đồng Euro mất khoảng 0,1% GDP. Đối với Anh, tổn thất chỉ bằng một nửa con số đó. Nhưng vấn đề là một số mặt hàng nhập khẩu từ Nga là nguyên liệu đầu vào quan trọng và khan hiếm cho hoạt động sản xuất của châu Âu. Nga cung cấp khoảng 30-40% khí đốt của châu Âu. An ninh Phần Lan và Bulgaria dễ bị tổn thương hơn, trước thái độ hung hăng của Nga. Vì vậy hai nước này có thể sẵn sàng trả giá đắt để tăng cường khả năng răn đe.

Ukraine tác động đến khu vực

Nga và Trung Quốc liên kết chứ không liên minh, nên có sự linh hoạt nhất định. Câu hỏi lớn về liên kết Trung-Nga là liệu nó có tồn tại lâu dài trong một môi trường địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng hay không. Putin và Tập đã gặp nhau tới 38 lần, gần đây nhất là tại Bắc Kinh (4/2/2022). Putin và Tập tuyên bố đối tác Trung-Nga không bị ràng buộc bởi hệ tư tưởng chung. Putin và Tập “muốn cải cách chứ không thay thế trật tự toàn cầu”. Tầm nhìn của họ cơ bản là bảo thủ. Putin lôi kéo Tập chống lại sự bành trướng của NATO.

Nga không dễ dàng chấp nhận vai trò là đối tác thấp hơn của Trung Quốc. Quy mô nền kinh tế Trung Quốc lớn gấp sáu lần quy mô nền kinh tế Nga. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Nga, nhưng Nga không lọt vào top 10 đối tác hàng đầu của Trung Quốc. Chưa biết liệu Trung Quốc có giúp Nga tránh được các lệnh trừng phạt kinh tế hay không. Nga ủng hộ Trung Quốc chống lại AUKUS, và hỗ trợ Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột ở Biển Đông, đứng về phía Trung Quốc trong cuộc đụng độ với Ấn Độ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói, “Trung Quốc không muốn thấy những gì đang diễn ra tại Ukraine hôm nay”, và phủ nhận tin Trung Quốc đã bí mật giúp Nga. Ngoại trưởng Vương Nghị kêu gọi Nga đối thoại. Cuộc xâm lăng của Nga là một phép thử liên kết Trung-Nga, đang chuyển từ “hôn nhân vụ lợi” (marriage of convenience) sang liên minh chính thức. Trung Quốc tỏ ra bất ngờ trước chiến dịch quân sự của Nga. Trước khi Putin ra lệnh tấn công, Trung Quốc vẫn lên án Mỹ và NATO, phớt lờ cảnh báo của Nhà Trắng.

Sự lệ thuộc của Việt Nam vào công nghiệp quân sự của Nga giờ đây có thể nguy hiểm cho an ninh của Việt Nam. “Con bài Nga” nay trở thành vấn đề trên bàn hội nghị, nếu sự lựa chọn của Việt Nam thiếu tầm nhìn. Cách nhìn của Việt Nam về an ninh chưa thoát khỏi thói quen trong quá khứ, bị động thay vì chủ động. Hiện nay tuy lãnh đạo Việt Nam có khuynh hướng ngả theo Mỹ nhiều hơn, nhưng từ ý tưởng đến hành động, Việt Nam vẫn có một khoảng cách lớn. Hy vọng cuộc chiến ở Ukraine có thể rút ngắn khoảng cách này.

Nga không chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí, nên Việt Nam không thể nhái. Một số thiết bị khác có khả năng phải nhập khẩu theo định kỳ. Những thiết bị, phụ tùng và vũ khí đi kèm các loại máy bay, tên lửa, tàu ngầm của Nga không tích hợp được với hệ thống của Mỹ. Một khi Nga bị cấm vận, thì Mỹ, Nhật, EU trừng phạt không chỉ Nga mà cả các nước mua sắm của Nga, nhất là về khí tài quân sự. Việt Nam sẽ khó khăn khi không có nguồn thay thế. Lúc này, các phương tiện chiến đấu của Việt Nam có nguy cơ trở thành “đồ chơi”, hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng ngoại giao của Việt Nam với phương Tây.

Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu nên sẽ bị ảnh hưởng về kinh tế. Các đòn trừng phạt và phong tỏa toàn diện của Mỹ, EU, Nhật với Nga và các nước có quan hệ kinh tế, quân sự với Nga khá mạnh. Việt Nam phụ thuộc nhiều vào vũ khí Nga như máy bay chiến đấu, tên lửa, tàu ngầm, đều cần khí tài kèm theo và phụ tùng thay thế định kỳ, theo một hệ thống cố định. Trong mối quan hệ tay ba phức tạp Mỹ-Việt-Nga cũng như Mỹ-Việt-Trung, Việt Nam cần xem xét và đánh giá lại quan hệ với Trung Quốc và Nga.

Thay lời kết

Về lâu dài, Trung Quốc có thể là “ngư ông đắc lợi” nếu Mỹ sa lầy ở Ukraine. Nhưng trước mắt, Nga xâm lược Ukraine đã đẩy Trung Quốc vào thế mắc kẹt và khó xử, với “lập trường hai mặt” (double standards). Một mặt, Trung Quốc rất lợi vì Nga bị phương Tây trừng phạt sẽ cần Trung Quốc đầu tư và mua hàng hóa. Mặt khác, ủng hộ Nga xâm lược sẽ làm Trung Quốc mất mặt trước cộng đồng quốc tế. (Abrupt Changes: China Caught in a Bind Over Russia’s Invasion of Ukraine, Chris B uckley, New York Times, February 25, 2022).

Theo Giáo sư Graham Allison (Harvard), Trung Quốc phải đi dây giữa ủng hộ “các lo ngại an ninh chính đáng” của Nga và khẳng định cam kết với nguyên tắc “toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ”. Trung Quốc sẽ kêu gọi các bên đàm phán và có thể môi giới một hiệp định mà Ukraine sẽ chấp nhận “quy chế trung lập”. Nhưng một khi phải thực sự lựa chọn, thì Trung Quốc sẽ ủng hộ Nga. Allison cho rằng Tập Cận Bình về cơ bản bất chấp sức ép về địa chính trị để xây dựng một “liên minh có hiệu lực” (functional alliance) giữa Trung Quốc và Nga để hoạt động có ý nghĩa hơn các liên minh chính thức mà Mỹ hiện đang có. (Ukraine Crisis: Will China Have Putin’s Back? Graham Allison, National Interest, February 25, 2022).

Theo Giáo sư Hugh White (ANU) “cách thức ứng phó của Mỹ trước những tham vọng của Putin ở châu Âu sẽ định hình bước đi tiếp theo của Tập Cận Bình với Đài Loan”. White viết: “Những gì Putin đang làm ở Ukraine hiện nay hoàn toàn giống những gì Tập Cận Bình đang làm với Đài Loan”. Ông lập luận nếu Ukraine cho thấy Joe Biden không muốn tiến hành một cuộc xung đột quân sự toàn diện, Tập Cận Bình sẽ càng táo bạo để hành động đối với Đài Loan nếu ông ấy tin rằng Washington sẽ không đáp trả. “Nguy cơ nghiêm trọng là Tập Cận Bình sẽ tự thuyết phục mình rằng Mỹ sẽ không đáp trả để bảo vệ Đài Loan”. (The Taiwan question: when will Xi make his move? Michael Smith, Financial Review, February 21, 2022).

Theo Giáo sư Zachary Abuza (National War College), Nga tấn công Ukraine có thể làm khuynh đảo trật tự toàn cầu, nhưng các nước Đông Nam Á đều im lặng trước tiền lệ nguy hiểm mà Nga đang tạo ra. Việt Nam là một đối tác gần gũi của Nga nên không nói gì và báo chí cũng không đưa tin. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton cảnh báo “một cuộc xâm lăng nhằm thâu tóm Đài Loan do Trung Quốc tiến hành sẽ là quân cờ Domino đầu tiên trong ván cờ mà Bắc Kinh muốn làm bá chủ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Trung Quốc có thể áp dụng cách Putin phủ nhận chủ quyền của Ukraine để yêu sách đối với chủ quyền các vùng lãnh thổ ở Đông Nam Á. Nếu Putin không bị ngăn chặn, thì Tập có thể làm như vậy.

26/02/2022

N.Q.D.

Tác giả gửi BVN

THỎA THUẬN CỦA CƯỜNG QUỐC VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM

NGUYỄN NGỌC CHU/ TD 22, 23,26 -2-2022


I. ÔNG PUTIN ĐÃ BIẾN THOẢ THUẬN BUDAPEST 05/12/1994 VỀ UKRAINE THÀNH GIẤY LỘN

Ngày 05/12/1994 tại Budapest, 3 nước Nga, Vương quốc Anh và Bắc Ailen, Mỹ, đã ký Bản ghi nhớ với Ukraine về Đảm bảo an ninh cho Ukraine để Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Ukraine lúc đó là cường quốc hạt nhân thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga. Lực lượng hạt nhân của Ukraine lớn hơn lực lượng hạt nhân của cả ba cường quốc Anh, Pháp, Trung Quốc cộng lại. Ukraine sở hữu khoảng 1/3 kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô gồm 130 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) UR-100N với 6 đầu đạn hạt nhân mỗi tên lửa, 46 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RT-23 Molodets với 10 đầu đạn hạt nhân mỗi tên lửa, 33 máy bay ném bom hạt nhân hạng nặng, tổng cộng còn hơn 1.700 đầu đạn hạt nhân.

Điều khoản đầu tiên của thoả thuận Budapest 05/12/1994 là:

1. Liên bang Nga, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết của họ với Ukraine, trong sự phù hợp với các nguyên tắc của Đạo luật cuối cùng của Hội nghị về An ninh và Hợp tác ở Châu Âu, tôn trọng nền độc lập và chủ quyền và các biên giới hiện có của Ukraine.

Điều khoản thứ 2 là:

2. Liên bang Nga, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tái khẳng định nghĩa vụ kiềm chế trước đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của Ukraine, và không một vũ khí nào của họ sẽ không bao giờ được sử dụng để chống lại Ukraine, ngoại trừ để tự vệ, hoặc theo cách khác theo Hiến chương của Liên hợp quốc.

Nhưng bất chấp cam kết “tôn trọng nền độc lập và chủ quyền và các biên giới hiện có của Ukraine”, “không sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của Ukraine”, “không một vũ khí nào của họ sẽ không bao giờ được sử dụng để chống lại Ukraine, ngoại trừ để tự vệ”, tháng 2 năm 2014 ông Putin mang quân chiếm Crimea của Ukraine và sát nhập vào Nga, tháng 2 năm 2022 ông Putin ký sắc lệnh công nhận 2 vùng lãnh thổ của Ukraine là Donestk và Lugansk là những “quốc gia độc lập”, và đưa quân vào Donbass. Thoả thuận Budapest ký ngày 05/12/1994 về đảm bảo an ninh cho Ukraine, tôn trọng chủ quyền và biên giới hiện có của Ukraine, với LB Nga tham gia ký kết, đã bị chính đương kim tổng thống Nga Putin biến thành những tờ giấy lộn.

Nguyễn Ngọc Chu

II. LÝ LẼ KẺ MẠNH VÀ THÔNG ĐIỆP MANG TÍNH “TỐI HẬU THƯ” CỦA ÔNG PUTIN

Ngày 22/2/2022 Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres đã khẳng định, nhóm lính Nga được triển khai ở miền Đông Ukraine không phải là “lực lượng gìn giữ hoà bình” như Matxcova tuyên bố.

Thực ra, từ khi ông Putin xâm chiếm và sát nhập Crimea tháng 2 năm 2014, là bắt đầu một cuộc chiến tranh không tuyên bố giữa Nga và Ukraine. Dân quân hai vùng Donetsk và Lugansk không thể chống lại được quân đội Ukraine. Lực lượng chủ chốt và vũ khí tại Donetsk và Lugansk là của Nga.

Với việc sát nhập Crimea và công khai đưa quân vào Donbass, chiếm 2 vùng lãnh thổ Donetsk và Lugansk của Ukraine, ông Putin đã vi phạm luật pháp quốc tế về biên giới hiện hành, không đếm xỉa đến chữ ký của tiền nhiệm trong Bản ghi nhớ Budapest về đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, chối bỏ ngay cả thoả thuận của chính ông Putin về tôn trọng đường biên giới hiện hành của Ukraine trong thoả thuận Minsk.

Các đế chế xuất hiện rồi tan biến. Nếu nói rằng Crimea và miền Đông Ukraine là lãnh thổ trước đây của Nga, nay lấy lại, thì Mông Cổ sẽ đòi lại phần lớn lãnh thổ LB Nga (bao gồm Matxcova), Đông Âu và các lãnh thổ khác với diện tích lên đến 24 triệu km2; Trung Quốc sẽ đòi lại 600.000 km2 vùng viễn đông của LB Nga bao gồm Vladivostok; Người da đỏ sẽ đòi lại châu Mỹ; Anh sẽ đòi lại 35% lãnh thổ thế giới… cả thế giới không thể vẽ lại được bản đồ. Lý luận “lãnh thổ trước đây” nay tiến hành chiến tranh lấy lại là lý luận bất chấp luật pháp quốc tế, là lý lẽ của kẻ mạnh.

Ông Eltsin, tiếp theo là ông Putin, đã đàn áp bằng được sự đòi độc lập của dân tộc Cherchen cộng hoà Chechnia qua hai cuộc chiến tranh đẫm máu hoang tàn 12/1994 – 8/1996 và 8/199 – 5/2000. Nhưng ông Putin lại ủng hộ và dưỡng sinh những nước “cộng hoà độc lập” trong lòng Grudia và Ukraine. Những người điếc cũng nghe được tiếng súng mà nhận ra “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” của các hoàng đế xâm lược và các bạo chúa độc tài.

Ông Putin tập trung khoảng 190.000 quân tại biên giới Ukraine không phải chỉ để tập trận, không phải để đe doạ, mà để hành động. Một bộ phận trong số đó đã được bố trí ngập tràn ở Donetsk và Lugansk. Hôm 22/2/2022 ông Putin đã không ngần ngại gửi một thông điệp mang tính “tối hậu thư” cho Ukraine và Phương Tây để tránh chiến tranh, với 4 điểm mấu chốt:

Điều gì nên xảy ra để, theo quan điểm của chúng tôi, tình hình được xem xét giải quyết theo quan điểm lịch sử lâu dài, để chúng ta có thể sống trong hòa bình, không để xảy ra bất kỳ cuộc xung đột nào, đặc biệt là những cuộc xung đột vũ trang”, ông Putin nói.

Trước tiên, theo ông, mọi người nên công nhận Crimea bị chiếm đóng là của Nga. Thứ hai, Ukraine phải tự nguyện từ bỏ tư cách thành viên NATO. Thứ ba, “giải quyết vấn đề Donbass thông qua các cuộc đàm phán và thực hiện các thỏa thuận Minsk”, nhưng điều này, theo Putin, “đã không còn phù hợp”.

“Và cuối cùng, điều quan trọng nhất, điều thứ 4. Mọi thứ đã nói ở trên có thể được lật ngược trong một giây nếu những người được gọi là đối tác của chúng tôi bơm cho chính quyền Kiev những loại vũ khí hiện đại. Do đó, điểm quan trọng nhất là mức độ nhất định về việc phi quân sự hóa Ukraine ngày nay”.

Bốn điều kiện mà ông Putin đưa ra, Ukraine khó mà chấp nhận, nguyên tắc nhất là toàn vẹn lãnh thổ. Và như ông Putin đe doạ “mọi thứ đã nói ở trên có thể được lật ngược trong một giây”.

Ai cũng biết, NATO không bao giờ dám gây chiến tranh với Nga, tổng thống Mỹ cũng đã tuyên bố rõ ràng như vậy. Trong trường hợp Nga tấn công Ukraine, Anh, Mỹ đều công khai tuyên bố không mang quân trợ giúp, chẳng những thế các nước Phương Tây đã sơ tán cả nhân viên ngoại giao và cảnh báo công dân của họ rời khỏi Ukraine. Còn Ukraine thì không bao giờ có thể đe doạ hay tấn công được Nga. Nhưng điều 4 đã cho thấy ông Putin lo sợ Ukraine có vũ khí hiện đại. Ông muốn Ukraine không có được khả năng quân sự đủ để cầm cự được sự tấn công chớp nhoáng của Nga. Và như vậy, Ukraine luôn nằm trong thế thần phục ông Putin.

Từ năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine đã chung sống với LB Nga mà không hề có ý định gia nhập NATO. Ý định gia nhập NATO chỉ xuất hiện sau khi ông Putin xâm chiếm Crimea và sát nhập vào LB Nga năm 2014. Chính ông Putin đã đẩy Ukraine vào thế phải tìm kiếm NATO để bảo vệ lãnh thổ.

Nhưng thực chất, vấn đề Ukraine chưa bao giờ được nằm trên bàn NATO để thảo luận. Có hai điều khoản của NATO mà Ukraine khó vượt qua. Một là, NATO không kết nạp các thành viên đang có tranh chấp lãnh thổ. Hai là, chỉ cần một nước trong NATO phủ quyết là không được thông qua. Không ít các thành viên trong NATO không chấp nhận Ukraine vì quan hệ với Nga.

Nhưng bây giờ, khi ông Putin công khai đưa quân vào Donbass, thì khát vọng gia nhập NATO của Ukraine còn lớn hơn, và vấn đề gia nhập NATO của Ukraine có thể ở một tình thế khác.

Còn nói về tên lửa của NATO, thì ba nước Ban-tích thành viên NATO là Litva, Latvia, Estonia nằm cạnh Saint Petersburg, gần Matxcova như Kiev. Tất cả các lý do đưa ra đều là lý lẽ của kẻ mạnh.

III. TUYÊN BỐ CỦA TỔNG THỐNG UKRAINE ZELENSKY

Sau phát biểu mang tính “tối hậu thư” của ông Putin, vào lúc 22 giờ ngày 22/2/2022, Tổng thống Ukraine Zelensky đã có bài phát biểu dưới đây.

“Dân tộc tự do của đất nước tự do!

Tôi đã hứa rằng chúng ta sẽ thường xuyên trao đổi với nhau, và quan trọng nhất là trao đổi một cách thành thật.

Hiện giờ là 22h, giờ Kiev. Như đã hứa, tôi xin được báo cáo lại tất cả các hoạt động của chúng tôi một cách rõ ràng để các bạn hiểu chính xác những gì đang diễn ra ở Ukraine và cả ở ngoài biên giới của chúng ta.

Ngày hôm qua, Liên bang Nga đã công nhận độc lập cho những thực thể hình thành tại khu vực bị chiếm đóng trên lãnh thổ Ukraine. Ngày hôm nay họ đã phê chuẩn cái gọi là “Thỏa thuận” và cho phép tổng thống Nga có thể sử dụng quân đội ở nước ngoài, nghĩa là ở Donbas, thuộc lãnh thổ Ukraine. Bằng vào việc đó, họ chính thức thay lời dối trá “chúng tôi không có ở đó” bằng “Dù sao chúng tôi vẫn ở đây”. Quyết định này được tất cả họ đồng thuận. Như thế là đã rõ, ai là bên muốn hòa bình trên trái đất này, còn ai là bên muốn chia chác lại đất đai.

Với quyết định này của họ, trên thực tế Nga đã rời bỏ mọi thỏa thuận Minsk, thỏa thuận mà theo lời của họ là không có gì có thể thay thế. Còn đối với cá nhân tôi, kết thúc chiến tranh mới không thể khác được chứ không phải là cơ sở hay định dạng để đàm phán. Vì vậy, tôi sẵn sàng đàm phán cả ở các cuộc đàm phán song phương lẫn các cuộc đàm phán có sự tham gia của các nhà lãnh đạo khác. Nhưng tôi xin nhấn mạnh rằng, đối với tôi, điều quan trọng nhất là chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Trước tiên, chúng tôi đã đề nghị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc với sự tham gia của Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức. Phần lớn các thành viên tham gia Hội nghị thượng đỉnh đều ủng hộ sáng kiến này, trong đó có tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan.

Đồng thời các đối tác của Ukraine cũng cho thấy rõ, không còn con đường nào khác ngoài việc áp dụng các chế tài đối với Liên bang Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua các chế tài đối với những thực thể khủng bố LDNR, còn Anh quốc đã công bố các chế tài khác đối với các ngân hàng và các tài phiệt thân hữu. Phía Đức cũng đình chỉ việc cấp phép đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương bắc -2”. Cannada cũng cho biết, sẽ áp dụng chế tài với Liên bang Nga vì sự vi phạm trắng trợn toàn vẹn lãnh thổ Ukraine.

Tôi cũng xin cảm ơn mọi giúp đỡ tài chính từ Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Nhật và Ngân hàng thế giới. Đây là những nguồn tài chính để bảo đảm sự vững vàng cho nền kinh tế Ukraine.

Liên quan đến an ninh và quốc phòng.

Cho đến hôm nay, việc tổng động viên trên toàn quốc là chưa cần thiết. Hiện tại, chúng ta chỉ cần tích cực hoàn thiện quân đội và các tổ chức quân sự khác.

Với tư cách là Tư lệnh tối cao của các lực lượng vũ trang Ukraine, tôi ban hành lệnh triệu tập quân số dự bị trong giai đoạn đặc biệt. Xin nhấn mạnh, chỉ những người thuộc lực lượng dự bị chiến đấu liên quan đến sắc lệnh này. Chúng ta cần nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu cho quân đội trong mọi bối cảnh. Trong những ngày tới, sẽ tổ chức tập huấn quân sự cho các lực lượng dự bị ở địa phương.

Chúng ta cũng cần làm việc và đóng góp cho nền kinh tế Ukraine để có thể bảo đảm một quân đội vững mạnh. Người yêu nước không chỉ là những người chiến đấu với kẻ thù bảo vệ quê hương, mà còn là những người làm việc đóng góp vật chất và tạo ra công ăn việc làm cho đất nước. Do đó, nhà nước quyết định thực thi Chương trình kinh tế yêu nước. Đây là những ưu đãi đối với nền sản xuất nước nhà.

Mục đích chương trình kinh tế này hỗ trợ một số lĩnh vực sản xuất, giảm nhẹ gánh nặng thuế má và hạn chế thanh tra doanh nghiệp. Sự ưu đãi này nhằm thu hút nguồn lực của nhân dân đầu tư vào kinh doanh và hệ thống ngân hàng. Nhà nước cũng sẽ giảm thuế giá trị gia tăng cho xăng dầu. Mục đích của chúng ta là có một nền kinh tế độc lập, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.

Đã đến lúc mọi chính trị gia đều phải trở thành nhà hoạt động chính sách. Hãy vứt bỏ mọi tham vọng cá nhân để vì lợi ích quốc gia. Tôi đã trao đổi với những người đứng đầu các đảng phái chính trị, mọi người đều hiểu rõ rằng, hiện tai, trong quốc hội chỉ cần một liên minh duy nhất – đó là liên minh quân sự: đồng lòng, đưa ra những quyết định quan trọng và nhanh chóng để có một nền kinh tế vững mạnh và nâng cao khả năng quốc phòng của đất nước. Từ hôm nay, mọi đảng phái đều đứng dưới một màu cờ – màu xanh – vàng của chúng ta.

Ngày mai, tôi sẽ gặp gỡ với 50 doanh nghiệp hàng đầu. Tất cả các doanh nghiệp này cần ở lại trong nước. Nhà máy, xí nghiệp của họ nằm trên lãnh thổ Ukraine mà quân đội chúng ta có trách nhiệm bảo vệ. Do đó, các doanh nghiệp cũng có trách nhiệm bảo vệ nền kinh tế và tạo thêm công ăn việc làm. Tất cả đồng lòng vực dậy và củng cố nền kinh tế. Mỗi người đều ở trên mặt trận của mình.

Đồng bào kính mến!

Ukraine là một dân tộc hiền lành, Chúng ta thích yên ổn. Nhưng nếu hôm nay chúng ta im lặng, ngày mai chúng ta sẽ bị tiêu diệt. Chờ đợi phía trước chúng ta là những tháng ngày khó khăn, vất vả. Nhưng chúng ta đã sẵn sàng. Hãy tự tin vào bản thân. Hãy tin vào đất nước và tin vào chiến thắng!

Đừng than vãn mà hãy chiến thắng!

Vinh quang Ukraine!

Volodymyr Zelensky”

22.02.2022.

(https://www.rbc.ua/rus/news/zelenskiy-zapisal-ocherednoe-obrashchenie-1645564980.html, bản dịch của Nguyễn Hồng Giang).

Về quan điểm phía Nga, truyền thông Việt Nam đã đưa nhiều, còn quan điểm phía Ukraine thì ít được nhắc đến. Để có thêm thông tin, xin giới thiệu ý kiến của Đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam, bà Natalia Zhynkina – một công dân từ Lugansk của Ukraine.

Bà Natalia Zhynkina khẳng định: “Trong mọi trường hợp, chúng tôi sẽ bảo vệ đất mẹ của mình và dựa vào sự hỗ trợ của quốc tế”.

Nguyễn Ngọc Chu

IV. VIỆT NAM ĐƯỢC – MẤT GÌ TỪ CUỘC CHIẾN NGA – UKRAINE

Chênh lệch lực lượng quân sự Nga – Ukraine lớn đến mức ai cũng biết được kết cục cuộc chiến. Chỉ là bao nhiêu thời gian từ khi bắt đầu. Để Ukraine đơn thương độc mã, kết thúc cuộc chiến nhanh như kế hoạch, ông Putin không ngần ngại đe doạ dùng bom nguyên tử trả đũa tức thì với “hậu quả kinh hoàng chưa từng thấy” cho bất cứ ai giúp Ukraine, cản trở ông Putin. Lời đe doạ này hướng vào các nước gần Ukraine.

Đồng ý đàm phán chỉ là quân bài để giảm dư luận. Đừng cả tin vào những nhà chính trị nham hiểm. Ông Putin sẽ chiếm Kiev bằng vũ lực, lật đổ chính phủ đương thời, lập lên chính phủ thân ông Putin. Ukraine sẽ bị chia cắt.

Ủng hộ ai là quan điểm từng người. Tôn trọng các quan điểm khác biệt. Quan điểm phụ thuộc vào vị trí, lượng thông tin, nhận thức…, và quan trọng hơn nữa là mục đích và quyền lợi. Nhưng đừng đồng nhất cá nhân với nhân dân, chính quyền với đất nước, đừng lầm thời đại này với thời đại kia.

Có người nhìn nhận cuộc chiến Nga – Ukraine từ vị trí ông Putin. Có người nhìn nhận cuộc chiến Nga – Ukraine từ vị trí người dân Ukraine. Có người nhìn nhận cuộc chiến Nga – Ukraine theo ký ức của thập niên 1970. Vì thế quan điểm mới hoàn toàn trái ngược.

Vậy nhìn cuộc chiến Nga – Ukraine từ vị trí người dân Việt Nam thì thế nào?

Hãy tự thử trả lời một số câu hỏi tương tự như dưới đây:

Nhân dân Nga được gì từ cuộc chiến này?

Nhân dân Ukraine được gì từ cuộc chiến này?

Nước Nga có mạnh lên sau cuộc chiến?

NATO có yếu đi sau cuộc chiến?

Ai được lợi từ cuộc chiến?…

Các câu hỏi tương tự như thế lần lượt được đặt ra, và tổng hợp lại sẽ có được các kết luận. Việt Nam không được lợi gì từ cuộc chiến này. Việt Nam đợi chờ những hệ quả xấu từ cuộc chiến này.

Từ ngàn xưa, dù dưới nguyên nhân nào, các cuộc chiến tranh luôn bắt đầu từ kẻ mạnh. Để mở rộng lãnh thổ, quyền lực, quyền lợi, các nước mạnh tạo dựng nên muôn vàn cớ để tấn công nước yếu.

Tháng 2/1979 Trung Quốc vu cáo Việt Nam bài xích người Hoa, đánh sang Trung Quốc, nên phải tiến hành chiến tranh phản kích tự vệ với 60 vạn quân. Tháng 2/2022 ông Putin đưa 20 vạn quân tấn công Ukraine theo “yêu cầu của các nước cộng hoà ly khai Donetsk và Lugansk” để bảo vệ người Nga, tiêu diệt “phát xít Ukraine mới”, đảm bảo an ninh cho LB Nga. Ở phía Tây, ông Putin đang dùng sức mạnh bất chấp luật pháp quốc tế, vẽ lại bản đồ châu Âu.

Thì ở phía Đông có một ông Tập còn nham hiểm hơn ông Putin, còn mạnh hơn ông Putin, nhìn ông Putin mở rộng lãnh thổ và quyền lực thì dại gì ông Tập không noi theo mà mở rộng lãnh thổ và quyền lực. Ông Tập sẽ theo cách đó mà hành xử với các quốc gia Đông Nam Á. Cựu tổng thống Hoa Kỳ Donald Trum dự báo Trung Cộng hành xử với Đài Loan theo cách ông Putin hành xử với Ukraine. Nhưng ông Tập sẽ chưa hành xử với Đài Loan. Ông tập sẽ hành xử với các đảo và đường lưỡi bò trên biển Đông trước.

Lý lẽ “lãnh thổ trước đây” nay lấy lại là luận điểm vô cùng độc hại. Thế giới sẽ hỗn loạn chiến tranh nếu nước mạnh nào cũng sử dụng lý luận phi khoa học này. Lý luận này chi có bạo chúa độc tài sử dụng. Ở điểm này ông Putin còn thua xa ông Tập. Ông Tập còn vận dụng cả con đường đi qua trên biển để vẽ nên đường lưỡi bò làm “chủ quyền lịch sử”. Chi có các bạo chúa độc tài mới dựa trên sức mạnh, ngang ngược sử dụng các lý luận này.

Hệ quả xấu tiếp theo là không phải ông Tập ngả vào ông Putin mà ông Putin phải ngả vào ông Tập. Hoa Kỳ, EU, Anh, G7… sẽ cấm vận nghiệt ngã LB Nga. Ông Putin phải bám vào ông Tập Cận Bình để chống đỡ. Liên minh Tập Cận Bình – Putin là liên minh bất lợi cho Việt Nam.

Các nước nhỏ phải dựa vào luật pháp quốc tế để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Trong mọi tranh chấp, quan điểm xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam là: Tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng vũ lực và đe doạ sử dụng vũ lực; đàm phán hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Quan điểm của Nhà nước Việt Nam về tranh chấp quốc tế bao gồm cho cả trường hợp chiến tranh Nga – Ukraine.

Nhân dân Ukraine, Nhân dân Nga là những người thua toàn diện trong cuộc chiến Nga – Ukraine.

Nguyễn Ngọc Chu

TRÔNG NGƯỜI LẠI NGHĨ ĐẾN TA, NHÌN UKRAINE NGẪM RA NƯỚC MÌNH! 

MẠC VĂN TRANG/TD /BVN 28-2-2022

Putin tổng thống Nga đem quân đánh Ukraina - một nước độc lập, có chủ quyền và yêu cầu hạ vũ khí đầu hàng thì sẽ đàm phán! Rõ là lý lẽ của kẻ mạnh. Dù với lý do gì, đây cũng là cuộc chiến phi nghĩa, không thể chấp nhận.

Cuộc xâm lăng này có lẽ kết thúc nhanh thôi, nhưng nó gây ra chết chóc đau thương, tàn phá cơ sở hạ tầng, phá hoại kinh tế, khủng hoảng xã hội không kể xiết. Nhưng nguy hiểm nhất là gây lòng hận thù sâu sắc giữa hai dân tộc láng giềng vốn từng là anh em; gây nên nỗi bất an cho cộng đồng thế giới.

Từ cuộc Nga xâm lăng Ukraina chớp nhoáng mà nhiều người, cả dân Nga, Ukraina cũng không ngờ tới, cho người Việt Nam ta bài học gì? Riêng tôi ngẫm ra đôi điều xin chia sẻ.

1Lý do Putin đưa ra để tấn công Ukraina rất giống Đặng Tiểu Bình đưa ra để tấn công Việt Nam năm 1979, nhưng còn tinh vi hơn.

Putin tuyên bố chính quyền Ukraina là chính quyền “phát xít", “khủng bố", “đe dọa Nga”. Rồi Putin công nhận hai vùng Donetsk và Lugansk của Ukraina ly khai, thành hai nước cộng hoà độc lập, và cấp hộ chiếu Nga cho cư dân 2 tỉnh đó. Vậy là tạo cớ để tấn công Ukraina “khủng bố dân Nga"...

Nhưng giới trí thức Nga chỉ rõ: “Không có lời biện minh hợp lý nào cho cuộc chiến này. Những nỗ lực sử dụng tình hình ở Donbass như một cái cớ để phát động một chiến dịch quân sự không gây được bất kỳ sự tự tin nào. Rõ ràng là Ukraine không gây ra mối đe dọa cho an ninh của đất nước chúng tôi. Cuộc chiến chống lại Ukraine là không công bằng và nói thẳng thắn là vô nghĩa”...(1).

Rất có thể kịch bản này cũng được Trung cộng áp dụng với Việt Nam và các nước nhỏ yếu xung quanh.

Vậy thì Việt Nam phải cảnh giác cao độ để không bị sa vào cái bẫy “kịch bản Pu - Tập".

2Nếu Ukraina hùng mạnh, Nga có dám tấn công?

Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraina là một cường quốc hạt nhân. Nhưng ngày 05/12/1994 tại Budapest, các nước Nga, Vương quốc Anh và Bắc Ailen, Mỹ, đã ký Bản ghi nhớ với Ukraina về “Đảm bảo an ninh cho Ukraina để Ukraina từ bỏ vũ khí hạt nhân”.

Ukraina lúc đó là cường quốc hạt nhân thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga. Lực lượng hạt nhân của Ukraine lớn hơn lực lượng hạt nhân của cả 3 cường quốc Anh, Pháp, Trung Quốc cộng lại. Ukraina sở hữu khoảng 1/3 kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô gồm 130 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) UR-100N với 6 đầu đạn hạt nhân mỗi tên lửa, 46 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RT-23 Molodets với 10 đầu đạn hạt nhân mỗi tên lửa, 33 máy bay ném bom hạt nhân hạng nặng, tổng cộng còn hơn 1.700 đầu đạn hạt nhân….(2)

Ukraina tin tưởng vào cam kết của các nước lớn, mong muốn sống trong hòa bình… Nhưng đùng cái, tháng 2 năm 2014 Nga chiếm luôn bán đảo Crimea của Ukraina và sáp nhập vào Nga. Sau đó là chuyện Nga ủng hộ 2 vùng ly khai vũ trang chống lại Ukraina, rồi tiến tới công nhận 2 vùng ly khai là 2 nước cộng hoà độc lập…

Rơi vào thế yếu, cô lập, Ukraina muốn gia nhập NATO với hy vọng được bảo vệ… Nhưng lại rơi vào thế kẹt, thành quân bài của các cường quốc.

Trước cuộc xâm lăng “lấy thịt đè người" của Nga, Tổng thống Ukraine Zelensky đơn độc giữa các quốc gia, tuyên bố: … “Vì vậy, tôi sẵn sàng đàm phán cả ở các cuộc đàm phán song phương lẫn các cuộc đàm phán có sự tham gia của các nhà lãnh đạo khác. Nhưng tôi xin nhấn mạnh rằng, đối với tôi, điều quan trọng nhất là chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.” (3) Nhưng lời tuyên bố đó có nghĩa gì đối với những kẻ quen “cậy mạnh hiếp yếu", muốn bá chủ thiên hạ!?

Vậy thì Việt Nam phải nhớ, đừng tin vào những lời hứa hẹn, cam kết của mấy nước lớn, mà phải tự mình hùng cường lên, đủ sức khôn khéo và sức mạnh đương đầu với mọi áp lực từ bên ngoài.

3. Làm sao cho đất nước hùng cường?

Đã có nhiều hiến kế rồi, tôi chỉ muốn nói thêm đôi điều.

Một là, Việt Nam theo đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ là đúng, nhưng làm sao thoát khỏi sự kìm kẹp, chi phối của Trung cộng, nhất là sự ràng buộc ý thức hệ giữa 2 đảng cộng sản, để thực sự độc lập, tự chủ, tự cường…

Hai là, phải cải cách thể chế. Bộ máy quản trị đất nước phải tinh gọn, được tuyển chọn từ tự do ứng cử, bầu cử, thu hút được nhiều người hiền tài. Thực tế cho thấy, chế độ độc tài, độc quyền khiến bộ máy nhà nước thối nát, xã hội suy đồi; những nhóm lợi ích lũng đoạn nhà nước, khiến bao nhiêu nguồn lực bị tham nhũng, lãng phí, huỷ hoại làm đất nước nghèo nàn, tụt hậu, lòng dân oán thán…làm suy yếu đất nước.

Giờ đây phải từng bước dân chủ hoá xã hội, trước hết là thực hiện đúng, đủ những điều ghi trong Hiến pháp 2013; trên cơ sở một xã hội dân sự phát triển mạnh mẽ, mới có khả năng kiểm soát quyền lực, hạn chế bớt “tham nhũng, tiêu cực"; mới khuyến khích được những người thực tâm, thực tài tham gia vào việc nước, đưa ra được những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội hợp lý, hiệu quả; phải tôn trọng các ý kiến khác nhau, quan điểm khác biệt nhưng cùng chung ý chí vì Việt Nam hùng cường, có thế mới tạo nên sức mạnh “Đại đoàn kết toàn dân tộc" thực lòng, thực sự lớn mạnh.

Hãy nghĩ xem, nếu không có phản biện quyết liệt và nhân dân rầm rộ biểu tình phản đối “Luật về 3 đặc khu” cho nước ngoài thuê 99 năm, thì giờ đây 3 đặc khu Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc có khác gì 3 “nước cộng hòa tự trị" của “nước bên kia biên giới”. Rồi khi có chuyện thì “người ta" sử dụng kịch bản của Putin thật nhanh gọn. Lúc đó luật gì thì cũng thuộc về kẻ mạnh!

Vậy mà những người quyết liệt phản biện, xuống đường biểu tình phản đối “Luật Đặc khu" bị đàn áp đổ máu, quy kết là “phản động", “thế lực thù địch", trong đó nhiều người bị tù đày. Cách hành xử sai lầm đó mới là nguyên nhân gây chia rẽ xã hội, làm suy yếu đất nước.

Chính quyền phải phục vụ dân, phải “khoan sức dân"... Chính quyền hiện nay, nhiều nơi là “giặc nội xâm" gây oán thù cho dân. Tôi đã nghe một Cựu chiến binh nói: Giặc đến, tôi sẵn sàng cầm súng ra trận, nhưng trước khi đi giết giặc, tội phải bắn mấy thằng “giặc nội xâm” trước! Lòng dân như vậy thì sao nước mạnh được?

Ba là, phải củng cố quân đội. Quân đội ta từng rất hùng mạnh, khi có ít tướng, nhưng tướng sĩ một lòng; khi nhân dân tự hào tin tưởng gửi con vào bộ đội. Nay nhiều tướng tá vào bậc nhất thế giới, nhưng có mạnh? nay tướng sĩ có một lòng không, khi hàng loạt tướng tha hoá, thối nát phải cách chức, ra tòa? Nay nhân dân có yên lòng cho con vào bộ đội, khi những lính trẻ “tự chết” một cách mờ ám như Trần Đức Đô, Nguyễn Văn Thiên?

Có vũ khí hiện đại, nhưng sức mạnh tâm lý- tinh thần mới quyết định; tướng sĩ một lòng mới giữ được nước. Việc củng cố quân đội phải làm mạnh mẽ, căn cơ, từ trên xuống đến từng đơn vị cơ sở.

4. Làm sao để nhân dân Trung quốc cũng thức tỉnh lương tri như nhân dân Nga?

Ngay khi Putin ra lệnh tấn công Ukraina thì lập tức nhiều nhân sĩ trí thức nổi tiếng Nga đã lên tiếng phản đối cuộc chiến phi lý, Trong “THƯ NGỎ CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC NGA PHẢN ĐỐI CHIẾN TRANH VỚI UKRAINE” đã lên án mạnh mẽ cuộc chiến vô nghĩa; có những cựu tướng lĩnh Nga lên tiếng phản đối chính sách phiêu lưu, nguy hiểm của Putin. (xem 1 và 4). Đặc biệt nhiều ngàn người đã biểu tình phản đối cuộc chiến này tại TP Saint Petersburg ngay trong đêm 23/2/2022 (5)...

Nhớ lại cuộc xâm lăng của hơn 60 vạn quân Trung cộng 1979 suốt 6 tỉnh biên giới Việt Nam, có người dân Trung Quốc nào lên tiếng phản chiến?

Và thế giới có mấy nước lên tiếng phản đối cuộc xâm lăng và trừng phạt Trung quốc như họ trừng phạt Nga hiện nay không?

Đây cũng là điều rất quan trọng phải tính đến, xem tại sao? Và làm thế nào để người dân Trung Quốc cũng như nhân dân thế giới lên tiếng ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam? Nhiệm vụ chính của Ban Khoa giáo đó, lại không làm, đi nuôi đám dư luận viên, suốt ngày, đêm 24/24 giờ, rình mò, quy kết những người phản biện là “thế lực thù địch"!

Xin chia sẻ vài điều còn nông cạn nhưng tận đáy lòng, mong quý vị tiếp nối nghĩ suy để cùng bàn, lo cho đất nước hùng cường, thoát khỏi cảnh ngặt nghèo.

27/2/2022

Chú thích nguồn tài liệu:

1. THƯ NGỎ CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC NGA PHẢN ĐỐI CHIẾN TRANH VỚI UKRAINE

(Bản dịch của Lương Chi Mai ) https://trv-science.ru/2022/02/we-are-against-war/

2. THOẢ THUẬN CỦA CƯỜNG QUỐC VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM-

https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc

3, (https://www.rbc.ua/.../zelenskiy-zapisal-ocherednoe..., bản dịch của Nguyễn Hồng Giang)

4. Thư ngỏ của tướng ba sao Ivashov Leonid Grigoryevich gởi tổng thống và toàn dân LB Nga “Đêm trước Chiến tranh”, lên án

(https://www.dcvonline.net/.../thu-ngo-cua-tuong-ba-sao.../)

5. Daniel CornuAnarchist Film Group ★ (AFG)

M.V.T.

Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét