Thứ Tư, 23 tháng 2, 2022

20220224. CĂNG THẲNG NGA-UKRAINA (1)

ĐIỂM BÁO MẠNG

KHỦNG HOẢNG UKRAINA, VIỆT NAM ĐANG Ở VÀO THẾ KHÓ

NGUYỄN HẢI BẰNG/ RFA 14-2-2022


Biểu tình phản đối Nga ở Kyiv, Ukraine hôm 12/2/2022

Căng thẳng Nga - Ukraina leo thang

Từ cuối năm 2021 đến nay, dư luận cả thế giới đang bị thu hút vào cuộc khủng hoảng ở Ukraina, khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tỏ ra lo ngại trước viễn cảnh Nga sẽ tấn công Ukraina. Mỹ và một số nước châu Âu đã bắt đầu rút nhân viên ngoại giao và người thân ở Ukraina.

Theo phía Mỹ, lực lượng Nga được triển khai tới khu vực biên giới đang tăng lên với tốc độ có thể giúp Putin có được sức mạnh mà ông cần - khoảng 150.000 quân - để triển khai một cuộc xâm lược toàn diện vào giữa tháng 2/2022. Họ đánh giá rằng Putin muốn có thể tùy ý sử dụng mọi lựa chọn, từ  một chiến dịch hạn chế ở khu vực Donbas thân Nga của Ukraina tới một cuộc xâm lược toàn diện. Tuy nhiên, Nga phủ nhận việc nước này đang lên kế hoạch xâm lược Ukraina. Matxcơva đã đưa ra một loạt yêu cầu, bao gồm việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không được kết nạp Ukraina và giảm hiện diện quân sự ở Đông Âu. Tuy nhiên, các nước phương Tây đã bác bỏ điều này.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina Oleksii Reznikov viết trên trang mạng của Hội đồng Đại Tây Dương hồi tháng 12/2021 rằng Tương lai của châu Âu sẽ được định đoạt ở Ukraina” (1), trong đó nêu ra 3 thảm họa đối với châu Âu. Theo ông, một cuộc chiến lớn ở Ukraina sẽ đẩy châu Âu vào khủng hoảng: Khoảng 3-5 triệu người tị nạn sẽ tháo chạy khỏi cuộc xâm lăng của Nga, trở thành một trong nhiều lo ngại lớn cho xã hội châu Âu. Tiếp theo, EU vốn phụ thuộc vào nguồn lúa mì từ Ukraina và Nga, nên chiến tranh sẽ gây ra tình trạng mất an ninh lương thực. Tuy nhiên, quan trọng hơn, cuộc chiến mà Nga gây ra sẽ chấm dứt trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà châu Âu vẫn tuân theo trong nhiều thập kỷ qua. 

Mỹ và châu Âu sẽ phản ứng ra sao?

Khủng hoảng Ukraina một lần nữa cho thấy sự vô dụng của các bảo đảm quốc tế. Bản ghi nhớ Budapest được Nga, Anh và Mỹ ký năm 1994, khẳng định các đảm bảo an ninh chống lại các mối đe dọa hoặc vũ lực ảnh hưởng tới sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, Belarus và Kazakhstan để đổi lấy việc từ bỏ vũ khí hạt nhân của họ (2). Đáng tiếc là bản ghi nhớ đã không còn được tôn trọng khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Ukraina là thử thách quốc tế quan trọng đầu tiên đối với Mỹ sau Afghanistan. Mỹ, không sẵn sàng can thiệp về mặt quân sự, chỉ cảnh báo về những hậu quả kinh tế nghiêm trọng đối với Nga, thực tế cho đến nay không có nhiều ảnh hưởng tới Tổng thống Vladimir Putin. Joe Biden đã lỡ lời khi nói rằng Mỹ có thể bỏ qua nếu đó chỉ là một cuộc xâm lược hạn chế (3), song tất nhiên, Putin muốn nhiều hơn và vẫn chưa rõ ai sẽ thắng trong trò chơi này.

Các biện pháp trừng phạt có thể sẽ được áp dụng, như trước đây. Nhưng kết luận chính mà Matxcơva rút ra từ các cuộc thảo luận này là phương Tây đang bị chia rẽ. Thay vì tạo ra sự răn đe mạnh mẽ, phương Tây đã không làm được gì hơn ngoài việc để lộ các vết nứt nội bộ ở khắp mọi nơi. Sự chia rẽ giữa các thành viên của EU diễn ra công khai, hầu hết đều là các đồng minh NATO. Đôi khi, sự chia rẽ thậm chí còn xuất hiện trong các chính phủ, chẳng hạn như ở Đức (4).

Các định chế quốc tế cũng đi đến thất bại tương tự. Ngày 31/1, Mỹ đã triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) để thảo luận về việc Nga triển khai tại biên giới với Ukraina, nhưng Nga là một trong năm thành viên thường trực của HĐBA, nắm quyền phủ quyết, nên HĐBA cũng gặp thất bại.

Những vấn đề Việt Nam cần phải suy nghĩ

Cả thế giới đang chờ xem Mỹ sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraina như thế nào. Điều này sẽ rất quan trọng vì các quốc gia đồng minh và đối tác của Mỹ vẫn còn nghi ngờ các cam kết của Mỹ trước các vấn đề tại đây, đặc biệt sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, đã gặp nhiều chỉ trích từ chính các đồng minh của Mỹ.

Phát biểu gần đây, khi nhắc tới việc Mỹ phải có các hành động phản ứng khi trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đang bị đe doạ, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đề cập: Nếu chúng tôi cho phép những nguyên tắc đó bị thách thức mà không bị trừng phạt, ngay cả khi châu Âu cách xa nửa vòng trái đất, thì điều đó cũng sẽ có tác động ở đây… Những người khác đang theo dõi; những người khác đang tìm kiếm tất cả chúng ta để xem chúng ta phản ứng như thế nào.” (5)

Trong bối cảnh đó, Việt Nam - quốc gia vốn vẫn còn nhiều nghi ngờ về mục đích và động cơ, cũng như các cam kết của Mỹ đối với khu vực ASEAN, đang theo dõi và tiếp tục đánh giá các vấn đề này. Vì thế Mỹ cần phải chứng minh cho Việt Nam thấy thực tâm và cam kết của Mỹ mạnh mẽ đến mức nào để khiến Việt Nam tin tưởng.

Các quan chức ngoại giao và các học giả Việt Nam vẫn đang im hơi lặng tiếng” trước vấn đề này. Điều này bởi lẽ Việt Nam có những trở ngại trước các mối quan hệ phức tạp. Một mặt, Việt Nam đang có mối quan hệ tốt đẹp với cả Nga và Ukraina. Tuy nhiên, mối quan hệ với Nga sẽ có vai trò quan trọng hơn Ukraina khi Nga là một đối tác quan trọng để Việt Nam có thể sử dụng nhằm kiềm chế và đối trọng phần nào trước một Trung Quốc đầy hung hăng trên Biển Đông. Nga luôn là một nguồn cung cấp vũ khí quan trọng cho Việt Nam, thêm nữa, các công ty dầu khí của Nga cũng tham gia khai thác trên các vùng biển mà Trung Quốc cho là “đang tranh chấp” với họ, mặc cho các đe doạ từ phía Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu Nga tấn công Ukraina thì Việt Nam có thể gặp những bất lợi về mặt chiến lược như sau:

Thứ nhất, nếu Nga tấn công Ukraina mà thế giới không có phản ứng thích đáng, điều này sẽ cho Trung Quốc thấy sự vô nghĩa của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ,” cũng như sự suy yếu của Mỹ và phương Tây, và do đó, sẽ thúc đẩy Bắc Kinh có những cuộc phiêu lưu quân sự trên biển Đông mà Đài Loan cũng như các thực thể mà Việt Nam đang kiểm soát trên Biển Đông, có thể sẽ là mục tiêu tấn công của Trung Quốc.

Thứ hai, như đã trình bày ở trên, đối với Việt Nam, Nga đóng một vai trò quan trọng như một cường quốc đối trọng lại sức mạnh của Trung Quốc. Nga là nguồn cung cấp vũ khí truyền thống cho Việt Nam. Nga cũng không lo ngại việc đối mặt với các sức ép và đe doạ từ Trung Quốc khi cùng Việt Nam khai thác dầu khí trên biển Đông. Tuy nhiên, để chống lại sức ép của Mỹ và phương Tây, Nga rất cần sự ủng hộ từ Trung Quốc. Đây chính là lý do mà gần đây, Nga đã xích lại gần Trung Quốc hơn bao giờ hết.

Tập Cận Bình và Putin đã có cuộc gặp chính thức tại Bắc Kinh ngày 4/2 vừa qua. Hai bên đã có một Tuyên bố chung cho cuộc gặp mặt này (6). Trong Tuyên bố chung này đã cho thấy Nga chấp nhận nhượng bộ Trung Quốc khá nhiều. Tuyên bố chung cho biết Nga "tái khẳng định việc tuân thủ nguyên tắc 'Một Trung Quốc', xác nhận Đài Loan là phần không thể tách rời của Trung Quốc” và 'phản đối Đài Loan độc lập dưới mọi hình thức. Theo văn kiện này, hai nước sẽ tăng cường hợp tác liên kết các kế hoạch phát triển của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) nhằm tăng cường hợp tác thiết thực giữa EAEU và Trung Quốc trong các lĩnh vực khác nhau và tăng mức độ kết nối giữa các khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Á-Âu. Ngoài ra, Nga và Trung Quốc nhất trí nhất quán làm sâu sắc thêm hợp tác thiết thực trong lĩnh vực phát triển bền vững Bắc Cực.


Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 4/2/2022. AFP

Thêm nữa, ngay trong dịp này, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã đồng ý cung cấp 10 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm từ vùng Viễn Đông của Nga cho Công ty năng lượng nhà nước CNPC của Trung Quốc. Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, thỏa thuận này có thời hạn 25 năm, giá trị của những lô hàng này khoảng 37,5 tỷ USD.

Ngoài ra, Tập đoàn dầu mỏ Rosneft của Nga đã ký thỏa thuận với CNPC để cung cấp 100 triệu tấn dầu mỏ qua Kazakhstan trong 10 năm tới. Theo Rosneft, hợp đồng trị giá 80 tỷ USD. Các thỏa thuận mới đã hỗ trợ đồng Ruble của Nga và thị trường chứng khoán Nga, bao gồm cả cổ phiếu của Rosneft và Gazprom (7). Cả Rosneft và Gazprom đều là các bên trực tiếp khai thác dầu khí cùng với Việt Nam ở Biển Đông.

Trong cuộc thoả hiệp chính trị này, chắc chắn Trung Quốc phải nhận được gì đó, mới dẫn tới việc Trung Quốc ủng hộ Nga như vậy. Liệu Nga có chấp nhận nhượng bộ Trung Quốc về vấn đề biển Đông không thì đó là một vấn đề mà Việt Nam cần tính tới. Bởi vì hơn lúc nào hết, Nga rất cần sự ủng hộ của Trung Quốc. Hơn nữa, lợi ích địa chính trị lúc này trong mối quan hệ với Trung Quốc sẽ lớn hơn rất nhiều những lợi ích Nga sẽ nhận được từ Việt Nam.

_____________

Tham khảo:

1. https://www.atlanticcouncil.org/blogs/ukrainealert/europes-future-will-be-decided-in-ukraine/

2. https://treaties.un.org/doc/Publication/UNTS/Volume%203007/Part/volume-3007-I-52241.pdf

3. https://thehill.com/homenews/administration/590519-biden-sparks-confusion-cleanup-on-russia-ukraine-remarks

4. https://www.wilsoncenter.org/blog-post/europes-dangerous-divide-ukraine

5. https://www.wsj.com/articles/u-s-warns-allies-that-ukraine-crisis-puts-post-world-war-ii-order-at-risk-11644576655?mod=e2tw

6. http://en.kremlin.ru/supplement/5770

7. https://bnews.vn/nga-ky-thoa-thuan-khi-dot-va-dau-mo-tri-gia-117-5-ty-usd-voi-trung-quoc/230971.html

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.


'ĐÒN GIÓ NGOẠI GIAO' THỜI NAY

ĐINH HOÀNG THẮNG/ RFA 17-2- 2022


Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Nga Vladimir Putin

Cuộc chiến tranh cân não giữa nước Mỹ của Biden và nước Nga của Putin có tạm dừng hay không tùy thuộc vào mỗi bên sẽ làm thỏa mãn đến mức độ nào thể diện quốc gia của phía bên kia. Những lúc bên miệng hố chiến tranh như thế này, dân chúng Việt Nam rất cần những bộ óc chiến lược, hiểu lòng dân mà không tạo cơ hội cho những âm mưu đến từ phương Bắc.

Như vậy là ngày 15/2, trong buổi họp báo sau cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Vladimir Putin đã xác nhận rút một phần quân Nga khỏi biên giới Ukraine, đồng thời khẳng định NATO cần lắng nghe các quan ngại an ninh của Moscow. Tổng thống Putin cho biết Nga không muốn chiến tranh tại châu Âu, đó là lý do Moscow đưa ra hàng loạt yêu sách về an ninh, trong đó yêu cầu NATO rút khỏi Đông Âu và không kết nạp Ukraine. Như vậy là sau khi các bên đều đã đưa ra các yêu sách tối đa, nay có vẻ như mỗi bên đã nhận được một phần các đòi hỏi ấy, hẳn nhiên chưa phải là tất cả, nên ngòi nổ của “cuộc chiến tranh cân não” dường như bắt đầu được tháo gỡ. Putin thu quân trong khi Ukraine tuyên bố sẽ “linh hoạt” trong vấn đề gia nhập NATO. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 15/2 vẫn thúc đẩy Nga hãy lùi bước trước vực thẳm chiến tranh và cho biết các báo cáo về việc Nga rút một số lực lượng ra khỏi biên giới Ukraine chưa được kiểm chứng.

Họa phúc phải đâu một buổi

Từ mấy tuần trước đây, dư luận nói nhiều về khả năng xẩy ra một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Việc đoán định thời điểm 16/2 là “ngày khai hỏa” căn cứ vào tin tức nội bộ do mạng lưới tình báo cung cấp. Kế đến là hình ảnh vệ tinh và sau đó là căn cứ vào các tuyên bố ngoại giao của các bên liên quan. Dư luận thấy, Nga không chịu lùi bước trước các yêu sách ban đầu. Tổng thống Biden nói trong bài diễn văn truyền hình từ Nhà Trắng: “Hỡi các công dân Nga, các bạn không phải là kẻ thù của chúng tôi, và tôi tin rằng, các bạn không muốn một cuộc  chiến tranh đẫm máu, hủy diệt chống lại Ukraine”. Ông Biden nhấn mạnh: “Mỹ không tìm cách đối đầu trực tiếp với Nga, nhưng nếu Nga tấn công vào người Mỹ tại Ukraine thì chúng tôi sẽ đáp trả mạnh mẽ”. Ông Biden cho hay Mỹ và các đồng minh NATO đã sẵn sàng cho những gì sắp xảy ra và Nga sẽ trả giá đắt về kinh tế nếu xâm chiếm Ukraine (1).

Về phần mình, Tổng thống Putin cũng khẳng định cần giải quyết vấn đề Donbas thông qua tiến trình hòa bình theo “Thỏa thuận Minsk”, văn kiện Nga ký với Ukraine, Pháp và Đức (2). Không khí ở sân bay Boryspil, cũng như tại Thủ đô Kiev và hầu hết thành phố khác của Ukraine trong suốt cuộc khủng hoảng kéo dài hàng mấy tuần nay nhìn chung vẫn yên tĩnh. Các nhóm du khách vẫn bình thản uống cà phê và ăn bánh khi những tia nắng tràn chiếu vào các nhà ga và quảng trường trong những ngày đông lạnh giá. Điều ngạc nhiên là, ngay cả các giới chức Ukraine cũng tỏ ra bất bình với Mỹ, vì đã công bố gần như hàng ngày các thông tin tình báo, trong đó chỉ ra rằng chiến tranh sắp nổ ra. “Tất cả thông tin này chỉ gây hoảng sợ và không giúp ích gì cho chúng tôi”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết vào cuối tuần qua như vậy.

Theo dư luận châu Âu, mục tiêu đằng sau những hành động của Putin trong khủng hoảng Ukraine là khôi phục phạm vi ảnh hưởng địa-chính trị của nước Nga nhưng theo mô thức Liên Xô hồi năm 1989. Từ đó, tạo sự chia rẽ giữa các đồng minh phương Tây để làm suy yếu NATO. Và cuối cùng là nhằm thay đổi cán cân chiến lược trên lục địa châu Âu theo hướng có lợi cho Nga. Kết luận chung cuộc ở đây là trò chơi cho Ukraine có giá trị hơn nhiều so với vật đặt cược. Đó là phần chính của một thách thức hỗn hợp, nhằm chống lại phương Tây để tái khẳng định các lợi ích quốc gia của Nga trên quy mô toàn cầu. Sau khi Liên Xô tan rã, ông Putin đã rút kinh nghiệm và theo đuổi một đường lối khác hẳn, không tự do hóa chính trị Nga, mà ông trở thành nhà cầm quyền độc đoán. Tuy nhiên, niềm tin vào Putin của các chính trị gia Đức, từ thời cựu Thủ tướng Schroeder không đổi. Không phải ngẫu nhiên, tân Thủ tương Đức Olaf Scholz đã được lựa chọn để thay mặt Mỹ và phương Tây “hạ  nhiệt” chảo dầu Ukraine (3).

Hãy xem hướng “tăng cường” tập hợp lực lượng giữa Nga và Trung Quốc để thấy tính phức tạp, đan xen nhiều tầng lợi ích giữa các nước liên quan đến khủng hoảng Ukraine. Cả hai nguyên thủ Nga và Trung Quốc đều phải đối mặt với những khó khăn khá nghiêm trọng trong mỗi nước, đều muốn đẩy xung đột ra ngoài nên đã câu kết với nhau tuy vẫn “đồng sàng dị mộng”. Thế Vận hội mùa Đông ở Bắc Kinh năm nay nhiều nước tẩy chay, vì chính sách của Trung Quốc đối với người Uyghur ở Tân Cương và đối với các quyền tự do mà dân Hồng Kông vẫn được hưởng từ thời là thuộc địa của Anh. Thế nhưng, Putin vẫn tới Bắc Kinh để đáp lễ, Tập Cận Bình đã dự lễ khai mạc Thế Vận hội mùa Đông ở Sochi do Nga tổ chức năm 2014. Khi hai nguyên thủ Nga – Trung gặp nhau thì có thể đoán trước, họ sẽ chỉ nói chuyện chống Mỹ. Chính phủ Nga đã công bố bản “Thông cáo chung” khá dài, chỉ trích, tuy không nói rõ, tên “một số nước… đã hành động đơn phương và sử dụng vũ lực can thiệp vào nội bộ của các nước khác …”.

Trong khi đó, những lời buộc tội nói trên áp dụng cho nước Nga thì phù hợp hơn. Putin đã đưa hàng trăm ngàn quân với chiến xa, hỏa tiễn đe dọa Ukraine. Nhưng Nga lại tố cáo Mỹ và Tây Âu đang gây nên tình trạng khủng hoảng! Thực ra khối NATO chỉ có 4.000 quân đồn trú ở mấy nước thành viên ở Đông Âu và Mỹ dự tính đưa qua 5.000 binh sĩ! Có lẽ Bắc Kinh biết sự thật nằm ở đâu, cho nên họ không công bố toàn văn “Bản thông cáo chung” ấy. Tân Hoa Xã chỉ loan tin, mà cũng không nhắc đến một đòi hỏi của Putin, ghi trong thông cáo chung, “yêu cầu NATO không được mở rộng” sang các nước thuộc Liên Xô cũ. Trung Quốc không muốn va chạm với các nước châu Âu mà chính họ cũng đang muốn ve vãn (4). Nhưng vấn đề đang thu hút sự lý giải của các chiến lược gia là, rõ ràng cán cân an ninh đã hình thành một cách bất lợi cho nước Nga của Putin suốt từ khi Liên bang Xô-viết “qua đời” (năm 1991), nhưng tại sao Putin lại chọn thời điểm hiện nay để ra đòn?

Theo các giới quan sát, nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng suy yếu tương đối của nước Mỹ, đặc biệt là sau khi nước này rút quân khỏi Afghanistan. Nile Gardiner, một nhà phân tích chính sách đối ngoại có trụ sở tại Washington và là cựu Trợ lý của cố Thủ tướng Thatcher - đã chỉ ra thành tích khiêm tốn của Biden trên cương vị Tổng thống cho đến nay: “Năm đầu tiên của Biden trên cương vị Tổng thống là một thảm họa, đối với cả Hoa Kỳ lẫn thế giới tự do. Chúng ta có mức lạm phát tăng vọt, thị trường chứng khoán chìm xuồng, tội phạm bạo lực gia tăng nhanh chóng ở hầu hết các thành phố lớn” (5). Đánh giá của tờ báo bảo thủ này có thể phản ánh chưa đúng những gì diễn ra ở Mỹ, vì năm qua lạm phát tăng trên toàn cầu, chứ đâu chỉ riêng Mỹ. Còn thị trường chứng khoán thật ra không những không “chìm xuồng”, mà ngược lại, còn tăng mạnh. Hơn nữa, bất cứ Tổng thống nào, chứ không riêng gì Biden, nếu phải tiếp thu cái di sản đầy tranh cãi của Trump, thì cũng khó có thể làm khá hơn như hiện nay.

“Đu dây cao độ” rất cần nội lực

Dẫu sao, tình trạng trên đây là nguyên nhân trực tiếp của việc ông Putin chọn thời điểm mà ông cho là Biden đang gặp rắc rối để ra “đòn gió ngoại giao” với Mỹ và phương Tây. Ông Putin và ông Tập dường như đã ngửi thấy sự yếu đuối ở Biden. Mỹ yếu, Putin “xuống tấn” thì châu Âu phải “đu dây” là lẽ đương nhiên. Các cuộc “đu dây cao độ” từ trời Âu xa xôi ấy cũng lại ảnh hưởng trực tiếp đến “chảo dầu sôi” ở Đông Á và Đông Nam Á. Đó là các “đòn gió ngoại giao” do Trung Quốc ra oai đối với Đài Loan và những đồn thổi về việc Trung Quốc có thể “xuất chưởng” bất ngờ ở đâu đó trên Biển Đông. Trong mọi thuyết âm mưu, có thể một nửa là âm mưu, còn nửa kia là… biết đâu? Mà đối với các nhà cầm quân thì không thể có chuyện “biết đâu…”. Họ phải có câu trả lời chắc chắn cho mọi tình huống, kể cả giả định hay thực tế. Người dân thường ở trong nước không thể (và có lẽ sẽ không bao giờ) biết được trong những ngày này, hàng tuần Bộ Chính trị ĐCSVN họp bàn thảo gì về cuộc khủng hoảng Ukraine. Thú vị là hàng ngày, chúng ta biết người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga, Bộ Ngoại giao Mỹ nói gì về khủng hoảng, nhưng không rõ người phát ngôn của ta nói gì?

Hôm 7/2, báo Nhân dân, Cơ quan ngôn luận của Đảng CSVN viết: "Căng thẳng Nga – Ukraine đẩy giá dầu tăng và đe dọa nguồn cung khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU) đã khiến các nhà lãnh đạo EU tích cực "ngoại giao con thoi" để tìm "lối thoát hiểm" cho an ninh năng lượng châu Âu". Trang Dân trí hôm 15/2 trích BBC từ một góc nhìn khác: "Đại sứ Ukraine tại Anh đã đưa ra những tuyên bố cho thấy khả năng nhượng bộ của Kiev trong đàm phán với Nga giữa lúc căng thẳng leo thang. Có vẻ cách nhìn của truyền thông chính thống là, khủng hoảng Ukraine là "bức tranh phức tạp" (cách dùng từ của VOV) và Việt Nam không muốn phải chọn bên (6). Trong sự “tràn ngập không gian mạng” nhân 43 năm tưởng niệm cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam ngày 17/2/1979, người dân trong nước bỗng nhiên thấy những động thái chưa từng có tiền lệ: Chủ tịch Nước Nguyên Xuân Phúc đã tới dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang). Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tại Khu tưởng niệm Pò Hèn (Móng Cái), tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược.

Và cũng rất khác với thông lệ, Đại hội ĐCSVN diễn ra đã hơn một năm mà vẫn chưa thấy các tân lãnh đạo Việt Nam sang thăm Trung Quốc. Trong khi, cả Chủ tịch Nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội đều đã đã đi gần khắp các châu lục Á và Âu. Tháng ba tới đây, Thủ tướng sẽ có lịch sang thăm Mỹ. Chuyến thăm Trung Quốc gần nhất của TBT Nguyễn Phú Trọng diễn ra cũng đã từ tháng 1/2017. Kể từ tháng 4/2019, TBT rất ít khi ra khỏi Thủ đô. Trong nhiệm kỳ này, ai – trong số “tam nhân” – khởi đầu chuyến thăm Trung Quốc sẽ được giới quan sát coi là một chỉ dấu chính trị mở ra rất nhiều suy đoán. Theo bài viết vừa đăng của nhà báo độc lập Huy Đức, càng nghiên cứu các tư liệu trong quan hệ Việt – Trung kể từ năm 1949 càng thấy buồn và thấy lo. Đúng như ý kiến của nhà nghiên cứu Trần Việt Phương, Thư ký cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Trong lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước chưa có thời đại nào ngây thơ, mất cảnh giác như thời đại ngày nay” (7).

Đoạn kết luận của nhà báo “Bên thắng cuộc” khá quyết liệt: “Chưa có kẻ nào nhiều tham vọng thôn tính lãnh thổ và nền độc lập của người Việt Nam như Trung Quốc. Nhưng, chúng ta vừa ở gần một mối đe dọa, vừa ở gần một nền kinh tế lớn. Cách ứng xử trong mối quan hệ với Trung Quốc trong nhiệm kỳ này có thể là đang có nhiều cân nhắc. Dân chúng không bao giờ tha thứ cho những ai hèn hạ. Nhưng dân chúng đã phải trả giá rất đắt với những nhà lãnh đạo chỉ muốn làm người hùng. Dân chúng cần những bộ óc chiến lược, hiểu lòng dân mà không tạo cơ hội cho những âm mưu đến từ phương Bắc”. Cân nhắc chiến lược giờ đây phải chăng là như thế! Không phải chọn phe, đương nhiên. Cũng không phải chọn bên, điều này Lãnh đạo đã nhiều lần nhấn mạnh (8).

Làm thế nào để tới đây tạo được thế “quân bình chiến lược”? Đây là một uyển ngữ trong ngoại giao khi nói về cuộc “đu dây tử thần”, kể cả trong tình trạng bên miệng hố chiến tranh hay tình trạng “bình thường mới”. Vị trị địa-chính trị của đất nước buộc các nhà Lãnh đạo Việt Nam phải “đu dây”. Vấn đề là “đu dây” hay “quân bình chiến lược” ấy phải trên căn bản nào? Rõ ràng, trước làn sóng bành trướng từ phương Bắc, Việt Nam chỉ có thể “đu dây cao độ” trên cơ sở sức mạnh nội sinh. Ngoài kinh tế và quốc phòng phải đạt những chuẩn nhất định, trong nước, người dân với chính quyền phải tạo thành một khối thống nhất. Chỉ như thế mới có thể có tư thế để mặc cả với bên ngoài. Nhưng làm sao để người dân với chính quyền “tạo thành” một khối không thể chia cắt trong tình hình hiện nay ở ta là cả đại vấn đề, từ cập nhật mới mọi thành tố của hệ thống chính sách đến tự do hóa và luật hóa liên quan đến các mặt sinh hoạt kinh tế, chính trị và xã hội. Không phải nhìn đâu xa, hãy xem cách “đu dây” thành công ở một số nước ASEAN hay của vùng lãnh thổ Đài Loan để trải nghiệm. Họ “đu dây cao độ” để có tư thế mặc cả, chứ không chỉ để tồn tại hay thần phục. Nghĩ được, và điều quan trọng hơn, làm được như thế, dự báo của GS. Carl Thayer hy vọng sẽ không thành hiện thực: “Chiến tranh Nga – Ukraine có thể khiến Việt Nam nhượng bộ Trung Quốc ở Biển Đông” (9).

_____

(1) https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-my-van-co-kha-nang-nga-se-tan-cong-ukraine/6443661.html

(2) https://baotintuc.vn/the-gioi/thoa-thuan-minsk-loi-thoat-cho-cuoc-khung-hoang-ukraine-20220210101259317.htm

(3) https://www.bbc.com/vietnamese/world-60367982

(4) https://www.voatiengviet.com/a/putin-g%E1%BA%B7p-t%E1%BA%ADp-c%E1%BA%ADn-b%C3%ACnh-%E1%BB%9F-b%E1%BA%AFc-kinh/6427800.html

(5) https://www.express.co.uk/news/world/1565472/joe-biden-news-us-president-opinion-polls-popularity-russia-ukraine-vladimir-putin

(6) https://www.bbc.com/vietnamese/world-60387496

(7) https://baotiengdan.com/2022/02/16/bien-gioi-thang-hai-va-phuong-bac/

(8) https://www.voatiengviet.com/a/vi%E1%BB%87t-nam-kh%C3%B4ng-ch%E1%BB%8Dn-b%C3%AAn-m%C3%A0-ch%E1%BB%8Dn-l%E1%BA%BD-ph%E1%BA%A3i-/6356128.html

(9) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-may-make-concessions-to-china-on-scs-issues-when-russia-ukraine-war-occur-02152022062355.html

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

TỪ 'ĐÒN GIÓ' ĐẾN VIỆC CẦN LÀM

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/  BVN 22-2-2022


Xin nhắc lại rằng, để đất nước này không rơi vào vòng lệ thuộc Trung Cộng, không chấp nhận thời kỳ Bắc thuộc mới, thì phải tạo được cơ sở sức mạnh nội sinh, người dân với chính quyền phải tạo thành một khối không thể chia cắt. Việc này chỉ có thể trên cơ sở “Dân chủ hóa” đất nước. Xin các vị lãnh đạo Đảng cầm quyền, xin các vị có trách nhiệm với Dân tộc ngẫm nghĩ thật kỹ để trước hết bảo đảm dân chủ trong Đảng, tiến tới dân chủ hóa đất nước. Nếu cứ tăng cường việc độc quyền đảng trị thì có nhiều khả năng u ám bao trùm, đến lúc đó dân tộc lâm nguy mà Đảng như hiện nay cũng chẳng còn, chỉ còn lại chủ yếu một nhúm người tay sai cho bọn thống trị từ nước ngoài và một quần chúng nô lệ, bị hủy diệt dần như các dân tộc Tây Tạng và Tân cương hiện nay.

I- Giới thiệu một bài báo

TS. Đinh Hoàng Thắng, một chuyên gia về các vấn đề quốc tế và đối ngoại, vừa có bài: “Đòn gió Ngoại giao thời nay”. Mở đầu, TS. Thắng viết “Cuộc chiến tranh cân não giữa nước Mỹ của Biden và nước Nga của Putin có tạm dừng hay không tùy thuộc vào mỗi bên sẽ làm thỏa mãn đến mức độ nào thể diện quốc gia của phía bên kia. Những lúc bên miệng hố chiến tranh như thế này, dân chúng Việt Nam rất cần những bộ óc chiến lược, hiểu lòng dân mà không tạo cơ hội cho những âm mưu đến từ phương Bắc (https://www.rfa.org/.../diplomatic-trick-02172022121032.html).

Bài viết phân tích việc “đu dây” của châu Âu giữa Mỹ và Nga lại cũng đang ảnh hưởng trực tiếp đến “chảo dầu sôi” ở Đông Á và Đông Nam Á. Đó là các “đòn gió ngoại giao” do Trung Quốc ra oai đối với Đài Loan và những đồn thổi về việc Trung Quốc có thể “xuất chưởng” bất ngờ ở đâu đó trên Biển Đông”. Ông Thắng viết tiếp: “Vị trí địa-chính trị của đất nước buộc các nhà Lãnh đạo Việt Nam phải “đu dây”. Vấn đề là “đu dây” hay “quân bình chiến lược” ấy phải trên căn bản nào? Rõ ràng, trước làn sóng bành trướng không che dấu từ phương Bắc, Việt Nam chỉ có thể “đu dây cao độ” trên cơ sở sức mạnh nội sinh... Người dân với chính quyền phải tạo thành một khối thống nhất. Chỉ như thế mới có thể có tư thế để đàm phán với bên ngoài. Nhưng làm sao để người dân với chính quyền “tạo thành” một khối không thể chia cắt trong tình hình hiện nay ở ta là cả đại vấn đề, từ cập nhật mới mọi thành tố của hệ thống chính sách đến tự do hóa và luật hóa liên quan đến các mặt sinh hoạt kinh tế, chính trị và xã hội.

II- Sức mạnh nội sinh từ đâu?

Ông Thắng đưa ra khái niệm “sức mạnh nội sinh” sau khi dẫn lời của nhà nghiên cứu Trần Việt Phương: “Trong lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước chưa có thời đại nào ngây thơ, mất cảnh giác như thời đại ngày nay”. Và nhận xét của nhà báo Huy Đức: “Cách ứng xử trong mối quan hệ với Trung Quốc trong nhiệm kỳ này có thể là đang có nhiều cân nhắc. Dân chúng không bao giờ tha thứ cho những ai hèn hạ. Nhưng dân chúng đã phải trả giá rất đắt với những nhà lãnh đạo chỉ muốn làm người hùng. Dân chúng cần những bộ óc chiến lược, hiểu lòng dân mà không tạo cơ hội cho những âm mưu đến từ phương Bắc”.

Trong dư luận hiện nay đang có đánh giá cho rằng, thời gian vừa qua lãnh đạo Việt Nam đã khôn ngoan khi “đu dây” giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây là một nhận định dường như nặng về hình thức và dễ gây ra nhầm lẫn. Sắp tới sẽ chưa biết như thế nào, chứ thời gian qua, quan hệ của Việt Nam với hai siêu cường chưa hẳn đã là “đu dây”. Mà ngay cả về hình thức, quan hệ đó được đặt ở hai tương quan khác nhau: Với Mỹ là “Đối tác toàn diện” và với Trung Quốc là “Hợp tác đối tác chiến lược toàn diện”. Sự khác nhau căn bản ở đây là, trong lúc lợi dụng sự hỗ trợ của Mỹ trên hầu hết các lĩnh vực, thì Việt Nam vẫn ôm chặt và bị lệ thuộc vào Trung quốc, vì một cái “đại cục” nào đó. Không tôn trọng sự cân bằng như vậy thì thật khó gọi đó là sự “đu dây”.

Gần đây có một số việc làm (và không làm) của vài nhân vật lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thể hiện dường như là có nới lỏng sự ôm chặt Trung quốc và thể hiện một sự xích lại gần hơn với Mỹ. Nhân dân đang theo dõi tình hình và sẽ đánh giá theo bản chất của sự việc.

Để có được “sức mạnh nội sinh”, TS. Thắng nêu ra yêu cầu “người dân với chính quyền phải tạo thành một khối thống nhất, không thể chia cắt”. Được thế thì quá tốt, sẽ là hồng phúc của Dân tộc, là may mắn của Đất nước. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay làm sao để có được điều đó, phải bắt đầu từ đâu, từ lực lượng nào, từ công việc cụ thể nào? Nếu không suy nghĩ sâu để tìm cách thực hành thì không khéo nó chỉ là khẩu hiệu, không khác gì biện pháp “đem chuông mà buộc cổ mèo” của Hội đồng chuột (ngụ ngôn của La Fontain). Rằng hay thì thật là hay. Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào! Người dân đã từng ngậm đắng nuốt cay nhiều.

III- Dân chủ trong Đảng và dân chủ hóa đất nước

Hưởng ứng TS. Đinh Hoàng Thắng, tôi xin đề ra một số việc để làm cho “người dân với chính quyền phải tạo thành một khối không thể chia cắt”.

Kinh nghiệm của lịch sử nhân loại chứng tỏ rằng chỉ có thể tạo thành “Khối thống nhất” khi Chính quyền thật lòng tôn quý nhân dân. Thời Quân chủ chuyên chế, đó là khi có vua sáng, tôi hiền, đề cao phương châm “Dân vi quý”. Thời nay, đó là khi đất nước có nền Pháp quyền thật sự dân chủ, Chính quyền thực chất là của dân chứ không phải chỉ là câu nói suông của thế lực nắm quyền hành độc tài và toàn trị.

Tình hình VN bây giờ, hình thức là nước Cộng hòa, tuyên bố công khai là theo chế độ Pháp quyền, nhưng thực chất là theo chế độ Đảng quyền, rất thiếu dân chủ. Vậy điều kiện tiên quyết để tạo được “khối thống nhất” là “Công cuộc Dân chủ hóa đất nước”. Đầu tiên là thực hành dân chủ trong Đảng rồi mở rộng ra toàn dân mà chủ yếu là từ Quốc hội.

Về dân chủ trong Đảng. Cụ Tổng Bí thư rất chủ quan, rất mê muội cho rằng Đảng của cụ thật sự có dân chủ và bản thân cụ rất dân chủ. Không, không phải thế đâu. Đảng CSVN đang là một tổ chức rất mất dân chủ và bản thân Cụ Tổng đã vi phạm nhiều quy tắc dân chủ. Chỉ có một số ít mê muội hoặc nịnh bợ mới ca ngợi một điều không có thật là sự dân chủ trong Đảng.

Nghe được điều này chắc Cụ Tổng không tin, nổi đóa, và cho rằng đó là luận điệu của thế lực thù địch. Cụ Tổng không tin, nhưng xin hỏi các vị trong Bộ Chính trị, trong Ban Chấp hành Trung ương, trong hàng ngũ cán bộ các cấp, trong toàn thể đảng viên xem có ai tin không? Dân chủ trong Đảng là một vấn đề rất cấp thiết, xin các đảng viên và cán bộ của Đảng hết sức quan tâm. Không có được dân chủ thực sự trong Đảng thì chưa nên vội bàn về ‘Khối thống nhất’. Nhưng làm sao để có được sự dân chủ này? Vấn đề là lãnh đạo và đảng viên có muốn hay không, khi thật sự mong muốn sẽ tìm ra cách làm.

Vấn đề dân chủ hóa đất nước. Đó phải là hoạt động trong hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến pháp và Pháp luật. Nó được diễn ra theo một trong ba cách: (1) Từ trên xuống; (2) Từ dưới lên; (3) Phối hợp trên dưới.

Cách thứ nhất xảy ra khi trong hàng ngũ lãnh đạo chủ chốt có một số người giác ngộ được vấn đề và chỉ đạo hoạt động. Việc này đã từng xảy ra vào Đại hội 6 của Đảng năm 1986 về đổi mới và mở cửa kinh tế.

Cách thứ hai đã xảy ra ở một số nước Đông Âu vào năm 1989- 1990 và ở một số nước khác dười hình thức “cách mạng màu”, có nơi thành công và có nơi thất bại. Ở VN, đó là vụ đấu tranh của nhân dân tỉnh Thái Bình năm 1997, mới chỉ để lại tiếng vang.

IV- Việc cần và có thể làm

Cách thứ ba, là hay nhất, đáng mong đợi nhất, bắt đầu bởi các cuộc vận động, thảo luận riêng lẻ từ một số cá nhân, từ các tổ chức xã hội dân sự. Những ý kiến và yêu cầu dân chủ hóa sẽ được phản ảnh vào hoạt động của Quốc hội, và từ đó sẽ lan tỏa và kết hợp với hoạt động của quần chúng. Đó là sự kết hợp giữa nâng cao dân trí và “quan trí”.

Trong các chức năng của Quốc hội thì quan trọng nhất là Lập pháp và Đại diện. Hiện nay cả hai chức năng này đều rất yếu.

Về Lập pháp, Quốc hội không tự soạn được các dự thảo luật mà phải chờ Hành pháp soạn, đệ trình rồi Quốc hội chỉ thảo luận và thông qua. Như vậy có nhiều luật mà nhân dân rất cần, rất rất cần, nhưng hành pháp không đệ trình thì Quốc hội đành bó tay, đặc biệt là những luật liên quan đến quyền tự do dân chủ của công dân.

Về Đại diện. Quan trọng nhất là đại diện cho trí tuệ. Đại diện cho trí tuệ của Đảng đã có các kỳ đại hội, còn đại diện cho trí tuệ của dân thì quan trọng nhất là trí tuệ của tầng lớp tinh hoa trong Quốc hội. Khi mà ở đây còn thiếu vắng các trí tuệ tinh hoa thì Quốc hội chưa đại diện được cho trí tuệ của dân.

Trước mắt, hy vọng rằng Quốc hội khóa 15, dưới sự lãnh đạo của ông Vương Đình Huệ, sẽ tìm cách khắc phục được những yếu kém. Khắc phục cho khóa 15 được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, chủ yếu là tạo tiền đề cho các khóa sau bằng cách đổi mới Luật về Quốc hội, để từ khóa 16 trở đi Việt Nam sẽ có một Quốc hội xứng đáng là đại diện cho trí tuệ của Dân tộc, thực hiện được chức năng quan trọng một cách trọn vẹn.

Vào năm 2000, bà Kim Ngân, khi đang là Chủ tịch đã kêu gọi bầu cho được từ 50 người ngoài Đảng trở lên vào Quốc hội khóa 15, nhằm nâng cao chất lượng. Nhưng rồi nhiều người nhận ra đó chỉ là trò tuyên truyền chứ không có thực chất. Nhân dân hy vọng vào ông Huệ có thực tâm và trình độ để kiến lập được một Quốc hội thực chất, có thể đóng góp tích cực cho công cuộc dân chủ hóa, có như thế mới tạo được sức mạnh đoàn kết giữa dân và chính quyền, tạo nên sức mạnh nội sinh.

Để có được một Quốc hội xứng đáng, xin đề nghị sửa đổi Luật và đưa vào một số điều sau:

1- Đại biểu quốc hội (nghị sĩ) là đại diện của dân, nên không thể đồng thời là người của cơ quan hành pháp. Người hiện đang ở trong cơ quan hành pháp có thể ứng cử, nhưng khi đã trúng cử thì phải thôi giữ trách nhiệm hành pháp (trừ một vài chức vụ nào đó do luật quy định rõ ràng, thí dụ Chủ tịch nước và Thủ tướng).

2- Số lượng nghị sĩ không cần quá đông, quan trọng là chất lượng. VN chỉ cần khoảng 400 nghị sĩ (1 người đại diện cho 250 000 đến 300 000 dân). Nên chăng chia lãnh thổ ra khoảng 400 đơn vị bầu cử, mỗi đơn vị chỉ bầu một nghị sĩ. Tại mỗi đơn vị thì cơ quan hành pháp lập ra một Ban bầu cử, xong việc ban sẽ giải tán.

3- Bãi bỏ việc Mặt trận hiệp thương lập danh sách người ứng cử và hội nghị cử tri do Mặt trận chủ trì. Không hạn chế danh sách ứng viên. Danh sách này do Ban bầu cử lập.

4- Người ứng cử phải nhận được một số chữ ký ủng hộ của cử tri và phải có chương trình tranh cử. Họ phải tự mình vận động để có được sự ủng hộ và phải có hoạt động tranh cử.

Quốc hội với một số đại biểu đáng kể là đại diện trí tuệ của dân thì mới có khả năng soạn thảo dự án luật, trong đó có các luật làm cơ sở để cho các tổ chức xã hội dân sự hoạt động. Quốc hội phải dần dần từ bỏ vai trò chỉ thừa hành các chỉ thị của Đảng mà trở thành lực lượng đối trọng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Một đất nước muốn phát triển được đúng hướng bắt buộc phải có lực lượng đối trọng (hoặc đối lập).

Xin nhắc lại rằng, để đất nước này không rơi vào vòng lệ thuộc Trung Cộng, không chấp nhận thời kỳ Bắc thuộc mới, thì phải tạo được cơ sở sức mạnh nội sinh, người dân với chính quyền phải tạo thành một khối không thể chia cắt. Việc này chỉ có thể trên cơ sở “Dân chủ hóa” đất nước. Xin các vị lãnh đạo Đảng cầm quyền, xin các vị có trách nhiệm với Dân tộc ngẫm nghĩ thật kỹ để trước hết bảo đảm dân chủ trong Đảng, tiến tới dân chủ hóa đất nước. Nếu cứ tăng cường việc độc quyền đảng trị thì có nhiều khả năng u ám bao trùm, đến lúc đó dân tộc lâm nguy mà Đảng như hiện nay cũng chẳng còn, chỉ còn lại chủ yếu một nhúm người tay sai cho bọn thống trị từ nước ngoài và một quần chúng nô lệ, bị hủy diệt dần như các dân tộc Tây Tạng và Tân cương hiện nay.

Mỗi người, trên cơ sở năng lực và vị thế của mình xin hãy ra sức biến ”khả năng tiềm ẩn” thành hiện thực để góp phần cứu nước, cứu dân tộc và cứu cả sự sụp đổ của ĐCS. Xin lãnh đạo cao cấp của Nhà nước tham khảo Chính quyền của Đài loan, Mông Cổ và Bhutan (ba nước sát nách và trực tiếp chịu sự đe dọa của TQ) để học những cái hay của họ về việc tạo lập “Sức mạnh nội sinh với khối không thể chia cắt giữa nhân dân và lãnh đạo” nhằm giữ vững vị thế của đất nước trước dã tâm bành trướng của Đại Hán.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

VÙNG LY KHAI UKRAINE YÊU CẦU NGA HỖ TRỢ QUÂN SỰ
TUẤN TRẦN/VNN 24-2-2022

Các bức thư được giới lãnh đạo vùng ly khai Ukraina viết gửi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin đều có nội dung yêu cầu hỗ trợ quân sự.

“Sự hiếu chiến của chính quyền Kiev chỉ tăng lên, khi các cuộc pháo kích nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự đã khiến cho 300.000 người dân không có nước sinh hoạt vì các công trình cấp nước quan trọng bị bắn phá”, hãng tin RT dẫn nội dung bức thư được nhà lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, ông Denis Pushilin viết.

Vùng ly khai Ukraina yêu cầu Nga hỗ trợ quân sự
Dân quân vùng ly khai Ukraina. Ảnh: Reuters

Theo ông Pushilin, chính quyền Ukraina đang tiếp tục thực hiện cái gọi là ‘diệt chủng dân thường’, khiến hơn 40.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Trong khi đó, bức thư của nhà lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng Leonid Pasechnik viết “các hành động của chính quyền Kiev chứng minh họ không mong muốn thực thi Thỏa thuận Minsk, cũng như ngừng chiến tranh ở Donbass”.  

Các bức thư trên đều viện dẫn Điều 3 và 4 ghi trong những hiệp ước vừa được phê chuẩn về hợp tác viện trợ với Nga ghi rằng, giới lãnh đạo Donetsk và Lugansk yêu cầu Moscow “viện trợ để đẩy lùi sự hung hăng quân sự của chính quyền Ukraina”.

Trước đó vào hôm 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố quyết định công nhận nền độc lập đối với hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk ở miền đông Ukraina, cùng các hiệp ước hữu nghị, hợp tác và viện trợ lẫn nhau giữa Moscow và hai khu vực này.

Ông Putin cũng cho ban hành 2 sắc lệnh chính thức, trong đó chỉ thị Bộ Quốc phòng Nga đảm nhận “chức năng duy trì hòa bình” ở các khu vực ly khai ở phía đông Ukraina.

>>> Cập nhật tình hình Ukraine hôm nay trên VietNamNet

Tuấn Trần

THỎA THUẬN CỦA CƯỜNG QUỐC VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM

NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 24-2-2022

I. ÔNG PUTIN ĐÃ BIẾN THOẢ THUẬN BUDAPEST 05/12/1994 VỀ UKRAINE THÀNH GIẤY LỘN

Ngày 05/12/1994 tại Budapest, 3 nước Nga, Vương quốc Anh và Bắc Ailen, Mỹ, đã ký Bản ghi nhớ với Ukraine về Đảm bảo an ninh cho Ukraine để Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Ukraine lúc đó là cường quốc hạt nhân thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga. Lực lượng hạt nhân của Ukraine lớn hơn lực lượng hạt nhân của cả 3 cường quốc Anh, Pháp, Trung Quốc cộng lại. Ukraine sở hữu khoảng 1/3 kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô gồm 130 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) UR-100N với 6 đầu đạn hạt nhân mỗi tên lửa, 46 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RT-23 Molodets với 10 đầu đạn hạt nhân mỗi tên lửa, 33 máy bay ném bom hạt nhân hạng nặng, tổng cộng còn hơn 1700 đầu đạn hạt nhân.

Điều khoản đầu tiên của thoả thuận Budapest 05/12/1994 là:

1. Liên bang Nga, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết của họ với Ukraine, trong sự phù hợp với các nguyên tắc của Đạo luật cuối cùng của Hội nghị về An ninh và Hợp tác ở Châu Âu, tôn trọng nền độc lập và chủ quyền và các biên giới hiện có của Ukraine.

Điều khoản thứ 2 là:

2. Liên bang Nga, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tái khẳng định nghĩa vụ kiềm chế trước đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của Ukraine, và không một vũ khí nào của họ sẽ không bao giờ được sử dụng để chống lại Ukraine, ngoại trừ để tự vệ, hoặc theo cách khác theo Hiến chương của Liên Hợp Quốc.

Nhưng bất chấp cam kết “tôn trọng nền độc lập và chủ quyền và các biên giới hiện có của Ukraine”, “không sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của Ukraine”, “không một vũ khí nào của họ sẽ không bao giờ được sử dụng để chống lại Ukraine, ngoại trừ để tự vệ”, tháng 2 năm 2014 ông Putin mang quân chiếm Crimea của Ukraine và sát nhập vào Nga, tháng 2 năm 2022 ông Putin ký sắc lệnh công nhận 2 vùng lãnh thổ của Ukraine là Donestk và Lugansk là những “quốc gia độc lập”, và đưa quân vào Donbass. Thoả thuận Budapest ký ngày 05/12/1994 về đảm bảo an ninh cho Ukraine, tôn trọng chủ quyền và biên giới hiện có của Ukraine, với LB Nga tham gia ký kết, đã bị chính đương kim tổng thống Nga Putin biến thành những tờ giấy lộn.

Có thể là hình ảnh về bản đồ và văn bản cho biết 'BA LAN BELARUS Kiev NGA UKRAINE MOLDOVA Transnistria ROMANIA Donbass Dân quản thân Nga kiểm soát Biển Azov Crimea Nga sáp nhập năm 2014 BULGARIA Biển Caspi Abkhazia HY LẠP Biển Đen Nam Ossetia GRUZIA THỔ” NHĨ KỲ ARMENIA'

II. LÝ LẼ KẺ MẠNH VÀ THÔNG ĐIỆP MANG TÍNH “TỐI HẬU THƯ” CỦA ÔNG PUTIN

Ngày 22/2/2022 Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres đã khẳng định nhóm lính Nga được triển khai ở miền Đông Ukraine không phải là “lực lượng gìn giữ hoà bình” như Matxcova tuyên bố (https://baomoi.com/ong-guterres-linh-nga-o.../c/41837347.epi).

Thực ra, từ khi ông Putin xâm chiếm và sát nhập Crimea tháng 2 năm 2014, là bắt đầu một cuộc chiến tranh không tuyên bố giữa Nga và Ukraine. Dân quân hai vùng Donetsk và Lugansk không thể chống lại được quân đội Ukraine. Lực lượng chủ chốt và vũ khí tại Donetsk và Lugansk là của Nga.

Với việc sát nhập Crimea và công khai đưa quân vào Donbass, chiếm 2 vùng lãnh thổ Donetsk và Lugansk của Ukraine, ông Putin đã vi phạm luật pháp quốc tế về biên giới hiện hành, không đếm xỉa đến chữ ký của tiền nhiệm trong Bản ghi nhớ Budapest về đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, chối bỏ ngay cả thoả thuận của chính ông Putin về tôn trọng đường biên giới hiện hành của Ukraine trong thoả thuận Minsk.

Các đế chế xuất hiện rồi tan biến. Nếu nói rằng Crimea và miền Đông Ukraine là lãnh thổ trước đây của Nga nay lấy lại, thì Mông Cổ sẽ đòi lại phần lớn lãnh thổ LB Nga (bao gồm Matxcova), Đông Âu và các lãnh thổ khác với diện tích lên đến 24 triệu km2; Trung Quốc sẽ đòi lại 600 000 km2 vùng viễn đông của LB Nga bao gồm Vladivostok; Người da đỏ sẽ đòi lại châu Mỹ; Anh sẽ đòi lại 35% lãnh thổ thế giới, Nhật Bản sẽ đòi lại quần đảo Kurin từ Nga mà Liên Xô đã chiếm của Nhật sau thế chiến thứ hai… Cả thế giới không thể vẽ lại được bản đồ. Lý luận “lãnh thổ trước đây” nay tiến hành chiến tranh lấy lại là lý luận bất chấp luật pháp quốc tế, là lý lẽ của kẻ mạnh.

Ông Eltsin, tiếp theo là ông Putin, đã đàn áp bằng được sự đòi độc lập của dân tộc Cherchen Cộng hoà Chechnia qua 2 cuộc chiến tranh đẫm máu hoang tàn 12/1994 – 8/1996 và 8/199 – 5/ 2000. Nhưng ông Putin lại ủng hộ và dưỡng sinh những nước “cộng hoà độc lập” trong lòng Grudia và Ukraine. Những người điếc cũng nghe được tiếng súng mà nhận ra “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” của các hoàng đế xâm lược và các bạo chúa độc tài.

Ông Putin tập trung khoảng 190 000 quân tại biên giới Ukraine không phải chỉ để tập trận, không phải để đe doạ, mà để hành động. Một bộ phận trong số đó đã được bố trí ngập tràn ở Donetsk và Lugansk.

Hôm 22/2/2022 ông Putin đã không ngần ngại gửi một thông điệp mang tính “tối hậu thư” cho Ukraine và Phương Tây để tránh chiến tranh, với 4 điểm mấu chốt:

“Điều gì nên xảy ra để, theo quan điểm của chúng tôi, tình hình được xem xét giải quyết theo quan điểm lịch sử lâu dài, để chúng ta có thể sống trong hòa bình, không để xảy ra bất kỳ cuộc xung đột nào, đặc biệt là những cuộc xung đột vũ trang”, ông Putin nói.

“Trước tiên, theo ông, mọi người nên công nhận Crimea bị chiếm đóng là của Nga. Thứ hai, Ukraine phải tự nguyện từ bỏ tư cách thành viên NATO. Thứ ba, "giải quyết vấn đề Donbass thông qua các cuộc đàm phán và thực hiện các thỏa thuận Minsk," nhưng điều này, theo Putin, "đã không còn phù hợp".

"Và cuối cùng, điều quan trọng nhất, điều thứ 4. Mọi thứ đã nói ở trên có thể được lật ngược trong một giây nếu những người được gọi là đối tác của chúng tôi bơm cho chính quyền Kiev những loại vũ khí hiện đại. Do đó, điểm quan trọng nhất là mức độ nhất định về việc phi quân sự hóa Ukraine ngày nay”.

(https://news.liga.net/.../chto-nujno-chtoby-ne-bylo...).

4 điều kiện mà ông Putin đưa ra, Ukraine khó mà chấp nhận, nguyên tắc nhất là toàn vẹn lãnh thổ. Và như ông Putin đe doạ “mọi thứ đã nói ở trên có thể được lật ngược trong một giây”.

Ai cũng biết, NATO không bao giờ dám gây chiến tranh với Nga, tổng thống Mỹ cũng đã tuyên bố rõ ràng như vậy. Trong trường hợp Nga tấn công Ukraine, Anh, Mỹ đều công khai tuyên bố không mang quân trợ giúp, chẳng những thế các nước Phương Tây đã sơ tán cả nhân viên ngoại giao và cảnh báo công dân của họ rời khỏi Ukraine. Còn Ukraine thì không bao giờ có thể đe doạ hay tấn công được Nga. Nhưng điều 4 đã cho thấy ông Putin lo sợ Ukraine có vũ khí hiện đại. Ông muốn Ukraine không có được khả năng quân sự đủ đề cầm cự được sự tấn công chớp nhoáng của Nga. Và như vậy, Ukraine luôn nằm trong thế thần phục ông Putin.

Từ năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine đã chung sống với LB Nga mà không hề có ý định gia nhập NATO. Ý định gia nhập NATO chỉ xuất hiện sau khi ông Putin xâm chiếm Crimea và sát nhập vào LB Nga năm 2014. Chính ông Putin đã đẩy Ukraine vào thế phải tìm kiếm NATO để bảo vệ lãnh thổ.

Nhưng thực chất, vấn đề Ucraine chưa bao giờ được nằm trên bàn NATO để thảo luận. Có 2 điều khoản của NATO mà Ukraine khó vượt qua. Một là, NATO không kết nạp các thành viên đang có tranh chấp lãnh thổ. Hai là, chỉ cần 1 nước trong NATO phủ quyết là không được thông qua. Không ít các thành viên trong NATO không chấp nhận Ukraine vì quan hệ với Nga.

Nhưng bây giờ, khi ông Putin công khai đưa quân vào Donbass, thì khát vọng gia nhập NATO của Ukraine còn lớn hơn, và vấn đề gia nhập NATO của Ukraine có thể ở một tình thế khác.

Còn nói về tên lửa của NATO, thì 3 nước Ban-tích thành viên NATO là Litva, Latvia, Estonia nằm cạnh Saint Petersburg, gần Matxcova như Kiev. Tất cả các lý do đưa ra đều là lý lẽ của kẻ mạnh.

III. TUYÊN BỐ CỦA TỔNG THỐNG UKRAINE ZELENSKY

Sau phát biểu mang tính “tối hậu thư” của ông Putin, vào lúc 22 giờ ngày 22/2/2022, Tổng thống Ukraine Zelensky đã có bài phát biểu dưới đây:

“Dân tộc tự do của đất nước tự do!

Tôi đã hứa rằng chúng ta sẽ thường xuyên trao đổi với nhau, và quan trọng nhất là trao đổi một cách thành thật.

Hiện giờ là 22h, giờ Kiev. Như đã hứa, tôi xin được báo cáo lại tất cả các hoạt động của chúng tôi một cách rõ ràng để các bạn hiểu chính xác những gì đang diễn ra ở Ucraina và cả ở ngoài biên giới của chúng ta.

Ngày hôm qua, Liên bang Nga đã công nhận độc lập cho những thực thể hình thành tại khu vực bị chiếm đóng trên lãnh thổ Ucraina. Ngày hôm nay họ đã phê chuẩn cái gọi là "Thỏa thuận" và cho phép tổng thống Nga có thể sử dụng quân đội ở nước ngoài, nghĩa là ở Donbas, thuộc lãnh thổ Ucraina. Bằng vào việc đó, họ chính thức thay lời dối trá "chúng tôi không có ở đó" bằng "Dù sao chúng tôi vẫn ở đây". Quyết định này được tất cả họ đồng thuận. Như thế là đã rõ, ai là bên muốn hòa bình trên trái đất này còn ai là bên muốn chia chác lại đất đai.

Với quyết định này của họ, trên thực tế Nga đã rời bỏ mọi thỏa thuận Minsk, thỏa thuận mà theo lời của họ là không có gì có thể thay thế. Còn đối với cá nhân tôi, kết thúc chiến tranh mới không thể khác được chứ không phải là cơ sở hay định dạng để đàm phán. Vì vậy, tôi sẵn sàng đàm phán cả ở các cuộc đàm phán song phương lẫn các cuộc đàm phán có sự tham gia của các nhà lãnh đạo khác. Nhưng tôi xin nhấn mạnh rằng, đối với tôi, điều quan trọng nhất là chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Trước tiên, chúng tôi đã đề nghị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc với sự tham gia của Ucraina, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức. Phần lớn các thành viên tham gia Hội nghị thượng đỉnh đều ủng hộ sáng kiến này, trong đó có tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan.

Đồng thời các đối tác của Ucraina cũng cho thấy rõ không còn con đường nào khác ngoài việc áp dụng các chế tài đối với Liên bang Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua các chế tài đối với những thực thể khủng bố LDNR, còn Anh quốc đã công bố các chế tài khác đối với các ngân hàng và các tài phiệt thân hữu. Phía Đức cũng đình chỉ việc cấp phép đường ống dẫn khí "Dòng chảy phương Bắc-2". Cannada cũng cho biết, sẽ áp dụng chế tài với Liên bang Nga vì sự vi phạm trắng trợn toàn vẹn lãnh thổ Ucraina.

Tôi cũng xin cảm ơn mọi giúp đỡ tài chính từ Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Nhật và Ngân hàng thế giới. Đây là những nguồn tài chính để đảm bảo sự vững vàng cho nền kinh tế Ucraina.

quan đến an ninh và quốc phòng.

Cho đến hôm nay, việc tổng động viên trên toàn quốc là chưa cần thiết. Hiện tại, chúng ta chỉ cần tích cực hoàn thiện quân đội và các tổ chức quân sự khác.

Với tư cách là Tư lệnh tối cao của các lực lượng vũ trang Ucraina, tôi ban hành lệnh triệu tập quân số dự bị trong giai đoạn đặc biệt. Xin nhấn mạnh, chỉ những người thuộc lực lượng dự bị chiến đấu liên quan đến sắc lệnh này. Chúng ta cần nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu cho quân đội trong mọi bối cảnh. Trong những ngày tới, sẽ tổ chức tập huấn quân sự cho các lực lượng dự bị ở địa phương.

Chúng ta cũng cần làm việc và đóng góp cho nền kinh tế Ucraina để có thể đảm bảo một quân đội vững mạnh. Người yêu nước không chỉ là những người chiến đấu với kẻ thù bảo vệ quê hương, mà còn là những người làm việc đóng góp vật chất và tạo ra công ăn việc làm cho đất nước. Do đó, nhà nước quyết định thực thi Chương trình kinh tế yêu nước. Đây là những ưu đãi đối với nền sản xuất nước nhà. Mục đích chương trình kinh tế này hỗ trợ một số lĩnh vực sản xuất, giảm nhẹ gánh nặng thuế má và hạn chế thanh tra doanh nghiệp. Sự ưu đãi này nhằm thu hút nguồn lực của nhân dân đầu tư vào kinh doanh và hệ thống ngân hàng. Nhà nước cũng sẽ giảm thuế giá trị gia tăng cho xăng dầu. Mục đích của chúng ta là có một nền kinh độc lập, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.

Đã đến lúc mọi chính trị gia đều phải trở thành nhà hoạt động chính sách. Hãy vứt bỏ mọi tham vọng cá nhân để vì lợi ích quốc gia. Tôi đã trao đổi với những người đứng đầu các đảng phái chính trị, mọi người đều hiểu rõ rằng, hiện tại, trong quốc hội chỉ cần một liên minh duy nhất - đó là liên minh quân sự: đồng lòng, đưa ra những quyết định quan trọng và nhanh chóng để có một nền kinh tế vững mạnh và nâng cao khả năng quốc phòng của đất nước. Từ hôm nay, mọi đảng phái đều đứng dưới một màu cờ - màu xanh- vàng của chúng ta.

Ngày mai, tôi sẽ gặp gỡ với 50 doanh nghiệp hàng đầu. Tất cả các doanh nghiệp này cần ở lại trong nước. Nhà máy xí nghiệp của họ nằm trên lãnh thổ Ucraina mà quân đội chúng ta có trách nhiệm bảo vệ. Do đó, các doanh nghiệp cũng có trách nhiệm bảo vệ nền kinh tế và tạo thêm công ăn việc làm. Tất cả đồng lòng vực dậy và củng cố nền kinh tế. Mỗi người đều ở trên mặt trận của mình.

Đồng bào kính mến!

Ucraina là một dân tộc hiền lành, Chúng ta thích yên ổn. Nhưng nếu hôm nay chúng ta im lặng, ngày mai chúng ta sẽ bị tiêu diệt. Chờ đợi phía trước chúng ta là những tháng ngày khó khăn, vất vả. Nhưng chúng ta đã sẵn sàng. Hãy tự tin vào bản thân. Hãy tin vào đất nước và tin vào chiến thắng!

Đừng than vãn mà hãy chiến thắng!

Vinh quang Ucraina!

Volodymyr Zelensky”

22.02.2022.

(https://www.rbc.ua/.../zelenskiy-zapisal-ocherednoe..., bản dịch của Nguyễn Hồng Giang)

Về quan điểm phía Nga, truyền thông Việt Nam đã đưa nhiều, còn quan điểm phía Ukraine thì ít được nhắc đến. Để có thêm thông tin, xin giới thiệu ý kiến của Đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam, bà Natalia Zhynkina - một công dân từ Lugansk của Ukraine.

Bà Natalia Zhynkina khẳng định: "Trong mọi trường hợp, chúng tôi sẽ bảo vệ đất mẹ của mình và dựa vào sự hỗ trợ của quốc tế” (https://zingnews.vn/dai-bien-ukraine-chung-toi-se-bao-ve...).

Có thể là hình ảnh về 1 người

Có thể là hình ảnh về 1 người

Có thể là hình ảnh về 1 người và đang đứng

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

CĂNG THẲNG UKRAINE-NGA: VIỆT NAM XÂY DỰNG KẾ HOẠCH SẴN SÀNG BẢO HỘ CÔNG DÂN

THÀNH NAM/VNN 23-2-2022

Trước những diễn biến mới ở Ukraine, Đại sứ quán Việt Nam thường xuyên liên hệ, trao đổi với cộng đồng người Việt Nam, đồng thời xây dựng các kế hoạch để sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.

Tối 23/2, phóng viên Việt Nam và nước ngoài đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về diễn biến tình hình ở Ukraine hiện nay và công tác bảo hộ công dân Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

Việt Nam quan tâm theo dõi những diễn biến căng thẳng gần đây xung quanh tình hình Ukraine và kêu gọi các bên kiềm chế, tăng cường nỗ lực đối thoại, thúc đẩy các biện pháp ngoại giao nhằm giải quyết hòa bình các bất đồng trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên toàn thế giới.

Căng thẳng Ukraine-Nga: Việt Nam xây dựng kế hoạch sẵn sàng bảo hộ công dân
Các cuộc giao tranh ở miền Đông Ukraine giữa quân đội và phe ly khai leo thang Ảnh: AP

Về bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine trong những ngày qua đã thường xuyên liên hệ, chủ động trao đổi với cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine để nắm tình hình bà con, đồng thời tích cực xây dựng các kế hoạch để sẵn sàng tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.

Đại sứ quán đã cử cán bộ trực đường dây nóng bảo hộ công dân 24/24, sẵn sàng tiếp nhận thông tin. Theo Đại sứ quán, hiện có khoảng 100 công dân đang sinh sống trong khu vực Donetsk và Lugansk. Tình hình bà con hiện nay cơ bản ổn định.

Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine trao đổi, đề nghị các cơ quan chức năng sở tại có biện pháp hỗ trợ, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho công dân và doanh nghiệp Việt Nam tại Ukraine.

Trong trường hợp cần trợ giúp hoặc có thông tin về người Việt Nam gặp khó khăn, đề nghị liên hệ với đường dây nóng Bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine theo số + 380 (63) 863 8999 hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao theo số +84-981-848-484.

Tình hình Ukraine gần đây thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov hôm nay cho biết tuyên bố tình trạng khẩn cấp dự kiến được áp dụng khắp toàn quốc, ngoại trừ hai khu vực ly khai Donetsk và Lugansk.

Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch trước đó cho biết, sau quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc công nhận độc lập đối với hai vùng đòi ly khai là Donetsk và Lugansk, đại sứ quán có khuyến cáo người Việt nên cẩn thận đi lại vào đêm qua.

Thành Nam

THỰC HƯ CAM KẾT NATO KHÔNG MỞ RỘNG VỀ PHÍA ĐÔNG

WELT/ BVN 23-2-2022

Nguồn: Streit um Nato-Osterweiterung: „Es ist höchste Zeit, Tacheles mit den Russen zu reden“, WELT, 20/02/2022.

Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài

Có phải phương Tây đã hứa với Nga sẽ không mở rộng NATO về phía Đông? Nhà sử học người Mỹ Mary Elise Sarotte nói về việc hiểu lầm cố hữu này đã tác động đến chính sách của Putin cho đến nay và cách mà phương Tây nên đối phó với Nga như thế nào.

WELT: Giáo sư Sarotte, phiên bản về câu chuyện của Vladimir Putin có nội dung như sau: “Sau năm 1989, phương Tây đã hứa với chúng tôi sẽ không mở rộng NATO. Điều này có nghĩa là, phương Tây đã lừa chúng tôi.” Thực hư chuyện này như thế nào?

Mary E. Sarotte: Về mặt chính thức thì không. Nhưng có bằng chứng cho thấy đã có các cuộc thảo luận về vấn đề này. Tóm tắt ngắn gọn là như vậy.

WELT: Vậy tóm tắt dài thì như thế nào?

Sarotte: Đầu những năm 1990, câu hỏi lớn nhất được nêu lên là điều gì sẽ xảy ra sau khi bức tường Berlin sụp đổ? Trật tự chính trị của Chiến tranh Lạnh đã kết thúc và không ai biết điều gì sẽ đến. Rõ ràng, người Đức muốn thống nhất, nhưng điều đó không dễ dàng. Vẫn còn đó bốn cường quốc thắng trận [trong Thế chiến 2]. Và Liên Xô vẫn còn 380.000 binh sĩ đồn trú trên lãnh thổ của Cộng hòa Dân chủ Đức. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là, phương Tây phải làm thế nào để thuyết phục Liên Xô cho nước Đức được thống nhất? Đã có một số cuộc đàm phán ngoại giao về vấn đề này vào đầu những năm 1990. Tại một trong những cuộc trò chuyện này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ James Baker đã nói với Mikhail Gorbachov: “Ông thấy ý tưởng này thế nào: Ông cho phép nước Đức thống nhất. Còn chúng tôi thì nói với ông: NATO sẽ không di chuyển một tấc nào về phía đông”. “Không một tấc nào”, Baker nói. Gorbachov đáp: “Phải, điều đó có vẻ là một ý kiến hay, chúng ta nên nói về chuyện này”. Điều đó đã xảy ra. Là một nhà sử học, tôi có thể chứng minh điều này mà không gặp bất kỳ khó khăn nào.

WELT: Nhưng điều đó mới chỉ là một ý tưởng chứ không phải là một đề nghị cụ thể?

Sarotte: Điều có ý nghĩa quyết định ở đây là hoàn toàn không có giấy trắng mực đen về chuyện này. Nhưng những gì được viết ra cuối cùng là Hiệp định hai cộng bốn [hai nước Đức và bốn cường quốc Mỹ, Xô, Anh, Pháp – NBT] vào tháng 9 năm 1990, nó đánh dấu cho sự thống nhất. Và hiệp định này quy định NATO có thể mở rộng Điều 5, nghĩa vụ cung cấp hỗ trợ, vượt ra ngoài ranh giới Chiến tranh Lạnh, hay nói cách khác: mở rộng nó đến lãnh thổ của Cộng hòa Dân chủ Đức. Và Moscow đã hạ bút ký Hiệp định đó. Tuy nhiên, giờ đây Putin không đề cập đến điều này, vì nó không phục vụ mục đích của ông ta.

WELT: Cả hồi ức của Michail Gorbachov dường như cũng không rõ ràng?

Sarotte: Gorbachov đã làm cho chuyện này càng thêm rối tung lên. Năm 2014, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 25 ngày Bức tường Berlin sụp đổ, ông ta đã trả lời phỏng vấn đại để: “Câu hỏi về việc mở rộng NATO chưa bao giờ xuất hiện khi tôi còn đương chức.” Vấn đề là Gorbachov của năm 2014 mâu thuẫn với Gorbachov của năm 1990. Bởi vì các ghi chú của chính ông từ tháng 2 năm 1990, còn trong kho lưu trữ của Gorbachov, cho thấy ông đã nói chuyện với Baker về NATO. Và ghi chú của ông hồi tháng 5 năm 1990 nói rằng ông thừa biết điều đó không chỉ liên quan đến Cộng hòa Dân chủ Đức. Gorbachov đã viết ở đây: “Tôi nói với Baker rằng chúng tôi biết các nước Trung và Đông Âu muốn rời khỏi Hiệp ước Vác-sa-va để sau này gia nhập NATO.” Đó là nguyên văn lời của Gorbachov năm 1990. Nếu ai nghiên cứu đủ lâu, thì sẽ tìm thấy nguồn. Tóm lại ý tưởng “không một tấc nào” có được đề cập, nhưng cuối cùng hiệp định đã được ký kết và điều 5 cho phép NATO mở rộng về phía Đông.

WELT: Trong số ra mới đây tờ “Der Spiegel” (Tấm Gương) cho rằng đã tìm thấy “một tài liệu mới” chứng minh rằng người Nga đã được cam kết NATO sẽ không mở rộng sang phía đông. Có nghĩa là thông tin này là không chính xác?

Sarotte: Mặc dù Der Spiegel tung tin phát hiện tài liệu hồi tháng 3 năm 1991 như một sự kiện mới mẻ, tuy nhiên điều này không có gì mới. Hồi mùa hè năm 2019, các trích dẫn từ nguồn này đã được lan truyền trên Twitter. Một năm sau, một ấn phẩm khoa học cũng đã đề cập đến tài liệu này; và kể từ mùa thu năm 2020, thì nguồn này được phát hành nguyên văn và mọi người có thể tiếp cận trực tuyến.

WELT: Và nguồn này nói lên điều gì?

Sarotte: Nguồn tin này khẳng định lại một lần nữa, trái với những gì Gorbachov đã nói hồi năm 2014, việc mở rộng về phía đông của NATO – không chỉ bao gồm Đông Đức, mà bao gồm cả Trung và Đông Âu – đã được thảo luận trong các cuộc đàm phán về thống nhất nước Đức. Điều này còn cho thấy đến cuối năm 1991, một số nhà ngoại giao phương Tây, như Jurgen Chrobog của Đức và Raymond Seitz của Mỹ, tin rằng các cuộc đàm phán năm 1990 hàm ý NATO không được mở rộng sang Đông Âu – hoặc chí ít là chưa. Der Spiegel trích dẫn Chrobog như sau: “Chúng tôi đã nói rõ trong cuộc đàm phán hai cộng bốn rằng chúng tôi không mở rộng NATO sang bên kia sông Elbe. Do đó, chúng tôi không thể đề nghị Ba Lan và các nước khác trở thành thành viên NATO”. Nhưng câu tiếp theo của Chrobog, mà Der Spiegel không trích dẫn là: “Nhưng chúng tôi có thể cân nhắc đề cập đến mối quan tâm của mình đối với các nước này trong các tuyên bố của NATO trong tương lai”.

WELT: Ở đây Chrobog không xác nhận sự từ chối dứt khoát không mở rộng NATO sang phía đông?

Sarotte: Ông ấy làm sao có thể xác nhận được. Năm 1990, cả Seitz và Chrobog đều không được ủy quyền đàm phán về tương lai của NATO trong khuôn khổ các cuộc đàm phán Hai cộng Bốn. Tổng thống George H. W. Bush đã ra lệnh rõ ràng vào năm 1990 rằng vòng hai cộng bốn “không được quyết định tương lai của NATO cũng như tương lai của an ninh châu Âu”. Và Thủ tướng Helmut Kohl đã nhiều lần nói với sếp của Chrobog, Ngoại trưởng Hans-Dietrich Genscher, trong các cuộc họp nội bộ những năm 1990. Rõ ràng ông (Kohl) “không chia sẻ cũng như không ủng hộ lập trường của Genscher và các nhà ngoại giao của Bộ Ngoại giao Liên bang về tương lai của NATO. Ngoài ra, tôi không tán thành chấp nhận điều đó khi không có sự trao đổi lại với Chính phủ Liên bang”. Nếu Seitz và Chrobog bất chấp chỉ thị của Nhà Trắng và của Phủ thủ tướng Đức mà vẫn đàm phán với Liên Xô về tương lai của NATO trong vòng đàm phán Hai cộng bốn là không có thẩm quyền.

Cho dù hồi ức cá nhân thể hiện hồi năm 1991 như thế nào, những gì đã được thỏa thuận bằng văn bản năm 1990 – tức là lập trường chính thức của Cộng hòa Liên bang Đức, Anh, Pháp và Hoa Kỳ – vẫn rõ ràng: Theo Hiệp định Hai cộng Bốn, theo điều 5, NATO có quyền vượt qua chiến tuyến trước đây của thời Chiến tranh Lạnh. Không có việc buộc phải dừng lại bên sông Elbe. Hiệp định không đề cập đến việc mở rộng đến đâu – tuy nhiên dù sao thì Moscow cũng đã ký.

WELT: Đầu những năm 1990, có một giai đoạn hòa dịu, đặc biệt là dưới thời Bill Clinton và Boris Yeltsin, có cái gọi là “Đối tác vì Hòa bình”. Sau đó, có những chuyện trục trặc đã xẩy ra?

Sarotte: Có ba thời điểm có ý nghĩa quyết định, một là dưới thời Bush Cha, hai là dưới thời Bill Clinton. Theo quan điểm của Bush, NATO đã chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh, ông không thấy có lý do gì phải có một trật tự hòa bình mới, hay thay đổi bất cứ điều gì. Điều đáng ngạc nhiên là Bush đã gọi thành công của mình là “trật tự thế giới mới”, vì làm gì có trật tự thế giới mới. Có NATO trong Chiến tranh Lạnh, và NATO vẫn tồn tại sau Chiến tranh Lạnh. Bush đã nói rõ rằng trật tự hòa bình mới cho châu Âu sẽ rất giống với trật tự cũ, và điều đó khiến tất cả các lựa chọn thay thế được thảo luận – chẳng hạn như một Trung Âu trung lập hoặc thậm chí xóa bỏ NATO – trở nên ít phù hợp hơn.

WELT: Sau đó là thời kỳ Bill Clinton nhậm chức.

Sarotte: Đó là thời điểm quyết định thứ hai. Bởi vì các nước Trung và Đông Âu như Ba Lan, Hungary và những nước khác lại đề xuất yêu cầu: “Chúng tôi muốn gia nhập NATO”. Lúc đó Clinton nói, tôi nói vắn tắt, nhưng những từ chính xác của ông ấy có thể được tìm thấy trong cuốn “Not One Inch” (Không một tấc) của tôi – “Khoan đã, làm gì mà nhanh thế. Nếu thế thì chúng ta sẽ đứng trước một vấn đề. Vậy thì cái gì sẽ xảy ra với Ukraine? Điều gì sẽ xảy ra với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ khác?”, Clinton nói: “Chúng ta vừa xóa bỏ chiến tuyến thời Chiến tranh Lạnh, tại sao bây giờ chúng ta phải vẽ một đường mới. Một con đường giữa châu Âu được bảo vệ bởi Điều 5, và một bên không nằm trong phạm vi Điều 5?”. Điều đó làm tôi thực sự bất ngờ. Đầu năm 1994 Clinton lại đại khái đã nói: “Vấn đề chủ yếu ở đây là Ukraine. Sẽ không có hòa bình lâu dài nếu chúng ta bỏ rơi Ukraine”. Khi tôi đọc điều đó tôi suýt ngã ngửa.

WELT: Câu trả lời cho tình huống khó xử là ý tưởng “Đối tác vì hòa bình”?

Sarotte: Vâng, Clinton, cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Les Aspin và William Perry, và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, John Shalikashvili, đã phát triển một giai đoạn trung gian. Đó là “Quan hệ đối tác vì hòa bình”. Bằng cách này, các quốc gia Trung Âu có thể dần dần trở thành đối tác và sau đó từng bước một trở thành đồng minh. Các quốc gia khác, như Ukraine, Belarus hoặc Kazakhstan, cũng có thể trở thành đối tác. Giải pháp này không được ưa thích vì Ba Lan và Hungary muốn trực tiếp gia nhập NATO. Nhưng Đối tác vì Hòa bình có lợi thế lớn là tất cả mọi người tham gia đều có thể sống với nó, kể cả Nga, nước này thậm chí đã gia nhập. Người Ba Lan ghét ý tưởng này, nhưng Clinton đã thuyết phục Lech Walesa, nói rằng điều tốt nhất mà người Ba Lan làm là hiểu được sẽ tồi tệ như thế nào khi phải đứng sau ranh giới. “Trong Chiến tranh Lạnh, Ba Lan từng phải đứng sau ranh giới, và chúng tôi không muốn Ukraine lại phải đứng sau ranh giới mới. Ông thông cảm điều đó chứ, thưa ông Walesa?”, Walesa không vui, nhưng ông ta đành phải chấp nhận.

WELT: Nhưng cuối cùng Clinton đã quyết định chọn phương án mở rộng. Tại sao lại như vậy?

Sarotte: Vâng, đó là điểm có ý nghĩa quyết định thứ ba, và đây không chỉ là lỗi của Clinton mà còn là lỗi của cả Yeltsin. Yeltsin tấn công các nghị sĩ bằng xe tăng vào tháng 10 năm 1993, sau khi quá trình dân chủ hóa ở Nga đã bắt đầu đầy hứa hẹn. Cuộc xâm lược Chechnya của ông ta năm 1994 thậm chí còn tồi tệ hơn bởi vì đó là bước ngoặt đối với Ba Lan, họ cho rằng nếu người Nga xâm lược Chechnya, thì chúng tôi cần Điều 5. Khi đó áp lực từ Đông Âu đã gia tăng. Thêm vào đó là cuộc bầu cử giữa kỳ ở Hoa Kỳ vào tháng 11. Đảng Cộng hòa – những người ủng hộ việc mở rộng NATO – đã giành được thắng lợi. Trước sức ép của những sự kiện này và Bản ghi nhớ Budapest khiến Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân, Clinton đã thay đổi quyết định và đưa Điều 5 cho các nước Đông Âu. Kể từ đó, chúng tôi đã đi trên con đường mà chúng tôi đang đi.

WELT: Theo bà có cách nào để khôi phục mối quan hệ với nước với Nga?

Sarotte: Tôi nghĩ đã đến lúc phải có một cuộc nói chuyện thẳng thắn với người Nga. Vì vậy, cũng đừng cãi vã về những từ “Không một tấc” nữa, vì điều đó thực tế đã được đề cập. Không có lý do gì để tranh cãi về chuyện đó nữa. Điều quan trọng là hiệp định mà Moscow đã ký hồi tháng 9 năm 1990 mâu thuẫn với câu này. Đó là lý do tại sao chúng ta phải nói về những gì chúng ta có thể làm bây giờ. Và những gì người ta có thể làm là rút ra bài học từ cuộc Chiến tranh Lạnh. Một lần nữa, chúng ta cần những hiệp định như những hiệp định gìn giữ hòa bình trong Chiến tranh Lạnh, chẳng hạn như hiệp định Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) mới và hiệp định về lực lượng vũ trang thông thường. Điều đó sẽ giúp ích cho cả Putin và phương Tây. Putin không muốn có tên lửa ở Ukraine. Phương Tây có thể nói: chúng tôi cũng vậy. Putin muốn NATO không tấn công Nga. NATO cũng có thể đồng ý với điều đó và đề xuất một hiệp định mới. Chúng ta có những mối quan tâm chung. Tôi hy vọng một cuộc trò chuyện như vậy có thể ngăn chặn đổ máu ở Ukraine.

WELT: Điều đó có nghĩa Ukraine phải chờ đến một thời điểm thích hợp hơn?

Sarotte: Thật không may là như vậy. Những gì Putin đang làm thật tàn nhẫn. Về cơ bản, ông ta đang sử dụng Ukraine làm con tin để đảo ngược trật tự thời hậu Chiến tranh Lạnh. Những gì Putin đang làm vượt quá mọi quyền con người, ông ta không nên làm điều đó. Nhưng nước Nga có những lợi ích an ninh của riêng họ, đơn giản là như vậy. Tôi có thể hiểu được quan điểm của ông ta. Ông ta muốn có một trật tự an ninh có lợi cho mình hơn. Nhưng điều đó không thể biện minh cho những gì mà ông ta đang làm với Ukraine hiện nay. Putin cần làm những công việc này thông qua con đường ngoại giao chứ không phải thông qua đe doạ Ukraine.

-------

Về sử gia Mary Elise Sarotte:

Khi bức tường Berlin sụp đổ, Mary Elise Sarotte đang là sinh viên ở Berlin. Ngày nay, bà là một trong những chuyên gia hàng đầu về giai đoạn kết thúc Chiến tranh Lạnh. Bà là tác giả của những cuốn sách được giới phê bình đánh giá cao, cuốn sách gần đây nhất của bà là Not One Inch: America, Russia, and the Making of Post-Cold War Stalemate (Không một tấc: Mỹ, Nga, và sự bế tắc thời hậu Chiến tranh Lạnh). Sarotte là Giáo sư Lịch sử Đương đại tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp của Đại học Johns Hopkins (SAIS) ở Washington DC, và là thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.

Nguồn bản dịch: https://nghiencuuquocte.org/2022/02/22/thuc-hu-cam-ket-nato-se-khong-mo-rong-ve-phia-dong/

VIỆC PUTIN CÁC KHU VỰC LY KHAI Ở UKRAINE: 

Ý NGHĨA VÀ ẢNH HƯỞNG

 Florian Kellermann và Thielko Grieß/ TD 23-2-2022

(ĐỖ KIM THÊM dịch)


Khu vực Luhansk có diện tích 26.700 km2 với 2,1 triệu dân cư, trong đó 1,4 triệu dân sống trong khu ly khai. Khu vực Donek có diện tích 26.500 km2 với 4,1 triệu dân cư, trong đó có 2,2 triệu dân sống trong khu ly khai. Phụ chú của người dịch. Nguồn ảnh: dpa-infografik/ Deutschlandradio / Andrea Kampmann.

***

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công nhận các nước tự xưng Cộng hòa Nhân dân Luhansk và Donetsk là các quốc gia độc lập. Các “nước Cộng hòa” do phe ly khai thân Nga kiểm soát có thể yêu cầu được kết nạp vào Liên bang Nga.

Trước sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo ly khai Ukraine và ống kính của truyền thông, Putin đã ký một “Thỏa thuận Hữu nghị” với các phe ly khai. Ngay trong tối hôm đó, Putin đã ra lệnh triển khai quân đội đến cái gọi là “Cộng hòa Nhân dân”.

Ý nghĩa việc công nhận

Cho nên tiến trình hòa bình theo Hiệp ước Minsk sụp đổ vì Nga công khai vi phạm. Do đó, theo quan điểm của Moscow, các khu vực này là độc lập. Tuy nhiên, theo luật pháp quốc tế, chúng vẫn thuộc về Ukraine, điều mà Nga không còn công nhận. Hòa ước Minsk quy định rõ rằng, các khu vực này sẽ dần được tái hòa nhập vào nhà nước Ukraine.

Biện minh của Putin

Putin đã làm một việc lạc dòng lịch sử, khi từ chối cho Ukraine quyền sinh tồn. Ukraine là một cấu trúc được Lenin khởi xướng. Đó đã là một sai lầm của những người Cộng sản ở Liên Xô khi chỉ định Ukraine là một lãnh thổ tự trị thường trực.

Việc Ukraine tồn tại và chuyển hướng sang phương Tây là một rủi ro an ninh đối với Nga. Hội đồng An ninh Quốc gia của điện Kremlin trước đây đã nói rằng, một số loại hoạ diệt chủng đang diễn ra, Ukraine sẽ muốn tiêu diệt khối dân số nói tiếng Nga ở lưu vực Donetsk. Cuối cùng, Ukraine muốn chiếm lại vùng Donbass về mặt quân sự. Để ngăn chặn điều này, Putin cho là nước Cộng hòa Nhân dân này phải được công nhận.

Tuy nhiên, vấn đề là Putin giải thích “các nước Cộng hòa” theo cách nào: Liệu Putin muốn nói tới các nước Cộng hòa Nhân dân trong hình thức hiện tại hay các khu vực mà họ tuyên bố có chủ quyền. Bởi vì đây là toàn bộ các phạm vi Donetsk và Luhansk ở Ukraine.

Diễn biến tiếp theo?

Nếu các quốc gia này được công nhận, Nga cũng có thể thiết lập quan hệ ngoại giao với họ và chính thức cho quân đội đóng ở đó. Vào buổi tối mà Vladimir Putin ký cái gọi là “Hòa ước”, Putin đã ra lệnh cho quân đội đến các khu vực ly khai này.

Có hai cách giải thích cho các phương cách của Putin: Putin công nhận hai nước Cộng hòa Nhân dân và do đó có thể thể hiện cảm giác thành công trước “công luận trong nước”. Điều này sẽ cho phép Putin giữ thể diện mà không cần khai chiến.

Cách giải thích khác là Putin nói rằng: “Các nước Cộng hòa Nhân dân” tuyên bố có chủ quyền đối với toàn bộ khu vực quanh vùng Donetsk và Luhansk, bao gồm cả các nơi hiện vẫn còn do Ukraine kiểm soát. Với lý do này, “Cộng hòa Nhân dân” giờ đây có thể bắt đầu một cuộc tấn công vào các khu vực này.

Cũng có thể ước lượng rằng, các “quốc gia” này sẽ yêu cầu được thu nhận vào Liên bang Nga. Sau đó, Nga có thể quyết định sáp nhập các vùng lãnh thổ này.

Nguy cơ chiến tranh trong tương lai?

Trong khi nguy cơ của một cuộc chiến tranh quy mô vẫn chưa được ngăn chặn, vì nhiều binh sĩ cũng như trang thiết bị vẫn còn ở biên giới và Ukraine còn bị cắt xén hơn nữa. Do đó, một trật tự an ninh chung cho châu Âu đã bị phá vỡ.

Sau năm 2008 và 2014, bất cứ ai còn tin rằng có thể theo đuổi một chính sách với Vladimir Putin, niềm tin được giả định này lại một lần nữa bị lừa dối. Nền ngoại giao của phương Tây đã thất bại. Tất cả các bài phát biểu, các cuộc thăm viếng, các bài phỏng vấn đều vô ích. Putin đang thực hiện một chính sách bằng quyền lực. Putin có quân đội và năng lượng hạt nhân trong tay. Hoà ước Minsk cũng là một di sản của Angela Merkel, đã không còn giá trị. Sự công nhận bất hợp pháp của Nga khiến cho việc Kiev nói về thêm về hiệp ước này là vô nghĩa.

Sự công nhận này của Putin từ lâu đã rõ ràng. Đó là những gì chính Putin đã nói. Điều này cũng rất quan trọng đối với bất cứ ai tin rằng, họ có thể gây ảnh hưởng đến cách suy nghĩ và quyết định của Putin.

Những câu nói cuối cùng trong bài phát biểu của Putin là quyết định, trong đó có một mối đe dọa rõ ràng: “Chúng tôi, Nga, cũng có thể làm điều gì đó khác”.

Điều này vẫn có thể bao gồm việc xâm chiếm nhiều lãnh thổ hơn, hiện nay, quân đội Nga sẽ đóng quân ở các lãnh thổ ly khai công khai và không cần ngụy trang, là một điều chắc chắn.

Trừng phạt của phương Tây?

Putin dường như không bị một ấn tượng nào đối với các lệnh trừng phạt do Mỹ và châu Âu đe doạ. Putin đang quyết tâm muốn đạt được mục tiêu của mình. Mặc dù các biện pháp trừng phạt sẽ gây thiệt hại to lớn cho sự phát triển kinh tế của Nga, nhưng nếu Putin nhìn thấy một sứ mệnh lịch sử để sửa đổi cấu trúc an ninh ở châu Âu nổi lên sau sự sụp đổ của Liên Xô, thì các biện pháp trừng phạt không gây sốc cho mình.

Deutschlandfunk

PUTIN ĐÃ BỎ MẶT NẠ XUỐNG VÀ CHUYỆN GÌ CÓ THỂ XẢY RA ?

Georg Ismar và Christoph von Marschall/ TD 22-2-2022

(HIẾU BÁ LINH dịch)


Tổng thống Nga Wladimir Putin. Nguồn: DPA/ALEKSEY NIKOLSKYI/SPUTNIK

Trong một bài phát biểu lạnh lùng trên truyền hình Nga, Putin coi Ukraine là một phần của Nga. Ông cáo buộc nước này âm mưu chiến tranh hạt nhân. Những đội quân đầu tiên của Nga có thể đã ở trên lãnh thổ của Ukraine. Ông ta có kế hoạch xâm lược cả nước?

Vladimir Putin phát biểu trước người dân của mình trên truyền hình vào tối thứ Hai, ngày 21-2. Đó là một bài phát biểu đen tối. Tổng thống Nga quay trở lại lịch sử Nga, với những sai lầm của Stalin, của Lenin và ông nhấn mạnh: “Ukraine là một phần không thể tách rời trong lịch sử của chúng ta”. Ông coi nước này ngày nay chỉ là một công trình kiến ​​trúc.

Nó dường như là một lời tuyên chiến – cũng gửi đến phương Tây. Trong bài phát biểu, Putin đã tự lột trần động cơ thực sự của mình. Bất cứ ai vẫn còn nghi ngờ về những điều này nên xem qua bài phát biểu. Các nhà sử học sẽ còn phải bận rộn với nó.

Chỉ vài giờ sau đó, ông ta ra lệnh tiến quân vào miền đông Ukraine với cớ là để bảo đảm hòa bình ở đó.

Như thể đoán trước được những gì Putin giải thích trong bài phát biểu, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào cuối tuần rồi đã nhớ lại một bài tham luận của Putin hồi năm ngoái. Ông Scholz nói hôm 15-2-2022: “Putin đã làm việc như một nhà sử học và viết các bài tham luậnĐiều đó cũng đóng một vai trò lớn trong cuộc hội đàm với ông ấy“.

Trong bài tham luận này, Putin coi người Nga, Ukraine và Belarus về mặt lịch sử là “một dân tộc” và sự sụp đổ của Liên Xô là một thảm họa đối với ông. Và Putin đề cập đến một mô tả về Kiev là “mẹ của tất cả các thành phố của Nga“.

Bài phát biểu truyền hình có lời lẽ và giọng điệu rất giống như thế. Theo đó, Putin không quan tâm đến Hiệp định Minsk hay việc đòi hỏi không cho Ukraina gia nhập NATO mà thay vào đó, ông ta tuyên bố Ukraine là một phần lịch sử của Đế chế Nga vĩ đại.

Cốt lõi của bài phát biểu là gì?

Trong ngày thứ Hai 21/2 mọi thứ đã trở nên căng thẳng hơn. Putin đã triệu tập Hội đồng An ninh quốc gia của mình. Cuộc họp này có vẻ như một cuộc dàn dựng ở Điện Kremlin để thông qua chương trình hành động của ông ấy mà rõ ràng đã được lên kế hoạch từ lâu. Bài phát biểu đóng vai trò như một sự biện minh lịch sử cho những gì có thể xảy ra. Dưới đây là những đoạn ấn tượng nhất và có lẽ là đáng lo ngại nhất đối với phương Tây:

– Phong trào dân chủ Maidan đã dẫn Ukraine vào một cuộc nội chiến. Ukraine là một đất nước bị chia cắt, hàng triệu người đã phải chạy ra nước ngoài để tìm việc làm. Đói nghèo và chia rẽ là hậu quả của phong trào Maidan.

– Đất nước này đã không thành công trong việc trở thành một quốc gia ổn định và độc lập. Nói cách khác, nước này cần Nga như một cường quốc bảo vệ. Di sản của Đế chế Nga đã bị phản bội. Người dân đã bị lừa dối, họ đã được hứa hẹn với những cảnh đẹp rực rỡ.

– Putin coi giới lãnh đạo nhà nước ở Kiev là “chế độ bù nhìn” của phương Tây. “Mọi thứ đều tuân theo các tổ chức nước ngoài”, cựu đặc vụ KGB với vẻ ngoài lạnh lùng nói. Công việc ở các tòa án do phương Tây chỉ đạo.

– Và ông cáo buộc Ukraine muốn chế tạo vũ khí hạt nhân với sự giúp đỡ của phương Tây. Putin nói rằng, điều này tương tự như việc chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Nga. Ukraine nắm bí quyết hạt nhân từ thời Liên Xô. Nếu Ukraine có được vũ khí hủy diệt hàng loạt, tình hình toàn cầu sẽ thay đổi mạnh mẽ.

Đó là một sự xuyên tạc sự thật, xâu chuỗi lại, phải nói là một sự dối trá. Việc này từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử khi nhà cầm quyền tìm những lý do biện minh cho chiến tranh để nói với dân chúng.

Hậu quả đầu tiên là gì?

Putin ký sắc lệnh công nhận các tỉnh ly khai ở miền đông Ukraine, ông ta công nhận các Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Luhansk trên lãnh thổ Ukraine là các quốc gia độc lập.

Putin đang cố gắng chính thức tách các khu vực này khỏi Ukraine, giống như Crimea, và cam kết hỗ trợ quân sự trên thực tế nếu Ukraine không chấp nhận điều này.

Ông cũng ký một hiệp ước hợp tác và hữu nghị với các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine. Đài truyền hình nhà nước Nga phát sóng buổi lễ với sự tham dự của các đại diện phe ly khai.

Nó trông có vẻ như một màn hợp tấu. Nhưng những tuyên bố của ông cho thấy rằng, ông thực sự có thể nhắm tới một cuộc xâm lược quy mô lớn, với hơn 150.000 binh sĩ Nga ở biên giới không chỉ là một màn đe dọa để áp lực phương Tây ký thỏa thuận không cho Ukraina gia nhập NATO.

Sau khi công nhận các khu vực Luhansk và Donetsk, Nga đang đe dọa Ukraine bằng những hậu quả trong trường hợp có các hành động khiêu khích quân sự. Kiev có “kế hoạch quân sự” và sẽ tấn công, và khiêu khích Luhansk và Donetsk. Sau sự công nhận độc lập từ Moscow, có thể “xảy ra những hậu quả cực kỳ nguy hiểm“, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebensia cho biết tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ ở New York. “Chúng tôi không có ý định cho phép một cuộc tắm máu sẽ xảy ra ở Donbass“.

Có vẻ như một sự can thiệp lớn đang được kích động. Tình hình vẫn còn phần nào đó không rõ ràng. Xe quân sự lăn bánh trên các con phố ở ngoại ô thành phố Donetsk vào sáng sớm thứ Ba hôm nay. Trong số đó có một số xe tăng không được đánh dấu là của nước nào, như một nhân viên của Reuters đưa tin. Có thể là sự trùng hợp – cuộc xâm lược Gruzia của Nga do Putin ra lệnh, bắt đầu vào ngày 88-2008, ở miền đông Ukraine có thể bắt đầu vào ngày 2222022.

Tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ, đặc phái viên Hoa Kỳ Linda Thomas-Greenfield gọi tuyên bố của ông Putin – rằng quân đội Nga triển khai ở miền đông Ukraine là lực lượng gìn giữ hòa bình – là “vô nghĩa“. Việc Putin công nhận các khu vực ly khai là một nỗ lực tạo cớ cho một cuộc xâm lược khác vào Ukraine. Động thái của ông ta đã “xé nát Hiệp định Minsk ra từng mảnh“.

Putin muốn khôi phục Đế chế Nga vĩ đại?

Người ta gần như phải có ấn tượng rằng, Putin chỉ chơi trò chơi với Scholz, Macron und Biden. Tất cả các cuộc trò chuyện kéo dài hàng tiếng đồng hồ, thông báo về việc rút một phần quân đội vốn không diễn ra, giờ đây đã xuất hiện dưới một ánh sáng khác. Liệu Putin có muốn thực hiện sứ mệnh lịch sử mà ông coi là khôi phục Đế chế Nga vĩ đại?

Trên thực tế, Belarus đã là một quốc gia vệ tinh của Nga, nhà lãnh đạo Alexander Lukashenko chỉ còn nắm quyền nhờ sự giúp đỡ của Putin và ông đã phải để cho hàng chục nghìn binh sĩ Nga đồn trú.

Sáng ngày 21/2 vẫn còn có hy vọng – Macron một ngày trước đó đã điện đàm hàng tiếng đồng hồ với Putin và Tổng thống Mỹ Biden, cố gắng giàn xếp một cuộc gặp giữa hai nguyên thủ.

Macron đã nói chuyện với Putin hai lần vào Chủ nhật và ông cũng nói chuyện với Biden qua điện thoại. Tổng thống Mỹ đã đồng ý “trên nguyên tắc” một cuộc họp, “nhưng chỉ với điều kiện là Nga không xâm lược Ukraine trước“. Điện Kremlin từ chối với lý do cuộc gặp như vậy là “quá sớm“. Nó đã thể hiện rõ ràng những gì sẽ đến.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và đồng nghiệp Hoa Kỳ Antony Blinken đã đồng ý sẽ gặp mặt trực tiếp tại Geneva vào thứ Năm tới. Nhưng liệu có diễn ra không?

Phương Tây sẽ phản ứng như thế nào?

Ngay sau khi Putin ký sắc lệnh, EU và Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với những người có liên hệ, chẳng hạn như làm ăn với các nước Cộng hòa Nhân dân vừa mới được Nga công nhận.

Lằn ranh đỏ do Chính phủ Liên bang Đức vạch ra cũng có thể đã bị Putin vượt qua, tất nhiên sẽ dẫn đến sự kết thúc của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2. Tổng thống Mỹ Biden đã nói rằng, nếu xe tăng Nga lăn bánh qua biên giới thì sẽ không còn Nord Stream 2 nữa.

Những người bênh vực Nga, chẳng hạn như cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder hiện có khả năng gặp khó khăn trong việc giải thích mọi chuyện – Thủ tướng Đức Scholz gần đây đã vạch ra một lằn ranh giới hạn đối với Schröder, người dự kiến sẽ tham gia Hội đồng giám sát của tập đoàn Gazprom.

Cho đến nay, sự kết hợp giữa ngoại giao và đe dọa trừng phạt không có tác dụng đối với Putin. Bài phát biểu của ông ấy, những cáo buộc chống lại phương Tây và việc Nga vắng mặt tại Hội nghị an ninh ở Munich (Đức), diễn đàn quan trọng nhất thế giới về những vấn đề này, là những dấu hiệu cho thấy một cuộc xung đột Đông-Tây mới.

NATO sẽ đưa binh sĩ hỗ trợ cho Kiev?

Hành động của Putin sẽ dẫn đến những thay đổi nghiêm trọng, bao gồm tái vũ trang ở châu Âu, và mối lo sợ của các nước Baltic và Ba Lan có thể sẽ gia tăng sâu sắc. Scholz đã tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng của Đức. Ông đã tham khảo ý kiến ​​một lần nữa với Macron và Tổng thống Mỹ Biden vào buổi tối sau bài phát biểu của Putin. Tuy nhiên, việc đưa binh sĩ vào Ukraine hỗ trợ đã bị loại trừ cùng với Hoa Kỳ.

Bước này sẽ không đi đến hồi đáp“, ba nguyên thủ quốc gia và chính phủ nhấn mạnh sau khi điện đàm với nhau. “Thủ tướng Đức, Tổng thống Mỹ và Tổng thống Pháp bày tỏ tình đoàn kết với Ukraine và ghi nhận phản ứng thận trọng mà Ukraine đã thể hiện cho đến nay dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Volodymyr Zelensky“.

Nhưng liệu phương Tây có thể ngăn cản Putin mở một cuộc chiến tranh lớn ở Ukraine và liệu sau bài phát biểu này ông ấy đã hài lòng với hai vùng đất ở miền đông Ukraine hay chưa? Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev cho biết, Nga nhận thức được rằng động thái này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trước các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đe dọa. Nhưng điều đó cũng sẽ hạ nhiệt trở lại và phương Tây sẽ dịu lại.

Cuộc đấu tranh cho một trật tự mới, một sự xác định lại phạm vi ảnh hưởng của Nga, đã bắt đầu sau 32 năm khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

BÊN BỜ VỰC CHIẾN TRANH

DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ TD 22-2-2022


Putin đã chính thức công nhận hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở Donbass, sau khi Duma Nga mới biểu quyết. Đây là động thái leo thang rất nguy hiểm của Putin, vì nó phá vỡ thỏa thuận Minsk và ngang nhiên vi phạm nguyên tắc bảo toàn lãnh thổ của quốc gia láng giềng Ukraine.

Từ động thái này, Nga dễ dàng tạo cớ để can thiệp quân sự, liên minh quân sự với hai quốc gia tự xưng. Thậm chí, Nga hoàn toàn có thể chơi tiếp bài cũ là sáp nhập vùng Donbas này vào Nga bằng một cuộc trưng cầu dân ý, y như đã làm với Crimea, nếu quốc tế không có nhưng động thái đáp trả đủ mạnh. Nếu việc sáp nhập thành công, Nga sẽ lại thành một đế quốc và Putin sẽ thành Putin đại đế.

Hiện tại, Nga chưa chính thức động binh, nhưng có lẽ điều đó sẽ không còn xa, nếu chiến sự ở Donbas tiếp tục leo thang.

Mấy ngày qua, anh em cuồng Nga vẫn cười cợt, dè bỉu việc phía phương Tây la lối, dự đoán việc Nga sẽ tấn công Ukraine, trong khi Nga vẫn chưa đánh. Thực ra việc la lối om còm đó là cách hành xử rất khôn ngoan để đối phó với Nga.

Khi phương Tây liên tục dự báo ngày tấn công của Nga đồng nghĩa với việc Nga không dám tấn công vào đúng những ngày đó, vì sự kiêu ngạo. Nếu Nga tấn công, thì sợ mang tiếng làm theo dự đoán của Mỹ. Vì thế, nếu không dám chịu nhục thì Nga sẽ chẳng có ngày nào để tấn công hết, do Mỹ cứ luôn mồm dự báo và điều chỉnh dự báo ngày tấn công!

Rõ ràng Mỹ dự báo sai thì cũng mang tiếng, nhưng không ảnh hưởng gì nhiều về kinh tế hay quân sự, còn phía Nga mới bị động, lại là bên điều binh, sẽ rất tốn kém khi kéo hàng trăm ngàn quân đi tập trận ì xèo khắp biên giới với Ukraine. Trong thế mèo vờn chuột này, Nga sẽ thiệt hơn phương Tây.

Việc liên tục dự đoán vậy cũng có cái lợi nữa cho Ukraine và đồng minh phương Tây là có thêm thời gian vận động dư luận quốc tế, hỗ trợ vũ khí và huấn luyện quân Ukraine. Vì quân Ukraine đang yếu sẵn nên thời gian qua họ sẽ được lợi về mặt phát triển trang thiết bị và huấn luyện quân sự. Còn quân Nga thì sẽ chẳng mạnh được hơn thêm, chỉ tốn tiền điều quân.

Mấy ngày qua mình đã viết nhiều về sự dại dột của anh em cuồng Nga người Việt, bao gồm cả báo chí chính thống. Hôm nay, TQ đã chính thức nêu quan điểm phản đối Nga. Công bằng mà nói, Việt Nam luôn là bản sao lỗi của TQ mà thôi.

TQ là 1 nước bá quyền hàng đầu thế giới, nhưng chính lãnh thổ của họ cũng đang rất nhạy cảm về chủ quyền, như các lãnh thổ Đài Loan, Hongkong, Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông…Nếu TQ ủng hộ Nga xâm lược Ukraine thì cũng là tự tay bóp d…, sẽ là bật đèn xanh cho Đài Loan độc lập trước tiên. TQ khôn ngoan hơn Việt Nam ở chỗ đó, dù thực tế Putin vừa gặp Tập Cận Bình để vận động ngoại giao. Rõ ràng ông Tập đang thấy TQ ở cửa trên, Putin cần ông ta chứ không phải ngược lại, nên TQ mới phát biểu như vậy.

Với vai trò khá tương đồng với Ukraine, mình đang hóng phía Việt Nam có quan điểm chính thức về vấn đề xung đột Nga – Ukraine. Bộ Ngoại giao cũng nên can thiệp sớm với Ban Tuyên giáo để khóa mõm bớt các anh cuồng Nga lên báo chí Cách mạng bi bô ủng hộ các hành động gây hấn của Putin đi. Báo chí Cách mạng chính là phát ngôn của đảng và Chính phủ Việt Nam đó. Nhất là ông VTV tem tém cái mồm lại.

Với phát ngôn của TQ, có lẽ Nga đã bị cô lập về ngoại giao trong vấn đề xung đột này. Chắc chỉ còn có mấy thằng em dại là ủng hộ mà thôi.

Dương Quốc Chính


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét