Thứ Ba, 15 tháng 2, 2022

20220216. CHUYỆN XƯNG HÔ Ở TRƯỜNG HỌC

 ĐIỂM BÁO MẠNG


KHÔNG NÊN QUY ĐỊNH CỨNG NHẮC CÁCH XƯNG HÔ GIỮA THẦY CÔ

 VÀ HỌC TRÒ

NGUYỄN ĐĂNG/ GDVN 15-2-2022

Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đang bàn luận khá sôi nổi về sự việc nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân bày tỏ quan điểm: “Yêu cầu giáo viên và cán bộ giáo dục không gọi học sinh là “con” trên trang cá nhân của mình.

Chuyện thầy cô gọi học sinh là “con” hay học trò xưng “con” với thầy cô cũng đã có thời gian được đề cập nhưng cuối cùng cũng chẳng đi đến đâu. Việc gọi học trò là “con" hay là “em” là “bạn” của thầy cô vẫn diễn ra bình thường và nhiều học trò xưng “con” cũng vẫn khá phổ biến.

Suy cho cùng, xưng hô trong quan hệ thầy trò thì từ “con”; “em”; “bạn” cũng bắt nguồn từ thói quen và văn hóa của từng lứa tuổi, địa phương khác nhau mà thôi.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: thphandinhgiot.pgdthanhxuan.edu.vn.

Vì thế, chúng tôi cho rằng xưng hô như thế nào cũng được, miễn sao phù hợp với văn hóa người Việt và thầy trò giữ được khoảng cách, tôn trọng nhau mới là điều mà chúng ta cần hướng tới.

Học trò phổ thông ở miền Nam đa phần xưng “con”

Là người sinh ra và lớn lên ở miền Bắc nên ngày còn học phổ thông rồi sau này lên đại học học tập thì chúng tôi vẫn luôn xưng là “em” trước thầy cô của mình và thấy đó là chuyện rất bình thường vì học trò hay sinh viên nào cũng xưng với thầy cô của mình như vậy.

Ngược lại, thầy cô vẫn xưng là thầy, là cô và gọi chúng tôi là em, các em; bạn, các bạn. Lên đại học thì các thầy cô gọi sinh viên là “anh A, chị B” hoặc “các anh”, “các chị” chứ không thấy các thầy cô gọi “con” bao giờ.

Những năm đầu tiên khi mới ra trường tôi dạy học ở một phía Bắc thì học trò cũng xưng “em” với tôi cũng như với những thầy cô khác và điều này được xem là mặc định.

Bởi, những người sinh ra và lớn lên ở miền Bắc thì phần lớn học sinh từ mầm non trở lên đều xưng “em” với thầy cô của mình. Lên đến đại học cũng vậy, không xưng “con” và cũng gần như không dám xưng “tôi” khi học đại học.

Ngày nay, qua một số clip bài giảng được đưa lên mạng internet, chúng tôi thấy có một số giáo viên mầm non, tiểu học xưng là thầy, cô và gọi học trò là “con” nhưng có lẽ không nhiều.

Còn đối với giáo viên dạy cấp trung học cơ sở trở lên vẫn gọi học trò là “em” hoặc là “bạn A, bạn B…” là cách xưng hô thông thường nhất.

Trái ngược với cách xưng hô trong quan hệ thầy - trò với những tỉnh phía Bắc thì học trò ở các tỉnh phía Nam thường có cách xưng hô rất khác.

Phần lớn học trò từ mầm non đến trung học phổ thông đều xưng là “con” đối với thầy cô của mình, nhất là học trò từ cấp trung học cơ sở trở xuống thì rất hiếm học sinh xưng là “em” dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Chính vì thế, những ngày đầu tiên vào miền Nam dạy học, chúng tôi cũng khá bất ngờ và có phần bỡ ngỡ với cách xưng hô của học trò đối với mình nhưng sau này thấy cũng quen dần vì đó là cách xưng hô thông thường ở trong này.

Đối với thầy cô dạy những học trò lớp nhỏ thì vẫn xưng thầy, gọi con, những thầy cô dạy lớp lớn thì có thể gọi học trò là “em”, là “bạn” và thường xưng tôi hoặc xưng "thầy/cô"…

Việc xưng hô ở các tỉnh phía Nam có phần khác rất nhiều so với các tỉnh phía Bắc bởi học trò các tỉnh phía Nam không chỉ xưng “con” với thầy cô mà cách xưng này khá phổ biến đối với những người không quen biết nhưng đáng tuổi cha mẹ, ông bà của mình.

Khi ra chợ, vào quán cà phê, quán bán hàng ăn sáng thì chúng tôi vẫn thấy cách xưng hô của những người bán hàng, mua hàng cũng vậy. Chẳng hạn như “dì bán cho con mớ rau; cho con ly cà phê; cho con tô bún; chú bán cho con thùng mì…”.

Xưng hô như thế nào cho phù hợp?

Quay lại với ý kiến của nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân, khi ông nêu quan điểm: “Yêu cầu giáo viên và cán bộ giáo dục không gọi học sinh là con”.

Đồng thời ông bày tỏ chính kiến của mình trên trang cá nhân như sau: “Chúng tôi yêu cầu Bộ Giáo dục - Đào tạo thảo sớm một quy chế về xưng hô trong nhà trường nói chung, trước hết là nhà trường phổ thông, trong đó điều thiết yếu là:

1/ Cấm giáo viên không gọi (xưng hô) học trò là "con", "các con"; phải gọi là "trò", "các trò", "các em", "các bạn".

2/ Yêu cầu các nhà báo, các phương tiện truyền thông không gọi học trò mọi cấp (từ mẫu giáo đến đại học) là "các con", "con", khuyến khích các phương tiện truyền thông gọi học sinh là "các bạn";

Cũng yêu cầu các nhà báo, các viên chức tại các giao tiếp sự vụ và công cộng, phải gọi người dạy học là "giáo viên", "giảng viên", không gọi là "thầy", "cô"; dành riêng cho học trò, người đang đi học cách gọi "thầy giáo", "cô giáo" !

3/ Khuyến khích học trò các cấp, nhất là sinh viên đại học, xưng "tôi" trước giáo viên, ngay cả trong không gian trường học”.

Ý kiến của nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân thực ra không sai, có thể đúng với ngôn ngữ giao tiếp của tiếng Việt. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng cũng không nên quá cứng nhắc trong việc “xưng” và “hô” trong hội thoại giữa thầy và trò ở các nhà trường phổ thông.

Thực ra thầy gọi trò là “con”, là “em” là “bạn” khi với một học trò hay “các con”, “các em”, “các bạn” khi với nhiều học trò hoặc trò xưng với thầy cô là “con”, là “em” còn tùy thuộc vào từng tình huống giao tiếp cụ thể.

Miễn sao thầy và trò đều thấy thoải mái, không gượng ép, không cường điệu ngôn ngữ xưng hô mà dẫn đến sự khiên cưỡng trong giao tiếp thông thường, làm cho tiếng Việt mất đi cái hay, cái đẹp vốn có của nó.

Mối quan hệ thầy trò ngày nay có lúc thế này, thế khác nhưng nhìn chung thì nó vẫn là mối quan hệ đẹp, thiêng liêng.

Vì thế, giáo viên gọi học trò là “con” và học trò xưng là “con” thực ra cũng không không có gì bất thường bởi với cách xưng hô như vậy cũng đang thể hiện được sự gần gũi đáng yêu trong quan hệ thầy trò với nhau.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN ĐĂNG
GIÁO VIÊN XƯNG 'CON' VỚI HIỆU TRƯỞNG MỚI CHƯỚNG TAI
ÁNH DƯƠNG/ GDVN 15-2-2022

Bài viết “Giáo viên không được gọi học sinh là ‘con’?” ngày 12/2/2022 đăng tải trên Báo Lao Động nhận được sự bình luận trái chiều của dư luận. [1]

Theo đó, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng, cần loại bỏ ngay cách xưng hô giáo viên gọi học sinh là "con" khỏi trường học, khuyến khích học sinh - sinh viên xưng "tôi" với giáo viên, đồng thời đề xuất với Bộ Giáo dục về việc thống nhất các ngôi nhân xưng giữa thầy cô với học sinh trong các cấp học.

Thế nhưng, cá nhân người viết không đồng tình với quan điểm của ông Lại Nguyên Ân, chỉ khi nào giáo viên xưng "con" với hiệu trưởng mới chướng tai gai mắt, còn thầy cô xưng hô với học sinh thế này có gì mà phải ầm ĩ.

Cách xưng hô phù hợp làm cho cho tình thầy trò đẹp hơn. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Giáo viên xưng hô với học sinh thế nào cho phù hợp?

Tôi cho rằng, việc giáo viên chọn cách xưng thế nào với học sinh là tùy thuộc vào ba yếu tố cơ bản: văn hóa vùng miền, đối tượng học sinh và ý thức của người sử dụng ngôn ngữ.

Đồng nghiệp của tôi ở các tỉnh phía Bắc thường xưng "thầy/cô" và gọi học sinh là "con/em" đối với học học sinh tiểu học, trung học cơ sở. Với học sinh trung học phổ thông, giáo viên thường chuyển sang xưng "tôi" và "em", "trò" (ít dùng hơn). Nhưng với sinh viên thì giảng viên xưng "tôi" và "anh", "chị".

Ở một số tỉnh miền Trung, hầu như giáo viên chỉ xưng "thầy/cô", gọi học sinh là "em" ở các cấp học. Riêng miền Nam, giáo viên đa số xưng "tôi/thầy/cô", gọi học sinh là "con" (ít khi gọi "em") và ngược lại đa số học sinh cũng xưng "con" với thầy cô giáo.

Cách giáo viên xưng "con" với học sinh có thể xa lạ với người miền Trung nhưng ở miền Nam, thầy cô gọi học sinh là "con" đã trở nên quen thuộc bấy lâu nay. Như thế để thấy rằng, thói quen sử dụng ngôn ngữ (từ ngữ) là do yếu tố văn hóa địa phương quyết định.

Việc giáo viên gọi học sinh là "con", theo tôi cũng cần bàn thêm, chứ không phải mặc định là được. Giáo viên gọi học sinh tiểu học, trung học cơ sở là "con" tạo sự gần gũi (học sinh cũng như con em mình), khiến thầy cô phải có trách nhiệm hơn trong việc dạy học và giáo dục các em.

Nhưng, giáo viên dưới 30 tuổi mà gọi học sinh bậc trung học phổ thông (từ 16 đến 18 tuổi) bằng "con" là chưa ổn. Cách gọi thế này là thiếu tôn trọng học sinh vì các em đã khôn lớn. Vì vậy, trong các đề kiểm tra, đề thi thường có câu lệnh “anh, chị hãy làm rõ, hãy cho biết…”, cũng là một cách diễn đạt thể hiện sự tôn trọng đối với người học.

Đồng nghiệp của tôi ở Sài Gòn và một số tỉnh Tây Nam bộ mới ra trường nhưng nhiều giáo viên vẫn gọi học sinh là "con" đều được tôi góp ý cần thay đổi cách xưng hô là "em". Giáo viên trẻ muốn tạo uy quyền cho mình, có thể xưng "tôi" thay vì "thầy, cô". Nếu muốn thể hiện sự thân thiện, giáo viên gọi học sinh là "bạn, các bạn" cũng hay.

Vậy nên, việc ông Lại Nguyên Ân đề xuất với Bộ Giáo dục và Giáo dục thống nhất các ngôi nhân xưng giữa thầy cô với học sinh trong các cấp học là khiên cưỡng. Giả sử Bộ Giáo dục ra văn bản quy định cách xưng hô giữa giáo viên và học sinh thì cũng không mấy ai thực hiện.

Tôi dạy học ở Sài Gòn 15 năm, đồng nghiệp tôi đa số gọi học sinh là "con" nhưng tôi thì không bao giờ gọi như thế. Tôi chỉ xưng "thầy" và gọi học sinh là "em" bởi đơn giản tôi là người miền Trung, thói quen sử dụng từ ngữ đã đi vào tiềm thức, không thay đổi được.

Theo tôi, giáo viên xưng ‘con’ với hiệu trưởng mới là chuyện đáng bàn. Đơn vị tôi công tác có một số giáo viên thường xuyên xưng "con" với lãnh đạo trong cuộc họp hội đồng sư phạm khiến tôi chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Dĩ nhiên, những giáo viên này đều trẻ tuổi, quen với cách xưng hô thầy cô mình thuở đi học, đến lúc làm giáo viên cũng không có ý thức thay đổi.

Việc giáo viên xưng "con" với hiệu trưởng (cho dù là theo thói quen vùng miền đi chăng nữa) cũng khiến số đông đồng nghiệp có cái nhìn thiếu thiện cảm. Bởi, cách xưng hô này trông giáo viên có vẻ khúm núm, quá nhỏ bé, non nớt (nếu như không muốn nói thấp cổ bé họng) trước hiệu trưởng.

Giáo viên xưng "con" dễ làm cho người khác nhận xét là họ cần sự chiếu cố, giúp đỡ của lãnh đạo. Cũng có người cho rằng, cách xưng hô mang tính thân tộc này thể hiện sự phục tùng tuyệt đối với cấp trên hoặc là một hành vi nịnh những mong được cầu thân là hoàn toàn có lí.

Bàn về giao tiếp xưng hô tiếng Việt bằng từ thân tộc (tôi chỉ đề cập đến từ "con"), tôi đồng tình với nhận định của Giáo sư Ngôn ngữ học Nguyễn Văn Khang (Hà Nội):

“Các từ xưng hô thân tộc có vai trò đặc biệt quan trọng trong giao tiếp xưng hô của người Việt từ trong gia đình đến ngoài xã hội, từ giao tiếp phi quy thức đến giao tiếp quy thức.

Những biến động của giao tiếp xưng hô tiếng Việt hiện nay trong đó các từ xưng hô thân tộc đặt ra những cách nhìn và cách tiếp cận mới sao cho phù hợp với bối cảnh ngôn ngữ-xã hội của Việt Nam hiện nay”.

Tài liệu tham khảo:

[1] //laodong.vn/y-kien-ban-doc/giao-vien-khong-duoc-goi-hoc-sinh-la-con-1013590.ldo

[2] //vci.vnu.edu.vn/upload/15022/pdf/5763a0c27f8b9a0bbd8b459a.pdf

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Ánh Dương
NAN GIẢI NHÂN XƯNG
SEN HOA/ BVN 15-2-2022

Mấy hôm nay, trên không gian mạng và báo chí bùng lên cuộc thảo luận về danh xưng “thầy/cô” và “con” trong trường học. Ý kiến xem chừng có nhiều khác biệt. Ông Vương Trí Nhàn phản đối kịch liệt cách gọi này, Báo Lao động cũng có bài dài phản ánh, nhưng chả thấy nhà giáo hay nhà nghiên cứu/quản lý giáo dục nào mở miệng. Nhân tiện, xin đưa lại bài đã đưa lên FB cách đây vài năm để hưởng ứng cuộc thảo luận này.

Có lẽ phải đến những năm cuối của thế kỷ 20, các phương tiện thông tin của nhà nước vẫn sử dụng từ “đồng chí” để tương tác với công chúng. Trong các bài phát biểu, người ta thường bắt đầu bằng “thưa các đồng chí” hay “các đồng chí thân mến”. Cách gọi công chúng là “đồng chí” thực ra là khiên cưỡng, áp đặt và sai bét. Trong số chín chục triệu dân của nước Việt, chỉ có khoảng dưới 5 triệu người mới gọi nhau là đồng chí thôi. Đại đa số dân chúng còn lại, bao gồm trẻ em, những người có chủ kiến khác, hoặc chả có chủ kiến gì, họ chả có “đồng chí” gì với các đồng chí cả, đừng có nhận vơ.

Khi đất nước đi vào kinh tế thị trường, người ta bỗng sổ toẹt vào mớ lý thuyết hổ lốn về giai cấp và nhà nước xã hội chủ nghĩa không tưởng. Thành phần xã hội trở nên đa dạng hơn, nhiều chủ thuyết và niềm tin hơn, một lằn ranh giữa kẻ bóc lột và bị bóc lột, kẻ cai trị và người bị trị ngày càng rõ hơn, thuật ngữ “đồng chí’ bỗng trở nên lạc lõng và vô lối, nếu tiếp tục cái kiểu vơ đũa cả nắm ấy thì rất buồn cười, nên thuật ngữ này chỉ còn được dùng trong tương tác có tính hình thức của “các đồng chí” với nhau thôi. Từ những năm 1990 trở đi, giới truyền thông chuyển sang “thưa quý vị”. Nghe danh xưng đồng chí đến mức quen tai, lúc đầu thấy “thưa quý vị” cứ thấy ngường ngượng, sao sao ấy. Sau cũng quen dần, và giờ nếu bị gọi ai đó là đồng chí thì không khéo khối kẻ sẽ ăn tát nổ đom đóm mắt.

Ngoài cách gọi “đồng chí” được phổ thông hóa trong mọi quan hệ xã hội, các đồng chí cũng đưa vào đời sống công sở và học đường một hệ thống các thuật ngữ nhân xưng vốn chỉ để sử dụng trong quan hệ gia đình, như chú, bác, anh, chị, em, cháu, con. Có nhiều bài viết đã ca ngợi cách xưng hô như vậy trong công việc là một hình thức giản dị, trong sáng, gần gũi và thân mật. Người ta thường phải cố đoán tuổi của người đối diện để gọi nhau cho đúng thứ bậc, nếu sai thì “ngại lắm”. Hình như chính các đồng chí cũng không thích lối gọi không phân biệt trên dưới già trẻ tuốt tuột đều là “đồng chí” nên dễ dãi chấp nhận. Có người giỏi moi móc bảo chính Ông Cụ là người đầu tiên xưng Bác và gọi cấp dưới là các cô, các chú chứ trước đó, trong giao tiếp công sở và xã hội mà gọi nhau thế thì suồng sã lắm. Nhiều bài viết đã xúm xít vào ngợi ca lối xưng hô quê mùa dân dã này là “gần gũi”. Thế mà gần đây người ta đã quên phắt “các cô”, “các chú”, lãnh đạo thích được gọi là ngài, là quý vị, là “sếp”, còn trong văn bản và hội họp chính thức thì phải đọc đầy đủ chức danh. Cứ vào mỗi cuộc hội họp, nghe tay dẫn chương trình thưa gửi một loạt cái chức của đại biểu là ngứa cả … tai. Nghe nói khối tay mất chức mất việc vì không đọc đủ chức danh của lãnh đạo. Đúng là một hình thức nửa tây nửa ta, nửa phong kiến, nửa tư sản, chả ra đâu vào đâu, lắm lúc nghe chức danh mà cười ra nước mắt.

Có lẽ các đồng chí bắt đầu ý thức được tầng lớp và giai cấp của mình là “ăn trên ngồi trốc”, tổ chức của mình là “tổ chức cầm quyền”, không thể bình đẳng với đám tiện dân nên bỏ gọi họ là “đồng chí”? Vậy nên thuật ngữ “đồng chí” bây giờ chỉ còn dùng khi các đồng chí choảng nhau trong cuộc họp. Mỗi khi họ không còn gọi nhau là anh em chú bác hay sếp, sir, ngài gì nữa, mà là đồng chí, thì phải hiểu là tình hình căng lắm rồi, choảng nhau to rồi, hoặc cạn tình rồi, thì gọi nhau đồng chí.

Có một đồng nghiệp cùng ngành với mình, nay đã ngoài bát tuần, vẫn còn tinh anh lắm, phàn nàn về danh xưng “đồng chí” thế này: Ở cơ quan tớ, mỗi khi họp, chúng nó giới thiệu đồng chí này là giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, không thì chức vụ này nọ, đến mình thì không có chức có danh gì cả, họ bí, bèn gọi là đồng chí. Bị gọi là đồng chí thì cũng tức, nhưng chưa biết phản ứng ra sao. Một hôm, tại một cuộc họp có nhiều lãnh đạo dự, tay dẫn chương trình giới thiệu hết các chức danh lãnh đạo “bề trên”, đến lượt mình không chức danh gì nên được họ giới thiệu là đồng chí. Chờ cho màn kịch giới thiệu xong, mình xin phát biểu: “Tôi không đồng đảng với các ông, cũng chả đồng chí hướng với ai, đề nghị lần sau không gọi tôi là đồng chí nữa, tôi đếch đồng chí với các ông, tôi có tên thì cứ tên tôi mà gọi, ha ha…

Ở chốn công quyền đã vậy, ở học đường cũng gay cấn không kém. Các cô các thầy ở bậc phổ thông thích học trò gọi mình là thầy/cô và xưng con. Các đồng chí quân sự/công an khi dạy nội/ngoại khóa ở các trường cũng hớn hở được gọi là thầy/cô, và rất ghét đứa nào dám gọi họ là đồng chí. Ở bậc đại học, tình trạng nhân xưng cũng loạn xà bần. Có người thích xưng là thầy/cô với học trò và gọi họ là em (TÔI vs EM). Có người thích xưng tôi và gọi sinh viên là bạn (TÔI vs BẠN). Lại có người xưng tôi và gọi sinh viên là cô/cậu (TÔI vs CÔ/CẬU). Nhiều sinh viên công khai chia sẻ trên mạng họ cảm thấy khoảng cách với thầy cô ở trên lớp quá xa nếu bị gọi là cô hay cậu. Còn các nữ sinh viên thì rất ghét bị gọi là cô, nghe nó cứ như nào ý! Một lần đọc được ý tưởng của một sinh viên than phiền bị mình gọi là cô, thấy sờ sợ, xa xa, mình quyết định cho cả lớp thảo luận về nhân xưng giữa thầy/cô với sinh viên, có bạn thậm chí còn đề xuất hay là cứ xưng hô như ở lớp mẫu giáo, thầy/cô và các con, cho nó thân mật! Có cô còn phản đối kịch liệt, bảo: Thầy mà còn gọi em là "cô" thì em ứ chơi với thầy nữa.

Còn nhớ hồi mình là sinh viên những năm đầu 1970, các thầy cô đa phần đều dùng từ “đồng chí” trong tương tác thầy/trò thì GS Trần Quốc Vượng lúc ấy lại gọi sinh viên là ÔNG và BÀ, một sự lạ lẫm trong học đường. Nhiều học trò ở chiến trường về, không quen kiểu gọi TƯ SẢN ấy, đã phản đối. GS Trần Quốc Vượng ôn tồn giải thích: Sinh viên khác với học sinh, họ cần được tôn trọng, và bình đẳng với người thầy trong tư duy. Gọi họ là Ông là Bà cũng là cách thể hiện sự tôn trọng và bình đẳng trong học giới! Không phải ai cũng đồng ý với thầy, vì họ thấy nó cứ là lạ thế nào ý. Ngoài ra, mình cũng thấy khối ông/bà giáo thích cách gọi mày/tao với học trò, cho đó là sự thân mật dân dã. Bị ấn tượng bởi câu chuyện này, mỗi lần ra nước ngoài, đi học hay đi dạy, mình thường để ý xem thầy/trò họ xưng hô với nhau như thế nào. Có hai cách xưng hô phổ biến, không phân biệt cấp học, dù là tiểu học hay đại học:

(1) Trong tương tác chính thức, thầy/cô gọi trò theo họ chứ không bằng tên tục, có danh xưng Mister hay Miss ở trước. Ví dụ học trò có họ tên đầy đủ là John Founder thì thầy/cô sẽ gọi anh ta là Mister Founder, rất lịch sự và trang trọng;

(2) Ngoài lối gọi chính thức thì trong đời sống hàng ngày, thầy/cô thích gọi học trò bằng tên cúng cơm của họ, ví dụ John, và học trò cũng gọi thầy bằng tên cúng cơm, ví dụ: Otto. Tương tác giữa họ hoặc là sự tôn trọng hoặc là sự thân mật tùy thuộc vào cảnh huống cụ thể mà có cách xưng hô cho hợp thức.

Tiếc là giáo dục ở xứ An Nam ta đến nay vẫn bùng nhùng trong cách dùng từ nhân xưng. Có vẻ nó cũng giống như tình trạng hỗn loạn của hệ thống giáo dục ở ta hiện nay, đang thiếu một chuẩn mực rõ ràng về cách sử dụng từ nhân xưng thích hợp khi tôn trọng nhau và khi thân thiết với nhau?

Xin các bậc thức giả rộng đường chỉ giáo.

S.H.

Nguồn: FB Sen Hoa

XƯNG HÔ NGOÀI XÃ HỘI VÀ TRONG NHÀ TRƯỜNG

MẠC VĂN TRANG/ TD 14-2-2022

Đại từ nhân xưng của tiếng Việt quả là rắc rối không chỉ với người nước ngoài khi học tiếng Việt mà nhiều khi gây bối rối cho chính người Việt.
1. Xưng hô ngoài xã hội
Xưng hô ngoài xã hội tuỳ thói quen, mỗi nơi một khác. Tôi thấy xưng hô ngoài xã hội ở trong Nam có khác với ngoài Bắc. Trong Nam, người nhỏ tuổi thường gọi người lớn tuổi ngang tầm ba, má mình là Cô/Chú/Bác và xưng CON; người lớn tuổi cũng gọi người trẻ ngang tuổi con mình là CON một cách khá tự nhiên, thoải mái. Những nhân viên bán hàng, dịch vụ, cả viên chức nhà nước, công an, quân nhân… tôi tiếp xúc cũng xưng hô như vậy. Lúc đầu tôi thấy ngại ngại, sau quen dần, thấy thật dễ chịu.
Đối với người lớn tuổi, cách xưng hô như trên, tự nhiên thấy mình được tôn trọng, phải ứng xử tử tế hơn. Khi gặp các cháu nhỏ, chúng lễ phép: Con chào Ông/Bà, thấy các cháu thật dễ thương. Đối với người trẻ khi xưng Con với người lớn tuổi, chắc cũng tự nhiên lễ phép hơn.
Tôi thấy bỡ ngỡ và băn khoăn, khi gặp nhau, người trong Nam thường hỏi tuổi ngay và nếu mình hơn tuổi là xưng Anh/Chị liền và gọi người đối thoại là Em. Người kia cũng xưng Em (có khi miễn cưỡng). Lần đầu nhà giáo Phạm Toàn và tôi gặp bà Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó Chủ tịch nước), khi chúng tôi “chào Chị"! Bà liền bảo: Các Em ngồi xuống đây. Mặc dù nhà giáo Phạm Toàn đã ngoài 80 tuổi, bà vẫn Chị Chị - Em Em rất tự nhiên. Cuối buổi bà bảo, có chai rượu ngon, Chị không biết uống, các em đem về uống cho khoẻ mà làm việc. Bà vẫn giữ cách xưng hô kiểu Nam bộ như vậy một cách rất tự nhiên. Lúc đầu có ngỡ ngàng, sau quen thấy dễ chịu.
Chiều mùng Một Tết Nhâm Dần, hai vợ chồng tôi đi dạo vào xóm bờ sông Soài Rạp, ngắm hoa lá, cỏ cây. Một ông mời vào nhà uống nước. Hỏi ra ông là quan chức to về hưu. Bà xã tôi hỏi tuổi, ông nói 65, bà xã tôi liền xưng Chị, gọi Em luôn! Tôi thấy kỳ kỳ, sao ấy; tôi vẫn gọi là Anh, bà xã tôi bảo, anh lớn tuổi mà gọi vậy làm Em tổn thọ đó!...
Có chuyện vui, mấy cô diễn viên nhà hát đi picnic, lúc qua chợ quê, dừng xe xuống mua trái cây. Bà bán hàng nói, mua cho Má đi các Con. Cô diễn viên hỏi, Má nhiêu tuổi rồi?
- Má 60.
- Trời, Con hơn Má 2 tuổi đó! Cũng hổng có sao! Rất là vui.
Cách xưng hô trong xã hội phía Nam như nêu trên, dường như “mất dân chủ" áp đặt người ít tuổi là phải tuân phục người lớn tuổi. Nhưng trên bình diện xã hội, tôi thấy LỢI hơn là HẠI, nó tạo nên môi trường xã hội thân thương; người với người gần gũi nhau hơn, tình người dễ lan tỏa ấm áp, sẵn sàng chia sẻ, nhường nhịn nhau. Đó là một “không khí đạo đức" dân gian, tự nhiên thấm vào mỗi con người từ nhỏ.
Những người từ ngoài Bắc vào Nam cũng bị “đồng hoá" rất nhanh “không khí đạo đức" nói trên, hẳn là nó dễ chịu hơn, ưu việt hơn. Trong đại dịch vừa qua, người dân miền Nam đã thể hiện sự đồng cảm, thương yêu, giúp đỡ những đồng bào gặp hoạn nạn với biết bao điều cảm động. Trong số những người dấn thân làm thiện nguyện không mệt mỏi, tôi thấy nhiều người từ miến Bắc mới vào sống trong Nam sau 30/4/1975. Cái văn hoá xởi lởi, thân thương người với người đã ảnh hưởng đến họ nhanh chóng và sâu đậm.
2. Xưng hô trong nhà trường
Xưng hô trong nhà trường hiện nay kế thừa tất cả các kiểu xưng hô từ thời phong kiến, thực dân, cách mạng, hoà trộn với lối xưng hô từ xã hội, nên rất bát nháo.
Đúng là đã đến lúc Bộ Giáo Dục và Đào tạo cần soạn thảo “QUY TẮC ỨNG XỬ TRONG NHÀ TRƯỜNG", trong đó có vấn đề xưng hô. Xưng hô CHÍNH THỨC (formal) ở trường, lớp nên thống nhất, còn ngoài lớp, giao tiếp phi chính thức (Informal) thì linh động tuỳ quan hệ và thói quen địa phương.
Theo thiển ý, ở lớp MẪU GIÁO Cô và Trò nên xưng hô Cô - Cháu hoặc Cô và Con cũng được.
- Ở TIỂU HỌC và Trung học sơ sở (THCS-cấp 2), nên xưng hô Thầy/Cô và EM. Giáo viên nên gọi học sinh là Trò hay Em.
- Ở Trung học phổ thông (THPT-cấp 3), Giáo viên nên xưng Tôi và gọi Học sinh (HS) là Em và HS gọi Giáo viên (GV) là Thầy/Cô và xưng TÔI.
Xưng TÔI về mặt tâm lý rất quan trọng. Khi xưng TÔI trong giao tiếp xã hội thể hiện sự tự khẳng định nhân cách xã hội trưởng thành. Thực ra, thiếu niên 16 tuổi đã hình thành Nhân -cách - tâm - lý, rất khao khát tự khẳng định mình, nên xưng TÔI sẽ giúp các em sớm tự khẳng định mình vươn lên Người - trưởng - thành.
Học sinh Tiểu học chưa trưởng thành, nên khi mắc lỗi, thường đổ tại: “Bạn ấy xui em"; “Em thấy các bạn làm nên bắt chước"; “Cô bảo thế, Mẹ em bảo thế”...
Học sinh THCS là giai đoạn chuyển tiếp từ Thiếu niên thành Người - trưởng - thành; giai đoạn diễn ra những bất ổn, xung đột tâm lý, nhưng xu hướng có tính quy luật là vươn lên Người - trưởng - thành.
Học sinh THPT khi 18 tuổi, đã hết tuổi vị thành niên, được đi bầu cử, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, tức đã trưởng thành Nhân - cách - xã - hội.
Người Trưởng thành là người dám khẳng định CÁI TÔI: “Tôi nghĩ vậy, điều đó chính tôi nói"; “Việc đó chính tôi làm, tôi chịu trách nhiệm"; “Sai lầm đó chính do tôi gây ra, tôi xin nhận lỗi, xin lỗi, chuộc lỗi"; “Tôi quyết định chọn nghề này bởi vì tôi hiểu rõ năng lực, hoàn cảnh của mình và tương lai nghề nghiệp đã chọn"; “Tôi biết việc đó là mạo hiểm, nhưng tôi muốn được trải nghiệm những thử thách"; v.v…
Cho nên cốt lõi của giáo dục là tổ chức sự phát triển, sự Trưởng thành của học sinh, của thế hệ trẻ nói chung.
Nhiều nước làm Lễ Trưởng Thành cho HS hết THPT cũng là qua 18 tuổi. Có nơi còn có lệ, để đánh dấu sự trưởng thành, sau Lễ trưởng thành người thanh niên có quyền hút thuốc lá, uống bia/rượu, công khai dẫn bạn tình về nhà.
Vì những lẽ trên, ở THPT giáo viên nên xưng TÔI (hoặc Thầy/Cô) nhưng học sinh thì yêu cầu xưng TÔI trong giao tiếp chính thức (formal).
- Các trường lớp sau THPT (Cao đẳng, trường nghề, Đại học, sau Đại học) tất cả học sinh, sinh viên, học viên, Nghiên cứu sinh (NCS) đều xưng TÔI với Giảng viên. Giảng viên gọi sinh viên/học viên là các Anh/Chị hoặc các Bạn.
Những điều trên là nói về giao tiếp Chính thức (Formal) trong trường, lớp. Còn ngoài trường, lớp, giao tiếp phi chính thức (Informal) thì tuỳ quan hệ và thói quen. Bản thân tôi khi ở trên lớp, luôn gọi học viên cao học, NCS là các Anh/Chị/các Bạn; nhưng ở ngoài lớp, trong quan hệ cá nhân vẫn gọi các Em, có học viên, NCS vẫn xưng Con.
3. Nói thêm
Các cơ quan công quyền, các tổ chức “chính trị, xã hội… cũng nên có QUY ĐỊNH GIAO TIẾP, trong đó có chuyện xưng hô cho chuẩn mực. Tình trạng “Ở cơ quan thì gọi Chú, lúc bù khú thì gọi Anh, lúc đấu tranh gọi Đồng chí" là khá phổ biến đó.
Đặc biệt lưu ý các Phóng viên báo chí, truyền hình, đừng có gọi học sinh là Con/Em mà phải gọi CÁC BẠN và xưng TÔI. Nhiều phóng viên rất chướng, khi phỏng vấn cứ áp đặt mình là Chị và gọi sinh viên (SV) là em. Xưng hô trên phương tiện truyền thông cần cẩn trọng, theo xu hướng văn hoá tiến bộ.
TÓM LẠI: Xưng hô phi chính thức (Informal) trong đời sống xã hội thì linh hoạt tùy môi trường văn hoá - xã hội, thói quen vùng miền. Nhưng xưng hô trong giao tiếp chính thức (Formal) thì cần có quy định chuẩn mực, thống nhất, theo xu hướng Dân chủ, Bình đẳng, Tôn trọng cá nhân.
Trước hết ngành Giáo dục cần sớm khắc phục tình trạng xưng hô láo nháo hiện nay bằng một Bản "QUY TẮC ỨNG XỬ TRONG NHÀ TRƯỜNG" trong đó có vấn đề xưng hô sao cho hợp với xu hướng văn hoá tiến bộ.
XƯNG HÔ THẦY TRÒ CHỈ NÊN THỐNG NHẤT TRONG PHẠM VI TỪNG TRƯỜNG, KHÔNG LUẬT HÓA
NGỌC ÁNH/GDVN 19-2-2022
GDVN- Theo Giáo sư Phạm Tất Dong, việc quy định cách xưng hô của thầy cô đối với học sinh là không cần thiết, điều này vô tình tạo nên sự cứng nhắc trong giao tiếp.

Xuất phát từ một tấm ảnh trên mạng xã hội “Chào mừng các con học sinh trở lại trường học”, một lần nữa lại dấy lên tranh luận thầy cô có nên gọi học sinh là “con”.

Trên trang cá nhân, nhà nghiên cứu - phê bình văn học Lại Nguyên Ân bày tỏ quan điểm: Yêu cầu giáo viên và cán bộ giáo dục không gọi học sinh là “con”.

Ông yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm soạn thảo một quy chế về xưng hô trong nhà trường nói chung, trước hết là tại các trường phổ thông, trong đó giáo viên không gọi học trò là "con", "các con" mà phải gọi là "trò", "các trò", "các em", "các bạn".

Cũng theo quan điểm của ông Lại Nguyên Ân, các phương tiện truyền thông cũng không nên gọi học trò mọi cấp (từ mẫu giáo đến đại học) là “các con”, “con". Ông Ân khuyến khích học trò các cấp, nhất là sinh viên đại học, xưng “tôi” trước giáo viên, ngay cả trong không gian trường học.

Trước quan điểm gây nhiều tranh cãi của nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia, giảng viên về vấn đề này.

Không nên quan trọng hóa vấn đề

Theo Giáo sư Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, việc đưa ra quy định nghiêm ngặt về cách xưng hô của thầy cô với học sinh là không cần thiết, điều này vô tình tạo nên sự cứng nhắc, khiên cưỡng trong giao tiếp.

Giáo sư Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. (Ảnh: Thùy Linh)

Nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, vấn đề xưng hô giữa thầy cô và học trò chỉ là một phần trong giáo dục nhà trường, cách thức xưng hô cũng không thể đánh giá hoàn toàn chất lượng giáo dục.

Vấn đề các cơ sở giáo dục cần quan tâm đó là cách ứng xử, thái độ học tập của học sinh. Mặt khác, nhà giáo không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy cách làm người, hình thành và phát triển nhân cách người học nên mỗi thầy cô phải là những tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức để học sinh noi theo.

"Gọi trò là "con" thì giáo viên phải có trách nhiệm dạy dỗ, bảo ban học sinh đó như con của mình chứ không vì thế mà có những hành vi sai trái như xúc phạm, bạo hành học trò. Nếu xảy ra tình trạng như vậy thì cần phải lên án.

Theo tôi, tùy vào tình huống giao tiếp, độ tuổi, văn hóa địa phương... giáo viên sẽ mềm dẻo, linh hoạt khi xưng hô, thể hiện được sự tích cực trong mối quan hệ hai bên. Thực tế, nhiều phụ huynh mong muốn con em mình được thầy cô gọi là "con" song, cũng không ít người phản đối", Giáo sư Phạm Tất Dong nêu quan điểm.

Xưng hô phù hợp theo từng cấp học

Cùng chia sẻ về vấn đề trên, Giáo sư Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, cách xưng hô trong môi trường học đường cần phải nhìn nhận ở cả mặt lý luận, tâm lý giáo dục và truyền thống tôn sư trọng đạo của Việt Nam.

"Nhiều học sinh xưng "con" với thầy cô bởi "thầy cô như cha mẹ hiền", khi đó cách gọi này hết sức bình thường và tạo sự thân mật, gần gũi. Tuy nhiên quan niệm xưng “con” sẽ tình cảm hơn xưng “em” là không đúng. Theo tôi, giáo viên và học sinh xưng hô với nhau thế nào còn tùy thuộc vào tình huống, văn hoá vùng/miền, ngữ cảnh...", Giáo sư Đinh Quang Báo nói.

Theo nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cách xưng hô của thầy và trò cũng nên đặt trong sự phù hợp của từng cấp học.

Với khối mầm non và tiểu học, giáo viên có thể xưng hô "thầy/cô-con" để tạo cảm giác gần gũi, quan tâm.

Đến cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo viên nên chuyển cách xưng hô từ "thầy/cô-con" sang "thầy/cô-em" bởi nhiều giáo viên trẻ mới đi dạy một vài năm, khoảng cách tuổi tác giữa thầy và trò không lớn, nếu gọi trò là "con" sẽ gây phản cảm.

Đối với bậc đại học, cao đẳng... giảng viên nên xưng hô "tôi-các bạn/các anh, chị" vì ở cấp học này, người học đã có tư cách công dân, việc xưng hô như vậy sẽ thể hiện sự tôn trọng của người dạy đối với sinh viên, học viên, tạo môi trường bình đẳng, dân chủ trong không gian học đường.

Giáo sư Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Xuân Trung.

Trước đề xuất soạn thảo và ban hành quy chế về xưng hô trong nhà trường của nhà nghiên cứu - phê bình văn học Lại Nguyên Ân, Giáo sư Đinh Quang Báo cho rằng, các nhà trường nên thống nhất về cách xưng hô nhưng không nên luật hóa, quá khắt khe trong vấn đề này.

"Theo tôi, quy chế này chỉ nên mang tính hướng dẫn để thầy cô dựa vào đó tìm cho mình cách xưng hô phù hợp, chuẩn mực, vừa đúng với ngữ cảnh, tình huống, vừa thể hiện sự tôn trọng, thương yêu của giáo viên đối với học trò", nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ.

Cũng về vấn đề này, Phó Giáo sư Phạm Mạnh Hà - hiện công tác tại Khoa Quản lý Giáo dục - Trường Đại học Giáo dục Hà Nội (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hiện tại Luật Giáo dục của Việt Nam không có quy định cụ thể về xưng hô đối với từng đối tượng trong trường học.

Phó Giáo sư Phạm Mạnh Hà nhận định, việc xưng hô trong nhà trường không chỉ thể hiện nguyên tắc của giáo dục mà còn cho thấy văn hóa ứng xử giữa thầy và trò.

"Tôi thấy việc tạo ra một quy định cứng nhắc về xưng hô trong nhà trường là không cần thiết nhưng nên có một sự thống nhất chung tại các trường học. Xưng hô giữa thầy và trò cần dựa trên yếu tố văn hóa, thứ bậc và phản ánh đúng vị thế của người dạy lẫn người học.

Ở mỗi cấp học, thầy cô sẽ có cách xưng hô với học trò khác nhau. Cá nhân tôi, khi đi dạy tôi ít khi gọi sinh viên là "em" mà thường xưng hô "thầy-các bạn", gọi như vậy để thể hiện sự tôn trọng của tôi dành cho sinh viên của mình.

Ngược lại, tôi cũng yêu cầu sinh viên xưng hô "em-thầy" khi muốn trao đổi, phát biểu ý kiến tại lớp học. Đối với học viên cao học, nghiên cứu sinh thì sẽ dùng đại từ nhân xưng "tôi" bởi nhiều trường hợp học viên lớn tuổi, nếu tôi quy định họ phải gọi "thầy" xưng "em" hoặc xưng "con" sẽ rất vô lý", Phó Giáo sư Phạm Mạnh Hà cho hay.

Ngọc Ánh
TRONG TRƯỜNG MẪU GIÁO, NẾU TRẺ XƯNG 'TÔI' VỚI GIÁO VIÊN LIỆU CÓ DỄ NGHE ?
TRUNG DŨNG/ GDVN 19-2-2022
GDVN- Không nên cứng nhắc trong xưng hô ở nhà trường, làm sao để trẻ không sợ sệt và nâng cao được chất lượng học tập mới là quan trọng nhất.

Dư luận vẫn chưa hết tranh cãi với bài đăng trên trang cá nhân của nhà nghiên cứu phê bình văn học Lại Nguyên Ân, khi ông bày tỏ quan điểm rằng, yêu cầu giáo viên và cán bộ giáo dục không gọi học sinh là “con”.

Vị này cũng đồng thời yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm thảo một quy chế về xưng hô trong nhà trường, yêu cầu giáo viên và học sinh, sinh viên cần thay đổi cách gọi.

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cũng chỉ ra 3 điều thiết yếu trong quy chế trong đó có đề xuất đáng chú ý rằng, cấm giáo viên không gọi học trò là “con”, “các con”; phải gọi là “trò”, “các trò”, “các em”, “các bạn”.

Đồng thời cho rằng, khuyến khích học trò các cấp, nhất là sinh viên đại học, xưng "tôi" trước giáo viên, ngay cả trong không gian trường học [1].

Cô Diên Thị An - Hiệu trưởng Trường mầm non Lục Dạ, Con Cuông, Nghệ An. Ảnh: T.D

Sau sự việc này, dư luận đã dấy lên nhiều ý kiến trái chiều, nhiều người cho rằng việc xưng hô giữa giáo viên và học sinh như thế nào thực ra cũng chỉ là một phương thức giao tiếp, không nên quá đặt nặng và cầu kỳ những tiểu tiết như vậy.

Điều quan trọng và cốt lõi ở các nhà trường là làm sao để có thể đạt được một môi trường giáo dục thân thiện, chất lượng giáo dục được nâng cao.

Chia sẻ về vấn đề này, cô Diên Thị An - Hiệu trưởng Trường mầm non Lục Dạ (Con Cuông, Nghệ An) cho biết: “Với các cấp học khác, có thể việc giáo viên và cán bộ trong trường dùng cách gọi học trò là “con” không phổ biến. Nhưng với bậc học mầm non, cách gọi học trò là “con” hầu như là đại trà và nhiều giáo viên trong các trường vẫn thường sử dụng cách gọi này.

Theo tôi, có thể là do từ bao lâu nay, cách xưng hô này đã tạo ra được cảm giác gần gũi, thân thiện giữa giáo viên và học sinh nhất. Điều này khiến cho trẻ mầm non thấy được cảm giác an toàn như khi các em đang ở bên cạnh mẹ của mình vậy.

Hơn nữa, nhiều khi nếu chúng ta áp dụng cách gọi học trò mẫu giáo bằng các từ ngữ khác thay vì cách gọi “con” như cũ, rất dễ tạo cho trẻ cảm giác xa lạ. Vì trên thực tế, với các trường mầm non, là nơi mà các em chập chững bước những bước đầu tiên đến trường. Khi rời xa vòng tay cha mẹ để ở trong môi trường mới và lạ lẫm, thì giáo viên gọi các em là “con” cũng phần nào giúp các em bớt đi sự sợ sệt.

Còn với các bậc học khác cao hơn, khi các học sinh đã hình thành tương đối hoàn chỉnh về mặt tâm sinh lý, hoàn toàn có thể cho giáo viên áp dụng cách gọi là “em” hoặc “các em”. Nhưng dù sao, cũng nên dựa trên tình hình thực tế ở môi trường mà các em đang tiếp cận.

Tóm lại, cách giáo viên gọi học sinh như thế nào nên để ở trạng thái tự nhiên, linh hoạt và tùy cách ứng xử với học sinh của từng cấp học. Không nên đưa việc này vào khuôn khổ và quy định cứng rằng phải gọi như thế này hoặc phải gọi như thế kia.

Chẳng hạn, giờ ở cấp học mầm non, nếu chúng ta không cho giáo viên gọi học trò là “con” như cũ nữa mà gọi với tên gọi khác. Còn với học trò mẫu giáo, chúng ta yêu cầu các em gọi giáo viên của mình là “cô” nhưng xưng “tôi” thì liệu có hợp lý?”.

Để làm rõ hơn về việc xưng hô trong nhà trường, cô An cũng cho biết rằng, tại trường mầm non Lục Dạ, từ trước cũng đã có một bộ quy tắc ứng xử. Theo vị Hiệu trưởng này, trong bộ quy tắc đó cũng đưa ra những quy tắc về cách xưng hô giữa giáo viên với học sinh nhưng đều dựa trên sự linh hoạt chứ không cứng nhắc, áp đặt.

Cô An nhấn mạnh thêm: “Bộ quy tắc về ứng xử với cách xưng hô như thế nào chúng tôi cũng dựa trên tình hình thực tế và có khảo sát để đưa vào. Qua đó, chúng tôi khuyến khích cán bộ, giáo viên nên thực hiện theo chứ cũng không bắt ép mọi người phải thực hiện theo khuôn mẫu chung nào cả.

Việc gọi học sinh như thế nào cho hợp lý nhà trường cũng để giáo viên chủ động trong cách dùng từ, nhưng phải nhẹ nhàng và thân thiện với học sinh nhất. Mục đích cuối cùng thông qua việc giao tiếp đó, khoảng cách giữa cô và trò được rút ngắn lại, tạo ra tâm lý hứng thú, tiếp thu bài giảng thật tốt của học sinh với các giáo viên”.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan – Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI) cho rằng: “Xét về góc độ pháp lý, trong Luật Giáo dục từ trước tới nay, những nhà làm luật họ cũng không đưa ra điều khoản nào để quy định bắt buộc, yêu cầu giáo viên phải xưng hô thế nào.

Điều đó là do xuất phát từ thực tế, khi thực hiện việc giao tiếp ứng xử trong các nhà trường, tùy từng cấp học, từng địa phương mỗi nơi họ cũng sẽ có những cách xưng hô khác nhau để phù hợp với điều kiện của nhà trường đó.

Chẳng hạn, ở khu vực miền Nam thì không chỉ trong các nhà trường học sinh mới xưng là “con” với các giáo viên mà khi giao tiếp ngoài xã hội, các em nhỏ cũng xưng là “con” với người lớn. Qua nhiều thế hệ, họ sử dụng cách xưng hô như thế trong giao tiếp nó như một thói quen và trở thành “câu cửa miệng” ở khu vực đó.

Khi ấy, phần vì cách xưng hô ấy là thuận tiện, tạo khoảng cách gần gũi cho các bên nên họ sử dụng từ xưng hô đó vào đại trà và trên diện rộng. Ở trong các nhà trường cũng vậy, nếu chúng ta đưa cách xưng hô theo kiểu bắt buộc phải là phải như thế nào, mang tính ép buộc thì rất dễ tạo ra tranh cãi không cần thiết. Một đề xuất mà không dựa trên thực tế cuộc sống, dựa trên các quy định của pháp luật đã có từ trước thì đề xuất đó là vô nghĩa, thiếu tính thực tế”.

Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan - Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI). Ảnh: T.D

Thầy Thoan chia sẻ thêm: “Còn dưới góc độ phong tục, tập quán của dân tộc, từ xa xưa các thầy đồ dạy học cũng đã sử dụng cách gọi các học trò của mình là “con”, và người học thời đó cũng xưng “con” với thầy giáo của mình. Từ những cách gọi thân thương, gần gũi như thế, sau này trong dân gian mới truyền nhau câu nói “cô giáo như mẹ hiền”.

Tất nhiên, trong thời buổi hiện đại, nhiều biến cố của giáo dục đã xảy ra, mối quan hệ thầy trò cũng đã có nhiều thay đổi chứ không vẹn nguyên như trước. Vì thế, các trường ở mỗi địa phương cũng đã sử dụng các cách gọi khách nhau để phù hợp với lứa tuổi, đặc trưng vùng miền. Nhưng cái cốt lõi là làm sao để giữ lại sự kỷ cương, tôn trọng giữa thầy và trò.

Theo tôi, không nên đưa ra quy định cứng việc xưng hô giữa giáo viên với các học sinh trong nhà trường làm gì cả. Việc này cần tùy theo tình hình của khu vực, sự linh hoạt của từng giáo viên ở các cấp học. Làm sao để vừa đảm bảo được sự tôn kính, lễ phép nhưng cũng phải đảm bảo được sự thân thiện và tiếp thu kiến thức tốt nhất của học trò”.

Tư liệu tham khảo:

[1]. https://laodong.vn/ban-doc/tranh-cai-gay-gat-truoc-de-xuat-giao-vien-khong-goi-hoc-sinh-la-con

Trung Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét