Thứ Hai, 7 tháng 2, 2022

20220208. PHẢN ĐỐI CHUYỆN XẾP HẠNG GIÁO VIÊN

 ĐIỂM BÁO MẠNG

CHÍNH PHỦ ĐÃ BỎ CHIA HẠNG VIÊN CHỨC, SAO BỘ GIÁO DỤC VẪN CHIA HẠNG 
GIÁO VIÊN ?
SƠN QUANG HUYẾN/ GDVN 5-2-2022
GDVN- Theo người viết, khi thực hiện cải cách tiền lương, trả lương theo vị trí việc làm, nếu còn chia hạng giáo viên sẽ tác động tiêu cực đến tâm tư, tình cảm thầy cô.

Việc phân loại giáo viên thành các hạng khác nhau trong các thông tư hiện hành cũng như dự thảo thông tư mới đang lấy ý kiến nhân dân của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được rất nhiều ý kiến không đồng thuận của dư luận nhà giáo trong thời gian qua.

Gõ vào Google cụm từ “bỏ xếp hạng giáo viên” sẽ có 19.900.000 kết quả trong vòng 0.49 giây, con số đó cũng nói lên được đã có nhiều ý kiến về xếp hạng giáo viên.

Báo nld.com.vn có bài viết phản ánh “Giáo viên khổ vì xếp hạng: Đừng tạo thêm áp lực nữa!”, Báo Thế giới và Việt Nam (baoquocte.vn) ghi nhận “Xếp hạng giáo viên và tâm tư của nhiều nhà giáo”…

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có hàng loạt bài viết về vấn đề này. Đó là những chia sẻ của các thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy, phản ánh thực tế khách quan tác động của việc chia hạng giáo viên đến chất lượng giáo dục:

Phó Thủ tướng chỉ đạo sửa đổi chùm thông tư xếp hạng, nhà giáo ấm lòng”, “Sửa chùm Thông tư xếp hạng, hy vọng xóa bất công, giáo viên sống được bằng lương”, “Mong muốn nhất của giáo viên nếu Bộ sửa thông tư xếp hạng là bỏ xếp hạng”…

Những bài viết này đã được rất nhiều nhà giáo trên các diễn đàn, hội nhóm nhà giáo trên mạng xã hội chia sẻ và ủng hộ, vì đã nói hộ tâm tư, tình cảm của nhà giáo, cũng như phản ánh chân thực những bất cập, rắc rối của việc chia hạng giáo viên trong thực tế hiện nay.

Việc xếp hạng giáo viên đã tạo nên một “thị trường” chạy đua bằng cấp, chứng chỉ để giáo viên giữ hạng, thăng hạng, chuyển hạng, gây hệ lụy không nhỏ cho giáo dục và xã hội.

Tiếng nói từ thực tế đã đến được với nghị trường Quốc hội, những chững chỉ gieo rắc áp lực với thầy cô giáo đã bị loại bỏ: chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp…

Thế nhưng, vẫn còn đó “hạng giáo viên”, mà rất nhiều nhà giáo tâm huyết muốn loại bỏ khỏi “cơ thể” giáo dục, vì hạng giáo viên không phản ánh đúng năng lực, kết quả hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo.

Không phải giáo viên có hạng cao mà dạy tốt, vì học sinh thân yêu, và ngược lại, hoặc không phải là giáo viên nhưng vẫn dạy học rất tốt cho con, cháu... đó là một thực tế của cuộc sống.

Ảnh minh họa: Nhandan.vn

Trong dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, còn đó: Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành:

Viên chức làm công tác giảng dạy gồm có giáo viên hạng I, hạng II, hạng III.

Thông tin này làm buồn lòng không ít giáo viên vì xếp hạng giáo viên vẫn tồn tại trong vị trí việc làm, sắp tới đây, thực hiện cải cách tiền lương, trả lương theo vị trí việc làm, hạng giáo viên vẫn còn đó, tác động tiêu cực đến tâm tư, tình cảm thầy cô.

Chính phủ đã bỏ chia hạng viên chức, Bộ Giáo dục nên đề xuất loại bỏ phân loại giáo viên thành 3 hạng I, II, III

Điều 3 Nghị định Số: 29/2012/NĐ-CP ghi rõ: Phân loại viên chức

1. Theo vị trí việc làm, viên chức được phân loại như sau:

a) Viên chức quản lý bao gồm những người quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật viên chức;

b) Viên chức không giữ chức vụ quản lý bao gồm những người chỉ thực hiện chuyên môn nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Theo chức danh nghề nghiệp, viên chức được phân loại trong từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp với các cấp độ từ cao xuống thấp như sau:

a) Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng I;

b) Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng II;

c) Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng III;

d) Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV.

Theo Nghị định 29 năm 2012, phân loại viên chức theo vị trí việc làm (viên chức quản lý, viên chức không giữ chức vụ quản lý) và theo chức danh nghề nghiệp (viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng I, hạng II, hạng III và hạng IV).

Việc đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ xếp hạng giáo viên (chức danh nghề nghiệp hạng I, hạng II, hạng III và hạng IV) là rất khó thực hiện, do “vướng” Nghị định 29 năm 2012 còn hiệu lực.

Ngày 25/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, có hiệu lực ngày 29/9/2020, tiêu chí phân loại viên chức đã thay đổi.

Điều 3 Nghị định Số: 115/2020/NĐ-CP ghi rõ: Phân loại viên chức

1. Theo chức trách, nhiệm vụ, viên chức được phân loại như sau:

a) Viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý;

b) Viên chức không giữ chức vụ quản lý là người chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Theo trình độ đào tạo, viên chức được phân loại như sau:

a) Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo tiến sĩ;

b) Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo thạc sĩ;

c) Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo đại học;

d) Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo cao đẳng;

đ) Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp.

Như vậy, từ ngày 29/9/2020, Chính phủ phân loại viên chức theo 02 tiêu chí:

- Theo chức trách, nhiệm vụViên chức quản lý và viên chức không giữ chức vụ quản lý;

- Theo trình độ đào tạo: Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng và trung cấp.

Tất cả giáo viên tiểu học, trung học, có yêu cầu chung về chuẩn bằng cấp là Cử nhân, theo Luật Giáo dục 2019, việc phân loại giáo viên theo hạng I, II, III, có còn phù hợp? Bộ nên dũng cảm bỏ phân loại giáo viên theo hạng I, II, III!

Hạng giáo viên không phản ánh đúng năng lực, phẩm chất của thầy cô, đã được thực tế chứng minh và Chính phủ thay đổi cách phân loại trong Nghị định số 115/2020/NĐ-CP.

Vì vậy dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, nên bỏ phân loại giáo viên hạng I, hạng II, hạng III.

Cùng với đó, cũng bỏ phân loại giáo viên hạng I, hạng II, hạng III, trong cụm thông tư 01, 02, 03, 04, sắp tới sẽ sửa đổi.

Tài liệu tham khảo:

- Luật giáo dục 2019; Nghị định số 115/2020/NĐ-CP; Nghị định Số: 29/2012/NĐ-CP.

- Dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến
BỊ XẾP GIÁO VIÊN HẠNG II, HẠNG III THÌ HỌC TRÒ, ĐỒNG NGHIỆP, PHỤ HUYNH NGHĨ GÌ ?
PHAN TUYẾT/ GDVN 6-2-2022

Kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập thì câu chuyện về xếp hạng giáo viên đã trở thành đề tài nóng trên các diễn đàn giáo dục.

Ảnh minh hoạ: Nhandan.vn

Trong trường học, nhà giáo không còn sự bình đẳng với nhau mà đã bị phân cấp theo từng hạng, gồm có hạng I, hạng II, hạng III, kéo theo đó là những chênh lệch về mức lương của từng hạng.

Phân hạng giáo viên tạo ra nhiều bất công với nhà giáo

Nếu sự phân hạng thật sự đúng với năng lực của giáo viên ấy thì không có điều gì phải thắc mắc. Thầy cô ở hạng thấp phải cố gắng, nỗ lực để vươn lên thứ hạng cao.

Thế nhưng, sự phân chia theo hạng không phản ánh đúng năng lực thật của các thầy cô. Không hẳn cứ giáo viên giỏi là ở hạng cao, giáo viên non kém hơn là ở thứ hạng thấp mà hạng cao hay thấp phần nhiều phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố.

Người do đủ bằng cấp chứng chỉ được thăng hạng, người do may mắn có bằng cấp, chứng chỉ đúng thời điểm, người được hưởng lợi từ địa phương tổ chức xét lên hạng mà không tổ chức thi. Người lại có bàn tay nâng đỡ của ban giám hiệu nhà trường…

Bên cạnh đó, có những giáo viên thật sự thiệt thòi do nhiều năm địa phương không tổ chức thi cũng chẳng tổ chức xét thăng hạng. Người bị bỏ lỡ cơ hội vì lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chưa đúng thời điểm. Người lại bị ban giám hiệu không ưa nên không cho cơ hội…

Vì thế, một thực tế hiển nhiên mà theo người viết thì bất cứ giáo viên nào cũng nhìn thấy rằng, giáo viên hạng I chưa hẳn giỏi hơn giáo viên hạng II. Giáo viên hạng III nhiều người năng lực còn vượt trội hơn hẳn những thầy cô giáo hạng II, hạng I.

Vì những điều bất cập, vô lý trên, nhiều nhà giáo đã lên tiếng. Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam là cầu nối chuyển tải những đề xuất, kiến nghị của nhiều chuyên gia giáo dục, nhiều nhà giáo có thâm niên nghề với mong muốn sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm ở trường phổ thông, trong đó viên chức giảng dạy bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thì giáo viên vẫn được chia làm 3 hạng: giáo viên hạng I, II, III. Nghĩa là, việc xếp hạng giáo viên vẫn giữ nguyên như cũ.

Sự vô lý khi giáo viên cùng chung nhiệm vụ, cùng thực hiện chung chỉ tiêu chất lượng, cùng tham gia chung các hoạt động giáo dục nhưng người hạng thấp, người lại hạng cao

Khi nhà trường đưa ra chỉ tiêu chất lượng học tập, chỉ tiêu về rèn luyện, về khen thưởng…thì tất cả giáo viên trong nhà trường, bất kể hạng thấp hay hạng cao đều phải hoàn thành như nhau.

Không có chuyện giáo viên hạng cao phải thực hiện chỉ tiêu cao hơn và ngược lại. Tuy nhiên, kết quả chất lượng thực tế đạt được lại rất khác nhau. Có những giáo viên hạng thấp lại đạt chỉ tiêu chất lượng cao, có nhiều học sinh giỏi đạt giải cao trong các kỳ thi tuyển học sinh giỏi, kỳ thi chuyển cấp, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển đại học.

Ngược lại, có những giáo viên hạng cao nhưng lớp lại nhiều học sinh yếu, không có học sinh đạt giải ở kỳ thi học sinh giỏi, các kỳ thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp tỷ lệ đỗ không cao.

Có những giáo viên hạng thấp hơn so với nhiều đồng nghiệp nhưng lại đảm nhiệm chức tổ trưởng chuyên môn, chịu trách nhiệm ôn thi học sinh giỏi cho nhà trường mà có phân giáo viên hạng cao hơn cũng không thể đảm nhiệm.

Vì những nghịch lý trên, một số giáo viên bất mãn khi mình hơn hẳn đồng nghiệp về năng lực chuyên môn, kỹ năng đứng lớp, hơn hẳn lòng nhiệt huyết, sự tận tâm với học sinh nhưng vẫn phải xếp thứ hạng thấp hơn một số đồng nghiệp khác thua họ về mọi mặt. Dẫn đến, sự bất mãn trong giảng dạy và dễ nảy sinh cảm giác buông xuôi, mặc kệ.

Xếp hạng, thầy cô bị tổn thương

Thua đồng nghiệp về thứ hạng nhưng nếu mình thật sự giỏi cũng không sợ bị coi thường vì đã là giáo viên ai cũng hiểu cái vụ xếp hạng kia hên xui may rủi chiếm phần nhiều.

Thế nhưng, cái nhìn nghi hoặc của học sinh, sự bàn tán của phụ huynh mới làm thầy cô đau lòng và tổn thương nhiều nhất.

Đã có những trường hợp phụ huynh dè bỉu, coi thường khi con học với giáo viên hạng III và vui mừng hồ hởi khi con được học với thầy cô giáo hạng II hay hạng I mà chính họ cũng chưa biết những thầy cô giáo ấy dạy thế nào.

Có người còn muốn xin đổi lớp cho con. Có học sinh học kém cũng bị đổi thừa học với thầy cô giáo kém hơn những thầy cô giáo khác.

Những thầy cô giáo ấy chỉ biết "ngậm bồ hòn làm ngọt" vì đâu thể thanh minh rằng mình đâu có thua những đồng nghiệp xếp hạng cao khác? Nếu bị hỏi lại, không thua thì sao lại bị xếp hạng thấp hơn thì biết trả lời thế nào?

Không cần xếp hạng, vẫn đánh giá nhà giáo đúng theo năng lực sở trường

Trong một trường không phải giáo viên nào cũng như nhau. Có người giỏi, cũng có người dở hơn.

Người năng lực vượt trội, nhiệt huyết tràn trề. Người lại có phần kém hơn về mọi mặt. Không thể dùng hạng giáo viên để phân chia cao thấp. Cách tốt nhất nên căn cứ vào chất lượng giảng dạy của lớp, của bộ môn thầy cô giáo ấy đảm nhận.

Cùng với đó, là sự hài lòng của học sinh, của phụ huynh và dựa vào nhiều kênh đánh giá của chuyên môn, của đồng nghiệp nhà trường.

Phân hạng không góp phần nâng cao chất lượng dạy học, gây bất công trong chính môi trường giáo dục, làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của nhà giáo mà còn làm nhục ý chí phấn đấu của thầy cô.

Vì những lý do trên thì hà cớ gì Bộ Giáo dục vẫn cứ nhất quyết phân chia hạng cho giáo viên?

Những nhà giáo chúng tôi tha thiết kính mong Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy một lần lắng nghe những chia sẻ, những nỗi niềm được phản ánh từ thực tế để có những quyết định đúng đắn và hợp lòng giáo viên nhất.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết
TÔI KHÔNG HIỂU NỔI VÌ SAO BỘ GIÁO DỤC VẪN CHIA GIÁO VIÊN THÀNH 3 HẠNG'

NGUYỄN NHẬT MINH/ GD 8-2-2022
GDVN- Thực hiện phân loại giáo viên theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP là thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Bài viết “Chính phủ đã bỏ chia hạng viên chức, sao Bộ Giáo dục vẫn chia hạng giáo viên?” đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã được nhiều giáo viên chia sẻ, bình luận rộng rãi trên các nhóm diễn đàn giáo viên.

Phần lớn giáo viên đều bất ngờ trước thông tin này, Chính phủ đã thay thế Nghị định 29/2012/NĐ-CP bằng Nghị định 115/2020/NĐ-CP, vậy mà Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực hiện thay đổi cách phân loại giáo viên trong văn bản dự thảo?

Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, có hiệu lực ngày 29/9/2020, tính đến nay (tháng 2/2022) đã gần 18 tháng, thế nhưng trong dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, còn đó: Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành: Viên chức làm công tác giảng dạy gồm có giáo viên hạng I, hạng II, hạng III.

Theo Điều 3 Nghị định 115/2020/NĐ-CP: Phân loại viên chức

1. Theo chức trách, nhiệm vụ, viên chức được phân loại như sau:

a) Viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý;

b) Viên chức không giữ chức vụ quản lý là người chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Theo trình độ đào tạo, viên chức được phân loại như sau:

a) Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo tiến sĩ;

b) Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo thạc sĩ;

c) Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo đại học;

d) Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo cao đẳng;

đ) Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp.

Rõ ràng, từ ngày 29/9/2020 Nghị định 115/2020/NĐ-CP có hiệu lực, phân loại viên chức nói chung, phân loại giáo viên nói riêng không còn theo hạng, mà theo 02 tiêu chí:

- Theo chức trách, nhiệm vụ: Viên chức quản lý và viên chức không giữ chức vụ quản lý;

- Theo trình độ đào tạo: Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng và trung cấp.

Ảnh chụp màn hình chia sẻ, bình luận của giáo viên do tác giả cung cấp

Việc phân loại giáo viên theo hạng như hiện nay, thực hiện theo Nghị định 29/2012/NĐ-CP, là trái với Nghị định 115/2020/NĐ-CP, hay nói thẳng, nếu còn phân loại giáo viên theo hạng sau ngày 29/9/2020 là chưa "cập nhật" quy định của Chính phủ.

Phân loại giáo viên như thế nào cho phù hợp?

Điều 72 Luật Giáo dục 2019 ghi rõ: Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo

1. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:

a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;

b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;

c) Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;

d) Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

2. Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định việc sử dụng nhà giáo trong trường hợp không đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này.

Như vậy, với giáo viên mầm non, phân hạng giáo viên theo bằng cấp là phù hợp. Hạng II: giáo viên có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm. Hạng I: giáo viên có bằng tốt nghiệp Cử nhân Sư phạm.

Giáo viên tiểu học, trung học, có yêu cầu chuẩn bằng cấp đào tạo Cử nhân như nhau, nên phân loại theo tiêu chí: Viên chức quản lý và viên chức không giữ chức vụ quản lý, là phù hợp.

Điều gì sẽ xảy ra khi giáo viên không còn phân loại theo hạng?

Giáo viên không còn phân loại theo hạng, đó là thực hiện đúng văn bản pháp luật của nhà nước về phân loại viên chức nói chung, giáo viên nói riêng.

Những tác động tiêu cực của “hạng” đến tâm tư, tình cảm của giáo viên sẽ kết thúc, thay vào đó là sự phấn khởi, tin tưởng.

Không phân loại giáo viên theo hạng, là thể hiện rõ nét tinh thần sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

Không phân loại giáo viên theo hạng, ngành giáo dục sẽ xóa bỏ được các cuộc thi, xét thăng hạng cho giáo viên hàng năm, đang tiêu tốn ngân sách không nhỏ cho các ban bệ, từ ra đề, chấm, xét hồ sơ…, hạn chế tiêu cực, chạy chọt, mua bán… vì hạng.

Không phân loại giáo viên theo hạng, sẽ xóa bỏ triệt để chứng chỉ “vô bổ”, không còn “cớ” bắt giáo viên phải có chứng chỉ để … minh chứng.

Không còn “hạng”, đồng nghĩa với việc từ nay, giáo viên không phải mất “phí” để học các chứng chỉ: tin học, ngoại ngữ, chức danh nghề nghiệp… Những chứng chỉ “vô bổ” đó là “nồi cơm”, “tài nguyên”, “chùm khế ngọt” của ai đó, nhưng là nỗi “khiếp sợ” của giáo viên.

Tài liệu tham khảo:

- Nghị định Số: 115/2020/NĐ-CP, Nghị định Số: 29/2012/NĐ-CP, Luật Giáo dục 2019

- Dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1580

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét