Thứ Năm, 3 tháng 2, 2022

20220203.QUANH CHỦ ĐỀ 'MÙNG BA TẾT THẦY'

  ĐIỂM BÁO MẠNG

MÙNG BA TẾT THẦY CÒN CÓ Ý NGHĨA ?

VÕ VĂN MINH/ GDVN 3-2-2022

GDVN- “Cơm Cha, Áo Mẹ, Chữ Thầy” là ý nhắc đến công sinh thành, dưỡng dục và dạy bảo, để mọi người luôn nhớ đến.

Nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc ngay năm đầu giành độc lập (năm 1946) Bác Hồ đã gửi thư cho thanh niên và nhi đồng toàn quốc, Bác viết: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội”. Ngày nay, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, chủ đề về mùa xuân và tuổi trẻ cũng luôn được nhiều người quan tâm. Mùa xuân này, xin chia sẻ đôi điều về Tết Thầy.

Mùa xuân được xem là mùa đẹp nhất trong năm. Ngày xuân có nhiều lễ hội mang ý nghĩa giáo dục truyền thống tốt đẹp, trong đó có Tết nguyên đán. Ngày Tết từng được trẻ con trông chờ. Ăn Tết. Chơi Tết. Vui như Tết.

Tiếc thay trong những năm gần đây, một số người có xu hướng muốn “bỏ Tết”. Có người cho rằng nên học tây, “ăn Tết” tây để hội nhập và nên bỏ Tết ta với nhiều lễ nghi phong kiến, lạc hậu. Thực ra, xã hội thì không ngừng phát triển, tất nhiên nhiều có thứ chúng ta cần phải thay đổi để thích ứng, nhưng có những thứ cần phải gìn giữ.

Học, tiếp thu những tinh hoa về khoa học, công nghệ; những mô hình phát triển kinh tế hay tổ chức quản trị, … thì rất cần. Nhưng cái hay, cái đẹp, cái hồn cốt của dân tộc thì cần phải gìn giữ. Tết cổ truyền của dân tộc, với nét giá trị mang bản sắc của dân tộc, cần phải hiểu thấu, để giáo dục, để sống tốt hơn và tự hào về truyền thống. Tết được vậy mới đáng là Tết, vui như Tết.

Ảnh minh họa: Báo Lao động

Tết xưa và nay đã có nhiều thay đổi. Ngày Tết có nhiều phong tục “xưa bày nay bắt chước”. Trong đó có câu “Mùng một Tết Cha, mùng hai Tết Mẹ, mùng ba Tết Thầy”. Thế nhưng cũng có người cho rằng “Một năm có ba ngày Tết, ba ngày dành cho ba việc thì hết cả Tết rồi còn gì? Ăn Tết, chơi Tết còn gì vui Tết?”

Thật ra, chúng ta cũng có thể hiểu trong 3 ngày Tết, có 3 Người không thể quên, đó là Cha, Mẹ và Thầy. “Cơm Cha, Áo Mẹ, Chữ Thầy” là ý nhắc đến công sinh thành, dưỡng dục và dạy bảo, để mọi người luôn nhớ đến. Một năm vào dịp Tết là đi thăm, chúc mừng tuổi ông bà, cha mẹ, họ hàng... Đó được xem là nét đẹp, có ý nghĩa giáo dục truyền thống.

Hiểu rộng ra, Tết Cha là thăm chúc tết bên nội, kể cả hương khói ông bà. Tương tự, Tết Mẹ là thăm chúc Tết bên ngoại. Dù bộn bề công việc mưu sinh, học hành hay phụng sự xã hội quanh năm, nhưng Tết thì cần phải sum vầy bên gia đình, hướng về nguồn cội. Đối với xã hội, mỗi người có rất nhiều mối quan hệ khác nhau, nhưng có một mối quan hệ không thể quên trong 3 ngày Tết, chính là thầy-trò. Tết Thầy là thể hiện văn hóa “tôn sư trọng đạo”. Một nét đẹp, ý nghĩa, nếu hiểu đúng và sống đúng nghĩa.

Tất cả chúng ta dù nghèo hay giàu đều có quyền con người, nhưng không có được cái quyền chọn bố mẹ. Hiếu nghĩa với cha mẹ là bổn phận của con người.

Để con trưởng thành hiếu nghĩa thì bản thân bố mẹ cũng phải sống hiếu nghĩa với ông bà. Giáo dục gia đình một cách tự nhiên là như vậy. Ngày Tết là dịp tốt nhất để nhắc nhở con cháu gìn giữ gia phong một cách tự nhiên. Cái gì được xem có ý nghĩa thiêng liêng, được diễn ra tự nhiên, khởi đầu từ nhỏ và lặp đi lặp lại hàng năm, thì không thể quên, thấm sâu và trở thành văn hóa… Tết Cha, Tết Mẹ trong ba ngày Tết ý nghĩa là ở chỗ giáo dục.

Ngày nay, chúng ta có ngày Nhà giáo – ngày tôn vinh nghề dạy học. Trước đây, Tết Thầy cũng có ý nghĩa rất tốt đẹp, thể hiện sự tôn trọng người dạy dỗ, truyền dạy cái hay cái đẹp để sống thành người hay dạy truyền cái nghề … Một người có hiếu với cha mẹ, có nghĩa với thầy thì chắc chắn sẽ sống tốt với xã hội, có trách nhiệm với thế hệ mai sau.

Một con người tồn tại trên cõi đời biết được nguồn cội; có gia đình để gắn bó và có Người thầy dạy dỗ, dõi theo định hướng, dẫn đường đó là phước phần. Tết là cách tốt nhất để nhắc nhở, giáo dục cho đời sau. Đó không chỉ nét đẹp của gia phong, mà đối với xã hội nếu phần đông hành động đúng như vậy thì cũng góp phần gìn giữ văn hóa của dân tộc.

Rất tiếc ngày nay cái giá trị tốt đẹp của 3 ngày Tết có xu hướng mất dần. Nhiều người có vẻ không còn hứng khởi với Tết. Đến Tết người ta than mệt, hết gọi vui như Tết. Nhiều gia đình có khuynh hướng du lịch tránh Tết. Tránh Tết là tránh rượu bia, tránh lo những tục lệ cúng kiếng mà chẳng hiểu ý nghĩa gì…

Tất nhiên, khi không còn hứng khởi với Tết; chẳng hiểu biết gì về ý nghĩa của Tết, thì có người đề nghị bỏ Tết ta dùng chung tết tây cho hội nhập, cũng là lẽ thường tình. Và dần dần những cái hay, cái đẹp, cái bản sắc của dân tộc cũng sẽ lãng quên. Rồi ta và tây cũng không còn phân biệt. Điều gì nữa sẽ xảy ra, nếu nhìn xa thêm.

Cũng có người nói: “Tết Cha, Tết Mẹ thì có thể, nhưng Tết Thầy thì khó. Vì thầy ngày nay đã khác xưa nhiều. Trước đây, một thầy vài trò thì Tết dễ. Còn ngày nay một người có hàng chục, hàng trăm thầy thì tết sao cho thấu. Mặt khác, đã có ngày Nhà giáo rồi thì cần gì đến Tết Thầy?”. Cách đặt vấn đề như vậy cũng có lí theo cách hiểu của một số người. Nhưng theo cách chúc hay cách “Tết” bây giờ cũng rất đáng quan tâm!

Thật ra, cái Tết, cái lễ đúng nghĩa ở cái tình, cái cốt cách ứng xử, chứ không phải ở cái nhiệm vụ phải hoàn thành. Người Thầy để trò chúc Tết có thể là người dạy, có thể là người dẫn dắt nghề nghiệp cũng có thể là người đáng kính,… có ảnh hưởng đến tư tưởng, đến sự trưởng thành, đến sự nghiệp… chứ không hẳn tất cả những người làm nghề đi dạy.

Tết Thầy là thăm chúc, mừng tuổi, nhưng cũng là cơ hội để trò chuyện, đàm đạo để thầy hiểu, tư vấn, định hướng, chỉ vẽ thêm... Một người có được một hoặc những người Thầy như vậy thì chắc chắn có phúc. Những người thầy có được nhiều học trò Tết Thầy theo cái nghĩa đó cũng là những người thầy có phước đức. Bởi vì những kiến thức, những tư tưởng được thầy tu-luyện, rèn đúc… sẽ tái sinh, nhân rộng, lan tỏa và tạo ra nhiều giá trị mới, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp.

Tôn vinh Người thầy là trân quý những con người như vậy. Xã hội tôn vinh người thầy đúng nghĩa thì ắt hẳn sẽ xuất hiện nhiều hơn. Còn nếu chỉ tôn quý những thành tích, bằng cấp… thì cũng chọn lọc ra những người như vậy. Khi đó, Tết Thầy cũng chẳng ý nghĩa. Và cái gì khi hết giá trị thì cũng dần lãng quên...

Mỗi khi xã hội trân quý tri thức, tôn trọng trí thức thì thực học sẽ tồn tại, thực tài sẽ xuất hiện và xã hội mới thực sự thái bình. Ngược lại, xã hội ưu chuộng vật chất, ưa thích hình thức, xem trọng quyền lực… thì tuổi trẻ cũng sẽ thần tượng những thứ đó.

“Nhân - Lễ - Nghĩa – Trí – Tín” - những thứ từng xem là chuẩn giá trị chỉ còn là đồ cũ kĩ, lạc hậu, lỗi thời… Và lúc đó, Tết sẽ không còn “câu đối đỏ”, lãng quên “xin chữ”, “khai bút” mà thay vào đó là “cướp lộc khai ấn”, “cổng làng hàng tỉ” hay “lì xì khủng” mà thôi…

Mùa xuân cây cối đâm chồi nảy lộc; muôn hoa đua nở, là biểu tượng cho hạnh phúc, phước lành. Trong tiết trời xuân thường ấm áp. Mọi người thường cầu chúc về những điều tốt đẹp.

Nếu xem Tết là cơ hội để giáo dục về văn hóa của dân tộc, nhắc nhở về triết lí “chân – thiện – mĩ”, thì mùa xuân và Tết thật nhiều ý nghĩa. Nếu xem Tết là dịp để kiếm tiền, cầu xin; với những câu chúc “kiếm được nhiều tiền”, “thăng quan tiến chức” hay lo nghĩ về những món quà giá trị… thì quả là áp lực và sớm hay muộn gì Tết cũng hết.

Đừng chê trách tuổi trẻ không mặn mà với Tết ta. Tuổi trẻ luôn có lí lẽ của tuổi trẻ. Cái gì người lớn yêu cầu tuổi trẻ phải tuân thủ mà không giúp cho họ hiểu biết đầy đủ, thì khó mà thuyết phục. Do đó, bổn phận của những nhà lãnh đạo đất nước hôm nay là sớm phục dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc Việt cùng với một nền giáo dục khai phóng đúng nghĩa. Để cùng kiên định mục tiêu, kiên trì thực hiện và kiên quyết đổi mới, thì tương lai của đất nước sẽ thái bình bền lâu.

Theo quy luật của đất trời, mùa xuân là mùa của sự tái sinh. “Sông có khúc, người có lúc”, xã hội có lúc suy, lúc thịnh. Người tốt và xấu thời nào cũng có. Ngày xuân, chẳng cần những lời chúc hoa mĩ hay vái khấn cầu may, nếu mỗi người đều nghĩ về những điều thiện lành và tâm nguyện thực hành ngay từ những việc nhỏ nhất thì năng lượng tích cực sẽ được truyền đi, lan tỏa.... hòa quyện và mọi điều tốt đẹp sẽ đến với tất cả.

Trong ba ngày Tết, ông bà ta nhắn nhủ “mùng một Tết Cha, mùng hai Tết Mẹ, mùng ba Tết Thầy” âu cũng là cách giáo dục, có ý nghĩa rất sâu xa; không chỉ có ý nghĩa trong phạm vi gia đình mà với cả dân tộc của chúng ta.

Phó giáo sư Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)
'TẾT THẦY'- NÉT ĐẸP TRONG VĂN HÓA CỦA NGƯỜI VIỆT
NGUYỄN CAO/ GDVN 3-2-2021
GDVN- Tuổi thơ lam lũ của chúng tôi qua nhanh rồi cũng đến lúc khôn lớn, trưởng thành. Trong đám học trò quê ngày ấy có nhiều đứa làm thầy, làm cô và tôi cũng vậy.

Người Việt chúng ta từ xưa đến nay vẫn thường xem trọng đạo lý thầy trò trong những ngày Tết nên dân gian thường nói: “mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy” để nhắc nhớ truyền thống “tôn sư trọng đạo", "uống nước nhớ nguồn" của mỗi con người.

Ngày Tết, không chỉ là ngày để chúng ta vui chơi mà là còn là những ngày để mọi người nhớ, tri ân ông bà, cha mẹ, những người thân yêu và cả những người thầy, người cô đã góp phần dạy dỗ mình nên người.

Và, chúng tôi cũng vậy. Ngày còn đi học phổ thông, nhất là những năm cấp trung học cơ sở thì chúng tôi hay đến thăm thầy cô vào ngày Tết. Lúc đó, những tháng năm đất nước mới bước vào thời kỳ đổi mới nên thầy và trò cũng đều khó khăn nhưng ấm áp tình thầy trò.

Đến bây giờ, khi mà chúng tôi cũng đang đứng trên bục giảng và nét đẹp "mùng 3 tết thầy" cũng vẫn đang được nhiều học sinh lưu giữ, phát huy.

Tình thầy trò vẫn luôn là tình cảm thiêng liêng của mỗi con người

(Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Những chiếc xe đạp cà tàng đèo nhau đến thăm thầy cô

Ngày chúng tôi còn đi học phổ thông ở những năm trước và sau khi đất nước bắt đầu đổi mới nên gian nan và vất vả vô cùng. Lúc học cấp II thì đa số chúng tôi vẫn đi bộ hằng ngày đến trường, chuyện được cha mẹ đưa đón như học sinh bây giờ gần như không có.

Chúng tôi cứ như cỏ cây giữa đất trời vậy nhưng có một tuổi thơ đầy hồn nhiên, chân chất và mấy chục năm sau này những kỉ niệm thân thương của thời đi học vẫn mãi khắc ghi trong đầu.

Ngày Tết, bánh kẹo cũng không phải là nhà nào cũng có nên trong vườn có quả gì ăn được là hái vào nhà để mời khách. Lúc đó, những chiếc xa đạp cà tàng, cũ kĩ mà không phải nhà nào cũng có.

Chính vì thế, khi đám bạn học hẹn nhau đến nhà thầy cô vào dịp Tết là thường chở 2, chở 3 nhưng không bao giờ thấy mệt nhọc gì cả. Tuổi trẻ mà, tranh thủ lấy được chiếc xe đạp của gia đình là phóng vù ra trường í ới với bạn bè đi chơi thỏa thích.

Đường quê ngày Tết nhiều khi cũng bùn đất bê bết lắm bởi mưa phùn cứ ríc rắc từ ngày này sang ngày khác. Nhiều lúc đang đi xe thì vị bùn đất mắc cứng vào bánh xe không thể nào đi được.

Thế là chúng tôi lại dừng lại tìm trong các bờ rào ven đường xem có cây nào bẻ được là bẻ để chọc cho hết đất rồi lại tiếp tục đi tiếp.

Chúng tôi đến nhà thầy cô nhiều khi cũng chắc biết chúc gì chỉ được cái nhanh nhảu chào thầy, chào cô rồi theo chân thầy cô bước vào nhà. Nhiều khi đi chúc Tết đông quá, chúng tôi ngồi chen lấn lên chân nhau ở ghế, thậm chí ngồi lên cả giường nhà thầy cô giáo của mình.

Những đĩa bánh kẹo hay trái cây được thầy cô bê ra chỉ thoáng cái là hết. Có lẽ một phần vì đói bởi đi suốt ngày, phần vì chúng tôi ngày đó còn quá nhỏ chưa biết ý tứ là gì.

Bây giờ nghĩ lại nhiều khi thương thầy cô vô cùng. Không biết thầy cô mua được bao nhiêu bánh kẹo, trong vườn có bao nhiêu trái cây nhưng hết học trò lớp này đến lớp học trò khác vào chắc thầy cô không còn bánh trái để tiếp khách gia đình.

Những năm tháng tuổi thơ đi qua rất nhanh, chất chứa nhiều kỷ niệm với thầy cô, với bạn bè và chúng tôi đã đi “Tết thầy” như thế đó.

Và, bây giờ chúng tôi làm thầy

Tuổi thơ lam lũ, đói nghèo của chúng tôi qua nhanh rồi cũng đến lúc khôn lớn, trưởng thành. Trong đám học trò quê ngày ấy có nhiều đứa làm thầy, làm cô và tôi cũng vậy.

Chúng tôi lại tiếp tục nối tiếp thầy cô của mình để được đứng trên bục giảng, được học trò của mình cũng đến nhà trong những dịp Tết Nguyên đán như thuở nào mình đã đến nhà thầy cô.

Nhưng, học trò của tôi đến thăm thầy phần lớn là học trò đã trưởng thành chứ không phải là học sinh phổ thông.

Bởi lẽ, ngày mới ra trường thì tôi dạy ở ngoài Bắc, sau này vào Nam công tác thì tôi lại dạy tại một ngôi trường quê, cách nhà gần hơn 20 cây số nên ngày Tết thì gần như học sinh đang dạy không thể nào đến thăm, chúc Tết thầy được.

Những học trò cũ đến thăm tôi phần lớn đã là sinh viên hoặc đã đi làm nên các em có sự trưởng thành và tất nhiên các em không còn phải sống trong cái đói nghèo của chúng tôi trong những tháng năm đất nước vừa đổi mới.

Có năm, mấy đứa học trò cũ đang làm việc trên Sài Gòn xuống thăm thầy ở miền Tây chơi mấy ngày Tết mới về. Tình thầy trò vẫn luôn khăng khít và nghĩa tình dù năm tháng dạy và học với nhau đã lâu.

Hai năm nay, dịch bệnh Covid-19 xảy ra, chuyện học trò đến thăm thầy không được thực hiện như trước đây nhưng một số học trò của tôi kể cả hiện tại và học trò cũ vẫn thường nhắn tin hoặc gọi điện chúc Tết thầy.

Tình thầy trò vì thế mà vẫn liên lạc được với nhau - dù nhiều em học sinh đến bây giờ tôi chỉ còn nhớ mang máng mà thôi vì mỗi năm có hàng trăm học trò làm sao thầy có thể nhớ hết được tất cả các em một cách cụ thể, rõ ràng.

Ngày nay, xã hội có nhiều những đổi thay. Thỉnh thoảng chúng ta lại chứng kiến một số sự cố buồn trong mối quan hệ thầy trò ở một số nhà trường. Những lúc như thế, có lẽ trong thâm tâm những thầy cô giáo đã và đang đứng trên bục giảng đều cảm thấy chạnh lòng…

Nhưng, dù có những lúc xảy ra chuyện thế này, thế khác, có cả những hiện tượng cá biệt làm cho mối quan hệ thầy trò có lúc không còn vẹn nguyên như trước. Nhưng, nhìn vào tổng thể mối quan hệ thầy trò thì chúng tôi vẫn thấy được những nét đẹp rất riêng.

Cũng chính vì vậy mà tục “mùng ba tết thầy” vẫn được nhiều học trò duy trì, gìn giữ, tạo nên một nét đẹp truyền thống trong văn hóa của người Việt mình.

Và, chúng tôi tin nếu như mỗi thầy cô thực sự là những tấm gương sáng trước học trò thì dù học trò không đến thăm thầy, không chúc tết thầy nhưng có lẽ hình ảnh những thầy cô như thế vẫn mãi “đọng lại” trong mỗi thế hệ học trò của mình.

Nghề dạy học được chắt chiu từ những niềm vui nho nhỏ, những hạnh phúc bất chợt trong mối quan hệ thầy trò cũng giúp cho đội ngũ những người làm thầy thấy yêu hơn nghề nghiệp của mình đang gắn bó.

NGUYỄN CAO
MÙNG 3 TẾT THẦY, GIÁO SƯ PHẠM HỒNG TUNG CHIA SẺ VỀ NGƯỜI THẦY XƯA VÀ NAY
THÙY LINH/ GDVN 14-2-2021
GDVN- Trong phong tục tập quán của người Việt, trong ngày mùng 3 Tết, các học trò thường đến chúc tết thầy cô giáo của mình để tỏ sự kính trọng và lòng biết ơn thầy cô.

"Mùng 1 Tết Cha, Mùng 2 Tết Mẹ, Mùng 3 Tết Thầy" là quan niệm và những nét sinh hoạt văn hóa, truyền thống tốt đẹp được gìn giữ từ bao đời nay của người Việt ta. Trong văn hóa của người Việt, quan niệm "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" cũng là chỉ vị trí của người thầy trong quan hệ các giá trị chuẩn mực văn hóa Việt và sự tôn trọng người thầy của các học trò.

Trong phong tục tập quán của người Việt, Tết chủ đạo gồm 3 ngày, trong ngày mùng 3 Tết, các học trò thường đến chúc tết thầy cô giáo của mình để tỏ sự kính trọng, lòng biết ơn đối với thầy cô, cũng là để thăm hỏi, chúc mừng nhân dịp đầu năm mới.

Nhân dịp ngày mùng 3 Tết Tân Sửu, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có dịp trao đổi Giáo sư Phạm Hồng Tung - Chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể về vai trò của người thầy trong thời đại mới.

Thầy Tung cho hay, trong giáo dục Nho học, những người thầy có vị trí rất cao, có vai trò rất quan trọng.

Những bậc thầy như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm hay những bậc thầy lớn khác được coi là “vạn thế sư biểu”, tức là người thầy trong giáo dục Nho học truyền thống phải là người toàn bích, mẫu mực cả về đạo đức, tư cách, rất giỏi về tri thức.

Những người thầy đó được cả xã hội ngưỡng vọng, họ có trách nhiệm làm tròn vai, tức là phải không ngừng tu thân, rèn luyện về tri thức và về đạo đức, mỗi nếp áo, dáng đi đều phải thể hiện mình là người mẫu mực, mực thước để học trò nhìn vào thầy để học theo không chỉ về chữ nghĩa, tri thức mà còn về lẽ sống và về cách đối nhân xử thế.

Thầy đồ và các học trò xưa (Tranh minh họa, nguồn: Báo Giao thông Vận tải).

Cho nên người ta đặt vị trí người thầy trong giáo dục Nho học ngang với vua và với cha đẻ. Có câu chuyện huyền thoại là Mạc Đĩnh Chi – vị Trạng nguyên của nước Đại Việt khi đi xứ sang nhà Nguyên, lúc đó vua nhà Nguyên muốn dồn Mạc Đĩnh Chi vào chỗ chết nên trước triều thần đưa Mạc Đĩnh Chi vào một tình huống khó xử là, bây giờ chẳng may nhà ngươi (tức Mạc Đĩnh Chi – PV) đi cùng thuyền với vua- thầy- cha mà 3 người đó bị rơi xuống nước thì ngươi sẽ cứu ai trước?.

Nếu cứu vua trước thì Mạc Đĩnh Chi sẽ bị khép tội bất hiếu – bất nghĩa, nếu cứu thầy trước thì sẽ bị khép vào tội bất trung, bất hiếu, còn cứu cha trước thì sẽ khép tội bất trung, bất nghĩa. Trường hợp nào cũng dồn Mạc Đĩnh Chi vào chỗ chết.

Nhưng lúc đó Mạc Đĩnh Chi thoát hiểm bằng câu trả lời sắc sảo, khi cho rằng đó là tai nạn nên khi rơi xuống nước, thần tiện ai thì cứu người đó trước, không có thời gian mà lựa chọn. Câu trả lời đó đã giúp Mạc Đĩnh Chi thoát nạn.

Câu chuyện trên cho thấy, theo quan niệm truyền thống thì người thầy không chỉ được học trò mà cả xã hội coi như là nhân vật đáng ngưỡng vọng và chuẩn mực nhất, vị trí người thầy ngang với vua và cha.

Do đó, nếu học trò ra đời mà phạm tội, phạm lỗi thì liên đới tới cả trách nhiệm và uy tín của người thầy. Cho nên sách Tam Tự Kinh có câu “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá. Giáo bất nghiêm, sư chi đọa” tức là nuôi dưỡng mà không dạy con là lỗi của người cha, dạy không nghiêm là lỗi của người thầy.

Vì lẽ đó, người thầy bắt buộc phải dạy nghiêm, làm chuẩn mực.

Theo thầy Tung, tất cả những quan điểm về người thầy trong giáo dục Nho học cũng như định kiến về người thầy trong giáo dục truyền thống tiếp tục ảnh hưởng đến người thầy trong xã hội hiện đại.

Và người Việt vẫn tiếp tục đòi hỏi người thầy phải giỏi về chuyên môn, mực thước về tư cách, ứng xử và giao phó cho giáo dục nói chung và người thầy nói riêng một trách nhiệm cao cả: đó là dạy bảo và rèn giũa thế hệ trẻ; nếu học trò không thành đạt, hư hỏng thì trách nhiệm lớn thuộc về giáo dục, thuộc về người thầy.

Rõ ràng, tôn vinh người thầy, ủy thác trách nhiệm quan trọng cho người thầy là điều cao quý, nhưng đó lại là đòi hỏi một chiều bởi người thầy không tồn tại độc lập, như một thực thể độc lập trong xã hội được.

“Xã hội phải như thế nào thì người thầy mới được như thế”, thầy Tung bày tỏ.

Vả lại người thầy trong tương tác hai bên nếu lúc nào đó người thầy không được quan tâm, bị bỏ rơi thì chính người thầy đó sẽ tha hóa, nên ngày trước mới có những câu chuyện “thầy đồ liếm đĩa” “bánh rán tao đâu”…

Điều đó cho thấy nếu chúng ta không quan tâm giáo dục đúng cách, để giáo dục tha hóa thì không chỉ giáo dục mà người thầy cũng xuống đến đáy xã hội.

Đó là nhìn từ góc độ văn hóa truyền thống còn nhìn vào tương lai thì xã hội hiện đại đang đòi hỏi người thầy phải có phẩm chất, năng lực cao gấp 100 lần, 1000 lần truyền thống, vì thầy hiện đại phải giỏi tri thức (so với nhân loại, thế giới chứ không phải chỉ so với mặt bằng trong nước) vì ngày nay đã hội nhập, toàn cầu hóa.

Muốn đào tạo học trò ngang với khu vực, ngang với đỉnh cao của thế giới để học trò không “tị nạn giáo dục” thì người thầy phải trở thành công dân toàn cầu, và tri thức nhà giáo Việt Nam phải bằng hoặc tốt hơn nhà giáo các nước phát triển, lúc đó đất nước mới có cơ hội thoát khỏi tụt hậu.

Đó là đòi hỏi của xã hội đối với đội ngũ nhà giáo. Ngoài ra, giỏi tri thức giờ đây khác xưa rất nhiều, xưa uyên thâm chữ nghĩa trong kinh điển là viết chữ đẹp, hiểu chữ sâu, giỏi tri thức toán, văn, sử… còn ngay này, trong thời đại 4.0 tốc độ đổi mới tri thức phát triển vô cùng mau lẹ đòi hỏi người thầy giỏi về phương pháp cập nhật tri thức để dạy cho học trò cách tự trang bị kiến thức, tự đổi mới, tự học, và tự sáng tạo ra tri thức mới.

“Người thầy ngày nay cần dạy học trò cách gánh gồng chứ không phải dạy học trò cách gánh bao nhiêu cân, nếu cứ loay hoay như vậy thì không bao giờ theo kịp thế giới và học trò vừa học xong thì kiến thức đã lạc hậu rồi”, thầy Tung ví von.

Giáo sư sử học Phạm Hồng Tung (ảnh: NVCC)

Nhưng để có phương pháp dạy trò cách cập nhật tri thức để sáng tạo ra tri thức mới thì phải thừa nhận rằng phần lớn nhà giáo Việt Nam đang bất cập, từ giáo viên tiểu học đến giáo sư ở trường đại học giỏi nhất Việt Nam, bởi các thầy cô vốn là sản phẩm của thời đại cũ.

Điều này đòi hỏi thái độ của người thầy với tri thức phải đổi mới, thái độ của người thầy với học trò cũng phải đổi mới, nếu trước đây thầy phải giỏi hơn trò thì giờ đây thầy phải đồng hành, cởi mở, học chung, làm bạn với học trò. Có những chỗ thầy giỏi hơn trò nhiều bậc nhưng cũng có chỗ chưa chắc thầy đã bằng trò.

“Ví dụ tôi là Giáo sư Sử học chuyên môn sâu là lịch sử Việt Nam cận hiện đại, nếu về nội dung này tôi am hiểu sâu nhưng tôi so với học trò về Tin học, Hóa học thì tôi thua kém xa”, thầy Tung nhìn nhận từ bản thân.

Do đó, theo Giáo sư Phạm Hồng Tung, giờ đây người thầy không phải toàn bích về tri thức nữa mà người có thể chỉ là bạn, thậm chí trò của trò trong những mảng tri thức hoặc tình huống nhất định. Điều này đòi hỏi người thầy luôn trong tâm thế đối thoại với học trò, cái “phổ” chấp nhận của người thầy phải rộng hơn xưa rất nhiều.

Nếu trước đây giáo dục không mang tính cá thể hóa, thầy soạn một bài giảng thì vác đi dạy cả khối, cả trường môn học đó nhưng bây giờ để đáp ứng yêu cầu của xã hội đó là tạo ra sự khác biệt và tôn trọng sự khác biệt đó thì người thầy rất vất vả bởi trong một lớp có nhiều nhóm học sinh thì chừng ấy cách phối hợp với học sinh để dạy.

“Và như vậy chúng ta cần một nền khoa học giáo dục mới, cần những nhà trường đại học sư phạm mới, chính sách nhà giáo mới và cách nhìn nhận xã hội cũng khác. Tất cả những điều đó mới nảy sinh nhà giáo phù hợp với sự phát triển của đất nước”, thầy Tung khẳng định.

Thùy Linh
NHỮNG BÍ MẬT CỦA TẾT
NGUYỄN QUANG THIỀU/ VNN 31-1-2022
Từ cách đây mấy năm và cho tới bây giờ, có một số người đã đặt vấn đề bỏ ăn Tết truyền thống và dùng tết dương lịch thay vào.Lý do của họ thật đơn giản. Họ cho rằng Tết truyền thống hiện nay gây ra một số phiền lụy như lãng phí thời gian và vật chất, sinh ra một số thói xấu trong việc biếu xén quà cáp... và làm cho con người mệt mỏi. 

Những hiện tượng mà họ đưa ra là đúng. Nhưng hình như họ mắc sai lầm đâu đó trong cách nhìn nhận bản chất của Tết truyền thống của người Việt. Thực chất, những phiền lụy ấy là sinh ra từ thái độ sống của những người lấy Tết như là một lý do để thực hiện những ''kế hoạch'' cá nhân của họ chứ không phải là một sự kiện của văn hóa. 

Những sự kiện văn hóa được sinh ra từ đời sống tinh thần của con người và những sự kiện văn hóa ấy quay lại làm nên đời sống tinh thần của con người. Tết chỉ diễn ra trong mấy ngày nhưng lại chứa đựng những giá trị tinh thần bền vững của văn hóa Việt.

Những bí mật của Tết
Mâm cơm cúng ngày 30 Tết của người Việt ở Pháp đầy đủ món ăn quê nhà.
 Ảnh: Kim Vân/Người Lao động

Tết không phải đơn giản là sự kết thúc một vòng thời gian tính theo năm mà như là một tiếng lay gọi làm con người thức tỉnh bao điều. Và tôi nghĩ, Tết chứa đựng trong nó những bí mật làm cho con người sống tốt đẹp hơn. 

Bí mật thứ nhất: Khơi mở tình yêu quê hương 

Mỗi năm, khi đến những ngày giáp Tết, là lúc lòng người dâng lên nỗi nhớ cố hương và những người thân yêu của mình. Người xa nhà mong trở về, người ở nhà mong người đi xa về. Những ngày giáp Tết, nỗi nhớ thương ấy nhiều hơn tất cả những ngày khác.

Tôi từng gặp những người định cư ở nước ngoài trong những ngày giáp Tết mà họ không trở về cố hương mình được. Thời gian ấy, ký ức họ ngập tràn những kỷ niệm về nơi họ sinh ra và lớn lên. Đó cũng chính là thời gian mà con người nghĩ về nơi chôn nhau cắt rốn nhiều nhất và da diết nhất.

Vào những ngày giáp Tết ở quê tôi, những gia đình có người thân đi làm ăn, học hành xa hoặc lấy chồng, lấy vợ ở xa đều mong ngóng họ trở về. Vào đêm giao thừa, những gia đình ấy vẫn mở cửa ngõ và lắng nghe tiếng chân ai đó vào ngõ. Có thể những ngày khác trong năm họ bận công việc, học hành... mà ít nhớ về cố hương.

Và cũng có thể có người bỏ quê ra đi vì nhiều lý do không có ý định trở về, nhưng khi Tết đến, lòng họ bỗng đổi thay. Lúc đó, tiếng gọi của cố hương, của những người thân yêu vang lên trong lòng họ hơn lúc nào hết. Và chính vậy mà có những người khi đã già thì tìm cách trở về cố hương.

Những bí mật của Tết
Chợ Tết châu Á ở thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: VOV

Không ít những người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài mấy chục năm cuối cùng đã trở về để được sống và được chết trên mảnh đất cố hương mình. Khoảng thời gian kỳ diệu của những ngày giáp Tết đã chứa đựng trong đó những bí mật có khả năng đánh thức sự lãng quên của con người.

Bí mật thứ hai: Kết nối với quá khứ

Vào ngày cuối cùng của năm cũ, hầu hết ở các làng quê, những người sống khăn áo chỉnh tề ra phần mộ của những người thân yêu đã khuất thắp hương và mời người đã khuất trở về ăn Tết cùng gia đình.

Có một sự thật là, trong cái thời khắc thiêng liêng đứng trước phần mộ của những người thân yêu trong ngày cuối năm gió lạnh, những người sống cảm thấy được hơi thở, giọng nói và nhìn thấy gương mặt của những người đã khuất.

Ngày cuối cùng ấy của năm cũ, một không khí lạ lùng bao phủ con đường từ nghĩa trang trên cánh đồng chạy về làng và bao phủ trong những ngôi nhà. Những mất mát, những thương đau và nhớ nhung những người thân yêu đã khuất như vụt tan biến. Những người sống cảm thấy ngôi nhà của họ ấm áp hơn.

Cái ngày cuối cùng của năm cũ ấy như mở ra một cánh cửa vô hình để những người sống và những người đã khuất gặp nhau cho dù chỉ ở trong cảm giác và cảm xúc. Nhưng những điều đó cho dù mơ hồ vẫn là một phần quan trọng trong đời sống của con người. Nó làm cho con người dâng lên tình yêu thương, lòng ơn kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ...

Và như một sự vô tình, không khí của ngày cuối cùng năm cũ ấy gieo vào lòng người sống những hạt giống của tình yêu thương và kết nối họ với quá khứ.

Bí mật thứ ba: Sự bền vững của gia đình

Ai cũng có một gia đình. Và không ít gia đình hiện nay do xã hội thay đổi và do nhiều lý do của đời sống mà các thành viên trong gia đình sống tản mạn ở nhiều nơi khác nhau. Có không ít gia đình chẳng bao giờ có một ngày sum họp đầy đủ các thành viên của mình.

Đôi khi, với lý do này, lý do khác mà ông bà, cha mẹ, anh em, dâu rể, con cháu trong một gia đình không có dịp sum vầy với nhau. Nhưng Tết là dịp duy nhất với lý do hợp lý nhất để mọi người bỏ hết công việc sum họp với nhau.

Khi mẹ tôi còn sống, mẹ tôi mong Tết. Bà mong Tết không phải là mong như tôi từng mong Tết đến hồi còn nhỏ cho dù Tết đến mẹ tôi phải lo lắng nhiều thứ. Mẹ tôi mong Tết để những đứa con của bà có ít nhất một ngày quây quần bên bà như khi chúng còn nhỏ.

Cho dù khi tôi đã có tuổi, nhưng tôi vẫn cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi có một ngày anh chị em cùng con cháu trở về làng và được ngồi ăn một bữa cơm bên cha mẹ trong ngôi nhà chúng tôi đã lớn lên. Khi cha mẹ mất đi, nhiều người mới nhận ra sự mất mát to lớn không gì bù đắp nổi.

Một hiện thực mà hầu như ai cũng nhận ra là đời sống hiện đại đã và đang xé một gia đình truyền thống ra từng mảnh. Và như vậy, tính bền vững của một gia đình sẽ bị lung lay. Hàng năm vào những ngày giáp Tết, tôi thích ngắm nhìn những người khăn gói về quê ăn Tết.

Những bí mật của Tết
Cả gia đình đội mưa rời Hà Nội về quê đón Tết sáng 29/1. Ảnh: Đình Hiếu

Không có gì quyến rũ họ ngoài việc họ được trở về nhà mình và sum họp với ông bà, cha mẹ, anh em, họ hàng, làng xóm. Hình ảnh ấy luôn làm tôi xúc động.

Nhưng càng ngày càng nhiều hơn những người không muốn về quê ăn Tết hay ở nhà ăn Tết với gia đình. Có những người còn trẻ tranh thủ dịp Tết đi du lịch. Họ rời gia đình khi bắt đầu được nghỉ Tết và chỉ trở về để hôm sau bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của năm mới.

Họ có cách nhìn và có quyền của họ. Nhưng tôi thấy tiếc cho họ khi họ không cùng ở nhà với cha mẹ mình chuẩn bị đón Tết. Bởi lúc đó, thời tiết và không khí đang lan tỏa những gì ấm áp và thiêng liêng nhất trong chu kỳ thời gian của một năm mà sau đó họ không thể tìm lại được cho tới một năm sau.

Sự lan tỏa ấy sẽ bồi đắp tâm hồn con người những những lớp "phù sa" màu mỡ của những vẻ đẹp trong đời sống tinh thần con người.

Nếu muốn nói với những người trẻ một điều thì tôi sẽ nói: Hãy ở với ông bà, cha mẹ mình trong ngày cuối cùng của năm cũ và ngày đầu tiên của năm mới để đón nhận một điều gì đó cho dù các bạn chưa nhận ra rõ rồi sau đó có thể lên đường... du lịch.

Bí mật thứ tư: Sự hàn gắn

Có những rạn vỡ giữa người này người kia mà một hoặc cả hai người không có cơ hội để gặp nhau và nói một lời xin lỗi hay chia sẻ và xóa đi những hiềm khích, mâu thuẫn trước đó. Nhưng khi Tết đến, họ nhận ra đó là cơ hội tốt nhất cho họ.

Thường khi bước sang năm mới, người ta cho phép quên đi, bỏ qua những phiền lụy, những sai lầm trong năm cũ của chính cá nhân mình. Có một bí mật nào đấy của năm mới đã ban cho con người khả năng chia sẻ và tha thứ.

Bí mật ấy nằm trong những cơn mưa xuân ấm áp bay về, trong sự thao thức của lòng người chờ đợi, trong sự thiêng liêng của hương nến trên ban thờ mỗi gia đình, trong sự chào hỏi ân tình của mọi người khi gặp nhau, trong giờ phút thiêng liêng của sự chuyển mùa, trong sự tưởng nhớ những người thân yêu đã khuất...

Tất cả những điều đó đã làm lòng người rạo rực và đổi thay. Có những gia đình mà anh em mâu thuẫn với nhau rồi cứ giữ sự im lặng lạnh giá ấy ngày này qua ngày khác. Nhưng khi họ cùng nhau ngồi xuống bên mâm cơm tất niên cùng chạm chén rượu, cùng mời cha mẹ ăn cơm thì mọi chuyện bắt đầu tan đi.

Trước kia, cứ vào những ngày cuối năm, những người làng tôi có chuyện xích mích hay sai trái với ai đó thường mang một quả bưởi, một nải chuối, một cặp bánh chưng hay dăm cặp bánh mật đến nhà người mà mình có xích mích hoặc có lỗi, xin được thắp nén hương thơm trên ban thờ tổ tiên người đó và nói lời thanh minh hoặc xin lỗi. Và như có phép lạ, sự xích mích, sai trái bám theo họ đằng đẵng cả một năm trời bỗng rời bỏ họ.

Người được xin lỗi cũng nhận ra rằng: chính thời khắc thiêng liêng ấy của đất trời và của lòng người đã làm cho người có lỗi thành thật. Và khi lòng thành thật của người có lỗi được mở ra thì sự tha thứ cũng mở ra theo.

Bí mật thứ năm: Niềm hy vọng

Cuộc sống có biết bao thăng trầm. Trong chúng ta ai cũng có những năm nhiều nỗi buồn, ít may mắn. Nhưng ai cũng có một niềm tin rằng, ngày mai mọi điều sẽ tốt đẹp hơn, năm mới mọi điều sẽ may mắn hơn. Không ít người gặp những năm vận hạn thường tự động viên chính mình bằng một ý nghĩ: "Năm cũ sẽ qua đi, năm mới sẽ đến. Mọi điều sẽ tốt đẹp hơn".

Đấy là một nguyện ước, đấy là một niềm tin. Nếu không có niềm tin ấy và nguyện ước ấy, không ít người sẽ bị những nỗi buồn, đau đớn và kém may mắn dìm xuống vực sâu của sự thất vọng. Trong suốt một năm, có người có thể sống triền miên trong buồn bã, bỏ mặc nhà cửa.

Nhưng rồi đến một ngày giáp Tết, họ đã đứng dậy, dọn dẹp nhà cửa với một niềm tin những điều tốt đẹp đang về với họ. Cũng trong dịp năm mới, mỗi người đều nhận được những lời chúc mừng tốt đẹp nhiều nhất trong một năm. Cho dù thế nào thì những lời chúc ấy cũng làm cho lòng người ấm lại và hy vọng vào một điều tốt đẹp phía trước.

Những gì mà tổ tiên đã làm ra và để lại cho chúng ta như những lễ hội, những ngôi chùa... là để lại một lời nhắc, một tiếng gọi thức tỉnh chúng ta trong cuộc sống. Không thể nói lễ hội hay chùa chiền là phiền lụy, là tốn kém... mà bởi con người đã lợi dụng những vẻ đẹp văn hóa ấy cho lợi ích cá nhân mình.

Lúc này, tôi như thấy những ngọn gió thay mùa ấm áp, những cơn mưa xuân nồng nàn đang trở về và những cành đào ủ kín những chùm hoa chuẩn bị mở ra đều chứa trong đó những bí mật giản dị nhưng kỳ diệu cho đời sống con người.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều(Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét