Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2022

20220319. GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ DẠY TRƯỜNG PHỔ THÔNG ?

 ĐIỂM BÁO MẠNG


GIÁO SƯ DẠY PHỔ THÔNG-ĐỔI MỚI TƯ DUY HAY LÀM MÀU?

XUÂN DƯƠNG/GDVN 18-3-2022

Thỉnh thoảng câu chuyện thu hút nhân tài lại rộ lên, lúc ở trung ương, lúc ở địa phương tạo tiền đề cho không ít nghiên cứu và tác phẩm báo chí.

Bài “Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài” nêu định hướng thu hút nhân tài trong “Dự thảo Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài” của Bộ Nội vụ (công bố lấy ý kiến từ ngày 14/12/2020-07/02/2021), có đoạn:

“Từ năm 2026 đến năm 2030, 100% các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm khung tỷ lệ tối thiểu từ 2% đến 5% trở lên nhân tài trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý; từ 10% đến 15% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ”. [1]

Dự thảo của Bộ Nội vụ chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 kéo dài từ năm 2021 – 2025, đây là thời kỳ chuẩn bị, tập trung hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ thể chế pháp luật về thu hút, trọng dụng nhân tài, triển khai thí điểm ở một số bộ, ngành, địa phương,…

Giai đoạn 2 từ năm 2026 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Tập trung triển khai thi hành Chiến lược đồng bộ từ Trung ương đến cấp cơ sở. Giữa năm 2030 tổ chức tổng kết việc thực hiện Chiến lược.

Bộ Nội vụ đã hình thành một “chiến lược quốc gia” nhằm thu hút nhân tài, nhưng “nhân tài” là gì thì cho đến nay vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Câu hỏi “Nhân tài là gì” khiến nhiều người nhớ đến một câu hỏi đã vang lên không ít lần trong phòng họp Quốc hội và rất nhiều diễn đàn: “Triết lý giáo dục của Việt Nam là gì”?

Có một sự giống nhau là câu trả lời cho hai câu hỏi trên đều chưa hoàn chỉnh, hoặc được người trả lời viện dẫn vòng vo bằng cách sử dụng cách giải thích trong từ điển, trong nghị quyết hoặc các văn bản mà nhà nghiên cứu có trong tay.

Ảnh minh họa: TTXVN

Năm 2018, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ:

“Tôi xin hỏi Bộ trưởng về cốt lõi triết lý giáo dục của Việt Nam. Triết lý giáo dục quan trọng như hiến pháp của quốc gia là kim chỉ nam cho hoạt động dạy và học. Trả lời cho câu hỏi này tại buổi họp báo ngày 29/4/2014, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ trước có nêu triết lý trực tiếp của giáo dục Việt Nam là Nghị quyết 29 của Trung ương. Nhưng Nghị quyết 29 dài 12 trang, còn thông thường triết lý giáo dục phải là một phát biểu ở tầm tư tưởng nhưng cô đọng, xúc tích để ai cũng thấu hiểu và thực hiện như học đi đôi với hành, tiên học lễ, hậu học văn”. [2]

Một tác giả nêu định nghĩa “nhân tài – tài năng” như sau:

“Tài năng là sự kết hợp hoàn thiện nhất các năng lực nhất định đối với một hoạt động nhất định, giúp con người đạt được những thành tựu xuất sắc, mới mẻ, có ý nghĩa xã hội. Tài năng biểu thị chất lượng cao của năng lực, có thể biểu hiện trong bất cứ lĩnh vực hoạt động nào, thông qua đào tạo chu đáo và luyện tập công phu, hoạt động thực tiễn phong phú, phát triển tối đa các tố chất tương ứng”. [3]

Vì sao cho đến nay chưa thấy một nhà quản lý nào có thể diễn đạt những vấn đề cốt lõi, liên quan đến “triết lý giáo dục” và “nhân tài” một cách xúc tích, ngắn gọn mà phần lớn cứ phải vòng vo như vậy?

Phải chăng đội ngũ trí thức Việt Nam hiện tại chưa thể trả lời hai câu hỏi này?

Trên thế giới, nhiều người đồng ý với định nghĩa nhân tài là sự tổng hợp ba yếu tố:

Nhân tài = Năng lực + Cam kết + Cống hiến (Talent = Competence + Commitment + Contribution).

“Năng lực” có một phần là “của trời cho”, là sự thông minh bẩm sinh từ lúc lọt lòng, phần còn lại do rèn luyện, học tập mà có. Thông minh, học giỏi nhưng không có sự cam kết với cộng đồng, không có sự cống hiến cho xã hội thì đó không phải là nhân tài.

Với ý nghĩa đó, những người tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học loại giỏi hoặc xuất sắc chưa phải là nhân tài và vì vậy đưa ra các chế độ ưu đãi nhằm thu hút họ về cơ quan, đơn vị tuy không sai song chưa chắc đã nhận được nhân tài thực sự.

Đấy là chưa nói đến yếu tố cá nhân hay sự chủ quan của người/cơ quan tuyển dụng nhân sự bởi không ít trường hợp người ta vẫn theo nếp xưa nay là nhìn bằng cấp để “quy hoạch”.

Thông tin trên mạng xã hội cho thấy khoảng 500 công ty lớn của Mỹ đã sử dụng AI (Artificial Intelligence - trí tuệ nhân tạo) để tìm kiếm nhân tài thông qua phần mềm ATS (Hệ thống Quản trị Tuyển dụng – Applicant Tracking System). [4]

Với ATS, việc đánh giá năng lực, trình độ ứng viên được tự động và không bị các định kiến của người tuyển dụng chi phối. Nói cách khác, khi một ứng viên trở thành “người tài” theo lựa chọn của ATS thì ít nhất họ không phải là tài năng theo cảm tính của nhà tuyển dụng.

Gần đây, một vài tỉnh có chủ trương thu hút giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về dạy tại trường trung học phổ thông chuyên, chẳng hạn giáo viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ nếu về làm việc tại Trường trung học phổ thông chuyên tỉnh Bắc Ninh sẽ được hỗ trợ 100 đến 220 triệu đồng.

Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ở ngoài tỉnh cam kết giảng dạy lâu dài (ít nhất 10 năm) tại Trường trung học phổ thông chuyên Bắc Ninh được hỗ trợ kinh phí nhà ở trị giá một tỷ đồng.

Giả sử có giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ tình nguyện trở thành viên chức giáo dục tại một trường trung học phổ thông chuyên thuộc một địa phương nào đó thì họ có còn được gọi là giáo sư, phó giáo sư?

Theo Luật Giáo dục 2019, câu trả lời là không.

Khi một nhà giáo trở thành biên chế cơ hữu tại trường trung học phổ thông, họ được gọi là giáo viên chứ không phải giảng viên, càng không phải là giáo sư hay phó giáo sư.

Việc nhiều người khi nghỉ hưu vẫn ghi chức danh giáo sư, phó giáo sư trước tên gọi là không phù hợp với quy định trong Luật Giáo dục và đáng tiếc là rất ít người muốn đoạn tuyệt với “truyền thống” hư danh đó.

Liệu có vị giáo sư, phó giáo sư nào chịu từ bỏ chức danh được bổ nhiệm để về làm việc tại một cơ sở giáo dục phổ thông hay họ vẫn tự nhận mình là giáo sư dù nghỉ hưu hàng chục năm, dù không “giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở cơ sở giáo dục đại học” theo luật định?

Đến đây thì xuất hiện một vấn đề mà Bộ Giáo dục và Đào tạo - với chức năng quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo - nên sớm ban hành văn bản dưới luật giải thích khoản 1, điều 66 và khoản 1, điều 68, Luật Giáo dục ban hành năm 2019, theo đó:

Khoản 1, điều 66: “Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục khác, giảng dạy trình độ sơ cấp, trung cấp gọi là giáo viên; nhà giáo giảng dạy từ trình độ cao đẳng trở lên gọi là giảng viên”.

Khoản 1, điều 68: “Giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở cơ sở giáo dục đại học đáp ứng tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư do cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm”.

Kiến nghị nêu trên không phải bây giờ mới được nêu lên nhưng tiếc rằng sự “oai vệ” của các từ “giáo sư, phó giáo sư” đã di căn vào máu của không ít người dù không thiếu trường hợp đó là căn bệnh nguy hiểm cho cả xã hội.

Các trường trung học phổ thông chuyên và ủy ban nhân dân cấp tỉnh không có quyền bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư - đây là chức năng của cơ sở giáo dục đại học - và vì vậy việc thu hút giáo sư, phó giáo sư về trường chuyên nếu không phải là phi thực tế thì phải chăng chỉ là cách “làm màu” khi một số người làm công tác quản lý giáo dục địa phương muốn chứng tỏ sự “năng động” trong đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.

Nếu địa phương muốn đưa giáo sư, phó giáo sư về dạy trường trung học phổ thông chuyên tại các tỉnh thì chỉ có cách mời họ thỉnh giảng một số tiết chứ khó có chuyện ai đó tình nguyện vứt bỏ chức danh giáo sư, phó giáo sư để nhận ưu đãi một tỷ đồng mua nhà ở.

Đấy là chưa nói, chắc gì giáo sư, phó giáo sư đã đủ năng lực sư phạm để giảng dạy tại các trường trung học phổ thông!

Tài liệu tham khảo:

[1] https://dangcongsan.vn/xa-hoi/chien-luoc-quoc-gia-thu-hut-trong-dung-nhan-tai-569929.html

[2]https://kinhtedothi.vn/tong-thuat-chat-van-bo-truong-phung-xuan-nha-triet-ly-giao-duc-cua-viet-nam-la-gi.html

[3]https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/nhan-tai-va-tuyen-dung-nhan-tai-541312.html

[4]https://video.vietnamnet.vn/cac-cong-ty-hang-dau-cua-my-dung-cong-cu-gi-de-san-nhan-tai-a-96024.html

Xuân Dương
'ÔM' GIÁO SƯ VỀ TRƯỜNG CHUYÊN:CÂU CHUYỆN SẢN XUẤT NHỎ
NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG/TVN 16-3-2022

Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình lấy ý kiến về dự thảo tờ trình và nghị quyết của HĐND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù đối với trường THPT chuyên. Dự thảo đề xuất hỗ trợ 1 tỷ đồng cho GS, PGS về làm việc tại trường.Trước đề xuất này, nhiều người quan tâm và có những ý kiến khác nhau.

Dự định hỗ trợ 1 tỷ đồng cho GS, PGS về trường chuyên là hiện thực hóa chiến lược phát triển nguồn nhân lực, 1 trong 4 đột phá nhằm thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh Hòa Bình. Trong bối cảnh kinh tế và xã hội tỉnh còn những thách thức, khó khăn, việc làm đó đáng trân trọng. Mời GS, PGS cụ thể như thế nào - lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh đã tính toán; GS, PGS nào đồng ý đầu quân về tỉnh, họ cũng đã liệu tính.

Dày công đầu tư

Để đứng lớp ở trường chuyên và đạt yêu cầu của người sử dụng lao động, GS, PGS phải dày công đầu tư. Muốn có một tiết bồi dưỡng học sinh giỏi thành công, có những vấn đề thậm chí phải chuẩn bị vài tuần, ai qua rồi mới hay. Phía sau bục giảng là nỗ lực tìm kiếm tài liệu, chắt lọc và sắp xếp để trình bày nội dung chặt chẽ, tổ chức hoạt động để dẫn dắt học sinh nhận biết, thông hiểu, vận dụng.

‘Ôm’ giáo sư về trường chuyên: Câu chuyện sản xuất nhỏ
Trường Trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Website nhà trường

Làm cán bộ quản lý tại một trường THPT chất lượng cao, có năm tôi bị “rát mặt” vì trò trượt học sinh giỏi quốc gia. Thầy N.T.X., lúc bấy giờ là Phó giám đốc Sở GD-ĐT, ý nhị hỏi tôi: “Cậu có yêu công tác bồi dưỡng học sinh giỏi không?”, tôi ậm ừ và quyết “tam tứ núi cũng trèo”.

Dạy chuyên đòi hỏi kiến thức và kỹ năng phải phủ kín, mở rộng và chuyên sâu. Ở đây có rào cản về năng lực chuyên môn và sự say mê với công việc. Có thể có sự lúng túng giữa mục tiêu học sinh vào đại học, học sinh đoạt giải quốc gia và tính toán riêng chung của giáo viên trường chuyên.

Để giải quyết khó khăn này, lãnh đạo các trường chuyên (có sự hỗ trợ của sở GD-ĐT) sắp xếp đội ngũ giảng dạy một cách hợp lý. Tổ chức bồi dưỡng giáo viên song song với kích hoạt năng lượng tự học ở mỗi thầy cô. Giải pháp này mới căn cơ, chứ có mời GS, PGS cũng chỉ đứng lớp một số chuyên đề của một môn học, những chuyên đề khác rồi sao?

Giữa mênh mông tài liệu dạy chuyên (cứng, mềm), có không ít giáo viên mất phương hướng! Dạy phần này, đề ra phần khác. Từ một vấn đề giảng dạy, hướng dẫn học sinh suy nghĩ, phát triển những vấn đề khác, điều đó không hoàn toàn đúng và trúng (với cuộc thi học sinh giỏi quốc gia).

Có trường chuyên mời nhà giáo giỏi và giàu kinh nghiệm (chiến trường thi học sinh giỏi) về bồi dưỡng giai đoạn nào đó cho học sinh. Nhiều trường tìm kiếm đề minh họa, có khi phải mua, nhằm tập dượt cho học sinh và cũng là cách bồi dưỡng cho giáo viên dạy chuyên.

Linh hoạt, sáng tạo thực hiện sẽ cho kết quả bền vững hơn là chi 1 tỷ đồng cho GS, PGS về trường chuyên.

Ngược chiều với giáo dục số

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay, cần hợp tác và chia sẻ giữa giáo viên trong mỗi trường, giữa trường này với trường khác. Với ứng dụng công nghệ thông tin, sự hợp tác, chia sẻ ở mức rộng hơn, xa hơn và cho kết quả tốt. Mỗi thầy cô có thế mạnh một vài phân môn, một số chuyên đề. Trường học nói chung và trường chuyên nói riêng, thường thấy nổi trội ở một số môn nào đó. Bổ trợ cho nhau là cần thiết, để cùng nhau phát triển.

Điều này mang lại cơ hội cho nhiều trường đang cố gắng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. “Ôm” GS, PGS về trường chuyên, suy cho cùng là tư tưởng “sản xuất nhỏ”, chuyển động ngược chiều với giáo dục số!

Vào học trường chuyên trước hết là khát vọng của học trò, đòi hỏi sự chuẩn bị từ gia đình, chất lượng giáo dục ở tiểu học, THCS, PTTH. Chuẩn bị tích cực, thực hiện trách nhiệm và hiệu quả để phát triển giáo dục đại trà, giúp người học tự đánh giá, giúp trường chuyên tuyển được học sinh có tố chất, ước mơ, năng lực.

Tỉnh còn nghèo như Hòa Bình, kiến tạo sự tiến bộ đồng bộ ở các trường là điều cần ưu tiên, không một nhà trường nào bị bỏ lại phía sau, không học sinh nào bị bỏ rơi. Trạng thái đó cho nguồn tuyển sinh đắt giá của trường chuyên.

Thầy cô giỏi giang, dạy học hiệu quả, lan tỏa hoài bão; lấy kiên trì làm nền tảng, sáng tạo làm phương châm, hợp tác và chia sẻ làm nguồn lực thì không chỉ có học sinh giỏi quốc gia mà quá trình đó góp phần đào tạo những công dân ưu tú dựng xây Việt Nam hùng cường.

TS Nguyễn Hoàng Chương 

GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ VÀO BIÊN CHẾ TRƯỜNG CHUYÊN HƯỞNG LƯƠNG BẬC 3, HỆ SỐ 3.0

PHAN THẾ HOÀI/ GDVN 16-3-2022

GDVN- Mức lương và môi trường làm việc ở trường trung học phổ thông chuyên khó tương xứng với giáo viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư.

Ngày 16/7/2021, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh ra Nghị quyết số 02/2021/NQ-HĐND về việc quy định chế độ chính sách đối với Trường Trung học phổ thông chuyên Bắc Ninh; tám trường trung học cơ sở trọng điểm và chế độ đối với cán bộ quản lý, chuyên gia, giáo viên, học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh đối với cấp trung học cơ sở, quốc gia, khu vực, quốc tế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Theo đó, giáo viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ nếu được tuyển chọn dạy tại Trường Trung học phổ thông chuyên Bắc Ninh sẽ nhận được hỗ trợ 100 - 220 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nếu giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ở ngoài tỉnh Bắc Ninh được tiếp nhận giảng dạy tại Trường Trung học phổ thông chuyên Bắc Ninh trong điều kiện cam kết ít nhất 10 năm sẽ được hỗ trợ nhà ở trị giá 1 tỷ đồng.

Vào đầu tháng 3/2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã có Dự thảo Tờ trình về việc đề nghị thông qua Nghị quyết Quy định một số chính sách đặc thù đối với trường trung học phổ thông chuyên; chế độ đối với chuyên gia, giáo viên và học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn đội tuyển của tỉnh tham dự các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế gửi Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Hòa Bình.

Dự thảo có nội dung đáng chú ý là, "giáo viên có trình độ phó giáo sư, giáo sư về công tác tại trường chuyên, có cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên được hỗ trợ tiền thu hút với mức 1,0 tỷ đồng một người" - thu hút sự quan tâm của dư luận.

Bàn về vấn đề này, bài viết Mời giáo sư, phó giáo sư dạy trường chuyên không đúng Luật Giáo dục ngày 14/3/2022 được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cho biết, việc mời giáo sư, phó giáo sư dạy trường trung học phổ thông chuyên vừa trái Luật Giáo dục vừa khó đáp ứng yêu cầu chuyên môn.

Nhận thấy việc mời giáo sư, phó giáo sư dạy trường trung học phổ thông chuyên cần bàn bạc một cách thấu đáo, nhằm góp thêm tiếng nói cho ngành giáo dục các địa phương, cá nhân người viết xin có đôi điều tiếp tục chia sẻ.

Mức lương và môi trường làm việc ở trường trung học phổ thông chuyên khó thích nghi với giáo sư, phó giáo sư. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Hỗ trợ 1 tỷ đồng cho giáo sư, phó giáo sư có tương xứng?

Giáo sư, phó giáo sư muốn công tác ở trường trung học phổ thông chuyên thì có 2 cách: thứ nhất, xin nghỉ việc ở trường đại học và nộp đơn thi/xét tuyển viên chức (tuyển dụng mới); thứ hai, dạy hợp đồng dạy thỉnh giảng (ở trường chuyên).

Tôi cho rằng, giáo sư, phó giáo sư cũng chẳng mấy ai chọn cách thứ nhất để được nhận hỗ trợ 1 tỷ đồng bởi liên quan đến mức lương của viên chức khi được tuyển dụng mới.

Cụ thể, Điều 23 Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định về chế độ, chính sách đối với người tập sự và người hướng dẫn tập sự, trong đó:

Trường hợp người tập sự có trình độ tiến sĩ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm tuyển dụng thì người tập sự được hưởng 85% mức lương bậc 3 của chức danh nghề nghiệp tuyển dụng. Các khoản phụ cấp được hưởng theo quy định của pháp luật.

Như thế, giáo sư, phó giáo sư được tuyển dụng mới giảng dạy ở trường trung học phổ thông được hưởng lương bậc 3. Giáo sư, phó giáo sư được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III - mã số V.07.05.15 với hệ số lương khởi điểm là 3,0 theo Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cũng theo Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT, giáo sư, phó giáo sư phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III từ 6 năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng thì mới được hiệu trưởng cử tham gia thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II.

Nếu được thăng hạng II, giáo sư, phó giáo sư được hưởng lương từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38.

Tương tự, giáo sư, phó giáo sư muốn thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I (mã số V.07.05.13) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II (mã số V.07.05.14) hoặc tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên, tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Nếu được thăng hạng I, giáo sư, phó giáo sư được hưởng lương từ hệ số lương 4,4 đến hệ số lương 6,78.

Hay nói cách khác, giáo sư, phó giáo sư phải giảng dạy 12 năm (không kể thời gian tập sự) thì mới có thể hưởng lương ở hệ số cao nhất là 6.78.

Trong khi đó, Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập thì chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00.

Vậy nên, không có lí do gì để giáo sư, phó giáo sư chấp nhận mức lương chỉ vài triệu đồng/tháng (bậc 3) và cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên để được hỗ trợ tiền thu hút với mức 1 tỷ đồng. Tính trung bình mức lương tháng và tiền hỗ trợ thì giáo sư, phó giáo sư có tổng thu nhập khoảng 12-13 triệu đồng/tháng - liệu có xứng đáng?

Giáo sư, phó giáo sư ngoài việc thực hiện nhiệm vụ theo quy định của cơ quan, đơn vị thì họ có thể làm thêm bằng cách tham gia thỉnh giảng, đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, nghiên cứu khoa học, viết giáo trình, biên soạn tài liệu... để kiếm thêm thu nhập (cao).

Giáo sư, phó giáo sư khó thích nghi công tác chuyên môn ở trường phổ thông

Giáo sư, phó giáo sư làm việc ở trường trung học phổ thông chuyên công lập phải thực hiện theo Luật Viên chức, Luật Giáo dục và hàng loạt văn bản dưới luật khác.

Điều 27 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định nhiệm vụ của giáo viên như sau (trích):

- Thực hiện nhiệm vụ tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn; quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; tham gia các hoạt động chuyên môn; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục.

- Tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở địa phương...

Chiếu theo các quy định này, tôi thấy giáo sư, phó giáo sư khó thích nghi với những nhiệm vụ ở bậc trung học phổ thông vì những lí do sau đây.

Chẳng hạn, giáo sư, phó giáo sư phải chịu sự quản lí trực tiếp từ cấp tổ chuyên môn (tổ trưởng, tổ phó) đến lãnh đạo (hiệu trưởng, hiệu phó). Đơn cử, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn thường có tuổi đời ít hơn giáo sư, phó giáo sư; học vị cũng thấp hơn, liệu các vị có hạ mình để lắng nghe, rồi làm theo chỉ đạo chuyên môn?

Lấy ví dụ, một số hoạt động chuyên môn khá xa lạ với giáo sư, phó giáo sư như: soạn giáo án theo Công văn 5512/BGDĐT (dài lê thê hàng chục chục trang); bồi dưỡng thường xuyên các module (nhiều module hình thức, nhai đi nhai lại kiến thức ở bậc đại học); dạy thao giảng và dự giờ thao giảng đồng nghiệp; họp hành liên miên; hoàn thành hàng loạt hồ sơ sổ sách...

Cùng với đó, khi học sinh tham gia các hoạt động giáo dục ngoài phạm vi lớp học, có khi các em phải đi xa đến địa phương khác thì thầy cô cũng phải đồng hành với các em, liệu giáo sư, phó giáo sư có kham nổi?

Nếu giáo sư, phó giáo sư không hoàn thành được một số công việc như đã dẫn, cho dù có giỏi chuyên môn cũng bị lãnh đạo đánh giá thấp khi phân loại viên chức cuối năm theo Nghị định 90/2020/NĐ-CP.

Điều 15 quy định tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức ở mức không hoàn thành nhiệm vụ khi (trích): có trên 50% các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

Và theo Luật Viên chức, đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức trong trường hợp: viên chức có 02 năm liên tiếp bị phân loại đánh giá ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ (Điều 29).

Như thế để thấy rằng, đề xuất giáo viên có trình độ giáo sư, phó giáo sư về công tác tại trường chuyên, có cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên được hỗ trợ tiền thu hút với mức 1 tỷ đồng một người - là ý tưởng viển vông.

Hơn nữa, theo quan điểm của tôi, việc mời giáo sư, phó giáo sư về dạy trường chuyên còn là nạn sùng bái bằng cấp, học hàm học vị.

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Nghi-quyet-02-2021-NQ-HDND-che-do-chinh-sach-voi-truong-trung-hoc-pho-thong-Chuyen-Bac-Ninh-494533.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thạc sĩ Phan Thế Hoài
NHIỆM VỤ CỦA TRƯỜNG CHUYÊN KHÔNG PHẢI ĐỂ THI HỌC SINH GIỎI !
THÁI HẠO/ TD 16-3-2022
Học sinh, giáo viên Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình). Ảnh: Fanpage nhà trường

Sự kiện UBND tỉnh Hòa Bình trình dự thảo chi 1.3 tỉ đồng để mời giáo sư – tiến sĩ về dạy trường THPT chuyên trên địa bàn đang thu hút sự quan tâm và bàn luận đặc biệt của xã hội. Tuy nhiên, cái làm chúng tôi băn khoan nhiều nhất không phải là số tiền, cách chi tiền cũng như mục đích của nó, mà là quan điểm của những người làm giáo dục về vấn đề này.

Trên tờ Tuổi trẻ, bà TS Nguyễn Kim Dung – viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Nam Việt – nhận định rằng chủ trương này là “chưa phù hợp lắm”. Bà đưa ra 3 lý do, trong đó 1 và 3 là liên quan đến nhiệm vụ/chức năng của trường chuyên*.

Điều đáng ngạc nhiên nằm ở chỗ bà xác định rằng trường chuyên thực hiện “chức năng là để bồi dưỡng nhân tài, định hướng học sinh chọn lĩnh vực phát triển trong tương lai, bên cạnh nhiệm vụ có nhiều học sinh giỏi mang thành tích cho trường” (lý do thứ nhất); và được nhấn mạnh lại một cách đầy đủ, trọn vẹn trong lý do thứ ba: “Chức năng trường chuyên có thể tạo nghiên cứu, hướng dẫn học sinh vào mảng thi học sinh giỏi. Đặc trưng này không phải là điểm mạnh của giáo sư, phó giáo sư. Giải một đề toán, đề văn, phát huy năng khiếu phải là người hướng về năng lực giảng dạy hơn năng lực nghiên cứu”. Nói cho giản dị, thì bà Viện trưởng coi nhiệm vụ thi và lấy giải học sinh giỏi là trọng tâm của trường chuyên.

Cũng trong bài báo trên, GS Nguyễn Đức Dân nêu quan điểm: “Môi trường THPT mà cần đến cả những người có hàm giáo sư, phó giáo sư là không cần thiết. Chắc gì khi họ đứng lớp dạy tốt hơn giáo viên trường THPT. Môi trường này cần người tài ở cơ sở giáo dục khác đưa về.

Chẳng hạn, họ là nhà giáo có thành tích trong dạy học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, khu vực… Dùng chế độ này để thu hút hơn nữa giáo viên có tài về THPT chuyên thì đúng hơn. Đồng thời đãi ngộ để khuyến khích, động viên tinh thần của giáo viên dạy đã tốt thì càng tốt hơn nữa”. Một lần nữa chúng ta thấy cái lý do về “thành tích trong dạy học sinh giỏi” lại được nhắc đến, và nhất là còn là lý do duy nhất trong lời phát biểu của này!

Điều này (nhiệm vụ thi học sinh giỏi) không tìm thấy trong các văn bản pháp quy của ngành Giáo dục. Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên quy định rõ “mục tiêu, nhiệm vụ, quyền hạn” của trường chuyên cũng không hề có dòng nào nói đến nhiệm vụ “thi học sinh giỏi” và “mang thành tích về cho trường” như Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nhấn mạnh tới 2 lần như trên cả.

Nếu là một người dân bình thường, một người làm trong các ngành nghề khác, thậm chí là giáo viên phổ thông mà nhìn nhận như thế thì cũng không làm chúng ta băn khoăn nhiều lắm nhưng quan điểm của những người ở cương vị như TS Nguyễn Kim Dung (hay GS Dân) thì lại là chuyện khác. Đành rằng, dù nói dù không, thì trên thực tế đã từ rất lâu rồi, “thi học sinh giỏi” gần như đã là một thứ “luật bất thành văn” trong quan điểm, tổ chức, điều hành và vận hành của hệ thống trường chuyên. Đây gần như là lý do mạnh nhất chi phối đến sự tồn tại và tính hợp lý của nó trong hiện thực. Nhưng đó là chuyện khác.

Có nhiều lý do dẫn đến việc “lái chệch mục tiêu” này của hệ thống trường chuyên. Tuy nhiên, nó có thể hiểu được một khi đó là do sức mạnh có tính khách quan vượt ra khỏi ý chí của những người làm giáo dục. Nhưng đây, qua phát biểu của Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam thì dường như vấn đề không phải chỉ có thế.

Hay là những “yếu nhân” trong nền giáo dục Việt Nam đã và đang chủ động lái nó theo quan điểm của họ? Bằng chứng là từ phát ngôn đã dẫn, bà Viện trưởng đã công khai coi thi học sinh giỏi và thành tích từ các cuộc thi học sinh giỏi ấy là chức năng chủ yếu của trường chuyên khi có đến hai trong ba lý do được đưa ra là thuộc vào nội dung này.

Theo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên, “Mục tiêu của trường chuyên là phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập và phát triển năng khiếu của các em về một số môn học trên cơ sở đảm bảo giáo dục phổ thông toàn diện; giáo dục các em thành người có lòng yêu nước, tinh thần vượt khó, tự hào, tự tôn dân tộc; có khả năng tự học, nghiên cứu khoa học và sáng tạo; có sức khỏe tốt để tiếp tục đào tạo thành nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”. Rõ ràng, chúng ta đang có quan điểm đúng về giáo dục, tuy nhiên không hiểu vì sao mà những người làm giáo dục, thậm chí trực tiếp thiết kế nền giáo dục lại có nhìn nhận sai khác đến như vậy khi coi trường chuyên là nơi để “thi học sinh giỏi” và “mang thành tích về cho trường”?

Xin nói thêm, quan điểm của bà Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam không phải là thiểu số, nếu không nói rằng nó đại diện cho đa số. Dù nói ra hay không thì hầu hết những người đang trực tiếp làm công tác giáo dục tại các trường chuyên đều bám sát mục tiêu “thi học sinh giỏi” ấy. Không những thế, cái “dự thảo” UBND tỉnh Hòa Bình cũng là một đại diện cho tư duy của lãnh đạo các địa phương trên hầu khắp cả nước. Đã từ rất lâu, việc chi hàng trăm triệu đồng để mời giáo sư, tiến sĩ hoặc cho học sinh đi học giáo sư, tiến sĩ trước mỗi kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vẫn diễn ra như một lẽ thường tình và đương nhiên rồi. Chỉ khác là lần này nó được nói công khai trên báo chí mà thôi.

Phát biểu của bà Viện trưởng buộc chúng ta phải suy nghĩ. Sự vận hành của nền giáo dục nói chung và hướng đi của trường chuyên nói riêng suốt bao nhiêu năm qua đã bắt đầu chệch hướng từ khi nào và bởi ai? Tại sao lại có sự “mất lái” ấy? Nó có thể quay lại được không? Và làm cách nào để quay lại? Chúng tôi mong câu trả lời ở những người có trách nhiệm cao nhất với nền giáo dục nước nhà và cả ở tất cả chúng ta, vì nó không phải việc đơn giản.

Điều mà chúng tôi lo lắng nhiều nhất, sau khi đọc được lời phát biểu của Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, là đối với Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018). Với những mục tiêu tốt đẹp và rõ ràng (như đã từng) có khi nào, một lần nữa nền giáo dục lại bị lái đi chệch hướng, để chúng ta phải mất thêm 20 năm tiếp theo cho một cuộc đổi mới sau lần đổi mới này, bởi chính những người đang làm giáo dục khi mà tư duy, quan niệm và ám ảnh thành tích đã bắt rễ qua sâu như trong não trạng của những người có học hàm, học vị và vị trí cao đến thế?

Điều cuối cùng, chúng tôi không có ý “đổ lỗi” cho các cá nhân đã nêu, mà chỉ muốn thông qua đó để gióng lên một tiếng chuông cảnh tỉnh; còn trách nhiệm và sứ mạng thay đổi nền giáo dục – trước hết, cao nhất và quyết định – mãi thuộc về bộ chủ quản và nhà nước nói chung.

DỰ THẢO HÒA BÌNH MỜI GS, PGS DẠY TRƯỜNG CHUYÊN NHẦM LẪN CHỨC DANH VÀ TRÌNH ĐỘ
PHAN THẾ HOÀI / GDVN 19-3-2022
GDVN- Theo Luật Viên chức, nếu giáo sư, phó giáo sư vào biên chế trường chuyên công lập thì họ nghiễm nhiên sẽ bị mất chức danh này.

Dự thảo Tờ trình về việc đề nghị thông qua Nghị quyết Quy định một số chính sách đặc thù đối với trường trung học phổ thông chuyên... của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình có nội dung "giáo viên có trình độ phó giáo sư, giáo sư về công tác tại trường chuyên, có cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên được hỗ trợ tiền thu hút với mức 1,0 tỷ đồng một người" đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. [1]

Giáo sư, phó giáo sư biên chế trường phổ thông công lập sẽ mất chức danh

Thứ nhất, cần khẳng định, tỉnh Hòa Bình đang nhầm "chức danh" thành "trình độ" vì Dự thảo viết rằng "giáo viên có trình độ phó giáo sư, giáo sư...".

Bởi, Điều 68 Luật Giáo dục quy định: 1. Giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở cơ sở giáo dục đại học đáp ứng tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư do cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm. 2. Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Như thế, giáo sư, phó giáo sư (ở Việt Nam) không phải là định danh trình độ mà là "học hàm". Học hàm này được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận (công nhận đạt chuẩn chức danh). Việc công nhận giáo sư, phó giáo sư dựa trên kinh nghiệm, thành tích nghiên cứu và đào tạo.

Hay nói cách khác, giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo, còn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ mới là trình độ đào tạo.

Dự thảo nhầm "chức danh" thành "trình độ". (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Cần biết thêm, theo etymonline.com, "giáo sư" - Professor - bắt nguồn từ tiếng Latinh "person who professes" nghĩa là một chuyên gia có kiến thức chuyên sâu về nghệ thuật hoặc khoa học, hoặc một giảng viên có trình độ chuyên môn cao. [2]

Trên thế giới, từ "giáo sư" không có tiêu chuẩn được sử dụng chính thức để chỉ ra cấp bậc học vấn cao nhất. Các giáo sư thường tiến hành nghiên cứu ban đầu và giảng dạy các khóa học ở đại học, sau đại học hoặc các lĩnh vực trong chuyên môn của họ. [3]

Thứ hai, Điều 3 Quyết định 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xét công nhận giáo sư, phó giáo sư cũng nêu rõ nhiệm vụ của giáo sư, phó giáo sư là giảng dạy, hướng dẫn luận văn, luận án, nghiên cứu khoa học... Giáo sư, phó giáo sư gắn với chức danh của một trường đại học cụ thể.

Vấn đề đặt ra là, nếu giáo sư, phó giáo sư thỉnh giảng tại trường chuyên thì xử lý mối quan hệ về đảm bảo yêu cầu chức danh giáo sư, phó giáo sư như thế nào? Giáo sư, phó giáo sư có được phép sử dụng chức danh này để làm việc ngoài nhiệm vụ chức trách giảng viên của một trường đại học không?

Mà theo Luật Viên chức, việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện theo nguyên tắc: "làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm đó" (Điều 31)

Nếu giáo sư, phó giáo sư vào biên chế trường chuyên công lập thì nghiễm nhiên giáo sư, phó giáo sư bị mất chức danh này, lúc đó họ là giáo viên có trình độ tiến sĩ (vì một cá nhân không thể có biên chế ở hai cơ quan/đơn vị sự nghiệp công lập).

Vì sao giáo sư, phó giáo sư dạy trường chuyên gây tranh cãi?

Việc đề xuất giáo sư, phó giáo sư về dạy trường trung học phổ thông chuyên của tỉnh Hòa Bình gây tranh cãi có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như hành lang pháp lí, chế độ đãi ngộ, yêu cầu chuyên môn... Riêng tôi nhận thấy sự tranh cãi này còn xuất phát từ một số nguyên nhân sau đây.

Thứ nhất, có những người học hàm, học vị đầy mình nhưng cả trình độ lẫn tư cách đều không xứng đáng với những gì họ mang. Điều này đã được truyền thông nói chung và Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nói riêng đăng tải nhiều bài viết phản ánh từ những năm qua.

Có thể liệt kê một số bài viết đáng chú ý như, Mùa … đạo văn ngày 25/6/2018, “Lò ấp Tiến sĩ” và ông “thợ dạy” ngày 3/8/2021, Cần hủy vĩnh viễn hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư đăng bài ở tạp chí mạo danh ngày 22/2/2022...

Với những giáo sư, phó giáo sư vi phạm liêm chính học thuật nhưng bằng cách nào đó họ vẫn được phong học hàm thì việc mời họ giảng dạy ở trường trung học phổ thông chuyên cũng chẳng có ích gì, không khéo lợi bất cập hại.

Đề xuất giáo sư, phó giáo sư về dạy trường chuyên gây tranh cãi. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Thứ hai, việc làm của tỉnh Hòa Bình phản ánh 2 điều dở của giáo dục hiện nay: 1) Không tin tưởng việc đào tạo giáo viên của các trường đại học sư phạm; 2) Hạ thấp giá trị học hàm giáo sư, phó giáo sư.

Phần lớn giáo viên dạy ở trường chuyên đều được tuyển dụng kĩ càng, năng lực chuyên môn của thầy cô đều được chứng minh qua từng năm học. Giả sử giáo viên nào đó không đáp ứng việc dạy học, luyện thi học sinh giỏi thì làm sao thầy cô tồn tại được trong môi trường này - vì danh dự không cho phép.

Liên quan đến việc bỏ tiền tỉ mời giáo sư, phó giáo sư về dạy trường chuyên, tháng 7/2021, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã có Nghị quyết số 02/2021/NQ-HĐND quy định một số chế độ chính sách đối với Trường Trung học phổ thông chuyên Bắc Ninh. [4]

Theo đó, nếu nhà giáo có học hàm giáo sư, phó giáo sư hoặc trình độ tiến sĩ ở ngoài tỉnh Bắc Ninh được tiếp nhận giảng dạy tại trường chuyên Bắc Ninh và có cam kết lâu dài (ít nhất 10 năm) thì được hỗ trợ kinh phí nhà ở trị giá 1 tỷ đồng (tương đương giá trị 1 căn nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Bắc Ninh có diện tích khoảng 70 m2).

Báo VietNamNet ngày 14/3/2022 đưa tin, đến nay tỉnh Bắc Ninh thừa nhận "chưa ai liên hệ" (chưa có giáo sư, phó giáo sư nào liên hệ về trường chuyên dạy học). "Việc thu hút nhân tài là chính sách tốt song việc chiêu hiền đãi sĩ còn nhiều chông gai", đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh cho biết thêm. [5]

Thứ ba, chuyện giáo sư, phó giáo sư dạy bậc trung học phổ thông (chuyên) là xưa nay chưa từng có. Ở Thành phố Hồ Chí Minh có Tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình dạy Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và một số giáo viên khác có học vị tiến sĩ cũng dạy bậc trung học phổ thông, nhưng số lượng rất ít.

Ngày 15/3/2022, trả lời phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales) cho biết, ở bang New South Wales (nơi giáo sư đang làm việc) không thấy trường trung học tuyển dụng giáo sư, phó giáo sư dạy ở bậc phổ thông.

Báo VnExpress ngày 13/3/2022 dẫn lời Phó Giáo sư Lê Thị Nguyệt Minh (Đại học Quốc gia Singapore - NUS) cho biết, trường trung học ở đây không tuyển giáo sư. [6]

"Giáo sư, phó giáo sư được đào tạo để giảng dạy ở đại học và sau đại học, không được đào tạo để dạy trung học. Vì vậy, việc tuyển giáo sư, phó giáo sư về các trường cấp 2-3 ở Mĩ là chuyện gần như không có", Phó Giáo sư Mai Đặng Hiền Quân (Đại học Rutgers) nói với VnExpress. [6]

Thứ tư, Điều 3 Quyết định 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định nhiệm vụ của giáo sư và phó giáo sư như sau (trích):

- Biên soạn chương trình, giáo trình và sách phục vụ đào tạo khác; giảng dạy, hướng dẫn đồ án, khóa luận tốt nghiệp đại học, luận văn thạc sĩ, luận văn chuyên khoa, chuyên đề, luận án tiến sĩ và thực hiện những nhiệm vụ chuyên môn khác theo quy định.

- Nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ, bảo đảm chất lượng đào tạo...

Chiếu theo quy định này thì giáo sư, phó giáo sư không phù hợp với việc dạy ở bậc trung học phổ thông vì Luật Giáo dục quy định mục tiêu của giáo dục phổ thông như sau (trích):

Trang bị kiến thức công dân; bảo đảm cho học sinh củng cố, phát triển kết quả của giáo dục trung học cơ sở, hoàn thiện học vấn phổ thông và có hiểu biết thông thường về kỹ thuật, hướng nghiệp...

Vậy nên, yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục phổ thông (trích): phải bảo đảm tính phổ thông, cơ bản, toàn diện, hướng nghiệp và có hệ thống; gắn với thực tiễn cuộc sống, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh, đáp ứng mục tiêu giáo dục ở mỗi cấp học (Điều 30).

Tôi cho rằng, tỉnh Bắc Ninh, Hòa Bình mời giáo sư, phó giáo sư về dạy phổ thông phần nào cho thấy, bệnh thành tích của ngành giáo dục đang đè nặng lên các trường chuyên chạy theo giải quốc gia, quốc tế.

Ngày 15/3/2022, chia sẻ với cá nhân người viết về học hàm, học vị nhà giáo, Tiến sĩ Dương Văn Tú (Đại học Purdue, Mĩ) nói rằng, ông không coi học hàm học vị là cái gì đó ghê gớm. Chẳng hạn học vị cao nhất tiến sĩ chỉ là tấm vé thông hành để bước vào con đường nghiên cứu chuyên nghiệp, còn học hàm giáo sư chỉ là chức danh nghề nghiệp của giảng viên.

"Quan trọng là trình độ, nhân cách của anh thế nào chứ không phải học hàm, học vị. Những ai thiếu tự tin về trình độ, nhân cách của họ, không còn gì khác mới phải mang học hàm học vị ra khoe", Tiến sĩ Dương Văn Tú thẳng thắn nói.

Tài liệu tham khảo:

[1] //hoabinh.edu.vn/vn/document/vanban/nganh/xin-y-kien-vao-du-thao-to-trinh-du-thao-nghi-quyet-cua-hdnd-tinh-quy-dinh-mot-so-chinh-sach-dac-thu-doi-voi-truong-thpt-chuyen-che-do-doi-voi-chuyen____118657.aspx?fbclid=IwAR31EmgQpI1Ho8XqMuI0-5e_rOmU86qzqJDqP43uo32i7ZFRj7ZoYGzIbiY

[2] //www.etymonline.com/word/professor?fbclid=IwAR31EmgQpI1Ho8XqMuI0-5e_rOmU86qzqJDqP43uo32i7ZFRj7ZoYGzIbiY

[3] //vi.wikipedia.org/wiki/Gi%C3%A1o_s%C6%B0

[4] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Nghi-quyet-02-2021-NQ-HDND-che-do-chinh-sach-voi-truong-trung-hoc-pho-thong-Chuyen-Bac-Ninh-494533.aspx

[5] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/chi-tien-ty-tuyen-giao-su-tien-si-ve-truong-chuyen-hon-7-thang-khong-tuyen-noi-mot-nguoi-822568.html?fbclid=IwAR3DpXUn13Vf0ngkZfq8Y1DPnTGDjhNGRh9QvxyK8rgmH1Zg7RBB1IErXTw

[6] //vnexpress.net/ly-do-khong-nen-moi-giao-su-ve-truong-chuyen-4438028.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thạc sĩ Phan Thế Hoài

Từ Australia, GS Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ:

Hòa Bình muốn chi 1 tỉ đồng để tuyển GS về dạy trường trung học chuyên ở tỉnh. Trước đó, tỉnh Bắc Ninh cũng có chính sách tương tự, nhằm thu hút GS, PGS, TS về tỉnh. Vấn đề là tại sao lại mướn GS, PGS, TS dạy trung học?

Theo tôi thấy, mướn TS dạy trung học là một chủ trương không đúng. Bởi mục tiêu của chương trình học TS là đào tạo ra một nhà khoa học chuyên nghiệp (professional scientist). Văn bằng TS là một "hộ chiếu" để người đó có quyền làm nghiên cứu khoa học. Thường, TS có kiến thức và kĩ năng chuyên sâu về một lĩnh vực hẹp (ví dụ như sinh học ung thư), nhưng đa số TS không có kĩ năng dạy học. Nhiều người mang chức danh GS (ở Australia và phương Tây), nhưng thật ra họ không có kĩ năng giảng dạy.

Dĩ nhiên, TS vẫn có thể dạy học, nhưng họ phải trải qua một chương trình huấn luyện về sư phạm. Dạy học, đặc biệt là dạy học sinh trung học, theo tôi thấy khó hơn là dạy cho sinh viên đại học. Cấp đại học thì sinh viên chủ yếu là tự học, còn GS thì có trợ giảng, nên họ chủ yếu là "diễn thuyết" chứ không dạy như cấp trung học. Còn cấp trung học, học sinh cần "cầm tay chỉ việc", nên dạy học ở cấp này rất vất vả.  Không có kĩ năng dạy học thì dù là GS đại học vẫn không thể là người thầy giỏi.

Theo tôi thấy, một giáo viên giỏi không nhất thiết phải là người có bằng cấp cao; cái cần thiết là có phương pháp dạy tốt. Phương pháp dạy học rất quan trọng để "kéo" học sinh đi theo mình. Phương pháp dạy đó phải gắn liền với thực tế.

Chẳng hạn như khi dạy về tích phân, tôi lấy diện tích ra làm ví dụ, vì học sinh trung học ai cũng biết ý nghĩa của diện tích. Hay khi dạy về hàm số mũ, tôi lấy ví dụ cha mẹ vay tiền từ ngân hàng để mua nhà và câu hỏi là cần phải trả bao nhiêu năm thì căn nhà thuộc về gia đình. 

Những cách dạy rất thực tế như thế, chứ không phải bằng cấp cao, giúp cho các em học sinh hào hứng học toán. Từ kinh nghiệm đó, tôi thấy đâu có cần bằng cấp cao mới là một người thầy giỏi.

Có lẽ vấn đề là ở Việt Nam chúng ta quan trọng hoá bằng TS. Có người thậm chí có xu hướng "thần thánh hoá" TS. Dĩ nhiên, tôi không có ý nói TS không quan trọng; ngược lại, đào tạo TS rất quan trọng, nhưng phải sử dụng những người này đúng với mục đích của việc đào tạo TS. Có người nghĩ rằng thầy cô có bằng TS để giúp một vài học sinh đạt được vài giải thưởng, nhưng chưa có bằng chứng nào để nghĩ như thế và cũng không xứng đáng cho sự đầu tư.

Tôi nghĩ ngành giáo dục Việt Nam loay hoay với nhiều vấn đề cả mấy chục năm nay và có vẻ chẳng đi tới đâu. Là người ngoài cuộc, tôi thấy vấn đề lớn nhất cần phải cải cách, đó là đào tạo thầy cô giáo.

Hiện nay, sinh viên sư phạm được tuyển thẳng từ những học sinh tốt nghiệp trung học, và điểm thi vào cũng không quá cao. Nghề giáo càng ngày càng bị rẻ rúng. Nhiều giáo viên, trong đó có bà con tôi, bỏ nghề. Nếu là người lãnh đạo giáo dục, tôi phải xem đó là một sự khủng hoảng nguy hiểm.

Do đó, tôi nghĩ ưu tiên hàng đầu là khôi phục lại danh vị và sự tôn nghiêm của nghề giáo, chứ không phải đi tìm TS và GS về dạy trung học.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét