Tại phiên họp bất thường của Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc, bàn về việc lên án Nga xâm lược Ukraine, ngày 1/3/2022 giờ miền Đông nước Mỹ, Việt Nam cùng 34 quốc gia khác bỏ phiếu trắng, trong khi đa số các nước bỏ phiếu thuận. Riêng 5 nước bỏ phiếu chống là Nga, Belarus, Bắc Hàn, Syria và Eritrea.
Đa số những người theo dõi tình hình Việt Nam trong những năm gần đây có lẽ không ngạc nhiên về lá phiếu trắng này. Bỏ ra ngoài những phát biểu mang tính cảm xúc, hai lý do rất thực tế cho lá phiếu trắng, là kinh tế và quốc phòng của nước Việt Nam cộng sản phụ thuộc nhiều vào Nga, từ các thiết bị giàn khoan dầu, cho đến những con ốc trên các phản lực cơ Sukhoi.
Nhưng bên cạnh lá phiếu trắng là lời phát biểu của ông Đặng Hoàng Giang, đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp quốc, có những điều thú vị, đáng chú ý. Ông Giang nói như sau:
“Lịch sử của chính dân tộc chúng tôi hứng chịu các cuộc chiến tranh đã nhiều lần chỉ ra rằng các cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Một số xung đột vẫn còn gắn liền với những yếu tố lịch sử, ngộ nhận và hiểu lầm”.
Tiếp theo, ông Giang nêu lên các nguyên tắc của Liên Hiệp quốc về “bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực”.
Tất cả những điều này có bản chất mô tả hành động xâm lược của Nga ở Ukraine, tuy ông Giang không nêu tên nước nào, cũng như cá nhân nào trong toàn bộ bài diễn văn.
Dường như lần cuối cùng nhà nước cộng sản Việt Nam lên án một quốc gia, hay một cá nhân quốc tế nào đó, là vào thời kỳ trước khi họ và Bắc Kinh ký hiệp định Thành Đô, bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Trước khi hệ thống cộng sản sụp đổ năm 1989, không ít lần các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam, khi nói về các quan hệ quốc tế, nêu ra học thuyết cộng sản, với mong ước là nó sẽ thắng lợi trên phạm vi toàn thế giới (chính tai tôi nghe ông Võ Nguyên Giáp nói như thế trên truyền hình Việt Nam trong thập niên 1970).
Mặc dù cụm từ “học thuyết lỗi thời” của ông Giang cũng có thể được hiểu là chủ nghĩa McCarthy, làm nền tảng cho sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam trước đây, nhưng trong bối cảnh hiện nay, với sự hùng hổ nhà lãnh đạo độc tài Putin của Nga, người ta dễ liên tưởng đến chủ nghĩa Đại Nga của đám dân tộc chủ nghĩa ở nước Nga hơn, cũng như chủ nghĩa cộng sản mà một thời nước Nga tự hào là cái nôi của nó.
Lời nói đó lại thoát ra từ miệng một viên chức cao cấp của một đảng có tên là đảng Cộng sản Việt Nam.
Khi so sánh lời phát biểu của ông Đặng Hoàng Giang với những phát biểu ngoại giao trước đây của Việt Nam, thấy nó lạ hơn, khác hơn những phát biểu cũ, thường chỉ gồm những quan ngại, quan ngại và quan ngại.
Thú vị hơn nữa, nếu ta so sánh phát biểu này trong bức tranh toàn cảnh, với cách thức đưa tin của báo chí Việt Nam về cuộc chiến ở Ukraine, những bình luận và phân tích về cuộc chiến trên các cơ quan báo chí này. Một mặt cơ quan tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam cho phép tự do đưa tin, nhưng lại răm rắp theo khuyến cáo của ông Putin là không dùng từ… chiến tranh. Một số nhà báo trong nước xác định với tôi chuyện này. Có hai viên tướng Việt Nam đăng đàn lên tiếng bênh vực cho cuộc xâm lược của Moscow, rồi sau đó, ông Nguyễn Chí Vịnh, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng lại nói rằng, nguyên nhân chiến tranh sâu xa là của cả hai bên.
Đoạn trích dẫn lời đại sứ Đặng Hoàng Giang ở đầu bài được lấy từ bản dịch của báo Pháp Luật, trong khi nhiều tờ báo lớn khác lại không dịch. Cũng chính báo Pháp Luật này đã thực hiện một cuộc phỏng vấn bà đại biện lâm thời của Ukraine tại Hà Nội.
Quan sát mạng xã hội Việt Nam, chúng ta có thể phát hiện ra một số khá đông người Việt Nam, đa số gốc miền Bắc, lên tiếng ủng hộ cuộc xâm lược của Putin. Trong khi đó, một số nhà hoạt động xã hội thẳng thắn quyên góp tiền bạc ủng hộ Ukraine.
Người giàu nhất Việt Nam là ông Phạm Nhật Vượng, vốn đi lên từ công cuộc làm ăn ở Ukraine, đã thắp sáng tòa nhà cao nhất Việt Nam ở Sài Gòn, hai màu vàng và xanh dương, màu của quốc kỳ Ukraine, dù ông không nói gì, và việc làm này chậm đến mấy ngày, sau khi màu cờ này rực sáng trên rất nhiều thành phố trên thế giới.
Quan sát bức tranh có sự đối lập khá rõ đó của dư luận xã hội, cũng như hành động của giới chức Việt Nam, tầng lớp tinh hoa Việt Nam, có thể rút ra vài kết luận sau đây:
Gần 40 năm sau khi chuyển đổi nền kinh tế theo hướng thị trường, giao hảo nhiều với thế giới tư bản phương Tây, nhiều người Việt vẫn nghĩ rằng Liên Xô là một cái gì đó vĩ đại, và nước Nga mang hình bóng vĩ đại đó đến ngày hôm nay. Những người Việt Nam này vẫn thần phục sự vĩ đại ấy, bất chấp lý lẽ luật pháp, bất chấp thực tế phũ phàng là nước Nga không hề vĩ đại, có chăng chỉ là một cái trạm bơm xăng vĩ đại.
Nhưng có một thế hệ khác, trong đó có các nhà ngoại giao trẻ, không còn tâm lý thần phục sự vĩ đại ấy. Điều này cũng trùng với quan sát của một nhà nghiên cứu người Việt ở Mỹ, nói với tôi cách đây vài năm, rằng ảnh hưởng phương Tây ngày càng mạnh trong các thế hệ trẻ, và điều này không thể đảo ngược lại được.
Điều thứ ba rút ra là, nhà nước Việt Nam, nếu được thì họ sẽ tránh đi tất cả các cuộc xung đột trên thế giới, để khỏi phải nát óc mà lựa lời phát biểu.
Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không biết Mỹ và phương Tây có lợi cho Việt Nam hơn trong tương lai, thay vì Nga hay Trung Quốc. Những quan hệ quá sâu sắc về kinh tế và chính trị thời mồ ma Liên Xô không làm Hà Nội nhanh chóng rút khỏi ảnh hưởng của nước Nga, và cũng có thể do họ hy vọng rằng có thể lợi dụng quan hệ với Moscow để tạo sự cân bằng với Trung Quốc ở biển Đông.
Bài phát biểu của ông Đặng Hoàng Giang có thể là một sự thức tỉnh khi nhận thấy sự tấn công trả đũa tổng lực của phương Tây nhằm vào nước Nga, do vậy, giao du với một nước thuộc loại nặc nô (pariah) như thế, là lợi bất cập hại đủ điều.
Phản ứng của Việt Nam, bao gồm lời buộc tội chiến tranh, và lá phiếu trắng, không đến nỗi làm phật lòng phương Tây, vì phương Tây cần Việt Nam hơn lúc nào hết, trong cái chốt chặn Trung Quốc ở vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Điều đáng ngại của Việt Nam hiện nay, không phải là rút ra khỏi cái bóng kinh tế quốc phòng của nước Nga trễ tràng, mà là sự gần gũi của “mô hình” tư bản bồ bịch (crony capitalism) của hai nước.
Đã có những ý kiến cho rằng sự bê bối của quân đội Nga trong những ngày đầu xâm lược Ukraine, là kết quả của sự nhũng lạm của các tướng lĩnh Nga. Sự nhũng lạm như vậy không hề nhỏ trong quân đội Việt Nam, mà gần đây nhất là vụ cáo buộc tham nhũng rất lớn ở binh chủng hải quân, cũng như sự dính líu của Học viện Quân y trong vụ lừa đảo của công ty Việt Á.
THẾ NÀO LÀ "LỢI ÍCH DÂN TỘC" ?
ĐINH ĐỨC LONG/BVN 8-3-2022
Việc Putin xâm lược Ucraina làm dấy lên tranh luận giữa hai phe, một bên kết tội Putin là xâm lược, phe kia bênh vực Putin dưới chiêu bài “lợi ích dân tộc”.
Vậy thì, thế nào là “lợi ích dân tộc”?
Theo họ, vì trước kia Liên Xô cũ, tức chủ yếu là Nga bây giờ đã ủng hộ Việt Nam rất nhiều trong hai cuộc kháng chiến, thậm chí khi Việt Nam đem quân đánh bọn Pôn Pốt diệt chủng ở Campuchia, thì nhiều nước lên án Việt Nam “xâm lược” Campuchia, nhưng chỉ duy nhất Liên Xô lúc đó dùng quyền phủ quyết của mình để bênh vực Việt Nam thôi.
Theo họ đó là chuyện “ân nghĩa” có lợi cho đất nước, dân tộc?
Nhiều vị tướng tá về hưu đã dùng lý lẽ này để biện hộ cho Putin trên truyền thông lề phải.
Về lập luận này, tôi đã phản bác như sau:
Nói như các vị, thì người bạn đã từng giúp mình trong quá khứ, nay phạm tội giết người, thì các vị sẵn sàng bỏ qua cho họ, chỉ vì lợi ích trong quá khứ hoặc hiện tại thôi ư?
Các vị không có lương tâm à?
Tương tự, nếu ngụy biện theo kiểu các vị, thì thằng kẻ cướp giết người cướp của cũng sẽ biện hộ rằng vì vợ con nó ốm nặng, không có tiền viện phí, nên “vì lợi ích gia đình, tức là dân tộc của nó” nên nó phải đi ăn cướp?
Nhìn lại quá khứ khi các nước đế quốc xâm lược Việt Nam, nếu theo lập luận của các vị, thì các nước đó cũng “vì lợi ích dân tộc của họ đấy chứ?
Bởi vì họ khai thác tài nguyên xứ thuộc địa mang về chính quốc mà?
Vậy cớ sao các vị lại xoen xoét chửi họ là quân “xâm lược”?
Trung Quốc cướp Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, cũng là vì tham vọng bành trướng, mở rộng lãnh thổ…, xét cho cùng cũng là vì “lợi ích dân tộc của TQ”.
Vậy các vị lấy danh nghĩa gì, ngọn cờ gì để huy động nhân dân bảo vệ lãnh thổ quốc gia?
Lúc đó các vị sẽ đứng về phía “lợi ích dân tộc” của TQ, hay ngọn cờ chống xâm lược của dân tộc Việt Nam?
Thân mang hàm tướng tá của quân đội nhân dân Việt Nam, mà lý luận của các vị y hệt như phường giang hồ, thảo khấu.
Phải chăng vì biết sẽ bị dư luận chửi, nên nhà nước Việt Nam toàn để cho mấy vị về hưu đăng đàn nhằm định hướng dư luận, lỡ có bị chất vấn, thì còn có đường thoát hiểm, cãi rằng đó là ý kiến cá nhân của mấy vị hưu trí, không phải quan điểm chính thức của Chính phủ Việt Nam?
Ranh ma, láu cá đến thế là cùng?
Sài Gòn, 08h06 ngày 07 tháng 3 năm 2022.
Đ.Đ. L.
Tác giả gửi BVN
PHIẾU TRẮNG VÀ CHẲNG LẼ ... 'THIÊN HẠ CHẲNG AI BIẾT GÌ CẢ'
TRÂN VĂN/ Blog VOA/TD 6-3-2022
Biểu tình ủng hộ Ukraine ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, 5 tháng Ba. Nguồn: APĐã có rất nhiều bình phẩm về… “phiếu trắng” mà Việt Nam lựa chọn tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 2/3/2022, trong đó có bình luận của ông Nguyễn Ngọc Chu về “trung lập và khôn khéo”.
Nếu đặt kết quả cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York hôm 2/3/2022, với 141 trong số 193 quốc gia lên án Nga tấn công Ukraine, yêu cầu Nga rút khỏi Ukraine ngay lập tức và vô điều kiện… bên cạnh nhiều bài viết của hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam cũng như nhiều nhận định của các ông tướng Việt Nam, trước và ngay sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát, dễ có cảm giác… “thiên hạ chẳng ai biết gì cả”!..
Chẳng hạn, ngay sau khi Nga xua quân vào Ukraine, một ông tướng tên là Lê Văn Cương, có học vị… Tiến sĩ, có học hàm… Phó Giáo sư, từng là cựu Viện trưởng… Viện Nghiên cứu chiến lược của Bộ Công an Việt Nam nhận định: Tổng thống Volodymyr Zelenskyy của Ukraine có… “ba trọng tội”. Trên bục diễn giả, tướng Cương phân tích cặn kẽ về… “ba trọng tội” này của ông Zelenskyy:
‘Nó’ không hiểu lịch sử – lịch sử mách bảo Ukraine phải đứng trung gian giữa Đông và Tây, nghiêng về phương Tây, chống Nga là thất bại. Ngờ nghệch, ấu trĩ về chính trị quốc tế – “một ‘thằng hề 43 tuổi’ làm sao đấu với ông Putin KGB 70 tuổi được… ‘Hắn’ chờ đợi Hoa Kỳ, đâu đó ở châu Âu xắn quần, xắn áo đổ vũ khí vào. ‘Hắn’ không hiểu một điều tối thiểu là lợi ích của Hoa Kỳ với Nga là 100 lần, còn lợi ích của Hoa Kỳ với Ukraine là 1. Những cường quốc hàng đầu như Anh, Đức, Pháp không bao giờ đấu với Nga để cứu một ‘con bệnh’, bản thân Ukraine là ‘con bệnh của châu Âu’. Không có ‘thằng điên’ nào lại đấu với Nga để cứu ‘con bệnh’ cả (1)…
So các bài viết trên hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam và những nhận định của các ông tướng Việt Nam, ủng hộ Nga, lên án Ukraine nói chung, miệt thị ông Zelenskyy nói riêng với những diễn biến như đã biết và đang thấy trên thực tế, rõ ràng, gần như toàn bộ phần còn lại của nhân loại … “chẳng biết gì cả” (!), rất… “điên” (!) vì không những nhiệt thành ủng hộ “con bệnh châu Âu” vô điều kiện, mà còn ngưỡng mộ… “thằng hề 43 tuổi”, thậm chí còn xem “ông KGB 70 tuổi” như tội phạm chiến tranh…
Tương tự, sau khi Ukraine kết thúc vòng đàm phán đầu tiên với Nga từ lúc Nga xâm lược Ukraine, trước khi Liên Hiệp Quốc tổ chức cuộc họp khoáng đại hôm 2/3/2022, trả lời VOA, bà Nataliya Zhynkina – Đại biện lâm thời của Ukraine tại Việt Nam – nhận định thế này: “Tôi hiểu được việc Việt Nam muốn giữ thế trung lập. Nhưng hiện không phải thời điểm thích hợp để giữ lập trường như vậy, bởi vì đây không chỉ là chuyện của Ukraine. Đây là vấn đề trật tự thế giới, đây là vấn đề tôn trọng luật pháp quốc tế. Việt Nam là nước nhỏ, cần dựa vào luật pháp quốc tế. Họ cần thể hiện ra rằng bất cứ ai vi phạm luật pháp quốc tế đều phải chịu hậu quả và phải đối mặt với công lý” (2) rồi giới thiệu cuộc phỏng vấn ấy trên facebook của bà (3), rất dễ ngạc nhiên khi bên cạnh hàng ngàn người ủng hộ lời kêu gọi đó, có hàng ngàn người giận dữ, miệt thị bằng nhiều từ hết sức khó nghe, tục tĩu vì Zhynkina dám… chia sẻ link của VOA tiếng Việt. Dám… xem Việt Nam là ‘nước nhỏ’ trong khi Việt Nam từng thắng Pháp, Mỹ, Trung Quốc. Vì… Ukraine không phải là chuyện của Việt Nam. Vì… Ukraine để một ‘thằng hề’ lãnh đạo đất nước, Ukraine có một chính phủ ‘ăn xin nước ngoài’, vì dựa dẫm thì đừng nói tới độc lập, đang mạnh nhất nhì châu Âu thì lại đảo chính…
Đối chiếu phản ứng của cộng đồng quốc tế với Nga và sự hỗ trợ vừa nhất quán, vừa mạnh mẽ mà cộng đồng quốc tế dành cho Ukraine suốt từ 24/2/2022 đến nay, rõ ràng những lý do dẫn tới giận dữ, miệt thị bà Zhynkina nói riêng, Ukraine nói chung, khác hẳn với gần như toàn bộ phần còn lại của nhân loại. Những lý do đó chỉ giống với những bài viết ủng hộ Nga, lên án Ukraine trên hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam và những nhận định từ nhiều ông tướng của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
***
Tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York hôm 2/3/2022, ngoài Nga tự bảo vệ mình như lẽ tất nhiên, ủng hộ Nga chỉ có Belarus, Bắc Hàn, Eritrea, Syria. Việt Nam nằm trong số 35/193 quốc gia bỏ phiếu trắng – không lên án Nga cũng không ủng hộ Ukraine. Hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam và các ông tướng từng ủng hộ Nga, lên án Ukraine đã không giới thiệu gì thêm về chuyện thiên hạ đang ngạc nhiên, tại sao Campuchia vốn luôn sát cánh với Trung Quốc, lần này lại lên án Nga, đi ngược đường với Trung Quốc (4).
Việt Nam đã giải thích vì sao lại tiếp tục song hành với Trung Quốc khi cùng cộng đồng thế giới xem xét cuộc xâm lược Ukraine của Nga và trên facebook của VOA tiếng Việt, rất nhiều người không cười thì ngán ngẩm bởi sự… “quan ngại” có tính chất… “truyền thống” đó, chắc chắn là không tốt chút nào cho Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc càng ngày càng hung hăng tại biển Đông (5).
Thêm một lần nữa, Nataliya Zhynkina – Đại biện lâm thời của Ukraine ở Việt Nam lại tiếp tục lên tiếng trên trang facebook bằng tiếng Việt của bà: Trong số tất cả các thành viên ASEAN chỉ có Việt Nam và Lao đã bỏ phiếu trắng. Việt Nam ơi, quê hương thứ hai của tôi, tôi rất thất vọng (6). Tuy nhiên khác với lần trước, lần này chỉ có những người chia buồn với Zhynkina, chúc mừng Ukraine được đa số nhân loại ủng hộ. Dường như giận dữ và chỉ trích hết… hợp thời nên không còn nữa.
Trên hệ thống truyền thông chính thức, giới mang hàm tướng ở Việt Nam cũng đã đổi giọng, chẳng hạn: Muốn hạ nhiệt ở Ukraine cần chọn công thức không có nước thất bại. Bởi trong xung đột này, Nga là nước lớn, các bên can dự như Mỹ, EU cũng vậy, sẽ không bên nào chấp nhận thất bại. Còn nếu để Ukraine thất bại thì công lý thất bại, hòa bình thế giới thất bại và đây là điều không ai chấp nhận.
Hay: Điều chúng ta cần quan tâm hơn không phải là bên nào đúng, bên nào sai mà là khi chiến sự kết thúc sẽ tạo ra một tình thế rất mới mẻ trong trật tự an ninh toàn cầu và chắc chắn sẽ làm nảy sinh rất nhiều vấn đề chưa có tiền lệ trong các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam những năm sắp tới. Đây mới là thách thức quan trọng nhất mà Việt Nam phải tính toán và đối mặt (7)…
Volodymyr Zelenskyy vẫn thế, Ukraine vẫn vậy – họ không hề thay đổi. Chỉ có giọng điệu của hệ thống truyền thông chính thức và nhận định của các ông tướng tại Việt Nam đã khác hoàn toàn so với cách nay ít ngày. Chẳng lẽ cứ đổi giọng là có thể xóa sạch khỏi cuộc đời này những cá nhân thật sự là… “thằng hề” về nhân cách, những chủ thể thật sự là… “thằng điên” về năng lực tư duy, về nhận thức?
***
Đã có rất nhiều bình phẩm về… “phiếu trắng” mà Việt Nam lựa chọn tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 2/3/2022, trong đó có bình luận của ông Nguyễn Ngọc Chu về “trung lập và khôn khéo”. Ông Chu viết thế này về “trung lập”: Kẻ yếu, viện cớ trung lập để yên thân, đến mức thấy kẻ mạnh xâm lược không dám lên án, thấy kẻ mạnh cướp bóc không dám hô hoán, thì đến lúc mình rơi vào hoàn cảnh tương tự sẽ không ai cứu giúp... và viết thế này về… “khôn khéo”: Kẻ yếu, sợ kẻ mạnh mà ‘khôn khéo’ im lặng để kẻ mạnh ức hiếp người yếu, thì khi ngồi ghế quan toà sẽ bẻ cong công lý mà xử lợi cho người thân, xử lợi cho người phải chịu ơn, xử lợi cho kẻ có quyền, có tiền. Theo ông Chu: ‘Trung lập’ không có nghĩa là im lặng cho cái ác lộng hành. ‘Khôn khéo’ không có nghĩa là ủng hộ phi nghĩa. ‘Trung lập’ có giới hạn. ‘Khôn khéo’ có biên giới.
Để chứng minh, Nguyễn Ngọc Chu dẫn Thuỵ Sĩ làm ví dụ: Thụy Sĩ vừa từ bỏ truyền thống trung lập hàng trăm năm, kể cả trong thế chiến thứ hai để đưa ra quyết định mang tính lịch sử – đóng băng tài sản của Tổng thống Putin, Thủ tướng Mishustin, Ngoại trưởng Lavrov, cùng 367 cá nhân trong danh sách trừng phạt của EU. Ngoài Thụy Sĩ còn Thuỵ Điển cũng từ bỏ truyền thống trung lập không viện trợ vũ khí cho các quốc gia đang có chiến tranh và gửi cho quân đội Ukraine 5.000 hỏa tiễn xách tay dùng chống tăng, 5.000 mũ và áo chống đạn, 135.000 phần ăn dùng ở chiến trường. Phần Lan – quốc gia quan niệm trung lập là khôn khéo vì sẽ được yên thân – cũng đã thôi “khôn khéo” và “trung lập” gửi cho Ukraine 1.500 bệ phóng tên lửa, 2.500 súng cá nhân, 150.000 băng đạn, 70.000 phần ăn dùng ở chiến trường (8)…
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/100062975111538/posts/321149096660925/
(2) https://www.voatiengviet.com/a/dai-bien-ukraine-o-viet-nam-chung-toi-khong-so-dai-quan-nga-se-khong-rut-vao-rung/6464256.html
(3) https://www.facebook.com/nataliya.zhynkina/posts/5096460773738952
(4) https://thediplomat.com/2022/03/how-did-asian-countries-vote-on-the-uns-ukraine-resolution/
(5) https://www.facebook.com/VOATiengViet/posts/10158812385128008
(6) https://www.facebook.com/nataliya.zhynkina/posts/5099030790148617
(7) https://tuoitre.vn/xung-dot-nga-ukraine-khong-ben-nao-thang-20220304223912692.htm
(8) https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/2587351048064976
TƯỚNG NGA VÀ TƯỚNG 'TA'
TRÂN VĂN/ Blog VOA/ TD 7-3-2022
Convoy Nga trên xa lộ Crimea. Hình minh họa. Nguồn: APCho đến giờ này, số lượng tướng lãnh của Quân đội nhân dân Việt Nam bị… “xem xét, kỷ luật” vì dính líu hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp tới tham nhũng có lẽ đã khó dùng hai bàn tay để đếm!
Xung đột giữa Nga và Ukaine đã sắp tròn hai tuần. Nga – quốc gia có quân đội vốn được xếp vào loại hùng mạnh thứ hai trên thế giới, vượt xa quân đội Ukraine cả về quân số lẫn số lượng cũng như sự đa dạng của các loại phương tiện quân sự vẫn đang loay hoay tìm chiến thắng có tính quyết định trên chiến trường và bình diện ngoại giao.
Thông tin, hình ảnh về quân đội Nga trong cuộc xâm lược Ukraine từ 24/2/2022 đến nay làm cả thế giới ngỡ ngàng: Trang bị cá nhân của binh sĩ Nga không chỉ… đơn sơ đến mức tội nghiệp trong bối cảnh hiện đại hóa đã trở thành xu thế chung của quân đội các quốc gia trên toàn thế giới (chẳng hạn phương tiện liên lạc là những bộ đàm do Trung Quốc sản xuất vốn được bày bán rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới, có nơi, phụ huynh còn mua loại bộ đàm này cho trẻ con chơi,…), mà còn bộc lộ sự tàn nhẫn đối với những người được ủy nhiệm xông pha trận mạc (khẩu phần là những hộp thực phẩm chuyên dùng cho quân nhân trên chiến trường đã hết hạn từ những năm 2015,…).
Rồi vì thiếu thực phẩm, thiếu đạn,… một số đơn vị của quân đội Nga đã buông súng đầu hàng quân đội Ukraine… Những đoàn quân xa, chiến xa bọc thép,… không bị bể bánh vì chất lượng vỏ không chịu được lực ma sát lớn khi di chuyển hay khi sa lầy thì thiếu xăng,… không thể hành tiến, cuối cùng, một số phải bỏ lại dọc đường cho nông dân Ukraine dùng máy cày kéo đi nơi khác, một số trở thành mục tiêu cho binh sĩ hay các phương tiện bay không người lái của Ukraine tiêu diệt… Người ta không thể hiểu nổi tại sao những viên tướng Nga lại tệ đến vậy trong soạn thảo – phê duyệt kế hoạch hành quân, chẳng lẽ họ không biết tiếp liệu giữ vai trò thế nào trong một cuộc chiến?
Đã từng có rất nhiều tố cáo về tham nhũng trong quân đội Nga, những hợp đồng mua bán trang bị, thiết bị quốc phòng chủ nhằm giúp giới tướng lãnh và các nhà thầu làm giàu,… cũng như những ẩn họa khi nhiều sĩ quan Nga trở thành tướng chỉ nhờ cam kết trung thành với Putin, thành ra không biết… đọc bản đồ quân sự!.. Những tố cáo ấy từ giới đối lập ở Nga chưa bao giờ được điều tra và trả lời cho dân chúng Nga bởi quân đội Nga – lực lượng bảo vệ quyền lực của Putin – là đối tượng bất khả xâm phạm, những vấn đề liên quan đến quốc phòng luôn được dán nhãn… “bí mật quốc gia”… Giờ, chính xung đột Nga – Ukraine lột trần, phơi bày tất cả những thứ trước đây được che giấu rất kỹ (1)…
***
Cuối tuần vừa qua, Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN (UBKT BCH TƯ) loan báo Ban Thường vụ Đảng ủy (BTV ĐU) Học viện Quân y (HVQY) hai nhiệm kỳ liên tục (2015 – 2020 và 2020 – 2025) có dấu hiệu vi phạm kỷ luật đảng và vi phạm pháp luật. Kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy, trước mắt, cần xem xét, kỷ luật ba viên tướng (hai trung tướng là Chính ủy và Giám đốc, một thiếu tướng là Phó Giám đốc HVQY), một đại tá, một thượng tá vì “đề xuất, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 phục vụ công tác phòng chống dịch và việc mua sắm vật tư, kit xét nghiệm từ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á” (2).
Cần lưu ý, HVQY là một đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Nếu lãnh đạo Bộ Quốc phòng không ưng thuận, các viên tướng lãnh đạo HVQY không thể… “gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và HVQY” nhưng có lẽ giống như các scandal liên quan đến nhiều viên tướng khác, sẽ không có bất kỳ viên tướng nào là lãnh đạo Bộ Quốc phòng tự đứng ra nhận trách nhiệm – tự xử, hoặc bị đảng… “xem xét, kỷ luật”, bị hệ thống công quyền truy cứu trách nhiệm liên đới với tư cách… “người đứng đầu”!
Cho đến giờ này, số lượng tướng lãnh của Quân đội nhân dân Việt Nam bị… “xem xét, kỷ luật” vì dính líu hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp tới tham nhũng có lẽ đã khó dùng hai bàn tay để đếm! Dựa vào đặc quyền, đặc lợi để tham nhũng xảy ra ở tất cả các quân chủng (lục quân, không quân, hải quân) và những lực lượng chuyên trách trong việc bảo vệ biên giới cả trên đất liền lẫn trên biển (cảnh sát biển, biên phòng). Tham nhũng đã là… phong trào mà rờ vào cấp nào (kể cả quân khu, quân đoàn, sư đoàn,…) cũng đụng… điển hình tai tiếng. Thậm chí, tham nhũng cả khi quốc gia và dân tộc đang chiến đấu với thảm họa như trường hợp HVQY câu hết với Công ty Việt Á để kiếm chác do COVID-19 bùng phát.
Khi tham nhũng trong quân đội không còn là hiện tượng cá biệt, mỗi lần… “xem xét” không còn… “kỷ luật” một vài cá nhân mà phải “kỷ luật” cả nhóm mang hàm tướng như đã biết và đang thấy thì nguy cơ đối với quốc gia, dân tộc không còn đơn thuần chỉ là những thiệt hại do tham nhũng gây ra. Giá quân đội Nga, rộng hơn là dân tộc Nga đang phải trả cho việc câm nín khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tài bồi những cá nhân mang hàm tướng mà thiếu cả kiến thức quân sự cần thiết lẫn sự tự trọng, ý thức về trách nhiệm, danh dự của một quân nhân chính là ví dụ. Phong tướng chỉ nhằm giữ cho… “anh em” khỏi… “tâm tư” (3) khác gì chủ động chuốc trước thảm họa theo cấp số nhân nếu không may xảy ra xung đột?
***
Bên cạnh sự căm giận Putin nói riêng và chính quyền Nga nói chung đang tàn phá Ukraine, gieo rắc chết chóc, thương tật, ly tán và đủ loại tai họa khác lên đầu người Ukraine, sau khi xem thông tin, đặc biệt là hình ảnh, video clip ghi lại hoạt động của những người lính Nga trên đất Ukraine, đây đó trên Internet, một số người quan tâm đến hoạt động quân sự – quốc phòng của các quân đội trên thế giới, bày tỏ sự ngậm ngùi cho thân phận của người lính Nga: Chi tiêu cho quốc phòng của Nga tăng đều đặn hàng năm. Năm ngoái, Nga chi đến 70 tỉ Mỹ kim nhưng khoản tiền khổng lồ ấy không dành cho sự chăm sóc, bảo vệ những người lính Nga khi họ phải xông pha nơi “hòn tên, mũi đạn”.
Ví dụ trang bị cá nhân của quân nhân Nga thua xa quân nhân của nhiều quốc gia mà vị thế về sức mạnh quân sự kém hơn: Không có kính bảo vệ mắt, không có bọc bảo vệ khủy tay, bọc bảo vệ đầu gối… Chẳng riêng Nga, những trang bị cá nhân rất nhỏ nhưng thể hiện rất rõ nhận thức về vai trò chiến binh, ý thức bảo vệ chiến binh của Việt Nam cũng đâu có khác gì Quân nhân Việt Nam không chỉ không được cung cấp những trang bị cá nhân rất nhỏ như vừa đề cập mà còn thiếu cả áo giáp. Cứ so trang bị cá nhân của quân nhân Việt Nam với trang bị cá nhân của… cảnh sát cơ động – lực lượng đảm trách vai trò trấn áp tại Việt Nam – sẽ thấy “anh em” của các viên tướng Việt Nam nói riêng và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chưa bao giờ là những người sẽ trực tiếp chiến đấu bảo vệ xứ sở khi cần!
Chú thích
(1) https://www.foxnews.com/world/ukraine-war-corruption-russian-military-affecting-performance
(2) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/xem-xet-ky-luat-3-tuong-hoc-vien-quan-y-vi-pham-trong-vu-viet-a-818006.html
(3) https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/dai-tuong-phung-quang-thanh-khong-phong-tuong-anh-em-tam-tu-post151969.gd
Blog VOA
ĐỪNG LẪN LỘN NGƯỜI DÂN NGA, ĐẤT NƯỚC NGA VỚI CHẾ ĐỘ CỦA NHỮNG NGƯỜI CAI TRỊ HỌ
NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG/ TD 1-3-2022
Tôi đã từng học và nghiên cứu ở Nga (Liên Xô cũ) tổng cộng 11 năm, từ năm 18 tuổi tới năm 31 tuổi (1976 – 1989) (Hai năm 1985 – 1987 làm việc ở Việt Nam). Tiếng Nga đối với tôi cũng trôi chảy gần như tiếng mẹ đẻ. Khi còn ở Nga, các bạn Nga từng nói với tôi: “Nếu chỉ nghe tiếng mày nói ngoài hành lang, không nhìn thấy mặt, thì bọn tao tưởng đó là người Nga nói.”
Nước Nga không chỉ mở cho tôi cánh cửa bước vào khoa học mà còn cả nghệ thuật. Chính tại đây lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với nghệ thuật lớn: nghệ thuật của các bậc thầy cổ điển châu Âu, như Leonardo da Vinci, Botticelli, Titian, Rembrandt, trong nguyên bản, với âm nhạc của các nhà soạn nhạc vĩ đại, qua tiếng đàn của các bậc thày trứ danh biểu diễn sống, như Leonid Kogan, Danill Shafran, Shura Cherkasky v.v… với văn học và thi ca của Tolstoy, Turgheniev, Chekhov, Leskov, Dostoevsky, Pushkin, Lermontov, Esenin, Pasternak, Blok, Svetaeva, v.v. qua bản gốc tiếng Nga.
Tôi có nhiều bạn bè và đồng nghiệp là người Nga cũng như người Ukraine. Thầy của tôi, cố GS Vadim Soloviev là người Nga. Phản biện luận án tiến sỹ năm 1985 của tôi, GS Anatoly Ignatyuk, là người Ukraine. Hai phản biện luận án tiến sỹ khoa học của tôi năm 1989, là GS A. Ignatyuk và GS. Grigory Yakovlevich Korenman, người Nga gốc Do Thái.
Ông Konstantin Gavrilovich, hoạ sỹ và kiến trúc sư, là người Nga đầu tiên phát hiện ra tài vẽ của tôi và đã không tiếc thời gian cũng như sức lực đưa tôi tới gặp các giáo sư tại các trường đại học mỹ thuật Surikov, Stroganov, và đại học kiến trúc.
Bạn gái đầu tiên của tôi là người Nga.
Tất cả họ đều là những con người chính trực, cao thượng, hào hiệp, tốt bụng, trí tuệ, có văn hóa học vấn cao và đáng ngưỡng mộ.
Nói vậy là để các bạn thấy nước Nga từng rất gắn bó với tôi.
Tuy nhiên đừng lẫn lộn người dân Nga, đất nước Nga với chế độ của những người cai trị họ.
Khoảng thời gian hơn một thập niên đó cũng đã cho tôi thấy rõ người Nga cũng như người dân các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, trong đó có Ukraine, đã bị o ép khổ sở về tinh thần và vật chất như thế nào dưới một chế độ quan liêu hách dịch điều khiển một nền kinh tế trì trệ.
Nước Nga là một quốc gia rộng lớn, nhưng chưa bao giờ thoát khỏi mặc cảm của một nước nông dân, trong đó thủ đô Moskva được ví như cái làng của châu Âu. Người Nga trong lịch sử chưa bao giờ thoát khỏi ách áp bức từ chế độ Tsar Hoàng, tới chế độ cộng sản thời Lenin, Stalin, toàn trị thời Brezhnev, và cuối cùng là chế độ độc tài của Putin.
Sự yếu kém về kinh tế và hành chính của Ukraine là hậu quả của một thời kỳ dài dặc phụ thuộc vào Nga ở Liên Xô cũ. Cho tới năm 2006, tức 15 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, tới Kiev dự hội thảo vật lý hạt nhân, tôi vẫn thấy sự trì trệ và phong thái làm việc trịch thượng hống hách kiểu Nga ở đó, bắt đầu từ khâu nhập cảnh tại sân bay, sinh hoạt dịch vụ công cộng, tới cách điều hành hội thảo.
Lẽ dĩ nhiên, nhìn sang châu Âu, trước hết là người dân nước hàng xóm Ba Lan, người Ukraine cũng muốn một cuộc sống độc lập, tự do, dân chủ và hạnh phúc như vậy. Việc Ukraine lựa chọn gia nhập EU hay NATO là quyền tự do của một quốc gia độc lập.
Vì thế đừng vội vàng đổ lỗi cho tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hay nguyên tổng thống Petro Poroshenko về tình trạng này. Trên thực tế công cuộc “thoát Nga” của Ukraine mới chỉ thực sự bắt đầu từ cuộc nổi dậy ở Maidan từ tháng 11 năm 2013 tới tháng 2 năm 2014, tức cách đây tám năm về trước, quá ngắn để có thể tẩy rửa những căn bệnh do 74 năm chế độ cộng sản để lại, nhất là trong sự hà hiếp của chính quyền Putin.
Cá nhân tôi chưa bao giờ có thiện cảm với Putin, ngay từ những ngày đầu, khi Putin được tổng thống Nga Boris Yeltsin tiến cử. Lý do của tôi rất đơn giản: Putin nguyên là sĩ quan KGB, gia nhập KGB ngay sau khi tốt nghiệp đại học năm 1975. Vào thời perestroika của Gorbachev cho tới khi Liên Xô bắt đầu tan rã (1985 – 1990), Putin làm gián điệp của KGB tại Dresden. KGB khét tiếng tàn ác trong toàn bộ lịch sử của nó. Bố của Putin cũng là một sĩ quan của NKVD, tiền thân của KGB. Mẹ của Putin là công nhân. Ông của Putin nấu bếp cho Lenin và Stalin.
Tham vọng của Putin là khôi phục lại hào quang của đế quốc Nga đã mất trong đó y là độc tài bạo chúa. Nước Nga dưới chế độ Putin là một nước bị cô lập với toàn thế giới. Người dân Nga chưa bao giờ có tự do dân chủ. Các đảng đối lập bị chèn ép, các nhà đấu tranh dân chủ bị bắt bớ, đầu độc, ám sát.
Cuộc xâm lược Ukraine đang diễn ra do Putin ra lệnh là khởi đầu của chiến dịch nhằm thực hiện mưu đồ bành trướng của Putin sang phương Tây, kéo lại đêm đen của chế độ độc tài cộng sản trong đó Nga là bá chủ. Vì thế Ukraine, từ một đất nước đứng lên chiến đấu chống ngoại xâm, nay đã trở thành biểu tượng của đại nghĩa chống lại hung tàn.
Bất kể Putin có thôn tính được Ukraine hay không, cuộc chiến tranh này do Putin khởi xướng đã, đang và sẽ khiến y muôn đời bị nguyền rủa như một tên Hitler thế kỷ XXI. Hay nói như đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp quốc, hắn sẽ đi thẳng xuống địa ngục vì không có luyện ngục (purgatory, nơi thanh tẩy tội lỗi sau khi chết) nào cho hắn cả.
Bản chất của tên độc tài nào cũng như vậy, nhưng Putin hiện có lẽ là kinh khủng nhất: Sau khi vừa đe doạ châu Âu rằng nếu nước nào can thiệp chống lại hắn trong cuộc xâm lược Ukraine thì hắn sẽ dùng biện pháp khủng khiếp nhất mà họ chưa từng thấy trong lịch sử của họ, tức khai hỏa vũ khí hạt nhân, hắn đã ra lệnh cho các lực lượng hạt nhân của Nga đặt trong tình trạng báo động.
Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine do Putin ra lệnh đang bị chính phủ và nhân dân nhiều nước trên thế giới lên án mạnh mẽ. Ngay tại nước Nga, nhiều người Nga đã liên tục xuống đường biểu tình phản đối cuộc chiến tranh này.
Nếu Ukraine rơi vào tay Putin, không chỉ người dân Ukraine sẽ lại quay lại cuộc sống nô lệ phụ thuộc Nga, mà sự yên ổn của toàn thế giới cũng sẽ bị đe dọa bởi một chế độ quốc xã mới của một tên phát-xít tàn bạo nhất.
Nguyễn Đình Đăng
DANH SÁCH NHỮNG NGƯỜI NỔI TIẾNG ĐỐI KHÁNG VỚI VLADIMIR PUTIN VÀ ĐÃ BỊ ÁM SÁT
HOÀNG NGỌC DIÊU/ TD 7-3-2022
1/ Boris Nemtsov, nhà vật lý học, một chính trị gia đối lập với chính quyền Putin. Ông bị bắn bốn phát vào lưng chỉ cách điện Kremlin vài thước, vài giờ sau khi kêu gọi dân chúng ủng hộ cuộc xuống đường phản đối cuộc chiến do Nga khởi động ở Ukraine năm 2015. Mười năm trước đó, ông bị hạ độc bằng một thứ chất độc lạ trong món súp ông dùng nhưng ông không chết mà da mặt bị hoàn toàn đổi màu.
2/ Boris Berezovsky, tỉ phú người Nga, người bỏ trốn khỏi nước Nga sau khi đối chọi với Putin. Trong khi ông ta sống lưu vong, chính Putin đe doạ sẽ lấy mạng ông ta bằng vũ lực. Năm 2013, thi thể của Berezovsky được tìm thấy trong buồng tắm, được khoá trái ở tư gia của ông ở Berkshire. Nhà chức trách ở Anh quốc cho biết, có vết siết trên cổ ông như thể đó là tự sát nhưng cơ quan khám tử thi thì không thể xác định chính xác ông chết vì cái gì.
3/ Stanislav Markelov, nhà báo nhân quyền người Nga bị bắn gục gần điện Kremlin, bằng súng cự ly xa, vào năm 2009, sau khi ông ta viết bài chỉ trích Putin. Cái chết của Markelov hoàn toàn chìm vào quên lãng và chẳng có ai chịu trách nhiệm.
4/ Anastasia Baburova, một nhà báo nhân quyền cận kề với Stanislav Markelov cũng bị bắn gục tại chỗ sau khi bà ta cố gắng giúp Markelov. Hai người này bị hạ sát gần như cùng một lúc vào năm 2009. Cái chết của Baburova và Markelov làm rúng động giới đấu tranh ở Nga thời đó và cũng không bao giờ biết là ai đã sát hại họ.
5/ Sergei Magnitsky, luật sư người Nga, được cho rằng bị cảnh sát Nga đánh đập đến chết trong tù. Magnitsky được nhà kinh doanh người Mỹ gốc Anh, ông William Browder mướn, để điều tra những vụ biển lận tham nhũng liên quan đến nước Nga có trị giá hàng triệu đô la. Magnitsky bị bắt sau khi tìm ra bằng chứng quan trọng của vụ việc. Năm 2012, William Browder đã vận động thành công với chính phủ Hoa Kỳ việc chế tài có liên can đến cái chết của Magnitsky, còn gọi là “đạo luật Magnitsky”.
6/ Natalia Estemirova, nhà báo tự do, chuyên về điều tra những vụ phi phạm nhân quyền của chính phủ Nga ở Chechnya. Năm 2009, Estemirova bị bắt cóc ngay bên ngoài tư gia của bà và bà bị bắn vào đầu. Thi thể của bà bị vứt vào cánh rừng gần đó. Cho đến nay, vẫn không có ai bị điều tra về cái chết của bà.
7/ Anna Politkovskaya, nhà báo tự do, tác giả của cuốn “Putin’s Russia” (nước Nga của Putin). Bà là người chỉ trích Putin gay gắt và lên án ông ta đã biến nước Nga trở thành một quốc gia kiêu binh. Năm 2006, bà bị bắn chết bằng phát đạn tầm gần trong thang máy của toà nhà bà cư ngụ. Có 5 người bị kết tội vụ này và toà án tìm thấy đây là vụ ám sát có trả tiền với giá 150 ngàn đô la do một người ẩn mặt trả tiền. Vụ việc chìm xuống vĩnh viễn sau đó.
8/ Alexander Litvinenko, cựu nhân viên tình báo KGB của Liên Xô cũ. Ông ta tử vong 3 tuần sau khi uống một tách trà có chất polonium-210 tại một khách sạn ở London. Nhà chức trách Anh Quốc cho biết, Litvinenko bị hai điệp viên Nga ám hại, có tên là Andrei Lugovoi và Dmitry Kovtun. Hai người này cho biết họ hành động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của TT Putin. Litvinenko là người chống đối Putin một cách gay gắt và kết tội Putin đã ra lệnh làm nổ tung cả một khu chung cư và giết hại nhà báo Anna Politkovskaya vào năm 2006. Đây là một vụ án chấn động giới truyền thông năm 2006.
9/ Paul Klebnikov, nhà báo, chủ bút của tờ Forbes ở Nga. Ông ta viết về nạn tham nhũng và đời sống riêng tư của những người Nga giàu có. Ông bị giết bên ngoài văn phòng do những kẻ lái xe chạy ngang qua và bắn vào ông năm 2004.
10/ Sergei Yushenkov, chính trị gia người Nga, người truy tìm thông tin về vụ chính phủ Putin đã đánh bom làm sập cả một dãy chung cư. Ngay sau khi tổ chức Liberal Russia của ông được bộ tư pháp Nga công nhận là một đảng phái chính trị, ông bị bắn một phát vào ngực và chết bên ngoài căn nhà của ông.
Ngoài ra, còn hàng trăm vụ các phóng viên bị chết một cách mập mờ, bị đe doạ, bị khủng bố từ năm 1999 đến tận ngày nay (dưới đế chế Putin).
Hoàng Ngọc Diêu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét