Thứ Năm, 3 tháng 3, 2022

20220304. BÀN VỀ CƠ CHẾ LỰA CHỌN CÁN BỘ

 ĐIỂM BÁO MẠNG

TỪ THI TUYỂN LÃNH ĐẠO, XEM NGƯỜI XƯA KHUYẾN KHÍCH 

THỰC TÀI, THỰC HỌC

QUỐC PHONG/ TVN 14-2-2022

Trong 5 năm qua, việc thực hiện đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” của Bộ Nội vụ theo chỉ đạo của Ban Bí thư bước đầu cho thấy đây là chủ trương đúng đắn của Đảng.

Không bỏ sót người tài 

Địa phương lĩnh ấn tiên phong trong việc tổ chức thi tuyển để chọn lãnh đạo cấp sở, ngành trong cả nước có lẽ phải nhắc đến tỉnh Quảng Ninh. Tôi được biết, địa phương này đã xin ý kiến các bộ, ngành và mạnh dạn tiến hành, bí đâu hỏi đó. 

Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh ngày đó là Thủ tướng Phạm Minh Chính hiện nay có lần kể tôi nghe vào năm 2014 với một niềm tin rất sâu sắc cách làm này sẽ rất tốt. Theo ông, đó là cách tuyển chọn người tài công tâm, tránh tiêu cực một khi mọi việc đã công khai hoá.

Ông say sưa kể, hội đồng thi tuyển lần đầu (2013) là Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đích thân Bí thư Tỉnh ủy là Chủ tịch hội đồng. Giúp việc hội đồng thi tuyển có ban thẩm định gồm lãnh đạo các cơ quan liên quan để xem xét, đối chiếu, thẩm định hồ sơ, kết quả công tác phấn đấu của thí sinh; kiểm tra, phỏng vấn sơ tuyển, sát hạch trình độ ngoại ngữ, tin học; giao đề tài cho đối tượng dự thi thực hiện.

Từ thi tuyển lãnh đạo, xem người xưa khuyến khích thực tài và thực học
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh với các thí sinh dự thi tuyển 2 vị trí chức danh: Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long và Phó giám đốc Sở TT&TT, tháng 1/2013

Đó là cuộc thi được tổ chức tháng 1/2013 để tuyển Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long và Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông. Thật bất ngờ, chỉ với 2 chức danh nhưng đã có sự tham gia của 11 thí sinh, trong đó có 6 người thi chức danh Trưởng Ban quản lý vịnh và 5 người thi chức danh Phó giám đốc sở. 

Tôi đồ rằng, từ những thành công to lớn của một Quảng Ninh khởi sắc toàn diện hồi đó (giai đoạn 2011-2015) có cả điểm sáng về mô hình tuyển chọn lãnh đạo, mô hình tinh gọn biên chế trong hệ thống chính trị của địa phương. Tất cả việc làm nổi trội đó đã khiến Trung ương đưa Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Minh Chính vào "tầm ngắm" khi quy hoạch vị trí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khoá 12 sau đó là rất sáng suốt.  

Hôm 12/1, phát biểu tại hội nghị do Bộ Nội vụ tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ công việc của ngành Nội vụ. Ông coi đó là ngành nhạy cảm, phức tạp vì liên quan đến bộ máy, con người, từ trung ương đến địa phương. Vì vậy, ngành cần xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình tuyển chọn cán bộ, công chức để làm cơ sở thực hiện. Bên cạnh đó, ngành cũng cần đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý, xây dựng vị trí việc làm bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị. 

Với con mắt của người từng đứng đầu ngành Tổ chức qua suốt 5 năm, Thủ tướng cho rằng: "Chúng ta phải thu hút nhân tài và việc thi tuyển rất quan trọng. Thi tuyển đã được cha ông đặt ra từ rất lâu, thế giới cũng đang thực hiện". 

Ông nhấn mạnh: "Người tài quan trọng nhất là phải có tư duy, phương pháp luận tốt. Khi đó, họ có thể học ngành này làm ngành kia, nhưng vẫn tiếp cận rất nhanh (trừ ngành quá chuyên sâu, môn khoa học cơ bản). Những người tài chỉ làm việc một vài năm, nhưng hiệu quả công việc đã bằng người khác làm 10 năm". 

Đừng nặng thi thố có sẵn trong đáp án 

Tôi hoàn toàn tán đồng chủ trương thi tuyển để Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị khi chọn được lãnh đạo có đủ tầm, đủ tâm đảm trách công việc được giao. Nhưng liệu có nên mở rộng ở cấp cao hơn nữa hay không thì có lẽ phải chờ một cuộc tổng kết sau khi chúng ta tiếp tục mở rộng thí điểm từ sau năm 2020 đến nay. 

Theo tôi, việc thi tuyển không chỉ góp phần tạo hiệu quả tốt cho công việc chung mà còn chống được nạn chạy chức, chạy quyền. Nếu không tổ chức thi tuyển sẽ làm thui chột tài năng của những người có tài, có đức và có nhân cách, không muốn chạy chọt tiêu cực.

Từ thi tuyển lãnh đạo, xem người xưa khuyến khích thực tài và thực học
Năm 2018, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình trao quyết định bổ nhiệm cho 3 nữ trưởng phòng được chọn qua thi tuyển

Kỹ năng lãnh đạo của ứng viên thi tuyển là việc họ biết dùng kinh nghiệm, kiến thức và năng lực của mình để định hướng, tạo sự ảnh hưởng, thúc đẩy được mọi người hành động nhằm đạt được mục tiêu công việc chung. Người có kỹ năng lãnh đạo vì thế phải luôn có tầm nhìn xa, khả năng tư duy chiến lược, có đủ các kỹ năng mềm và biết cách quản lý nhân viên, cấp dưới của mình hiệu quả.

Tôi có đề xuất nhỏ trong quá trình thí điểm thi tuyển hiện nay. Để tránh hình thức, máy móc, nặng về thi thố viết lách những gì có trong đáp án, hội đồng không nên cho nhiều điểm về kiến thức chung chung trong sách vở. Nên ưu tiên dành nhiều điểm cho điều kiện cần, đó là kỹ năng lãnh đạo cùng khả năng chuyên môn của người ứng cử, tức là đòi hỏi phải có trí tuệ thực thụ. Như thế sẽ tránh được hình thức trong thi tuyển.  

Nên chăng hội đồng thi tuyển có thể dùng tình huống giả định mà chính công việc của đơn vị này, tỉnh này đang khó giải quyết để ứng viên thi tài.  

Chuyện tìm người tài của các bậc tiền bối  

Dự kiến, đến quý 4 năm nay, chúng ta sẽ tổng kết 5 năm thực hiện thí điểm việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo trước khi triển khai nhất quán và tổng thể trên cả nước.

Mới đây, trên Tuần Việt Nam ghi lại hồi tưởng của nguyên Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc. Ông kể về việc mình từng lên chức vụ phó khó thế nào vì trước đó, ông được đề bạt khá nhanh. Ông gặp phản ứng quyết liệt của vị thủ trưởng trực tiếp. Ông vụ trưởng dù là chỗ họ hàng nhưng vẫn ngăn cản vì cho rằng, ông Phúc lên như thế là quá nhanh. Trong khi bình thường ra thì với một chức cũng cần 4-5 năm đảm trách thì mới nên xem xét cất nhắc tiếp. 

Vào đầu những năm 1980, chúng ta quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo tuy chỉ ở cấp vụ cũng phải thông qua Ban Bí thư xem xét, rồi Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng duyệt qua trước khi để lãnh đạo được phân cấp ký. Điều này cho thấy các vị lãnh đạo tiền bối tìm người thật công tâm, chuẩn xác.   

Thế rồi, những tưởng sự thăng tiến rất hanh thông như cái hồi ông Phúc từ trưởng phòng lên cấp vụ phó sẽ được tiếp nối. Nào ngờ phải mất 9 năm ông vẫn chỉ giữ cương vị vụ phó rồi mới được cất nhắc tiếp lên vụ trưởng. Tất nhiên, lần bổ nhiệm chức vụ trưởng này là nhờ ông đã để các lãnh đạo cấp cao thấy được năng lực xứng đáng của mình.  

Rồi sau 2 năm giữ cương vị vụ trưởng, ông Phúc được bổ nhiệm thứ trưởng. 9 năm 8 tháng sau, ông được Quốc hội tín nhiệm giao trọng trách Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư. Khi đã 62 tuổi, Quốc hội vẫn tín nhiệm ông và chọn đúng người, để ông nhận trọng trách này thêm nhiệm kỳ nữa. 

Từ thực tiễn này cho thấy, muốn tìm được lãnh đạo giỏi thì trước hết, cấp trên của họ phải biết phát hiện người tài. Nghĩa là cấp trên phải thật công tâm. Còn việc thi tuyển thì theo tôi vẫn nên có. Mục đích để khách quan. Thế nhưng không nên quá nặng nề, giáo điều mà nhiều khi bỏ lỡ cơ hội để người tài có điều kiện cống hiến. 

Chúng ta nên nhớ, ngay cả thời phong kiến, dù chế độ khoa bảng cực kỳ được coi trọng, thế nhưng khi bổ nhiệm ai đó có thực tài, các bậc tiền nhân cũng không hẳn coi nặng bằng cấp và có những ngoại lệ. Chính vì vậy mà cụ Cao Xuân Dục làm Thượng thư Bộ Học, phụ chính đại thần, như cụ Hoàng Cao Khải, cụ Nguyễn Công Trứ cũng chỉ có bằng cử nhân... 

Quan Thượng thư không học vị, bằng cấp 

Thậm chí cũng khá là đặc biệt như cụ Nguyễn Xuân Phiêu, Thượng thư Bộ Công thời vua Tự Đức. Vua đã trọng dụng người tài theo lối hứa hẹn kiểu như để khích lệ người đi học nước ngoài trở về. Nếu như học được và làm được thì trọng dụng cực kỳ xứng đáng và rất lạ.   

Vốn là người không có học vị, bằng cấp gì, vậy mà cụ Nguyễn Xuân Phiêu, người làng Hành Thiện, Nam Định đã phấn đấu trở thành quan Thượng thư Bộ Công. Cụ có nhiều đóng góp thiết thực về ngành kỹ nghệ phục vụ đất nước. Sự học của cụ không câu nệ hình thức mà chủ yếu là con đường tự học, thực học.

Năm 1881, cụ Nguyễn Xuân Phiêu có cha là cụ Nguyễn Xuân Huyền, quan Thị lang Bộ Công (ngang thứ trưởng bây giờ) được vua quý vì tài của cha mà nhận con vào làm việc trong cơ quan của cha với chức Thừa biện Công bộ, một chức nhỏ giao việc tạm một thời gian và chỉ có quyền thừa hành các việc được giao, không được phép bàn bạc. 

Ông Xuân Phiêu làm việc rất mẫn cán và rất thông minh. Vì thế ông được vua Tự Đức cử đi học các khoa kỹ nghệ của Tây Âu. 

Trước khi chàng trai trẻ đi học, vua Tự Đức khuyến khích: “Hễ học tập được kỹ nghệ một nước thì lấy lệ Cử nhân bổ dụng, kỹ nghệ hai nước thì lấy lệ Tiến sĩ bổ dụng, kỹ nghệ ba nước thì lấy lệ Hoàng giáp bổ dụng”. Điều này chứng tỏ vua Tự Đức rất coi trọng kỹ nghệ Tây Âu hồi cuối thế kỷ 19. Đối với người Việt Nam thời đó, các môn kỹ thuật chính xác của phương Tây là môn kỹ thuật cao và vô cùng mới lạ. 

Sau 6 tháng nghiên cứu thực tế tại nước ngoài, bằng trí thông minh hiếm có và sự chăm chỉ, chịu khó học tập, Nguyễn Xuân Phiêu đã nắm được nhiều kỹ thuật mới của phương Tây. 

Về nước, ông chế ra 2 khẩu súng (một khẩu kiểu của Anh, một khẩu kiểu của Pháp), mô hình một chiếc tàu Chalub, một đồng hồ kiểu Anh dâng lên vua. Mục đích để báo cáo kết quả học tập của mình. Một người không có bằng cấp khoa học mà chỉ bằng con đường tự học cùng trí thông minh đặc biệt mà chế tạo được những vật tinh xảo không kém gì kỹ thuật châu Âu thì thật là nhân tài. 

Nguyễn Xuân Phiêu xin vua cho thành lập các xưởng Bách công kỹ nghệ ở Hải Phòng, Đà Nẵng, Biện Sơn để chế tạo vũ khí, đóng tàu thuỷ, nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ vững chắc bờ cõi, nhưng không được triều đình chấp nhận. Vua bước đầu chỉ phong cho ông chức Chủ sự Công bộ.

Đến năm 1886, Nguyễn Xuân Phiêu được giao nhiệm vụ mở xưởng đúc tiền niên hiệu Đồng Khánh. Năm 1887, ông được phong làm Bang biện Nha đúc tiền quốc gia. Năm 1894, ông được cử ra Thanh Hoá mở Nha Thông bảo (tức Nha đúc tiền) ở Cẩm Thuỷ và làm Bang tá nha này. 

Năm 1901 triều đình triệu ông về Huế, giao trông coi việc đóng tàu và sửa chữa tàu. Ông phát huy sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ, được vua ban cho áo gấm có thêu hình 9 con rồng, lại sai ông chế tạo xe hơi và các đồ ngự dụng. 

Năm 1906, ông làm Hộ lý Cục Nông Công kỹ nghệ. Năm 1911, ông chuyển làm Hộ lý Trường Bách công. Có thể coi ông là Hiệu trưởng đầu tiên của trường kỹ nghệ nước ta. Ông còn được triều đình tín nhiệm giao cho phụ trách sửa chữa các công trình trong Nội điện. Công việc hoàn thành mỹ mãn, vua thưởng cho ông 500 lạng bạc nhưng ông chỉ nhận 200 lạng đủ thanh toán tiền công cho thợ. 

Năm 1915, ông phụ trách tu sửa điện Thái Hoà. Việc hoàn thành, ông được ban Nhị hạng kim khánh và được thăng Tham tri bộ Công. Năm 1916, ông lại được thăng Thượng thư bộ Công (như chức bộ trưởng Công nghiệp bây giờ). 

Kể câu chuyện này để thấy một điều, ngoài việc thi tuyển công khai cho minh bạch và dễ tìm hiền tài, người lãnh đạo nói chung cũng rất nên để tâm tìm hiền tài mà nhiều khi họ ở ngay trước chúng ta.

Quốc Phong

ĐẢNG VẬN

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ TD 26-2-2022


Đảng vận dùng theo nghĩa là vận động Đảng làm việc gì đó. Đảng có ‘Dân vận’ thì dân có ‘Đảng vận’. Đứng đầu Ban Dân vận của Đảng trước đây là các ông như Xuân Thủy, Vũ Oanh, Nguyễn Văn Linh, Phạm Thế Duyệt, Nguyễn Minh Triết v.v… nhưng gần đây toàn là các bà như Tòng Thị Phóng, Hà Thị Khiết, Trương Thị Mai, Bùi Thị Minh Hoài.

Bài này chỉ bàn đến Đảng vận, không bàn đến Ban Dân vận. (Trước đây tôi đã có bài về ban này).

Đảng vận là hoạt động của Dân. Chưa có Ban Đảng vận nào cả. Hiện nay, xin đề nghị Quốc hội lập ra một Ban như vậy gồm một số đại biểu quốc hội là người ngoài Đảng, mời thêm một số đại diện của các Tổ chức Xã hội dân sự và các cá nhân tiêu biểu.

Nếu Quốc hội không lập được thì Mặt trận Tổ quốc đứng ra lập. Khi mà cả hai nơi này không lập được thì các Tổ chức Xã hội dân sự, các nhân sĩ trí thức cùng nhau hoạt động Đảng vận. Mà dù có một ban như vậy thì sự hoạt động của xã hội dân sự về Đảng vận vẫn rất cần thiết. Song song với nâng cao Dân trí thì hoạt động Đảng vận nhằm nâng cao ‘Quan trí’.

Đảng vận chủ yếu nhằm vận động những lực lượng tích cực, tiến bộ trong Đảng thực hiện tốt nghĩa vụ đối với Dân tộc trong việc xây dựng Đất nước Hòa bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ, Giàu mạnh, Văn minh nhằm đem lại Tự do, Hạnh phúc cho toàn dân và cho mỗi người. Những việc này được ghi rõ trong Hiến pháp, trong Nghị quyết các Đại hội của Đảng.

Trước hết là chọn thể chế Pháp quyền hay Đảng quyền.

Cần phân biệt thể chế Đảng quyền với Đảng Cầm quyền hoặc Đảng Lãnh đạo. Đảng quyền mang tính toàn trị mà chỉ có “đảng thống trị’ mới chủ trương, còn Đảng Lãnh đạo và Đảng Cầm quyền thì không.

Từ trước đến nay, Tuyên truyền của Đảng vẫn công khai tuyên bố rằng Đảng chủ trương xây dựng Nhà nước Pháp quyền, của dân, do dân, vì dân. Nhưng thực chất Nhà nước Việt Nam trong thời gian qua vẫn mang nặng tính chất Đảng quyền. Đảng vận trước hết là vận động lãnh đạo Đảng trả lại quyền cho Dân để Dân xây dựng chế độ Pháp quyền. Trả quyền cho Dân chủ yếu bằng cách để cho Dân bầu ra một Quốc hội thực sự đại diện được trí tuệ và quyền lợi của họ.

Lâu nay chưa ai nêu ra khái niệm ‘Đảng vận’, nhưng hoạt động đó vẫn tồn tại. Xét về hình thức thì lãnh đạo có quan tâm đến hoạt động của Dân trong việc xây dựng Đảng, ví như Tổng Bí thư kêu gọi mọi người, đặc biệt là trí thức làm phản biện giúp Đảng, ví như mỗi kỳ đại hội của Đảng thì Mặt trận Tổ quốc vẫn thu thập ý kiến đóng góp của nhân dân để phản ánh cho Đảng. Rồi các cuộc họp tiếp xúc cử tri, ngoài các ý kiến đóng góp cho Quốc hội và Chính phủ thì cũng có đóng góp cho Đảng. Nhưng tất cả những hoạt động vừa kể chủ yếu để tuyên truyền, ít có thực chất. Phải làm sao để hoạt động Đảng vận có thực chất, có được kết quả như mong muốn của Đảng và của Dân.

Về phía Dân, đã có khá nhiều góp ý, những phản biện, nhằm giúp Đảng biết được sự thật, thấy được những việc cần làm và cần tránh, nhưng phần lớn những góp ý như vậy bị quy cho là thù địch, là chống đối và không ít người góp ý bị bắt bớ, giam cầm.

Gần đây nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Nhà nước có những phát biểu về Nhà nước pháp quyền của dân. Ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc quan tâm đến Đại đoàn kết toàn dân, thu thập được ý kiến, nguyện vọng của dân. Ông Thủ tường Phạm Minh Chính quan tâm đến việc để cho các địa phương, các cá nhân phát huy thế mạnh, quan tâm đến việc học thật, làm thật, ông Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tuyên bố phải làm ngay những việc dân đang rất cần và trông đợi, ông Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên phát biểu về xây dựng nền báo chí với bốn không v.v… Và rất nhiều lãnh đạo thảo luận về một nền tư pháp độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Phát biểu như thế nhưng rồi làm được những gì thì còn chờ xem.

Đảng vận chủ yếu nhằm vào việc thực hiện những điều tốt đẹp mà Đảng đã tuyên bố công khai, nhưng chưa làm được. Tiến hành việc này là từ Dân mà đại diện là tầng lớp tinh hoa, đặc biệt là những người có dũng cảm, còn kết quả như thế nào lại phụ thuộc vào sự thành tâm, sự lương thiên của Đảng mà chủ yếu là của các lãnh đạo cấp cao.

Việc quan trọng đầu tiên là xây dựng một chính thể dân chủ thực sự với chính quyền của dân, do dân vì dân. Muốn vậy thì Đảng phải từ bỏ độc quyền toàn trị, từ bỏ việc đặt mình cao hơn Hiến pháp và pháp luật, trả lại quyền lực chính trị cho Dân bằng cách để Dân bầu chon một Quốc hội thực sự đại diện cho họ chứ không phải là Quốc hội do Đảng cử Dân bầu. Trong các chức năng đại diện thì đại diện cho trí tuệ là quan trọng nhất.

Đảng vận có nhiều việc, sẽ xin bàn đến dần dần và xin mời các vị đại diện cho trí tuệ của Dân, các vị “Thất phu hữu trách” đóng góp ý kiến. Trước mắt, vấn đề cấp thiết có lẽ là về Quốc hội. Luật về Quốc hội hiện nay có nhiều điều không thích hợp để cho dân bầu chọn người đại diện. Vấn đề cần là sửa đổi các luật đó với một số điều quan trọng sau đây.

Thứ nhất, đại biểu quốc hội không thể đồng thời là thành viên của cơ quan hành pháp (trừ một vài vị trí quan trọng do luật định rõ ràng). Những người đang ở trong cơ quan hành pháp có thể ứng cử, nhưng khi đã trúng cử thì phải tạm ngừng làm việc hành pháp.

Thứ hai, bãi bỏ việc Mặt trận có toàn quyền hiệp thương để quyết đinh danh sách ứng viên và tổ chức họp cử tri. Bề ngoài là Mặt trân, nhưng thực chất vẫn là Đảng. Ở mỗi đơn vị bầu cử không hạn chế số người ứng cử.

Thứ ba, người ứng cử phải làm chương trình tranh cử, họ được tổ chức các cuộc vận động và phải có nghĩa vụ chứng minh sự ủng hộ của một số đông cử tri bằng cách thu thập được một số lượng chữ ký.

Thứ tư, đổi mới, đơn giản hóa việc làm hồ sơ ứng cử, bãi bỏ việc hồ sơ phải được xác nhận của Chính quyền địa phương.

Chỉ mới tạm đề ra một số điều như vậy. Các vị có lòng yêu nước, quý trọng và thương Dân, xin các vị suy nghĩ và đề xuất tiếp. Đây là một phép thử đối với thiện chí của lãnh đạo. Một việc như thế này mà không chịu làm, không làm được thì “Mọi lời nói dù cho có hay đến đâu cũng chỉ là trò bốc phét, để gió bay”. Lúc đó thì Dân không hy vọng vào Đảng vận nữa mà chọn con đường đấu tranh tích cực hơn.

CƠ CHẾ NÀO CHO LỰA CHỌN CÁN BỘ ?

LÊ HUYỀN ÁI MỸ/ TD 3-3-2022

Chiều ngày 1-3, tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên có đưa ra yêu cầu “xây dựng cơ chế phát hiện, lựa chọn, trọng dụng nhân tài, cán bộ có năng lực nổi trội, cán bộ trẻ để đào tạo, bổ sung cán bộ giỏi cho Đảng”. Ông cũng nhấn mạnh ý “Chúng ta đưa ra một chủ trương đúng và tốt, nhưng chủ trương đó được một cán bộ không tốt đưa vào cuộc sống thì các đồng chí hình dung nó sẽ tốt hay xấu? Vì lợi ích cá nhân, vì động cơ riêng tư của một người hay một nhóm người thì chủ trương tốt cũng thành xấu”.

Hoàn toàn đồng ý.

Vậy, “cán bộ không tốt” ấy từ đâu ra? Nó có phải cũng từng là “hạt giống đỏ” trong nguồn quy hoạch “có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín” hay vì “nổi trội” mà phát triển vượt bậc? Và để “đào tạo, bổ sung cán bộ giỏi cho Đảng” nên nhất thiết trước hoặc sau khi phát hiện, chọn lựa thì phải kết nạp Đảng. Đảng viên là một “trị giá” quy đổi các vị trí đề bạt, trọng dụng sau đó? Trong trường hợp “nổi trội” mà ngoài Đảng thì có được lựa chọn – trọng dụng hay không?

Cái thực tế người giỏi – ngoài Đảng sẽ được giải quyết như thế nào để chính họ trước hết không bị phân biệt hay buộc phải xem như có một sự đánh đổi giữa cái năng lực có thật với một điều kiện bắt buộc. Chính Đảng -một khi đã tự tin nhận thấy, nhận lấy trọng trách “lãnh đạo toàn diện” thì có trong hay ngoài, miễn tạo dựng được một hệ sinh thái làm việc, biết trọng dụng, bảo vệ người có năng lực, phẩm chất, uy tín thì đã có được “của để dành”.

Tôi từng làm việc với những người giỏi-chưa/không chịu vô đảng, sự không/chưa chịu ấy đôi khi, ở những người này còn đầy ưu tư, trăn trở, tự trọng và trách nhiệm hơn gấp nhiều lần người “tự nguyện” xin vô. Họ tự thấy họ chưa nghiêm túc, chưa chuẩn bị đầy đủ suy nghĩ, thái độ, chưa sẵn sàng cho một tư thế gắn với trách nhiệm thật sự, họ không thể tự dối lòng để sau vài ba thủ tục là khoác lên mình cái áo đảng viên. Tôi còn lưu giữ hầu hết những “tâm thư” ấy và tôi yêu quý, tôn trọng sự lựa chọn ở những người đồng nghiệp, cộng sự ấy.

Đời làm báo của tôi, nếu có được sự kiên định và lòng say mê lại chính là kề vai sát cánh bên những con người có lý tưởng ấy. Nó không phụ thuộc vào một lời tuyên thệ. Nó đã có sẵn từ trong huyết mạch, cốt cách của họ.

Một điểm nữa, để được nhận ra là “nổi trội”, được thừa nhận và công nhận thì ngoài môi trường làm việc, sống còn là tầm nhìn, cái tâm để chiếu rọi của người làm công tác nhân sự, cụ thể là người đứng đầu, cả trong cấp ủy lẫn chính quyền. Mắt họ có đủ nhìn xa, trông rộng; trái tim và trách nhiệm của họ có đủ trung thực, thẳng thắn, rộng lượng để thừa nhận “măng” đang vượt trội so với tre – là chính họ mà mở dần những cánh cửa?

Cụ Hồ từng đưa ra một ví dụ thú vị, khi họp công tác nhân sự thì hăng hái rằng phải tạo điều kiện cho “măng mọc”. Nhưng khi thấy cán bộ trẻ trưởng thành, nhất lại là “con nhà người ta” mà không phải con mình thì lại bảo “măng ơi sao mày mọc nhanh thế”…

Vì thế, tôi vẫn không rõ cái cơ chế phát hiện, lựa chọn, trọng dụng nhân tài mà ông bí thư thành ủy đưa ra sẽ được xây dựng trên cơ sở nào, do ai vận hành và kiểm soát “đường đi” của nó ra sao, dù qua cách ông nói, thấy ông tường tận thực trạng, ngóc ngách của cái gọi là “chánh pháp trong tay tà thì cũng sớm muộn thành tà pháp” lắm…

Thực tế, nhìn lên, nhìn xuống, nhìn quanh, cán bộ tốt hay không tốt, một màu mất rồi. Cái tốt không dám bày tỏ, cái không tốt thì che đậy, năng lực nổi trội vẫn là thứ năng lực tạo nhóm, kết bè để “thích ứng linh hoạt an toàn hiệu quả”, triết lý sinh tồn vẫn nhìn… ghế mà hành xử, ngó theo thời thế mà uốn lưỡi cong lưng. Câu nói giỡn “nó cán bộ đảng viên nhưng nó tốt” chưa bao giờ lại “nổi trội” như lúc này!

Lê Huyền Ái Mỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét