Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

20180528. BA TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CỦA DỰ LUẬT AN NINH MẠNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
DỰ THẢO LUẬT AN NINH MẠNG: BA TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC VÀ LÂU DÀI TỚI TĂNG TRƯỞNG

NGUYỄN QUANG ĐỒNG*/ TBKTSG 28-5-2018

(TBKTSG) - Trong suốt ba năm vừa qua, thông điệp mạnh mẽ xuyên suốt, cả lời nói lẫn hành động của Chính phủ là kiến tạo môi trường kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Nhưng, nhiều quy định khắt khe không cần thiết của dự thảo Luật An ninh mạng đang đi ngược tinh thần đó.
Với dự thảo Luật An ninh mạng, các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ - nhóm doanh nghiệp đang rất được khuyến khích, sẽ là nhóm đầu tiên trực tiếp hứng chịu tác động tiêu cực này. Ảnh: THÀNH HOA
Ba tác động lớn nhất của dự thảo luật này là: thứ nhất, chi phí tuân thủ, bao gồm chi phí báo cáo, chi phí thanh kiểm tra - mà đi kèm đó là rủi ro nhũng nhiễu và đòi hỏi “bôi trơn”; thứ hai, nguy cơ mở đường cho giấy phép con, cháu; và thứ ba, chi phí đổ dồn lên toàn bộ nền kinh tế bởi các quy định về dữ liệu và máy chủ. Đáng lưu ý, các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ - nhóm doanh nghiệp đang rất được khuyến khích, sẽ là nhóm đầu tiên trực tiếp hứng chịu tác động tiêu cực này.
Chi phí tuân thủ về đánh giá an ninh mạng, thanh kiểm tra, và trách nhiệm báo cáo về an ninh mạng
Trong dự thảo mới nhất phục vụ cho kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá 14, các vấn đề nêu trên được quy định ở các điều 11, 12, và 26.
Theo đó, các doanh nghiệp có sở hữu hệ thống thông tin sẽ phải chuẩn bị cho hoạt động thẩm định, thẩm tra về an ninh mạng. Nếu hệ thống thông tin của doanh nghiệp nằm trong Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về đánh giá điều kiện an ninh mạng và kiểm tra an ninh mạng tại điều 11,12.
Đáng nói là, kể cả nếu hệ thống thông tin của doanh nghiệp không nằm trong danh mục nói trên thì họ vẫn sẽ bị kiểm tra khi có yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh mạng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.
Đối với các doanh nghiệp công nghệ, yêu cầu về xác thực thông tin tài khoản người dùng sẽ tác động trực tiếp đối với nhóm này. Điểm a, khoản 1, điều 26 yêu cầu doanh nghiệp phải thiết lập cơ chế xác thực thông tin người dùng đăng ký tài khoản số. Cơ quan chuyên trách an ninh mạng được phép tiếp cận thông tin người dùng khi có yêu cầu bằng văn bản. Điều này có thể làm doanh nghiệp công nghệ mất lợi thế cạnh tranh bởi để đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin sẽ phải giảm chuẩn bảo mật. Trong khi đó, doanh nghiệp công nghệ phải cạnh tranh trong môi trường toàn cầu chứ không chỉ là Việt Nam. Hơn thế nữa, rủi ro xâm phạm quyền công dân có thể nảy sinh bởi quyền yêu cầu ở đây là cơ quan hành chính, trong khi đáng lẽ ra, nó phải được thực thi thông qua tòa án.
Các quy định trên đây, một mặt là những quy định không đủ rõ ràng; một mặt khác can thiệp sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, làm phát sinh chi phí để thực hiện yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Bởi đã có hoạt động thẩm định, thẩm tra và báo cáo thì sẽ kèm theo đó là giấy phép, là chứng nhận, tạo môi trường nhũng nhiễu và đòi hỏi phí bôi trơn. Thiết nghĩ, đảm bảo an toàn là trách nhiệm tự thân của doanh nghiệp. Với khu vực tư nhân, dịch vụ đánh giá hay kiểm tra an ninh mạng để tự bảo vệ mình nên là dịch vụ tự nguyện của từng doanh nghiệp chứ không phải là yêu cầu hành chính như dự thảo luật đang quy định.
Chi phí tuân thủ về lưu trữ thông tin và máy chủ
Liên quan đến quy định về địa phương hóa dữ liệu, điểm d, khoản 2, điều 26 bắt buộc các doanh nghiệp, cả Việt Nam và nước ngoài, phải lưu trữ tại Việt Nam đối với thông tin cá nhân người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam và các dữ liệu quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Mặc dù không quy định trực tiếp yêu cầu đặt máy chủ như dự thảo đầu tiên nhưng về bản chất, nội dung hiện nay vẫn không thay đổi, đó là yêu cầu về địa phương hóa dữ liệu.
Yêu cầu địa phương hóa dữ liệu sẽ gây ra hai tác động lớn đối với toàn bộ nền kinh tế: (1) gây khó khăn cho hoạt động tiếp cận với thông tin, dữ liệu lớn quốc tế; các công nghệ, dịch vụ toàn cầu của doanh nghiệp trong nước; (2) làm giảm tính cạnh tranh của môi trường đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù theo giải thích của Ban soạn thảo, yêu cầu hiện nay không áp dụng với tất cả các doanh nghiệp, cũng như không áp dụng với tất cả các loại thông tin, mà chỉ áp dụng với các thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Nhưng hiện nay dự thảo luật không có một tiêu chí nào xác định dữ liệu quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia là dữ liệu nào. Cách quy định này hoàn toàn có khả năng bao trùm lên toàn bộ các hệ thống thông tin của nền kinh tế mà không có giới hạn nào. Nếu thực thi nghiêm ngặt, theo tính toán của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Chính trị châu Âu (ECIPE), quy định này có thể làm giảm tới 1,7% tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang được lãnh đạo nước ta đặc biệt quan tâm, với quyết tâm nắm bắt được cơ hội lớn này và tạo sự phát triển đột phá. Nhưng cần nhớ rằng, các cuộc cách mạng dù là 1.0; 2.0, hay 3.0, động lực của nó vẫn là khối tư nhân, mà “trái tim” và “nguồn sống” của nó đến từ sức sáng tạo của khu vực tư. Nhà nước chỉ đóng vai trò tạo môi trường và không cản trở. Với ý nghĩa như vậy, nhiều quy định của dự thảo Luật An ninh mạng có thể tạo ra rào cản, tạo ra gánh nặng kéo lùi sự phát triển của khu vực tư nhân - đi ngược lại tinh thần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là đối với nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp. Với một dự thảo luật tác động tiêu cực và lâu dài đến tăng trưởng như vậy, các đại biểu Quốc hội cần phải xem xét cẩn trọng, thảo luận kỹ lưỡng. “ Bóng” vẫn nằm trong chân đại biểu. 
(*) Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS)

LUẬT AN NINH MẠNG: FPT, VIETTEL, VNPT VÀ CÁCH MẠNG 4.0

NGUYỄN QUANG ĐỒNG/ FB NQĐ/ BVN 29-5-2018

Ấn tượng lớn nhất của tôi khi lần đầu tiên đến Singapore, là cảm giác hoảng sợ khi chờ qua đường bởi xe ô tô vèo qua trước mặt mình với tốc độ ‘kinh người’ ngay giữa giao lộ ở trung tâm thành phố. Hoảng sợ – chính xác là cảm giác của tôi, bởi nếu lỡ bước chân xuống đường lúc đèn đỏ, với ô tô đi chắc chắn phóng không dưới 60 - 70km/h thì chỉ có ‘đi Văn Điển’. Nhưng tỷ lệ tai nạn ở quốc gia này là thấp nhất thế giới. Lý do nằm ở chỗ, tất cả người dân đều chấp hành nghiêm túc luật lệ. Xe cộ không phải bò trên đường, giảm thiểu thời gian lãng phí vô ích, – cũng là một yếu tố khiến một đất nước đạt đến năng suất và hiệu quả làm việc hàng đầu thế giới. Sự nghiêm minh của luật pháp – hiếm ai dám phạm luật, như ví dụ về giao thông, là yếu tố góp phần khiến người Singapore trong 3 thập kỷ từ một vùng đất thuộc địa nghèo trở thành những người giàu nhất thế giới. Lý Quang Diệu nói như thế; và khi đứng giữa ngã tư trung tâm quốc đảo, tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi lời ông Lý.
Hôm qua một nhà báo hỏi tôi tại sao những doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT, VNPT… hoàn toàn im lặng và đứng ngoài một dự thảo luật – nói không quá, là xua đuổi start-up, xua đuổi sáng tạo và khởi nghiệp sang Sing, như dự thảo Luật An ninh mạng. Thậm chí ông Trương Gia Bình còn là Trưởng ban Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Một dự thảo luật, mà nếu thực thi nghiêm ngặt sẽ kéo lùi 1.7% GDP. Sao không một ai lên tiếng? Họ không biết à?
Bất kỳ ai có kiến thức cơ bản một chút thôi về pháp luật, đọc 2 điều thôi: điều 26 và điều 15, từ người dân bình thường như tôi đến doanh nghiệp làm ăn chân chính ai cũng có thể là tội phạm cả. Cần nhớ rằng, quy định về dữ liệu bao gồm cả tổ chức Việt Nam chứ không phải riêng gì cho Google hay Facebook. Đơn giản thế này, có doanh nghiệp, tổ chức nào trong chúng ta không dùng Gmail, yahoo mail, hay Hotmail, không lưu trữ một ít dữ liệu, thông tin có liên quan đến người khác lên google drive, lên icloud không? Chiếu theo Điều 26.2.c, nếu bất kỳ dữ liệu cá nhân nào mà lưu ở nước ngoài là phạm luật. Có ai tránh khỏi phạm luật với kiểu luật lệ thế này không?
Hoặc đơn giản thế này, xúc phạm vĩ nhân, xúc phạm dân tộc – điều 15, là đã ‘tuyên truyền, chống phá nhà nước’. Nếu tôi bỡn cợt một chút về Lê Văn Tám – người có tên trên hàng nghìn con đường, hàng nghìn trường học – là tôi đã có dấu hiệu phạm tội. Nhưng vĩ nhân đó chỉ là sản phẩm tưởng tượng để tuyên truyền, – cha đẻ của Lê Văn Tám, ông Trần Huy Liệu – nhà sử học, đích thân thừa nhận mình vẽ ra điều đó. Vậy tôi chia sẻ những thông tin này, nghĩa là tôi đang phạm luật. Và bất kỳ doanh nghiệp có ứng dụng, phần mềm, trang thông tin nào, khi ‘cơ quan có thẩm quyền’ yêu cầu, buộc phải chặn, phải gỡ thông tin tôi chia sẻ. Họ mà không làm được thế là họ cũng phạm luật.
Tôi có đang thổi phồng, đang suy diễn và lo lắng thái quá không? Có và không.
Không. Vì Việt Nam không phải là Singapore. Tất cả mọi người có thể phạm luật nhưng cơ bản sẽ không ai bị làm sao. Người đi bộ không đi qua đường đúng chỗ có kẻ vạch là phạm luật đấy. Nhưng hàng triệu người vẫn phạm luật mỗi ngày và về cơ bản vẫn ung dung như không. Hút thuốc ở trường học, bệnh viện là phạm luật đấy, nhưng có ai bị phạt hành chính đâu nào. Chỉ trừ lúc ‘cơ quan chức năng’ ra quân, vài ba anh không may mắn mới bị túm vào phạt. Mà ra quân phạt người đi bộ ở Hà Nội, tôi đã quên từ lúc nào rồi.
Và có. Vì Việt Nam là Việt Nam. Những con bò ngấp nghé lớn, vừa có chút sữa mới bị vắt sữa. Cò con thì các ‘cơ quan quản lý’ ‘cơ quan chức năng’ ‘cơ quan thực thi pháp luật’ lảng vảng đến, kiếm chút phong bì ‘vài lít’ ‘vài củ’ – rồi thôi, cứ tiếp tục mà phạm luật tiếp. Và ai bị ghét, ai bị soi mới sờ đến, mới có thể trở thành tội phạm. Với điều 26 và điều 15, bất kỳ tổ chức doanh nghiệp nào, ‘cơ quan chức năng’ đến ghé thăm thì chỉ có nước nộp phong bì để được yên, chắc chắn là thế.
Trở lại với các ‘ông lớn’, vì sao họ không phản ứng luật. Tôi trả lời ngắn gọn rằng: vì họ nghĩ rằng, họ tin rằng họ đứng ngoài luật. Họ làm ăn trực tiếp với những quan chức cao cấp nhất của chế độ và luật pháp không sờ đến họ. “Quan hệ” là tấm khiên che chở họ – dù chiểu theo luật An ninh mạng (như dự thảo), họ đương nhiên phạm luật – không ai không phạm luật với những quy định như thế cả. Nhưng họ vốn đã cơ bản hình thành, đã đi lên từ sự cộng sinh với ‘cơ quan chức năng’ ‘cơ quan quản lý’ – đó là cơ sở niềm tin để họ không thể bị đụng đến. Vậy thì vì sao họ lại phải phản ứng làm gì?
Lý Quang Diệu ban đầu đã có niềm tin rằng Việt Nam sẽ trở thành một thế lực khi đổi mới bắt đầu: Việt Nam với dân số như thế, với con người chăm chỉ và thông minh như thế, sao mà không thể trở thành ‘rồng, cọp’ được. Nhưng sau vài lần đến Việt Nam và nhìn ra sự tuỳ tiện của nền pháp quyền Việt Nam – có rừng luật nhưng lại dùng luật rừng với doanh nghiệp; có toà án và có luật sư, nhưng luật sư chỉ cơ bản là giúp thân chủ đưa phong bì đi cho đúng cửa. Ông Lý đã không tin vào sự hoá rồng của Việt Nam. Và rõ ràng là giờ này thì ông đang đúng.
Riêng trong vòng một tháng qua, tôi đã tham gia, đã nghe 3 hội thảo về Cách mạng công nghiệp 4.0. Ở cả từ bộ ngành, ban bệ nòng cốt ở trung ương, đến những tỉnh miền núi xa xôi nhất, 4.0 là câu cửa miệng. Nhưng 4.0 thì ở trên trời, và luật an ninh mạng mới là thứ ở dưới đất.
Trong hơn 3 năm qua, tôi đã làm việc cùng, đã từng có niềm tin vào ‘phong trào’ start-up. Nhưng tuần trước, giữa cuộc bia bọt cuối giờ, giám đốc một doanh nghiệp nghiên cứu thị trường và chính sách công nghệ ở Việt Nam hơn 20 năm qua, đã cười vào mũi tôi khi tôi nói về chút niềm tin ít ỏi ở ‘khởi nghiệp công nghệ’. Và nhìn lại, cách mà cách doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đến luật an ninh mạng như thế nào, cách họ làm việc với chúng tôi như thế nào – đối sánh với thái độ và cách thức doanh nghiệp trong nước; cách đại biểu Quốc hội, và cách báo chí truyền thông trong nước tiếp cận dự thảo; giờ thì tôi đồng ý tôi xứng đáng bị cười vào mũi thật rồi.
Tôi chưa nghe Google, chưa nghe FB, Amazon nói chút gì về 4.0, họ chỉ nói về hệ sinh thái kinh doanh. Trong một hệ sinh thái, cộng sinh để cùng phát triển là triết lý dẫn dắt. Những ‘tinh hoa’, những ‘anh cả’ FPT, Viettel, VNPT đang làm trong hệ sinh thái đó – họ có coi hàng chục triệu người dùng, hàng triệu doanh nghiệp lớn nhỏ khách hàng của họ là cộng sinh lợi ích để cùng xây dựng, cùng bảo vệ? Hay họ tiếp tục cộng sinh với chóp bu của chính quyền.
Sau chút hoảng sợ ban đầu ở Sing, tôi tiếp tục an toàn đi bộ trong vài hôm ở đó. Tôi qua cửa làm thủ tục hải quan ở Sing trong khoảng hơn 30s một chút, giơ trang đầu tấm hộ chiếu vào một máy scan, và cửa tự động mở. Cán bộ thông quan không sờ đến hộ chiếu của tôi mà chỉ đứng cười khá là thân thiện. Và về đến Nội Bài, tôi mất 20 phút để xếp hàng chờ; chắc khoảng hơn 3 phút để chờ anh cán bộ hờ hững săm soi và đóng dấu vào tấm hộ chiếu của tôi. Nếu tôi mà khởi nghiệp, tôi cũng sẽ sang Sing.
N.Q.Đ.



ĐÃ QUÁ MUỘN ĐỂ NHÀ CẦM QUYỀN 'LÙI LUẬT BIỂU TÌNH'

PHẠM CHÍ DŨNG/ BVN 26-5-2018

Quyền biểu tình của người dân Việt Nam đang mang trên mình một món nợ thời gian khủng khiếp: hơn một phần tư thế kỷ ma mị kể từ Hiến pháp 1992 mà không trôi dạt một ảo ảnh thiện tâm nào.
Kỳ họp quốc hội tháng Năm năm 2018 đã tiếp biến thái độ ma mị bằng động tác ‘lùi Luật Biểu tình’, một lần nữa trong quá nhiều lần bộ luật quyền dân này bị chính phủ từ thời ‘nắm chắc ngọn cờ dân chủ’ của Nguyễn Tấn Dũng đến ‘liêm chính, kiến tạo, hành động’ của Nguyễn Xuân Phúc, cùng ‘cơ quan dân cử tối cao’ là Quốc hội lợi dụng như một thứ mồi nhử nhân quyền để mặc cả thương mại với Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu.
“Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội cho biết đến nay, Chính phủ vẫn chưa chuẩn bị xong để báo cáo Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh về Luật Biểu Tình” – báo chí nhà nước đưa tin, cũng theo cách đưa tin của rất nhiều lần trong ít nhất 5 năm qua.
Vậy ‘Chính phủ’ là cơ quan nào?
Một sự thật hết sức trớ trêu ở Việt Nam là vào năm 2011, Thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng đã giao cho Bộ Công an – một cơ quan bị xem là ‘công an trị’ và chuyên trấn áp, đàn áp những cuộc xuống đường vì môi sinh môi trường của người dân, ‘chịu trách nhiệm soạn thảo Luật Biểu tình’.
Kể từ đó đến nay, đã quá nhiều lần Bộ Công an thập thò bộ luật này. Và cũng quá nhiều lần cơ quan bộ này yêu cầu hoãn Luật Biểu tình khi nại ra lý do: “Trong quá trình soạn thảo có một số nội dung phát sinh cần tiếp tục đầu tư thời gian, công sức nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, khảo sát thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế như khái niệm “biểu tình,” “quyền tự do biểu tình,” “nơi công cộng,” “tụ tập đông người”…; phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật (có bao gồm cả việc tổ chức mít-tinh, biểu tình do Đảng, Nhà Nước, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức; việc khiếu kiện đông người, đình công, bãi công, bãi thị, bãi khóa hay không); vấn đề áp dụng các biện pháp trấn áp tương xứng, có hiệu quả đối với hành vi lợi dụng biểu tình vi phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình biểu tình…”.
Một luật gia cho rằng đã có đủ căn cứ để thấy rằng việc cố tình kéo dài thời gian soạn thảo dự luật biểu tình của Bộ Công an là hành vi tắc trách công vụ, vi phạm vào Điều 4 của nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 Chủ tịch Quốc hội ký ban hành tại kỳ họp thứ 7, tháng Sáu, 2014.
Trong thực tế và chẳng cần đến luật biểu tình chưa biết khi nào mới được 500 đại biểu Quốc hội đồng gật, từ năm 2007 đã diễn ra nhiều cuộc tuần hành và tọa kháng của dân oan đất đai. Năm 2011 đã làm nên dấu mốc lịch sử bởi hàng ngàn trí thức, nhân sĩ và người dân đã tổ chức hàng chục cuộc xuống đường để phản đối Trung Quốc, cùng truy vấn thái độ im lặng đầy khuất tất của đảng cầm quyền và chính phủ trước một bí mật bắt đầu bị hé lộ: Hội nghị Thành Đô năm 1990.
Ở Sài Gòn, cuộc biểu tình mang tính “kinh điển” vào tháng Năm 2014 phản đối giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã lên đến hàng chục ngàn người khiến toàn bộ lực lượng công an, dân phòng, quân đội bất động.
Những năm gần đây, phong trào bất tuân dân sự đang lớn mạnh và khởi sắc hẳn. Cuộc trước là nguồn cảm hứng cho cuộc sau. Từ các cuộc biểu tình phản đối chặt hạ cây xanh và tổng đình công của công nhân một số tỉnh Nam Bộ vào năm 2015 đến phong trào biểu tình phản đối Formosa của người dân miền Trung vào năm 2016 và 2017, cánh lái xe phản đối các trạm BOT thu phí và phản kháng dân sự đối với chính quyền.

https://www.baocalitoday.com/wp-content/uploads/2018/05/bien-dao.png
Người dân Việt Nam xuống đường biểu tình vụ cá chết tại Hà Nội, ngày 1/5/2016.
Ảnh: VOA.
Đến lúc này, công an chẳng biết phải làm gì để “siết” nữa. Từ lâu, những đòn phép đối phó với phong trào biểu tình dân oan từ năm 2007 và biểu tình chính trị từ năm 2011 đã được tung ra hết: trên hết là thói trấn áp và “biện pháp nghiệp vụ” của ngành công an, sau đó là luật Giao thông đường bộ, luật Hình sự về “gây rối trật tự công cộng”, kể cả những điều luật khắc nghiệt chính trị như “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” (258), “tuyên truyền chống nhà nước” (88), “lật đổ chính quyền nhân dân” (79) đã từ lâu được dùng để áp chế giới bất đồng chính kiến nhưng chỉ khiến nảy sinh “bắt một sinh mười”.
Đói quá lâu sẽ hết đói. Cuối cùng, bánh vẽ Luật Biểu tình đã công nhiên trở thành một thứ phế thải. Cuối cùng, người dân Việt Nam đã tự động xuống đường mà bất cần một khung luật nào cho phép. Trong cơn phẫn nộ và bế tắc tận cùng, trong nỗi thất vọng vượt quá giới hạn trước một chế độ đặc trưng quá tham nhũng, độc đoán và khiến phát sinh đủ thứ hậu quả xã hội trầm kha, ngày càng có thêm nhiều người dân vượt qua nỗi sợ của mình để bước ra đường, mở miệng và thét to những gì họ muốn.
Đến lúc này, mọi chuyện đã quá muộn đối với chính thể. Quá muộn để “lấy lại lòng tin của nhân dân”. Cũng quá muộn để ban hành Luật Biểu tình.
P.C.D.

Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét