Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2018

20180505. NGHĨ VỀ GIAI CẤP CÔNG NHÂN VIỆT NAM CỦA NGUYỄN KHẮC MAI

ĐIỂM BÁO MẠNG
NHÂN 1-5: NGHĨ VỀ GIAI CẤP CÔNG NHÂN (VÔ SẢN) VIỆT NAM
NGUYỄN KHẮC MAI/ VNTB/ BVN 5-5-2018 

Chính nhờ họ mà tôi được nghỉ một ngày vẫn hưởng lương! Tôi muốn gửi tới Họ, dẫu còn phải sống trong vô vàn nghịch lý, cũng như chính mình lời chào và chúc Họ có một ngày nghỉ vui vẻ và êm đềm. Tôi không dám chúc Họ hạnh phúc, bởi sẽ là sáo mép, không thật thà. Khi viết bài này tôi phải giở bản Hiến pháp in đẹp, giấy cực tốt của NXB Hà nội tặng, để xem đi xem lại những lời có cánh nói về Họ về cái nền tảng của đất nước,về cái đội tiên phong đại diện cho Họ. Lập tức, không phải là sức tưởng tượng, mà là những hình ảnh sống động hiện ra ngay trong đầu tôi. Những dinh thự, biệt phủ nguy nga, những phòng khách rất vua chúa, những căn hộ sang trọng của đội quân “tiên phong” của giai cấp và những căn nhà ổ chuột bẩn thỉu rách nát của những người của giai cấp tiên phong! Những phong bì ngoài lương của chúng, cũng gấp hàng trăm lần lương tháng của Họ.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgFYXDL-FMAwPD7FGPuAQj85Ot1Getnx25vttr1lcaIIBWW6gMCeR6CQsXHbgbhbUnR6N9TMQ-uUH7px2OcNcg4Axw10Pftjt5Wyhw0Z0UholzeqZwbFKOnkz_v-StEIxiso9gH4qJyE8c/s1600/7_mot3566n.binh.jpg
Một cặp vợ chồng công nhân đã nhiều năm phải thuê nhà trọ. Ảnh: CAND
Thôi, nói chi những nghịch lý mà đau lòng. Hãy nói đôi chút về những hoang tưởng, ban đầu thì thấy có vẻ đầy thiện tâm, thiện chí, càng về sau càng thấy rõ là sự lừa mị thô bỉ, trâng tráo. Bỏ qua đi đám chính khách, chúng vẫn dùng thủ đoạn đánh tráo khái niệm, lừa dối dư luận để ăn trên ngồi trốc. Chỉ thương hại và ghê tởm cho những nhà “tư tưởng” có bằng cấp vẫn nham nhở nói lấy được, nào là giai cấp tiên phong, nào là giai cấp lãnh đạo, nào là kẻ đại diện cho phương thức xã hội tiên tiến, hiện đại!...
Có mấy lần đi khảo sát giai cấp công nhân, một lần đi với Phạm Thế Duyệt, nguyên là giám đốc mỏ Mạo khê, sau là Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Mặt trận; một lần đi cùng Phùng hữu Phú, khi Phú còn là ”học quan”, chưa thành “đường quan” như sau này. Khi ngồi bù khú với Họ (giai cấp Công nhân), tôi nói kháy, người ta bảo các cậu là giai cấp tiền phong, giai cấp lãnh đạo đấy. Họ lập tức cười khẩy bảo “bác đùa chúng em thôi, tiền họ giữ hết chỉ phong cho chúng em cái giai cấp. Tiền họ cũng giữ, mà lãnh đạo họ cũng giữ. Làm gì tới ngữ chúng em”. Gần đây, khi đi taxi, nhiều lần tôi cũng thử ướm hỏi Họ, câu hỏi cũ, nhưng câu trả lời thì dứt khoát hơn, ”chúng em chả tin”. Cánh taxi hiện đang hành nghề với công cụ rất hiện đại, họ dùng iphone để làm việc, vì vậy, không thể đánh lừa Họ được.
Cái cảm giác bị đánh lừa khốn nạn trong tôi hiện rõ sau khi đọc được lời sau đây của chính K.Marx, khi ông trò chuyện với Bakounine (một nhà XHCN tự do), "Một khi giai cấp công nhân nắm được chính quyền, họ sẽ thúc đẩy một chế độ uỷ trị, người ta phó thác cho một nhóm tự ứng cử, bầu cử, nhằm đại diện và cai trị họ. Ngay lập tức họ sẽ rơi tõm vào sự dối trá và lệ thuộc.Sau một hồi tự do, hưng phấn cách mạng trong một kiểu nhà nước mới, họ sẽ bừng tỉnh thấy mình là nô lệ, con rối và con mồi cho những tham vọng mới.”(xin xem Marx Sa Vie et Son Oeuvre,Jean Eleinstein. NXB Fayard). Xin lưu ý những từ như: chế độ uỷ trị, một nhóm tự ứng và bầu cử, dối trá, lệ thuộc, nô lệ, con rối, con mồi, tham vọng mới!
Nhiều lần khi còn làm việc trong những dịp được trình bày về cái gọi là công tác quần chùng (xin giữ chữ viết sai này) của đảng, tôi đã nói, một trăm rưỡi năm nay chưa có một đảng cộng sản nào có thành công về chính sách công nhân, giai cấp công nhân ở những nước này vẫn là giai cấp bần hàn, bị bóc lột thậm tệ. Phàm một giai cấp muốn trở thành giai cấp lãnh đạo, họ phải có ít nhất 4 điều kiện và phẩm chất.
a/ Phải có được cuộc sống vật chất và tinh thần trên trung bình của xã hội. Giai cấp công nhân của ta ngày nay có số lượng lớn, có một bộ phận làm việc với công nghệ tiên tiến hiện đại, nhưng nhìn chung vẫn là nhóm xã hội yếu thế và kém cỏi trong xã hội.
b/ Phải là tầng lớp có văn hoá, thậm chí phải là văn hoá cao. Có thế mới tham gia chi phối điều tiết được xã hội. Công nhân ta ăn đói mặc rét, học vấn thấp. Thật sự Họ đang bị phó mặc cho thị trường còn nhiều man rợ và dã tâm, tự xoay xở lấy. Chuyện tuyên truyền nào là tiên phong, nào là lãnh đạo, nào là nền tảng, nào là giai cấp tiêu biểu cho phương thức sản xuất mơi…càng trở nên khôi hài, dối trá, lừa bịp.
c/ Họ phải là tầng lớp có năng lực điều tiết được nền kinh tế hiện hành. Họ phải trở thành nhân vật chính trong nền kinh tế của đất nước. Việc Các Mác và Lê nin và nhiều kẻ lừa đảo khác gán cho Họ vai trò như là Héro de notre temps (nhân vật của thời đại) thật sự đã lộ nguyên hình là sai lầm và dối trá.
d/ Họ phải có quyền chính trị, có năng lực và điều kiện tham gia vào chính trị, họ phải nắm được dân chủ, có khả năng chi phối mọi sinh hoạt chính trị của đất nước. Họ phải có năng lực “cầm quyền”. Nội một cái nghiệp đoàn, họ không tự thành lập nổi, phó thác mọi quyền và lợi cho những công đoàn tự xưng và tiếm quyền, Họ không bảo ban được, nói gì đến chi phối nền dân chủ, dân quyền, nhân quyền.
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgmknTJhCh-nu-IVYWzjxh2AS5nvrYoK3ZyXbYrfoRbwc8SvKT3viBE1dE4qmfwGEXk5YAxHeyIj9f-s4hFXDHs1pzXWYnQd5tWUYctlruN3JSidDjoW0wQqEju48ecbyesaE7ecfWPRvE/s640/img_0629-0105.jpg
Tọa lạc tại phố Hưng Hòa, khu đô thị Hòa Mạc, giáp đường quốc lộ 38, thị trấn Hòa Mạc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, 2 căn biệt thự của hai anh em trai nhà ông Nguyễn Đức Vượng (Bí thư huyện Duy Tiên) nằm cạnh nhau.
Có một lần anh Đặng xuân Kỳ cố Viện trưởng Viên Mác -  Lê mời tôi tham dự một hội thảo bàn về tư tưởng Hồ chí Minh và giai cấp công nhân, do Viện và tỉnh uỷ Nghệ an cùng tổ chức, tôi đã trình bày 4 điều kiện trên. Bí thư tỉnh uỷ bấy giờ nói với Bạch Hưng Đào là PBT thường trực chủ trì hội nghị rằng: ”Ông Mai nói đúng nhưng không làm được”. Sau hội nghị đó tôi được nhiều anh em làm công tác đảng ở những xí nghiệp QD, hầm mỏ… liên lạc chia sẻ. Họ đồng tình với ý kiên của tôi. Nhưng rồi như Tương Lai nói, chỉ “để gió cuốn đi”.
Thành thử, tôi thấy Mác quả là nhà tiên tri, dẫu ông cũng có nhiều khiếm khuyết như đã rất trẻ con khi viết và nói về một hình thái xã hội cộng sản lý tưởng. Trong Tuyên ngôn cộng sản công bố vào năm 1848, ông cho giai cấp công nhân là nhân vật của thời đại, dẫu sao cũng chỉ là những tên phu đào huyệt và ông đã tiên đoán số phận của giai cấp công nhân là từ tên phu đào huyệt đến kẻ nô lệ, con rối và con mồi! Đấy không phải là sự mạ lỵ, hạ nhục công nhân. Mà là thừa nhận một sự thật chua chát, cay đắng, đầy nghịch lý cua người công nhân trong những nhà nước cộng sản hiện thực!
Tôi cho rằng khôn ngoan và hợp lẽ đời hợp đạo lý là trả quyền thành lập nghiệp đoàn cho giai cấp công nhân. Để họ tự do và tự lo lấy sự đổi đời và thân phận của mình.
Tôi nghĩ không lầm, thì từ cuộc mít tinh lớn lao của công nhân, lao động ở quãng trường Nhà Đấu xảo năm 1929 (nay là bùng binh của cung Lao động Hữu nghị Hà nội) cho đến nay, đảng Cộng sản Việt nam không hề thành công trong chính sách giai cấp của mình.
N.K.M.
VNTB gửi BVN

TRONG CÁC HỌC THUYẾT CỦA THẾ GIỚI, HỌC THUYẾT MÁC CÓ SỨC SỐNG RẤT LÂU DÀI

LAO ĐỘNG 4-5-2018

GS.TS Lê Hữu Nghĩa, nguyên Giám đốc học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Ảnh: Xuân Hải)

GS.TS Lê Hữu Nghĩa, nguyên Giám đốc học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Ảnh: Xuân Hải)
GS.TS Lê Hữu Nghĩa - nguyên Giám đốc học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã nói như vậy với báo chí bên lề Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản tư tưởng của Các Mác và ý nghĩa thời đại”, do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp tổ chức sáng 5.5, tại Hà Nội.



Nhấn mạnh về những cống hiến của chủ nghĩa Mác đối với nhân loại, GS.TS Lê Hữu Nghĩa nhấn mạnh: Năm nay chúng ta kỷ niệm 200 năm ngày sinh Các Mác (5.5.1818-5.5.2018), nhà tư tưởng thiên tài, lãnh tụ giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. Đây là dịp để chúng ta nhận thức một cách sâu sắc những cống hiến, công lao cũng như những giá trị của chủ nghĩa Mác trên tinh thần những giá trị bền vững, đồng thời thời vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác vào công cuộc đổi mới của Việt Nam.
Theo GS.TS Lê Hữu Nghĩa, Các Mác là nhà khoa học đồng thời là nhà cách mạng. Phẩm chất của nhà khoa học, phẩm chất của nhà cách mạng luôn song hành trong hoạt động của ông. Học thuyết Mác mang tính khoa học và tính cách mạng luôn gắn chặt với nhau.
Khoa học đối với Mác là vũ khí để cải tạo thế giới, làm cách mạng, để giáo dục quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh, chống lại sự áp bức, bóc lột, bất công và sự tha hóa.
Có thể nói rằng, trong các học thuyết của thế giới, học thuyết Mác có sức sống rất lâu dài. Chúng ta nhân dịp này để nhận thức lại chủ nghĩa Mác một cách sâu sắc hơn để đi sâu nghiên cứu bền vững, trường tồn của chủ nghĩa Mác, đồng thời vận dụng một cách sáng tạo Chủ nghĩa Mác vào công cuộc đổi mới của nước ta.
Thành công của Đảng ta trong những năm lãnh đạo cách mạng và đặc biệt trong hơn 30 năm đổi mới chính là nhờ Đảng ta đã nhận thức và sáng tạo vào thực tiễn đổi mới. Chúng ta vừa kiên định với chủ nghĩa Mác – Lê Nin đồng thời phải có sáng tạo. Đó là tinh thần của Đại hội lần thứ XII của Đảng.
“Chúng ta phải kiên định nhưng cũng phải sáng tạo. Sáng tạo trên cơ sở kiên định. Dịp này là để chúng ta tiếp tục khẳng định quan điểm đó và tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn chủ nghĩa Mác để đưa ra những quyết sách phù hợp trong thời gian tới của chúng ta”, GS.TS Lê Hữu Nghĩa nhấn mạnh.
Nói về việc các thế lực thù địch tìm cách xuyên tạc chủ nghĩa Mác, GS.TS Lê Hữu Nghĩa cho rằng, Chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng ta khẳng định là nền tảng tư tưởng của Đảng, là kim chỉ nam cho hành động. Nên chúng ta phải bảo vệ và kiên định với Chủ nghĩa Mác Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời phải vận dụng sáng tạo, thì chúng ta phải xem xét, nghiên cứu để làm rõ những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác – Lê Nin.
Bên cạnh đó, những luận điểm không còn phù hợp nữa, đã bị thực tiễn vượt qua rồi thì chúng ta phải bổ sung, phát triển để chủ nghĩa Mác luôn có sức sống và được vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn của công cuộc đổi mới.
“Chúng ta phải phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch mà các thế lực tìm cách xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác. Để phê phán một cách thuyết phục, chúng ta phải nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lê Nin, đồng thời nắm vững tình hình thực tiễn của thế giới cũng như của đất nước ta hiện nay”, GS.TS Lê Hữu Nghĩa cho hay.
XUÂN HẢI - NGUYỄN HUYÊN (GHI)



      
    GS TS TẠ NGỌC TẤN: NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA CHỦ                    NGHĨA MÁC LÀ KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC                                              
                                    LAO ĐỘNG 4-5-2018

GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương (Ảnh: Xuân Hải)
              GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương (Ảnh: Xuân Hải)
GS.TS Tạ Ngọc Tấn - nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương - đã nói như vậy với báo chí bên lề Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản tư tưởng của Các Mác và ý nghĩa thời đại”, do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận T.Ư, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp tổ chức sáng 4.5, tại Hà Nội.



GS.TS Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh: Hội thảo hôm nay, chúng ta kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Các Mác - một nhà tư tưởng lớn, một lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân, vô sản trên toàn thế giới là Các Mác. Phải thừa nhận rằng, trong 200 năm qua, tư tưởng của Mác là một nguồn động lực vô biên để động viên, thúc đẩy phong trào cách mạng trên thế giới, dẫn tới những thành tựu cách mạng to lớn hiện nay.
Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, những giá trị về tư tưởng, khoa học của Mác rất nhiều giá trị, có ý nghĩa trường tồn, có ý nghĩa dẫn dắt, soi đường trong công cuộc giải phóng con người, trong công cuộc xây dựng một xã hội mới, xã hội chủ nghĩa vì sự tiến bộ, công bằng, tự do và phát triển của con người. Những giá trị chủ nghĩa Mác là không thể xuyên tạc.
Ngay cả trong điều kiện ngày nay, trong xã hội có nhiều diễn biến phức tạp, mặc dù thế giới có rất nhiều vận động, thậm chí những vận động khó lường nhưng những giá trị của Học thuyết chủ nghĩa Mác là những giá trị khoa học. Những ý nghĩa khoa học ấy có nghĩa sống còn, thời sự trong thời đại ngày hôm nay. Hội thảo hôm nay chính là để chúng ta khẳng định tư tưởng ấy.
Nói về việc vận dụng chủ nghĩa Mác như thế nào trong công cuộc đổi mới hiện nay, GS.TS Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh, trước hết chúng ta phải hiểu, chủ nghĩa Mác là học thuyết khoa học. Học thuyết chỉ ra những vấn đề mang tính chất nguyên tắc, mang tính chất quy luật của sự phát triển loài người và những dự báo về sự phát triển tất yếu của nhân loại đi đến con đường xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa.
Để giải quyết, thực hiện mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ấy, yêu cầu quan trọng sống còn là phải vận dụng một cách sáng tạo vào những điều kiện lịch sử, cụ thể, từng nơi, từng lúc của mỗi quốc gia. Và thắng lợi của chúng ta là vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác vào trong điều kiện Việt Nam.
Nói về việc vận dụng chủ nghĩa Mác trong xây dựng đạo đức của người cán bộ hiện nay, GS.TS Tạ Ngọc Tấn cho rằng, đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ" sẽ được đưa ra bàn tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII của Đảng tới đây.
Công tác cán bộ là vấn đề sống còn. Bác Hồ đã từng nói mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Trong điều kiện đất nước ta đang bước vào thời kỳ mới, xây dựng và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế thì công tác cán bộ càng cần thiết.
Trong công tác cán bộ, việc cần thiết nhất là cần nâng cao năng lực, chất lượng, trình độ, trí tuệ và liêm chính của cán bộ để phục vụ tốt, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới xây dựng và phát triển đất nước. Điều này không đơn thuần để giải quyết vấn đề chống tiêu cực, tham nhũng, chống lãng phí mà còn để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
“Và đối với công tác cán bộ, chúng tôi rất mong muốn Hội nghị Trung ương 7 sẽ giải quyết cơ bản có tính chất chiến lược về toàn bộ tiến trình xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện rồi cất nhắc, sử dụng và đặc biệt là kiểm tra, đánh giá về năng lực cũng như xây dựng quy trình chặt chẽ trong việc kiểm tra quyền lực, kiểm tra sự liêm chính của đội ngũ cán bộ, đảm bảo cho đội ngũ ấy phát huy được vai trò của mình và đáp ứng yêu cầu của xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới”, GS.TS Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh.
XUÂN HẢI - NGUYỄN HUYÊN (GHI)

CHỦ NGHĨA MÁC: SOI RỌI ĐẾN ĐÂU, LỤI TÀN ĐẾN  ĐẤY ?*

NGUYỄN TƯỜNG THỤY / BVN 10-5-2018

Các Mác
Để giữ cái nghề của mình, các ông bất chấp thực tế, bất chấp lý luận để ca ngợi Mác và cái chủ nghĩa Mác đưa ra bằng những ngôn từ tốt đẹp nhất, tưởng như kho từ vựng Tiếng Việt không đủ để diễn tả. Nào là “bộ óc kiệt xuất”, “Học thuyết của Mác là công cụ vạn năng để giải cứu thế giới”, “Tư tưởng của Mác là một nguồn động lực vô biên để động viên, thúc đẩy phong trào cách mạng trên thế giới”, "Những giá trị của chủ nghĩa Mác là không thể xuyên tạc". Thậm chí tư tưởng của Mác còn soi rọi đến cả... cách mạng công nghiệp 4.0, làm cho nhiều người được phen cười nghiêng ngả.
(Trích phát biểu của ông Nguyễn Xuân Thắng, Tạ Ngọc Tấn, chủ tịch và phó chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương).
Vậy Mác đã cống hiến cho loài người những gì? Trước hết cũng nên thừa nhận học thuyết của ông có những luận điểm chấp nhận được về thế giới quan, trong đó có những luận điểm ông thừa hưởng từ Hêghen, Phơ bách. Hoặc ông đưa ra một nguyên lý đúng mang tính đúc kết cao là “quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”. Tuy nhiên, ông có những luận thuyết chết người cộng thêm với sự vận dụng và phát triển tùy tiện của những nhà mác xít ở các nước cộng sản đã gây ra tác hại rất lớn ở khu vực chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác. Ở đây xin đề cập hai luận thuyết đấu tranh giai cấp và giá trị thặng dư.
Trong học thuyết giá trị thặng dư, Mác đã đánh tráo khái niệm, lập lờ đánh lận lao động của nhà tư bản thành bóc lột lao động của công nhân, làm cho người ta tưởng bị bóc lột thật nên cần phải dùng bạo lực để cướp lại. Mác cổ vũ cho sự cướp bóc này, gọi hành động này là “tước đoạt của kẻ tước đoạt”.
Từ nhận xét “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”, Mác đưa ra luận điểm “đấu tranh giai cấp là động lực thúc đẩy sự vận động và phát triển của xã hội”
Học thuyết về giá trị thặng dư và đấu tranh giai cấp là hai luận thuyết mà sự ảnh hưởng của nó sâu đậm nhất đối với các quốc gia đi theo chủ nghĩa cộng sản, gây nên bao nhiêu tai ương ở các quốc gia này.
Chủ nghĩa Mác đã từng ảnh hưởng và làm thay đổi chế độ chính trị khoảng 1/3 thế giới. Tuy nhiên, chủ nghĩa Mác “soi rọi” đến đâu thì ở đó có bạo lực và thanh trừng đẫm máu trong nội bộ. Tất nhiên, những cuộc chiến tranh trên thế giới không chỉ sinh ra từ luận điểm đấu tranh giai cấp. Có tài liệu ước tính, nạn nhân của những cuộc tàn sát ở riêng 3 quốc gia: Liên Xô, Trung Quốc, Campuchia lên tới 70 triệu người. Không chỉ là nội chiến hay thanh trừng nội bộ mà còn có cả chiến tranh giữa các nước XHCN với nhau.
Chủ nghĩa Mác “soi rọi” đến đâu thì kinh tế ở đó tụt hậu, sản xuất không phát triển được vì động lực thúc đẩy sản xuất bị triệt tiêu bởi chính sách làm ăn chung, triệt tiêu kinh tế tư bản tư doanh, công hữu hóa tư liệu sản xuất. Nhiều quốc gia lâm vào cảnh đói kém, nhất là các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên. Theo Wikipedia, giai đoạn 1958 - 1962 Trung Quốc có khoảng 15 đến 45 triệu người chết đói. Nạn đói ở Bắc Triều Tiên trong thập niên 1990 đã làm chết khoảng 240.000 tới 3.500.000 người mà đỉnh cao là năm 1997.
Ngoài bạo lực chuyên chính vô sản, kinh tế tụt hậu, việc áp dụng chủ nghĩa Mác còn bộc lộ ra rất nhiều điều bất ổn trong tất cả các mặt của đời sống xã hội.
May thay, chủ nghĩa Mác những tưởng sẽ thắng thế ở phần còn lại của thế giới thì cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, bỗng dưng đồng loạt sụp đổ, từ Liên Xô, “thành trì của cách mạng thế giới” đến Đông Âu, Mông Cổ. Sự sụp đổ này không phải là ngẫu nhiên mà là do mâu thuẫn nội tại trong lòng các nước đi theo chủ nghĩa Mác bùng nổ. Ngày nay chỉ còn 3 đứa con đơn độc của chủ nghĩa Mác là Trung Quốc, Việt Nam và Cu Ba (Triều Tiên trong tình trạng không rõ ràng). Tất cả các quốc gia đã thoát ra khỏi chủ nghĩa Mác không có gì phải nuối tiếc nếu không nói là vẫn còn kinh hoàng. Chủ nghĩa Mác đã kéo nhân loại chậm lại, có lẽ không dưới một trăm năm hoặc hơn, nếu tính đến cả những ảnh hưởng lâu dài của nó.
Sự sụp đổ của hệ thống XHCN vào thập niên cuối của thế kỷ trước là quá ngoạn mục. Sự phá sản của chủ nghĩa Mác là một thực tế trông thấy.
Chủ nghĩa Mác soi rọi đến đâu thì lụi tàn đến đấy.
Đó là một sự thật.
Sự sụp đổ của hệ thống XHCN cũng là một sự thật. Thế nhưng, các nhà tuyên giáo ở Việt Nam cố tình không nhìn thấy. Chủ nghĩa Mác là một sai lầm tạm thời của nhân loại, nó đã chết ở quê hương Các Mác, chết ở châu lục mà Mác sinh ra nhưng ở một đất nước nghèo đói xa lạ, người ta cố thổi hồn vào nó, hà hơi cho nó những mong nó sống lại. Đó là một điều không tưởng. Và: Chết rồi mà vẫn sống mãi, vẫn thúc đẩy được phong trào cách mạng thế giới, vẫn là chìa khóa vạn năng để giải cứu thế giới và còn đòi soi rọi đến cả... cách mạng 4.0. Thật là không còn sự khôi hài nào hơn.
Dám chắc, chẳng còn ai tin vào chủ nghĩa Mác, kể cả những người đang cổ súy cho nó, lấy đó làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động. Gần 90 năm đi cùng nó, tuyên truyền, cổ vũ cho nó, từng thất bại ê chề vì nó, chẳng lẽ giờ lại đột nhiên từ bỏ, hóa ra công nhận mình đã từng sai? Đây là tâm lý bảo thủ cố hữu của người cộng sản. Ngoài ra, người ta cố giữ lấy nó còn để làm bình phong lừa mị dân, để kéo dài sự độc quyền thống trị chứ không chịu chia sẻ quyền lãnh đạo đất nước cho người khác, còn đất nước ra sao, đi về đâu thì không cần biết.
* Bài viết phản ảnh quan điểm riêng của tác giả về nhân vật lịch sử, được bảo hộ bởi Điều 19 - Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền
N.T.T.
VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét