Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

20180517. NHỚ VỀ CỐ GIÁO SƯ PHAN ĐÌNH DIỆU

ĐIỂM BÁO MẠNG
KHÔNG CÓ THỨ HÀNG HÓA NÀO LẠI DỄ LÃI NHƯ QUYỀN LỰC

PHAN ĐÌNH DIỆU/ BVN 16-5-2018


https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEh8Zg2HcGV5YJ_jl23BLG5RhuGn1lh2iAd0FbIEZ5vmiWzA_QIALyskkBawH3CQ1Jdx_ulAP4Uz2v09gsHL8ok_L5NtbmgbAcaGD6UM5p1N4toZ-1cb4BH1yQbgTSCm-pXPH1IuF8TLo0Y/s1600/images.jpg
Kính thưa Đoàn chủ tịch,
Kính thưa tất cả các vị đại biểu,
Tôi xin phép có một số ý kiến tham gia cuộc thảo luận kỳ này - tức là về dự thảo Hiến pháp.
Ý KIẾN THỨ NHẤT: Chúng ta đang sống trong một tình hình mà đất nước và thế giới có rất nhiều vấn đề cần được nhận thức và lý giải một cách tỉnh táo. Về những khó khăn của đất nước, tôi xin không phải nói lại. Nhưng vấn đề cốt lõi là hiện nay đất nước đòi hỏi gì? Theo tôi nghĩ, cái lớn nhất mà đất nước đòi hỏi là phải phát huy được tất cả mọi năng lực của tất cả các thành viên cùa dân tộc trong tinh thần đoàn kết, hòa hợp, tự cường để đưa đất nước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng và tiến kịp với thế giới. Phải trên cơ sở phát huy thật sự mọi năng lực của dân tộc thì mới có thể tận dụng được những thành tựu của thế giới hiện đại, tận dụng được những khả năng hợp tác với bên ngoài, và do đó, mới có thể sử dụng được mọi thuận lợi để xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, có cuộc sống no ấm hạnh phúc trong cộng đồng thế giới đang bước sang một giai đoạn văn minh mới.
Tôi nói điều đó bởi vì hiện nay, trong điều kiện mở cửa, nhiều khi ta hy vọng quá nhiều vào những quan hệ với nước ngoài, đầu tư của nước ngoài, v.v… Điều đó là hết sức quan trọng, nhưng cái quan trọng hơn nữa, cái cốt lõi nhất là phài làm sao phát huy được mọi năng lực của chính bản thân chúng ta. Bởi vì dân tộc ta, nếu không phát huy được năng lực của chính mình, thì dù người nước ngoài có ồ ạt đầu tư vào, chúng ta cũng chỉ đóng vai trò của những kẻ đầy tớ hèn mọn mà thôi. Cho nên vấn đề làm chủ, vấn đề phát huy thật sự năng lực của mọi thành phần của dân tộc, không phân biệt đối xử, không có hận thù, hòa giải, hòa hợp, mới là cái cốt lõi, cái cơ bản nhất. Năng lực ấy chúng ta có. Còn thi hành bất kỳ một chính sách phân biệt nào, bất kỳ sự chia rẽ nào, bất kỳ sự duy trì tình trạng đối địch thù hận nào, cũng đều nguy hiềm cho quá trình đoàn kết để chấn hưng đất nước. Vì vậy, Hiến pháp, theo tôi nghĩ, cần phải được bàn trên tinh thần đó, tạo điều kiện cho xã hội Việt nam tiến theo hướng đó. Và cũng cần nói thêm rằng với tư cách một bộ luật cơ bản, cao nhất, thì hiến pháp phải thực sự là bộ luật cơ bản và cao nhất, không có bất kỳ một thứ luật nào khác, thành văn hay không thành văn, cao hơn nó.
Ý KIẾN THỨ HAI: Vậy những đòi hỏi đó của đất nước hiện nay cần được phản ánh trong thể chế xây dựng nhà nước, tức là được phản ảnh trong Hiến pháp, như thế nào?
Như chúng ta đã biết, qua sự vận động của đất nước ta cũng như trên thế giới vừa qua, thì điều đã rõ là chúng ta phải từ bỏ mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu cũ để xây dựng một đất nước, một thể chế có nền kinh tế thị trường thật sự (dĩ nhiên là có sự điều tiết của nhà nước) và một chế độ chính trị dân chủ đoàn kết dân tộc, có nghĩa là một xã hội dân sự và một nhà nước dân chủ pháp quyền. Vì thế, ở đây có nhiều vấn đề cần phải dứt khoát và phải có những quan điểm rõ ràng. Bởi vì, nếu theo hướng đó thì rõ ràng chế độ xã hội chủ nghĩa với tư cách là một thể chế xã hội, tức là một hình thái tổ chức xã hội trong đó chế độ sở hữu công cộng là cơ bản hay gần như là duy nhất, trong đó nền kinh tế được quản lý tập trung bằng kế hoạch thống nhất của nhà nước, trong đó có một chế độ chính trị do một đảng lãnh đạo theo mô hình chuyên chính vô sản, đã chứng tỏ là không thể duy trì được nữa và là sự cản trở cho mọi tiến bộ của dân tộc. Và cũng như đã được chứng tỏ, nó là sự cản trở và đã bị phá bỏ ở nhiều nơi trên thế giới. Vì vậy, chúng ta phải dũng cảm để nhận thấy rằng chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình đó, tức là theo chủ nghĩa Mác - Lênin, không còn đáp ứng được mục tiêu phát triển của dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
Một vấn đề đặt ra là có thể chăng cố gắng kết hợp một nhu cầu không thể bác bỏ được là phát triển nền kinh tế thị trường với một ý đồ duy trì thể chế chính trị “xã hội chủ nghĩa” kiểu chuyên chính vô sản do một đảng lãnh đạo? Tôi nghĩ, ở đây mỗi thể chế, mỗi cách tổ chức xã hội có logic của nó và trong mỗi logic đó có những yêu cầu về tính nhất quán của nó. Không thể dễ dàng từ bỏ một số yếu tố này mà lại giữ nguyên một số yếu tố khác. Thực tế mấy năm qua cho thấy trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, nhưng vẫn giữ sự độc quyền lãnh đạo, thì không phải chúng ta phát huy được tính tích cực của cả hai thể chế đó, mà thật ra xã hội đồng thời chịu tác động tiêu cực của cả hai thể chể. Bởi vì, trong một nền kinh tế không có hàng hóa thì người ta không thể dùng quyền để bán đi được. Nhưng một nền kinh tế thị trường mà vẫn giữ độc quyền thì quyền cũng là một thứ hàng hóa. Và trong mấy năm qua, nạn tham nhũng không thể trị được chính là hình thức kết hợp sự độc quyền và nền kinh tế hàng hóa. Vì không có thứ hàng hóa nào lại dễ ăn dễ lãi như quyền lực. Tham nhũng về thực chất là việc biến một cách phi pháp quyền lực thành hàng hóa. Cho nên không thể kết hợp những yếu tố không thể dung hòa được của hai thể chế để hy vọng tạo ra một hình thái tích cực được. Chúng ta cần nhanh chóng khắc phục những yếu tố cộng lại cái tiêu cực như vậy.
Thật ra, kinh tế thị trường không phải cái gì cũng tốt cả. Kinh tế thị trường cũng có nhiều mặt tiêu cực của nó. Chính vì vậy, để phát triển được nền kinh tế thị trường và để nó có thể phát huy được mặt tích cực và hạn chế được mặt tiêu cực, thì đòi hỏi phải tăng cường luật pháp, đòi hỏi phải có một hệ thống luật pháp thật đầy đủ và có khả năng điều chỉnh mọi mối quan hệ phức tạp trong một xã hội có kinh tế thị trường. Do đó, phải tăng cường luật pháp, tăng cường dân chủ, phải xóa bỏ độc quyền. Để làm được như vậy phải bảo đảm quyền tự do dân chủ, đặc biệt những quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tư tưởng, tự do phê phán của nhân dân. Trong điều kiện đó, tôi đề nghị phải dũng cảm nhìn vào sự thật và có sự lựa chọn khoa học và logic. Trong sự lựa chọn này, tôi hoàn toàn đồng ý với nhiều ý kiến đã được phát biểu là: khi khái niệm chủ nghĩa xã hội theo kiểu cũ không còn thích hợp nữa, còn theo một kiểu mới nào đó thì chúng ta chưa hề định hình được, thì không nên ghi những từ như vậy trong một văn bản pháp luật có tính chất bắt buộc đối với toàn dân trên đất nước này. Chúng tôi đề nghị những thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội”, “chủ nghĩa Mác - Lênin”, v.v… trong Hiến pháp đều nên tạm gác lại. Có bỏ vĩnh viễn hay không, chuyện đó ta hãy xét sau, nhưng ít nhất là nên tạm gác lại. Tổ quốc này chưa phải là “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, tài sản công cộng cũng không phải là “tài sản xã hội chủ nghĩa”, những chữ ấy không mang một nội dung gì cả. Vì vậy chỉ cần nói chúng ta bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, chúng ta xây dựng đất nước Việt Nam, chúng ta bảo vệ tài sản công cộng trên đất nước này, thế là đủ. Ban nãy, Linh mục Vương Đình Bích có nói: vì có sự khác biệt tư tưởng giữa chủ nghĩa Mác - Lênin và tôn giáo, do đó nếu ghi chủ nghĩa Mác - Lênin vào Hiến pháp thì rất khó xử đối với đồng bào tôn giáo. Tôi không theo một tôn giáo nào, tôi là một người làm khoa học, nhưng vì là một người làm khoa học, tôi hiểu rằng trong học thuyết của Mác và cả trong sự phát triển về sau của Lênin có những yếu tố tích cực cần giữ, đồng thời có rất nhiều yếu tố mà thời đại chúng ta đã vượt qua, khoa học đã bác bỏ. Với tư cách là một nhà khoa học, tôi cũng không thể đội lên đầu một chủ nghĩa, xem như nó là một thứ ánh sáng bất biến, một ánh sáng vạn năng chiếu rọi cho mọi tư duy của mình. Chúng ta cũng không nên bắt cả dân tộc ta phải đội lên đầu bất kỳ một chủ nghĩa nào, bất kỳ một cá nhân nào. Dân tộc phải trên hết.
Trên tinh thần đó, tôi nghĩ rằng nếu đặt vấn đề đổi tên nước, thì tôi hoàn toàn đồng ý với anh Lê Đình Hoan phát biểu ban sáng là nên lấy một cái tên cực kỳ đơn giản, nhưng phản ánh mọi tình cảm tha thiết nhất của mọi người dân đất nước này, dù ở bất kỳ góc trời nào, đó là tên NƯỚC VIỆT NAM. Việt nam thôi, không cần có mĩ từ nào bên cạnh cả.
Ý KIẾN THỨ BA: Dẫu biết rằng nhiều người không muốn nói đến một vấn đề khá tế nhị và không phải dễ phát biểu, tôi cũng xin mạnh dạn đề cập. Đó là vấn đề đảng lãnh đạo.
Chúng tôi nghĩ đã đến lúc cần lựa chọn: Một Hiến pháp theo mô hình chuyên chính vô sản, do Đảng cộng sản lãnh đạo, hay một Hiến pháp dân chủ pháp quyền? Nửa vời thì sẽ tự mâu thuẫn. Tôi không có thì giờ phân tích kĩ ở đây, nhưng rõ ràng có rất nhiều mâu thuẫn trong bản dự thảo Hiến pháp hiện nay. Không chỉ là mâu thuẫn, mà còn có nhiều chỗ phản ảnh không thật và nhiều điều bị che giấu đằng sau những ngôn từ của văn bản. Vì, nếu đã giữ điều 4, tức là giữ điều nói đảng là lực lượng lãnh đạo của Nhà nước và xã hội, thì cần có một chương qui định rõ ràng về đảng lãnh đạo. Để trung thực với dân tộc thì cần nói rõ đảng lãnh đạo là như thế nào? Trong điều kiện đó, quốc hội có còn là cơ quan quyền lực cao nhất nữa không? Hay đảng là cơ quan quyền lực cao nhất, còn quốc hội chỉ là cơ quan thể chế hóa các nghị quyết của đảng? Những điều như vậy cần được ghi rõ thành những điều trong Hiến pháp, có vậy mới sòng phẳng và trung thực với nhân dân. Nếu không làm như vậy, thì Hiến pháp sẽ là hình thức và sự chuyên quyền tùy tiện sẽ thực tế ngự trị như ta đã biết từ trước đến nay. Còn nếu quả thực đã thừa nhận Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất thì để không mâu thuẫn, phải không có điều 4. Trong trường hợp đó đảng phải giành quyền lãnh đạo bằng sự tín nhiệm, bằng cách ra ứng cử Quốc hội trong cuộc bầu cử thực sự tự do và bình đẳng, và giành đa số trong Quốc hội. Đảng lãnh đạo, như vậy, là phải đứng trong dân tộc, nằm trong dân tộc, cùng với dân tộc để tranh quyền lãnh đạo, chứ không phải tự đặt mình đứng trên dân tộc, đứng ngoài dân tộc, đứng trên Nhà nước để tự áp đặt quyền lãnh đạo của mình. Thế là công minh và minh bạch. Như thế, tôi chắc rằng uy tín của đảng sẽ cao hơn. Biết bao thời kỳ trước đây, làm gì có điều qui định trong Hiến pháp là đảng lãnh đạo, mà đảng vẫn được nhân dân thừa nhận, và rõ ràng uy tín của đảng hồi đó cao hơn cả thời kỳ mà sự lãnh đạo được ghi vào Hiến pháp. Tôi không chống lại sự lãnh đạo của đảng. Tôi mong muốn có một đảng với tư cách là một lực lượng chính trị có tổ chức và có kinh nghiệm, có trí tuệ và có năng lực tập họp, giành được sự tín nhiệm của nhân dân và lãnh đạo đất nước trong một thể chế dân chủ. Nhưng tôi cũng không mong có một đảng tự áp đặt quyền lãnh đạo tối cao, bất chấp mọi luật pháp, đứng trên Nhà nước. Điều đó chỉ làm giảm uy tín của đảng và đưa thiệt thòi đến cho dân tộc mà thôi.
Ý KIẾN THỨ TƯ: Vấn đề quyền con người và quyền công dân. Trong bản dự thảo có một chương dài, nhưng sắp xếp chưa thỏa đáng lắm.
Mỗi chúng ta ở trong xã hội đều có quyền con người và quyền công dân, bởi vì mỗi cá nhân sống trong xã hội với hai tư cách: tư cách là một cá nhân cần được bảo vệ, cần được tôn trọng để tồn tại như một con người cá thể và tư cách thứ hai là như một thành viên của cộng đồng dân tộc. Quyền con người là quyền để tồn tại như một cá thể, quyền công dân là quyền để tồn tại và để góp phần như một thành viên của cộng đồng dân tộc. Những quyền như bất khả xâm phạm, tự do cư trú, tự do tư tưởng, tự do đi lại, v.v… là những quyền con người. Còn quyền công dân cơ bản là quyền tham gia công việc của cộng đồng: tham gia lựa chọn những người xứng đáng vào bộ máy cai quản cộng đồng, tức là quyền bầu cử, ứng cử, quyền hội họp, quyền lập hội.
Nhưng nên nhớ rằng nhân dân không chỉ thực hiện quyền dân chủ thông qua các cơ quan dân cử, nghĩa là cứ 4-5 năm đi bầu một lần là xong. Nhân dân còn có quyền tham gia quản lý nhà nước trong quá trình hoạt động hàng ngày và thường xuyên của nhà nước và của xã hội. Nhưng tham gia bằng cách nào? Dĩ nhiên không phải lúc nào cũng tập hợp dân lại để lấy phiếu về từng vấn đề. Cũng không phải lúc nào cũng có thể tập họp dân lại để bàn chuyện này, chuyện khác. Vì vậy, quyền cơ bản của dân trong việc thường xuyên phê phán và góp phần vào việc quản lý Nhà nước là thông qua dư luận, tức là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Quyền này cực kỳ quan trọng. Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí không chỉ nằm trong phạm vi quyền con người, mà đây là quyền của nhân dân góp phần vào công việc của cộng đồng. Cho nên chúng tôi đề nghị phải thật sự tôn trọng những quyền này và tạo điều kiện cho những quyền này có vị trí thích đáng. Một xã hội sẽ hoàn toàn tê liệt nếu như không có quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, tức là những quyền mà danh từ khoa học gọi là tạo ra những “feedback”, những liên hệ ngược. Trong hệ điều khiển của xã hội, không có nó thì xã hội bị tê liệt và sự thao túng của quyền lực là điều không thể tránh khỏi. Những chuyện tham nhũng, những chuyện đặc quyền, đặc lợi, trong đó có những chuyện tày đình như đã xảy ra trong thời gian vừa qua, sẽ không thể nào khắc phục được, là bởi vì nếu chỉ giao cho những cơ quan quyền lực thì làm sao chống được những tệ nạn mà nguồn gốc chính là từ quyền lực? Những chuyện như hóa giá nhà ở thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn, tại sao không công bố trên báo chí danh sách những người được hưởng nhà hóa giá? Nếu công bố như thế thì sẽ rõ ra ai là người tham nhũng và cần phải chống tham nhũng như thế nào. Cho nên, mối liên hệ ngược, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tự do phát biểu của nhân dân trong đời sống hàng ngày, quyền tạo ra dư luận là quyền cơ bản, rất cơ bản, nằm trong các quyền công dân của chúng ta. Tôi đề nghị trong Hiến pháp các quyền công dân đó được ghi thành một nhóm, còn các quyền con người thì ghi thành một nhóm khác.
Ý KIẾN THỨ NĂM: Về Quốc hội. Muốn quốc hội trở thành cơ quan quyền lực cao nhất, phải có hai điều kiện: 1) đại biểu quốc hội phải có năng lực thật sự để hiểu được quyền lực cao nhất đó và có khả năng thực hành quyền lực đó. 2) đại biểu phải có thì giờ để làm công việc đại biểu của mình. Còn nếu quốc hội chỉ gồm cho đủ thành phần, kể cả những người không hiểu gì về công việc Nhà nước, xuân thu nhị kỳ ngồi với nhau để gọi là có ý kiến về những vấn đề trọng đại của đất nước thì làm sao có “ý kiến” được. Tôi đồng ý đại biểu quốc hội phải có những tiêu chuẩn về kiến thức, năng lực, nhưng cũng phải có tiêu chuẩn này nữa: đại biểu quốc hội phải bảo đảm dành hoàn toàn thì giờ lo việc của quốc hội trong nhiệm kỳ cùa mình. Nếu tự xét thấy không đủ điều kiện đó, thì không nên ứng cử đại biểu. Một Quốc hội làm việc thường xuyên thật sự đại diện cho trí tuệ của dân tộc là hết sức cần thiết để bảo đảm cho Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Hiện nay, khi chuyển sang kinh tế thị trường, cần có hệ thống luật pháp thật đầy đủ và hoàn chỉnh, nếu cứ như hiện nay, mỗi năm Quốc hội họp hai lần, mỗi lần chỉ thông qua vài ba luật một cách không đầy đủ trí tuệ lắm, tất nhiên sẽ không bao giờ có đủ luật cho một nền kinh tế phát triển lành mạnh. Mà không có luật đầy đủ và hoàn chỉnh thì chỉ có thể có một nền kinh tế què quặt, chứa đựng rất nhiều tiêu cực hoành hành mà thôi.
Do đó, tôi đề nghị cần thực sự đổi mới việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đặc biệt là việc tôn trọng quyền tự do và bình đẳng trong ứng cử. Quyền ứng cử là quyền bình đẳng của mọi công dân. Chỉ cần thỏa mãn một số điều kiện qui định là đều có quyền ứng cử. Điều kiện đó có thể là người ứng cử phải hội đủ một số chữ ký đề cử của cử tri (có thể là 5 nghìn chữ ký chẳng hạn). Những chữ ký đó có thể là của cử tri trong một đoàn thể hay trên địa bàn dân cư. Việc hiệp thương có thể được tiến hành giữa các đoàn thể để giới thiệu các ứng cử viên chung. Sau đó, cần nộp đơn ứng cử cho ban bầu cử, chứ không phải nộp đơn cho ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc. Mặt trận là một tổ chức của các đoàn thể, không phải là một cơ quan nhà nước để tổ chức bầu cử. Việc lập danh sách bầu cử là của cơ quan Nhà nước về bầu cử ở trung ương và địa phương.
Ý KIẾN THỨ SÁU: Về tổ chức Nhà nước. Đó là vấn đề phức tạp. Chúng ta dường như thích phê phán cái gọi là “tam quyền phân lập” (tức quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp) như là một cái gì đó của chế độ tư bản. Thật ra đó là một hình thức tổ chức nhà nước tiến bộ của loài ngườỉ. Dĩ nhiên, chúng ta có thể theo hoặc không theo, có thể chế biến theo cách này hay cách khác. Theo tôi, trong điều kiện thực tế của chúng ta hiện nay, cần tôn trọng tính chất độc lập của các quyền đó, nhưng có thể không theo một hình thức tổ chức hoàn toàn phân lập. Về quyền hành pháp nên có qui định trách nhiệm cá nhân thật rõ ràng và đầy đủ của thủ tướng. Còn về Quốc hội, tôi đồng ý với những ý kiến như của giáo sư Lý Chánh Trung vừa rồi. Nếu Quốc hội làm việc thường xuyên thì không cần có ủy ban thường vụ Quốc hội, mà chỉ cần có chủ tịch và các phó chủ tịch. Các kỳ họp không nên cách nhau sáu tháng mà phải ngắn hơn. Do đó, cũng không cần ủy ban thường vụ Quốc hội. Chức chủ tịch nước như bản dự thảo trình bày là hoàn toàn cần thiết. Hệ thống hành pháp thì rõ ràng cần phải có sự chỉ đạo tập trung và thống nhất. Do đó, phải bổ nhiệm những viên chức chịu trách nhiệm hành pháp tại các địa phương. Có thể tham gia ý kiến người này, người khác, nhưng phải bổ nhiệm. Và người được bổ nhiệm phải chịu trách nhiệm trước cấp bổ nhiệm mình.
Ý KIẾN THỨ BẢY: Về vai trò của Mặt trận và các đoàn thể. Tôi đề nghị cần xem xét nghiêm túc là có nên tiếp tục nhà nước hóa các đoàn thể như hiện nay không? Bởi vì hiện nay, chúng ta cái gì cũng dựa vào nhà nước cả. Thật đau lòng là mỗi khi Mặt trận làm gì, cũng nghe kêu Nhà nước đối xử với Mặt trận như thế này, như thế kia, nhà nước cần có chế độ thế này, thế kia, v.v… Nếu chúng ta là tổ chức quần chúng, tức là một tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của quần chúng, thì cái rễ của chúng ta là quần chúng, chứ không phải nhà nước. Và như vậy, sức mạnh của chúng ta là sức mạnh phản ảnh nguyện vọng, tâm tư, đề nghị của quần chúng, chứ không phải là cái đuôi nhạt nhẽo của bộ máy nhà nước. Tôi đề nghị: trong việc chuyển biến nhà nước thành một nhà nước dân chủ pháp quyền, các tầng lớp nhân dân, các thành phần nhân dân có quyền thành lập các đoàn thể, các hội đoàn của mình một cách hoàn toàn tự nguyện, và điều đó cần được bảo đảm trong hiến pháp về quyền lập hội, thế là đủ. Cũng không cần nêu trong Hiến pháp là có những đoàn thể nào. Đặc biệt, không nên xem các đoàn thể của nhân dân là nằm trong cơ cấu của hệ thống nhà nước, là những thành phần của một hệ thống chính trị chịu sự điều khiển của Đảng và Nhà nước. Dĩ nhiên, như vậy thì các đoàn thể chúng ta cũng phải dũng cảm không ăn lương của Nhà nước. Tôi đề nghị ngân sách Nhà nước chỉ chi cho bộ máy Nhà nước, không chi cho bất kỳ đoàn thể nào. Vì vậy, các cơ quan đảng, các cơ quan đoàn thể không ăn lương từ ngân sách nhà nước.
Cuối cùng, tôi không hy vọng những điều trình bày nói trên sẽ được xem xét phân tích trong một thời gian ngắn, cũng như ý kiến của nhiều vị đã trình bày trong hội nghị này chắc chắn sẽ còn được nghiên cứu kĩ. Như nhiều vị đã phản ảnh, việc thảo luận dự thảo Hiến pháp lần này quá vội vàng, nhân dân chưa có điều kiện góp ý đầy đủ. Do đó, nên chăng lần này chỉ nên đưa ra một số điều sửa đổi Hiến pháp 1980 để tạo thuận lợi cho những công việc trước mắt, ví dụ như những điều khoản về chế độ kinh tế, những điều khoản về vấn đề bầu cử quốc hội, v.v… Còn việc sửa đổi toàn diện để xây dựng một Hiến pháp mới thì giao cho Quốc hội mới tiến hành trong cả nhiệm kỳ sắp tới./.
__________
(*) Tác giả: Ông Phan Đình Diệu là giáo sư, nhà toán học của Việt Nam. Mời xem thêm: Phan Đình Diệu - Nhà khoa học và khát vọng phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam (ĐHQG HN).
Nguồn: https://anhbasam.wordpress.com/2013/02/24/gs-phan-dinh-dieu-gop-y-kien-ve-du-thao-hien-phap-ngay-12-02-1992/


GIÁO SƯ PHAN ĐÌNH DIỆU GÓP Ý VỀ HIẾN PHÁP

HHV/FB HOÀNG HẢI VÂN 14-5-2018

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, kính mắt và cận cảnh
(Gs. Phan Đình Diệu. Ảnh : Lê Anh Dũng, Vietnamnet)
Tại một cuộc họp với các nhà trí thức nghe góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp vào khoảng năm 1999-2000 (sửa đổi năm 2001) do Ủy viên Thường vụ thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt chủ trì, giáo sư Phan Đình Diệu có một số góp ý liên quan đến Điều 4 và điều khoản về các quyền tự do dân chủ của công dân. Lúc đó tôi làm việc ở tòa soạn Báo Thanh Niên tại Hà Nội, có viết một bài tường thuật về ý kiến của giáo sư gửi vào tòa soạn, nhưng nhắc đi nhắc lại là để xem cho biết chứ không được đăng. Bài viết đã lâu tôi không còn nhớ nguyên văn, chỉ nhớ một số nội dung chính như thế này :
Về điều 4 Hiến pháp, Giáo sư Phan Đình Diệu nói rằng, Hiến pháp năm 1946 cũng như Hiến pháp năm 1959 không có nội dung như điều 4, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn giữ vai trò lãnh đạo xã hội trong thực tế. Hiến pháp Liên Xô mãi đến năm 1977 mới có nội dung này và chính điều này khiến cho Đảng Cộng sản Liên Xô suy yếu. Giáo sư Diệu nhắc lại tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò lãnh đạo của Đảng : Đảng lãnh đạo bằng chủ trương đường lối, bằng hành động gương mẫu của cán bộ, đảng viên, bằng sự thuyết phuc chứ không bằng luật lệ, rằng chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh “khi nào nhân dân thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng trong thực tế thì Đảng mới giữ được vai trò lãnh đạo”. Chính vì vậy mà khi Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tại thế, Hiến pháp Việt Nam không có nội dung như điều 4. Giáo sư đề nghị, bỏ điều 4 là sự khôi phục tư tưởng Hồ Chí Minh về sự lãnh đạo của Đảng, làm như vậy không những không làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam yếu đi mà ngược lại sẽ làm cho Đảng mạnh lên, có uy tín hơn.
Về các quyền tự do dân chủ, Giáo sư Phan Đình Diệu lưu ý, Hiến pháp năm 1946 quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do biểu tình… và các quyền tự do khác. Hiến pháp năm 1959 còn tiến bộ hơn khi ghi thêm câu “Nhà nước bảo đảm thực hiện các quyền tự do đó”. Hiến pháp hiện hành cũng ghi các quyền tự do này nhưng lại có bước thụt lùi khi ghi thêm “Các quyền tự do đó được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật”. Giáo sư Diệu cho rằng, Hiến pháp hiện hành mở ra cho công dân có các quyền tự do, nhưng lập tức tạo điều kiện cho luật pháp triệt tiêu các quyền tự do đó.
Tóm lại, với những lý do nói trên, giáo sư Diệu đề nghị khôi phục lại tinh thần của Hiến pháp Việt nam năm 1946, là bản Hiến pháp tiến bộ không kém gì các bản Hiến pháp tiến bộ khác trên thế giới. Đó cũng là sự trở về với tư tưởng Hồ Chí Minh trong lập hiến.
Tôi vẫn còn nhớ, ông Phạm Thế Duyệt đã ghi nhận những ý kiến mà ông cho rằng đó là “những góp ý có trách nhiệm” của giáo sư Phan Đình Diệu.
Giáo sư Phan Đình Diệu vừa qua đời, tôi xin ghi lại mấy dòng để tưởng nhớ ông.
P/s : Đưa stt trên tôi chỉ lược lại vài ý kiến mang tính học thuật của giáo sư Phan Đình Diệu tại thời điểm góp ý sửa đổi Hiến pháp. Stt này không chấp nhận những cmt góp ý hoặc chỉ trích Hiến pháp hành, các bạn thương tôi đừng để tôi xóa mất công tổn thọ nhé.
HOÀNG HẢI VÂN
VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC GIÁO SƯ PHAN ĐÌNH DIỆU
GS NGUYỄN ĐĂNG HƯNG/ BVN  15-5-2018
Một vị giáo sư xuất sắc, một nhà khoa học tài ba, một trí thức chân chính vừa từ trần tại Hà Nội!
Giáo sư Phan Đình Diệu đã ra đi hôm qua 13/5 lúc 10 giờ sau một thời gian bạo bệnh!
Giáo sư Phân Đình Diệu (PĐD) hẳn để lại niềm thương tiếc sâu sắc cho các đồng nghiệp, các học trò cũ, những con người tử tế trong giai đoạn vàng thau lẫn lộn, thế sự không bình thường của đất nước.
Khi còn tại chức tại Bỉ, trước nhưng năm 90 của thế kỷ 20, theo dõi trong nước, tôi chú ý đến ông vì những phát biểu khách quan, vô tư của ông về tình hình chính trị, kinh tế, khoa học, xã hội Việt Nam lúc bấy giờ! Trong bối cảnh đơn điệu của những bế tắc triền miên, đây là thái độ dũng cảm hiếm hoi đầy khí phách của một trí thức xã hội chủ nghĩa!
Sau năm 1990, vượt lên những cảm giác thất vọng sau ba lần về nước (1976, 1977, 1979), sau khi chứng kiến chính sách đổi mới ra đời, tôi lấy lại sinh khí lăn xả đi kiếm tài trợ quốc tế, hăm hở khăn gói lên đường về Việt Nam thực hiện các dự án cộng tác đào tạo cao học. Về Hà Nội, tôi có ghé lại nhà GS Phan Đình Diệu, không xa Viện Cơ tọa lạc tại đường Đội Cấn, nơi tôi đến thuyết trình về Cơ học Rạn Nứt.
Tôi còn nhớ hôm ấy có một cậu con trai khoảng 10 tuổi, hình như có tên là Dương Hiệu, kể vanh vách cho tôi nghe tên tuổi của các cầu thủ đá bóng Châu Âu, những Platini, Beckenbauer, Cruyff…
Vài năm sau, tôi gặp lại GS Phan Đình Diệu tại Đại học Laval, Québec, Canada, ngày họp các chuyên gia trong tổ chức l’AUPELF-UREF (l’Association des Universités Partiellement ou Entièrement de Langue Française - Université des Réseaux d’Expression Française) bàn về việc thành lập Viện Tin học Pháp ngữ Hà Nội. Ngày ấy GS PĐD là thành viên đoàn Việt Nam với tư cách Phó Trưởng ban thường trực, Ban chỉ đạo Chương trình Quốc gia về Công nghệ Thông tin. Còn tôi là đại diện các đại học của Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp.
Sau 1995, giai đoạn tôi đang là chủ nhiệm các chương trình đào tạo cao học Bỉ tại Việt Nam, tuy không cùng ngành tôi có mời GS PĐD đang thỉnh giảng tại Paris ghé sang Liège thuyết trình, trên đường về Việt Nam ngang qua Mátxcơva. Trong khoản thởi gian dài hợp tác khoa học giáo dục với Viêt Nam đã có gần 20 giảng viên, giáo sư được tôi mời sang Bỉ giao lưu khoa học. Phải nói buổi thuyết trình về “Tin học và trí thông minh nhân tạo” của GS PĐD đã để lại ấn tượng rõ nét nhất trong tâm hưởng các nhà khoa học Bỉ!
Thông thường sau khi về nước tham gia quản lý và chính trị các nhà khoa học xã hội chủ nghĩa Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô và các nước Đông Âu, hay sao nhãng khoa học trong thời gian dài. Điều khó tránh khỏi là họ và nhanh chóng trở thành tụt hậu. Khác với họ, GS PĐD vẫn tiếp tục nghiên cứu trong những điều kiện khó khăn. Kết quả là khi qua các nước phát triển giao lưu khoa học ông không có dấu hiệu đến từ một nước chậm tiến như tôi thường thấy.
Nhưng nét thông tuệ đáng nể nhất của GS PĐD là nhũng nhận xét, những quan điểm của ông về tình hình xã hội chính trị Việt Nam và quốc tế. Ông không hề ngần ngại tỏ rõ chính kiến của mình khi có dịp phát biểu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Hãy đọc lại một đoạn văn ngắn trên hieuminh blog mà nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên vừa đăng lại (https://kimdunghn.wordpress.com/2018/05/13/gs-phan-dinh-dieu-qua-doi/):
‘Nhớ lần đi thang máy lên đỉnh Vitusha của thủ đô Sofia đầy tuyết trắng, thay vì mơ mộng với trời mây, bỗng anh than, với cung cách quản lý của các nước XNCH, thế nào khối này cũng sụp đổ cho mà xem. Lúc đó, Tổng Cua nghe rất choáng, và thấy Giáo sư hơi… phản động.
Anh kể, đã sang Hungaria, CHDC Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Liên Xô, Mỹ và Tây Âu, nhận xét thế là có lý riêng của mình. Ba năm sau, bức tường Berlin sụp đổ (1989), kéo theo toàn bộ Đông Âu và Liên Xô tan rã”.
Phản biện Đề án 112 (tin học hóa quốc gia) năm 2001 GS PĐD dự báo, dự án sẽ thất bại. Hãy đọc lại thư khẩn mà GS PĐD đã gửi cho Thủ tướng Phan Văn Khải:
“Đề án quan tâm nhiều đến mua sắm máy móc và trang thiết bị, thậm chí còn chỉ định trước là mua máy của những công ty nào, xác định mức tối thiểu của tổng kinh phí (không ít hơn 1.000 tỉ), mà lẽ ra chi tiết về những điều này chỉ nên dự toán khi có đề án khả thi, tức là sau khi nghiên cứu chi tiết nội dung công việc, đề xuất các phương án thực thi v.v”...
Sau 5 năm, ban quản lý ra tòa và hàng nghìn tỷ mất mát.
Trong những năm sau 1975, được hỏi về ảnh hưởng chính trị đối với đất nước của một vị quan to nhất lúc bấy giờ, GS PĐD đã không ngần ngại phát biểu:
“Vị lãnh đạo ấy rất vĩ đại, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ tới thắng lợi, nhưng vĩ đại hơn, nếu ông từ chức ngay bây giờ”.
GS PĐD đã dự đoán không đúng. Vị quan đứng đầu nước ấy làm sao từ chức được và ảnh hưởng về những quyết sách của vị lãnh đạo này trong những năm bao cấp 1975-1986 như thế nào thì nay ai cũng biết.
GS PĐD là nhà khoa học, ông không phải là nhà chính trị!
Nhưng những chinh kiến công khai và minh bạch của ông về tình hình chính trị xã hội thật là sắc sảo, những phản biện thẳng thắn của ông về chính sách của chính phủ hiện hành thật là thấu đáo thông tuệ.
Cho tôi xin thắp một nến hương và kính cẩn nghiêng mình trước linh cữu một bậc trí thức chân chính và mẫn thiệp của đất Đại Việt thời hiện đại…
Liège ngày 13/5/2018
N.Đ.H.
__________
Hình 2: Lưu niệm cùng GS PĐD, đứng phía sau nhà tôi tại Bỉ.
Hình 3: Hình chụp cùng các chuyên gia của tổ chức l’AUPELF-UREF trong khuôn khổ ngày họp chuần bị thành lập Viện Tin học Pháp ngữ Hà Nội (IFI).
Hình 4: Chụp lưu niệm cùng GS PĐD tại Hội thảo hè 2008 tại Nha Trang
C:\Users\Nguyen Dang Hung\Pictures\PĐ\gs-phan-dinh-dieu.jpg

C:\Users\Nguyen Dang Hung\Pictures\PĐ\PDD (2).JPG

C:\Users\Nguyen Dang Hung\Pictures\PĐ\Solo_montreal (2).jpg

C:\Users\Nguyen Dang Hung\Pictures\PĐ\P1000074.JPG
Tác giả gửi BVN.

GIÁO SƯ PHAN ĐÌNH DIỆU (1936-2018): KHÍ PHÁCH VÀ TRÍ TUỆ

FB TRƯƠNG HUY SAN 16-5-2018

https://scontent.fhan3-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/32457334_1620410864660755_683198837161984000_n.jpg?_nc_cat=0&oh=b17059d286b1236b9bba31b561a3b935&oe=5B8AC10B

Sáng nay tôi hỏi 5 bạn sinh trong thập niên 1980, 3 bạn nói không biết GS Phan Đình Diệu. Tôi buồn nhưng không bất ngờ. Ông là một người mà thế hệ chúng tôi ngưỡng mộ, cả về tài năng và sự chính trực. Có lẽ vì sự chính trực ấy mà ông rất ít khi có mặt trên những bục vinh quang. Nhưng, những đóng góp thầm lặng của ông đặc biệt là trong vai trò đưa công nghệ thông tin vào VN đang ảnh hưởng lên cả những thế hệ không còn biết ông là ai nữa.
GS Phan Đình Diệu là một trong những người đầu tiên gây dựng ngành khoa học tính toán của miền Bắc (1968). Chiếc máy vi tính đầu tiên, có thể coi là của Đông Nam Á, ra đời năm 1980 [được thiết kế với chip Intel 8080A nên được đặt tên là VT80] là từ phòng thí nghiệm Viện Tin học của ông, bắt đầu từ những hợp tác trước đó với Viện Kỹ thuật Quân sự có sự giúp sức cả về chuyên môn và vật chất của ông André Trương Trọng Thi, người được coi là cha đẻ của máy tính cá nhân.
Theo tiến sỹ Vũ Duy Mẫn: “Năm 1981, sau khi lắp ráp thành công máy vi tính VT81 và cài đặt được ngôn ngữ lập trình Basic, Viện quyết định thử nghiệm đưa máy vi tính ứng dụng vào quản lý xí nghiệp cỡ nhỏ và vừa ở Xí nghiệp máy may Sinco”.
Nhưng, cho dù có nhiều nỗ lực, ngành công nghiệp sản xuất máy tính chỉ dừng lại ở đó. Tin học là một ngành không thể phát triển trong một quốc gia tự đóng cửa về chính trị và bị cô lập về thương mại với thế giới bên ngoài. Rất tiếc là khi tình hình trong nước bắt đầu cởi mở hơn thì GS Nguyễn Văn Hiệu (người thay Giáo sư Trần Đại Nghĩa, làm Viện trưởng Viện khoa học Việt Nam) lại có những quyết định phi khoa học. Năm 1993, ông Hiệu loại GS Phan Đình Diệu khi ngành tin học Việt Nam cần một người lãnh đạo có tâm và có tầm nhất.
GS Hiệu nhận chức năm 45 tuổi. Ông có mọi ưu đãi của chế độ, từ kinh phí nghiên cứu tới quyền hạn. Nắm Viện, ông Hiệu kêu gọi “các anh các chị hãy tự cứu mình”. Các công ty được thành lập, Viện khoa học Việt Nam nhanh chóng trở thành một nơi “nửa hàn lâm, nửa chợ trời” [theo TS Giang Công Thế]. Hàng nghìn cán bộ tài năng trôi giạt khắp nơi. Nền tin học Việt Nam chuyển một cách dứt khoát sang nghề… buôn máy tính.
Dù GS Phan Đình Diệu là người viết đề cương thành lập Viện Công nghệ Thông tin theo mô hình mới và khi bỏ phiếu thăm dò, ông nhận được tín nhiệm của đa số tuyệt đối, GS Nguyễn Văn Hiệu vẫn chọn một người có số phiếu thấp hơn vì lý do “biết làm kinh tế”. GS Phan Đình Diệu tuyên bố từ chức Viện phó Viện Khoa học Việt Nam và ra khỏi biên chế, những chuyên gia trẻ hết lòng vì khoa học như Nguyễn Chí Công, Vũ Duy Mẫn, Lê Hải Khôi, Giang Công Thế… bắt đầu phiêu bạt.
Cho dù vậy, theo GS Chu Hảo - Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ thời kỳ internet được đưa vào VN - “GS Phan Đình Diệu vẫn là linh hồn của các chính sách phát triển công nghệ thông tin của nước ta”. Ông là Chủ tịch hội Tin học và là Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phát triển Công nghệ Thông tin cho tới năm 1998.
Nếu như, GS Nguyễn Văn Hiệu nổi tiếng là một người biết sử dụng khoa học để làm chính trị và leo lên tới các đỉnh cao danh vọng thì GS Phan Đình Diệu lại là một con người mà ngay cả trong chính trị cũng chỉ tham gia với tinh thần khoa học.
Theo ông Trần Việt Phương - thư ký riêng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng - từ đầu thập niên 1960s, khi được Thủ tướng Phạm Văn Đồng hỏi, GS Phan Đình Diệu đã cho rằng, hệ thống kinh tế Xô Viết sẽ sụp đổ nếu tiếp tục vận hành như thế này [Hy vọng là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia vẫn còn giữ được ý kiến này của GS Phan Đình Diệu].
Rất có thể, quyết định không bổ nhiệm GS Phan Đình Diệu vào năm 1993 của ông Hiệu còn có “lý do chính trị”. Từ năm 1989, GS Phan Đình Diệu có nhiều phát biểu về “đa nguyên” và đặc biệt là các ý kiến thẳng thắn của ông góp ý cho Hiến pháp 1992.
Tháng 10-1988, sau khi giải quyết xong vấn đề “đa đảng” [giải tán hai đảng Dân chủ và Xã hội], Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh bắt đầu “chống đa nguyên” nhắm vào ông Trần Xuân Bách. Tháng 3-1989, Hội nghị Trung ương 6 khẳng định “Không chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên”. Ngay sau đó trên báo Đảng, cả Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Trần Trọng Tân lẫn “nhà nghiên cứu” Trần Bạch Đằng đều có bài, trên tinh thần “Mác Xít”, nhấn mạnh rằng, “Nếu hiểu đa nguyên theo nghĩa triết học thì từ lâu đã bị phê phán là sai lầm. Chúng ta không chấp nhận”.
Ngày 15-8-1989, GS Phan Đình Diệu có bài trên Sài Gòn Giải Phóng, đáp trả các luận điệu trên đây. Ông cho rằng, muốn “tìm đường đi cho đất nước trong thế giới hiện đại” thì phải “vận dụng trí tuệ của thời đại” từ “nhiều nguồn tri thức”. Theo ông, “Những gì xảy ra trong thế kỷ hai mươi là điều không thể hình dung đối với những bộ óc, dù là vĩ đại, của giữa thế kỷ mười chín”.
Sau khi đọc bài của Giáo sư Phan Đình Diệu, từ Hà Nội, Bí thư Trần Xuân Bách gửi cho TBT Sài Gòn Giải Phóng Tô Hoà một tấm danh thiếp, mặt sau ghi: “Chuyển giùm anh Phan Đình Diệu, tôi ca ngợi bài này”. Đây là bài báo cuối cùng mà Tô Hoà cho đăng với tư cách Tổng biên tập Sài Gòn Giải Phóng. Ngày 28-3-1990, Trung ương cách chức ông Trần Xuân Bách.
Hai năm sau, ngày 12-3-1992, trong một phiên họp góp ý cho Hiến pháp 1992, GS Phan Đình Diệu đã có mộtphát biểu rất gây tiếng vang ở Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ông đề nghị “tạm gác lại” việc đưa vào Hiến pháp các thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Marx - Lenin”. Ông đề nghị phải dũng cảm để thấy rằng, “mô hình CNXH, cũng như Marx - Lenin không còn đáp ứng được mục tiêu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay”. Giai đoạn xây dựng một “tổ quốc Việt Nam trên tinh thần đoàn kết, hoà hợp và tự cường”.
Theo GS Phan Đình Diệu thì Việt Nam dứt khoát phải có “nhà nước pháp quyền”, chứ không thể tiếp tục “chuyên chính vô sản” hay “pháp quyền nửa vời”. Đặc biệt, ý kiến của ông về Mặt trận và các đoàn thể cho tới ngày nay vẫn còn rất thiết thực. Ông đề nghị, Hiến pháp chỉ cần coi lập hội là quyền tự do của người dân; từ bỏ việc nhà nước hoá các đoàn thể. Ông kêu gọi các đoàn thể thay vì dựa dẫm vào nhà nước phải lấy quần chúng làm gốc rễ, các cơ quan đảng, đoàn thể không ăn lương từ ngân sách.
GS Phan Đình Diệu không sử dụng tài năng và danh tiếng của mình để mưu cầu bổng lộc hay địa vị. Những năm sau 1975, trong những ngày đói kém, từ Paris trở về, hành lý của ông vẫn chỉ có sách và các “bản mạch” dùng cho sản xuất máy tính. Khi phải xuất hiện trên các diễn đàn thì, cho dù ở giai đoạn nào, ý kiến của ông vẫn là ý kiến của một con người yêu nước, khí phách và trí tuệ.
Nguồn: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1620410861327422&set=a.305706452797876.64247.100000755701241&type=3

NHỚ PHAN ĐÌNH DIỆU CƯƠNG TRỰC

HÀ SĨ PHU/ BVN 17-5-2018

Từ Tiệp Khắc về tôi được phân công vào Viện Sinh học thuộc Viện Khoa học Việt Nam mà GS Phan Đình Diệu là Viện phó, tương đương cấp Thứ trưởng. Tuy cùng cơ quan lớn nhưng tôi và GS Diệu chỉ ngồi chuyện trò riêng với nhau được một lần, tôi nhớ khoảng sau năm 2000. Lúc ấy tôi đã bị liệt vào tội nặng (khởi tố tội phản quốc nhưng không đem xử), còn bác Diệu thì từ lâu đã nổi tiếng là một đại biểu Trí thức trong Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dám có những quan điểm mới lạ, không thuận chiều CS lúc bấy giờ, và ít nhiều cũng đã được ‘hưởng’ sự phê phán, nhất là sau cuộc trả lời phỏng vấn của nhà sử học Na Uy, ông Stein Tønnesson. GS Diệu nhìn sự phi lý của Mác-Lê dưới nhãn quan Toán học cũng như tôi nhìn sự phi lý ấy dưới nhãn quan Sinh học. Chúng tôi có sự đồng cảm tự nhiên.
Khi trò chuyện tôi truyền đạt ý kiến của một số anh em trí thức:
- Xã hội cần anh làm một Sakharov, anh ạ!
Bác Diệu cười:
- Mình chỉ biết làm Toán, tư duy Toán, từ đó cũng soi rọi vào xã hội, chứ không thích làm quan, làm chính trị hay làm một vai trò gì. Vai trò như vậy để Hà Sĩ Phu (sic).
Tôi lại càng cười:
- Anh nói đùa vậy thôi, tôi càng là anh bạch diện thư sinh dốt về chính trị, sức mọn tài hèn, biết gì mà làm?
Có lẽ do sự đồng cảm ấy, nên có lần mở ra cuộc thảo luận “Trí thức là ai” năm 2008, sau ý kiến của GS Diệu tôi đã viết một bài hưởng ứng(*), nói rõ mỗi người có thể nghiên cứu một lĩnh vực chuyên môn hẹp nhưng “chất Trí thức” thì không bao giờ bị giới hạn trong lĩnh vực hẹp ấy mà luôn xâm nhập vào mọi mặt của đời sống, nhất là những vấn nạn cấp thiết của đất nước mình, của nhân dân mình. Người Trí thức tham gia vào Chính trị trước hết bằng cách bộc lộ những nhận thức khoa học, khúc triết của mình.
Nay GS Phan Đình Diệu đã từ biệt chúng ta, về cõi vĩnh hằng, tôi xin thay mặt một số Trí thức ở Đà Lạt, nhóm Thân hữu Đà Lạt và CLB Phan Tây Hồ, có một Câu đối viếng như một nén nhang muộn kính cẩn thành tâm tiễn biệt một người Trí thức hiếm có của đất nước:
Trí tuệ hiếm hoi thay, ánh Toán học sáng bừng đôi mắt bác!
Tâm hồn cương trực thế, giữa Quan trường trơ trọi một mình ông!
15-5-2018
H.S.P.

NHÀ KHOA HỌC CHÂN CHÍNH ĐỀU NÓI KHÔNG' VỚI MARX ! 
 
BÙI TÍN/VOA/BVN 19-5-2018

GS Phan Đình Diệu và GS Nguyễn Đăng Hưng, tại Hội Thảo Hè 2008, Nha Trang. (Hình: FB Nguyễn Đăng Hưng)
GS Phan Đình Diệu và GS Nguyễn Đăng Hưng, tại Hội Thảo Hè 2008, Nha Trang. (Hình: FB Nguyễn Đăng Hưng)

Nhà toán học kiệt xuất Phan Đình Diệu vừa từ giã chúng ta ở tuổi 83. Tôi ngẩn ngơ luyến tiếc một người bạn thân thiết rất đáng tin cậy và yêu thương, như từng tiếc thương nhà thơ Nguyễn Chí Thiện mấy năm trước.
Anh Diệu là con người cực hiếm, trí tuệ cao sâu, sống giản dị chan hòa, chất phác, với giọng Nghệ Tĩnh nhỏ nhẹ. Anh thường hay sang Pháp, con gái Phan Thị Hà Dương và con rể anh Lê Minh Hà và con trai Phan Dương Hiệu đều tốt nghiệp ngành tin học cao cấp trên đất Pháp. Các bạn trong nước đánh giá anh là “kẻ sỹ chân chính, cương trực”.
Anh là nhà Toán học khi còn trẻ đã có công lớn đưa mạng lưới Internet vào Việt Nam, xây dựng từ đầu Viện Tính toán và Điều khiển. Anh là nhà khoa học được cả giới toán học, khoa học hâm mộ, được mời vào Đảng nhưng anh khước từ vì anh cho rằng nhà khoa học chân chính luôn có tư duy độc lập không thể hạ mình a dua với những học thuyết phản khoa học như học thuyết của Marx. Lần nào sang Pháp anh cũng ghé qua gặp tôi hoặc nói chuyện lâu trên điện thoại, trao đổi về tình hình chính trị trong nước.
Ở anh nỗi buồn dai dẳng, niềm uất hận khôn nguôi là chính kiến của anh và các nhà khoa học khác từng thể hiện trên các bài báo, kiến nghị đều không được cơ quan lãnh đạo mảy may quan tâm, trả lời, một sự bác bỏ thẳng thừng từ trước, điều mà anh gọi là “bi kịch không được lắng nghe”, “như nói chuyện với người điếc”, “như nước đổ lá khoai”. Anh tự tin, còn nước còn tát, không buông xuôi, phát biểu trên báo đài, trong Quốc hội, trong các cuộc họp khoa học, trả lời phỏng vấn, nhưng không chống lại nổi cái “tà thuyết mác-xít” mà Liên Xô và Đông Âu đã được giải thoát. Đây là niềm đau tinh thần lớn nhất của anh khi từ giã cuộc đời này.
Anh có niềm tin tuyệt đối ở khoa học, trước hết ở khoa Toán là khoa học cơ bản nhất làm cơ sở cho các khoa học khác. Theo anh chính trị phải là một khoa học, phải theo những quy luật của luận lý và đời sống xã hội, không thể theo tham vọng của cá nhân lãnh đạo thường hay lầm lạc, xa rời thực tế và đời sống.
Anh cho rằng các nhà toán học kiệt xuất nước ta, từ Tạ Quang Bửu, Nguyễn Cảnh Toàn, Hoàng Tụy, Lê Bá Khánh Trình cho đến Ngô Bảo Châu, Hoàng Xuân Phú… đều rất kỵ với học thuyết mác xít sùng bái bạo lực, không tin ở trí tuệ, trí khôn, ở luận lý để lý giải các hiện tượng tự nhiên và xã hội. Đó là tà thuyết không thể đổi mới, chỉ có bác bỏ, quên đi, đào sâu chôn chặt.
Anh luôn mang theo niềm tin rằng tư duy khoa học, minh mẫn, tỉnh táo sáng tạo sẽ cứu vãn mọi bi kịch do các tà thuyết chính trị gây nên, từ học thuyết phát xít của Hit-Le và các học thuyết của Mác-Lênin, Mao gây nên. Anh rất quý nhà khoa học Nguyễn Xuân Tụ (Hà Sỹ Phu) với bài luận văn “Đi theo bảng chỉ đường của trí tuệ”. Bài viết của anh “một lộ trình cho dân chủ hóa” từ năm 2006 cho đến nay vẫn nguyên vẹn giá trị.
Nhân có chuyện nhà toán học, khoa học kiệt xuất của đất nước Phan Đình Diệu đi xa, mong rằng Bộ Chính trị, nhất là ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm chú ý đến sự luyến tiếc, tin yêu của giới trí thức, khoa học chân chính, của tuổi trẻ, giới chính trị yêu nước đối với nhà khoa học chân chính Phan Đình Diệu để cùng nhau giã từ cái tà thuyết mác xít phản khoa học, phản trí tuệ, phi nhân bản và phản dân chủ.
Xin bà con ta đặt 2 nhân vật Phan Đình Diệu và Nguyễn Phú Trọng lên bàn cân để so sánh. Một tư duy trẻ khỏe, sẵn sàng tranh luận công khai, lấy công luận làm trọng tài, một tấm lòng ưu ái với dân với nước, có trí tuệ minh mẫn, cuộc sống trong sáng vô tư vì lẽ phải chân lý. Bên kia là cụ già lụ khụ, chỉ biết tụng bài kinh 7 kiên trì (kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin, kiên trì chế độ toàn trị độc đảng, kiên trì mô hình thống nhất 3 quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, kiên trì phủ nhận Nhà nước Pháp quyền, kiên trì quyền sở hữu toàn dân do Nhà nước thay mặt quản lý, kiên trì lấy sở hữu quốc doanh làm chủ đạo, kiên trì khuất phục trước bọn bành trướng Trung Quốc). Một cụ già 73 tuổi, sức yếu, già lụ khụ nói năng lẩm cẩm, cầm đầu vụ bắt cóc quốc tế, bị chủ nhà bắt quả tang với đầy đủ chứng cứ, nhân chứng vật chứng, tay nhúng chàm, vẫn chối bây bẩy, lại còn muốn ở lỳ trên vị trí tối cao quyền lực không thời hạn.
Theo tôi, xin thật lòng, tôi cho rằng nhà toán học Phan Đình Diệu xứng đáng là cố vấn, là bậc thầy chính trị của ông lão già nua “giáo sư xây dựng Đảng” Nguyễn Phú Trọng.
B.T.
Tác giả gửi BVN.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét