Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2020

20200614. QUANH VĂN KIỆN DỰ THẢO ĐẠI HỘI XIII

ĐIỂM BÁO MẠNG
'KHÔNG THỂ CÓ ĐẢNG MẠNH NƯỚC YẾU'
HƯƠNG QUỲNH/ VNN 10-6-2020

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận TƯ thì không thể có Đảng mạnh mà nhà nước yếu, cũng không thể có nhà nước yếu mà Đảng mạnh được.

Tại hội nghị báo cáo viên TƯ tháng 6 diễn ra sáng nay (10/6), GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận TƯ đã giới thiệu về những điểm mới quan trọng trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội 13 của Đảng.
Theo ông Phú, Văn kiện Đại hội lần này có nhiều điểm mới từ cách tiếp cận, tầm bao quát, chủ đề đại hội, các nội dung dự báo, cho tới mục tiêu phát triển đất nước.
‘Không thể có Đảng mạnh mà nhà nước yếu’
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận TƯ Phùng Hữu Phú
Ông Phú cho rằng, đổi mới không có nghĩa là bỏ qua cái cũ mà là kế thừa và phát triển.
“Cái gì còn tốt thì giữ lấy, cái gì chưa hoàn thiện thì bổ sung, cái gì chưa có mà giờ cần thiết thì thêm vào đó là đổi mới, chứ không phải đổi mới là phủ nhận sạch trơn”, ông Phú nói.
Nói về chủ đề Đại hội, một trong những điểm mới lần này là bổ sung “xây dựng chỉnh đốn hệ thống chính trị” gắn liền với xây dựng chỉnh đốn Đảng.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận TƯ phân tích, sự nghiệp Đảng là linh hồn, nhưng sức mạnh để đất nước phát triển phải là sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
“Khi Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo thông qua nhà nước. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà không xây dựng, chỉnh đốn nhà nước thì không được. Không thể có Đảng mạnh mà nhà nước yếu, cũng không thể có nhà nước yếu mà Đảng mạnh được”, ông Phú nêu.
GS Phùng Hữu Phú cũng nhắc điểm mới khác trong chủ đề đại hội ở thành tố về mục tiêu phát triển đất nước mà văn kiện đại hội đưa ra, là “phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Ông Phú giải thích đây là đổi mới về nhận thức vì trước đây ta đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp, hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa còn lần này mục tiêu là nước phát triển.
“Một nước công nghiệp hiện đại và phát triển có mối quan hệ với nhau nhưng không phải là một”, ông Phú nói.
Ông chia sẻ, trong quá trình soạn thảo văn kiện, có người phản biện nếu là nước phát triển thì trình độ cao thì lúc đó ta không còn là “định hướng xã hội chủ nghĩa” nữa mà thực chất đã bước vào thời kỳ xã hội chủ nghĩa. Đây là phản biện sắc sảo, đang nghiên cứu tiếp.
Chuyển hóa nguy cơ thành thời cơ
Một điểm mới nữa đó là báo cáo chính trị tại Đại hội 13 sẽ có thêm phần “quan điểm chỉ đạo” do đặc thù về tầm bao quát, độ sâu và dài của Đại hội lần này.
Trong đó, quan điểm được nhấn mạnh là khẳng định tầm quan trọng có ý nghĩa sống còn của việc giữ vững nền tảng tư tưởng và mục tiêu phát triển.
Theo ông Phú đây là vấn đề phức tạp vì hiện nay thậm chí đã có ý kiến đề nghị bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội vì “đã lạc hậu lắm rồi”.
Tuy nhiên, ông Phú cho rằng, bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu cho thấy, nguồn cơn của quá trình sụp đổ là sự chuệch choạc, dao động trong tư tưởng, lãnh đạo.
“Không còn thừa nhận Mác-Lênin tức là không thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng. Các đảng phái sẽ mọc lên như nấm và quốc gia sẽ bước vào thời kỳ thập nhị sứ quân, rối loạn. Đó là lý do quan điểm chỉ đạo của báo cáo chính trị nhấn mạnh số một việc vững vàng tư tưởng Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”, ông Phú phân tích.
Điểm mới khác được ông Phùng Hữu Phú đề cập đến là dự báo các vấn đề lớn trong giai đoạn tới. Ông cho hay vấn đề Biển Đông vẫn là một thách thức rất lớn.
“Sau Covid-19, chúng ta đã thấy thái độ của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này khẳng định chắc chắn Trung Quốc không bao giờ từ bỏ ý đồ thao túng Biển Đông. Cao nhất là độc chiếm theo hình lưỡi bò. Không làm được thì ít nhất là kiểm soát, thao túng, khai thác. Vậy phải ứng phó thế nào?”, ông Phú đặt vấn đề.
Theo ông, Biển Đông không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai mà là vấn đề lâu dài.
“Bảo vệ cho được độc lập chủ quyền nhưng không để xảy ra chiến tranh xung đột là bài toán hóc búa của thế hệ chúng ta và cả con em chúng ta”, ông Phú nhấn mạnh.
Ông cho rằng, dự báo tình hình trong văn kiện đại hội lần này có nhiều điểm mới, và phải tiếp tục được làm rõ để toàn Đảng, toàn dân thấy hết được thời cơ đang rất lớn ở phía trước nhưng khó khăn, thử thách cũng ngày càng gay gắt hơn.
GS Phú chỉ ra, Đại hội lần này và những năm sắp tới có vấn đề rất lớn về mặt tư duy, định hướng phát triển. Đó là làm sao chớp được thời cơ, khắc phục nguy cơ và cao hơn là chuyển hóa nguy cơ thành thời cơ. Không làm được cái này thì không đột phá được.
Trường hợp đặc biệt về tuổi như Tổng bí thư là hạnh phúc của Đảng, dân tộc

Trường hợp đặc biệt về tuổi như Tổng bí thư là hạnh phúc của Đảng, dân tộc

Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, một số cán bộ trong khoá 12 được xem là trường hợp đặc biệt, trong ....
Hương Quỳnh
KIÊN ĐỊNH 'ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA' VÌ KHÔNG MUỐN PHẢI NHẬN SAI LẦM
DIỄM THI/ RFA/ BVN 12-6-2020
Không có gì mới
Dự thảo văn kiện trình đại hội đảng lần thứ 13 do Ban Tuyên giáo Trung ương đảng cộng sản Việt Nam tổ chức sáng 10 tháng 6 được nói có những điểm mới. Một trong những điểm được cho là mới do Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú báo cáo là, “phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định:
Tôi nghĩ câu đấy là một sự thừa nhận thất bại của đường lối họ đặt ra, là đến 2020 nước Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển theo định hướng XHCN. Mục tiêu đó không thể đạt được. Bây giờ lại đặt ra đến giữa thế kỷ 21 thì tôi nghĩ không có gì mới cả.
Cái cụm từ “định hướng XHCN” nó không có một ý nghĩa gì cả. Bản thân họ cũng hiểu điều đấy nhưng họ buộc phải nói vậy bởi cái đầu của họ nó thế. Họ đã giương cao ngọn cờ XHCN 70 năm nay. Bây giờ chẳng lẽ lại bảo bỏ XHCN đi để theo tư bản chủ nghĩa thì nó ‘hôi’ quá!”.
Tiêu chuẩn CNXH đến nay chưa có gì có thể lượng hóa được mà lại cứ nêu ra. Như vậy họ dẫn người dân đến một cái mơ hồ, cái không thể cân đo đong đếm, tức là không thể nào kiểm chứng được. Đây là một hình thức theo tôi là lừa mị!
TS. Đinh Đức Long
Với tuyên bố của Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú, Tiến sĩ Đinh Đức Long cho rằng đây chỉ là cái bánh vẽ, bởi cho đến bây giờ chưa thấy đưa ra tiêu chuẩn thế nào là XHCN. Ông nhắc lại tại đại hội đảng khóa trước họ nói đến năm 2020 nước ta cơ bản là một nước công nghiệp hóa. Bây giờ 2020 rồi mà chả thấy đâu mà cũng chưa thấy họ kiểm điểm coi vì sao họ chưa làm được và ai chịu trách nhiệm. Ông nói thêm:
Thứ nhất là họ chả định nghĩa thế nào là XHCN. Thế giới chưa có mô hình nào là CNXH hoàn thiện cả. Ông Nguyễn Phú Trọng từng nói là đến cuối thế kỷ này chưa biết có CNXH hoàn thiện chưa. Làm sao thực hiện cái mà đến bây giờ chưa ai “sờ” thấy?
Tiêu chuẩn CNXH đến nay chưa có gì có thể lượng hóa được mà lại cứ nêu ra. Như vậy họ dẫn người dân đến một cái mơ hồ, cái không thể cân đo đong đếm, tức là không thể nào kiểm chứng được. Đây là một hình thức theo tôi là lừa mị!”.
Ngày 6 tháng 6 năm 2019, ông Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có bài viết “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng”. Bài viết được một số tờ báo trong nước đăng nguyên văn.
Theo đó, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tăng cường vai trò lãnh đạo của đảng, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu, là 2 trong số các quan điểm định hướng mà ông Trọng yêu cầu phải thực hiện tốt.
Trong một lần trả lời phỏng vấn RFA về vấn đề XHCN, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nhận xét rằng sau hơn 40 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa thì chủ nghĩa này đang có dấu hiệu tàn tạ. Ông giải thích:
“Chúng ta khó quên khẩu hiệu “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa” do Việt Nam đề ra sau năm 1975. Sự thật thì giới lý luận của Hà Nội không định nghĩa được “xã hội chủ nghĩa” là gì mà đòi xóa bỏ tất cả những gì họ cho là không thuộc xã hội chủ nghĩa, gọi đó là “cải tạo”. Vì tính chủ quan duy ý chí khi có toàn quyền trong tay, họ đòi cải tạo “quan hệ sản xuất” để từ đó nâng “phương thức sản xuất” lên một trình độ cao hơn, là phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa”.

Không thể bỏ cụm từ “định hướng XHCN”?

Năm 2013, khi phát biểu về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Nguyễn Phú Trọng có nói rằng, “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa. Cho nên nếu có sửa thì phải nói là “đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đưa đất nước đi lên CNXH” sẽ chuẩn hơn”.
Theo nhiều nhà quan sát thì XHCN là một khái niệm mơ hồ nhưng Việt Nam vẫn phải bám theo những từ ngữ đó dù thực chất không phải như vậy.
Tiến sĩ Đinh Đức Long phân tích rằng, trước đây kinh tế là quan liêu bao cấp tập trung, bây giờ thì kinh tế thị trường. Mà kinh tế thị trường là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản. Họ làm rồi nhưng họ vẫn thêm cái đuôi CNXH. Ông giải thích lý do vẫn giữ câu chữ XHCN:
Thực sự chế độ kinh tế mà họ xây dựng ở Việt Nam hiện nay là một chế độ tư bản chủ nghĩa man rợ, không có gì là XHCN cả. Họ phục vụ tư bản và bản thân họ là những tư bản giàu nhưng họ vẫn giữ những từ ngữ đấy để lừa mị thôi!
TS. Nguyễn Quang A
Cái đấy nó có lý do mà theo tôi hiểu là lý do về chính trị. Bây giờ, khi Việt Nam ký các hiệp định thương mại song phương, đa phương hoạt động theo chuẩn mực quốc tế thì thực chất là đi theo nền kinh tế tư bản chủ nghĩa rồi. Họ vẫn giữa cái đuôi XHCN là để an dân thôi. Họ muốn giữ với mục đích an ủi những người đã ngã xuống, những cựu chiến binh, những người già, những người cả đời đi theo lý tưởng chủ nghĩa cộng sản, lý tưởng CNXH.
Nếu họ bỏ chữ XHCN thì hóa ra họ thừa nhận khẩu hiệu mấy chục năm nay của họ sai à? Cộng sản thì họ nói một đường làm một đường khác. Họ không bao giờ nhận sai dù trên thực tế họ có sửa sai”.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, khi kinh tế bị khủng hoảng, sản xuất suy sụp và lạm phát tăng, Hà Nội phải tiến hành đổi mới, là áp dụng quy luật thị trường nhưng giới lãnh đạo vẫn tiếc cái đuôi xã hội chủ nghĩa.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì cho rằng, không cần quan tâm đến từ ngữ của họ. Họ phải bám lấy những từ ngữ đấy bởi nếu không bám lấy từ ngữ “định hướng XHCN” thì họ tự vả vào mồm mình rằng họ phản bội chính cái đường lối, cái mục tiêu từ ban đầu. Thử nhìn lại thực tế của 25, 30 năm qua thì không có một cái gì gọi là định hướng XHCN cả nhưng họ cứ phải bám lấy những từ đấy. Ông nói thêm:
Thực sự chế độ kinh tế mà họ xây dựng ở Việt Nam hiện nay là một chế độ tư bản chủ nghĩa man rợ, không có gì là XHCN cả. Họ phục vụ tư bản và bản thân họ là những tư bản giàu nhưng họ vẫn giữ những từ ngữ đấy để lừa mị thôi!”.
Chế độ độc đảng và xã hội chủ nghĩa là chế độ chính trị hiện nay ở Việt Nam. Thực tế trên thế giới cho thấy đến nay, chưa có nước nào theo chế độ độc đảng và XHCN mà thực hiện được lý tưởng do chính họ đưa ra là “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.
D.T.
Nguồn: RFA


ĐÃ KHÔNG BIẾT SAO LẠI BẮT DÂN CHÚNG CHỜ CẢ TRĂM NĂM ?
MỸ THUẬN/ BVN 12-6-2020
“Quá độ lên chủ nghĩa xã hội bao lâu, có mấy chặng đường cần tiếp tục làm rõ” là tựa bài viết trên tờ Thanh Niên điện tử, số phát hành ngày 10-6-2020.
Bài báo có đoạn tường thuật: “Có lần nào Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri, có người hỏi: bao giờ chúng ta có chủ nghĩa xã hội? Tổng bí thư nói chúng ta chưa nghiên cứu tường minh vấn đề này, có khi trăm năm nữa cũng chưa có chủ nghĩa xã hội. Thế thì thời kỳ quá độ (lên chủ nghĩa xã hội) là bao lâu, có mấy chặng đường thì chưa rõ”, ông Phú nói và cho biết, đây là vấn đề sẽ cố gắng tập trung làm rõ trong thời gian tới” (*).
Đoạn trích tường thuật ở trên là một phần của nội dung trong hội nghị báo cáo viên Trung ương (T.Ư) diễn ra vào sáng 10-6 do Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức. Chủ trì hội nghị là Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Phùng Hữu Phú, với báo cáo về những điểm mới trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Phần kết của bài tường thuật trên báo Thanh Niên là: “Không còn thừa nhận chủ nghĩa Mác - Lênin tức là không thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng. Các đảng phái sẽ mọc lên như nấm và quốc gia sẽ bước vào thời kỳ thập nhị sứ quân, rối loạn. Đó là lý do quan điểm chỉ đạo của báo cáo chính trị nhấn mạnh số 1 việc vững vàng tư tưởng Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”, ông Phú giải thích.

Có bốn vấn đề tranh biện ở đây với Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Phùng Hữu Phú:
Thứ nhất, nếu đã từng nhận định rằng “có khi trăm năm nữa cũng chưa có chủ nghĩa xã hội”, vậy thì vì sao lại cứ buộc phải tìm kiếm con đường đi đến thứ chủ nghĩa này?
Thứ hai, nếu “tư tưởng Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” được khẳng định là nền tảng xuyên suốt cho mọi hoạt động của đảng cộng sản Việt Nam, thì cần làm rõ vì sao tính từ sự kiện thành lập đảng vào tháng 2-1930, đến nay đã hơn 90 năm rồi mà đảng cộng sản Việt Nam vẫn chưa tìm được lời giải cho thắc mắc, có bao nhiêu chặng đường gọi là thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội?
Thứ ba, những căn cứ nào để cho rằng muốn đi đến chủ nghĩa xã hội thì buộc phải có “tư tưởng Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”? Quốc gia nào trên thế giới đang cùng đi trên con đường ‘quá độ’ này như Việt Nam, với cùng nền tảng của “tư tưởng Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”?
Thứ tư, ở những nước vốn từng được xem là theo chủ nghĩa Mác - Lênin, về sau trở thành đa đảng như Nga và các nước Đông Âu, vì sao không hề có tình trạng loạn 12 sứ quân như lo ngại của ông Phùng Hữu Phú, mặc dầu họ đã thực hiện đa đảng ngay khi xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin? Phải chăng vì những quốc gia này thiếu một vế trong học thuyết là “tư tưởng Hồ Chí Minh”?
Cuối cùng, cả bốn thắc mắc nêu ở trên của người viết không nhằm đến đả phá thể chế chính trị hiện hành, mà là muốn góp ý kiến với đảng cộng sản Việt Nam, dựa trên quyền hiến định ở điều 28.1 “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước”.
__________
Chú thích:
M.T.


PHẢN BIỆN ÔNG  PHÙNG HỮU PHÚ

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ TD 12-6-2020
Ông Phú, sinh năm 1948, GSTS, là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung ương Đảng, là Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương. Như vậy mọi suy nghĩ, mọi phát biểu của ông có tính quan trọng đều phải chặt chẽ, chính xác, khoa học.

Thế nhưng ngày 10 tháng 6 năm 2020, báo cáo về những điểm mới trong Dự thảo văn kiện trình ĐH 13 của ĐCSVN ông Phú đã đưa ra một đoạn kết luận gồm 3 câu mà nội dung chủ yếu là phản khoa học:
1- Không còn thừa nhận chủ nghĩa Mác – Lênin tức là không thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng.
2- Các đảng phái sẽ mọc lên như nấm và quốc gia sẽ bước vào thời kỳ thập nhị sứ quân, rối loạn.
3- Đó là lý do quan điểm chỉ đạo của báo cáo chính trị nhấn mạnh số 1 việc vững vàng tư tưởng Mác – Lênin… (số 1; 2; 3 không có trong báo cáo, do tôi ghi để dùng khi nhắc lại)
Phải chăng ông Phú dùng Tam đoạn luận? Không phải. Đó chỉ là sự suy diễn võ đoán, mang tính lừa dối, ngụy biện, để hù dọa những người kém lý luận, nhẹ dạ cả tin.
Nội dung câu 1 tuy không thật chính xác hoàn toàn nhưng có thể chấp nhận. Dối trá, ngụy biện nằm ở câu 2. Dựa vào đâu, lý luận nào, thực tế nào mà viết “Các đảng phái sẽ mọc lên như nấm”. Đúng là khi quyền Dân chủ được thiết lập, Luật tự do lập Hội được ban bố thì có thể xuất hiện một vài đảng chính trị có quan điểm khác với Mác Lê và có lực lượng. Chỉ những đảng chính trị lớn mới có tác dụng đối lập với ĐCS.
Hỏi rẳng ở đâu ra mà các đảng phái mọc lên như nấm. Đây là kiểu bịa đặt để làm rối loạn suy nghĩ của người khác. Ừ thì tạm chấp nhận có nhiều đảng được lập, nhưng cho rằng “quốc gia sẽ bước vào thời kỳ thập nhị sứ quân, rối loạn là một khẳng định rất thiếu khoa học, chứa đựng mưu toan dối trá, nguy hiểm, thể hiện một đầu óc quá kém về suy luận. Đầu óc đó đã bị vòng kim cô Mác Lê bóp chặt, làm biến dạng.
Đầu óc của nhiều đảng viên CS đã bị quan điểm đấu tranh giai cấp, cách mạng bạo lực làm cho ngu muội mà không nhận ra rằng sự hoạt động cơ bản của các đảng phái chính trị là đấu tranh ôn hòa, chủ yếu là vận động trong bầu cử. CS đã rất quen với hoạt động ám sát, khủng bố nên cứ nghĩ mọi đảng chính trị đều thích làm như họ. Xin những người nhẹ dạ hãy suy nghĩ kỹ, chớ vội tin vào lập luận ngụy khoa học, rất nguy hiểm như kiểu của ông Phú.
Câu 3 là sai lầm về khoa học không phải chỉ của ông Phú mà là của Dự thảo. Về Mác Lê, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nó có vẻ hào nhoáng bên ngoài, nhưng bên trong chứa một số độc hại. Đó là những độc hại của đấu tranh và thù hận giai cấp, của vô sản chuyên chính với độc tài đảng trị, của quốc hữu hóa đất đai và sự chủ đạo của kinh tế quốc doanh v.v… Chính những độc hại đó phát tán, làm xảy ra sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu. Chính những độc hại đó đã phá nát nhiều thứ quý báu của Dân tộc và Đất nước Việt Nam.
Câu 3 ở trên phải chăng muốn chứng minh rằng, ĐCSVN kiên trì Mác – Lê không phải vì đã khắc phục được những độc hại của nó mà chỉ vì muốn duy trì sự lãnh đạo của đảng (thực chất là sự thống trị độc quyền). Lập luận của Phùng Hữu Phú tưởng rằng đề cao được Mác Lê, không ngờ vì quá kém khả năng suy luận mà đã vô ý vạch trần sự nham hiểm của ĐCS.
ĐÔI ĐIỀU TRAO ĐỔI VỚI ÔNG PHÙNG HỮU PHÚ
NGUYỄN NGỌC CHU/ TD 13-6-2020


Giật mình với những luận điểm của ông Phùng Hữu Phú ở trình độ Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (HĐLLTƯ).
Bởi vì ông Phùng Hữu Phú, trong báo cáo sáng ngày 10/6/2020 tại Ban Tuyên giáo Trung ương, khi trình bày “về những điểm mới trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng,” đã đưa ra một số luận điểm gây hoài nghi trong công chúng. Có rất nhiều điều cần bàn, nhưng trong khuôn khổ bài viết trên FB chỉ xin đề cập đến hai luận điểm cụ thể.
1. Đảng lãnh đạo thì Đảng biết đi con đường nào. Đảng dẫn dắt nhân dân tiến lên Chủ nghĩa Xã hội (CNXH) thì Đảng phải biết CNXH ở đâu và như thế nào. Thế mà ông Phùng Hữu Phú – trong tư cách Phó chủ tịch HĐLLTƯ – lại nói:
“Quá độ lên chủ nghĩa xã hội bao lâu, có mấy chặng đường cần tiếp tục làm rõ”; “thời kỳ quá độ là thế nào – là vấn đề rất vướng, chưa rõ, lâu nay chưa làm được, và cần tiếp tục nghiên cứu”.
Thế hóa ra, từ trước đến nay Đảng dẫn lối cho nhân dân đi con đường mà chưa biết đi đến đâu, không biết có mấy chặng, vừa đi vừa nghiên cứu? Vậy thì ai dám theo Đảng mà đi?
2. Ông Phùng Hữu Phú lý luận:
“Không còn thừa nhận chủ nghĩa Mác – Lênin tức là không thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng. Các đảng phái sẽ mọc lên như nấm và quốc gia sẽ bước vào thời kỳ thập nhị sứ quân, rối loạn. Đó là lý do quan điểm chỉ đạo của báo cáo chính trị nhấn mạnh số 1 việc vững vàng tư tưởng Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Thật là sai lầm. Chủ nghĩa Mác – Lênin và Đảng là 2 đối tượng khác nhau. Ông Phùng Hữu Phú lại đồng nhất Chủ nghĩa Mác – Lênin với Đảng theo hệ quả “một – một”. “Không còn thừa nhận chủ nghĩa Mác – Lênin” vẫn thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng được chứ sao lại không?
Miễn là nhân dân tín nhiệm Đảng thì nhân dân thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng, chứ nhân dân không cần quan tâm đến chủ nghĩa nào cả. Năm 1945 nhân dân đi theo Đảng làm cách mạng là đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Nhật. Cụ Hồ thành lập Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) không dựa vào chủ nghĩa nào cả. Quốc hội nước VNDCCH bầu ra Chính phủ VNDCCH cũng không dựa vào một chủ nghĩa nào cả.
Ở mặt khác, ông Phùng Hữu Phú đã không coi trọng Tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông Phùng Hữu Phú khẳng định “Không còn thừa nhận chủ nghĩa Mác – Lênin tức là không thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng” – vậy thì Tư tưởng Hồ Chí Minh ở đâu? “Không còn thừa nhận chủ nghĩa Mác – Lê nin” mà thừa nhận tư tưởng Hồ Chí Minh thì sao? Không có Chủ nghĩa Mác – Lê nin mà có Tư tưởng Hồ Chí Minh thì Đảng không lãnh đạo được ư?
Tiếp nữa, ông Phùng Hữu Phú lý luận: “Các đảng phái sẽ mọc lên như nấm và quốc gia sẽ bước vào thời kỳ thập nhị sứ quân, rối loạn. Đó là lý do quan điểm chỉ đạo của báo cáo chính trị nhấn mạnh số 1 việc vững vàng tư tưởng Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Ở đây ông Phùng Hữu Phú hiểu sai Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng, và đánh giá không đúng khả năng lãnh đạo của Đảng. Vậy năm 1945 nhiều đảng phái có loạn không? Nhiều đảng phái mà Đảng vẫn lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau năm 1954 cho đến năm 1988 vẫn có 3 đảng thì có loạn không? Có 3 đảng mà Đảng vẫn nắm quyền lãnh đạo, đất nước không loạn, lại lãnh đạo nhân dân dành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chống bọn Polpot và chống Trung Quốc xâm lược.
Hay là ông Phùng Hữu Phú cho rằng lãnh đạo Đảng hiện nay không tài giỏi bằng lãnh đạo Đảng thời trước, nên có thể để xẩy ra “thời kỳ thập nhị sứ quân, rối loạn”?
Rõ ràng, ở góc độ này, ông Phùng Hữu Phú đã đánh giá thấp tài năng lãnh đạo của Đảng.
3. Xin mời các thầy giáo dạy và nghiên cứu về Đảng, Chủ nghĩa Mác – Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh đánh giá các luận điểm nêu trên của ông Phùng Hữu Phú. Có phải các luận điểm trên của ông Phùng Hữu Phú là đại diện cho HĐLLTƯ không?
4. Ông Phùng Hữu Phú là Phó chủ tịch HĐLLTƯ. Ông Phú đã không giúp gì được cho Đảng về lý luận, lại hiểu không đúng Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng, lại còn gây nghi ngờ về con đường Đảng đang dẫn dắt. Cho nên, xuất hiện câu hỏi hiển nhiên là:Nhà nước có nên tiếp tục cấp tiền cho các thành viên HĐLLTƯ nữa hay không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét