ĐIỂM BÁO MẠNG
- Quốc tế: Ông Trump bị cáo buộc tấn công tình dục (VNN 22/6/2019)- Cách mạng lần thứ ba và tương lai Trung Quốc (viet-studies 22-6-19)- Nguyễn Quang Dy-Tập Cận Bình muốn thống trị toàn cầu nhưng đã tính toán nhầm (BVN 22/6/2019)-Cuộc chiến thuế Mỹ - Trung chiếm diễn đàn các hội nghị cấp cao ASEAN (KTSG 21/6/2019)-Kịch bản khả quan nhất tại G20: Mỹ - Trung đồng ý đàm phán tiếp(KTSG 21/6/2019)-Có phải Trung cộng đang trong thời điểm tan rã?(BVN 21/6/2019)-Yêu cầu Trung Quốc xử lý nghiêm tàu công vụ đe dọa ngư dân Việt Nam (VNN 20/6/2019)- Mỹ - Trung: đối đầu quốc gia hay xung đột về hệ giá trị? (TVN 20/6/2019)-LS Nguyễn Tiến Lập-Tranh luận: Trung Quốc có đe dọa các giá trị tự do, dân chủ phương Tây? (BVN 20/6/2019)-Phùng Anh Khương-Phía sau chuyến thăm Triều Tiên của ông Tập Cận Bình (VNN 19/6/2019)-Bóng ma Chiến tranh lạnh 2.0 (TVN 19/6/2019)-Quan hệ Trung - Mỹ: Từ tranh chấp thương mại chuyển sang đối đầu toàn diện (TVN 18/6/2019)
- Trong nước: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước với tình cảm của nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế (GD 22/6/2019)-sách xb-Dừng bổ nhiệm thôi chưa đủ mà phải xử nghiêm theo pháp luật (GD 22/6/2019)-yk Bùi Thị An-Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị (GD 21/6/2019)-Báo chí là của Đảng, của Nhân dân (GD 21/6/2019)-Bác Hồ dạy làm báo (GD 21/6/2019)-Người làm báo là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận “phò chính, trừ tà” (GD 21/6/2019)-Thủ tướng: Báo chí đang phải cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội (DT 21-6-19)- Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước (GD 21/6/2019)-Kỷ luật ông Hoàng Tiến Đức là điều nhiều người dân mongchờ (GD 20/6/2019)-PHCM có hơn 60.000 người nghiện ma tuý ngoài xã hội (TP 20-6-19)- ngoài ?-Bảng lương của sỹ quan quân đội và sỹ quan công an từ 1/7 (VNN 20-6-19)-Ra mắt cuốn sách về Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (DT 20-6-19)-Mất niềm tin- mất tất cả (GD 20/6/2019)-NXP-Đã cảnh cáo trong Đảng, sớm muộn gì cũng bị xử lý bởi pháp luật (GD 20/6/2019)-Kỷ luật Viện trưởng có 11 lô đất chỉ kê khai 2 lô (GD 20/6/2019)-Thành lập hội đồng kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh (GD 20/6/2019)-không có nhà kinh tế ?-
- Kinh tế: Việt Nam đề nghị Hàn Quốc tạo thuận lợi nhập khẩu mặt hàng nông, thuỷ sản (GD 22/6/2019)-Vì sao giá vàng tăng cao nhất trong 5 năm qua? (KTSG 22/6/2019)-Triệu hồi hơn 2.350 xe Honda Rebel nhập từ Thái Lan (KTSG 22/6/2019)-Nguy cơ gỗ Việt vào "tầm ngắm" đánh thuế của Mỹ (KTSG 21/6/2019)-Doanh số chung cư, nhà phố ở TPHCM giảm hơn 50% trong quí 1 (KTSG 21/6/2019)-9 doanh nghiệp hàng tiêu dùng thành lập liên minh tái chế bao bì (KTSG 21/6/2019)-Từ đề xuất “phí chia tay” Cái nhìn quản lý nhà nước hay cái nhìn dân sinh? (KTSG 21/6/2019)-Trung Quốc buộc các khách sạn, dự án bất động sản đổi tên, tránh “sính ngoại” (KTSG 21/6/2019)-EVN: Lỗ chêch lệch tỷ giá tới 7.700 tỉ đồng (KTSG 21/6/2019)- nguyên nhân ?-Đại dịch tả heo Châu Phi: Bộc lộ điểm yếu quản lý thú y (KTSG 21/6/2019)-Mã độc NSA đập lưng NSA (KTSG 21/6/2019)-Thủ tướng lưu ý về cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường hàng không (GD 21/6/2019)-Nhật Bản sẽ chi hàng tỷ USD nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam (GD 21/6/2019)-Cẩn trọng với thông tin quảng cáo Cao tỏi đen mật ong (GD 21/6/2019)-Cần xây dựng xã hội phát triển an toàn trước thiên tai (GD 21/6/2019)-NXP-Dự án bất động sản có xen lẫn đất công xử lý ra sao? (KTSG 21/6/2019)-Cấm kinh doanh karaoke sau 12 giờ đêm, vũ trường sau 2 giờ sáng (KTSG 21/6/2019)- kể từ 1/9-Đôi điều từ Hội nghị "2 năm thực hiện Nghị quyết 120" (ĐV 21-6-19)-yk Nguyễn Ngọc Trân-Người dân lũ lượt “chạy trốn” khỏi khu tái định cư: “Các ông làm dự án có biết không?” (DT 21-9-19)-Tháo nút thắt hạ tầng hàng không: 'Vỡ trận' nhân sự ngành hàng không (TN 21-9-19)
- Giáo dục: Hôm nay là ngày cuối cùng thí sinh Hà Nội được thay đổi nguyện vọng vào lớp 10 (GD 22/6/2019)-Bên trong các lớp học thăng hạng "vặt tiền" thầy cô (GD 22/6/2019)-Đại học Đông Đô không được phép đào tạo văn bằng 2 ngôn ngữ Anh (GD 22/6/2019)-Thi vào lớp 10 mà có tới 688 điểm 0 là do học trò...ngồi nhầm lớp (GD 22/6/2019)-Nam sinh vươn lên học giỏi để thoát nghèo, giúp quê hương (GD 22/6/2019)-Trung tâm giáo dục thường xuyên trở thành địa điểm cho thuê và liên kết đào tạo (GD 22/6/2019)-Độ lượng, bao dung mới cảm hóa được học trò (GD 22/6/2019)-Các thành viên trong hội đồng coi thi cần nắm vững quy chế, hướng dẫn (GD 22/6/2019)-Thí sinh lưu ý các vật dụng được mang và không được mang vào phòng thi (GD 22/6/2019)-Vũng Tàu thi tuyển chức danh Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD 22/6/2019)-
- Phản biện: Giáo dục, tiếp tục...nói cho ra nhẽ! (2) (GD 22/6/2019)-Xuân Dương-View và chuyện ‘cơm áo gạo tiền’ của báo chí (TVN 22/6/2019)-Tư Giang- 21 Tháng Sáu chỉ là ngày Báo chí cách mạng không phải ngày Báo chí Việt Nam (BVN 22/6/2019)-Phạm Đình Trọng-14 trang tin độc lập đang thay đổi báo chí Cuba (BVN 22/6/2019)-Phạm Minh Trung-“Cuộc cách mạng không có lãnh đạo” chỉ là cái nhìn bên ngoài (BVN 22/6/2019)-Mẹ Nấm/DLB-Ông Nhân bảo dân ‘đừng lo’ để Quốc hội lo chuyện dự án cao tốc Bắc - Nam (BVN 22/6/2019)-Trung Khang/RFA-Dân Thủ Thiêm lại phải nghe hứa hẹn (BVN 22/6/2019)-Trung Khang/RFA-30 NĂM TRƯỚC, “LAO ĐỘNG CHỦ NHẬT” ĐÃ LÀM CUỘC “CÁCH MẠNG BÁO CHÍ CÁCH MẠNG” (BVN 21/6/2019)-Tống Văn Công, Hoàng Hưng-Giáo dục, tiếp tục...nói cho ra nhẽ! (GD 20/6/2019)-Xuân Dương-Bản lĩnh của báo chí trong “đại dịch” tin giả (TVN 20/6/2019)-Mỹ Hằng-Hơn 40 năm vui buồn nghề báo (BVN 20/6/2019)-Lê Phú Khải-Đồng hành cùng gia đình tù nhân lương tâm (BVN 20/6/2019)-Nguyễn Tường Thụy-BOT giao thông ở ĐBSCL nằm trong tay ‘phe nhóm lợi ích’ (BVN 20/6/2019)-Nguyễn Hồng Phúc-Hồi ký Nguyên Ngọc: Hòa bình khó nhọc (2) (BVN 19/6/2019)-Nguyên Ngọc-Hồi ký Nguyên Ngọc: Hoà bình khó nhọc (Phần 1) (BVN 18/6/2019)-Nguyên Ngọc-Chống tham nhũng trong các cơ quan Phòng chống tham nhũng! (ĐCS 19-6-19)-Nguyễn Minh- Đổi mới chính trị để hòa giải dân tộc (BVN 14/6/2019)-Nguyễn Quang Duy- CÔNG NGHỆ VÀ ĐỜI SỐNG (BVN 12/6/2019)-Phan Dương Hiệu
- Thư giãn: Tâm tình “nhà báo nghiệp dư” (KTSG 21/6/2019)-Nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn săn nguồn tin độc bằng cách nào? (Zing 20-6-19)-TT-Huế: Ở làng này có những ngôi nhà cho người chết lên đến chục tỉ (DV 20-6-19)-Bún chửi Ngô Sĩ Liên lại bị 'lên thớt' vì bảo khách 'Ra nhà nghỉ mà ăn bún' (VNN 19/6/2019)
QUAN HỆ MỸ-TRUNG: TỪ TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI CHUYỂN SANG ĐỐI ĐẦU TOÀN DIỆN
MAI NHẬT DƯƠNG/ TVN 18-6-2019
- Theo quan điểm của giới tinh hoa Mỹ, đây có lẽ là lần cuối cùng nước Mỹ có thể "bắt nạt" được Trung Quốc và nước Mỹ cần phải hành động ngay trước khi quá muộn.
Kế từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời ngày 1/10/1949 đến nay, chưa từng có một nhà lãnh đạo nước ngoài nào đưa ra “ tối hậu thư" với lời lẽ "trịch thượng" như Tổng thống Donald Trump tuyên bố cách đây ít ngày với lãnh đạo Trung Quốc: Ông Tập Cận Bình cần phải dự và gặp ông Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Osaka cuối tháng 6/2019. Nếu không gặp, ông Trump sẵn sàng đánh thuế "ngay và luôn" đối với 300 tỷ USD hàng Trung Quốc chưa bị đánh thuế trong tổng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.
"Chiến tranh thương mại" hay "chiến tranh tổng lực"?
Mặc dù cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra hết sức quyết liệt và sức nóng của cuộc chiến đang tăng lên từng ngày, nhưng về thực chất đây không phải là cuộc chiến thương mại đơn thuần, mà là cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa hai cường quốc - một bên đã xác lập được vị trí số một, còn một bên tìm mọi cách vươn lên, soán ngôi vị bá chủ và xác lập vị trí mới do mình lãnh đạo.
Dù cả Trung Quốc và Mỹ đều tránh đề cập, nhưng trên thực tế các nhân tố giúp duy trì ổn định quan hệ Mỹ - Trung trong hơn 40 năm qua đã lung lay tận gốc. Nói cách khác, mối quan hệ Mỹ - Trung như chúng ta từng chứng kiến đang đổ vỡ từng ngày, từng giờ, nhường chỗ cho mối quan hệ mới đang định hình. Sự đổ vỡ này thể hiện trên tất các phương diện: Quan hệ chính trị, ngoại giao ngày một xấu đi; lòng tin chiến lược giữa các nhà lãnh đạo hai nước cũng không còn và thay vào đó là sự ngờ vực chiến lược. Trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, Trump và chính quyền Mỹ đang tìm cách quân bình cán cân thương mại, không để Trung Quốc "trục lợi" với con số thâm hụt thương mại khổng lồ lên tới gần 400 tỷ USD trong năm 2018, và kéo dài trong hàng chục năm liền.
Cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa hai cường quốc thực sự đã khởi động.
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngày 1/1/1979 đến nay, quan hệ Trung - Mỹ trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm như sự kiện Thiên An Môn (từ 1989-1993), vụ máy bay Mỹ ném bom Đại sứ quán Trung Quốc (1998), vụ máy bay EP3 (2001), nhưng chưa khi nào quan hệ Trung - Mỹ lại xấu như thời điểm hiện nay. Trong Chiến lược An ninh Quốc gia được công bố tháng 12/2017 và Báo cáo Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngày 1/6/2019 vừa qua, Mỹ chính thức coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược, điều này cũng đồng nghĩa với việc Mỹ không bao giờ "dung thứ" cho việc Trung Quốc soán ngôi vị số 1 thế giới.
Nhìn bề ngoài, quan hệ Trung - Mỹ tưởng chừng chỉ do "sự hiếu chiến" của cá nhân ông Trump và chính quyền của ông ta. Điều này là đúng, nhưng có lẽ chỉ phản ánh một phần. Thái độ của Quốc hội Mỹ, giới hoạch định chính sách ở Washington cũng như nhiều học giả Mỹ đối với Trung Quốc vào thời điểm hiện nay cũng không khác nhau nhiều so với quan điểm của chính quyền Trump, thậm chí trong nhiều trường hợp còn "hiểu chiến" hơn. Trong xã hội, tỷ lệ cử tri Mỹ ngày càng lo lắng về Trung Quốc tăng lên tới 58%, trong khi chỉ cách đây 6 tháng con số này mới dừng ở mức 46%.
Đây là hiện tượng "đồng thuận mới" ở Washington mà giới hoạch định chính sách của Trung Quốc cần phải tính đến. Theo quan điểm của giới tinh hoa Mỹ, đây có lẽ là lần cuối cùng nước Mỹ có thể "bắt nạt" được Trung Quốc và nước Mỹ cần phải hành động ngay trước khi quá muộn.
Ở góc độ ngược lại, phía Trung Quốc cũng bắt đầu "mất kiên nhẫn" và tìm cách "phản công". Một mặt, Trung Quốc tìm cách phản bác toàn bộ các cáo buộc của chính quyền Trump, không chấp nhận các điều kiện đơn phương, bất bình đẳng buộc Trung Quốc từ bỏ quyền phát triển của mình. Mặt khác, Trung Quốc đang tìm cách tăng cường nội lực và thích ứng với cuộc chiến mà Trung Quốc biết chắc sẽ trường kỳ và khó khăn gấp bội so với bất kỳ các cuộc "đối đầu" nào mà Trung Quốc từng gặp trong quá khứ để hóa giải nguy cơ chưa từng có từ phía Mỹ.
Trump: Lợi thế trước mắt và các con bài trong tay
Với biệt danh "ông Thuế quan" (Tariffs Man), Trump là người tin tưởng đặc biệt vào sự hữu dụng và tính hiệu quả của công cụ thuế quan trong việc gây sức ép buộc đối phương, dù đó là đồng minh như EU, Mexico, Canada hay đối thủ như Trung Quốc... phải thuận theo ý Mỹ. Bài học thành công trong quá khứ khi Mỹ sử dụng công cụ thuế quan buộc Nhật phải "phất cờ trắng" và ký Thỏa ước Plaza 1985 và gần đây là việc ép Mexico chấp nhận các điều kiện đơn phương của Mỹ nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp tràn vào Mỹ qua ngả Mexico đã khiến Tổng thống Trump khá "tự tin" trong việc gây sức ép với Trung Quốc.
Hỗ trợ cho chính sách thuế quan cứng rắn của Trump là nền kinh tế Mỹ đang ở chu kỳ tăng trưởng kéo dài gần 120 tháng liên tục với tốc độ tăng trưởng GDP 3,2% năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp thấp 3,6% (thấp nhất trong hơn 50 năm qua), chỉ số chứng khoán Dow Jones tăng gần 30% trong vòng 2 năm rưỡi kế từ khi Trump lên cầm quyền. Trump cũng tin tưởng thuế quan cao sẽ làm cho các công ty Mỹ và nước ngoài chuyển dịch đầu tư về phía Mỹ, tạo thêm công ăn việc làm, giúp chính quyền Mỹ tăng thu hoặc ít nhất cũng chuyển đầu tư ra khỏi hoặc gây khó khăn kinh tế cho đối phương mà Mỹ đang gây sức ép.
Điều này trái ngược với bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa của Trung Quốc trong hơn 1 năm qua kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa hai nước nổ ra: Tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm xuống còn 6,2% năm 2018 - mức thấp nhất trong 3 thập kỷ qua, chỉ số tăng trưởng công nghiệp và chỉ số chứng khoán giảm, mức thất nghiệp gia tăng trong khi khoản dự trữ ngoại hối khổng lồ một thời đang bốc hơi nhanh. Chắc chắn chiến tranh thương mại càng gia tăng, các vấn đề kinh tế - xã hội mà Trung Quốc đang phải đối mặt cũng tăng lên theo cấp số nhân.
Trump với "kinh nghiệm thương trường" của mình đã nắm bắt rất nhanh điều này nên rất "tự tin" ép Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại, buộc nước này phải thay đổi hơn 100 nội luật, kèm với các cơ chế theo dõi, chế tài tự động trừng phạt nếu nước này có dấu hiệu vi phạm.
Điều làm cho Trung Quốc không khỏi "lạnh người" là việc liên tưởng đến số phận người "anh em" đồng minh Nhật Bản của Mỹ. Từ siêu cường kinh tế số 2 thế giới đang vươn lên mạnh mẽ và dẫn đầu thể giới trong lĩnh vực bán dẫn và nhiều lĩnh vực khác, Nhật Bản đã trượt dài, kinh tế rơi vào tình trạng trì trệ trong hơn 3 thập kỷ kể từ sau khi bị ép ký Hiệp định Plaza năm 1985.
Trung Quốc tất nhiên không muốn rơi vào tình trạng như vậy. Tuy nhiên, lựa chọn của Trung Quốc lúc này khá hạn chế: Nếu chấp nhận thỏa thuận thương mại mang tính áp đặt của Mỹ, Trung Quốc có thể thoát được khó khăn tạm thời nhưng về lâu dài thì sẽ khó thoát được những thòng lọng vô hình lẫn hữu hình do Mỹ bủa vây. Và điều này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc buộc phải từ bỏ giấc mơ cạnh tranh ngôi vương với Mỹ. Trong trường hợp không chấp nhận thỏa thuận này, Trung Quốc sẽ buộc phải đối mặt với một loạt các khó khăn chồng chất ngay tức thì với những hệ quả khôn lường.
Huawei, công ty 5G hàng đầu thế giới của TQ, đang đối mặt với lệnh trừng phạt khắc nghiệt
Tuy chưa "lộ bài", nhưng khả năng Trump sử dụng "liên hoàn" nhiều con bài cùng lúc trong trường hợp Trung Quốc không chấp nhận thỏa thuận thương mại mang tính áp đặt.
Một là, ngay trong lĩnh vực thương mại Trump mới chỉ sử dụng một phần con bài thuế quan. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, Trump đã đe dọa sẽ đánh thuế 45% đối với tất cả hàng xuất khẩu của Trung Quốc (tương đương 500 tỷ USD) sang Mỹ. Nếu Mỹ thực hiện như đã hứa khi chiến tranh thương mại leo thang, điều này đồng nghĩa với việc "cấm cửa" gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.
Hai là, Mỹ bắt đầu để ý và tấn công vào các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc. Sau thành công trong việc "trừng phạt", đẩy công ty công nghệ ZTE của Trung Quốc đến bờ vực phá sản và chỉ được "giải cứu" sau khi ZTE chấp nhận thay toàn bộ ban lãnh đạo, nộp 1,4 tỷ USD tiền phạt và 500 triệu USD tiền đặt cọc. Giờ đây Huawei, công ty 5G hàng đầu thế giới của Trung Quốc đang đối mặt với lệnh trừng phạt khắc nghiệt. Không chỉ mảng 5G mà tương lai của Huawei hiện cũng khá bấp bênh. Chắc chắn danh sách các công ty công nghệ của Trung Quốc bị đưa vào tầm ngắm sẽ kéo dài thêm trong thời gian tới, bất kể việc Trung Quốc và Mỹ có đạt được thỏa thuận về thương mại hay không.
Bà là, các công cụ khác vẫn đang được Mỹ "dền dứ" như khả năng đặt Trung Quốc vào tầm ngắm là quốc gia thao túng tiền tệ; gây sức ép trong vấn đề Biển Đông; năng lượng (thắt chặt cấm vận dầu lửa và kinh tế với Iran); sử dụng "con bài" Đài Loan (lần đầu tiên kế từ 1/1/1979 Đài Loan được gọi là một "quốc gia" trong Báo cáo Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 1/6 vừa qua - một động thái chắc chắn khiến Trung Quốc tức giận)... Ngoài việc "tấn công" trên phương diện song phương, Mỹ đang có những động thái vận động, lôi kéo các đồng minh, đối tác, bạn bè thể hiện thái độ đối với Trung Quốc trên các diễn đàn đa phương.
So sánh một cách hình ảnh, Trump đang lên gân cốt, diễu võ giương oai, tấn công đối phương bất ngờ, tấn công liên tiếp, tấn công toàn diện, tấn công hội đồng.
Là một cường quốc lớn thứ hai thế giới với tinh thần dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ, Trung Quốc sẽ rất khó chấp nhận những yêu sách này của Mỹ. Hơn nữa, hơn ai hết, lãnh đạo Trung Quốc hiểu rất rõ việc chấp nhận thỏa thuận thương mại này mà không có những sửa đổi hay điều chỉnh quan trọng, sẽ không chỉ làm kìm chân Trung Quốc về mặt kinh tế, mà còn là sự tự sát về mặt chính trị.
Điều này giải thích việc Trung Quốc không chỉ "phớt lờ" các yêu sách của Tổng thống Trump, mà còn lớn tiếng yêu cầu rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải dựa trên cơ sở có đi có lại và tôn trọng lẫn nhau. Trung Quốc cũng tự tin cho rằng với dân số 1,4 tỷ người, nền kinh tế phát triển năng động và nhiều tiềm năng chưa khai phá hết, Trung Quốc hoàn toàn đủ khả năng chế ngự và hóa giải bất kỳ sức ép nào từ bên ngoài.
Với việc cả Mỹ và Trung Quốc cùng cao giọng như vậy, quan hệ cạnh tranh Trung - Mỹ này sẽ đi về đâu?
(Còn nữa)
Mai Nhật Dương
BÓNG MA CHIẾN TRANH LẠNH 2.0
MAI NHẬT DƯƠNG/ TVN 19-6-2019
- Điều ngày càng trở nên rõ ràng là cả Mỹ và Trung Quốc đều sẵn sàng cho "cuộc chiến sống mái" đối đầu toàn diện. Câu hỏi được đặt ra là cuộc đối đầu Trung-Mỹ này sẽ diễn ra dưới hình thức nào?
Tác giả bài viết tạm gọi cuộc đối đầu Trung-Mỹ toàn diện hiện nay là Chiến tranh lạnh kỹ thuật số hoặc Chiến tranh lạnh 2.0, một cuộc chiến tranh mới hoàn toàn khác với Chiến tranh lạnh "kiểu cũ" 1.0 trước kia giữa Mỹ và Liên Xô trong giai đoạn từ năm 1945 đến 1990.
Trước hết, cần hiểu rõ từ "Chiến tranh lạnh" được đề cập ở đây là để nói đên tình trạng xấu đi hoặc trạng thái "đóng băng" trong quan hệ cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc hàng đầu thế giới. Và để hiểu cuộc Chiến tranh lạnh "kiểu mới" 2.0, cần biết rõ các đặc trưng của Chiến tranh lạnh "kiểu cũ" 1.0 để từ đó thấy được sự khác biệt căn bản giữa Chiến tranh lạnh 1.0 và Chiến tranh lạnh 2.0
Bóng ma Chiến tranh lạnh 2.0 hiện hữu
Các đặc trưng của Chiến tranh lạnh "kiểu cũ" 1.0
Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh 1.0 (từ năm 1945-1990), sự đối đầu Xô - Mỹ có một số đặc điểm đáng chú ý sau:
Một là, sự cạnh tranh quyết liệt về ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa;
Hai là, chạy đua vũ trang hạt nhân giữa Mỹ và Liên xô cũ xoay quanh việc giành ưu thế bộ ba vũ khí chiến lược: tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, máy bay ném bom hạt nhân chiến lược và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm;
Ba là, sự ngăn cách gần như tuyệt đối giữa phương Đông và phương Tây bởi "bức màn sắt" (iron curtain). Trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh 1.0, có rất ít các hoạt động tương tác giữa hai bên như: viếng thăm cấp cao; quan hệ chính trị - ngoại giao; quan hệ kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục hoặc giao lưu nhân dân giữa người dân thuộc hai khối đối lập.
Mỹ - Trung trước thềm cuộc chiến toàn diện
Trước khi diễn ra tình trạng đối đầu toàn diện Mỹ - Trung Quốc hiện nay, sự tương tác, đan xen về lợi ích giữa hai bên lớn tới mức tưởng chừng không thể tách rời nhau:
Về gặp gỡ, trao đổi đoàn cấp cao: Lãnh đạo cấp cao Trung - Mỹ gặp nhau thường xuyên hàng năm qua các chuyến viếng thăm song phương, cũng như bên lề các diễn đàn khu vực và quốc tế quan trọng như Cấp cao Đông Á (EAS), APEC và G20. Ngoài ra, các quan chức cấp cao hai nước còn thường xuyên gặp gỡ, trao đổi trong hơn 100 cơ chế khác nhau trong khuôn khổ Đối thoại Chiến lược và Kinh tế hàng năm giữa Mỹ và Trung Quốc.
Về kinh tế, thương mại: Hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc ràng buộc lẫn nhau bởi khối lợi ích kinh tế khổng lồ, đan xen lẫn nhau có giá trị lên tới trên 2000 tỷ USD - một hiện tượng được nhà sử học của Đại học Harvard Niall Ferguson gọi là "Chimerica" (viết tắt tiếng Anh từ Trung Quốc là China và Mỹ là America). "Chimerica" bao gồm tổng thương mại hai chiều hàng năm trị giá khoảng 650 tỷ USD, hơn 1000 tỷ USD đầu tư của Trung Quốc vào Trái phiếu chính phủ Mỹ và hàng trăm tỷ USD đầu tư hai chiều vào nền kinh tế của nhau.
Về giao lưu dân gian, mối quan hệ "khăng khít" Mỹ - Trung này còn được củng cố thêm bằng khối lượng khổng lồ hàng chục triệu du khách Mỹ và Trung Quốc thăm viếng nhau hàng năm và hàng trăm ngàn sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các cơ sở giáo dục đại học và trên đại học khắp nước Mỹ.
Tất cả những điều trên tạo ra sự khác biệt lớn khi so sánh quan hệ Mỹ - Xô và Mỹ - Trung ở hai thời điểm khác nhau khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh lạnh 1.0 và 2.0
Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh 1.0, "giọt nước tràn ly" làm cho người Mỹ thức tỉnh bởi mối đe dọa và ưu thế vượt trội của Liên xô là "sự kiện Sputnik" năm 1957. Sự kiện này không chỉ cho thấy sự thiếu an toàn của nước Mỹ trước ngụy cơ bị tấn công hạt nhân từ xa bằng tên lửa vượt đại châu của Liên xô, mà còn là nguy cơ bị "tụt hậu" trong cuộc đua khoa học - kỹ thuật. Chính điều này đã buộc nước Mỹ đầu tư mạnh mẽ hơn vào giáo dục, khoa học để giành lại ưu thế trong những năm sau.
Còn "giọt nước tràn ly" khiến người Mỹ tỉnh ngộ về nguy cơ bị "soán ngôi" hiện nay có lẽ là sự xuất hiện của "quả bom tấn", một cuốn sách "best seller" có tựa đề "Siêu cường Trí tuệ nhân tạo: Trung Quốc, Thung lũng Silicon và Trật tự thế giới mới" (AI Superpowers: China, the Silicon Valley and the New World Order) xuất bản năm 2017.
Bóng ma Chiến tranh lạnh 2.0 là cuộc đua tổng lực về công nghệ
Chiến tranh lạnh kỹ thuật số 2.0
Tác giả cuốn sách trẽn là Lý Khai Phục (Kai-Fu Lee), một người Mỹ gốc Đài Loan và là Tiến sĩ tốt nghiệp Đại học Carnegie Mellon (Mỹ). Lý Khai Phục - người từng giữ các chức vụ quản lý cao cấp tai Microsoft, Facebook và Google và hiện đứng đầu một quỹ đầu tư chuyên đỡ đầu cho các dự án khởi nghiệp công nghệ cao ở Trung Quốc - được coi là kỹ sư, nhà khoa học giỏi nhất Trung Quốc hiện nay trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).
Lý Khai Phục cũng được coi là người thúc đẩy sự đổi mới và đột phá công nghệ của Trung Quốc trong 20 năm qua. Với tài khoản Weibo có hơn 51 triệu người theo dõi (nhiều hơn toàn bộ dân số Tây Ban Nha), Lý là người có nhiều ý tưởng có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Trong cuốn sách của mình, Lý Khai Phục đưa ra một số luận điểm đáng chú ý:
- Trong khoảng thời gian 10 năm từ 2020-2030, lĩnh vực AI dự kiến sẽ tạo ra 16.000 tỷ USD giá trị, 70% trong số đó sẽ "rơi vào túi" nhóm G7 hàng đầu trong lĩnh vực AI, bao gồm 4 công ty của Mỹ (cụ thể là Microsoft, Facebook, Apple và Google Alphabet) và 3 công ty Trung Quốc là Baidu, Alibaba và Tencent (BAT).
- AI, chứ không phải sức mạnh cứng về quân sự, là yếu tố quyết định sự vượt trội và "ai thắng ai" trong cuộc Chiến tranh lạnh mới 2.0 giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như việc quyết định ai sẽ làm chủ cuộc chơi trong việc xác lập trật tự thế giới mới.
- Mặc dù Mỹ đi đầu so với Trung Quốc trong lĩnh vực nghiên cứu AI, nhưng Trung Quốc hiện lại đi trước và vượt trội so với Mỹ trong việc triển khai và áp dụng thành tựu nghiên cứu AI và khoa học công nghệ.
- Mỹ có thể gây khó khăn, cản trở hoặc trì hoãn tiến bộ công nghệ của Trung Quốc, nhưng không có cách nào ngăn cản Trung Quốc trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng AI.
Cuốn sách của Lý Khai Phục được xuất bản vào thời điểm Huawei đã vượt qua Nokia và Erickson để trở thành nhà cung cấp số 1 về hệ thống giải pháp 5G hoàn chỉnh và đang chuẩn bị "soán ngôi" Samsung để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh số 1 trên thế giới.
Thêm vào nỗi lo ngại của Mỹ là động thái tích cực của Trung Quốc trong việc thực hiện các mục tiêu hết sức tham vọng trong chiến lược "Made in China 2025", nhằm biến Trung Quốc từ trung tâm chế tạo trở thành trung tâm công nghệ của thế giới trong các lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ sinh học, hàng không vũ trụ, robot, tự động hóa, công nghệ thông tin (IT), điện toán lượng tử (Quantum Computing), AI...
Nói một cách khác, đối đầu Mỹ - Trung trong Chiến tranh lạnh 2.0 thực chất là cuộc chạy đua tổng lực về công nghệ với một số đặc trưng sau:
Một là, cạnh tranh về mặt ý thức hệ sẽ được thay thế bằng cạnh tranh giữa các hệ sinh thái internet (internet ecosystems) và "chuẩn" công nghệ mới. Khi cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ và lan rộng, nhiều khả năng thế giới sẽ bị chia rẽ bởi những người sử dụng hệ thống internet của Trung Quốc và hệ thống của Mỹ; hệ điều hành Hong Meng của Huawei hay hệ điều hành Android của Google hay IOS của Apple dành cho điện thoại di động; sử dụng thiết bị 5G của Huawei hay 5G của Nokia, Erickson, Quancom...
Trong trận chiến đó, bạn bè, đồng minh, đối tác hay quan hệ thân sơ không còn bị chi phối nhiều bởi sự song trùng về ý thức hệ, mà về loại chuẩn công nghệ hay hệ sinh thái internet mà họ ứng dụng.
Hai là, địa bàn cạnh tranh và đối đầu không còn còn giới hạn trên không, trên biển hay mặt đất như Chiến tranh Lạnh 1.0, mà mở rộng ra toàn cõi không gian thực lẫn không gian ảo. Do đó, an ninh mạng đóng vai trò đặc biệt then chốt trong việc bảo vệ chủ quyền và không gian phát triển.
Ba là, Mỹ và phương Tây bắt đầu bắt tay nhau dựng "bức tường sắt về công nghệ" vô hình lẫn hữu hình để bảo vệ các bí quyết công nghệ của họ, trong khi ngăn cản Trung Quốc tiếp cận công nghệ của phương Tây. Động thái rõ nhất là việc Mỹ hạn chế tối đa sinh viên và kỹ sư Trung Quốc theo học và làm việc trong các lĩnh vực công nghệ "nhạy cảm" như: hàng không vũ trụ, tự động hóa, AI ..
Bốn là, "vũ khí chiến lược" trong cuộc Chiến tranh lạnh 2.0 không còn là bộ ba vũ khí hạt nhân mà là cuộc chạy đua nghiên cứu, thử nghiệm, chế tạo và vận hành các máy tính lượng tử với tốc độ nhanh gấp hàng triệu lần so với các máy tính thông thường.
Năm là, Chiến tranh lạnh 2.0 sẽ diễn ra hết sức quyết liệt với tốc độ và cường độ cao trong rất nhiều lĩnh vực. Không giống như Chiến tranh Lạnh 1.0 kéo dài hơn 45 năm cho đến khi Liên xô và hệ thống XHCN cũ tan rã, Chiến tranh Lạnh kỹ thuật số 2.0 sẽ sớm được phân định, có thể chỉ trong vòng 4-6 năm, thậm chí còn nhanh hơn.
Trường hợp Công ty Nokia của Phần Lan trong lĩnh vực sản xuất điện thoại là một ví dụ điển hình. Hơn 10 năm trước, Nokia từng thống trị thị trường điện thoại thế giới với gần 60% thị phần. Tuy nhiên, gã khổng lồ Phần Lan đã bị buộc phải rời khỏi mảng điện thoại di động trong vòng chưa đầy 2 năm do sự chậm trễ trong việc sử dụng hệ điều hành Android. Nhiều khả năng Huawei cũng sẽ rơi vào tình trạng kinh doanh ảm đạm, thậm chí không loại trừ khả năng phá sản, nếu không có thỏa thuận giữa chính quyền Mỹ và công ty trong vòng 3-5 tháng tới.
Thời gian từ 4-6 năm tới sẽ cho chúng ta một bức tranh và câu trả lời rõ hơn về khả năng liệu Trung Quốc có thể bắt kịp Mỹ về tiến bộ công nghệ và tiến tới thách thức địa vị sự thống trị số 1 của Mỹ hay không.
Mỹ muốn gì từ cuộc đối đầu quyền lực mới với Trung Quốc?
Có thể thấy khá rõ, mục tiêu của Mỹ với Trung Quốc là kiếm soát chứ không phải làm cho Trung Quốc sụp đổ hay chia năm xẻ bảy vì điều này sẽ tạo ra sự bất ổn cho toàn bộ khu vực và thế giới và đe dọa ngược trở lại đối với an ninh quốc gia của nước Mỹ.
Điều mà Mỹ cần và đang nỗ lực hết mình là buộc Trung Quốc phải từ bỏ tham vọng, hoặc nếu còn tham vọng thì cũng không thể biến ước mơ hay tham vọng trở thành cường quốc số một thế giới của mình thành hiện thực. Một Trung Quốc "phát triển hòa bình", không có tham vọng địa-chính trị toàn cầu và không đủ khả năng soán ngôi Mỹ như Anh, Nhật Bản hay Brazil... là điều phù hợp với lợi ích của nước Mỹ.
Hơn ai hết, Trung Quốc biết rõ những khó khăn chồng chất mà mình đang phải đối mặt. Tuy nhiên, địa vị cường quốc và niềm kiêu hãnh dân tộc khiến Trung Quốc không bao giờ chấp nhận các áp đặt đơn phương từ phía Mỹ mà không tìm mọi cách chống lại. Do đó, "trận thư hùng" Mỹ - Trung sắp tới sẽ hết sức khốc liệt và gay cấn vì kẻ thua cuộc có lẽ sẽ sớm lui về dĩ vãng và chìm vào bóng tối như số phận của bao kẻ thua cuộc khác trong quá khứ.
Mai Nhật Dương
MỸ -TRUNG: ĐỐI ĐẦU QUỐC GIA HAY XUNG ĐỘT VỀ HỆ GÍA TRỊ ?
LS NGUYỄN TIẾN LẬP /TVN 20-6-2019
- Liệu có thể đánh giá đây là cuộc chiến hơn thua tổng lực của Mỹ nhằm ngăn cản, không cho Trung Quốc vươn lên tranh giành ngôi vị quốc gia số 1 của mình không?
Cả thế giới đang dõi theo và chịu tác động mạnh mẽ từ cái gọi là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Người Việt đương nhiên cũng vậy bởi thuộc về một đất nước có vị thế đặc biệt, vừa là nước bé bên cạnh Trung Quốc lại vừa phát triển kinh tế dựa vào kim ngạch xuất khẩu lớn sang thị trường Hoà Kỳ.
Chính vì thế, tôi đã đọc rất chăm chú với sự hứng thú cao hai bài phân tích về đề tài này của tác giả Mai Nhật Dương với nhan đề: “Quan hệ Mỹ - Trung: Từ tranh chấp thương mại sang đối đầu toàn diện”và “Bóng ma chiến tranh lạnh 2.0”.
Quả thật, tác giả đã rất công phu quan sát, sưu tầm số liệu và phân tích sắc sảo về nhiều khía cạnh nổi bật của quan hệ Mỹ - Trung trong nhiều năm qua.
Theo tôi, tác giả đã tiếp cận vấn đề theo hướng cho rằng mặc dù biểu hiện bằng hành động trừng phạt thương mại thông qua hàng rào thuế quan nhưng đây thực chất là cuộc chiến về công nghệ, mà nước Mỹ, được đại diện và dẫn dắt bới Tổng thống Trump và giới tinh hoà chính trị đang sử dụng cách thức này để “bắt nạt” Trung Quốc với mục tiêu “…buộc Trung Quốc phải từ bỏ tham vọng, hoặc nếu còn tham vọng thì cũng không thể biến ước mơ hay tham vọng trở thành cường quốc số một thế giới của mình thành hiện thực. Một Trung Quốc "phát triển hòa bình", không có tham vọng địa-chính trị toàn cầu và không đủ khả năng soán ngôi Mỹ như Anh, Nhật Bản hay Brazil... là điều phù hợp với lợi ích của nước Mỹ".
Chính cách tiếp cận vấn đề và kết luận như trên đã khơi gợi trong tôi mong muốn đưa ra vài ý kiến ban đầu, không chỉ bình luận mà trong chừng mực nào đó tranh luận với tác giả.
Mỹ - Trung: đối đầu quốc gia hay xung đột về hệ giá trị?
Trước hết, để tiếp cận vấn đề, nếu chúng ta coi câu chuyện về bản chất chỉ là cuộc chiến về công nghệ thì tôi có thể tiên lượng rằng Trung Quốc sớm muộn sẽ thắng bởi một lý do đơn giản. Đó là phát triển công nghệ cần hai thứ quan trọng là tiền và người, mà Trung Quốc có tiềm lực cho cả hai.
Chính phủ Trung Quốc có thể dùng tiền để tạo lập các cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu – phát triển và sử dụng nhiều tiền để mua nhân lực nghiên cứu tinh hoa nhất, không chỉ ở Mỹ mà còn từ khắp nơi trên thế giới. Nước Mỹ có thể ban hành luật cấm xuất khẩu công nghệ nhưng làm sao cấm được sự dịch chuyển chất xám từ Mỹ qua Trung Quốc một khi nó gắn với quyền tự do di chú của cá nhân?
Hơn nữa, Mỹ không thể mang điểm yếu của mình ra để “chọi” với điểm mạnh của đối thủ bởi Chính phủ Mỹ không thể huy động ngân sách để trả lương và hậu đãi các nhà khoa học, trong khi ở Trung Quốc điều đó là có thể và họ đã từng làm. Và nếu vậy thì chả lẽ con người thông minh và thực tế như Tổng thống Trump không nhận biết việc này hay sao, khi phát động cái được gọi là “cuộc chiến” với Trung Quốc này?
Thứ hai, có phải đây đích thực là cuộc đối đầu hay chiến tranh giữa các chủ thể là hai nhà nước và hai quốc gia kẻ thù, tương tự như chiến tranh xâm lược, thôn tính và huỷ diệt lẫn nhau xưa nay?
Xin thưa, chính tác giả đã so sánh và nêu ra điểm khác biệt căn bản giữa Chiến tranh lạnh của hai hệ thống thù địch trong quá khứ và cuộc chiến mới này, theo đó giữa Mỹ và Trung Quốc có nhiều lợi ích đan xen, vừa đối nghịch nhưng lại vừa hợp tác và phụ thuộc lẫn nhau, khác hẳn giữa Mỹ và Liên Xô trước kia.
Ngoài ra, rất cần lưu ý một sự khác biệt nữa trong ứng xử của hai quốc gia. Nếu như ở phía Trung Quốc, bên được cho đang ở thế bị động, hệ thống chính trị có vẻ đang tuyền truyền cho toàn dân về cuộc đối đầu toàn diện với nước Mỹ và kêu gọi họ vào cuộc thì chính ở Mỹ, theo đúng các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, không có một sự ban bố nào của chính quyền về tình trạng tương tự với Trung Quốc cả, ngoài một số biện pháp chính sách và pháp luật nhằm vào các khía cạnh cụ thể như thương mại và kiểm soát công nghệ trong quan hệ với nước này.
Và nếu thực tế là như vậy thì liệu có thể đánh giá đây là cuộc chiến hơn thua tổng lực của Mỹ nhằm ngăn cản, không cho Trung Quốc vươn lên tranh giành ngôi vị quốc gia số 1 của mình không?
Thứ ba, từ góc độ nghiên cứu và đánh giá khoa học, có thật sự tồn tại trên thế giới cái khái niệm hay tiêu chí ngôi vị “quốc gia hay cường quốc số một” không? Và nếu nước Mỹ thật sư quan tâm hay ám ảnh về điều này để đặt nó thành mục tiêu hành động thì có đúng rằng đa số người dân Mỹ suy nghĩ như vậy không?
Trên thực tế, đã và đang có rất nhiều chỉ số đánh giá so sánh được thế giới đưa ra về phát triển kinh tế, phát triển con người, trình độ khoa học – công nghệ hay tiến bộ xã hội v.v.., và theo các chỉ số đó, không bao giờ có bất cứ quốc gia nào, dù là Mỹ, đạt được ngôi vị đứng đầu tất cả.
Cho nên, tôi e rằng với trình độ chuyên nghiệp và tính cách thực dụng của người Mỹ, họ sẽ không tốn công sức để chạy theo các giá trị có tính huyễn hoặc và ảo ảnh như vậy.
Trong khi đó, chúng ta biết rằng với rất nhiều người Trung Quốc, nhất là giới tính hoa chính trị và trí thức, cái tham vọng cường quốc và sự ám ảnh về nỗi tủi nhục quốc gia do tụt hậu với các quốc gia khác và so với cả lịch sử của chính mình là có thật.
Có phải Tổng thống Trump là nguyên nhân của cuộc chiến?
Cuối cùng, để chia sẻ quan điểm của mình, tôi xin đưa ra một cách nhìn khác về “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung” hiện nay theo hướng đi tìm căn nguyên cội rễ của nó, từ đó tiên lượng khả năng đi xa và mở rộng của nó như thế nào.
Làm điều này, tôi muốn góp phần trả lời một câu hỏi đơn giản của nhiều người rằng: Có phải Tổng thống Trump là nguyên nhân của cuộc chiến này và giả sử rằng ông ta không thắng để tại vị ở nhiệm kỳ thứ hai, hoặc ít nhất sau ông ta thì cuộc chiến này với Trung Quốc sẽ kết thúc chăng?
"Tổng thống Trump xuất hiện đúng thời điểm lịch sử giao phó."
Như phân tích của tác giả Mai Nhật Dương, tôi đồng ý rằng trên thế giới sau sự sụp đổ của bức tường Berlin và Liên Xô không còn Cuộc chiến tranh lạnh hay sự đối đầu của hai hệ tư tưởng chi phối toàn diện đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của các quốc gia thuộc hai phe đối nghịch. Một trật tự thế giới mới đã hình thành với nền tảng chung là kinh tế thị trường theo các tiêu chí và khung khổ chung của WTO.
Đồng thời, các quốc gia có hệ thống chính trị khác nhau không còn lấy đo làm cơ sở cho sự bài trừ nhau mà ngược lại, đó là sự tôn trọng chủ quyền, xác định cùng phụ thuộc và hợp tác lẫn nhau cho mục tiêu “win-win” hay phát triển và thịnh vượng chung. Điển hình của tình thế này chính là sự bỏ qua mọi định kiến về sự khác biệt chính trị, là bình thường hoá và phát triển quan hệ nhiều mặt giữa các quốc gia như Mỹ và phương Tây với Trung Quốc và Việt Nam.
Tuy nhiên, cùng với sự hợp tác theo hướng hội nhập về kinh tế ngày càng sâu rộng giữa các quốc gia thì các nhu cầu và đòi hỏi về sự tôn trọng luật chơi chung, sự thừa nhận, chia sẻ các giá trị chung mang tính tinh thần và đạo đức được biểu hiện tập trung ở độ tin cậy chính trị giữa các nhà nước cũng ngày càng tăng.
Đối với các nước phương Tây nói chung và nước Mỹ nói riêng, vốn là các quốc gia đã tạo lập ra cả WTO lẫn khung khổ luật chơi của nó, việc tuân thủ các nguyên lý của cạnh tranh tự do, thương mại công bằng, pháp quyền dân chủ và đề cao nhân quyền không chỉ là yêu cầu tối thiểu mà còn là các giá trị đương nhiên, có tính phổ quát và do đó, đồng nghĩa với tính hiệu lực áp đặt cho mọi quốc gia.
Nói đến nước Mỹ là phải nói tới đặc thù của quốc gia này; nơi ở đó về nguyên tắc không có cái gọi là sự dẫn dắt, lãnh đạo hay áp đặt của chính quyền đối với người dân. Hay nói một cách khác, ở đó, mọi mục tiêu và động lực của các hành động của nhà nước và thể chế chính trị đều xuất phát từ dưới lên, tức hạ tầng kinh tế - xã hội bao gồm các doanh nghiệp, người dân và các tổ chức dân sự.
Linh hồn của các cơ sở hạ tầng này chính là tự do và chính quyền sinh ra là để bảo đảm cho tự do đó thông qua công cụ là nhà nước pháp quyền. Người Mỹ nói chung chứ không phải chỉ giới tinh hoa chính trị Mỹ luôn luôn tự hào về tự do là các giá trị của họ và cho rằng nó là cội nguồn của cả đạo đức và sức mạnh, cho nên muốn cả thế giới cũng phải thừa nhận, noi theo.
Trong khi đó, đối với Trung Quốc, bối cảnh tổng thể dường như ngược lại. Có thể vẫn là nền kinh tế thị trường như được vận hành theo một nguyên lý khác; theo đó, sự dẫn dắt và chỉ đạo mang tính định hướng và áp đặt của nhà nước vẫn là cơ bản.
Thay vì lấy tự do và giá trị của từng cá nhân làm mục tiêu hành động thì nhà nước định hướng xã hội vào các nỗ lực để có một nhà nước quốc gia mạnh mẽ và ngày càng vượt trội trên bình diện quốc tế.
Với mong muốn đó, chính quyền buộc phải hành động chủ động và can dự vào mọi hoạt động của cả xã hội và thị trường, vốn là điều mà người Mỹ nói chung khó có thể chia sẻ và chấp nhận. Chẳng hạn, tất cả đầu tư của nước ngoài vào Mỹ đều được tôn trọng và hoan nghênh nhưng đó phải là đầu tư của tư nhân mà không thể là đầu tư có nguồn gốc nhà nước hay bị chi phối bởi chính phủ. Lý do đơn giản bởi vì đó phải là các hoạt động kinh tế phi chính trị và chịu sự chi phối của quy luật cạnh tranh tự do trên thương trường chứ không phải bởi các tác động khác.
Vấn đề trực tiếp liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện nay, tuy nhiên lại ở chỗ các giới hạn của tình hình. Nếu không có các điểm mốc về giới hạn như thâm hụt thương mại, kiểm soát tiền tệ hay chạy đua, giành giật về công nghệ v.v.. đã bị vượt qua trong quan hệ giữa hai bên, dẫn đến đồng thời những giới hạn được cho là nguy hiểm đối với nền kinh tế và lợi ích quốc gia của Mỹ thì rất có thể cuộc chiến này vẫn chưa xảy ra.
Do đó, trong cả câu chuyện này, theo cách nhìn của tôi, vai trò của Tổng thống Trump chỉ là sự xuất hiện đúng thời điểm của một nhân vật cần thực hiện một sứ mệnh được lịch sử giao phó. Đó chính là các hành động có tính khẩn cấp và kiên quyết để khôi phục cái được mô tả là sự công bằng nhưng thực chất là loại trừ nguy cơ để bảo vệ các giá trị tự do Mỹ.
Nói một cách khác, tôi cho rằng các chỉ số về độ “vênh” trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung đã đi quá xa và đạt tới các giới hạn để bộc lộ ra bản chất về sự khác biệt về hệ giá trị và các tiêu chuẩn mà mỗi quốc gia đang theo đuổi. Chính điều này đã, đang và sẽ làm cho các sự vụ đối đầu giữa hai nước ngày càng trở nên phức tạp, kéo dài và khó khắc phục.
Tóm lại, rất có thể và cũng rất nên rằng mỗi người chúng ta, những người Việt sẽ tiếp tục theo dõi, nghiên cứu và bàn luận về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung như một tình thế mới của thế giới có liên quan đến mọi quốc gia.
Tuy nhiên, có lẽ ngoài việc phân tích, mổ xẻ các hiện tượng và tác động trực tiếp của nó, nhu cầu dự báo về diễn biến lâu dài của cuộc chiến này nói riêng và quan hệ Mỹ - Trung nói chung, bao gồm cả sự thay đổi của hiện trạng mỗi bên qua đó, là thực sự cần thiết.
Cho mục đích này, không có cách nào khác là cần nhận diện đúng bản chất và các nguyên nhân sâu xa của vấn đề, và đó cũng là điều tác giả xin được đóng góp và chia sẻ.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập
Thành viên NHQuang & Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam
TẬP CẬN BÌNH MUỐN THỐNG TRỊ TOÀN CẦU NHƯNG ĐÃ TÍNH TOÁN NHẦM
MAI HƯNG dịch/ VNTB/BVN 22-6-2019
Tổng thống Trump, đặt cược bằng tiền thật – đó là sức mạnh của Hoa Kỳ – rõ ràng đang giữ thế thượng phong, và những nhượng bộ mà Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ phải thực hiện sẽ không chỉ là phỉnh đánh bạc. Khi - nếu thỏa thuận rốt cuộc được đưa ra, Tổng thống Trump chắc chắn sẽ tuôn ra các tweet đầy khoe khoang, một phần là để củng cố sự ủng hộ của cử tri cho nhiệm kỳ thứ hai, giữa những rắc rối cá nhân và chính sách. Đối với ông Tập, bất kỳ thỏa thuận đều có thể có nghĩa là một sự mất thể diện rất nghiêm trọng.
Ông Tập thâu tóm quyền lực khi Trung Quốc vẫn đang tiếp tục phát huy cái gọi là phép màu kinh tế (và Hoa Kỳ vẫn sa lầy trong hậu quả của cuộc suy thoái kinh tế 2008-9). Ông trở thành tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (C.C.P.) vào cuối năm 2012 và là chủ tịch của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào đầu năm 2013. Chiến dịch chống tham nhũng của ông đã ngay lập tức trở nên rộng khắp. Ông bảo vệ “Trung Hoa mộng”, một viễn kiến mơ hồ về sự thịnh vượng, sức mạnh và hạnh phúc của đất nước và người dân TQ, viễn kiến này dường như đã khích động nhiều người dân. Việc ông Tập đề xuất với Tổng thống Barack Obama nhằm thiết lập một “Mô hình mới về Quan hệ của một đại cường” chỉ có thể làm hài lòng đa số người Hán với những hoài niệm đế quốc quá vãng.
Nhưng đó chỉ là những pha tung hứng hay phi dao đơn giản trong rạp xiếc, được thực hiện ở một đất nước không có sự đối lập nào được lắng nghe và cấm đoán những “đàm tiếu” về chính quyền TQ. Mặt khác, cuộc chiến thương mại Hoa – Mỹ là trường hợp thực tế đầu tiên để đánh giá khả năng lãnh đạo của ông Tập. Và màn trình diễn của ông Tập dường như không được thành công lắm, thậm chí ngay cả khi người ta không tính đến những thất bại liên quan đến cuộc chiến thương mại Hoa - Mỹ này.
Điều đầu tiên và quan trọng nhất, là ông Tập đã hoàn toàn thất bại trong việc xử lý mối quan hệ Hoa - Mỹ. Điều này trái ngược với mọi nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ khi thành lập nhà nước cộng sản hồi năm 1949, những nhà lãnh đạo TQ trong quá khứ đều thừa nhận tầm quan trọng tối cao của những mối quan hệ đó, và đã làm tất cả cải thiện chúng - và đã gặt hái được những lợi ích to lớn.
Vào năm 1971, Mao đã kiến tạo nền ngoại giao bóng bàn để làm tan băng, và Tổng thống Nixon đã ủng hộ ông ta trong cuộc chiến chống Liên Xô.
Đặng Tiểu Bình đã đi khắp nơi để tán tỉnh lấy lòng Hoa Kỳ, và, vào năm 1979, Tổng thống Jimmy Carter đã chuyển sự công nhận đối với Trung Quốc từ Đài Bắc sang Bắc Kinh.
Trong những năm 1980, các nhà lãnh đạo Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương đã mời Milton Friedman và các nhà kinh tế Mỹ khác đến thăm TQ và tranh thủ những khuyến nghị tham vấn của họ; sau những diễn biến ấy, công nghệ và tư bản của Mỹ bắt đầu chảy vào Trung Quốc.
Năm 1997, Giang Trạch Dân có chuyến công du tám ngày ở Mỹ, khi ở Williamsburg - Virginia, ông ta đã đội một chiếc mũ ba góc biểu trưng của thời kỳ thực dân.
Năm 2001, TT Bill Clinton lúc đó đã giành cho Trung Quốc một cú hích mạnh mẽ để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Những năm Hồ Cẩm Đào nắm quyền, 2003 - 2013, chứng kiến việc Trung Quốc đã khai thác sự cởi mở (và cả ngây thơ nữa) của nước Mỹ đầy khéo léo. Những mặt hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc đã tạo ra một sự thâm hụt thương mại song phương không kiểm soát nổi đối với Hoa Kỳ. Các viện Khổng Tử, một mạng lưới các trường ngôn ngữ kiêm các cơ quan gây tạo ảnh hưởng, bắt đầu bén rễ trong các trường đại học và trung học của Mỹ. Hiện nay, đã có hơn 100 viện như thế trên khắp nước Mỹ. Các nhà đầu tư Trung Quốc tràn ngập Thung lũng Silicon bằng số tiền huy động được trên các thị trường tài chính Mỹ - sau đó lặng lẽ ăn cắp công nghệ tiên tiến của Mỹ và đưa công nghệ tiên tiến ấy vào trung tâm công nghệ cao Trung Quốc.
Nhưng ông Tập lại là nhà lãnh đạo cứng rắn đầy hung hăng. Dưới thời ông Tập, những đại ngôn chống Mỹ được lan truyền trên các phương tiện truyền thông chính thức. Chính quyền Trung Quốc đã công khai bày tỏ ý muốn thách thức sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại Châu Á.
TQ đã có những động thái mạnh mẽ đối với Đài Loan và Biển Đông. TQ đã cho tàu chiến diễu hành qua lãnh hải của Mỹ ở ngoài khơi Alaska. (TQ tuyên bố rằng chỉ thực hiện một quyền đã được quốc tế công nhận về việc “qua lại vô hại”, nhưng động thái rõ ràng là một màn trình diễn quân sự).
Nhà cầm quyền Bắc Kinh cố gắng hợp tác với các thành viên của cộng đồng người Trung Quốc ở hải ngoại, với hy vọng rằng sẽ phát triển một mạng lưới trợ giúp công cuộc xâm nhập chính trị vào các quốc gia khác và chuyển giao (mà thực chất là đánh cắp – người dịch) công nghệ cao từ các quốc gia này về cho TQ.
Để đạt được mục đích này TQ đã sử dụng cả hai kế hoạch công khai, ví như Kế hoạch tìm kiếm 1000 tài năng, một chương trình săn đầu người chính thức, và các chiến thuật bí mật được giám sát bởi cỗ máy đầy uy lực của C.C.P.- Mặt trận Thống nhất.
Những nỗ lực này đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo cho một số người Mỹ. Trong hai năm 2017 và 2018, hai nhóm học giả tinh hoa và các cựu quan chức chính quyền Hoa Kỳ đã lên tiếng ủng hộ một sự thay đổi quan điểm chính trị cơ bản của Mỹ về Trung Quốc.
Các thành viên của hai nhóm này là những người ôn hòa và hầu hết thân thiện với Trung Quốc. Một số khuyến nghị của họ phù hợp với quan điểm diều hâu của chính quyền Trump, coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh và kẻ thù số một của Mỹ. Ông Tập, dường như không biết gì về sự thay đổi lớn lao này, vì đã không được chuẩn bị gì khi TT Trump tấn công Trung Quốc bằng một cuộc chiến thuế quan.
Cuộc cạnh tranh này hiện đang có một hiệu lực cảnh báo đối với những nơi khác ở Châu Á, Úc, New Zealand và Châu Âu.
Sau hội nghị thượng đỉnh tại Brussels vào tháng trước, Trung Quốc đã đồng ý trao cho các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu tiếp cận thị trường “cải thiện”, chấm dứt việc bắt buộc chuyển giao công nghệ và thảo luận về khả năng cắt giảm trợ cấp nhà nước cho các công ty Trung Quốc, điều mà các chính phủ khác cho rằng đã tạo ra một lợi thế cạnh tranh không lành mạnh. Mặc dù được trình bày bằng những ngôn từ ôn hòa, đầy tính chất tương nhượng trong tuyên bố chung, những nhượng bộ này là một trở ngại rõ ràng cho Trung Quốc và sẽ dập tắt những tham vọng toàn cầu của họ.
Tại sao tất cả những điều này lại xảy ra dưới thời của ông Tập? Lịch sử gợi ý một câu trả lời.
Vào cuối những năm 1950, Mao bắt đầu thách thức sự lãnh đạo của Liên Xô đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, khi đó vốn đang là một thế lực kiêu hùng hy vọng lật đổ trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo. Mao cũng tìm kiếm một sự thống trị toàn cầu, phù hợp với quan niệm truyền thống của TQ cho rằng hoàng đế của Đế chế Trung Hoa là người cai trị hợp pháp đối với toàn “thiên hạ” (tian xia” = (天下), tức là tất cả mọi thứ dưới gầm trời này. Nhưng Mao đã hành động một cách thái quá. Trung Quốc lúc đó chưa đủ mạnh để thực hiện tham vọng này. Quyết định của Liên Xô về việc chấm dứt các chương trình viện trợ cho Trung Quốc và rút các cố vấn khoa học và công nghệ của họ về nước là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế xã hội chủ nghĩa TQ đang mới hình thành.
Giống như Mao với Liên Xô, ông Tập có thể đã thách thức sự lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ một cách quá thô lỗ và quá sớm.
Khiếm khuyết lớn thứ hai của ông Tập là sự thất bại trong việc hoạch định một tập hợp các chính sách rõ ràng để ngăn chặn sự suy yếu kéo dài của nền kinh tế Trung Quốc sau nhiều năm phát triển ngoạn mục.
Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc trong năm 2018 là mức tăng trưởng yếu nhất trong 28 năm qua. Số liệu thống kê trong quý I của năm nay (2019) là 6,4%, so với mức cao kỷ lục 15,4% của cùng kỳ năm 1993. Ngay đến cả con số tăng trưởng này (6,4%,) cũng sẽ là điều ghen tị của nhiều quốc gia phương Tây, nhưng sự suy giảm này sẽ khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải lo ngại, vì nó cho thấy một cách trực quan các vấn đề mang tính cấu trúc của quốc gia này - đáng chú ý là dân số bị già đi một cách nhanh chóng, lực lượng lao động bị co lại và tỷ lệ tổng nợ trên GDP đạt mức gần 300% trong quý I của năm 2018. Ngân hàng Nomura của Nhật Bản đã ước tính rằng việc không trả được nợ trái phiếu có mệnh giá bằng đồng Nhân dân tệ đã tăng gấp bốn lần trong năm 2017 và 2018.
Chịu sức ép nặng nề về mặt nhân khẩu học và nợ, Trung Quốc khó có thể bành trướng thông qua tăng đầu tư tư nhân và tiêu dùng. Bởi vì nền kinh tế của TQ đã có một số khả năng dư thừa khổng lồ (xin hãy nghĩ về việc các thành phố ma mới được xây dựng), cho nên điều tồi tệ hơn là những kích thích của chính quyền không hiệu quả lắm.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2008, phải mất một nghìn tỷ nhân dân tệ để tạo ra một nghìn tỷ nhân dân tệ sản lượng kinh tế; vào năm 2017 tỷ lệ này là 3,5:1.
Tuy nhiên, ông Tập đã chẳng làm được gì để giải quyết các vấn đề mang tính cấu trúc này.
Bằng chứng về các vấn đề nhân khẩu học nghiêm trọng đã trở nên rõ ràng ngay từ cuối những năm 2000, nhưng đến năm 2016, ông Tập vẫn chỉ thay thế chính sách một con bằng chính sách hai con. Quá ít, quá muộn. Số trẻ sơ sinh của Trung Quốc mỗi năm đã giảm kể từ khi có những thay đổi này. Tổng số trẻ sơ sinh của năm 2018 là thấp nhất kể từ năm 1961, năm TQ trải qua nạn đói khủng khiếp.
Ông Tập đã phê duyệt một gói kích thích kinh tế vào năm 2015 lớn hơn 25% so với kế hoạch khẩn cấp của người tiền nhiệm vào năm 2009 như một cách đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Và một lần nữa, chỉ trong tháng 1 và tháng 2 của năm nay, ngay cả khi ông Tập đã thể hiện sự ủng hộ suông đối với sự cần thiết phải dần dần loại bỏ sự hỗ trợ của nhà nước đối với nền kinh tế, chính quyền vẫn cung cấp các khoản vay và tài trợ mới vượt quá quy mô của gói kích cầu cho cả năm 2015, theo một bài báo trên tạp chí Forbes.
Chỉ trích thứ ba đối với ông Tập là dưới thời ông, Trung Quốc đã tài trợ hoặc đã bỏ qua các hoạt động của các công dân và thực thể Trung Quốc trên toàn thế giới, điều này đã làm tổn hại danh tiếng quốc tế đồng thời cũng làm suy giảm nền tảng, cấu trúc đạo đức của chính họ.
Xin lấy một ví dụ trong lĩnh vực tài sản trí tuệ chẳng hạn. Hoa Kỳ có được những bằng chứng xác thực rằng chính sách của riêng Huawei, một công ty công nghệ cao hàng đầu của Trung Quốc, là thưởng cho những nhân viên nào đánh cắp được tài sản trí tuệ. Và, như tôi trước đây đã từng viết, một chính sách như vậy được khuyến khích, thậm chí còn là bắt buộc, theo Luật Tình báo Quốc gia Trung Quốc được thông qua trong năm 2017.
Theo truyền thống, nhà nước lý tưởng của Trung Quốc là một nhà nước Nho giáo tuân thủ các chuẩn mực đạo đức và hành vi nghiêm ngặt. Và cho dù là ông Tập mạnh tay đối với tệ nạn tham nhũng ở quốc nội, ông Tập lại đi khuyến khích tinh thần đạo đức xấu xa ở nước ngoài; viễn kiến của ông về Trung Quốc là một quốc gia của những tên trộm cắp yêu nước.
Kết cục là mọi người Trung Quốc đều bị mất thể diện, và giờ đây những người vô tội ở nước ngoài có thể bị sa thải vì liên quan đến tội phạm.
Ông Tập được coi là nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất kể từ thời Mao. Năm ngoái, sau khi Hiến pháp được sửa đổi, ông ta có thể làm lãnh đạo trọn đời - trừ khi những thất bại nghiêm trọng về lãnh đạo của ông ta làm cho các địch thủ quốc nội có đủ lý do để buộc ông từ chức.
Nguồn bản gốc: Xi Jinping Wanted Global Dominance. He Overshot.
https://www.nytimes.com/2019/05/07/opinion/xi-trump-trade-war-china-leadership.html
VNTB gửi BVN bản dịch
https://www.nytimes.com/2019/05/07/opinion/xi-trump-trade-war-china-leadership.html
VNTB gửi BVN bản dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét