Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2019

20190608. BÀN VỀ ĐẤU TRANH TRÊN LĨNH VỰC TƯ TƯỞNG VÀ LÝ LUẬN

ĐIỂM BÁO MẠNG
CUỘC ĐẤU TRANH TƯ TƯỞNG, LÝ LUẬN TẤT YẾU, LÂU DÀI VÀ KHÔNG KHOAN NHƯỢNG HIỆN NAY

NHỊ LÊ/ TCCS 22-5-2019

Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam - Nguồn: philosophy.vass.gov.vn

Ảo tưởng, buông lơi hay tự huyễn hoặc mình... nhất định thất bại
Khi một tư tưởng xuất hiện, tồn tại và phát triển, tự thân nó là một cuộc đấu tranh để tự khẳng định nó; và, tranh đấu với các tư tưởng khác, dù muốn hay không, dưới muôn ngàn hình thức, quy mô, tính chất và mức độ, là quy luật sinh tồn của tư tưởng, đó là lẽ tự nhiên của sự phát triển. Không có con đường nào khác. 
Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự nghiệp đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc đã và đang như vậy. Phương diện tư tưởng, lý luận chính trị của chúng ta cũng như vậy, không nằm ngoài quy luật đó. 
Hiện nay, hơn bao giờ hết, sau hơn 32 năm đổi mới, trên đường tiến tới Đại hội XIII của Đảng, cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận đang đối mặt với rất nhiều thử thách. Chúng ta hiểu rằng, có những ý kiến phản biện, đóng góp tâm huyết hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp cho việc hoạch định đường lối và tổ chức thực tiễn từ nhiều người, nhiều phía cả trong và ngoài nước, chúng ta trân trọng ghi nhận và tiếp thu. Nhưng, nếu đem ý kiến phản biện dù đầy thiện chí xây dựng đó tán phát khắp nơi, thậm chí loan tải trên mạng in-tơ-nét để cho người khác lợi dụng, công kích, chống phá,... thì lại đưa câu chuyện ấy sang một hướng khác, dù thấm đẫm sự mong đợi về nhiệt huyết hay thiện tâm nào đó. 
Mấy năm nay, với “hàng núi” sách báo chống Đảng, hàng trăm giọng điệu công kích, bôi nhọ, phủ nhận, với hàng nghìn thủ đoạn đủ loại, trên mọi phương diện, đang tràn ngập mạng in-tơ-nét: về nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, về Đảng và sự cầm quyền của Đảng, về thể chế xã hội chủ nghĩa Việt Nam, về hệ thống chính trị và về đội ngũ cán bộ, đảng viên... Những luận điệu xuyên tạc công cuộc đổi mới, sự công kích Đảng, Nhà nước và đất nước ta từ nhiều phía, với nhiều thủ đoạn, ở nhiều mức độ và nhiều tính chất, cả bên trong lẫn bên ngoài, rất phức tạp. Theo đó, xuất hiện đủ loại thái độ và phương cách hành xử gây nên tình trạng trắng đen lẫn lộn, thật giả hỗn mang, rất khó nhận diện và rất nguy hiểm nhưng rất tinh vi. 
Có người, để ru ngủ và khiến không ít người lãng quên và mất cảnh giác, đã chỉ trích một cách ma mỵ rằng, chúng ta tưởng tượng ra cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận chính trị hiện nay và thổi phồng sự cấp bách cuộc đấu tranh này(!). Không! Chúng ta cũng không tự dựng lên những kẻ thù tư tưởng, lý luận chính trị, như ai đó nói, để huyễn hoặc sự quan trọng của chúng ta hay để khuếch trương lên sự phức tạp những công việc này. Chúng ta xây dựng sự thống nhất xã hội về tư tưởng chứ không phải “đồng phục tư tưởng”(!), kiến tạo nền lý luận trung thành và độc lập, sáng tạo của Việt Nam chứ không phải thứ “lý luận nhập khẩu”, “đầu Ngô mình Sở”(!), như những ai đó bôi nhọ và công kích. 
Chúng ta càng không mơ hồ, ảo tưởng, tự ru ngủ mình về “sự thống nhất trong đa dạng” một cách cực đoan nào đó, như họ cổ xúy, rồi rơi vào sự chiết trung theo kiểu “vỗ vai cùng chung sống giữa các tư tưởng, các trào lưu”(!) hay “đã nguội tắt dần cuộc đấu tranh ý thức hệ”(!) giữa các hệ tư tưởng, các thể chế, quốc gia, dân tộc, biểu hiện tập trung giữa các tư tưởng gia ở những chế độ khác nhau... Chúng ta cũng càng không buông tay, thúc thủ, an bài, hoặc bi quan, yếm thế nào đó, rồi rơi vào “vũng lầy” của sự hoang mang, vô định, như những ai đó mong đợi hiện nay. Chúng ta hiểu rằng, bản chất của những sự thật về những hình thái vận động và đấu tranh tư tưởng, lý luận đó đang trở thành phổ biến một cách hết sức phức tạp có thể bị lừa phỉnh hoặc bị che lấp bởi những trào lưu mới mà những kẻ thù tư tưởng của chúng ta chưa bao giờ buông bỏ sự chống phá thâm hiểm, thậm chí kháng cự quyết liệt. 
Cuộc đấu tranh về tư tưởng, lý luận chính trị của chúng ta hiện nay đang đối mặt, thậm chí bị chi phối, bị cản trở và phải đối diện với tối thiểu chính những điều đó. Đó là những trở lực chết người trên con đường kiến tạo nền tư tưởng thống nhất, lý luận kiên định, độc lập và sáng tạo bảo đảm dẫn dắt công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, dưới ngọn cờ của Đảng.
Lịch sử phát triển của cách mạng nước ta ngày càng cho thấy, càng ở những khúc quanh hay bước ngoặt của nó như hiện nay, điều đó càng hiện diện, càng muôn vẻ, phức tạp và khôn lường nhất. Và, hiện nay, cuộc đấu tranh này hiện diện trên vũ đài lịch sử nước ta nói chung, trên địa hạt tư tưởng, lý luận chính trị nói riêng, khiến chúng ta không thể thể lảng tránh, chối bỏ, hay thúc thủ, bàng quan, càng không dung thứ bất cứ một sự ngụy tạo nào... nếu muốn bảo vệ tiếp tục phát triển độc lập, sáng tạo nền tảng tư tưởng, lý luận chính trị của Đảng đủ sức dẫn dắt và phát triển đất nước trên con đường xã hội chủ nghĩa. 
Mơ hồ hay buông lỏng cuộc đấu tranh này, chúng ta sẽ thất bại. Bản chất của những kẻ chống phá chúng ta không bao giờ thay đổi.
Và vì thế, cần thiết phải nói thêm rằng, hiện giờ, cuộc đấu tranh này càng nóng bỏng, mang ý nghĩa không khoan nhượng, thậm chí sinh tử hơn hết bao giờ.
Những vấn đề cốt tử có ý nghĩa mất còn trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận chính trị hiện nay
Nhìn toàn cục, hiện tại có thể hình dung 8 loại vấn đề cốt tử và chủ yếu mệnh hệ chung quanh vấn đề này, mà các phần tử chống phá tập trung mũi nhọn, bằng mọi thủ đoạn và hình thức đang ra sức công kích từ bên ngoài và gieo rắc mối hoài nghi, chia rẽ từ bên trong. Và, ở mức độ này hay tính chất khác, trong đội ngũ chúng ta có một số người “bị sập bẫy”, rồi phụ họa, thậm chí ủng hộ những biểu hiện, âm mưu, thủ đoạn ấy. 
Thứ nhất, công phá nền tảng tư tưởng chính trị và thủ tiêu ý thức hệ. 
Với đủ giọng điệu nhiều cung bậc, họ phê phán, công kích trực diện vào chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Lê-nin... hòng làm phân tâm, gây hoài nghi trong những người hoạch định chiến lược, bôi nhọ và cuối cùng đánh sập nền tảng chính trị và cơ sở tư tưởng của đường lối chính trị của Đảng. Đây là thủ đoạn hết sức thâm độc và có sức công phá lớn, nhằm thẳng vào nền tảng chính trị tư tưởng của Đảng và tác họa khôn lường, nhằm lật đổ Đảng từ những vấn đề căn bản, có ý nghĩa cốt tử. 
Chung quanh vấn này, nổi bật mấy loại chủ yếu: Tiếp tục công kích vào các loại vấn đề cơ bản thuộc hình thái kinh tế - xã hội, phương thức sản xuất, động lực phát triển xã hội, vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, phương pháp tư duy và phương pháp cách mạng,... Thủ đoạn mới là, họ chuyển từ sự bôi nhọ cái gọi là “du nhập ngoại lại” sang đánh tráo khái niệm, thay thế các khái niệm... nhằm cổ xúy cho cái gọi là “đảo lộn” tư duy, gây rối loạn về phương pháp luận. Thổi phồng những cái gọi là “chủ thuyết phát triển nhân loại mới”, đem đối lập C. Mác với V.I. Lê-nin; đối lập Hồ Chí Minh với V.I. Lê-nin, thổi phồng một cách cực đoan tư tưởng Hồ Chí Minh,... cốt phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vô hình hạ bệ tư tưởng Hồ Chí Minh, rốt cuộc nhằm phủ nhận, công phá và đánh sập nền tảng chính trị tư tưởng của Đảng. 
Và, họ đánh lừa được không ít người. Có không ít loại ý kiến theo đuôi và phụ họa của những người non kém về chính trị, bạc nhược về tư tưởng. 
Thứ hai, bôi nhọ, xuyên tạc đường lối chính trị và công phá thể chế chính trị. 
Đây là “tử huyệt” mà các luận điệu thù địch tập trung sức công phá, ở nhiều mức độ: nhẹ thì tung hỏa mù, đánh lạc hướng, gây nên tình trạng nghi ngờ, mất phương hướng hành động; nặng thì không từ mọi chiêu bài, thủ đoạn nhằm phủ nhận tính cách mạng, cơ sở khoa học và bôi nhọ thực tiễn lịch sử cách mạng nhằm xuyên tạc và phủ nhận đường lối chính trị của Đảng. 
Trong rất nhiều phương diện chung quanh vấn đề này, xin nhấn mạnh mấy loại luận điệu tập trung công kích trụ cột đường lối chính trị và thể chế chính trị Việt Nam: 1- Bài xích, phủ nhận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, 2- Cổ xúy đa nguyên chính trị, đòi “tam quyền phân lập”, vu khống chế độ toàn trị, dựng lên và thổi phồng “lỗi hệ thống”... nhằm xóa bỏ thể chế hiện tồn, 3- Tán dương và cái gọi là “khuyến nghị” thực thi phát triển “xã hội dân sự”; 4- Lợi dụng việc sửa đổi Hiến pháp và các luật nhằm làm sai lệch những vấn đề cơ bản nhất về chế độ sở hữu, về quyền con người, quyền dân tộc,... 
Chuyển hóa đường lối chính trị, thông qua việc chia rẽ, mua chuộc đội ngũ các nhà chính trị hoạch định đường lối, và là con đường ngắn nhất chuyển hóa chế độ. Lợi dụng “lợi ích nhóm” và các “nhóm lợi ích”, họ tán dương và dùng mọi giọng điệu để bôi nhọ, khoét sâu những vấn đề này nhằm phân hóa từ trong nội bộ Đảng, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, phá nát chiến lược cán bộ, tạo sự gây hấn, phân hóa giữa các loại cán bộ trong hệ thống chính trị của chúng ta. 
Thứ ba, tung hỏa mù về “đảng trị” và vu khống Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền.
Họ bài xích Đảng, với các mánh lới và giọng điệu vừa tinh vi, vừa trắng trợn: 1- Đảng tự cho mình đứng trên tất cả, nghị quyết của Đảng cao hơn và bất chấp Hiến pháp, chỉ cần Hiến pháp không cần Đảng; 2- Độc đảng tất yếu sẽ là chế độ toàn trị, cần phải đa đảng mới hy vọng có dân chủ, mới có chế độ dân chủ; 3- Cần lập các trường phái trong Đảng mới thực sự dân chủ, nếu Đảng muốn xây dựng nền dân chủ đích thực của đất nước; 4- Đảng tự cho mình quyền lãnh đạo đất nước, xưa nay có Đảng đâu mà dân tộc vẫn tồn tại và phát triển; 5- Đa thành phần kinh tế nhất định sẽ dẫn tới đa đảng chính trị; 6- Cần “phi chính trị hóa” và tôn trọng tính độc lập của các lực lượng vũ trang, không cần sự lãnh đạo của Đảng; 7- Giai cấp công nhân đã hết vai trò, tới lượt và chỉ có trí thức mới là lực lượng dẫn dắt xã hội thay vì giai cấp công nhân, trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; 7- Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền phi chính đáng, phi chính danh...v.v. và v.v.. Vô vàn các giọng điệu hằn học, bôi nhọ, phủ nhận, xuyên tạc bất chấp mọi lý lẽ thông thường.
Thứ tư, chia rẽ phá hoại mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. 
Sức mạnh của Đảng sẽ mất, nếu tách khỏi cơ sở xã hội - chính trị là nhân dân. Đó chính là pháp lý được ghi trong Hiến pháp, trong vị thế “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân” và đạo lý sống được thừa nhận trong xã hội, với tư cách là “đứa con nòi của giai cấp lao động” của Đảng. Chúng âm mưu đánh sập đạo lý của Đảng chúng ta với nhân dân, phủ nhận sự chính danh, chính pháp giữa Đảng với Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Các luận điệu đó, cốt chia rẽ, âm mưu kích động đối lập Đảng với nhân dân, tạo sự xa cách, oán thán, thù ghét, tẩy trừ cán bộ và đảng viên của Đảng, dưới mọi hình thức. Chúng cổ xúy cho bảo trợ và tham gia các tổ chức “xã hội dân sự” tự phát. Chúng ngụy tạo, tô vẽ, thổi phồng những biểu hiện riêng lẻ, những khuyết điểm để thổi phồng quy kết thành bản chất của một đảng cầm quyền và đã làm phân tâm không ít bộ phận dân cư. 
Thứ năm, khoét sâu vấn đề tôn giáo, dân tộc, nhân quyền với thể chế xã hội chủ nghĩa nhằm phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống lại nhân dân. 
Đây là các duyên cớ để các luận điệu thổi phồng sự thật, khoét sâu sự ngăn cách thù oán do chúng tưởng tượng và dựng lên, để mưu đồ đối lập Đảng với tôn giáo, kích động sự kỳ thị giữa các dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc anh em, nhằm chia rẽ nội bộ các dân tộc, giữa đồng bào có đạo và không theo đạo, giữa các tôn giáo với nhau, đào sâu hố ngăn cách giữa đồng bào các tôn giáo với Đảng, Nhà nước. Chúng thường gắn vấn đề dân tộc với vấn đề tôn giáo, kích động vấn đề nhân quyền, phá rối từ cơ sở, tiến tới lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng bằng các hình thức “cách mạng màu”.
Các thủ đoạn thường thấy là, kích động đòi đất, đòi nơi thờ tự vô lối, đòi hành lễ phi pháp luật, tụ tập đông giáo dân gây mất an ninh thực hiện cái gọi là “bất tuân dân sự”; chia rẽ, kích động đồng bào các dân tộc thiểu số biểu tình gây bạo loạn... dưới chiêu bài nhân quyền, tự do, dân chủ; móc nối với các tổ chức quốc tế, với các thế lực thù địch từ nước ngoài để làm rối tình hình trong nước.
Họ kích động, hà hơi tiếp sức những người nhân danh “lòng yêu nước”, mưu toan khởi hấn, xuống đường biểu tình vô lối, để “đục nước béo cò”, “mượn gió bẻ măng”... mưu lợi cho mình và phe nhóm mình. 
Thứ sáu, thông qua vấn đề chính trị gia và quan hệ giữa các nhà lãnh đạo chính trị, giữa các lực lượng nhằm xâm hại thể chế xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đây là vấn đề xung yếu nhất. Ngụy tạo mâu thuẫn trong Bộ Chính trị, tưởng tượng sự chia rẽ Ban Chấp hành Trung ương Đảng với Quốc hội và Chính phủ; thổi phồng sự khác biệt, cao hơn là mâu thuẫn giữa các thế hệ lãnh đạo, các cá nhân lãnh đạo các cấp, nhất là cấp chiến lược... với âm mưu thúc đẩy tan rã nội bộ và tự tan rã thế chế. Họ ngụy tạo những trang điện tử giả danh cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước để tung tin giả, công kích nội bộ nhằm gây nghi kỵ lẫn nhau, tạo nên sự hỗn mang tư tưởng rất nguy hiểm. 
Âm mưu đó nham hiểm không kém thủ đoạn kích động tư tưởng “sứ quân”, “cát cứ”, gây chia rẽ vùng, miền, đòi “dân sự hóa” Quân đội nhân dân, ly gián Quân đội nhân dân với Công an nhân dân, “phi chính trị hóa” các lực lượng này, âm mưu cái gọi là thông qua “hạ bệ thần tượng” nhằm “bắn con chim đang bay”(!)... 
Thứ bảy, chung quanh vấn đề quan hệ quốc tế, võ đoán các nguy cơ cái gọi là “đu dây bên miệng hố”, kích động cái gọi là “bài”, “thoát” nước này, liên minh với nước khác, cốt phá hoại đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa trong hội nhập quốc tế của Đảng ta, cổ xúy cho chủ nghĩa ly khai, xâm hại nhân dân, phá vỡ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. 
Đây là một đích ngắm của đủ loại mưu đồ, đủ giọng điệu, với các phương tiện hiện đại, có sức công phá lớn và hết sức nguy hiểm.
Mục tiêu của chúng là thông qua “diễn biến hòa bình”, làm suy yếu Việt Nam từ bên ngoài, gây hằn thù trong các mối bang giao quốc tế của ta nhằm cô lập ta trong cộng đồng quốc tế. Kích động, chia rẽ các đối tác quốc tế với nhau, các đối tác quốc tế chiến lược với chúng ta... Nghĩa là, họ muốn thể chế của ta sụp đổ.
Bằng nhiều “cây cầu” (truyền thông giả mạo, sách báo, núp sau các tổ chức quốc tế, các tổ chức tôn giáo...), với thủ đoạn “mưa dầm thấm sâu”, “tổ mối đục ruỗng chân đê”... chúng dựng hư chuyện, thổi phồng hiện tượng riêng lẻ quy kết vô lối thành bản chất của Đảng, của chế độ... hòng hạ thấp, đánh sập vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Họ hà hơi tiếp sức cho những tổ chức đối lập trú ngụ ở ngoài biên giới quốc gia, âm mưu di trú quốc nội, gây bạo loạn, lật đổ chế độ. 
Thứ tám, các trào lưu tư tưởng, lý luận du nhập, thẩm thấu bằng mọi con đường, âm mưu gặm nhấm, công phá làm băng hoại dưới mọi hình thức, quy mô và mức độ tư tưởng, lý luận của chúng ta từ nền tảng. 
Đó là chủ nghĩa tự do mới, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bá quyền với vô vàn hình thức... đang thâm nhập từ bên ngoài cấu kết với chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa bè phái, chủ nghĩa hưởng lạc, dưới nhiều biến thể, tồn tích rất lâu từ bên trong với âm mưu làm băng hoại nền tảng tư tưởng của chúng ta bằng đủ quy mô, tính chất và mức độ; làm chệch hướng con đường xã hội chủ nghĩa; làm rã rời sự cố kết đồng thuận toàn dân tộc ta; đánh sập vị thế, năng lực và uy tín cầm quyền của Đảng ta và cô lập nước ta trên trường quốc tế. 
Những trào lưu tư tưởng, lý luận đó thâm nhập vào nước ta bằng các con đường giao lưu tư tưởng, thông qua hội nhập quốc tế, bằng thủ đoạn kinh tế, văn hóa... hết sức tinh vi, biến ảo; và chúng thường trú ngụ và phát tác từ các phần tử thoái hóa, biến chất, nằm ở tất cả các cấp của hệ thống chính trị, thúc đẩy nhanh quá trình “tự diễn biến hòa bình” công phá từ bên ngoài thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ trong nội bộ rất nguy hiểm. 
Tất cả nhằm thủ tiêu Đảng, cô lập đất nước ta và chuyển hóa thể chế chính trị một cách nhanh nhất, ngắn nhất và nguy hiểm nhất. 
Chúng ta cần làm gì và làm như thế nào? 
Vấn đề tư tưởng phải được giải quyết bắt đầu từ tư tưởng, trước khi bằng con đường tổ chức, pháp luật. 
Nhưng, không thể chỉ giải quyết triệt để những vấn đề tư tưởng, lý luận bằng chính vấn đề tư tưởng, lý luận một cách thuần túy, thậm chí rất suông. 
Trước hết, chúng ta phải có một cương lĩnh về hành động một cách có tư tưởng. Cương lĩnh hành động hiện nay chính là, khi tình hình đã khác trước, cần nhận diện đúng, phân định trúng và có đối sách phù hợp và hiệu quả. 
Thực tiễn cho thấy, không thể để tình trạng những người bàn về tư tưởng nhưng hành động phi tư tưởng, thậm chí trái tư tưởng, xỉ nhục tư tưởng. Kinh nghiệm đã và đang chỉ ra rằng, từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước chuyển ngắn, thậm chí rất ngắn, tới mức khôn lường, trở thành kẻ đối lập với nhân dân, với dân tộc, phản bội lại Đảng, phản bội thể chế. Vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng, trong cuộc đấu tranh này, phải tự mình trở thành một nhà tư tưởng một cách ngang tầm và trong sạch. 
Tự mình phải làm công tác tư tưởng cho chính mình, và phải tự mình trong sạch; và trở nên đúng đắn, tự trọng và ngang tầm theo các quy định về nêu gương: Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07-6-2012, của Ban Bí thư khóa XI, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên” và Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Chúng ta có tối thiểu hơn 4 triệu “nhà tư tưởng” là đảng viên. Đó là hành động mang tính tư tưởng nhất. Chúng ta không ảo tưởng về điều đó, nếu đảng viên thực sự là đảng viên, lãnh đạo thực sự ngang tầm trọng trách lịch sử. Chỗ nào vắng cán bộ, đảng viên, chỗ đó trận địa tư tưởng bị bỏ trống. Vì thế, việc tổng rà soát, sàng lọc nhằm làm trong sạch đội ngũ đảng viên là trọng sự rất cấp bách, không thể trì hoãn.
Càng không thể giải quyết những lỗi lầm tư tưởng chính trị bằng thứ tư duy đã đẻ ra nó; những vấn đề bất thường của tư tưởng chính trị phải được giải quyết bằng những phương pháp bất thường, tức vấn đề tổ chức và cán bộ. Chấm dứt tình trạng: Người có tư tưởng thì không có quyền được quyết định, người được quyền quyết định lại không có tầm tư tưởng. Đó là cách làm tư tưởng cụ thể nhất, chứ không rơi vào đạo lý suông, tư tưởng chính trị suông. Chọn người xứng đáng và ngang tầm là nhân tố quyết định thành bại công việc này.
Người đứng đầu các cấp trong bộ máy hệ thống chính trị phải là những người lĩnh nhiệm xứng đáng sứ mệnh công tác tư tưởng, lý luận của thế chế một cách gương mẫu và thật sự. Ai không làm tròn trọng trách đó thì nên từ chức hoặc không ngần ngại, buộc phải thay thế họ. Không thể để thảm họa: những ai nhúng chàm tư tưởng; đạo chích, đạo vị, đạo tâm... đi rao giảng về sự cao quý của tư tưởng, sự “soi đường cho quốc dân đi” của lý luận, sự trong sạch, liêm sỉ, liêm chính, nghĩa khí hay quốc sỉ của những người trên địa hạt tư tưởng, lý luận. Đó là tình trạng “a dua tư tưởng, lý luận”, tầm thường hóa tư tưởng, lý luận, “ngụy tư tưởng”, “ngụy lý luận”. Nói cách khác, đó là kiểu làm tư tưởng, lý luận như “mang giấy bọc lửa”. Như thế, vô hình làm phương hại công tác tư tưởng, lý luận của chúng ta; vô hình tiếp tay cho sự lan rộng của sự suy thoái tư tưởng chính trị, tệ hủ bại trong hành động thực tiễn phi tư tưởng, lý luận,... Như thế là, phản tư tưởng nhất, là sự hạ thấp, thậm chí hủy hoại nền móng tư tưởng, lý luận chính trị. 
Đòi hỏi cao đối với cán bộ lãnh đạo, nhất là các đồng chí giữ cương vị trọng trách trong bộ máy của Đảng, Nhà nước ở các cấp, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, bí thư tỉnh ủy, thành ủy, bộ trưởng, người đứng đầu các ngành, các địa phương, đơn vị và các cán bộ lãnh đạo khác tự giác rèn luyện tầm nhìn chính trị chiến lược, trung thành với lý tưởng, khép mình vào kỷ luật, giữ trọn vẹn liêm sỉ, tự mình trong sạch; làm gương trước nhân dân, trước cấp dưới về hành động chính trị, về danh dự, về sự dũng cảm hành động theo lời nói, về trách nhiệm công việc, về phẩm hạnh chính trị và đạo đức... trong thực thi đường lối của Đảng, vì lợi ích tối cao của nhân dân, của dân tộc và của Đảng. Đồng thời, chủ động tổng kết thực tiễn, phát triển đường lối chính trị của Đảng, làm giàu kinh nghiệm tổ chức thực tiễn mang tính lý luận. Sống và làm việc trong nhân dân để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa và tự chỉnh đốn mình. Hóa thân trong các phong trào hành động của nhân dân để dẫn dắt, qua đó để tổng kết kinh nghiệm, trau dồi khả năng và rèn dũa trình độ lý luận của chính mình nhằm phát triển phong trào. Lúc này, một bước tiến trong hành động có giá trị hơn một tá cương lĩnh, nói như C. Mác. Đó là con đường bảo vệ tư tưởng, phát triển lý luận của chúng ta một cách chủ động nhất, ngắn nhất và tự giác nhất. 
Tự chỉnh đốn mình đủ năng lực xử lý, nhất là đối thoại, tranh luận một cách dân chủ, bình đẳng và cầu thị với tất cả những ai quan tâm về công tác tư tưởng, với các trào lưu tư tưởng, lý luận từ mọi phía. Đó là hiện thân sinh động và sức sống mạnh mẽ của tư tưởng, lý luận chính trị, của công tác tư tưởng, lý luận, phát triển đường lối chính trị của Đảng dẫn dắt công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ và hội nhập quốc tế hiện nay. 
Và, hơn hết bao giờ, phải chủ động hành động kiên quyết, vì sự sống còn đó.
Cương lĩnh hành động hiện nay là, tiếp tục kiến tạo một đội ngũ chiến lược gia tư tưởng, lý luận hay tối thiểu là các cán bộ tư tưởng, lý luận cấp chiến lược ngang tầm trọng trách của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ và hội nhập quốc tế. Vẫn là tiếp tục công việc về tổ chức và cán bộ, nếu được tiến hành hiệu quả, thì chính là giải pháp phát triển tư tưởng, lý luận hữu hiệu nhất. Kinh nghiệm lịch sử tư tưởng và đấu tranh tư tưởng, lý luận ngày càng xác thực rằng, lý do tồn tại của tổ chức đảng, và các lãnh tụ xứng đáng với danh hiệu đó là, ngoài nhiều điểm khác, đảng và lãnh tụ còn phải thông qua một công tác lâu dài, kiên cường, thiên hình vạn trạng nhiều mặt của tất cả các đại biểu giác ngộ của giai cấp mình mà thu hoạch được những kiến thức cần thiết, - ngoài kiến thức và kinh nghiệm là tính nhạy bén chính trị cần thiết để giải quyết một cách chính xác và mau lẹ những vấn đề chính trị phức tạp. 
Nói một cách hình ảnh, đã đến lúc, về mặt tổ chức bộ máy, không thể để tồn tại những ông “Đông Quách”, những “con thò lò sáu mặt”, “ăn cây táo rào cây xoan nâu” trong đội ngũ, trước hết trong đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và nguyên cấp này, trước hết trên địa hạt tư tưởng, lý luận. Nếu để duy tồn, vô hình trung, tối thiểu đã làm phương hại theo kiểu “quả bí thối từ ruột thối ra”, thậm chí chặt cụt động lực của các nhà tư tưởng, lý luận; mặt khác sẽ thủ tiêu và tự thủ tiêu cả hai: cán bộ và bộ máy làm công tác tư tưởng, lý luận. Và, thậm chí làm băng hoại ngay cả bộ máy làm công tác tổ chức và kiểm tra, thanh tra và bảo vệ pháp luật vì “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trực tiếp đối với công tác tư tưởng, lý luận, khi trận địa tư tưởng, lý luận bị xâm hại và bị chi phối bởi những tệ nạn đó. 
Cần thiết rà soát, sàng lọc, để tái kiến tạo đội ngũ và hệ thống các bộ máy này, để tư tưởng, lý luận có khả năng dẫn dắt và bảo đảm phát triển công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đúng hướng. Đó là phương lược và nghệ thuật hiện thời. Cần toàn dụng đức trị và pháp trị trên phương diện này. Đội ngũ chúng ta phải tự mình trở nên mạnh mẽ, dũng cảm và kiên quyết ngang tầm yêu cầu của lịch sử! Đó chính là hiện thân và hành động tư tưởng, lý luận nhất. 
Đó là phương sách xây kết hợp phòng, chống chủ động và hiệu quả nhất trên địa hạt tư tưởng, lý luận!
Cương lĩnh hành động lúc này là, tổng soát xét, tiếp tục đổi mới toàn diện và căn bản hệ thống tổ chức, cơ chế vận hành và thể chế về công tác tư tưởng, lý luận chính trị. Tối thiểu có 3 loại công việc nổi bật:
Về hoàn thiện cơ chế vận hành: Đâu là tư tưởng, đâu là lý luận, đâu là tư tưởng lý luận chính trị? Ai làm, làm với ai, làm như thế nào? Các binh chủng tư tưởng, lý luận hiện nay ra sao: về chức năng, nhiệm vụ, về tổ chức bộ máy và phương thức vận hành thế nào? Duy tồn tình trạng hiện nay liệu có còn tương thích không? Nếu không, thì sẽ làm gì? Phải chăng cấp bách cơ cấu lại chiến lược hệ thống đào tạo, truyền thông, tuyên giáo các cấp, các cơ quan nghiên cứu... theo hướng tập trung, thống nhất, rõ việc, gọn nhẹ, rõ trách nhiệm cá nhân phụ trách, trên cơ sở đổi mới chức năng, nhiệm vụ độc lập từng cơ quan bảo đảm sự thống nhất giữa công tác tổng kết thực tiễn với phát triển tư tưởng, lý luận? 
Trên cơ sở đó, định biên, tuyển chọn dân chủ hóa nhằm kiến tạo đội ngũ cán bộ tư tưởng, lý luận tương xứng theo hướng tinh hoa, chuyên nghiệp và văn hóa hóa. Sàng lọc nghiêm khắc và kiến tạo chặt chẽ theo hướng tinh lọc, ngăn chặn chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa cá nhân... bảo đảm sự trong sạch, tương thích đội ngũ này. 
Về đổi mới thể chế hoàn bị: Đâu là thể chế cơ bản, đâu là mắt xích chủ yếu? Đâu là thể chế bất biến, cái thể chế khả biến là đâu? Đâu là sức mạnh tổng hợp giữa công tác giáo dục - cơ quan hành động trên địa hạt tư tưởng, lý luận với công tác tổ chức và pháp luật... Theo đó, cần phân định rõ không chỉ về định tính mà cần định lượng cụ thể lực lượng làm công tác tư tưởng, lý luận, trước hết là cấu trúc lại hệ thống báo chí và đội ngũ những người làm báo, hợp thành binh chủng tư tưởng, lý luận chỉnh thể đổi mới và ngang tầm. Các thiết chế cần và đủ bảo đảm vận hành toàn bộ công tác này bao gồm những gì, chúng ra sao; những gì thuộc về chuyên ngành, những gì thuộc về liên ngành, tối thiểu là các lĩnh vực và phương tiện làm công việc tư tưởng, lý luận, tổ chức và pháp luật, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế trong “thế giới phẳng”, cố nhiên cả không “phẳng” hiện nay?
Theo đó, tiếp tục chỉnh đốn lĩnh vực báo chí truyền thông và các phương tiện truyền thông xã hội. Sẽ là khiếm khuyết, thậm chí thất bại, nếu thiếu hoặc buông lỏng loại công việc này. Kinh nghiệm ban hành và thực thi Luật An ninh mạng của Ô-xtrây-li-a vào tháng 2-2019, sự ra đời của ngành công nghiệp an ninh mạng của Xin-ga-po vào tháng 3-2019, bảy lĩnh vực quản lý mạng xã hội của Anh vào tháng 4-2019 mới đây... đã cho chúng ta những kinh nghiệm tham chiếu đáng suy ngẫm trên lĩnh vực này. Vì, những người chống phá tư tưởng, những kẻ thù lý luận đã và đang sử dụng những phương tiện ấy như những “cây cầu tư tưởng” đi thẳng vào trái tim khối óc của chúng ta, gây tác họa rất nguy hiểm ở không ít nơi, đối với không ít người, lại tỏ ra rất nhiệm màu. Họ âm mưu tạo nên tình trạng “mù màu về tư tưởng”, “hỗn loạn về lý luận” để làm rối tình hình chính trị, hạ bệ cơ sở lý luận chính trị mác-xít, nhằm phá hoại đường lối chính trị của Đảng; qua đó bôi nhọ, làm phá sản chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở nước ta. 
Đổi mới, xây dựng và hoàn thiện các thiết chế toàn diện, toàn vẹn, mạnh mẽ, và đồng bộ bảo đảm giữa tự do, dân chủ và pháp luật một cách minh bạch, công khai và nhân bản, trên bình diện tư tưởng, lý luận một cách chủ động và nghiêm khắc.
Về trách nhiệm cơ quan hoạch định chiến lược chính trị, cơ chế và thể chế và cơ quan có thẩm quyền quyết định: Đây là việc to lớn, đa diện của các cấp ủy, chính quyền các cấp.... Xin nói gọn: Cấp bách thực thi quyết sách của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng khóa XII về công tác này, một cách căn cơ, chiến lược, tổng hợp và khả thi, trong tầm nhìn tới năm 2030, trước mắt trên lộ trình tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Đó là những công việc cần kíp thực thi hiện nay đối với Đảng, và của chính công tác tư tưởng, lý luận chính trị của Đảng. Không như thế không thể nói tới việc bảo vệ tư tưởng, lý luận, càng không thể nói tới việc phát triển độc lập hay sáng tạo đột phá về tư tưởng, lý luận, dù chỉ là một bước nhỏ!
Con đường xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà chúng ta đi, không gì lay chuyển được. Công tác tư tưởng, lý luận tiếp tục gánh vác sứ mệnh lịch sử cầm nhịp thống nhất toàn dân tộc, “soi đường cho quốc dân đi” trên con đường ấy.
Và, dù cho kẻ thù của chúng ta câu kết với những phần tử từ bên trong, điên cuồng công kích, phá hoại, Đảng ta đứng vững trên nền móng tư tưởng chính trị và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thâu hóa và góp phần phát triển tinh hoa tư tưởng, lý luận của nhân loại, với sự ủng hộ và bảo vệ của nhân dân, công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ dưới ngọn cờ của Đảng, dân tộc ta nhất định vượt qua mọi trở lực, như 89 năm qua, tiếp tục tiến lên, nhịp bước cùng thời đại. 
Không gì cản nổi!./.
Nhị Lê Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
ÔNG NHỊ LÊ CHÉM GIÓ

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG / BVN 5-6-2019

1. Giới thiệu
Ông Nhị Lê, phó tổng biên tập TCCS  vừa công bố bài Cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận tất yếu, lâu dài và không khoan nhượng hiện nay. Bài khá dài, khoảng 7 ngàn chữ, tưởng dùng đao to búa lớn, xem kỹ mới thấy cũng chỉ  chém gió và vung vãi một số độc hại. Bài gồm 3 đoạn chính, tóm lược như sau :
Đoạn 1- Ảo tưởng, buông lơi hay tự huyễn hoặc mình… nhất định thất bại.
Cần xây dựng thống nhất tư tưởng, không mơ hồ chung sống giữa các tư tưởng, không buông tay chống lại kẻ thù tư tưởng. Mơ hồ hay buông lỏng đấu tranh sẽ thất bại
Đoạn 2- Những vấn đề cốt tử trong cuộc đấu tranh.
Bon thù địch tập trung vào 8 vấn đề: 1- Công phá nền tảng chính trị, ý thức hệ; 2- Bôi nhọ xuyên tạc thể chế chính trị; 3- Tung hỏa mù về đảng trị; 4- Chia rẽ dân với Đảng; 5- Khoét sâu vấn đề tôn giáo, dân tộc, nhân quyền; 6- Ngụy tạo mâu thuẫn giữa  lãnh đạo; 7-Phá hoại đường lối đối ngoại độc lập tự chủ; 8- Du nhập các trào lưu tư tưởng lạ, làm băng hoại lý luận của chúng ta từ nền tảng.
Đoạn 3- Cần làm gì và làm như thế nào.
Phải có một cương lĩnh. Mỗi đảng viên phải trở thành nhà tư tưởng. Chấm dứt tình trạng: “ Người có tư tưởng thì không có quyền, người có quyền  lại không có tầm tư tưởng”. Xóa bỏ tình trạng những kẻ kém đạo đức đi rao giảng tư tưởng, xóa bỏ a dua tư tưởng, lý luận. Tiếp tục kiến tạo một đội ngũ chiến lược gia tư tưởng. Tổng soát xét, tiếp tục đổi mới toàn diện và căn bản hệ thống tổ chức, cơ chế vận hành và thể chế về công tác tư tưởng, lý luận chính trị.
Ý kiến kết luận: Con đường xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đi, không gì lay chuyển được… Và, dù cho kẻ thù điên cuồng công kích, phá hoại, Đảng ta, tiếp tục tiến lên, nhịp bước cùng thời đại… không gì cản nổi.
Tôi gọi A và B là hai bên có quan điểm khác nhau về tư tưởng (TT)
  1. Bên Đảng, đại diện là ông Nhị Lê và các đồng chí
  2. Bên phản biện, là đối tượng của A, bị cáo buộc chống Đảng, tự chuyển biến.
2 - Bình luận
Xét trong toàn bài, ông Nhị Lê nêu được một số thực tế đúng (người có TT không có quyền, người có quyền không có TT,… kẻ kém đạo đức đi rao giảng TT,… còn nhiều kẻ a dua…), trình bày một số lý luận  hợp lý (không thể giải quyết những lỗi lầm TT chính trị bằng thứ tư duy đã đẻ ra nó,…), Thế nhưng khá nhiều chỗ ông phạm phải ngụy biện và gieo rắc độc hại.
Trước hết về nền tảng chính trị, ý thức hệ. Nhị Lê quyết tâm bảo vệ chủ nghĩa Mác Lê (CNML), bảo vệ ý thức hệ CS. Ông hoàn toàn có quyền đó, ông sẽ là nhà tư tưởng chân chính, nhà khoa học trung thực khi mà bằng cả trí tuệ và trái tim ông hoàn toàn tin vào nhận thức và tình cảm của mình. Còn không, ông sẽ là một kẻ bịp bợm, thiếu trung thực, nếu ông không tin hoàn toàn vào CNML  mà cũng chỉ là a dua về tư tưởng và lý luận như phần đông các trí thức của Đảng (Chuyện CNML đúng sai như thế nào sẽ bàn lúc khác).
Về  ý: “Cần thống nhất TT . Đối với các ĐCS đây là điều thiêng liêng, bắt buộc. Nghe qua thì thấy đúng, nhưng thực chất nó là xiềng xích. Sự thống nhất TT thực chất là áp đặt ý đồ của lãnh đạo, bắt mọi người theo. Nhân loại tiến bộ không cần sự thống nhất đó. Vì cần thống nhất TT mà trong đấu tranh vũ trang CS luôn tìm cách tiêu diệt những người bất đồng chính kiến, còn trong hòa bình CS luôn xem họ là thù địch.  Việc làm như thế không chính đáng, gây ra nhiều hận thù không nên có.
Về đối tượng: Khi  A xem B là đối tượng để đấu tranh thì A chưa thể hiện được phương châm: “ Biết mình, biết người“.
A  không tự biết mình vì  số đông chỉ học được một vài nội dung của CNML rồi cứ tưởng đã là trí thức lớn, họ chưa thể nào đạt được trình độ cần thiết  mà cứ tưởng mình là triết gia, là chính trị gia. Một số ít tuy có tham khảo được các nguồn trí tuệ khác nhau của thế giới, nhưng vì đã bị nhồi sọ, bị tẩy não, đầu óc trở thành xơ cúng  nên chỉ biết bảo thủ, giáo điều. Trí thức của Đảng phần lớn chỉ tụ họp với nhau, ca tụng nhau trong các nơi hội họp, ít người dám xông pha thực tế, hầu như chưa có ai dám công khai đối thoại với B (kiểu Trần Đức Thảo đối thoại với Jean Paul Sartre).
Một số nguyên là trí thức của Đảng, sau khi biết rõ tác hại của CNML đã từ bỏ Đảng, trở thành  người “Tự chuyển hóa”. Số này thuộc loại tự biết mình, không ở trong A.
A không biết người ở chỗ chỉ biết chụp mũ, vu cáo B là thế lực thù địch, phản động, chống Đảng, thoái hóa biến chất,  muốn lật đổ chế độ, …. mà không biết điều tra, tìm hiểu bản chất của B là như thế nào. Đã có bao giờ ĐCSVN đặt vấn đề nghiên cứu thật sự khoa học các con người bị cho là “ chống đảng” như Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Trần Xuân Bách, Lê Hiếu Đằng, Tống Văn Công, Hà sĩ Phu,  Tương Lai, Nguyễn Trung, Chu Hảo, Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang A , Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Đình Cống, Phạm Đoan Trang và hàng vạn người khác v.v. Phải tìm cho được mục đích của họ, tinh thần của họ, chỉ ra được ai trong số họ đã bị bọn phản động mua chuộc, lôi kéo, ai trong số họ chạy theo cuộc sống vinh thân phì gia. Không, không có ai bị mua chuôc, không có ai lo vinh thân phì gia cả. Thế thì vì cái gì mà họ phê phán CNML, họ phản biện Đảng. Vì họ yêu nước thương dân, vì họ có trí tuệ và dũng cảm, vì họ không cam tâm làm nô lệ cho một ý thức hệ lỗi thời, làm vịt, làm cứu, làm sáo vẹt. Xin ghi nhớ và ngẫm nghĩ câu sau: “Khen nịnh ta là kẻ thù, chỉ ra cái sai và phê phán là thầy ta”.
Phải chăng A không cần biết  bản chất của B, chỉ cần to mồm vu cáo thế lực thù địch là được. Đó là sự đánh lừa. Có thể đánh lừa số đông trong thời gian ngằn, còn về lâu dài sẽ bị vạch trần.
Về 8 vấn đề cốt tử trong cuộc đấu tranh,  Nhị Lê chỉ viết đúng vần đề thứ nhất (công phá nền chính trị, ý thức hệ). Bảy vấn đề còn lại đã bị trình bày lệch lạc. Thí dụ : Không phải bôi nhọ xuyên tạc thể chế chính trị mà là vạch trần, nói lên sự thật về nó. Không phải tung hỏa mù về đảng trị mà chỉ ra đúng bản chất của độc tài. Không phải ngụy tạo mâu thuẫn giữa lãnh đạo mà phơi bày nó ra cho mọi người thấy. Không phá hoại đường lối đối ngoại mà vạch ra các sai lầm của đường  lối đó. Sự băng hoại lý luận của chúng ta từ nền tảng.không phải do du nhập các trào lưu tư tưởng lạ mà chính là trong lý luận ấy đã chứa đầy độc hại v.v.
Thực ra B còn lên án ĐCS nhiều vấn đề quan trọng nữa, nhưng  Nhị Lê hoặc không biết hoặc cố giấu đi. Đó là tội làm xung kích và lệ thuộc vào Liên xô và Trung cộng,  là quá đề cao hận thù giai cấp và kiêu ngạo CS mà không thật tâm trong hòa hợp dân tộc, là do kém trí tuệ và bị lệ thuộc mà thực hành những chủ trương quá sai lầm như cải cách ruộng đất, hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp, phát triển kinh tế quá nóng vội, làm hủy hoại tài nguyên, môi trường, là việc hạn chế  đội ngũ tinh hoa của dân tộc, là việc tạo ra các nhóm lợi ích, làm giàu trên sự cướp đoạt, tạo ra nhiều dân oan v.v….
3 - So sánh lực lượng
Trong tương quan giữa A và B, sức mạnh vật chất thật sự lệch về A, nhưng thế tiến công thuộc B .
Bên A có lực lượng quá hùng hậu. Có nền giáo dục từ mẫu giáo đến tiến sĩ, có các trường chính trị dày đặc, có hệ thống tuyên huấn khắp nơi, có các đoàn thể chính trị hỗ trợ (lại có Hội Cờ đỏ, lực lượng AK 47…), có trên 800 tờ báo, có phát thanh, truyền hình, có tòa án, nhà tù, có lực lượng vũ trang tiếp sức…
Bên B  chủ yếu là các cá nhân đơn lẻ, một vài tổ chức xã hội dân sự yếu ớt, không có báo chí công khai, chủ yếu nhờ hệ thống Internet, nhưng thường xuyên bị chặn, bị phá. Hoạt động của B bị ngăn cấm đủ đường, bị vu cáo, bị khủng bố, bị bắt bớ giam cầm đủ kiểu.
Thế mà B không sợ A, ngược lại A rất ngại đối thoại trực tiếp với B. Vì sao vậy ? Vì B tự tin vào chính nghĩa của mình, còn A thì, một số ít còn ngu tín, ngu trung, không biết phân biệt đúng sai, hay dở, phần lớn chỉ  hung hăng ngoài mồm, thâm tâm đã ruỗng nát, chỉ hung hăng trong tổ chức mà thôi.
Xem xét cuốc đấu A/B tôi liên tưởng đến 2 việc.
Việc thứ nhất là phong trào CS ở VN trước năm 1945. Lúc đó lực lượng đàn áp của chính quyền khá mạnh, những chiến sĩ CS bị truy đuổi, bị khủng bố  đủ kiểu, nhưng họ đã thành công. Đó là nhờ, vào lúc ấy CS có được chính nghĩa, được lòng dân.
Việc thứ hai là trận chiến Võ Tòng đánh lại bọn tay sai của Tưởng Môn Thần. Võ Tòng, chân bị xiềng, tay bị xích, cổ mang gông, một mình đánh tan bọn tay sai nhiều đứa, có võ nghệ, được trang bị đao kiếm tốt. Tạm bỏ qua  khía cạnh hận thù, tàn bạo, chỉ xét đến ý nghĩa tâm lý trong chuyện này. Bọn tay sai tuy đông, trang bị tốt, khi bắt đầu rất hung hăng, nhưng khi lâm trận thiếu tự tin, bị hoảng sợ trước sức mạnh chính nghĩa nên đã bị đánh bại. Tưởng Môn Thần và lũ tay sai khi ra tay, nghĩ rằng sẽ dễ dàng thắng được Võ Tòng, nhưng không ngờ…
4 - Cần làm gì?
Nhị Lê định vạch ra con đường đấu tranh TT cho toàn Đảng. Những biện pháp  được cóp nhặt lại từ đâu đó hoặc vừa được nghĩ ra, nhưng xác suất thực hiện được rất thấp, phần lớn chỉ kể ra cho có việc mà thôi. Và nói chung, đảng nắm chính quyền không cần đấu tranh TT với thế lực phản biện, nên những biện pháp  mà Nhị Lê vạch ra, nếu cố mà thực hiện thì mang lại tai họa, lãng phí hơn là có ích lợi thiết thực.
Điều hết sức quan trọng mà Nhị Lê đã không thấy, vô tình hoặc cố ý bỏ qua là tìm ra cho thật đúng nguyên nhân nào đã gây ra mâu thuẩn về TT giữa A và B trong khi cả 2 bên đều tự cho mình yêu nước, vì quyền lợi của nhân dân. Phải chăng B đã thấy rõ những sai lầm, những dối trá, lừa bịp của đảng nắm chính quyền. Trong lúc  A cố sức che giấu n hững việc này, mà B lại vạch ra cho mọi người thấy. Lại nữa, hãy nhìn rộng ra, trên thế giới, có nơi nào đảng cầm quyền phải đấu tranh TT hay không. Chỉ có nhân dân theo phe này hoặc phe kia chủ yếu để chọn người khi bầu cử. Hầu như ngoài VN ra không có nơi nào đảng cầm quyền đề cao việc đấu tranh TT.
Đấu tranh, đặc biệt là đấu tranh TT, không phải là việc của đảng cầm quyền, mà nếu có, nếu cần là việc của dân, của đảng đối lập, nghĩa là từ một phia. Không phải đấu tranh theo kiểu  thông thường mà là phê phán, chỉ trích, đòi thay đổi. Còn đảng cầm quyền lo mà sửa sai, lo mà thay đổi cho hợp lòng dân, để còn được dân bầu trong dịp sắp tới. Còn nếu dân hoặc đối lập phạm pháp thì  chính quyền cứ bắt, đem xét xử ở tòa án. Chính quyền không đấu tranh TT.
Chưa hề thấy đảng cầm quyền nào đặt vấn để đấu tranh TT với dân hoặc với các đảng đối lập. Trong một số công việc, dù bị chỉ trích, bị phê phán, nhưng nếu họ thấy mình đúng thì cứ tiếp tục, sự thực sẽ trả lời cho cử tri. Khi họ thấy chỉ trich, phê phán là đúng thì họ sửa sai, cải cách và rồi cử tri sẽ thấy ra. Đó là những việc làm thiết thực chứ không phải đấu tranh tư tưởng.
Nếu  vậy thì những biện pháp do Nhị Lê đưa ra chỉ là đồ tầm phào, phải chăng là kết quả tư duy của một trí tuệ xơ cứng, không cần bàn đến.
Vậy giữa A và B nên làm gì? Điều này tùy thuộc vào thiện chi cả 2 bên. Khi cả 2 bên đều có thiện chí thì hay nhất là đối thoại. Mục đích chính của đối thoại là mỗi bên trực tiếp nêu ra các nhận thức và lý lẽ của mình, tiếp nhận được cái hay, cái đúng của bên kia (mà trước đây bị hiểu nhầm hoặc không biết), là nhận ra được cái sai, cái nhầm của mình do bên kia vạch ra. Từ đó  mỗi bên tự đánh giá lại mình và chọn con đường thích hợp để tiếp tục. Đối thoại công khai còn giúp cho bên thứ ba (trung gian) nhận biết rõ quan điểm, ưu nhược điểm của A và B để quyết định ủng hộ bên nào. Không nên đặt mục đích của đối thoại là hơn thua, thắng bại. Càng không được dùng các thủ đoạn đê hèn để áp đảo đối phương. Phải xem đối thoại là hoạt động khoa học chứ không phải chính trị, không phải để làm tuyên truyền.
Trong môi trường tự do ngôn luận, tự do báo chí thì có thể chỉ cần đối thoại trên báo. Chỉ khi không thể đối thoại trên báo mới cần tổ chức đối thoại trực tiếp. Tốt  nhất là đối thoại công khai, nhưng do yêu cầu của một bên có thể đối thoại kín.
Ở VN hiện nay, nếu quả thực ĐCS có thiện chí thì nên giao  và khuyến khích một số đơn vị tổ chức đối thoại. Đó có thể là Hội đồng lý luân, Ban Tuyên giáo, Viện Hàn lâm, các trường cao cấp lý luận, chính trị, Tạp chí cộng sản v.v.
Không phải đấu tranh mà là đối thoại, đó mới chính là việc làm khôn ngoan, nhưng chỉ có người thiện chí mới thực hiện tốt được.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI NGŨ CÁN BỘ NGHIÊN CỨU LÝ LUẬN Ở VIỆT NAM: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP 

NGUYỄN THÀNH TRUNG/ TS/ TCCS 29-5-2019
Lễ khai giảng Lớp Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính khóa 65, hệ không tập trung năm học 2018 -2019 - Nguồn: tuyengiao.vn
Với quan niệm nhân cách (đạo đức) và năng lực là hai thuộc tính cơ bản phản ánh chất lượng của đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận; hiệu quả hoạt động là thước đo chất lượng của đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận; từ tiếp cận nghiên cứu hệ thống - cấu trúc, tiếp cận nghiên cứu năng lực, tiếp cận nghiên cứu quyền của người nghiên cứu, tác giả trình bày quan điểm và giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận gắn với yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Nghiên cứu lý luận và những đặc thù trong nghiên cứu lý luận
Nghiên cứu lý luận là hoạt động nghiên cứu khoa học về các phương diện của con người, các quan hệ xã hội của con người và xã hội, như triết học, kinh tế, chính trị, về văn hóa, con người, về lịch sử và xã hội, về chiến lược và chính sách phát triển, về quốc phòng và an ninh,... Đặc thù của nghiên cứu lý luận là tổng hợp kiến thức, tri thức ở trình độ khái quát cao, bao hàm các nguyên lý, nguyên tắc, quy luật, quan niệm, khái niệm, mối quan hệ phổ biến, mang tính bản chất, những nội dung tổng quát và những tri thức cụ thể về con người và xã hội được khái quát từ thực tiễn, được đúc rút từ những kinh nghiệm, được dự báo có căn cứ khoa học. Thực chất, nghiên cứu lý luận ở nước ta là nghiên cứu và vận dụng sáng tạo những nội dung, nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cụ thể của Việt Nam; tiếp tục làm sáng tỏ những vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ nghĩa xã hội (CNXH), về con đường đi lên CNXH của Việt Nam. Nghiên cứu lý luận là phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, vì lợi ích của Đảng, của nhân dân và của cả dân tộc. Cơ sở nhận diện nghiên cứu lý luận với nghiên cứu khoa học khác ở nước ta: Trước hết, kết quả nghiên cứu lý luận là nền tảng, là căn cứ khoa học và cơ sở thực tiễn cho việc xác định con đường phát triển của đất nước, của dân tộc; Thứ hai,kết quả nghiên cứu lý luận là cơ sở cho việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Thứ ba, kết quả nghiên cứu lý luận là điều kiện cho sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội; Thứ tư, kết quả nghiên cứu lý luận là căn cứ khoa học nhằm lý giải những vấn đề phát sinh từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tổng quan về nguồn nhân lực khoa học và công nghệ và đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận ở nước ta hiện nay
Quan niệm về nguồn nhân lực khoa học và công nghệ (KHCN) và đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận (NCLL)
Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), quan niệm nguồn nhân lực KHCN của một quốc gia/vùng lãnh thổ bao gồm toàn bộ những người có trình độ từ cao đẳng/đại học trở lên (tương ứng với bậc đào tạo thứ III theo phân loại quốc tế về giáo dục và đào tạo) trong một lĩnh vực KHCN và những người chưa qua đào tạo chính quy như trên, nhưng làm một nghề thuộc chuyên ngành KHCN đòi hỏi trình độ tương đương cao đẳng, đại học trở lên(1).
Ở Việt Nam, trong các báo cáo kết quả điều tra nghiên cứu và phát triển những năm qua (được công bố trên sách Khoa học và công nghệ Việt Nam), cách hiểu thống nhất về một số thuật ngữ có liên quan đến nguồn nhân lực KHCN nói chung, như: 1- “Nguồn nhân lực KHCN” chỉ bao gồm toàn bộ những người tốt nghiệp cao đẳng, đại học trở lên; 2- Nguồn nhân lực KHCN là những người trực tiếp tham gia hoạt động KHCN (hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ KHCN,...) trong một cơ quan, tổ chức và được trả lương hay thù lao cho lao động của mình, bao gồm các nhà khoa học và kỹ sư, kỹ thuật viên và nhân lực phụ trợ(2); 3- Nhân lực nghiên cứu và phát triển (NCPT) gồm những người tham gia trực tiếp vào hoạt động NCPT. Nhân lực NCPT bao gồm các cán bộ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật, nhân viên hỗ trợ và nhân lực khác tại các viện, các trung tâm nghiên cứu và phát triển, các trường đại học, học viện, trường cao đẳng, các cơ quan hành chính, sự nghiệp, các doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu. 
Thống nhất với số liệu về nhân lực NCPT của quốc gia trong các báo cáo kết quả điều tra NCPT, thuật ngữ đội ngũ cán bộ NCLL trong bài viết này được hiểu là một bộ phận trong hệ thống nhân lực NCPT và không bao gồm cán bộ kỹ thuật, nhân viên hỗ trợ và nhân lực khác. Đội ngũ cán bộ NCLL bao gồm các cán bộ nghiên cứu: 
- Là tất cả nhân viên trực tiếp NCLL trong các viện, các trung tâm NCPT (trừ cán bộ kỹ thuật, nhân viên hỗ trợ và nhân lực khác không tham gia hoạt động NCPT của tổ chức); 
- Là cán bộ giảng dạy, cán bộ có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên làm trong các đơn vị NCLL (nhưng không bao gồm những người chỉ làm công tác hỗ trợ giảng dạy, như giáo vụ...) tại các trường đại học, học viện, trường cao đẳng; 
- Là những người trực tiếp tham gia thực hiện đề tài, dự án NCLL trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp (có triển khai đề tài, dự án nghiên cứu khoa học); 
Về số lượng và cơ cấu nguồn nhân lực KHCN (trong đó có đội ngũ cán bộ NCLL): 
Theo kết quả tổng hợp Điều tra nghiên cứu và phát triển năm 2016 và Điều tra doanh nghiệp năm 2016 cho thấy, năm 2015 cả nước có 131.045 người tham gia các hoạt động NCPT(3), trong đó có 43.683 người (chiếm tỷ lệ 33,66%) trong lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học nhân văn.
Thực trạng đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận hiện nay
Về điểm mạnh
Thứ nhất, sự gia tăng về số lượng trong các năm qua phản ánh sự lớn mạnh của đội ngũ cán bộ KHCN nói chung, đội ngũ cán bộ NCLL nói riêng. Thực tế đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn có sự gia tăng hằng năm, cụ thể là: nếu năm 2011, cả nước có 30.643 người thì đến năm 2015, con số đó là 43.683 người.
Thứ hai, năng lực và hiệu quả hoạt động đã phản ánh những bước tiến dài về chất lượng của đội ngũ cán bộ KHCN, trong đó có đội ngũ cán bộ NCLL. Đội ngũ cán bộ này đã và đang thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ sự lãnh đạo của Đảng; tư vấn, cung cấp luận cứ khoa học để các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước hoạch định chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội; quốc phòng - an ninh; xây dựng đất nước bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Có thể tóm lược những đóng góp của đội ngũ cán bộ NCLL ở nước ta trong 20 năm (1998 - 2018) như sau:
Đội ngũ cán bộ NCLL cung cấp luận cứ khoa học phục vụ quá trình xây dựng, soạn thảo các văn kiện, nghị quyết của Đảng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cùng với tiến trình đổi mới, lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn đã góp phần bổ sung, lý giải và làm rõ thêm những quan điểm của Đảng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn của việc kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng; từng bước làm rõ hơn các vấn đề về mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội, tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội, văn hóa và phát triển,... 
Đội ngũ cán bộ NCLL cung cấp luận cứ cho việc hoạch định, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, có đóng góp trong quá trình xây dựng, ban hành các bộ luật mới, sửa và hoàn chỉnh nhiều bộ luật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, điều chỉnh chính sách ở các ngành, địa phương phù hợp với các hiệp định và các công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia.
Đội ngũ cán bộ NCLL đã góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia và tính toàn vẹn lãnh thổ. Một trong số những đóng góp của đội ngũ cán bộ NCLL qua các giai đoạn (chủ yếu từ năm 2001 đến nay) là tập trung làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, phân tích dự báo các xu hướng phát triển chủ yếu của cục diện chính trị thế giới và trật tự kinh tế toàn cầu, làm rõ hơn vấn đề quốc gia, dân tộc trong thế giới đương đại, các xu hướng quốc tế, sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn; các nước có quan hệ truyền thống và các đối tác chiến lược của Việt Nam; bổ sung nhận thức, dự báo tình hình diễn biến, đề xuất các phương án ứng xử của Việt Nam trong quan hệ với các nước lớn, với các nước láng giềng, các vấn đề mới về cộng đồng ASEAN, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Tiểu vùng sông Mê Kông, đặc biệt là vấn đề Biển Đông (là vấn đề mới, hệ trọng và nhạy cảm)
Về hạn chế 
Một là, về những hạn chế chung của đội ngũ nhân lực KHCN được đề cập trong các công trình khoa học đã công bố, được nêu trong các báo cáo của các cơ quan của Đảng và Nhà nước:
- Đội ngũ nhân lực KHCN tuy gia tăng về số lượng, nhưng chất lượng và năng lực còn hạn chế; phân bố và cơ cấu trình độ chưa hợp lý theo vùng, miền và lĩnh vực hoạt động; phần lớn nguồn nhân lực KHCN hiện nay đang tập trung làm việc ở khu vực nhà nước, trong khu vực tư nhân và doanh nghiệp còn rất thấp. Tình trạng hẫng hụt về thế hệ trong các viện nghiên cứu, trường đại học tiếp tục gia tăng, số cán bộ KHCN đủ năng lực chủ trì những nhiệm vụ KHCN lớn ngày càng giảm sút;... thiếu các nhà khoa học, tổng công trình sư đủ năng lực chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu quốc gia và quốc tế (4). 
- Tinh thần hợp tác nghiên cứu và kỹ năng làm việc nhóm của cán bộ KHCN còn chưa cao, khó hình thành được các nhóm nghiên cứu mạnh liên ngành. Thiếu sự hợp tác giữa các nhà khoa học đứng đầu các nhóm nghiên cứu(5). Một bộ phận trí thức còn hạn chế về năng lực nghiên cứu, sự say mê và tinh thần trách nhiệm. Có tình trạng cán bộ KHCN không cập nhật được các thành tựu mới của KHCN thế giới và trở thành lạc hậu về kiến thức; một số khác đang nghiên cứu những vấn đề thời sự của khoa học nhưng thiếu tâm huyết xây dựng nền khoa học Việt Nam tiến kịp các nước tiên tiến trong khu vực, ít quan tâm đến hiệu quả thực sự của KHCN. 
Hai là, những biểu hiện về hạn chế trong hoạt động nghiên cứu của đội ngũ cán bộ NCLL: 
- Thiếu vắng các nhóm nghiên cứu mạnh, theo lĩnh vực chuyên sâu. Sản phẩm NCLL tuy nhiều, nhưng ít công trình có giá trị cao về lý luận và thực tiễn, chưa đưa ra được những luận cứ kịp thời, thỏa đáng và thuyết phục cho nhiều vấn đề phát triển đất nước trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Ngoài kết quả trong lĩnh vực văn học và ngôn ngữ, số công trình NCLL ở các lĩnh vực khác được xét tặng giải thưởng lớn còn hạn chế. Các công trình NCLL lớn, có giá trị cao được công bố trong quốc tế còn ít.
- Thiếu gắn bó mật thiết giữa NCLL và tổng kết thực tiễn, giữa công tác NCLL và công tác giảng dạy, đào tạo lý luận. Thực tiễn chỉ ra rằng, rất ít cán bộ khoa học tại các tổ chức NCPT, các trường đại học,... khi nhận các nghiệm vụ nghiên cứu khoa học lớn (cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp bộ) hội đủ ba yêu cầu: Thứ nhất, am hiểu lý thuyết cơ bản, nắm rõ các kết quả nghiên cứu liên quan tới chủ đề nghiên cứu đặt ra; thứ hai, am hiểu cơ chế, chính sách hiện hành của Đảng và Nhà nước về chủ đề nghiên cứu đặt ra; thứ ba, có hoạt động thực tế tại các địa bàn nghiên cứu (tối thiểu từ một đến ba năm). 
- Vẫn còn một số nghiên cứu còn mang tính giải thích, minh họa, ít phát hiện, dự báo những vấn đề mới và kiến nghị các giải pháp có tính khả thi. Công tác đấu tranh tư tưởng, lý luận còn chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt trong điều kiện bùng nổ thông tin và phát triển mạng thông tin toàn cầu, công tác NCLL còn lạc hậu, tính dự báo thấp, kết quả NCLL chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Thực tế cho thấy, các nghiên cứu phản bác các quan điểm sai trái, phản biện các chính sách rào cản, các trở lực đối với sự phát triển của đất nước tại các bộ, ngành ở Trung ương còn ít; Các nghiên cứu phục vụ xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương không nhiều; tỷ lệ số nhiệm vụ NCLL thực hiện ở các địa phương mất cân đối so với các nghiên cứu trong các lĩnh vực KHCN khác. 
- Có xu hướng gia tăng sự lệch chuẩn về phương diện đạo đức trong nghiên cứu khoa học (NCKH) do chưa được kiểm soát (Việt Nam chưa có văn bản mang tính pháp quy công bố về đạo đức trong NCKH và quy phạm đạo đức khoa học của người làm công tác khoa học), như hiện tượng cố ý tường trình sai sự thật, giả tạo số liệu hoặc kết quả nghiên cứu; cố ý sao chép tác phẩm, làm sai lệch kết quả nghiên cứu của người khác; không trung thực, báo cáo sai kết quả nghiên cứu; tham gia hoặc cùng với người khác che giấu sự yếu kém trong học thuật của bản thân và của người khác; tham gia công việc thẩm duyệt, đánh giá khoa học không liên quan đến chuyên môn của bản thân; chất lượng, giá trị và hàm lượng khoa học trong các công trình nghiên cứu được công bố (bài báo khoa học, sách khoa học xuất bản, luận văn, luận án) có xu hướng giảm.
Một số giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ KHCN nói chung, cán bộ NCLL nói riêng
Giải pháp thể chế hóa đường lối của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ KHCN, trong đó có đội ngũ cán bộ NCLL gắn với yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể liên quan với các nội dung sau:
Xác định phương châm xây dựng đội ngũ cán bộ NCKH là trẻ hóa và thực tiễn hóa để Việt Nam có được một đội ngũ cán bộ NCKH trẻ tuổi, có sức sáng tạo cao, không xa rời thực tiễn phát triển của đất nước, lấy hiệu quả ứng dụng KHCN vào phát triển kinh tế - xã hội làm tiêu chuẩn, thước đo chất lượng phát triển của đội ngũ cán bộ khoa học. 
- Tiếp tục cụ thể hóa quan điểm được nêu ra tại Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18-6-1997, của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đó là gắn việc xây dựng đội ngũ cán bộ NCKH với xây dựng tổ chức và đổi mới cơ chế, chính sách; thông qua hoạt động thực tiễn để tuyển chọn, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ NCKH. Đồng thời chể chế hóa quan điểm xây dựng đội ngũ cán bộ NCKH là: Hướng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của đất nước; Hướng ra thế giới để hòa nhập với sự vận động và phát triển của KHCN chung của thế giới; Hướng tới tương lai để phát triển nền KHCN Việt Nam đạt thứ hạng cao trong khu vực và đạt thứ hạng trung bình trên thế giới trong tương lai gần, dự tính khoảng năm 2030.
- Xác định nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ NCKH xem đào tạo và bồi dưỡng là phương thức nâng cao năng lực cán bộ NCKH; giao nhiệm vụ và mở rộng cơ hội lựa chọn việc thực hiện nhiệm vụ để cán bộ NCKH được rèn luyện, thử thách trong hoạt động thực tiễn là phương thức nâng cao năng lực cán bộ NCKH.
Giải pháp hoàn thiện chính sách KHCN từ tiếp cận nghiên cứu hệ thống - cấu trúc:
Từ lý thuyết hệ thống - cấu trúc, nhận thức về công tác nghiên cứu, xây dựng và ban hành chính sách trong hoạt động KHCN không thể tiếp cận biệt lập trên từng lĩnh vực cụ thể (con người, tổ chức - bộ máy, nhiệm vụ NCKH, tài chính, thông tin khoa học,...). Tức là, mỗi chính sách ban hành, ngoài những tác động trực tiếp đến các thành tố bên trong, còn có tác động gián tiếp đến các thành tố bên ngoài của hệ thống cấu trúc. Điều đó chỉ ra rằng, hiệu quả, hiệu lực của hệ thống chính sách KHCN của một quốc gia hoàn toàn phụ thuộc vào tính đồng bộ, tính khả thi của các chính sách trong hệ thống. Ngược lại, nếu các chính sách tác động gây xung đột, kìm hãm, cản trở nhau, khi đó các mục tiêu, chủ trương của chủ thể ban hành chính sách sẽ không đạt được kết quả như mong muốn. 
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác NCLL, cần có hệ thống chính sách KHCN đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả và khả thi. Việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành chính sách KHCN đòi hỏi thực hiện đánh giá tác động của chính sách, đây là một khâu trong chu trình hoạch định chính sách, là một yêu cầu không thể xem nhẹ và bỏ qua.
Giải pháp hoàn thiện mô hình quản lý và sử dụng đội ngũ cán bộ NCKH từ tiếp cận nghiên cứu năng lực
Năng lực là một trong hai thuộc tính cơ bản phản ánh chất lượng của đội ngũ cán bộ NCLL. Suy cho cùng, sự phát triển của đội ngũ cán bộ NCLL (con người) là sự phát triển năng lực. Giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác NCLL gắn với việc hoàn thiện mô hình quản lý và sử dụng đội ngũ cán bộ này theo hướng: 
Một là, phát triển năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác NCLL thông qua hình thức đào tạo, bồi dưỡng. Việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ là công việc thường xuyên, liên tục; bảo đảm hài hòa về cơ cấu trình độ chuyên môn, cơ cấu tuổi giữa các thế hệ cán bộ nghiên cứu, cơ cấu giới; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác NCLL, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ. Ngoài đào tạo cán bộ nghiên cứu trực tiếp thông qua hình thức với các chương trình, khóa học ở trong nước và ở nước ngoài, cần đặc biệt coi trọng đào tạo cán bộ nghiên cứu gián tiếp thông qua hình thức hướng dẫn của các thế hệ cán bộ nghiên cứu với nhau trong từng tổ chức NCKH và giữa các tổ chức NCKH.
Hai là, phát triển năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác NCLL thông qua hoạt động thực tiễn lao động khoa học của mỗi cá nhân. Nghị quyết số 03-NQ/TW nêu yêu cầu: “Thông qua hoạt động thực tiễn để tuyển chọn, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu khoa học”. Do vậy, trong mô hình quản lý và sử dụng đội ngũ cán bộ NCLL cần phải có các hình thức đa dạng để rèn luyện, thử thách, tạo điều kiện cho cán bộ NCLL phát triển năng lực từ chính trong hoạt động thực tiễn. Sự mở rộng cơ hội lựa chọn cho cán bộ nghiên cứu như vậy cũng chính là tạo động lực để cán bộ nghiên cứu chủ động phát triển năng lực của bản thân. 
Một số kết quả NCKH gần đây chỉ ra rằng, mặc dù quá trình tiếp thu, chuyển giao tri thức giữa các thế hệ được mở rộng nhờ có sự trợ giúp tích cực của công nghệ và thiết bị kỹ thuật hiện đại, song lượng tri thức mà con người tiếp nhận được từ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và giáo dục chỉ chiếm một phần trong tổng số tri thức của con người có được, phần tri thức còn lại đến từ kết quả rèn luyện của mỗi cá nhân thông qua hoạt động thực tiễn. Khi tham gia quá trình lao động sản xuất, hoạt động của con người gắn liền với thực tiễn đời sống phát triển kinh tế - xã hội. Khi đó, thực tiễn chính là xuất phát điểm của quá trình nhận thức. Ở giai đoạn này, thực tiễn đặt ra nhu cầu nhận thức mới, nhu cầu bổ sung tri thức, nâng cao năng lực giải quyết vấn đề của thực tiễn đặt ra. 
Như vậy, mô hình quản lý và sử dụng đội ngũ cán bộ NCKH cần phải coi việc thử thách, rèn luyện cán bộ NCLL là một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục để nâng cao năng lực thực hiện, giải quyết các vấn đề của thực tiễn hoạt động NCKH đặt ra. Xây dựng cơ chế, chính sách thử thách, rèn luyện người làm công tác NCLL theo hướng giao nhiệm vụ gắn với việc tạo điều kiện thực hiện là yêu cầu đặt ra cho công tác quản lý và sử dụng đội ngũ cán bộ NCKH nói chung, đội ngũ cán bộ NCLL nói riêng. Hằng năm, cơ quan quản lý và sử dụng cán bộ NCLL cần phải tổ chức các hoạt động kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng, kết quả việc thực hiện các nhiệm vụ NCKH đã được giao cho cán bộ NCLL thực hiện.
Giải pháp đổi mới cơ chế quản lý hoạt động NCKH từ nghiên cứu tiếp cận quyền của người nghiên cứu.
Nghiên cứu khoa học là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn. Nghiên cứu khoa học là hoạt động đòi hỏi đầu tư kinh phí nghiên cứu lớn; độ rủi ro, không thành công trong các nghiên cứu cao; kết quả nghiên cứu mang tính cộng đồng (không trở thành sản phẩm riêng của người nghiên cứu). Nghiên cứu khoa học đòi hỏi cán bộ nghiên cứu có năng lực khoa học, có khả năng tổng hợp, phân tích và có tư duy sáng tạo. Nghiên cứu khoa học là một dạng thức lao động đặc thù. Nó chỉ có thể phát triển trong những điều kiện xã hội đặc thù, trong đó môi trường lao động và quản lý là hết sức quan trọng. Bởi vậy, cần cơ cơ chế quản lý khoa học phù hợp, các quyền của người làm công tác NCKH được bảo đảm, như quyền tự do sáng tạo khoa học; quyền đề xuất ý tưởng nghiên cứu để được nhà nước và cá tổ chức xã hội tài trợ cho việc thực hiện nghiên cứu; quyền được thừa nhận những đóng góp khoa học sau khi công bố kết quả nghiên cứu; quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ,... Trên tinh thần đó:
Trước hết, về quan điểm đổi mới cơ chế quản lý hoạt động NCKH theo hướng: 1- Không hạn chế cá nhân có năng lực tham gia NCKH nói chung, NCLL nói riêng; 2- Tạo điều kiện thuận lợi để người làm NCLL được sáng tạo khoa học theo năng lực và trình độ của mình; 3- Tạo lập môi trường lành mạnh cho hoạt động NCKH phát triển. Nhà nước cần sớm ban hành văn bản mang tính pháp quy, công bố về đạo đức trong NCKH và quy phạm đạo đức khoa học của người làm công tác khoa học.
Thứ hai, giải pháp thực hiện đổi mới cơ chế quản lý khoa học theo hướng: 
- Cơ quan quản lý khoa học thực hiện chức năng định hướng nghiên cứu và công bố định hướng nghiên cứu dài hạn, trung hạn và hằng năm. Để khắc phục tình trạng lấn sân, làm thay việc của người làm NCKH, cơ quan quản lý khoa học công bố số lượng nhiệm vụ tuyển chọn, kinh phí dự kiến cấp cho từng nhiệm vụ, yêu cầu về sản phẩm cần đạt của từng chương trình khoa học, dự án nghiên cứu cụ thể.
- Tổ chức, cá nhân làm NCLL được chủ động và tự xác định nhiệm vụ; xây dựng thuyết minh đề cương nghiên cứu; theo năng lực nghiên cứu của mình.
- Việc quyết định giao thực hiện nhiệm vụ NCLL trên cơ sở bảo đảm các điều kiện sau: 1- Ý nghĩa thực tiễn và triển vọng ứng dụng, sử dụng kết quả nghiên cứu của vấn đề nghiên cứu dự kiến đạt được; 2- Sự phù hợp của thuyết minh đề cương nghiên cứu (do tổ chức và cá nhân đăng ký thực hiện chuẩn bị) với định hướng nghiên cứu do cơ quan quản lý khoa học công bố. 
Cơ quan quản lý khoa học thông qua hội đồng tư vấn để xem xét tính khả thi của vấn đề nghiên cứu, kết quả và sản phẩm khoa học dự kiến đạt được (do tổ chức, cá nhân đề xuất); năng lực của các thành viên dự kiến tham gia thực hiện nhiệm vụ... để lựa chọn và phê duyệt thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu./.
--------------------------------------------
(*) Bài viết là kết quả nghiên cứu Đề tài “Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ lý luận, nhất là chuyên gia đầu ngành”, mã số: KHBĐ (2018)-27;
Chú thích:

(1) Sách Khoa học và công nghệ Việt Nam năm 2015, tr. 83
(2) Đây cũng là quan niệm của UNESCO
(3) Sách Khoa học và công nghệ Việt Nam năm 2017, tr. 79
(4), (5) Báo cáo Đề án trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 khóa XI, ngày
18-9-2012, tr. 20, 21
Nguyễn Thành Trung TS. Bộ Khoa học và Công nghệ

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét