Nguyên nhân gây ra một sự việc nào đó có thứ là khách quan, có thứ là chủ quan. Trong các nguyên nhân chủ quan có nguyên nhân do chủ quan. Hai từ chủ quan trong câu vừa rồi có ý nghĩa khác nhau, nếu không chú ý có thể bị nhầm lẫn. Kể ra thay cụm từ “Nguyên nhân chủ quan” bằng “Nguyên nhân nội tại” thì tránh được nhầm lẫn như vậy.
Khi gặp thất bại người tầm thường hay tìm cách đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan, chỉ có người trí tuệ mới tìm được nguyên nhân chủ quan. Và chỉ khi tìm được nguyên nhân thật sự cơ bản thì mới có được biện pháp sửa chữa đúng đắn.
Tuy vậy, khách quan của bộ phận có thể là chủ quan của toàn bộ. Xét đối tượng A ở trong tập hợp B. Một nguyên nhân khách quan gây tác hại cho A, nhưng có thể là chủ quan của B.
Những bậc trưởng lão từ U80 trở lên chắc còn nhớ, trước đây (từ 1946 trở về sau) khi nói đến khuyết điểm, thiếu sót của tổ chức hoặc cá nhân, người ta hay đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan là “tàn dư của đế quốc và phong kiến”, còn lãnh đạo vẫn rất thông minh, rất sáng suốt.
Cách tuyên truyền như vậy đã lừa được nhiều người, nhưng rồi quần chúng khôn ra, không tin vào sự đổ vấy nữa, nên người ta chuyển sang cách nói khác. Sau khi trình bày những sai lầm, thiếu sót không thể che giấu được, họ công nhận nguyên nhân do khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Công nhận thế, tưởng thể hiện được khả năng trí tuệ, nhưng cũng để đánh lừa mà thôi. Vì sao vậy? Vì người ta chỉ nêu loa qua vài nguyên nhân vụn vặt, lộ ra ngoài, dễ thấy, mà tránh việc tìm ra, kể ra những nguyên nhân thuộc bản chất, bị ẩn giấu. Khi có ai phản biện, kể ra nguyên nhân như vậy mà không làm vừa lòng người ta thì ngay lập tức bị quy kết là “phản động”, là cố tình phá hoại.
Gần đây, khi huấn thị về giáo dục, sau khi kể ra một số bất cập của ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính, nói rằng: “Nguyên nhân của các vướng mắc, hạn chế trên có cả chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu”. Đây là một câu đã được nghe quen tai, rất quen tai.
Nhân ý kiến của Thủ tướng, tôi bàn vài điều. Về nguyên nhân chủ quan, các bất cập của ngành giáo dục, người nói ở hai cương vị sẽ có hai ý nghĩa khác nhau. Khi Bộ trưởng nói thì đó là tự thú nhận, tự chịu trách nhiệm. Nguyên nhân chủ quan là của Bộ, của ngành. Nhưng khi cấp trên nói thì phải làm rõ chủ quan của ai. Khi ngụ ý chủ quan là của ngành thì lời của cấp trên có ý quy kết, chứ không phải lời tự thú nhận. Còn nếu định nói chủ quan là của cả cấp trên thì phải nói rõ, rằng các sai lầm có nguyên nhân chủ quan của ngành và của lãnh đạo nhà nước, của thể chế.
Mà thật sự những bất cập trong giáo dục chủ yếu do sai lầm của đường lối, từ cấp trên dội xuống, kết hợp với sai lầm nội tại của ngành. Bộ trưởng đóng vai trò vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm. Lúc này mà cấp trên phán rằng nguyên nhân chủ quan là của ngành thì đó là sự quy kết, có tính chất đổ vấy mà không nhìn ra được thực chất vấn đề, không chịu nhận trách nhiệm.
Thử hỏi, phát hiện ra bệnh thành tích dỏm do phong trào thi đua trong giáo dục, lợi ít hại nhiều, Bộ trưởng có dám ra lệnh bãi bỏ thi đua hay không, khi mà lãnh đạo cấp trên còn ôm ấp nó?
Thử hỏi, biết học sinh chán chường phải học nhiều điều phục vụ cho ý đồ không trong sáng về chính trị, giáo viên khổ sở về việc phải dạy những điều không tin là chân lý, Bộ trưởng có dám cho rút bớt hoặc sửa đổi khi mà Tuyên giáo chủ trương như thế?
Nếu dám làm khác những chỉ đạo của cấp trên, không khéo ngồi chưa nóng chỗ thì Bộ trưởng đã bị loại bằng cách này hay cách khác mất rồi.
Ở cương vị cao hơn Bộ trưởng, khi nhìn vào bất cập của giáo dục, người có trí tuệ cần thấy được nguyên nhân chủ quan của Chính phủ, của lãnh đạo nhà nước. Đó là sự duy ý chí trong phát triển giáo dục, là những nhầm lẫn trong đường lối và chương trình đào tạo con người (đào tạo những người biết thừa hành chứ không phải người sáng tạo), là những sai sót trong chính sách tuyển chọn, dùng người (trả lương theo bằng cấp), là sự mất dân chủ và thoái hóa đạo đức của cả hệ thống.
Vấn đề là, Bộ trưởng có thấy được những điều này không? Thấy rồi thì có đủ dũng cảm hoặc trí thông minh để chọn cách hành động đúng, hợp tình, hợp lý hay không? Nếu gặp phải Bộ trưởng quá kém, không thấy được những nhầm lẫn của cấp trên, hoặc thấy mà không dám nói ra thì đó cũng không phải là sai lầm chủ quan của ngành, mà là sai lầm của những ai ở cấp trên đã chọn người như vậy làm bộ trưởng.
Tất nhiên trong phạm vi quyền của mình, các Bộ trưởng cũng phạm một số sai lầm trong quản lý, điều hành. Đó là sai lầm chủ quan của nội bộ ngành giáo dục. Thí dụ tạo ra một nền hành chính kém hiệu quả trong quản lý, biến một phần lao động của thầy cô thành công việc khổ sai, để cho việc dạy thêm tràn lan, làm hủy hoại đạo đức và quan hệ sư phạm, để cho việc gian dối chiếm lĩnh trường học v.v…
Cũng có không ít sai sót chủ quan của thầy cô giáo như giảng dạy rập khuôn, làm tiền phụ huynh và học sinh, không công bằng trong đánh giá, chạy theo thành tích dỏm v.v…
Tìm nguyên nhân chủ quan của bất cập là rất cần, nhưng phải tìm ở cả ba cấp độ: Lãnh đạo nhà nước, quản lý của ngành, hoạt động của giáo viên. Và quan trọng là phải tìm đúng nguyên nhân cơ bản, thường bị ẩn giấu và những lãnh đạo thiếu trung thực muốn giấu đi, không để cho dân biết.
Về một sự cố, khi ai đó tìm ra nguyên nhân V, muốn biết nó có phải là nguyên nhân cơ bản hay chưa thì đặt tiếp câu hỏi: Vậy cái gì làm phát sinh ra V? Nếu thấy còn cần hỏi và tìm được câu trả lời thì V chưa phải là nguyên nhân cơ bản. Cứ loay hoay tác động vào V thì không khéo chữa cái sai này lại làm phát sinh cái sai khác.
Mà muốn tìm nguyên nhân chủ quan cơ bản của một tổ chức thì không thể dựa hoàn toàn vào người của tổ chức đó. Phải thực tâm trông chờ, tham khảo ý kiến phản biện từ bên ngoài hoặc từ trong nội bộ.
Một số tổ chức mở các cuộc thi để tìm ý tưởng hay. Thí dụ cuộc thi Giải Búa Liềm Vàng về xây dựng Đảng, giải thưởng báo chí về Chống tham nhũng v.v… Liệu có nên mở cuộc thi tìm nguyên nhân xuống cấp của Giáo dục?
Vừa mới nhậm chức, ông Thủ tướng, ông Bộ trưởng có những phát biểu đáng để ý, những người nhẹ dạ, cả tin, nghe qua thì cảm thấy hài lòng, nhưng có người lại phát hiện ra một vài điều đáng nghi vấn. Nghe nói rồi, chờ xem họ làm như thế nào mới biết.
NTB- Rất tâm đắc với lời bàn của GS về "nguyên nhân chủ quan của giáo dục" nhất là lúc ngành GD đang thảo luận sôi nổi về giải pháp để 'học thật, dạy thật, nhân tài thật' . Có 3 ý cần nói rõ thêm:
1/ Nguyên nhân chủ quan hay khách quan đều gắn với chủ thể con người nhất định (cá nhân, tổ chức). Một cá nhân hay tổ chức được coi là chủ thể, thì cá nhân hay tổ chức khác có liên quan đến hiện tượng, sự vật được xét là khách thể. Nguyên nhân chủ quan là nguyên nhân mà chủ thể có thể kiểm soát, tác động trong phạm vi chức năng, quyền hạn, để đạt mục đích đặt ra. Nguyên nhân khách quan thì ngược lại.
2/ Tìm nguyên nhân chủ quan hay khách quan là bước khởi đầu chỉ ra tốt, xấu của chủ thể. Tốt để phát huy. Xấu để sửa chữa hay loại bỏ. Tuy nhiên cần có chuẩn mực rõ ràng để tốt và xấu không phải giả hoặc lẫn lộn.
3/ Nguyên nhân cơ bản là nguyên nhân giống như nền tảng tạo ra sự bền chắc của hiện tượng, sự vật được cho là xấu phải phá bỏ. Chỉ cần phá bỏ nền tảng thì coi như hiện tượng, sự vật xét là không còn. Tìm ra nền tảng của một công trình kiến trúc khá đơn giản. Nhưng tìm ra nền tảng của hiện tượng kinh tế-xã hội như giáo dục, tôi nghĩ phức tạp hơn nhiều ngay cả đối với các chuyên gia, vì liên quan đến phương pháp 'đánh giá tác động của các nhân tố ảnh hưởng" cùng nảy sinh và tương tác với nhau !
GIÁO VIÊN RẤT MUỐN DẠY THẬT, NHƯNG AI ĐÁNH GIÁ, GHI NHẬN VÀ BẢO VỆ HỌ?
THANH AN/ GDVN 21-5-2021
Thời điểm này, nhiều trường học bắt đều thực hiện việc xếp loại viên chức và xét thi đua cho đơn vị mình- đây được xem là một trong những công việc quan trọng bởi hồ sơ xếp loại viên chức được lưu trong hồ sơ cá nhân của giáo viên.
Những cá nhân được xét thi đua ở các danh hiệu cao không chỉ có thêm quyền lợi mà những danh hiệu đó cũng tạo cho giáo viên nhiều lợi thế trong quá trình công tác và xét tăng lương trước thời hạn sau này.
Tuy nhiên, có một thực tế là đối với những trường không phải là trường chuyên, trường điểm thì nhiều giáo viên “dạy thật, đánh giá thật” kết quả học tập của học trò thì bị xếp loại ở mức thấp hơn.
Những người dễ dãi, cho điểm thoáng thì lại được xếp loại ở mức cao. Vì thế, trong trường học có những giáo viên chạy đua với tỉ lệ học sinh khá, giỏi và rất ít khi để học sinh ở mức điểm yếu kém.
Bởi, tỉ lệ học sinh yếu kém nhiều thì cũng đồng nghĩa với việc giáo viên bị xếp loại viên chức ở mức thấp, không được xét thi đua và còn có nhiều phiền toái đi kèm.
Xét viên chức, xét thi đua giáo viên đang lấy điểm số của học trò làm thước đo
Năm học này là năm đầu tiên các đơn vị trường học thực hiện việc phân loại viên chức theo Nghị định số 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ nên cách hiểu của mỗi Ban giám hiệu nhà trường cũng rất khác nhau.
Có trường học tương đối thoáng trong cách xếp loại viên chức vì năm nay tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm đã không còn trong tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức ở mức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Nhưng, cũng có những trường lại xiết rất chặt và lấy tỉ lệ học sinh giỏi và học sinh yếu kém làm thước đo khi xếp loại viên chức cho giáo viên. Một số trường học căn cứ máy móc vào điểm b của khoản 1 ở các Điều 12, 13, 14 của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP để xếp loại viên chức trong đơn vị mình.
Đó là, khi xếp loại viên chức ở mức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” thì giáo viên phải: “Hoàn thành 100% nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả cao, trong đó ít nhất 50% nhiệm vụ hoàn thành vượt mức”.
Xếp loại chất lượng viên chức ở mức ‘Hoàn thành tốt nhiệm vụ” thì giáo viên phải: “Hoàn thành 100% nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả”.
Còn xếp loại viên chức ở mức “Hoàn thành nhiệm vụ” thì: “các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao đều hoàn thành, trong đó có không quá 20% tiêu chí chưa bảo đảm chất lượng, tiến độ hoặc hiệu quả thấp”.
Một số Ban giám hiệu lý giải rằng với hướng dẫn như vậy thì những giáo viên đã đăng ký chỉ tiêu trong kế hoạch cá nhân đầu năm của mình về tỉ lệ học sinh giỏi, học sinh yếu bao nhiêu nếu vượt thì được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Nếu tỉ lệ học sinh giỏi, và yếu kém bằng chỉ tiêu đăng ký đầu năm thì xếp ở mức “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” và nếu không đạt được chỉ tiêu đăng ký đầu năm thì đương nhiên giáo viên đó phải xếp ở mức “Hoàn thành nhiệm vụ”.
Nhưng, điều tréo ngoe là chỉ tiêu mà giáo viên đã đăng ký trong kế hoạch cá nhân của mình không phải là do giáo viên tự nguyện đăng ký mà đây là tỉ lệ mà Ban giám hiệu nhà trường đã “ấn định” từ đầu năm học.
Tỉ lệ này được Ban giám hiệu nhà trường căn cứ vào tỉ lệ đạt được của từng tổ chuyên môn trong năm học trước, cộng với tỉ lệ bình quân của huyện, của tỉnh ở năm học vừa qua làm số liệu giao chỉ tiêu cho từng tổ chuyên môn mà nhiều khi không cần căn cứ vào thực tế của đơn vị mình.
Khi Ban giám hiệu giao chỉ tiêu trong ngày Hội nghị viên chức đầu năm thì bắt buộc giáo viên trong các tổ chuyên môn phải lấy số liệu này làm tỉ lệ đăng ký chỉ tiêu cho mình trong năm học.
Cuối năm học, nếu gặp lớp giỏi thì đương nhiên chỉ tiêu này có thể đạt được, nếu không thì tỉ lệ học sinh giỏi thấp hơn chỉ tiêu đề ra và tỉ lệ học sinh yếu kém sẽ cao hơn chỉ tiêu đăng ký.
Khi tỉ lệ học sinh yếu kém cao hơn, tỉ lệ học sinh giỏi thấp hơn đăng ký đầu năm thì giáo viên bị xếp ở mức “Hoàn thành nhiệm vụ” mà ở mức này thì đương nhiên không giáo viên nào muốn…nhận.
Bởi, phải được xếp loại viên chức ở mức “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” thì mới được xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, được xét viên chức ở mức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” thì mới được xét danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” trở lên.
Những danh hiệu này gắn liền với quyền lợi thiết thực của giáo viên và nó còn được lưu vào hồ sơ cá nhân trong quá trình công tác tại đơn vị hoặc thuyên chuyển công tác sang đơn vị khác.
Vì thế, học sinh yếu kém được một số giáo viên đẩy lên trung bình, loại trung bình đẩy lên khá, loại khá đẩy lên giỏi cho đạt chỉ tiêu mà Ban giám hiệu giao đầu năm. Một khi giáo viên cứ “đẩy” lên như vậy thì còn đâu là “dạy thật, học thật, nhân tài thật” được?
Nhưng, nếu giáo viên nào dám làm được như vậy thì đương nhiên được khen thưởng.
Những giáo viên nào dạy thật, đánh giá thật, nghiêm túc trong giảng dạy, gác kiểm tra và cho điểm học trò thì khó đạt được chỉ tiêu đã đăng ký và đương nhiên là họ phải ngậm ngùi không được xét thi đua.
Bởi, mỗi lớp chỉ cần 3-4 học sinh bị điểm tổng kết yếu là xem như đã có trên dưới 10% học sinh yếu kém- con số này đủ để loại hết mọi danh hiệu của người thầy mà thực tế thì mỗi lớp mà có chừng ấy học sinh yếu kém đã là mừng cho thầy cô lắm rồi.
Chính vì thế, tỉ lệ học sinh giỏi ngày càng nhiều, danh hiệu khen thưởng học sinh ngày càng lắm nhưng có bao nhiêu học sinh giỏi thật trong những trường đại trà thì ai cũng biết.
Dạy thật, học thật phải thay đổi từ rất nhiều phía
Dân gian có câu: “làm thật ăn cháo, làm láo ăn cơm” và câu này được nhiều giáo viên bây giờ nói chệch lại rằng: “làm thật ăn cháo, làm láo thì được khen” vì nhiều giáo viên dạy thật, đánh giá thật học trò thường bị chê trách, bị thua thiệt trong xét thi đua.
Chúng tôi cho rằng muốn phát huy việc “dạy thật, học thật” thì một số văn bản hiện nay cần phải được nghiên cứu thấu đáo để sửa đổi.
Giao chỉ tiêu là tốt, đăng ký chỉ tiêu cũng là phù hợp nhưng hãy để giáo viên tự nguyện đăng ký chỉ tiêu của mình. Giáo viên họ sẽ nắm được chất lượng thực tế của học trò như thế nào, họ sẽ biết đăng ký chỉ tiêu phù hợp với thực tế lớp họ dạy.
Học sinh bây giờ có nhiều em cực giỏi, cực thông minh nhưng cũng đan xen nhiều em không chịu học hành, kệ mặc tương lai vì nhiều em thừa hiểu rằng dù học dở cỡ nào thì các em cũng “không có cửa” ở lại lớp.
Các em được nhiều thầy cô nâng đỡ, bởi mỗi lớp học có tới hơn chục môn học. Thầy này khó, sẽ có cô khác dễ, thoáng trong việc gác kiểm tra và cho điểm.
Vì thế, ngành giáo dục chỉ “dạy thật, học thật” khi lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo ngành, lãnh đạo địa phương nhìn vào thực tế của địa bàn, đơn vị mình phụ trách, đề ra kế hoạch phù hợp và họ phải thực sự là người “nói không với bệnh thành tích”.
Các văn bản xét viên chức, xét thi đua cũng đừng quá nặng về chỉ tiêu, quá ràng buộc vào thành tích vì nếu gài thành tích giảng dạy vào thì sẽ có nhiều giáo viên họ tìm cách đối phó cho ra những số liệu cực đẹp, làm hài lòng những lãnh đạo khó tính nhất.
Tạo môi trường thân thiện trong công tác cho giáo viên, tạo động lực học tập cho học trò học thật mới là điều đáng trân quý ở các nhà trường bởi nó mới ra chất lượng thật.
Còn cứ như một số đơn vị trường học hiện nay áp đặt về chỉ tiêu, học sinh học sao cũng có thể được lên lớp, thậm chí còn được khen thưởng thì việc dạy thật, học thật vẫn còn xa lắm.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
THANH AN
BỘ TRƯỞNG NGUYỄN KIM SƠN BÀN VỀ CHỮ 'THẬT' TRONG GIÁO DỤC
THÙY LINH /GDVN 21-5-2021
Đầu tháng 5/2021, khi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong nhiều ý kiến chỉ đạo, định hướng cho giáo dục, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh mong muốn ngành giáo dục cần phải “Học thật, thi thật, nhân tài thật”.
Trước chỉ đạo này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định ngành giáo dục sẽ tập trung thực hiện tốt những định hướng quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trong cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa qua. Trong đó, có yêu cầu giáo dục cần phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, học thật, hay thực học, xét về phương diện nội dung, là nền giáo dục dạy người ta tri thức, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức, tạo ra năng lực thực, tức những gì mà người học có thể dùng nó cho công việc, cho mưu sinh, cho đời, cho đất nước. Thực học là tránh việc học những cái ra đời không dùng vào việc gì, còn cái cần cho việc thì không được học.
Thực học ở đây với nghĩa là nền giáo dục thiết thực, hữu dụng, có thực chất, giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn chặt với đời sống. Học thật là danh vị, học hàm, bằng cấp là phù hợp và phản ánh đúng cái thực lực của người học.
 |
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định ngành giáo dục sẽ tập trung thực hiện tốt những định hướng quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Thực tế còn nhiều người nhiều nơi, học qua loa cho có, học chống đối, học cốt lấy bằng, học xong không thêm gì kiến thức năng lực. Có người nhiều bằng cấp, nhưng trước công việc thì không làm được, danh vị là hư danh...
Do đó để học thật trước hết là là bỏ thói học vẹt, học thuộc, học nhồi nhét kiến thức, học cốt để thi, học theo bài mẫu, học không cần đào sâu suy nghĩ, không đi vào bản chất, học không gắn với thực tiễn. Học thật là kiểm tra đánh giá đúng, đáng bao nhiêu điểm thì cho bấy nhiêu, ai phải học lại thì cho học lại không “ ngồi nhầm lớp’, luận án không chất lượng thì không cho qua...
Tất nhiên, nói như thế không phải là toàn bộ nền giáo dục lúc này là hư rỗng. Vẫn có số đông, rất đông đang dạy thật, học thật, năng lực thật. Nhưng vẫn còn đó nhiều ngành nghề, nhiều trường, nhiều người học có danh mà không có thực, có bằng mà không có chất, “thực không xứng danh, danh không xứng thực”.
Thủ tướng yêu cầu ngành giáo dục cần chất lượng hơn, thực chất hơn, bỏ đi những tiêu cực, bệnh hình thức gây nhức nhối. Để làm được điều đó ngành giáo dục có sự chuyển hóa về chất, nó không chỉ là vấn đề chất lượng giáo dục mà sâu xa hơn thế, nó là việc chất lượng con người để đáp ứng cho nhu cầu của cuộc sống, chất lượng để tạo ra của sự phát triển của đất nước, của nhu cầu nhân lực chất lượng cao và đặc biệt là nhân tài...
Để có được sự chuyển đổi lớn theo hướng thực chất trong giáo dục, theo như chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giáo dục và Đào tạo có rất rất nhiều việc phải làm. Trước hết, Bộ sẽ phải xem xét điều chỉnh rà soát lại nội dung dạy và học, dạy cái thiết thực, cái thực nghiệp, giảm và tiến tới bỏ hẳn cái hình thức, phù phiếm, vô bổ.
Bậc phổ thông thì chú trọng dạy người, biết tu dưỡng, sống có chí hướng, có đạo đức, dạy kiến thức cơ bản, khả năng tự thích ứng và phát triển bản thân.
Bậc đại học thì từ khâu xây dựng chương trình, tới thiết kế chuẩn đầu ra, tới đặt từng môn học sao cho sát hợp thực tiễn. Học đi đôi với hành, thực tập thực tế cho đầy đủ, thực chất. Cần lấy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo làm nền tảng để tạo ra chất lượng. Cần nuôi khát vọng, chí hướng và tinh thần khởi nghiệp.
Cần thay đổi phương pháp để sao cho người học tiếp thu tốt nhất, thích học, biết học để làm gì, học ngành nghề phù hợp với năng lực sở trường của mình. Học để biết, học để làm việc, học để phát triển phẩm chất năng lực bản thân chứ không phải vì điểm số, không phải học chỉ để thi, học để có bằng cấp chứng chỉ. Cần nghiêm trong kiểm tra đánh giá, để sao cho đánh giá đúng cái thực chất người học có và tích lũy được, đạt được, không để nhân tố nào làm sai lệch kết quả đánh giá, thi không cốt quá nhiều và phiền hà mà thi cốt cho nghiêm, đánh giá đúng...
Để có được nền giáo dục thực chất, tự ngành giáo dục phải hành động, có sự thay đổi, chuyển mình rất lớn từ trong tư duy, từ trong nếp dạy, từ trong thói quen đã hình thành nhiều năm nay được định hình bởi quan điểm xã hội.
Ngành cũng cần phải có cơ sở vật chất tốt cho nhà trường, phòng thí nghiệm, phương tiện dạy và học đầy đủ, hiện đại để có thể tạo ra chất lượng giáo dục tốt nhất. Cần có đội ngũ giáo viên giỏi, năng lực thực và có thu nhập xứng đáng, yên tâm với nghề. Hai điều này chính là là THỰC LỰC của ngành giáo dục. Có tạo được cái THỰC đó mới vực được chất lượng lên, mới đề cao được thực học.
Từ góc độ quản lý nhà nước trong lĩnh vực, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chuẩn bị kế hoạch cụ thể thực hiện chỉ đạo lớn này của Thủ tướng Chính phủ.
Vẫn theo người đứng đầu ngành giáo dục đào tạo, thì một thực tế xã hội rất quan trọng khác đang trực tiếp triệt tiêu động lực của việc học thật, thi thật chính là việc nhiều đơn vị và tổ chức tuyển người, dùng người, đánh giá người còn dựa trên bằng cấp mà chưa chú ý đến trình độ thực chất.
Nói cách khác, việc làm cho người học phải học thực, thi thực, thì một phần quan trọng lại nằm ở phía sử dụng sản phẩm đầu ra của giáo dục, đó là việc dùng người, tuyển người, đánh giá người. Nếu tuyển người chỉ dựa trên giấy tờ, theo quan hệ và bị chi phối bởi các yếu tố không thực chất, thì người học sẽ có xu hướng chỉ lo sao cho đẹp hồ sơ, chuẩn các điều kiện, mà không lo phần thực chất.
Nếu việc tuyển người, dùng người, đánh giá người theo năng lực thật, ai có tài năng thực được trọng dụng, được đánh giá đúng... thì khi đó học sinh trong nhà trường sẽ đua nhau mà học thật thi thật. Dùng người chỉ căn cứ theo năng lực, theo phẩm chất thật, thì việc dạy và học sẽ chuyển động theo một cách nhanh chóng. Trên nền tảng của việc học thực chất, người được dùng đúng theo năng lực, khi đó người tài sẽ xuất hiện, người tài sẽ được bồi dưỡng. Khi việc dùng người đúng năng lực, đánh giá đúng phẩm chất, khi đó tài năng thực sẽ nở rộ.
Học thật thi thật trước hết và luôn luôn là việc của ngành giáo dục, nhưng cũng là của toàn xã hội. Nếu tất cả mọi người cùng đồng lòng vì nền giáo dục thực chất, vì cuộc sống chất lượng và sự phát triển của đất nước, thì một trong những việc đầu tiên cả xã hội chung tay hành động là tất cả cùng vì thực học!
Thùy Linh
MUỐN CÓ GIÁO DỤC THẬT, BỘ TRƯỞNG NÊN BẮT ĐẦU CHẤN CHỈNH TỪ CÁC CỤC, VỤ THAM MƯU
BÙI NAM /GDVN 24-5-2021
Ngày 6/5, tại trụ sở Chính phủ, nhấn mạnh yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật”, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá tổng thể, toàn diện, thẳng thắn về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, nhất là trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nêu rõ những kết quả, thành tựu đạt được, những mặt chưa được, các bài học kinh nghiệm, rút ra nguyên nhân, đề xuất các giải pháp đột phá, tổng thể cho thời gian tới.
Về các kiến nghị cụ thể của Bộ, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ và Bộ GD&ĐT trao đổi, phân loại, làm rõ nội dung nào thuộc thẩm quyền xử lý của địa phương, nội dung nào thuộc thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phiếu nhận xét, đánh giá cá nhân học sinh theo Thông tư 26 gây phản ứng mạnh mẽ từ phụ huynh Hải Phòng (Ảnh: Lã Tiến) |
Với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xử lý, những vấn đề liên ngành, liên bộ thì cùng các bộ, cơ quan liên quan thảo luận, tháo gỡ. Vấn đề nào nằm tại các luật thì đề xuất, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung. [1]
Nên bắt đầu chữ THẬT từ chính các vụ, cục tham mưu của Bộ
Người viết không chỉ rất tâm đắc với quan điểm Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải "học thật, thi thật, nhân tài thật", mà còn đặc biệt tán thành quan điểm chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ về các kiến nghị cụ thể của Bộ.
Trong khuôn khổ bài viết này, người viết xin được nêu một vấn đề thời sự giáo giới cả nước đặc biệt quan tâm, thuộc thẩm quyền của Bộ mà Bộ trưởng có thể chỉ đạo làm ngay, để bắt đầu quá trình thúc đẩy chữ THẬT trong giáo dục.
Theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học này sau mỗi học kỳ, các giáo viên phổ thông phải tập trung cao độ để viết từ hàng trăm đến hàng nghìn tờ phiếu nhận xét, đánh giá cá nhân học sinh.
Khi vấn đề được phản ánh trên báo chí, ngày 15/5 Báo Tuổi trẻ đưa tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản phủ nhận việc yêu cầu giáo viên viết phiếu nhận xét trong sổ theo dõi, học bạ cho học sinh với các môn học đánh giá bằng nhận xét như dư luận bức xúc. [2]
Tuy rất phấn khởi trước thông tin này, nhưng người viết và đồng nghiệp nhanh chóng thất vọng khi không thể tìm được văn bản hướng dẫn nói trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thay vào đó chỉ là một văn bản không số hiệu, con dấu và chữ ký, được cho là của Vụ Giáo dục trung học. [3] [4]
Về văn bản "không đầu, không đuôi" được cho là của Vụ Giáo dục trung học, ngày 21/5 Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài phỏng vấn luật sư phân tích khá đầy đủ về văn bản "thư công tác" đề ngày 14/5/2021, một loại văn bản không có trong các thể loại văn bản hành chính theo quy định của Nhà nước. [5]
Đến nay chưa thấy Vụ Giáo dục trung học có ý kiến gì về "thư công tác" này cũng như phân tích của luật sư. Chưa nghe được quan điểm chính thức của Vụ Giáo dục trung học, nhưng người viết đặc biệt quan tâm đến phản ánh của một bạn đọc lấy "nick name" là "CB quản lý" trong bài viết [5]:
Không chỉ riêng Vụ Trung học có "thư công tác" đâu, còn Vụ tiểu học và một số Vụ nữa. Cái này mới có từ vài năm nay, chỉ đạo theo kiểu "nói mà không thừa nhận", nhưng các Sở đều phải làm theo dù biết không có giá trị pháp lý, rất bực mình. Nhà báo cứ tìm hiểu thêm xem. Lỡ có chuyện gì thì phủi tay, còn ở dưới không làm thì "đã có thư công tác tại sao không làm".
Tò mò, người viết vào Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo (moet.gov.vn) tìm kiếm từ khóa "thư công tác", thì thấy một "thư công tác" của Vụ Giáo dục trung học ngày 10/4/2020 triển khai kế hoạch phát sóng của Chương trình dạy học trên truyền hình, thư công tác này cũng không số hiệu, không chữ ký, không con dấu [6].
Giáo viên bức xúc thắc mắc một đằng, "Bộ Giáo dục" giải thích một nẻo?
Việc giáo viên phải ghi quá nhiều phiếu nhận xét đánh giá học sinh là đang thực hiện theo khoản 1 và khoản 2 điều 1 Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT, cụ thể:
1. Sửa đổi, bổ sung Điểm b Khoản 1 Điều 6 như sau:
"b) Kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số đối với các môn học còn lại:
Đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành [...]
2. Sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 2 Điều 6 như sau:
"a) Đối với các môn học kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số: nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi, kết quả học tập môn học sau mỗi học kì, cả năm học; tính điểm trung bình môn học và tính điểm trung bình các môn học sau mỗi học kì, cả năm học;".
Phản hồi về thông tin này, "Bộ Giáo dục và Đào tạo" đã có ý kiến như thế nào?
Do không thể tìm thấy thông tin liên quan trên cổng thông tin điện tử của Bộ [7], nên người viết đành tìm kiếm trên báo chí và Google. Báo VOV.vn [8] dẫn thông tin được cho là của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết:
Thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên; tham gia kiểm tra, đánh giá định kỳ theo phân công của Hiệu trưởng; trực tiếp ghi điểm hoặc mức nhận xét (đối với các môn đánh giá bằng nhận xét) vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh. Đối với hình thức kiểm tra, đánh giá bằng hỏi - đáp, giáo viên phải nhận xét, góp ý kết quả trả lời của học sinh trước lớp; nếu quyết định cho điểm hoặc ghi nhận xét (đối với các môn đánh giá bằng nhận xét) vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh thì phải thực hiện ngay sau đó.
Tính điểm trung bình môn học (đối với các môn học kết hợp đánh giá bằng nhận xét và điểm số), xếp loại nhận xét môn học (đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét) theo học kì, cả năm học và trực tiếp vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh, học bạ.
Thông tư 26 không quy định giáo viên bộ môn ghi trực tiếp nội dung đánh giá bằng nhận xét vào Sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học), học bạ học sinh mà chỉ ghi điểm trung bình môn học (đối với các môn học kết hợp đánh giá bằng nhận xét và điểm số) và kết quả xếp loại nhận xét môn học (đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét) vào 2 hồ sơ này.
Nội dung các báo phản ánh hướng dẫn được cho là của Bộ Giáo dục và Đào tạo rất giống với hướng dẫn/chỉ đạo trong "thư công tác" không đầu, không đuôi được cho là của Vụ Giáo dục trung học [3] [4].
 |
"Thư công tác" 4 không được cho là của Vụ Giáo dục trung học, nguồn: [3] [4] |
Giáo viên, các nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục địa phương đang lúng túng trong việc áp dụng khoản 1 và khoản 2 điều 1 Thông tư 26 thì hướng dẫn được cho là của Vụ Giáo dục trung học lại hướng dẫn khoản 9 điều 1 Thông tư 26.
Nói cách khác là giáo viên hỏi một đằng thì được trả lời một nẻo, chưa kể cách trả lời của Bộ qua báo chí [2] [8] hay qua công văn [3] [4] đều rất có vấn đề. Cho nên hiện nay giáo viên đang rất rối não.
Nói như "thư công tác" này, ghi phiếu nhận xét không phải việc của giáo viên bộ môn, lẽ nào đó là việc của giáo viên chủ nhiệm? Ai sẽ thực hiện việc đánh giá, nhận xét theo khoản 1, khoản 2 điều 1 Thông tư 26?
Vậy nên, cách đặt vấn đề của bạn đọc "CB quản lý" không phải không có lý, với kiểu chỉ đạo qua "thư công tác 3 không - không số hiệu, không con dấu, không chữ ký" sẽ dẫn đến cái không thứ 4 - không ai chịu trách nhiệm, trả lời cho có?
Ngoài ra, truyền thông cũng đang phản ánh một vụ việc nghiêm trọng khác, dấu hiệu làm giả kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ chính một vụ chức năng của bộ này, liên quan trực tiếp đến một phó vụ trưởng [9].
Học trò "nhất quỷ nhì ma" làm giả văn bản của cơ quan chức năng thì người viết đã thấy, nhưng làm giả kế hoạch của Bộ xuất phát từ chính một cơ quan tham mưu cho Bộ thì đây là lần đầu tiên người viết nghe đến.
"Sư tử trùng thực sư tử nhục", chủa tể sơn lâm có khi không chết vì đối thủ bên ngoài, mà bởi chính những con vi trùng, vi khuẩn trên người của nó. Cho nên việc làm trong sạch bộ máy, làm THẬT bắt đầu từ chính các cơ quan tham mưu giúp việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo thiết nghĩ là việc làm cấp bách, khả thi và có thể làm ngay.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://mpm.chinhphu.vn/hoat-dong/nganh-giao-duc-phai-vuon-len-manh-me-doi-moi-tu-duy-quan-ly-19976.html
[2]https://tuoitre.vn/khong-yeu-cau-viet-danh-gia-hoc-sinh-vao-so-theo-doi-hoc-ba-20210515191103373.htm
[3]https://thpt-tayninh.violet.vn/entry/ve-viec-trien-khai-danh-gia-bang-nhan-xet-theo-thong-tu-26-tt-bgddt-13061249.html
[4]http://thpthiepthanh.sgddtbaclieu.edu.vn/thong-bao/thu-cong-tac-cua-vu-giao-duc-ve-trien-khai-thong-tu-26..html
[5]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/vu-giao-duc-trung-hoc-huong-dan-bang-van-ban-khong-so-khong-chu-ky-con-dau-post217910.gd
[6]https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/giao-duc-trung-hoc/Pages/default.aspx?ItemID=6605
[7]https://moet.gov.vn/van-ban/vbdh/Pages/default.aspx
[8]https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/buoc-giao-vien-nhan-xet-tung-hoc-sinh-vao-so-theo-doi-la-sai-quy-dinh-858178.vov
[9]https://nongnghiep.vn/vu-lam-gia-ke-hoach-26-lien-quan-den-mot-nu-pho-vu-truong-d291382.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
BÙI NAM
DẠY THẬT, HỌC THẬT NÓI THÌ DỄ NHƯNG THỰC HIỆN KHÓA VÔ CÙNG !
LÊ VĂN MINH/ GDVN 23-5-2021
Chúng ta đều biết, cái “thật” vẫn là chủ đạo ở ngành giáo dục, phần lớn thầy cô giáo và học trò vẫn đang dạy thật, nhiều học sinh đang học thật nhưng nó cũng đang đan cài tình trạng dạy chưa thật, học chưa thật nên dẫn đến thành tích giả, báo cáo giả.
Nhưng, mấu chốt cuối cùng của mỗi năm học lại là những con số, là số liệu thống kê từ chất lượng bộ môn của mỗi giáo viên, mỗi tổ chuyên môn và của mỗi nhà trường. Số liệu ấy không kể trường chuyên, trường điểm hay trường đại trà, không kể trường có điều kiện hay trường ở vùng khó khăn.
Ai có số liệu đẹp thì gần như đã được mặc định là người đó dạy giỏi, trường đó dạy giỏi và khi khen thưởng thì người ta cũng căn cứ vào những con số này chứ chẳng mấy nơi căn cứ vào chuyện dạy thật, học thật ở trên lớp làm gì nữa.
 |
Bệnh thành tích của một số trường học khiến rất khó đánh giá đúng việc dạy và học (Ảnh minh họa: Tienphong.vn) |
Đánh giá việc dạy, học thật đang…rất khó
Thực ra, để đánh giá một giáo viên đứng lớp dạy giỏi bây giờ rất khó và chẳng ai lại tự đi nhận mình là người dạy dở bao giờ. Ngay cả việc các cấp tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi hiện nay cũng chỉ là tương đối khi công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp.
Bởi, với hướng dẫn Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT hiện nay thì khi giáo viên đăng ký Hội thi giáo viên dạy giỏi thì chẳng mấy khi bị trượt, gần như đa phần đều được công nhận là giáo viên dạy giỏi.
Chẳng hạn như Hội thi giáo viên giỏi cấp huyện cũng rất hiếm giáo viên thi trượt. bởi mỗi giáo viên thực hiện báo cáo một biện pháp nâng cao chất lượng trong giảng dạy và dạy thực hành 01 tiết trên lớp nên mọi chuyện đều suôn sẻ.
Khi trình bày báo cáo biện pháp này có thể thực hiện tại đơn vị công tác cũng có thể tại một địa điểm trường học mà Phòng lựa chọn để tổ chức Hội thi.
Việc báo cáo biện pháp nâng cao chất lượng trong giảng dạy hiện nay tương đối dễ dàng để vượt qua nếu giáo viên chịu khó đầu tư làm một chút, thậm chí lên mạng internet tìm kiếm vài biện pháp rồi chỉnh sửa là ra sản phẩm của mình.
Một số giáo viên thì bỏ ra một chút tiền mua một báo cáo biện pháp vì nó đang được bán tràn lan trên mạng xã hội thì càng tạo được điểm nhấn cho Ban giám khảo chấm thi.
Khi thi thực hành (1 tiết) thì dù được quy định là Ban tổ chức báo trước 2 ngày nhưng cũng đủ để giáo viên chuẩn bị, dặn dò học sinh của mình một cách tốt nhất. Bởi, theo quy định hiện nay thì giáo viên thi tại đơn vị mình công tác, giám khảo sẽ về nơi giáo viên dự thi để chấm nên mọi chuyện cũng dễ dàng hơn trước đây.
Nhưng, đối với cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện thì gần như các thành viên trong hội đồng bộ môn đều biết nhau. Khi Ban giám khảo về trường, đương nhiên là Ban giám hiệu sẽ đón tiếp, cùng ngồi trò chuyện, nước nôi với nhau.
Ban giám hiệu nào mà lại không gửi gắm giáo viên trường mình. Hơn nữa, chỉ có 1 tiết thực hành nên dù giáo viên thi chưa tốt thì các thầy cô là Ban giám khảo cũng chỉ góp ý bên ngoài. Còn đối với phiếu dự giờ thì họ sẽ lựa chọn những từ ngữ phù hợp nhất để có lợi cho giáo viên dự thi.
Vì thế, chỉ giáo viên nào dạy yếu, giáo viên bỏ thi, hoặc trong quá trình giảng dạy để xảy ra sự cố về máy móc (dạy giáo án điện tử) thì mới rớt chứ còn dạy bình thường thì gần như giáo viên nào tham gia là đều đậu.
Thi giáo viên giỏi cấp huyện còn vậy thì việc thi cấp trường còn được Ban giám hiệu và những giáo viên chấm luôn “tạo điều kiện” tốt nhất cho giáo viên dự thi. Vì phải tạo điều kiện để giáo viên còn có động lực thi đủ 2 năm để tham gia cấp huyện, 4 năm dự cấp tỉnh.
Nếu làm căng, đánh rớt giáo viên thi thì lấy ai đi thi cấp huyện, cấp tỉnh mà đem lại thành tích cho nhà trường? Và, đó là thực tế những tiết thi giáo viên dạy giỏi đang diễn ra hiện nay.
Việc đánh giá, xếp loại tay nghề giáo viên thì mỗi học giáo viên được Ban giám hiệu, tổ trưởng, đồng nghiệp trong tổ dự tối đa mỗi kỳ 2 tiết. Những môn ít giáo viên như Âm nhạc, Mỹ thuật, Sử, Địa mà trường loại II, loại III thì thậm chí chỉ được dự 1-2 tiết/ năm.
Việc kiểm tra, đánh giá học trò hiện nay chỉ đến khi kiểm tra cuối kỳ thì nhà trường mới tổ chức kiểm tra tập trung. Phần lớn chỉ học sinh cuối cấp thì nhà trường mới thực hiện xếp phòng theo số báo danh, rọc phách bài kiểm tra để chấm.
Trước khi kiểm tra thì ôn đi, ôn lại, có những giáo viên còn phát đề cương có sẵn câu hỏi và đáp án cho học trò học thuộc. Đến khi kiểm tra thì học sinh chỉ viết lại phần mà thầy cô đã ôn cho mình vào bài.
Cũng chính vì vậy mà có những môn kiểm tra học kỳ thì học sinh đạt chủ yếu là điểm từ 9 trở lên. Nhìn bảng điểm của học trò, nhìn điểm tổng kết môn của học trò thì không ai có thể nghĩ rằng những trường phổ thông đại trà mà điểm còn đẹp hơn điểm trường chuyên vì chủ yếu là điểm 9 và điểm 10.
Chính vì thầy cô “thương” học trò nhiều quá mà nhiều em cũng thường quên đi nhiệm vụ học tập của mình. Có những em chẳng cần học hành gì nhưng điểm kiểm tra học kỳ vẫn luôn ở mức cao vì cho dù trong phòng có tới 2 giám thị thì cũng không thể nào giám sát hết các hành vi của học trò.
Bởi vì hiện nay chỉ có môn Ngữ văn là thực hiện kiểm tra tự luận hoàn toàn, các môn còn lại thì có từ 5-6 điểm trở lên là kiểm tra trắc nghiệm.
Lớp học có tới trên dưới 50 học sinh, bàn thì kê sát vào nhau, mỗi bàn luôn có 2 học sinh ngồi thì chỉ vài cái liếc mắt rồi khoanh tròn hay điền vài chữ cái là học sinh dù chẳng học hành gì cũng đã đủ để có điểm trên trung bình, thậm chí là điểm giỏi.
Cũng chính vì vậy mà chuyện học sinh giỏi nhiều không có gì là khó hiểu. Trường hàng ngàn học sinh nhưng nhiều khi còn không có học sinh phải kiểm tra lại vì em nào cũng đủ điểm để lên lớp. Cho dù có môn điểm yếu thì các môn khác cũng nâng đỡ để có điểm trên trung bình.
Tác hại của việc dạy chưa thật, học chưa thật
Cách nay chưa lâu, cũng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có một số bài phản ánh về tình trạng thi học sinh giỏi ở một số địa phương.
Chẳng hạn như tại kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện của huyện Châu Thành (Bến Tre) được tổ chức ở học kỳ I, năm học 2019-2020 có 7 học sinh tham gia thi môn Tin học chỉ đạt từ 1-1,5 điểm/ thang điểm 20 mà vẫn được công nhận danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện (đạt giải khuyến khích).
Trong năm học 2018-2019, tại kỳ thi học sinh giỏi của thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) có những thí sinh cũng chỉ 5 điểm là có giải. Những thí sinh thi môn Toán được 11,5 điểm (thang điểm 20) là đạt giải Nhất, thí sinh được 5 điểm là đạt giải Khuyến khích.
Và, đây là những học sinh ưu tú nhất của các đơn vị đã được lựa chọn để “đem chuông đi đánh xứ người”!
Đối với kỳ thi tuyển sinh 10 thì nhiều trường trung học phổ thông chỉ lấy học sinh qua điểm liệt là đậu vào lớp 10 như trường trung học phổ thông Lang Chánh lấy 2,90 điểm/3 môn thi (điểm Văn, Toán hệ số 2).
Có lẽ kỳ thi tuyển sinh 10 ở các địa phương hiện nay là phản ánh rõ nhất chất lượng dạy và học của các nhà trường trung học cơ sở.
Và, nếu theo dõi kỳ thi tuyển sinh 10 qua các năm, chúng ta thấy số trường lấy điểm bình quân trên 5 điểm/ môn chủ yếu chỉ tập trung ở khu vực đô thị và một số trường lớn ở các huyện. Phần nhiều các trường còn lại của cả nước đều lấy điểm dưới trung bình.
Có điều, chỉ cách đó khoảng hơn 1 tháng thì đa số những học sinh lớp 9 được thầy cô tổng kết điểm khá, giỏi và phần lớn các em dự thi tuyển sinh 10 đều đạt được danh hiệu học tập vào cuối năm học…
Nguyên nhân dạy chưa thật, học chưa thật thì nhiều lắm và mọi người đã đọc hàng trăm bài viết trong thời gian qua trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hoặc chứng kiến học trò của mình, con em mình ở nhà…
Chữa bệnh thành tích trong giáo dục bây giờ khó vô cùng khi mà ngay cả một bộ phận thầy cô giáo đang giảng dạy cũng không dám đánh giá thật học trò của mình.
Có lẽ, nhiều lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo địa phương và cả giáo viên, phụ huynh không dám nhìn nhận rõ sự thật của vấn đề. Đó là hiện nay có một bộ phận học sinh không chịu học hành nhưng vì nhiều nguyên nhân, lý do khác nhau mà có những giáo viên vẫn chấm điểm, tổng kết điểm cho các em cao một cách bất thường.
Chúng tôi không phủ nhận sự cố gắng của phần lớn giáo viên và học sinh đang là điểm sáng của giáo dục nhưng rõ ràng những gam màu tối đang đan cài trong ngành đang khiến cho việc dạy thật, học thật trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
LÊ VĂN MINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét