Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2021

20210503. VAI TRÒ LỊCH SỬ CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

XÉT LẠI VAI TRÒ TƯỚNG GIÁP: MỘT QUAN ĐIỂM VIẾT SỬ MỚI TẠI VIỆT NAM
BBC 27-4-2021


Hình vẽ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

"Thắng lợi Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 do Trung ương Đảng, Bộ Chính trị - đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tổng chỉ huy quân đội toàn quốc, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng tối cao và Tổng Bí thư Trường Chinh - trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo cụ thể trên tất cả các phương diện chính trị, quân sự và ngoại giao, trong nước và quốc tế."

"Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ tối cao của cách mạng Việt Nam, Tổng Bí thư Trường Chinh và Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn là những người "đứng mũi chịu sào" chèo lái đưa con thuyền độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc tới bến vinh quang trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. "

Hai đoạn trên là trích từ một cuốn sách in gần đây tại Việt Nam, thể hiện một quan điểm viết sử, theo đó, vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, viên tướng nổi tiếng nhất Việt Nam thế kỷ 20, không lớn như hầu hết các sách chính thức tại Việt Nam truyền thống vẫn nói.

Cuốn sách "Đảng và Bác Hồ: từ Điện Biên đến Đại thắng mùa Xuân 1975" được Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành năm 2015, khi kỷ niệm 40 năm thống nhất Việt Nam.

Tác giả sách là TS. Lê Trung Nguyệt (nguyên Trưởng phòng Khoa học Chính trị, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam).

Bà Lê Trung Nguyệt là con gái của ông Lê Đức Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương suốt từ 1956 tới 1982 tại Hà Nội.

Trong sách, tác giả nhấn mạnh: "Không loại trừ được chủ nghĩa cá nhân ra khỏi quá trình nghiên cứu và tái hiện lịch sử cách mạng của dân tộc thì sẽ không khẳng định được trí tuệ lãnh đạo tập thể của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị qua các giai đoạn lịch sử cụ thể, đặc biệt là ở những thời điểm bước ngoặt của cách mạng."

"Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ tối cao của cách mạng Việt Nam, Tổng Bí thư Trường Chinh và Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn là những người "đứng mũi chịu sào" chèo lái đưa con thuyền độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc tới bến vinh quang trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược."


Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh

Điện Biên Phủ: Vai trò Hồ Chí Minh lớn hơn Võ Nguyên Giáp?

Ngay trong chương mở đầu về kháng chiến chống Pháp, tác giả nhấn mạnh nhiều đoạn với hàm ý vai trò chỉ huy, chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tối cao.

"Theo kế hoạch của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Biên giới do Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy Chiến dịch, Cao Bằng là mục tiêu tấn công đầu tiên. Nhưng với tư duy binh pháp khi phân tích địa hình và bố trí lực lượng của địch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo phải đánh căn cứ Đông Khê trước, vì Đông Khê là vị trí quan trọng và cũng là nơi địch yếu hơn so với Cao Bằng, khi bị mất Đông Khê, địch phải đem quân đến ứng cứu, tạo điều kiện cho ta tiêu diệt chúng."

Tổng kết chương này, tác giả lại nhấn mạnh vai trò của Hồ Chí Minh và Trường Chinh.

"Quá trình chuẩn bị và triển khai Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy rõ tầm nhìn chiến lược trong việc xác định chiến trường trọng điểm và tư duy quân sự độc đáo của Trung ương Đảng, trí tuệ lãnh đạo tập thể cùng sự chỉ đạo cụ thể, trực tiếp, toàn diện, sát sao, liên tục của Bộ Chính trị và Ban Bí thư - đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh."

Tác giả nói: "Ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh tại Hội nghị Trung ương 4 khóa II, tháng 1 - 1953, về xây dựng pháo binh và quán triệt sâu sắc phương châm "đánh chắc, tiến chắc" có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi trọn vẹn của Chiến dịch Điện Biên Phủ."

Tác giả chỉ ra: "Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo và phê phán tư tưởng "ham đánh to, ăn to, chủ quan khinh địch", đồng thời cũng đã căn dặn "phải chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh". Nhưng trên thực tế, phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh" vẫn được triển khai ngay cả từ đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ (rồi buộc phải kéo pháo và đưa quân ra để bố trí lại) cũng như trong đợt tấn công lần thứ 2 (không đạt được mục tiêu đặt ra và bị tổn thất)."

"Nhờ sự chỉ đạo kịp thời, chấn chỉnh liên tục và kiên quyết của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, cuối cùng thì phương châm "đánh chắc, tiến chắc" đã được tuân thủ."


Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử

Hồ Chí Minh và trận Mậu Thân 1968

Ở chương về tổng tiến công 1968, tác giả khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn nắm rõ kế hoạch và mạnh mẽ thông qua.

"Người đã cùng Bộ Chính trị họp bàn quyết định và chỉ đạo từng bước cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân nhằm đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang và đàm phán với ta."

Tác giả Lê Trung Nguyệt điểm qua các luận cứ bổ trợ cho khẳng định của bà, ví dụ như:

Cuộc họp Bộ Chính trị tháng 10/1967, do Trường Chinh chủ trì. Tại đây, Văn Tiến Dũng báo cáo kế hoạch tác chiến đánh vào Sài Gòn và các thành phố khác để Bộ Chính trị phê duyệt.

Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp không tham dự cuộc họp này vì đang đi kiểm tra sức khỏe, khám chữa bệnh ở nước ngoài.

Lực lượng của Bắc VN và Mặt trận Giải phóng đã đồng loạt tấn công trên toàn Nam VN dịp Tết Mậu Thân 1968 và nhiều đợt sau nữa

Sau một tuần lễ nghe báo cáo và thảo luận, Trường Chinh kết luận: "Bộ Chính trị thống nhất ý kiến, thông qua kế hoạch quân sự để các đồng chí bên quân đội về triển khai cho kịp. Còn ba vấn đề phải suy nghĩ thêm: Nổi dậy, lập chính phủ liên hiệp và mở mặt trận ngoại giao, chờ anh Ba về sẽ họp tiếp".

Cũng trong tháng 10/1967, lực lượng công an nhân dân đã "phá tổ chức chống Đảng, làm tình báo cho nước ngoài của một số cán bộ cao cấp ở Hà Nội".

Ngày 10/11/1967, để ổn định tình hình nội bộ và khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân chuẩn bị thực hiện cuộc tiến công chiến lược Tết 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh công bố "Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng".

Ngày 28/12/1967, Bộ Chính trị đã họp ra Nghị quyết về "Tình hình và nhiệm vụ cách mạng miền Nam", quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết 1968.

Trong cuộc họp lịch sử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: "Kế hoạch phải thật tỷ mỉ; hợp đồng phải thật ăn khớp; bí mật phải thật tuyệt đối; hành động phải thật kiên quyết; cán bộ phải thật gương mẫu".

Nghị quyết này của Bộ Chính trị sau đó được Hội nghị lần thứ 14 Ban chấp hành Trung ương khóa III thông qua và trở thành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương khóa III, tháng 1/1968.


Bí thư thứ nhất Lê Duẩn

Ngày 1/1/1968, vào lúc 14 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Bộ Chính trị, căn dặn một số công việc cần giải quyết trong thời gian tới.

16 giờ, ông rời Hà Nội đi Trung Quốc chữa bệnh.

Rạng sáng ngày 31/1/1968, Trung ương Cục miền Nam, Quân ủy Miền và Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã ra lệnh tổng công kích, tổng khởi nghĩa trên toàn miền Nam.

Ngày 22/4/1968, chỉ một ngày sau khi từ Bắc Kinh về tới Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp Bộ Chính trị, nghe báo cáo diễn biến toàn bộ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Ngày 24/4/1968, Bộ Chính trị họp, chấp thuận đề nghị mở tiếp cuộc tiến công đợt 2 của Trung ương Cục miền Nam và để phối hợp với mặt trận ngoại giao. Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về việc mở tiếp đợt 2 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy.

Tám ngày sau, ngày 13/5/1968, phiên họp công khai đầu tiên giữa đoàn Mỹ với đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được khai mạc tại Hội trường Kléber, Paris.

Sách này nói gì về vai trò Lê Duẩn?

Với 26 năm liên tục đảm nhận cương vị Bí thư thứ Nhất và Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, Lê Duẩn được Đảng Cộng sản gọi là "chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng".

Dư luận người dân ở Việt Nam lâu nay vẫn xem Lê Duẩn và Lê Đức Thọ (bố của tác giả Lê Trung Nguyệt) là "cặp bài trùng" trong các quyết sách của Đảng nhiều thập niên.

Một số nhà nghiên cứu độc lập ở ngoài nước còn xem Lê Duẩn có vai trò chi phối trong Đảng, thậm chí lấn lướt Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay thập niên 1960.

Còn trong sách này, ở giai đoạn 1957-59, tác giả khẳng định ông Lê Duẩn đã ủng hộ chủ trương dùng vũ trang ở miền Nam.


Dinh Độc Lập trong ảnh chụp ngày 3/05/1975

Tháng 8/1956, Lê Duẩn hoàn thành bản dự thảo "Đề cương cách mạng miền Nam": "Nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống Mỹ - Diệm, để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng."

Sách dẫn lời Võ Chí Công nói cuối năm 1957, Lê Duẩn nói "khi đồng chí mới ra, đề nghị chuẩn bị họp Trung ương ra nghị quyết theo tinh thần Đề cương đó, nhưng có người phản đối vì sợ Mỹ tố cáo ta vi phạm Hiệp định Giơnevơ và lấy cớ đưa quân vào miền Nam".

Trong thư "Gửi anh Mười Cúc và các đồng chí Nam bộ ngày 7-2-1961", Lê Duẩn nhắc lại: "Hồi ấy, có đồng chí đề nghị không nên đấu tranh vũ trang vì sợ rằng dùng lực lượng vũ trang sẽ có hại cho việc đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ. Nhưng tôi đã trình bày, đã nói rõ sự cần thiết phải xây dựng lực lượng vũ trang."

Sách của bà Lê Trung Nguyệt nêu quan điểm: "Từ tiến trình khách quan của các sự kiện lịch sử, có thể thấy hai sự chậm trễ: chậm trễ kéo dài gần 2 năm mới thông qua được Nghị quyết Trung ương 15 khóa II và chậm trễ kéo dài 4 tháng mới phổ biến nghị quyết này cho Xứ ủy Nam bộ. Phải chăng, chính tư tưởng sợ Mỹ và ảnh hưởng theo giáo điều "thi đua hòa bình" đã là vật cản dẫn tới sự chậm trễ trong chuyển hướng chỉ đạo chiến lược sang đấu tranh vũ trang ở miền Nam, gây ra những tổn thất nặng nề?"

Vai trò của ông Lê Duẩn trong chiến dịch đánh miền Nam đầu năm 1975 được sách khẳng định.

Theo đó, ngày 8/1/1975, ông Lê Duẩn đã giao nhiệm vụ "dùng 3 sư đoàn quân chủ lực đánh Tây Nguyên, mở thông hành lang nối liền Nam Tây Nguyên với Đông Nam bộ, tạo điều kiện để bộ đội chủ lực cơ động nhanh vào miền Đông, phối hợp với quân chủ lực Miền để tiến đánh Sài Gòn."

Nhưng sách cho hay ban đầu vẫn có ý kiến muốn đánh chi khu Đức Lập chứ không phải Buôn Ma Thuột.


Bộ đội cộng sản đem cờ Mặt trận Giải phóng vào cắm ở Dinh Độc Lập 30/04/1975

Vì thế, ngày 9/1, Lê Đức Thọ "bất ngờ tới dự cuộc họp" của Thường trực Quân ủy Trung ương để khẳng định quyết tâm đánh trận đầu vào Buôn Ma Thuột.

Ông Lê Đức Thọ nói: "Ta có gần 5 sư đoàn ở Tây Nguyên mà không đánh được Buôn Ma Thuột là thế nào?"

Do còn có ý kiến phân vân trong việc chọn đột phá khẩu, nên ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ "đã đề nghị Bộ Chính trị cử Đại tướng Văn Tiến Dũng vào chiến trường Tây Nguyên để chỉ đạo trực tiếp tại chỗ".

Trong chương này, tác giả kết luận: "Chiến thắng Buôn Ma Thuột cho thấy rõ tầm nhìn chiến lược sắc sảo cùng sự quyết đoán mau lẹ trong việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo chỉ huy để bảo đảm đánh chắc thắng của Bộ Chính trị - đứng đầu là đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn."

"Quyết định sáng suốt của đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn về trận đánh mở đầu Buôn Ma Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên, đã được thực hiện thành công trọn vẹn do sự chỉ huy trực tiếp, quyết đoán và mưu lược của Đại tướng Văn Tiến Dũng."

Tác giả khẳng định vai trò chỉ đạo tối cao của ông Lê Duẩn trong những trận đánh cuối cùng.

Ngày 18/3/1975, Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy Khu V, đã điện cho Lê Duẩn và Bộ Chính trị xin cho tấn công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng.

Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị điện trả lời đồng ý và nói: "Nếu thấy làm được thì giải phóng Đà Nẵng đi".

Ngày 24/3, họp Bộ Chính trị, Lê Duẩn nói: "Cuộc tổng tấn công bắt đầu. Tây Nguyên mở đột phá khẩu. Tiếp tục tấn công Đà Nẵng. Cuối cùng giải phóng Sài Gòn..."

Ngày 1/4, trong một bức điện gửi Trung ương cục miền Nam, Lê Duẩn chỉ thị cần phải hành động "thần tốc, táo bạo, bất ngờ" để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam ngay trong tháng 4/1975.

Trong cả chương 8 về chiến dịch Hồ Chí Minh, tên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ được nhắc 3 lần.

Tác giả kết luận: "Trong quá trình lãnh đạo và chỉ đạo cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, đã có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ trong lãnh đạo và chỉ đạo của Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam."

"Bộ Chính trị đứng đầu là Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã quyết đoán và linh hoạt trong hoạch định và chỉ đạo chiến lược rất sát sao, cụ thể đối với các chiến trường; đồng thời căn cứ vào diễn tiến cụ thể trên chiến trường và tình hình quốc tế, đã mau lẹ và kịp thời điều chỉnh kế hoạch thời cơ chiến lược giải phóng miền Nam từ hai năm 1975-1976 xuống trong năm 1975, sau đó tới trước mùa mưa năm 1975, rồi ngay trong tháng tư năm 1975."

Ông Lê Đức Anh (1920-2019), khi sinh thời, trực tiếp tham gia các diễn tiến của Chiến tranh Việt Nam, từng là Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân hướng Tây - Tây Nam đánh vào Sài Gòn.

VẠN CỐT KHÔ

HUY ĐỨC/ TD 28-4-2021

Bài viết trên BBC khá gây xôn xao nhưng không bất ngờ, khi một cuốn sách nói là “xét lại vai trò của tướng Giáp” được viết bởi “con gái Lê Đức Thọ” và được đưa lên “trang nhà Lê Đức Anh”.

Lê Đức Thọ đã làm những việc này từ năm 1967 và Lê Đức Anh thì mãi tới năm 1991 vẫn còn dựng lên vụ “Năm Châu, Sáu Sứ” để hại tướng Giáp. Nếu lúc ấy, TBT Nguyễn Văn Linh đưa ra Bộ Chính trị bản “Báo cáo của trung tướng Võ Viết Thanh” thì số phận chính trị của Lê Đức Anh đã kết thúc.

Ngay sau ngày 30-4-1975, khi xương cốt của những người lính trận chưa kịp khô, Văn Tiến Dũng đã viết sách coi như không có vai trò tướng Giáp. Năm 1994, trong một cuộc phóng vấn riêng, tôi hỏi tướng Giáp: “Thưa Đại tướng, ở thời điểm Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra, Đại tướng đang là Bí thư Quân ủy TƯ, Tổng tư lệnh các LLVT, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, sao trong cuốn Đại Thắng Mùa Xuân lại nhắc rất ít đến vai trò của Đại tướng?”

Tướng Giáp nghiêm mặt lại, chỉ sang tướng Lê Phi Long, Cục phó Cục Tác chiến, nói: “Long, cậu biết, Nhật ký Tổng hành dinh ghi rõ, tôi lệnh gì, anh Ba lệnh gì. Các nhà báo, các nhà sử học muốn tìm hiểu sự thật phải đọc Nhật ký Tổng hành dinh chứ không nên căn cứ vào tuyên bố của một ai đó”.

Năm 2005, suốt tuần lễ trước 30-4, báo Quân Đội Nhân Dân đăng loạt bài của Tướng Lê Hữu Đức. Tướng Lê Hữu Đức, còn gọi là Đức Cụt, là một trong những chỉ huy đầu tiên đánh Mỹ trên mặt trận Tây Nguyên. Ông là một trong 4 người thuộc “Tổ Trung Tâm” được lập ra bởi Tướng Giáp, bí mật suốt hai năm liền nghiên cứu kế hoạch “giải phóng miền Nam”. Việc chọn Buôn Mê Thuột để đánh trận mở đầu là việc được tính rất kỹ của Tổ Trung tâm, trước khi trình ra Bộ Chính trị chứ chẳng phải ý kiến của ông Thọ hay ông Duẩn.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tướng Lê Hữu Đức là Cục trưởng cục Tác chiến. Loạt bài của ông, công bố rất nhiều tư liệu lấy từ Nhật Ký Tổng Hành dinh, cho biết, tướng Giáp phải mất bốn cuộc họp để thuyết phục Bộ Chính trị lựa chọn cách đánh như đã diễn ra thay vì cách đánh mà Lê Duẩn muốn (tương tự hồi Mậu Thân).

Cho đến giờ này ít ai biết là ngay chiều 30-4-1975, đã có những loạt súng giận dỗi trong khuôn viên Dinh của những người lính thuộc đơn vị được Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ chọn “cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập”. Cũng trong chiều hôm đấy, Lữ 203 của trung tá Bùi Văn Tùng phải rút về Long Thành, nhường Dinh Độc lập cho Sư 7.

Lữ 203 thuộc Quân đoàn II, nằm trong đội hình của “Cánh quân phía Đông” dưới quyền tướng Lê Trong Tấn, vị chỉ huy trung thành với tướng Giáp.

Tấm huân chương nào cũng có hai mặt. Việc rồi đây sẽ có thêm sách vở nói về mặt còn lại của những người như tướng Giáp và cả Hồ Chí Minh là điều chắc chắn xảy ra. Tuy nhiên, lịch sử chỉ có chỗ cho những những nghiên cứu khách quan, khoa học.

PS: Trong khu tưởng niệm Lê Đức Thọ ở Nam Định quê ông, gần như chỉ trưng bày cuốn Đường Thời Đại của Đặng Đình Loan, cuốn sách đã bị ném vào sọt rác từ lâu. Loan là một trong những “dư luận viên” đầu tiên được sử dụng để đánh vào tướng Giáp.

NGÀY 30/4/1975 TRONG HỒI ỨC CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

 ZING 30-4-2021

Ngày 30/4/1975.

[...]

“Nhà con rồng” hôm nay hình như rạng rỡ hơn trong gió xuân ấm áp. Ngôi nhà cũ, thềm sân rộng và cả bốn con rồng đá chầu ở bậc lên xuống như tươi tắn hơn mọi ngày. Những cây ngọc lan tán lá sum suê, toả hương thơm ngát.

Sớm hơn thường lệ, tôi ngồi vào bàn làm việc ở Sở chỉ huy. Trên tấm bản đồ ở mặt bàn, các mũi tên đỏ đã tiến vào trung tâm thành phố.

Tôi phác họa trong đầu một chương trình cho ngày hôm ấy, với bao nhiêu công việc phải làm: Hội ý Bộ Chính trị, nắm thêm phản ứng của Mỹ, dự kiến các hoạt động quân sự, chính trị trong trường hợp chưa dứt điểm được ngay, chỉ đạo tác chiến và nổi dậy ở phần đất còn lại sau khi Sài Gòn giải phóng, điện động viên bộ đội, nhắc nhở chấp hành nghiêm các chính sách vào thành...

Bất giác, tôi nhớ lại ngày toàn thắng ở Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1954. Lẽ tất nhiên ở đây có rất nhiều điểm khác. Thế nhưng, cũng cái không khí phấn khởi sôi nổi ở Sở chỉ huy, cũng những giờ phút nao nức đón tin vui từ phía trước điện về, những suy nghĩ về công việc ở cuối và sau chiến dịch.

Và nhất là cũng cái cảm giác lâng lâng khó tả, vừa khẩn trương, sôi nổi, vừa đàng hoàng, chủ động, vừa lo lắng chờ đợi, vừa vui sướng, tự hào, lúc này không còn là của riêng ai trong ngày toàn thắng của dân tộc.

Anh Ba, anh Trường Chinh, anh Đồng cũng đến đây sớm hơn thường lệ. Các anh khác trong Bộ Chính trị lần lượt đến sau, đông đủ.

Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp theo dõi tình hình chiến trường Sài Gòn - Gia Định, thảo luận công việc và đón tin toàn thắng.

Anh Cao Văn Khánh, trực ban ngày hôm ấy, túc trực tại phòng tác chiến, chốc chốc lại sang báo cáo tình hình mới nhất. Các mũi tiến công của quân ta phát triển rất nhanh về hướng trung tâm thành phố. Mục tiêu cuối cùng của chiến dịch đã tới gần, chỉ còn tính từng giờ. Tin đến thường cắt ngang cuộc họp, đang phát biểu phải dừng lại giữa chừng, nhưng mọi người đều vui vẻ chấp nhận.

 

Anh Khánh báo cáo: Đại sứ Mỹ Matin chuồn khỏi Sài Gòn lúc 4h15. Hy vọng của ông ta thoả hiệp, đàm phán với “Việt cộng” tan vỡ như bọt xà phòng.

Binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn II trong cánh quân phía đông của anh Lê Trọng Tấn đang vượt cầu xa lộ trên sông Đồng Nai, diệt ổ đề kháng của địch ở Thủ Đức, phía bắc cầu Rạch Chiếc.

Trận địa pháo của ta ở Nhơn Trạch đã bắn hơn 300 viên đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Các đơn vị đầu tiên đang tiến từ cầu Tân Cảng vào Sài Gòn.

Quân đoàn IV tiến về Hố Nai. Địch liều mạng chống giữ. Ta tiêu diệt Hố Nai, đang tiến công sở chỉ huy Quân đoàn III ngụy, chuẩn bị tiến vào nội đô.

Sư đoàn 10 Quân đoàn III đang tiến vào ngã tư Bảy Hiền.

Quân đoàn I đánh vào Lai Khê, Phú Lộc, Lái Thiêu, đang tiến vào Gò Vấp; một cánh quân khác đánh địch từ cầu Bình Phước đến cầu Bình Triệu.

Đoàn 232 đang tiến về hướng Biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát ngụy.

Trên đường số 4, quân ta đã chiếm Thủ Thừa, thị xã Tân An.

Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2 Gia Định áp sát bắc sân bay Tân Sơn Nhất, mở hành lang vào ngã tư Bảy Hiền. Bộ đội đặc công chiếm giữ cầu Rạch Chiếc, cầu xa lộ Biên Hoà.

Lực lượng vũ trang Biên Hoà phối hợp bộ đội chủ lực giải phóng Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ.

Ở vùng ven đô và nội đô, nhân dân nổi dậy phối hợp với bộ đội tiến công địch. Ở nhiều quận, phường, xóm, đồng bào vùng lên chiếm đồn bốt địch, trụ sở ngụy quyền. Cờ cách mạng đã tung bay ở phường Tây Nhì, quận Phú Nhuận từ trưa 29/4.

Một cảnh tượng điển hình của chiến tranh nhân dân Việt Nam diễn ra hết sức hào hùng. Tiến công kết hợp với nổi dậy. Quân sự, chính trị, binh vận giáp công. Sức mạnh tổng hợp của cách mạng áp đảo ngụy quân, ngụy quyền đang tan rã.

Trên hướng đồng bằng sông Cửu Long, các lực lượng vũ trang ta đã ém sẵn quanh các mục tiêu quan trọng. Ở Bạc Liêu, quân ta đã vào thị xã. ở Sóc Trăng, ta đang tiến công thị xã và sân bay.

Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trao đổi về những công việc cấp thiết. Thay mặt Bộ Chính trị, tôi điện vào chiến trường: “... Ủy ban quân quản công bố ngay trên đài phát thanh mệnh lệnh đầu tiên. Nội dung:

a) Quân giải phóng tiến vào để giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định, hoàn thành công cuộc giải phóng miền Nam.

b) Quân đội ngụy quyền Sài Gòn phải lập tức hạ vũ khí đầu hàng.

c) Tuyên bố giải tán chính quyền các cấp.

d) Kêu gọi đồng bào đứng dậy, cùng Quân giải phóng đập tan mọi sự chống cự của địch, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, hoàn thành công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam thân yêu”.

Vừa theo dõi tin kỹ thuật của Cục 2, tôi vừa liên lạc bằng vô tuyến điện thoại tiếp sức với Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh. Các cánh quân của ta đang tiến rất nhanh. Địch đang trong tình trạng vô cùng nguy khốn.

10h. Đồng chí Nguyễn Thanh, trưởng phòng 70 vào báo cáo tin vừa nhận được: Theo Đài phát thanh Nhật Bản, Quân giải phóng miền Nam có xe tăng dẫn đầu đang tiến vào Sài Gòn. Mấy phút sau, có tin thêm: Dương Văn Minh đề nghị ngừng bắn để thương lượng.

Mọi người cùng nói: “Chỉ có đầu hàng vô điều kiện. Còn gì đâu mà thương lượng?”.

Tôi viết ngay một bức điện, lệnh cho các cánh quân tiếp tục tiến công. Nội dung bức điện được đọc lên, tất cả đều nhất trí. Cùng lúc đó, Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh cũng điện cho các quân đoàn và Đoàn 232 không vì có tin ấy mà dừng lại.

10h50. Cục 2 báo cáo quân ta đã vào dinh Tổng thống ngụy. Ngay sau đó, các đài phát thanh phương Tây cũng đưa tin này.

11h30. Đồng chí Nguyễn Duy Phê, Cục phó Cục cơ yếu, mang vào phòng họp một bức điện của anh Lê Trọng Tấn báo cáo: Một đơn vị thuộc cánh quân phía đông đã cắm cờ lên Dinh Độc Lập.

Mọi người vây quanh tấm bản đồ chiến sự. Tin từ các hướng tới tấp điện về. Năm cánh quân của ta hợp điểm giữa Sài Gòn. Quân đoàn II chiếm dinh Tổng thống; Quân đoàn IV chiếm Bộ Quốc phòng, cảng Bạch Đằng và Đài phát thanh; Quân đoàn I chiếm Bộ Tổng tham mưu và khu vực các bộ tư lệnh các binh chủng; Quân đoàn III chiếm sân bay Tân Sơn Nhất; Đoàn 232 chiếm Biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát. Kế hoạch tác chiến chiến dịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành thắng lợi.

Trong không khí hân hoan, hội nghị sôi nổi trao đổi về những biện pháp cuối cùng. Tôi điện ngay vào chiến trường thông báo ý kiến của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương: “... Có thể dùng Dương Văn Minh để kêu gọi các đơn vị của địch hạ vũ khí, nhưng không phải với tư cách tổng thống mà với tư cách một người đã sang hàng ngũ nhân dân. Đã nhận tin ta cắm cờ lên Dinh Độc Lập lúc 11h. Các anh trong Bộ Chính trị rất vui, rất vui”.

Bức điện gửi đi lúc 12h25.

Hội nghị ngừng họp.

Các đồng chí lãnh đạo ra cả ngoài hành lang. Tiếng cười nói rộn ràng, vui vẻ. Phấn khởi, nghẹn ngào, xúc động đến trào nước mắt.

Anh Ba, các anh trong Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, ai nấy đều nhớ đến Bác Hồ. Ước mơ nước nhà độc lập, thống nhất mà Bác hằng mong đã thành sự thật, nhưng Người đã đi xa!

Đồng bào, chiến sĩ miền Nam không còn được đón Bác vào thăm. Mọi người nghĩ đến biết bao đồng chí, đồng đội, đồng bào đã ngã xuống, không được thấy giờ phút khải hoàn. Ngay trong chiến dịch cuối cùng, bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ đã vĩnh viễn ra đi trước ngày toàn thắng.

Tôi chỉ thị cho Cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục Chính trị điện ngay cho Việt Nam Thông tấn xã và Đài Tiếng nói Việt Nam kịp thời truyền tin thắng lợi, và chuẩn bị viết thông cáo chiến thắng.

Chỉ mười lăm phút sau, đài đã ngừng buổi phát thanh thường lệ, phát đi phát lại những dòng tin phấn khởi mà muôn vạn con tim Việt Nam đón đợi: Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Lẫn vào tiếng loa phóng thanh, tiếng reo hò, hoan hô chiến thắng vang dậy khắp phố phường.

12h50. Tại Sở Chỉ huy, có mặt Thiếu tướng Cao Văn Khánh, Phó tổng tham mưu trưởng, Đại tá Lê Hữu Đức, Cục trưởng Cục Tác chiến, Đại tá Nguyễn Trọng Yên và Thượng tá Phạm Chí Nhân, Cục trưởng và Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn. Không ai chú ý đến nghỉ ngơi, cơm nước. Được sống trong giờ phút lịch sử của dân tộc, ai cũng muốn được ghi lại hình ảnh kỷ niệm vô giá này.

Trước tấm bản đồ thành phố Sài Gòn - Gia Định, mọi người đứng dậy, chăm chú nhìn theo hướng tay tôi chỉ. Thượng uý Nguyễn Tiến Trỗ, cán bộ bảo vệ thường xuyên đi với tôi, nhà nhiếp ảnh nghiệp dư với chiếc máy ảnh hiệu Kiép, đã bấm liền ba kiểu ở góc độ thích hợp nhất.

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét