Thứ Tư, 5 tháng 5, 2021

20210506. TƯỚNG DƯƠNG VĂN MINH VÀ NGÀY 30/4/1975

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

VAI TRÒ CỦA TỔNG THỐNG DƯƠNG VĂN MINH VÀ SỰ ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TẦNG LỚP NHÂN DÂN

ĐẶNG VIỆT THỦY/ TẦM NHÌN 2/5/2021

 Đối với đại tướng Dương Văn Minh, dù chỉ giữ cương vị tổng thống "Việt Nam cộng hòa" trong thời gian qua ngắn ngủi, vỏn vẹn có 3 ngày (từ 28/4 đến 30/4/1975) nhưng ông được xem là có công lớn góp phần làm cho Thành phố Sài Gòn không bị tàn phá.

  


Năm cánh quân tiến vào Sài Gòn

Ông đã kêu gọi binh sĩ quân lực Việt Nam cộng hòa ngừng bắn và đầu hàng vô điều kiện thể theo yêu cầu của quân giải phóng miền Nam khi quân giải phóng tấn công vào thành phố ngày 30/4/1975 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Trung úy đại đội trưởng Bùi Quang Thận đã cắm lá cờ Giải phóng trên tầng thượng Dinh Tổng thống chính quyền Sài Gòn. Cùng thời gian trên, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 Phạm Xuân Thệ cùng một số cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng đột kích của Quân đoàn 2 và biệt động thành Sài Gòn tiến vào Dinh Độc Lập bắt tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các Sài Gòn.

Ngay sau đó, Dương Văn Minh được áp giải đến trụ sở đài phát thanh và buộc phải tuyên bố trên đài phát thanh Sài Gòn: - "Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh - Tổng thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi quân lực cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, giao chính quyền từ trung ương đến địa phương lại cho Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam".

Tiếp đó, Trung tá Bùi Tùng chính ủy lữ đoàn xe tăng 203, đại diện các đơn vị Quân giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập, tuyên bố: - "... Chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của Tổng thống chính quyền Sài Gòn... Thành phố Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn giải phóng".

Ngày nay, nhìn kỹ lại diễn biến các sự kiện, việc tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các của ông quyết định "không kháng cự", sau đó tuyên bố "đầu hàng không điều kiện" là hành động thức thời, tránh cho nhân dân và binh sĩ của cả hai bên không bị đổ máu thêm vô ích, tài sản quốc gia không bị hủy hoại, góp phần kết thúc sớm chiến tranh. Đó là một nghĩa cử đáng quý và ghi nhận.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong một lần trao đổi với phóng viên Tuần báo Quốc tế (Bộ Ngoại giao) nhân kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước (ngày 30/4/2005) đã nói: - "Về đối nội, theo tôi đã đến lúc ta phải nhìn nhận công lao, sự đóng góp to lớn của các tầng lớp người Việt yêu nước từng sống trong lòng chế độ cũ, hiện đang ở trong nước hay ở bên ngoài.

Bản thân tôi, cùng với anh em được giao tiếp quản Sài Gòn năm 1975, một Sài Gòn nguyên vẹn sau một cuộc chiến tranh như vậy, tôi nghĩ, không thể không nói đến vai trò của nội các Dương Văn Minh và các lực lượng chính trị đối lập với Mỹ - Thiệu, có quan hệ với chính phủ Dương Văn Minh lúc bấy giờ".

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt giải thích: - "Đại tướng Dương Văn Minh nhậm chức ngày 28/4/1975, ngày mà một nhà quân sự như ông có thể đoán được sự thất thủ của Sài Gòn. Nếu ông Minh để cho các tướng dưới quyền ông "tử thủ", chúng ta vẫn chiến thắng, nhưng Sài Gòn khó mà nguyên vẹn, và còn biết bao sinh mạng và tài sản của người dân mình nữa...

Phải ở chiến trường, và vào đúng giờ phút ấy, mới cảm nhận được tầm quan trọng của quyết định này". Như vậy, từ các nguyên nhân đã phân tích trên, chúng ta thấy thành phố Sài Gòn vẫn bình yên, nguyên vẹn, không bị tàn phá, đổ nát trong khói lửa chiến tranh của những ngày tháng 4/1975. Đây là nét độc đáo đặc sắc của lịch sử cách mạng Việt Nam, của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Và sự nổi dậy của nhân dân trong chiến dịch lịch sử

Ngày 26/4/1975, cuộc hội quân lớn nhất của quân đội ta (tính đến thời điểm đó) để triển khai thế trận chiến dịch đã hoàn thành và bắt đầu tổng công kích vào Sài Gòn - Gia Định. Với lòng mong ước quê hương được giải phóng đã tích tụ từ lâu, được các đòn tấn công như vũ bão của bộ đội chủ lực hỗ trợ, ngày 28 và 29/4, hàng vạn nhân dân các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Chánh đã nổi dậy giải phóng ấp, xã, huyện lỵ của mình.

Chỉ sau hai ngày, hơn 40 cuộc đấu tranh điển hình của công nhân nhà máy nước Thủ Đức (được hàng nghìn quần chúng các xã xung quanh hỗ trợ) đã kiên quyết bao vây một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ có hàng chục xe tăng, thiết giáp yểm trợ, buộc chúng phải tháo lui không phá được nhà máy.

Trong ngày 29 và đêm 29 rạng sáng 30/4, trước khi 5 mũi tiến công của các quân đoàn vào nội thành thì đã có 107 điểm nổi dậy tại chỗ của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương (31 điểm ở ngoại thành và 76 điểm ở nội thành).

Trong đó có 32 điểm nổi dậy trong ngày 29 và đêm 29 rạng ngày 30/4; 34 điểm nổi dậy trước 9 giờ 30 khi Dương Văn Minh chưa tuyên bố đầu hàng; 41 điểm trong và sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng nhưng các quân đoàn chủ lực chưa vào đến nơi. Có được sự nổi dậy mạnh mẽ trên là do nhân dân được các cơ sở Đảng lãnh đạo đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội đặc công, biệt động và quân địa phương đánh chiếm các mục tiêu đã quy định;

Giành được chính quyền ở cơ sở; phá kìm kẹp, gỡ đồn bốt, chiếm xưởng, chiếm kho, chiếm công sở, giữ gìn bảo vệ máy móc không để quân địch phá trước khi rút chạy, sau đó bàn giao lại cho chính quyền cách mạng (như hãng Vimytex, Vinatexco, kho xăng Esso, Shell, Caltex, nhà máy điện, nhà máy nước, những cơ sở hạ tầng kinh tế...). Hầu như toàn bộ những cơ sở kinh tế lớn ở nội thành đều được nhân dân nổi dậy chiếm giữ và giao lại cho cách mạng.

Sáng 30/4/1975, khi các mũi đột kích thọc sâu của các binh đoàn chủ lực đánh vào các mục tiêu chủ yếu, then chốt trong nội đô, lập tức hơn 400 cuộc nổi dậy của hàng chục nghìn quần chúng nhân dân từ quận 1 đến quận 11, được mạng lưới tổ chức cơ sở Đảng, Đoàn, tổ đội võ trang công tác, dân quân tự vệ, biệt động thành phát động, đã nổi dậy truy quét ác ôn, kêu gọi binh sĩ đầu hàng, bao vây công sở, giải tán phòng vệ dân sự.

Nhân dân thành phố đã góp phần rất lớn làm tan rã hoàn toàn 40 vạn quân từ các hướng thua trận tháo chạy dồn về Sài Gòn và 20 vạn quân ở các nơi thuộc ngoại thành. Nhân dân đã tham gia đắc lực vào việc gìn giữ trật tự trong thành phố với gần 4 triệu người khi chính quyền cách mạng chưa kịp tổ chức, khi mà bất kỳ lúc nào ở đâu bọn người lợi dụng "đục nước, béo cò" đều có thể có cơ hội đập phá nhà công, cướp bóc nhà tư, trả thù, trả oán cá nhân hay tuyệt vọng làm càn. Dưới sức mạnh của nhân dân, thành phố vẫn bình yên, nguyên vẹn sau một chiến dịch lớn, mọi sinh hoạt của người dân vẫn bình thường, cuộc sống dần dần ổn định.

Đặng Việt Thủy

DINH ĐỘC LẬP NGÀY 30/4/1975: NHỮNG NGƯỜI ĐẦU TIÊN VÀO DINH ĐỘC LẬP

KIỀU MAI SƠN/ NN 29-4-2021

PV Báo NNVN đã có dịp gặp gỡ các nhân chứng lịch sử có mặt tại dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Họ đã kể lại những giờ phút lịch sử không thể nào quên này.

Cựu chiến binh Vũ Đăng Toàn (hiện sinh sống tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) là chính trị viên Đại đội xe tăng 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2. Là người trực tiếp chỉ huy xe tăng số 390 chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông đã chia sẻ về hoạt động của mình và đồng đội tại dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975.


Chính trị viên Vũ Đăng Toàn. Ảnh: Tư liệu.

Lính xe tăng vào dinh Độc Lập đầu tiên

Sáng hôm đó, chấp hành triệt để mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch, các đơn vị trong Quân đoàn 2 mở hết tốc lực tiến công đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố và các mục tiêu được phân công. Được nhân dân chỉ đường, đoàn xe tăng, xe cơ giới Quân đoàn 2 tiến vào trước cửa dinh Độc Lập.

Xe tăng 843 do đại đội trưởng Bùi Quang Thận trực tiếp làm trưởng xe luôn dẫn đầu; kíp xe gồm: pháo thủ Thái Bá Minh, lái xe Lữ Văn Hỏa và Nguyễn Văn Kỷ nạp đạn.

Tiếp sau là xe tăng 390 do chính trị viên đại đội Vũ Đăng Toàn chỉ huy; kíp xe gồm: pháo thủ Ngô Sĩ Nguyên, lái xe Nguyễn Văn Tập và Lê Văn Phượng nạp đạn.

Sau khi đập tan ổ kháng cự của địch, đơn vị chia làm hai ngả tiến vào nội đô Sài Gòn. Xe 390 theo đường Hồng Thập Tự (hiện là Nguyễn Thị Minh Khai) đến ngã tư thứ bảy thì rẽ trái theo đúng phương án đã thống nhất từ trước; còn xe 843 rẽ trái rồi theo đại lộ Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn) cùng hướng tới mục tiêu là dinh Độc Lập.

“Khoảng gần 11 giờ, khi gần đến cổng dinh Độc Lập - ông Vũ Đăng Toàn kể - tôi thấy xe 843 lao vào cổng dinh nhưng rồi bị kẹt phải dừng lại ở cổng phụ bên trái. Tôi lệnh cho lái xe Nguyễn Văn Tập lao thẳng vào cổng chính. Cánh cổng đổ sập, xe 390 tiếp tục qua bãi cỏ lao thẳng về phía dinh. Mọi loại vũ khí trên xe đều ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu, sẽ nổ súng nếu thấy bất kỳ sự chống cự nào trong dinh nhưng rất may là không có”.

Chính trị viên Vũ Đăng Toàn và Đại đội trưởng Bùi Quang Thận vừa vào tầng 1 của dinh thì gặp một người mặc quân phục, đội mũ hơi lệch. Ông ta chào rất lịch sự và nói: “Thưa hai ông, tôi là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá cho Đại tướng, Tổng thống Dương Văn Minh. Hiện nay Tổng thống vẫn còn tại dinh, mời các ông lên làm việc!”. Rồi ông ta chỉ tay: “Mời hai ông theo tôi!”.


Kíp xe tăng 390 - Lữ đoàn 203. Ảnh: Tư liệu

Trong khi ông Bùi Quang Thận lên cắm cờ, một mình ông Vũ Đăng Toàn với khẩu AK lăm lăm trên tay đi vào. Ông thấy Nội các của Tổng thống Dương Văn Minh đang đứng ở hành lang và trong căn phòng lớn cạnh đó, tình hình có vẻ rất nhốn nháo với thái độ khá sợ hãi. Chính trị viên xe tăng 390 hồi tưởng:

- Tôi nghĩ rất nhanh: “Vậy là Nội các Dương Văn Minh vẫn còn ở đây. Mình chỉ là cán bộ cấp thấp, cần phải canh giữ họ sao cho an toàn, đúng chính sách để đợi cấp trên đến giải quyết”. Tôi nói với ông Nguyễn Hữu Hạnh: “Đề nghị ông mời mọi người vào trong phòng và ngồi yên tại đó, không đi lại lộn xộn”.

Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh nghe theo và ông yêu cầu các thành viên Nội các đang ở ngoài hành lang vào hết trong căn phòng lớn – tức phòng Khánh tiết của dinh Độc Lập.

Vừa lúc đó, pháo thủ số 1 xe 390 Ngô Sĩ Nguyên cũng lên tới nơi. Ông Toàn phân công cho ông Nguyên ra đứng gác ở cửa, không cho bất cứ ai ra vào. Sau khi thấy tình hình yên ổn, ông Vũ Đăng Toàn hỏi to:

- Tổng thống Dương Văn Minh đâu?

Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh trả lời: - Thưa ông, để tôi vào mời Tổng thống ra chào cáo ông!

Dứt lời, ông Hạnh đi vào một căn phòng phía sau rồi quay trở ra cùng một người cao lớn.

- Thưa ông, đây là Tổng thống Dương Văn Minh! Ông Hạnh giới thiệu.

Đúng lúc đó, Chính trị viên Vũ Đăng Toàn nhớ như in, một người đầu đội mũ cối, tay cầm khẩu súng ngắn cùng hai người nữa đi đến nơi. Thấy Tổng thống Dương Văn Minh, người cầm súng ngắn tiến lại và nói:

Báo cáo Tổng thống, tôi là Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66.

Báo cáo xong, Đại úy Phạm Xuân Thệ tiến lên đưa tay phải ra bắt tay Tổng thống Dương Văn Minh - ông Vũ Đăng Toàn kể tiếp - Tôi cũng đưa tay trái ra bắt tay ông Dương Văn Minh. Tiếp đó, ông Minh và ông Thệ có nói với nhau vài câu xung quanh chuyện đầu hàng và chính sách khoan hồng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Chính ủy Bùi Văn Tùng xuất hiện

Tuy nhiên, khi mọi người chưa kịp làm gì tiếp thì đồng chí Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 tới. Chính trị viên Vũ Đăng Toàn tiếp tục mạch hồi tưởng:

Ông Minh thấy đồng chí Bùi Văn Tùng người to cao, nói giọng miền Nam thì chào: - Thưa ông, chúng tôi đợi các ông vào để bàn giao chính quyền.


Chính ủy Bùi Văn Tùng dẫn Tổng thống Dương Văn Minh cùng Thủ tướng Vũ Văn Mẫu rời dinh Độc lập sang Đài Phát thanh Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu.

Chính ủy Bùi Văn Tùng lập tức trả lời: - Các ông là người bại trận. Các ông không còn gì để bàn giao mà chỉ có đầu hàng vô điều kiện!

Tổng thống Dương Văn Minh hơi cúi đầu, mặt đăm chiêu nhưng tỏ ra cam chịu. Hai bên trao đổi qua lại mấy câu nữa thì ông Dương Văn Minh xin được tuyên bố đầu hàng tại dinh Độc Lập. Một người trong Nội các - sau này ông Toàn mới biết là Tổng trưởng Thông tin Lý Quí Chung - nói:

- Hiện giờ thiết bị tại dinh đã hỏng hết, không thể phát lên đài phát thanh được.

Nghe vậy, Chính ủy Bùi Văn Tùng nói rất kiên quyết: - Các ông phải ra ngay Đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng!

Một người thấp béo (sau đó mới biết là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu) lên tiếng tỏ vẻ thận trọng: - Nếu đưa chúng tôi sang Đài Phát thanh Sài Gòn thì phải có xe bọc thép đưa đi, nếu không phe đối lập sẽ gây nguy hiểm cho chúng tôi.

Chính ủy Bùi Văn Tùng nói luôn: - Bây giờ không còn phe đối lập nào ở Sài Gòn nữa, mà toàn là quân giải phóng. Chúng tôi sẽ bảo đảm cho các ông sang đài phát thanh và trở lại dinh Độc Lập an toàn tuyệt đối!

Tổng thống Dương Văn Minh đành chấp nhận.

Tôi cùng đồng chí Bùi Văn Tùng - Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 và Phạm Xuân Thệ - Trung đoàn phó Trung đoàn 66 cùng một số cán bộ, chiến sĩ nữa đưa Tổng thống Dương Văn Minh cùng Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và vài người nữa trong Nội các ra khỏi phòng để đi sang Đài phát thanh. Sau khi họ lên xe, tôi và pháo thủ Ngô Sĩ Nguyên quay về xe 390, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của mình - Chính trị viên Vũ Đăng Toàn kể.

Nhà báo Tiziano Terzani (1938 - 2004) đặc phái viên tuần báo Der Spiegel (Italia) là một trong số ít nhà báo phương Tây có mặt tại dinh Độc Lập khi xe tăng của quân giải phóng tiến vào. Là nhân chứng của thời điểm lịch sử đó, ông đã viết:

“Anh Tùng, Chính ủy Lữ đoàn 203, đã đến dinh Độc Lập 10 phút sau khi chiếc xe tăng đầu tiên đến. Anh bước vào phòng họp, tự giới thiệu với Dương Văn Minh và đề nghị Minh cùng 18 thành viên khác đang có mặt tại đó hãy coi mình là người được tự do. Anh nhấn mạnh rằng, họ chưa bao giờ là tù nhân cả. Anh yêu cầu Dương Văn Minh phát qua radio mệnh lệnh đầu hàng mới tới binh sĩ để tránh đổ máu thêm một cách vô ích”.


Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam tiếp tục ngậm tăm cho dù đồng chí, đồng bào tiếp tục hối thúc chính thức trả lại sự thật cho lịch sử đối với hai sự kiệnXe tăng mang số hiệu 390 chứ không phải xe tăng mang số hiệu 843 húc đổ cổng Dinh Độc lập trưa 30/4/1975. Ông Bùi Văn Tùng chứ không phải ông Phạm Xuân Thệ soạn Tuyên bố đầu hàng để ông Dương Văn Minh – Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa – đọc trên Đài Phát thanh Sài Gòn ngày 30/4/1975…

***

Dịp 30 tháng 4 năm nay, công chúng chỉ cho nhau xem bộ phim tài liệu điều tra Chuyện thật trưa 30/4/1975 (1), dài 1 giờ 12 phút, do một nhóm văn nghệ sĩ của “ta” (Phạm Việt Tùng – Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú. Trần Đang Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Trần Thu Hằng – cựu Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô. Minh Đức – cựu Phóng viên VOV. Nguyễn Thị Thu Hà – Chuyên viên Bảo tàng Hồ Chí Minh. Chu Thùy Trang – Phóng viên VTC) thực hiện.

Chuyện thật trưa 30/4/1975 chỉ là phần tiếp theo của một nỗ lực kéo dài khoảng 20 năm của nhiều người ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam, nhiều giới (cựu quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam, nghiên cứu lịch sử, phóng viên, văn nghệ sĩ,…) để thúc “ta”… cải sửa… “lịch sử”“Lịch sử” của ta ghi nhận: Xe tăng 843 húc đổ cổng Dinh Độc lập, Đại úy Phạm Xuân Thệ là người soạn Tuyên bố đầu hàng để ông Dương Văn Minh – Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa – đọc trên Đài Phát thanh Sài Gòn ngày 30/4/1975.

“Ta” đã nhiều lần không gặp… may đối với các sự kiện, vấn đề lịch sử và hai sự kiện vừa kể nằm trong nhóm thiếu… may mắn ấy. Có rất nhiều hình ảnh, tài liệu, chứng cứ, nhân chứng,… đồng lòng hỗ trợ, tham gia chứng minh một cách hùng hồn, rằng hai sự kiện “lịch sử” vừa kể sai hoàn toàn với sự thật. Thậm chí, do bất bình trước những sự kiện, vấn đề “lịch sử” của “ta”, một số phóng viên ngoại quốc từng hiện diện vào thời điểm xảy ra hai sự kiện lịch sử này còn sang Việt Nam hỗ trợ ta… cải sửa… “lịch sử”…

Tuy nhiên ông Bùi Quang Thận – người chỉ huy xe tăng mang số hiệu 843 – đã tiếm công của những người lính trên chiếc xe tăng mang số hiệu 390 vẫn bình yên, về hưu với quân hàm… Đại tá, nhâm nhi vinh quang của một… Anh hùng các Lực lượng vũ trang. Còn bốn người lính kia thì chỉ được… báo giới ghi công (2), sau “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” được “ta” cho giải ngũ sớm để bốc vác, bán hàng rong, chạy xe lam, cắt tóc, làm ruộng,…

Đáng nói hơn cả là bất chấp hình ảnh, tài liệu, chứng cứ, nhân chứng,… cho thấy ông Bùi Văn Tùng mới là tác giả Tuyên bố đầu hàng để ông Dương Văn Minh – Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa – đọc trên Đài Phát thanh Sài Gòn ngày 30/4/1975, “ta” vẫn tổ chức vô số hội nghị, hội thảo để… bàn rồi… để đó! Ông Thệ tiếp tục thăng tiến với hào quang mà ai cũng biết là giả (Anh hùng Lực lượng vũ trang, Trung tướng, Tư lệnh Quân đoàn 2, Tư lệnh Quân khu 1).

***

“Ta” hay nói về… sự thật, về lịch sử song hai sự kiện tiếp tục nổi đình, nổi đám mỗi 30 tháng 4 như vừa đề cập suốt hai thập niên chính là bằng chứng rõ ràng nhất về những cái gọi là… “sự thật” trong… “lịch sử” của… “ta”! Những “sự thật” đó và “lịch sử” đó chỉ là một phần rất nhỏ trong vô số “sự thật” gây tranh cãi không ngừng trong “lịch sử” của… “ta” dẫu rất nhiều hình ảnh, tài liệu, chứng cứ, nhân chứng, kể cả những nhân chứng của “ta”, chứng minh, khẳng định là… sai sự thật!

“Sự thật” và “lịch sử” của “ta” chỉ phục vụ cho những lợi ích cả hữu hình lẫn vô hình của một số cá nhân, một số nhóm. Ngay cả khi những “sự thật” và “lịch sử” ấy khiến đồng đội, đồng chí của “ta” bất bình, áy náy cho là cần cải sửa để “ta” không phải xấu hổ với hậu thế thì “sự thật” và “lịch sử” vẫn tiếp tục phụ thuộc vào ý chí của vài nhóm nhỏ. Đến cả những cá nhân tưởng như rất lớn như ông Võ Văn Kiệt cũng phải khuyên những đồng chí muốn cải sửa nên tìm nhân chứng ở… bên ngoài đội ngũ của “ta” (3).

Muốn biết thêm về bản chất của “ta” đối với “sự thật” và “lịch sử”, sau khi tham khảo những link bên dưới bài này nên tham khảo thêm Những kẻ xuyên tạc sự thật ngày 30/4/1975 sẽ chuốc lấy thất bại trước ánh sáng lịch sử do Chương trình Nhận diện sự thật của Chương trình Truyền hình Quốc phòng Việt Nam thực hiện. Tuy không ngừng chế tạo… “sự thật” và “lịch sử” nhưng trước đã thế và nay… cũng vậy. “Ta” vẫn dõng dạc thế này mà không ngượng, không ngại…

Sự thật hiển nhiên là như thế nên những kẻ nhân danh dân chủ, mượn danh tiếng nói của giới trẻ dù núp dưới các chiêu trò khảo sát, phỏng vấn và tự cho mình cái quyền đưa ra khuyến nghị, thực chất chúng chỉ là những phần tử cơ hội, phản động, cấu kết với thế lực thù địch, phản động để tìm cách xuyên tạc, phủ nhận lịch sử, kích động hận thù, phá hoại công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta, luận điệu sai trái đó cũng cho thấy rõ chúng là những kẻ vong ân, bội nghĩa, xúc phạm xương máu của cha ông nên chắc chắc chúng sẽ bị lên án và thất bại trước ánh sáng thông tin chính nghĩa của sự thật và lịch sử (4).

***

Rõ ràng với “ta”, sự thật là một loại xa xỉ phẩm. Có những loại xa xỉ phẩm mà người ta không thể sắm. Riêng “ta”, sự thật là loại xa xỉ phẩm mà “ta”… không muốn sắm. Đã sắm sự thật thì phải vứt bỏ… tuyên truyền, giáo dục, có lẽ “ta” không… đành!

Chú thích

(1) https://www.youtube.com/watch?v=EbgrWDVcGMw

(2) https://tienphong.vn/gop-tieng-noi-cho-mot-su-that-lich-su-post1250048.tpo

(3) https://danviet.vn/dao-dien-nsut-pham-viet-tung-co-nhung-su-that-30-4-1975-can-lam-sang-to-de-khong-phai-xau-ho-truoc-lich-su-2021043023171841.htm

(4) https://www.youtube.com/watch?v=qeazykpdJUs

NẾU VÀO TAY TÔI...

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ TD 5-5-2021


Borries Gallasc, phóng viên của báo Der Spiegel của Đức, chụp hình chung với ông Tùng trước Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Nguồn: BBC

Sáng nay ngồi uống chè với ông bạn già hàng xóm. Ông nói: “Này, ông Cống, tôi vừa đọc bài Sự thật là xa xỉ phẩm… trên báo Tiếng Dân, kể về chuyện lùm xùm trong ngày 30 tháng 4 năm 75 tại Dinh Độc Lập. Ông có biết tại sao lại có chuyện như vậy và phải nhờ đến chị người Pháp và anh người Đức mới vở lẽ”.

Tôi nói: Không biết vì kém trí tuệ, thiếu trách nhiệm hay vì một âm mưu nào khác mà người ta để cho cuộc tranh cãi kéo dài, nếu việc đó vào tay tôi, chỉ cần khoảng một giờ, tôi giải quyết xong, êm thấm, trả sự thật về cho lịch sử.

Ông bạn già trừng mắt: Ông có quá chủ quan và bốc phét không đấy? Người ta, nào là Thanh tra Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương, Tuyên huấn Trung ương, Thanh tra của Trung ương Đảng và Chính phủ mà đành bịt mắt, bưng tai, bó tay trong mấy chục năm. Sự việc quá phức tạp, may nhờ có các phóng viên nước ngoài mới gỡ được. Nếu vào tay ông thì ông làm sao, nói thử nghe xem có hợp lý không nào?

Tôi nói: Tôi dạy học lâu năm, lại dạy cả môn Phương pháp luận NCKH nên quen với cách “Đơn giản hóa vấn đề phức tạp”. Còn người ta, không biết tại sao lại thích “Phức tạp hóa vấn đề đơn giản”. Để biết tại Dinh Độc Lập, ông Tùng và ông Thệ đã làm gì, nói gì thì tôi, với cương vị cấp trên hoặc được giao trách nhiêm (để có chính danh khi làm việc), mời hai ông đến, trước mặt tôi (và có thể thêm vài cán bộ cao cấp nữa, cũng nên mời thêm vài người có mặt hôm đó cùng chứng kiến), mỗi ông trình bày, có sự chấp nhận và phản biện của ông kia. Lời trình bày được ghi biên bản. Thế là xong.

Việc xe tăng 390 hay 843, cũng được làm tương tự. Mời các chiến sĩ cả hai xe cùng đến (không cần thật đầy đủ, miễn rằng có người ở cả hai xe). Hãy để cho các chiến sĩ tường thuật và tranh luận nếu cần.

Nghe xong ông bạn già à lên một tiếng, nói rằng: Đúng, đúng. Rồi bảo tôi: Ông biết thế sao không viết báo hoặc kiến nghị mách cho người ta. Tôi chỉ cười xòa, chắp hai tay, hướng lên Trời.

Ông bạn già đặt nhẹ chén nước chè xuống bàn, nói chậm rãi: Kể ra nhiều việc vào tay ông thì chắc ông sẽ làm khác người ta và đạt hiệu quả cao hơn. Tôi chắp hai tay trước ngực và nói “Không dám”.

LỊCH SỬ PHẢI ĐƯỢC CHÍNH THỨC TRẢ LẠI  SỰ THẬT!

CÙ MAI CÔNG/ TD 5-5-2021


Ông Bùi Văn Tùng, ảnh chụp năm 2007. Nguồn: VH&ĐS

Như vậy, một sự kiện lịch sử là ai đã viết và tiếp nhận đầu hàng của Tổng thống VNCH Dương Văn Minh đã rõ: Trung tá chính ủy Bùi Văn Tùng chứ không phải đại úy Phạm Xuân Thệ (theo chức danh lúc đó).

Sự thật lịch sử này là cuộc đấu tranh kiên trì của không ít báo, trong đó, Tuổi Trẻ là một trong những tờ báo đầu tiên nêu ra từ 2007 với loạt bài ba kỳ.

Trước đó, năm 2005, Viện Lịch sử Quân sự đã tổ chức một cuộc “hội thảo khoa học” ồn ào để công nhận trung tướng Phạm Xuân Thệ, tư lệnh Quân khu. In sách hẳn hoi.

Nhiều báo đài không chấp nhận “sự thật lịch sử” này. Họ có chứng cứ, họ có nhân chứng. Mười mặt một lời, khẳng định đại tá Bùi Văn Tùng.

Có ai đó nói tại sao ông Tùng không có ý kiến? Xin nói rõ: đại tá Tùng là người thẳng thắn, bộc trực – đúng “căn cốt” Quảng Nam – Đà Nẵng. Ông viết không biết bao nhiêu đơn lên cấp chỉ huy theo tình thần được rèn luyện trong quân đội, trong tổ chức: đấu tranh từ cơ sở. Chỉ không tranh cãi trên báo chí làm xấu mặt ai kia này nọ thôi.

Sau 1975, ông Tùng về làm dân Ông Tạ, cách nhà tôi vài trăm mét. Con gái ông là Quỳnh Hoa học sau tôi mấy lớp ở Ngô Sĩ Liên, đi chơi với bạn bè Ông Tạ, toàn dân Bắc 54 Công giáo; Noel đi lễ với bạn bè. Ông không hề ngăn cản, thậm chí còn vui: “Những nguời có đạo là những người sống có đức tin, có đạo đức. Người trí thức có đạo Việt Nam kết hợp những đức tin và văn hoá thế giới với đức tin, văn hóa ông bà, dân tộc Việt nên thường là những người tân tiến”.

Sau 1975, trung tá Tùng cho rằng những trí thức VNCH học hành đàng hoàng, có trình độ nên từng đề nghị chỉ tổ chức cho các sĩ quan, binh lính VNCH học tập chính sách mới của chế độ mới vài ngày để họ hiểu rồi cho về làm việc, đóng góp tiếp tục cho xã hội.

Ông nói vậy vì chính ông cũng là một trí thức, có trình độ. Con gái ông bảo tôi: “Nếu không có chiến tranh, ba em sẽ là nhà khoa học”. Đọc những chữ biên tập của ông trên bản viết của ông Dương Văn Minh; rồi bản tiếp nhận đầu hàng của ông, không có một chữ thừa – trong bối cảnh căng thẳng lúc đó là đủ hiểu.

Thế nhưng không phải một sớm một chiều sự thật ấy được công nhận khi có một đại úy, sĩ quan dưới ông hai cấp bỗng nhận “thành tích” ấy là của mình. Báo Tuổi Trẻ là một trong vài tờ báo đầu tiên nói ra sự thật ấy cả chục năm trước, từ những chứng cứ của mình. Cụ thể từ 2007, hai nhà báo Bùi Thanh và Lam Điền của báo Tuổi Trẻ đã viết về “cuộc tranh chấp sự thật giữa nhiều cơ quan, báo đài và giữa hai người lính: đại tá về hưu Bùi Văn Tùng và trung tướng tư lệnh Quân khu I Phạm Xuân Thệ”.

Khi ấy, viên sĩ quan dưới cấp bậc ông Tùng đã là trung tướng, anh hùng, quyền lực nghiêng trời lệch đất; còn ông Tùng khi về hưu vẫn là đại tá bình thường.

Một điều thú vị: một trong những người góp phần quan trọng cho việc quyết liệt đòi lại sự thật lịch sử ấy cũng là một người Ông Tạ: tiến sĩ sử học tài danh Nguyễn Nhã, dân hẻm 158 Thoại Ngọc Hầu. Nhà đại tá Tùng và tiến sĩ Nhã sau 1975 cách nhau chỉ hơn nửa cây số.

Thôi, tôi không viết lịch sử và không đủ tư cách làm chuyện này. Tôi chỉ biết Nguyễn Quý Đôn, cháu và ở cùng nhà với ông Nhã là bạn học với tôi và con ông Tùng, Bùi Thị Quỳnh Hoa cùng là học trò Ngô Sĩ Liên với tôi. Năm học 1976-1977, tôi học 9P1, còn Hoa học sau tôi ba lớp, 6A7. Hoa bảo: “Bạn bè toàn là dân Bắc 54 nên mình thấy gần gũi”.

Năm đó, Hoa chi đội phó. Chi đội trưởng là Trần Thị Mai Trâm, con một vị tá Việt Nam Cộng hòa. Nhỏ Trâm hay bảo “Việt Nam Cộng hòa không thua trận mà do Mỹ đã bỏ rơi”. Lúc đó, tuy hãnh diện về những gì ba mình đã làm nhưng tính Hoa hiền khô, tôn trọng bạn nên cũng không tranh luận, cãi cọ. Bạn bè chơi với nhau cốt ở tấm lòng, đưa chính trị vô dễ bất hòa. Sau này, Hoa buồn rất lâu khi nghe nói ba Trâm mất trong trại cải tạo.

Một cô bạn khác của Hoa tên Phùng Thị Tuyết Nga, ba đại tá Việt Nam Cộng hòa, nhà ở khu rất đẹp trong cư xá Tự Do. Tuyết Nga nhỏ nhắn, hiền, có “có cậu em trai gầy gò, hai chị em đều răng khểnh và cười rất tươi”. Sau này, Hoa nhói tim khi nghe nói người em trai này mất trên đường đi vượt biên.

Đó là cách sống và cách xử sự của những người có văn hóa và trung thực với sự thật. Kể cả khi đưa ông Minh ra Đài phát thanh Sài Gòn phát tuyên bố đầu hàng, dù là sĩ quan cao cấp nhất của Quân Giải phóng ở Dinh Độc Lập thời khắc đó, trung tá Tùng vẫn đi một bên. Còn đại úy Thệ nét mặt đăm đăm, tay cầm súng lăm lăm, đi trước Tổng thống Dương Văn Minh, thủ tướng Vũ Văn Mẫu.

***

Giờ lịch sử đã được trả lại sự thật. Nhiều người, trong đó có cả những vị tướng tá Quân đội đã lên tiếng rất quyết liệt. Có người đề nghị phong đại tá Tùng anh hùng.

Viện Lịch sử Quân sự vẫn im lặng. Ông Thệ cũng im lặng.

Đó là chuyện của họ. Nhưng lịch sử đã lên tiếng nói và phải được chính thức xác nhận, trên công luận và trong sách giáo khoa.

Đại tá Tùng giờ đã yếu lắm, ăn uống con cháu phải đút. Ông không cần những danh vị nữa. Nhưng ông cần sự thật. Lịch sử cần sự thật, nhất là sự thật về những con người có nhân cách.

Con trai ông là Bùi Nam Hải, đang chăm sóc bố từng ngày cũng bảo: “Những người sống theo lý tưởng mình đã lựa chọn; có khí tiết và nhân cách, ở bất kỳ chế độ nào, cần phải được tôn trọng“.

_____

Một số hình ảnh từ tác giả:





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét