Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2021

20210322. CHUYỆN BT THÀNH ỦY TPHCM NGUYỄN VĂN NÊN

 ĐIỂM BÁO MẠNG

BÍ  THƯ THÀNH ỦY TP.HCM KHÔNG ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI: SỰ KHÁC BIỆT SO VỚI  KHOÁ TRƯỚC

PV/ NĐT 16-3-2021
Bí thư Thành ủy TP.HCM - Nguyễn Văn Nên không có tên trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Ông Nguyễn Thiện Nhân được giới thiệu tiếp tục ứng cử.

    Do ông Nguyễn Văn Nên không ứng cử, Quốc hội khóa XV sẽ có sự khác biệt so với khóa XIV. Cụ thể là khóa trước, tất cả 19/19 ủy viên Bộ Chính trị đều ứng cử đại biểu Quốc hội. Hơn nữa, các nhiệm kỳ gần đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM đều là đại biểu Quốc hội.

    Chiều 16.3, Ủy ban bầu cử đại biểu TP.HCM đã bàn giao 224 hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026 cho Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM.

    Ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM khóa XIV, có tên trong danh sách người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Thông tin cụ thể và lý lịch trích ngang các đại biểu sẽ được công bố ngày 18.3 tại Hội nghị Hiệp thương lần 2.

    Ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP.HCM phát biểu tại buổi họp báo thông tin kết quả Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Thuận Thắng

    Theo ông Tăng Hữu Phong, trưởng Tiểu ban hành chính - tổng hợp, tính đến 17 giờ ngày 14.3, Ủy ban bầu cử TP.HCM tiếp nhận 224 hồ sơ, trong đó có 52 hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và 172 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó có 16 hồ sơ tự ứng cử (gồm 13 nam, 3 nữ) đại biểu Quốc hội khóa XV và 13 hồ sơ tự ứng cử đại biểu HĐND TP. Hiện có 33 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã giới thiệu 38 người ứng cử đại biểu Quốc hội. Trong đó, số phiếu tín nhiệm tỉ lệ 100% là 28 đơn vị, đạt từ 90% đến dưới 100% là 5 đơn vị.

    Ngày 14.3, thời hạn tiếp nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 tại TP.HCM kết thúc.

    Ngày 15.3 và 16.3, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, TP.Thủ Đức và các huyện, các xã, thị trấn tổ chức tiếp nhận hồ sơ ứng cử do các ủy ban bầu cử cấp TP, huyện, xã, thị trấn bàn giao.

    Ngày 18.3, Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 được tổ chức nhằm lập danh sách sơ bộ người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử.

    Trước ngày 19.3, Ủy ban bầu cử đại biểu TP.HCM nộp hồ sơ ứng viên đại biểu Quốc hội về Hội đồng bầu cử Quốc gia.

    Dự kiến ngày 23.5, cử tri tại TP.HCM thực hiện quyền công dân tại 10 đơn vị bầu cử để bầu ra 30 đại biểu Quốc hội đại diện cho người dân toàn thành phố. Cử tri sẽ bỏ phiếu để bầu 95 đại biểu HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026.

    PV

    LÃNH ĐẠO TPHCM NÓI LÝ DO BÍ THƯ THÀNH ỦY NGUYỄN VĂN NÊN KHÔNG ỨNG CỬ QUỐC HỘI

    / TP 21-3-2021

    TPO - Liên quan đến việc ông Nguyễn Văn Nên – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM không ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM mới đây đã trả lời Tiền Phong.


    Bà Tô Thị Bích Châu - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TPHCM cho biết: Trong danh sách người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) mà Ủy ban Bầu cử TPHCM bàn giao MTTQ, không có tên của ông Nguyễn Văn Nên.

    “Như tôi đã nói, việc ứng cử là quyền của mỗi người. Cơ quan, đơn vị nơi công tác cũng căn cứ vào vấn đề này. Cụ thể là cá nhân các tổ chức, cơ quan đơn vị muốn giới thiệu có mong muốn ứng cử hay không. Nếu họ mong muốn ứng cử, cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác mới giới thiệu” – bà Châu nói.

    Về trường hợp ông Nguyễn Thiện Nhân – nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM được giới thiệu tái ứng cử đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cho biết: Ông Nguyễn Thiện Nhân còn sinh hoạt Đảng tại Thành ủy TPHCM và "khi nhận được thông báo thì Thành ủy TPHCM có quyền giới thiệu ông Nhân".

    Lãnh đạo TPHCM nói lý do ông Nguyễn Văn Nên không ứng cử Đại biểu Quốc hội - ảnh 1Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM

    Theo bà Tô Thị Bích Châu, về nguyên tắc, trong 51 ứng cử viên ĐBQH và 172 ứng cử viên ĐB HĐND TPHCM nhiệm kỳ 2021 – 2026 (cả được giới thiệu và tự ứng cử) đến thời điểm này, đều có quyền xin rút lui.

    “Điều kiện đầu tiên là người được giới thiệu ứng cử phải có nguyện vọng và mong muốn được ứng cử. Cơ quan đơn vị chỉ giới thiệu trên cơ sở uy tín của người đó” – bà Châu cho hay.

    Ngày 19/3, bên lề hội nghị tập huấn công tác bầu cử cho báo chí, trao đổi riêng với Tiền Phong, ông Phan Nguyễn Như Khuê – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cho biết lý do ông Nguyễn Văn Nên không  ứng cử ĐBQH khóa XV vì muốn dành toàn bộ thời gian, tập trung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo Đảng bộ TPHCM để phát triển kinh tế xã hội.

    “Anh Nguyễn Văn Nên là Ủy viên Bộ Chính trị, ứng cử hay không còn có ý kiến của Trung ương và Bộ Chính trị. Anh em ở Thành ủy TPHCM rất muốn giới thiệu anh Nên tái ứng cử ĐBQH. Nhưng anh ấy nói mới nhận nhiệm vụ, mà TPHCM lại là đầu tàu kinh tế, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, khối lượng công việc rất lớn nên cần tập trung giải quyết” – ông Khuê cho hay.

    Lãnh đạo TPHCM nói lý do ông Nguyễn Văn Nên không ứng cử Đại biểu Quốc hội - ảnh 2Ông Phan Nguyễn Như Khuê (trái) trao đổi với PV Tiền Phong

    Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, là ĐBQH, cá nhân ông rất chia sẻ với quyết định của ông Nguyễn Văn Nên vì nhiệm vụ của ĐBQH rất nặng nề, mất nhiều thời gian, đi lại khó khăn, không thuận lợi trong giải quyết công việc hàng ngày của thành phố… bởi các kỳ họp Quốc hội diễn ra ở Hà Nội và mỗi lần họp thường kéo dài hơn một tháng.

    Trước đó trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Nên xác nhận không ứng cử ĐBQH khóa mới. Ông nói: "Trách nhiệm Bí thư Thành ủy TPHCM rất nặng nề. Tôi muốn tập trung để hoàn thành nhiệm vụ này".

    Ngay sau khi được bầu làm Bí thư Thành ủy TPHCM khóa XI vào giữa tháng 10/2020, ông Nguyễn Văn Nên đã yêu cầu "không được nợ lời hứa với dân" bằng cách dành nhiều thời gian đi thị sát ở cơ sở để giải quyết các vướng mắc trong công tác chống ngập, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện đời sống người dân, đồng thời chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại tố cáo kéo dài...

    Lãnh đạo TPHCM nói lý do ông Nguyễn Văn Nên không ứng cử Đại biểu Quốc hội - ảnh 3Ông Nguyễn Văn Nên (ngoài cùng bên phải) dầm mưa thị sát "rốn ngập" tại TP Thủ Đức cùng Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong (thứ hai từ trái sang) thăm hỏi người dân địa phương

    Mới đây nhất là vào ngày 19/3, ông Nên đã dẫn đầu đoàn công tác của TPHCM làm việc với lãnh đạo huyện Bình Chánh, một trong các điểm “nóng” về tình trạng tăng dân số cơ học, xây dựng trái phép và quy hoạch “treo”…

    Ông Phan Nguyễn Như Khuê và bà Tô Thị Bích Châu đều là ĐBQH khóa XIV và được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV. Trong nhiệm kỳ này, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thành ủy TPHCM được giới thiệu ứng cử còn có Phó Bí thư thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang (tái ứng cử); Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ; Nguyên Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM khóa XIV Nguyễn Thiện Nhân (tái ứng cử); Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Dương Ngọc Hải (tái ứng cử)…

    LÊ THANH HẢI LẬP LIÊN MINH CHỐNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG VÀ NGUYỄN VĂN NÊN

    BÍCH NGỌC/ TB.de/ viet-studies 15-3-2021

    Phải nói Lê Thanh Hải là một con cá bự, chỉ riêng Tất Thành Cang – một thuộc hạ của Lê Thanh Hải thôi thì ông Nguyễn Phú Trọng đành bất lực, ông phải đợi khi bổ nhiệm Nguyễn Văn Nên và làm bí thư thành ủy thành phố Hồ Chính Minh mới thực hiện được.

    Đến nỗi mất 2 năm, ông Nguyễn Phú Trọng cho Tô Lâm bắt em trai Lê Thanh Hải là Lê Tấn Hùng mang ra Hà Nội khai thác cũng không ăn thua. Và mới đây, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Văn Nên đã rảnh tay thì ông đã cho báo chí réo tên ông Lê Thanh Hải. Việc làm đó được hiểu là phát súng lệnh mà ông Nguyễn Phú Trọng phát động.

    Được biết, khi mới về nắm chức bí thư thành ủy chưa được bao lâu, bản thân thì chưa có chức ủy viên Bộ Chính Trị nhưng ông Nguyễn Văn Nên đã phát biểu mạnh miệng trên báo, mà người ta cho rằng đó là lời tuyên chuyến với Thế Lực Ngầm tại TP. HCM, mà cụ thể là người đứng đầu nhóm Lê Thanh Hải.

    Khi bắt cá, tất nhiên người ta bắt con dễ bắt trước, sau đó mới tìm lưới, tìm phương tiện, tìm đủ người thì người ta sẽ săn cá bự. Ông Nguyễn Văn Nên đã bắt Tất Thành Cang trong lúc ông ta đang là ủy viên trung ương đảng. Nghĩa là ông Nguyễn Văn Nên là đương kim ủy viên trung ương đảng cho bắt một cựu ủy viên trung ương đảng. Một thành tích đáng nể của ông bí thư thành ủy người gốc Tây Ninh.

    Như vậy, đến hôm nay khi mà ông Nguyễn Văn Nên đã vào được Bộ Chính Trị. Nguyễn Phú Trọng đã trao cho ông quyền lực lớn hơn thì ắt ông Nên cần phải có trách nhiệm cao hơn và cần có thành tích lớn hơn. Ông Nên cần phải bắt được Lê Thanh Hải, đó là cái giá cho ghế ủy viên bộ chính trị và chức bí thư thành ủy đầy quyền lực.

    Ông Nguyễn Văn Nên nói “Đã tham nhũng, không có cái nào là vặt

    Ngày 23/11, ông Nguyễn Văn Nên dẫn đầu đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM đã tổ chức tiếp xúc cử tri tại đơn vị 4 gồm quận 5, quận 10 và quận 11. Trong đoàn này có ông Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân Tối cao. Đứng trước đông đảo cử tri và quan chức, ông Nên đã nói rằng: “Đã tham nhũng, không có cái nào là vặt”. Đáp lại là cử tri phản ánh là cần phải giải quyết những vụ án tham nhũng lớn. Như là song kiếm hợp bích, kẻ nói người trả lời, ông Nguyễn Văn Nên đã khẳng định “sống là để cống hiến cho nên làm việc ở đâu, việc gì đều phải ra sức hết mình”. Sau cùng ông Nên đã cảm ơn “các ý kiến có tâm, có tầm, rất sâu sát quan tâm đã gửi đến Đoàn ĐBQH” của cử tri và “xin lắng nghe, tiếp thu chân thành và có trách nhiệm xử lý vấn đề có liên quan”.

    Đây là hành động mà giới quan sát đánh giá là ông Nguyễn Văn Nên đang ám chỉ đến những người liên quan đến đại án tham nhũng lớn nhất thành phố, đó là đại án Thủ Thiêm. Tuy nhiên sau đó ông Nguyễn Văn Nên cũng hành động, ông cho bắt Tất Thành Cang thật. Và sau đó là đến hội nghị trung ương 14 rồi đến 15 rồi đến đại hội đảng và ông Nguyễn Văn Nên đã tạm dừng việc bắt bớ lại.

    Nói về tham nhũng vặt ông Nguyễn Văn Nên nói rằng: “Tham nhũng vặt là cách nói để hiểu, chứ đã tham nhũng thì không có cái nào là vặt. Giá trị của nhân phẩm, hành vi, giá trị đồng tiền trong tay ai, chúng ta khó nói cái nào lớn cái nào nhỏ. Với người giàu một trăm triệu không lớn. Nhưng với người khó khăn thì một triệu đã là lớn”.

    Thực sự nếu đã tham nhũng thì hầu hết là tham nhũng tẳm tỷ hay ngàn tỷ. Chỉ riêng 12km đường nội bộ ở khu đô thị mới Thủ Thiêm thì chi phí hết 1000 tỷ/km. Con đường mà người dân gọi châm biếm là “con đường dát vàng”.

    Nếu không có tham nhũng vặt thì tham nhũng gộc

    Có lẽ tham nhũng gộc nhất đất Thành Phố HCM chính là ông Lê Thanh Hải cùng với một số cựu quan chức dưới thời ông như Lê Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua.

    Tên của ông Lê Thanh Hải là nỗi căm phẫn không những người dân Thủ Thiêm nói riêng, mà người dân cả nước nói chung. Cần phải có một ai đó thực thi công lý chứ không thể nào để con người đã gây bao đau thương mất mát cho bà con Thủ Thiêm sống nhởn nhơ như không có điều gì xảy ra. Cần phải có công lý, dù rằng đây là thứ công lý ăn theo sự đấu đá nội bộ với nhau trong ĐCS.

    Nỗi oan của người dân Thủ Thiêm đã gánh chịu hơn 20 năm qua như thế là quá đủ. Tuy nhiên vì bản chất của hệ thống tư pháp là công cụ của đảng nên tòa án không bao giờ có thể điều tra độc lập mà phải cần một thế lực thật mạnh. Tuy nhiên phải mạnh đến mức nào mới “quật ngã” được ông Lê Thanh Hải và những cựu quan chức dưới thời ông Hải là vấn đề nan giải. Vì vậy, việc đưa được Lê Thanh Hải ra tòa là một vấn đề nan giải cho liên minh Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Văn Nên.

    Mấu chốt của vụ án là Tất Thành Cang. Vấn đề bây giờ là ông Nguyễn Văn Nên đã khai thác được Tất Thành Cang hay chưa, hay là vẫn bế tắc như khai thác Lê Tấn Hùng? Đó là vấn đề lớn.

    Lê Thanh Hải là người đã lãnh đạo rất lâu năm tại thành phố lớn nhất nước này, giờ đây không biết trong công an thành phố có bao nhiêu người là người của ông Lê Thanh Hải cài vào. Bài học về vụ án Nhật Cường Mobile còn đó, chính người của Bộ Công An lại làm việc cho bị can Nguyễn Đức Chung, may mà bộ công an phát hiện chứ không phát hiện thì người ta đã không thể phá được án rồi.

    Thông thường đã leo lên tới chức lãnh đạo thành phố thì không thể là tham nhũng vặt được, chắc chắn là tham nhũng gộc dù cho đó là Tất Thành Cang hay Lê Thanh Hải. Mà tham nhũng càng gộc thì chức càng cao, mà chức càng cao thì thế lực càng mạnh. Vậy nên sẽ không dễ để đánh bại được Lê Thanh Hải.

    Liên minh những cựu quan chức sai phạm

    Trong nhóm lợi ích tranh giành quyền lực, liên minh là một cách tăng cường sức mạnh, thì tương tự như vậy, khả năng cao Lê Thanh Hải cũng phải chọ liên minh với ai đó. Tuy nhiên, liên minh với ai mới là quan trọng?

    Trước mắt giữa Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân và Nguyễn Văn Đua là 2 người cùng chịu chung cảnh ngộ, thì điều trước tiên là 3 người này rất có thể sẽ liên minh với nhau trong vấn đề đối phó với cơ quan điều tra.

    Được biết khi còn tại chức thì bộ ba này cũng liên minh để gây nên sai phạm động trời ở Thủ Thiêm thì nay liên minh lại để chống đỡ phe tấn công thì tại sao không? Thực chất dù là hết quyền lực chính thức, nhưng quyền lực ngầm của 3 nhân vật này vẫn còn ít nhiều chứ không thể mất. Nếu không có quyền lực ngầm thì ông Nguyễn Phú Trọng đã bắt 3 người này từ lâu.

    Ngày 27-12-2005, ông Nguyễn Văn Đua lúc đó là Chủ tịch UBND TP.HCM được người ta ví như “Vua không ngai“. Nghĩa là ông có chức nhỏ nhưng lại lạm quyền rất lớn khi đã đặt bút ký Quyết Định 6565 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm. Ông Nguyễn Văn Đua không chỉ cả gan “điều chỉnh” quyết định 367 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt mà còn dám ghi trong Điều 2 của Quyế định 6565 như thế này: “Quyết Định này thay thế Quyết Định 367 của Thủ tướng”. Chuyện thật mà ai nghe cũng phải giật mình: Quyết định của thành phố thay thế Quyết định của Thủ tướng, chỉ có UBND TP.HCM mới dám làm điều phi lý, ngược đời như vậy.

    Vì sao không ai dám hé răng tố giác việc làm sai trái nghiêm trọng của ông Đua? Vì lúc bấy giờ Lê Thanh Hải là Chủ tịch UBND TP.HCM, Nguyễn Văn Đua chỉ là thuộc cấp. Nếu ai biết rõ Lê Thanh Hải ngồi vào cái ghế Chủ tịch như thế nào thì sẽ hiểu rõ vì sao UBND TP.HCM dám làm những chuyện kinh thiên động địa. Một cái chữ ký đem lại cho “nhóm lợi ích” hàng nghìn tỷ đồng bất chính thì cả bộ sâu, chân rết của Lê Thanh Hải liều lĩnh là điều dễ hiểu, lẽ phàm “đa kim ngân phá luật lệ” xưa nay đã trở thành qui luật. Lê Thanh Hải một tay che cả bầu trời, vì thế mới có chuyện “không tìm ra” tấm bản đồ 1/5000 kèm theo quyết định 367 của Thủ tướng chính phủ ký năm 1996.

    Liên minh nổi chiến với liên minh ngầm, ai thắng?

    Vấn đề bây giờ là Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua cần phải biết luật chơi và biết cách đối phó. Với 3 con người đã từng liên minh gây nên nỗi oan Thủ Thiêm suốt hơn 20 năm mà chưa bị truy tố thì hiện giờ khó mà liên minh Nguyễn Phú Trọng với Nguyễn Văn Nên phá được. Rất có thể những người này mua đứt những luật sư giỏi nghiên cứu hồ sơ và đưa ra những chiến thuật đối phó để ba ông này thực hiện. Điều cần biết là lực lượng công an điều tra là lực lượng mà 3 ông Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân và Nguyễn Văn Đua có thể mua được. Người quen của 3 ông này làm quan chức lớn trong công an TP. HCM không phải là ít.

    Những thủ thuật mua chuộc và lôi kéo phe cánh nhằm liên minh lại đối phó với nhóm lợi ích khác thì 3 ông này là bậc thầy. Ấy là chưa nói đến những người quen của 3 ông này hiện giờ đang ở Trung ương. Thật sự không ai có thể liệt kê hết chân rết mà 3 ông này liên kết, tuy nhiên cho đến nay đã 6 năm mà ông Nguyễn Phú Trọng chưa làm được gì thì tất cả 3 ngườu họ đều không phải là thanh củi dễ đốn. Kết quả ai thắng, hãy chờ xem thì sẽ biết.

    Bích Ngọc – Thoibao.de (Tổng hợp)

    DẸP CHUYỆN BẦU CỬ QUỐC HỘI, NGUYỄN VĂN NÊN CHUẨN BỊ 'SỐNG MÁI' VỚI LÊ THANH HẢI ?

    HƯƠNG NHUNG/ TB.de/ viet-studies 18-3-2021

    Mới được đưa về thành phố lớn nhất nước mới có 6 tháng mà ông Nguyễn Văn Nên đã tống được Tất Thành Cang vào tù, điều mà qua 4 năm ông Nguyễn Thiện Nhân không thể làm được.

    Sáu tháng mà vừa tranh đấu cho chiếc ghế ủy viên bộ chính trị vừa phải tìm ra chiến thuật đấu với Tất Thành Cang và tóm được ông cựu phó bí thư thành ủy này thì xem ra Nguyễn Văn Nên rất là giỏi, không hổ danh là người đã từng ở trong ngành công an.

    Ông Nguyễn Phú Trọng khá chuộng người có xuất thân từ ngành công an. Tô Lâm hiện nay là cánh tay đắc lực cho ông Trọng chuyên xử lý những vụ án khó. Và hiện nay ông Nguyễn Phú Trọng đã dùng Nguyễn Văn Nên cũng cho những vụ án khó mà nhiều năm qua ông Trọng không thể nào xử lí kịp.

    Ông Nguyễn Văn Nên về thành phố lớn nhất nước, được ngồi vào ghế bí thư thành ủy trong lúc ông chỉ mới là ủy viên trung ương đảng. Điều đó có nghĩa là, ông Nguyễn Phú Trọng đã ngầm cho ông Nên biết rằng, ông đã đặt ông Nên vào ghế ủy viên Bộ Chính Trị vào đại hội 13 rồi. Và ông Nguyễn Văn Nên cũng hiểu rằng, nhiệm vụ của ông thay cho Nguyễn Thiện Nhân thì ông cần phải làm được những gì mà Nguyễn Thiện Nhân chưa làm được.

    Khoảng giữa tháng 12/2020, ông Nguyễn Văn Nên cho bắt Tất Thành Cang thì điều đó cũng có nghĩa là ông Nguyễn Văn Nên đã hiểu ý. Đấy là điều mà ông Nguyễn Phú Trọng cần, và đấy cũng là cái giá phải trả cho chức bí thưu thành ủy mà ông Nguyễn Phú Trọng đã giao.

    Bộ tứ Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang được ví như tứ trụ của thế lực ngầm thành phố. Ông Nguyễn Văn Nên đã bắt Tất Thành Cang xem như đã bẻ một chân trụ và bộ tứ trước đây thành bộ tam như bây giờ.

    Bộ Tam liên kết

    Chuyện bắt một người yếu nhất trong bộ tứ dễ hơn bắt một người mạnh nhất trong đó. Và càng khó hơn khi đặt mục tiêu cả 3 người còn lại.

    Được biết, những ngày sau hội nghị trung ương 2, ông Nguyễn Phú Trọng đã cho báo chí réo tên ông Lê Thanh Hải. Tuy nhiên báo chí réo như vậy nhưng ông Nguyễn Phú Trọng hay không là chuyện khác. Việc bắt Lê Thanh Hải hoàn toàn khác với bắt Tất Thành Cang. 3 người gồm Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân và Nguyễn Văn Đua, đang hợp sức lại để chông lại chiến dịch dốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng.

    Được biết, cuối năm 2020, trong giai đoạn chuỗi đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam đơn vị địa phương, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc khóa XIII năm 2021. Trong lúc vừa đấu đá vừa nhóm lò, sợ lò nguội, nên ông Trọng quyết định điều chuyển công tác của lãnh đạo Nguyễn Văn Nên về Thành phố Hồ Chí Minh.

    Ngày 11 tháng 10 năm 2020, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Lúc đó bà Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Bộ Chính Trị (thực chất là nhận sự ủy thác của ông Nguyễn Phú Trọng) đã công bố quyết định của Bộ Chính trị, điều chuyển công tác của ông. Lúc này, ông Nguyễn Văn Nên chỉ mới là ủy viên trung ương đảng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, được miễn nhiệm chức vụ Chánh Văn phòng Trung ương, được điều động về Thành phố Hồ Chí Minh, bổ nhiệm tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020 – 2025 và giới thiệu để Ban Chấp hành bầu giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020 – 2025 trong Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XI.

    Ngày 17 tháng 10 năm 2020, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã bầu Nguyễn Văn Nên làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, kế nhiệm Nguyễn Thiện Nhân. Ông bắt đầu sự nghiệp trở thành lãnh đạo toàn diện cao nhất toàn bộ Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 30 tháng 01 năm 2021, tại phiên bầu cử Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ông Nên được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XIII. Ngày 31, tại phiên họp đầu tiên của Trung ương Đảng khóa XIII, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị.

    Xong việc ở trung ương, ông Nên từ bỏ ứng cử viên đại biểu quốc hội tập trung vào bắt cá lớn

    Bất ngờ ngày 16/3 trên các báo nhà nước đồng loạt thông báo, ông Nguyễn Văn Nên không ứng cử đại biểu quốc hội. Đây là tin bất ngờ, vì từ xưa tới nay chưa có quan chức cộng sản nào từ bỏ chức đại biểu quốc hội cả. Đó là chức vụ đảng giao và người đảng viên, đặc biệt là một lãnh đạo có chân trong Bộ Chính trị như ông Nguyễn Văn Nên cần phải tuân thủ. Tuy nhiên lần này ông từ chối, lí do là tại sao?

    Được biết việc Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên không có tên trong danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV không liên quan gì đến kỷ luật hay sai phạm gì cả.

    Chiều ngày 16/3, Ủy ban bầu cử đại biểu TP. HCM đã bàn giao 224 hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND TP. HCM nhiệm kỳ 2021-2026 cho Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. HCM nhưng không có ông Nguyễn Văn Nên. Điều đặc biệt là ông Nguyễn Thiện Nhân, người đã bị ông Nguyễn Văn Nên loại khỏi chức bí thư thành ủy TP. HCM lại có tên trong danh sách người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Nói thẳng ra là ông Nguyễn Thiện Nhân người đã hết thời lại thay thế vị trí đại biểu quốc hội mà ông Nguyễn Văn Nên để lại.

    Được một năm đại biểu quốc hội phải mất hơn hai tháng đi Hà Nội họp thì rất lãng phí. Với  vai trò phải xử lí nhiều vụ án gai góc ở TP. HCM ông Nguyễn Văn Nên đã dứt khoát không bỏ mất những khoảng thời gian đó và tập trung vào nhiệm vụ. Ông Nguyễn Văn Nên có 5 năm ngồi ở ghế bí thư thành ủy thành phố và ông cần làm gì đó để được chủ lò tín nhiệm cho ngồi lại chiếc ghế quyền lực này hay được cất nhắc lên cao hơn nữa.

    Theo một số nhà phân tích, ông Nguyễn Văn Nên chọn cách bỏ đi những việc vô bổ để tập trung cao độ vào nhiệm vụ là một việc làm khôn ngoan. Trước mắt, ông Nguyễn Văn Nên cũng được tiếng thơm là “không tham quyền” để tô bóng sự nghiệp chính trị.

    Ông Nguyễn Văn Nên củng cố quyền lực mạnh hơn tại TP. HCM

    Giống ông Nguyễn Phú Trọng nắm đảng ủy quân ủy trung ương để củng cố sức mạnh cơ bắp cho bản thân. Thì ông Nguyễn Văn Nên cũng vậy, ông ta cũng nắm cho bằng được đảng ủy quân sự TP. HCM.

    Được biết, từ cuối năm 2020, ông Nguyễn Văn Nên đã vào Ban Thường vụ Thành ủy chỉ định làm Bí thư Đảng ủy Quân sự TP.HCM.

    Tại hội nghị cuối năm 2020 do Đảng ủy Quân sự TP. HCM tổ chức sáng 11/12, Ban Tổ chức Thành ủy TP. HCM, trước áp lực của ông Nên cùng với bí thư quân ủy trung ương Nguyễn Phú Trọng, Ban Thường vụ Thành ủy đã phải chỉ định ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP. HCM, tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy và giữ chức Bí thư Đảng ủy Quân sự TP. HCM nhiệm kỳ 2020-2025.

    Như vậy là ông không những nắm thành phố lớn nhất nước mà còn nắm cả Đảng ủy Bộ Tư lệnh TP. HCM và quan đó cấu kết với Bộ Tư Lệnh Quân khu 7 để tạo ra sức mạnh cho riêng mình.

    Khi làm chủ đảng ủy quân sự thành phố, ông Nguyễn Văn Nên đề nghị cơ quan này quan tâm công tác chính trị, tư tưởng, công tác cán bộ và chính sách, nhất là chính sách nhà ở xã hội đối với quân nhân. Nghĩa là ông Nên muốn bên quân sự phải lên tiếng hỗ trợ ông trong nhiều quyết sách đối với thành phố.

    Theo ông Nên, nhiệm vụ trong năm 2021 và những năm tới là rất nặng nề, khó khăn. Có lẽ ông Nên muốn ngầm gởi thông điệp đến những thuộc cấp mới rằng, những nhiệm vụ mà ông phải làm đối với một bí thư là quá sức, quá sức đến nỗi người tiền nhiệm không dám động đến.

    Liệu sự chuẩn bị của Nguyển văn Nên có mang lại cho ông thành công?

    Nhiệm vụ lôi Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua ra trước vành móng ngựa là nhiệm vụ sống còn cho sự nghiệp chính trị của ông Nguyễn Văn Nên. Ông bỏ ứng cử đại biểu quốc hội là đúng, vì ông cần phải có toàn thời gian để đối phó với thế lực ngầm khó trị của thành phố này.

    Ông Nguyễn Văn Nên tăng cường vai trò lãnh đạo thật sâu trong các cơ quan ban ngành cũng là điều cần thiết. Đảng Ủy Quân đội, và Đảng Ủy Công An thành phố là nơi mà ông Nguyễn Văn Nên cần phải đứng vào trong đấy như ông Nguyễn Phú trọng đã đứng vào đảng ủy Bộ Công An vậy.

    Được biết ông Thiếu tướng Lê Hồng Nam là một người thuộc phe cánh Nguyễn Văn Nên, sẽ giúp ông Nên hết mình trong vấn đề điều tra bắt giữ người theo chỉ thị của ông Nên. Tuy nhiên đây là mối quan hệ cá nhân chứ chưa phải là mối quan hệ cấp trên và thuộc cấp trong đảng ủy ngành công an thành phố.

    Trong ngành công an thành phố, người của ông Lê Thanh Hải, ông Lê Hoàng Quân, và người của ông Nguyễn Văn Đua trong đó không ít. Điều đó sẽ là rất khó khăn để ông Nguyễn Văn Nên triển khai lệnh bắt và phát lệnh truy tố đối lới những nhân vật có thế lực thành phố như bộ tam Hải Quân Đua.

    Không biết sắp tới ông Nguyễn Văn Nên có vào đảng ủy công an thành phố không, nếu vào thì khả năng phá an của ông Nên là rất cao, nhưng nếu vào không được, việc phá được bộ tam kỳ cựu thành phố này là rất khó. Moij việc còn ở phía trước, cứ chờ xem ông Nên làm gì tiếp theo thì sẽ rõ.

    Hương Nhung – Thoibao.de (Tổng hợp)

    CHUYỆN ÔNG NÊN VÀ QUỐC HỘI VIỆT NAM

    JACKHAMMER NGUYỄN/ TD 20-3-2021

    Ông Nên và đại biểu Quốc hội thành Hồ

    Ông Nguyễn Văn Nên, bí thư Thành ủy thành Hồ không ra tranh cử Quốc hội tới đây, theo truyền thông trong nước đưa tin.

    Sự việc gây ra một thoáng ồn ào trên báo chí chính thống lẫn truyền thông không chính thống, vì phàm là bí thư thành ủy thì phải là đại biểu Quốc hội, như “bao đời nay vẫn thế”. Báo Dân Trí trích dẫn một nguồn tin, nói rằng ông Nên muốn tập trung làm việc ở thành Hồ, nên không tham gia Quốc hội.

    Ông Huy Đức, một người rất thạo tin chính trường Việt Nam, nói rằng, quyết định của ông Nên là một quyết định cá nhân. Trang Thời Báo bên Đức cũng cho rằng, đây là một quyết định cá nhân, để ông Nên có sức lực tập trung thanh toán thế lực ngầm tại thành phố này của cựu bí thư Lê Thanh Hải.

    Tóm lại là cả “hai lề trái, phải” đều cho rằng, chuyện ông Nên không ra tranh cử Quốc hội là quyết định của cá nhân (dĩ nhiên được Đảng duyệt).

    Ông Huy Đức thêm một khuyến nghị là, Bộ Chính trị nên hoan nghênh quyết định này vì ở Quốc hội chỉ tốn thì giờ vô ích. Khuyến nghị của ông Huy Đức làm cho người đọc càng cảm thấy là ông Nên “có sáng kiến” trái với thông lệ của Đảng.

    Nếu như cả ba nguồn tôi đề cập bên trên là đúng thì hay quá, đảng Cộng sản Việt Nam đã cởi mở hơn với ý kiến cá nhân rồi. Nhưng tôi chưa lạc quan đến mức như vậy, cao nhất là trong một cuộc “hội ý” của Bộ Chính trị (ông Nên đã là ủy viên BCT sau đại hội 13), ông Nên có ý kiến rồi được… “duyệt”, chứ không có chuyện ông ấy “có sáng kiến” rồi “bút phê” vào danh sách ứng cử Quốc hội của thành Hồ, rồi đưa ra công chúng mà Bộ Chính trị, Trung ương Đảng không biết gì.

    Làm thế ông Nên bị kỷ luật chứ chẳng chơi. Dĩ nhiên, tôi mong cho tôi sai, vì dù sao chuyện sáng kiến đó, nếu có, cũng là một bước nhỏ nhoi của dân chủ hóa.

    Quốc hội cũ bầu Chính phủ mới, Quốc hội mới duyệt Chính phủ vừa mới bầu

    Tôi cũng đồng ý là, Quốc hội Việt Nam chỉ là chỗ chơi cho vui, có mấy người Việt Nam nào chú ý, thế cho nên, để cho những người như ông Nguyễn Thiện Nhân vào đó làm là phải đạo, vì ông này ở đâu, làm gì, cũng chả ảnh hưởng tới ai. Nhưng khổ nỗi là cơ cấu Quốc hội lại là nơi mà đảng CSVN quảng cáo cho nền “dân chủ đại nghị” của mình, thành ra bắt buộc phải có, làm thành một hình thức trang trí cho hoạt động đối ngoại vậy.

    Nhưng không phải hình thức thì không quan trọng, nó cũng quan trọng như khi ta mặc quần áo ra đường vậy. Quốc hội Việt Nam quan trọng đối với Đảng đến mức mà Đảng bất chấp mọi phi lý, vô bổ để cố gắng duy trì nó, như là câu chuyện tỷ lệ ngoài Đảng chẳng hạn. Một cố gắng rất buồn cười của Đảng về việc duy trì đồ trang trí Quốc hội là câu chuyện bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.

    Số là, đã lỡ mang danh nền dân chủ đại nghị, tức Quốc hội là nơi “bầu” ba vị trí cao cấp đó của nhà nước, chính phủ, vốn chỉ có một đảng nên cả ba vị đều phải là thành viên Quốc hội, vì nếu không thì lấy đâu ra mà bầu?

    Thế nhưng việc bầu ba chức danh này sẽ được quốc hội cũ bầu ra, trước khi có quốc hội mới. Lần này, kết quả sẽ được công bố lần lượt vào các ngày 31/3 (Chủ tịch Quốc hội), 2/4 (Chủ tịch nước), và 5/4 (Thủ tướng).

    Nhưng mãi đến ngày 23/5 các thành viên Quốc hội, tức là các nghị sĩ “dân bầu”, mới biết được mình có trúng cử hay không. Ngộ nhỡ ba vị Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng vừa được bầu lại không trúng cử thì sao?

    Hỏi thì hỏi cho vui vậy thôi, chứ tôi và mọi người đều biết là cả ba vị ấy đều trúng cử cả.

    Trở lại chuyện ông Nên không ứng cử đại biểu Quốc hội. Đồng ý là ông phải bỏ thì giờ cho chuyện quan trọng ở thành Hồ, không có thời gian làm chuyện trang trí, nhưng xin lặp lại là, chuyện trang trí vô cùng quan trọng, cho nên Đảng phải duyệt cái đã. Tôi không tin là ông Nên có sáng kiến “xé rào” như người ta nói.

    ÔNG NHÂN, ÔNG NÊN VÀ QUỐC HỘI

    HUY ĐỨC/ TD 17-3-2021

    Nghe nói ông Nguyễn Thiện Nhân lại ra ứng cử Quốc hội kỳ này. Có thể nhiều người sẽ rất ngạc nhiên. “Từng ủy viên Bộ chính trị còn chẳng ăn ai…” Tôi cho rằng, nếu ông Nhân “tự ứng cử” thì nên hoan nghênh; nếu ông ấy giành một suất của đàn em trong Thành ủy thì thật không hiểu ông ấy nghĩ gì mà làm thế.

    Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nên lại không tham gia Quốc hội kỳ này. Quyết định cá nhân của ông như gửi một thông điệp ông chưa có tham vọng gì hơn ngoài làm việc cho Thành phố. Bí thư Thành ủy mà một năm mất hơn hai tháng đi Hà Nội họp thì rất lãng phí. Bộ Chính trị không những nên hoan nghênh sáng kiến này mà còn nên yêu cầu những ủy viên BCT không ứng cử vào 3 ghế, Thủ tướng, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, không cần phải ra ứng cử (ĐBQH). Quyền lực của các uỷ viên BCT không phải ở lá phiếu trong Quốc hội.

    Quốc hội kỳ này dành thời gian ít hơn để làm nhân sự (31-3 đến 5-4) nhưng như thế cũng là quá dài. Về mặt lý thuyết thì Việt Nam đang có một nền “cộng hòa đại nghị”, Đảng nắm đa số tuyệt đối trong Quốc hội. Đảng đã quyết ai Thủ tướng, ai Chủ tịch, ai bộ trưởng rồi, thì Quốc hội chỉ cần dành một ngày để “đóng dấu” cho quyết định đó.

    Thời gian là tiền bạc, không chỉ là Quốc hội họp mất tiền tỷ mỗi ngày, mà còn vì, hãy để thời gian cho các ông kiêm nhiệm về nhà làm việc.

    ***

    Nguyễn Tiến Tường: Giảm bớt lãnh đạo đảng tại Qốc hội

    Uỷ viên BCT, bí thư thành uỷ TP.HCM không ứng cử đại biểu Quốc hội để chuyên tâm cho công tác lãnh đạo.

    Bí thư Nên nói rằng TP.HCM có đặc thù là TP đông dân, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, lại ở xa thủ đô Hà Nội, trong khi các kỳ họp Quốc hội thường kéo dài, không thuận lợi cho việc di chuyển và giải quyết công việc hằng ngày của địa phương.

    Việc ông Nên không ứng cử cũng phù hợp với chủ trương mới của Đảng: Giảm bớt lãnh đạo đảng tại QH, thay vào đó là cơ cấu thêm vị trí cho nhà khoa học, chuyên gia.

    Vì thế, ở chiều ngược lại, cựu bí thư Nguyễn Thiện Nhân ứng cử đại biểu QH với tư cách… chuyên gia, nhà khoa học!

    TÔI KHÔNG GẠT BÀ CON ĐÂU, CHỈ XẠO CHÚT THÔI !

    MAI BÁ KIẾM/ TD 1-9-3-2021

    Tôi rất quý trọng và tin tưởng ông Nguyễn Thiện Nhân, khi ông đề ra khẩu hiệu “năm không”: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích”; “nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc ngồi nhầm lớp”; “đào tạo không theo nhu cầu xã hội”; “xã hội hóa giáo dục”.

    Nhưng sau đó, tôi rất thất vọng, khi ông không hoàn thành một kế hoạch đúng đắn nào của chính ông đặt ra.

    MISSION IMPOSSIBLE

    Hồi làm PCT thường trực UBND TP.HCM (2001-2006), ông Nhân trăn trở tại nhiều cuộc họp: “Intell (mới đặt văn phòng đại diện, năm 2007 bắt đầu khởi công Nhà máy lắp ráp và kiểm định chip) than phiền với tôi, họ cần 2.000 kỹ sư software, hardware, nhưng chỉ tuyển được 20 người đạt yêu cầu chuyên môn và tiếng Anh.

    Thế mà, ĐH Quốc gia TP.HCM không liên hệ Intel tìm hiểu yêu cầu chuyên môn của họ để thiết kế chương trình đào tạo, rồi mời họ hợp tác giảng dạy thì mới mong Khu Công nghệ cao Quận 9 thành thung lũng Silicon được”.

    Ngày 28/6/2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bốc ông Nhân ra Hà Nội đặt lên ghế bộ trưởng GD&ĐT thay ông Nguyễn Minh Hiển. Ông đặt ra khẩu hiệu 5 không cho niên học 2007 – 2008, để lột xác ngành giáo dục đầy tiêu cực.

    Kết quả chữa trị “bệnh thành tích” rất thành công. Tỷ lệ tốt nghiêp THPT năm 2007 bình quân là 67,5%, thậm chí có trường không đỗ học sinh nào!

    So với tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2006 là 92%, phụ huynh của 414.393 em thi rớt và lãnh đạo các địa phương có tỷ tệ rớt cao đều shock. Trước áp lực nội bộ, ông Nhân xuống giọng “nói không” thành “nói nhỏ”, cho thi tốt nghiệp đợt 2 bằng đề dễ, để đạt tỷ lệ 80,38%.

    Nội bộ đấu ông Nhân, vì tổ chức thi đợt 2 tốn thêm 122 tỷ, bị GS Hoàng Tụy chê kỳ thi này mang “tính hình thức”.

    Ông Nhân thỏa hiệp “phe thành tích”, nên tỷ lệ tốt nghiệp THPT tăng dần đều: Năm 2008: 75,96%, năm 2009: 83,8%, năm 2010: 92,59%, cao hơn năm 2006: 92%. Ngựa về chốn cũ không phải mã đáo thành công!

    ĐÁNH TRỐNG BỎ DÙI – ĐEM CON BỎ CHỢ!

    Tháng 7/2006, thầy Đỗ Việt Khoa được mời lên chương trình Người Đương Thời của VTV1. Tại đó, thầy nhận được bằng khen của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân về “thành tích dũng cảm chống tiêu cực thi cử”.

    Sau khi PR thầy Khoa trên Đài, ngày 31/7/2006, bộ trưởng Nhân phát động phong trào hai không: Nói không với tiêu cực thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Từ đó, trên cả nước chấm dứt hiện tượng thu tiền chống trượt tốt nghiệp hàng năm.

    Tưởng gặp thời, thầy Khoa liên hệ và cổ vũ cho nhiều giáo viên khác trên cả nước tham gia phong trào chống tiêu cực giáo dục. Tháng 12/2007, thầy Khoa tố cáo các vi phạm pháp luật của BGH trường THPT Vân Tảo.

    Sở giáo dục Hà Tây (cũ) bao che, thầy Khoa bị hiệu trưởng Lê Xuân Trung tổ chức trù dập và bôi nhọ là thầy bệnh thần kinh, là phản động…

    Ngày 14/11/2008, thầy Khoa bị 2 xã hội đen cùng với 2 bảo vệ của trường Vân Tảo đến nhà riêng đánh dằn mặt và cướp tài sản, cảnh cáo thầy Khoa không được can thiệp vào các sai phạm của nhà trường.

    Bốn tên tham gia vụ cướp sau đó đã bị tòa án kết án tù. Từ những tố cáo của thầy Khoa, sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản chỉ đạo cấm thu các loại quỹ ngoài quy định, cấm thu tiền ôn thi và thi thử tốt nghiệp…

    Tuy nhiên, trường Vân Tảo đã không chấp hành chỉ thị đó và thầy Khoa bị quy kết không hoàn thành nhiệm vụ 4 năm, không được nâng lương, bị cô lập.

    Biết bị bỏ chợ, tháng 5/2010, thầy Khoa xin nghỉ việc, Người Đương Thời thành Người Hết Thời. Trong khi, ông Nguyễn Thiện Nhân thành Người Gặp Thời, ngày 2/8/2007, ông Nhân được Quốc hội khóa XII phê chuẩn “đúp”: làm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

    MỘT ĐÍT HAI GHẾ CŨNG KHÔNG NÊN TRÒ GÌ!

    Dù phó thủ tướng kiêm bộ trưởng, ông Nhân không thực hiện được hoài bảo của mình là “Đào tạo theo nhu cầu xã hội” mà hồi làm PCT UBND TPHCM ông đã nói Intel tuyển không ra người có đúng chuyên môn.

    Sinh viên tốt nghiệp ngành IT vẫn trình độ làng nhàng, Intel chỉ sản xuất chip, Khu Công nghệ cao không thành thung lũng Silicon.

    ĐH Tôn Đức Thắng nhờ hiệu trưởng Lê Vinh Danh và Chủ tịch Tổng LĐLĐ Đặng Ngọc Tùng làm nên thương hiệu, thì hiệu trưởng bị cách chức.

    Trường ĐH Sư Phạm Kỹ thuật Thủ Đức nhờ chỉ tuyển giảng viên tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài nên chất lượng đào tạo giỏi hơn trường truyền thống ĐH Bách Khoa.

    Ông Nhân cho lập nhiều trường ĐH nhất nhưng để lại nhiều tai tiếng nhất như trường ĐH Đông Đô.

    Lạ đời hơn, ông Nhân chưa làm chức gì hết một nhiệm kỳ, chứ đừng nói 2 nhiêm kỳ: Ngày 17/6/2010, gần tròn 4 năm làm bộ trưởng, Thủ tướng Dũng cho ông Nhân thôi điều hành Bộ GD&ĐT để tập trung cho nhiệm vụ Phó Thủ tướng.

    Làm phó thủ tướng chưa đầy 4 năm, ngày 21/6/2011, Thủ tướng Dũng bổ nhiệm ông Nhân làm Trưởng ban Ban chỉ đạo về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

    Làm Trưởng Ban Chỉ đạo hơn 2 năm, ngày 5/9/2013, ông Nhân được Ủy ban TƯ MTTQ VN bầu làm chủ tịch.

    Làm Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN chưa đầy 4 năm, ngày 10/5/2017, ông Nhân được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy TP.HCM thay thế Đinh La Thăng.

    Ngày 17/10/2020, ông Nguyễn Văn Nên được bầu làm Bí thư Thành uỷ TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025 thay ông Nhân.

    Khác với 4 nhiệm kỳ chưa trọn vẹn bên Chính phủ và Mặt trận, ông Nguyễn Thiện Nhân ngồi ghế đại biểu Quốc hội trọn vẹn suốt 4 nhiệm kỳ (khóa: X, XII, XIII, XIV) 20 năm mà chưa mỏi đít, nên vẫn ra ứng cử nhiệm kỳ thứ năm.

    Cuối cùng, tôi chỉ thích một câu nói của ông Nhân: “Tôi nói giọng Bắc nhưng tôi là người Nam, tôi không gạt bà con đâu”. Câu nói rất tương phản với hành động của ông bởi hàng rào cảnh sát chìm vây quanh khi ông đi tiếp xúc dân Thủ Thiêm.

    Nếu Hội đồng Bầu cử sắp xếp ông Nhân về Đơn vị Bầu cử Thủ Thiêm thì cử tri sẽ gạch tên ông mà còn nói “Mày hả Bưởi?”.

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét