Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

20210313. BÀN VỀ BỎ CHỨNG CHỈ CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP GIÁO VIÊN

 ĐIỂM BÁO MẠNG

VIÊN CHỨC NGÀNH NÀO CHẢ CÓ CHỨNG CHỈ CHỨC DANH, SAO CHỈ CÓ GIÁO VIÊN KÊU?

LÊ MAI/ GDVN 12-3-2021

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đã được quy định trong Luật Viên chức 2010, Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Như vậy, mọi viên chức của nước ta đều phải có Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp phù hợp với hạng viên chức, chức danh nghề nghiệp mà mình đang làm, chứ không riêng giáo viên.

Thế nhưng, trên dư luận hiện nay, chỉ có mỗi giáo viên lên tiếng đề nghị bỏ Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp!

Ảnh chụp màn hình, hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Giáo viên học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp còn biết hệ thống quản lý nhà nước!

Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thành Can, giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia cho hay "Nếu nói là biết rồi không cần phải qua những lớp bồi dưỡng chứng chỉ nghề nghiệp nữa là chủ quan. Anh là giáo viên dạy giỏi, dạy tốt nhưng vẫn phải yêu cầu chuẩn các điều kiện về vị trí việc làm.

Giáo viên nghĩ rằng hàng ngày lên lớp dạy Văn-Toán-Lý-Hóa... đảm bảo đủ kiến thức và dạy giỏi là được rồi.

Nhưng ở vị trí của người giáo viên, họ phải biết được hệ thống quản lý nhà nước là gì? Hệ thống mà anh đang làm việc tại nhà trường “dọc ngang" thế nào?

Khi cần thiết thì phải biết những cơ quan nào liên quan đến cơ quan nào? Cái này không thể nói là không cần thiết. Không thể nói làm một giảng viên, một giáo viên của hệ thống ấy lại không biết và nếu không được đào tạo thì không thể biết được". [1]

Có phải học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không được gì, không có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục?

Lấy ví dụ Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng Tiểu học hạng II có 10 chuyên đề phải học, đó là:

Chuyên đề 1: Lí luận về nhà nước và hành chính nhà nước; Chuyên đề 2: Chiến lược và chính sách phát triển giáo dục và đào tạo;

Chuyên đề 3: Quản lí giáo dục và chính sách phát triển giáo dục trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

Chuyên đề 4: Giáo viên với công tác tư vấn học đường trong trường; Chuyên đề 5: Tổ chức hoạt động dạy học xây dựng và phát triển kế hoạch giáo dục ở trường;

Chuyên đề 6: Phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên; Chuyên đề 7: Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh;

Chuyên đề 8: Thanh tra, kiểm tra và một số hoạt động đảm bảo chất lượng ở trường; Chuyên đề 9: Sinh hoạt tổ chuyên môn và công tác bồi dưỡng giáo viên;

Chuyên đề 10: Xây dựng mối quan hệ trong và ngoài nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển.

Nội dung của 10 chuyên đề trên nếu được đào tạo bài bản, học hành nghiêm túc, không thể nói không có tác dụng nâng cao chất lượng công tác cho mỗi giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Tại sao giáo viên lại muốn bỏ Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp?

Thứ nhất, ngành giáo dục còn thiếu, còn yếu trong công tác truyền thông nội bộ, chưa tuyên truyền thấu đáo nội dung, mục đích, ý nghĩa của Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên nói riêng và các văn bản quy phạm pháp luật khác nói chung.

Thứ hai, đại đa số giáo viên muốn bỏ Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không biết Luật quy định giáo viên nói riêng, viên chức nói chung phải có Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, cứ nghĩ chỉ có ngành mình mới có quy định này.

Thứ ba, giáo viên phải tự bỏ tiền túi để học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, trong khi đó thu nhập còn eo hẹp, cuộc sống còn khó khăn.

Thứ tư, công tác đào tạo Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thiếu nghiêm túc, người dạy muốn dạy ít, rút ngắn thời gian để có thu nhập cao; kiểm tra đánh giá không trung thực, cứ có tiền đóng đủ là có Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp học online chỉ có “Thời gian học khoảng 8 buổi, mỗi buổi học 2 tiếng rưỡi. Giảng viên mỗi lần giảng cho khoảng 3 lớp, mỗi lớp 100 học viên. Tuy nhiên, một số thầy cô giáo nói rằng chỉ đăng nhập vào lớp học và để cho máy tự nói, còn mình đi làm việc khác, hết giờ sẽ điểm danh xem như đã học đầy đủ.

Cuối khóa học, giáo viên làm một bài thu hoạch nộp về nơi tuyển sinh. Ai không muốn làm sẽ có dịch vụ làm hộ, giá cho một bài làm là 100 ngàn đồng.

Khóa học kết thúc, ai cũng nhận được tấm giấy chứng chỉ có dấu đỏ dù vẫn thấy xót vì tiếc số tiền bằng hơn nửa tháng lương giáo viên mới ra trường” lời tự sự của một học viên. [2]

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ có thể mua bán dễ giàng, nên các loại chứng chỉ trên phản tác dụng, không như mong muốn ban đầu của các nhà hoạch định chính sách.

Chính việc tiêu cực trong dạy và thi Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đã vô hình trung làm giáo viên có tâm lý Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là vô ích, mua cho xong, bỏ đi là tốt nhất.

Thứ năm, thời điểm học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không phù hợp, hành nghề hàng chục năm, sắp về hưu mới học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên, đã gây tâm lý ức chế cho người học.

Thứ sáu, nội dung học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp được cho là trùng lặp với 1 số nội dung Bồi dưỡng thường xuyên, đặc biệt là học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III, gây tâm lý chán học, ngại học cho giáo viên.

Không muốn học, không hứng thú, học sinh sẽ phá phách trong giờ học, còn giáo viên đề nghị bỏ học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là điều dễ hiểu.

Đôi điều kiến nghị

Thứ nhất, giáo viên đã công tác trong ngành được miễn lệ phí học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III.

Thứ hai, lược bỏ kiến thức trùng lặp Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp và Bồi dưỡng thường xuyên. Nội dung học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III ngắn gọn, thiết thực.

Thứ ba, đưa nội dung học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III vào trường Sư phạm coi như một tín chỉ, với giáo sinh chưa học chứng chỉ này sẽ được đào tạo trước khi dạy học, tránh gây tâm lý ức chế đã hành nghề rồi mới bắt học chứng chỉ hành nghề.

Thứ tư, ngành giáo dục phải có bộ phận truyền thông, kịp thời giải đáp, tuyên truyền pháp luật đến nhà giáo, đưa pháp luật vào cuộc sống cho mỗi giáo viên.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://toquoc.vn/giao-vien-hoc-chung-chi-nghe-nghiep-de-con-biet-he-thong-quan-ly-nha-nuoc-20210310101740564.htm

[2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-vai-trieu-dong-hoc-chung-chi-phong-than-con-hon-bi-tut-hang-giam-luong-post216099.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

BỎ CHỨNG CHỈ CHỨC DANH, BỘ GIÁO DỤC CẦN CÓ CHÍNH KIẾN RÕ RÀNG VỚI BỘ NỘI VỤ ?

THANH AN /GDVN 12-3-2021

Ngày 02/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non đến trung học phổ thông công lập và nó lập tức trở thành tâm điểm của dư luận.

Đội ngũ giáo viên đều mong muốn các cơ quan chức năng bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho đỡ lãng phí thời gian, tiền bạc vì nội dung trùng lặp, không thiết thực.

Đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì nói chưa thể bỏ được vì vướng Luật Viên chức 2010 và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ.

Đại diện của Bộ Nội vụ thì cho rằng: “Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có chính kiến về việc bỏ hay không bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp và lý do của việc bỏ hay giữ là gì”.

Vì thế, giáo viên dưới cơ sở chẳng biết kêu ai, hỏi ai nên có người thì bỏ tiền đi học, người thì chờ đợi hướng dẫn mới...!

Văn bản số 2814/BGD&ĐT-NGCBQLGD của Bộ Giáo dục (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Rối bời chuyện chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp

Có lẽ chưa bao giờ giáo viên dưới cơ sở lại quan tâm, bàn tán nhiều như khi Bộ ban hành các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT. Bởi, theo hướng dẫn của các Thông tư này thì giáo viên hạng III đến hạng I của các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông đều phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tương đương với hạng của mình.

Sau khi Bộ ban hành các Thông tư này thì hàng loạt các trường đại học, cao đẳng gửi email về các địa phương thông báo chiêu sinh các lớp học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Lãnh đạo một số Sở, Phòng cũng sốt sắng chuyển email này về các trường và yêu cầu Ban giám hiệu nhà trường thông báo, lập danh sách giáo viên tham gia học lớp bồi dưỡng. Một số Sở Giáo dục thì khuyến cáo giáo viên cần thận trọng khi tham gia học chứng chỉ

Trong ma trận thông tin như vậy thì giáo viên chẳng biết đâu mà lần bởi mỗi người hiểu một cách, mỗi địa phương, trường học hiểu một đàng và có những hướng dẫn khác nhau.

Lúc này, giáo viên rất cần những thông tin định hướng là tất cả giáo viên có phải học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hay không thì mỗi cơ quan trả lời một cách khác nhau.

Bộ Giáo dục đề xuất thay đổi hình thức bồi dưỡng…

Trước những bất cập của chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên thì ngày 29/7/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản số 2814/BGD&ĐT-NGCBQLGD gửi Bộ Nội vụ, đề xuất điều chỉnh quy định về bồi dưỡng viên chức tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Trong văn bản này, đã đề cập một số vấn đề như sau:

Hiện nay, theo đặc thù của ngành Giáo dục, Chuẩn nghề nghiệp giáo viên đã được ban hành (theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019) bao gồm các nội dung chi tiết tương ứng với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp.

Căn cứ vào đó, hàng năm giáo viên đều được bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và được cấp chứng chỉ nếu đạt yêu cầu.

Vì vậy, việc quy định bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên dẫn đến sự trùng lắp, lãng phí, gây áp lực cho đội ngũ giáo viên…

Vì các bất cập nêu trên, đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 101 về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Nội vụ đang đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ để xin ý kiến góp ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu với Chính phủ sửa đổi Nghị định số 101 theo hướng:

Đối với viên chức ngành Giáo dục, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được thay thế bằng các chứng chỉ bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định (trong trường hợp không thể thay thế tất cả thì chỉ yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức có nhu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp)….

Để phù hợp với bối cảnh hiện nay, cần bổ sung thêm hình thức bồi dưỡng "qua mạng" trong danh mục các loại hình tổ chức bồi dưỡng”. [1]

Như vậy, chúng ta đã thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản “đề xuất điều chỉnh quy định về bồi dưỡng viên chức tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức”.

Với những đề xuất tại văn bản số 2814/BGD&ĐT-NGCBQLGD gửi Bộ Nội vụ, có thể thấy rõ Bộ Giáo dục cũng đã nhìn thấy bất cập, muốn bãi bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên và đề xuất phương án thay chứng chỉ này bằng chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên.

Chúng tôi không biết Bộ Nội vụ phản hồi văn bản số 2814/BGD&ĐT-NGCBQLGD của Bộ Giáo dục và Đào tạo như thế nào, nhưng kết quả là Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT vẫn giữ nguyên yêu cầu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Giáo viên không biết Bộ nào đang níu giữ yêu cầu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

Mới đây, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã trả lời về việc chưa thể bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp vì vướng một số văn bản như sau:

“Luật Viên chức 2010 quy định người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó (điểm b khoản 1 Điều 31) và viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm hạng (điểm b khoản 3 Điều 33);

Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là một trong những điều kiện để viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng, xét bổ nhiệm vào hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề (điểm a khoản 3 Điều 26).

Muốn bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên thì cần phải sửa các quy định này tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP”.[2]

Cách trả lời của vị đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) theo như cách hiểu của chúng tôi, thì chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là yêu cầu bắt buộc với viên chức, trong đó có giáo viên, không thay đổi được.

Đã biết trước luật định như thế, sao không giải thích thẳng cho giáo viên cả nước từ đầu mà để các nhà giáo hy vọng sẽ bỏ được gánh nặng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp sau văn bản số 2814/BGD&ĐT-NGCBQLGD của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Bộ Nội vụ, rồi cuối cùng lại thất vọng khi đọc các thông tư mới?

Ngày 9/3/2021, trên Báo Vietnamnet có bài viết: “Bộ Nội vụ nói về đề xuất bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên” đề cập việc bỏ hay không bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên.

Trả lời các câu hỏi của phóng viên, ông Nguyễn Tư Long - Phó Vụ trưởng Vụ Công chức- Viên chức (Bộ Nội vụ) đã nêu quan điểm như sau: “Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp được xây dựng căn cứ vào tiêu chuẩn của từng hạng chức danh nghề nghiệp đó. Tiêu chuẩn thì phải căn cứ vào nhiệm vụ, yêu cầu của vị trí việc làm và thể hiện năng lực, trình độ tương ứng với vị trí việc làm”...

… “Chúng ta cũng đừng nên có suy nghĩ “cứ chứng chỉ là không tốt”. Nếu chứng chỉ phục vụ cho đúng yêu cầu của quản lý nhà nước, đáp ứng đúng yêu cầu của đội ngũ viên chức xuất phát từ việc nâng cao chất lượng hoạt động nghề nghiệp của họ thì “chứng chỉ không có tội tình gì cả”, không việc gì phải bỏ đi cả”.

Trước câu hỏi: “Nhiều ý kiến đề nghị bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với giáo viên. Ông nghĩ thế nào về điều này?” thì ông Nguyễn Tư Long đã trả lời như sau:

Bỏ hay không bỏ chứng chỉ này thì Bộ Nội vụ không khẳng định được. Việc này phải lấy ý kiến rộng rãi của những người trực tiếp chịu tác động.

Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thì hơn ai hết Bộ phải rà soát lại và phải có chính kiến về việc bỏ hay không bỏ, có cần hay không cần chứng chỉ này và lý do của việc bỏ hay giữ là gì.

Vấn đề nếu bỏ đi thì cũng phải xác định rất rõ phương thức quản lý sẽ như thế nào?”. [3]

Như vậy, nếu thông tin trên đúng là lời ông Nguyễn Tư Long - Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) đã chia sẻ với Vietnamnet thì phải chăng chính Bộ Nội vụ chưa muốn bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp mà các trường đại học đang bồi dưỡng cho giáo viên?

Đồng thời, với chia sẻ này thì phải chăng trước áp lực dư luận giáo giới về việc bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, 1 vị Phó vụ trưởng của Bộ Nội vụ lại đã “chuyền bóng” sang chân cho Bộ Giáo dục và Đào tạo? Ông Nguyễn Tư Long có biết đến "chính kiến" của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong văn bản số 2814/BGD&ĐT-NGCBQLGD gửi Bộ Nội vụ? Bộ Nội vụ đã trả lời Bộ Giáo dục và Đào tạo các vấn đề nêu ra trong văn bản này chưa?

Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nói rõ "chính kiến" của mình về những phát biểu được cho là của ông Nguyễn Tư Long - Phó vụ trưởng Vụ Công chức - viên chức, Bộ Nội vụ trên Vietnamnet. Nếu không, hai Bộ đá qua đá lại như vậy, giáo viên chúng tôi biết hỏi ai bây giờ?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-giao-duc-muon-thay-chung-chi-boi-duong-chuan-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien-post211210.gd

[2]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-giao-duc-tra-loi-chua-the-bo-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien-post215876.gd

[3]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien-bo-noi-vu-noi-gi-718012.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
CHUYỂN TỪ QUẢN LÝ THEO CHỨNG CHỈ SANG QUẢN LÝ THEO THỰC TÀI

ĐINH DUY HÒA/ TVN 11-3-2021

Tôi đã theo dõi khá kỹ với ngổn ngang tâm trạng cuộc phỏng vấn của báo VietNamNet với ông Nguyễn Tư Long, Phó vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ về chủ đề chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên.

Thế mới biết tác động to lớn của mấy văn bản này đến đội ngũ giáo viên công lập trong cả nước.

Nhiều câu hỏi đặt ra

Tâm trạng ngổn ngang thứ nhất, tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức đã có 20 năm nay và đã chứng tỏ trong phạm vi nhất định tác dụng trong việc quản lý và nhất là nâng cao chất lượng đội ngũ này.

Chuyển từ quản lý theo chứng chỉ sang quản lý theo thực tài
Điều phù hợp với thực tiễn hơn, đó là căn cứ vào vị trí việc làm để tuyển dụng, sử dụng

Cứ tưởng mọi thứ tiếp tục ngon lành, nhưng đùng một cái có câu chuyện với chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên thì buộc phải suy nghĩ lại.

Cái tâm trạng ngổn ngang thứ hai, câu chuyện chứng chỉ cho giáo viên là tương đối mới, trong khi thực ra chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn ngạch công chức đã có từ rất lâu. Vô vàn công chức hành chính trong cả nước đã học qua các lớp này để lấy chứng chỉ mà chẳng hề thấy phàn nàn ghê gớm gì.

Hoặc có lẽ chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn ngạch công chức là đúng, chuẩn và cần tiếp tục phát huy khác hẳn với bên mảng viên chức? Vấn đề này sẽ xem xét sau.

Cái tâm trạng ngổn ngang thứ ba liên quan nhiều tới các bình luận, đề xuất mà bạn đọc gửi đến báo VietNamNet. Có lẽ gần 100% bạn đọc, đặc biệt là giáo viên, đề xuất nên bỏ cái chứng chỉ này đi.

Bỏ hay không bỏ và nếu bỏ thì cái lý của nó ở đâu, nếu bỏ có trái quy định pháp luật nào? Bỏ đi thì có cái gì thay thế hay không? Rất nhiều câu hỏi đang đặt ra cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách.

Câu trả lời có vẻ rất dễ, đó là bỏ được. Trước hết vì quả thực không cần nó. Những người tốt nghiệp các trường sư phạm, nhận tấm bằng cao đẳng, đại học sư phạm là đủ tư cách và năng lực, trình độ chuyên môn là giáo viên trường này trường kia. Nếu phải có cái chứng chỉ này mới được công nhận chính thức là giáo viên thì hóa ra các trường sư phạm bấy lâu nay chưa làm trọn chức trách đào tạo giáo viên và phải đợi họ đi làm, lấy được chứng chỉ này mới “nên người“ giáo viên.

Mặt khác, theo dư luận thì chất lượng của khóa bồi dưỡng để lấy được chứng chỉ này cũng đáng quan ngại. Và cuối cùng, hết sức lưu ý là cả mấy thông tư của Bộ GD-ĐT không có quy định về tiêu chuẩn ngoại ngữ và tin học đối với giáo viên. Điều đó có nghĩa là Bộ đã loại câu chuyện ngoại ngữ, tin học ra khỏi quy định về tiêu chuẩn. Tương tự như vậy, Bộ hoàn toàn có thể loại nốt cái chứng chỉ bồi dưỡng này ra khỏi tiêu chuẩn về giáo viên.

Căn cứ vị trí việc làm

Câu hỏi thứ nhất đặt ra là bỏ như vậy có vướng quy định của pháp luật không? Ông Nguyễn Tư Long hoàn toàn đúng khi khẳng định không vướng gì.

Luật Viên chức chỉ đưa ra quy định chung, đó là việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào nhiều thứ, trong đó có tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó.

Nội dung của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được cụ thể hơn một bước tại văn bản gần đây nhất là nghị định số 115 ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, theo đó có một nội dung là Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng.

Nghị định không quy định cụ thể tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên... mà dành việc đó cho Bộ GD-ĐT được coi là Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành quy định cụ thể. Và nếu Bộ này không quy định chứng chỉ bồi dưỡng trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên thì hoàn toàn là có thể và không vi phạm quy định nào. Nói một cách rộng ra thì cánh cửa đã mở toang cho việc xem xét bỏ các loại chứng chỉ bồi dưỡng kiểu này đối với viên chức cả nước.

Tuy nhiên, điều cần lưu ý ở đây là liệu Bộ GD-ĐT có tự mình bỏ chứng chỉ này hay không, bởi lúc quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì theo nghị định 115, Bộ phải có được ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ. Do đó, sửa theo hướng bỏ chứng chỉ này cũng phải có ý kiến của Bộ Nội vụ.

Câu hỏi thứ hai: Vậy quản lý tiếp theo sẽ ra sao, bỏ chứng chỉ bồi dưỡng này có cần cái gì thay thế không? Tiêu chuẩn viên chức chắc chắn vẫn phải có để trên cơ sở đó tuyển dụng, sử dụng, nhưng tiêu chuẩn chỉ nên quy định những cái chung nhất.

Cái quan trọng hơn và cũng phù hợp với thực tiễn hơn, đó là căn cứ vào vị trí việc làm mà tuyển dụng, sử dụng. Trường mầm non công lập nọ cần tuyển giáo viên thì tiêu chuẩn cứng nhà nước quy định phải đáp ứng, đó là có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm giáo dục mầm non trở lên. Trường sẽ quy định người được tuyển phải biết, phải có khả năng gì thêm là căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể, ví dụ về ngoại ngữ, về tin học...

Hoặc giả nếu có trường mầm non nào đó mà trọng tâm giáo dục hướng thêm tới hội họa, thì tiêu chuẩn tuyển dụng rất có thể sẽ là những yêu cầu về năng lực, cảm nhận hội họa của người dự tuyển được cụ thể bằng chứng chỉ, bằng cấp tương ứng nào đó... Nói cách khác, then chốt thay đổi ở toàn bộ câu chuyện bỏ chứng chỉ chính là chuyển từ quản lý theo văn bằng, chứng chỉ sang quản lý theo thực tài.

Cuối cùng vẫn phải lưu ý rằng theo quy định cứng vẫn có việc bồi dưỡng cho viên chức theo yêu cầu của vị trí việc làm và bồi dưỡng bắt buộc hàng năm. Đây là những khóa bồi dưỡng hết sức cần thiết, thông qua đó bảo đảm được chất lượng của đội ngũ viên chức.

Đinh Duy Hòa

TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

BỒI DƯỠNG CHỨNG CHỈ CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP-BÀI 3

CHU MỘNG LONG /TD 12-3-2021

Tiếp theo bài 1 và bài 2

Bài 3: Giáo dục hay cái chợ xổm?

Định dừng lại chủ đề này, chỉ vì lý do tôi viết vì quyền lợi của giáo viên phổ thông, nhưng đa số giáo viên phổ thông dù thích nhưng không dám like, không dám chia sẻ. Hàng triệu giáo viên vẫn phải lo đi học bồi dưỡng, đến mức nhiều người chỉ còn một vài năm nữa nghỉ hưu vẫn phải nộp tiền đi học vì sợ mất việc, mất… lương hưu.

Quyền lợi của họ mà họ không thiết thì tôi gào thét để làm gì?

Nhưng tôi nghĩ lại, rằng đã nói rồi thì nói cho trót để lương tâm không cắn rứt. Ít nhất xã hội nhìn thấy sự thực và lãnh đạo thấy hết “tính ưu việt” của nền giáo dục mà họ luôn miệng tự hào.

Bài này đặt vấn đề giáo dục hay là cái chợ xổm?

Chợ xổm là cách nói mỉa mai về những cái chợ tự phát do những người bán rau, bán thịt, bán cá, bán hàng vặt tụ họp ở hè phố, kể cả ở ngay giữa đường phố. Họ ngồi nhấp nhổm để tiện việc di động nếu bị giải tán. Chữ “xổm” dễ liên tưởng đến tư thế ngồi mà ngày xưa gọi là mất nết.

Nhưng ít ra chợ xổm giúp ích cho dân nghèo cả bán hàng lẫn mua hàng. Đó là lý do ông Đoàn Ngọc Hải thất bại khi đòi giải tán các chợ xổm. Trong khi ngành giáo dục, những nhà quản lý, các giáo sư tiến sỹ không nghèo mà vẫn duy trì cái chợ xổm để… vét túi đồng nghiệp nghèo hèn đáng thương của mình.

Bắt đầu từ chủ trương của Bộ. Ban đầu được biết Bộ chỉ cho phép khoảng hơn 10 trường đại học và cao đẳng sư phạm tham gia mở lớp. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, số lượng tăng lên vài mươi rồi bây giờ là 49 trường, trong đó rất nhiều trường không phải là trường sư phạm. Lý do có lẽ… chỉ có Bộ biết.

Không có một quy định cụ thể nào về các cơ sở hợp tác tuyển sinh, mở lớp, cho nên bất cứ cá nhân hay tổ chức nào cũng có thể chào hàng, gom hồ sơ, mở lớp. Đã có trường hợp một cơ sở bán xăng dầu cũng gom hồ sơ, thuê địa điểm và mở lớp rồi hợp tác với nhà trường cho giảng viên đến dạy. Dở khóc dở cười là giảng viên dạy xong, người đó đến đưa cho một phong bì thanh toán công tác phí mà không cần bất cứ chứng từ nào!

Tôi từng thét lên giữa cuộc họp rút kinh nghiệm, rằng làm ăn như thế thì bà bán rau cũng mở lớp được, và coi chừng số tiền họ thu từ người học sẽ không cánh mà bay! Và xem chừng lại có thể xuất hiện “cò giáo dục” như đã từng xuất hiện trong việc gom hồ sơ thi chứng chỉ ngoại ngữ với đủ trò gian lận mà tôi từng thanh tra khi còn làm thanh tra!

Có lẽ vì cái gọi là “học giá”, nên Bộ cũng không có một quy định cụ thể nào về giá học phí. Vì ban đầu giới hạn chỉ có hơn 10 trường sư phạm, lại vì thông tư bắt buộc, cho nên học giá có tính độc quyền cho một chương trình là hơn 7 triệu/học viên. Sự chia chác giữa trường đại học với cơ sở tuyển sinh tuỳ theo mặc cả giữa đôi bên, hoặc tỷ lệ 40/60 hoặc 50/50. Có nơi còn đòi làm hai hợp đồng với tỷ lệ khác nhau, một để báo cáo kho bạc và một để… làm gì tôi không biết.

Tại trường tôi, người đi chào hàng, thương lượng giá cả không ai khác là giao cho Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục. Tôi từng phát biểu giữa Hội nghị Công chức – Viên chức, rằng Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục sinh ra là để nghiên cứu khoa học chứ suốt cả nhiệm kỳ không làm gì ngoài chạy đôn chạy đáo chào hàng, làm giá dịch vụ chộp giật như mấy bà ở chợ xổm thì coi được sao?

Chỉ chạy đôn chạy đáo chào hàng, thách giá chộp giật thì hãy mời chị bán hàng ở chợ xổm hay mấy bà buôn chuyến lên làm Viện trưởng chứ bổ nhiệm Phó giáo sư – Tiến sỹ vào ghế đó làm gì cho tốn kém?

Từ khi Bộ cho phép 49 trường đại học và cao đẳng trên cả nước tham gia các chương trình bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp thì giá học phí giảm xuống, từ hơn 7 triệu xuống 5 triệu, 4 triệu rồi bây giờ là còn lại vài triệu. Có lẽ theo Bộ trưởng là do ưu thế của cạnh tranh? Cạnh tranh như vậy thì nếu ở chợ xổm, các bà sẽ đánh nhau… bằng rổ cá vào đầu! Bởi vì nó vừa phá giá, vừa nháo nhào tranh giành khách hàng bất chấp năng lực và chất lượng. Sự thật, nếu không có sự cấu kết ngầm giữa trường đại học và các sở, phòng thì… ở đâu tổ chức học và lấy chứng chỉ dễ dãi thì người đăng ký học đông hơn.

Tôi dùng từ “đăng ký học” chứ thực học thì danh sách lớp học 100, 200, nhưng có lớp người học chỉ có mặt dăm mười người. Tất nhiên trừ những vùng sâu vùng xa thấp cổ bé họng, học viên bị lùa đến lớp thì đông những không thể kiểm soát. Một lần tôi lên lớp, nhìn danh sách trên 100 nhưng có mặt chỉ 7 người, tôi điện thoại cho Hiệu trưởng và báo cho Giám đốc sở rồi bỏ về. Khi đi qua lớp khác, tôi thấy có lớp chỉ có 3 người, giảng viên cũng ngửa cổ lên trời hoặc cắm đầu xuống đất dạy. Tôi mắng: mất tự trọng!

Ở chợ xổm, chị bán rau cũng có tự trọng khi nếu bán rau không sạch thì cũng phải xanh và giá hợp lý. Với cách làm ăn trên, giảng viên mất hết tự trọng nghề nghiệp. Ai không học mặc xác, miễn tao có được tiền!

Ở chợ xổm, người bán người mua còn chào nhau lịch sự hay ít nhất cũng cười thân thiện khi thuận mua vừa bán. Trong khi có một sự thật mà giảng viên cứ trơ xác ra mà nói cho hết giờ dạy, trong khi người học nhìn giảng viên bằng ánh mắt mang hình viên đạn. Khi giảng viên vào lớp, không một ai đứng dậy chào.

Tôi khi bước vào lớp, cử chỉ đầu tiên là đứng giữa bục cúi chào và cười thân thiện với học viên, nhưng không có sự đáp lại. Các giảng viên khác lờ đi. Tôi cũng từng lờ đi, nhưng đến lớp thứ 3 thì tôi buộc phải lên tiếng, rằng tôi hiểu các bạn bị áp bức đi học, nhưng hãy trút sự phẫn nộ sang kẻ áp bức, còn tôi chỉ là người đi làm nhiệm vụ và rất cần sự chào hỏi thân thiện!

Cuối cùng, điều đặt ra là bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên hay bồi dưỡng bằng tiền cho kẻ đứng trên đầu giáo viên? Tổng kết một đợt học, tổng thu 11 tỷ, chi cho giảng viên đứng lớp chỉ một tỷ. Ban đầu chủ trương giảng viên nào cũng có quyền lên lớp bất cứ nội dung nào của chương trình, vì như bài trước tôi đã viết, xét một cách nghiêm ngặt, đa số các nội dung chẳng thuộc chuyên ngành của ai. Nhưng sau đó, giảng viên được thanh lọc dần, không phải vì năng lực mà vì… quan hệ, vì… sự dễ dãi. Nghiêm túc như tôi và một số đồng nghiệp bị đào thải là phải đạo làm thầy trong cái thị trường giáo dục như vậy!

Một thứ chứng chỉ ai cũng dạy được và trường nào cũng in ra được, kể cả giá nào cũng được mà lại thành một tiêu chuẩn xếp hạng chức danh nghề nghiệp thì đó chỉ có thể là thứ nghề mạt hạng chứ không phải nghề giáo!

Tôi tham gia mới chỉ 5 lớp, 3 ở Bình Định và 2 ở vùng sâu vùng xa, và sau đó, nếu không bị loại thì tôi cũng kiên quyết từ chối tham gia. Ngoài đội ngũ quản lý đi học, còn lại là giáo viên nghèo, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, họ nghèo rớt mồng tơi. Lấy tiền của họ chỉ vì một cái chứng chỉ phân biệt, kỳ thị đẳng cấp gọi là “hạng”, khác nào vét nồi cơm người nghèo, có khốn nạn lắm không?

(Còn nữa)

ĐI DẠY 13 NĂM, TÔI CHƯA HIỂU CHỨNG CHỈ CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP ĐỂ LÀM GÌ

ĐINH HÙNG/ GDVN 14-3-2021

Câu chuyện yêu cầu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với giáo viên đã gây nhiều tâm tư cho giáo viên. Cô Lê Hương Lan, giáo viên tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi đi dạy đã hơn chục năm, vậy mà giờ còn phải đi học để lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì quá vô lý”.

Tương tự, thầy Nguyễn Ngọc Quang, giáo viên tại Đà Nẵng cho biết: “Tôi hiện đang là giáo viên hạng II. Theo quy định mới ban hành của Bộ, nếu muốn giữ hạng và hưởng bậc lương mới có hiệu lực từ ngày 20/3, tôi phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Không phải "thăng hạng", mà chỉ đơn thuần là "giữ hạng".

Gần đây, đồng nghiệp của tôi rủ nhau đăng ký một lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp tại một trường đại học. Một khóa học theo hình thức E-Learning gồm 5 buổi học với giá 2.500.000 đồng.

Nhiều đồng nghiệp “rỉ tai” tôi về việc trong 5 buổi học này chỉ cần có mặt điểm danh 1-2 buổi và nộp tiền đủ là chứng chỉ về tay”.

Cô Nguyễn Thu Hiền, giáo viên Trường Trung học cơ sở thị trấn Long Thành, Đồng Nai. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Thu Hiền, giáo viên Trường Trung học cơ sở thị trấn Long Thành, Đồng Nai đã nêu quan điểm thẳng thắn về vấn đề này.

Có bằng đại học ở ngạch giáo viên trung học cơ sở hạng II, cô Hiền cho biết là chưa đi học và cũng không có ý định đi học lớp bồi dưỡng để lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II, mặc dù có thể hệ số lương mới của cô sẽ thấp hơn do chưa có “giấy phép con” này.

“Tôi vào nghề và đi dạy đến nay đã tròn 13 năm, cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của giáo viên chúng tôi dùng để làm gì.

Vấn đề về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên đã có từ năm 2015 với các thông tư liên tịch số 20, 21, 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ, nhưng khi đó chỉ cần thiết đối với những giáo viên có nhu cầu thăng hạng cao hơn.

Vừa rồi, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra thông tư mới số 01, 02, 03 năm 2021 thì lại khác. Giáo viên ở hạng nào phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của hạng đó, nếu không muốn bị tụt hạng hoặc giữ mã ngạch cũ và hệ số lương cũ thấp hơn so với hệ số lương mới.

Do sợ bị ảnh hưởng đến công việc nên nhiều đồng nghiệp của tôi đã rủ nhau đi học các lớp bồi dưỡng để lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp ở một số trường trên địa bàn tỉnh”, cô Hiền chia sẻ.

Với thời gian học rất ngắn, cô Hiền cho biết rằng không giúp ích được gì cho việc bồi dưỡng chuyên môn của giáo viên:

“Đồng nghiệp của tôi có phản ánh lại rằng nếu đi học để bồi dưỡng về chuyên môn thì còn được, đằng này, kiến thức không liên quan gì đến chuyên môn hết.

Bản thân tôi nghĩ rằng, nếu nói là bồi dưỡng thì chỉ cần phát tài liệu cho giáo viên tự nghiên cứu ở nhà, nếu muốn kiểm tra đánh giá thì nhà nước tổ chức các lớp để giáo viên đăng ký trên tinh thần tự nguyện. Việc bỏ ra hơn 2 triệu để đi học một vài buổi, tiếp thu những kiến thức không liên quan đến chuyên môn như vậy theo tôi là quá lãng phí.

Việc học chứng chỉ này không phải nâng cao nghiệp vụ, mà học chỉ để cập nhật cho đủ chứng chỉ theo thông tư”, cô Hiền nhấn mạnh.

Học hay không học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là sự băn khoăn của hầu hết giáo viên lúc này. Bởi hơn ai hết, họ hiểu được giá trị thực của những chứng chỉ đó. Tuy nhiên, nếu không học thì liệu sẽ đi về đâu? Thế là giáo viên lại tiếp tục cuộc hành trình hoàn thiện những văn bằng, chứng chỉ mà không biết đến bao giờ mới dừng lại.

Theo cô Hiền, luật lệ đặt ra cũng phải dựa vào từ thực tiễn cuộc sống và phù hợp với từng chuyên ngành:

“Những người học ngành ngoài sư phạm, khi ra trường, họ làm nghề khác ngành học thì họ mới cần học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Ví dụ như học ngành triết học nhưng sau vào làm trong bảo tàng hay làm trong các khu di tích thì cần học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp liên quan đến bảo tàng, các khu di tích. Chúng tôi học sư phạm, ra trường là giáo viên đi dạy mà lại còn phải cần học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp à”, cô Hiền nhấn mạnh.

Cô Hiền cho rằng, với những sự bất cập trên, bên cạnh Luật Viên chức, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có một luật riêng cho giáo viên giống như với công an và bộ đội.

“Tôi cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên bỏ hẳn chứng chỉ chức danh nghề nghiệp vì nó gây tốn kém công sức và tiền bạc của giáo viên.

Để làm được điều đó, với những đặc thù riêng, viên chức ngành sư phạm không thể đánh đồng với viên chức những ngành khác trong khối sự nghiệp công lập được. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đề xuất có luật chuyên ngành cho giáo viên giống như với công an và bộ đội”.

Đình Hùng
BỘ HƯỚNG DẪN NƯỚC ĐÔI, NỖI LO CHỨNG CHỈ HẠNG III VẪN LỦNG LẲNG TRÊN ĐẦU THẦY CÔ
NGUYỄN NGUYÊN/ GDVN 14-3-2021

Suốt hơn 1 tháng qua, kể từ ngày 02/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non đến trung học phổ thông công lập thì nó đã trở thành tâm điểm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nhiều giáo viên lo lắng về chuyện giữ hạng, xuống hạng, chuyện xếp lương tới đây và cả chuyện học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Ngày 12/3/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD, về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập đã giúp cho giáo viên hiểu rõ hơn về việc áp dụng các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT.

Tuy nhiên, đọc toàn bộ văn bản, chúng tôi cảm thấy văn bản này hướng dẫn có phần...nước đôi, chưa rõ ràng, có chỗ còn mâu thuẫn về yêu cầu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Đọc Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD, giáo viên vẫn...băn khoăn (Ảnh: Báo Vietnamnet)

Phải nói thẳng ra rằng Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD ra đời trong một thời điểm rất đặc biệt. Chúng tôi dùng từ “đặc biệt” bởi vì trong vòng 40 ngày qua- kể từ khi các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT được ban hành đã tạo ra một luồng tranh luận lớn trong đội ngũ giáo giới.

Có nhiều tiêu chí để xếp hạng khó hơn trước đây, có nhiều giáo viên đã được bổ nhiệm hạng I, hạng II thì bây giờ theo hướng dẫn của các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT thì họ lại không đủ điều kiện để giữ hạng.

Hàng trăm bài viết phân tích, phản ánh về những băn khoăn, bất cập về các Thông tư này khiến cho đội ngũ nhà giáo trên cả nước rối bời.

Và, họ chờ đợi một văn bản hướng dẫn thực hiện chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo để trả lời những thắc mắc của giáo viên…

Vì thế, ngày 12/3/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD, về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Nhưng, đọc Công văn này thì chúng tôi nhận thấy mọi thứ vẫn còn rất rối và có thể là do áp lực dư luận quá lớn nên có chỗ hướng dẫn của Bộ chưa dám dùng từ khẳng định.

Chẳng hạn: “Yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III áp dụng đối với:

i) giáo viên mầm non, tiểu học được tuyển dụng sau ngày Thông tư 01,02 có hiệu lực thi hành và giáo viên mầm non hạng III cũ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III mới, giáo viên tiểu học hạng III cũ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III mới; ii) giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông được tuyển dụng sau ngày Thông tư 03,04 có hiệu lực thi hành.

Những trường hợp không thuộc đối tượng nêu trên thì chưa yêu cầu bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III theo quy định”.

Với hướng dẫn như thế này, thì giáo viên ngầm hiểu là chỉ có: “giáo viên mầm non hạng III cũ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III mới, giáo viên tiểu học hạng III cũ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III mới” và những giáo viên được tuyển dụng sau ngày 20/3/2021 thì bắt buộc phải học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng III.

Những giáo viên còn lại được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệphạng III thì “chưa yêu cầu bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III”.

Như vậy, Bộ dùng từ “chưa” chứ không phải là từ “không”. Ở chỗ này, chúng tôi ngờ rằng có thể Bộ đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận nên mới dùng từ “chưa” và biết đâu khi dư luận lắng xuống thì Bộ sẽ yêu cầu “phải bổ sung” thì sao?

Bởi, thực tế thì tại điểm b, mục 3, Điều 3 của các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn các tiêu chí của giáo viên hạng III, trong đó yêu cầu:

Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III (đối với giáo viên mới được tuyển dụng vào giáo viên hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng)”.

Tại mục 2.d, Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD, về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập cũng hướng dẫn như sau:

“Trường hợp giáo viên mầm non, phổ thông công lập đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng cao hơn hạng hiện giữ thì sẽ được sử dụng trong việc thăng hạng sau này.

Đồng thời cần bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng hiện giữ (nếu còn thiếu) để được bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định mới.

Ví dụ: giáo viên trung học cơ sở hạng II chưa có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II nhưng đã có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I, thì phải bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II để bảo đảm đủ điều kiện theo quy định;

Còn chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I giáo viên đã có sẽ được sử dụng để đăng kí dự thi/xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I”.

Với ví dụ như vậy thì ai cũng hiểu giáo viên đã được bổ nhiệm hạng II, có chứng chỉ hạng II nhưng theo Thông tư mới thì được bổ nhiệm giáo viên hạng III thì phải bổ sung chứng chỉ hạng III. Nhưng, Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD đã "né" từ "phải" thành từ "chưa" mà thôi.

Rõ ràng, đọc điểm b, mục 3, Điều 3 của các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT và Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 12/3 của Cục Nhà giáo và Quản lý cán bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì tất cả giáo viên đều phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Thậm chí không chỉ 1 mà có thể là 2, 3 chứng chỉ cho mỗi hạng tương ứng. Bởi, mỗi hạng đều có một loại chứng chỉ tương ứng với chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm.

Cho dù, phần đầu Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD nói rằng: “Những trường hợp không thuộc đối tượng nêu trên thì chưa yêu cầu bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III theo quy định” nhưng phần cuối Công văn lại hướng dẫn: “cần bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng hiện giữ (nếu còn thiếu) để được bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định mới”.

Chỉ cần nhìn vào ví dụ mà Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD minh họa và cụm từ “chưa yêu cầu bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III” cũng đủ cho giáo viên hạng III liên tưởng đến chứng chỉ mà mình phải bồi dưỡng.

Còn đối với giáo viên hạng II, hạng I thì đương nhiên các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT và Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD đã quy định cụ thể, rõ ràng về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp rồi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN NGUYÊN
GIÁO VIÊN HẠNG I, II CÓ LÀM NHIỀU HƠN, HIỆU QUẢ HƠN ĐỒNG NGHIỆP HẠNG III ?
LÊ MAI/ GDVN 14-3-2021

Việc phân hạng giáo viên đã có từ Thông tư 20,21,22,23/TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập.

Phân hạng giáo viên từ đó đã nhận được sự không hài lòng của giáo viên, chứ không phải chờ đến loạt thông tư mới 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT ra đời, có hiệu lực từ 20/3/2021.

Với mỗi cấp học trong hệ thống giáo dục nước ta đều có một định mức lao động riêng cho giáo viên. Thế nhưng có một điều giống nhau là trong mỗi bậc học, định mức của giáo viên là như nhau.

Lấy ví dụ với bậc Trung học cơ sở;

- Định mức giáo viên dạy: 19 tiết/tuần

- Giáo viên trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú, trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật: 17 tiết/tuần.

- Giáo viên kiêm nhiệm tổng phụ trách đội:

Trường hạng I: 2 tiết/tuần;

Trường hạng II: 1/3 định mức tiết dạy khi không kiêm nhiệm;

Trường hạng III: 1/2 định mức tiết dạy khi không kiêm nhiệm.

- Hiệu trưởng: Định mức tiết dạy/năm = 2 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

- Phó hiệu trưởng: Định mức tiết dạy/năm = 4 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

Làm cùng một định mức công việc, sao lại phân hạng giáo viên để trả lương? (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)

Làm cùng một định mức công việc, sao lại phân hạng giáo viên để trả lương?

Như vậy, giáo viên hạng nào cũng phải làm khối lượng công việc như nhau, không có chuyện giáo viên hạng III làm ít công việc hơn giáo viên hạng II, hạng I.

Thực tế, với người cùng thời gian công tác, cùng đạt chuẩn đào tạo, lương (thu nhập) của người giáo viên hạng cao hơn sẽ lớn hơn lương (thu nhập) của giáo viên hạng thấp hơn.

Hay nói cách khác, lương (thu nhập) tỷ lệ thuận với hạng giáo viên dù cùng làm một khối lượng công việc như nhau, cùng thời gian vào nghề như nhau, điều này quả thật vô lý.

Việc trả lương theo hạng, theo bậc lương hiện nay rõ ràng không công bằng (riêng thâm niên là công bằng, vì ai rồi cũng già, cũng được hưởng thâm niên).

Có phải giáo viên hạng cao hơn có chất lượng công việc tốt hơn giáo viên hạng thấp?

Nghề thợ xây có thể thấy rõ người này xây nhiều hơn, nhanh hơn, chất lượng hơn người khác; với nghề giáo, việc đánh giá chất lượng giảng dạy khó có thể nhìn thấy ngay như thế.

Để xây nhanh hơn, chính xác hơn, người thợ xây phải trải qua quá trình làm việc, chuẩn hóa tay nghề cho chính mình mình, được bạn nghề cùng giám sát, đánh giá.

Vì thế, khi trả công cho mỗi người, thầu xây dựng đều công khai, ai cũng biết, nhưng chấp nhận vì làm tốt hơn, lương cao hơn là điều tất yếu.

Để lên hạng cao hơn, giáo viên có thể chỉ cần học đại học từ xa, đại học tại chức, học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; tất cả các loại bằng cấp, chứng chỉ đó đều “chạy” được, mua được, bằng thật học giả; đã hình thành nên “chợ” bằng cấp, chứng chỉ.

Vì vậy, hạng giáo viên không phân loại rõ chất lượng lao động, đặc biệt là giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Thực tế mà người viết trải qua gần 40 năm trong nghề, không thể nói giáo viên hạng cao hơn dạy chất lượng hơn giáo viên hạng thấp hơn.

Vì vậy, làm cùng một định mức công việc, phân hạng giáo viên để trả lương là không công bằng với giáo viên.

Trả lương theo vị trí việc làm, mong rằng sẽ đảm bảo công bằng?

Với trường học, viên chức có ba vị trí việc làm là nhân viên, giáo viên và lãnh đạo. Như vậy sẽ có ba bảng lương trong trường học.

Vậy có phải giáo viên nào cũng có lương như nhau, không phân biệt trẻ hay già, hạng cao hay thấp, thâm niên nhiều hay ít? Nếu thế, giáo viên không nên vội vàng “đầu tư lên hạng” vào giai đoạn này.

Trong cơ cấu tiền lương của viên chức, có 10% tiền thưởng. Mong rằng 10% tiền thưởng sẽ là động lực để giáo viên cống hiến vì công việc.

Vấn đề đặt ra, việc xét thưởng như thế nào, đánh giá ra sao để cho chính xác, nếu không những con số báo cáo đẹp lại đưa bệnh thành tích giáo dục càng thêm trầm trọng hơn.

Vì thế, cần có bộ tiêu chí đánh giá chất lượng giảng dạy thật tỉ mỉ, chính xác, khách quan, công bằng để việc xét thưởng chính xác, tránh lợi ích nhóm, phe phái trong trường học.

Để tận dụng được kinh nghiệm của giáo viên, thiết nghĩ cần duy trì chế độ thâm niên cho nhà giáo, đây có thể coi như tiền “trung thành” với nghề nghiệp của người thầy, cũng đảm bảo công bằng cho mọi người, vì ai rồi cũng có thâm niên.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét