Chủ Nhật, 14 tháng 3, 2021

20210315. ĐƯA TIẾNG HÀN VÀO NHÓM 'NGOẠI NGỮ 1' ?

 ĐIỂM BÁO MẠNG

THÍ ĐIỂM ĐƯA TIẾNG HÀN THÀNH NGOẠI NGỮ 1 LÀ VIỆC LÀM VỘI VÀNG

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 7-3-2021

Không ít ý kiến cho rằng Việt Nam chưa có (hay không có?) “Triết lý giáo dục”, người viết tuyệt không phản đối dù biết một số cây đa cây đề đã nhiều lần đăng đàn giới thiệu “Triết lý giáo dục Việt Nam”.

Lại có một số ý kiến cho rằng Việt Nam không có “Chiến lược giáo dục”, về những ý kiến này, người viết “cực lực” phản đối.

Bởi chỉ cần tìm hiểu đôi chút, có thể thấy “Chiến lược giáo dục” của xuyên suốt mấy chục năm qua của giáo dục Việt Nam là “Thí điểm, thí điểm và… thí điểm”.

Xin nêu ba dẫn chứng:

Thứ nhất, nền giáo dục Việt Nam từng tồn tại một cuộc “Trường kỳ thí điểm” kéo dài hơn 40 năm, đó là thí điểm dạy học sinh theo sách giáo khoa Công nghệ Giáo dục.

Cuối năm 2018, trước khi nổ ra câu chuyện “Tranh cãi gay gắt khi đối thoại về sách giáo khoa công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại” giữa các vị biên soạn bộ sách và thành viên Hội đồng thẩm định sách giáo khoa, báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam (Vov.vn) đã đánh giá:

“Sách công nghệ giáo dục thí điểm 40 năm vẫn chưa là sách giáo khoa chính thức”. [1]

Cho đến nay, đây là lần “thí điểm” dài nhất lịch sử giáo dục Việt Nam.

Thứ hai, thí điểm “Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN)”

Báo Nhandan.com.vn, Cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bài “Thấy gì về thực hiện thí điểm mô hình trường học mới VNEN ở Nghệ An” viết:

“Nghệ An là một trong 20 tỉnh, thành phố trong cả nước được chọn thí điểm thực hiện dự án mô hình trường học mới VNEN. Thế nhưng, sau bốn năm triển khai, mô hình này đã bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập”. [2]

Một bài báo khác dẫn giải chi tiết hơn:

“Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) được ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai trong giai đoạn 2013 - 2016 tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc với 1447 trường Tiểu học tham gia, trong đó 54 tỉnh, thành phố triển khai nhân rộng áp dụng Mô hình trường học mới tại 2365 trường tiểu học và hơn 1000 trường trung học cơ sở”. [3]

Đây là cuộc “thí điểm” có quy mô lớn nhất Việt Nam (về đơn vị hành chính) bởi được thực hiện (theo bài báo nêu trên) tại 63 tỉnh, thành phố.

Thứ ba, cuộc “thí điểm” thứ ba là thí điểm phân ban giáo dục phổ thông, bắt đầu từ năm học 2003 – 2004 với khoảng 50 trường thuộc 11 tỉnh, thành phố, theo đó ngành Giáo dục quy định có 02 ban: Ban A (Ban khoa học tự nhiên) và Ban C (Ban khoa học xã hội), đến năm học 2006 – 2007 thì thêm Ban B (Ban cơ bản).

Dư luận trong nước đánh giá: “Từ năm 2014, đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng đã bỏ phần nâng cao - được coi là dấu chấm hết cho chương trình phân ban trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thất bại của chương trình này gây nên sự lãng phí rất lớn về sức người, sức của”. [4]

Sự chú ý của dư luận về cuộc “thí điểm” thứ ba này không tập trung vào “không gian và thời gian” mà liên quan đến “sự lãng phí rất lớn về sức người, sức của”.

Nếu kể về “lãng phí” thì còn phải nói đến “Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 thất bại, vì đâu?” [5] nhưng đây không phải là “thí điểm” nên không liệt kê.

Chỉ ba cuộc “thí điểm” nêu trên đã bao quát toàn bộ mọi hoạt động của nền giáo dục nước nhà, từ không gian, thời gian đến nhân, tài, vật lực, từ đứa trẻ mới học đánh vần đến các giáo sư nổi tiếng, từ nhà giáo mầm non đến các Bộ, Thứ trưởng,…

Khoảng thời gian được chính thức thừa nhận (trong các văn bản ngành và truyền thông) của các loại “thí điểm” mà ngành Giáo dục áp dụng, tính cho đến nay tối thiểu cũng là 40 năm.

Trong thế kỷ 20, để chiến thắng các đạo quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới bảo vệ độc lập cho tổ quốc, tự do cho dân tộc, người Việt đã phải tiến hành cuộc kháng chiến kéo dài cũng khoảng 40 năm. Trong đó:

Kháng chiến chống pháp kéo dài 9 năm (1945 – 1954);

Kháng chiến chống Mỹ kéo dài 21 năm (1954 – 1975);

Cuộc chiến chống bọn diệt chủng Khmer Đỏ và quân Trung Quốc xâm lược tại biên giới phía Tây Nam và phía Bắc kéo dài khoảng 10 năm (1979 – 1989).

Người Việt đã chiến thắng trong mọi cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc nhưng có phải cũng chiến thắng trong trận chiến giáo dục?

Người Việt có câu “Quá tam ba bận” lẽ ra chỉ nên đưa ra dẫn chứng về ba lần thí điểm (dù còn khá nhiều “thí điểm” khác có thể đề cập) xong mấy hôm nay lại thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa thêm một “Thí điểm” nữa nên đành phải viết thêm đôi dòng.

Ngày 09/02/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT về “Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn, tiếng Đức hệ 10 năm thí điểm”. Chương trình thực hiện giảng dạy cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 12.

Hiện nay học sinh khối phổ thông bắt buộc phải học một ngoại ngữ (gọi là Ngoại ngữ 1) và được tự chọn thêm ít nhất một ngoại ngữ khác (gọi là Ngoại ngữ 2) theo nguyện vọng cá nhân và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục.

(Ảnh minh hoạ: Vieclamhanquoc.vn)

Tính gộp lại hiện có 07 ngoại ngữ được chọn làm ngoại ngữ 1 bao gồm Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn, Tiếng Đức.

Câu hỏi đặt ra là dựa vào tiêu chí nào Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn đưa tiếng Hàn (tiếng Triều Tiên) thành ngoại ngữ 1?

Câu trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo là:

“Môn tiếng Hàn đem đến cho học sinh một ngoại ngữ mới, một công cụ cho các em có thể giao tiếp, trao đổi thông tin với người Hàn, tìm hiểu về đất nước Hàn Quốc, so sánh với Việt Nam, góp phần tăng cường quan hệ hiểu biết giữa hai dân tộc, phát triển phẩm chất và năng lực cá nhân, hình thành ý thức công dân toàn cầu…”.

Vì những người chắp bút đã nói đến tác dụng của tiếng Hàn là “phát triển phẩm chất và năng lực cá nhân, hình thành ý thức công dân toàn cầu” nên không thể không tìm hiểu đôi chút về các ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới.

Theo một nghiên cứu được đăng trên The Washington Post, các ngôn ngữ được sử dụng làm ngôn ngữ chính thống nhiều nhất thế giới lần lượt là tiếng Trung Quốc khoàng 1,4 tỷ người, tiếng Hin-ddi và Urdu (Ấn Độ) khoảng 588 triệu người, tiếng Anh khoảng 527 triệu người, tiếng Arabic khoảng 467 triệu người, tiếng Tây Ban Nha khoảng 389 triệu, tiếng Nga khoảng 254 triệu người, tiếng Bengali khoảng 250 triệu người, tiếng Indonesia (Malay) khoảng 230 triệu người,…

Dân số cả hai miền Triều Tiên vào khoảng 80 triệu người (riêng bắc Triều Tiên có gần 26 triệu người), dân số Việt Nam là gần 100 triệu người.

Trong số các ngôn ngữ được học nhiều nhất thế giới thì tiếng Anh khoảng 1,5 tỷ người, tiếng Pháp - 82 triệu, tiếng Trung - 30 triệu, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Đức đều khoảng 14,5 triệu người, tiếng Nhật là 3 triệu, không thấy thống kê tiếng Hàn.

Như vậy với ý tưởng “phát triển phẩm chất và năng lực cá nhân, hình thành ý thức công dân toàn cầu” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra thì chọn ngôn ngữ nào thêm vào các “ngoại ngữ 1” không phải chỉ dựa vào ý kiến chủ quan của một số chuyên viên cơ quan bộ.

Ấn Độ có hơn 1 tỷ dân, các nước Mỹ La tinh phần lớn nói tiếng Tây Ban Nha, trừ Brazil nói tiếng Bồ Đào Nha.

Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ đối tác chiến lược, với thị trường hơn một tỷ dân, với quan hệ rất tốt đẹp về kinh tế, ngoại giao, quốc phòng,… vì sao không chọn tiếng Ấn Độ (hoặc tiếng Tây Ban Nha) mà lại chọn tiếng Hàn?

Phải chăng vì số doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam khá đông và số cô dâu Việt tại Hàn Quốc hiện nay chiếm tỷ lệ cao nhất trong số cô dâu ngoại (Theo số liệu của Văn phòng Di trú Hàn Quốc, hiện có khoảng 152.000 cặp vợ chồng Việt - Hàn tại nước này”. [6]

Nhìn từ bất kỳ góc độ nào, việc đưa thêm tiếng Hàn thành ngoại ngữ 1, dù chỉ là “thí điểm” cũng là một việc làm vội vàng.

Vấn đề là Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện “thí điểm” trong bao nhiêu lâu hay sẽ lại là một cuộc “trường kỳ thí điểm” không có điểm dừng?

Người Việt có câu “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, lại còn câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, sử dụng thành thạo tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha có thể nói chuyện với hầu hết dân chúng châu Âu, châu Mỹ, biết tiếng Hàn giao tiếp được với bao nhiêu triệu người?

Trước khi “thí điểm”, tiến hành thăm dò ý kiến các nhà khoa học, dư luận truyền thông, thu thập thêm tỷ lệ lựa chọn của học sinh đối với tiếng Hàn rồi hãy ban hành quyết định, điều tưởng chừng đơn giản như vậy sao lại không được thực hiện?

Quyết định đã ban hành rồi, chẳng lẽ “cứ để vậy xem sao”?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/sach-cong-nghe-giao-duc-thi-diem-40-nam-van-chua-la-sgk-chinh-thuc-806649.vov

[2] https://nhandan.com.vn/tin-tuc-giao-duc/thay-gi-ve-thuc-hien-thi-diem-mo-hinh-truong-hoc-moi-vnen-o-nghe-an-273555/

[3] http://daibieunhandan.dienbien.gov.vn/Article/3325/NGANH-GIAO-DUC-VA-DAO-TAO-CAN-TONG-KET-TRIEN-KHAI-MO-HINH-TRUONG-HOC-MOI-VNEN.html

[4] https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/lang-phi-chuong-trinh-phan-ban-2014120222204462.htm

[5] https://baoquocte.vn/de-an-ngoai-ngu-quoc-gia-2020-that-bai-vi-dau-39673.html

[6] https://thanhnien.vn/doi-song/co-dau-viet-tai-han-quoc-ngay-cang-nhieu-901490.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Xuân Dương

KÉO DÀI DANH SÁCH NGOẠI NGỮ LÀ KÉO DÀI TÂM THẾ LỆ THUỘC

NGUYỄN NGỌC CHU/ TD/ BVN 8-3-2021

1. Một nghề cho kín

Học ngoại ngữ là nhu cầu tất yếu. Nó càng trở nên tối cần thiết trong thời đại kết nối toàn cầu tức thì như hiện nay. Trong hoàn cảnh phải ganh đua quốc tế ngày càng gay gắt, mà học sinh phổ thông các nước lại giỏi ngoại ngữ hơn học sinh Việt Nam, thì việc thúc đẩy học sinh Việt Nam học ngoại ngữ là điều phải làm.

Nhìn vào thực tế trên toàn thế giới thì ngoại ngữ nào là cần thiết áp đảo? – tiếng Anh. Chỉ cần thật giỏi tiếng Anh là có thể làm việc ở mọi quốc gia – dù đó là Nhật Bản và Hàn Quốc dùng chữ tượng hình ở bán cầu Đông, hay đó là Brasil nói tiếng Bồ Đào Nha và Chile nói tiếng Tây Ban Nha ở bán cầu Tây.

Hiển nhiên, biết nhiều ngoại ngữ cũng là một ưu thế. Có người giỏi 5-7 ngoại ngữ. Nhưng đó là sự lựa chọn thứ hai. Đừng bao giờ quên lời dạy của cha ông: “một nghề không kín, chín nghề không xong” và “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Với học sinh phổ thông Việt Nam, đang thua xa học sinh Philippines và Singapore về tiếng Anh, thì hãy lấy tiếng Anh làm mục tiêu số 1. Không cần phải gắn tên là ngôn ngữ chính thức thứ hai, nhưng là ngoại ngữ số 1 của học sinh Việt Nam. Đấy mới là cách đi đúng.

2. Vẽ thêm dự án tốn kém

Đưa một môn ngoại ngữ vào nhóm bắt buộc lựa chọn số 1 kéo theo vô vàn tốn kém. Chương trình giảng dạy không phải là quan trọng nhất, mà cung cấp và chu cấp giáo viên mới là vấn đề đau đầu. Sau đó là sách giáo khoa.

Phải có đủ giáo viên và sách giáo khoa cho mọi trường trên toàn quốc. Trong khi số lượng học sinh tự chọn thì đếm trên đầu ngón tay. Có trường không có học sinh. Giáo viên làm gì? Tiếng Nga đã một thời áp đảo trong chương trình phổ thông Việt Nam, nhưng nay không có mấy học sinh lựa chọn. Bài học chưa đủ rõ chăng?

Và trong thời kỳ mà lợi ích nhóm rộ lên nhiều hơn nấm sau mưa, thì cũng không thừa nếu đặt câu hỏi, rằng liệu có hay không ai đó đã loby để tiếng Hàn trở thành ngoại ngữ số 1 trong chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam? Và có ai được hưởng lợi từ dự án này không?

3. Kéo dài tâm thế lệ thuộc

Cứ nước nào đến đầu tư nhiều ở Việt Nam thì phải đưa tiếng nước họ vào chương trình phổ thông trên toàn quốc ư? Nếu Ả Rập xê út đến đầu tư nhiều hơn nữa ở Việt Nam, nếu Israel mở rộng quan hệ hơn nữa với Việt Nam, rồi thì chúng ta sẽ đưa tiếng nước họ vào chương trình giảng dạy bắt buộc ở phổ thông ư? Danh sách ngoại ngữ 1 sẽ kéo dài thêm những nước nào?

Một thực tế, đưa tiếng nước nào vào danh sách ngoại ngữ 1 đã làm đau đầu không chỉ 1 người có trách nhiệm. Ngoại trừ tiếng Anh nhận được sự đồng nhất về nhiều tiêu chí. Còn lại đưa tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc… đều dính líu đến quan hệ và e ngại.

Danh sách ngoại ngữ 1 trong chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam sẽ không chấm dứt chừng nào tâm thế lệ thuộc còn tồn tại trong suy nghĩ của những người đứng đầu ngành giáo dục. Tại thời điểm hiện tai, danh sách ngoại ngữ 1 bao gồm: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật, tiếng Đức và tiếng Hàn.

4. Đề xuất

Chỉ tập trung cho tiếng Anh trong chương trình giáo dục phổ thông, ở mọi trường học. Các ngoại ngữ khác là lựa chọn thêm, học ở các TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ, HỌC TRỰC TUYẾN.

5. Xóa bỏ tâm thế lệ thuộc

Các nước ở Bắc Âu, có diện tích gần tương đương nhưng có dân số ít hơn Việt Nam trong khoảng từ 10-20 lần, lại nằm cạnh các nước lớn là lò lửa chiến tranh trong nhiều thế kỷ, nhưng chẳng bao giờ gọi nước nào là anh cả, anh hai. Họ rộng mở chào đón các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài, nhưng cũng không bao giờ “lót ổ cho đại bàng” mà tự đưa mình vào vị thế “chim sẻ”. Học sinh phổ thông của họ biết ngoại ngữ giỏi hơn học sinh phổ thông Việt Nam, nhưng không có danh sách ngoại ngữ 1 dài dằng dặc như ở Việt Nam.

Muốn độc lập, hùng cường, thì cần phải xoá bỏ tâm thế lệ thuộc. Xoá bỏ tâm thế lệ thuộc phải bắt đầu trong suy nghĩ của lãnh đạo. Xoá bỏ được suy nghĩ lệ thuộc thì hành động sẽ không lệ thuộc. Như đã có một thời “muốn đánh Mỹ, thì đừng sợ Liên Xô, Trung Quốc”.

Xoá bỏ tâm thế lệ thuộc phải bắt đầu trong giáo dục. Để xoá bỏ tâm thế lệ thuộc trong giáo dục thì phải xoá bỏ tâm thế lệ thuộc trong lãnh đạo ngành giáo dục, và trong suy nghĩ của các giáo viên. Có thế, học sinh mới không bị gieo rắc tâm thế lệ thuộc.

Việt Nam rất cần một vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xứng tầm.

Không có mô tả ảnh.

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

BỘ GIÁO DỤC THÊM LỰA CHỌN TIẾNG HÀN LÀ ĐÚNG, SAO PHẢI LO LẮNG
ĐINH HÙNG/ GDVN 12-3-2021

Câu chuyện Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố thí điểm dạy tiếng Hàn là ngoại ngữ 1 cho học sinh từ lớp 3 đã thu hút nhiều sự chú ý quan tâm của dư luận

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Lê Huy Khoa, Hiệu trưởng trường Hàn ngữ Việt-Hàn Katana, Trợ lý ngôn ngữ của huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam Park Hang Seo về vấn đề này.

Thạc sĩ Lê Huy Khoa cho rằng, việc đưa thêm tiếng Hàn thành “ngoại ngữ 1” là hợp lý nếu nhìn ở phương diện tính cần thiết. Việc học một ngoại ngữ cũng như trang bị một công cụ để làm việc.

Thạc sĩ Lê Huy Khoa, Hiệu trưởng trường Hàn ngữ Việt - Hàn Katana, trợ lý ngôn ngữ của huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam Park Hang Seo. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Đại đa số người Việt học tiếng Hàn đều có một trong các mục đích như sau: đi làm ở công ty Hàn Quốc, du học Hàn Quốc, làm ăn với Hàn Quốc, định cư, lao động tại Hàn Quốc,…

Hàn Quốc là đối tác chiến lược của Việt Nam. Hàn Quốc đang là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, với khoảng 9000 doanh nghiệp đang đầu tư, 200 ngàn người dân Hàn Quốc đang sinh sống tại Việt Nam. Hàn Quốc là đối tác thương mại rất lớn của Việt Nam. Hàn Quốc là nền kinh tế thứ 11 trên thế giới, có rất nhiều điểm tương đồng giữa Việt Nam và Hàn Quốc về văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ cũng có nhiều điểm tương đồng vì có nhiều âm Hán Việt, việc học tiếng Hàn cũng có nhiều thuận lợi.

Bên cạnh đó, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có thí điểm hay không thì sự thật là nhu cầu học tiếng Hàn vẫn tồn tại từ lâu.

Chúng ta có 28 trường đại học đang đào tạo khoảng gần 1600 ngàn sinh viên chuyên ngành tiếng Hàn, chưa kể hàng trăm trung tâm tiếng Hàn đang đào tạo hàng chục ngàn người học tiếng Hàn, hàng chục ngàn du học sinh Việt Nam mỗi năm sang Hàn Quốc du học. Số khách du lịch Hàn Quốc sang Việt Nam ngày càng đông… Chỉ nói thế để biết rằng nhu cầu học tiếng Hàn của người dân Việt Nam là có thật”, Thạc sĩ Lê Huy Khoa nhấn mạnh.

Trước băn khoăn về việc nếu lựa chọn ngôn ngữ nào làm “ngoại ngữ 1” thì nên căn cứ vào tỉ lệ dân số thế giới sử dụng ngôn ngữ đó, Thạc sĩ Lê Huy Khoa cho rằng điều này đúng nhưng không đủ:

“Nếu cho rằng chỉ học ngôn ngữ nào có số người sử dụng đông chúng ta mới học thì chỉ đúng một phần hoặc điều này đúng nhưng không đủ. Học ngoại ngữ có hai định hướng, cho tương lai và cho nhu cầu thực tế hiện tại. Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, nói gì thì cũng sẽ phải học. Còn nếu chúng ta xác định học một ngôn ngữ là để phục vụ cho công việc, công việc cần công cụ nào thì chúng ta trang bị công cụ ấy thì tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc đáp ứng được tiêu chí này”.

Hàn Quốc hiện đang là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Sang năm chúng ta sẽ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Hàn. Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2009. Với tất cả những điều đó, việc học tiếng Hàn sẽ giúp cho người học trang bị được công cụ để giải quyết vấn đề việc làm, để nghiên cứu,học tập…

Có ý kiến cho rằng, trước đây thí điểm tiếng Nga cũng thất bại rồi, giờ lại tiếng Hàn nữa, liệu có đi vào vết xe đổ như tiếng Nga không? Về điều này, Thạc sĩ Lê Huy Khoa khẳng định chọn tiếng Hàn vào “ngoại ngữ 1” là đúng, tuy nhiên còn phải xem cách làm như thế nào thì mới thành công được:

“Tại sao thất bại? Có rất nhiều nguyên nhân: mục tiêu quá đồ sộ, quá xa vời, thiếu thực tế, khâu chuẩn bị và đào tạo giáo viên thiếu, không chuẩn bị đầy đủ giáo trình, giáo án, nhu cầu không có,…

Để tránh thất bại chúng ta cần phải điều tra kỹ, tham vấn nhiều nguồn để xác định những nội dung trên và phải chuẩn bị. Tôi đã đọc đề án của Bộ. Tôi cho rằng còn nhiều việc để phải làm: lấy nguồn giáo viên đâu ra, tiêu chí giảng dạy là gì? Giáo trình đã phát triển xong chưa, đã thí điểm dạy giáo trình đó hay chưa? Phương thức giảng dạy nào ? Thực hiện theo mô hình xã hội hóa như tiếng Anh hay không?

Khi nhu cầu là có thật thì vấn đề bây giờ của tiếng Hàn không phải là chỉ định hay không chỉ định, mà là xây dựng kế hoạch làm thế nào để thực hiện cho tốt thì tôi vẫn chưa thấy kế hoạch này. Một điều nữa là cần phải điều tiết cung và cầu cho hợp lý, tập trung vào chất lượng thay vì số lượng, thậm chí tránh tình trạng người Việt học tiếng Hàn quá nhiều, gây lãng phí thời gian và công sức, học theo tâm lý đám đông, thiếu định hướng.

Bộ bây giờ mới thí điểm tiếng Hàn làm “ngoại ngữ 1” học ở phổ thông, còn tôi thì lại đang lo là 16000 sinh viên chuyên ngành tiếng Hàn học ở các trường đại học hiện nay thì chất lượng đã đáp ứng yêu cầu chưa”.

Để giúp cho việc học tiếng Hàn thu được kết quả tốt cũng như góp phần định hướng nghề nghiệp trong tương lai, Thạc sĩ Lê Huy Khoa đưa ra một số lời khuyên cho phụ huynh và học sinh:

“Thứ nhất, xin khẳng định rằng đây chỉ là mở rộng sự lựa chọn phạm vi, không phải là bắt buộc, vì thế phụ huynh cũng không cần phải lo lắng.

Thứ hai, tôi cho rằng hãy nhìn thoáng ra một chút, sử dụng được thêm một ngoại ngữ cũng như trang bị thêm một phương tiện đi lại cho cuộc sống hằng ngày, có thêm công cụ chỉ tốt thêm, chứ không có gì xấu đi cả. Tôi vẫn cho rằng học thêm một ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời, 60% học sinh học tiếng Hàn ở trung tâm của tôi đều đã biết tiếng Anh, hoặc đã biết ngôn ngữ khác.

Thứ ba, các bậc cha mẹ cần tham vấn chính xác cho các cháu học ngoại ngữ: sau khi có thêm tiếng Hàn là “ngoại ngữ 1”, các học sinh có thể sẽ chọn tiếng Hàn để học theo cảm hứng, ngẫu hứng, chính vì vậy, các bậc cha mẹ cần định hướng cho các con là nên học ngoại ngữ gì, ví dụ không thể học ngoại ngữ chỉ vì thích "oppa" hay phim Hàn Quốc.

Thứ tư, nếu Việt Nam muốn toàn cầu hóa thì có lẽ chúng ta phải giỏi hai ngôn ngữ, tiếng Anh là cơ bản, và có thể là một ngôn ngữ châu Á khác, các nước khác trong châu Á cũng đang làm điều này, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.

Thứ năm, không nên cho rằng học tiếng Hàn thì không học tiếng Anh và ngược lại, sẽ đến lúc chúng ta cần sử dụng 2-3 ngôn ngữ, các ngôn ngữ này không loại trừ nhau, mỗi ngôn ngữ sẽ mang lại cho chúng ta các cơ hội khác nhau”.

Đình Hùng
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
THÍ ĐIỂM TIẾNG HÀN LÀ NGOẠI NGỮ 1, TÔI CHẮC SẼ KHÔNG THẤT BẠI
ĐINH HÙNG/ GDVN 14-3-2021

Trước việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thí điểm môn tiếng Hàn là “ngoại ngữ 1” trong Chương trình Giáo dục phổ thông, Phó giáo sư. Tiến sĩ Ngô Minh Thủy, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục (CLEF), nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng hợp lý, phù hợp với nhu cầu của xã hội và đúng với tinh thần của Luật giáo dục.

Phó giáo sư. Tiến sĩ Ngô Minh Thủy, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục (CLEF), nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Luật Giáo dục của ta nhấn mạnh việc tạo điều kiện để người dân học các ngoại ngữ mà xã hội và người dân có nhu cầu.

Chương trình giáo dục phổ thông mới nhất của nước ta được Quốc hội thông qua và Chính phủ (Bộ Giáo dục và Đào tạo) ban hành năm 2018 nêu rõ môn ngoại ngữ 1 được học trong 10 năm, từ năm lớp 3 của tiểu học, và môn ngoại ngữ 1 này có thể là tiếng Anh hoặc một ngoại ngữ khác phù hợp với nhu cầu của xã hội. Học sinh cũng có thể học thêm môn ngoại ngữ 2 (không bắt buộc), sớm nhất là từ lớp 6”.

Phó Giáo sư.Tiến sĩ Ngô Minh Thủy cho rằng giáo dục của bất cứ quốc gia nào cũng phải phục vụ nhu cầu của đất nước đó đầu tiên, vì thế, việc dạy và học ngoại ngữ cũng cần dựa trên nhu cầu của xã hội đó, của đất nước đó đầu tiên.

“Tất nhiên, khi lựa chọn ngôn ngữ để dạy và học, thông tin về vị trí của ngôn ngữ đó hay số lượng người sử dụng ngôn ngữ đó trên thế giới cũng quan trọng, nhưng nếu nhìn từ nhu cầu thực sự cho người dân của mình thì một số ngôn ngữ được coi là “không phổ biến” trên thế giới lại có tác dụng và mang lại lợi ích cho đất nước đó nhiều hơn.

Ví dụ, hiện nay, tại Việt Nam, bên cạnh tiếng Anh có nhu cầu áp đảo, thì một số ngôn ngữ như tiếng Hàn, tiếng Nhật…cũng có nhu cầu rất lớn và là nhu cầu thực sự.

Theo con số thống kê cuối năm 2018 thì số người Hàn Quốc sinh sống và làm việc tại Việt Nam là hơn 150 ngàn người, số người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại Hàn Quốc là hơn 200 ngàn người. Đối với Nhật Bản, các con số tương ứng lần lượt là hơn 20 ngàn và hơn 400 ngàn người. Tại Việt Nam, từ cách đây vài năm đã có hơn 2.000 công ty Nhật Bản đang hoạt động và con số này đang tiếp tục tăng lên. Số lượng công ty Hàn Quốc tại Việt Nam cũng rất đông và bao gồm nhiều tập đoàn lớn.

Số lượng khách du lịch đi lại giữa Việt Nam với Nhật Bản và Hàn Quốc hàng năm rất đông (năm 2019 có gần 1 triệu lượt khách Nhật Bản và hơn 4 triệu lượt khách Hàn Quốc sang Việt Nam, gần 500 ngàn lượt khách Việt Nam sang Nhật Bản, hơn 500 ngàn lượt khách Việt Nam sang Hàn Quốc.) Với một thị trường như vậy, rõ ràng nhu cầu về tiếng Hàn và tiếng Nhật rất lớn và việc dạy - học tiếng Hàn hay tiếng Nhật sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm cho người Việt Nam.

Một số ý kiến cho rằng sao không học tiếng Ấn Độ, Ấn Độ và Việt Nam cũng có quan hệ đối tác chiến lược cơ mà. Về vấn đề này, tôi cho rằng mặc dù tiếng Ấn Độ có nhiều người sử dụng trên thế giới (một phần do dân số của Ấn Độ rất đông), là đối tác chiến lược của ta, nhưng tại thời điểm này thì tại Việt Nam ít có cơ hội và nhu cầu dùng tiếng Ấn Độ, cũng ít người Việt đi học, đi làm hay sinh sống tại Ấn Độ.

Rõ ràng là nhu cầu của tiếng Hàn hay tiếng Nhật đối với người Việt Nam đang cao hơn tiếng Ấn Độ rất nhiều. Tuy nhiên, nếu tại Việt Nam có nhu cầu cao về tiếng Ấn Độ thì tôi nghĩ tiếng Ấn Độ cũng có thể được đưa vào, vì điều đó phù hợp với luật giáo dục Việt Nam về quyền được học ngoại ngữ của người dân. Nhưng rõ rằng thời điểm này xã hội chưa có nhu cầu nhiều.

Nhưng đó là chỉ nói về nhu cầu của xã hội liên quan đến việc làm hoặc việc du học hay học tập lên bậc cao hơn. Nếu nói rộng ra thì học ngoại ngữ còn liên quan đến văn hoá. Thông qua việc học ngoại ngữ các em học sinh còn được làm quen với nhiều nền văn hóa, được trang bị thêm các kiến thức văn hoá, xã hội nữa. Môn ngoại ngữ cũng cùng với các môn học khác góp phần tạo nên những công dân Việt Nam toàn diện. Nên tôi cho rằng ta càng mang lại nhiều cơ hội lựa chọn cho người dân càng tốt”.

Có quan điểm cho rằng cứ học tiếng Anh cho hiệu quả vào, người Hàn còn phải học tiếng Anh để giao tiếp cơ mà? Về điều này, Phó giáo sư. Tiến sĩ Ngô Minh Thủy khẳng định không phải tất cả mọi người đều muốn chỉ sử dụng tiếng Anh:

“Đúng là tiếng Anh có nhu cầu lớn và biết tiếng Anh cũng là lợi thế, nhưng không phải tất cả mọi người đều muốn chỉ sử dụng tiếng Anh. Cũng không phải tất cả người Hàn Quốc (tại Hàn Quốc và tại Việt Nam) đều nói được tiếng Anh. Ngay tại Việt Nam cũng có những lĩnh vực, địa phương, nghề nghiệp mà tiếng Anh lại không giúp ích được bằng các ngôn ngữ khác. Bởi vậy, tăng thêm cơ hội học ngoại ngữ khác, cụ thể ở đây là tiếng Hàn, cho học sinh là điều tốt đẹp và cần thiết.

Trên thực tế, người Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc đều cần biết tiếng Hàn. Tương tự như vậy, để đi làm việc hoặc du học tự túc tại Nhật Bản thì phần lớn các trường hợp đều đòi hỏi một trình độ tiếng Nhật nhất định (rất ít trường hợp yêu cầu biết tiếng Anh). Đấy là chưa nói để học lên cao hơn, để được thăng tiến trong công việc, để có thể sống thoải mái ở Nhật Bản hay Hàn Quốc thì rất cần sử dụng tốt tiếng Nhật hay tiếng Hàn.

Ngoài ra, như tôi đã nói, việc chọn tiếng Hàn hay tiếng Anh hay tiếng Nhật hay một ngoại ngữ khác là quyền của người dân. Bên cạnh đó, học sinh có thể học thêm một ngoại ngữ thứ hai (không bắt buộc) và đối với những em đã chọn tiếng Hàn, tiếng Nhật hay một ngoại ngữ khác làm “ngoại ngữ 1” thì các em có thể học tiếng Anh như môn ngoại ngữ 2”.

Với nhu cầu và triển vọng của tiếng Hàn tại Việt Nam, Phó giáo sư. Tiến sĩ Ngô Minh Thủy tin rằng việc thí điểm môn tiếng Hàn là “ngoại ngữ 1”, hệ 10 năm trong Chương trình Giáo dục phổ thông sẽ không thất bại:

“Tôi nghĩ đã là “thí điểm” thì luôn phải lường trước các khả năng. Và việc đưa tiếng Hàn vào trước tiên như môn học thí điểm chứ không chính thức ngay thể hiện sự thận trọng và nghiêm túc của cơ quan quản lý khi thực hiện luật giáo dục.

Chắc chắn là cơ quan quản lý và các đơn vị liên quan, các nhà chuyên môn sẽ có sự theo dõi và đánh giá nghiêm túc quá trình thí điểm trước khi quyết định chính thức đưa môn tiếng Hàn thành môn ngoại ngữ 1.

Cá nhân tôi thì tin là môn tiếng Hàn sẽ không thất bại, còn mức độ phát triển tới mức nào thì còn tùy vào nhiều yếu tố.

Trước đây, khi bắt đầu đưa tiếng Nhật vào dạy thí điểm năm 2003 cũng có rất nhiều khó khăn và nhiều ý kiến, nhưng rõ ràng là việc đưa tiếng Nhật vào đã đáp ứng rất tốt nhu cầu của xã hội ta và đã thu được những thành quả lớn.

Tới thời điểm này, trên toàn quốc có 37 trường trung học phổ thông, 82 trường trung học cơ sở dạy tiếng Nhật một cách chính thức. Các trường tiểu học từ năm 2016 tham gia dạy thí điểm tiếng Nhật ngoại ngữ 1 theo chương trình 10 năm (từ lớp 3) cũng đã vận hành tốt. Ngoài ra có rất nhiều trường đang dạy tiếng Nhật dưới hình thức môn ngoại khóa hoặc là hoạt động câu lạc bộ. Tôi nghĩ là với tiếng Hàn cũng sẽ có những thành quả tốt đẹp”.

Đình Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét