Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

20210309. CHUẨN BỊ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV

 ĐIỂM BÁO MẠNG

CẢ NƯỚC CÓ 184 ĐƠN VỊ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV

baochinhphu.vn/ GDVN 5-3-2021


Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp thứ Hai của Hội đồng Bầu cử quốc gia. Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân đã ký nghị quyết số 04/NQ-HĐBCQG của Hội đồng Bầu cử quốc gia quyết nghị về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng ĐBQH được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Căn cứ Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13; xét đề nghị của Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xét đề nghị của Trưởng Tiểu Ban nhân sự, ngày 3/3/2021, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân đã ký Nghị quyết số 04/NQ-HĐBCQG của Hội đồng Bầu cử quốc gia quyết nghị về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng Đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia quyết nghị tổng số đơn vị bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV trong cả nước là 184 đơn vị.

Số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng Đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được ấn định cụ thể.

Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

Mời xem TẠI ĐÂY danh sách 184 đơn vị bầu cử ĐBQH khóa XV.

Theo baochinhphu.vn
GIỚI THIỆU NHÂN SỰ ỨNG CỬ CHỦ TỊCH NƯỚC, THỦ TƯỚNG, CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
THU HẰNG/ VNN 8-3-2021

Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII sáng 8/3, Tổng Bí thư Chủ tịch nước cho biết, Trung ương sẽ bàn về: chương trình làm việc toàn khoá của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII; việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước; và một số vấn đề quan trọng khác.

Bộ Chính trị trình Trung ương quyết định việc giới thiệu nhân sự

Về việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, ngay sau Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị đã tiến hành phân công một bước các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chuẩn bị và giới thiệu các đồng chí Ủy viên Trung ương ứng cử ĐBQH khoá XV; đồng thời chỉ đạo các cấp uỷ tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ ở cấp mình.

Giới thiệu nhân sự ứng cử Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ. Ảnh: Nhật Bắc

Bộ Chính trị đã xem xét cẩn trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước ngay sau Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, và thống nhất cao là cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng yêu cầu kịp thời triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Bộ Chính trị đề nghị Trung ương cho thực hiện kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

"Theo Quy chế làm việc, tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị cũng xin trình Trung ương quyết định việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội là những chức danh lãnh đạo cao nhất của Nhà nước ta, đồng thời báo cáo xin ý kiến Trung ương trước khi Bộ Chính trị chính thức giới thiệu nhân sự đối với các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu, hoặc phê chuẩn theo thẩm quyền", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.

Vấn đề nhân sự mà Hội nghị Trung ương quyết định và tham gia ý kiến lần này cần quán triệt và thực hiện nhất quán phương hướng công tác nhân sự do Đại hội toàn quốc của Đảng đã thông qua, bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện, hài hoà của Đảng trên các lĩnh vực, địa bàn và tạo ra sức mạnh tổng hợp chung.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, cố gắng xem xét một cách tổng thể, sắp xếp hợp lý nhất trong điều kiện có thể; căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ; cần chú trọng năng lực, sở trường, chuyên môn được đào tạo, kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển; kết hợp yêu cầu trước mắt với bước chuẩn bị cho các khoá tiếp theo, bảo đảm tính kế thừa và phát triển.

Công tác nhân sự cần được tiến hành theo đúng các quy định của Đảng, quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, đúng với nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị; đồng thời phù hợp với các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Tiếp tục đổi mới, cải tiến cách ban hành nghị quyết

Về chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho hay, căn cứ vào Nghị quyết, các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và xem xét ý kiến đề xuất của các ban, bộ, ngành, địa phương và của các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị chuẩn bị dự thảo Chương trình làm việc toàn khoá của Ban Chấp hành Trung ương.

Đây là công việc quan trọng của Hội nghị Trung ương đầu nhiệm kỳ, xác định những nội dung, bước đi, định hướng của việc cụ thể hoá để chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội. Với tinh thần tiếp tục đổi mới, cải tiến cách ban hành nghị quyết, đi đôi với việc tăng cường chỉ đạo tổ chức và kiểm tra việc thực hiện, đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, lựa chọn đưa vào chương trình những vấn đề lớn, quan trọng và cần thiết nhất, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương.

Chương trình làm việc bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ và đồng bộ giữa các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên; thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và 6 nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới mà Đại hội XIII đã xác định.

Giới thiệu nhân sự ứng cử Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: TTXVN

Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý, ưu tiên cho những vấn đề bức xúc, khó khăn cần tháo gỡ, giải quyết; những khâu cần đột phá, các nhiệm vụ trọng yếu. Cụ thể là tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh.

Cùng với đó, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực; thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ, cải thiện môi trường; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế...

Thu Hằng

VÌ SAO CÓ GẦN 100 ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI  ?

LÊ KIÊN/ TT 3-3-2021

Vì sao có gần 100 ủy viên Trung ương Đảng ứng cử đại biểu Quốc hội? - Ảnh 1.

Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ VN là một trong những đơn vị đầu tiên tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV với các ông Trần Thanh Mẫn (chủ tịch MTTQ Việt Nam) và Hầu A Lềnh (phó chủ tịch, tổng thư ký MTTQ Việt Nam) - Ảnh: LÊ KIÊN

Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 về "dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV" được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ký cho thấy sẽ có gần 100 ủy viên trung ương tham gia ứng cử, trong đó có 12-14 ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng.

"Đại biểu là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoảng 95 đồng chí (19%), trong đó có 12-14 đồng chí là ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng" - nghị quyết nêu rõ. Cũng tại nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội định hướng cơ cấu Quốc hội khóa XV có sự tham gia của 25 - 50 đại biểu là người ngoài đảng (tương đương 5 - 10% ĐBQH).

Số lượng 95 ủy viên trung ương làm ĐBQH như vậy nhiều hay ít?

Ngay tại nghị quyết nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích rõ số ủy viên trung ương tham gia ứng cử ĐBQH khóa XV thuộc về cơ cấu kết hợp, tức một ĐBQH có thể có nhiều hơn một cơ cấu (ví dụ, một đại biểu vừa là ủy viên trung ương, thuộc khối Chính phủ, đồng thời là cơ cấu lực lượng vũ trang).

Quốc hội khóa XIV (đương nhiệm) cũng có sự tham gia của gần 100 ủy viên Trung ương Đảng, với tất cả các ủy viên Bộ Chính trị (đầu nhiệm kỳ) đều được bầu làm ĐBQH.

Với cơ cấu kết hợp như vậy, tất cả các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các thành viên Chính phủ ứng cử làm ĐBQH, lãnh đạo Đảng và lãnh đạo các ban Đảng, cơ quan Chủ tịch nước, lãnh đạo MTTQ VN và một số đoàn thể chính trị xã hội (Hội LHPN VN, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), lãnh đạo TAND tối cao, VKSND tối cao, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, các bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương và phần lớn lãnh đạo các quân khu ứng cử làm ĐBQH đều là những ủy viên Trung ương Đảng.

Trở lại với cơ cấu định hướng của Quốc hội khóa XV, với chủ trương tăng tỉ lệ ĐBQH chuyên trách, giảm tỉ lệ ĐBQH khối hành pháp, khối cơ quan Đảng, kỳ này nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định số lượng đại biểu ở các cơ quan trung ương là 207 đại biểu (41,4%).

Trong đó, các cơ quan Đảng 10 đại biểu (2,0%), cơ quan Chủ tịch nước 3 đại biểu (0,6%), các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội (đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương) 133 đại biểu (26,6%).

Khối Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ (bao gồm cả bộ trưởng Bộ Quốc phòng và bộ trưởng Bộ Công an) 15 đại biểu (3,0%); lực lượng vũ trang, quân đội (cơ quan bộ, các quân khu, quân chủng và lĩnh vực trọng yếu) 12 đại biểu (2,4%); công an 2 đại biểu (0,4%); TAND tối cao 1 đại biểu (0,2%); VKSND tối cao 1 đại biểu (0,2%); Kiểm toán Nhà nước 1 đại biểu (0,2%); MTTQ VN và các tổ chức thành viên 29 đại biểu (5,8%).

Số lượng ĐBQH ở địa phương 293 đại biểu (58,6%), trong đó cơ cấu định hướng lãnh đạo chủ chốt ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiêm trưởng đoàn ĐBQH (bí thư hoặc phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND) 63 đại biểu (12,6%).

Vì sao có gần 100 ủy viên Trung ương Đảng ứng cử đại biểu Quốc hội? - Ảnh 2.

TẠI SAO BẦU CỬ QUỐC HỘI KHÓA 1 KHÔNG CÓ HIỆP THƯƠNG ?

NGUYỄN NGỌC CHU/ TD 1-3-2021

Bầu cử Quốc hội khoá I ngày 06/01/1946 không có hiệp thương.

Ở các nước, sau khi đã giành được các ghế trong QH, bầu cử QH đã kết thúc, thì các đảng phái mới ngồi lại hiệp thương để chia ghế trong chính phủ. Nghĩa là trong bầu cử không có hiệp thương. Chỉ sau khi bầu cử xong mới có thể có hiệp thương về thành phần chính phủ. Quốc hội khoá I năm 1946 của nước ta cũng thực hiện như vậy.

Nhưng hiện nay ta đang làm điều ngược lại: các đoàn thể tổ chức hiệp thương chia ghế ĐBQH trước khi tiến hành bầu cử QH. Nghĩa là các ghế ĐBQH đã được phân trước cho các đoàn thể tổ chức. Làm cho bầu cử trở nên hình thức. Điều này ngược với bầu cử Quốc hội khoá I năm 1946.

Việc áp dụng hiệp thương không chỉ làm cho bầu cử trở thành hình thức, mà còn dẫn đến những hậu quả tai hại khác.

1. HIỆP THƯƠNG MÂU THUẪN VỚI BẦU CỬ

Hai từ hiệp thương hàm chứa: thảo luận, thoả thuận, dàn xếp, trao đổi, thương lượng, mặc cả

Trong hiệp thương nhân sự, tuỳ mức độ, nhưng chứa đựng tất cả các nghĩa vừa nêu. Bởi thế, các đề cử viên ĐBQH được đưa vào danh sách cho cử tri bầu cử, bằng con đường hiệp thương, đều là do dàn xếp. Dàn xếp sẽ không bao giờ đưa đến một cuộc bầu cử sòng phẳng. Như trong bóng đá, dàn xếp không bao giờ đưa đến một nhà vô địch đích thực.

Một quy trình bầu cử QH khoa học phải đảm bảo rằng kết quả bầu cử được quyết định chỉ bởi cử tri mà không một nhóm người nào có thể can thiệp được. Kết quả bầu cử ĐBQH ở nước ta bị hiệp thương can thiệp trước.

Rõ ràng, về mặt biện chứng thì hiệp thương đối nghịch, không cùng chung sống với bầu cử. Trong bầu cử không có hiệp thương.

Hiệp thương là sự phi biện chứng trong quy trình bầu cử ĐBQH. Nó lý giải tại sao bầu cử QH ở nước ta không những không chọn được các ĐBQH xuất sắc mà còn để lọt nhiều ĐBQH phẩm chất thấp, chẳng hạn như trường hợp ông Phạm Phú Quốc lén lút mua quốc tịch Sip (Cyprus), buộc Quốc hội khoá 14 phải bãi bỏ tư cách ĐBQH.

Sự phi biện chứng của hiệp thương trong bầu cử QH được chứng minh bởi chính cuộc bầu cử QH khoá I năm 1946.

2. HIỆP THƯƠNG TẠO CƠ HỘI HÌNH THÀNH ĐƯỜNG DÂY LỢI ÍCH NHÓM VÀ ĐƯỜNG DÂY CHẠY ĐBQH

Tại sao lại có những ĐBQH như bà Châu Thị Thu Nga, ông Phạm Phú Quốc? Đó là do có nhóm lợi ích trong bầu cử QH.

Quy trình đề cử người vào vị trí ĐBQH hiện nay, một cách vô tình, có thể trở thành hầm chứa ẩn cho nhóm lợi ích dấu mình. Tiếng là đảng đề cử, nhưng thực tế chỉ có một số người quyết định và xuất phát từ 2 nguồn. Một là ở dưới đưa lên. Hai là, từ trên đưa xuống. Một đề cử viên phải trót lọt cả 2 chiều này. Ở dưới đưa lên thì phải được ở trên chấp nhận. Và ở trên đưa xuống để ở dưới hợp thức hoá. Một cách vô tình, đã tạo ra cơ hội để nhóm lợi ích hình thành “Đường dây lợi ích nhóm” trong bầu cử QH.

Chính “Đường dây lợi ích nhóm” đã tạo ra con đường “Chạy ĐBQH” mà bà Châu Thị Thu Nga là minh chứng. Bà Châu Thị Thu Nga đã khai với Cơ quan điều tra là mất 30 tỷ đồng để trở thành ĐBQH.

Cần lưu ý rằng, không chỉ có một bà Châu Thị Thu Nga hay một ông Phạm Phú Quốc, mà còn có các ĐBQH khác như bà Châu Thị Thu Nga, như ông Phạm Phú Quốc nhưng chưa bị phát hiện.

3. HIỆP THƯƠNG CÓ THỂ BỊ KẺ XẤU LỢI DỤNG THÀNH PHƯƠNG TIỆN LOẠI BỎ ĐỐI THỦ

Ở địa phương, tại đơn vị bầu cử đã có dàn xếp ai được đề cử và ai không được đề cử. Ra hiệp thương lại tiếp tục dàn xếp ai được đề cử và ai không được đề cử. Như vậy kết quả hiệp thương được quyết định bởi một số người. Những kẻ xấu trong số họ (mà điều này không thể tránh được, vì ngay trong Bộ Chính trị vẫn có người xấu phải bỏ tù) có thể đội lốt hiệp thương để loại bỏ trước các ứng cử viên là đối thủ của nhóm lợi ích. Đây là con bài “phăng teo” mọi đối thủ không mong muốn. Nhưng đây cũng là con dao hai lưỡi. Lưỡi thứ hai có thể “phăng teo” mọi ứng cử viên có tài năng, nhưng không phù hợp với nhóm lợi ích.

4. HIỆP THƯƠNG LÀM CHO CỬ TRI ÍT QUAN TÂM ĐẾN BẦU CỬ

Chính các nguyên do nêu ở trên đã đưa đến một danh sách đề cử, ứng cử ĐBQH mà nó không thu hút sự quan tâm của cử tri. Ai trong số đó cũng chẳng đưa lại được nhiều lợi ích sát sườn cho cử tri. Hơn thế nữa, có thể có trò chơi “quân xanh quân đỏ”. Và kết quả đã được tiên lượng trước. Thực tiễn bầu cử ĐBQH ở nước ta, trừ cuộc bầu cử QH khoá I năm 1946, càng về sau càng ít được cử tri quan tâm.

Nhưng tại sao cử tri ít quan tâm mà số thống kê cử tri đi bỏ phiếu vẫn cao? Đó còn là do “thuật” làm cho cử tri đi bỏ phiếu sớm. Rằng chừng nào cử tri chưa đi bỏ phiếu, thì đại diện tổ dân phố trong đơn vị bầu cử sẽ không được về nhà – cho đến khi cử tri cuối cùng trong tổ đi bỏ phiếu. Cho nên, vì tình làng nghĩa xóm, các cử tri trong tổ nhanh chóng đi bỏ phiếu cho hàng xóm của mình xong sớm nghĩa vụ. Vì thế, có các tổ dân phố, mới sáng ngày bầu cử mà các cử tri đã đi bỏ phiếu xong.

Hãy nhìn thẳng vào thực tế, rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 vừa qua thu hút được nhiều sự quan tâm của người Việt Nam hơn là bầu cử ở Việt Nam. Tại sao như vậy?

5. BAO GIỜ THÌ CÓ BẦU CỬ NHƯ QUỐC HỘI KHOÁ I?

Chừng nào còn tồn tại hiệp thương thì chừng đó còn để lọt nhiều ĐBQH chất lượng thấp và KHÔNG BAO GIỜ CÓ ĐBQH XUẤT SẮC. Sao không học tập bầu cử Quốc hội khoá I năm 1946?

LẠI ĐỀ XUẤT ĐỂ MỤC TIÊU 50 ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI LÀ NGƯỜI NGOÀI ĐẢNG TRỞ THÀNH HIỆN THỰC

NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 1-3-2021

Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng và trong nhà

Sắp hết hạn nộp hồ sơ ứng cử ĐBQH khoá 15 vào ngày 14/3/2021 nhưng tương lai 50 ghế ĐBQH dành cho người ngoài đảng vẫn chưa rõ ràng.

Từ các thông tin của hội nghị hiệp thương các tỉnh thành thì được biết ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM đều dành từ 10%-11,58% cho các ứng viên là người ngoài đảng. Thông tin chi tiết hơn như sau:

+ Ngày 10/2/2021 báo điện tử của Quốc hội là quochoi.vn đưa tin:

“Sáng 09/02, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026”.

“Theo kế hoạch, dự kiến phân bổ số lượng và cơ cấu đại biểu Quốc hội Khóa XV sẽ có 30 đại biểu Quốc hội Khóa XV được bầu tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó, 15 đại biểu từ giới thiệu của Thành phố và 15 đại biểu từ giới thiệu của Trung ương.

Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất dưới sự chủ trì của bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Thành phố, các đại biểu đã thảo luận, thông qua số lượng đại biểu của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở thành phố được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV là 45 đại biểu.

Trong đó, cơ cấu giới thiệu gồm 2 đại biểu là lãnh đạo chủ chốt của Thành phố; 2 đại biểu chuyên trách, 6 đại biểu doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, 8 đại biểu từ lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, 2 đại biểu tự ứng cử…

“Hội nghị cũng đồng thuận thông qua các tiêu chí định hướng bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố nhiệm kỳ X đảm bảo tỷ lệ giới thiệu đại biểu nữ đạt trên 38%; đại biểu ngoài Đảng trên 10%; đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) đạt trên 16%; trên 30% đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố tái cử và giảm tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử từ các cơ quan quản lý nhà nước so với nhiệm kỳ IX…”.

(http://quochoi.vn/.../tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx...)

Như vậy TP HCM có 30 ghế ĐBQH. Có 45 ứng viên để bỏ phiếu tức là tỷ lệ 1,5 lấy 1. Theo tỷ lệ 10% người ngoài đảng thì TP HCM có 3 ĐBQH là người ngoài đảng.

Từ đó suy ra:

- Nếu không chỉ rõ 3 ghế ĐBQH dành cho người ngoài đảng nằm ở đơn vị bỏ phiếu nào

- Và nếu không tăng suất tự ứng cử cho người ngoài đảng lên 5 suất,

thì mục tiêu 10% ĐBQH là người ngoài đảng sẽ không trở thành hiện thực ở TP HCM.

+ Báo điện tử Công An Nhân dân là cand.com.vn ngày 05/2/2021 đưa tin:

“Hà Nội giới thiệu 45 người để bầu 29 đại biểu Quốc hội khóa XV”.

“Trong khi đó, đại biểu HĐND TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2016-2021 gồm 95 đại biểu. Hội nghị đã thống nhất giới thiệu 190 người ứng cử đại biểu HĐND thành phố khóa XVI với cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng giới thiệu gồm: Dưới 40 tuổi là 29 người, tỷ lệ 15,26%; nữ 69 người, tỷ lệ 36,32%; người ngoài Đảng 22 người, tỷ lệ 11,58%; đại biểu đương nhiệm tham gia tái cử là 53 người”.

(http://cand.com.vn/.../Ha-Noi-gioi-thieu-45-nguoi-de-bau.../).

+ Trong một tin khác của vietnamnet.vn ngày 06/2/2021 thì Hà Nội dự kiến đề cử 59 người để bầu 29 ĐBQH (https://vietnamnet.vn/.../ha-noi-du-kien-gioi-thieu-59...).

Như vậy theo tỷ lệ đã thông báo là người ngoài đảng chiếm 11,58% thì Hà Nội có từ 3-4 ghế ĐBQH là người ngoài đảng.

Cần chỉ rõ 3-4 ghế ĐBQH dành cho người ngoài đảng nằm ở những đơn vị bầu cử nào và cũng dành 6-8 ghế tự ứng cử cho người ngoài đảng để mục tiêu 50 ĐBQH là người ngoài đảng trở thành hiện thực.

Đề xuất

1. Để mục tiêu 50 ĐBQH là người ngoài đảng trở thành hiện thực, thì cả 63 tỉnh thành phải dành cho người ngoài đảng tối thiểu là 10% số ghế ĐBQH. 50 ghế ĐBQH này phải chỉ rõ ở từng đơn vị bầu cử. Kèm theo đó là danh sách tự ứng cử của người ngoài đảng, cũng theo tỷ lệ 2 ứng cử viên cho 1 ghế ĐBQH.

2. Các ứng cử viên cho ghế ĐBQH là người ngoài đảng phải để cho người ngoài đảng tự do ứng cử. Tránh sự hiểu nhầm là người do đảng sắp xếp.

3. Đề nghị Uỷ ban bầu cử chuyển thông báo tự ứng cử và phiếu đăng ký tự ứng cử đến từng hộ gia đình để người ngoài đảng đăng ký ứng cử ĐBQH.

4. Để thấy đảng chủ trương dành 50 ghế ĐBQH cho người ngoài đảng là mục tiêu thực sự, đề nghị Uỷ ban bầu cử kêu gọi quần chúng ngoài đảng ra ứng cử ĐBQH trên các phương tiện truyền thông của đảng và nhà nước.

Hiện nay 63 tỉnh thành đã đưa danh sách 1045 người ứng cử vào ĐBQH, nhưng đại đa số quần chúng ngoài đảng vẫn không được biết để ra ứng cử vào ĐBQH. Trong khi đó thì ngày hết hạn nộp hồ sơ 14/3/2021 đến rất gần. Nếu thực hiện 4 đề xuất trên đây, dứt khoát mục tiêu 50 ĐBQH là người ngoài đảng sẽ trở thành hiện thực.

Không ít người hoài nghi về tính khả thi của mục tiêu 50 ĐBQH là người ngoài đảng trong kỳ bầu cử QH khoá 15 này. Nhưng nếu nhớ lại thì nhiều nhiệm vụ khó khăn hơn mà đảng còn dành được thắng lợi, huống chi là mục tiêu 50 ghế ĐBQH dành cho người ngoài đảng. Đảng muốn là được.

N.N.C.

Nguồn: FB Nguyen Ngoc Chu

TÌNH HÌNH 'BẦU BÍ'

LÊ NGUYỄN HƯƠNG TRÀ/ TD 7-3-2021

Ngày 23/5/2021 được ấn định là ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Số lượng ĐBQH dự kiến 500 người, trong đó 293 từ các tỉnh thành và số còn lại là TW [với khoảng 95 thành viên Bộ Chính trị, Ban bí thư và BCH TW]. Cơ cấu cho người ngoài đảng tham gia chừng 25 – 50 đại biểu!

Số lượng phân bổ ĐBQH năm nay cho Tp.HCM nhiều nhất (30), Hà Nội (29) và Thanh Hóa (14), Nghệ An (13) chỉ xếp thua sau.

Theo kế hoạch của Hội đồng bầu cử Quốc gia, thì ngày 4/3 tức trước 80 ngày; các tỉnh thành đã phải công bố số lượng ĐBQH được chọn. Điểm sơ sơ một ít tình hình!

Số ĐBQH của TP.HCM cao nhất, ban đầu TW giới thiệu xuống 15 nhưng sau rút hết 8, số còn lại có 10 người tái cử. Như vậy, danh sách ứng cử ĐBQH sẽ còn 50, bầu lấy 30…

Nghe có ông Phan Anh Minh, cựu P. Giám đốc CATP, được HĐND vận động ra ứng cử. Tướng Minh về hưu 2019 để lại nhiều uy tín sau 43 năm công tác; đặc biệt là người ngay thẳng có gì nói đó không ngại va chạm. Cựu bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng có tên trong danh sách.

Nếu vô QH thì đây có lẽ là trường hợp trước nay chưa có với thành viên BCT vừa hết nhiệm kỳ; theo qui định 105-QĐ/TW thì ca này ứng cử phải có ý kiến của Bộ chính trị.

Giai đoạn dịch bệnh nên cũng là thời của các bác sĩ, P.Giám đốc Sở Y tế Ts-Bs Tăng Chí Thượng nhiệm kỳ trước trượt Đại biểu HĐND Tp.HCM nay cũng có tên UCQH. Các bệnh viện Nguyễn Trãi, 115, Hùng Vương và Chợ Rẫy cũng có đại diện xin ứng cử; có Thầy thuốc ưu tú, BSCK2 Nguyễn Tri Thức, GĐ Chợ Rẫy gần đây nổi tiếng với ca cứu phi công người Anh nhiễm nặng.

Các sở, ban ngành có Trần Anh Tuấn (1974) P. Giám đốc Sở KH&ĐT; Hứa Quốc Hưng (1982) Ban Quản lý các KCX&CN Tp.HCM; PGS –Ts. Vũ Hải Quân, GĐ Đại học Quốc gia Tp.HCM. Các DN thành đạt cũng ra UCQH, có anh Lê Viết Hải (CEO tập đoàn XD Hòa Bình); Vưu Khải Thành Biti’s; luật sư Nguyễn Văn Hậu…vv.

Khu vực tự UCQH đã không còn sôi động như hồi 2016. Những người tự UC làm thành cả một phong trào thể hiện quyền công dân ngày đó như ông Nguyễn Quang A, nhà báo Trần Đăng Tuấn, ca sĩ Mai Khôi, Ls. Võ An Đôn, Ts-Ls. Châu Huy Quang, nhà hoạt động Hoàng Dũng, Nguyễn Chí Tuyến, Thái Văn Đường, Nguyễn Trang Nhung, Lâm Ngân Mai, DN Hùng cửu long…vv. Trong đó có mấy người đang phải tị nạn Mỹ, Thái Lan…

Tới kỳ bầu cử Quốc Hội khóa XV này, hiện thấy có một vài người tự ra UC. Như phía Bắc có anh Lê Dũng Vova nổi tiếng với kênh CHTV và Lê Trọng Hùng; trong miền Nam có đại úy bị tước quân tịch CAND Lê Chí Thành, anh này từng công tác ở trại giam Thủ Đức – Z30D.

Chiều ngày 7/3 còn có tin Gs. Nguyễn Đình Cống (84 tuổi) làm hồ sơ tự ứng cử QH. Nhóm này khó hy vọng qua được vòng hiệp thương địa phương!

P/s: Cập nhật tình hình… ghế ngồi ở trển: Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ sớm thay anh Nhạ; Nguyễn Hoàng Anh trước đó có tin làm BT Bộ tài chính thì sẽ trở về quê Hải Phòng thay ông Thành; Nguyễn Hồng Diên qua Bộ Công Thương; Nguyễn Hải Ninh người cũ của Daklak sẽ trở về thay ông Cường ra quốc hội. Còn Trần Lưu Quang đang được đồn đoán xuống Đồng Nai thay ông Cường!

TỰ ỨNG CỬ VÀO QUỐC HỘI

FB NGUYỄN ĐÌNH CỐNG 6-3-2021

Để hưởng ứng chủ trương đưa 50 người ngoài đảng vào QH tôi đang làm hồ sơ và sẽ nộp đơn tự ứng cử tại Hà Nội.

Tôi dã thông báo tin đó cho gia đình, một số bạn bè nơi cư trú, cho Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND Phường, Chủ tịch HĐND phường. Tôi nhận được những lời ủng hộ, khích lệ.

Trong bài: “Vì sao người luật sư phù hợp với công việc một đại biểu QH”, tác giả Ngô Ngọc Trai trình bày các lý do và kết luận: “VN rất cần có nhiều luật sư tham gia vào Quốc hội”.

Tôi không phải luật sư nhưng đã có trên 20 năm làm trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài quốc tế của VN, khá am hiểu về luật pháp và được đồng nghiệp trong Trung tâm Trọng tài nhận xét là có phẩm chất và năng lực của luật sư.

Liệu khả năng tôi được trúng cử có xác suất bao nhiêu. Đoán là rất thấp, rất rất thấp, nhưng cũng có thể cao. Xác suất lọt qua vòng 1 (cuộc họp cử tri) khoảng dưới 20%. Khi qua được vòng 1, vào vòng 2 hiệp thương thì xác suất lọt qua được giảm xuống dưới 10%. Nếu vào được vòng 3 thì xác suất được chọn chỉ còn dưới 1%. Nhưng nếu lọt qua vòng ba để váo danh sách cho dân bầu thì khả năng trúng cử sẽ trên 85%.

Tôi tin rằng “Mưu sự tại Nhân, thành sự tại Thiên”, hoặc như Nguyễn Du viết; “Có Trời mà cũng có Ta”. Theo tôi Thiên, Trời không phải là một vị Ngọc Hoàng Thượng để nào đó mà là tổng hợp các điều kiện khách quan nằm ngoài ý muốn của ta, trong đó có chỉ dẫn của lãnh đạo. Tôi vừa hoạt động với mọi năng lực và tinh thần hiện có và chờ đợi. Chờ xem sự thế xoay vần như thế nào.

Nguyễn Đình Cống


MỚI TIẾP NHẬN HỒ SƠ ĐÃ DỰ KIẾN ĐƯỢC SỐ NGƯỜI TỰ ỨNG CỬ- HỌ ĐÃ LÀM ĐIỀU ĐÓ NHƯ THẾ NÀO?  

HỒNG ANH/ LKTC/ BVN 6-3-2021

Người tự ứng cử đại biểu Quốc hội mà cũng phải được dự kiến? Chuyện này nên hiểu ra sao?


Ông Hầu A Lềnh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong Hội nghị tập huấn công tác kiểm tra, giám sát bầu cử, tổ chức tại Hà Nội ngày 23/2/2021. Ảnh: VNExpress.

Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nam, Yên Bái, và Tuyên Quang là 5 tỉnh dự kiến sẽ có người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (2021 – 2026).

Thông tin này được ông Hầu A Lềnh, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc (MTTQ VN) cho biết sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.

Ông Hầu A Lềnh nói trên báo Tuổi Trẻ: “Chỉ có 5 tỉnh, thành phố đã dự kiến số lượng cụ thể những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV… Còn 58 tỉnh, thành phố còn lại không dự kiến số lượng người tự ứng cử”.

Ảnh chụp màn hình bài viết trên báo Tuổi Trẻ ngày 23/2/2021 về phát ngôn của ông Hầu A Lềnh.

Nhưng một tuần sau khi trả lời báo Tuổi Trẻ, cũng chính ông Hầu A Lềnh đã nói khác với báo Thanh Tra về 5 địa phương dự kiến người tự ứng cử, : “5 tỉnh, thành dự kiến có người tự ứng cử là ở những địa phương đó đã có người đến xin hồ sơ để làm thủ tục nhưng chưa nộp. Khi người tự ứng cử nộp hồ sơ thì mới xác định được chính xác số người tự ứng cử đại biểu Quốc hội là bao nhiêu.”

Cuối cùng thông tin nào của ông tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ VN mới là chính xác? Cần hiểu sao cho đúng về các địa phương dự kiến có người tự ứng cử?

Người được cử ra để tự ứng cử?

Bài phỏng vấn ông Hầu A Lềnh trên báo Thanh Tra có tựa đề là “Vẫn ‘rộng cửa’ cho người tự ứng cử”. Đây có thể là bài báo dặm vá sau phát ngôn chưa đầy đủ của ông với báo Tuổi Trẻ.

Theo quy trình bầu cử của Việt Nam, kết quả vòng hiệp thương thứ nhất chỉ để xác định số người được đảng, cơ quan nhà nước giới thiệu ra ứng cử.

Ông Hầu A Lềnh trả lời báo Tuổi Trẻ vào ngày 23/2/2021. Đó là ngày thứ hai trong thời gian tiếp nhận hồ sơ của người tự ứng cử. Dù vậy, theo thông tin ông cung cấp, năm địa phương đã dự kiến được cụ thể số lượng tự ứng cử đại biểu quốc hội, còn 58 tỉnh, thành khác thì không. Trong khi đó, đến ngày 14/3/2021 mới là hạn chót nộp hồ sơ tự ứng cử.

Như vậy, phát biểu của ông Lềnh trên báo Tuổi Trẻ chỉ có thể được hiểu rằng năm địa phương đó đã quyết định giới thiệu người ra để tự ứng cử.

Tóm lại, dựa trên thông tin của ông Lềnh, có thể suy ra rằng có hai loại người tự ứng cử. Một loại là người tự ứng cử thật sự. Loại còn lại là người được chính quyền cử ra để tự ứng cử.

Những người được cử để tự ứng cử này rất có thể đã được địa phương đó dự kiến để trở thành ứng cử viên chính thức.

Ông Hầu A Lềnh khẳng định rằng tất cả các khóa bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp từ trước đến nay không cản trở những người tự ứng cử, vì đó là quyền của công dân. Ảnh: Báo Thanh Niên.

Hội nghị hiệp thương lần thứ ba sẽ dựa trên tất tần tật những thứ được gọi là cơ cấu, số lượng, thành phần theo chủ ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cộng thêm kết quả hội nghị cử tri, mới thừa nhận bạn có thể là ứng cử viên chính thức hay không. Đây là vòng nghiệt ngã nhất đối với những ứng cử viên tự ứng cử thật sự.

Người tự ứng cử bị đánh rớt trong khi hội nghị cử tri tín nhiệm họ

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa này không có gì khác so với khóa trước, từ quy trình chính thức cho đến những cách không chính thức để quyết định lựa chọn và loại bỏ ứng viên. Chỉ cần nhìn lại kết quả người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa trước, bạn cũng có thể dự đoán kết quả lần này.

Ở kỳ bầu cử trước, cả nước có 154 người nộp đơn tự ứng cử ở địa phương, trong đó thành phố Hồ Chí Minh có 48 người và Hà Nội cũng có 48 người.

Sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba, 95% (46/48) người tự ứng cử ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội bị loại. Mỗi thành phố chỉ còn lại đúng hai người tự ứng cử trong danh sách chính thức.

Bà Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng trường THPT Tân Túc (huyện Bình Chánh), là một trong hai người hiếm hoi lọt vào danh sách ứng cử viên chính thức trong kỳ bầu cử năm 2016, trong tổng số 48 người tự ứng cử tại TP. HCM. Ảnh: VGP.

Diễn biến ở Hà Nội đã cho thấy người tự ứng cử dù được cử tri tại nơi cư trú và tại nơi làm việc tín nhiệm đến mấy thì cũng có thể bị đánh rớt.

Cụ thể, ở kỳ bầu cử khóa trước, trong 48 người nộp đơn tự ứng cử ở Hà Nội, có đến 29 người tự ứng cử không được tín nhiệm ở hội nghị cử tri và 14 người khác tự động xin rút. Còn lại 5 người tự ứng cử hoàn toàn đủ tiêu chuẩn làm ứng cử viên chính thức. Nhưng cuối cùng, 3 trong 5 người bị hội nghị hiệp thương lần thứ ba đánh rớt.

Khi đó, bà Lê Thị Kim Oanh, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, đã nói với báo VnExpress rằng 5 người tự ứng cử đều đủ tiêu chuẩn làm ứng cử viên chính thức. Tuy nhiên, vì phụ thuộc vào cơ cấu nên phải “so bó đũa chọn cột cờ”.

Trong số những “cột cờ” bị loại, có ứng viên độc lập như nhà báo Trần Đăng Tuấn, chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc công ty cổ phần sản xuất chương trình An Viên. Nhiều người biết đến ông qua dự án nổi tiếng mang tên “Cơm có thịt”, chuyên cung cấp các suất ăn đảm bảo chất dinh dưỡng cho trẻ em nghèo tại các địa phương khó khăn.

Trước đó, tại hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và nơi công tác, ông Tuấn đều đạt tín nhiệm 100%.

H.A.

Nguồn: Luật Khoa tạp chí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét