Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

20210401. BÀN VỀ QUY HOẠCH SẢN XUẤT ĐIỆN Ở VIỆT NAM

 ĐIỂM BÁO MẠNG

QUY HOẠCH ĐIỆN: NHỮNG BIẾN SỐ CẦN LỜI GIẢI

TƯ GIANG, LAN ANH/ TVN 22-3-2021

Cân bằng nhu cầu luôn là đầu vào quan trọng cho quy hoạch ngành Điện. Cần tính toán kỹ lưỡng nhu cầu điện năng trong tương lai để xử lý bài toán cân bằng cung cầu và đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

LTS:Tuần Việt Nam trò chuyện với bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc điều hành Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE) xung quanh dự thảo quy hoạch phát triển ngành Điện 2021-2035 (quy hoạch Điện 8).

Bà có thể cho biết những đánh giá sơ bộ nhất về dự thảo quy hoạch Điện vừa được Bộ Công thương công bố?

Bản dự thảo gồm thuyết minh và phụ lục cả nghìn trang, rất chi tiết và bao trùm toàn ngành. Có thể nói, những người soạn thảo đã lắng nghe ý kiến phản biện, và đưa vào những cập nhật, sửa đổi một cách cẩn trọng cũng như cập nhật thị trường kịp thời.

Dĩ nhiên, với quy trình chung của một quy hoạch quốc gia, dự thảo lần 3 này chưa phải là bản cuối cùng. Tôi nghĩ rằng chúng ta còn thời gian để tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc và hoàn thiện.

Cân bằng nhu cầu

Vậy theo bà, những điều cần cân nhắc trước hết là gì?

Cân bằng nhu cầu luôn là đầu vào quan trọng cho quy hoạch ngành Điện. Do vậy, cần  tính toán kỹ lưỡng nhu cầu điện năng trong tương lai để xử lý bài toán cân bằng cung cầu và cũng chính là đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Quy hoạch điện: Những biến số cần lời giải
Quy hoạch đúng và cân đối hài hòa các lợi ích luôn rất khó khăn với mọi quốc gia, không chỉ riêng Việt Nam. Ảnh: VGP

Tuy nhiên, cách dự báo nhu cầu phụ tải trong tương lai lại đặt ra nhiều câu hỏi. Đó là sự thể hiện định hướng phát triển của các ngành kinh tế sang ngôn ngữ điện lực và thiếu đi một số yếu tố quan trọng thể hiện xu hướng chuyển dịch năng lượng trong tương lai như nhu cầu sử dụng điện cho giao thông và đô thị thông minh…

Theo bà, sự đóng góp của các ngành kinh tế ảnh hưởng như thế nào tới nhu cầu điện năng?

Chúng ta đều biết tốc độ phát triển của ngành điện cần bám sát vào tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Mà GDP lại có sự tương quan vào tỉ trọng 3 ngành cơ bản là công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ và nông nghiệp.

Ngành công nghiệp - xây dựng luôn có nhu cầu cao nhất về năng lượng, đặc biệt trong giai đoạn trước, Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp nặng, nhóm ngành này luôn chiếm xấp xỉ 50% lượng tiêu thụ điện của cả nước.

Với một nước đang phát triển như Việt Nam, phát triển công nghiệp nặng đã từng là ngành tiêu thụ quan trọng, nên chúng ta đang chấp nhận hệ số đàn hồi điện thương phẩm/GDP là 1,24%, theo đó là gánh nặng về ảnh hưởng môi trường… Nhưng định hướng tương lai của ngành công nghiệp nặng như thế nào sẽ là câu hỏi lớn.

Tôi cho rằng nghị quyết của Đại hội Đảng 13 vừa qua là dấu mốc quan trọng để xác định tầm nhìn chiến lược cho tương lai. Các mục tiêu tới 2035 như trở thành nước công nghiệp hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, áp dụng những thành tựu công nghệ 4.0 hay phát triển nền kinh tế số là kịp thời, phù hợp và là kim chỉ nam cho định hướng những năm tiếp theo.

Câu hỏi đặt ra là, với tầm nhìn chiến lược của cả hệ thống chính trị như vậy, những con số được đưa ra trong Quy hoạch điện 8 vừa qua liệu có còn phù hợp? Ví như tỉ trọng trong GDP của công nghiệp - xây dựng sẽ ở quanh mức 45%, trong khi lượng tiêu thụ điện lên xấp xỉ 58% ở giai đoạn 2030-2035.

Nếu vẫn giữ nhịp độ phát triển, công nghệ lạc hậu như hiện nay, các ngành công nghiệp nặng sẽ sớm đối diện với bài toán nan giải: tiêu thụ nhiều năng lượng, tỷ trọng đóng góp cho nền kinh tế không tương xứng, gây ra nhiều hệ lụy và áp lực với hệ thống cơ sở hạ tầng, môi trường và xã hội.

Ngược lại, những ngành thương mại, dịch vụ như công nghệ thông tin đang được định hướng cho phát triển trong tương lai. Đây là những ngành mà Việt Nam có khả năng “đi tắt, đón đầu”, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng tầm được chất lượng nguồn nhân lực, ít tác động tới môi trường xã hội, đồng thời tận dụng được công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả đang ngày càng hoàn thiện.

Đó là chưa kể nền nông nghiệp đang được tái đầu tư một cách bài bản, đồng bộ với công nghệ mới từ trồng trọt, chăn nuôi tới chế biến sâu.

Tôi tin rằng những hướng phát triển này cần được thể hiện rõ nét hơn trong Quy hoạch điện 8, cơ cấu nền kinh tế thay đổi sẽ là động lực để Việt Nam sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, giảm áp lực phát triển nguồn sản xuất điện, thúc đẩy phát triển công nghệ cao tiêu hao ít năng lượng để có được môi trường trong sạch hơn.

Đi đúng hướng

Vậy lĩnh vực gì đang cần được ngành năng lượng nói chung quan tâm tới?

Có một lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam dự đoán sẽ là một nguồn phụ tải lớn và cũng chưa được đề cập tới trong Quy hoạch 8 lần này. Đó chính là hệ thống giao thông thông minh, phương tiện giao thông sử dụng điện như xe buýt điện, tàu điện cao tốc…

Chúng ta đều biết, Việt Nam đã có những doanh nghiệp đầu tư lớn để sản xuất phương tiện giao thông sử dụng điện như xe buýt, xe du lịch, nhỏ hơn có xe máy và xe đạp điện… Theo tôi, đây là một ngành có tiềm năng nhu cầu cao trong 10 năm tới nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.

Do chưa được đánh giá đúng mức về nhu cầu nên chưa có sự chuẩn bị về hạ tầng lưới điện phân phối. Khả năng bùng nổ của các phương tiện này trong tương lai là rất lớn, đồng thời gây áp lực không hề nhỏ lên hệ thống điện.

Xe buýt điện đang được quy hoạch, thí điểm tại Hà Nội, TP.HCM. Với số lượng 100-200 xe với pin công suất xấp xỉ 300kWh cho 2 thành phố, nhu cầu điện năng và áp lực lên đường dây truyền tải là không đáng kể.

Tuy nhiên, nếu lượng xe được đưa vào sử dụng nhiều hơn, câu chuyện sẽ rất khác. Đó là chưa tính tới nhu cầu sử dụng ô tô cá nhân của hộ gia đình có thể lên tới hàng trăm nghìn chiếc cùng được nạp điện đồng thời… Sạc pin xe điện sẽ là bài toán nghiêm túc chúng ta cần  đặt ra để có sự chuẩn bị hạ tầng phân phối đúng mức.

Ngoài ra, những chủ trương phát triển tàu cao tốc Bắc - Nam là có, nhưng bài toán về năng lượng như thế nào, hình như vẫn chưa được tính đến.

Có lẽ, quy hoạch phát triển ngành điện nói riêng, và quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam sẽ còn nhiều trở ngại?

Quy hoạch đúng và cân đối hài hòa các lợi ích luôn rất khó khăn với mọi quốc gia, không chỉ riêng Việt Nam.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chúng ta đang đi đúng hướng và lạc quan với khả năng phát triển cũng như quá trình chuyển dịch năng lượng nói chung. Và trong suốt quá trình đó, cần sự lắng nghe từ phía cơ quan quản lý nhà nước, sự phản biện mang tính xây dựng của xã hội và sự đồng hành, chung tay của doanh nghiệp. 

Tư Giang - Lan Anh

NHIỆT ĐIỆN, THỦY ĐIỆN HAY ĐIỆN MẶT TRỜI: LỰA CHỌN NÀO CHO VIỆT NAM ?

ĐÀO NHẬT ĐÌNH/ TVN 23-3-2021

Lựa chọn nguồn năng lượng nào cho Việt Nam tới đây, theo quy hoạch Điện 8, là bài toán không dễ dàng.

Phụ tải và công suất phát điện mặt trời 

Cách đây không lâu, tôi đã có những phân tích phụ tải và công suất phát điện mặt trời vào ngày Tết dựa trên biểu đồ phụ tải do Trung tâm điều độ quốc gia công bố. Khi đó, công suất phát điện mặt trời cao hơn phụ tải vào giữa trưa. Việc cắt điện mặt trời vào thời điểm đó là việc không mong muốn nhưng dứt khoát phải làm.

Còn đối với ngày thường đi làm thì thế nào? Hãy lấy phụ tải ngày 4/3/2021 - ngày cả nước đi làm (Biểu đồ hình 1) để xem xét. Lúc này, đáy phụ tải 23 GW vượt hơn đỉnh của công suất phát mặt trời khoảng 7 GW. Nếu nhìn qua, có thể thấy khả năng để điện mặt trời phát hết công suất! Như vậy, ta vẫn nên cắt điện nhưng cắt ít hơn ngày Tết  vì tối hôm đó, phụ tải lên tận 35 GW.

Nhiệt điện, thủy điện hay điện mặt trời: Lựa chọn nào cho Việt Nam?
Biểu đồ phụ tải ngày Tết và ngày làm việc chồng lên nhau
Nhiệt điện, thủy điện hay điện mặt trời: Lựa chọn nào cho Việt Nam?
Giả thiết về lưu trữ ngắn một phần công suất điện mặt trời để phát lại vào giờ tắt nắng

Giả sử để điện mặt trời phát thoải mái thì phần còn lại cho điện truyền thống chỉ còn 7 GW lúc 12h. Từ công suất 7 GW đó, những nhà máy điện còn lại không nhảy nổi lên 35 GW vào lúc 18h.

Khi nghe đến việc điều chỉnh công suất hệ thống lên xuống, hơn 30% khiến nhiều người lo lắng, còn 50% khiến nhiều người căng thẳng. Trong khi đó, 35 GW so với 7 GW là 5 lần, tức là tăng 500% trong vòng 6 giờ rồi sau đó lại xuống ngay.

Thực tế, tôi đưa ra một số ước tính với từng loại hình điện đang có trong hệ thống Việt Nam theo dữ liệu trong dự thảo quy hoạch Điện lực 8 được công bố công khai.

Điện than muốn nhóm lò mất ít nhất 3 giờ, nhiều hơn là 10 giờ. Mỗi lần nhóm lò rất tốn kém và ô nhiễm môi trường. Khả năng tăng giảm công suất của lò tầng sôi tuần hoàn (CFB) đạt 2 lần, nhưng lò này hiệu suất chung kém lò than phun (PC).

Lò PC chỉ có thể giảm 30% công suất, muốn giảm nữa phải châm thêm dầu DO (tốn kém) hoặc là ngừng lò. Đa số nước ta dùng lò PC nên có thể nói 20 GW công suất đặt của than có khoảng 18 GW đang hoạt động và chỉ có thể giảm tối đa xuống 12 GW.

Thủy điện có thể đóng góp cho việc tăng giảm vì khả năng khởi động nhanh, nhất là khi chủ động chạy không tải, nhưng không nhiều vì mùa khô chính thủy điện phải ăn đong.

Thủy điện nhỏ và trung bình có nước là nhằm giờ cao điểm mà phát, hết giờ cao điểm hay thiếu nước phải tắt máy nằm chờ vì những ngày căng thẳng hơn còn ở phía trước cho đến khi có lũ tiểu mãn.

Mùa mưa phải cho thủy điện phát hết cỡ vì nó là nguồn rẻ nhất mà lại ổn định. Chuyên gia nước ngoài hay khuyên là không nên dùng thủy điện thường để phủ đỉnh (phát thêm tổ máy vào lúc phụ tải cao) vì nó làm giảm tuổi thọ của tổ máy. Nên lấy thủy điện tích năng để phủ đỉnh. Công suất thủy điện tích năng ở Việt Nam bằng con số không!

Công suất thủy điện mùa khô chắc cỡ 8 GW. Giảm hết cỡ còn khoảng 2 GW. Không thể giảm nữa vì thủy điện lớn duy trì tần số và chạy không tải để dự phòng thiếu điện đột ngột.

Vì vậy, điện khí chính là thứ tuyệt vời để phát vào lúc trời chập tối vì khả năng tăng giảm công suất rộng, có thể đạt 5 lần. Nhưng tổng công suất điện khí của Việt Nam chỉ có 8,2 GW, trừ 10% bảo dưỡng còn 7 GW. Tức là nếu ban ngày cho điện khí chạy cỡ 2 GW thì buổi tối có thể nâng lên 7 GW ngon lành nếu đủ nguồn khí.

Đặt giả thiết đó là vấn đề nóng vì các mỏ khí của ta đã cạn. Cứ cho là có đủ khí thì 7 GW là quá ít so với 35 GW phụ tải. Điện khí chu trình đơn có thể bật tắt rất nhanh nhưng hiện nước ta chưa làm vì hiệu suất thấp hơn so với chu trình hỗn hợp.

Điện diesel khởi động nhanh, công suất linh hoạt nhờ điều phối số tổ máy. Nhưng diesel kịch cỡ chỉ có chưa đầy 1 GW mà rất đắt. Nó là dự bị chiến lược cho những đợt nắng nóng cao điểm hay mất điện đột ngột.

Gió, sinh khối, nhập khẩu cỡ 2 GW. Không có khả năng tăng theo lệnh tuy gió có thể cắt giảm được.

Vậy là để có 18 GW điện than, 8 GW thủy điện, 7 GW điện khí và sinh khối, nhập khẩu, gió 2 GW nữa vào buổi chiều tối, ta cần duy trì tối thiểu khoảng 12+2+2+2=18 GW công suất cho các loại kia vào điểm thấp nhất. Phụ tải vào giữa trưa là 23 GW. Vậy là chỉ còn 5 GW đất trống dành cho 16,5 GW điện mặt trời.

Nếu mạnh dạn tắt điện khí, được thêm 2 GW nữa 7 GW. Có 16 GW điện mặt trời trong khi nhu cầu mua chỉ có 7 GW, buộc phải cắt giảm! Than, thủy, khí cũng chỉ lên đỉnh 35 GW vài giờ là lại cắt. Một hệ thống điện càng an toàn, công suất dự trữ càng nhiều và số giờ bị cắt càng lớn. Trên thế giới không có hệ thống điện nào mà nhu cầu có thể tạo ra một đường thẳng trong 24 giờ. 

Ba giải pháp

Khó khăn nào cũng có thể đề ra giải pháp. Có thể có 3 giải pháp sau: 

Thứ nhất, tăng công suất điện khí lên khoảng 30% tổng công suất đặt (hiện nay 12%), cao hơn cả kế hoạch trong dự thảo quy hoạch Điện 8. Điện khí vừa khởi động nhanh (nếu chu trình đơn), vừa có thể tăng giảm công suất rộng.

Có một công ty điện khí LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) ở Bạc Liêu năm 2018 nói như đinh đóng cột sẽ phát điện vào năm 2021, với giá rẻ đến mức người khác ngao ngán. Nhưng đến nay, công ty ấy chưa đổ được mét khối bê tông nào.

Ngoài ra, nếu phát triển điện khí tốt, giá bán lẻ điện phải tăng lên vì nguồn khí rẻ đã hết. Nguồn khí sắp tới, từ khí khai thác trong nước đến LNG nhập khẩu đều đắt hơn nên điện khí sẽ đắt hơn. Chưa kể, một tỷ trọng tua bin khí chu trình đơn cao sẽ làm giảm hiệu suất sử dụng khí.

Chúng ta có thể hiểu vì sao nước Đức nổi tiếng với công suất đặt điện năng lượng tái tạo rất cao vẫn phải nhập khí đốt qua đường ống từ Nga để chạy điện khí. Công suất đặt điện khí ở Đức là 30,5 GW so với đỉnh phụ tải 80 GW.

Thứ hai, lưu trữ điện. Giá mà điện mặt trời lưu trữ được 50% rồi phát chậm hơn 5-7 giờ là tuyệt vời (hình 2). Nhưng vấn đề muôn thuở là tiền ở đâu? EVN sẽ có giải pháp lưu trữ điện nhưng chỉ là lưu trữ để đảm bảo tần số khi có biến. Lưu trữ hàng ngày phải là công việc của bên sản xuất điện.

Thứ ba, sử dụng các biện pháp quản lý bên người dùng (DSM) bao gồm tạo ra biểu giá để thay đổi thói quen dùng điện và tiết kiệm điện luôn là giải pháp cả thế giới áp dụng. Các biện pháp này ở Việt Nam đang áp dụng cho điện sản xuất và cũng góp phần san bớt đỉnh phụ tải vào giờ cao điểm, tăng thêm ca làm đêm vào giờ thấp điểm.

Nhưng DSM cũng có giới hạn vì ngay cả ở các nước phát triển với giá điện biến động từng giờ, đường cong phụ tải cũng không bao giờ phẳng được.

Đào Nhật Đình

PHÁT TRIỂN ĐIỆN THAN DO THÍCH ...LỆ THUỘC HAY CÒN LÝ DO KHÁC ?

TRÂN VĂN/ Blog VOA/ TD 30-3-2021

Báo giới và các chuyên gia đang tiếp tục mổ xẻ Đề án Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Dự thảo Quy hoạch điện VIII).

Thương tuần tháng trước, Bộ Công Thương Việt Nam công bố Dự thảo lần một Quy hoạch Điện VIII để thu thập góp ý.

Dự thảo này được khởi thảo từ cuối năm 2018 song khi được công bố, dự thảo đã làm nhiều người, nhiều giới thất vọng về nhiều mặt (1).

Thất vọng lớn nhất và cũng là ẩn họa đáng ngại nhất cả về kinh tế – xã hội, lẫn môi trường, an ninh năng lượng chính là sự trung thành với các nguồn điện tạo ra từ than.

Bất chấp những nhà máy đốt than để phát điện đang tạo ra vô số vấn nạn về môi trường… Bất kể giữa năm ngoái, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc chính thức phát lời kêu gọi các quốc gia ngưng đầu tư và ngừng tài trợ cho các dự án liên quan tới than, không xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới để chuyển đổi sang năng lượng sạch, cắt giảm khí thải, giảm bớt tác hại của biến đổi khí hậu (2)… Dẫu không có tiền, phần lớn vốn đầu tư vào những nhà máy nhiệt điện than phải hỏi vay, trong khi rất nhiều tổ chức tài chính – tín dụng quốc tế đã loan báo ngưng tài trợ cho những dự án xây dựng các nhà máy nhiệt điện than, theo xu thế đó, các ngân hàng Standard Chartered và HSBC, cùng với tập đoàn Mitsubishi cùng rút khỏi Dự án Nhà máy Nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 ở Bình Thuận (3)… thì Dự thảo lần một Quy hoạch điện VIII vẫn hết dạ trung thành với nhiệt điện than.

Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII , từ 2021 đến 2025, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ đổ 24,5% tổng vốn đầu tư vào nguồn điện cho nhiệt điện than.

Trong giai đoạn từ 2026 đến 2030, EVN dành 17.3% tổng vốn đầu tư vào nguồn điện cho nhiệt điện than.

Ở giai đoạn từ 2021 đến 2045, vốn dành cho nhiệt điện than chiếm 14,7% tổng vốn mà EVN đầu tư vào nguồn điện.

***

Mới đây, khi trò chuyện với phóng viên tờ Đất Việt về Dự thảo lần một Quy hoạch Điện VIII, ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) đã lặp lại nhiều vấn đề mà cả GreenID lẫn các chuyên gia, tổ chức quốc tế đã liên tục lưu ý nhiều năm: Vốn đổ vào các dự án xây dựng những nhà máy đốt than phát điện tại Việt Nam là vốn vay. Phía hào phóng nhất trong cho vay là Trung Quốc, kế đó là Nhật, Nam Hàn. Mục đích khi cho vay để phát triển nhiệt điện than tại Việt Nam là giúp các công ty thiết kế, xây dựng, cung cấp thiết bị của những quốc gia này mở rộng thị trường. Riêng với Trung Quốc, hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng thị trường là đặc biệt quan trọng vì hoạt động của các công ty liên quan tới nhiệt điện than sa sút do công suất điện than dư thừa, bị năng lượng tái tạo cạnh tranh và Trung Quốc phải giảm ô nhiễm (4).

***

Cuối năm ngoái, Nam Hàn tuyên bố, đến 2030 sẽ nâng sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời,…) lên mức 20% tổng sản lượng điện. Đến 2034 sẽ đóng cửa 30/60 nhà máy nhiệt điện than (5). Cũng năm ngoái, Nam Hàn loan báo dự tính cấm doanh nghiệp Nam Hàn đầu tư vào các dự án điện than ở ngoại quốc để bảo vệ uy tín của Nam Hàn – không bị xem là “phản diện” trong tiến trình chung của nhân loại, loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, giảm bớt thiệt hại của biến đổi khí hậu (6).

Cũng năm ngoái, Nhật tuyên bố đóng cửa 100/140 nhà máy nhiệt điện than vào năm 2030 (7). Đầu năm nay, Nhật loan báo ngưng tiếp nhận đề nghị hỗ trợ vốn ODA (vốn hỗ trợ phát triển) nếu quốc gia hỏi vay muốn dùng vốn ODA để thực hiện các dự án nhiệt điện than. Ngoài ra Nhật cũng quyết định tạm dừng cấp vốn ODA cho việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài và chỉ dùng vốn ODA để hỗ trợ sản xuất năng lượng tái tạo, giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu (8).

Với xu thế và các diễn biến như vừa kể, sự trung thành của bộ phận soạn thảo Dự thảo lần một Quy hoạch điện VIII với nhiệt điện than, bất chấp thực tế sẽ dẫn tới hậu quả tất nhiên là lệ thuộc cả vào nguồn vốn lẫn công nghệ Trung Quốc về năng lượng trong tương lai xa. Đặt hậu quả ấy bên cạnh vô số trở ngại trong quá trình phát triển điện mặt trời, điện gió tại Việt Nam, có một điều mà người Việt nên hỏi chính phủ: Ngoài sở thích bị… phụ thuộc, còn lý do nào khác hơn không?

Chú thích

(1) https://nld.com.vn/kinh-te/du-thao-quy-hoach-dien-viii-bo-quen-nhieu-bai-hoc-2021030821122423.htm

(2) https://www.vietnamplus.vn/lhq-keu-goi-cac-nuoc-ngung-tai-tro-cho-cac-du-an-than-da/650925.vnp

(3) https://tuoitre.vn/mitsubishi-rut-khoi-nha-may-nhiet-dien-than-o-binh-thuan-20210226082706033.htm

(4) https://datviet.trithuccuocsong.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/van-me-nhiet-dien-than-von-o-dau-3429554/

(5) https://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=48259

(6) https://vinatom.gov.vn/han-quoc-de-xuat-lenh-cam-dau-tu-vao-cac-du-an-xay-dung-nha-may-nhiet-dien-than-o-nuoc-ngoai/

(7) https://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-se-dong-cua-100-nha-may-nhiet-dien-chay-than-trong-10-nam-toi/649665.vnp

(8) https://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-dung-cap-oda-cho-cac-du-an-nhiet-dien-chay-than-o-nuoc-ngoai/688309.vnp

MỔ XẺ DỰ THẢO QUY HOẠCH ĐIỆN 8
TẬP THỂ TG */ TBKTSG 1-4-2021

* PGS.TS. Nguyễn Cảnh Nam, PGS.TS. Bùi Huy Phùng, TS. Nguyễn Thành Sơn, TS. Trần Chí Thành

LTS: Dự thảo “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045” (sau đây gọi tắt là quy hoạch điện lần thứ tám - QHĐ 8) đã được công bố để xin ý kiến góp ý của nhân dân. Kinh tế Sài Gòn xin trân trọng giới thiệu ý kiến đóng góp của nhóm tác giả PGS.TS. Nguyễn Cảnh Nam, PGS.TS. Bùi Huy Phùng, TS. Nguyễn Thành Sơn, TS. Trần Chí Thành.

Giá điện chỉ có tăng mà không có giảm. Ảnh: HOÀNG TÂN

Công tác dự báo và tiêu chí phát triển chưa bám sát Nghị quyết 55

Dự báo nhu cầu phụ tải là một trong những căn cứ quan trọng nhất để lập quy hoạch phát triển điện. Kinh nghiệm từ trước đến nay cho thấy kết quả dự báo nhu cầu phụ tải không chuẩn xác (nói chung là quá cao so với thực tế), dẫn đến xây dựng chương trình phát triển điện không hợp lý và đó là nguyên nhân chính phải thường xuyên điều chỉnh, lập lại quy hoạch điện (giai đoạn 2007-2020 đã bốn lần lập quy hoạch điện).

Phương pháp dự báo đa hồi quy với bộ cơ sở dữ liệu về kinh tế - năng lượng theo 29 năm quá khứ (từ năm 1990-2019) trong tình hình hiện nay là lạc hậu. Phương pháp dự báo nhu cầu điện này chủ yếu theo “quy luật” trong quá khứ, đã không tính đến nhu cầu “Cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả” nêu trong Nghị quyết 55-NQ/TW.

Việc lấy giá điện làm một trong những biến số của hàm hồi quy dự báo nhu cầu điện cũng cần xem xét lại và làm rõ mối quan hệ này trong quá khứ chứ không nên mặc nhiên. Trong thực tế, giá điện do Nhà nước quy định và chỉ có tăng mà không giảm, vì vậy “quy luật” trong quá khứ là giá điện càng tăng thì cầu càng tăng. Điều đó mâu thuẫn với quy luật cung - cầu của thị trường, trong khi về mặt lý thuyết thì giá càng tăng cầu càng giảm và giá càng tăng thì cung sẽ càng tăng.

Các tiêu chí phát triển nguồn điện được nêu trong dự thảo QHĐ 8 có hai vấn đề tồn tại cần khắc phục: Chỉ được nêu một cách định tính, chưa được định lượng. Điều này sẽ dẫn đến kết quả quy hoạch cũng theo định tính (chủ quan); chưa được cụ thể hóa cho từng giai đoạn trong dài hạn từ 2021-2045. Trong thời kỳ dài hạn này, bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của nước ta sẽ có nhiều thay đổi theo hướng phát triển đột phá về chất trong từng giai đoạn năm năm. Điều này sẽ dẫn đến kết quả quy hoạch không chính xác, có thể bị “vỡ”.

Việc xây dựng các tiêu chí cần bám sát một trong các nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 55. Vì vậy, nguyên tắc chung xây dựng các tiêu chí phát triển nguồn điện của QHĐ 8 phải phản ánh được các yêu cầu: “Tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hóa, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững”. Trong đó, cần tập trung và cụ thể hóa ba tiêu chí chính là: (1) Đảm bảo an ninh cung cấp điện; (2) Đáp ứng mức phát thải khí nhà kính trong giới hạn cho phép; (3) Có chi phí sản xuất điện phù hợp với khả năng chi trả của xã hội trong từng giai đoạn.

Bên cạnh đó, khi xây dựng các tiêu chí phát triển nguồn điện, dự thảo chưa tính đến hai yếu tố: Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đã đưa ra các mục tiêu phát triển đến năm 2025, năm 2030 và đến năm 2045 với các mức thu nhập bình quân đầu người tương ứng; Nhu cầu điện ngày càng tăng nên quy mô nguồn điện ngày càng lớn, vượt quá khả năng nguồn cung trong nước, kéo theo phải nhập khẩu điện năng và nguồn nhiên liệu sản xuất điện với khối lượng ngày càng lớn, sẽ đối mặt với nhiều rủi ro về đảm bảo nguồn cung.

Vì vậy, các tiêu chí cũng cần xác định phù hợp cho từng giai đoạn: đến năm 2025, năm 2030, năm 2035 và đến 2045, tương thích với các yếu tố nêu trên trong từng giai đoạn. Trong đó, tiêu chí 1 giữ nguyên vai trò tiên quyết cho các giai đoạn, song nội hàm của nó phải được lượng hóa và xác định phù hợp với quy mô nguồn điện trong từng giai đoạn.

Ví dụ, mức độ tự chủ (thông qua tỷ lệ nguồn cung trong nước và nguồn nhập khẩu phải là bao nhiêu), tỷ lệ dự phòng công suất, mức độ đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu (đối với các loại nhiên liệu nhập khẩu), mức độ đa dạng hóa nguồn điện theo loại nhiên liệu (nhất là tỷ lệ nguồn điện năng lượng tái tạo), mức độ dự trữ nguồn nhiên liệu (tùy thuộc chủ yếu vào quy mô nguồn nhiên liệu nhập khẩu trong từng giai đoạn).

Tiêu chí 2 về mức phát thải, điều kiện tiên quyết là không vượt quá mức giới hạn cho phép, còn mức giảm phát thải theo hướng sạch hơn thì “liệu cơm gắp mắm” tùy thuộc vào tiêu chí 1 và tiêu chí 3. Tiêu chí 3 về chi phí sản xuất điện, điều kiện tiên quyết là phải phù hợp với khả năng chi trả của xã hội, theo đó tiêu chí này sẽ tăng dần phù hợp với GDP bình quân đầu người ngày càng tăng và chất lượng cung cấp điện ngày càng nâng cao và sạch hơn.

Phương pháp tiệm cận còn nhiều vấn đề

Số liệu/cơ sở dữ liệu đầu vào của dự thảo QHĐ 8 không đáng tin cậy. Đặc biệt là các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của các loại hình công nghệ phát điện đã bị bỏ qua. Dự thảo này lại được xây dựng dựa trên cơ sở Cẩm nang của Đan Mạch (một quốc gia đã và đang có nhiều lợi ích trong việc phát triển mạnh nguồn điện năng lượng tái tạo ở Việt Nam!).

Nội dung và mức chi phí ngoại sinh xác định chưa phù hợp với quy định của Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Việc lấy chi phí biên làm giá kinh tế của điện năng là không khách quan và không hợp lý. Chi phí biên là chi phí để sản xuất thêm 1 đơn vị sản phẩm (chi phí sản xuất 1 đơn vị sản phẩm tăng thêm). Với quy luật khan hiếm của các nguồn tài nguyên năng lượng, theo đó nhu cầu điện càng tăng thì phải huy động các nguồn tài nguyên năng lượng có điều kiện khai thác khó khăn hơn cho phát điện và do vậy giá thành các nguồn điện mới ngày càng cao hơn.

Như vậy, lấy chi phí biên tức là lấy giá thành của các nguồn điện mới tăng thêm có mức cao hơn làm giá kinh tế để so sánh với giá thành bình quân thấp hơn của các nguồn điện thì đương nhiên là có hiệu quả. Điều đó hoàn toàn mang tính chủ quan, áp đặt để có hiệu quả.

Nguyên tắc chung không thể làm điện bằng mọi giá, mà chỉ chấp nhận làm điện với mức giá đảm bảo khả năng cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và của các ngành sản xuất sử dụng điện nói riêng. Chính vì vậy Nghị quyết 55 đề ra nhiệm vụ và cũng là yêu cầu “Cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả”.

Hiện nay, xu hướng liên kết lưới điện khu vực ngày càng mở rộng và xuất nhập khẩu điện năng ngày càng nhiều, theo đó điện năng dần trở thành hàng hóa thương mại ở cấp khu vực.

Tuy nhiên, Việt Nam chưa có thị trường điện bán lẻ cạnh tranh, nên chưa có giá thị trường đích thực để làm một trong những căn cứ xác định giá kinh tế (giá tại đó cung và cầu điện năng cân bằng nhau). Do vậy, giá kinh tế của điện năng có thể xác định theo hai phương pháp: Theo chi phí xã hội, tức mức giá mà nền kinh tế có thể chấp nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định, nhưng hiện nay ở nước ta chưa có giá này; hoặc theo giá thị trường quốc tế, là giá điện Việt Nam nhập khẩu.

Vì vậy, việc xác định giá kinh tế của điện năng cần xem xét lại để đảm bảo tính khoa học, khách quan, phù hợp với khả năng chấp nhận của nền kinh tế và hiệu quả kinh tế của quy hoạch là đích thực. Giá kinh tế cần phải được lấy làm giới hạn tối đa để phát triển nguồn điện, không thể quy hoạch phát triển ngành điện với giá thành điện cao bao nhiêu cũng được như trong dự thảo QHĐ 8.

Điện lực thuộc lĩnh vực hạ tầng của cả nền kinh tế. Cả ba đột phá chiến lược theo Nghị quyết 05-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 và Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, đều liên quan đến ngành điện. Vì vậy, trong Quy hoạch điện 8 cần thể hiện rõ các định hướng chiến lược này. Cụ thể:

- Thể chế hóa về nguồn điện, lưới điện và về quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt và hưởng lợi từ nguồn điện và lưới điện quốc gia.

- Thể chế hóa thị trường các yếu tố sản xuất kinh doanh điện năng, bảo đảm để thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực của Nhà nước cũng như của tư nhân đầu tư vào nguồn và lưới điện.

- Phân bổ các nguồn lực về phát điện, truyền tải và phân phối điện theo nguyên tắc thị trường.

- Đổi mới cách thức thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư nguồn và lưới điện theo mức độ hiệu quả kinh tế dự tính của dự án. Đề ra các giải pháp thu hút mạnh mẽ các nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh điện năng (phát điện, truyền tải và phân phối).

- Đề ra các giải pháp nhằm: đẩy mạnh việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư; bảo đảm tính công khai, minh bạch; giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư đối với từng dự án trong lĩnh vực điện năng.

- Cần đưa ra các giải pháp tập trung vốn đầu tư công và các nguồn vốn đầu tư khác (vay ưu đãi của nước ngoài) để thực hiện một số dự án đầu tư trọng điểm của ngành điện và các dự án nguồn và lưới điện tại các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước.

 

Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị đã đề ra Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia với quan điểm xuyên suốt về phát triển ngành điện theo hướng: bền vững; hiệu quả; thị trường hóa; chống độc quyền. Vì vậy, trong nội dung của Quy hoạch điện 8 cần thể hiện các định hướng chiến lược này. Cụ thể:

- Quy hoạch phát triển bền vững các nguồn phát điện với cơ cấu và phân bố hợp lý, bảo đảm an toàn, tin cậy, ổn định theo hướng đa dạng hóa, nâng cao hệ số công suất khả dụng và có dự phòng công suất phù hợp.

- Huy động tối đa vào quy hoạch các nguồn thủy điện hiện có. Phát triển có chọn lọc, bổ sung một số thủy điện nhỏ và vừa, thủy điện tích năng. Có chiến lược hợp tác phát triển thủy điện gắn với nhập khẩu điện năng dài hạn từ nước ngoài.

- Ưu tiên phát triển điện gió và điện mặt trời phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý.

- Đưa vào quy hoạch các dự án nhiệt điện chạy khí LNG đồng bộ từ khâu cung ứng, lưu trữ nhiên liệu và xây dựng nhà máy trên cơ sở giá bán điện xác định thông qua đấu thầu.

- Quy hoạch phát triển nhiệt điện than theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao.

- Quy hoạch phát triển tối đa nguồn điện sinh khối đồng phát; tăng cường phát triển các nguồn điện từ rác thải.

- Quy hoạch phát triển ngành điện từ khâu sản xuất, truyền tải đến phân phối theo hướng: (i) hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường điện; (ii) có khả năng tích hợp quy mô lớn nguồn năng lượng tái tạo; (iii) nâng cao khả năng bảo đảm an ninh mạng lưới điện và chất lượng dịch vụ điện; (iv) thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải; (v) quản lý chặt chẽ hơn cường độ tiêu thụ điện năng; (vi) giảm tối đa tổn thất điện năng; (vii) hiện đại hóa hệ thống điều độ điện; (viii) ứng dụng truyền tải siêu cao áp, truyền tải một chiều trong ngành điện.

- Đề xuất rõ: (i) các cơ chế tài chính về huy động vốn đặc biệt cho đầu tư phát triển ngành điện; (ii) các quy định về kiểm soát và điều phối thị trường điện lực; (iii) cơ chế phát triển các nhà máy điện sản xuất tại chỗ, tự cung cấp trong các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất; (iv) cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ; (v) cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới; (vi) cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia.

- Quy hoạch phát triển ngành điện theo hướng: (i) đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh; (ii) minh bạch giá mua bán điện; (iii) vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia độc lập dưới sự kiểm soát của Nhà nước.


(KTSG) - Về các kịch bản phát triển nhu cầu phụ tải, dự thảo Quy hoạch điện 8 (QHĐ 8) mới chỉ xây dựng các kịch bản đáp ứng nhu cầu phụ tải theo kịch bản cơ sở, còn việc đáp ứng nhu cầu kịch bản phụ tải cao và thấp chỉ đề cập dưới góc độ phân tích độ nhạy.


Như vậy, trên thực tế coi kịch bản phụ tải thấp và cao chỉ là trường hợp biến động của kịch bản phụ tải cơ sở, giống như biến động về giá nhiên liệu sơ cấp, biến động về khí hậu, biến động về chi phí đầu tư nguồn điện, biến động về giá CO2. Quan điểm đó là không đúng khi xây dựng kịch bản và việc phân tích độ nhạy về phụ tải không thể thay thế việc xây dựng và tính toán phát triển nguồn điện cho kịch bản thấp và kịch bản cao;

Việc xây dựng và tính toán các kịch bản (thấp và cao) có sự khác biệt rất lớn so với việc phân tích độ nhạy về phụ tải của kịch bản cơ sở. Cũng như việc chuẩn bị bữa ăn cho 5 người, 10 người hoặc 15 người sẽ có sự khác biệt ngay từ đầu khi lựa chọn món ăn cho từng trường hợp và rất khác với trường hợp chỉ chuẩn bị bữa ăn cho 10 người rồi tính mỗi người ăn nhiều hơn hoặc ít hơn. Về mặt lý thuyết, mục tiêu của phân tích độ nhạy là để xác định mức độ tin cậy hay khả năng chịu đựng rủi ro về mặt hiệu quả kinh tế của dự án đầu tư (tăng, giảm vốn đầu tư; tăng, giảm giá bán; giảm sản lượng => Mức hòa vốn).

Phân tích kinh tế phương án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia có nội hàm phức tạp hơn nhiều, do đây không phải là một dự án đầu tư đơn thuần mà là một tổ hợp gồm nhiều dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn cả nước. Vì vậy, việc đánh giá kinh tế phải là xác định phương án quy hoạch phát triển điện lực (nguồn điện và lưới điện) có hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường tốt nhất.

Nhiều dự án điện gió và điện mặt trời tại Ninh Thuận phải giảm công suất phát do quá tải đường truyền. Ảnh: TTXVN

Dự báo nhu cầu điện chưa đạt yêu cầu về hiệu quả năng lượng

Xem xét căn cứ, phương pháp và kết quả dự báo nhu cầu điện của các kịch bản thấy có một số vấn đề:  

Trước hết, kết quả dự báo chưa đạt yêu cầu về “sử dụng năng lượng có hiệu quả”. Theo kịch bản phụ tải cơ sở (bảng 6.4 của dự thảo), dự báo tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu của nền kinh tế sẽ tăng từ 41% năm 2020 lên 45,6% năm 2045; nông lâm nghiệp - thủy sản giảm từ 15,1% xuống còn 8,7%; thương mại - dịch vụ tăng từ 43,9% lên 45,7%.

Số liệu dự báo trên cho thấy chuyển dịch cơ cấu kinh tế sau 25 năm rất chậm và vẫn theo hướng tăng tỷ trọng các ngành, lĩnh vực tiêu hao nhiều điện là chính (công nghiệp - xây dựng), chưa thực sự theo hướng sử dụng năng lượng có hiệu quả.

Điều này được thể hiện rõ nét trong dự báo “tác động của thay đổi cơ cấu kinh tế đến tăng trưởng điện thương phẩm trong kịch bản phụ tải cơ sở”. Theo đó, trong giai đoạn 2020-2045, tỷ trọng tiêu thụ điện năng của công nghiệp - xây dựng tăng từ 54% lên 58,6%, trong khi tỷ trọng của ngành này trong GDP từ 37,9% tăng lên 43,2%.

Các kịch bản tăng trưởng GDP trong dự thảo QHĐ 8 và quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia (mặc dù hai quy hoạch này là “anh em ruột”) còn có sự khác biệt, đó là điều vô lý.

Ngoài ra, mức độ tiết kiệm năng lượng (chương 5 của dự thảo) được lựa chọn/tính toán (1,5% cho giai đoạn 2021-2030 và 4,5% cho giai đoạn 2030-2045) cần có cơ sở.

Tóm lại, ngoài yêu cầu phải dự báo chính xác về phụ tải điện (như nêu trên), dự thảo QHĐ 8 cần có dự báo về sự phát triển của công nghệ nguồn điện. Các nguồn năng lượng mới như hydrogen, pin nhiên liệu, pin mặt trời, điện sinh khối, tuabin gió... đang ngày càng được phát triển và hoàn thiện. Đồng thời, cần đưa tiết kiệm điện thành chỉ tiêu bắt buộc trong quản lý tiêu dùng và trong quy hoạch phát triển.

Vấn đề phát triển nguồn điện - cao và thấp không chỉ là “quân xanh”

Dự thảo QHĐ 8 đưa ra 11 kịch bản phát triển nguồn điện. Các kịch bản này đều tính cho dự báo nhu cầu phụ tải theo kịch bản cơ sở.

QHĐ 8 trên thực tế chưa xác lập và tính toán phát triển nguồn điện cho kịch bản thấp và kịch bản cao, nên chưa có sự tích hợp ba kịch bản. Cần biết rằng, kịch bản cơ sở chỉ là kịch bản lựa chọn thực hiện chứ thực tế không phải diễn ra hoàn toàn như thế và càng không phải kịch bản cao hoặc kịch bản thấp chỉ đóng vai trò “quân xanh” mà thực tế có thể diễn ra ở mức độ nào đó.

Theo nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 55-NQ/TW, nguyên tắc chung phát triển nguồn điện phải đáp ứng yêu cầu “tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hóa, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững”. Do đó việc xây dựng kịch bản phát triển nguồn điện cần thực hiện theo trình tự sau:

Trước hết cần liệt kê và làm rõ tiềm năng các nguồn tài nguyên năng lượng sẵn có trong nước, làm rõ các lợi thế và bất lợi của từng nguồn, trên cơ sở đó sắp xếp thứ tự ưu tiên huy động.

Tiếp theo làm rõ tiềm năng các nguồn nhiên liệu nhập khẩu cho sản xuất điện, các lợi thế và bất lợi rồi sắp xếp thứ tự ưu tiên huy động/nhập khẩu cho sản xuất điện.

Xây dựng các kịch bản huy động các nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất điện cho cả ba kịch bản phụ tải.

Phân tích, đánh giá, lựa chọn kịch bản phát triển nguồn điện hợp lý nhất theo các tiêu chí đã đề ra.

Vì vậy, cần xây dựng ba kịch bản chính phát triển nguồn điện tương ứng với ba kịch bản phụ tải thấp, cơ sở và cao. Trong đó, mỗi kịch bản phát triển nguồn điện chính có các kịch bản khác nhau theo cơ cấu nguồn điện, gồm theo loại nhiên liệu; theo nguồn cung trong nước và nhập khẩu; theo hướng đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu.

Phân tích, đánh giá và lựa chọn ba kịch bản hợp lý nhất, tích hợp ba kịch bản được chọn trên cơ sở lấy kịch bản cơ sở làm nòng cốt dự kiến các tình huống biến động về cầu và cung, từ đó đề xuất các giải pháp ứng phó thích hợp phù hợp với phạm vi của kịch bản cao và kịch bản thấp.

Trên cơ sở tích hợp ba kịch bản nêu trên, ngoài danh mục các dự án đầu tư theo kịch bản cơ sở, có thêm danh mục các dự án đầu tư dự phòng.

Việc đáp ứng yêu cầu “tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hóa, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững” phải được thể hiện qua cơ cấu nguồn điện.

Cần lưu ý, khi phân tích, đánh giá các kịch bản phát triển nguồn điện, chỉ tiêu về chi phí sản xuất điện mới chỉ là chi phí của khâu sản xuất điện, chưa bao gồm các chi phí nối lưới và truyền tải điện cùng các chi phí đảm bảo an toàn, ổn định, tin cậy của hệ thống điện. Các chi phí này sẽ khác nhau giữa các kịch bản có cơ cấu nguồn điện năng lượng tái tạo khác nhau (điện gió và điện mặt trời). Vì vậy, kịch bản phát triển nguồn điện cho chi phí sản xuất điện thấp nhất chưa chắc đã có giá thành điện toàn bộ thấp nhất.

Phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo như thế nào là phù hợp

Dự thảo đánh giá rằng: “Cơ cấu nguồn điện cho thấy QHĐ 8 khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện), từ khoảng 13% năm 2020 lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045. Đây là xu hướng phù hợp với sự phát triển của thế giới”.

Tuy nhiên, “phù hợp với sự phát triển của thế giới” nhưng không phù hợp với thực tế của Việt Nam.

Theo số liệu của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến ngày 31-12-2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối trên cả nước đã xấp xỉ 27% tổng công suất lắp đặt của cả hệ thống, vượt rất xa con số 13% nêu trong dự thảo QHĐ 8. Trong đó, công suất nguồn điện mặt trời nhiều gấp hơn 19 lần so với công suất đề ra trong QHĐ 7 điều chỉnh, trong khi công suất của đa phần các dạng nguồn điện khác vẫn nằm dưới ngưỡng mục tiêu đề ra trong quy hoạch.

Vì vậy, cần phân tích làm rõ “thành tích” đột biến đó đã tác động như thế nào đến hệ thống điện trong thời gian qua; và nguyên nhân nào đã thúc đẩy “thành tích” đó để rút kinh nghiệm cho thời gian tới trong việc xác định cơ cấu nguồn điện hợp lý, quản lý tổ chức thực hiện quy hoạch và đề xuất cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực phát triển nguồn điện.

So sánh với công suất điện mặt trời đã và dự kiến sẽ huy động trong dự thảo QHĐ 8, công suất điện gió nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng dự kiến huy động chưa tương xứng với tiềm năng kỹ thuật và các ưu điểm, lợi thế của nguồn tài nguyên năng lượng này. Công suất điện gió ngoài khơi đến năm 2030 chỉ đề ra 2 GW ở Kịch bản cơ sở và 3 GW ở Kịch bản cao, trong khi tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi lên đến 162,2 GW.

Việc tăng cường phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo “là xu hướng phù hợp với sự phát triển của trên thế giới”. Nhưng sau hơn 30 năm phát triển điện năng lượng tái tạo kết quả đạt được của các nước trên thế giới có sự cao thấp khác nhau.

Thực tế này cho thấy trong phát triển điện năng lượng tái tạo không phải các nước “xếp hàng ngang” để cùng tiến mà là “xếp hàng dọc” để phát triển; các nước có tỷ trọng điện năng lượng tái tạo cao chủ yếu là các nước có nền kinh tế phát triển, độ tin cậy cung cấp điện của hệ thống cao, đồng thời phải có nguồn điện truyền thống ổn định, tin cậy và chủ yếu là những nước phải có giá bán điện cao (sức mua điện của nền kinh tế phải cao).

Số liệu thực tế trong ba năm 2015-2017 ở Đức, quốc gia có tỷ trọng điện năng lượng tái tạo cao nhất thế giới, cho thấy nguồn điện than của nước này bình quân mỗi năm chỉ chạy 4.655-4.905 giờ, thay vì phải chạy 6.000÷6.500 giờ; điện mặt trời và điện gió phải tạo ra công suất lớn hơn nhiều để phát ra một sản lượng điện nhất định thấp hơn nhiều. Như vậy, điện than phải làm nhiệm vụ “dự phòng” cho điện mặt trời, điện gió.

Ở Việt Nam, độ tin cậy cung cấp điện của hệ thống còn thấp. Cụ thể, độ tin cậy cung cấp điện của hệ thống được đánh giá qua số giờ kỳ vọng xảy ra thiếu hụt công suất nguồn cấp cho phụ tải đỉnh (LOLE) được lựa chọn trong quy hoạch phát triển nguồn là bằng hoặc thấp hơn 12 giờ/năm đối với mỗi hệ thống điện miền, tương đương với độ tin cậy là 99,86%. Hiện nay, các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu chọn chỉ tiêu LOLE là 2,4 giờ/năm, chỉ bằng 1/5 của nước ta, hay nói cách khác độ tin cậy cung cấp điện của họ cao gấp 5 lần của ta.

Những phân tích trên cho thấy, tỷ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, có ảnh hưởng đến tiêu chí an toàn của hệ thống điện và đảm bảo an ninh cung cấp điện. Để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, không sụt điện áp, tần số thì cần có lượng công suất sẵn sàng (dự phòng) phải gần tương đương với tổng công suất các nguồn điện mặt trời, điện gió tham gia.

Vì vậy, ở Việt Nam, chi phí biên bình quân cho phần nguồn sản xuất điện là 8,8 xu Mỹ/kWh giai đoạn 2021-2030 và 9,6 xu/kWh giai đoạn 2021-2045, chi phí biên bình quân đến lưới phân phối là 11,4 xu Mỹ/kWh giai đoạn 2021-2030 và 12,3 xu/kWh giai đoạn 2021-2045 như được nêu trong QHĐ 8 là không đáng tin cậy. Vì, số liệu này rất thấp so với giá điện bình quân của các nước có tỷ trọng điện năng lượng tái tạo trên 20%.

Cần xem lại phân tích đánh giá kinh tế

Việc phân tích đánh giá về kinh tế của phương án quy hoạch phát triển trong QHĐ 8 có nhiều bất cập. Cụ thể:

Chưa phân biệt rõ các phạm trù: giá kinh tế, lợi ích kinh tế và nội dung lợi ích kinh tế.

Nội dung lợi ích kinh tế của giai đoạn quy hoạch điện chỉ mới đề cập đến giá trị kinh tế của điện năng theo chi phí biên dài hạn và lượng điện năng tăng thêm trong giai đoạn quy hoạch (điều này có sự bất cập như đã nêu ở phần trước) mà chưa tính đến các lợi ích kinh tế do quy hoạch điện tạo ra trong các ngành, lĩnh vực sử dụng điện và nền kinh tế nói chung.

Về chi phí kinh tế: (i) chưa nêu giá kinh tế để xác định giá trị của các đầu vào; (ii) chưa xác định tỷ giá kinh tế, hay tỷ giá xã hội, (vì vốn đầu tư có vốn nước ngoài và có điện nhập khẩu); (iii) không rõ nội hàm “tổng thu hồi vốn đầu tư kinh tế toàn ngành điện” là gì (phải là tổng chi phí đầu tư kinh tế toàn ngành điện); (iv) chưa nêu rõ nội dung chi phí kinh tế khác; (v) chưa rõ chi phí sử dụng đất đã tính chưa và tính như thế nào? Cần phải quan tâm đến chi phí này vì không những đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí của các nguồn điện nói riêng và toàn quy hoạch nói chung mà còn phải đáp ứng một trong các yêu cầu sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên.

Vấn đề bất cập nhất của QHĐ 8 là chỉ tính cho một phương án, trong khi có 11 kịch bản phát triển nguồn điện. Mục đích quan trọng nhất của đánh giá kinh tế là nhằm xác định được phương án quy hoạch phát triển điện lực có hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường tốt nhất. Để đạt được mục đích đó, cần đánh giá kinh tế nhiều phương án chứ không thể chỉ một phương án.

Cơ chế chính sách phát triển nguồn điện

Thực tế cho thấy, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg đã tạo ra sự bùng nổ đầu tư của các dự án điện mặt trời một cách ồ ạt, thiếu sự kiểm soát. Quyết định 11 chỉ quy định giá điện và thời hạn áp dụng, không quy định tổng công suất tối đa được phép phát triển trong từng giai đoạn để khống chế công suất nguồn điện mặt trời cân đối với cơ cấu tổng công suất nguồn của hệ thống và khả năng chấp nhận của lưới điện nhằm đảm bảo sự ổn định, an toàn và hiệu quả của hệ thống điện.

Từ thực tế đó, chính sách khuyến khích phát triển bất kỳ nguồn điện theo loại nhiên liệu nào cũng phải được kiểm soát, cân đối trong phạm vi quy mô công suất và cơ cấu công suất nguồn điện theo loại nhiên liệu đã được xác định trong quy hoạch cũng như sự cân bằng của hệ thống lưới điện.

Về tổ chức thực hiện quy hoạch

Thực tiễn từ trước đến nay cho thấy hầu như trong quy hoạch điện nào cũng có nhiều dự án nhà máy điện chậm tiến độ, hoặc không triển khai thực hiện, dẫn đến việc phải thường xuyên điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.

Để khắc phục tình trạng này, QHĐ 8 cần được tiệm cận theo hướng:

Thứ nhất, không nên chỉ lựa chọn và thực hiện theo kịch bản cơ sở mà bỏ hoàn toàn kịch bản cao và kịch bản thấp. Cần phải tích hợp ba kịch bản trên cơ sở kịch bản cơ sở làm nòng cốt và dự kiến các tình huống biến động về cầu và cung theo thời điểm và theo địa bàn, để đưa ra các giải pháp ứng phó thích hợp. Vì vậy, ngoài danh mục các dự án đầu tư theo kịch bản cơ sở, cần có thêm danh mục các dự án đầu tư dự phòng.

Thứ hai, bất kỳ sự đề xuất thay đổi, bổ sung, điều chỉnh nào vượt ra ngoài dự kiến của quy hoạch thì phải đảm bảo có lợi hơn so với trường hợp nếu không thực hiện thay đổi, bổ sung, điều chỉnh đó xét theo trình tự: trước hết trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế quốc dân, tiếp theo mới xét trên phạm vi khu vực có liên quan. Tuyệt đối tránh tình trạng thay đổi, bổ sung, điều chỉnh mang tính tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ địa phương, lợi ích nhóm làm sai lệch quy hoạch.