Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2020

20200119. QUỐC HỘI CHƯA HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐẢNG NÓI RỒI, QUỐC HỘI VÀ CHÍNH PHỦ LÀM THẾ NÀO ?
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 16-1-2020


Ảnh mang tính minh hoạ, nguồn: TTXVN

Liệu nhận định được nêu sau khi đất nước thống nhất, rằng từ nay đất nước sạch bóng ngoại xâm, không một thế lực nào có thể uy hiếp sự toàn vẹn lãnh thổ và tương lai của dân tộc Việt liệu đã là sự thật?
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 30/12/2019 Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: 
“Nắm chắc, đánh giá, dự báo đúng tình hình, nhất là về Biển Đông để chủ động, kịp thời ứng phó, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước”.  [1] 
Phát biểu của ông Trọng cho thấy đất nước còn vô vàn công việc phải làm cho mục tiêu “Độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ”.
Giàu có và hùng mạnh về quân sự như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản,… vẫn còn phải lo bảo vệ chủ quyền thì Việt Nam không thể là ngoại lệ.
Cũng không thể phủ nhận những cố gắng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong ba năm qua nhằm lập lại kỷ cương trong các lĩnh vực quyền con người, kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng,…Không thể phủ nhận có sự phân tâm nào đó trong một bộ phận dân chúng về một số ứng xử của chính quyền với tài nguyên - môi trường, với nạn thực phẩm bẩn, nạn ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn nhưng người Việt luôn biết đoàn kết, gạt sang bên sự bất đồng vì quyền lợi quốc gia, dân tộc.
Báo cáo “Phong vũ biểu tham nhũng Việt Nam 2019” (Vietnam Corruption Barometer 2019 – “VCB - 2019”) được Tổ chức Hướng tới Minh bạch (Towards Transparency - TT) công bố ngày 07/01/2020 cho thấy:
“Cứ hai người dân được khảo sát năm 2019 thì có một người cho rằng các hoạt động phòng, chống tham nhũng là có hiệu quả, tăng gấp đôi tỷ lệ so với năm 2016”. [2]
Báo cáo cũng cho rằng “Số lượng người dân tin rằng họ (lãnh đạo hệ thống chính trị - NV) có thể tạo ra sự khác biệt trong công cuộc phòng, chống tham nhũng cũng tăng lên đáng kể sau ba năm (71% năm 2019 so với 55% năm 2016)”.
Cũng nên biết rằng TT là tổ chức tư vấn phi lợi nhuận và các cuộc khảo sát của TT được thực hiện theo phương pháp luận của Tổ chức Minh bạch Quốc tế. Phương pháp này đã được kiểm nghiệm và vận dụng tại khoảng 150 quốc gia trên thế giới. 
Kể từ năm 2016, khi Ban chấp hành Trung ương khóa 12 chính thức hoạt động, có một cơ quan Đảng luôn được người dân đánh giá cao về sự nghiêm túc, minh bạch, kịp thời là Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Chỉ riêng trong nội bộ Đảng từ năm 2016 đến nay, đã thi hành kỷ luật 1.111 tổ chức Đảng, 18.265 cấp ủy viên các cấp và 54.573 đảng viên.
Trong số đảng viên bị kỷ luật, có 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, gồm: 2 ủy viên Bộ Chính trị, 21 ủy viên và nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 38 sĩ quan lực lượng vũ trang trong đó có 23 người quân hàm cấp tướng. [3]
Quyết tâm chống giặc nội xâm cao như hiện nay “sẽ duy trì bao lâu, đến bao giờ” có thể là băn khoăn mà những người tâm huyết với vận mệnh dân tộc đặt ra nhưng ít nhất cũng có thể tin tưởng, rằng điều đó sẽ được những người cộng sản chân chính duy trì.
Vấn đề là người dân gặp khó khăn khi đánh giá ai là “người cộng sản chân chính” và ai là những kẻ mạo danh bởi lẽ những Đinh La ThăngNguyễn Bắc SonTrương Minh TuấnTrần Văn Minh,… trước khi bị bỏ tù đều là những ngôi sao sáng giá trên chính trường. 
Năm 2016 ông Nguyễn Phú Trọng từng nói “Dân giảm lòng tin với Đảng vì nhiều cán bộ thoái hóa”. [4] 
Gần đây cụm từ “Thoái hóa” được thay thế bằng “Tự diễn biến, tự chuyển hóa” và đến cuối năm 2019 được diễn giải cụ thể hơn bằng các từ: “Nhụt ý chí; Làm việc cầm chừng; Phòng thủ; Che chắn; Giữ an toàn,…”. [1]
Ông Trọng nhiều lần lên tiếng: “Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm”, cảnh báo này mang tính nhân văn nhiều hơn sự răn đe. 
Đã là cán bộ, đảng viên, đã giữ trọng trách lãnh đạo mà lại “phòng thủ, che chắn” trước tổ chức, trước nhân dân thì phải bị biến thành củi chứ không thể “đứng sang một bên” là xong chuyện.
Điều người viết cho là sự chuyển biến mang tính đột phá trong hệ thống chính trị là chỉ đạo về phân quyền và kiểm soát quyền lực giữa Quốc hội và Chính phủ.
Đánh giá vai trò của cơ quan lập pháp và các cơ quan hoạch định chủ trương, đường lối ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng:
“Năng lực xây dựng thể chế, chính sách còn hạn chế; chất lượng luật pháp, chính sách còn thấp". [1]
Với cơ cấu quyền lực hiện nay, xây dựng thể chế và đổi mới thể chế chỉ có thể bắt đầu từ các quyết định của Đảng.
Xây dựng luật pháp, chính sách tuy là trách nhiệm của Quốc hội và Chính phủ nhưng thực ra cũng vẫn dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Quan điểm chỉ đạo của ông Trọng là Quốc hội phải: “Hoàn thành tốt hơn chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước do Hiến định, không trùng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, không đi quá sâu vào các vấn đề kinh tế - kỹ thuật cụ thể như: Xem xét, quyết định danh mục đầu tư công; cho ý kiến vào báo cáo khả thi và lựa chọn nhà thầu xây dựng các công trình, dự án trọng điểm quốc gia”. [1]
Lâu nay, Quốc hội không có bộ phận soạn thảo dự án luật, việc này do các bộ, ngành thuộc Chính phủ đảm nhiệm. Quốc hội chỉ thực hiện quyền lập pháp bằng cách phản biện, thông qua hoặc bác bỏ các dự án luật do Chính phủ đệ trình.
Năm 2011: “Quốc hội tranh cãi gay gắt về luật biểu tình”. [5]
Năm 2017: “Đại biểu sốt ruột với Luật Biểu tình, Luật về Hội”. [6]
Năm 2019: “Quốc hội vẫn đang chờ Chính phủ trình luật Biểu tình”. [7]
Chính phủ chưa trình dự án luật nên Quốc hội phải chờ tới … 10 năm? 
Bất cập này là do phía Quốc hội “Năng lực xây dựng thể chế, chính sách còn hạn chế” hay do sự phân quyền nên Quốc hội không thể thành lập bộ phận tự soạn thảo dự án luật?
Là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, liệu Quốc hội có thể ban hành một văn bản quy phạm pháp luật quy định trách nhiệm và chế tài xử lý nghiêm khắc việc kéo dài thời gian trình dự thảo luật của Chính phủ?
Nếu ban hành thì thời gian chờ đợi có rút ngắn?
Tuy nhiên có những vấn đề hoàn toàn mang tính chuyên môn, kỹ thuật như chiều cao đập thủy điện Sơn La, thiết kế, thi công, xây dựng đường dây 500 KV Bắc - Nam thì lại được đưa ra thảo luận tại Quốc hội.
Quan điểm Quốc hội tập trung vào lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước do Hiến pháp quy định chính là thể hiện sự thượng tôn pháp luật.
Muốn làm tốt chức năng lập pháp và giám sát tối cao, Quốc hội phải trở thành chuyên nghiệp với đầy đủ quyền lực hiến định.
Cùng với đó đại biểu Quốc hội không nên sắm cùng lúc hai vai, vừa lập pháp vừa hành pháp hoặc vừa lập pháp vừa tư pháp.
Mặt khác, vấn đề kiểm soát quyền lực hình như mới chỉ được nhấn mạnh đối với các cá nhân, chưa rõ ràng với các nhánh quyền lực và bộ phận nắm quyền trên thực tế.
Đây không phải là chuyện “nhạy cảm” cần phải né tránh bởi từ năm 2015 Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp trong bài “Quyền lực nhà nước thống nhất, nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa 3 quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp” đã nêu ý kiến:
“Nhà nước Việt Nam đã từ lâu nay đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, hình thành bộ máy lãnh đạo từ trung ương tới địa phương nằm song song, và tách khỏi bộ máy nhà nước.
Sự thống nhất quyền lực ở đây chính là sự tập quyền cho sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản…
Một khi không có sự phân quyền một cách rõ ràng, thì khó có thể kiểm soát quyền lực nhà nước.
Theo quy định của Điều 4 Hiến pháp mới, Đảng Cộng sản Việt Nam và tổ chức của Đảng phải chịu sự giám sát của nhân dân, phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Nhưng cho đến nay vẫn chưa quy định về hình thức, biện pháp giám sát của nhân dân đối với Đảng”. [7]
Với cương vị Tổng Bí thư Đảng, ông Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ những nguyên tắc, phạm vi quyền lực của Quốc hội và Chính phủ, vấn đề là thực hiện như thế nào?
Tài liệu tham khảo:
[1] Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 30/12/2019  
[2] //www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51020904
[3] //thanhnien.vn/thoi-su/da-ky-luat-92-can-bo-dien-tu-quan-ly-tu-dau-nhiem-ky-xii-1170659.html
[4] //thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/tong-bi-thu-dan-giam-long-tin-voi-dang-vi-nhieu-can-bo-thoai-hoa_t114c67n104102
[5] //vnexpress.net/thoi-su/quoc-hoi-tranh-cai-gay-gat-ve-luat-bieu-tinh-2211184.html
[6]//www.baogiaothong.vn/dai-bieu-sot-ruot-voi-luat-bieu-tinh-luat-ve-hoi-d210124.html
[7] //thanhnien.vn/thoi-su/quoc-hoi-van-dang-cho-chinh-phu-trinh-luat-bieu-tinh-1152966.html
Xuân Dương
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét