Thứ Ba, 14 tháng 1, 2020

20200114. QUANH VẤN ĐỀ 'TẨY CHAY' NHIỆT ĐIỆN THAN

ĐIỂM BÁO MẠNG
NHIỆT ĐIỆN THAN VÀ NGUY CƠ VỚI THUỶ SẢN

SÁU NGHỆ/ NN/ BVN 7-1-2020

Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (tổ chức khoa học – công nghệ trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) vừa có nghiên cứu “Phân tích chi phí, lợi ích của kịch bản năng lượng dưới góc nhìn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.
08-18-14_0301201
Ông Nguyễn Hữu Thiện
Nghiên cứu đã đưa ra nhiều thông tin về ảnh hưởng môi trường của nhiệt điện than. Trong đó, chuyên gia sinh thái Nguyễn Hữu Thiện nghiên cứu sâu về nguy cơ đối với thủy sản ĐBSCL và ông có cuộc trao đổi với NNVN. 
Thủy sản di cư
Vùng thủy sản quốc gia ở ĐBSCL có đặc điểm gì nổi trội cần chú ý, thưa ông?
Vùng thủy sản ĐBSCL quan trọng nhất là lưu vực các cửa sông đổ ra biển, gồm lưu vực sông và cả diện tích biển gần bờ vì đó là nơi sinh sống của nhiều loài thủy sản.
Bởi vì các loài thủy sản luôn di chuyển và sự di chuyển của thủy sản giữa sông với biển được xếp thành ba loại: Anadromous là các loài thủy sản sống phần lớn thời gian ở biển nhưng phải đi vào nước ngọt để sinh sản; Catadromous là các loài ngược lại, sống ở nước ngọt nhưng ra biển sinh sản; Potamodromous sống hoàn toàn trong nước ngọt nhưng phải di cư, thường là đường dài, trong hệ thống sông để sinh sản, tìm mồi, sinh sống.
Ông có thể cho ví dụ về một số loài thủy sản có giá trị ở ĐBSCL di chuyển giữa các vùng mặn, ngọt, lợ trong các giai đoạn vòng đời của chúng?
Chẳng hạn cá bông lau (Pangasius krempfi), một loài trong nhóm Anadromous, là cá nước ngọt nhưng di chuyển ra biển trong một số giai đoạn của vòng đời. Sau khi sinh sản ở các vùng thác trung lưu Mekong, trứng trôi xuống vùng hạ lưu ĐBSCL, loài cá này khi còn nhỏ sinh sống một số giai đoạn ở Biển Đông đến khi đạt kích cỡ nào đó, di chuyển vào vùng nước ngọt và lên Nam Lào vào tháng 5 – 6 để sinh sản vào đầu mùa mưa.
Đây là một trong các loài có đường di cư dài nhất của các loài cá Mekong. Tương tự là cá tra bần (Pangasius mekongensis) cũng sinh sống vùng cửa sông ở ĐBSCL và di cư ngược dòng sông Mekong lên Nam Lào để sinh sản. Chúng là đối tượng khai thác quan trọng đối với nghề đánh cá ở các vực nước sâu trên sông Tiền, sông Hậu như cù lao Tân Lộc, kinh Vàm Nao và vùng ven biển.
Một loại đặc sản của ĐBSCL là cá kèo (Pseudapocryptes elongatus), theo nghiên cứu của Đại học Cần Thơ, chúng di cư ra biển mỗi tháng 2 lần tương ứng với 2 thời kỳ triều lên trong tháng là con nước rằm và cuối tháng. Trong đó cá di cư với số lượng lớn và thường xuyên hơn trong thời kỳ con nước cuối tháng.
Về kích cỡ, chúng bắt đầu di cư ở chiều dài 116,1 mm và di cư nhiều nhất khi đạt chiều dài 147,8 mm. Hầu hết cá di cư đều chưa đến giai đoạn thành thục sinh dục. Mặc dù nhiệt độ nước biến động không lớn giữa các tháng nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy cá di cư nhiều hơn khi nhiệt độ thấp; ngược lại, cá di cư ít khi nhiệt độ cao hơn.
Còn cá ngát (Plotosus canius) sống được ở cả ba môi trường nước ngọt, lợ và mặn, thường phân bố khá rộng từ vùng nước ngọt trên sông Tiền, sông Hậu đến vùng nước lợ ở cửa sông và ven biển.
Với họ hàng nhà tôm, như tôm càng xanh vòng đời có 4 giai đoạn rõ ràng là trứng, ấu trùng, hậu ấu trùng và tôm trưởng thành. Tôm trưởng thành sống ở vùng nước ngọt, thành thục và giao vĩ trong nước ngọt, sau đó di cư ra vùng nước lợ (có độ mặn 6 – 18%) và ấu trùng nở ra, sống phù du trong nưóc lợ. Khi hoàn thành 11 lần lột xác để thành tôm con thì di chuyển dần vào vùng nước ngọt.
Trong tự nhiên, tôm thành thục và giao vĩ xảy ra hầu như quanh năm. Tùy từng nơi mà chỉ tập trung vào những mùa chính, ở ĐBSCL có hai mùa tôm sinh sản chính là tháng 4 – 6 và tháng 8 – 10. Tôm cái thành thục lần đầu ở 3 – 3,5 tháng kể từ hậu ấu trùng 10 – 15 ngày tuổi. Kích cỡ tôm nhỏ nhất đạt thành thục được ghi nhận là khoảng 10 – 13 cm và 7,5 g. 
Ô nhiễm nhiệt
Đã có nhiều chuyên gia cảnh báo ảnh hưởng của nhà máy nhiệt điện than với thủy sản ĐBSCL nhưng cụ thể như thế nào, qua nghiên cứu của ông?
Trước tiên dễ thấy là nhà máy nhiệt điện than sẽ gây ô nhiễm nhiệt môi trường nước. Vì lượng nước làm mát của các nhà máy nhiệt điện than lấy trực tiếp từ sông Hậu, sông Tiền, sau khi làm mát thì xả ra lại dòng sông với nhiệt độ chênh lệch 7oC, làm cho nhiệt độ khúc sông gần miệng xả tăng lên, gây ra ô nhiễm nhiệt. Đó là sự hủy hoại chất lượng nước bởi những tiến trình làm thay đổi nhiệt độ của nước.
08-18-14_0301202
Các hậu quả cụ thể như gây sốc nhiệt cho các loài sinh vật: Trong môi trường thiên nhiên, các loài sinh vật thủy sinh sống và tăng trưởng trong giới hạn biến động nhiệt độ hẹp, một số loài nhạy cảm nhiệt có thể chết do sự thay đổi nhiệt độ vượt khỏi mức chịu đựng.
Ô nhiễm nhiệt còn làm thay đổi lượng oxy hòa tan trong nước. Việc tăng nhiệt độ của nước làm giảm lượng oxy hòa tan trong nước. Bên cạnh đó, làm thay đổi sự phân bố tự nhiên của các loài sinh vật thủy sinh. Thành phần và sự đa dạng các loài thủy sinh trong khu vực gần nơi xả nước làm mát nhà máy sẽ bị ảnh hưởng do trực tiếp tiếp xúc với nhiệt quá cao, sự di chuyển của các sinh vật ra xa khỏi môi trường không thuận lợi vì thiếu oxy và nhiệt độ cao.
Theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, có 12 nhà máy nhiệt than với tổng công suất 15.780MW dự kiến được xây dựng tại khu vực ĐBSCL. Như vậy, cùng với 2 nhà máy đã xây dựng, đi vào vận hành (Duyên Hải 1 và Duyên Hải 3), tới năm 2030, tổng công suất từ nhiệt than sẽ là 18.268MW. Nghiên cứu của ông có tính được sự ô nhiễm nhiệt khi đó như thế nào không?
Theo tính toán của chúng tôi, nước làm mát được giả định có nhiệt độ đầu vào là 25 – 27oC (có thể lên tới 32oC vào mùa hè) và nhiệt độ đầu ra cao hơn so với nhiệt độ đầu vào là 7oC thì nhiệt độ ở nhiều khúc sông bị tăng lên.
Nếu số nhà máy nhiệt điện than được xây dựng theo quy hoạch mà không bị hạn chế thì từ năm 2020 đến năm 2050, tổng lượng nước làm mát tăng hàng năm 21,8 tỉ m3.
So với tổng lưu lượng sông Mekong trung bình 475 tỉ m3/năm, thì lượng nước làm mát chiếm đến 4,5%. Đây là tỉ lệ rất đáng kể.
Hơn thế, lượng nước sông Mekong vào Việt Nam thay đổi lớn theo mùa và theo năm. Mùa lũ có lưu lượng của năm trung bình khoảng 28.000 – 30.000 m3/s (tháng lớn nhất 32.000 – 34.000 m3/s) và mùa kiệt từ 3.000 – 5.000 m3/s (tháng kiệt nhất từ 2.200 – 2.500 m3/s).
Theo tính toán của Trung tâm Khí tượng quốc gia, tổng dòng chảy 6 tháng mùa cạn vào ĐBSCL trong giai đoạn 1994 – 2012 cao nhất là 150 tỉ m3 và thấp nhất (năm 1993) chỉ 79 tỉ m3.
Trong đó dòng chảy qua nhánh Sông Hậu chiếm 49% hoặc tương tương 73 tỉ m3 và thấp nhất là 40 tỉ m3.
Riêng cho trường hợp Trung tâm Nhiệt điện Long Phú ở nhánh sông Trần Đề, có thể làm tăng nhiệt độ nhánh sông này lên cao hơn nữa, tới 31,8 – 32,07oC.
Trong tình huống mùa khô, khi lưu lượng nhánh sông Hậu vào tháng kiệt nhất là 1.078 – 1.225 m/s, và tổng lượng nước làm mát Trung tâm Nhiệt điện Sông Hậu và Trung tâm Nhiệt điện Long Phú là 338,4 m3/s thì nhiệt độ sông Hậu đoạn đó bị tăng lên tới 31,48 – 31,6oC, cao hơn khá nhiều mức bình thường 25 – 27oC.
Nhánh sông Trần Đề có tỉ lệ dòng chảy là 21% tổng lưu lượng Mekong (21% của 2.200 – 2.500 m3/s), tương đương 462 – 525 m3/s, lưu lượng nước làm mát của Trung tâm Nhiệt điện Long Phú là 194,4 m3/s.
Đó mới tính toán theo thời tiết bình thường, còn tình huống đặc biệt khô hạn như năm 2016 thì ảnh hưởng sẽ rất lớn. Cũng cần nói rõ, các số liệu này vì dựa vào rất nhiều giả định nên chỉ mang tính chất tham khảo.
Trên thực tế, nước sông có thể bị ảnh hưởng bởi thủy triều lên xuống, sự lan truyền nhiệt có thể không đồng nhất do ảnh hưởng của dòng chảy, và mức tăng nhiệt độ của nước sông có thể thấp hơn nhưng thời gian giữ nhiệt lâu hơn vì trong nước sông có chứa phù sa. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nhiệt đối với nguồn nước là chắc chắn xảy ra.
Sông Mekong về ĐBSCL đổ ra biển có nhiều cửa, tại sao ông vừa nhấn mạnh đến cửa Trần Đề?
Vì ở nhánh sông Trần Đề đang xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện than. Trong lúc, môi trường cửa sông là một trong những nơi giàu tài nguyên thủy sản nhất trên thế giới. Rất nhiều loài thủy sản di chuyển vào ra hành lang này, từ biển vào sông và từ sông ra biển trong vòng đời của chúng. Khi ô nhiễm nhiệt độ xảy ra, thiệt hại chưa lường hết được, chỉ dự đoán là rất lớn.
Có vấn đề thời sự hiện nay là các nhà máy nhiệt điện than gây ra bụi và mưa axít, việc đó có ảnh hưởng tới thủy sản không?
Các nhà máy nhiệt điện than phát thải các chất khí như SOx, NOx là nguồn đóng góp quan trọng cho mưa axít. Mưa axit có thể làm ô nhiễm nguồn nước, đất và một loạt các thiệt hại môi trường khác. Mưa axít xảy ra khi các chất khí thải như SOx, NOx phản ứng với các phân tử nước trong khí quyển tạo ra sulfuric acid (H2SO4) rơi xuống đất khi gặp mưa, tạo thành mưa axít (pH dưới 5.6). Mưa axít ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái, thông qua ảnh hưởng sinh sản và khả năng sống của các loài sinh vật thủy sinh. 
Cần quan tâm tổng lượng phát thải
Những người ủng hộ nhiệt điện than gần đây có giải thích về công nghệ siêu tới hạn và trên siêu tới hạn thải ra ít tro xỉ và bụi, ông đánh giá thế nào?
Việc áp dụng công nghệ mới như siêu tới hạn (SC) hoặc trên siêu tới hạn (USC) dù là một bước tiến quan trọng, có thể giúp tăng hiệu suất phát điện và giảm lượng nhiên liệu sử dụng, lượng phát thải và tro xỉ với cùng một lượng điện năng tạo ra nhưng vẫn không giảm được lượng phát thải, tro xỉ, và lượng nhiệt làm mát trên tấn nhiên liệu.
Do đó, nếu có nhiều nhà máy phát điện tập trung xả thải nước làm mát vào cùng một thủy vực thì tổng lượng ô nhiễm nhiệt vẫn có thể vượt ngưỡng chịu đựng của hệ sinh thái hoặc nếu có nhiều nhà máy tập trung ở một khu vực địa lý thì tổng lượng phát thải vẫn có thể vượt ngưỡng an toàn về sức khỏe cộng đồng.
Nhưng các nhà máy nhiệt điện than đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan thẩm quyền phê duyệt…
Thực tế cho thấy các dự án thường được đánh giá tác động môi trường riêng lẻ và trong phạm vi hẹp về địa lý. Ví dụ khi đánh giá về ô nhiễm nhiệt của các trung tâm nhiệt điện gồm một cụm nhiều nhà máy nhiệt điện hoặc khi có nhiều trung tâm nhiệt điện đặt trên cùng một dòng sông, việc thực hiện đánh giá tác động môi trường cho từng nhà máy nhiệt điện riêng lẻ sẽ không thấy được tác động tích lũy của sự tăng nhiệt độ do tác động của nước thải làm mát từ tất cả các nhà máy đối với dòng sông.
08-18-14_0301203
Danh sách nhà máy nhiệt điện than ở ĐBSCL theo quy hoạch hiện nay. Tuy nhiên, theo báo cáo số 58/BC-BCT ngày 4/6/2019 của Bộ Công thương, phần lớn dự án chậm tiến độ, một số đang bị đề nghị loại bỏ khỏi quy hoạch.
Đối với tác động về sinh thái, việc đánh giá tác động môi trường riêng lẻ cho từng dự án trong phạm vi vùng dự án như cách làm hiện nay sẽ không cho thấy được tác động lên hệ sinh thái. Các hệ sinh thái không phải là các hệ tồn tại trong trạng thái tĩnh mà sự biến thiên theo mùa, ví dụ mùa lũ và mùa kiệt.
Và như trên tôi đã nói, giữa các loại sinh cảnh có sự giao lưu, trao đổi và phụ thuộc lẫn nhau, ví dụ sự di cư sinh sản, sinh trưởng, tìm thức ăn của các loài thủy sản giữa các vùng nước mặn, ngọt, lợ và sự di cư đường dài của các loài thủy sản từ vùng biển ĐBSCL lên thượng nguồn sông Mekong tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau giữa môi trường sông và môi trường biển. Tác động ở một nơi có thể dẫn đến tác động ở phạm vi địa lý lớn hơn và thậm chí có tác động xuyên biên giới.
Thực tế cho thấy các báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án riêng lẻ thường được thực hiện khi các dự án đã được phê duyệt về mặt chủ trương và không có thông tin sớm về các tác động cho các quyết định phê duyệt ở tầm chiến lược này để giúp các cấp thẩm quyền có đủ thông tin cân nhắc trong quá trình phê duyệt. 
Trong chọn lựa phương án phát điện, nếu chỉ so sánh lợi ích và chi phí thuần túy về mặt tài chính, hoặc chỉ đánh giá tác động tại chỗ của từng dự án, trong khung thời gian ngắn, thì không đủ để đưa ra những quyết định sáng suốt nhằm tối ưu hóa sự cân bằng giữa lợi ích và chi phí.
Kiến nghị giới hạn phát thải toàn vùng
Tất cả các phương án phát điện đều có những thuận lợi và những tác động môi trường cần được giải quyết, trong đó có những tác động mang tính cục bộ về mặt địa lý như năng lượng mặt trời sử dụng tốn nhiều đất. Có những tác động có thể giải quyết được bằng biện pháp kỹ thuật; có những tác động vươn xa, khó giải quyết bằng biện pháp kỹ thuật và gây ảnh hưởng dây chuyền tạo ra các tác động khác về lâu dài, thưa ông?
Do đó, khi chọn lựa một hỗn hợp các phương án phát điện để đáp ứng nhu cầu phát triển, cần có sự cân nhắc ở tầm chiến lược, xem xét tác động tích lũy của tất cả các dự án, tác động dây chuyền ở không gian và thời gian phù hợp.
Cụ thể qua nghiên cứu này, ông có kiến nghị gì?
Tôi có 5 kiến nghị.
Một, để giúp những người có thẩm quyền ra quyết định với các dự án có thể đưa ra được những quyết định sáng suốt về việc chọn lựa gói hỗn hợp các phương án phát điện, công nghệ, vị trí đặt dự án, cần tiến hành đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) về năng lượng ở cấp khu vực cho ĐBSCL. Thực tế đã có ĐMC cấp quốc gia cho Quy hoạch điện 7, nhưng vì báo cáo ĐMC cấp quốc gia được thực hiện trên phạm vi cả nước nên đã không phản ánh được những vấn đề quan trọng về mặt môi trường đặc thù của ĐBSCL.
Hai, đối với ĐBSCL, cần đặc biệt chú ý vấn đề ô nhiễm nhiệt đối với sông ngòi vì thủy sản là một trong những trụ cột quan trọng của hệ sinh thái, kinh tế, văn hóa, và sinh kế của vùng ĐBSCL. Trong đó các cửa sông có vai trò đặc biệt quan trọng, là hành lang kết nối sinh thái giữa môi trường sông và môi trường biển.
Ba, đánh giá môi trường chiến lược ĐMC nên được tiến hành trước khi phê duyệt chủ trương cho các dự án và đánh giá tác động tích lũy của tất cả các dự án cùng lúc để đưa ra những quyết định chiến lược giảm thiểu được những tác động trên diện rộng, ảnh hưởng lớn.
Bốn, việc xem xét chi phí và lợi ích của các phương án phát điện không nên chỉ dựa đơn thuần vào chi phí đầu tư và lợi nhuận về tài chính mà cần bao gồm các chi phí về môi trường và xã hội, được tính đúng và đầy đủ với phạm vi không gian và thời gian phù hợp.
Cuối cùng, trong quy hoạch không gian vị trí các nhà máy phát điện, để bảo đảm an toàn cho môi trường, hệ sinh thái, và sức khỏe cộng đồng, việc áp dụng các công nghệ tiên tiến (SC, USC) là rất cần thiết, tuy nhiên cần đưa ra quy định vế giới hạn phát thải đối với một vùng địa lý và giới hạn làm tăng nhiệt độ của một hay các thủy vực, đặc biệt là các thủy vực quan trọng như cửa sông. Tôi xin nhấn mạnh, đặc biệt là các thủy vực quan trọng như cửa sông.
Xin cảm ơn ông!
S.N.

KIẾN NGHỊ CÁC TỈNH KHÔNG ĐƯỢC PHẢN ĐỐI ĐIỆN THAN: VÔ LÝ
MINH THÁI/ĐV/ BVN 8-1-2020
 (Khoa học) – Theo một số ý kiến, đề nghị các địa phương phía Nam không được phản đối nhiệt điện than của Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN là vô lý.
Tại hội nghị Tổng kết ngành Công Thương diễn ra vào hôm 27/12, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã có những đề xuất, kiến nghị xung quanh việc phát triển các dự án nguồn điện.
Cụ thể, theo báo Lao động, để đảm bảo hệ thống điện, ông Ngãi cho biết, bên cạnh chủ đầu tư phải đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện lớn giai đoạn 2021-2025 và sau năm 2025, thì cũng cần tăng cường mua điện từ Trung Quốc và Lào.
Đặc biệt, ông Trần Viết Ngãi đề nghị Thủ tướng chỉ đạo một số tỉnh phía Nam không được phản đối một số dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương mình.
Theo lý giải của ông Ngãi, với công nghệ hiện đại sử dụng lò siêu tới hạn, do đó các nhà máy nhiệt điện than hiện tại và tương lai không gây ảnh hưởng môi trường lớn, cần được khuyến khích làm nguồn điện chủ lực.
Do tình hình cấp bách các dự án nguồn điện phía Nam bị chậm tiến độ, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng kiến nghị Thủ tướng ít 2 tháng 1 lần trực tiếp nghe chủ đầu tư các dự án nhiệt điện than khí; các tổng thầu, các tập đoàn, các địa phương xem xét tháo gỡ vướng mắc khó khăn để có chỉ đạo cụ thể.
Trao đổi với TBKTSG về đề xuất trên, ông Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ và là một chuyên gia về môi trường nhấn mạnh, đây là đề xuất vô lý và trái với những quy định đã có.
Ông Tuấn cho biết, theo quy định, đối với các dự án nhiệt điện than khi triển khai làm báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đều có phần bắt buộc là phải tham vấn ý kiến cộng đồng, tức hỏi ý kiến của người dân sống trong khu vực dự án và ý kiến của địa phương.
Một dự án nhiệt điện than tại Đồng bằng sông Cửu Long
“Tham vấn có nghĩa là đi hỏi ý kiến của địa phương, của người dân xem họ có đồng ý hay không mới triển khai, nhưng ở đây lại đề nghị các tỉnh không được từ chối, như vậy còn tham vấn làm gì nữa?”, ông nêu vấn đề và cho rằng Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam thấy có nhiều địa phương đã từ chối điện than nên mới đề xuất như vậy. “Nhưng đề xuất đó là vô lý, trái quy định”, ông Tuấn tái nhấn mạnh.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng khoa học năng lượng thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tuy không trả lời thẳng vào câu hỏi, nhưng cho rằng việc lựa chọn nguồn điện để phát triển, thì có nhiều phương án khác nhau, bao gồm có nhiệt điện than, điện gió, điện mặt trời, thủy điện…
Tuy nhiên, theo ông Duệ, việc quyết định lựa chọn nguồn năng lượng nào để đầu tư, thì địa phương phải đặt trong bài toàn tổng thể khi xét về yếu tố kỹ thuật, kinh tế và môi trường.
“Phương án nào có lợi thì chọn”, ông nhấn mạnh và giải thích có lợi tức là phải đảm bảo được kỹ thuật tốt; suất đầu tư và giá thành điện năng phải rẻ; không ảnh hưởng đến môi trường, tức không gây phát thải khí nhà kính, khói bụi…, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Liên quan yếu tố kỹ thuật, ông Duệ tỏ ra băn khăn: thứ nhất, thông thường kỹ thuật tốt thì giá cao; thứ hai, nhiên liệu đầu vào liệu có đảm bảo được nguồn cung cấp lâu dài hay không vì một dự án như điện than có vòng đời 20-30 năm; thứ ba, do bài toán kinh tế nên các nhà đầu tư thường chọn công nghệ rẻ, nhưng việc này nó sẽ phát sinh vấn đề ô nhiễm.
“Do đó, quan điểm của tôi là chọn cái nào phải đảm bảo tiêu chí tốt về mặt kỹ thuật, hiệu quả về kinh tế và phải đảm bảo môi trường”, ông cho biết.
TS Lê Anh Tuấn cho biết, nếu tính toán các loại chi phí, bao gồm cả về chi phí xã hội và môi trường, thì suất đầu tư vào điện than không hề rẻ so với các loại năng lượng tái tạo như: điện mặt trời hay điện gió.
“Do mình không tính vô cái phí môi trường và phí xã hội nên mình nói điện than rẻ”, ông nói.
Trước đó, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long như Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu; thậm chí mới đây Thừa Thiên-Huế cũng tuyên bố từ chối đầu tư dự án nhiệt điện than do lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường từ loại năng lượng hóa thạch này.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2030 cả nước sẽ có hơn 70 nhà máy nhiệt điện than. Dự kiến giai đoạn 2018-2022, tổng công suất các nguồn điện đưa vào vận hành 34.864 MW, trong đó nhiệt điện than 26.000 MW, sản xuất khoảng 131 tỷ kWh (chiếm gần 50% sản lượng điện). Tuy nhiên, tới nay mới có 7 dự án nhiệt điện than được khởi công và đang triển khai xây dựng với công suất 7.860 MW, còn thiếu 18.000 MW theo yêu cầu.
Vì sao trong khi thế giới đang cắt giảm điện than do chi phí cao và ô nhiễm môi trường, Việt Nam vẫn xem đây là nguồn năng lượng quan trọng? Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lý giải, các dự án thủy điện lớn và vừa trên các dòng sông đã được quy hoạch, về cơ bản đã được đầu tư và khai thác hết.
Trong khi đó, điện gió và điện mặt trời chỉ tập trung ở một số tỉnh miền Trung, Tây nguyên, không đảm bảo ổn định cấp điện, do phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Thêm vào đó, giá điện năng lượng tái tạo (điện mặt trời khoảng 2.100 đồng/kWh và điện gió 1.900-2.200 đồng/kWh) khá cao.
Do vậy Bộ Công Thương cho rằng vẫn phải phát triển các nguồn điện than để đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển, để giá điện phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và thu nhập của người dân.
Trong khi đó, trữ lượng than trong nước đang dần cạn kiệt, việc gia tăng các nhà máy nhiệt điện than theo Quy hoạch điện VII, đã đưa than lọt vào nhóm hàng nhập khẩu lớn của Việt Nam. Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu than 927 triệu USD, năm 2017 đã tăng lên 1,52 tỷ USD và 2018 vượt 2,25 tỷ USD.
Dự kiến, nhập khẩu than năm 2019 sẽ vượt mốc 3 tỷ USD. Song kịch bản nhập khẩu than với khối lượng lớn để phục vụ sản xuất điện trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức trước sự cạnh trạnh của các nước nhập khẩu than với khối lượng lớn trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc…
Việt Nam đang chịu áp lực lớn theo cam kết về chống biến đổi khí hậu, đặc biệt khi sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Cả nước hiện có 28 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành, với tổng công suất khoảng 18.000 MW, chiếm 39% trong cơ cấu nguồn điện. Điều đã được cảnh báo rất nhiều, là nguồn thải từ nhiệt điện than gồm có khí thải lò hơi, nước thải công nghiệp, chất thải rắn như tro, xỉ, rất nguy hại với môi trường.
Trong bối cảnh Việt Nam đang nằm trong nhóm nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu trong tương lai gần, nếu không có hành động ứng phó tích cực, việc hàng chục nhà máy nhiệt điện than tiếp tục được xây dựng và vận hành ít nhất 30 năm nữa, liệu có đi ngược cam kết trên của Việt Nam?
M.T.

VIỆT NAM: ĐIỆN THAN PHẢI TẠM LÙI MỘT BƯỚC, TRƯỚC ĐÒI HỎI  CỦA GIỚI MÔI TRƯỜNG 
TRỌNG THÀNH/RFI/ BVN 9-1-2020

Việt Nam trong một thời gian dài sắp tới vẫn sẽ còn bị đặt trong tình trạng đầy nghịch lý là: ”hầu như không có dự phòng về điện” trong lúc một bộ phận những người muốn đầu tư vào điện gió, điện mặt trời, lại sẽ phải nản lòng, bỏ cuộc, vì vô vàn trở ngại từ phía chính quyền.
Tạo các rào cản về pháp lý và hành chính đủ loại, để hạn chế điện mặt trời, phải chăng nằm trong toan tính ”câu giờ” của những người chủ trương phát triển điện than đến cùng hiện nay?
So sánh nồng độ bụi siêu mịn PM2.5 từ các nhà máy điện than hiện nay (hình trái) và dự báo năm 2030. Mô phỏng của nhóm Shannon N, Kopliz và ctv, Đại học Harvard 2015. Copy d’ecran Green ID
Những năm gần đây, áp lực tăng trưởng cao đòi hỏi lượng điện phải tăng đột biến khiến Việt Nam đang ngả hẳn vào vòng tay điện than (1) – một trong những thủ phạm làm ô nhiễm không khí và tạo khí thải gây hiệu ứng nhà kính đáng sợ.
Tưởng không có đường nào khác. Thế nhưng, trong năm 2019 vận hội mới đang mở ra. Tiến trình giã từ điện than có thể sẽ diễn ra sớm hơn. Nhiều yếu tố cho thấy điện than phải tạm lùi một bước trước đòi hỏi của giới bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đây rất có thể chỉ là một bước lùi chiến thuật của các thế lực muốn thúc đẩy điện than đến cùng.
Trong hội nghị tổng kết hoạt động năm của ngành Công Thương, ngày 27/12/2019, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ”cần tiếp tục đẩy mạnh các dự án đang làm, nhưng nếu tiếp tục phát triển các dự án điện than mới, dư luận không đồng tình. Phát triển mới phải theo hướng năng lượng xanh”. Sau hội nghị tổng kết ngành, ngày 30/12/2019, những đại diện cho nhiều liên minh, mạng lưới các tổ chức phi chính phủ đã nhóm họp, ra ”Tuyên bố Hà Nội” hoan nghênh ”ý kiến kết luận” của thủ tướng Phúc.

Nhiều địa phương tẩy chay điện than

”Tuyên bố Hà Nội” (về việc xây dựng các nhà máy điện than trên lãnh thổ Việt Nam) ”ủng hộ chính quyền các tỉnh Bạc Liêu, Long An, Huế, Tiền Giang đã mạnh dạn bác bỏ các dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh (do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký năm 2016) để thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch hơn”, đồng thời nêu ra danh sách 14 dự án điện than (2) – với công suất tổng cộng 17.390 MW, tương đương hơn 1/3 tổng công suất điện hiện có tại Việt Nam – cần tạm dừng triển khai, ”để đánh giá toàn diện tính khả thi về tài chính, các tác động về sức khỏe, môi trường, an ninh, trật tự xã hội”.
”Tuyên bố Hà Nội” cũng coi nhận định của thủ tướng Phúc là một câu trả lời trực tiếp cho phát biểu của ông chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi, đưa ra cũng trong hội nghị này, “đề nghị thủ tướng chỉ đạo một số tỉnh phía nam không được phản đối một số dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương mình”.
Bên cạnh đó, nhóm các tổ chức dân sự ra ”Tuyên bố Hà Nội” cũng yêu cầu chính quyền buộc các nhà máy nhiệt điện phải ”công khai dữ liệu quan trắc môi trường (nước thải và khí thải) tới người dân và công chúng để đảm bảo công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình”. Các tổ chức dân sự yêu cầu người dân và các tổ chức đại diện cho người dân phải có quyền được ”tham vấn” về các dự án năng lượng ”ngay từ khâu lập kế hoạch”, để tránh tình trạng người dân bị chính quyền các cấp đặt trước sự đã rồi.

Một hội nghị đầy kịch tính – Ý kiến của GS Nguyễn Ngọc Trân

Hội nghị tổng kết ngành Công Thương ngày 27/12/2019 quả thật đầy kịch tính. Ngay sau hội nghị đặc biệt này, và trước khi Tuyên bố Hà Nội về điện than của nhóm các tổ chức dân sự được đưa ra, Giáo sư TSKH Nguyễn Ngọc Trân – nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, nguyên ủy viên Hội đồng Chính sách và Công nghệ Quốc gia – đã có một bài viết trực diện hiếm thấy. Giáo sư Trân đã nói đến trách nhiệm của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Trong bài ”Bộ Công Thương, Điện Than và Nghị Quyết 120/NQ-CP‘, GS Nguyễn Ngọc Trân phê phán một luận điểm phổ biến thường được giới chủ trương phát triển điện than, bất chấp các hệ quả môi trường – sức khỏe đưa ra để biện minh cho loại hình năng lượng này, được chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhắc lại trong hội nghị. Đó là trong hiện tại ”hệ thống điện quốc gia hầu như không còn dự phòng”. Luận điểm nói trên ngụ ý như vậy điện than bắt buộc phải khẩn trương trở thành giải pháp chủ đạo.
Theo tác giả, với lập luận nói trên, giới chủ trương ”ôm chặt điện than” đã tìm cách lẩn tránh trách nhiệm trong việc, trong một thời gian dài, đã viện nhiều lý lẽ để ”từ chối năng lượng tái tạo, trước tiên là năng lượng gió và năng lượng mặt trời”, cũng như trong việc đã không thực sự tạo điều kiện để các nguồn năng lượng tái tạo kết nối với mạng lưới điện toàn quốc thời gian gần đây, khi điện mặt trời phát triển đột biến. Mặt khác, lập luận này cũng nhằm tạo một thứ áp lực để người đứng đầu chính phủ chỉ đạo một số tỉnh không được phép phản đối nhiệt điện than.
Trong bài viết nói trên, Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân còn đặt Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đối diện với nghị quyết 120/NQ-CP, về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ban hành ngày 18/11/2017). Theo nghị quyết này, Bộ Công Thương phải có nhiệm vụ ”hạn chế tối đa việc bổ sung các nhà máy nhiệt điện than mới vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trên địa bàn các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long; từng bước chuyển đổi công nghệ đối với các nhà máy nhiệt điện than hiện có theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường; tập trung khai thác tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, trước hết là năng lượng gió và năng lượng mặt trời”.

”Năng lượng tái tạo” liên minh với ”Sức khỏe cộng đồng”

Sự chuyển biến trong nhận thức của người đứng đầu chính phủ Việt Nam, về các nhà máy điện than không được dư luận đồng tình do ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe – môi trường, một phần là kết quả của các vận động bền bỉ của hai mạng lưới, liên minh cổ vũ cho năng lượng tái tạo và liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm, trên các mạng truyền thông xã hội, trên báo chí chính thống cũng như trực tiếp với các cơ quan chính quyền.
Bác sĩ TS Trần Tuấn, thành viên sáng lập Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN), nhận xét:
”Về vấn đề năng lượng ở Việt Nam, thì rõ ràng là từ khi chính phủ ra Quy hoạch điện VII (trong đó có cơ cấu các nguồn sản xuất điện của Việt Nam, từ 2015 đến 2030), lúc đó chúng tôi có tham gia vào và nhận thấy rằng: có sự lệch lạc trong đường lối, khi đẩy mạnh phát triển nhiệt điện than, mà không chú ý đến năng lượng tái tạo.
Sau thời gian đó, đã có những lên tiếng rất mạnh mẽ ở các góc độ khác nhau. Lúc đó, các tổ chức xã hội dân sự chủ yếu tập trung vào một mạng lưới gọi là Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), mà điều phối là tổ chức Green ID. Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) lúc đó cũng bắt đầu tham gia vào, với mục tiêu xem xét vấn đề sức khỏe liên quan đến các nguồn sản xuất điện gây ô nhiễm, trong đó đặc biệt là nhiệt điện than. Tiến trình vận động liên tục để làm sao giảm cơ cấu nhiệt điện than, và tăng nguồn điện từ năng lượng tái tạo đã diễn ra tương đối mãnh liệt và ngày càng tăng.
Chúng tôi có thể tóm lược là, một là bản thân về phía chính phủ ở cấp độ thủ tướng, đã được tiếp nhận thông tin và đã có sự chuyển hướng, nhận thức được nhiệt điện than là năng lượng bẩn, nguy cơ đối với sức khỏe, môi trường, cho nên không thể cho phát triển trong tương lai. Chính vì thế các liên minh phối hợp đưa ra kiến nghị Hà Nội, ủng hộ sự chuyển hướng đó. Cái quan trọng là các liên minh này lần đầu tiên đã phối hợp với nhau, và dùng cách tiếp cận lên tiếng một cách chính thống, gửi đến các cơ quan cao nhất, đáp ứng ngay phản ứng tích cực từ phía chính phủ. Và đồng thời cũng để ngăn chặn ngay các thế lực đang vận động cho nhiệt điện than quay lại. Chúng tôi đánh giá đây là một tín hiệu tốt. Một cách làm tốt. Thể hiện sự quan tâm của khối xã hội dân sự một cách công khai, dân chủ, với tình hình hiện nay”.

Chính phủ trong thế ”nước đôi”

Tuy lạc quan, nhưng bác sĩ Trần Tuấn tỏ ra rất thận trọng. Đối với ông, phản ứng nói trên của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho dù có phần ngả về phía năng lượng tái tạo, nhưng chính phủ vẫn đang ở thế ”nước đôi”:
”Chính phủ dường như vẫn đang ở thế nước đôi. Một mặt cũng mở ra chấp nhận phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, nhưng mặt khác vẫn tiếp tục đi theo kế hoạch xây mới (các nhà máy nhiệt điện than). Trước đây, theo kế hoạch dự kiến có 43 nhà máy nhiệt điện than xây mới. Và gần đây, dự kiến đến 2030, sẽ xây thêm vào khoảng 51 nhà máy điện than mới”.
Thái độ nước đôi của chính phủ có lẽ đặc biệt thể hiện rõ trong chính sách đối với điện mặt trời trong năm 2019.
Trong lúc điện than ngày càng bị lên án mạnh mẽ, năm 2019 vừa qua chứng kiến một bước thay đổi chưa từng có trong lịch sử năng lượng Việt Nam. Công suất điện mặt trời lắp đặt mới tăng gấp hơn 50 lần so với năm 2018, với khoảng 4.500 Megawatt (MW), chiếm khoảng 10% công suất điện toàn quốc, gấp 5 lần so với dự kiến trong Quy hoạch điện VII. Điện mặt trời, từ chỗ là một nguồn năng lượng lép vế, hết sức bị coi thường, đang bật lên như một nguồn năng lượng bổ sung hàng đầu, bù đắp vào nguồn thiếu hụt điện năng, với công suất ước tính hàng nghìn MW/năm. Tuy nhiên, điện mặt trời trong năm 2019 đã trở thành giấc mơ dang dở, thậm chí nỗi khổ ải của không ít nhà đầu tư.

Ba tắc nghẽn: ”Tắc quy hoạch – tắc giá – tắc lưới”

Bài ”Bỏng vì… điện mặt trời” trên trang mạng của báo Nhân dân (ngày 28/12/2019) tổng kết: ”Trái với sự sôi động đua chen, giành giật bằng được để có dự án điện mặt trời trước đó, năm 2019 đã chứng kiến nhiều tâm trạng từ lo âu, bồn chồn trông đợi đến thất vọng vỡ òa của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này…”. Cụ thể là ”sự phức tạp “như đánh đố” của hệ thống luật, dưới luật khiến 290 dự án điện mặt trời khác đang đề xuất bổ sung quy hoạch với tổng công suất 31.600 MWp (tương đương khoảng 25.300 MW) lại “dài cổ chờ””.
Trang mạng của cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam tổng hợp ba loại ách tắc chính: ”Tắc quy hoạch, tắc giá, tắc lưới”. ”Không chỉ các dự án điện mặt trời mới tắc triển khai vì không có trong Quy hoạch, các dự án điện mặt trời đang được triển khai cũng gặp khó khăn vì tới giờ vẫn chưa biết tính giá nào”. Và nhiều nhà máy điện mặt trời đã đi vào hoạt động cũng lại không thể hoạt động hết công suất do nguy cơ quá tải hệ thống đường dây truyền điện, đặc biệt tại Ninh Thuận, Bình Thuận.
Trước áp lực của giới bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, trong bối cảnh điện mặt trời ngày càng có tiềm năng phát triển, trong xu thế chung toàn cầu, các thế lực ủng hộ điện than tại Việt Nam phải chấp nhận tạm lùi một bước. Nhưng điện mặt trời – động lực chủ yếu của năng lượng tái tạo tại Việt Nam – đang gặp phải hàng loạt rào cản về pháp lý và hành chính đủ loại.

Điện than ngăn điện mặt trời?

Bên cạnh tình trạng ”vỡ quy hoạch”, cơ sở hạ tầng lưới điện không chuẩn bị kịp với sự phát triển đột biến của điện mặt trời (vốn bị coi nhẹ trong một thời gian dài), nhiều nhà quan sát cho rằng cơ chế xin – cho hiện nay trong ngành điện lực tiếp tục là một trở lực chính đối với năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Một số người thậm chí còn hoài nghi là tại Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN, có nhiều thế lực muốn bằng mọi cách giữ cho điện than có tỉ trọng cao nhất có thể trong Quy hoạch điện VIII đang được xây dựng (dự kiến hoàn tất vào mùa thu năm 2020), và với họ, điều này chỉ có thể được, nếu như điện do năng lượng tái tạo nói chung, điện mặt trời nói riêng, phát triển càng chậm càng tốt.
Có nghĩa là, năm 2020 đáng lẽ sẽ phải là năm bùng phát NLTT, với đà phát triển thuận lợi hiện nay, rất có thể sẽ trở thành một năm chững lại, chỉ với hy vọng ”giải tỏa” hết công suất hiện có (vào cuối năm 2020, như lời hứa của ông chủ tịch EVN). Tình hình có lẽ sẽ không khác mấy so với những gì diễn ra vào nửa sau năm 2019. Và Việt Nam trong một thời gian dài sắp tới vẫn sẽ còn bị đặt trong tình trạng đầy nghịch lý là: ”hầu như không có dự phòng về điện” trong lúc một bộ phận những người muốn đầu tư vào điện gió, điện mặt trời, lại sẽ phải nản lòng, bỏ cuộc, vì vô vàn trở ngại từ phía chính quyền.
Tạo các rào cản về pháp lý và hành chính đủ loại, để hạn chế điện mặt trời, phải chăng nằm trong toan tính ”câu giờ” của những người chủ trương phát triển điện than đến cùng hiện nay?
Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, trong một bài viết đầu năm 2019 mang tựa đề ”Nhiệt điện than trong một tổng sơ đồ năng lượng quốc gia đổi mới”, đã lưu ý vấn đề cục bộ của nhiệt điện than ”phải đặt trong tổng thể (tổng sơ đồ năng lượng quốc gia)”, và tổng thể này ”phải luôn đổi mới trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đang làm thay đổi sâu sắc và nhanh chóng mọi hệ thống. Theo ông, ở đây có hai điểm chính cần đặc biệt chú ý cho một chiến lược điện than hợp lý. Đó là loại năng lượng này cần được đặt trong thế so sánh đầy đủ với các năng lượng khác, về cán cân Được – Mất về cả ba mặt kinh tế, môi trường và xã hội,  trong đó sinh kế và sức khỏe của người dân phải được đặt lên hàng đầu (không thể đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế).
Điểm chính thứ hai là cần theo dõi sát tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ và giá thành trong lĩnh vực năng lượng; nói riêng trong lĩnh vực điện than, năng lượng tái tạo (NLTT), rút ra những dự báo và điều chỉnh kịp thời (3). Nếu không dự báo và điều chỉnh kịp thời, Quy hoạch điện VIII chắc chắn sẽ lại rơi vào vết xe đổ của Quy hoạch điện VII.

Ghi chú

1 – Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), ban hành tháng 3/2016, nhiệt điện than đến năm 2020, dự kiến chiếm khoảng 49,3% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 63 triệu tấn than; năm 2025, chiếm khoảng 55% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn than; năm 2030, khoảng 53,2% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 129 triệu tấn than. Do nguồn than sản xuất trong nước hạn chế, cần xây dựng một số nhà máy nhiệt điện… sử dụng nguồn than nhập khẩu.
2 – Trong số 14 dự án được nêu trong danh sách, ngoài nhiều dự án bị chính quyền địa phương bác bỏ, còn có một số dự án – tuy được chính quyền ủng hộ, nhưng bị dân chúng chống lại – như dự án Vĩnh Tân 3 (tỉnh Bình Thuận). Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (cũng thuộc tỉnh Bình Thuận), do công ty Trung Quốc xây dựng, hoạt động từ 2014, từng là nguyên nhân dẫn đến biểu tình, bạo động, do xỉ than gây ô nhiễm nghiêm trọng.
3 – Vấn đề lưu trữ năng lượng điện tái tạo, vốn bất ổn vì phụ thuộc vào điều kiện thất thường của tự nhiên, là một trong các bài khó với điện mặt trời, điện gió. ”Thủy điện tích năng” là một giải pháp. Quy hoạch Điện VII điều chỉnh (2016) đã quy hoạch 3 nhà máy ”thủy điện tích năng”. Nhà máy thủy điện loại này sử dụng điện năng thừa vào những giờ thấp điểm phụ tải, để bơm nước từ bể nước thấp lên bể cao. Vào thời điểm nhu cầu tiêu thụ điện năng lớn, nước sẽ được xả từ hồ chứa cao xuống hồ chứa thấp hơn thông qua các tua bin để phát điện trở lại lên lưới. Công suất ”thủy điện tích năng” toàn cầu năm 2018 ước tính 1.400 GW.

T.T.

Nguồn: http://www.rfi.fr/vi/việt-nam/20200108-viet-nam-dien-than-phai-tam-lui-mot-buoc

KHÔNG KHÍ Ở HÀ NỘI VÀ TP.HCM Ô NHIỄM TỪ NGUỒN NÀO ?
PHẠM NGỌC ĐĂNG/ TVN 11-1-2020

 - Ô nhiễm không khí đang là một trong những vấn đề môi trường được quan tâm sâu sắc ở nước ta, đặc biệt là hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Trong bài viết này, tôi xin trích một vài số liệu nghiên cứu của GSTS Phạm Ngọc Đăng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội về chủ đề này.
Con người có thể nhịn ăn từ 7-10 ngày, nhịn uống từ 3-5 ngày, nhưng chỉ 3-5 phút mà không thở là chết. Nói thế để thấy không khí quan trong như thế nào đối với sự sống.
Ô nhiễm không khí gây ra bệnh tật, tức thời và lâu dài. Về ngắn hạn là các bệnh dị ứng da, mề đay, ngứa; nhiễm trùng mắt (viêm kết mạc); Kích ứng mũi và họng; Ho, suyễn; Viêm phế quản, viêm mũi; Khó thở, viêm họng, viêm phổi; Đau đầu và nôn.  Về lâu dài là các các bệnh đường hô hấp mãn tính; Ung thư phổi; Làm trầm trọng bệnh tim; Gây tổn thương não và thần kinh; Gây tổn thương cơ quan nội tạng (như gan và thận).
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2006, trên thế giới có 777.000 người chết non do phơi nhiễm ô nhiễm bụi không khí, trong đó châu Á có 531.000 người chết, chiếm 68%.
Theo kết quả nghiên cứu của Đề tài Chương trình khoa học quốc gia số 23 do Cục Y tế, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện trong hai năm 2011-2012, tỷ lệ số người bị mắc các bệnh đường hô hấp ở Hà Nội cao hơn thành phố Hồ Chí Minh từ 1,3-1,5 lần. Số liệu quốc tế cho thấy, năng suất lao động tăng khoảng 5% khi người ta làm việc trong môi trường không khí có chất lượng tốt, tiện nghi.
Không khí ở Hà Nội và TP.HCM ô nhiễm từ nguồn nào?
Cầu Bình Lợi (thành phố Hồ Chí Minh), ở khoảng cách 500m, tất cả chìm trong màn sương mờ ảo 
Chất lượng không khí được cải thiện
Trong giai đoạn 2011-2018, chất lượng không khí đô thị ở Việt Nam có cải thiện chút ít so với giai đoạn 2005-2010.
Các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, hay các đô thị có hoạt động công nghiệp mạnh như Việt Trì (Phú Thọ) , ô nhiễm bụi vẫn còn ở ngưỡng cao, đặc biệt là các khu vực gần các trục giao thông chính. Tại các đô thị này, số ngày có chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức kém, xấu (AQI=101-200), và rất xấu (AQI=201-300) chiếm tỷ lệ khá lớn.
Điển hình như tại Hà Nội, số ngày trong năm 2014 có AQI ở mức kém chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng số ngày quan trắc trong năm, thậm chí, có những ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng rất xấu và nguy hại (AQI trên 300).
Các đô thị ở khu vực phía Bắc có tỷ lệ ngày bị ô nhiễm bụi mịn cao hơn hẳn so với các đô thị ở các khu vực phía Nam. Các đô thị vùng ven biển có chất lượng môi trường không khí tốt hơn so với các đô thị ở trong đất liền xa biển.
Ở khu vực miền Bắc, nồng độ bụi thay đổi qua các tháng trong năm, theo diễn biến mùa. Ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn, thường tập trung vào các tháng mùa Đông, từ tháng 11 đến tháng 3.
Đối với các đô thị phía Nam, nồng độ các loại bụi mịn có sự khác biệt đáng kể giữa mùa khô (tháng 12 đến tháng 4) và mùa mưa (tháng 5 đến tháng 11). Nồng độ bụi đô thị thường cao trong mùa khô và thấp trong mùa mưa.
Diễn biến ô nhiễm bụi theo các năm cho thấy, các năm 2011-2013, ô nhiễm bụi khá nặng tại nhiều đô thị. Những năm gần đây, nồng độ bụi trong không khí có xu hướng giảm chút ít.
Ở khu vực đô thị, nguồn gốc phát sinh các loại khí độc chủ yếu từ hoạt động giao thông, phát thải từ đốt than và dầu chứa lưu huỳnh (xe buýt, sản xuất công nghiệp và đun nấu bằng than).
Tám nguồn gây ô nhiễm chủ yếu
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội là do Hà Nội gây ra, không phải do các nguồn phát thải từ các tỉnh đến. Các nguồn thải ô nhiễm không khí đều phát ra từ mỗi thành phố.
1.Các chất ô nhiễm thải ra từ các ống xả của các phương tiện giao thông cơ giới, đặc biệt từ các xe cũ không được bảo dưỡng thường xuyên.
2.Phát thải từ các hoạt động xây dựng mới và sửa chữa các công trình nhà cửa, giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị; từ sự rơi vãi, phát tán từ hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu rời, nhất là vận chuyển đất cát.
3.Phát thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp ở bên trong và xung quanh thành phố.
4.Từ vệ sinh đường phố còn kém, mặt đường và hè phố với chất lượng xấu, lại bị bẩn, tình trạng vất rác bừa bãi, mất vệ sinh ...
5.Phát thải từ các bếp đun than tổ ong.
6.Rò rỉ và bốc hơi khí xăng dầu từ các trạm bán xăng dầu, từ các xe cộ cơ giới, từ các nơi sản xuất chế biến sơn, véc ni và từ các nơi quét sơn, véc ni.
7.Mùi hôi thối bốc lên từ cống rãnh, ao hồ, sông ngòi bị ô nhiễm môi trường nước.
8.Nông dân ngoại thành đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch lúa.
Các giải pháp đề xuất
Thứ nhất, kiểm soát ô nhiễm giao thông vận tải:
Về ngắn hạn, chúng ta cần kiểm soát nguồn thải từ các phương tiện giao thông vận tải. Định kỳ kiểm tra về khí thải đối với tất cả các phương tiện giao thông vận tải (các loại xe ô tô, đặc biệt là các loại xe ô tô chạy dầu, và các loại xe máy). Cấm lưu hành đối với tất cả các xe không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia. Phun nước rửa đường, đặc biệt là vào các ngày trời nắng hanh khô.
Về lâu dài, cần hoàn thiện quy hoạch chung đô thị, đặc biệt là quy hoạch giao thông đô thị thông minh. Phát triển hệ thống giao thông đô thị công cộng. Khuyến khích hình thành các khu phố đi bộ, khuyến khích đi lại bằng xe đạp. Phát triển các loại xe cơ giới chạy bằng khí gas, khí hóa lỏng và xe chạy điện.
Tập trung kiểm soát, kiểm tra và xử lý nghiêm ngặt các nguồn thải ô nhiễm bụi phát sinh từ các hoạt động xây dựng mới và sửa chữa các công trình nhà cửa, công trình giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động xây dựng. Phát triển công nghệ xây dựng ít chất thải, như phát triển các xưởng sản xuất các cấu kiện xây dưng đưa đến công trường lắp ghép, phát triển các trạm sản xuất bê tông tươi chở đến công trường.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải bụi phát sinh từ vận chuyển nguyên vật liệu rời, đặc biệt là vận chuyển vào ban đêm (các xe vận chuyển ban đêm thường hay vi phạm quy định về bảo vệ môi trường).
Thực hiện vệ sinh đường phố sạch sẽ, văn minh, hiện đại: Quét dọn đường phố, vỉa hè thường xuyên hút bụi hoặc rửa đường sạch sẽ.
Thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý đúng kỹ thuật vệ sinh 100% rác thải đô thị. Tuyên truyền, giáo dục nhân dân giữ gìn vệ sinh đường phố, không vứt rác ra đường hay xuống cống rãnh, kênh mương thoát nước.
Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các chất hữu cơ bay hơi (VOC), nhất là hơi xăng dầu đối với các trạm bán xăng dầu, các cơ sở sản xuất, chế biến và sử dụng sơn, véc ni, xăng dầu nằm trong thành phố.
Xử lý triệt để các sông, hồ, ao, cống rãnh bị ô nhiễm nước.
Áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý bụi phát sinh từ sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp ở bên trong và xung quanh thành phố.
Vận động nhân dân và áp dụng chính sách ưu đãi để đạt được mục tiêu đến năm 2030 không còn bếp đun than ở Hà Nội.
Vận động nhân dân ngoại thành và áp dụng các chính sách phát triển công nghệ cần thiết để nông dân ngoại thành chấm dứt việc đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch lúa.
Tăng cường trồng mới, chăm sóc và bảo vệ cây xanh trong thành phố, bảo đảm chỉ tiêu diện tích cây xanh trên đầu người dân đạt quy định theo Quy chuẩn Việt Nam.
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và hướng dẫn thực hiện các quy định bảo vệ môi trường. Huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng, mọi cơ sở sản xuất, mọi tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ môi trường không khí nói riêng và bảo vệ môi trường thành phố nói chung.
Tăng cường năng lực cơ quan quản lý môi trường không khí ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác, thành lập phòng quản lý môi trường không khí ở Chi cục bảo vệ môi trường, bổ sung cán bộ chuyên môn được đào tạo đúng chuyên ngành môi trường không khí.
Ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí, đặc biệt là hệ thống quan trắc không khí tự động cố định ở các thành phố. Ở thành phố Hồ Chí Minh trước đây có 9-11 trạm quan trắc không khí tự động, nay đã bị hỏng 100%; ở Hà Nội trước đây có 6 trạm quan trắc không khí tự động, nay đã bị hỏng 5 trạm.
Lê Nghiêmghi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét