Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2020

20200118. SỰ THẬT THUỘC VỀ MỖI CÁ NHÂN !?

ĐIỂM BÁO MẠNG
CÁI CHẾT CỦA CỤ LÊ ĐÌNH KÌNH DƯỚI GÓC NHÌN HIẾN PHÁP VÀ BLHS 2015

VŨ HỮU SỰ/ FB VŨ QUANG LẬP/ BVN 17-1-2020

Trước khi bị giết, cụ Lê Đình Kình là một công dân. Cụ có đủ quyền và nghĩa vụ của một công dân theo quy định tại các điều 14;15;16;17 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013. Cụ không có tiền án, tiền sự. Hiện tại, cụ không phải chấp hành bất cứ một bản án nào, do tòa án cấp nào tuyên. Cụ là một đảng viên ĐCS Việt Nam, cho đến lúc chết vẫn chưa bị khai trừ ra khỏi đảng.
Theo thông tin từ cơ quan công an, được các báo quốc doanh đăng tải, thì cụ Lê Đình Kình chế tạo bom xăng, tàng trữ dao, kiếm, lựu đạn… Như vậy, cụ có hành vi có dấu hiệu cấu thành tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, được quy định tại điều 230 BLHS năm 2015, và tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ, được quy định tại điều 233 BLHS năm2015.
Muốn kết luận được hành vi của cụ có cấu thành hai tội đó hay không, thì phải khởi tố vu án, tức là khởi tố về hành vi có dấu hiệu phạm tội. Và nếu đủ căn cứ là cụ Lê Đình Kình có dấu hiệu phạm tội, thì phải khởi tố bị can để điều tra. Sau khi khởi tố bị can, nếu thấy cần thiết, thì có thể bắt tạm giam bị can để điều tra.
Cụ Lê Đình Kình có địa chỉ cư trú rõ ràng là thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP-Hà Nội. Cụ không phạm tội quả tang, cũng không phải tội phạm bị truy nã. Nên theo quy định tại khoản 3, điều 113 bộ luật TTHS năm 2015, thì không được phép bắt cụ vào ban đêm (từ 22 giờ đến 6 giờ). Như vậy, nếu cụ trở thành bị can của vụ án nói trên, và nếu cụ phải chấp hành lệnh bắt tạm giam, thì cơ quan tố tụng chỉ có thể bắt cụ giữa “thanh thiên bạch nhật rõ ràng cho coi (truyện Kiều- Nguyễn Du)”. Việc bắt cụ phải được thực hiện theo đúng quy định tại điều 113 bộ luật TTHS năm 2015: phải đọc quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam cho cụ nghe tại nhà. Phải giải thích quyền và nghĩa vụ cho cụ biết, phải lập biên bản về việc bắt. Phải giao quyết định và lệnh bắt cho cụ. Tất cả mọi việc phải diễn ra dưới sự chứng kiến của chính quyền địa phương.
Cụ Lê Đình Kình không phải là bị can trong vụ án nào, không phải chấp hành lệnh tạm giam. Cụ đang sống bình yên tại nhà mình. Như vậy, chỗ ở của cụ là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Không ai được tự ý vào chỗ ở của cụ nếu không được cụ cho phép, theo quy định tại điều 22 Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCN Việt Nam. Tính mạng của cụ được pháp luật bảo hộ và không ai được quyền tước đoạt mạng sống của cụ trái luật, theo quy định tại điều 19 Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCN Việt Nam.
Lực lượng cảnh sát cơ động đã đột nhập nhà của cụ Lê Đình Kình vào lúc nửa đêm mà không được cụ cho phép. Như vậy, lực lượng này đã vi phạm điều 22 Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCN Việt Nam và vi phạm điều 158 BLHS năm 2015 (tội xâm phạm chỗ ở của người khác), mà đây lại là việc xâm phạm có tổ chức. Tội này được quy định tại điểm a, khoản 2 điều luật trên, có khung hình phạt cao nhất đến 5 năm tù.
Không chỉ xâm phạm trái phép, lực lượng này còn đánh, bắn chết cụ, tước đoạt mạng sống của cụ trái luật, vi phạm điều 19 Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCN Việt Nam. Vi phạm khoản 1 điều 123 BLHS năm 2015, với 2 tình tiết tăng nặng là giết người có tính chất côn đồ và có tổ chức (điểm n và điểm o ).
Còn 3 cảnh sát cơ động bị chết ? Ai giết họ ?
Có 3 giả thiết được đặt ra. Thứ nhất là cụ Kình giết. Thứ hai, họ tàn sát lẫn nhau và thứ ba, là họ bị người dân giết.
Giả thiết thứ nhất bị loại trừ ngay. Ở tuổi 84, mắt mờ chân chậm, bị phá cửa vào nhà quá đột ngột. Cụ Kình vừa mở mắt thì đã bị đánh gẫy chân, bụi bắn thẳng vào tim ở cự li rất gần. Cụ Kình chết mà chưa kịp hiểu ai đã giết mình, giết bằng vũ khí gì, nói chi đến phản ứng.
Giả thiết thứ hai, thì trên mạng xã hội đã có một thông tin rằng một chú bị trượt chân ngã xuống giếng trời, chết do va đập. Chú thứ hai chết do bị đồng đội bắn nhầm. Và chú thứ ba đang ở trên mái nhà, nghe tiếng súng nổ giật mình ngã xuống, cũng chết. Nhưng thông tin này chưa được kiểm chứng, và có lẽ cũng chẳng ai có thể kiểm chứng được.
Giả thiết thứ ba, thì cơ quan CSĐT công an TP Hà Nội vừa khởi tố bị can đối với 22 người dân Đồng Tâm về các hành vi giết người; tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép và chống người thi hành công vụ. Thế có nghĩa là dưới mắt cơ quan CSĐT, 3 CSCĐ chết là do bị người dân làng Hoành giết. Họ có giết người hay không, thì chúng ta hãy chờ xem.
Thế nhưng trước khi khởi tố bị can đối với 22 người dân Đồng Tâm, tại sao lại không khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi xâm phạm trái phép chỗ ở và giết người với những kẻ giết cụ Lê Đình Kình? Chẳng lẽ cái chết của cụ không phải là cái chết? Mạng của cụ không phải là mạng người?
Nếu không đưa được những kẻ giết cụ Lê Đình Kình ra trước vành móng ngựa, thì vụ án này sẽ trở thành một vết bẩn không thể nào rửa sạch được của ngành công an vẫn tự hào là “giỏi nhất thế giới” này.
V.H.S.
PHÁT SÚNG LỊCH SỬ

TẠ DUY ANH/ FB LAO TA/ BVN 17-1-2020

(TRƯỚC HẾT TÔI THỐNG THIẾT CHIA BUỒN VỚI THÂN NHÂN CỦA BA CHIẾN SỸ CẢNH SÁT BỊ THIỆT MẠNG TRONG CUỘC TẤN CÔNG VÀO THÔN HOÀNH RẠNG SÁNG NGÀY MỒNG 9-1. TÔI VÔ CÙNG ĐAU BUỒN VỀ CÁI CHẾT CỦA CÁC ANH)
Sau ba lần thay đổi về lý do đoàn quân bách chiến bách thắng “tiến vào thôn Hoành” chỉ trong chưa đầy 5 ngày của Bộ Công an, tôi biết rằng sự thật của câu chuyện Đồng Tâm từ đây MÃI MÃI thuộc về mỗi cá nhân. Nghĩa là muốn biết sự thật, bạn phải tự đi tìm nó.
Nhưng tôi đang nói về một vấn đề khác.
Khi sự việc đau lòng và vô cùng đáng xấu hổ xảy ra, hy vọng lớn nhất của tôi là có một sự lục đục, bất đồng nào đó từ cấp thượng tầng, để còn có thứ bám vào mà cố dối lòng rằng nền chính trị chưa đến mức “đen cả nải”. Giờ thì hy vọng đó coi như đã tắt. Qua phát biểu của Thủ tướng, qua hành động nhanh như điện của Chủ tịch nước kí truy tặng Huân chương cho ba cán bộ công an bị chết-những đồng bào hoàn toàn xứng đáng được tưởng nhớ và thương xót- cho thấy dường như là có một sự nhất trí rất cao với cách giải quyết vấn đề Đồng Tâm.
Thế là chỉ còn lại bóng tối, sự vô vọng và những nỗi buồn dằng dặc.
Giờ đây truyền thông chính thống đang tận dụng ưu thế độc quyền (độc quyền luôn cả sự vụng về) tìm mọi cách để chứng minh hành động của hàng ngàn chiến sỹ tinh nhuệ là đúng đắn, việc hạ sát “tội nhân” Lê Đình Kình là hành động cần thiết? Rất nhiều người tin vào những tuyên truyền đó. Rất nhiều người kiên quyết không tin. Rất nhiều người hả hê. Rất nhiều người phẫn nộ hay phì cười… Nhưng bất chấp tất cả những tình cảm ấy, việc tuyên truyền đó giờ đây là hoàn toàn vô ích, vô nghĩa khi cái chết của người nông dân 84 tuổi Lê Đình Kình không còn là chuyện cái chết của một kẻ ngoan cố chống lại chính quyền, mà đã nhanh chóng trở thành cái chết huyền thoại của một lãnh tụ nông dân. Tôi tin rằng những gì phía chính quyền quy kết cho cụ Lê Đình Kình không hoàn toàn vô căn cứ. Có thể cụ đã yêu cầu con cháu chuẩn bị một vài vũ khí thô sơ để phòng thân và khi chúng được người khác sử dụng trong tình thế bức bách đã dẫn đến mất kiểm soát. Có thể cụ từng lớn tiếng úy lạo những người nông dân Đồng Tâm thà chết không để mất đất, khiến gây ra một vài hành động hoặc tuyên bố cực đoan? Điều đó có nghĩa, nếu bị đưa ra xét xử công khai trong một phiên tòa văn minh, cụ Lê Đình Kình rất có thể phải chịu một mức hình phạt nào đó.
Suốt hơn hai năm qua, có cả một ngàn cách để tháo gỡ ngòi nổ Đồng Tâm trong hòa bình, trong tình đồng bào. Nhưng chính quyền đã lựa chọn giải pháp dùng sức mạnh của công cụ chuyên chính. Họ chỉ không tính được rằng, sau cú hạ sát kẻ cầm đầu, thì chính kẻ đó từ nay sẽ bất tử trong kí ức hàng triệu, hàng triệu người. Với một lực lượng hùng hậu, thì việc xóa sổ một thôn như thôn Hoành quá dễ. Giết chết một cụ già gần đất xa trời còn dễ gấp bội. Nhưng không có một sức mạnh quyền lực nào trên thế gian này xóa được kí ức nhân dân.
Đáng lẽ là một “tội phạm”, người nông dân Lê Đình Kình vụt trở thành một biểu tượng của chống lại áp bức, một nhân vật bi kịch, một nhân vật lịch sử, một nhân vật văn học đẹp lộng lẫy và vô cùng hấp dẫn, có khả năng biến toàn bộ những nhân vật khác liên quan đến ông ta thành thứ dây buộc giày. Tôi không biết người viết trẻ tuổi nào sẽ lãnh nhận sứ mệnh này. Điều tôi biết trước là nhiều thế hệ nữa sẽ tiếp tục suy tư về con người ấy. Những bí ẩn về cái chết của ông ta, sẽ còn là đề tài của hàng ngàn giả thuyết, ngốn theo hàng vạn trang giấy.
Điều không ai mong muốn là xã hội chúng ta, kể từ sau cái chết của lão nông Lê Đình Kình, cũng bắt đầu một cuộc phân hóa, chia rẽ trầm trọng và rõ ràng là cực kỳ nguy hiểm.

Tất cả chỉ bằng đúng một phát súng.
______
P/S: Để không gợi lại nỗi đau, tôi sẽ không đăng kèm ảnh trong bài viết này.
L.T.
Nguồn: FB Lao Ta
LÒNG DÂN VÀ TIỀN DÂN
ĐỖ THÀNH NHÂN/ BVN 17-1-2020
1. TIỀN DÂN
Sáng nay 16/01/2020 tổ chức tang lễ cho 3 chiến sĩ công an chết tại Đồng Tâm sáng sớm ngày 09/01/2019, có Thủ tướng đến viếng (https://tuoitre.vn/thu-tuong-den-vieng-tien-dua-3-can-bo-cong-an-hi-sinh-tai-dong-tam-2020011606310185.htm).
Tang lễ được Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an tổ chức, có Thủ tướng đến viếng, tất nhiên là chi phí từ ngân sách nhà nước. Từ chi phí tang lễ, đến chi phí viếng tang của quan chức đảng, chính quyền đều từ tiến thuế của nhân dân – nói nôm na là "tiền dân", ngay cả thời gian viếng cũng trong giờ hành chính, để vẫn được hưởng lương.
Tiền dân được xác định qua những con số hữu hình, định lượng được.
Nhưng tiền dân lại không được sử dụng minh bạch; và chính vì không minh bạch nên từ cán bộ cấp thấp xã phường đến cán bộ cấp cao trung ương cùng nhau vào lò không ít; có cả tướng công an, có cả anh hùng lực lượng vũ trang.
2. LÒNG DÂN
Trong khi "tiền dân" định lượng được nhưng không minh bạch; thì "lòng dân" – một khái niệm trừu tượng lại được đảng công khai. Chúng ta thường nghe nói: toàn dân chọn đảng lãnh đạo; nhân dân tin tưởng tuyệt đối; hoặc những tang lễ thì: nhân dân vô cùng thương tiếc; .v.v.. đảng minh bạch lòng dân chẳng biết từ đâu ra! Nhiều kẻ viếng tang lim dim, sầu não, đạo mạo, vuốt ve băng tang với dòng chữ: “vô cùng thương tiếc” để quay phim, chụp ảnh xong; rồi sau đó cũng chẳng có ai “thương tiếc vô cùng” đến mức bỏ ăn, mất ngủ; nói chung là không bằng con chó của người nông dân, bỏ ăn lên mộ nằm với chủ. Tuy “lòng dân” là một khái niệm trừu tượng, nhưng đến nay các nước dân chủ đã biết cách định lượng thành những con số, giá trị cụ thể để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau: lựa chọn chính sách, lựa chọn nguyên thủ quốc gia,…. Còn Việt Nam thì chưa có một cơ quan nào thống kê “lòng dân”, ngay cả Luật Trưng cầu ý dân cũng đã có nhưng chưa bao giờ được sử dụng. Lòng dân, lòng người xuất phát từ tâm thức, từ sự tự nguyện, không phải dùng tiền để thể hiện. Với công nghệ 4.0 thì “thống kê” lòng dân qua một hiện tượng xã hội hoàn toàn không phải là bài toán phức tạp. Quay lại vụ thảm sát Đồng Tâm sáng sớm ngày 09/01/2020, đám tang cụ Lê Đình Kình ngày 13/01 và hôm nay 16/01 là tang lễ của 3 chiến sĩ công an. Từng người có thể khảo sát “lòng dân”; phương thức khảo sát đơn giản là qua thống kê số liệu hình đại diện facebook: trên facebook chọn “Bạn bè”, chọn chức năng “Tìm bạn bè”: xem trên danh sách những người gợi ý kết bạn, hình đại diện của họ như thế nào?
Có thể phân hình đại diện làm 3 nhóm,
- Nhóm 1: hình cụ Lê Đình Kình và băng tang có chữ ĐỒNG TÂM;
- Nhóm 2: hình các chiến sĩ công an chết, hình liên quan tới công an.
- Nhóm 3: hình cá nhân; hình không liên quan đến: Đồng Tâm, Nhóm 1, Nhóm 2.
Theo kết quả thống kê của người viết bài; xem clip kèm theo, hình đại diện đề xuất người kết bạn mới: khoảng hơn 50% Nhóm 1; còn lại là Nhóm 3; không thấy có hình đại diện nào thuộc Nhóm 2. Việc khảo sát này rất đơn giản, không tốn nhiều thời gian; các anh công an đang tham gia đội ngũ an ninh mạng, các thành viên hội cờ đỏ, dư luận viên ẩn danh, tuyên giáo, báo chí,… có sử dụng facebook đều làm được; qua đó tự kết luận “lòng dân hướng về đâu” và tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp sự tiến hóa của con người.
Kết luận của người viết:
Dưới một góc độ nào đó thì vụ Đồng Tâm sáng ngày 09/01/2020 có thể gọi là một vụ “thảm sát”. Ai đúng, ai sai không thể kết luận một sớm một chiều, của một thế lực; mà lịch sử và nhân loại sẽ phán xét. Nhưng qua số liệu khảo sát hình đại diện mới trên facebook là mọi người có thể thấy được “lòng dân” hướng về đâu? Không phải “tiền dân” chảy nhiều về đâu là “lòng dân” cũng lớn và hướng về đó; điều bất hạnh là khi “tiền dân” và “lòng dân” không về một chỗ.
Hình 1. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viếng tang 3 chiến sĩ công an.
Hình 2. Hình đại diện là hình cụ Lê Đình Kình hoặc nơ tang “Đồng Tâm”
Clip: danh sách đề xuất kết bạn của facebook.
Đ.T.N
Tác giả gửi BVN
CÓ MỘT KHẨU HIỆU TRÊN QUAN TÀI
TRỊNH HỮU LONG/ LK/ BVN 16-1-2020
https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2020/01/le-dinh-kinh-1-scaled.jpg
Đế quốc chủ nghĩa Pháp dùng pháp luật đạo tặc, dùng võ lực dã man cướp đất của nông dân bản xứ, mỗi lần cho bọn địa chủ người Pháp, cho các công ty tài chính hàng ngàn, hàng vạn mẫu, để chúng lập đồn điền cao su, bông, vải, mía, lúa, v.v.”
Đó là những gì được ghi trong “Nghị quyết về nông dân vận động”, được Đại hội Đảng lần thứ II của đảng Cộng sản Đông Dương thông qua ngày 28/3/1935. [1]
Năm sau đó, có một người đàn ông ra đời ở một vùng quê Bắc Bộ.
Người đàn ông này sẽ dành 84 năm cuộc đời của mình để chứng kiến và trực tiếp tham gia những biến động xã hội long trời lở đất, mà trọng tâm của nó là những cuộc dịch chuyển đất đai khổng lồ từ tay giai cấp này sang tay giai cấp khác. Ông sau cùng mắc kẹt giữa những cuộc dịch chuyển đó và bị nó nghiền nát trong tiếng súng nổ, giữa làng quê mà ông đã được sinh ra.
Tên ông là Lê Đình Kình.
Ông Kình là tất cả những gì mà đảng Cộng sản Việt Nam có thể kỳ vọng ở một đảng viên.
Ông là nông dân, thành phần cốt cán của cuộc cách mạng mà đảng Cộng sản khởi xướng.
Ông sinh ra và lớn lên ở một làng quê Bắc Bộ, thành lũy cách mạng quan trọng bậc nhất trong lịch sử của đảng Cộng sản.
Ông gia nhập đảng ở độ tuổi đôi mươi.
Ông cầm súng trong cuộc “kháng chiến chống Mỹ”, làm nên tính chính danh của đảng Cộng sản.
Ông từng là chủ nhiệm hợp tác xã trong thời kỳ hợp tác xã vẫn còn là trái tim của nền kinh tế.
Ông từng là trưởng công an xã – người bảo vệ cho an nguy của chế độ.
Ông từng là Bí thư đảng ủy, Chủ tịch xã trong những năm 1980, trực tiếp thi hành chính sách của đảng Cộng sản ở cấp sát nhất với quần chúng nhân dân.
Trong mắt đảng Cộng sản, không ai có thể có bản lý lịch đẹp hơn đảng viên Lê Đình Kình.
Nhưng cuối cùng, ông chết trong một cuộc đụng độ với chính đảng mà ông dành cả đời phục vụ. Xác ông nằm ở trụ sở của cơ quan công quyền mà ông từng là lãnh đạo. Và là một cái xác không còn nguyên vẹn: ông bị mổ tử thi.
Người cộng sản hoàn hảo là ông đã chết với tư cách là một kẻ khủng bố trong con mắt của đảng.
Còn với Đảng Cộng sản, năm ông Kình ra đời, họ đã phải thanh minh thế này trong một thư ngỏ gửi công luận Pháp:
“Chúng tôi không phải là những kẻ khủng bố. Chúng tôi là những người cộng sản chân chính và chúng tôi không từ bỏ bất cứ một nguyên tắc mácxít – lêninnít nào. Rõ ràng là không đúng nếu trình bày chúng tôi như những kẻ khủng bố và những phần tử gây rối loạn, trái lại chúng tôi là những người đấu tranh nồng nhiệt nhất cho tinh thần hòa hợp và bình đẳng giữa các dân tộc và cho hòa bình thế giới”. [2]
Ông Kình đã đi trọn một vòng đời từ khi đảng Cộng sản bị cáo buộc là một nhóm khủng bố, đến khi chính ông bị chính quyền của đảng Cộng sản cáo buộc là kẻ cầm đầu của một nhóm gây rối có vũ trang, còn những tiếng nói ủng hộ đảng Cộng sản thì lên án ông là một kẻ khủng bố thực sự.
Ông đã đi trọn một vòng đời từ một xã hội bị thực dân Pháp dùng bạo lực cướp đất đến một xã hội khác, có tên gọi khác, nhưng vẫn buộc ông phải chết để bảo vệ mảnh đất mà ông cho là của dân làng mình, trước súng ống của những người ông gọi là đồng chí.
Cái chết của ông Kình không đơn thuần là cái chết của một lãnh tụ nông dân. Dường như đảng Cộng sản không nhận thấy họ đã đi một quãng đường xa thế nào để vô hiệu hóa người cộng sản tốt nhất của mình, ngay trên thành lũy cách mạng quan trọng nhất của mình.
Khẩu hiệu “người cày có ruộng” đã vĩnh viễn được chôn cùng với quan tài của người cộng sản Lê Đình Kình. Lịch sử đang lặp lại chính nó. Một vòng nữa.
___
Tài liệu tham khảo:
[1] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 5, trang 43.
[2] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, trang 125.
T.H.L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét