Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2020

20200131. BÀN VỀ MẠNG XÃ HỘI VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG

MẠNG XÃ HỘI VIỆT NAM TRONG CUỘC CHIẾN GIÀNH NGƯỜI VIỆT TRÊN SÂN NHÀ

TRỌNG ĐẠT/  VNN 28-1-2020
2019: Năm của các mạng xã hội Việt Nam

2019 là một năm nở rộ của các mạng xã hội Việt Nam. Theo thống kê không chính thức của Bộ TT&TT, Việt Nam đang sở hữu 2 mạng xã hội lớn và 8 mạng xã hội nhỏ với số lượng người dùng khoảng 1 triệu người/mạng. Ngoài ra, còn có hơn 400 mạng xã hội dưới dạng các diễn đàn, forum.

Các mạng xã hội lớn do người Việt phát triển có thể kể tới như Zalo, Mocha, hay mới đây là Gapo, Lotus. Sự xuất hiện liên tiếp của các mạng xã hội Việt Nam trong năm qua cho thấy xu thế vùng lên mạnh mẽ của các nền tảng nội trước sức ép cạnh tranh đến từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo số liệu của ANTS, trong năm 2018, hai “ông lớn” Google và Facebook hiện chiếm gần 70% thị phần quảng cáo số, tương đương 387 triệu USD doanh thu quảng cáo tại Việt Nam.
Mạng xã hội Việt Nam trong cuộc chiến giành người Việt trên sân nhà
Mạng xã hội Việt Nam trong cuộc chiến giành người Việt trên sân nhà
Trong khi đó, các nền tảng quảng cáo trực tuyến trong nước như Admicro (VCCorp), Eclick (FPT Online), Adtima (Zing) và các báo điện tử, đài truyền hình... chỉ chia nhau 30% thị phần, tương ứng với 150 triệu USD còn lại.
Thực tế cho thấy, “miếng bánh” của các doanh nghiệp trong nước đang ngày một nhỏ đi do sự phình lên của các nền tảng ngoại. Điều này đã tạo ra áp lực vô hình buộc các doanh nghiệp trong nước phải thay đổi hoặc chịu cảnh “khoanh tay đứng nhìn”.

Ở góc nhìn vĩ mô hơn, với sự phát triển của công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và big data (dữ liệu lớn), việc các nền tảng ngoại chiếm thị phần độc tôn đã vô tình đặt người dùng trong nước vào một nguy cơ rất lớn. Đó là khi mọi thói quen, hành vi hay sở thích cá nhân của người Việt đều được lưu trữ trên các cơ sở dữ liệu nước ngoài. Trong khi đó, có một khoảng trống khổng lồ về thông tin khách hàng đối với các công ty trong nước.
Nói một cách khác, Facebook, Google đang hiểu người Việt hơn cả chính người Việt. Sẽ rất nguy hiểm nếu những dữ liệu này rơi vào tay những kẻ có ý đồ xấu.
Điều này từng diễn ra ngay chính tại Mỹ khi nhiều cáo buộc cho thấy, Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống ở nước này. Công cụ mà người Nga sử dụng đến từ chính Facebook, nơi sở hữu lượng lớn dữ liệu cá nhân của người dân Mỹ. Những dữ liệu này sau đó được dùng để dự đoán và tác động đến tâm lý cử tri nhằm phục vụ cho các mưu đồ chính trị.
Cùng với bài toán kinh tế, những lo ngại về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng khiến nhu cầu xuất hiện của các mạng xã hội Việt Nam do chính người Việt phát triển đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Dù các dự án thành công chỉ là thiểu số, sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của Zalo và Mocha là những minh chứng sống động cho khả năng giành giật thị trường của các mạng xã hội Việt Nam so với đối thủ nước ngoài. Tất nhiên, để có thể tiến xa hơn, các dự án mạng xã hội trong nước chắc chắn sẽ phải cần đến tầm nhìn định hướng và các quyết định đầu tư đúng đắn.
Đâu là cơ hội của các mạng xã hội Việt Nam?
Thực tế cho thấy, trong số các nước mà Facebook được phép hoạt động, Nga là quốc gia duy nhất mà mạng xã hội này không chiếm được thị phần đa số. Thay vào đó, phần lớn thị phần mạng xã hội tại Nga nằm trong tay VK (Vkontakte), một mạng xã hội do chính người Nga phát triển.
VK có khoảng 100 triệu người dùng thường xuyên tại Nga. Mạng xã hội này cũng phổ biến tại các nước thuộc khối Cộng đồng các Quốc gia độc lập (SNG) với tổng cộng khoảng 170 triệu người dùng.
Bài học thực tiễn từ VK cho thấy, các mạng xã hội nhỏ hơn hoàn toàn có cơ hội trong cuộc chiến với những người khổng lồ như Facebook hay Google. Tuy vậy, để có thể thành công, những mạng xã hội này phải giải được các bài toán mà những người khổng lồ như Facebook hay YouTube không thể giải được. Đó là các đặc trưng văn hóa, dân tộc riêng có của mỗi quốc gia.
Mỗi quốc gia, dân tộc sẽ có những luật lệ và tín ngưỡng riêng. Do đó, một mạng xã hội để phát triển ở quy mô toàn cầu cũng phải có cho mình những bộ lọc, có thể biến đổi linh hoạt tùy theo hệ thống pháp luật của từng nước.
Quan trọng hơn cả, thách thức lớn nhất cho sự tồn tại của các mạng xã hội Việt Nam chính là ở lý do tồn tại của chúng. Thực tế cho thấy, rất nhiều mạng xã hội Việt Nam ra mắt rất hoành tráng nhưng lại nhanh chóng biến mất dần chỉ sau một vài năm.

Lý do phổ biến nhất cho thất bại của các mạng xã hội Việt Nam bởi chúng đơn thuần chỉ là một bản sao của Facebook. Nếu chỉ là một bản sao, “kẻ thách thức” chắc chắn sẽ không bao giờ đủ sức cạnh tranh với các đối thủ sừng sỏ đến từ quốc tế.
Các mạng xã hội mới phải trả lời cho người dùng câu hỏi: “Chúng được sinh ra để làm gì?” và “Tại sao phải sử dụng chúng thay vì các mạng xã hội ra đời trước đó?”.
Để làm được điều này, các nền tảng mới phải giải quyết được vấn đề của chính những mạng xã hội hiện nay, đó là khả năng bảo mật thông tin người dùng, việc xác thực danh tính thành viên để kiểm soát tin tức giả mạo (fake news) và quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp.
Mạng xã hội mới cần có một triết lý riêng. Thay vì tuân theo luật chơi của người chủ mạng xã hội, nền tảng mới phải biến cuộc chơi thuộc về người dùng, khi đó người dùng sẽ là chủ thực sự của mạng xã hội, là đồng sở hữu với người sáng lập ra nó.
Trong một nền kinh tế số, các mạng xã hội sẽ không thể tồn tại và cạnh tranh với các sản phẩm ngoại khi hoạt động riêng lẻ. Do vậy, hơn lúc nào hết, để có thể thành công, các mạng xã hội cần phải có được một hệ sinh thái hỗ trợ. Đó phải là một hệ sinh thái các sản phẩm số của người Việt Nam.
Với những hành động quyết liệt của Bộ TT&TT nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái số Việt Nam, hy vọng trong vài năm nữa, các mạng xã hội trong nước sẽ dần trở thành sản phẩm được yêu thích của người Việt.
Trọng Đạt
 VỐN XÃ HỘI TỪ 'MẠNG ẢO'

NGUYỄN THỊ HẬU/ LĐO 29-1-2020


Từ hàng chục năm nay, internet nói chung và các ứng dụng như mạng xã hội nói riêng, trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống. Sự xuất hiện với những tính năng đa dạng, nguồn thông tin phong phú, sự tương tác linh hoạt, mạng xã hội đã cho phép người dùng tiếp nhận, chia sẻ, vượt qua trở ngại về không gian và thời gian, vượt qua khoảng cách giữa các thế hệ. 




Mạng xã hội giúp nâng cao vai trò của mỗi công dân trong việc tạo lập quan hệ và tự tổ chức kết nối xoay quanh những mối quan tâm chung trong những nhóm và cộng đồng, thúc đẩy sự liên kết các tổ chức xã hội. Đấy là chức năng “vốn có” mà internet - thông qua một phương tiện là mạng xã hội - mang lại cho con người. Do đó, mỗi con người, mỗi nhóm xã hội, mỗi cộng đồng có sự quan tâm, nhu cầu thông tin như thế nào thì trong “trường tiếp xúc” của họ sẽ là những người có sở thích nhu cầu tương tự. Sự tương tác giữa họ nảy sinh và được duy trì, phát triển... cho đến khi những nhu cầu sở thích chung không còn tồn tại hoặc xuất hiện “mâu thuẫn” thì sự tương tác giảm dần và có khi chấm dứt, nhanh và gần như tuyệt đối (block).
Cũng như nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật khác, mạng xã hội được sáng tạo và phát triển là nhằm phục vụ lợi ích của xã hội, tuy nhiên sử dụng nó như thế nào thì sẽ chịu tác động tích cực hay tiêu cực, điều đó phụ thuộc vào mỗi con người. 
1. Cũng từ nhiều năm nay, khái niệm “vốn xã hội” được sử dụng rộng rãi và ứng dụng vào nhiều lĩnh vực cuộc sống vì ý nghĩa quan trọng của nó đối với sự phát triển của xã hội nói chung và của từng cá nhân nói riêng. Có nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm này, nhưng một cách cơ bản nhất, vốn xã hội được hiểu là những mối liên hệ ràng buộc giữa các cá nhân trong một tập thể, một cộng đồng, xã hội. Về cơ bản, vốn xã hội có ba yếu tố cấu thành: Mạng lưới các quan hệ xã hội, sự tin cẩn và các chuẩn mực, quy tắc hành xử. Vốn xã hội cao dẫn đến hợp tác cao hơn, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng hơn. 
Trong quản lý xã hội, tạo dựng uy tín bằng sự công chính, nhà quản lý thu phục được đối tượng quản lý, việc thực hiện những chính sách sẽ thuận lợi và có hiệu quả cao. Trong kinh doanh, dựa vào sự tin cậy lẫn nhau mà các doanh nghiệp không tốn nhiều thời gian kiểm tra và giám sát nhau. Trong quản lý và bảo vệ tài nguyên di sản và môi trường, cộng đồng đoàn kết và tuân thủ chặt chẽ các luật lệ sẽ giúp hạn chế những hành động bất lợi cho môi trường, di sản. Ở cấp độ cá nhân, một người có vốn xã hội cao sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn trong hợp tác công việc, trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng.
Thực tế, việc xây dựng được lòng tin từ những người xung quanh đối với chính mình không hề dễ dàng. Một người bán hàng muốn có nhiều khách đến mua hàng thì phải đảm bảo hàng tốt, giá cả không cao hơn những nơi khác. Một người giao báo chuyên nghiệp sẽ phải giao báo đúng giờ để người nhận báo có được thông tin kịp thời. Một lời hứa, một giao kèo, một ký kết dù bằng miệng hoặc bằng văn bản, đều phải được thực hiện đúng mới có thể gây dựng uy tín, niềm tin cho cả hai bên. 
Trên mạng xã hội, việc mua bán online rất cần sự tin tưởng từ khách hàng trên mạng. Nếu có được sự cảm tình dù chỉ của một khách hàng là đã thành công bước đầu. Lời khen ngợi từ một khách hàng trên mạng sẽ được nhiều khách hàng khác biết đến, đó là thuận lợi. Ngược lại, sự phàn nàn dù lớn hay nhỏ cũng gây khó khăn cho những giao dịch mua bán tiếp theo. Lời khen hay sự phàn nàn sẽ làm tăng hay giảm vốn xã hội của người bán hàng, bởi vì nó làm tăng hay giảm số lượng, chất lượng các mối quan hệ và giao dịch, có khi còn tạo ra sức lan tỏa đến toàn thể cộng đồng mạng (tin lành đồn xa mà tin xấu còn đồn xa hơn).
Vốn xã hội không sẵn có mà phải được gây dựng qua một quá trình lâu dài, thông qua mạng lưới xã hội giữa cá nhân đó với những người xung quanh. Có nhiều cách thức để giúp mỗi cá nhân xây dựng và mở rộng mối quan hệ xã hội của mình. Trong môi trường giao tiếp của internet và mạng xã hội, có thể thiết lập và tích lũy được một nguồn vốn xã hội hay không? Và nếu có, người tham gia vào đó cần lưu ý những gì để phát triển vốn xã hội một cách tích cực và có ý nghĩa? 
2. Có thể nhận thấy sự giao tiếp trên mạng xã hội ít nhiều hỗ trợ và tạo ra các mối quan hệ xã hội. Giá trị của các mối quan hệ xã hội đầu tiên và quan trọng nhất là giá trị tinh thần, từ đó và sau đó, giá trị tinh thần sẽ được “chuyển hóa” thành giá trị vật chất. Những lời khen ngợi, động viên hoặc chia sẻ từ người xung quanh là kết quả từ việc thiết lập mối quan hệ xã hội trước đó giữa bạn với những người xung quanh, và ngược lại. Do vậy, việc nuôi dưỡng các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là những mối quan hệ xã hội mang lại cho bản thân cảm xúc tốt đẹp, thái độ tích cực đối với cuộc sống là việc rất cần thiết. Để làm được điều đó thì việc kết bạn, theo dõi, tương tác trên mạng xã hội không chỉ đòi hỏi về số lượng, tần suất... mà quan trọng hơn là sự hiểu biết, đồng cảm, chia sẻ thật sự những gì cùng quan tâm. Một cá nhân có vốn xã hội cao đồng nghĩa với mạng lưới xã hội sâu rộng, không chỉ đòi hỏi số lượng nhất định mà còn cần quan tâm đến yếu tố “chất lượng” của từng mối quan hệ. 
Với các quan hệ cá nhân (không hướng đến mục tiêu kinh tế), những gì thể hiện qua thông tin cá nhân, ý kiến, quan điểm, sự khen ngợi hay chê bai, phán xét hay chia sẻ đồng cảm... đối với sự việc, hiện tượng, cá nhân khác... của mỗi người sẽ được cộng đồng mạng theo dõi, tiếp nhận đánh giá xem có theo các giá trị chuẩn mực và phù hợp quy tắc hành xử chung hay không. Thông qua đó, có được sự tin tưởng hay hoài nghi, quý mến thường xuyên tương tác hay ngại ngần giảm sự tương tác, thậm chí không còn giữ quan hệ trên mạng nữa. 
Con người tiếp xúc trực tiếp sẽ thuận lợi hơn khi gây dựng niềm tin. Con người tiếp xúc trên mạng xã hội thì việc gây dựng và tích lũy niềm tin là một thách thức lớn. Đặc biệt, thông tin trên mạng xã hội phần lớn liên quan đến tình trạng, sự kiện xã hội, nhân phẩm các các nhân... Vì vậy, việc lan truyền những thông tin này như thế nào thể hiện trách nhiệm, sự hiểu biết. Có vậy mới tạo dựng được sự đồng cảm, chia sẻ và cao hơn là sự tin tưởng. 
Tuy nhiên, việc mạng xã hội của ai đó thường xuyên thu hút hàng nghìn “bạn” hàng chục nghìn người “theo dõi”và thường xuyên có hàng trăm người tương tác (like, comment...), tức là khi người đó sở hữu rất nhiều mối quan hệ trên mạng xã hội thì chưa hẳn là một người có vốn xã hội cao. Việc tạo dựng lòng tin trong cộng đồng mạng xã hội hoàn toàn không dễ dàng mà có khi phải trải qua một thời gian dài, khi mà sự trung thực, chân tình trong các mối quan hệ, có trách nhiệm trong việc góp phần đưa tin và đánh giá thông tin các thông tin... được kiểm chứng. Từ đó sự tiếp xúc, tương tác của cá nhân này sẽ truyền năng lượng tích cực đến những mối quan hệ của họ. Lúc đó, uy tín của người đó sẽ trở thành vốn xã hội có giá trị cao.
Internet và mạng xã hội cung cấp cho người sử dụng rất nhiều ứng dụng thông minh để hỗ trợ tối đa việc thiết lập các quan hệ xã hội. Nhưng để tạo dựng và phát triển vốn xã hội, yêu cầu quan trọng là ý thức nuôi dưỡng, phát triển các mối quan hệ và niềm tin từ mạng xã hội như những mối quan hệ xã hội và uy tín thực ngoài đời. Khi cá nhân có thái độ, ứng xử, cao hơn là quan điểm, sự nhìn nhận phù hợp những giá trị văn hóa và chuẩn mực xã hội thì vốn xã hội của họ sẽ cao hơn, dẫn đến hợp tác cao hơn, từ đó đóng góp nhiều và có lợi ích hơn cho cộng đồng. 
Mạng xã hội đúng nghĩa không chỉ có độ bao phủ rộng mà những mối liên kết tạo nên mạng ấy phải bền chặt. Việc chuyển hóa quan hệ trên mạng xã hội thành vốn xã hội để có thể sử dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống, thực chất là tạo dựng niềm tin từ thái độ và hành xử đối với xã hội thật mà chúng ta đang sống.
NGUYỄN THỊ HẬU
'KHÔNG NÊN COI TIN GIẢ BAO GI CŨNG XẤU'
ĐĂNG KHOA /VietTimes 30-1-2020
VietTimes -- Tin giả, tin không chính xác được lan truyền trên mạng xã hội có thể gây ra những tác động tiêu cực đến người dân. Nhưng tiến sĩ Toán học Nguyễn Ngọc Chu lại nhìn nhận tin giả ở một góc độ khác. Ông nói rằng không phải mọi tin giả đều xấu, đôi khi nó lại là một nhu cầu thực tiễn
Phóng viên VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Chu, Tiến sĩ toán học, Chủ tịch trường Đại học Công nghệ East Asia, xung quanh chủ đề tin giả, tin 
Trong cuộc hội thảo mới đây do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức về chủ đề tin giả, tin không chính xác, ông đã có ý kiến rằng “Tin giả tồn tại là lẽ tất yếu, có lúc là “nhu cầu thực tiễn”. Chúng ta “nên đánh giá đúng vị trí của tin giả”. Xin ông giải thích rõ hơn về nhận định này?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu: Chúng ta phải xác định tin giả (fake news) nó là một cái tất yếu, không tránh được. Chúng ta phải đón nhận nó một cách chủ động. Tức là nó như một hiện tượng tự nhiên và chúng ta phải đối mặt với thực tiễn đó.
Tôi có thể lấy ví dụ về tin giả là một thứ tất yếu: Chẳng hạn bạn chụp ảnh của tôi và chuyển cho một nơi nhận ở xa, trong quá trình chuyển thông tin sẽ bị nhiễu dẫn đến sai lệch. Các chuyên gia phải có bộ lọc nhiễu và có cách để làm cho thông tin nhận được cuối cùng là thông tin chính xác nhất có thể được so với thông tin truyền đi ban đầu. Nhưng nếu vì lý do nào đó thông tin nhận được không đầy đủ thì bản thân nó sẽ chứa đựng thông tin giả. Tôi muốn nói tin giả là cái tự nhiên, cái mà bạn không thể tránh được.
Điều thứ hai tôi muốn nói là “tin giả chủ động”. Tôi lấy một ví dụ thôi, chẳng hạn như khi chúng ta chuẩn bị tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 thì chúng ta nghi binh đánh Khe Sanh. Như vậy đó là tin giả được tung ra chủ động, và là một “nhu cầu thực tiễn”.
Dạng thứ ba là tin giả xuất hiện một cách ngẫu nhiên, không may.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu chia sẻ góc nhìn về tin giả
Ở một khía cạnh khác, tin giả có thể tốt với người này và không tốt với người kia. Nếu xét trên một trục số có phần âm và phần dương thì một tin giả nó sẽ có cả hai mặt âm (có hại) và dương (có lợi). Chẳng hạn, một cái tin về tai nạn giao thông thảm khốc sẽ có phần âm (có hại, gây rúng động xã hội) nhiều hơn phần dương. Trong các hội thảo về tin giả, chúng ta đều đề cập đến những loại tin gây hại cho cộng đồng và chúng ta đang tìm biện pháp hạn chế các tin tức đó.  
Thưa ông Việt Nam hiện nay cũng đã xây dựng một số mạng xã hội để thu hút người dùng Việt, cũng nhằm mục đích hạn chế sự lan truyền của tin giả, tin sai sự thật (trên các mạng xã hội nước ngoài). Nhưng những mạng xã hội của Việt Nam chưa thu hút được nhiều người dùng như mong muốn, nếu không muốn nói là thất bại. Theo ông có phải nguyên nhân là do cách thức vận hành các mạng xã hội Việt Nam chưa hấp dẫn, hay do mạng xã hội nước ngoài cho phép người dùng tự do nói gì thì nói?
Chúng ta có ý định xây dựng mạng xã hội của riêng Việt Nam, đó là một điều tốt. Nhưng vấn đề ở chỗ mạng xã hội mà chúng ta đang xây dựng có những khiếm khuyết mà nó không đáp ứng được nhu cầu của người dùng, trong khi mạng xã hội của nước khác nó mạnh hơn, thuận tiện hơn.
Người dùng sẽ lựa chọn những sản phẩm có dịch vụ tốt, thuận tiện và người ta được thể hiện tất cả. Đấy là khía cạnh rất quan trọng của mạng xã hội. Khi mạng xã hội đủ tốt và thuận tiện thì người dùng sẽ lựa chọn thôi.
Khi sử dụng mạng xã hội, nếu chúng ta cắt xén thông tin mà người dùng đăng tải thì không ai thích cả. Nếu cắt bớt thông tin thì nó sẽ trở thành thông tin không đầy đủ, và vi phạm nguyên tắc truyền tải thông tin.
Để quản lý mạng xã hội, cần phải cho phép người dùng đăng tải trọn vẹn thông tin. Nếu thông tin của họ là sai thì chúng ta phải có giải pháp đưa ra những thông tin đúng để họ nhận thấy thông tin của mình là sai. Chẳng hạn như chuyện thầy bói xem voi, ông thì bảo con voi như cái quạt vì chỉ sờ được cái tai. Lúc ấy chúng ta phải cung cấp được hình ảnh cả con voi để người ta nhận thấy con voi nó không phải như cái quạt. Đấy là giải pháp truyền thông – mình cung cấp cho người nghe, người nhận thông tin mà họ chưa có đủ.     
Một điều nữa mà người dùng mạng xã hội cần là tính bảo mật thông tin. Người dùng luôn lo lắng rằng thông tin của họ có thể bị sử dụng cho những mục đích khác mà họ không biết. Cho nên, mạng xã hội cần phải tạo được sự thuận tiện, đồng thời không được để lộ thông tin người dùng dưới bất kỳ hình thức gì.
Tóm lại, muốn thu hút người dùng, mạng xã hội Việt Nam phải đáp ứng tốt về mặt kỹ thuật, đảm bảo về sự toàn vẹn của thông tin và giữ được nguyên tắc bảo mật.
Như chúng ta đã biết, hiện nay tin giả, tin không chính xác xuất hiện rất nhiều trên các nền tảng như Facebook hay Google, nhưng trong một bài phát biểu mới đây tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm từng nói rằng Việt Nam không thể xử phạt với Facebook, Google hàng trăm triệu USD như nước ngoài đã làm. Vậy làm thế nào chúng ta có thể hạn chế sự lan truyền tin sai sự thật trên những nền tảng này thưa ông?
Bản thân Google và Facebook họ cũng phải tuân theo tính toàn vẹn của thông tin, và họ cũng có chuẩn riêng của họ, chứ không phải bạn muốn đăng gì thì đăng. Bạn chỉ đăng được những thông tin phù hợp với chuẩn mực của Google, Facebook. Vấn đề là mình phối hợp với họ như thế nào. Mình phải có một cơ chế để cung cấp cho người ta (Google, Facebook – PV) cái tin này là tin giả, tin này là tin có hại. Bạn nên nhớ là cả loài người đều chống lại tin có hại. Nhưng thông tin có hại cho bạn lại có thể có lợi cho người khác. Đó là tính hai chiều của thông tin.  
Nếu nói chúng ta không thể phạt được Google, Facebook là không đúng. Chúng ta có thể hợp tác với họ trên nguyên tắc của quản lý. Những thông tin mà chúng ta yêu cầu, họ cần phải kiểm tra và có phản hồi tức thì.
ông Nguyễn Ngọc Chu nói về biện pháp ngăn chặn tin giả trên mạng xã hội
Có 2 yếu tố ảnh hưởng ở đây: đó là pháp luật và khả năng công nghệ. Bản thân Việt Nam cũng phải có công nghệ tốt để lọc ra những tin có hại rồi phản hồi lại cho Google, Facebook. Chúng ta cần có thỏa thuận về chế tài với họ. Nếu chúng ta hợp tác tốt với họ trên nguyên tắc sòng phẳng, công bằng thì Google, Facebook sẽ phải chấp nhận.
Nếu trong một vấn đề chúng ta không tìm được tiếng nói chung với Google, Facebook thì chúng ta phải dựa vào ý kiến của số đông, của cộng đồng. Chúng ta cần dựa vào cộng đồng để đấu tranh với sự sai trái của các mạng xã hội nước ngoài. Những người quản lý thông tin của Việt Nam cần phải mẫn cảm và có sách lược trong việc này.
Là một tiến sĩ toán học, một trí thức, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc phân biệt tin giả, tin không chính xác?

Internet là tiến bộ công nghệ do con người phát minh ra, nhưng nó cũng có mặt tích cực và mặt tiêu cực. Mạng xã hội cũng vậy, khi chúng ta sử dụng không đúng thì nó sẽ đưa lại những thiệt hại. Nhưng đã là tiến bộ của khoa học công nghệ thì bạn không được chặn nó, bạn phải sử dụng nó, phải đối mặt với nó. Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố rằng quyền được truy cập Internet là một quyền cơ bản của con người – quyền được tiếp cận thông tin.
Vậy để ngăn chặn tin giả chúng ta phải làm gì? Có 2 cách:
Thứ nhất, khi xem xét một thông tin trên mạng, bạn cần kiểm tra các nguồn thông tin khác mà bạn có. Bạn cần có các đầu mối để xác minh, hoặc sử dụng trang thiết bị công nghệ để tìm tin.
Thứ hai, bạn cần phải có kiến thức. Cái kiến thức này tích lũy từ nhiều năm và bạn có khả năng lọc và loại tin giả. Bạn phải có tiêu chí để lọc tin ngay tại chỗ. Phải rất cẩn thận khi đọc một tin tức, bởi những kẻ chủ động đưa tin không chính xác hiện nay là rất nhiều. Có những tin giả tinh vi đến mức bạn không nhận biết được. Họ làm giả từ hình ảnh đến video mà mắt thường không phân biệt được.
Tóm lại, chúng ta phải đối mặt với tin giả. Chúng ta cần có những bộ lọc – bằng kiến thức và công nghệ -- để phân biệt tin giả, tin không chính xác.  
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này và xin chúc ông luôn dồi dào sức khỏe để có thể cống hiến cho xã hội và cho nền Toán học nước nhà!không chính xác.