Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2022

20220911. 90 NĂM NGÀY SINH CỦA NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC

ĐIỂM BÁO MẠNG

CHÚC MỪNG CỦA BAUXITE VIỆT NAM

BVN 8-9-2022

NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC VÌ SAO TUYÊN BỐ BỎ ĐẢNG?

Toàn thể Ban biên tập Bauxite Việt Nam xin thành kính mừng ANH, người Anh Cả thẳng ngay, nghĩa khí trên văn đàn. Chúc ANH tiếp tục cống hiến cho đời những dòng văn vắt từ tâm can khiến người đọc ANH lúc nào cũng phải xốn xang, tưởng như có một luồng sáng kỳ diệu đang soi thấu và làm rạo rực trái tim mình.     

BAUXITE VIỆT NAM


 NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC VẪN KHÔNG CÓ Ý ĐỊNH SÁM HỐI !

HOÀNG HẢI VÂN / FB HHV 7-9-2022

Nhân sinh nhựt lần thứ 90 của nhà văn Nguyên Ngọc, giới văn nghệ sĩ và trí thức dân chủ đã viết bài và đưa hình ảnh ca ngợi ông lên tận mây xanh, với tần suất dày đặc trên mạng xã hội. Ca ngợi ai, chê trách ai là quyền tự do của mỗi người, tôi không có ý kiến.
Tôi cũng thích văn ông Nguyên Ngọc và bắt đầu ngưỡng mộ ông kể từ khi ông làm Tổng Biên tập báo Văn Nghệ tạo dấu ấn không phai mờ trong đổi mới văn chương và báo chí nước nhà theo đà đổi mới đất nước mấy chục năm trước. Tôi đọc ông khá kỹ, từ Đất nước đứng lên, Rừng Xà Nu, Đất Quảng, Đường chúng ta đi, đến bản “Đề dẫn” nổi tiếng cùng nhiều bút ký văn chương và chính luận ông viết sau này.
Nhưng có lẽ ông nổi tiếng nhất là khi ông tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam cách đây mấy năm, một động thái khá ồn ào có chủ đích do chính ông chủ động tạo ra. Vì lý tưởng mà tự nguyện tham gia một tổ chức, khi thấy tổ chức đó không phù hợp với mình nữa thì tự nguyện rời bỏ, đó là chuyện bình thường, không ai ép ai vào Đảng cũng không ai ép ai nhất định phải mãi mãi không được rời khỏi Đảng. Chủ động tạo thành một sự kiện để thu hút công chúng không phải là hành vi của bậc chính nhân quân tử, tôi nghĩ vậy, nhưng đó là quyền tự do cá nhân của ông.
Trong cuộc đời mỗi người, ai cũng có sai lầm. Có những sai lầm do nhận thức, hành vi sau sẽ khắc phục sai lầm của hành vi trước, nếu là người của công chúng thì công chúng sẽ tha thứ cho ta và ta cũng có thể tự tha thứ cho mình. Nhưng những sai lầm gây hại cho người khác thì nhất định phải sám hối mới có thể hoàn lương được. Ông Nguyên Ngọc có sai lầm thuộc loại hại người, đó là ông đánh một phát “chết tươi” nhà văn Phùng Quán và tham gia cuộc “bêu đầu” những người chính trực trong phong trào Nhân văn Giai phẩm. Nhưng ông không hề có ý định sám hối.
Vừa rồi có người nhắc có lần ông Nguyên Ngọc nói với cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình rằng “Chúng ta bắt đầu sai từ Đại hội Tua” (Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp năm 1920 tại thành phố Tours, tại đây Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế 3 và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp). Vấn đề là 38 năm sau Đại hội Tua, ông Nguyên Ngọc đã có bài viết dài “Con đường đi của Phùng Quán, con đường sai lầm điển hình của một người viết văn trẻ” đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội số 4, tháng 4-1958, quy kết cho Phùng Quán dốt nát huênh hoang phản trắc, là cái “máy nói” của Trần Dần, Trương Tửu, Lê Đạt, Trần Đức Thảo, Thuỵ An và “bọn Nhân văn Giai phẩm”. Xin trích một đoạn :
“Một đặc điểm khác của bọn chống lại sự lãnh đạo của Đảng trong văn nghệ là do họ tự xưng là “chân thật", sự chân thật “thần thánh” của người văn nghệ, họ là “lương tâm của thời đại”. Bài thơ “Lời mẹ dặn” của Phùng Quán là tiêu biểu cho cái quan điểm gọi là “chân thật” ấy.
Phùng Quán giải nghĩa như thế nào là chân thật :
“Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc cứ khóc
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu”
Chúng ta mỗi người đều đã được sự giáo dục lãnh đạo của Đảng. Chúng ta đều đã có kinh nghiệm bản thân rằng : xuất thân từ những giai cấp phức tạp khác nhau trong xã hội chúng ta đã mang theo trong mình những tình cảm yêu ghét phức tạp khác nhau, những tình cảm đó có khi đối lập với lợi ích của cách mạng. Chúng ta đã có kinh nghiệm rằng trước chỉnh huấn cải cách ruộng đất, khối đồng chí chúng ta còn yêu địa chủ, khinh và ghét nông dân. Cách mạng đã cải tạo tình cảm cho chúng ta và đó là cuộc đấu tranh gian khổ lâu dài. Nếu chúng ta đã yêu kẻ thù của cách mạng thì chúng ta phải thẳng tay giết chết tình cảm đó đi và học tập rèn luyện lòng căm thù chúng nó. Nếu chúng ta ghét quần chúng công nông binh, thì cũng phải kiên quyết xoá sạch tình cảm đó đi và xây dựng cho mình một tình yêu giai cấp đúng đắn. Tình cảm là thứ bộc lộ rất rõ giai cấp tính. Đó là điều sơ đẳng bất cứ người nào đi theo cách mạng cũng phải biết, phải làm. Phùng Quán không biết và không làm như thế. Phùng Quán lớn tiếng tuyên truyền cho một thứ yêu ghét tự do, không có giai cấp…
Trong cuộc đời, Phùng Quán đã thực hiện chủ nghĩa “chân thực” đó bằng cách chửi lại một cách vô ơn bạc nghĩa cái tập thể đã nuôi Quán từ bé đến lớn. Phùng Quán cũng rêu rao rất to là mình dũng cảm lắm :
“Đường mật công danh không ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ cầm dao viết văn trên đá”
Đọc những câu thơ này, ta hình dung ra một anh chàng đang đi bình yên giữa đường tự nhiên vung tay múa chân bù lu bù loa : “Ôi làng nước ơi, nó đánh tôi, nó giết tôi đây này ! Tôi dũng cảm chống lại đây này”. Ai áp bức ngòi bút của Phùng Quán, ai cướp giật bút giấy của Phùng Quán giữa miền Bắc này ? Đó là sự vu khống chế độ ta được đăng công khai trên báo”. (Hết trích)
Vì bài viết đó của ông Nguyên Ngọc (cùng với chiến dịch đồ sát không thương tiếc “bọn Nhân văn Giai phẩm”) mà Phùng Quán phải đi cải tạo lao động 10 năm và bị cấm viết tới 30 năm. 30 năm sau, những văn nghệ sĩ và trí thức tài danh trong phong trào Nhân văn Giai phẩm mới được khôi phục danh dự. Nhà văn Phùng Quán cùng với Trần Dần, Lê Đạt và Hoàng Cầm được Chủ tịch nước truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Điều đáng nói là việc khôi phục danh dự và truy tặng giải thưởng cho “bọn Nhân văn Giai phẩm” này là kết quả của quá trình Đổi Mới và dân chủ hoá đất nước chứ hoàn toàn không phải do những người như ông Nguyên Ngọc từng đánh họ chết tươi biết sám hối.
Vẫn biết là chuyện gì ra chuyện đó. Viết cái tút này tôi không có ý định vạch lá tìm sâu, vì tôi vẫn ngưỡng mộ ông Nguyên Ngọc đã tạo ra những dấu ấn không phai mờ trong đổi mới văn chương và báo chí khi ông làm Tổng biên tập báo Văn Nghệ. Nhưng đã từng hại người mà không chịu sám hối thì khó mà đủ tư cách để làm ngọn cờ gì đó về nhân văn về dân chủ.
HOÀNG HẢI VÂN
(Hình chụp trang đầu trong bài viết 8 trang mà nhà văn Nguyên Ngọc đồ sát nhà văn Phùng Quán đăng trên Văn nghệ quân đội, 4-1958)


SỰ XÁM HỐI CỦA NGUYÊN NGỌC
THÁI HẠO/ BVN 7-9-2022

Nhà báo Hoàng Hải Vân vừa có bài “Nhà văn Nguyên Ngọc vẫn không có ý định sám hối”, đăng trên Facebook cá nhân. Xét thấy bài viết còn có nhiều điểm cần nói rõ và nói lại, tôi viết mấy dòng này.

Hoàng Hải Vân nói rằng việc Nguyên Ngọc rời khỏi Đảng là “một động thái khá ồn ào có chủ đích do chính ông chủ động tạo ra”, và đi đến kết luận “Chủ động tạo thành một sự kiện để thu hút công chúng không phải là hành vi của bậc chính nhân quân tử”.

Khoan nói đến tính xác thực của điều mà Hoàng Hải Vân bảo rằng đó là “một động thái… có chủ đích”, nhưng cứ cho rằng là như thế đi nữa thì tại sao sự công khai, nói lớn lên về việc mình rời khỏi một tổ chức lại bị coi là “không phải là hành vi của bậc chính nhân quân tử”? Đảng Cộng sản Việt Nam có phải là một tổ chức bí mật để đảng viên phải vào ra một cách lặng lẽ, lén lút? Rõ ràng, các văn bản luật cao nhất của nước Việt Nam ghi rằng Đảng là lực lượng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, vậy thì việc một đảng viên vào hay ra khỏi đảng bằng tư thế công khai, đĩnh đạc, có gì là không hợp lẽ? Hơn thế nữa, có lẽ ông Hoàng Hải Vân cũng thừa biết rằng ở Việt Nam một người bỏ Đảng thì trở thành “đối tượng”, phải chịu rất nhiều áp lực từ nhiều phía, bị mất mát các quyền lợi bởi nhiều cách; vì thế cho đến nay dù đã có nhiều người bỏ Đảng nhưng không mấy ai công khai. Vì sao thế? Vì họ sợ, sợ phiền, sợ nhiễu, sợ những mất mát, những đè nén… Việc bỏ Đảng không hiếm, nhưng những người công khai điều đó thì thật sự rất ít. Hãy xem một người khi nói to lên rằng “Tôi bỏ Đảng” thì người ấy được lợi lộc gì hay là chỉ rước phiền phức vào thân? Từ góc độ thực tế này mà nhìn thì rõ ràng sự công khai của Nguyên Ngọc là một thái độ rõ ràng, thẳng thắn, trung thực, dứt khoát và dũng cảm. Vì lý do gì mà ông Hoàng Hải Vân lại cho đó “không phải là hành vi của bậc chính nhân quân tử”? Câu trả lời có lẽ chỉ ông Vân hiểu.

Điểm thứ hai mà Hoàng Hải Vân kết tội Nguyên Ngọc là về cái án của Phùng Quán: “Ông Nguyên Ngọc có sai lầm thuộc loại hại người, đó là ông đánh một phát “chết tươi” nhà văn Phùng Quán và tham gia cuộc “bêu đầu” những người chính trực trong phong trào Nhân văn Giai phẩm”. Có không? Có. Nhưng phải nói cho đầy đủ.


Ảnh: BVN mượn lại trên trang Tiếng Dân

Hãy nhớ rằng những nhân vật của Nhân văn - Giai phẩm đều là đảng viên, hoặc người đi theo cách mạng của Đảng, trực tiếp làm công tác kháng chiến, tuyên truyền một cách nhiệt thành. Trần Dần, Hoàng Cầm đều làm tuyên truyền. Và cũng chớ quên rằng Nhân văn - Giai phẩm có những trí thức lỗi lạc vì nghe theo tiếng gọi của Đảng mà trở về quê hương, như Trần Đức Thảo. Không một nhân vật nào của Nhân văn không phải là người của cách mạng.

Điều thứ hai cần nói là cái mà những nhân vật của Nhân văn - Giai phẩm đòi là “tự do sáng tác”, chứ không phải là thay đổi chế độ hay là chống lại Đảng Cộng sản, hoặc chống lại đường lối cách mạng. Tóm lại, họ không phải là một “phe” khác, càng không phải là một đảng phái khác. Họ cùng với Nguyên Ngọc là một phe, chỉ khác nhau về tiểu tiết, và chỉ khác nhau về tuổi đời, tuổi nghề.

Cũng chớ quên rằng, chủ nghĩa cộng sản là một hấp lực khổng lồ, đến nỗi một nửa nhân loại đã ngã vào lòng nó. Ngay cả một nhà triết học lừng lẫy của Pháp là J. P. Sartre mà cũng không cưỡng nổi sức “cám dỗ” ấy, thì việc những Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, Trần Đức Thảo, Nguyên Ngọc và dân tộc Việt Nam đi theo nó cũng là điều dễ hiểu.

Vậy thì cái đáng trách là ở đâu? Dẫn một câu nói khá quen thuộc và nổi tiếng mà không mấy ai không biết của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nam Tư Milovan Djilas: “20 tuổi mà không theo Cộng sản, là không có trái tim. 40 tuổi mà không từ bỏ Cộng sản, là không có cái đầu”.

Việc “lầm lỡ” này không phải là vấn đề cá nhân, mà là dân tộc, là thời đại, là nhân loại. Nếu ông Hoàng Hải Vân đọc những gì mà các nhân vật của Nhân văn - Giai phẩm viết và làm trước khi có Nhân văn - Giai phẩm thì ông cũng sẽ kết tội họ y như vừa kết tội Nguyên Ngọc, nếu ông thật sự có một hệ giá trị khác.

Thế hệ đàn anh đi trước, sai lầm trước, và tỉnh trước – đó cũng là lẽ thường tình. Nhưng cái sự “tỉnh” ấy thế nào thì còn phải bàn thêm. Hãy nhớ, khi được “ân xá” sau mấy chục năm nhục nhã khốn cùng, những Lê Đạt, Hoàng Cầm đã đưa tay ra nhận Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật, lúc này Phùng Quán đã chết, nhưng gia đình ông vẫn nhận thay. Đó là thái độ gì? Thật khó nói! Nhưng không khó hiểu.

Còn Nguyên Ngọc? Nguyên Ngọc là người trung thành tuyệt đối với lý tưởng của Đảng. Con đường cách mạng mà Đảng cộng sản Việt Nam vạch ra cũng chính là giấc mơ của ông. Ông đã sống hết mình, sống trọn vẹn với nó, không tiếc máu xương và tính mạng. Nguyên Ngọc là như thế, dứt khoát, tuyệt đối, không do dự, không khoan nhượng, một người “trung thực đến đáy” với lựa chọn của mình. Cũng chính vì tính cách ấy, sau này khi đã phản tỉnh, ông cũng vẫn là ông: tuyệt đối sống theo nhận thức của mình: ông từ chối giải thưởng Nhà nước đợt đầu năm 2000, sau đó lại tiếp tục rút khỏi danh sách Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Có khác với những Lê Đạt, Hoàng Cầm không? Khác, ông dứt khoát như đã từng dứt khoát đứng hẳn vào Đảng, chiến đấu cho lý tưởng của Đảng; và bây giờ ông bước ra, cũng dứt khoát như thế: không xàng xê, không đánh võng, không đu đưa…

Con người Nguyên Ngọc, vì thế, luôn thống nhất. Ông không chấp nhận sự nửa vời, một khi đã lựa chọn là sống chết với lựa chọn của mình. Cũng vì thế, khi đã bước ra, ông liền lao vào những hoạt động văn hóa, chính trị, xây dựng một chân trời khác cho “những người bay không có chân trời”: thành lập Quỹ và Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh, thành lập đại học Phan Châu Trinh, thành lập Ban vận động Văn đoàn độc lập… Hoàng Hải Vân khẳng định “Nhà văn Nguyên Ngọc vẫn không có ý định sám hối”, vậy tất cả những hành động đó của ông phải gọi là gì nếu không phải là một lời “sám hối” chân thành, thiết thực, và quyết liệt hơn vạn lời đầu môi chót lưỡi? Nhà Phật quan niệm rằng sự sám hối chân chính phải là không bao giờ phạm vào lỗi lầm cũ nữa, và nỗ lực chuộc lỗi bằng hành động đúng. Ông Hoàng Hải Vân muốn một sự sám hối thế nào?

Nguyên Ngọc chưa bao giờ sống nửa vời, và không bao giờ tự chừa cho mình đường lui. Cái sai lầm của Nguyên Ngọc, vì thế, cũng như sự dấn thân của ông sau này, đều “nguyên” một khối “ngọc”, dù ngọc ấy có khi chìm trong đáy bùn, có khi lừng lững trên đường lớn. Nguyên Ngọc đã sống như thế, luôn luôn trọn vẹn cả với những lầm lạc lẫn những phản tỉnh của mình. Ở đó ta gặp một con người như tùng bách, chứ không phải là những ngọn tre; ở đó ta gặp một con sư tử chứ không phải rắn rết uốn éo…

Những sai lầm phát xuất từ sự chân thành bao giờ cũng đáng được bao dung hơn là những khôn ngoan cầy cáo. Và như thế, hơn hết, ta thấy, dù là ở chặng nào của cuộc đời, dù với lựa chọn nào, Nguyên Ngọc vẫn là Nguyên Ngọc, chứ không phải là một thứ “biến thể” hay tắc kè hoa thời cuộc.

Phải nhìn cái “sai lầm” của Nguyên Ngọc ở lòng yêu nước lớn lao và khát vọng cháy bỏng của ông, chứ không phải là những hành xử ti tiểu của việc tấn công cá nhân nhan nhản hay tính cơ hội nở rộ đã khiến con người bây giờ không sao quan niệm nổi về chất người nữa.

Sự trung thực của Nguyên Ngọc là xuyên suốt, và nhất quán. Đánh giá Nguyên Ngọc mà chỉ cắt lấy một lát, rồi lờ đi cả một hành trình vốn thống nhất và trọn vẹn thì mới chính là hành vi “không phải của bậc chính nhân quân tử”, nếu không phải là một sự kém hiểu biết.

T.H.

Nguồn: FB THái Hạo


HOÀNG HẢI VÂN, 'KẺ ĐỐT ĐỀN' TỆ HẠI !

TRẦN KỲ KHÔI/ TD 9-9-2022


Ngày 7-9-2022, khi trên các trang mạng xã hội ngập tràn lời
chúc mừng
nhà văn Nguyên Ngọc sinh nhật thượng thọ, thì trên Facebook cá nhân của mình, Hoàng Hải Vân, cựu Tổng Thư ký toà soạn báo Thanh Niên, làm điều ngược lại: Đăng một bài “đánh” cụ Nguyên Ngọc.
Mở đầu bài viết, Hoàng Hải Vân giở giọng miệt thị: “Nhân sinh nhựt lần thứ 90 của nhà văn Nguyên Ngọc, giới văn nghệ sĩ và trí thức dân chủ đã viết bài và đưa hình ảnh ca ngợi ông lên tận mây xanh, với tần suất dày đặc trên mạng xã hội…”
Nặng nề hơn, Hoàng Hải Vân còn tỏ vẻ hậm hực, đay nghiến, lên mặt dạy đời về sự kiện nhà văn Nguyên Ngọc tuyên bố rời bỏ đảng cộng sản hồi năm 2018: “Chủ động tạo thành một sự kiện để thu hút công chúng không phải là hành vi của bậc chính nhân quân tử, tôi nghĩ vậy, nhưng đó là quyền tự do cá nhân của ông”.
Hoàng Hải Vân luôn tự cho mình là người uyên bác triết học Đông Tây Kim Cổ, nói ra một chữ là “luận”, hai chữ cũng “luận”. Vậy sao ông ta không chịu hiểu nguyên nhân gì nhà văn Nguyên Ngọc rời bỏ đảng Cộng sản, hay ông ta hiểu nhưng giả dại?
Nhà văn Nguyên Ngọc và bà Nguyễn Thị Bình. Nguồn: Báo Người Đô Thị
Hoàng Hải Vân là ai?
Hoàng Hải Vân tên thật là Huỳnh Kim Sánh, sinh năm 1956, quê Đại Thắng, Đại Lộc, Quảng Nam, trong một gia đình thuần nông. Cha bỏ đi biệt xứ, người mẹ nghèo mù chữ, làm ruộng nuôi hai chị em Sánh. Vì lẽ đó, Sánh không được học hành bài bản như người ta. Trầy trật, chấp vá mãi đến sau năm 1975, Sánh mới kiếm được tấm bằng bổ túc văn hoá cấp ba.
Huỳnh Kim Sánh năng nổ công tác Đoàn, Hội, đi bộ đội rồi trở thành đảng viên đảng CSVN từ năm 1980. Thời bao cấp, Sánh có chân trong Tỉnh Đoàn Quảng Nam – Đà Nẵng và vào Ban Thường vụ. Bản tính ngang ngược, luôn cho mình hơn người đã sớm loại bỏ Sánh ra khỏi guồng máy công chức.
Có chút tài nghệ viết báo tuyên truyền từ các tập san của Đoàn Thanh niên, Huỳnh Kim Sánh đầu quân cho báo Nông thôn Ngày nay, có trụ sở tại Hà Nội. Tại đây, Sánh sống như vợ chồng với tổng biên tập báo Mai Nhung, trong khi người vợ chính thức của Sánh là cô Hoa, giáo viên dạy Sử tại trường PTHH Hoàng Hoa Thám, đang vò võ một mình, ôm cô con gái vào lòng.
Năm 2001, Huỳnh Kim Sánh khi ấy đã nhảy sang báo Thanh Niên, cặp kè với Thu Uyên “VTV”, một nữ nhà báo là mẹ đơn thân. Được đồng hương là tổng biên tập Nguyễn Công Khế nâng đỡ, đưa về Sài Gòn để làm Phó Tổng Thư ký toà soạn, sau tạo được chỗ đứng với cái chức Tổng Thư ký tòa soạn Hoàng Hải Vân.
Năm 2008, Hoàng Hải Vân dựa vào thế lực của một nhân vật “vua biết mặt chúa biết tên” Nguyễn Công Khế để lên mặt với “quân triều đình”. Cái kết là cả hai đều bị “bứng” ra khỏi báo Thanh Niên. Cho dù Nguyễn Công Khế về công ty truyền thông, Hoàng Hải Vân vẫn còn lưu dung ở báo Thanh Niên một thời gian, nhưng xem như sự nghiệp của cả hai đã kết thúc.
Hoàng Hải Vân và Nguyễn Công Khế năm 2022. Nguồn: Trần Kỳ Khôi
Nhưng có lẽ, luyến tiếc một thời “to mồm” ở toà soạn, luyến tiếc cái lý tưởng cộng sản mà mình đã mọc rễ, mấy năm gần đây Huỳnh Kim Sánh “ăn theo nói leo” giới lãnh đạo đương quyền. Từ ngợi ca nền kinh tế XHCN, đến biện minh cho Trương Minh Tuấn. Từ cổ suý cho việc ngăn chặn Luật biểu tình, ủng hộ Luật đặc khu, đến công kích công cuộc đấu tranh cho một nền dân chủ, xã hội dân sự của giới trí thức, Hoàng Hải Vân đã lộ rõ bộ mặt thật của ông ta.
Năm 2018, trong cuộc biểu tình của dân chúng ở Phan Rí, hùa theo Thu Uyên “VTV” viết bài mạt sát, kết tội người biểu tình, Hoàng Hải Vân viết trên Facebook của anh ta: “Lần đầu tiên kể từ sau năm 1975, một vị trí chiến lược đã bị đám côn đồ khoác áo ‘dân chủ’, ‘yêu nước’ đốt phá và chiếm giữ. Nếu như cuộc bạo loạn diễn ra trên quy mô lớn, đây sẽ là nơi cắt đứt giao thông huyết mạch giữa Sài gòn và Nam bộ với phần còn lại của đất nước. Chọn vị trí chiến lược này với ‘khâu yếu nhất’ là sự kém cỏi của chính quyền địa phương, những người tổ chức biểu tình có ý đồ gì không? Phải chăng đây là cuộc ‘tập dượt’ cho những cuộc bạo động tiếp theo?”
Hoàng Hải Vân cũng là kẻ rêu rao, Trung Quốc không xâm phạm chủ quyền “thềm lục địa” Việt Nam trong thời gian qua. Ông ta khẳng định rằng, có tàu Trung Quốc đang thăm dò dầu khí trong thềm lục địa của Việt Nam, nhưng “không xâm phạm”. Hoàng Hải Vân lại dẫn luật Biển về Vùng Đặc quyền Kinh tế (Exclusive Economic Zone – EEZ) để biện hộ, cho rằng việc khai thác dầu khí của tàu Trung Quốc đã bị “ta giám sát” và sự giám sát ấy là “chuyện quân sự, báo chí cần gì phải biết”.
***
Quay trở lại câu chuyện Hoàng Hải Vân "đấu tố" nhà văn Nguyên Ngọc, anh ta đem quá khứ thời trai trẻ, khi đang là đảng viên phân đấu của nhà văn Nguyên Ngọc để kết tội ông trong Vụ án Nhân văn giai phẩm và yêu cầu ông “sám hối”.
Ngày 8-9-2022, Hoàng Hải Vân bị bạn đọc, những người yêu mến cụ Nguyên Ngọc và giới trí thức cả ba miền phản ứng gay gắt trước hành vi ngạo mạn, vô học và xúc xiếm của ông ta đối với lão thành cao niên và là một tên tuổi lớn trong văn đàn Việt Nam. Chẳng những không “sám hối”, mà ngược lại Hoàng Hải Vân còn viết tiếp một bài nữa thách đố trên Facebook.
Hoàng Hải Vân gom tất cả những người yêu mến, ủng hộ, kính trọng cụ Nguyên Ngọc (trong đó có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Nên) vào cái gọi là “fans Nguyên Ngọc”. Chưa hết, Hoàng Hải Vân xếp những người bênh vực cụ Nguyên Ngọc là “dân chủ cuội” và chụp mũ họ "dưới ngọn cờ Nguyên Ngọc"…
Nhà văn Nguyên Ngọc thì ai cũng đã rõ. Ông là đại tá quân đội, có 62 tuổi đảng, từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong chế độ cộng sản. Tuy nhiên, từ lâu ông đã nhận ra “bộ mặt thật” của nhà nước cộng sản và đã “tự chuyển hoá” từ những năm bắt đầu đổi mới. Trong tuyên ngôn từ bỏ đảng của mình, cụ viết:
"Tôi vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) từ năm 1956, đến nay đã 62 năm. Thế hệ chúng tôi tự nguyện gia nhập Đảng vì yêu nước, hăng hái tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tôi đã có mặt suốt cả hai cuộc kháng chiến, đều ở chiến trường miền Nam.
Từ nhiều năm qua, tôi nhận thấy Đảng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của mình, ‘tự diễn biến’ thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước. Tôi không thể còn đứng trong một tổ chức như vậy.
Tôi vẫn tin ở tương lai của đất nước, nhất là ở lớp trẻ, vì không có lực lượng vô luân nào có thể ngăn trở dân tộc này quyết định vận mệnh của mình".
Trước cụ Nguyên Ngọc, bà Dương Quỳnh Hoa, đảng viên cộng sản, bộ trưởng Bộ Y Tế của Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, khi tuyên bố từ bỏ đảng cộng sản cũng đã chua chát: “Trong chiến tranh, chúng tôi sống gần nhân dân, sống trong lòng nhân dân. Ngày nay, khi quyền lực nằm an toàn trong tay rồi, Đảng đã xem nhân dân như là một kẻ thù tiềm ẩn”.
***
Đến đây, chân tướng Hoàng Hải Vân – Huỳnh Kim Sánh đã được phơi bày. Huỳnh Kim Sánh sau khi bị Thu Uyên “VTV” bỏ rơi và mặc dù trở thành “lão nông” lưu lạc ở Tánh Linh, Bình Thuận, hiện đang sống với người đàn bà thứ tư, nhưng bản chất “cuồng Cộng” của một đảng viên đang phấn đấu để nhận “Huy hiệu 45 năm tuổi đảng”, đã biến Sánh thành một kẻ cố chấp, hèn hạ và tâm địa xấu xa. Tự kéo “tấm mặt nạ” đeo suốt mấy mươi năm nay xuống, để lộ nguyên hình là một dư luận viên (DLV) cấp cao, là cách để Sánh ghi điểm với chế độ.
Tuyên giáo trung ương “đặt bài” cho Huỳnh Kim Sánh viết để “hạ bệ” thần tượng Nguyên Ngọc trong lòng dân chúng, nhưng họ đã nhầm. Một kẻ “lừa thầy, phản bạn”, lộng ngôn, cái tôi quá lớn và động cơ thấp hèn như Huỳnh Kim Sánh - Hoàng Hải Vân thì chỉ là “kẻ đốt đền” không hơn không kém, chỉ xứng cho người đời nguyền rủa mà thôi.
TKK

'SAI TỪ ĐẠI HỘI TUA'
TRẦN TRUNG ĐẠO/ TD 7-9-2022


Trong một bài viết ngắn trên Facebook mình, nhà báo Huy Đức - Trương Huy San nhắc lại: “Một lần, bà cựu phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình hỏi ‘Chúng ta bắt đầu sai từ bao giờ?’ [Nhà văn] Nguyên Ngọc nói, “Thưa chị, chúng ta bắt đầu sai từ Đại hội Tua’ [Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp tổ chức tại thành phố Tours, năm 1920].”
Cách hỏi của bà Nguyễn Thị Bình cho thấy bà đã biết đảng CS và những người ủng hộ đường lối đảng sai nhưng không chắc sai từ thời điểm nào.
Cách trả lời của nhà văn Nguyên Ngọc cho thấy ông cũng biết sai như bà Bình nhưng chính xác hơn khi nhấn mạnh sai từ khi Hồ Chí Minh đưa tay gia nhập Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản tại Đại Hội Tours, nói rõ hơn là sai từ khi Hồ Chí Minh trở thành người CS chuyên chính theo đường lối của Lenin.
Để giúp mở rộng kiến thức của các bạn trẻ, người viết chỉ trích dẫn và bàn về câu nói “sai từ Đại hội Tua”. Cám ơn nhà báo Huy Đức. Các chi tiết khác trong bài, thảo luận hay tranh luận ngoài bài, người viết không biết và cũng không quan tâm.
Đại hội Tours là đại hội gì mà có ảnh hưởng quan trọng đến dòng lịch sử Việt Nam nhiều như vậy?
Đại hội Tours là đại hội bỏ phiếu tán thành tư cách thành viên của Đảng Xã hội Pháp trong Đệ Tam Quốc tế Cộng sản.
Trước khi bàn đến Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản chắc phải nhắc đến Đệ Nhị Quốc Tế.
Đệ Nhị Quốc Tế được thành lập vào ngày 4 tháng 7, 1889 tại Paris với mục đích đoàn kết giai cấp vô sản và truyền bá chủ nghĩa CS trên phạm vi thế giới. Đệ Nhị Quốc Tế chủ trương đấu tranh bằng các phương tiện nghị trường ôn hòa để đạt mục đích trong khuôn khổ luật định. Ủy ban lãnh đạo thường trực của Đệ Nhị Quốc Tế đặt tại Bỉ. Bí thư của tổ chức CS quốc tế này trong một thời gian dài từ 1905 đến 1922 là Camille Huysmans và ông có thời gian là Thủ tướng Bỉ.
Khi Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ, tranh chấp giữa các phe ủng hộ chiến tranh và chống chiến tranh dẫn đến sự rạn nứt và cuối cùng làm phân hóa Đệ Nhị Quốc Tế thành ba thành phần. Lenin tham gia vào Đệ Nhị Quốc Tế năm 1905 và nhanh chóng nổi bật vì quan điểm chống chiến tranh của ông ta.
Đệ Tam Quốc Tế hay còn được gọi là Comintern viết ghép của hai chữ “the COMmunist INTERNational” do Lenin thành lập. Hội nghị thành lập Comintern được tổ chức từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 3, 1919 tại Moscow .
Khác với các Quốc Tế trước, Đệ Tam Quốc Tế chủ trương cách mạng bạo động tại các quốc gia có đảng CS.
Trong giai đoạn đầu, đảng CS Nga dù đang khó khăn cũng đã xoay xở tài trợ cho các đảng CS Đức, Hung để thành lập cánh quân sự. Thực chất đây là một cách phản công các kẻ thù của Bolshevik vừa tấn công Nga trong giai đoạn sau “Cách mạng Tháng Mười", 1917.
Người được Lenin tin tưởng giao trọng trách điều hành Đệ Tam Quốc Tế là Grigory Zinoviev. Sau khi Lenin chết, một trong những người đầu tiên bị Stalin giết trong “cuộc thanh trừng vĩ đại” (The great purge) lại là Grigory Zinoviev.
Sau khi Comintern được thành lập, cùng với đảng CS tại nhiều quốc gia, đảng xã hội và các tổ chức cánh tả của Pháp cũng được mời gia nhập Đệ Tam Quốc Tế.
Đệ Tam Quốc Tế có bảy mục đích và lý luận chính được tóm tắt như sau:
(1) Giai đoạn hiện nay là giai đoạn phân hủy và sụp đổ của toàn bộ hệ thống tư bản thế giới, và sẽ là giai đoạn sụp đổ của nền văn minh châu Âu nói chung nếu chủ nghĩa tư bản với những mâu thuẫn không thể vượt qua của nó.
(2) Nhiệm vụ của giai cấp vô sản lúc này là nắm chính quyền Nhà nước. Việc nắm quyền lực Nhà nước biểu hiện sự tiêu diệt bộ máy Nhà nước của giai cấp tư sản và tổ chức bộ máy mới của quyền lực chuyên chính vô sản.
(3) Bộ máy quyền lực mới phải đại diện cho chế độ độc tài của giai cấp công nhân và ở những nơi nhất định, của cả những người tiểu nông và lao động nông nghiệp; nghĩa là nó phải là công cụ để lật đổ có hệ thống giai cấp bóc lột và chiếm đoạt nó.
(4) Chế độ chuyên chính của giai cấp vô sản phải là đòn bẩy cho việc chiếm đoạt ngay lập tức tư bản, xóa bỏ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và chuyển nó thành tài sản xã hội.
(5) Đối với an ninh của cách mạng xã hội chủ nghĩa, để bảo vệ chế độ chống lại kẻ thù bên trong và bên ngoài, để giúp đỡ các thành phần dân tộc khác của giai cấp vô sản chiến đấu, giải giáp hoàn toàn giai cấp tư sản và các tay sai của nó, và vũ trang chung của giai cấp vô sản, là cần thiết.
(6) Tình hình thế giới hiện nay đòi hỏi phải có sự liên hệ chặt chẽ nhất giữa các bộ phận khác nhau của giai cấp vô sản cách mạng và sự đoàn kết hoàn chỉnh của các nước mà cách mạng đã thắng lợi.
(7) Phương pháp đấu tranh cơ bản là hành động quần chúng của giai cấp vô sản, bao gồm đấu tranh công khai, vũ trang, chống lại quyền lực nhà nước tư bản.
(“First Congress of the Communist International Letter of Invitation to the Congress”, January 24, 1919).
V.I. Lenin tóm tắt về sự ra đời của 3 Quốc Tế CS: “Đệ Nhất Quốc tế đặt nền tảng của cuộc đấu tranh quốc tế vô sản vì chủ nghĩa xã hội. Đệ Nhị Quốc tế đánh dấu một thời kỳ trong mà đất đã được chuẩn bị cho sự lan rộng với hàng loạt phong trào ở một số quốc gia. Đệ Tam Quốc tế thu thập được thành quả của Đệ Nhị Quốc Tế, loại bỏ chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa xã hội sô-vanh, tư sản và nhỏ nhen tư sản ngu xuẩn, và đã bắt đầu thực hiện chính sách quyền lực của giai cấp vô sản.” (The Third Internationaland Its Place in History, V.I. Lenin, 1919, Collected Works, Moscow: Progress Publishers, 1965)
Nhận được thư mời, đại hội quyết định tham gia Đệ Tam Quốc Tế của thành phần quốc tế thuộc đảng Xã Hội Pháp (Socialist Party-French Section of the Workers’ International) được tổ chức tại thành phố Tours, một thành phố vùng Centre-Val de Loire, miền trung nước Pháp, ngày 25 tháng 12, 1920.
Bản tin năm 1920 còn lưu trữ của báo l'Humanité viết về đại hội này như sau: “Với 3.252 phiếu trong số 4.763 - chiếm đa số hơn 2/3 - Đại hội Tours đã bỏ phiếu tán thành tư cách thành viên của Đảng Xã hội trong Quốc tế Cộng sản.” (French Socialist Party to Join the III International, l'Humanité archive)
Tai họa giáng xuống cho đất nước Việt Nam phát xuất từ quyết định gia nhập Đệ Tam Quốc Tế, hay nói rõ hơn là ngày Hồ Chí Minh trở thành người CS theo chủ nghĩa Mác-Lê, trước đó Pháp chưa có đảng CS.
Ngay cả những người bạn thân của Hồ Chí Minh lúc đó cũng đã phê bình quan điểm CS cực đoan của ông ta. Cuộc tranh luận đúng sai đã kéo dài nhiều tháng. Dĩ nhiên, không ai thay đổi được ý định gia nhập Đệ Tam Quốc Tế của Hồ Chí Minh. (William J. Duiker, Ho Chi Minh: A Life, Hyperion Press, 2001).
Không ít người đến nay vẫn còn ấm ức vì chính phủ Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội khi không đoái hoài gì đến những lá thư của Hồ Chí Minh gởi TT Truman và Bộ Ngoại Giao Mỹ. Họ lấy làm tiếc phải chi lúc đó TT Harry Truman trả lời và đồng ý viện trợ cho Hồ Chí Minh chống Pháp thì ngày nay Việt Nam đã là một Singapore, Đài Loan hay Nam Hàn rồi đâu phải bám đuôi Trung Cộng.
Các cơ quan an ninh tình báo Mỹ không khờ khạo và ngây thơ như những người ấm ức kia nghĩ. Chính phủ Mỹ có đủ văn kiện, tài liệu về Hồ Chí Minh trong quan hệ với đảng xã hội Pháp, đảng CS Pháp và Đệ Tam Quốc Tế.
Theo tài liệu lưu trữ trong văn khố Hoa Kỳ, tổng số gồm 11 lá thư và điện văn ngắn Hồ Chí Minh gởi chính phủ Mỹ trong đó gồm 5 lá thư và điện văn gởi TT Truman, 6 lá thư và điện văn gởi Ngoại trưởng James Byrnes và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Lá thư thứ nhất ký ngày 17 tháng 10 năm 1945 và lá cuối cùng vào ngày 28 tháng 2 năm 1946.
TT Truman không trả lời thư của Hồ Chí Minh nhưng đã kiểm chứng lại lý lịch của ông ta chứ không tự động xếp vào văn khố. Chính phủ Mỹ chỉ thị tòa đại sứ Mỹ tại Paris trực tiếp liên lạc với Hồ Chí Minh.
Ngày 12 tháng 9 năm 1946, George M. Abbott, lúc đó là Đệ nhất Tham Vụ Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Paris, đã điện đàm một tiếng đồng hồ với Hồ Chí Minh.
Dĩ nhiên quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ vẫn là gốc gác của họ Hồ. Theo báo cáo của George M. Abbott cho đại sứ Hoa Kỳ tại Pháp, Hồ Chí Minh không thừa nhận ông ta là Cộng Sản. Không những thế, họ Hồ còn chỉ ra cho George M. Abbott thấy “không một người nào trong nội các của ông ta là Cộng Sản.”
Đoạn chính trong báo cáo của George M. Abbott : “Khi tôi đưa ra câu hỏi về những mối liên hệ được cho là Cộng sản của ông ta, tất nhiên, ông ta đã phủ nhận. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng không có Bộ trưởng Cộng sản trong chính phủ của ông và hiến pháp Việt Nam mở ra với sự bảo đảm các quyền tự do cá nhân và được gọi các quyền của con người và cũng bảo đảm quyền sở hữu cá nhân. Ông thừa nhận rằng có những người Cộng sản ở An Nam nhưng tuyên bố rằng Đảng Cộng sản như vậy đã tự giải thể vài tháng trước rồi.” (Page:Pentagon-Papers-Part I).
Trong thực tế, các chức vụ then chốt gồm Chủ tịch (Hồ Chí Minh), Bộ trưởng Quốc Phòng (Võ Nguyên Giáp), Bộ trưởng Tài Chánh (Lê Văn Hiến), Bộ trưởng Tư Pháp (Vũ Đình Hòe) trong nội các liên hiệp kháng chiến đều do các đảng viên đảng CS hay đảng Dân Chủ (ngoại vi của đảng CS) nắm giữ.
Dĩ nhiên, như viết trong báo cáo, George M. Abbott cũng biết những câu trả lời của Hồ Chí Minh là những câu nói dối. Hồ Chí Minh đánh giá hệ thống tình báo Mỹ quá thấp.
Với đảng CS, việc thay tên đổi họ, từ một người hay thậm chí cả đảng, theo nhu cầu chiến lược mỗi thời kỳ là chuyện bình thường. Đảng CS tổ chức tinh vi và chặt chẽ đến mức dù dùng tên gì vẫn hoạt động thống nhất và tuân chỉ triệt để một cương lĩnh. Vào thời điểm 1946, trước khi CSTQ chiếm toàn lục địa Trung Hoa, nếu Mỹ viện trợ, Hồ Chí Minh sẽ nhận và nếu Mỹ lên tiếng phản đối Pháp, Hồ Chí Minh sẽ cám ơn nhưng chắc chắn không bao giờ có chuyện “giải tán đảng CS” hay thành thật từ bỏ đảng CS. Các mục đích của Đệ Tam Quốc Tế đã đóng đinh sâu vào nhận thức của Hồ Chí Minh và hàng ngũ lãnh đạo đảng từ thập niên 1920. Chính sách của đảng CS không thay đổi từ đó đến nay.
Mỹ không đánh giá cao tinh thần dân tộc hay chủ nghĩa dân tộc trong người Hồ Chí Minh. Không riêng Việt Nam mà hầu hết các đảng CS từ Á sang Phi đều núp dưới bình phong “giải phóng dân tộc”.
Trong lúc Hồ Chí Minh nói với George M. Abbott không có một đảng viên CS nào trong chính phủ thì Võ Nguyên Giáp, Trần Quốc Hoàn đang thẳng tay tận diệt các đảng phái không CS như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt v.v..
Vụ Ôn Như Hầu tiêu diệt Việt Nam Quốc Dân Đảng vào tháng 8, 1946 là một bằng chứng: “Cuối tháng 5 [1946] khi quân đội Trung Quốc bắt đầu rút hết ra khỏi Việt Nam, Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho các lực lượng Việt Minh tấn công vào các cánh quân quốc gia tại miền Trung, tiêu diệt số lực lượng nhỏ nhoi của các đảng quốc gia tại vùng này.” (Lê Mạnh Hùng, Nhìn Lại Sử Việt, thời cận hiện đại 1945-1975, chương 6).
Các vụ tàn sát các đảng phái quốc gia chống thực dân diễn ra suốt 1946 không chỉ riêng tại Hà Nội, miền Bắc mà cả nước. Một chương sử đầy máu xương và hận thù trên đất nước Việt Nam vốn đã chịu đựng gần một trăm năm dưới gót thực dân bắt đầu từ đó.
Lịch sử không có “nếu” nhưng cần phải đặt lại một lần để các thế hệ Việt Nam đọc, ôn, học và đi về phía trước là trách nhiệm của những ai quan tâm đến vận nước.
Nếu không “sai từ đại hội Tua”, tức không có đảng CSVN ngày nay Việt Nam không phải nghèo nàn, lạc hậu, mất đất, mất biển, lệ thuộc mọi thứ vào Trung Cộng mà là một quốc gia độc lập, dân chủ giàu mạnh, đứng oai hùng và đầy kiêu hãnh như bên bờ Thái Bình Dương.
Đừng quên, bản thân hai tổng thống Franklin D. Roosevelt và người kế nhiệm là Harry Truman đều là những người có cảm tình với các dân tộc bị trị. Đặc biệt về trường hợp Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung, TT Franklin D. Roosevelt khẳng định việc tôn trọng quyền tự quyết dân tộc của các quốc gia như ông đã đề ra trong Hiến Chương Đại Tây Dương (Atlantic Charter) tháng 8, 1941. (The Atlantic Conference & Charter, 1941, Milestones: 1937–1945, State.gov)
Ngày 24 tháng 1, 1944, TT Roosevelt khẳng định lần nữa ước muốn của ông để đặt Đông Dương dưới sự quản trị của quốc tế thay vì trả lại cho Pháp. TT Roosevelt viết: “Tôi gặp Halifax [Ngoại trưởng Anh] tuần trước và nói với ông ta một cách thẳng thắng rằng một điều hoàn toàn đúng là hơn một năm trước tôi đã bày tỏ ý kiến Đông Dương không nên trả lại cho Pháp mà đặt dưới sự quản trị của một cơ quan ủy thác quốc tế (international trusteeship). Pháp đã chiếm dân tộc này, với ba chục triệu người, gần cả thế kỷ, và điều kiện của người dân còn tệ hại hơn lúc bắt đầu. (Memorandum by President Roosevelt to the Secretary of State, January 24, 1944).
Trong cùng tài liệu, TT Roosevelt còn viết một câu cảm động “Pháp đã vắt sữa các dân tộc Đông Dương suốt một trăm năm và người dân của các nước Đông Dương xứng đáng được sống một cuộc sống tốt đẹp hơn.” (France has milked it for one hundred years and people of Indo-china are entitled to something better than that).
TT Truman kế nhiệm đã chia sẻ quan điểm TT Roosevelt. Trong thời gian sau khi Thế Chiến Thứ Hai vừa chấm dứt, TT Truman nghiêm cấm các tàu bè Mỹ giúp chở quân đội và võ khí của Pháp để tái chiếm Việt Nam.
Nhưng con kỳ đà Đệ Tam Quốc Tế CS đứng cản mũi ngay giữa con đường để Việt Nam có thể hội nhập vào dòng thác văn minh của nhân loại sau Thế Chiến Thứ Hai như Nam Dương (độc lập 1945), Ấn Độ (độc lập 1947), Philippines (độc lập 1946), Jordan (độc lập 1946) và nhiều quốc gia từng là thuộc địa trở thành cộng hòa khác.
Chính sách của TT Truman đối với Việt Nam chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu từ 1946 đến 1950, Mỹ đóng vai trò trung lập và giai đoạn thứ hai sau khi Mao chiếm toàn lục địa TT Truman chuyển sang yểm trợ Pháp để ngăn chặn làn sóng CS nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam, Đông Dương và Đông Nam Á.
Chính sách của TT Truman tại Á Châu là một bộ phận trong toàn bộ chính sách Ngăn Chặn (Containment Policy) trong phạm vi thế giới. TT Truman rời nhiệm sở năm 1953 nhưng các tổng thống sau ông dù Cộng Hòa hay Dân Chủ đều tiếp tục dưới nhiều hình thức cho tới ngày LX sụp đổ. Hiện nay, chính sách Ngăn Chặn đang được tái dựng dưới một tên gọi khác phù hợp với điều kiện kinh tế chính trị Á Châu gọi là Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (Indo-Pacific Strategy of The United States).
Nội dung của Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương khẳng định “nước Mỹ chỉ có thể an toàn nếu Á Châu cũng an toàn” và do đó “Hoa Kỳ củng cố mối quan hệ với khu vực, thông qua các liên minh bằng các hiệp ước rắn chắc với Úc, Nhật Bản, Cộng hòa Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan, đặt nền tảng an ninh cho phép khu vực nền dân chủ phát triển mạnh mẽ.” (Indo-Pacific Strategy of The United States, White House, 2022).
CSVN không được nhắc đến trong mệnh đề mở đầu của Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương vì CSVN không phải là một quốc gia “dân chủ phát triển mạnh mẽ” hay “liên minh bằng hiệp ước”.
Nguy hiểm hơn, một khi không gian tranh chấp được mở rộng, vị trí chiến lược của Việt Nam đang có sẽ bớt quan trọng và bị thu hẹp dần cho tới khi chỉ còn là một “căn cứ phía nam” của Trung Cộng.
Do đó, nhận xét của nhà văn Nguyên Ngọc “sai từ Đại Hội Tua” rất đúng. Ông thấy sai từ bao giờ, hôm trước hay hôm qua, không quan trọng, quan trọng là thấy và nói ra cho các thế hệ trẻ biết. Giữa một xã hội bưng bít thông tin, tuyên truyền tẩy não, mọi tiếng nói đúng đều cần thiết. Nhiều người có thể cũng thấy như ông nhưng vì chút hư danh đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, chịu nhục để sống cho qua hết một đời.
Đại Hội Tours là thời điểm Hồ Chí Minh chọn phương pháp bạo động để thiết lập chế độ CS chuyên chính tại Việt Nam. Con đường Đệ Tam Quốc Tế đó nhuộm bằng máu, lót bằng xương của nhiều triệu người Việt kéo dài tròn thế kỷ và sẽ di họa không biết đến bao giờ mới dứt. Sự sai lầm đó đã dọn đường cho Trung Cộng, một nước CS đàn anh, xâm chiếm phần lớn biển đảo Việt Nam.
Một người bình thường chỉ nhìn vào hậu quả nhưng một người sáng suốt phải tìm hiểu tận nguyên nhân, và nguyên nhân chính cho tất cả thảm họa mà dân tộc Việt Nam đang gánh chịu hôm nay là do Hồ Chí Minh “sai từ Đại Hội Tua”.
_____
Ghi chú: (Một phần bài trích trong bài viết “Đừng Tưới Nước Lên Gốc Cây Rã Mục”.
TTĐ

NGUYÊN NGỌC

HUY ĐỨC/TD 5-9-2022


Một lần, bà cựu phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình hỏi Nguyên Ngọc, “Chúng ta bắt đầu sai từ bao giờ?” Nguyên Ngọc nói, “Thưa chị, chúng ta bắt đầu sai từ Đại hội Tua” [Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Pháp tổ chứ tại thành phố Tours, năm 1920].
Sáng nay, 5-9-2022, tôi gọi điện thoại vào Hội An
chúc mừng
sinh nhật ông và xin ông cho phép tôi nhắc lại câu chuyện “từ Đại hội Tours”. Ông nói, “Được nhưng nên nói rõ phản ứng của bà Bình”. “Bà Bình phản ứng sao ạ?”. “Bà ấy im lặng”.
Bà Nguyễn Thị Bình là cháu ngoại của nhà yêu nước vĩ đại Phan Chu Trinh. Ngày 19-6-1919, Phan Chu Trinh cùng với Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành soạn "Yêu sách của nhân dân An Nam" gửi Hội nghị Versailles, ký tên chung là "Nguyễn Ái Quốc".
Linh hồn của bản “Yêu sách” này là các trí thức lớn - Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền - những người kiên trì chủ trương, “Việt Nam phải phát triển kinh tế và giáo dục để tự lực tự cường, hội nhập vào thế giới văn minh rồi mới mưu cầu độc lập chứ không nên cầu viện ngoại bang dùng bạo lực để giành độc lập”.
Bà Nguyễn Thị Bình từng nhận xét, "Nguyên Ngọc là người có lòng yêu nước nồng nàn, cương trực, có những suy nghĩ sâu sắc nhằm đóng góp cho đất nước”. Không thể nhận biết lòng yêu nước của Nguyên Ngọc theo cách hiểu thông thường.
Trong chiến tranh, ông Võ Chí Công khi ấy đang là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Bí thư Khu ủy khu V, “ra lệnh” cho hai người “không được chết” là Nguyễn Chơn (một người giỏi cầm quân) và Nguyên Ngọc (một người cầm bút). Nhưng lệnh ấy của Bí thư khu ủy cũng không ngăn được Nguyên Ngọc xuống xã, nằm ngay trước mũi đạn, hòn tên.
Năm 1979, khi đang là một đại tá quân đội, đại biểu Quốc hội, Bí thư đảng đoàn kiêm Phó tổng thư ký Hội Nhà văn, trong “đề dẫn” của mình, Nguyên Ngọc đã chỉ ra nguyên nhân của tình trạng “có nhiều sách mà không có tác phẩm” là bởi “Tuyệt đối hóa sự chi phối tất yếu của chính trị đối với văn học”.
Sự thẳng thắn này đã giới hạn sự nghiệp chính trị của ông, nhưng văn chương nước nhà thời ông làm Tổng Biên tập của tờ Văn Nghệ đã có thêm rất nhiều tác giả và tác phẩm.
Cho dù, từ “Đất Nước Đứng Lên” đến “Dọc Đường” nội hàm yêu nước của ông đã thay đổi rất nhiều; nhưng tất cả đều nhất quán với tính cách ông. Nguyên Ngọc là một người không bao giờ đóng đinh nhãn hiệu yêu nước của mình ở “Rừng Xà Nu” và không dùng nó để đổi chác công danh hay tiền bạc.
Sách của Nguyên Ngọc. Ảnh trên mạng
Lòng yêu nước của ông không chỉ có trách nhiệm mà còn phải đi cùng trí tuệ. Và điều cốt lõi nhất của Nguyên Ngọc là trung thực. Ông trung thực một cách cực đoan, trước hết, với từng suy nghĩ của mình. Điểm sai từ “Đại hội Tours” không chỉ có Nguyên Ngọc nhìn ra nhưng nói thẳng ra, có lẽ, chỉ những người như Nguyên Ngọc.

VIÊN NGỌC QUÝ GIỮA ĐỜI

VŨ THƯ HIÊN/ BVN 9-9-2022

Tôi là kẻ sống dai. Cho nên những gì tôi viết về bè bạn thuần là những kỷ niệm về họ, phần nhiều là những người đã khuất. Tôi viết trước hết là để cho mình, như một lời nhắc. Rằng trong sự hình thành cái thằng tôi hôm nay, người nào cũng có phần trong đó.

Nhớ đến Nguyên Ngọc là tôi nhớ đến mấy truyện ngắn Chị NènMùa xuân hoa trắng. Không phải Đất nước đứng lên. Không phải Rừng xà nu.

Tinh chất của ngôn ngữ Việt không nằm trong những tác phẩm dính dấp với chính trị. Các nhà phê bình thì lại hay xoáy vào cái thứ vô duyên ấy để đánh giá tác phẩm. Sai lầm của họ là ở chỗ này. Tôi nghĩ thế và tin mình nghĩ không sai.

Lập trường chính trị ở nhà văn có cuộc sống ngắn ngủi của loài vờ. Vào một ngày mưa xuống nắng lên những con vờ vỡ tổ. Chúng áo ào bay loạn xạ trong không trung để rồi đột ngột khép cánh lại, rơi xuống chết tốt. Xác chúng lềnh bềnh trên mặt sông.

Lập trường là cái nay đúng, mai sai. Tốt nhất là tránh xa nó ra để giữ lấy cái trong trẻo của trái tim người.

Nhớ đến Nguyên Ngọc là tôi nhớ đến văn tà mùa xuân của anh: “Cỏ non nhọn và sắc, tưởng chừng những chú nai tơ lạc vào đấy chân cũng rớm máu”. Tôi không nhớ đúng chữ, nhưng ý thì không sai.

Ngôn ngữ là hồn cốt của tác phẩm. Văn chỉ có đẹp và không đẹp, hay và không hay. Văn của Nguyên Ngọc có cả hai: đẹp và hay.

Tôi không nhớ mình đánh bạn với Nguyên Ngọc khi nào. Hình như cùng một thời với Nguyễn Khải thì phải. Chúng tôi chơi với nhau như người cùng trà lứa, do hợp tính hợp tình, chứ không do một tiêu chí nào đó, văn chương hay vị trí xã hội. Hai người kia khi ấy đã là hai trái núi. Bên cạnh họ, tôi là con chuột.

Trong một đêm nằm chung phòng trong khách sạn Leningrad ở Moskva, Nguyên Ngọc nói về Đất nước đứng lên:

– Nó là một tableau. Không có văn chương. Đọc làm gì.

Ý anh nói cuốn ấy chỉ là phác thảo một cảnh tượng.

– Thế thì viết làm gì – tôi nói.

Nguyên Ngọc nín lặng.

Thời chúng tôi còn trẻ, cái anh có để mà khoe, nói cách khác là cái anh cần phải trưng ra để được sống yên là lập trường chính trị của anh. Nó bị đặt dưới kính lúp của những người cầm cân nảy mực toàn xã hội. Sự lựa chọn chỉ có một – hoặc anh theo họ, hoặc anh bị tống ra rìa.

Thế mà, đùng một cái, như sấm giữa trời quang, Nguyên Ngọc tuyên bố bỏ cái đảng mà anh gắn bó gần như cả đời. Nhiều người ngơ ngác. Tôi thì không.

Với Nguyên Ngọc mà tôi biết điều đó ắt phải xảy ra, không trước thì sau. Tôi chỉ nghĩ: nó xảy ra khí chậm.

Trong cái xã hội chia hai: đảng và không đảng, có đảng là sang, là oai, ngoài đảng là hèn, là kém, sự bỏ đảng, cái tài sản tinh thần mà người có nó khư khư ôm chặt, đòi hỏi một dũng khí. Dũng khí ấy vốn có ở Nguyên Ngọc, nó chỉ tiềm ẩn, chưa đến lúc bùng phát mà thôi.

Trên đường đời nhiều ngã rẽ đi lạc là chuyện thường. Nó xảy ra với bất kỳ ai. Lạc thì quay lại, có thế thôi. Nguyên Ngọc lạc vào đảng cộng sản. Biết mình lạc, anh đi ra.

Tôi không bao giờ vào cái đảng ấy. Không phải vì tôi ghét các thứ chủ nghĩa. Trong sự yêu ghét tôi không chọn bên. Ai yêu cứ việc yêu. Ai ghét cứ việc ghét. Nhưng khi đảng cộng sản xưng hùng xưng bá cai trị đất nước, thì tôi ghét nó.

Trong mọi câu nói của Lê Duẩn, tín đồ nhiệt huyết của bạo lực, bạo lực cách mạng cũng như bạo lực không cần cách mạng, có một câu tôi thích: “Chân lý chỉ là hiện tượng lịch sử, nay nó đúng, mai nó sai”.

Tôi không phải thần tử của thuyết cái quan định luận. Chẳng cần phải đóng nắp áo quan ta mới có thể nói lời cuối về một người. Ta hoàn toàn có thể nhận định về họ khi họ còn sống. Họ có thể đúng, có thể sai. Họ có lúc đúng, có lúc sai. Ai chả thế. Ta không phải và không nên vội nhận vai trò phán xét.

Tôi có đọc một vài bài báo mạng phê phán Nguyên Ngọc. Lập luận xác đáng, không cãi được. Đáng tiếc là người ta chỉ nói về lập trường chính trị, về thái độ của Nguyên Ngọc với việc này việc khác. Nhưng đó không phải là Nguyên Ngọc. Trong Nguyên Ngọc có vài Nguyên Ngọc. Ở chỗ này chỗ khác, khi này khi khác.

Nhìn bức ảnh chót của Nguyên Ngọc bắt gặp trên mạng xã hội, tôi buồn. Tôi không thấy trong bức ảnh ấy Nguyên Ngọc mà tôi từng biết.

Tuổi già chẳng tha ai. Chúng tôi, bạn cùng thế hệ với Nguyên Ngọc, đều đã già. Người xưa nói về tuổi chín mươi là tuổi cưỡi hạc về trời. Một hình ảnh thật đẹp. Nhưng chẳng ai cưỡi cái của khỉ gì khi rời bỏ trần thế. Chúng tôi chẳng còn sức để tự mình bò vào quan tài nữa kìa.

Tôi nhớ cuộc gặp gỡ cuối cùng của chúng tôi ở một gian nào đó trong ngôi nhà quen thuộc của Văn nghệ Quân đội ở đường Lý Nam Đế. Sau cuộc gặp gỡ ấy tôi không gặp Nguyên Ngọc lần nào nữa.

Hôm ấy chúng tôi trò chuyện lan man về đủ thứ – về văn chương, về những tác giả đáng đọc, ở trong nước, ở ngoài nước. Chẳng hiểu sao mọi chuyện linh tinh lang tang ấy rốt cuộc lại dẫn tới một đề tài hết sức bất ngờ – trạng thái cận tử.

Nguyên Ngọc dường như có nghiên cứu về hiện tượng này – bằng đọc sách hoặc nghe kể.

– Khi linh hồn rời bỏ thể xác, ông ạ – anh nói bằng giọng khẳng định – nó sẽ trở thành nhẹ bỗng khi bay vào một đường ống khổng lồ trong tiếng nhạc êm dịu để rồi thoát ra một vùng đất tuyệt đep, nơi mọi màu sắc đều tươi sáng – trời rất xanh, mây rất trắng, và những bông hoa đều ánh lên sắc màu tinh khiết.

Tên cúng cơm của Nguyên Ngọc là Nguyễn Ngọc Báu. Các cụ khéo thật. Nguyên Ngọc đúng là một vật báu mà các cụ tặng cho quê hương Việt Nam.

Mừng Nguyên Ngọc bước vào tuổi chín mươi.

Cầu Trời cho anh có sức khoẻ dẻo dai để luôn có mặt bên chúng ta. Viết thêm nữa cũng được. Không viết cũng chẳng sao.

Miễn vẫn có thể nghe được giọng láu táu quen thuộc của anh:

– Tin nhảm ấy mà. Mình đang chuẩn bị cho một chuyến thăm lại Tây Nguyên đây.

Kèm theo là một tràng cười giòn giã. Như của một đứa trẻ.

Thế là vui rồi.

Thế là đủ vui rồi.

V.T.H.

Nguồn: FB Vũ Thư Hiên

ÁN VĂN
NGUYỄN THÔNG/ TD 10-9-2022
Vụ ông Hoàng Hải Vân hoặc hồ đồ, hoặc có dụng ý xấu, lôi móc từ "đống rác cũ" cái bài nhà văn Nguyên Ngọc viết từ năm 24 tuổi (1956) phê bình nhà văn Phùng Quán, mà ông Vân gọi là "đánh", "đánh một cú chết tươi", tôi thấy rất buồn cười.
Thời tao loạn văn nghệ sau 1954 ở miền Bắc, cả vạn người, từ cụ Hồ tới đứa dân quèn, bị đảng xúi xông lên đánh Nhân văn Giai phẩm, đánh Phùng Quán cùng nhiều người tử tế khác, cứ gì một mình ông Ngọc, mà quy tội, kết tội cho ông Ngọc, cho anh lính nhà văn mới 24 tuổi. Đó là cách quy chụp hồ đồ, nếu không muốn nói là rất tiểu nhân, tầm thường, nhẽ ra không đáng bàn.
Nhân vụ này, tôi trích lại một phần trong loạt bài "Án văn" mà tôi viết đã lâu để góp thêm chút hiểu về Nhân văn Giai phẩm.
Thời tôi sống ở quê Hải Phòng, từ lúc trẻ thơ học trong nhà trường tới khi lặn ngụp mưu sinh trong cõi đời, tôi đã nghe, đã chứng kiến nhiều án văn, có những vụ cho đến bây giờ vẫn là dấu hỏi lớn của lịch sử. Có những vụ, văn chương vốn dĩ vô tình nhưng qua bàn tay kẻ thủ ác đã vùi dập, giết hàng loạt người lương thiện, trong đó có những con người đẹp đẽ, tài hoa bậc nhất thời đại. Vụ Nhân văn Giai phẩm là ví dụ điển hình.
Ai muốn biết bản chất vụ án văn Nhân văn Giai phẩm, chả cần tìm đâu xa, chỉ cần vào đọc địa chỉ Facebook của nhà văn Thái Kế Toại (bút danh Lê Hoài Nguyên) là rõ. Ông Toại là công an văn hóa, hàm đại tá, công tác tại A25 (cục chuyên về văn hóa tư tưởng của Bộ Công an), được giao thụ lý hồ sơ vụ án văn này. Nhưng càng tìm hiểu, đi vào góc khuất, khám phá ra những điều mà nhà cai trị cố tình che giấu, ông Toại càng thấy đó là tấn bi kịch văn nghệ kinh hoàng, oan sai, oan trái, không chỉ tàn hại một thế hệ văn nghệ đầy công tích trong chiến tranh chống Pháp mà còn phủ cái bóng thảm khốc đen tối của nó ám ảnh cả nền văn nghệ dân tộc suốt thời gian dài về sau, thậm chí tới tận bây giờ.
Những số phận đại bi kịch như Phan Khôi, Trương Tửu, Nguyễn Hữu Đang, Trần Đức Thảo, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Đào Duy Anh, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Nguyễn Bính, Hữu Loan, Trần Duy, Văn Cao, Cao Xuân Huy, Cao Xuân Hạo, Phan Ngọc, Nguyễn Sáng, Phùng Cung… đã thành mồi ngon cho chiếc máy chém khát máu trí thức của bộ máy cai trị cộng sản. Dính án, nói theo kiểu Nam Cao, cuộc đời họ cứ mòn đi, mục đi, không có lối thoát, kể cả trong nhà tù đằng đẵng 15 năm như Nguyễn Hữu Đang, hay được tại ngoại như Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Đức Thảo...
Nghĩ lẩn mẩn, nếu những con người tinh hoa ấy không bị dòng thác cách mạng tàn bạo kia vùi dập xuống tận bùn đen thì số phận dân tộc này chắc chắn sẽ khác rất nhiều. Dù mãi về sau, “người ta” cũng âm thầm sửa sai, lặng lẽ phục hồi danh dự, ban phát đền bù cho người này người nọ nhưng đó cũng chẳng qua là động tác vớt vát cứu vãn uy thế của nhà cầm quyền chứ cũng chả phải phục thiện, ăn năn hối lỗi gì. Họ có bao giờ biết sám hối, ăn năn. Điều dễ nhận thấy nhất là cho đến bây giờ, chính quyền chưa hề chính thức lên tiếng xin lỗi về vụ Nhân văn Giai phẩm, cũng như chưa hề có cuộc xin lỗi đầy đủ những nạn nhân của cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất mà họ đã tiến hành, cuộc đánh tư sản trong cải tạo công thương, cuộc bắt bớ đày ải cán bộ trong xét lại chống đảng, cuộc ngăn cấm bắt bớ đẩy dân vào vực thẳm trong ngăn sông cấm chợ... Chưa bao giờ!
Tôi được biết tới vụ Nhân văn giai phẩm khi đã hơn 10 tuổi, lúc miền Bắc bước vào cuộc chiến tranh chống lại máy bay Mỹ. Không biết ai đã cho thày tôi cuốn tạp chí (bị mất bìa nên tôi cũng không nhớ là tạp chí gì), số tổng kết cuộc đấu tranh chống lại nhóm phá hoại Nhân văn Giai phẩm. Đọc những bài của Tố Hữu, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Công Hoan, Như Phong, Nguyễn Khải, Hồ Phương, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… bốc lên mùi binh khí binh đao, sắt máu, tanh tưởi, hận thù, giờ nhớ lại vẫn rùng mình.
Ngay lúc này đây, trên tay tôi là cuốn "Phấn đấu vì một nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa" của ông Tố Hữu, trùm văn nghệ cách mạng, một trong những thủ phạm chính của vụ Nhân văn Giai phẩm. Trong bài "Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân văn Giai phẩm trên mặt trận văn nghệ", ông Lành có viết: “Lật bộ áo Nhân văn - Giai phẩm thối tha, người ta đã thấy cả một ổ phản động toàn những mật thám, gián điệp, lưu manh, trốt-kít, địa chủ, tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm” (trang 84, sách đã dẫn, NXB Sự Thật, 1982).
Còn ông Nguyễn Công Hoan chửi cụ Phan Khôi "Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi/Thọ mi mi chúc chớ phiền ai/Văn chương, đù mẹ thằng cha bạc/Tiết tháo, tiên sư cái mẽ ngoài/Lô gích, trước cam làm kiếp chó/Nhân văn, nay lại hít gì voi/Sống lâu thêm tuổi cho thêm nhục/Thêm nhục cơm trời chẳng biết toi" (Bài này có trong cuốn tạp chí mất bìa, đọc xong mấy anh em tôi thích quá, thấy chửi đã quá, khổ, hồi ấy trẻ con nào có biết gì).
Trời ạ, cùng bạn văn chương với nhau mà gọi nhau là thằng khốn kiếp, chửi đù mẹ người ta. Mà người chửi vốn không phải là người tệ, người bị chửi cũng là những con người công lao hãn mã, tử tế, nhân cách cao vòi vọi. Cái chính thể mới đã "có công" gây ra cuộc hí trường, biến đổi tệ hại, bi kịch máu và nước mắt như vậy.
Nếu đúng như ông Tố Hữu và những đồng chí của ông kết án những “gián điệp, lưu manh, gái điếm” của phong trào Nhân văn giai phẩm thì có lẽ nhà cai trị đã hoàn toàn sai lầm khi phục hồi cho họ, thậm chí còn trao cả Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng Nhà nước cho những “lưu manh, gái điếm " này.
NT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét