Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2022

20220613. BÀN VỀ KHÁI NIỆM 'NHÂN CÁCH'

ĐIỂM BÁO MẠNG


CHU NGỌC ANH VÀ KHÁI NIỆM NHÂN CÁCH ?

MẠC VĂN TRANG/ TD 12-6-2022



Bạn tâm lý học của Viện khoa học giáo dục Việt Nam, vào giữa năm 1970, có một cuộc thảo luận về tâm lý học nhân cách kéo dài đến hơn 2 tháng, mỗi tuần một buổi. Trong quá trình thảo luận, mỗi người phải đưa ra một khái niệm NHÂN CÁCH và luận giải.
Nhà tâm lý học Phạm Hoàng Gia Đã tập hợp và giới thiệu hơn 200 định nghĩa về nhân cách của các nhà tâm lý học, giáo dục học trên thế giới.
Có định nghĩa chỉ ngắn một dòng; có định nghĩa dài đến một trang như của giáo sư A. Kossakowski người Đức.
Bây giờ ở tuổi ngoài tám mươi lại hậu Covid hay hậu vaccine không biết, quên dữ quá, tuy nhiên vẫn nhớ được cái định nghĩa của Phạm Hoàng Gia và của bản thân mình.
Phạm Hoàng Gia định nghĩa: nhân cách là giá trị làm người. Rồi ông lý giải đến 7- 8 trang đánh máy.
Tôi thì định nghĩa theo kiểu chiết trung: nhân cách là tổng hòa các thuộc tính tâm lý cá nhân, tạo nên phẩm chất, năng lực và bản sắc riêng của mỗi người.
Các khái niệm về Nhân cách dù của tác giả nào cũng có mấy đặc tính:
- Các thành tố cấu tạo nên Nhân cách có yếu tố di truyền sinh học; có yếu tố giáo dục gia đình, nhà trường, xã hội; có những trải nghiệm cá nhân tích lũy trong suốt đường đời… Tất cả các yếu tố đó được tổng hòa, tích hợp lại làm nên thuộc tính nhân cách BỀN VỮNG và không ai giống ai. Tính BỀN VỮNG có nghĩa là ở mọi hoàn cảnh con người đó đều thể hiện đúng với bản chất nhân cách của mình. Ví dụ con người có đặc điểm nhân cách: Nhân, Trí, Dũng vượt trội, hay cụ thể: Trung thực, liêm chính, nhân ái, trách nhiệm, trọng danh dự nhân phẩm; hiểu biết, thông minh, có năng lực; có ý chí, quyết tâm …thì ở hoàn cảnh nào cũng thể hiện rõ như vậy và mang bản sắc riêng của mình.
Còn người có đặc điểm dối trá, gian manh, nịnh bợ, lắm mưu mẹo, dám làm liều… thì ở đâu, dù cố che giấu rồi cũng lộ ra bản chất của nó.
- Dù kín đáo đến đâu, nhân cách con người cũng thể hiện ra ngoài để cộng đồng xã hội có thể quan sát, đánh giá được qua các hoạt động, giao tiếp và phong cách biểu hiện của cá nhân. Trường hợp ông Chu Ngọc Anh, các cấp trên và ai làm việc trực tiếp chắc biết rõ Tài, Đức của ông ấy; nhưng cử chỉ giao tiếp và cái cười của ông với cấp trên thì ai nhìn hình cũng thấy, rất độc đáo, mang bản sắc cá biệt, không lẫn với ai.
- Các phương pháp trắc đạc, đánh giá nhân cách là vấn đề đau đầu của các nhà Tâm lý học, tranh cãi nhau hàng thế kỷ. Các nhà Tâm lý học theo quan điểm Marxit thì phê phán Tâm lý học phương Tây kịch liệt và cho rằng đánh giá nhân cách có phương pháp có thể tin cậy. Họ xuất phát từ tiền đề lý luận của K. Marx: "Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa các quan hệ xã hội" (Marx không tính đến yếu tố di truyền và các yếu tố khác); và "Con người tạo ra hoàn cảnh bao nhiêu, thì hoàn cảnh cũng tạo ra con người bấy nhiêu".
Căn cứ vào đó đảng cộng sản chọn người phải xem kỹ Lý lịch (quan hệ xã hội), xem quá trình công tác đã làm những gì, thành tích ra sao (tạo ra hoàn cảnh), và từ đó đánh giá phẩm chất, năng lực của đương sự được “hoàn cảnh tạo ra”.
Từ quan điểm trên, phương pháp đánh giá nhân cách chủ yếu là “Khái quát hoá các nhận xét của tập thể cơ sở” (cá nhân cũng có tự đánh giá, nhưng tổ chức ít tin tưởng). Cho nên ta thấy các chi đoàn, chi bộ … luôn kiểm điểm (trước kia là hàng tháng, nay 6 tháng một lần) nhận xét, đánh giá nhau theo các tiêu chuẩn xem có đạt “4 tốt”, “Tiên tiến” không?... Tất cả những đánh giá được lưu vào Lý lịch cá nhân, ngày càng dày cộp.
Nhìn về hình thức cái quy trình và phương pháp đánh giá như vậy rất chặt chẽ, có cơ sở lý luận và thực tiễn rất chi là hoàn hảo…
Từ đó Đảng CSVN đề ra chiến lược tuyển chọn, đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ từ cấp cơ sở đến cấp chiến lược theo một quy trình chặt chẽ, rất tự tin. Và khi bổ nhiệm một người vào vị trí nào đó đều có “bàn bạc tập thể” rồi mới quyết định. Cho nên ở Việt Nam có cho bầu cử cũng là bầu những người “Đảng cử, dân bầu”, dân gọi là “diễn trò” cho vui mà thôi. Như vậy Đảng toàn quyền vấn đề nhân sự thì cũng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về vấn đề nhân sự chứ.
***
Trường hợp ông Chu Ngọc Anh là một ví dụ, khi được phân công làm Phó Bí thư thành uỷ Hà Nội để HĐND TP bỏ phiếu bầu ông làm Chủ tịch TP Hà Nội, ông Phạm Minh Chính khi đó là Trưởng Ban Tổ chức TƯ Đảng thay mặt Đảng đã đánh giá ông Chu Ngọc Anh trong Lễ trao Quyết định, ngày 18/9/2020, như sau:
“Đồng chí Chu Ngọc Anh là cán bộ cao cấp, được đào tạo cơ bản. Dù ở cương vị công tác nào đồng chí luôn luôn vượt qua khó khăn, thể hiện là người có bản lĩnh, ý chí, nỗ lực vì nhiệm vụ đảng phân công; đồng thời là cán bộ có đạo đức trong sáng, gần gũi với đồng nghiệp, đồng chí “...(1)
Như vậy rất đúng tinh thần chỉ đạo của TBT Nguyễn Phú Trọng: “Kiên quyết không để lọt vào Trung ương những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cá nhân, phe cánh”...(2)
Vậy mà tại Hội nghị Trung ương đảng CSVN bất thường chiều ngày 6/6/2022, ông Chu Ngọc Anh bị khai trừ khỏi ĐCS, với đánh giá: “Lơ là tu dưỡng, buông mình ra khỏi những nguyên tắc của Đảng, những cán bộ lãnh đạo cao cấp như Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Công Tạc đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng”...
“Giữa lúc cả nước trên dưới đồng lòng gồng mình chống dịch, người dân khốn khó, lao đao, hơn 43.000 đồng bào tử vong vì Covid, thế mà, họ đã lợi dụng chức quyền, bán rẻ lương tâm, chống lưng cho công ty Việt Á thao túng thị trường mua sắm vật tư chống dịch để trục lợi hàng nghìn tỉ đồng. Đổi lại, 800 tỉ đồng lót tay của Việt Á đã chảy vào túi riêng của hàng chục quan chức. Đó không còn là khuyết điểm nữa, mà là tội ác!”. (3)
Chu Ngọc Anh là trường hợp làm ví dụ đại diện cho hàng trăm, ngàn trường hợp tương tự. Vấn đề đặt ra là, bản chất Nhân cách là những thuộc tính tâm lý ỔN ĐỊNH, BỀN VỮNG, nhất là ở người trưởng thành, tại sao lại đang “TỐT” chuyển sang “XẤU” nhanh chóng, dễ dàng vậy? Có thể là:
1. Tất cả các khái niệm NHÂN CÁCH đều sai?
2. Cơ chế, quy trình tuyển chọn, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ không chính xác, tin cậy;
3. Lý luận và phương pháp đánh giá nhân cách cán bộ, đảng viên chỉ là hình thức, thấy NHÂN CÁCH GIẢ không thấy rõ bản chất NHÂN CÁCH THẬT của con người;
4. “Hoàn cảnh tạo ra con người trong chừng mức con người tạo ra hoàn cảnh”...Tức thể chế như hiện hành, đặt con người vào đó, nếu nó càng tích cực “tạo ra hoàn cảnh” bao nhiêu thì “hoàn cảnh cũng tạo ra nó bấy nhiêu". Hoàn cảnh (thể chế) méo mó, sai lệch sẽ dẫn con người trong hoàn cảnh đó đến sai lệch, méo mó, trừ khi người ta đủ trí tuệ và dũng khí vượt ra ngoài hoàn cảnh.
“Hoàn cảnh” hiện tại thế này đây: “bây giờ làm việc gì cũng sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai hay không, sai cũng không biết sai chỗ nào và thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm", Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa phát biểu như trên tại Quốc hội. “Hoàn cảnh” tù mù như vậy thì dễ khiến người ta làm liều.
Vậy bây giờ bắt đầu thay đổi từ đâu để cải thiện tình hình?
________
Chú thích:

HAI ÔNG CHỦ TỊCH HÀ NỘI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU

NGUYỄN ĐĂNG TẤN/ VNN 12-6-2022

Đúng như câu nói ai không theo kịp sẽ bị bỏ lại phía sau. Và hai vị chủ tịch vừa qua đã bị bỏ lại phía sau.

Thủ đô Hà Nội đã trải qua qua 15 khóa với 9 vị từng đảm nhận chức chủ tịch. Người đảm nhận lâu năm nhất là bác sỹ Trần Duy Hưng, từ khóa 1 đến khóa 6. Có 4 vị đảm nhận 2 khóa hoặc gần hai khóa, còn lại là những người làm 1 khóa.

Ông Nguyễn Đức Chung đảm nhận trọn 1 khóa và đã bước sang khóa sau một thời gian ngắn thì bị xử lý hình sự. Ông Chu Ngọc Anh tiếp nối.

Đáng buồn là hai vị Chủ tịch Hà Nội gần đây đều vướng vào vòng lao lý. Ông Nguyễn Đức Chung vi phạm khi ông đang đương chức. Còn ông Chu Ngọc Anh vừa mới bị bắt vì những vi phạm từ thời ông làm Bộ trưởng Bộ KHCN.

Hà Nội là đất ngàn năm văn hiến. Hiện nay Hà Nội có 12 quận, 1 thị xã và 17 huyện với quy mô dân số chỉ đứng sau TP.HCM. Tuy nhiên Hà Nội lại là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước nên có vị thế đặc biệt quan trọng. 

Không những vậy, Hà Nội còn là đất kinh kỳ thanh lịch, “nơi rồng cuộn hổ ngồi”, nơi tiếp nhận tinh hoa văn hóa của cả vùng đồng bằng sông Hồng. 

Nói như vậy để thấy đứng đầu chính quyền Hà Nội là đứng đầu một địa chỉ văn hóa quan trọng nhất đất nước. Người được lựa chọn phải là người có tầm văn hóa và ứng xử có văn hóa là yêu cầu trước tiên. 

Hà Nội ngày nay khác xa với thời kỳ trước. Nhiều công trình văn hóa, nhiều phố phường từng ngày “thay da đổi thịt” đến mức nếu không thường xuyên đi lại dễ bị lạc. Đường phố mở rộng khang trang hơn, hàng nghìn cao ốc sừng sững…Tuy nhiên, cũng phải thấy một điều là dẫu mở rộng nhưng Hà Nội vẫn chưa khang trang, chưa xanh sạch đẹp, quy hoạch còn manh mún, nhiều vấn đề đô thị và giao thông đô thị cũng chưa có bước chuyển biến nào rõ rệt. 


Hai cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh, Nguyễn Đức Chung

Một thời người ta kỳ vọng vị chủ tịch có bằng kiến trúc về để có một Hà Nội quy mô, xứng tầm nhưng rồi lại thất vọng. Đất đai được tận dụng đến mức tối đa, mọc lên nhan nhản nhà cao tầng mà không có nơi vui chơi, hay không gian văn hóa.

Ông Nguyễn Đức Chung được kỳ vọng nhiều vì có nhiều thời gian gắn bó, trưởng thành tại Hà Nội. Người dân hy vọng tính cách quyết liệt của ông Chung sẽ đem đến cho Thủ đô những thay đổi. Hơn một khóa ông làm, người dân cũng phần nào cảm nhận được tính quyết liệt của ông. Việc ông thay cây xanh tuy có nhiều ý kiến song cũng đem lại cho Hà Nội chút thay đổi, hay một thời quyết liệt để người dân có phố đi bộ, rồi việc trấn áp tội phạm… Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những việc trước mắt. Vươn lên thế nào, định hướng ra sao để Hà Nội xứng danh là thành phố “vì hòa bình” thì chưa rõ. 

Ông Chu Ngọc Anh là người con xứ Đoài. Người dân hy vọng ông hiểu rõ văn hóa, tâm linh của vùng đất “rồng bay” và Hà Nội sẽ bắt đầu vươn cao bằng văn hóa, bằng khoa học công nghệ hiện đại. Tiếc rằng ông chưa kịp làm gì cho Hà Nội thì xảy ra vụ Việt Á mà ông là một trong những cá nhân cấp cao bị xử lý. 

Có thể thấy rõ, chiếc ghế chủ tịch Hà Nội cần có những người xứng tầm. 9 đời chủ tịch với chiều dài 15 khóa, có lẽ người để lại trong lòng dân nhiều ấn tượng nhất là bác sỹ Trần Duy Hưng.

Bác Hồ là người chọn ông làm chủ tịch và cũng chính ông đề nghị mở lớp quy hoạch đô thị cho cán bộ Hà Nội. Trong ý nghĩ của ông về quy hoạch Hà Nội  trước hết là cái hồn Hà Nội, con người Hà Nội, văn hoá Hà Nội. Đó là quan trọng nhất. Với tầm nhìn xa, trông rộng, Chủ tịch Trần Duy Hưng đã để lại cho Thủ đô nhiều công trình, nhiều dấu ấn đến nay vẫn được người dân ca ngợi.

Địa linh luôn cần nhân kiệt. Đó là sự tương quan, sự gắn bó tất yếu trong quá trình phát triển. Đúng như câu nói ai không theo kịp sẽ bị bỏ lại phía sau. Và hai vị chủ tịch vừa qua đã bị bỏ lại phía sau.

Nguyễn Đăng Tấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét