Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2022

20220606. MXH VỚI KỲ HỌP 3 QUỐC HỘI XV

 ĐIỂM BÁO MẠNG

KHI QUỐC HỘI ...TẤU HÀI

TRÂN VĂN/ VOA/ TD 4-6-2022


"QUỐC HỘI DIỄN HÀI QUÁ HAY VỚI DÀN DIỄN VIÊN XUẤT SẮC. HOÀI LINH KHÔNG CÓ CỬA ĐỂ SO BÌ. MỖI KỲ HỌP, QUỐC HỘI LẠI CUNG CẤP CHO DÂN CHÚNG NHỮNG TRÀNG CƯỜI THOẢI MÁI BẤT TẬN, GIÚP HỌ QUÊN ĐI MỌI THỨ LO TOAN TRONG CUỘC SỐNG..."
Kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa 15 (khai mạc hôm 23/5/2022) đã sắp tròn hai tuần và sẽ còn tiếp tục cho đến trung tuần tháng này (16/6/2022). Chưa biết hai tuần còn lại thế nào nhưng trong hai tuần vừa qua, nhiều người khẳng định, những diễn biến xoay quanh “sự kiện chính trị quan trọng” ấy đã giúp họ vừa bật cười, lại vừa muốn khóc. Theo một số người, Quốc hội phải rất có... “duyên” mới tạo ra được tình trạng trái khoáy đó!
Không ít người đã chụp lại tựa một bài viết trên tờ Tuổi Trẻ hồi 2014 - “Đừng để người bệnh tâm thần ứng cử Quốc hội” (1), hay tựa một bài viết khác trên Petro Times năm 2016 – “Quốc hội không phải phường chèo” (2) rồi đặt những tấm ảnh ấy trên trang facebook của họ thay cho bình luận và cảm xúc về hoạt động của Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam tại kỳ họp lần này.
Có người như Bị Cạo Râu... tán thán: Quốc hội diễn hài quá hay với dàn diễn viên xuất sắc. Hoài Linh không có cửa để so bì. Mỗi kỳ họp, Quốc hội lại cung cấp cho dân chúng những tràng cười thoải mái bất tận, giúp họ quên đi mọi thứ lo toan trong cuộc sống. Cảm ơn Quốc hội. Chỉ có điều, giá cachet 1 tỉ/ ngày hơi bị đắt (3). Hoặc ngao ngán như Phuc Dinh Kim: ĐBQH chỉ đọc mà đọc tiếng Việt cũng không chạy. Nhục (4)!
Cũng có người như Khiêm Phan Nguyễn... “khen”: Mấy hôm nay nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu vui quá, từ chuyện cần làm sân bay cho bà con vùng cao chuyển nông sản đến chuyện chồng khen vợ ông hàng xóm là bạo hành vợ mình… và liên tưởng đến một bài viết của Nguyễn Quang Thiều kể về một ĐBQH cùng quê,suốt nhiệm kỳ chỉ ngồi ăn trầu không phát biểu câu nào, cả nhiệm kỳ ông ấy ăn hết 5000 quả cau.
Khiêm giới thiệu kết luận của Nguyễn Quang Thiều: “Không nói còn tốt hơn nói ra những điều hài hước và không mang lại điều gì cho sự phát triển chung. Không nói, nghĩa là không cần phải dành thời gian cho việc ngẫm nghĩ những điều mình phải cố nói. Hãy dành thời gian ấy để suy ngẫm cho kỹ, kết hợp với thực tế của mình, mà thẩm thấu những điều người khác đã nói, đã tranh luận, rồi từ đó định hướng cho đúng lá phiếu hay biểu quyết của mình về những quyết sách”...
và cho rằng: Nhà văn chốt thế cũng chí lý. Tuy nhiên, đấy là Quốc hội những năm 1960 thế kỷ trước, trình độ học vấn nhìn chung còn thấp, bây giờ 2022 rồi, đại biểu phải khác… Người ta gọi diễn đàn Quốc hội là Nghị trường, đại biểu là Nghị sĩ, chữ “Nghị” có nghĩa là thảo luận, họp bàn - gồm chữ “Ngôn” là nói, kết hợp với chữ “Nghĩa” là ý nghĩa… Cho nên đã là đại biểu, là nghị sĩ thì phải phát ngôn, phát biểu, tuy nhiên nói phải có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, trên nền tảng văn hóa, chứ không nói linh tinh, nhảm nhí, vô nghĩa… Mà không chỉ nói ở nghị trường, khi cử tri hỏi cũng phải trả lời, báo chí phỏng vấn cũng phải nêu quan điểm của mình. Mong sao Quốc hội ngày càng chọn được nhiều đại biểu hăng hái phát biểu, đóng góp những ý kiến thiết thực, có giá trị để cơ quan quyền lực cao nhất thật sự mạnh (5).
Đây đó, có những người như Ba Kiem Mai nhắn: Nghị trường không phải là sân khấu tấu hài (6). Sau khi dẫn chứng thực tế để chứng minh Luật Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) hiện hành còn nhiều hạn chế cần cải sửa và ý kiến của một số ĐBQH góp ý cho Dự luật sửa luật PCBLGĐ hiện hành, Facebooker vốn là nhà báo nghỉ hưu này nhận xét, đại ý: Không có ĐBQH nào đọc lại nội dung của Luật PCBLGĐ để góp ý cho Dự luật cải sửa... Mỗi ngày họp của mấy ba, mấy má nghị sĩ tốn cả tỷ đồng mà lười suy nghĩ thì làm ơn đọc góp ý để thảo luận về Dự luật…!
Từ các diễn biến tại Nghị trường, Trương Huy San, một cựu nhà báo khác thì đặt vấn đề: Làm chính sách hay tập làm văn (7): Từ khóa II đến khóa VII, Quốc hội ta cơ cấu đại biểu bao gồm cả người chăn bò và công nhân vệ sinh. Trong những lần trả lời phỏng vấn tôi, anh Hồ Giáo kể, khi cần ông phát biểu, Văn phòng thường chuẩn bị trước rồi đưa giấy cho ông, ông chỉ cần lên đọc. Bởi thế, ngay cả hồi đó mà cũng có mạng xã hội, chưa chắc đại biểu đã có khả năng “mua vui” như mấy ngày qua.
Lỗi không phải chỉ ở từng đại biểu. Tôi tìm lại Luật Quy hoạch, Luật được nhắc nhiều nhất mấy ngày họp đầu. Hiếm có văn bản luật nào lại được trình bày một cách tăm tối như luật này. Tôi cố gắng đọc đi đọc lại cả 59 điều mà không thấy rõ, đâu là “quy phạm”, đâu là “chính sách”. Luật Quy hoạch không phải là cá biệt, nếu không thay đổi tư duy làm luật thì Quốc hội, nơi lẽ ra phải làm chính sách, chỉ có thể làm tập làm văn.
Sau khi phân tích khá cặn kẽ về những bất cập của Luật Đất đai nhằm chứng minh, suốt từ đầu thập niên 2000 đến nay, Quốc hội bị kéo vào công cuộc làm văn bản chứ không phải làm chính sách về đất đai. Dẫu không gian chính trị chưa đủ chín để đụng đến vấn đề “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” nhưng vẫn có thể thay đổi nội hàm của nó, vẫn có thể sửa chính sách và có một cách tiếp cận khác để làm luật đất đai rõ ràng, ngắn gọn. Luật Đất đai chỉ cần dăm, bảy điều và Luật Quy hoạch cũng không nên “vẽ cả ngày mai thành bức tranh…” khi chưa biết nguồn lực từ đâu ra cả.
Theo Trương Huy San: Đừng coi việc làm luật cũng là một cơ hội như làm… dự án. Tư duy chưa thay đổi, điều kiện chưa chín muồi thì chưa thể có thay đổi về chính sách (nhất là trong chính sách đất đai, có người muốn giữ sở hữu toàn dân vì sợ chệch hướng, có người muốn giữ quyền thu hồi đất của nhà nước vì lợi ích). Chưa thay đổi về chính sách mà sửa luật thì chỉ làm tập làm văn. Và nếu không thay đổi chính sách một cách toàn diện thì đừng sửa toàn văn luật hay bộ luật mà chỉ cần ra một luật sửa đổi chỉ một, hai điều là đủ. Phải có phương pháp làm việc khoa học để đừng làm mất thời gian của Quốc hội. Nên đưa các vấn đề chính sách ra để các nghị sĩ thảo luận (thay vì để đại biểu ăn nói như một đại cử tri). Khi đã hình dung quyết sách thì để các Ủy ban cùng đội ngũ chuyên môn thiết kế các “quy phạm” trước khi trình Quốc hội thông qua, biểu quyết.
Quyền lực của Quốc hội càng độc lập với chính phủ càng tốt khi thực thi giám sát. Nhưng, chương trình nghị sự của Quốc hội mà nếu không bám sát chương trình hành động của chính phủ (phản đối hay ủng hộ) thì các phát biểu ở Quốc hội rất dễ trở nên lạc lõng. Lạc lõng như tình huống, vợ thì hì hục nhặt rau, bế con, chồng chỉ chăm chăm ngó sang hàng xóm xem vợ người ta xinh hay xấu.
***
Bao giờ thì những kỳ họp Quốc hội vẫn được tuyên truyền là “một trong những sinh hoạt chính trị quan trọng nhất của quốc gia”, vốn tốn vài chục tỉ/lần, không khiến đa số công dân cảm thấy vừa bất bình, vừa ngậm ngùi kiểu như Nguyễn Thiện: Nhiệm vụ của ĐBQH là nêu ý kiến. Tuy nhiên, một số đại biểu đừng nói gì là tôi xem như ... đã có đóng góp cho đất nước (8)! Vì sao trong mắt công dân Việt Nam, sinh hoạt của tập thể “đại diện cho ý chí, nguyện vọng của toàn dân” lại thảm hại như vậy?

Chú thích


NÊN DẸP QUỐC HỘI

ĐỖ NGÀ /TD 4-6-2022


Những ngày qua, trên nghị trường lại xuất hiện những ông nghị/bà nghị phát biểu rất ngây ngô kiểu như dùng sân vận động chứa nước mưa cho thành phố, nào là khen hàng xóm đẹp là bạo hành gia đình, nào nhìn gợi tình là quấy rối tình dục vv… Điều này chứng tỏ dàn đại biểu Quốc hội của chính quyền CS rất kém chất lượng. Giống như diễn trò câu giờ hơn là đóng góp nghiêm túc để sửa đổi luật pháp cho hoàn chỉnh hơn. Những người này thà đừng làm đại biểu Quốc hội, bầu họ chỉ để tốm tiền dân chứ chả có ích gì.
Quốc hội Việt Nam nó không như quốc hội ở các nước dân chủ, những người được gọi là “đại diện cho dân” ở xứ này chỉ toàn là đảng viên, họ đang kiêm nhiệm các chức vụ trong bộ máy nhà nước. Tự cách chọn đại biểu như thế thì về bản chất họ không đại diện cho dân rồi. Vì không đại diện cho dân nên họ chẳng bao giờ có những cuộc tiếp xúc với người dân thực sự để nhận phản hồi. Những cuộc họp cử tri của đại biểu Quốc hội trong chế độ này chỉ là trò diễn, cử trị được Mặt trận Tổ Quốc chọ lựa để làm màu. Vậy nên, Đại biểu Quốc hội Việt Nam chẳng bao giờ tiếp nhận được những phản hồi xuất phát từ bức xúc của dân thật sự.
Để nhận ra lỗ hổng của luật pháp thì hoặc là Đại biểu nhận sự phản hồi của cử tri, hoặc là tự nghiên cứu tìm hiểu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, những phản hồi của cử trị lại không phản ánh được cái khiếm khuyết luật pháp. Vì vậy để phát hiện ra sự khiếm khuyết của luật pháp, đại biểu Quốc hội chỉ có thể tự tìm hiểu về luật và tìm ra lỗ hổng đó.
Làm việc ở ngành tòa án và ngành Công an tiếp xúc với Luật pháp là chủ yếu. Tuy nhiên, những quan chức trong ngành này nếu phát hiện ra lỗ hổng, họ sẽ không sửa hoặc sửa sao cho có lợi cho họ mà thôi. Lấy ví dụ như Luật Biểu Tình, Bộ Công An tìm mọi cách để trì hoãn. Hay Luật đất đai cũng thế, ở Hội nghị TW5 ĐCS đã họp bàn về bộ luật này nhưng chẳng sửa gì vì lợi ích đất đai là bổng lộc của quan chức và của đảng. Đấy minh chứng rõ ràng về hành động bảo vệ quyền lợi cho thiểu số của đại biểu quốc hội trong chế độ này.
Đã là quan chức nhà nước thì luôn phải làm việc với pháp luật, không làm việc với cấp luật do Quốc hội ban hành thì cũng làm việc với loại luật thấp hơn như Nghị định, Thông tư … Chỉ có ngành tòa án và ngành Công an là thường xuyên làm việc với Luật pháp, còn lại những quan chức chính phủ hay các quan chức ở chính quyền địa phương thuộc quyền quản lý của các Ủy ban Nhân dân Tỉnh và Thành phố trực thuộc Trung ương thì họ thường xuyên làm việc với cấp luật thấp như Nghị định, Thông tư vv…
Vấn đề là loại luật cấp thấp ở Việt Nam. Những Nghị định, Thông tư được phát hành vô tội vạ, nó vừa lộn xộn vừa chồng chéo, đôi khi mâu thuẫn với luật pháp. Chính vì thế rất nhiều người dù hàng ngày làm việc với Nghị định, Thông tư nhưng họ chẳng biết gì về phần luật trong phạm vi trách nhiệm của họ. Chính vì thế mới có những phát biểu ngây ngô trước nghị trường.
Năm 2013 chính quyền CS Việt Nam cho biết mỗi ngày họp Quốc hội mất 1 tỷ đồng. Nếu quy ra giá hiện nay với mức lạm phát trung bình 5%/năm thôi thì con số cũng 1,6 tỷ đồng, nếu tính lạm phát 7%/năm thì so với thời giá hiện tại là 2 tỷ đồng. Mỗi ngày quẳng từ 1,6 đến 2 tỷ để cho những ông nghị/bà nghị phát biểu xàm xí như thế thì quả là lãng phí. Lỗ hổng luật vẫn không vá được mặc dù đã bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để diễn trò bầu cử năm 2021 và bỏ ra hàng tỷ đồng mỗi ngày để họp trong suốt 5 năm.
Thực ra nhà nước CS chả khác nào nhà nước phong kiến. Mà nhà nước phong kiến thì chả cần Quốc hội họ vẫn điều hành đất nước theo cách của họ. Nhà nước CS cố lập ra “Quốc hội” để làm gì? Chỉ để cho có vẻ khác phong kiến. Chỉ vậy thôi. Trong Quốc hội này, hễ ông/bà nào biết luật sai thì lại không nhiệt tình sửa lại theo quyền lợi dân, mà ai không biết luật thì phát biểu ngây ngô cho có. Vậy thì duy trì Quốc hội làm gì? Nên dẹp đi cho đỡ tốn tiền dân. Ai mà chả biết nó vô dụng?


PHẢN BIỆN Ý KIẾN CỦA ÔNG ĐỖ NGÀ

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ TD 4-6-2022


Vừa rồi ông Đỗ Ngà công bố bài báo “Nên dẹp bỏ Quốc hội”. Đó là một ý kiến khá hay, thể hiện một cái nhìn và đánh giá đúng về Quốc hội, đưa ra một đề xuất dũng cảm.
Ông viết: ‘Thực ra nhà nước CS chả khác nào nhà nước phong kiến. Mà nhà nước phong kiến thì chả cần Quốc hội họ vẫn điều hành đất nước theo cách của họ. Nhà nước CS cố lập ra ‘Quốc hội’ để làm gì? Chỉ để cho có vẻ khác phong kiến. Chỉ vậy thôi. Trong Quốc hội này, hễ ông/bà nào biết luật sai thì lại không nhiệt tình sửa lại theo quyền lợi dân, mà ai không biết luật thì phát biểu ngây ngô cho có. Vậy thì duy trì Quốc hội làm gì? Nên dẹp đi cho đỡ tốn tiền dân. Ai mà chả biết nó vô dụng?”
Tôi đồng ý với ông Đỗ Ngà là Quốc hội hiện nay vô dụng, nhưng chỉ vô dụng đối với dân và đất nước, nhưng lại hữu dụng đối với Đảng thống trị. Họ rất cần một Quốc hội gồm những nghị sĩ theo cơ cấu, một phần là các nghị gật, một phần gồm những kẻ ngây ngô. Một Quốc hội như vậy chỉ tiêu tốn tiền của dân một cách quá lãng phí.
Trên thế giới từng xảy ra một số trường hợp Quốc hội không đủ năng lực, bị giải tán để dân bầu ra Quộc hội mới. Cần dẹp bỏ, giải tán những Quốc hội kém năng lực, bù nhìn. Nhưng chỉ dừng lại ở đó thì mới đạt được một nửa yêu cầu. Sau khi dẹp bỏ được cái Quốc hội làm cảnh với nhiều nghị gật thì phải tiếp tục vận động, đấu tranh để cử tri bầu ra được những người thực sự đại diện cho trí tuệ của dân tộc. Đó là một cách tích cực của việc dân chủ hóa đất nước trong hòa bình.
Ông Đỗ Ngà đã có một nhận xét rất đúng rằng nhà nước cộng sản và nhà nước quân chủ, phong kiến có cùng bản chất. Nhưng ông chưa vạch ra điều khác biệt cơ bản. Nhà nước quân chủ có Chính danh, họ cai trị với phương châm Quang minh chính đại. Họ tự nhận là độc tài, có toàn quyền cai trị, họ không có nhu cầu dối trá để che đậy bản chất. Cộng sản có cùng bản chất với chuyên chế nhưng lại tìm mọi cách che đậy, mà một trong những cách đó là tạo nên nền dân chủ hình thức, giả hiệu bằng những biện pháp giả danh, dối trá. Ông Đỗ Ngà cho rằng Cộng sản lập ra Quốc hội cho có vẻ khác phong kiến. Đúng là cho nó có vẻ khác, nhưng không phải chỉ có thế mà họ nhằm thực hiện mưu đồ dối trá, lừa phỉnh rằng “Ta đây dân chủ gấp nhiều lần bọn tư bản”.
Xin hỏi, dân tộc, đất nước có còn cần dân chủ hóa hay không? Nếu không cần thì xóa bỏ Quốc hội bù nhìn là xong một chuyện. Khi mà dân chủ hóa vẫn còn là nguyện vọng, vẫn còn là yêu cầu của nhân dân thì sau khi xóa bỏ được Quốc hội bù nhìn phải làm sao bầu chọn ra được một Quốc hội đủ năng lực. Rất hy vọng ông Đỗ Ngà và những người nặng lòng với đất nước sẽ có những suy nghĩ và đóng góp cho công việc quan trọng này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét