Thứ Hai, 6 tháng 6, 2022

20220607. CHU NGỌC ANH, NGUYỄN THANH LONG CHÍNH THỨC 'VÀO LÒ' ?

 ĐIỂM BÁO MẠNG


BỘ CHÍNH TRỊ ĐỀ NGHỊ BCHTƯ KỶ LUẬT ÔNG CHU NGỌC ANH, NGUYỄN THANH LONG
TTXVN/ GDVN 4-6-2022
GDVN- Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Công Tạc đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...

Ngày 4/6/2022, tại Trụ sở Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2016-2021, Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021; các đồng chí: Chu Ngọc Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế; Phạm Công Tạc, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Ông Nguyễn Thanh Long (trái) và ông Chu Ngọc Anh đã vi phạm nghiêm trọng đến mức phải đề nghị Ban Chấp hành Trung ương kỷ luật (Nguồn: TTXVN)

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy:

Những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2016-2021, Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 gây hậu quả nghiêm trọng. Các đồng chí: Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Công Tạc đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm, theo Quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo: Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2016-2021, Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021.

Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khai trừ ra khỏi Đảng đồng chí Phạm Công Tạc.

Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Chu Ngọc Anh và đồng chí Nguyễn Thanh Long.

Đề nghị các cơ quan chức năng thi hành kỷ luật về hành chính theo đúng quy định đối với các tập thể, cá nhân đã bị kỷ luật đảng.

Theo TTXVN
KIT TEST VIỆT Á VÀ PHÉP THỬ VỚI 2 VỊ BỘ TRƯỞNG
THU HẰNG/VNN 6-6-2022
Đó là đương kim Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Bộ trưởng KH-CN, những người vừa bị Bộ Chính trị đề nghị Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật.

Đề nghị này được Bộ Chính trị đưa ra sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại kỳ họp thứ 13 vào cuối tháng 3, vi phạm của 2 ông đều liên đến vụ việc tại Công ty CP Công nghệ Việt Á. 

Ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế. 

Cụ thể, với ông Chu Ngọc Anh, đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc phê duyệt, giao tổ chức thực hiện, ký hợp đồng, đánh giá, nghiệm thu, chuyển giao, quản lý, kiểm tra, giám sát, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề tài khoa học nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Học viện Quân y; trong truyền thông, xác nhận và đề nghị khen thưởng đối với Học viện Quân y, Công ty Việt Á và một số cá nhân.


Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long

Còn ông Nguyễn Thanh Long được xác định là thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc đánh giá chuyên môn, kiểm tra, giám sát; cấp phép, cấp số đăng ký lưu hành; hiệp thương giá và mua sắm bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Việt Á.

Ngoài ra, hai ông còn chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận: “Những vi phạm của 2 ông đã gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, của Bộ KH-CN và Bộ Y tế, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật”.

Tại kỳ họp 15 vào giữa tháng 5 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long.

Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 4/6 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị chưa đưa ra mức kỷ luật đối với hai ông mà đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật.

Vi phạm của Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long theo kết luận của Bộ Chính trị có nhiều điểm mới so với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trước đó. 


Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh

Cụ thể, ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long “đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm Quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ KH-CN, Bộ Y tế”.

Nếu như trước đây Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận vi phạm của hai ông “gây hậu quả nghiêm trọng”, “làm thiệt hại tiền và tài sản của Nhà nước” thì ở kết luận của Bộ Chính trị, vi phạm của ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long là “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước”.

Đáng chú ý là trong các lý do khiến hai ông bị Bộ Chính trị đề nghị Trung ương kỷ luật, có nhiều vi phạm liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng như: “Đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương”.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới, Trung ương đã thảo luận và ban hành Kết luận 21 Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". 

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp Trung ương đưa ra để thực hiện mục tiêu này là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ, sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân.

Và rõ ràng, trong lúc đất nước đối mặt với vô vàn thách thức, người dân cả nước đang lâm vào cảnh dịch bệnh hoành hành vô cùng khốn khó nhưng 2 vị tư lệnh ngành lại có những hành vi “gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19…” là điều khó có thể biện hộ. 

Và tất nhiên quyết tâm của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị không chỉ dừng lại ở Nghị quyết, kết luận trên giấy mà tới đây Trung ương sẽ họp để xem xét thi hành kỷ luật ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long theo đề nghị của Bộ Chính trị. 

Kit test Việt Á ra đời với mục đích thật thiêng liêng cao cả là để tìm ra con virus gây ra dịch bệnh, để từ đó tìm cách cứu chữa người dân vượt qua dịch bệnh. Nhưng cũng chính kit test Việt Á là que thử sự suy thoái đạo đức, lối sống của hàng loạt cán bộ, đảng viên trong đó có chính 2 vị tư lệnh ngành Y tế và ngành Khoa học Công nghệ. 

Thật sự đến giờ phút này, người dân vẫn chưa thể biết kit test Việt Á góp phần chống dịch hiệu quả đến đâu nhưng rõ ràng nó đã trở thành một phép thử hữu hiệu về đạo đức, lối sống của không ít cán bộ, đảng viên.

Thu Hằng

KỶ LUẬT ÔNG NGUYỄN THANH LONG VÀ ÔNG CHU NGỌC ANH

DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ TD 6-6-2022



Hai ông này được/ bị rơi vào tình huống là Ban chấp hành trung ương (BCHTƯ) xem xét, quyết định hình thức kỷ luật. Xét mặt tiêu cực, có nghĩa là hai ông đã "bị" rơi vào tầm ngắm là có thể bị cách chức, khai trừ đảng (thường dễ bị xử lý hình sự). Trường hợp này BCHTƯ ra quyết định, chắc để tránh Bộ Chính trị (BCT) "xử ép" theo hướng "tập trung dân chủ" tức là dân chủ với nhóm lãnh đạo, BCH TƯ biểu quyết tức là một bước dân chủ trong nội bộ đảng, nó thể hiện ý chí của đa số Uỷ viên trung ương (UVTƯ).
Nhưng xét mặt tích cực, thì vụ này y chang vụ đồng chí X được BCHTƯ xử trắng án năm xưa, khiến bác cả phải gạt lệ và không dám chỉ đích danh "Một đồng chí UVBCT".
Có nghĩa là hai đồng chí này có cửa chạy anh em Trung Ủy [Trung ương uỷ viên]. Chỉ cần chạy được quá bán là thắng. Tuy nhiên, lần này khác trường hợp đồng chí X ở chỗ, X có quyền ban phát quyền lực cho anh Trung Ủy, do là cấp trên. Anh em bỏ phiếu chống đồng chí X cũng rủi ro, nhỡ ảnh thắng ảnh đì chết, nên kết quả là trắng án. Bây giờ hai đồng chí này chỉ ngang vai với các Trung Ủy khác, hoặc thấp hơn. Dẫn đến sự hứa hẹn quyền lực hầu như là không thể, mà chỉ có thể chạy tiền.
Hiện có 179 đồng chí Trung Ủy là chính thức được bầu, 20 đồng chí dự khuyết ngồi hóng. Vì thế nếu chạy thì hơi bị nặng tiền, phải mua được ít nhất 90 phiếu, mỗi phiếu chắc vài tỷ đồng, cũng căng. Mà biết đâu anh em vẫn nhận tiền rồi lại lật kèo thì sao? Nên muốn chắc thì cứ phải chạy ít nhất 120 đồng chí.
Nhưng, bác cả chắc cũng đã dự tính tình huống này, do kinh nghiệm gạt lệ ngày xưa, nên có thể kiềm chế anh em Trung Ủy bằng cây gậy. Chính là dùng vụ Việt Á để kiềm chế Trung Ủy các tỉnh.
Ngay hồi mới có vụ Việt Á, mình đã phân tích đây sẽ là vụ án quan trọng bậc nhất, liên quan đến việc đánh cờ người ở cấp đỉnh của chóp, do có thể dùng việc chia tiền cho CDC và Bệnh viện các tỉnh làm để khóa mồm lãnh đạo các tỉnh.
Anh em đều biết, giám đốc CDC chỉ ngang cấp trưởng phòng của Sở Y tế, một chức quan nhỏ, nên ăn sao được vài chục tỷ đồng của Việt Á lại quả. Chắc chắn anh em phải chia lên trên, trực tiếp là Sở Y tế và lãnh đạo tỉnh. Vì lãnh đạo tỉnh chính là trưởng ban chống dịch và là người ký Quyết định bắt test COVID cực đoan. Không bắt test thì ai chịu test, tiêu thụ sao được hàng? Thế nên động thái bắt giám đốc CDC các tỉnh chính là đốt đít lãnh đạo các tỉnh, tức là các anh em Trung Ủy đó.
Hiện tại công an chưa bắt hết CDC của 63 tỉnh thành đã mua hàng Việt Á, nhưng anh em to mồm chối là không nhận tiền đều đã bị hốt. Bắt một chú là để dọa 10 chú. Chắc giám đốc CDC các tỉnh đều đã bị triệu tập và ngoan ngoãn khai báo chia tiền cho sếp nào rồi. Tức là sự nghiệp chính trị của anh em Trung Ủy đã nằm trong tay bác cả. Ngoan thì thoát, không ngoan thì vào lò.
Chính vì thế, khả năng lật kèo của hai đồng chí này là cực khó, không thể như hồi đồng chí X thoát hiểm. Khi BCT đã chỉ đạo báo chí đánh hai đồng chí thì khó mà thoát. Nếu Trung Ủy nào dám lật kèo thì sẽ bị vào lò luôn, đây cũng là hình thức tập dượt cho việc bầu bán nhân sự chủ chốt sau này.

Phe "củi" và "lò" vẫn luôn tồn tại để đấu tranh với nhau. Củi sẽ dùng mồi nhử là tiền và quyền để thu phục nhân tâm, nhưng lò sẽ dùng bài đe dọa đốt lò để thu phiếu. Hãy chờ xem cuộc chiến củi-lò sẽ đi về đâu nhé.

SỰ PHỐI HỢP NHỊP NHÀNG TRONG HÀNH ĐỘNG TRỤC LỢI
ĐỖ NGÀ/ TD 6-6-2022
Một bộ test kit giá nhập chỉ 21.560 đồng/bộ nhưng bán ra gấp chục lần. Tổng giá trị nhập khẩu bộ test kit của Công ty Việt Á là 65 tỷ đồng nhưng bán ra được 4000 tỷ đồng. Có như vậy mới dám ngắt 800 tỷ đồng chỉ để ... bôi trơn.
Bộ test kit này được quảng cáo là đạt kết quả chính xác gần 100%. Tuy nhiên, thực tế thì bộ kit này khi đem ra dùng cho kết quả rất thiếu chuẩn xác. Rất nhiều người được phỏng vấn lúc thì cho kết quả dương tính lúc thì cho kết quả âm tính khi xét nghiệm trên cùng một bệnh nhân.
Trong hơn 43.000 người chết vì Covid, không ai thống kê nổi có bao nhiêu người phải chết vì bộ test kit dỏm này gây ra. Sự bao trùm của loại bộ kit này trên toàn quốc đã gây ra thiệt hại không hề nhỏ. Người không bệnh nhưng test có bệnh và cho vào nhốt chung với người có bệnh rồi chết. Người có bệnh nhưng test không có bệnh, nên lây cho cộng đồng khiến nhiều người khác nhiễm bệnh chết v.v...
Những trường hợp nếu nhiễm bệnh mà không chết thì nó cũng làm tiêu hao sức lực và tiền bạc của xã hội rất lớn. Nói chung, bộ test kit dỏm nó gây thiệt hại không chỉ tiền bạc mà cả nhân mạng của dân. Ăn của người dân gần 4000 tỷ rồi còn gieo thêm cái chết và sự mất mát khác, thật sự là tột cùng của tội ác.
Trong vụ test kit dỏm của công ty Việt Á, điều đáng sợ không phải là khoản tiền trục lợi, mà sự phối hợp vô cùng nhịp nhàng giữa các ban ngành để ăn cướp tiền dân. Học viện Quân Y thì dựng lên nhóm nghiên cứu dỏm. Bộ Khoa học – Công nghệ thì thừa nhận kết quả nghiên cứu. Bộ Y tế thì thì ký quyết định sử dụng sản phẩm. Để tô thêm vẻ đẹp cho trò lừa đảo này, Ủy ban Nhân dân TP. HCM còn đề nghị tặng huân chương lao động hạng 3 cho Công ty Việt Á. Cả bộ máy chính quyền chỉ để phục vụ kế hoạch trục lợi toàn dân sao cho hoàn hảo nhất.
Trong bài “Chiêu lùa gà và con dấu mật” (*) tôi đã viết trước đó cũng đã nói lên sự phối hợp nhịp nhàng giữ các ban ngành. Trong trường hợp Mobifone mua AVG, Bộ Công an với Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp nhau ra văn bản trao đổi giữa Nguyễn Bắc Son và Tô Lâm để lùa thương vụ Mobifone mua AVG với giá 9.000 tỷ đồng rồi sau đó ngắt 7000 tỷ đồng tiền lời chia nhau. Nhiều cơ quan kết hợp, mục đích cũng chỉ là để moi tiền nhà nước một cách hoàn hảo nhất. Mà tiền nhà nước thì từ tiền thuế của dân mà ra.
Vụ chuyến bay giải cứu cũng vậy. Bộ Giao Thông Vận Tải ra chủ trương rồi chỉ định Vietnam Airlines thực hiện nghĩa vụ, Bộ Ngoại Giao làm nhiệm vụ “gom gà” nhét vào máy bay. Tiền vé được đẩy lên gấp 5 lần giá gốc để trấn lột. Mỗi chuyến bay kiếm khoảng 2 đến 3 tỷ, có tổng cộng 2000 chuyến bay. Vậy nhóm liên minh này kiếm từ 4000 đến 6000 tỷ đồng chia nhau. Đây lại thêm một hình ảnh nữa sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ban ngành để trục lợi dân sao cho hoàn hảo nhất.
Chiêu trò trục lợi của chính quyền CS đã phát triển rất cao. Đây là “những bộ máy trục lợi” chứ không phải là cá nhân trục lợi. Các ban ngành khác nhau đều phối hợp rất nhịp nhàng, có phân công phân nhiệm rất chuyên nghiệp. Con người là chi tiết của bộ máy này, nếu ông Nguyễn Phú Trọng có bắt người thì bộ máy đó vẫn còn. Vì thế, ông Trọng có bắt bao nhiêu người, về bản chất vẫn không xóa được các bộ máy trục lợi này.
Tôi tự hỏi, không biết các các bộ ban ngành của Chính phủ họ đang làm gì nữa? Làm chính sách thì kém hiệu quả nhưng phối hợp nhau trục lợi thì lại vô cùng hiệu quả. Một bộ máy nhà nước như vậy thì họ làm được gì ngoài việc hại dân?
______
Tham khảo:
______
(*) Chiêu “lùa gà” và con dấu “mật”
Để bắt gà, người ta sẽ bít các đường thoát và chỉ để một lối duy nhất cho gà “thoát thân”. Việc chuẩn bị xong xuôi thì tiến hành đuổi bắt, gà giáo giác tìm đường thoát. Chẳng có đường nào ngoài một lỗ duy nhất, thế là gà chui vào và bị nhốt vào lồng. Hết thoát!
Vụ án Mobifone mua AVG trước đây cũng là dạng “lùa gà” như vậy. Công ty AVG có giá trị chỉ 2000 tỷ, nhưng Mobifone muốn mua nó với giá 9000 tỷ từ tiền nhà nước để lấy 7000 tỷ chênh lệch chia nhau. Muốn mua được AVG giá cao thì phải bít hết con đường định giá thấp. Để AVG không thể rơi vào tay ai ngoài Mobifone bít đường tham gia của công ty nước ngoài.
Để lùa AVG vào tay Mobifone, Nguyễn Bắc Son lúc đó là Bộ trưởng TTTT- đơn vị chủa quản của Mobifone đã bắt tay với Tô Lâm – Thứ trưởng Bộ Công an lúc đó làm trò diễn kịch. Ngày 26/11/2014 Nguyễn Bắt Son cho Trương Minh Tuân gởi đến Tô Lâm Công văn số 200/BTTT-VP để trình bày rằng, có đơn vị “nước ngoài” muốn mua 75% cổ phần AVG. Đến ngày 8/12/2014, Tô Lâm gởi đến Nguyễn Bắc Son công văn số 4352/BCA-A81 để “khuyên” Nguyễn Bắc Son là đơn vị nước ngoài không thể sở hữu hơn 49% AVG và đưa ra ý kiến là “không để AVG rơi vào tay nước ngoài” để nhà nước không mất kiểm soát hạ tầng viễn thông. Màn đóng kịch này mục đích là lùa AVG vào tay Mobifone nhằm nhóm lợi ích trục lợi. Và đến ngày 5/3/2015, Trương Minh Tuấn thay mặt Nguyễn Bắc Son gởi công văn 44/BTTT-QLDN đến Tô Lâm báo là Mobifone đã thỏa thuận với AVG mua lại 95% cổ phần công ty này. Tất cả các công văn này đều đánh dấu “Mật”.
Xong phần lùa AVG vào tay Mobifone thì các bên liên quan tiến hành lùa AVG vào giá 9000 tỷ một cách trông có vẻ hợp lý. Để làm việc này, các bên liên quan đã “mời” 5 công ty định giá và thi nhau múa gậy: Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC (AASC) thì định giá AVG là 33.299,4 tỷ đồng; Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam (VCBS) định giá AVG là 24.548,1 tỷ đồng (VCBS không có tên trong danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá tài sản); Công ty TNHH Định giá Hà Nội - TPHCM (Hanoi Valu) định giá AVG là 18.519,9 tỷ đồng; Công ty Thẩm định giá AMAX (Một công ty được lập ra bởi con gái ông Nguyễn Tấn Dũng – bà Nguyễn Thanh Phượng) định giá AVG là 16.565 tỷ đồng. Tất cả 5 công ty đều đẩy giá AVG lên cao, để rồi bên mua giả vờ đàm phán với bên mán mua lại AVG với giá “hời” là 9000 tỷ đồng.
Sau khi lùa con gà AVG vào tay, các bên tiến hành giao dịch thương vụ và đã ngắt 7000 tỷ ra chia chác. Hành động “lùa gà” này hiện nay được các nhóm lợi ích cấu kết với quan chức để lùa nhiều khổ chủ tiền mất tật mang. Việc Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu đánh úp nhà đầu tư chính là hành động lùa gà. Để lùa được gà (nhà đầu tư) vào chuồng, Trịnh Văn Quyết và các quan chức ngành chứng khoán đã phối hợp với nhau. Ở vụ án Mobifone mua AVG thì chính Phạm Nhật Vũ phối hợp với Nguyễn Thanh Phượng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Tô Lâm, Lê Nam Trà để lùa tiền nhà nước vào tay bọn họ mà chia chác thì vụ án “thao túng cổ phiếu” của Trịnh Văn Quyết là sự phối hợp giữa Trịnh Văn Quyết với Lê Hải Trà và Trần Văn Dũng. Đấy đều là liên minh Gian thương – Tham quan.
Vụ án Mobifone mua AVG sau đó được ông Nguyễn Phú Trọng moi ra gần hết gồm: Nguyễn Bắc Son – Bộ trưởng bộ TTTT, Trương Minh Tuấn – thứ trưởng dưới thời Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà – Tổng giám đốc Mobifone, Phạm Nhật Vũ – Tổng giám đốc AVG, Võ Văn Mạnh giám đốc AMAX. Trong đó Nguyễn Thanh Phượng lọt lưới vì Nguyễn Thanh Phượng không đứng tên thành lập AMAX mà thay vào đó là “hình nhân thế mạng” Võ Văn Mạnh. Tô Lâm vẫn an toàn thì dấu “Mật” vì tài liệu diễn kịch ấy không được phép mở.
Trong vụ án này, ngoài hành động “lùa gà” của liên minh Gian thương – Tham quan thì điều đáng nói khác nữa là, đó là con dấu “Mật” trong các thương vụ có sự tham gia của nhà nước. Trong vụ án Mobifone mua AVG thì con dấu “Mật” chính là một dạng boongke an toàn bảo vệ các quan chức. Tô Lâm đã trú ẩn trong boongke đó rất. Chính Nguyễn Phú Trọng đã không bật đèn xanh cho phía cơ quan điều tra mở dấu “Mật” đó mục đích là để bảo vệ Tô Lâm. Lúc đó ông Trọng cần Tô Lâm cho nhiều mục đích khác thiếu chân chính. Và không phụ công ơn, sau đó Tô Lâm đã giúp ông Trọng bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, bắt cóc Vũ Nhôm, và nhúng tay vào vụ Công an TP. HN bắn chết Cụ Kình vv... Nói chung, ông Trọng cũng đang dùng chữ “Mật” để bảo vệ người phe ông ta khỏi bàn tay luật pháp. Dấu “Mật” của chế độ CS nó đã biến tướng, không phải nó được dùng để bảo vệ bí mật nhà nước mà là với mục đích như thế.
Hiện nay tài liệu truy tố ông cựu Thứ trưởng Bộ Y tế - Cao Minh Quang cũng đang vướng đến một số tài liệu có dính dấu “Mật”. Không biết dấu “Mật” này đang bảo vệ ai? Nếu nhân vật nấp sau dấu “Mật” ấy là người “phe ta” thì Nguyễn Phú Trọng sẽ không cho mở, còn nếu không thuộc thì chuyện mở dấu “Mật” là không khó. Đấy! Bản chất “đốt lò” của ông Trọng thực chất bên trong nó có lắm vấn đề để soi, nó không đẹp như báo chí tung hô.
_________
Tham khảo:

TỰ TỬ DO ÁP LỰC MAFIA HAY DO YẾU BÓNG VÍA ?
MAI BÁ KIẾM/TD 6-6-2022
Nguyên thứ trưởng Trương Quốc Cường ký duyệt cấp số đăng ký lưu hành tại VN cho thuốc trị ung thư giả mà chỉ bị phạt 4 năm tù, nên đáng tiếc cho bà Trưởng khoa Dược - Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Đồng Tháp phải tự tử tại nhà riêng, vào sáng ngày Quốc tế Thiếu nhi, bỏ lại hai con!
Chỉ có một giám đốc CDC Đồng Tháp và một phó khoa Chẩn đoán, Xét nghiệm thuộc CDC bị bắt giam vì liên quan Việt Á. Chưa có quan chức nào ở BVĐK Đồng Tháp bị khởi tố, mà bà Trưởng khoa Dược của BV này đã tự tử có lẽ áp lực từ nội bộ đè lên vai bà rất khủng khiếp!
Cách đây 29 năm, trưa ngày 5/3/1993, dược sĩ Phan Văn Tín – Vụ trưởng Vụ Quản lý dược (QLD - từ 13/8/1996, Vụ QLD đổi thành Cục QLD), treo cổ chết tại nhà riêng!
Lý do, ngày 11/1/1993, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Trọng Nhân (1930-2017) đã cho thanh tra Vụ QLD. Kết luận thanh tra cho thấy: Vụ QLD làm giả mạo văn bản nhà nước để cấp số đăng ký “ma” cho 192 mặt hàng thuốc nhập khẩu, không thông qua hội đồng xét duyệt, không kiểm nghiệm chất lượng thuốc, hoặc thuốc không có số đăng ký lưu hành tại nước sở tại. Trong đó, dược sĩ Phan Văn Tín đã cấp 149 số đăng ký “ma”! Bộ trưởng Nhân tạm đình chỉ chức vụ dược sĩ Tín và chuyển hồ sơ thanh tra sang cơ quan điều tra, thì mấy ngày sau, dược sĩ Phan Văn Tín đã tự tử.
11 năm sau, ngày 5/11/2004, báo Pháp Luật TP.HCM đăng bài: “Giáo sư, cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Trọng Nhân: Tôi không thể sống chung với tham nhũng”.
Trong đó, GS Trọng Nhân kể lại đầu đuôi vụ việc dược sĩ Tín và xác nhận việc Cục QLD để thuốc giả thuốc dỏm nhập khẩu như hiện nay (năm 2004) là “do hồi đó (1993) mình xử lý chưa xong, chưa triệt để.
Sau khi dược sĩ Tín tự tử, hai ông vụ phó (dược sĩ T.N.D và dược sĩ P.X.L) “đánh” nhau dữ dội để tranh chức. Và sau này tôi mới hiểu vì sao họ “đánh” nhau? Vì họ tranh giành vị trí béo bở. Tôi đình chỉ chức vụ của hai ông luôn.
Bọn tham nhũng cũng ghê gớm lắm, nó tìm cách chống trả quyết liệt. Quãng cuối thời kỳ tôi làm bộ trưởng, tôi yêu cầu Hội đồng kỷ luật phải họp để xử lý triệt để vụ việc, nhưng một số thành viên chần chừ không họp.
Tôi đặt vấn đề với thứ trưởng thường trực phải họp hội đồng kỷ luật, để có quyết định kỷ luật những cán bộ sai phạm theo kết luận thanh tra, thì đùng một cái nhận được “trát” của trên gửi xuống yêu cầu đình chỉ mọi cuộc họp của Bộ Y tế. Cuối cùng, vụ án “chìm xuồng”!"
GS Nhân cũng cho báo Pháp Luật biết, vì không thể sống chung với tham nhũng, tháng 11/1995, ông phải từ chức trước nhiệm kỳ (tháng 10/1992 – tháng 10/1997).
Cố bộ trưởng Nhân còn sợ mafia mà!

KHAI TRỪ RA KHỎI ĐẢNG ÔNG CHU NGỌC ANH VÀ NGUYỄN THANH LONG

TTXVN/GDVN 6-6-2022
GDVN- Sau khi xem xét đề nghị của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành Khai trừ ra khỏi Đảng ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long.

Ngày 06/6/2022, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp bất thường để xem xét, thi hành kỷ luật ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và ông Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế.

Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh. (Ảnh: Baochinhphu.vn)

Sau khi xem xét đề nghị của Bộ Chính trị, căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo quy định của Đảng về kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành Khai trừ ra khỏi Đảng ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long.

Yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính theo đúng quy định đối với cá nhân đã bị kỷ luật đảng.

Theo TTXVN
QUỐC HỘI SẼ XEM XÉT CHỨC BỘ TRƯỞNG VÀ TƯ CÁCH ĐẠI BIỂU QUỐC

HỘI VỚI ÔNG NGUYỄN THANH LONG

THU HẰNG / VNN 7-6-2022
Trong sáng nay, Thường vụ Quốc hội họp điều chỉnh, bổ sung nội dung kỳ họp để trình Quốc hội xem xét, thực hiện các bước kỷ luật tiếp theo, trong đó có xem xét chức Bộ trưởng Y tế và đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Thanh Long.

Trả lời VietNamNet, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đầu giờ sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp để điều chỉnh, bổ sung thêm một số nội dung vào kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đang diễn ra. 

Trong các nội dung xem xét điều chỉnh, bổ sung có công tác cán bộ liên quan đến việc xem xét kỷ luật Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. 

Theo ông Cường, nếu được các Ủy viên Thường vụ thống nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo với Quốc hội để điều chỉnh nội dung kỳ họp và Quốc hội sẽ tiến hành các bước theo thẩm quyền.


Ông Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Minh Đạt

Đây là bước tiếp theo trong quá trình xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên nhằm đồng bộ, thống nhất giữa kỷ luật Đảng và Nhà nước, theo nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Sau khi bị Trung ương khai trừ khỏi Đảng vào hôm qua, ông Long hiện vẫn còn giữ chức Bộ trưởng Y tế nhiệm kỳ 2021 - 2026 và Đại biểu Quốc hội khóa XV. Theo quy trình xử lý kỷ luật, sau khi kỷ luật Đảng, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành kỷ luật về mặt hành chính và các chức vụ còn lại tương ứng với mức kỷ luật Đảng.

Với chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế mà ông Long đang nắm giữ là chức vụ do Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ tướng. Vì vậy, theo Luật Tổ chức Quốc hội, Thủ tướng sẽ trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức bộ trưởng của ông Nguyễn Thanh Long.

Với chức đại biểu Quốc hội khóa XV, theo Điều 40 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm. Trình tự bãi nhiệm đại biểu Quốc hội được thực hiện theo quy định tại Điều 41 Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 102/2015 Quốc hội khóa XIII.

Theo đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội. Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội, sau đó Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Quốc hội sẽ thành lập Ban kiểm phiếu và tiến hành bỏ phiếu kín bãi nhiệm đại biểu Quốc hội. Sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bãi nhiệm.

Dự kiến các quy trình tiến hành kỷ luật ông Nguyễn Thanh Long sẽ được Quốc hội thực hiện trong sáng nay (7/6).

Trước đó, cuối ngày 6/6, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp bất thường để xem xét, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế. 

Sau khi xem xét đề nghị của Bộ Chính trị, căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo quy định của Đảng về kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng với ông Nguyễn Thanh Long.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính theo đúng quy định đối với cá nhân đã bị kỷ luật Đảng.

Trước đó, theo kết luận của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Thanh Long “đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm Quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ Y tế”.

Những vi phạm của ông Long, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương có liên quan đến vụ Việt Á. 

Thu Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét