Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

20220701. NÔNG DÂN: GÓC NHÌN CỦA MẠC VĂN TRANG

 ĐIỂM BÁO MẠNG


TÔI XUẤT THÂN TỪ NÔNG DÂN

MẠC VĂN TRANG/  TD 24-6-2022


Năm 1957 tôi bỏ học cấp 3 về làm ruộng. Bố hướng dẫn cày, bừa, mọi việc. Bố khen sáng ý. Một năm thì thạo việc nhà nông, là lực điền nổi tiếng; xén lúa thì nhất làng, có thể cho 18-20 người cắt lúa để từng mô, thành hàng, tôi xén ra từng lượm lúa…
Mới đây tìm thấy tấm hình tôi đi kèm, dạy nhà văn Đào Vũ cầm bừa; phía sau là 4-5 con trâu bừa theo. Đó là cách bừa ruộng kiểu phô trương “sức mạnh tập thể” vào những ngày đầu HTX nông nghiệp, 1958: Cộng nhiều cái nhỏ manh mún lạc hậu lại thành cái to lạc hậu hơn, gọi là “sản xuất lớn XHCN”! Dẫn đầu 4- 5 con trâu bừa ruộng như vậy không hề đơn giản, nhất là ruộng phá bờ thông nhau, chỗ cao, chỗ trũng, rộng mênh mông. Tôi được bầu là xã viên trẻ ưu tú. Phóng viên báo chí phỏng vấn rào rào… Nguyễn Khải còn viết tôi và con trâu nhà tôi thí nghiệm “cày 2 lưỡi” của Trung quốc. Tóm lại, tôi là một NÔNG DÂN chính hiệu.
Ngày đó tôi mơ ước đi học lái máy cày như thấy trên phim Liên Xô. Nhưng Bố khuyên đi học Sư phạm làm giáo viên, vì lúc đó tỉnh tuyển sinh lớp “Sư phạm cấp tốc”. May tôi nghe Bố. Rồi cứ vừa làm, vừa học, trở thành Nhà giáo cho đến giờ. Tính từ 1960, tôi rời đồng ruộng, làng quê đã hơn 60 năm, nhưng tôi vẫn luôn nhớ: Tôi từ người nhà quê, từ nông dân mà ra.
Từ nông dân mà ra, tôi thấu hiểu thân phận người nông dân, biết rõ bản chất, những ưu điểm, nhược điểm của họ. Gặp người nông dân ở đâu tôi cũng thấy gần gũi, thương mến vô cùng, trò chuyện cả buổi không dứt.
Tôi thật sự ngạc nhiên và kinh sợ, khi thấy những cán bộ xã, huyện, tỉnh đến trung ương, cũng từ nông dân mà ra, sao họ có thể vô cảm, tàn nhẫn, ác độc như những gì đã diễn ra với người nông dân? Cứ tưởng sau những sai lầm ngu muội, nghe người ta xúi, đấu tố nhau khốn nạn trong cải cách ruộng đất thì rút được bài học, không bị xúi giục mà làm khổ, làm nhục, giết hại nhau nữa. Nhưng không ngờ, tất cả vẫn lặp như xưa, có điều bây giờ là những người nông dân có chức, có quyền trong tay lại khinh miệt, hành hạ, nhục mạ những người nông dân trái ý họ. Nói như mấy bà nông dân Dương Nội (Hà Nội): Mày từ cái L. mẹ mày chui ra trên mảnh đất này; giờ mày ăn cơm dân, mày mặc áo đảng, mà mày hèn với giặc, ác với dân thế ư?...
Nhớ một cựu chiến binh nói, ở quê bây giờ không ai lãnh đạo đâu, TIỀN nó lãnh đạo tuốt! ÔI, đồng tiền dễ làm tha hoá bản chất nông dân, dễ lưu manh hoá họ đến thế ư?
Từ nông dân mà ra, tôi quý từng tấc đất, nhớ ông cha dạy “tấc đất tấc vàng”. Tôi hiểu, phải bao đời ông cha đổ biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu mới khai phá, san lấp, bồi đắp nên những cánh đồng bằng phẳng bờ xôi, ruộng mật làm lúa nước, cho hai vụ lúa, một vụ màu. Vậy mà không thể tưởng tượng, một thằng cha căng chú kiết ở đâu đó về tỉnh, bỏ ra trăm tỷ đồng là có thể triệu tập cả bộ sậu lãnh đạo tỉnh, ngồi trong phòng máy lạnh, giở bản đồ ra khoanh một phát là có thể “thu hồi” vài chục, hàng trăm ha đất của nông dân trao cho hắn bằng cái “quyết định”, có dấu đỏ. Hắn bỏ cái QĐ vào cặp là xong. Rồi toàn “hệ thống chính trị” từ trên xuống dưới kéo nhau về dụ dỗ, đe doạ, mua chuộc, phân hóa, khủng bố bằng mọi thủ đoạn khốn nạn nhất để cướp đất bằng được giao cho tên khốn kiếp kia. Nghe nói khi Hà Đông có lệnh sáp nhập vào Hà Nội, một ngày tỉnh ký “chạy tang” cho mấy sân golf, mỗi cái hàng 100 ha đất nông nghiệp.
Mấy chục mẫu đất bờ xôi ruộng mật, của làng Vũ La, tôi đã từng cày bừa, gặt hái trên đó, bị chính quyền Hải dương cướp, nộp cho Công ty Tân Hoàng Minh. Mà thằng cha này hay đại diện của nó không thèm về gặp dân làng tôi một lần, dù dân yêu cầu đối thoại, hỏi cho rõ, nó lấy đất làm gì, có thải độc ra không? Không! Chính quyền tỉnh cho vài trăm công an về, cùng với lực lượng xã, bao vây, trấn áp mọi phản ứng của dân; một mặt cho hàng đàn xe đổ cát sỏi, đất đá xuống ruộng đồng rồi hàng đàn máy ủi san lấp khắp cánh đồng. Phóng viên quay phim, chụp hình, còn cấm dân ghi hình. Buổi tối TV của tỉnh, hân hoan đưa tin: Việc thu hồi đất làm “khu công nghiệp Ba Hàng” đã diễn ra tốt đẹp!
Tôi hỏi mấy người làng: Sao đất khu Ba Hàng thu hồi bỏ hoang hơn 10 năm chưa làm, nay lại thu hồi đất thôn Vũ La mà gọi Ba Hàng?
- Đất bỏ hoang là thuộc nhiệm kỳ trước thu hồi cho một ông khác; nhiệm kỳ này thu hồi đất Vũ La, bảo cho Tân Hoàng Minh, nhưng phải đánh tráo nói vậy cho êm chuyện…
Bây giờ giám đốc Tân Hoàng Minh bị bắt, tiền chưa trả hết cho dân, đất thì nó rào chặt bằng tường bao, chằng dây thép gai và bỏ hoang hơn 3 năm rồi.
Đi nhiều vùng, đến đâu tôi cũng thấy bao nhiêu đất của nông dân bị “thu hồi” và rào lại bỏ hoang hóa. Thật xót xa. Thu hồi đất rồi bỏ hoang là TỘI ÁC!
Từ nông dân mà ra, tôi ưa lối sống gần thiên nhiên, đơn giản, cần kiệm, xót từng đồng tiền, bát gạo. Tôi ngỡ ngàng và ghê tởm khi thấy có những quan chức từ nông dân mà ra ăn chơi xa hoa lãng phí; nhậu một bữa hàng tỷ đồng; dựng những tượng đài, cổng chào, làm những công trình nghìn tỷ vô nghĩa, như ném tiền xuống sông xuống biển. Họ cũng từ nông dân mà ra nhưng thèm khát học đòi lối sống của quan lại (suy đồi) thời phong kiến, xây dựng biệt phủ nguy nga, đắp mộ to, xây lăng lớn. Họ xa cách và khinh miệt những người dân nghèo mà ông cha họ từng sống trong cảnh ngộ như vậy. Nhiều người trong số họ sống cách biệt, xa lánh người dân; mà những người dân cũng không muốn nhìn mặt họ.
Từ nông dân mà ra, tôi thương xót, nhiều lần rơi nước mắt trước cảnh khốn cùng của người dân. Biết bao nông dân mất đất trở thành dân oan đi khiếu kiện ròng rã hàng chục năm trời, dầm sương, dãi nắng; họ tụ tập từng đám sống vật vờ ở góc phố, vườn hoa…mà các quan chức không đến hỏi han họ để hiểu sự tình.
Vụ Đồng Tâm là đỉnh điểm của việc xa lánh, vô cảm, khinh thường người nông dân và dẫn đến tội ác tày trời. Ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi tiếp xúc cử tri ở Hải Phòng từng nói: Vụ Đồng tâm là chính quyền làm sai luật. Thế thì tại sao chính quyền Hà Nội, Trung ương gần đó không đến nơi tìm cách xử lý sự việc cho có lý, có tình, theo Luật pháp mà lại đem hàng ngàn quân về tiêu diệt người dân, tàn ác hơn cả kẻ thù? Khi chưa cướp được chính quyền thì cán bộ sống trong dân như cá với nước, nay thì né tránh, xa cách dân, chỉ khoái tiếp xúc với những ai ca tụng mình, tránh mọi sự khó chịu. Chính sự xa cách, vô cảm với người dân đã dẫn đến những quyết sách lạnh lùng, tàn ác.
Từ nông dân mà ra, thấy bà con khốn khó, lại nhớ lời Mẹ dạy những điều nhân nghĩa, dù mẹ không biết chữ, không đến trường một ngày: “Thương người như thể thương thân”…, “Miếng khi đói bằng gói khi no”. Vợ chồng tôi vẫn chia sẻ từ đồng lương hưu ít ỏi của mình với những người khốn khó, nhất là dân oan. Trong đại dịch, hồi tháng 8 - 9 - 10/2021 hàng vạn người dân mất việc làm, bị cách ly, thiếu đói, vợ chồng tôi cũng giúp đỡ được ít người và vận động bạn bè, người thân góp tiền giúp thêm cho mấy bếp ăn từ thiện mà mình hoàn toàn tin cậy. Bà vợ tôi bảo, ước gì mình có nhiều tiền để cứu giúp bà con lúc này.
Nhưng tôi để ý hình như không thấy những quan chức xe hơi, nhà lầu, biệt phủ nguy nga, ăn chơi phè phỡn, đem tiền ra cứu trợ bà con trong đại dịch. Tôi chỉ thấy ông Đoàn Ngọc Hải, cựu quan chức tự lái xe đưa người đi cấp cứu, chở từng xe quan tài đến bệnh viện cả trong đêm giữa những ngày đại dịch. Tôi chỉ thấy những người dân thường đem thực phẩm, tiền, xăng dầu ra cứu giúp hàng triệu đồng bào chạy dịch tơi tả dọc các nẻo đường về quê.
Hy vọng là có nhiều cựu quan chức cũng cứu giúp dân nhưng âm thầm, giấu mặt mà tôi không thấy.
Nhưng toàn dân đã thấy, bao nhiêu quan chức lợi dụng dịch bệnh để buôn thuốc giả, để bắt chẹt người dân trong “giải cứu”, để nâng giá kit test và bắt toàn dân liên tục “ngoáy mũi” để họ kiếm lời. Vô lương tâm đến thế là cùng.
Từ nông dân mà ta, tôi đã thoát ly làng quê, đồng ruộng hơn 60 năm. Nhưng đúng như nhà thơ Chế Lan Viên từng viết:
“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!”
Tâm hồn tôi vẫn hiển hiện những hình ảnh quê hương, ruộng đồng, dòng sông, làng xóm, những gương mặt người dân quê thân thương; trái tim tôi vẫn xót thương những thân phận người nông dân bị áp bức, đọa đày; vẫn xót xa bao ruộng đồng bị cưỡng đoạt, bị sử dung vung phí, bị bỏ hoang hóa xác xơ; vẫn nhức nhối khi thấy những kiến nghị về quyền sở hữu ruộng đất của nông dân, về cải thiện hiện trạng nông thôn còn xa vời.
Câu thơ của Nguyễn Đình thi gần thế kỷ rồi, nay vẫn thấy hiển hiện, vẫn nhói đau:
“Ôi, những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều”...
Tôi không hiểu những quan chức từ nông dân mà ra, khi họ vô cảm trước những nỗi đau đồng ruộng, nỗi phẫn uất của nông dân, tâm hồn họ, trái tim họ có gì? Đành lấy câu thơ của Chế Lan Viên để hỏi:
“Hỡi những tấm lòng lạnh tanh máu cá
Và nhiệt tình xuống quá độ âm!” đối với nông dân, tâm hồn, trái tim các vị thế nào?

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2022

20220630. BÀN VỀ TRÁNH RỦI RO CHO THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH

 ĐIỂM BÁO MẠNG

BẮT MẠCH NỀN KINH TẾ ĐỂ TRÁNH RỦI RO CHO THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH

TRẦN HƯƠNG GIANG/ TBKTSG 29-6-2022

(KTSG) – Sau sự càn quét của đại dịch Covid-19, giờ đây là lúc hệ thống tài chính trong nước đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Bất cứ một sai lầm nào dù là nhỏ nhất cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Hệ thống tài chính tín dụng được ví như hệ tuần hoàn, cơ bản giúp huy động vốn từ các đối tượng có nguồn lực nhàn rỗi để bơm vào các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhằm tạo ra lợi nhuận, như những mạch máu nuôi dưỡng cơ thể, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế của địa phương, khu vực hay quốc gia tăng trưởng. Nói như vậy để thấy rằng bất cứ một điểm nào trong hệ thống tài chính bị tắc nghẽn thì nền kinh tế sẽ có hiện tượng “thiếu máu” gây ra rất nhiều trục trặc. Trong khi đó, việc “bơm máu” dù nhiều nhưng không đúng chỗ, đúng lúc cũng khiến cho cả “cơ thể” của nền kinh tế gặp rất nhiều vấn đề trục trặc.

Đối với một nền kinh tế đang suy kiệt sau đại dịch, việc lưu thông tuần hoàn máu huyết để bơm vào đầy đủ và đúng lúc là điều cần thiết. Tuy nhiên, để vạch ra một chiến lược hỗ trợ nền kinh tế hiệu quả cho ngành tài chính, bắt mạch các vấn đề của nền kinh tế và lường trước những rủi ro tiềm ẩn nhằm có biện pháp phòng bị là điều nên được thực hiện.

Nền kinh tế sau đại dịch cần gì ở hệ thống tài chính?

Tác động tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế là điều không thể chối cãi, những ảnh hưởng vẫn có thể tiếp tục kéo dài và sự hồi phục sẽ có độ trễ nhất định. Đặc điểm của nền kinh tế sau đại dịch đó là nhiều doanh nghiệp bị tàn phá nặng nề sau thời gian đứt gãy chuỗi cung ứng; những dòng vốn tháo chạy vì tâm lý lo lắng và mất niềm tin của nhà đầu tư vào khả năng thị trường quay trở lại bình thường và phát triển; một phần không nhỏ người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc giảm thu nhập; đa phần người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu; thị trường bị co cụm lại đến mức có thể bị bóp nghẹt. Trong khi đó, nguồn lực của khu vực công lại hạn hẹp do vừa phải sử dụng để giải quyết các vấn đề trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát và ngay cả sau khi dịch bệnh qua đi vẫn còn rất nhiều tồn tại cần Nhà nước ưu tiên giải quyết trước.

Tuy nhiên, bức tranh ảm đạm bên trên vẫn còn có những điểm sáng mà trong giai đoạn bình thường chưa chắc gì nền kinh tế có được. Sức mạnh tinh thần khởi nghiệp sau dịch trở nên mạnh hơn bất cứ giai đoạn nào khác. Khi đại dịch qua đi, nền kinh tế có khuynh hướng trả về lại như ban đầu khi mà tất cả doanh nghiệp có cơ hội một lần nữa bước vào điểm xuất phát. Lúc này, những công ty nhỏ, những dự án khởi nghiệp sẽ có thêm niềm tin vào khả năng vượt lên chiếm lĩnh vị trí của mình trên thị trường. Lợi thế của người đi đầu một lần nữa lại là phần thưởng cho những doanh nghiệp dám vượt qua những khó khăn và tiếp tục phát triển. Người tiêu dùng sau khi trải qua giai đoạn khủng hoảng sẽ có khuynh hướng trân trọng và đề cao những giá trị thực trong cuộc sống, họ có thể sẽ tiêu dùng ít hơn nhưng đó sẽ là quyết định tiêu dùng khôn ngoan, một sự lựa chọn những sản phẩm thiết yếu và có chất lượng. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp có uy tín, những thương hiệu gắn liền với chất lượng và tính cam kết cao, khẳng định bản thân trên thị trường.

Tài chính phát triển sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng, tuy nhiên, trong giai đoạn hậu đại dịch, câu chuyện sẽ không chỉ dừng lại ở nhận định này. Thị trường tài chính vừa có vai trò như cú huých, thúc đẩy những ngành nghề cốt lõi bật lên, khởi động lại năng lượng lưu thông cả bộ máy, vừa có nghĩa vụ bôi trơn làm cho các hoạt động vận hành, bổ trợ được diễn ra một cách suôn sẻ. Để làm được điều đó, các định chế tài chính cần có đủ năng lực để sàng lọc và hỗ trợ các dự án thật sự hiệu quả. Bên cạnh đó, việc tham gia vào quá trình giao dịch giúp các hoạt động mua bán trên thị trường diễn ra dễ dàng, hiệu quả lại tiết kiệm chi phí cũng là cách hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Dù là nền kinh tế sau dịch đang rất cần nguồn vốn để khởi động và tăng trưởng, nhưng nguồn lực không phải là vô hạn, do đó, hệ thống tài chính cũng cần phải có khả năng bơm vốn vào đúng những nơi cần được ưu tiên để kích hoạt nền kinh tế. Những ngành sản xuất kinh doanh, tạo ra của cải vật chất, sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho cuộc sống, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, những ngành có khả năng tạo ra nhiều việc làm cho người lao động và những ngành có thể đẩy mạnh xuất khẩu rất cần được ưu tiên hỗ trợ vốn để phục hồi. Các ngành này có đặc điểm tạo ra nhu cầu tiêu dùng trong thời gian ngắn nhất, giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp và mở rộng thị trường tiêu thụ. Nếu nguồn vốn không được cung ứng kịp thời và hiệu quả cho những lĩnh vực cần ưu tiên thì thời gian vàng để phục hồi và phát triển nền kinh tế sẽ mau chóng qua đi, trong khi đó, những thách thức tiếp theo sẽ tiếp tục đổ xô đến.

Tuy nhiên, việc giải ngân ồ ạt nguồn vốn ra nền kinh tế cũng không hẳn là giải pháp tốt, giải ngân đúng chỗ đúng lúc mới là căn nguyên giải quyết vấn đề. Rất nhiều doanh nghiệp cần ưu tiên hỗ trợ vốn sẽ có độ trễ trong phục hồi. Nếu ở thời điểm hiện tại, nguồn vốn cứ tùy tiện được bơm vào thị trường thì hệ thống ngân hàng sẽ không còn nguồn để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi trễ hơn trong tương lai. Hơn nữa, khi thị trường xuất nhập khẩu ngày càng mở rộng, lạm phát từ các nước khác sẽ được nhập khẩu vào Việt Nam gây khó khăn cho hoạt động tiếp tục bơm vốn vào nền kinh tế. Một khi lạm phát tăng cao nhưng doanh nghiệp lại không có đủ nguồn vốn để sản xuất nhằm tạo ra hàng hóa để cân đối với nguồn tiền đang tràn ngập kênh lưu thông, một hiện tượng nguy hiểm nữa sẽ xảy ra, đó chính là đình lạm.

Hệ thống tài chính nên làm gì?

Vấn đề không phải là siết chặt hay thả lỏng tín dụng mà là làm sao để nới room dòng tiền chảy đến những hoạt động, dự án kinh doanh hiệu quả và có khả năng thúc đẩy nền kinh tế phục hồi.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) giải trình, chứng minh dòng vốn giải ngân để đảm bảo tín dụng được cung ứng đúng đối tượng cần ưu tiên, nếu đáp ứng được điều đó thì NHNN có thể mở room cho những NHTM giải ngân hiệu quả. Ngoài ra, để rút ngắn độ trễ của phục hồi thông qua khuyến khích các doanh nghiệp tốt, các ngành nghề cần ưu tiên nhanh chóng quay trở lại đường đua thì NHNN có thể đưa ra các gói tín dụng ưu đãi hấp dẫn được áp dụng trong một giai đoạn nhất định.

Trong điều kiện bình thường, các NHTM vẫn được xem như một loại hình doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ, đóng vai trò định chế trung gian tài chính, cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ, giải pháp hiệu quả cho việc điều phối nguồn vốn hay lưu thông các dòng tiền. Tuy nhiên, tại thời điểm nền kinh tế đang đương đầu với nhiều khó khăn như hiện nay thì các NHTM cần nỗ lực thực hiện vai trò công cụ điều tiết nền kinh tế vĩ mô của Nhà nước, chủ động đề ra giải pháp hay tích cực tham gia xây dựng cơ chế giúp hệ thống tài chính có thể bơm vốn hiệu quả. Có lẽ không một tổ chức nào có thể hiểu thị trường vốn và thực trạng hoạt động của nền kinh tế sau đại dịch hơn các NHTM. Chính vì vậy, việc thiết kế và thực thi các chính sách tín dụng phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế có thể được xây dựng theo hướng từ dưới lên với sự tham gia của các NHTM, đặc biệt là những ngân hàng có thị phần lớn và giữ vai trò dẫn dắt thị trường. Tất nhiên cũng cần có chế tài để các NHTM thực sự có động cơ đặt lợi ích của nền kinh tế lên trên lợi ích của họ.

Trong thời gian đại dịch đang bùng phát, các chính sách chống dịch đa dạng và được áp dụng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, từng khu vực hay từng ngành nghề, nhóm người. Giờ đây đối với thị trường tài chính, NHNN cũng nên có những chính sách dạng như vậy. Lãi suất vay không nên chỉ có một mức chung cho tất cả các hoạt động kinh tế như trong giai đoạn bình thường mà nên áp dụng chính sách linh hoạt, cung cấp vốn với lãi vay thấp hơn ở những mức độ khác nhau và/hoặc có kèm thêm một số chính sách ưu đãi đối với các ngành cần ưu tiên bơm vốn để các ngành đó có đủ động lực phục hồi và phát triển nhanh chóng, thúc đẩy cả nền kinh tế đi lên.

T.H.G