Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2021

20210823. QUẢN LÝ XÃ HỘI THỜI ĐẠI DỊCH

 ĐIỂM BÁO MẠNG

QUẢN TRỊ QUỐC GIA TRONG ĐẠI DỊCH

PV HUỲNH THỂ DU/ VNN 21-8-2021


1. NHỮNG NGÀY SỐNG TRONG LÒNG NƯỚC MỸ

 

Nhà báo Phạm Huyền: Chào ông! Ông đã sống trong lòng nước Mỹ những ngày khủng hoảng dịch bệnh hết sức tồi tệ, hẳn sẽ là những trải nghiệm rất khó quên?

Ông Huỳnh Thế Du: Trước hết, tôi xin làm rõ rằng, những chia sẻ qua lăng kính của một người nghiên cứu về chính sách công ở đây là để rút ra những gì Việt Nam có thể làm cho mọi thứ tốt hơn. Tôi không có ý so sánh để nói rằng nơi này tốt hơn nơi kia vì bối cảnh xã hội và mức độ phát triển của Mỹ và Việt Nam rất khác nhau.

Trở lại câu hỏi của chị, tôi sống ở Mỹ đúng đợt khủng hoảng dịch bệnh nặng nề và về Việt Nam, sống ở TP.HCM, lại cũng đúng lúc dịch căng thẳng tột đỉnh. Bởi thế, tôi cảm nhận được bức tranh chống dịch của cả hai nơi.

Phản ứng xã hội ở Mỹ, Việt Nam cũng như nhiều nơi khác trên thế giới trong giai đoạn đầu hay trong lúc căng thẳng dịch bệnh là giống nhau.

Khi dịch bùng lên, ở Mỹ, mọi người cũng hoảng loạn sợ hãi, đổ xô tới siêu thị vơ vét mọi hàng hóa. Người ta mua tích trữ tất cả các loại hàng hóa có thể mua được, các kệ hàng của siêu thị trống trơn. Nhưng tình trạng đó nhanh chóng ổn định trở lại.

Khi dịch quá căng thẳng, số ca tử vong tăng mạnh, nước Mỹ buộc phải lockdown (giãn cách xã hội). Mọi người được khuyến cáo ở nhà làm việc và chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Chỉ những dịch vụ thiết yếu cơ bản vẫn diễn ra để duy trì hoạt động của xã hội. 5K cũng được áp dụng, nhưng rất khác nhau ở các địa phương.

Giai đoạn này, công việc của tôi cũng như việc học của cháu nhà tôi đều là trực tuyến.

Tuy nhiên, các quyết định liên quan lockdown hay cụ thể hơn là việc học trực tuyến là khá linh hoạt và đều được dựa trên các dữ liệu tình hình dịch bệnh cụ thể trong từng giai đoạn.



Hình ảnh tháng 3/2020: Người dân Mỹ xếp hàng dài ở siêu thị Costco chờ mua hàng tích trữ. Ảnh: Reuters


Ví dụ như trường Đại học nơi tôi công tác, dạy hoàn toàn trực tuyến trong học kỳ thu năm học 2020-2021, chỉ một vài lớp học trực tiếp với điều kiện nghiêm ngặt trong học kỳ xuân; và đến học kỳ thu năm nay (2021-2022) thì hoàn toàn trực tiếp.

Trong khi đó, trường phổ thông nơi con đầu của tôi học thì tùy tình hình mà thay đổi qua lại: giữa hoàn toàn trực tuyến, một phần trực tuyến và hoàn toàn trực tiếp với ba trạng thái: đỏ, vàng và xanh. Giai đoạn màu đỏ là học hoàn toàn trực tuyến; vàng là cách nhật, một ngày trực tuyến một ngày trực tiếp; xanh là hoàn toàn trực tiếp.

Đối với đứa nhỏ đang học mẫu giáo thì học trực tiếp hoàn toàn. Khi lớp bên cạnh của cháu có người bị Covid-19 thì cả lớp nghỉ 7 ngày rồi đi học lại, trong khi các lớp khác vẫn học bình thường.

Xã hội Mỹ thời kỳ dịch bệnh trầm trọng cũng trải qua tất cả các kịch bản bi thương mà ta đang phải chứng kiến ở Việt Nam: F0 tăng nhanh, bệnh viện quá tải, số ca tử vong cao. Cũng có lúc họ cũng lúng túng như ở Việt Nam hiện nay.

Tình trạng này không phải là cá biệt ở Mỹ hay Việt Nam, nó là một thực tế buộc phải chấp nhận ở tất cả các quốc gia khác. Không có gì khác được. Quá tải là điều tất yếu khi cùng lúc, quá nhiều người nhiễm và trở nặng.

Tuy nhiên, ở Mỹ không có tình trạng rào chắn và khoanh vùng như ở Việt Nam. Có lẽ Việt Nam nên quan tâm hơn đến các vấn đề tâm lý của những người bị ảnh hưởng, nhất là khi tình hình căng thẳng còn kéo dài. Những cuộn kẽm gai trong các khu phong tỏa tác động tâm lý rất lớn.


Hình ảnh tại TP.HCM tháng 7/2021: Chính quyền rào chắn để cách ly khu phố. Ảnh: Trương Thanh Tùng


Tại Việt Nam, thời gian đó vẫn khá là bình yên. Ở Mỹ thời điểm đó, ông có cảm giác lo lắng, hay hoảng sợ?

Cũng không quá mức. Người bên ngoài nhìn vào tình cảnh của Mỹ lúc đó, cảm thấy rất kinh khủng, rất khiếp sợ (hiệu ứng truyền thông là vậy). Nhưng khi tôi sống và làm việc trong bối cảnh đó, thì mọi thứ cũng vừa phải thôi.

Xã hội Mỹ trong lúc dịch bệnh vẫn vận hành khá ổn. Sinh hoạt của người dân về cơ bản được duy trì bình thường. Đây là điểm rất khác với Việt Nam.

Tuy nhiên, nước Mỹ đã bị chỉ trích rất mạnh về cách xử lý trong giai đoạn dịch bùng phát do cấu trúc thể chế và xã hội của họ.

Tại Mỹ, việc cung ứng các nhu yếu phẩm thiết yếu hàng ngày chỉ tập trung ở một số chuỗi siêu thị hoặc các chuỗi cung ứng lớn, không có chợ đầu mối, chợ dân sinh, chợ cóc như Việt Nam, nên thành ra, việc điều hành của Chính phủ có lẽ đơn giản hơn Việt Nam rất nhiều.

Khi đó, Tổng thống Mỹ (Donal Trump) trao đổi với các nhà cung ứng để đảm bảo cung - cầu trên thị trường. Giữa Chính phủ và các nhà cung ứng lớn cũng có những cam kết nhất định với nhau. Chỉ một thời gian ngắn sau, chuỗi cung ứng thị trường nhu yếu phẩm trở lại bình thường.




Đường phố Mỹ vào tháng 8/2021, cuộc sống trở về gần như bình thường dù dịch đang tái bùng phát mạnh. Ảnh: Xuân Linh

Hệ thống y tế của Mỹ, mặc dù có những thời điểm quá tải trầm trọng, không đủ giường bệnh, nhưng cơ bản vẫn được đánh giá là trong nhóm tốt nhất thế giới.

Đây quả là điều hết sức bất lợi của Việt Nam khi trình độ phát triển và năng lực hệ thống y tế của chúng ta thấp hơn rất nhiều so với Mỹ. Đây cũng là lý do Việt Nam đã làm rất chặt ngay từ ban đầu. Tiếc là bất ngờ đã ập đến khi chúng ta lạc quan nhất.


2. Ở VIỆT NAM TÌNH HÌNH ÍT CĂNG THẲNG HƠN RẤT NHIỀU

Phản ứng xã hội là giống nhau, kịch bản quá tải tương tự nhưng nếu nhìn ở góc độ quản trị xã hội, quản trị quốc gia thời kỳ này, ông nghĩ tình hình của Việt Nam so với Mỹ có điểm gì khác biệt?

Trong việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, nước Mỹ vấp phải những khó khăn hơn Việt Nam rất nhiều.

Khi Mỹ bùng dịch nặng nề, chưa có vắc xin và chưa có bài học kinh nghiệm nào từ các nước. Lúc đó, Vũ Hán là nặng nề nhất và nước Mỹ thì không thể áp dụng các lệnh phong toả, cách ly như cách chính phủ Trung Quốc áp dụng.

Ở Mỹ, hơn 330 triệu người dân thì có hơn 37 triệu người nhiễm Covid-19, tỷ lệ trên 10% và hơn 620 nghìn người tử vong. Có ngày cao điểm hơn 300 nghìn ca nhiễm và hơn 4 nghìn người tử vong. Hạt nơi tôi sinh sống, có gần 140 nghìn người dân thì hơn 13 nghìn người nhiễm, với gần 200 người tử vong. Gần như cả xã hội đều là F1.

Người Mỹ đề cao sự tự do cá nhân. Vì thế, khi thực hiện lockdown thì vẫn diễn ra tình trạng người dân chống đối chính quyền và không tuân thủ. Hơn thế, ngay cả một số lãnh đạo chính quyền không tin các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt và đeo khẩu trang nên không áp dụng cho địa phương của họ chứ không chỉ là các cá nhân riêng lẻ.

Ở Việt Nam, tình hình ít căng thẳng hơn Mỹ rất nhiều cho dù năng lực hệ thống y tế của chúng ta thua rất xa. Chúng ta hiện giờ đã có vắc xin và có rất nhiều bài học kinh nghiệm chống dịch từ các nước khác trên thế giới. Mức độ người dân tuân thủ các lệnh giãn cách xã hội được thực hiện nghiêm hơn rất nhiều.

Thế nhưng, có hai điểm mà tôi vẫn thấy đáng tiếc. Chúng ta đã bỏ lỡ “giai đoạn vàng” - một năm yên ổn để chuẩn bị nguồn lực và cách thức chống dịch tốt hơn. Và mặc dù, chỉ thị giãn cách xã hội hay các biện pháp phòng dịch được chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương nhưng ở địa phương, mỗi nơi một cách hiểu, cách áp dụng khác nhau.

Ở Mỹ theo mô hình phi tập trung, nhưng những thứ cần thiết thì họ tập trung được, trong khi ở Việt Nam theo mô hình tập trung, đáng lý là phải dễ và tốt hơn (ý tôi là những vấn đề cần tập trung), nhưng thực tế lại không triển khai được.  

Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ (đơn giản và cơ bản nhất) nhằm tránh các hoạt động giao tiếp trực tiếp trong phòng chống dịch ở Việt Nam không được thống nhất xuyên suốt. Đây là một trong các mấu chốt dẫn tới tình trạng trục trặc, lúng túng như ở một số địa phương vừa qua.  

3. CÁC QUYẾT ĐỊNH DỰA TRÊN DỮ LIỆU

Vậy, theo ông mấu chốt để vượt qua được đỉnh dịch thời gian qua của cường quốc này là gì?

Đầu tiên, đó là vắc xin. Khoa học công nghệ của Mỹ phát triển nên việc có vắc xin sớm là chìa khoá thành công, là mấu chốt, căn cơ và lâu dài trong việc chống đại dịch. Cho dù các biến thể virus SARS-CoV-2 gần đây làm cho hiệu lực của vắc xin giảm đi và việc miễn nhiễm cộng đồng đang bị đặt dấu hỏi, nhưng việc tiêm vắc xin cho số đông đã làm giảm đi rất nhiều các ca bệnh nặng và số người tử vong.

Nhưng điểm thứ hai tôi muốn nhấn mạnh, đó là các quyết định đưa ra đều dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và chuyên môn. Các nền tảng công nghệ được áp dụng thông suốt đã giúp cho xã hội Mỹ vận hành ổn định trong thời kỳ dịch bệnh.

Ví dụ hệ thống thông tin báo cáo về tình hình dịch bệnh với các chỉ số như số ca bị nhiễm, số ca tử vong, số người tiêm vắc xin… tất cả vận hành gần như tự động. Các số liệu nhập lên hệ thống tập trung của bang và từ các bang, dữ liệu được chuyển liên thông lên Liên bang, lên Chính phủ.

Việc cập nhật thông tin về dịch bệnh đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời nên không tạo ra cú sốc hay bất nhất số liệu như Việt Nam. Và nhờ đó, đội ngũ chuyên môn nhìn thấy được xu hướng để đưa ra các quyết sách phòng chống dịch. Các bản đồ được hiện lên và cập nhật hàng ngày nên người thường cũng có thể biết những nơi có nguy cơ bị dịch bệnh cao để tránh.

Tôi lưu ý rằng, những trục trặc số liệu cũng xảy ra ở Mỹ, nhưng mức độ nghiêm trọng không cao, trong khi độ tin cậy là lớn. Và, xét về năng lực công nghệ thì Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những điều tương tự.

Nhân nói đến vắc xin, đây là vấn đề đau đầu ở các điểm tiêm ở Việt Nam thời gian qua. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về trải nghiệm đó ở Mỹ?

Đó là một trải nghiệm rất ổn. Tôi tiêm 2 mũi vắc xin ở Mỹ theo một quy trình rất nhanh chóng, đơn giản. Khi đến nhóm tuổi của tôi được tiêm, tôi vào Google gõ vài từ khóa đơn giản. Các trang web cho phép đăng ký tiêm hiện ra với các tuỳ chọn như địa điểm tiêm, ngày giờ tiêm và cả loại vắc xin, lúc đó có Pfizer và Mordena.

Đó là một hệ thống rất dễ sử dụng và cho phép mình thấy được điểm nào vắng, điểm nào đông và phải xếp hàng chờ bao lâu. Tôi chọn điểm tiêm phải đi xa hơn 50 km nhưng chỉ phải đợi 4 ngày để đến lượt. Trong khi vợ tôi phải chờ lâu hơn vì cô ấy đăng ký tiêm ở điểm gần nhà.

Nhờ hệ thống công nghệ đó, việc đi tiêm chủng không bị ùn ứ hay ách tắc. Số người ở các điểm tiêm được kiểm soát vừa phải, xếp hàng ngồi giãn cách. Vì cứ đúng giờ hẹn thì bạn mới đến tiêm. Bạn có đến sớm cũng không được mà tới trễ thì mất lượt.

Nếu công nghệ không thay con người làm tốt việc phân luồng, sắp xếp thứ tự ưu tiên, xếp hàng thì trục trặc tập trung đông người xảy ra là khó tránh khỏi.



Một điểm tiêm vắc xin công cộng đặt tại trung tâm hội nghị tại Mỹ, người dân ngồi xếp hàng, thực hiện giãn cách. Ảnh: Duy Hậu

Thêm vào đó, việc  tiêm vắc xin được thực hiện ở gần như tất cả các địa điểm có thể gồm: các bệnh viện công, các trung tâm tiêm tập trung (họ dùng cả sân vận động để biến thành các điểm tiên quy mô lớn) và các phòng khám tư nhân đủ điều kiện. Các phòng khám tư nhân tiêm rồi yêu cầu Chính phủ trả tiền cho các mũi tiêm của mình.

Như vậy toàn bộ hệ thống y tế của xã hội được huy động chứ không phân biệt công tư như ở Việt Nam. Lúc cao điểm thì phải làm sao để cả hệ thống là một chứ tổ chức như ở Việt Nam thời gian qua là khá bất cập.

Cho đến giờ này, theo tôi hiểu, vẫn chưa rõ vị trí và vai trò của khu vực y tế tư nhân trong chống dịch, cả hệ thống y tế của Việt Nam vẫn chưa được xem là một.

Tôi thấy các ứng dụng công nghệ đó giống như cách chúng ta mua vé online xem phim ở rạp Megastar, thể hiện rõ giờ nào chiếu phim gì và trống ghế nào?

Đúng rồi. Nó rất đơn giản. 

4.  CẦN MỘT BỘ CHỈ HUY TẬP TRUNG, KỶ LUẬT NHƯ QUÂN

Ý tưởng dùng công nghệ để giải bài toán chống dịch đã được đề cập từ đầu năm 2020, với sự ra đời thần tốc của Bluezone.

Gần đây, các thông điệp của Chính phủ về chiến lược chống Covid-19 cho thấy sự thay đổi lớn về cách tiếp cận. Ban đầu là "5K+ vắc xin", sau đó là "5K+vắc xin+ công nghệ" và hiện giờ là "5K+vắc xin+ công nghệ + các giải pháp khác".

Tôi nghĩ, tầm nhìn chiến lược của Chính phủ là rõ nhưng quá trình vận hành thời gian qua vẫn có trục trặc. Vậy ông nghĩ vấn đề nằm ở đâu?

Thời gian qua, chúng ta “trăm hoa đua nở” về công nghệ trong phòng chống dịch. Trong khi đó, người Việt lại có một hạn chế cơ bản trong tâm lý và tư duy là đôi khi, không đi cùng nhau và thậm chí, hay chê nhau.

Ví dụ, tôi dùng phần mềm của bạn, tôi thấy một vài điểm yếu, tôi chê bạn và tôi tự làm phần mềm của tôi. Tôi chú tâm vào những điểm yếu của bạn để tôi khắc phục nhưng cuối cùng, chính phần mềm của tôi lại có điểm yếu khác. Và điểm yếu lớn nhất của các phần mềm là không kết nối được.

Chính vì vậy, có thể bạn đăng ký khai báo y tế trên Bluezone nhưng khi bạn đi máy bay, hay đến nơi nào khác, bạn vẫn phải check in bằng cả các hình thức khác. Mặc dù bạn có mã QR code nhưng phần mềm của người ta không “load” được dữ liệu khai báo của bạn vì thiếu tính liên thông.

Ví dụ đơn giản như việc tiêm vắc xin ở TP.HCM, theo tôi được biết, Thành phố không có số liệu về nhu cầu tiêm vắc xin là bao nhiêu và xã phường đó khả năng tiêm bao nhiêu. Do vậy, dẫn đến tình trạng có chỗ số liều tiêm vắc xin thừa ra, có chỗ lại thiếu, cuối cùng là tạo ra sự dồn cục ở một số nơi.

Anh bạn tôi có liên quan đến việc này cho biết, có hôm cuối ngày, người ta gọi điện thoại đến và hỏi, ở chỗ anh ấy còn có ai thì nói đến tiêm cho hết các mũi vắc xin còn lại.

Ở Mỹ, họ làm theo cách là có ứng dụng để các địa điểm tiêm cập nhật số vắc xin dư ra cho những người có nhu cầu và có thể đến tiêm ngay. Mọi người có thể cập nhật thường xuyên để đi tiêm. Một người bạn của tôi đã làm theo cách này nên được tiêm rất sớm so với lứa tuổi đến lượt của bạn ấy.

Theo tôi biết, cho đến giờ, chính quyền Thành phố vẫn chưa chắc có bao nhiêu người đang ở đó và nhu cầu tiêm như thế nào (ý tôi là một con số tương đối mà thôi chứ không phải chính xác đến từng người).

Thống kê dân số chính thức là hơn 9 triệu người, nhưng con số được nhắc đến là 12-13 triệu người. Và đến thời điểm này không ai biết là bao nhiêu người ở TP.HCM đã về quê.

Khi công nghệ thiếu sự nhất quán, thiếu tập trung và rời rạc thì mặc dù, chúng ta luôn nói đến việc tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng cuối cùng, thực tế thành ra là 0.4.

Ông có nghĩ đến câu chuyện về lợi ích nhóm?

Đó là một vấn đề rất lớn và tôi nghĩ, các nước khác cũng gặp phải. Trong bối cảnh “trăm hoa đua nở”, địa phương, bệnh viện dùng các công nghệ khác biệt nhau mà giờ, yêu cầu cần phải tập trung một mối thì tất yếu, sẽ đụng chạm lợi ích của một số người (nhiều khi chỉ là thói quen không muốn bỏ). 

Người ta có thể bỏ qua lợi ích tổng thể lớn lao cho toàn xã hội vì muốn giữ lợi ích riêng biệt của mình. Điều đó lý giải sự chậm trễ, trì hoãn hay trục trặc việc áp dụng công nghệ chung của quốc gia trong phòng chống dịch ở địa phương.

Tôi nghĩ tất cả các vấn đề này có thể gói gọn ở câu chuyện quản trị xã hội, quản trị quốc gia. Và chúng ta cần một lực đẩy để cải thiện vấn đề này.

Vấn đề sâu xa nằm ở tư duy quản lý và quán tính xã hội.

Nhìn từ bài học nước Mỹ, tôi có thể khẳng định rằng, sử dụng công nghệ là giải pháp hiệu quả để giải quyết mọi bất cập xảy ra trong không gian thực, hạn chế tương tác trực tiếp giữa người với người, hỗ trợ cho việc giãn cách xã hội, phòng chống dịch.

Công nghệ sẽ giúp nhà quản lý, nhà chuyên môn sắp xếp việc tiêm chủng một cách trật tự, đúng thứ tự xếp hàng, đảm bảo tốt việc lưu trữ và tập trung thông tin cũng như liên thông dữ liệu trên toàn quốc. Chỉ có ứng dụng công nghệ mạnh mẽ mới giải quyết những hiện tượng ùn ứ, ách tắc hay số liệu vênh nhau như hiện nay.

Tuy nhiên, công nghệ ở đây đòi hỏi phải có tính tập trung, tính kết nối, liên thông đi cùng tác phong công nghiệp chứ không phải là "mạnh ai nấy làm".

Một trong những rào cản đầu tiên cho việc vận hành cái mới này là người Việt Nam chưa có thói quen áp dụng công nghệ vào công việc. Đây là một quán tính của xã hội.

Về góc độ tư duy quản lý, tôi nhìn thấy, có những nhà lãnh đạo, ví dụ như ông Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông xuất thân trong ngành công nghệ, đã hình dung ra vai trò quan trọng của công nghệ trong chống dịch nói riêng, quản trị quốc gia nói chung. Đó là tín hiệu tích cực.

Tuy nhiên, vẫn có một số nơi và có lẽ khá nhiều người có trách nhiệm lại chưa nhìn thấy như vậy. Một người hay một số ít người tiên phong trong vấn đề này sẽ không thể làm thay đổi quán tính xã hội tồn tại bao lâu nay, nhất là sức ỳ của khu vực công.

Ông thấy cần giải quyết bài toán này như thế nào?

Ở đây, có thể nói tới nguyên tắc 80-20. 80% là sự quản lý của tổ chức một cách bài bản và khoa học, tập trung, còn 20% mới là đòi hỏi công nghệ tiên tiến. Chúng ta không chú ý 80% mà nhiều khi cứ đổ lỗi cho phần 20% kia thì sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề.

Tôi nghĩ, việc quản trị xã hội, quản trị quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh phải được tổ chức kỷ luật như trong quân đội.

Trong thời kỳ chiến tranh, bao nhiêu lần chúng ta phải đối đầu với những đối thủ mạnh hơn rất nhiều về tiềm lực quân sự, về sức người, sức của. Nếu chúng ta dàn hàng ngang ra đấu tay đôi thì không thể thắng được. Nhưng cuối cùng, ta vẫn thắng.

Trong quân đội, tính tập trung, tính xuyên suốt và ý chí quyết tâm rất cao. Sử dụng công nghệ cho bài toán quản trị quốc gia cũng đòi hỏi những yêu cầu này: Phải có sự tập trung đồng bộ, kết nối xuyên suốt.

Chúng ta cần một bộ chỉ huy tập trung có tính chất nhất quán và tất cả các địa phương phải trao đổi, tương tác hoặc  tuân theo những chỉ đạo của bộ chỉ huy tập trung đó.

Dưới bộ chỉ huy tập trung ở Trung ương là các bộ chỉ huy vùng. Sự linh hoạt của vùng hay các địa phương vẫn cần đặt trong không gian định hướng của bộ chỉ huy trung ương. Lúc đó mới giải quyết được vấn đề.

5.  CÔNG NGHỆ 4.0 KHÔNG THỂ HOẠT ĐỘNG VỚI TƯ DUY VÀ CÁCH HÀNH XỬ 0.4

Nước Mỹ có những người khổng lồ thế giới về công nghệ, còn ta chỉ có vài doanh nghiệp lớn trong phạm vi quốc gia. Vậy, ông có niềm tin nào về năng lực công nghệ của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu quản trị quốc gia?

Tôi không nghĩ công nghệ là vấn đề chính ở Việt Nam. Những ứng dụng về quản lý tiêm vắc xin, khai báo y tế, truy vết… chỉ là những phần mềm hết sức cơ bản và đơn giản, không đòi hỏi trình độ cao siêu.

Kể cả khi chúng ta không tự nghiên cứu thì hoàn toàn có thể mua của nước ngoài về dùng. Thực tế, chúng ta cũng đã có những tập đoàn khẳng định được vị thế của mình trên thị trường công nghệ thế giới.

Có thể nói, năng lực công nghệ của Việt Nam để triển khai những công việc đại trà cho quản trị quốc gia như vậy là hoàn toàn có thể đáp ứng được.

Về mặt nhận thức, chúng ta đã có những người hiểu được vấn đề này và tầm quan trọng của công nghệ trong bài toán chống dịch hiện nay, cũng như bài toán quản trị quốc gia. Một số giải pháp cụ thể đã được đưa ra.

Vấn đề chính vẫn nằm ở khâu tư duy quản lý và quán tính xã hội. Những gì thuộc về tập quán thì khó có thể thay đổi một sớm một chiều.

Ví dụ, Federer là một cầu thủ tennis hàng đầu thế giới với những kỹ thuật giao bóng kinh điển được đưa vào sách vở. Tuy nhiên, để học Federer việc kết hợp tất cả các kỹ thuật đánh bóng đỉnh cao thì không chỉ dựa vào kiến thức sách vở mà cần cái “chất” của anh ta.

Tương tự như vậy, công nghệ chúng ta có thể giải quyết được nhưng tập quán xã hội và kiến thức nội tại chưa tương thích. Công nghệ 4.0 không thể hoạt động với tư duy và cách hành xử 0.4.

Ví dụ đơn giản hơn là thói quen xếp hàng, thói quen đúng giờ chẳng hạn,ở người Việt là chưa có. Muốn Việt Nam trở thành quốc gia phát triển dựa trên công nghệ thì những thói quen này cũng phải thay đổi. Chúng ta nên tập trung vào 80% điều cần làm và bớt nói đến 20% phần công nghệ.

6. ‘KIỀNG BA CHÂN’ QUYẾT ĐỊNH SỰ THÀNH CÔNG

Giải bài toán chống dịch bằng công nghệ, hay rộng hơn là quản trị quốc gia bằng công nghệ, đây là một vấn đề mới của Việt Nam nhưng những thông điệp gần đây của Chính phủ đã hé mở hướng đi chiến lược này. Theo ông, đâu sẽ là yếu tố quyết định sự thành công cho hướng đi này?

Có 3 điều kiện để một ý tưởng táo bạo có thể thành công.

Yếu tố đầu tiên là cần những người dám nghĩ dám làm, tức là có tinh thần doanh nhân công cộng, là người hiểu hệ thống và có thể vận động sự ủng hộ các bên.

Yếu tố thứ hai là có một liên minh ủng hộ mạnh mẽ bao gồm cả lãnh đạo của quốc gia, của người dân, của doanh nghiệp và các yếu tố liên quan. Họ có cùng khát vọng như những người tiên phong.

Yếu tố thứ ba là sự tham gia của các đối tác có lợi ích dài hạn, hay nói cách khác là có người đồng hành trong câu chuyện triển khai ý tưởng này. Họ phải có khát vọng cùng phát triển đi đến thành công.

Ở Việt Nam, đã có những người hiểu được vai trò của công nghệ và muốn làm bằng được. Tuy nhiên, hai yếu tố còn lại chưa rõ nét.

Nói về liên minh ủng hộ, có thể có người phát biểu hay nhưng chưa thấy sự ủng hộ đó ở hành động. Sự tham gia của các đối tác đồng hành cũng chưa rõ ràng, trong khi khát vọng chưa được thổi bùng để tạo ra áp lực cho mình.

Cả 3 yếu tố này giống như kiềng 3 chân để quyết định sự thành công. Thiếu một yếu tố là cái kiềng này khó có thể đứng vững.

Phải chăng đây là cơ hội để Việt Nam thay đổi và vươn lên?

Covid-19 vừa là thách thức vừa là cơ hội cho Việt Nam.

Với kiềng 3 chân trên, chúng ta có thể chống dịch thành công bằng công nghệ. Nhưng nhìn nhận rõ hơn, liệu chúng ta đã có khát vọng đủ lớn để trở thành một quốc gia công nghệ hay chưa? Điểm tựa nào để tạo ra khát vọng như thế?

Chúng ta có thể có người dám nghĩ, dám làm, thuyết phục được liên minh ủng hộ nhưng làm như thế nào để thổi bùng khát vọng quốc gia, coi Covid-19 như một áp lực thế kỷ để đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghệ? Tôi thấy đó là điều vô cùng thách thức trong bối cảnh hiện tại.  

Tôi hi vọng, Việt Nam có những nhà lãnh đạo, những nhân tố có khả năng quyết tâm đương đầu với thách thức để tạo nên sự đột phá cho sự phát triển của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Thực hiện: Phạm Huyền

Thiết kế: Quốc Dũng

Ảnh: Trương Thanh Tùng 


CHỐNG DỊCH COVID-19 DỰA TRÊN KHOA HỌC


TƯ GIANG / TVN 19-8-2021

Ở cấp quốc gia cần có thêm rất nhiều dữ liệu trong lĩnh vực y tế, kinh tế, xã hội để ra các quyết định dựa trên khoa học thay vì cảm tính cho các mặt trận chống dịch và kinh tế.

Quyết định dựa trên dữ liệu

Trước khi Đà Nẵng tiến hành phong tỏa nghiêm ngặt một tuần bắt đầu từ ngày 16/8, lãnh đạo TP đã có một động thái quan trọng để thu hút niềm tin, sự đồng lòng của người dân.

Chống dịch dựa trên khoa học
Từ 8h sáng 16/8, đường phố Đà Nẵng vắng bóng người. Ảnh: Hồ Giáp

Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến đã lên sóng truyền hình trực tiếp từ kỳ họp HĐND TP và cho biết, Đà Nẵng có khoảng 2.500 giường thu dung và 300 giường hồi sức với máy thở, máy lọc máu.

Bà nói tha thiết: “Tuy nhiên, đây đã là những cố gắng hết sức và tối đa. Nếu TP có trên 6.000 bệnh nhân, theo tỉ lệ 5% ca bệnh nặng thì chúng ta chỉ có thể phục vụ với mức tối đa là 300 bệnh nhân. Nếu vượt tối đa trên 6.000 bệnh nhân, hệ thống y tế sẽ quá tải. Chính vì vậy, việc kiểm soát tình hình dịch bệnh và làm cho số ca bệnh giảm cần phải hành động quyết liệt, mạnh mẽ”.

Đà Nẵng đã trải qua làn sóng dịch bệnh thứ hai, dẫn đến phong tỏa toàn TP hồi tháng 8/2020. Lúc đó, có những lời phê TP đã phong tỏa quá quyết liệt cả tháng trời, làm tăng trưởng kiệt quệ -9,1%.

Nhưng ở lần phong tỏa này, khi chủng Delta lây nhiễm rất mạnh với những hệ lụy bi thương về nhân mạng, sinh kế và kinh tế, đặc biệt ở một số tỉnh phía Nam, có rất ít lời than vãn trên truyền thông, trên mạng xã hội tại Đà Nẵng. Chắc chắn, sự công khai, minh bạch của người đứng đầu Sở Y tế về tình trạng yếu kém của hệ thống y tế đã làm cho dân thấu hiểu, và họ cảm thông, chia sẻ.

Trong khi đó, các lãnh đạo Thủ đô cũng đang rất nỗ lực để đảm bảo trách nhiệm giải trình trước nhân dân.

Chẳng hạn, gần đây số liệu về ca mắc mới Covid-19 của Hà Nội và Bộ Y tế chênh lệch nhau rõ rệt, khiến không ít người băn khoăn, lo lắng.

Ngay lúc đó, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đã lên tiếng giải thích, sự chênh lệch là do thời điểm cập nhật của Bộ và Sở khác nhau, chứ số ca bệnh tích lũy là giống nhau. “Việc công bố ca bệnh của Hà Nội là hoàn toàn chính xác để công khai, minh bạch cho người dân được biết”, bà Hà cam kết.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã liên tiếp giải thích với nhân dân Thủ đô khi thực hiện Chỉ thị 16 bằng hàng loạt dữ liệu, rằng cố gắng nâng công suất xét nghiệm lên 200.000 mẫu/ngày; nâng công suất cách ly tập trung lên 50.000 chỗ; nâng công suất giường bệnh điều trị lên 40.000 giường; thành lập các trung tâm hồi sức tích cực, phân luồng để có thể tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân nặng và nguy kịch...

Tuy nhiên, dù đã nỗ lực hết mình, những con số trên là rất nhỏ so với quy mô dân số hơn 8 triệu người ở Thủ đô. Trong khi Hà Nội thiếu vắc xin vì vắc xin đang được chuyển về cho các tỉnh phía Nam, ông Dũng giải thích: “Thực tiễn cho thấy, nếu không thực hiện kịp thời giãn cách xã hội, Hà Nội có thể đã không giữ được tình hình dịch như hiện nay”.

Những lời trần tình khác theo hướng công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình về năng lực điều trị của hệ thống y tế, rủi ro dịch bệnh lây lan… của lãnh đạo Hà Nội, Đà Nẵng và nhiều tỉnh, thành là rất cần thiết để lấy được lòng tin của người dân.

Tuy nhiên, những số liệu trên vẫn còn chưa đủ. Ở cấp quốc gia cần bổ sung rất nhiều dữ liệu khác trong cả lĩnh vực y tế, kinh tế, xã hội. Lẽ ra, cần chống dịch và phong tỏa dựa trên các phân tích dữ liệu, chứng cứ khoa học để ra quyết định. Cần thành lập trước các đội đặc nhiệm cho những việc quan trọng để mua máy thở, ô xy hay thiết kế trước các qui trình chống dịch, các cấp chính quyền khi nào thì làm gì, khi nào thì vào giãn cách, khi nào thì ra khỏi giãn cách; Vấn đề tài chính công, năng lực của bộ máy…

Ở Hà Nội và TP.HCM đã bắt đầu đề cập đến vùng xanh, vùng đỏ… nhưng đáng tiếc, chưa bao giờ chính quyền đưa ra tiêu chí để người dân được biết, để những người thực thi công vụ hoàn thành, thay vì lạm dụng công việc được giao.

Cần cách tiếp cận khoa học và nhân văn

Gần đây, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê nói về sự chuyển hướng chiến lược điều trị Covid-19: “Dựa theo kinh nghiệm quốc tế, mô hình triệu chứng bệnh học, ngành y tế xây dựng hướng dẫn thí điểm điều trị, quản lý ca nhiễm tại nhà. Khi đó, mỗi gia đình trở thành 'home care' hay một phòng y tế".

Ông giải thích: “Ngoài các bệnh viện dã chiến chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19, các bệnh viện khác phải tách đôi, thực hiện song song nhiệm vụ kép: vừa điều trị bệnh nhân thông thường vừa điều trị bệnh nhân Covid-19”.

Chống dịch dựa trên khoa học
Bác sĩ kiểm tra máy móc trước khi đưa vào sử dụng BV dã chiến số 14 tại quận Tân Phú, TP.HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Chiến lược này đã được lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định vài lần trước đó, khi TP.HCM xin được cách ly người mang virus tại nhà vì hệ thống y tế đã quá tải, các y bác sỹ kiệt sức.

Chiến lược đó, phải nói thẳng, thể hiện đến nay mới nhận ra phải điều trị bệnh nhân thông thường chứ không chỉ bệnh nhân Covid-19.

“Truy vết, khoanh vùng, cách ly” - chính sách chữa bệnh của chúng ta lâu nay có cái hay nhưng cũng có cái dở. Điều hay thì có lẽ không nên nhắc lại vì ai cũng biết thành tích chống dịch, thế giới đã công nhận, nhưng dở cũng có.

Theo cách đó, cứ có F0 là phong tỏa cả nhà máy, bệnh viện, chợ búa, công sở… và đưa F1 đi cách ly. Cách làm này vừa gây tâm lý sợ hãi, trốn tránh, làm dịch bệnh có nguy cơ lây lan, vừa bóp nghẹt sản xuất, lưu thông của doanh nghiệp và sinh kế của người dân.

Bằng cách đó, chúng ta đã tập trung quá lớn vào khâu dự phòng, bao nhiêu công sức và tiền bạc đổ ra để vận hành các cơ sở thu dung, nơi 80% là không có triệu chứng hoặc nhẹ. Lẽ ra, khâu điều trị với máy thở, thuốc men, giường bệnh... đã được nâng cấp lên nhiều lần nếu nguồn lực được san sẻ từ khâu dự phòng.

Liên tiếp mấy tuần gần đây, khi TP không còn sức chứa F0, các chiến lược mới liên tục được đưa ra, mà chung quy lại là cho F0 cách ly tại nhà.

Tỷ suất chết thô của cả nước là 0,63%, theo Tổng cục Thống kê, có nghĩa mỗi năm chúng ta có khoảng 620.000 người tử vong, hay mỗi ngày có 1.700 người. Nhiều người trong số đó, và tất nhiên, nhiều bệnh nhân hơn nữa ngoài số đó, cần được chăm sóc y tế, chứ đâu chỉ F0, F1 do Covid-19 mới cần chăm sóc, điều trị.

Một chuyên gia xã hội học tính toán, tỷ suất chết thô chung của TP.HCM là 4,7‰ năm 2019, trong đó, theo nguyên nhân chết thì chết do bệnh tật chiếm 95%. Giả định các con số này vẫn giữ nguyên năm 2021, thì với dân số khoảng 9,42 triệu người, số chết do bệnh tật dự tính là 42.060 người, hay 115 người chết vì bệnh trung bình mỗi ngày.

Từ thực trạng đó, rõ ràng những người bị bệnh hiểm nghèo như ung thư, tai biến… đối diện với rủi ro không được chăm sóc y tế. Hơn nữa, những người bị bệnh đột ngột và khẩn cấp như đau ruột thừa, tai nạn, chấn thương… có thể chuyển nặng nếu không được chăm sóc y tế khẩn cấp.

Lẽ ra, những số liệu đó cần được tính toán trong tương quan với quan điểm giảm tối đa số ca F0, số ca tử vong bằng các biện pháp phong tỏa quyết liệt.

Vì thế, trong quá trình thực hiện các biện pháp chống dịch ngặt nghèo nhất, phải đảm bảo 2 nhóm hoạt động thiếu yếu.

Thứ nhất là chăm sóc y tế cộng đồng, bệnh nhân phải nhận được chữa trị y tế, tư vấn y tế từ xa và có thể được cấp cứu khẩn cấp. Thứ hai là duy trì những hoạt động thiết yếu như cung cấp bữa ăn để người bệnh, người dân trong phong tỏa đảm bảo được calo cần thiết để tồn tại. Mà đó là chưa đề cập đến yếu tố sức khỏe tinh thần.

Nếu một trong 2 yếu tố trên không được đảm bảo do nỗ lực giảm số ca F0 và tử vong bằng cách phong tỏa mạnh sẽ dẫn đến hệ lụy đáng buồn hơn: số người tử vong vì bệnh ngoài Covid-19 lớn hơn số tử vong do Covid-19.

Kinh nghiệm từ EU

Chiến lược này thật ra đã được các nước EU thực hiện suốt từ đầu dịch. Đây là cách chữa bệnh vừa nhân văn, giữ được phẩm giá và trách nhiệm của người mắc virus với bản thân và cộng đồng, vừa hiệu quả theo nghĩa bảo vệ được hệ thống y tế khỏi tình trạng quá tải và giúp giữ được tính mạng của những người bệnh nặng theo cách tốt nhất cũng như những người bệnh khác.

Chẳng hạn ở Anh. Vào tháng 5/2020, hai tháng sau khi dịch bệnh xuất hiện, Thủ tướng Anh đã soạn thảo ngay một kế hoạch dài 130 trang khổ nhỏ tóm tắt những đánh giá của chính phủ về nguy cơ dịch bệnh, kế hoạch ứng phó với khủng hoảng của chính phủ trình bày trước Nghị viện, sau đó công bố rộng rãi cho người dân biết.

Bản thuyết trình tóm tắt những ý chính đánh giá về dịch bệnh, tác động đối với xã hội, bao gồm những thiệt hại về kinh tế, xã hội, rủi ro sức khỏe, các hạn chế đi lại, các nguy cơ có thể gặp phải, và những giải pháp kèm theo, đặc biệt là chăm sóc, đảm bảo chế độ phúc lợi xã hội đối với người dân.

Chiến lược đó có 2 phần rõ ràng. Thứ nhất là vắc xin: Chính phủ tài trợ, nghiên cứu, đặt hàng và đẩy nhanh tối đa để có vắc xin. Song song là hạn chế giao tiếp xã hội để hạn chế nguy cơ lây dịch bệnh, đồng thời cũng tài trợ và bơm tiền cho hệ thống y tế bằng việc bổ sung gấp rút các trang thiết bị. Với người Anh, giải pháp chữa bệnh hay phong tỏa đều dựa trên khoa học, công nghệ, dữ liệu.

Tư Giang

DẬP DỊCH PHẢI THEO KHOA HỌC, DỰA VÀO CHUYÊN MÔN, KHÔNG DỰA VÀO Ý CHÍ CHÍNH TRỊ

NGUYỄN NGỌC CHU/ TD 20-8-2021



Dịch ở TP.HCM và các tỉnh Bình dương, Long An, Đồng Nai, phải được kiểm soát và đẩy lùi. Trong khi các tỉnh thành ở phía Bắc chưa rơi vào tình trạng nghiêm trọng thì Chính phủ phải tập trung mọi nguồn lực để dập dịch ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. Nếu để dịch ở TP.HCM rơi vào trạng thái không kiểm soát thì tác hại khôn lường. Khi chưa đẩy lùi được dịch ở phía Nam mà các tỉnh phía Bắc bị lây dịch nghiêm trọng thì đó là thảm hoạ toàn quốc. Nên phải dồn toàn lực để dập dịch ở TP.HCM. Chính phủ phải coi TP.HCM là mặt trận chính của dập dịch trên toàn quốc.

I. DỒN TÀI CHÍNH VÀ LƯƠNG THỰC HỖ TRỢ KHẨN CẤP CHO TP.HCM

1. CỨU TRỢ KHẨN CẤP VÔ ĐIỀU KIỆN, NHƯNG CHO ĐẾN NAY VIỆC CỨU TRỢ DIỄN RA VẪN RẤT CHẬM CHẠP

Để cho dân không hoản loạn, ai ở đâu thì ở đấy – muốn vậy, phải có cái để sống, an sinh là số 1. Ai cũng được cứu trợ tiền sinh sống. Ai cũng được tiêm chủng. Ai cũng được cứu chữa – Không phân biệt tạm trú hay thường trú; Không phân biệt có hộ khẩu hay không hộ khẩu; Không phân biệt có hợp đồng lao động hay không có hợp đồng lao động; Không phân biệt đóng bảo hiểm hay không đóng bảo hiểm; Không phân biệt nộp thuế hay không nộp thuế; Không yêu cầu phải đi xin xác minh bất cứ điều gì ở đâu.

Để cứu trợ không bị trùng lặp, không bị gian dối, là việc của người cấp phát cứu trợ. Công nghệ cho phép làm việc này mà không bắt người được cứu trợ phải phiền hà, không phải kê khai với cán bộ phường và công an khu vực. Chỉ việc ngồi ở nhà mà có tiền trong tài khoản. Chỉ ngồi nhà mà có lương thực thực phầm thiết yếu để sống.

Tất cả những người lao động kiếm ăn, có điện thoại di động, đều có thể kiểm soát qua công nghệ. Họ nhân được tiền cứu trợ tức thì mà không cần qua chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương thực thi việc cứu trợ vật chất. Chính quyền địa phương… rà soát các trường hợp bệnh tật, già yếu, thương tật cô đơn, không có khả năng sử dụng công nghệ.

Việc nhận tiền cứu trợ mà phải đi qua chính quyền địa phương có 2 nhược điểm rất trầm trọng:Một là tốn nhiều thời gian, không kịp thời; Hai là tạo ra tình cảnh xin – cho, biến chính quyền địa phương thành người có quyền ban phát. Từ đó dẫn đến gây phiền hà, gian lận, trục lợi, ban phát không đúng đối tượng và bỏ sót. Thực tế cách cứu trợ của Bộ LĐ&TBXH đã minh chứng 2 điều vừa nêu. Rất nhiều trường hợp cần cứu trợ, suốt 3 tháng qua chưa được cứu trợ. Không ít cán bộ địa phương trở thành cửa quyền.

2. ĐÔI LỜI VỀ CÁCH ĐỀ NGHỊ CỨU TRỢ CỦA TP.HCM

UBND TP.HCM vừa có công văn đề nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp cho 4.749.330 người nghèo từ 1.580.100 hộ, do gặp khó khăn trong đại dịch, với tổng số tiền hơn 27.968 tỉ đồng và 142.200 tấn gạo.

Khẳng định là phải cứu trợ khẩn cấp vô điều kiện cho toàn bộ người dân TP.HCM mất việc làm vì dịch covid. Nhưng cách tiếp cận, khác với đề nghị của TP.HCM.

Chính quyền TP.HCM xin cứu trợ trong đại dịch Covid theo con đường cũ: xét hộ nghèo đói. Đây là con đường tạo nền quyền xét duyệt, cho và không cho, và kéo dài thời gian xét duyệt. Nó đi ngược với tính khẩn cấp và mục đích cứu trợ vô điều kiện vì đại dịch.

Việc xác định ai là hộ nghèo để được cứu trợ sẽ phụ thuộc vào chính quyền phường, công an khu vực, tổ dân phố… Từ đó lại xẩy ra trường hợp xin – cho. Và việc quyết định ai được nhận cứu trợ phụ thuộc vào chính quyền địa phương chứ không thuộc vào chính phủ.

Tiếp đến, là mục đích cứu trợ chưa đúng. Cứu trợ là cho người dân mất việc làm trong đại dịch, chứ không cứu trợ cào bằng cho mọi thành viên trong hộ.

Đó là điều các nước khác không làm. Không nước nào cứu trợ trong đại dịch theo hộ, phụ thuộc vào thước đo của phường xã, mà phụ thuộc vào chính sách của quốc gia. Cho nên tất cả mọi người lao động đều được hưởng trợ cấp mất việc làm.

Kết quả cho thấy, UBND TP.HCM yêu cầu cứu trợ 4.740.330 người ngèo gặp khó khăn – chiếm 52,71% dân số toàn TP.HCM (8.993.000 ngày 01/4/2019, theo world population thì dân số TP.HCM là 8.827.544 người). Trong khi đó, toàn bộ số người lao động ở TP.HCM là 4.492.268 người (chiếm 49,95% dân số toàn thành phố). Như vậy con số người nghèo đói cần trợ cấp 4.740.330 là con số lớn hơn toàn bộ số người lao động ở TP.HCM.

Có nghĩa là, Chính phủ trợ cấp cho tất cả những người lao động ở TP.HCM – thì vẫn ít hơn con số TP.HCM yêu cầu. Vậy Bộ LĐTB&XH đang trợ cấp ở đâu? Cho ai?

Phải cứu trợ tức thì cho toàn bộ người lao động ở TP.HCM vô điều kiện. Nhưng không phải theo cách đánh giá của cán bộ phường, không theo hộ gia đình, mà theo chính sách của Chính phủ.

Việc cứu trợ của Bộ LĐTB&XH trong thời gian qua diễn ra rất chậm chạp, với nhiều thủ tục phiền toái, với nhiều khiếm khuyết, không đáp ứng được tính khẩn cấp trong dịch bệnh.

3. CẦN TRẢ LỜI NGAY CHO UBND TP.HCM VỀ GÓI CỨU TRỢ

Việc hỗ trợ cho TP.HCM bao nhiêu tiền, bao nhiêu gạo, và hình thức cấp phát như thế nào, phải xuất phát từ Chính phủ, và cần trả lời ngay vì tình trạng khẩn cấp. Việc chậm trễ của Chính phủ về số lượng hỗ trợ và hình thức cấp phát sẽ ảnh hưởng trực tiếp to lớn đến hiệu quả dập dịch ở TP.HCM.

Khi Thủ tướng đã ra lệnh “Khi đã phong tỏa thì không để người dân nào thiếu ăn” thì Chính phủ phải trả lời cho UBND TP.HCM biết là họ nhận được bao nhiêu tiền, bao nhiêu gạo?

Khi Thủ tướng yêu cầu “ai ở đâu thì ở đó, người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, xã phường cách ly với xã phường” mà không có trợ cấp từ tài chính từ Chính phủ thì sẽ kém hiệu quả.

Khi Thủ tướng tuyên bố “Hỗ trợ TPHCM là chuyện cháy nhà chết người, đừng chần chừ nữa!” thì Chính phủ phải tức thì chuyển tiền, chuyển gạo, chuyển nhân lực, thiết bị, thuốc men. Nếu không vẫn chi là ý chí chính trị!

II. DỒN NHÂN LỰC, THIẾT BỊ, VACCINE VÀ THUỐC MEN CHO TP.HCM

An sinh tốt thì mới tạo điều kiện cần cho giãn cách tốt. Khi Chính phủ hỗ trợ tài chính và lương thực cho TP.HCM thì đó là điều cần cho giãn cách. Điều kiện đủ cho giãn cách tốt là lãnh đạo TP.HCM phải giỏi. Có giỏi thì mới đưa ra các biện pháp đúng. Có giỏi thì mới triển khai được giãn cách tốt.

Vấn đề hệ trọng song song với an sinh và giãn cách là cứu trợ cho người bị lây nhiễm Covid. Phải giảm tỷ lệ tử vong. Tử vong là hoạ cuối cùng của dịch. Để tỷ lệ tử vong cao là thất bại toàn diện trong dập dịch. Con số tử vong cao sẽ gây hoảng loạn trong toàn quốc.

Cho nên, phải dồn vaccine, thiết bị và nhân lực cho TP.HCM và các tỉnh bị dịch bệnh nặng để giảm tỷ lệ tử vong và hạn chế lây lan. Trên phương diện này, hành động của Chính phủ chưa tương ứng với đòi hỏi của thực tế.

III. DẬP DỊCH PHẢI THEO KHOA HỌC, DỰA VÀO CHUYÊN MÔN, KHÔNG DỰA VÀO Ý CHÍ CHÍNH TRỊ

Dịch virus corona là đại hoạ. Diệt virus corona phải theo khoa học. Phải dựa vào chuyên môn.

Không thấy bên cạnh Thủ tướng thường xuyên có một bác sĩ trưởng giỏi, một nhóm bác sĩ giỏi. Không thấy bên cạnh người đứng đầu các tỉnh thành thường xuyên có một bác sĩ trưởng giỏi, một nhóm bác sĩ giỏi. Bộ trưởng Bộ Y tế và Giám đốc Sở y tế là các nhà quản lý, thăng tiến theo ngạch quản lý, không phải là các chuyên gia giỏi nhất về dịch.

Chính sách dập dịch phải xuất phát từ các nhà chuyên môn. Không đi từ những người lấy ý chí chính trị làm đầu, lấy tuyên truyền là phương tiện. Nghe lời khuyên từ 3 nhà chuyên môn giỏi trong một giờ, lợi muôn lần hơn suốt ngày họp với mấy chục lãnh đạo chỉ ngồi nghe, không nói khác.

Dập dịch ở Việt Nam hiện nay, khác với nhiều nước, các nhà chính trị đang áp đảo các nhà chuyên môn. Tình trạng Việt Nam thiếu vaccine, tỷ lệ tiêm vaccine thấp, là vì ý chí chính trị áp đảo kiến thức chuyên môn. Các tỉnh thành chưa rơi vào hoàn cảnh lâm nguy hãy nhanh chóng mà thay đổi.

Nguyễn Ngọc Chu

PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19: ĐỂ KHÔNG XẢY RA NHỮNG QUYẾT ĐỊNH 'ĐÙNG-ĐOÀNG' !

TRẦN TUẤN/ TD 22-8-2021

Người bạn thâm niên hơn 30 năm làm chính sách công tôi rất kính trọng, gửi cho một đoạn liệt kê nhanh các quyết định liên quan tới công tác chống dịch COVID-19 ở Tp. Hồ Chí Minh trong 3 tháng qua (Xin trích ở dưới bài viết này).

Bạn không viết ra, mà chỉ muốn gửi đến tôi với tâm tư buồn: Sao lại để đến nỗi này? Chính sách chống dịch đưa ra “đùng, đoàng” vênh trước, vẹo sau đến độ đối chọi thì dân tình táo tác, xã hội nhớn nhác… tránh sao được?

Thực ra, vấn đề chính sách vênh phải sửa không mới: “Sai đâu, sửa đấy! Sửa đấy, có xong đâu? Xong đâu, sai đấy?”, tôi nghe từ lâu rồi.

Viết bài này, tôi muốn thể hiện: Tôi thông cảm! Và hơn thế, muốn nói rằng, tình trạng trên, hoàn toàn có thể tránh được, qua nhận biết căn nguyên gốc và yếu tố duy trì.

1. CĂN NGUYÊN GỐC: CHỐNG DỊCH MÀ CHƯA THỰC SỰ LẤY KHOA HỌC DỊCH TỄ HỌC DẪN ĐƯỜNG!

Bởi nếu có khoa học dịch tễ học dẫn đường, sẽ thấy được ngay 3 vấn đề:

– Không thể, và không nên dành lực lượng tập trung vào “xét nghiệm diện rộng tìm cho hết người nhiễm – F0 – trong cộng đồng” lúc này! Bởi làm sao có thể chạy theo tìm dấu vi rút khi dịch đã ở dạng “nội sinh” lan rộng nhiều tuần, với 80% người nhiễm không có biểu hiện lâm sàng? Khi mà chính bất kỳ xét nghiệm nào được sử dụng đều luôn có một tỷ lệ âm tính giả – dương tính giả đi kèm? Càng làm rộng trên cộng đồng, vấn đề “âm tính giả – dương tính giả, khả năng chẩn đoán đúng của test càng phải đặt ra và trở nên phức tạp, phải có nhà dịch tễ đích thực phụ trách và diễn giải kết quả! (Đọc thêm ở đây).

– Lúc này, khi đã là dịch nội sinh, không thể “bóc tách hết F0 khỏi cộng đồng”, dùng “F0” là chỉ dấu để thực hiện phong tỏa “nội bất xuất, ngoại bất nhập” cho toàn cộng đồng trong thời gian 2-3 tuần để “vi rút tự chết” hết mầm bệnh, hết dịch (như đã làm khi dịch ở dạng xâm nhập từ ngoài vào cộng đồng chưa hề có mầm bệnh)! Làm sao có thể “tiệt nọc” vi rút SARS-COV-2, khi thực tế có tới 80% trường hợp nhiễm là không có biểu hiện lâm sàng (thể người lành mang trùng).

– Phòng chống dịch COVID-19 biến thể Delta thành công, ở thời điểm dịch đã trở thành nội sinh, không nên mơ đạt bằng mọi cách chặn đứng không cho vi rút lan truyền! Mà thực tế hơn, đưa tỷ lệ người dân bị nhiễm vi rút có triệu chứng lâm sàng nặng cần can thiệp điều trị bệnh viện, từ 5% (trước khi có vắc xin), xuống dưới 0,1%, bằng tiêm đủ liều vắc xin cho toàn dân sớm nhất có thể, đi kèm hướng dẫn người dân thực hành các biện pháp dự phòng tăng cường sức khỏe (luyện thở, tập thiền, thư giãn, bài tập vận động toàn thân, chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý…) và tự chăm sóc tại nhà đúng cách khi có biểu hiện lâm sàng bệnh, nhận được tư vấn y tế kịp thời khi có dấu hiệu chuyển nặng.

– Chẩn đoán tình trạng miễn dịch cộng đồng sử dụng test kháng thể, kết hợp với các thông tin dịch tễ học từ nghiên cứu hệ thống điểm sentinel sites là cơ sở để điều chỉnh chiến lược tiêm vacxin phủ rộng đúng đối tượng sớm nhất, điều chỉnh mức độ phong tỏa phù hợp nhất để đưa xã hội trở lại cuộc sống bình thường nhanh nhất có thể, chứ không phải bằng “xét nghiệm diện rộng tìm và bóc tách hết F0 khỏi cộng đồng” và thực hiện phong tỏa theo nguyên tắc cứng “nội bất xuất ngoại bất nhập” kéo dài tối thiểu 2 tuần cho “tiệt nọc” vi rút.

2. GIẢI TỎA GỐC: CHẶT ĐỨT 3 YẾU TỐ TRỰC TIẾP NHẤT ĐƯA ĐẾN HẬU QUẢ TRÊN

YẾU TỐ THỨ NHẤT: Để các nhóm thủ lợi (sinh phẩm, hóa chất, thuốc, thực phẩm chức năng…) can thiệp được vào lèo lái chính sách phòng chống dịch, mục tiêu thương mại lấn át khoa học dịch tễ học!

Thực ra, chỉ cần tuân thủ theo đúng khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Hoa kỳ (CDC)… là đã có khoa học dịch tễ học dẫn đường rồi!

Vấn đề là có áp dụng thực vào Việt nam hay không? Bởi khi đứng trước bài toán thực tế, sẽ phải đương đầu với “tư vấn” đến từ nhiều nhóm lợi ích khác nhau.

Trong việc “điều hòa” cân bằng được lợi ích các bên, “chốt” dựa vào đâu, sẽ quyết định có hay không dịch tễ học được đặt đúng vai trò của nó: Đầu tầu dẫn đường trong phòng chống dịch bệnh!

Xét tình huống thực tế thứ nhất: Tiêm vaccine.

Sẽ thấy, Bộ Y tế khi chưa có vaccine (tháng 2/2021), đưa ra danh sách ưu tiên 11 nhóm, người già, người có bệnh nền đứng hàng thứ 7 và 9! Chỉ báo: “Dich tễ học” và kinh nghiệm các nước tiền tiến dường như có bị “xem nhẹ”, nhưng còn “chưa đến nỗi nào”! (Tài liệu tham khảo 1)!

Còn trong quyết định triển khai của Hà Nội (Quyết định số 117/KH-UBND ngày 17/5/2021) khi vaccine đã về, cả người già, người có bệnh nền đều không còn trong danh sách ưu tiên tiêm nữa! Chỉ báo: “Khoa học dịch tễ học” đã bị ra rìa! (TLTK2). Quả là “được đằng chân, lân đằng đầu”!

Xét thêm vấn đề xét nghiệm và phun hóa chất diệt khuẩn ngoài trời!

Tình trạng xét nghiệm nhanh tìm F0 được đẩy tới mức cao nhất có thể, bằng quyết định “xét nghiệm rộng rãi quyết bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng” với hàng nhiều triệu test cho Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, các tỉnh thành phố khác! (Bất chấp sự ùn ứ tập trung nhiều giờ với con số lên hàng trăm người vai chen vai tại các điểm xét nghiệm, thấy rõ từ những nơi đã từng tổ chức)!

Thậm chí cả khi đã thực hiện phong tỏa, xét nghiệm còn được gắn thành “điều kiện bắt buộc” cho đi lại của cá nhân (giấy chứng nhận kết quả âm tính cứ 3 ngày lại trình kết quả xét nghiệm mới) cũng như toàn cộng đồng (phân loại vùng xanh, vùng đỏ trong thực hiện phong tỏa, xét theo kết quả xét nghiệm tìm F0)!

Giải thích thế nào khi các nguyên tắc giãn cách chống dịch lây lan bị vi phạm nghiêm trọng, mà các địa phương vẫn cứ duy trì được nhiều ngày?

Trong khi, cái cần nhất lúc này là nghiên cứu đánh giá mức miễn dịch cộng đồng đạt được bằng xét nghiệm kháng thể, làm cơ sở tiên liệu vấn đề phong tỏa và kế hoạch triển khai tiêm vắc xin, thì lại không thấy triển khai! Chỉ dấu: “Khoa học dịch tễ học” đã chuyển sang trạng thái “chết lâm sàng”!

Còn phun hóa chất diệt khuẩn ngoài trời, GSTS Nguyễn Huy Nga, nguyên cục trưởng cục y tế Dự phòng Bộ Y tế, đã kiến nghị dừng từ hơn năm nay, khuyến cáo của WHO rõ ràng tới từng chi tiết trên trang web phổ thông, mà phải tới mãi gần đây Bộ Y tế mới cho dừng!

Chỉ báo: Lợi ích thương mại dẫn đường thay thế dịch tễ học là quá rõ ràng!

Biện pháp phòng chống ở đây, đơn giản chỉ là “minh bạch và giải trình trách nhiệm cụ thể” của các thành viên tham gia “tư vấn” và “làm chính sách” phòng chống dịch, đi đôi với “thực hiện phản biện khoa học độc lập” trước khi đưa chính sách vào thực tế!

YẾU TỐ THỨ HAI: CHẤT LƯỢNG NHÂN SỰ TƯ VẤN CHIẾN LƯỢC

Không đạt tầm kiến thức cơ bản khoa học dịch tễ học phải có khi bàn về chính sách phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Minh chứng bằng danh sách 8 chuyên gia của tổ “tư vấn về chiến lược phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế” cho Tp. Hồ Chí Minh ký ngày 27/7 (TLTK 3). Cả tổ trưởng và tổ phó, chưa thực sự hiểu về “dịch tễ học” ở tầm phải có đối với một chuyên gia tham gia tư vấn chiến lược phòng chống dịch! Bởi nếu họ hiểu, họ sẽ biết sợ với trách nhiệm đặt lên vai, để đưa ra yêu cầu, đòi hỏi cần đội ngũ chuyên gia dịch tễ học thực thụ trợ giúp!

Hậu quả, sau hai tuần làm việc, báo cáo đưa ra, phạm phải sai lầm “mất cơ bản của khoa học phòng chống dịch”: Dự báo tình hình dịch bệnh và dỡ bỏ phong tỏa nhưng lại không có trong tay bằng chứng khoa học khách quan đánh giá được thực trạng mức độ miễn dịch cộng đồng gần xa đến đâu với ngưỡng “bỏ phong tỏa”!

Biện pháp đối phó không để tình trạng này tái diễn, đơn giản chỉ là, người lãnh đạo phải tâm niệm dùng chuyên gia “đúng người, đúng việc”, chớ đề cái “học hàm, học vị” lòe mình.

Mà muốn nhận biết người làm khoa học thực để giao đúng việc, thì bản thân cần chuyển đổi theo “lấy khoa học dẫn đường cho hành động” để tìm người giúp việc “có tư duy khoa học khách quan“ trong giải quyết công việc chỉ đạo hệ thống hàng ngày. Trợ lý lãnh đạo càng phải tâm niệm “khoa học dẫn đường”, hơn cả lãnh đạo thì càng tốt!

YẾU TỐ THỨ BA: THỰC HIỆN PHẢN BIỆN KHOA HỌC ĐỘC LẬP VÌ DÂN

Lãnh đạo và trợ lý tâm niệm khoa học dẫn đường cho phòng chống dịch bệnh, tìm “đúng người, giao đúng việc” giải quyết thách thức trước mắt! Thế vẫn mới chỉ là điều kiện cần!

Bởi nếu không cho thực thi “phản biện khoa học độc lập vì dân”, thì khó tránh khỏi sai sót đáng tiếc, khiến chính sách cứ “thò ra, thụt vào”.

Lưu ý nữa: Có cho phản biện, có chọn chuyên gia độc lập (tức giao bộ phận ngoài hệ thống nhà nước phản biện), thế vẫn chưa đủ! Bởi nếu không phải chuyên gia có tâm VÌ DÂN, thì sẽ rất dễ rơi vào “phản biện độc lập bởi nhóm thủ lợi”! Rốt cục, chính sách lại nghiêng phục vụ lợi ích của nhóm thủ lợi.

PHẢN BIỆN ĐỘC LẬP VÌ DÂN? Tức phản biện khoa học, đặt lợi ích cộng đồng lên trên! Trong nền kinh tế thị trường “khoa học phục vụ nhóm thủ lợi” rất phát triển, không chỉ trong nước, mà cả quốc tế. Mãi vẫn không cấm được thuốc lá, amiang, hóa chất diệt cỏ… là vì thế!

Tóm lại, điều chỉnh chính sách Chống dịch COVID-19 lúc này, là quay lại gốc lấy khoa học dịch tễ học dẫn đường!

Muốn có gốc ấy, thực hiện ba điều: (1) minh bạch giải trình trách nhiệm của những người tham gia tiến trình ra chính sách công (kể cả tư vấn) để đảm bảo không bị “nghiêng” phục vụ lợi ích nhóm thủ lợi nào; (2) Thúc đẩy hoạt động tư vấn phản biện độc lập vì Dân, và (3) thiết lập lại nhóm tư vấn chiến lược cho lãnh đạo thực sự “đúng người, đúng chuyên môn”!

Ba biện pháp ấy, kể ra đâu quá khó, khi đã quán triệt được toàn Đảng, toàn dân “chống dịch như chống giặc”?

_____

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo Quyết định 1210/2021 do thứ trưởng Bộ Y Tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành ngày 9/2/2021: https://vnvc.vn/doi-tuong-nao-duoc-uu-tien-tiem-vac-xin-covid-19/http://hanoicdc.gov.vn/1708n/ha-noi-trien-khai-ke-hoach-tiem-vac-xin-phong-covid19-cho-nguoi-dan-giai-doan-2021–2022.html

2. Quyết định số 118/KH-UBND ngày 07/5/2021 về “kế hoạch triển khai tiêm vacxin phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn thành phố Hà nội giai đoạn 2021-2022. https://covidlawlab.org

3. Về tổ tư vấn chiến lược: https://tuoitre.vn/lap-to-tu-van-phong-chong-dich-covid-19-va-phuc-hoi-kinh-te-tp-hcm-20210727152108943.htm

***

Thích Thanh Thắng: LIỆT KÊ SỰ BẤT CẬP TRONG RA CHÍNH SÁCH CHỐNG DỊCH COVID-19 Ở TP HỒ CHÍ MINH

– Đùng một cái tăng giãn cách lên 30 ngày liền, rồi đùng một cái thông tin triển khai quân đội công an phân phối thực phẩm. Thế là đùng một cái dân tháo chạy về quê, rồi đùng một cái dân chen nhau đi siêu thị vét sạch thực phẩm. Song đùng một cái quân đội lại không đi phát lương thực và TP.HCM cũng không thực hiện biện pháp khẩn cấp trong 2 tuần.

– Đùng một cái bảo thêm 1.000 điểm bán hàng lưu động (từ tháng 7) rồi lặn mất tăm luôn. Rồi đùng một cái không rõ các điểm bán thực phầm sẽ ra sao khi triển khai xe quân đội vận chuyển rau củ từ Đà Lạt về và đương nhiên họ sẽ phân phối cho dân hoặc mua giúp dân, đi chợ thay dân. (Chờ xem thực hiện thế nào).

– Đùng một cái “ai ở đâu ở yên đấy”, cứ như thiết quân luật, song đùng một cái người dân vùng xanh được đi chợ 1 lần/1tuần. Nói chung vẫn có ra đường theo khung giờ, đối tượng…

– Đùng một cái “di biến động dân cư”, kiểm soát, khai báo di chuyển, song đùng một cái ngưng, song lại đùng một cái quản lý hoạt động của đội ngũ người giao hàng (shipper) trong việc tổ chức phân phối hàng hóa đến các hộ dân. Song lại đùng một cái ngưng không cho shipper giao hàng ở thành phố Thủ Đức và Quận 7.

– Đùng một cái gom dân đi test nhanh rồi cấp tập tiêm chủng trong khi dịch ngấm sâu trong cộng đồng, dẫn đến trở thành nguồn lây lan dịch bệnh, do vệ sinh an toàn dịch tễ kém và thiếu chuyên môn.

– Đùng một cái duy ý chí “tách F0 ra khỏi cộng đồng” trong khi ngay từ lúc dịch mới phát sinh ở hội thánh truyền giáo và trong hơn 1 tháng áp dụng chỉ thị 16 cũng không làm được. Mà tách F0 ra khỏi cộng đồng bằng gom người test nhanh thì đúng là đỉnh cao chống dịch.

– Đùng một cái gom hết F0, F1 đi cách ly, rồi đùng một cái cho cách ly tại nhà, nhưng chăng giây kín, khi cần cấp cứu gọi cũng khó thấu.

– Đùng một cái ông chủ tịch thành phố bị điều ra Trung Ương nhưng không biết có đùng một cái giải tán mấy tay trong “tổ tư vấn” chống dịch cho ông chủ tịch hay không?

– P/s: Nói chung cứ đùng một cái tạo ra các hoảng loạn không cần thiết. Dân vừa gồng gánh dịch lại thêm những ngày khổ vì hoang mang…

Trần Tuấn

VẤN ĐỀ XÉT NGHIỆM ĐẠI TRÀ

NGUYỄN VĂN TUẤN/ BVN 22-8-2021

Đối với nhiều người ngoài ngành y, câu chuyện rất đơn giản: xét nghiệm toàn bộ dân số, phát hiện người bị nhiễm, điều trị và giảm tải hệ thống y tế. Nhưng câu chuyện đằng sau của xét nghiệm đại trà không hề đơn giản như vậy, mà có thể gây ra lãng phí lớn cho dân chúng. Cần phải suy nghĩ một chiến lược khác.

Vấn đề của xét nghiệm đại trà có thể tóm tắt như sau: (1) dương tính giả và âm tính giả; (2) chi phí khá lớn để phát hiện 1 ca; và (3) hệ quả sau xét nghiệm. Chúng ta sẽ bàn qua từng vấn đề dưới đây để thấy 'bức tranh' chung về xét nghiệm.

1. Dương tính giả và âm tính giả

Cho đến nay thì chắc đa số chúng ta đều biết rằng không có xét nghiệm nào là hoàn hảo cả, hiểu theo nghĩa chính xác 100%. Xét nghiệm PCR được xem là 'chuẩn vàng', nhưng vẫn có sai sót. Có hai sai sót chánh (xem bảng số liệu tóm tắt):

• Người thật sự không bị nhiễm, nhưng xét nghiệm cho ra kết quả dương tính. Đây là trường hợp 'dương tính giả'. Các xét nghiệm PCR thuờng có tỉ lệ dương tính giả khoảng 5% (trung bình), nhưng xét nghiệm nhanh [dựa vào kháng nguyên] thì dương tính giả chỉ chừng 1%.

• Người thật sự bị nhiễm, nhưng xét nghiệm cho ra kết quả âm tính. Đây là trường hợp 'âm tính giả'. Các xét nghiệm PCR thuờng có tỉ lệ âm tính giả khoảng 13% (trung bình), còn xét nghiệm nhanh thì rất cao, có thể lên đến 50%.

Điều này dẫn đến khó khăn cho một cá nhân là nếu họ nhận được kết quả dương tính thì chưa chắc họ bị nhiễm, vì có thể chỉ là dương tính giả. Có nhiều lí do tại sao dương tính giả, kể cả lí do con virus đã 'chết' nhưng vì PCR rất nhạy nên vẫn phát hiện nó!

2. Bao nhiêu người bị nhiễm?

Có cách nào định lượng sai sót dương tính giả và âm tính giả trong cộng đồng không? Câu trả lời là có, nhưng với một giả định. Giả định về số ca nhiễm thật sự trong cộng đồng. Cho đến nay, không ai biết được bao nhiêu người trong cộng đồng bị nhiễm, nhưng chắc chắn con số đó cao hơn con số chúng ta phát hiện.

OK, vậy ước tính có bao nhiêu người bị nhiễm trong cộng đồng? Theo một phân tích mà tôi 'favorite' (vì họ dùng phương pháp tốt), thì số người bị nhiễm trong cộng đồng Âu châu dao động từ 2.6% đến 16.1%, và tính trung bình là 6.2% (làm chẵn 6%) [1]. Rất cao.

Giản đồ dưới đây minh hoạ cho một chương trình xét nghiệm trên 10 triệu người. Với dân số 10 triệu người, chúng ta kì vọng sẽ có 600,000 người bị nhiễm (với giả định tỉ lệ nhiễm là 6% như y văn). Phương pháp PCR có độ nhạy 87% sẽ giúp chúng ta phát hiện 522,000 người dương tính, tức là chúng ta bỏ sót 78,000 người (âm tính giả). Với độ đặc hiệu 95%, PCR sẽ cho ra 5% dương tính giả, tương đương với 470,000 người.

Như vậy, PCR sẽ cho ra 522,000 + 470,000 = 992,000 người có kết quả dương tính. Nhưng trong số này chỉ có 522,000 là đúng (bị nhiễm). Nói cách khác, cứ 100 người có kết quả dương tính, thì chỉ có 53 người là thật sự bị nhiễm, còn lại 47 người là kết quả sai.

3. Chi phí cho cộng đồng

Những tính toán đơn giản trên dẫn đến câu hỏi: cộng đồng sẽ tốn bao nhiêu tiền để phát hiện 1 ca nhiễm?

Theo báo chí thì chi phí xét nghiệm PCR là khoảng 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm [2]. Nhưng nếu làm số nhiều thì chi phí chắc thấp hơn. Chúng ta thử tính dựa vào chi phí 500,000 đồng / mẫu hay 25 USD.

Bởi vì xét nghiệm đại trà phải làm trên 10 triệu người (quần thể giả định), nên tổng chi phí là 10 triệu x 25 = 250 triệu USD.

Với 25 triệu USD, chúng ta phát hiện 522,000 ca dương tính thật. Như vậy chi phí để phát hiện 1 ca là 479 USD, hay 9.58 triệu đồng. Tức là, người dân phải chi ra gần 10 triệu đồng chỉ để phát hiện 1 ca dương tính thật!

4. Sau xét nghiệm

Nhưng dĩ nhiên câu chuyện không dừng ở đó. Sau xét nghiệm dương tính lại có thể phải xét nghiệm tiếp để chắc ăn, bởi vì xét nghiệm đầu có thể chưa chính xác. Có người phải làm xét nghiệm cả 3 lần để xác định. Do đó, chi phí cộng đồng lớn hơn nhiều so với con 250 triệu USD.

Cái giả định đằng sau là những người dương tính và xác định bị nhiễm cần được điều trị. Chương trình phát hiện 522,000 ca nhiễm, vậy câu hỏi đặt ra là hệ thống y tế có thể kham nổi con số này?

Tuy nhiên, tỉ lệ ca nặng cần nhập viện có lẽ là 20%. Hai chục phần trăm của 522,000 ca là 104,400 ca cần nhập viện. Vẫn là một con số khá lớn cho hệ thống y tế.

5. Một chiến lược khác

Những tính toán trên cho thấy xét nghiệm đại trà rất tốn kém và không phải là một 'good idea'. Cần phải suy nghĩ một chiến lược khác, và tôi gọi là chiến lược 'focused testing'. Theo cách làm này, chỉ nên xét nghiệm những người mà kết quả sẽ chính xác hơn và cái 'diagnostic yield' cao hơn. Cần nói thêm rằng các phương pháp xét nghiệm, ngay cả xét nghiệm kháng nguyên, có độ chính xác cao ở những người có triệu chứng (nhưng ở người không có triệu chứng thì độ chính xác kém). Do đó, tôi nghĩ chỉ xét nghiệm những ai:

• có triệu chứng -- bất kể người đó đã tiêm hay chưa tiêm vaccine. "Triệu chứng" ở đây là bao gồm ho, khó thở, mệt mỏi, đau cơ, nhức đầu, mất vị giác, đau cổ họng, ỏi mửa, tiêu chảy, v.v.

• có tiếp xúc với người bị nhiễm: đây là những người có nguy cơ cao, nên xét nghiệm những người này có hiệu quả hơn;

Chúng ta có thể giả định rằng số người đáp ứng hai tiêu chuẩn trên chiếm khoảng 10% dân số giả định, tức khoảng 1 triệu người. Do đó, tập trung vào các nhóm này sẽ giúp giảm gánh nặng về chi phí cho cộng đồng mà còn giúp gia tăng hiệu quả của tầm soát.

Thật ra, những bàn luận trên đây trở thành vô nghĩa khi biến thể Delta hiện diện. Biến thể Delta có hệ số lây lan lên đến 6-7, thì từ ý tưởng miễn dịch cộng đồng đến xét nghiệm đều vô nghĩa. Nói như Giáo sư Andrew Pollard (người sáng chế vaccine AstraZeneca) thì xét nghiệm đại trà đối với biến thể Delta là vô nghĩa [3] và không có cách gì để ngăn chận con virus này trong cộng đồng. Chúng ta phải chấp nhận và điều chỉnh để sống chung với nó thôi.

N.V.T.

Nguồn: FB Nguyen Tuan

[1] https://royalsocietypublishing.org/doi/10.1098/rsos.200909

[2] https://tuoitre.vn/gia-mot-lan-xet-nghiem-covid-19-theo...

[3] https://www.telegraph.co.uk/.../delta-variant-has-wrecked...

KHÔNG CÓ DÂN CỨU NHAU THÌ SẼ RA SAO ?

MẠC VĂN TRANG/ TD 22-8-2021


Tìm hiểu về câu lạc bộ “TÂM VUI”, do cô Đặng Thị Thu Huyền làm chủ nhiệm mới càng thấy người dân thương nhau, giúp nhau trong đại dịch quan trọng biết chừng nào.

1. Chủ nhà trọ nuôi người trọ

Cô Huyền có 28 cái nhà trọ cho hơn 80 công nhân trọ, trong đó có 20 công nhân vẫn còn việc làm, còn hơn sáu mươi công nhân mất việc đã 2 tháng. 20 công nhân có việc làm thì “3 tại chỗ” ở xí nghiệp, còn hơn 60 công nhân “ở yên trong nhà là yêu nước”! Hơn 60 công nhân này từ ngày mất việc nằm nhà, mỗi người được hỗ trợ 10 kg gạo, mấy gói mì, mấy quả dứa.

Khu nhà trọ của cô Huyền có một cô quản lý, cô này cứ báo cáo với “sếp Huyền” về tình trạng thiếu đói của các công nhân ở trọ và cô Huyền với cái tâm của nhà thiện nguyện, cứ xuất tiền ra mua gạo, rau quả cung cấp đủ nuôi những người này.

Lúc đầu tưởng cứu giúp một hai tuần rồi chính quyền sẽ hỗ trợ qua 1 tháng “giãn cách”, không ngờ kêu lên Phường thì Phường bảo lý do này nọ, đổ tại chỗ nọ, chỗ kia… Sau đó thì không nghe điện thoại, né không gặp nữa…

Khi nghe lệnh “giãn cách” tiếp từ 15/8 đến 15/9 thì các công nhân này mới hoảng lên, làm đơn ký tên gửi lên Phường xin trợ cấp… Nhưng cho đến nay thì vẫn chủ nhà phải cung cấp lương thực, thực phẩm nuôi hơn 60 người trọ!

2. Cung cấp bữa ăn theo yêu cầu của bác sĩ

Nhóm “Tâm Vui” gồm gần một chục chị em, đều là các Phật tử, với tâm nguyện “cứu giúp được người là VUI; “đối với người bi quan, khi gặp khó thường nản, nhưng nhóm Tâm Vui chúng em thì vượt qua khó khăn lại càng vui“… Cô Huyền nói.

Bếp của nhóm “Tâm Vui” ở số 117 Hoàng Hà, Phường 2, quận Tân Bình lúc đầu dự định phục vụ các nhà sư và Phật tử ăn chay bị F0 tập trung điều trị ở bệnh viện. Nhưng sau đó việc này được giao cho bếp của chùa Vĩnh Nghiêm.

Bếp “Tâm Vui” chuyển sang nấu các bữa ăn bổ sung theo yêu cầu của các bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện dã chiến số 10, TP Thủ Đức. Các bác sĩ, nhân viên y tế được cung cấp các bữa ăn của bệnh viện, nhưng do các bữa ăn đơn điệu và các bác sĩ, nhân viên y tế làm việc quá mệt mỏi, nên họ lại mong muốn có những bữa ăn thực dưỡng, mới lạ nhẹ nhàng, dễ ăn, ngon miệng…

Hàng ngày người quản lý của bệnh viện đặt hàng cho bếp “Tâm Vui”, khi thì cung cấp 200 suất cháo dinh dưỡng cho bữa sáng; khi thì thì 150 suất cho bữa ăn trưa; khi thì 170 suất chè sen cho ăn chiều; khi thì 150 suất súp nấm cho ăn tối…

Mỗi ngày bếp cung cấp một bữa chính hoặc phụ, gồm nấu ăn, đóng gói, đưa đến nơi. Nhiều bác sĩ, nhân viên y tế cho biết, họ mệt quá, cơm không ăn nổi, được bát cháo dinh dưỡng, cốc chè sen, bát súp nấm … ăn nhẹ nhàng mà tỉnh người… Còn dịch, còn các bác sĩ, nhân viên y tế làm việc thì Bếp còn phục vụ; hết dịch rồi thì Bếp lại quay về phục vụ các bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Ung bứu.

3. Bốn chùa làm đầu mối cứu trợ

Cô Huyền cho biết CLB “Tâm Vui” từ hơn một tháng “giãn cách xã hội”, đã mua 4 tấn gạo và mỗi tuần nhập 2 tấn rau củ của một HTX rau sạch (GAP) từ Đà Lạt về để cung cấp cho bốn điểm làm từ thiện ở 4 chùa trong thành phố. Hàng về thì CLB lại cho xe chở hàng đến 4 địa điểm đầu mối để phân phát. Bốn chùa này vừa là bốn bếp nấu ăn, cung cấp bữa ăn “0 đồng” cho những người cơ nhỡ, vừa cung cấp rau, gạo cho người nghèo. Các điểm này hàng tuần lại báo nhu cầu lên cho “Sếp” Huyền. “Sếp” tưởng “giãn cách” ít ngày, cứu trợ ít ngày, ai ngờ cứ “giãn cách” tiếp mãi!

Vì thế hôm qua CLB “Tâm Vui” nhận được 30 triệu đồng hỗ trợ từ Quỹ “chống covid -19” của CLB Lê Hiếu Đằng thì “sếp” Huyền vui mừng cảm ơn những tấm lòng hảo tâm đã chung tay góp với Bếp “Tâm Vui”…

4. Mặt trái của “Khó trăm lần dân liệu cũng xong”

– Về phía người dân: Có lẽ dân ta nặng về duy tình lại quen truyền thống “tình làng nghĩa xóm”, “một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”, “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” … nên thấy người hoạn nạn thì xúm vào cứu giúp vô tư, người khác thấy vậy cũng chung tay góp sức, nên tình thương lan tỏa, hình thành nên tâm lý cộng đồng. Nhờ đó dân ta đã cưu mang nhau sống qua biết bao nhiêu khổ nạn của thiên tai, nhân họa đời này qua đời khác.

Nay trước đại dịch covid-19 cũng vậy, có biết bao nhiêu người, bao nhiêu nhóm thiện nguyện đã có những hành động cứu trợ rất kịp thời, thiết thực ở khắp các cộng đồng dân cư, nhất là những xóm nghèo, những khu “ổ chuột”, những bệnh viện đông bệnh nhân nghèo, những nơi tá túc của những người vô gia cư… UBND TP HCM nêu ra có đến 4,7 triệu người thiếu đói cần cứu trợ chứ có ít đâu.

Cô Huyền cũng cho biết, nhóm “Tâm Vui” của chúng em “cũng chưa là gì”! Nhiều nhóm lắm, hàng triệu người dân đói ăn, không có cứu trợ hàng ngày thì dân nghèo sống làm sao!

Có bao nhiêu bếp ăn “0 đồng”, bao nhiêu người giúp tiền dọc đường cho dân về quê; bao nhiêu nhóm cứu chữa bệnh miễn phí; rồi cấp cứu đến “mai táng không đồng” mà riêng ông Đoàn Ngọc Hải đã hiến tặng nhóm này gần 100 quan tài … Người dân giúp nhau bằng “tiền tươi, thóc thật”, “ngay và luôn”, chứ không mấy hy vọng chờ đợi sự hứa hẹn, xem xét, phê duyệt của chính quyền.

– Về phía chính quyền: Từ thời phong kiến, thực dân đến nay Việt Nam chưa bao giờ có được một chính quyền lo an sinh xã hội tốt cho dân. Người dân vẫn tự cứu mình, cứu nhau là chính.

Dịch bùng phát từ tháng 6, mà ngày 17/8 “Chính quyền TP HCM mới kiến nghị Chính phủ hỗ trợ gần 28.000 tỷ đồng và 142.200 tấn gạo giúp hơn 4,7 triệu người khó khăn do ảnh hưởng Covid-19”. Dềnh dàng như vậy thì biết bao nhiêu người chết đói, nếu không có dân cứu giúp nhau.

Ỷ vào sức dân nên chính quyền càng quan liêu, không quan tâm xây dựng một hệ thống an sinh xã hội tân tiến mà chỉ nghĩ mẹo moi sức dân!

Đại dịch xảy ra, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, người lao động mất việc, bao nhiêu gia đình khốn đốn… Các nước trên thế giới đều chi ngân sách ra hỗ trợ các doanh nghiệp, trợ cấp cho dân, mua vaccine về tiêm miễn phí cho dân, thì ngược lại Chính phủ Việt Nam với thói quen tư duy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, lại phát động các doanh nghiệp và người dân thi đua góp tiền vào “Quỹ vaccine quốc gia”, thu được chừng 10 ngàn tỷ đồng. Số tiền không phải là nhiều, nhưng có điều nó đi ngược với tư duy, cách làm của thế giới.

Cũng theo thói quen đó, lãnh đạo TP HCM cứ phát động, tuyên dương, tuyên truyền “LẤY SỨC DÂN LO CHO DÂN” còn bản thân chính quyền, nhất là ở cơ sở thì quan liêu, hời hợt, có nhiều hành vi ứng xử mất lòng dân.

Qua đại dịch lần này, người dân đã thấy rõ, các lãnh đạo “tứ trụ” luôn tuyên bố những điều hay, đẹp nhất thế giới: “Không để người dân nào tụt lại phía sau”, “Không để người dân nào đói ăn, thiếu mặc”… nhưng chính quyền cơ sở thì lại hành xử như không nghe thấy gì! …

TÓM LẠI, người dân chỉ biết cứu giúp nhau là rất tốt, nhưng chưa đủ. Dân phải biết đòi hỏi chính quyền có trách nhiệm chính trong cứu nạn, đảm bảo an sinh xã hội.

Chính quyền phải thay đổi tư duy, nhận rõ trách nhiệm, xây dựng bộ máy, sàng lọc con người để hệ thống an sinh xã hội vận hành thông suốt từ trên xuống dưới, rộng khắp, đáp ứng mong đợi thiết thực của người dân, chứ không thể để lặp lại mãi tình trạng như hiện tại ở TP HCM.

TRẬN ĐÁNH LỚN CỦA THỦ TƯỚNG THEO LÝ LUẬN MÁC-LÊ NIN

LÊ QUANG/ TD 23-8-2021

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chính thức áp dụng biện pháp phong tỏa mạnh tay hơn với TP. HCM, trong đó, cho công an, quân đội vào cuộc quyết liệt. Chính phủ xem đây là trận đánh quyết định, là trận đánh lớn, nói theo cách của họ là “chống dịch như chống giặc”, với mục tiêu là bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và đưa cuộc sống trở lại bình thường sau mốc thời gian 15/9/2021.

Là một trí thức yêu nước, thượng tôn luật pháp, tôi hiểu quyết tâm chống dịch của Chính phủ là rất lớn, nó thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ, nhưng tôi cũng nhận thấy Thủ tướng và Chính phủ của ông đã phạm 4 điều kỵ trong phép dụng binh (ở đây là quản trị quốc gia trong tình trạng khẩn cấp):

1. Thiên thời: thời điểm hiện tại, dịch bệnh đã lây nhiễm trên quy mô rất rộng, ngấm rất sâu vào cộng đồng rồi, nên việc bóc tách F0 ra gần như là bất khả thi. Mỹ, châu Âu và nhiều nước phát triển đã xác định là họ không làm được. Như vậy là thời cơ đã không còn.

Bây giờ chỉ nên tập trung chăm sóc y tế cho người bênh nặng để giảm số tử vong đi và đẩy nhanh tốc độ phủ vắc xin hơn nữa. Cho các địa phương được quyền tự chủ trong việc mua và triển khai tiêm. Bên cạnh đó khẩn cấp vỗ về dân chúng tăng cường sức khỏe cộng đồng, thay vì dùng kẽm gai và chốt chặn như hiện tại. Thực tế cho thấy, kẽm gai và chốt chặn không ngăn được virus. Tại sao vẫn tiếp tục?

Về việc trợ cấp thì vẫn cái kiểu xét đối tượng để được nhận hỗ trợ, chỉ tạo điều kiện cho chính quyền cơ sở họ hành dân thôi. Công bằng là theo đầu người trợ cấp trên diện rộng, không xét đối tượng nữa. Những gia đình có điều kiện, họ không nhận thì tặng lại cho người khác.

2. Địa lợi: TP HCM vốn là đô thị nhạy cảm, bản tính người Sài Gòn đơn sơ, nghĩa tình, hiện nay truyền thông có dấu hiệu khủng hoảng, quá nhiều chỉ thị, nghị quyết, văn bản hỏa tốc từ Trung ương đến địa phương, văn bản này chồng nên văn bản kia, sáng phát hành, chiều thu hồi, sáng mai lại điều chỉnh. Như mạng nhện bủa vây và gây nhiễu loạn thông tin. Dân vướng trong mạng nhện đó và họ không biết tin vào cái gì nữa. Như vậy là không đạt địa lợi.

Quyết sách tầm quốc gia, ảnh hưởng đến sinh mạng của hàng chục triệu con người phải mang tính chiến lược, ổn định và hợp lòng dân.

3. Nhân hòa: lòng dân bất an, suốt thời gian qua rên xiết trong phong tỏa, họ sống trong sợ hãi. Niềm tin vào chính quyền đã xuống thấp, ở mức báo động. mọi chính sách nếu không gần dân, được dân đồng thuận, sẽ rất khó thực hiện. Biểu hiện trong những ngày qua là bao dòng người ùn ùn đi tích trữ lương thực, thực phẩm. Giá cả tăng vọt, nhiều người nói với tôi rằng, nghe nói quân đội vào thành mua lương thực cho dân, dân sợ hết hồn! Như vậy là chưa đạt “nhân hòa”.

Quyết sách chống dịch cần đội ngũ chuyên gia về dịch tễ, Y tế dự phòng và quan hệ cộng đồng. Lực lượng vũ trang hoàn toàn không có khả năng thực thi được công việc đó. Việc tăng cường lực lượng này, hiện tại chỉ tạo tập trung đông người, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh và ảnh hưởng đến cuộc sống dân lành. Từ thượng cổ, chỉ có dân nuôi quân, dân lo lương thực cho quân, chứ làm gì có chuyện ngược lại. Truyền thông nói, Quân đội vào thành lo mua lương thực cho dân, thật là chuyện trớ trêu và bất khả thi.

4. Thay đổi lãnh đạo cấp cao đột ngột khác gì chưa ra quân đã trảm tướng? Đây là một điều tối kỵ lúc này. Ở đây tối muốn nói đến việc điều chuyển ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UNBD TP, đang là người hiểu địa bàn, hiểu cơ cấu và lãnh đạo đội ngũ chống dịch của toàn Thành phố. Đùng một cái, thay đổi, người dân ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Thật là:

“Thăng đi thành phố ngỡ ngàng.

Phong đi để lại muôn ngàn Cô vi”

Tôi cũng như bao người dân khác ở SG, hiện tại sống trong hoang mang cao độ, chúng tôi thật sự muốn cảnh báo chính quyền, mong muốn những nhà hoạch định chính sách hãy gần dân, lắng nghe lòng dân và thật bình tĩnh, cầu thị để sớm chèo lái con tàu Việt Nam thoát khỏi cơn đại hồng thủy mang tên COVID-19 này.

Nếu không sớm nhận ra sai lầm và điều chỉnh kịp thời, thì hậu quả sẽ khôn lường, nói theo Lê Nin là: “Lòng nhiệt tình, cộng với sự ngu dốt, bằng sự phá hoại”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét