Thứ Năm, 5 tháng 8, 2021

20210806. QUANH CHUYỆN CHỌN VẮC-XIN NGỪA COVID-19

 ĐIỂM BÁO MẠNG

CHỦNG NGỪA COVID-19 VÀ VIỆC CHỌN VẮC-XIN

VŨ MINH PHÚC/ TVN 4-8-2021

Điều quan trọng nhất của chủng ngừa là giúp giảm số bệnh nhân nặng, giảm tỉ lệ tử vong và gánh nặng cho hệ thống y tế. Vì vậy, chủng ngừa vắc xin gì đạt chuẩn quốc tế của WHO đều đạt được mục đích này.

Có 4 vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Chọn lựa thuốc chủng ngừa

Hiện nay dư luận người dân hoang mang về chọn thuốc này, thuốc nọ, cụ thể là Sinopharm của Trung Quốc, và việc lo sợ bị bắt ép phải chích thứ mà họ không thích, bị quy vào tội cố tình lây lan bệnh truyền nhiễm do không chịu chích ngừa loại thuốc họ không thích.

Nguyên nhân là người dân chưa hiểu rõ 3 việc sau: (1) Hiệu quả và mục đích của chủng ngừa, (2) Thế nào là một thuốc chủng ngừa đạt chuẩn an toàn và hiệu quả, (3) Luật dân sự về vi phạm luật pháp và luật về khám chữa bệnh. Nếu ngành y tế làm rõ điều này, dân sẽ không còn hoang mang và tự khắc sẽ không còn những tin đồn thất thiệt.

Người dân cần hiểu chủng ngừa không giúp họ không bệnh, nếu không tuân thủ 5K, tiếp xúc với người bệnh vẫn bị lây bệnh, và còn nguy hiểm hơn ở chỗ người chủng ngừa bị bệnh có thể không triệu chứng, và vô tình lây lan cho những người xung quanh. Vậy chủng ngừa không phải là lá chắn thép 100%.

Quan trọng nhất của chủng ngừa là giúp giảm số bệnh nhân nặng, giảm tỉ lệ tử vong và gánh nặng cho hệ thống y tế. Vậy nên chủng ngừa thuốc gì đạt chuẩn quốc tế của WHO đều đạt được mục đích này.

Chủng ngừa Covid-19 và việc chọn lựa vắc xin
Điểm tiêm lưu động cho hàng trăm công nhân ở công ty may Phong Phú, quận 9, TP Thủ Đức, TP.HCM sáng 4/8. Ảnh: Thanh Tùng

Vậy thuốc chủng ngừa nào đạt chuẩn? Nếu là dân y khoa, đọc các tài liệu (bằng tiếng Anh) sẽ hiểu rõ, dân thường thì không, thế nên sẽ hoang mang.

Thuốc đạt chuẩn phải qua đủ 3 giai đoạn thử nghiệm về (1) tính sinh miễn dịch (tạo kháng thể chống virus), (2) tính an toàn (tỉ lệ % các tác dụng phụ nguy hiểm, không nguy hiểm) , và (3) tính hiệu quả (cụ thể là tỉ lệ người đã chủng ngừa mà mắc bệnh, tử vong so với nhóm không chủng ngừa hoặc giả dược).

Các giai đoạn thử nghiệm phải được tiến hành tối thiểu trên một mẫu dân số qui định. Tất cả các thuốc được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt đều phải dựa trên những chỉ số này thông qua kiểm tra các số liệu thật trong hồ sơ nghiên cứu. Người dân có quyền được biết chúng. Chính phủ và ngành y tế nên công khai những số liệu này trên trang web của Bộ, Sở, Phòng Y tế, các phương tiện truyền thông mỗi ngày để dân biết. 

Vấn đề chính chọn lựa thuốc là tâm lý và niềm tin của con người dựa vào kinh nghiệm sống trong suốt chiều dài lịch sử (không chỉ người dân mà thậm chí cả lãnh đạo, người nhà của lãnh đạo) đều thích hay không thích một loại thuốc của một công ty hay quốc gia nào đó mà thôi.

Rất nhiều người hỏi tôi, tôi đều nói trung thực theo khoa học và không theo cảm tính, nhưng đối với dân, sẽ rất khó, nên chúng ta sẽ phải cân nhắc thật kỹ và xem xét. “Mục tiêu cuối cùng của chiến dịch chủng ngừa là gì, là toàn dân trong lứa tuổi yêu cầu phải được chủng ngừa để đạt miễn dịch cộng đồng”. 

Nếu những quyết định, chính sách làm ảnh hưởng đến tỉ lệ này là chúng ta sẽ thất bại, giống như Mỹ hiện nay, họ có thuốc tốt, làm đủ mọi cách phục vụ đến tận răng nhưng họ không thay đổi được niềm tin của người dân vào chủng ngừa thì vẫn thất bại.

Trong khi Việt Nam có một lợi thế rất lớn là dân tin tưởng vào chủng ngừa, chấp hành mọi chủ trương của Nhà nước, vậy phải biết tận dụng. Nếu niềm tin của dân vào một loại thuốc nào đó mà khiến cho họ đua nhau vui vẻ đi chủng ngừa, mà nó không ảnh hưởng gì đến chi phí - hiệu quả, lợi ích - nguy cơ, thậm chí sẵn sàng bỏ tiền đóng để chủng ngừa thì chúng ta nên thuận theo dân và phục vụ dân, để đạt được mục đích cuối cùng của Chính phủ. 

Rất nhiều bạn bè, người dân gọi điện thoại liên tục cho tôi mấy ngày nay, lo sợ rằng bị ép phải chích một loại thuốc họ không thích, bị phạt vì vi phạm luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Phải nói bằng tinh thần trách nhiệm của người bác sĩ, của người công dân, tôi đã giải thích đầy đủ rất rõ để bảo vệ uy tín của ngành y tế và của Chính phủ.

Luật khám chữa bệnh và an toàn người bệnh, luật về y đức viết rất rõ người dân (hay người bệnh) luôn có quyền được biết mình được điều trị, chích thuốc, uống thuốc gì, liều lượng hiệu quả ra sao; người dân (hay người bệnh) có quyền tự quyết, đồng thuận hay không đồng thuận với những điều trị hay can thiệp trên cơ thể mình, nên không có chuyện ngành y giấu giếm hay bắt ép bất kỳ ai.

Tôi cũng muốn làm rõ điều này giùm cho ngành y tế và Chính phủ để dân thông suốt, đồng thời muốn nhắc nhở nhân viên y tế khi đi chủng ngừa phải công khai thuốc cũng giống như làm trong bệnh viện điều trị.

Tốc độ tiêm chủng

Tốc độ tiêm chủng hiện nay một số nơi quá chậm dù huy động khá nhiều nguồn nhân lực y tế, tôi nghĩ do các nguyên nhân sau:

- Khâu khám sàng lọc chậm. Người khám sàng lọc theo tôi chỉ cần (1) đánh giá dấu hiệu sinh tồn ổn định (theo lứa tuổi). (2) Hỏi tiền sử dị ứng và sốc phản vệ (nhưng nhớ đây không phải là chống chỉ định, hiện chống chỉ định của nhà sản xuất là chỉ khi dị ứng và sốc phản vệ với chính thuốc chủng ngừa đó trong lần tiêm trước), tiền sử sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hoặc mắc bệnh suy giảm miễn dịch. Còn bệnh nền gì đi nữa mà dấu hiệu sinh tồn ổn là được. Vì cứ hơi tăng huyết áp hay nhịp tim tí là hoãn.

- Không quan tâm đến việc di chuyển của những người lớn tuổi, già yếu, người khuyết tật bắt họ vào bệnh viện, khiến giảm bớt số người đi tiêm.

- Không làm rõ cho người dân về loại thuốc tiêm, khiến họ hoang mang không đi.

Nếu giải quyết được những ách tắc này, tốc độ sẽ tăng đáng kể.

Chủng ngừa cho đối tượng đặc biệt

Đối tượng đặc biệt là những nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội: (1) Người có bệnh nền nặng;(2) Người khuyết tật; (3) Người già yếu > 65 tuổi; (4) Người nghèo không hộ khẩu, vô gia cư.

Rất mừng là ngành y tế và Chính phủ đã quan tâm đến tất cả các đối tượng này trong chủng ngừa Covid-19, như dành thuốc tốt cho họ, không phân biệt có hay không có hộ khẩu, tạm trú hay thường trú. Tuy nhiên, như tôi đã nói, mục tiêu cuối cùng của chiến dịch là tất cả phải được chủng ngừa. Vậy trong khi thực hiện chính sách, cơ sở y tế địa phương phải quan tâm tới những đối tượng này như sau:

- Sự di chuyển của người lớn tuổi, người khuyết tật  đến các chỗ tiêm chủng, nhất là trong mùa dịch với Chỉ thị 16.

- Thời gian chờ đợi của người bệnh nền, người lớn tuổi.

- Sự lây nhiễm chéo khi chủng ngừa khi đưa họ đến bệnh viện hay chỗ đông người. 

Theo tôi, tại TP.HCM, TP Thủ Đức hiện làm khá tốt nhưng các nơi còn chưa triển khai. Nên tổ chức xe lưu động đến tận khu xóm gần nhà cư trú của các đối tượng này, có xe cấp cứu trang bị thuốc cấp cứu thông thường, thuốc dụng cụ chống sốc, bác sĩ sẵn sàng để phục vụ. 

Sẽ có ý kiến phản biện sợ sự cố xảy ra cho những đối tượng này, xử lý không kịp, nhưng nên nhớ sốc phản vệ tần suất rất rất thấp, người già hay trẻ nguy cơ như nhau, quan trọng là trình độ cấp cứu của bác sĩ. Ở các nước, bác sĩ còn hướng dẫn cho cả người dân tự cấp cứu sốc phản vệ được, vậy tại sao nhân viên y tế lại sợ không làm được.

Lớn tuổi thì ai chẳng có tăng huyết áp, mệt, suy nhược, lo lắng khi đi chủng ngừa, chứ người 80 tuổi huyết áp 160/90 mmHg bị cho về không chủng ngừa thì thật là oan. Vậy những ai sức khoẻ ổn định, gia đình đồng ý, cam kết thì nên phục vụ chủng ngừa tận nơi. Có thế dân sẽ an tâm và chủng ngừa đầy đủ.

Quản lý chủng ngừa

Đây là một vấn đề tôi quan tâm, vì tôi thấy người chủng xong mũi 1 thì không có tờ giấy gì chứng tỏ họ đã chích cả. Lỡ chẳng may họ quên ngày chích thì làm sao biết mà đi chích mũi 2. Ở Việt Nam không có hệ thống y tế nhắc nhở người dân đến ngày giờ đi chủng ngừa, tái khám, kiểm tra sức khoẻ như các nước Âu Mỹ.

Tôi cũng không biết là khi chủng ngừa có nhập dữ liệu vào mạng lưới tiêm chủng quốc gia không để còn thống kê, làm chính sách sau này, để nhắc dân đi chích mũi 2, để cấp giấy chứng nhận, cấp hộ chiếu vắc xin… Nếu hệ thống này lộn xộn, lẻ tẻ từng phường, quận, thành phố, rồi lại không kết nối, không lưu dữ liệu thì làm sao quản lý và làm nhiều việc sau này đây. Có bộ phận nào giám sát việc này ở Sở Y tế, Bộ Y tế không? 

Nhưng làm gì thì làm, chúng ta phải hướng tới “Mục tiêu cuối cùng của chiến dịch chủng ngừa là toàn dân trong lứa tuổi yêu cầu phải được chủng ngừa để đạt miễn dịch cộng đồng”. Nếu bất kỳ yếu tố nào cản trở việc này cần phải được xem xét và giải quyết ngay một cách công khai để an lòng dân. 

PGS.TS Vũ Minh Phúc

SUY NGHĨ VỀ MỘT MÓN QUÀ VẮC-XIN

LÊ HỌC LÃNH VÂN/ TD 2-8-2021

1) Nhà tài trợ là Vạn Thịnh Phát. Đây là công ty rất mực giàu có và sở hữu nhiều mảnh đất vàng tại trung tâm Sài Gòn. Giàu có thì đương nhiên có quan hệ lớn, cách đây gần chục năm tên tuổi Vạn Thịnh Phát được đề cập ồn ào trên truyền thông vì có mối quan hệ với lãnh đạo cao cấp thành phố Sài Gòn và với giới tài phiệt địa ốc Trung Quốc.

Trong cơn dịch Covid-19, Vạn Thịnh Phát đã ủng hộ xây bệnh viện dã chiến, ủng hộ máy trợ thở, dành toà nhà Thuận Kiều làm bệnh viện dã chiến 1000 giường… Nay Vạn Thịnh Phát có lòng tài trợ vắc-xin thì tui, một người Sài Gòn, xin thiệt lòng trân trọng cám ơn!

2) Món quà Vạn Thịnh Phát tặng là vắc-xin Trung Quốc, do công ty SINOPHARM sản xuất. Là loại vắc-xin bất hoạt ngừa Covid-19, dòng vắc-xin này được Sinopharm sản xuất nhiều loại có tên khác nhau. Trong số các sản phẩm, loại Sinopharn Beijing nằm trong danh sách của WHO. Tuy nhiên, chưa có loại vắc-xin nào do Sinopharm sản xuất được Hoa Kỳ cấp phép. (https://covid19.trackvaccines.org/country/china)

Số tiền Vạn Thịnh Phát bỏ ra theo một tài liệu trên mạng là 45.000.000 đô-la Mỹ, nếu con số đó là đúng, thì đem mua vắc-xin AstraZeneca có thể được số liều nhiều hơn gần gấp đôi vì giá FOB của một liều của AstraZenaca là 4-4.2 đô-la Mỹ, giá FOB nghĩa là giá xuất xưởng! (https://www.theweek.co.uk/951750/what-do-covid-vaccines-cost-who-pays-what)

3) Nhiều bạn bè không chịu chích vắc-xin này nên phân vân. Các bạn tui phần lớn thuộc lãnh vực giáo dục, y tế, báo chí… Tui cũng hỏi công nhân một số công ty nhỏ (dưới 20 nhân viên), họ cũng không chịu. Lần đầu thành phố tổ chức chích ngừa cho công nhân khu công nghiệp Lê Minh Xuân, 80% công nhân công ty tui nói “con xin phép chú, tới nơi thấy vắc-xin Tàu là con đi ra”.

– Tại sao con không chịu chích?

– Cái nào tốt mình xài. Mà nghe nhiều người nói vắc-xin Tàu không tốt. Con sợ lắm.

Mấy người bạn khoa học của tui, trong và ngoài nước, người Việt lẫn người Tây, ngán vắc-xin Tàu vì thấy khi nghiên cứu vắc-xin, các nhà nghiên cứu Tàu ít công bố trên các tạp chí khoa học lớn. Do đó họ e ngại tính chính xác của các số liệu tuyên bố ra! Ngoài ra, lại có kinh nghiệm của một số nước dùng vắc-xin Tàu mà hiệu quả không như mong muốn. Lại nữa, các quốc gia phương Tây không công nhận “hộ chiếu vắc-xin” nếu chích vắc-xin Tàu, do đó người chích vắc-xin Tàu rồi muốn qua nước khác vẫn phải chích lại vắc-xin khác…

4) Dù vì lý do khoa học, sự thuận tiện hay lý do tâm lý, không ít người trong xã hội không thích vắc-xin Tàu, tuyên bố thẳng thừng không chích.

Vấn đề đã bước sang lãnh vực quản lý xã hội. Lòng dân đã không thích. Nhiều người không thích. Điều này đã được thể hiện từ lâu, lẽ ra người có trách nhiệm phải biết và tôn trọng. Đây là cảm xúc cộng đồng, nói tới cảm xúc cộng đồng là phải nói tới thăm dò ý kiến, dư luận. Cảm xúc cộng đồng là điều mà sự biến chuyển cần thời gian, cần thảo luận, thuyết phục, hành động, thái độ thể hiện. Trước mắt, cảm xúc cộng đồng phải được tôn trọng, kinh nghiệm quản trị xã hội cho thấy, áp chế cảm xúc cộng đồng là mầm mống bất mãn và xung đột xã hội lâu dài.

Lẽ ra người có trách nhiệm, trong khi trân trọng với thiện ý của Vạn Thịnh Phát, nhờ họ dùng số tiền đó hỗ trợ mua loại vắc-xin khác, hay hỗ trợ cho các mục khác của ngành y tế… Tấm lòng tốt của Văn Thịnh Phát được ghi nhận mà sự thuận hoà và hợp tác trong xã hội giữa dân chúng và giới có thẩm quyền được nâng cao. Trong hoàn cảnh hiện nay, đây là điều rất cần thiết…

5) Người Sài Gòn, ủng hộ lời kêu gọi của chính phủ, đã góp khoảng 16.000 tỉ đồng cho quỹ vắc-xin quốc gia. Số tiền đóng góp này lớn nhất cả nước, gấp trăm, gấp ngàn lần các địa phương khác, ngay cả so với Hà Nội cũng gấp hơn một ngàn lần. Số tiền đủ sức mua hơn một trăm triệu liều Astra Zeneca. Nói vậy để thấy tấm lòng trượng nghĩa hồn nhiên, bất vụ lợi của Sài Gòn. Đóng góp vậy, nhưng người Sài Gòn thấy tấm lòng bị coi nhẹ, mong muốn không chích vắc-xin Tàu không được tôn trọng. Nói thẳng ra, người Sài Gòn cảm thấy mình bị xúc phạm, và cảm nhận đó chính đáng nếu xét phần đóng góp của họ.

Tấm lòng Sài Gòn là điều người có trách nhiệm phải thấy, phải trân trọng. Và phải thấy rằng, để nuôi dưỡng tấm lòng đó cần trân trọng nó, ít nhất không để Sài Gòn cảm thấy bị xúc phạm. Sài Gòn không cần đặc quyền đặc lợi, không cần một ưu đãi bất công nào, chỉ cần được tôn trọng trong công bình.

Trong khi đó, Vạn Thịnh Phát, trong khi tặng người Sài Gòn vắc-xin Tàu, lại sắp xếp để nhân viên mình được chích ngừa bằng vắc-xin AstraZeneca! Dù cám ơn sự giúp đỡ của Vạn Thịnh Phát, tôi cảm thấy phần nào bị sốc và tự hỏi phải chăng hoạt động liên lạc đối ngoại (ER, External Relations) của Vạn Thịnh Phát có vấn đề! Thật là thêm dầu vào lửa!

Và trong khi Tp Hồ Chí Minh đã bắt đầu chích Sinopharm, đọc một bản tin biết rằng “Từ 27.7, toàn bộ các phường, xã trên địa bàn Hà Nội bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 lớn nhất lịch sử cho hơn 5 triệu dân, bao gồm 3 loại vắc xin gồm AstraZeneca, Pfizer và Moderna” (Thanh Niên, ngày 28/7/2021, THỜI SỰ).

Tôi tin rằng Sài Gòn không ganh tị. Sài Gòn mừng cho Hà Nội hay bất kỳ địa phương nào khác được tiêm vắc-xin tốt và tin cậy, nhưng Sài Gòn không thể không ngó lại phận mình! Trong khi tích cực xiển dương tình đồng bào không phân Nam Bắc, bài viết này e ngại một khi sự công bình không được cộng đồng cảm nhận, những thành phần trong dân tộc tiếp tục lìa xa nhau…

Văn Việt

ĐƯỜNG ĐI CỦA VACCINE TRUNG QUỐC TỚI SÀI GÒN VÀ NHỮNG CÂU HỎI

LƯU TRỌNG VĂN/ TD 4-8-2021

Bộ Y tế chiều 31.7 cho biết TP.HCM đã nhận 1 triệu trong tổng số 5 triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm.

Đây là lô vaccine nhập khẩu đầu tiên của TP.HCM do Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn (Sapharco) đàm phán, thương thảo, ký kết hợp đồng mua và nhập khẩu dưới sự ủy quyền của UBND thành phố.

Vậy Sapharco là công ty nào mà lại được UBND TP.HCM uỷ quyền nhập vaccine?

Theo các thông tin công khai, chính thống:

“Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Sapharco) là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.”.

Vậy là đã rõ, đây là công ty riêng của UBND TPHCM.

Điều lạ, lĩnh vực kinh doanh thuốc chữa bệnh là lĩnh vực đặc thù tại sao UBND TP.HCM lại trực tiếp quản lý?

Điều này không khác nếu công ty Dược phẩm trung ương lại do Chính phủ quản lý trực tiếp vậy.

Theo quảng bá công khai của Sapharco thì:

“Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất và kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng, nguyên liệu sản xuất thuốc; dịch vụ bảo quản và kiểm nghiệm thuốc; dịch vụ khai thuế hải quan.

Ngành nghề kinh doanh phụ trợ: sản xuất, kinh doanh kính mắt và dụng cụ quang học về mắt; kinh doanh máy móc, thiết bị, vật tư ngành y tế, vaccine, sản phẩm sinh học, mỹ phẩm, sản phẩm vệ sinh cá nhân; dịch vụ giao nhận, vận chuyển, đóng gói bao bì;…”.

Theo lãnh đạo Sapharco vào ngày 6.7, UBND TPHCM giao Sapharco thực hiện tìm hiểu và đàm phán, thương thảo với các đơn vị để mua vắc xin phòng COVID-19 cho thành phố. Sau đó, Sapharco đã có công văn gửi Cục Quản lý Dược về việc nhập khẩu vaccine chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam kèm đơn hàng số 272/ĐH-SPC-XNK. Đến ngày 8.7, Bộ Y tế đồng ý cho Sapharco nhập khẩu 5 triệu liều vắc xin Sinopharm để tiêm cho người dân TPHCM. 5 triệu liều vắc xin của nhà sản xuất Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd – Trung Quốc, thuộc đơn hàng số 272/ĐH-SPC-XNK đề ngày 1.7.2021.

Trước đó, Cục Quản lý Dược đã ký quyết định phê duyệt cho phép Sapharco nhập khẩu lô vắc xin Sinopharm của Trung Quốc nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch.

Như vậy 5 triệu liều vaccine Sinopharm mà dư luận phản ứng vì không thuyết phục được độ tin cậy, do bà Trương Mỹ Lan chủ tập đoàn Vạn Thịnh Phát bỏ tiền mua rất đúng quy trình.

Câu hỏi không chỉ dành cho bà Lan một người có mối quan hệ với các doanh nhân Trung Quốc, vì sao biết chất lượng vaccine Trung Quốc dễ gây bất đồng trong Dân Sài Gòn của mình lại bỏ 45 triệu đô la để mua tặng Dân Sài Gòn? Là nhà kinh doanh nổi tiếng khôn ngoan và kinh nghiệm vì sao bà Lan lại hớ hênh đến vậy?

Phải chăng còn điều gì khuất tất ở đây?

Và câu hỏi đặt ra nữa là, tại sao lãnh đạo TP.HCM với kinh nghiệm chính trị và hiểu dân SG lại sốt sắng chấp thuận cho công ty của mình đứng ra nhập khẩu lô vaccine mà biết chắc gây phản ứng của Dân SG về sự nhậy cảm chính trị và độ tin cậy?

Thêm câu hỏi nữa, vì sao Cục Quản lý Dược và lãnh đạo Bộ Y tế lại không tư vấn cho TP.HCM về việc cân nhắc nhập loại vaccine tai tiếng ở nhiều nước về chất lượng, cũng như cảnh báo cho TP.HCM biết rằng bài học 500.000 liều vaccine TQ viện trợ cho VN đã bị Dân VN phản ứng ra sao?

Lưu Trọng Văn

LƯƠNG TÂM NHÀ BÁO ?

MẠC VĂN TRANG/ TD 5-8-2021

Khi nhiều người dân phản đối việc tiêm chích vaccine ngừa covid-19 của Trung Quốc, nhất là dân thành phố Hồ Chí Minh, thì hàng loạt dư luận viên nhảy ra “tác nghiệp 24/24 trên không gian mạng”. Họ “nhảy vào” trang facebook của mình dạy bảo, chửi mắng… Lý sự của họ là:

– Hơn một tỉ dân Trung quốc người ta tiêm vaccine của TQ, bây giờ dẹp hết dịch rồi đó, mở mắt ra mà nhìn, họ đang dạng háng ra cười cho kia kìa;

– Đừng có tuyên truyền kích động chủ nghĩa dân tộc, gây hận thù…;

– Trong lúc “chống dịch như chống giặc”, có vũ khí gì diệt giặc mà còn chê bai, tuyên truyền đi ngược chủ trương của Đảng và Nhà nước…

– Chờ mua vaccine của Mỹ, Anh về thì dân chết hết à? Muốn giết dân à? Sao ác độc thế!

– Trong khi bao người dấn thân chống dịch, lão già không làm gì mà còn tuyên truyền phản động…

– Ông tiêm vaccine rồi (bịa đặt, chứ mình đã tiêm đâu) hãy im đi để dân tiêm, đừng độc ác để giết dân…

– Trong lúc dịch bệnh chết người hàng loạt, người ta tặng vaccine để cứu người, còn “kén cá, chọn canh”, “ăn mày còn đòi xôi gấc”…

– Vaccine Trung quốc được hơn 100 nước sử dụng bây giờ người ta thoát dịch rồi, như UAE, Hungary… đấy.

Nhiều lắm, mình phải dọn dẹp xoá đi mấy chục cái “còm” bậy bạ.

Thôi, đám DLV hạ đẳng chả nói làm gì.

Điều xấu hổ nhất là có những người mang danh NHÀ BÁO mà xuyên tạc sự thật, bịa đặt để tuyên truyền lừa bịp người dân. Ví dụ, một tờ báo ở UAE nói về việc “Mở rộng thử nghiệm (chích vaccine ngừa covid-19) cho trẻ 5 đến 11 tuổi” và bên dưới có tấm hình: “Em Martsol Gerardo, 9 tuổi tiêm mũi thứ 2 vaccine Pfizer BioNtech…”, vậy nhà báo này dám bịa ra: “UAE phê duyệt vaccine Sinopharm… hiệu quả 100% trong phòng các ca bệnh vừa và nặng…”. Đặc biệt nhà báo này đã chú thích dưới bức hình: “Một em nhỏ tại UAE được tiêm vaccine Covid-19 của Sinopharm, tháng 5/2021. Ảnh AP”. Đổi trắng thay đen 100%.

Nhiều BTV của VTV1 mặt hoa da phấn nói leo lẻo không biết ngượng, ca ngợi vaccine Trung quốc, nhất là loại Vero cell nhập về TP.HCM. Trong khi bản thân họ chắc đã nhờ “ông ngoại” với “anh hai” để tiêm vaccine của Anh, Mỹ rồi.

Tất cả các luận điệu tuyên truyền đều nhằm mục đích lùa người dân đi tiêm chích vaccine Vero cell của Sinopharm và trấn áp những dư luận trái chiều.

Nhưng tất cả đám DLV và các nhà báo dối trá kia đều tẽn tò, khi ngày 3/8 Bộ Y tế tuyên bố: “Vaccine Sinopharm đang được Bộ Y tế thẩm định, TP.HCM chưa tiêm đợt này”!

Điều đáng nói là, đám DLV chẳng kể làm gì (phần lớn họ phải giấu tên, che mặt), nhưng những người mang danh nhà báo mà xuyên tạc sự thật để lừa dối người dân thì thật vô lương tâm, thật khốn nạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét